Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Truyện Dài >> Mùa Mưa

  Cùng một tác giả
Không có truyện nào


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 6516 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Mùa Mưa
Nevil Shute

Chương 10

Vào khoảng giữa trưa thì Trung sĩ Donovan đến, với ông Hugh McIntyre, quản lý trại Dorset Downs, một trong những người chăn nuôi gia súc tại địa phương. Họ đến bằng thuyền từ trại chăn nuôi ấy, đó là loại xuồng đáy dẹt, chống đi bằng sào qua các con kênh nước lũ. Donovan rời Landsborough từ sáng sớm bằng ngựa và cố vượt cho được để đến với chúng tôi, nhưng ngựa không thể qua các kênh sâu, một phần vì sợ cá sấu, nên anh ấy phải đi vòng theo đường của trại chăn nuôi đến Dorset Downs và được họ cho mượn con thuyền.
Thật ra chỉ là một chiếc xuồng, bị rò rỉ khá nhiều, hơn nữa trời còn mưa nặng hạt nên đáy thuyền nước ăm ắp. Ông Liên Chi không muốn bỏ nhà ra đi, và tôi nghĩ rằng như vậy cũng làm nhẹ gánh cho Trung sĩ Donovan vì cả năm người chúng tôi lại chen chúc trên một con thuyền nhỏ, mà mạn thuyền chỉ cách mép nước một gang tay, vì thế chúng tôi phải ngồi yên, không nhúc nhích và cứ liên tục tát nước với cái lon đựng thuốc lá. Ông Hugh McIntyre hứa là sẽ bảo thằng nhỏ thổ dân, ngày hôm sau, sẽ mang đến cho ông Liên Chi, mười lít dầu hỏa, và còn gửi thêm bột mì và đường nữa.
Trước khi ra đi, chúng tôi đã chôn ông Stevie phía bên kia của khoảng đất trống, nơi những thú vật đã đến. Trung sĩ muốn nấn ná thêm một ngày nữa vì bọn họ vô cùng lo lắng cho sức khỏe của tôi. Nhưng tôi hiểu rằng khi về Dorset Downs họ muốn tôi nằm nghỉ, và như thế sẽ không có ai làm lễ an táng cho người đàn ông ấy. Vì vậy tôi năn nỉ họ chôn ông ta trước khi đi, mà thật ra đâu có mất thì giờ gì cho lắm, vì huyệt mới đào được một thước, thì nước đã lên đầy. Chúng tôi phải bỏ quan tài xuống và hối hả chôn ngay. Tôi chỉ kịp đọc những phần quan trọng trong lễ cầu nguyện trong lúc Xơ Finlay đỡ lấy cánh tay tôi và những người đàn ông đứng đầu trần trong mưa. Chúng tôi cắm một Thánh giá bằng cành cây để làm dấu nơi ấy và đánh dấu vào hai thân cây nếu trường hợp Thánh giá bị cuốn trôi đi, rồi họ đưa tôi lên thuyền trở về ngôi nhà cũ.
Tháng trước, trong các cuộc đua ngựa tháng Năm ở Landsborough, đó là cuộc đua đầu tiên trong năm sau mùa mưa, tôi bắt đầu để dành tiền để lo bia mộ cho ông ấy. Tôi nhờ các quán rượu và khách sạn vào lúc bảy giờ mỗi tối, lúc mà mọi người đến uống miễn phí sẽ tặng chút ít tiền vì ai cũng còn nhớ Stevie. Tôi phải uống bia dầu không thích lắm nhưng để ngồi nán lại kiếm cho đủ số sáu mươi Anh kim vào đêm thứ ba, vì mộ bia cũng khá đắt tiền ở một nơi như Landborough vì tiền chuyên chở tốn kém. Tôi đặt làm bia ngay ở Cairns và hy vọng trong một hai tháng sẽ xong và có thể chở về Dorset Downs để dựng ngay.
Tôi đã băn khoăn từ đầu về việc làm bia mộ sao cho thích hợp, ngay từ lúc lên thuyền trở về Dorset Downs, tuy đang bị sốt, nhưng tôi cứ suy nghĩ mãi về việc khắc tên trên bia mộ. Dĩ nhiên, họ là Anderson nhưng khó là sắp xếp làm sao cho đúng Stephan hay David hay Stephen David hay David Stephen. Trong chuyến trở về có nhiều thời gian, tôi định hỏi McIntyre hay Trung sĩ Donovan về việc này nhưng lúc ấy tôi bệnh thật sự, nên cũng không thể giải thích cho họ hiểu ý định của tôi. Họ cứ nghĩ rằng tôi đang còn mơ mơ màng màng, nên họ nói mãi một câu :
- “Cha sẽ khỏi thôi” và “Không lâu nữa đâu, Cha ạ !” và rồi tôi phải bỏ ý định ấy.
Dorset Downs là khu đất trên một ngọn đồi nhỏ, và chúng tôi phải xuống thuyền đi bộ về nhà cách đó một dặm. Đi bộ xa như thế đối với người bệnh như tôi, cũng lắm khó khăn, nhưng những người đàn ông quá tốt, họ cho thằng nhỏ chạy bộ về nhà kiếm cho tôi một con ngựa già và khi ngựa đến, họ đỡ tôi lên, cho ngựa đi thẳng lên đồi. Hugh McIntyre chưa có gia đình, nên chẳng có đàn bà nào mà chỉ có những chai rượu gin; họ đưa tôi lên giường và mời Xơ Finlay ở một phòng kế phòng tôi. Tôi đã ở lại đấy bốn ngày cho tới khi bình phục.
Họ có máy bộ đàm chạy bằng bình ắc quy có thể liên lạc được với Landsborough từ Dorset Downs theo thời gian biểu buổi sáng và buổi chiều. Trung sĩ Donovan đã đi về thị trấn bằng ngựa ngay buổi sáng chúng tôi đến, và trong bệnh viện cũng không có ca khẩn cấp đòi hỏi sự có mặt của Xơ, nên Xơ đã ở lại với tôi ở trại chăn nuôi suốt cả bốn ngày. Vào thời gian này, tôi rất muốn trở về Landsborough. Tôi đã vắng mặt một Chủ nhật, vì suy nhược cơ thể, điều này cũng làm tôi băn khoăn. Tôi bỏ mặc cho tờ báo của giáo khu mới thực hiện được một nửa, nên đã bỏ chuyến bay hàng tuần, đưa báo về Cairns để in ra. Tôi ao ước được trở lại ngay với công việc và khi mặt trời lên buổi sáng ngày thứ năm, tôi lại khẩn khoản họ để được trở về.
Dĩ nhiên, chúng tôi đi bằng ngựa, cả Xơ Finlay và tôi với John Collins và Harpo, hai người này làm ở trại chăn nuôi, cởi ngựa theo chúng tôi, rồi đem ngựa về. Đường đi nơi nào cũng còn nước lên độ hai gang tay, nên cởi ngựa đi cũng dễ dàng nhưng cũng phải mất đến ba giờ đồng hồ và vì cởi ngựa suốt cả đoạn đường như thế, nên khi đến được Landsborough, tôi thấy mệt nhiều. Xơ Finlay từ chối thẳng thừng việc tôi trở về tòa cha sở, và năn nỉ tôi vào bệnh viện thêm vài ngày nữa, tôi bất chấp mọi chuyện, trở về thị trấn và chẳng chịu nghe lời Xơ.
Trung sĩ Donovan đến bệnh viện ngay khi chúng tôi mới đến nơi. Tôi đang phải nằm trên giường, vì Xơ đã đem áo quần của tôi đi mất, một cử chỉ biểu hiện lòng từ tâm, nhưng thật ra không cần thiết. Tôi đang băn khoăn làm sao sắp xếp việc đặt bia cho Stevie vì một ngôi mộ Ở giữa rừng, thế nào mà chẳng bị xóa sạch hay lãng quên, nhưng trái lại, nếu có bia mộ, những người làm việc cho trại chăn nuôi, mỗi lần đi qua đấy trên đường công tác, cũng xuống ngựa, để lại một vài đóa hoa trên mộ, hay khấn vái một câu gì đó khi họ biết chắc không ai nhìn thấy, mà đối với họ đấy là một việc thiện. Vì vậy tôi đã nói với Trung sĩ Donovan về việc đặt bia và khắc tên.
Cha mong muốn làm sao người đời đừng quên ông ấy, :
- Tôi nói với anh Donovan :
- Stevie đã làm nhiều chuyện đáng khâm phục.
Trung sĩ thản nhiên trả lời :
- À, thế cũng tốt !
Tôi nói :
- Cha hết sức ngưỡng mộ Ông ấy. :
- Trung sĩ nhìn tôi có phần ngạc nhiên :
- Có một câu thơ về sự thông thái của vua Salomon mà Cha muốn khắc trên bia mộ Ông ấy.
Thưa Cha, câu gì ạ ?
Tôi nói :
- Hãy ráng chịu nỗi nhục thân đoài đoạn, Để rồi người được tưởng thưởng công lao.
Chúa lòng thành sẽ tự thân cảm nhận Có khổ đau giờ mới xứng anh hào (LNĐ).
Yên lặng một lúc rồi Trung sĩ nói :
- À, thưa Cha, đúng vậy.
Tôi hơi thất vọng vì anh ta không có vẻ nhiệt tình cho lắm, nhưng đối với những cảnh sát kỵ mã ở miền Bắc Queensland không nổi tiếng vì những ứng đối lãng mạn. Tôi nói :
- Có điều Cha chưa thông suốt là tên của ông ta. Dĩ nhiên họ là Anderson nhưng tên là Stephen hay David ?
Trung sĩ nhìn tôi chằm chặp :
- Thưa Cha, Cha nhầm lẫn cả rồi ! :
- Ông ta chậm rãi nói :
- Anh ta đâu phải Anderson. Ở Landsborough có ai tên ấy đâu ! Tên anh ta là Stevie Figgins.
Tôi sững sốt nói to :
- Anh ta nói với tôi tên anh ta là Anderson. Nigger Anderson. Người ta gọi anh tà là Nigger vì anh ta lai một phần tư da đen.
Trung sĩ lắc đầu :
- Stevie Figgins, :
Anh ta nhắc lại :
- Con sẽ cho Cha xem sổ hưu của anh ta, tự tay anh ta viết. Thế hắn nói với Cha tên hắn là Anderson à ?
Tôi gật đầu :
- Đúng như thế !
Thằng chả là thế đấy, thưa Cha. Hắn nói bậy bạ khi hắn là con ma men. Thế hắn nói với Cha lúc nào ?
Trong nhà của ông Liên Chi trước khi anh ta chết. :
- Tôi trả lời.
Donovan mỉm cười :
- Lúc ấy đâu còn là hắn ta nữa. Mà Cha lúc ấy cũng không phải là Cha, vì bệnh như thế thì còn biết gì ! Con xin bảo đảm với Cha Stevie Figgons chỉ có một tên và anh ta cũng chẳng phải là dân lai đâu !
Tôi ngồi yên lặng một lúc, cố tập trung tư tưởng. Cuối cùng tôi nói :
- Anh có biết gì về vợ của anh ta không ?
Donovan trả lời :
- Con cũng có biết. Hai người thường đánh nhau như chó với mèo cách đây hai mươi năm, khi anh ta còn giữ chức quản lý trại chăn nuôi Wonamboola. Có lẽ cũng vì rượu mà mất việc. Chị ta bỏ chồng từ đấy và sau này bị xe tải cán chết ở Sydney. Có lẽ vào năm 1950 hay muộn hơn một chút.
Tôi hỏi :
- Thế họ không sống ở Canberra à ?
Anh ta cười :
- Canberra ? Có bao giờ họ đến đó đâu ! Họ không phải là loại người ấy đâu, thưa Cha.
Thế họ có con cái gì không ?
Con không nghe nói đến. Cho dầu có đi nữa, thì họ cũng chẳng trình diện bao giờ. Còn bà con, thì như con biết, chẳng có ai. Điều đó không quan trọng, vì anh ta chẳng để lại gì !
Sau đó Trung sĩ Donovan bỏ đi ngay, còn tôi ở lại một mình cố gắng hòa hợp những gì anh ta nói và ký ức của tôi. Tôi nhận ra rằng, tốt hơn tôi nên bám vào chiếc neo sự thật. Trung sĩ Donovan là một thanh niên có năng lực và điềm đạm, và tôi phải chấp nhận những điều anh ta nói về Stevie là đúng sự thật. Tuy nhiên, nó phù hợp với kinh nghiệm bản thân tôi đối với Stevie cho đến cái đêm trước khi ông ta chết ở Dorset Downs. Và riêng đêm hôm đó, tôi phải công nhận, gần suốt đêm tôi bị sốt quá cao.
Tôi định đưa vấn đề ấy, khi gặp Xơ Finlay lâu hơn, thì tối hôm đó Xơ lại mang cho tôi một tách cà phê. Tôi hỏi :
- Xơ này, tôi muốn hỏi Xơ một việc. Xơ có nghe câu chuyện dài của tôi và Stevie trước khi ông ấy chết không ?
Xơ nhìn tôi lạ lùng :
- Câu chuyện nào ? Con có nghe câu chuyện nào đâu !
Tôi nói :
- Sau khi tắt đèn để tiết kiệm pin. Tôi hỏi anh ta về bà con thân thuộc và anh ta bắt đầu kể cho tôi nghe … vô số chuyện.
Xơ lắc đầu :
- Ông ấy có nói gì đâu. Con chắc chắn thế, thưa Cha.
Không nói gì hết sao ?
Không nói gì. Cha ngồi đấy và cầm tay ông ta, nhưng cả hai người không ai nói lời nào !
Xơ có chắc như vậy không ?
Xơ vừa cười nói :
- Con chắc mà ! Con lo cho Cha nhiều hơn là lo cho ông Stevie, vì ông ta trước sau gì cũng sẽ chết. Và lúc đó Cha đi ngủ, và con không đánh thức Cha dậy vì nghĩ rằng, Cha ngủ được là tốt rồi ! Cha đã ngủ suốt đêm.
Thật là kỳ quặc, vì chính mắt tôi thấy Xơ ngủ.
Xơ có chắc là Xơ không ngủ chứ ?
Xơ phản đối nói :
- Thưa Cha, con không bao giờ ngủ khi có một ca bệnh ban đêm như thế và con chưa bao giờ làm sai.
Tôi nói :
- Cha xin lỗi. Cha không thể bịa đặt một câu chuyện như thế, vì Cha nghĩ là anh ta đã kể cho Cha nghe cả câu chuyện dài về đời tư của anh ta.
Xơ nói :
- Lúc ấy, Cha đang bị bệnh nặng. Nếu con là Cha, con sẽ quên tất cả. Có thể con đã ngủ gật một hai lần, nhưng con vẫn thức và cứ nửa giờ con đi quanh một vòng, để canh chừng cho Cha và đám súc vật khốn khổ ấy. Ông Liên Chi và con đã cho ông Stevie hai điếu nữa vào lúc hai giờ sáng, ngay trước mặt Cha nhưng Cha đâu có thức giấc.
Dầu sao, cũng phải hỏi câu cuối :
- Bầy súc vật vẫn ở đấy sao ?
Dạ vâng. Chúng vẫn ở đấy. Ông Liên Chi trước đây đã thấy chúng làm như thế khi chúng bị mắc cạn trên một nổng đất dưới trời mưa.
Làm gì ?
Đứng nhìn vào nhà. Điều đó có chi mà thắc mắc, chỉ cần cây súng là đuổi chúng đi ngay. Con chẳng ưa gì bọn dã thú nhiều như thế.
Tôi giữ im lặng. Một lúc sau Xơ nói :
- Bất cứ điều gì, Cha nghĩ là ông ta nói với Cha, con đều quên hết. Người ta thường nghĩ ra những điều kỳ quái khi bị sốt cao và chẳng nghĩa lý gì cả. Một phần vì điều kiện lâm sàng, một phần vì bệnh lý mà làm cho người bệnh có ảo giác. Khi một cậu bé bị bệnh, đôi khi không thể không ảnh hưởng đến tâm thần, chút ít thôi và khi cậu bé lành bệnh, tâm thần cũng hồi phục và nhanh hơn nhiều.
Cha hiểu rồi, Xơ ạ ! Đấy chỉ là một kinh nghiệm kỳ lạ, và Cha hy vọng chẳng còn như thế đâu !
Xơ nói :
- Con chắc như thế ! Thấy cha bình phục nhanh chóng, chúng con định để Cha về tuần tới.
Mặc cho những lời phản đối của tôi, Xơ đã bắt tôi ở trên giường đến năm sáu ngày, nằm một mình tôi suy nghĩ, có lẽ Xơ biết tôi muốn trở về tòa cha sở ngay khi tôi khỏi bệnh. Cuối cùng, tôi cũng đã về được đấy và nhận ra người ta đã thay đổi bộ mặt của tòa cha sở. Phòng tôi ở, các cửa kiếng đã thay mới và tường thì được quét vôi màu mới, khung giường, ghế ngồi cũng hoàn toàn mới và một bếp dầu, nấu lên hơi ấm tỏa ra cả phòng. Dân chúng đã ưu ái dành cho tôi, sáng kiến của họ và tôi phải nói rằng tôi rất được họ nể trọng.
Hai tháng tiếp theo, tôi đã sống trong tiện nghi và lười biếng. Thường thường vào tháng trước khi các loại xe có động cơ trở lại hoạt động bình thường ở Gulf Country, thay vì cởi ngựa đi khắp miền, trong mùa mưa, như thời trai trẻ, tôi đã ngồi một chỗ để viết những chuyên mục cho tờ tạp chí của giáo khu, để có thể phát hành hàng tháng, qua đến mùa nắng, mà không mất thời gian nhiều vì đó là lúc chờ đợi cho con đường khô ráo trở lại để lưu thông.
Dĩ nhiên, vào mùa mưa những bộ mặt lạ lẫm cũng ít xuất hiện ở Landsborough. Nhưng một ngày cuối tháng hai hay đầu tháng ba gì đó, một chiếc máy bay lạ bay đến và hạ cánh xuống phi trường, hoàn toàn bất ngờ. Thì ra đó là một chiếc Dakota của Sở Hàng không dân dụng, cho Sở Công chánh và Địa ốc mượn có thời hạn. Hành khách và phi hành đoàn đã đến nghỉ qua đêm tại Khách sạn Bưu điện. Tôi đã gặp họ Ở đấy khi tôi đến uống trà.
Thì ra họ là một nhóm chuyên viên đo đạc và kiến trúc sư từ cơ quan chỉ huy là Sở Công chánh ở Canberra. Trên đường đi, họ đã ở lại Brisbane hai ngày và bay thẳng từ đấy đến Landsborough. Tự nhiên ai cũng muốn biết họ đến đây làm gì và họ là những người thẳng thắn, thành thật nói về công tác của họ. Họ đến để tái lập phi trường ở Invergarry.
Tôi ngồi một bàn với người đàn ông, hình như trưởng toán, tóc hoa râm, trạc năm mươi lăm tuổi, ông Hutchinson. Ông ta nói :
- Chẳng có gì bí mật cả, báo chí đã nói nhiều, nhưng ở đây bà con chưa nghe nói đến. Đây là sự tiếp tục phát huy Không lực Hoàng gia Úc. Chúng tôi mở lại một số phi trường trong thời chiến ngày xưa và biến chúng thành nơi thích hợp cho những phi đội đặt căn cứ thường trực. Đây là chương trình lớn, có nghĩa là những tòa nhà và nhà chứa máy bay kiên cố. Cũng phải mất năm năm mới làm xong, có thể lâu hơn. Lấy Invergarry làm thí điểm, nơi mà chúng tôi sẽ đến thăm ngày mai. Tôi biết chẳng còn gì ở đấy cả.
Tôi lắc đầu :
- Cách đây ba năm, tôi có đi qua đấy.
Thật à ? Chẳng còn gì ở đó, phải không ?
Tôi trả lời :
- Chẳng còn gì trừ phi đạo, đang còn tốt nhưng chẳng có nhà cửa gì cả !
Trống không à ?
Trống không.
Ông ta quay về nói với một người khác :
- Như bạn đã nói, Harry này, người Mỹ đã lấy mọi thứ đi cả rồi ! :
- Quay lại phía tôi ông ta nói :
- Cha nghĩ có khôi hài không, chúng tôi chẳng biết gì ráo ! Nhưng đây là những phi đạo của Mỹ trong cuộc chiến với Nhật, chúng tôi cũng chẳng tham gia gì mấy, hơn nữa những thứ đặt ở nơi người ta không qua lại hằng ngày.
Chúng tôi trao đổi một ít ý kiến về công việc họ sắp làm. Bắt đầu khởi công từ nền của những phi đạo cũ, khảo sát và họa đồ để làm một căn cứ mới cho Không lực Hoàng gia Úc, ngay ở giữa rừng, có khả năng đầy đủ tiện nghi cho một phi đội, như là bước khởi đầu để sau này trở thành căn cứ của một phi đoàn. Ông Hutchinson nói:
- Ít nhất cũng phải mất năm năm trước khi một phi đội hình thành với cả máy bay của nó, làm việc trong thời bình, nên cũng có thể lâu hơn.
Tôi nói nho nhỏ :
- Tương lai, có trực thăng ở đấy không ?
Trực thăng ? Ồ, tôi không được rõ lắm. Tôi tin là người ta chỉ chú ý đến oanh tạc cơ loại trung. Tuy mỗi căn cứ cũng có một hai chiếc trực thăng để xê dịch.
Chúng rất tiện lợi cho việc liên lạc. :
- Một người khác nói.
Tôi ngồi ở bàn với họ một lúc sau khi ăn, vì muốn đi chỗ khác thì chỉ có một chỗ là quầy rượu, và không có ai trong số chuyên viên đo đạc là những tay nhậu bia “chuyên nghiệp”. Ngồi như vậy, suy nghĩ về những điều họ đã nói với tôi, tôi quyết định hỏi ông Hutchinson :
- Thế các bạn có biết rõ Canberra không ?
Ông ta nói :
- Tất cả chúng tôi đều ở đấy. Chúng tôi mới dọn đến năm ngoái từ Melbourne. Nhưng riêng tôi, có khi ở mà cũng có đi, gần mười một năm qua.
Thế anh có biết một địa danh là Letchworth không ?
Biết chứ :
Ông ta trả lời :
- Nó nằm ngay phía ngoài biên thùy Liên bang thuộc New South Wales.
Thế anh có biết con đường Yarrow ở Letchworth không ?
Ông ta nhăn mày :
- Không thể nói là tôi biết. Nhưng ở đấy chỉ có một hay hai con đường gì đó thôi ! Anh Simon có lẽ biết :
Anh ấy làm việc ở Canberra trước khi đến làm với chúng tôi. Này Simon, có biết con đường Yarrow ở Letchworth không ?
Một thanh niên tóc đỏ hỏi :
- Để làm gì ?
Có một con đường tên là Yarrow ở Letchworth phải không ? Cha Hargreaves hỏi như thế.
Người thanh niên trả lời :
- Sắp có thôi, người ta đâu đã làm. Theo như tôi biết, cũng chưa cắm cọc, phân giới hạn. Đó là con đường người ta định làm, chạy lên đồi, cách xa đường xe lửa. Tất cả đều được đặt tên giống như các địa danh ở bên Anh. Xem bản đồ sẽ rõ, người ta làm chấm chấm.
Tôi hỏi :
- Đã có căn nhà nào trên đường chưa ?
Anh ta lắc đầu :
- Toàn là rừng nguyên sơ. Chưa có dự định xây nhà, thưa Cha. Làm sao Cha nghe được tin ấy ?
Tôi nói mập mờ :
- Có một gã tôi quen nói là muốn xây nhà trên con đường Yarrow ấy.
Anh Simon cười :
- Chắc anh ta phải chờ đợi lâu lắm.
Anh có ý kiến gì về việc làm con đường này ?
Anh ấy lắc đầu :
- Cha làm ơn nói cho tôi biết mất bao lâu Canberra mới được phát triển? Thành phố phải trở thành một đô thị ba bốn trăm ngàn dân, đường Yarrow mới được khởi công xây dựng, phải không ?
Ông Hutchinson nói :
- À không, còn lâu hơn thế nữa kia !
Một cuộc thảo luận ngắn, chẳng đâu vào đâu. Tôi hỏi :
- Thế giờ đây dân số là bao nhiêu ?
Ông ta trả lời :
- Hai mươi mốt ngàn. Vậy phải hai mươi năm nữa mới bắt đầu làm, thông thường là vậy. Một khi đã làm, người ta phải trù tính nhà ở hai bên đường sao cho đẹp.
Tôi trở về tòa cha sở đêm ấy, băn khoăn, nghĩ ngợi.
Tuy nhiên, tôi cũng chẳng có thì giờ đâu mà suy nghĩ về những vấn đề này, bởi vì ngay cả mùa mưa, cuộc sống của tôi ở Landsborough cũng đã quá bận rộn. Không phải là những công việc thường nhật như cầu kinh sáng cho học sinh, thăm viếng, và ngay sau đó tôi phải rời khỏi bệnh viện, vì họ đã bầu tôi vào Hội đồng Quản hạt, một vinh dự lớn cho tôi, khi phải nói nhiều ở nơi công cộng. Nhờ chức vụ này mà tôi hối thúc họ thành lập một trường Mỹ thuật, những nơi khác người ta gọi là Thư viện công cộng, đồng thời tôi cố gắng thành lập Hội phụ nữ địa phương. Như thế để chứng minh rằng, rất mất thì giờ, để tìm hiểu quan niệm của những người không am hiểu và cũng cần thời gian để góp nhặt từng đồng để gây quỹ và cũng có lắm công việc như biên thư cho những thành phần ở Brisbane và những đô thị khác. Thành thử tôi ôm đồm nhiều công việc và cũng lấy những công việc ấy làm vui, vì tôi không muốn người ta nghĩ rằng, mục sư của họ chỉ ngồi khoanh tay vào mùa mưa, khi thật khó cho tôi muốn đi lại thăm viếng trong giáo khu.
Mọi sự cuối cùng rồi cũng chấm dứt, và vào khoảng giữa tháng ba chúng tôi liên tục có những ngày trong sáng với mặt trời chói nắng. Chúng tôi cũng còn chịu một hai trận mưa giông để dứt điểm mùa mưa, nhưng vào cuối tháng xe hơi bắt đầu hoạt động trở lại trong phạm vi Landsborough và nước trên con đường đã khô. Đến giữa tháng tư, xe tải đã có thể lưu thông tới vùng Cloncurry trở lại và tôi lại có thể thăm viếng trong họ đạo.
Dĩ nhiên, tôi có nhiều việc để làm. Cũng nhờ những máy thu thanh nhỏ và máy bay, tôi đã biết được những gì đang xảy ra. Có một số các em nhỏ sinh ra trong mùa mưa được tôi rửa tội, vài đám tang được ban phép lành. Trước tiên, tôi đi về hướng đông, đến huyện Newmarket River thuộc giáo xứ của tôi. Điều kiện đi lại không phải dễ dàng, có khi tôi phải bỏ mất một ngày Chủ nhật ở Landsborough vì đường trở về đến một trăm ba mươi dặm và ở đấy cũng có nhiều việc để làm, tôi nghĩ là nên ở lại để làm thỏa mãn các đòi hỏi tinh thần của người dân trong vùng ấy. Trong chuyến đi xa ấy phải mất mười một ngày, và suốt cả vùng ấy đang còn ướt át, lầy lội, nhưng tôi vẫn khỏe mạnh vì được nghỉ ngơi dài ngày cho lại sức.
Tôi trở về Landsborough ngày thứ Bảy, và tôi phải ở lại trong huyện một tuần vì chẳng có phương tiện chuyển vận đến Blazing River cho đến ngày thứ Hai sau. Để giết thì giờ, tôi thăm các trại chăn nuôi quanh vùng, ở lại một đêm ở Dorset Downs, nhờ lòng tốt của McIntyre, tôi mượn được con ngựa và nhờ thằng nhỏ da đen làm hướng dẫn viên đưa tôi đến nhà ông Liên Chi.
Chúng tôi khởi hành từ tờ mờ sáng và phải mất ba tiếng đồng hồ băng qua rừng mới đến đấy. Khi chúng tôi đến nhà, ở trên khoảnh đất cao giữa những vũng nước đọng, chúng tôi mới biết là ông Liên Chi đang bận làm việc trong vườn. Lũ rút đi để lại một lớp bùn non trên mọi vật, nên ông ta phải cuốc lật đất lên trước khi trồng. Mảnh đất cũng khoảng một sào và ông còn canh tác thêm một miếng nữa, lớn cũng bằng như vậy. Trông xà lách đang nở những đọt non cũng vui mắt, ngôi vườn trông ngăn nắp sạch sẽ sáng lên và tươi tắn dưới mặt trời ấm áp.
Thằng bé giữ ngựa cho tôi xuống, ông Liên Chi bỏ công việc đến chào tôi. Tôi nói chuyện với ông ta và nói cho ông biết dự định của tôi đến thăm mộ anh Stevie, xem thử có gì cần làm không vì hiện giờ tôi đang đi thăm quanh vùng này. Cả hai chúng tôi đi về phía ngôi mộ. Thánh giá trôi đi, nhưng lớp đất phủ trên mộ vẫn còn, hay ông Liên Chi mới chạp cũng nên, vì có một lớp đất mới trên mặt. Chung quanh mộ Ông ta cắm cọc rồi buộc những tấm tole cũ vào đấy để làm thành bức tường, nên ngôi mộ trông biệt lập vì có rào chắn. Ông không cắm cây Thánh giá nữa mà mỗi góc mộ Ông trồng một cây hoa Gladơn.
Tôi hết sức cảm động và trân trọng việc giữ gìn nắm xương tàn của người bạn quá cố của ông ta và nói một vài điều liên quan tới ông ấy, nhưng ông ấy khó mà thông cảm được hết vì ông ta là người Hoa. Tôi hỏi ông ấy xem thử có trở ngại khi tôi đặt một tấm bia cho mộ anh Stevie, ông ta nhún vai có ý muốn nói tôi muốn làm gì thì tùy ý. Tôi lại hỏi ông ấy có muốn ai tới ở chung cho có bạn, ông ta trả lời không, nhưng không nói lý do. Ông ta hình như không sẵn sàng để thảo luận về cuộc sống của ông ta hay chuyện riêng tư gì cả, dầu gặp tôi, ông ta tỏ ra rất mừng. Tôi có hỏi ông ta cần gì ở thị trấn, tôi sẽ gởi lên, nhưng ông ấy bảo vài hôm nữa, ông sẽ đi về thị trấn và sẽ tự mua lấy. Ông ta đã tìm thấy chiếc vali thuốc men của Xơ Finlay khi nước rút xuống và đưa cho tôi đem về cho Xơ, tuy đã bị hư nhiều vì phải bị dầm nước gần ba tháng.
Vì vậy, tôi phải chia tay với ông ta cùng cậu bé người da đen trở về Landsborough, sau mười hai giờ một chút là chúng tôi đến nơi. Tôi để cho cậu bé đem ngựa về và sau khi ăn tối, tôi đi bộ đến bệnh viện và giao chiếc vali cho Xơ Finlay. Xơ mời tôi ở lại uống trà, trong lúc uống trà, tôi kể cho Xơ nghe chuyện về ngôi mộ.
Xơ nói :
- Nghe ngôi mộ được chăm sóc, con cũng mừng. Thật ra ông ấy cũng làm cho chúng ta bực mình nhưng vắng ông ấy cũng thấy nhớ. Ông ta không phải là hạng người tệ hại như vậy.
Tôi nói :
- Nghĩ cho cùng, ông ấy cũng có những cái tốt. Cha cũng tìm thấy nơi ông ta một cá tính làm người khác lưu tâm.
Nhưng nếu ông ta đừng để “bốc mùi” như thế ! :
- Templeton nói.
Tuần tiếp theo, tôi bắt đầu chuyến đi thứ hai trong năm về miền nam và miền Tây của Landsborough, ngày đầu tiên đi nhờ xe thư báo đã bắt đầu chạy lại. Chúng tôi không thể chạy nhanh được vì sau mùa mưa, xe cộ bắt đầu di chuyển trên đường, nhưng phải gần một giờ mới gặp một chiếc xe khác. Dĩ nhiên là phải dừng lại để tán chuyện gẫu và trao đổi tin tức trong khoảng mười lăm phút. Bác tài cũng phải uống với chúng tôi cho hết chai rum, rồi chúng tôi cũng phải uống cho hết chai của bác tài, sau đó mới tiếp tục lái xe đi. Tối hôm đó tôi xuống xe và ở lại nhà ông bà Cooper ở Sweet River, làm lễ ban thánh thể và rửa tội cho một em bé sáng hôm sau. Buổi chiều Fred Cooper lái xe đưa tôi đến Mariboula, ở đấy tháng trước bà cụ Foster đã chết vì bệnh viêm màng phổi.
Tôi tiếp tục đi như thế độ một hai ngày nữa, có lẽ là mồng chín hay mười tháng năm, đêm ấy tôi ở lại Blazing Downs với ông bà Taggart. Ở Blazing Downs có con đường lái súc vật đi qua độ một ngàn hai trăm con. Tôi hỏi ai là lái để xem thứ có quen không.
Joe Taggart nói :
- Jock Anderson. Cha gặp anh ta chưa ?
Tôi lắc đầu :
- Cha không thể nói là có quen cái tên ấy. :
- Cái tên Anderson mà tôi quen có vẻ không thật, nên tôi dứt khoát gạt ra khỏi tâm trí tôi.
Anh Joe nói :
- Tôi không biết rõ anh ấy. Anh ấy là người Scotland, người miền núi. Thường làm việc ở biên giới, nhưng thỉnh thoảng cũng đến đây.
Tôi hỏi cho có vậy thôi vì chẳng có gì hấp dẫn cả, chúng tôi quay sang nói chuyện khác. Tôi ở lại đêm với gia đình Taggart, còn Joe thì tình nguyện lái xe đưa tôi đến Wentworth ngày hôm sau, gần cả bốn mươi cây số, như thế là quá tốt. Tôi sắp đặt để làm lễ ban thánh thể sáng hôm sau, sau khi ăn sáng, vì đó là ngày trong tuần, người ta phải đi làm và sau đó, có hai đứa trẻ thổ dân cần rửa tội trước khi chúng tôi lên đường.
Chúng tôi đang ngồi nói chuyện buổi sáng thì nghe tiếng vó ngựa đi vào trại. Tôi không thể phân biệt được là ngựa trong trại hay ngoài đến nhưng Joe nói liền :
- Giờ này mà ai đến vậy kìa ?
Một lúc sau thì thấy một người đàn ông có râu, tóc vàng, cao ráo, mặc áo sơ mi xanh hơi bẩn, cởi ngựa có vẻ ngờ ngợ tiến đến dưới hàng hiên khi thấy chúng tôi đang ngồi ở bàn.
Joe đứng dậy chào :
- Vào đây đi Joe, cũng vừa giờ ăn sáng, :
Và rồi ông ta nói to vào phòng dọn ăn :
- Sunshine ơi, con làm ơn đi đến bác Cookie nói cho thêm một phần ăn sáng cho bác Anderson.
Ông ta quay về phía tôi :
- Giới thiệu Cha đây là anh Anderson Jock, đây là Cha Hargreaves ở Landsborough.
Người đàn ông bắt tay tôi :
- Tôi có nghe nói Cha mới đến. :
- Trông anh ta rõ là người Scốtlen. Anh ta nói tiếp :
- Mời Cha cùng cởi ngựa đến trại chúng tôi để rửa tội cho cháu nhỏ.
Tôi cười :
- Rửa tội cho cháu, tôi sẵn lòng. Cháu của ai ? Con anh há ?
Thưa Cha vâng, con của chúng tôi. Vợ tôi đang ở trại.
Anh Joe ạ ! Hôm nay tôi sẽ đi Wentworth. Anh cũng đi về hướng ấy chứ?
Anh ấy trả lời :
- Cũng cách Wentworth mưới tám dặm về hướng bắc, thưa cha. Tôi cũng có đem dự phòng một con ngựa, nhưng nếu Cha cởi chung với tôi, tôi sẽ đưa cha về đây trước khi trời tối. Nếu Cha muốn ở lại đêm, tôi sẽ đưa Cha về Wentworth sáng mai. Nhưng ở đấy chỗ ở tồi tàn lắm !
Không hề gì ! :
Tôi nói :
- Tôi quen rồi ! Tôi có mang xách tay theo. :
- Tôi quay qua nói với Joe Taggart :
- Thế là anh đỡ phải chở tôi suốt cả con đường.
Thế là tôi theo anh Jock về trại của anh ấy. Tôi nói :
- Tôi sắp sửa làm lễ ban Thánh thể. Anh có muốn đi theo chúng tôi không?
Anh ấy lúng túng trả lời :
- Đã nhiều năm qua, tôi chưa được dự lễ ban Thánh thể.
Tôi trả lời :
- Thế thì dự đi ! Tôi rất vui mừng đón tiếp anh.
Trước khi buổi lễ bắt đầu, Joe Taggart nói với tôi :
- Tôi xin lỗi Cha đã giới thiệu người ấy. Chỉ có gái và rượu ở nhà hắn ta.
Thôi cũng được anh ạ ! Tôi nghĩ đó cũng là lý do anh ấy không mang cháu nhỏ đến đây.
Anh ấy gật đầu :
- Chính vợ anh ta cũng không thích, nên anh ấy chẳng làm gì được. Tôi chỉ sợ làm buồn lòng Cha thôi !
Tôi nói :
- Chẳng có chi mà phiền. Tôi đến đây để làm việc ấy.
Tôi chỉ sợ Cha mất ngủ. :
- Joe nói.
Tôi cười :
- Đâu phải là lần đầu tôi ở lại trại của người lái trâu, sẽ còn dài dài.
Chúng tôi khởi hành lúc chín giờ sáng, sau khi đã làm lễ ban Thánh thể và rửa tội. Jock Anderson có hai con ngựa nhưng chỉ một cái yên vì dắt một con ngựa có yên sẵn mà không ai cởi thì cũng hơi quê. Anh ta nài nỉ tôi cởi con có yên, còn anh ta cởi con không yên lại còn đèo thêm cái vali đựng đồ lễ của tôi. Từ Blazing Downs chúng tôi ra đi.
Trên đường đi, anh ta nói rất ít. Tôi hỏi anh ta từ đâu đến, và anh ta nói cho tôi biết đã ở suốt mùa mưa ở Robinson River, hai trăm dặm về hướng tây bắc, vì đã trót ký hợp đồng đem bầy súc vật từ Wollogorang đến ngay xe lửa sau mùa mưa. Anh ta đã ở trên đường đi ba tuần, và hy vọng mười hai ngày nửa sẽ đưa bầy súc vật đến Curry nếu không có chuyện gì xảy ra. Rồi anh lại vội vã trở về Robinson River để kiếm bầy súc vật khác. Dưới quyền anh còn bốn người nữa và ba mươi con ngựa. Anh ta thuộc loại người làm việc đều đặn và có trách nhiệm, cho nên các quản lý trại súc vật, ai cũng cần. Có lẽ, anh là người kiếm được nhiều tiền nhưng lại ít tiêu tiền khi về thị trấn.
Cởi ngựa đến trại của anh ta cũng mất hai giờ, trước khi mặt trời lặn. Trại đóng bên cạnh một vũng nước đọng với bầy gia súc và ngựa khắp nơi. Thường thì anh ta di chuyển, nhưng hôm ấy anh ta nghỉ lại để đón tôi. Trại có lều cho vợ chồng anh ta và một mái che bằng cành bạch đàn cho người nuôi gia súc da trắng, Fleming và ba người thổ dân, ngủ ngoài trời.
Có một nhà bếp thô sơ dựng sát bờ sông, bếp lò làm bằng vài viên đá và hai thanh sắt, có một cô gái canh lửa. Cô gái lai, có nước da màu cà phê, người ít nói nhưng trông cũng có duyên. Vì để đón tôi, cô ta mặc áo đầm đỏ tươi, mái tóc đen dài thì cuốn quanh đầu. Tôi cho đó là chuyện lạ, vì sáng hôm sau, khi nhổ trại, cô ta ăn mặc áo quần đàn ông, quần cao bồi, áo carô. Cô ta phụ trách nấu ăn cho toàn trại.
Cô ta có đứa con nhỏ nằm trong võng đi rừng của quân đội Mỹ, trông giống như một cái giường nôi của trẻ em, cũng có mái che không thấm nước, để cháu bé khỏi bị ánh mặt trời chiếu vào, ở phía trong lại có mùng để ngăn ruồi, muỗi vào cắn đứa nhỏ, rất độc hại. Họ mở mùng cho tôi xem thằng nhỏ. Đứa trẻ bụ bẩm, cũng được nhiều tháng tuổi, nước da cũng không đen lắm. Tôi nói :
- Cháu dễ thương quá, sinh lúc nào ?
Jock trả lời :
- Ngày chín tháng giêng. Tôi nhớ là ngày thứ Ba sau lễ Ba vua, vào lúc năm giờ sáng, giờ tôi thức dậy, còn mơ màng vì buồn ngủ, nhìn thấy đàn súc vật còn đứng quanh nhà.
Chuyện trùng hợp là tên người đàn ông ấy cũng là Anderson. Tôi định bụng là quên đi chuyện cũ, trở lại với kỷ niệm làm gì ! Tôi nhìn cháu bé nói :
- Cháu trông kháu khỉnh. Anh chị muốn đặt tên gì ?
Cô gái nhìn chồng mỉm cười, anh ấy tự tin nói :
- Nhà tôi có ý gọi cháu là Stephen khi mới sinh cháu ra, nhưng tôi nghĩ nên chọn tên David, tên của cha tôi. Giờ thì cả hai chúng tôi đều bằng lòng.
Có điều gì ngăn cấm tôi phải cần dấu những cảm xúc hiện đến và tiếp tục công việc cần làm, coi như chẳng có chuyện gì lạ lùng cả. Tôi quay về phía người vợ hỏi :
- Chắc chị cũng thỏa mãn với cái tên ấy chứ ?
Cô ta gật đầu :
- Tên cháu là David.
David là tên Thánh đấy cô ạ !
Tôi thản nhiên trả lời, trong lúc chờ đợi để tập trung tư tưởng, tôi liếc nhìn bàn tay cô gái, thấy chiếc nhẫn cưới tôi hỏi:
- Anh chị đã làm phép cưới ?
Anh ấy trả lời :
- Vâng, Cha Fisher đã làm lễ cưới cho chúng tôi tháng chín năm ngoái ở vùng Roper River.
Tôi nghĩ Jock Anderson đã cưới cô gái lai và giờ thì có con, thế cũng được.
Bây giờ thì chẳng có chuyện gì để nói nữa và tôi làm lễ rửa tội cho cháu bé vào Giáo hội Cơ đốc giáo. Chẳng có gì phải chậm trễ nên tôi nói với anh Jock Anderson, phải làm lễ ngay, trước khi ăn, và anh ta đã nói cho bà vợ biết. Chị ta là người ít nói, sau khi người chồng đưa tên, tôi mới biết tên họ của chị ấy là Mary Anderson.
Chuyện người đỡ đầu cũng có chút trở ngại, vì Jock Anderson không chuẩn bị trước. Cuối cùng phải nhờ Phil Fleming, mới có hai mươi tuổi chưa biết nhiều về lễ rửa tội, nên tôi phải nói riêng với anh ta và hướng dẫn những điều cần làm. Chưa có mẹ đỡ đầu nhưng cô Mary nói rằng chị cô là Phoebe, hứa sẽ đỡ đầu cho cháu, nên tôi đã cho phép cô ta thay chị mà làm lễ, vì chị ấy bận làm việc ở Chillagoe.
Họ có một thùng gỗ sạch, đem ra chùi rửa, xong đổ đầy nước lụt và đặt trên một thùng thực phẩm có trải khăn lễ, dùng làm nước rửa tội. Chỗ làm lễ, trước hai cây bạch đàn, gần mép nước và cách xa trại, trên một khoản đất trống sạch sẽ. Chúng tôi đuổi bầy gia súc đi và tập trung chúng lại ở một nơi khác, trước khi buổi lễ bắt đầu.
Từ ngày thụ phong mục sư đến giờ tôi đã làm lễ rửa tội cho trẻ em hàng trăm hàng ngàn lần và với tuổi tôi, ai cũng nghĩ rằng đã nằm lòng ý nghĩa của lời kinh. Hơn nữa, tôi đã tự rèn luyện để tư duy về những từ tôi đang nói là một nghệ thuật ngăn ngừa buổi hành lễ trở thành máy móc, và trước tiên sự tập trung không bao giờ đưa tôi đến một sự bất ngờ nào trong lễ rửa tội cho trẻ em. Nhưng khi tôi đến câu :
- “Hãy cho đứa bé Chúa Thánh thần, để nó được tái sinh và được làm kẻ thừa kế cho sự cứu rỗi đời đời.” Tôi phải dừng lại, bởi vì thình lình tôi cũng không hiểu thật sự tôi đang nói gì. Đối với tôi hình như trước đây tôi chưa bao giờ nói những lời như vậy và tôi phải nhìn vào quyển kinh để biết chắc là có trong đó và thật ra, chẳng sai chút nào, trước khi tôi có thể tập trung tư tưởng để tiếp tục hành lễ.
Trong ánh sáng của chiều tàn, quanh chúng tôi bầy gia súc đang đứng dầm mình trong nước, có con di chuyển gây ra những tiếng động bì bỏm, có con nằm phơi mình nhai lại. Mùi súc vật nồng nặc cả khu trại. Tôi nói nhẹ nhàng với người cha đỡ đầu để khiến anh ấy trả lời cho buổi lễ tiến hành êm đẹp. Tôi bồng cháu bé, rời khỏi tay mẹ cháu, và tự mình làm lễ đặt tên cho cháu là David.
Cuối cùng, buổi lễ đã xong, cháu bé đã được đặt lại vào võng, người mẹ bận nấu ăn tối và tôi xếp khăn lễ ở bàn thờ.
Bữa ăn tối cũng như lệ thường :
Thịt bò ướp muối, nướng ăn với khoai tây, bánh mì tự làm, bơ, trà đậm uống với đường, ngồi ăn ngay trên đất. Ánh nắng tắt dần khi chúng tôi ăn tối và bà mẹ thắp ngọn đèn bão, trong ánh sáng cuối cùng của ngày, tôi đã chọn được một nơi dưới gốc cây để ngủ, mở xách cá nhân và dọn giường để ngủ.
Tôi biết họ sẽ đi ngủ sớm vì họ phải dậy trước rạng đông để nấu ăn sáng và nhổ trại, và tập họp gia súc lên đường trước khi ánh mặt trời ló dạng. Nhưng trong lúc bà mẹ còn dọn dẹp sau bữa ăn tối, lo ru con ngủ ở trong lều, tôi ngồi với Jock Anderson trên một khúc gỗ, hút với anh ta một điếu cuối cùng trước khi đi ngủ.
Tôi nói :
- Anh Jock, cháu thật dễ thương, nên hãnh diện vì cháu.
Anh ta trả lời :
- Ôi, vì cháu da màu nên có một thời cũng khổ !
Tôi nói :
- Chuyện ấy tôi chẳng ngại mấy ! Có nhiều việc trọng đại hơn. Cháu có một người mẹ đảm đang.
Anh ta trả lời :
- À, cô ấy là một người đàn bà giỏi. :
- Anh ta hít một hơi ống điếu rồi nói :
- Tôi không biết bà con ở nhà nói thế nào ? Họ chẳng bao giờ thông cảm cho, thưa Cha. Một người đàn ông sống năm này sang năm khác và chưa bao giờ thấy một cô da trắng độc thân và cảm thấy cô đơn quá chừng ở trong rừng. Và cô ấy là một người vợ đảm đang.
Tôi nói :
- Chắc chắn là thế. Một người con gái da trắng có thể chịu đựng như thế này chăng ? Anh nên nghĩ đến chuyện đã rồi. anh Jock ạ ! Phải vì lòng thương con, giá như anh có thêm các cháu nữa ! Vợ anh thật đảm đang, nhưng rồi ai cũng phải có một gia đình ổn định khi các cháu ra đời.
Anh ta chậm rãi nói :
- Vâng, thưa Cha. Cô ấy chỉ biết lo việc gia đình thôi. Ông Jimmie Beeman, quản lý trại Tavistock Forest hứa sẽ cho tôi công việc trưởng toán chăn nuôi gia súc năm ngoái. Ông ta đi xem cuộc đua ngựa và gặp tôi. Có thể tôi không làm nghề này nữa và đến đấy.
Ông cũng biết Mary, phải không ?
Vâng, ông ấy chẳng quan tâm gì đến việc da màu !
Tôi nói :
- Tôi rất đồng ý với anh. Anh đừng bắt buộc chị ấy phải đi theo đoàn khi chị ấy có con mọn. Đối với đàn bà điều đó thật không công bằng. Nếu Jimmie Beeman muốn nhận anh vào làm việc ở Tavistock. Tôi phải đi đến đấy. Anh ta có nhà ở đấy, phải không ?
Anh ấy gật đầu :
- Tôi phải đắn đo việc ấy, thưa Cha. Ông ta có một căn nhà hai phòng ở khu vực chăn nuôi.
Tôi nói :
- Có lẽ ông ấy phải xây thêm một phòng nữa, nếu anh làm với ông ta một hai năm. Thế tôi sẽ nói chuyện với ông ấy khi tôi có việc đi qua vùng ấy, tôi hứa giúp anh :
- Tôi ngừng nói và hút thuốc, nhìn ra hồ nước dưới ánh trăng lặng lẽ.
Tôi lại nói :
- Thế anh có biết cô nàng mà ông ấy kết hôn không ? Nan Fowler, con gái của cụ Jim Fowler làm ở Sở Hỏa xa Julia Creek. :
- Anh ta gật đầu :
- Cô ấy là cô giáo vùng Charter Towers.
Tôi nhắc anh ta :
- Thì họ cũng sắp có gia đình như anh vậy, mà cô ấy cũng vẫn còn đi dạy. Anh suy nghĩ gì nữa ! Bây giờ anh đã làm cha rồi !
Anh ấy chầm chậm trả lời :
- Đấy là sự thật. Tôi nghĩ trường học là nỗi bận tâm của ông ấy đối với người da màu. :
- Anh ta nói tiếp :
- Thằng con tôi cũng dễ thương đấy, Cha nhỉ. Nó sẽ lớn lên và đẹp trai. Có thể làm giám thị cho trại nuôi gia súc, không thì làm lái trâu bò.
Tôi bảo :
- Đừng nói như thế. Anh phải cho cháu đi học thật đàng hoàng. Anh không thể biết được tương lai một con người sẽ như thế nào. Nó có thể vươn lên để trở thành một cái gì đó trước khi chết.
Chúng tôi gõ sạch ống điếu rồi đi ngủ liền. Tôi nằm như vậy cũng đã lâu, chờ cơn ngủ đến, mãi ngắm những ngôi sao rực rỡ trên bầu trời Queensland, qua sự trang trí mỹ thuật của tàn lá bạch đàn. Tôi hiểu được rằng, ở một góc của bức màn đã được vén lên cho tôi thấy được, qua Stevie Higgins, trong bàn tay của Thượng đế, và tôi vẫn còn bối rối nhận biết tại sao việc ấy đã được thực hiện. Bởi vì điều đó có nghĩa là tôi đã được ngợi khen ở một nơi nào đó rất xa chỗ tôi đang sống, tôi chỉ là một con người nhỏ mọn, tối tăm như bao triệu con người khác vẫn làm công việc thiết thân hàng ngày mà chưa hoàn chỉnh. Tôi là ai mà Thượng đế đã chọn để tiết lộ những huyền vi của Ngài ?
Và Stevie là ai mà sự tiết lộ đầy đủ đã được thực hiện ? Nhưng ở đây tôi cảm thấy đang ở trên một miền đất chắc chắn hơn vì đó là con đường Thượng đế đã vạch ra cho những người nghèo khổ và hèn mọn. Nếu Thánh kinh dạy cho chúng ta điều gì, ý Thượng đế nói ra rất ít với các nhà thông thái và những nhà ngoại giao vĩ đại. Vì thông điệp của Ngài chỉ nói với người nghèo khổ và hèn mọn, người bị gia đình và xã hội ruồng bỏ, người bị khinh khi.
Vì thế, tôi chẳng viết thêm gì cho tác phẩm này. Tôi đã viết ra hết và cũng đã nhẹ nhỏm tâm hồn. Tôi xin gấp tập lại để cho tâm trí thảnh thơi để làm những việc cho họ đạo bao la này. Tất cả kinh nghiệm kỳ lạ này dạy cho tôi đi đến khẳng định, những gì tôi nghĩ là tôi đã biết, bí mật, có lẽ sâu trong đáy lòng. Nếu một điều gì đó được người ta nói là thật, điều đó có nghĩa là chúng ta đã tự tạo ra Thiên Đàng hay Địa Ngục trong cuộc sống hằng ngày của chính chúng ta, và vương quốc Thiên Đàng là ở đây, giờ này, cho những ai trước đây đã ra đị.

Hết

<< Chương 9 |


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 722

Return to top