Một đêm, Hàm ngủ ở nhà một dân Thái Đen Bản Bắc (1) chàng thao thức không sao chớp mắt nổi vừa lạ non, lạ nước vừa lạ phong tục tập quán.
Suốt đêm chàng để tay vắt ngang trán nghe những âm thanh của núi rừng Việt Bắc. Cái "lần" nước ở ngoài hiên réo the thé buốt đến mang tai. Dưới gầm nhà, đàn trâu khục khặc xua ruồi muỗi, đập sừng vào cột canh cách, hơi thở phì phì mệt nhọc.
Xa xa tiếng chim rừng hú não nề: " Bắc Quang, Bắc Mục, Hà Giang nước độc"
Tiếng thác reo bên suối ồ ồ hoà lẫn với muôn nghìn âm thanh khác nghe lạnh gáy.
Nghe mãi những tiếng ấy đã quen tai, chàng miên man suy nghĩ chuyện khác. Đang mung lung ở hiện tại, rồi quay về tương lai, cuối cùng tưởng đến câu chuyện xảy ra ban chiều khi mới đến nơi này.
Nàng sơn nữ Thái Đen ban chiều ấy, có thái độ, hình dáng mềm mại quá chừng.
Chàng quên sao được người sơn nữ ấy. Bóng dáng nàng đang quay cuồng rõ ràng trong trí óc. Bộ y phục chẽn xanh đen mầu chàm, cúc áo bướm bạc, chiếc khăn quấn mươi vòng trên mớ tóc mây đen. Thắt lưng đỏ và đôi xà tích bạc lủng lẳng cùng với con dao díp bạc nhỏ nhắn xinh xắn kèm bên mấy đồng hào ván dùi lỗ.
Nhớ nhất là khuôn mặt trái xoan, đôi mắt đen nhánh, hàng môi thắm tươi, hàm răng trắng đều đặn; đến nỗi chàng phải vì đôi mắt đen đẹp tuyệt diệu ấy là phản ảnh của dẫy núi xanh lơ trùng điệp; má hồng tươi vui như muôn ánh nắng bình minh tráng lệ gác bên sườn núi phía đông. Sẵn một tâm hồn trong trắng, chất phác như giòng suối nước dội bên ghềnh!
Nụ cười chào đón gieo trên đôi môi chúm chím đọng sương buổi mai đẹp trời khi mời chàng xơi nước chè.
Bữa cơm đầu trên đất Thái Đen rất ngon lành mặc dầu đặc biệt không có một hạt cơm tẻ.
Những "coóng" cơm xôi trắng trong rất thơm cặp theo mấy xiếp cá nướng với một núi măng đắng chất ở giữa mâm và có bát muối nhỏ để chấm thay nước mắm.
Chủ nhà là một gia đình giàu có, phong lưu trong bản. Qua mấy chục vựa thóc, nhiều gia súc, cách ăn ở xử sự cho khách lạ đánh giá họ cấp bậc nào?
Bộ mặt dắn dỏi, ăn nói nghiêm nghị tử tế của ông chủ trong lúc nói chuyện với Hàm vẫn diễn đều đều trước mặt chàng linh động.
- Ông ở đâu đến đây ạ. Nếu chúng tôi không đoán lầm thì ở về Nam Định, Thái Bình bị một cơn khủng hoảng về nạn đói?
- Vâng, đúng như vậy ạ. Quê chúng tôi ở Hành Thiện, Xuân Trường, Nam Định.
Tưởng đến lời đáp ấy, Hàm quên những câu xã giao khác tiếp theo, chàng liền nhớ đến cảnh tượng quê chàng với bộ mặt cau có.
Năm nay, quân phát xít quá bạo tàn gây cho dân miền châu thổ lao lung về cuộc sống. Ruộng nương, nhà cửa, tốt đẹp hây hẩy như tuổi cô gái quê bừng sức sống mười tám bị bom đạn chúng đốt phá, đem súng về làng đe giết nếu không trồng đay gai.
Hôm chàng ở tỉnh về quê, giữa đường gặp mẹ. Bà cụ ôm mặt khóc hu hu thảm thê kể lể với chàng câu chuyện giặc phá làng, cắt lúa đang xanh.
Lòng người thanh niên đầy sinh khí nóng như lửa, mặt đỏ bừng chạy ra chạy vào căm hờn oán giận hiện rõ trên nét mặt. Chàng phải thốt thành lời cho đỡ xót xa:
- Quân bạo tàn, người da vàng còn hại lẫn nhau, thế mà chúng còn lớn tiếng tuyên truyền rầm rộ loài da trắng mới dã man độc ác!
Nạn đói lan tràn khắp mọi nơi từ đầu làng cuối xóm. Phú nông di cư lên tỉnh tránh nạn cướp bóc xâu xé, bám riết của kẻ nghèo đói đòi hỏi. Trung nông đem bán những đồ đạc thường dùng hàng ngày hoặc gánh gồng tếch xéo vô Trung, lên mạn ngược Thượng du miền Bắc kiếm miếng ăn cho qua ngày, đoạn tháng, bụng đói dày vò.
Khổ sở nhất là những anh bần nông từ xưa tới nay đã chịu đói khó quen nên cố nằm lì ở quê nhà tần tảo. Họ rủ nhau ra vườn dược, ven ruộng bờ lau nhặt rau sam, rau má độn cơm.
Những đứa trẻ nhoai nhoai lìa bố mẹ tìm cách sống bằng cách đào củ chuối hoặc củ sen ở các đầm ao nhai ngau ngáu rất ngon lành.
Chúng trông thấy chàng ở tỉnh về với con mắt lăm le ăn thịt; chẳng còn kiêng nể như mọi lần khác.
Về đến đây, óc chàng chợt nghĩ ra một câu chuyện mà không hiểu ai nói hoặc nghe lỏm ở đâu: chó ăn thịt người ở quê lân cận.
Trong làng có một gia đình nghèo nhất là bác Xã. Nhà bác bần bách nhất gồm có vợ, hai con và bốn mẹ con chó đen mới đẻ núp ở túp lều hoang cạnh ven sông Ninh Cơ. Trong lúc đói khát ấy, thằng con út bác mới sinh được vài tháng bị ốm rất nặng nề. Chẳng phải nhờ ông thầy thuốc bắt mạch để tìm căn bệnh, vợ chồng bác cũng biết nguyên do:
- Nhà nó ạ, con nó đói quá khéo chết lả mất thôi. Tôi phải ở nhà trông con, nhà nó đi lùng xem có gì ăn không?
Một ngày ròng rã, bác xã trai lang thang khắp mọi nơi từ hang hốc cây hoặc bãi cát ven sông để lần kiếm con cá, cái rau, nhưng khi về cũng chẳng có đến một cái gì. Bác vò đầu gào:
- Con nhỏ ta chiều nay sẽ ra sao? Nếu không kiếm được một tí gì cho mẹ nó ăn? Trời ơi! Lấy sữa đâu cho nó bú!
Bác hình dung tới hai bầu sữa của vợ chỉ là cái bong bóng khô khan nhăn nhó chẳng có đến giọt sữa. Đứa bé cố thò mồm nhai nhầu nát cả hai bên vú chẳng còn hút được một mảy may chất sống. Đầu óc bác rối bù đang lo kế xoay xở.
Nhìn quanh quất chẳng có gì đáng lấy được, ngoài bốn mẹ con chó đen trung thành gầy guộc lông rụn sát vào chân da chạy theo chân bác. Không còn nghĩ ngợi gì hơn, bác cầm dao quắm dài cán đập chết mấy con chó con đem vào bụi cây thui chín xách về nhà.
Con chó Mực đen thấy chủ đập chết con mình, nó lồng lộn nhe răng nhe lợi kêu ầm ĩ rồi cắp đuôi chạy mất. Bác biết nó đau đớn lắm và nói một mình:
- Thôi, mày oán tao làm gì? Con tao sắp chết rồi chẳng có gì cho mẹ nó ăn nên tao phải làm liều.
Quay về nhà, con bác đã chết cứng đờ trên tay vợ bác. Bác chẳng còn biết cách nào ngăn cản dòng nước mắt đã bao ngày chịu nỗi đớn đau trút ra để khóc đứa con và cảnh nước loạn ly. Bác đem xác con lấp ở bên lề chiếc hố nhỏ cạnh nhà.
Ngày hôm sau, vợ dậy sớm ra mả con thì đống đất mới bị xoá lộn. Mả mới chỉ còn là một cái hố rỗng, xác con đã biến đâu mất. Bác hớt hãi khóc bù lu, bù loa về gọi chồng.
Cả hai bổ đi tìm khắp mọi nơi từng bụi cây, tùm ruối chẳng thấy đâu, mãi sau bắt gặp con chó mẹ đang nhai đầu đứa con bác ngay ở dưới gốc bòng (2).
Hàm nghĩ đến đây, chàng thở dài buồn bã, não nề nghĩ: Thì ra người ăn con chó, và chó mẹ lại ăn xơi "con" người.
Và cho đến thân chàng cũng không kém chật vật. Ròng rã nửa tháng trời, Hàm gặp đói khát bao nhiêu lần ở dọc đường. Đã biết nhiều đêm ngủ không nhà, nằm bên xác người chết bên đường bốc mùi hôi tanh, xú uế, khủng khiếp!
Những hàm răng người tử nạn trắng tinh nhe trên bộ mặt xũng tím bám đầy ruồi nhặng. Đâu đâu cũng rải rắc xác chết, ở làng Hành Thiện, quê chàng cũng như các nơi lân cận cùng chung một cảnh.
Ngay cả con đường tầu Hà Nội Lào Kay, có chỗ chất năm bảy thây đủ mặt già, trẻ, lớn, nhoai nhoai; có lẽ chết cả nhà vì đói!
Con đường tầu đã trở nên lối đi của trăm nghìn ruồi nhặng. Tiếng vo ve đú đởn của chúng reo hò hả hê như muôn tiếng hô của đoàn quân chiến thắng.
Nhìn bao nhiêu cảnh diễn ra, chàng không còn đủ tâm lực nghĩ thêm nữa; cố nhắm mắt chờ giấc ngủ, nhưng nào quên được! Nó cứ gan lì bám riết ám ảnh.
Trong đó có một giây vô hình khuyến khích bọn trai trẻ còn sống sót lại, phải cùng nhau đoàn kết chống bọn tham tàn, ác độc, đang tâm giày xéo, gây hiểm hoạ cho dân Việt.
Chàng có một cảm giác như oan hồn xác chết hàng triệu người kia đang nhìn oán trách chàng, cũng như bao thanh niên chỉ than hoài qua cửa miệng!
Bỗng nhiên lửa ở bếp giữa nhà lập loè, mỗi lúc sáng hơn. Chàng nhìn rõ cô sơn nữ vừa tơ tưởng đang đậy xôi cơm. Chàng chép miệng:
- Trời gần về sáng. Chú ta sắp dậy! Hôm nay ông ấy đem thóc gạo về quê. Ta là một vật bán được mấy gánh nhỉ.
Rũ chăn đứng dậy ra sân trước mặt, chàng bắt gặp nàng:
- Thày không ngủ ngon giấc à? Sao dậy sớm thế!
- Cô không dậy sớm hơn tôi là gì đấy? Tôi lạ nhà nên không sao chợp mắt được!
- Tôi quen rồi! Thầy bì sao được!
Dứt lời, nàng đứng dậy ra hiên rót nước nóng mời khách lạ rửa mặt. Đồng thời có tiếng khục khặc, húng hắng ho báo hiệu chú chàng cũng đã dậy.
- Này cháu, hôm nay chú xuôi đây. Ông chủ hứa sẽ cho ta hai tạ gạo. May lắm, không thì chú phải ở lại mấy hôm xay lại chậm. Ở nhà, trông một phút một giây đợi gạo đem về.
Cháu cố ở cho vui lòng ông bà để đáp lại công ơn.
Thày để em cháu sống sót về sau này, đó là công của cháu cả. Dốc một lòng làm việc và coi ông bà cũng như cha mẹ, anh chị như hai chị nhà.
Hàm tự nhủ:" Đời ta đáng giá hai tạ gạo hoặc nói khác đi vì nó ta đã phải nhận hai cha, đôi mẹ".
Chú thích
(1): Nghĩa lộ.
(2): Tôi phỏng ý của một truyện mà quên tên tác giả, xin bạn đọc chỉ dùm.