Giấc mơ đó không làm tôi sợ hãi chút nào, nhưng tôi cảm thấy nó có nỗi buồn vô tận. Tôi không thể sợ hãi Diên Tôn được, dù với hình thể nào chàng đến với tôi. Câu chuyện ma quỷ vẫn chỉ làm tôi mỉm cười. Sự xét đoán về tiềm thức của tôi luôn luôn làm cho tôi nhớ tới người thân yêu xa cách..tuy cố giữ không thổ lộ là tôi trông thấy Diên Tôn.
Bà Mạch quả quyết rằng trông thấy bà mẹ hiện lên, bà mẹ sống ở Ireland và chết ở đấy.
Bà giảng giải cho tôi nghe, vẻ long trọng:
- Đó là một buổi sáng đẹp trời vào dịp Phục sinh. Bữa trước tôi mới cãi nhau với Mạch và không muốn đi nhà thờ nữa. Tôi mặc quần áo cũ để lau sàn bếp. Mạch gào lên tôi phải cùng đi với hắn và các con đến nhà thờ - lúc này chúng tôi có sáu đứa. Nhưng tôi quyết từ chối và hắn đi một mình. yên tĩnh trở lại, tôi rửa mặt, mặc chiếc áo ngủ sạch và đi nằm để lấy lại sức. Giữa lúc này, mẹ tôi hiện về. Bà mặc toàn đồ trắng, như một bà tiên. Mớ tóc hoa râm kết thành giải theo thói quen của bà. Bà bảo tôi Con khốn nạn của mẹ, con chỉ là một người đàn bà thì đành phải an phận. Tôi trả lời và nhắm mắt ngủ ngay như trẻ thơ. Đúng thế mẹ yêu dấu của con. Khi tôi tỉnh giấc, Mạch đã trở về đang cho các con ăn. Tôi trở dậy người khoẻ mạnh như cũ.
Đó là một câu chuyện dựng đứng, nhưng bà Mạch tin là đã trông thấy.
Chiều nay, tôi đến thư viện thành phố gần nhất đấy và tìm thấy cả nửa tá sách nói về mộng mị và ảo tưởng. Tôi lấy làm hổ thẹn, đọc những sách này vì tôi không tin dị đoan. Nhưng lại tự nhủ nếu một thanh củi, một phần nguyên liệu, có thể biến thành nhiệt năng trước mắt tôi, thành lửa, thành tro và sức nóng, thì tại sao một hình hài sống động, một trí óc sáng suốt, một tâm hồn giàu tình cảm và lòng vị tha lại không thể hiện dưới mắt tôi với một hình thể khác. Cứ như vậy tôi đi sâu vào cuộc phiêu lưu, đi tìm người tôi yêu.
Diên Tôn chàng ơi, anh có còn sống thật không?
*
Hôm nay cuộc phiêu lưu kết thúc một cách bi thảm và giản dị. một lá thư của Mai Lan, lần này gửi từ Cancutta, báo tin cho biết Diên Tôn đã chết. Mai Lan vẫn ở Bắc Kinh để chờ sinh đứa con đầu lòng của nàng và Diên Tôn. Không rõ sao nàng đã giấu giếm gửi được lá thư sang Ấn Độ, có lẽ gửi một phái đoàn Ấn trong đó có một người bạn cũ của Diên Tôn.
Lá thư nàng viết ngắn, vội vàng, lem luốc – có lẽ nhơ vì nước mắt. Nó vắn tắt như sau:
Diên Tôn bị giết khi chàng định trốn khỏi Bắc Kinh. Mai Lan cũng không rõ chàng có ý tẩu thoát.Em tin là chàng thấy thiếu chị nhiều. Chàng định tới Ấn Độ. Cố nhiên là chàng vẫn bị rình mò. Họ có bao giờ tin chàng đâu? Có lẽ torng bọn tôi tớ có đứa được thuê tiền để phản bội chăng? Dù sao, chàng không thổ lộ gì với em. Em tưởng có lẽ chàng muốn tránh ưu phiền cho em. Mãi mãi em có thể nói rằng, em không biết điều gì.Diên Tôn bị hạ ngay ở cửa nhà. Chàng không đi xa hơn được nữa. Lúc đó vào đầu giờ của buổi chiều. Mặt trời chói sáng. Chàng đến lớp học. Từ cổng hé mở, người gác trông thấy ở góc phố một người mặc bộ đồng phục gớm ghiếc kia. Khi Diên Tôn đến gần, y thẳng tay bắn rồi biến mất. Người gác không dám kêu. Hắn ôm xác Diên Tôn đặt vào sân nhà. rồi hắn khoá chặt cửa lại.Chúng em chôn giấu chàng ở thửa sân nhỏ, trước phòng ngủ chàng.
Thoạt đầu buổi chiều ở Bắc Kinh, có thể là hai giờ khuya ở thung lũng chúng tôi. Tôi có thể tin việc này được không?Chẳng bao giờ nữa! Tôi chỉ biết rằng người yêu của tôi nay không còn nữa. Có bao giờ tôi còn trông thấy mặt chàng trên cõi đời này đâu? *
Không dấu hiệu nào để tôi có thể trả lời bức thư được nên huỷ bỏ. Tôi viết cho Lê Ni báo tin cho nó biết cha nó chết rồi.
Hình như cha con định trở về với chúng ta. Ít nhất Mai Lan cũng tin như vậy. Cha con địn sống không có chúng ta, nhưng không được. tình yêu sau cùng đã thắng lòng yêu nước và nhu cầu lịch sử. Đó là niềm an ủi cho chúng ta – khi nhận tin cha con mất, chúgnta phải được biết tin đó. Lê Ni, con hãy tha thứ cho cha con. Mẹ van con, con nghe lời mẹ. Đời sống của mẹ sẽ trôi chảy hơn, sung sướng hơn, một khi mẹ biết con đã không còn giận hờn cha con nữa!
E ngại không muốn cho Lê Ni biết tôi mơ thấy Diên Tôn hiện về đúng lúc chàng chết. Linh hồn chàng đã trở về với tôi trong kỷ niệm về chàng mãi mãi không thể phai mờ trong tâm trí được! Tôi quyết định không nói. Vả nữa, đã chắc đâu Lê Ni tin tôi mà cũng chẳng muốn đem lòng tin tưởng của mình ra thử thách làm gì.
Lê Ni trả lời cho tôi ngay:
Thưa mẹ, con đâu còn dám giận hờn cha con, con nồng nàn quên lỗi của cha con không chút dè dặt nào, còn với tình yêu thương cha con nữa. Con xử sự như vậy vì quyền lợi của con, nhưng con cũng sung sướng thấy mẹ bớt buồn phiền. Mary cũng đã rõ tin này. *
Tối nay trước ngày cử hành hôn lễ của Lê Ni, tôi thấy quyển sách này sẽ thiếu nếu tôi không nhắc đến một cuộc hôn nhân khác, mà ngược dòng thời gian cũng trong ngày đó còn có một thiếu nữ vô tư, vui vẻ, tôi trao tâm hồn tôi tràn ngập mối tình đầu cho một người thanh niên cao lớn, khiêm nhượng và cần mẫn mà tôi đã nhận ra ngay là người trung hậu, đằm thắm yêu đương. Tôi phải thú thật rằng đó là vẻ đẹp cao cả nhất của Diên Tôn làm tôi say đắm ngay buổi đầu gặp gỡ chàng.
Và tối nay trong lúc Lê Ni hút thuốc lá ở ngoài sân, tôi bảo Mary đang giúp tôi thu dọn bát đĩa:
- Mary, mẹ mong Lê Ni đối với con sẽ là người chồng tốt và biết yêu vợ. Cha của Lê Ni đã yêu đương mẹ nhiều và mẹ ước rằng Lê Ni thừa kế tất cả đức tính cha nó.
Thiếu nữ dáng cao và đẹp nhìn tôi mỉm cười yên lặng.
Nàng nói:
- Con tin chắc Lê Ni thừa hưởng được tất cả vẻ duyên dáng dễ thương của cha chàng.
- Có đôi khi mẹ phải gợi ý với Diên Tôn một vài điều nhỏ mọn.
- Thưa mẹ, con xin ghi nhớ điều này.
Đó là lần đầu tiên, nàng gọi tôi như vậy, tôi nghẹn ngào sung sướng, đến nỗi đứng chôn chân ở đó, một tay cầm chiếc đĩa, tay kia cầm chiếc khăn lau. Mary bật cười, ôm tôi vào tay nàng và hôn lên đầu tôi. Nàng cao hơn hẳn tôi.
*
Ngày hôn lễ thật trong sáng và êm dịu. Từ sớm George Boven đã tới trong chiếc xe bỏ mui cũ kỹ màu xám, bám đầy bụi. Chàng cao lớn, tóc vàng hoe và cũng thận trọng như em gái. Chàng nhảy qua cửa xe và đi vào nhà một cách hồn nhiên. Thoạt trông thấy, tôi đã có cảm tình ngay. Chàng đập tay một cách thân mật vào người Lê Ni, yêu đương kéo tai em gái và nói với tôi như đã mến tôi từ trước:
- Con biết bác nhiều lắm. Con chỉ ước ao đến hầu chuyện bác ngay khi mới biết Lê Ni.
Tôi đề nghị:
- George, anh vào ăn sáng cùng với chúng tôi.
Chàng theo môn hạch lý học. Khi Lê Ni nói về chàng, tôi hình dung một thanh niên xuất sắc, cứng cỏi, ít lòng thương nữa, đó là hình ảnh những nhà bác học thời buổi chúng tôi. Trái lại, chàng dịu dàng dễ thương, đúng là một người bạn hoàn toàn của con tôi. Với một thiếu nữ và người anh như vậy, Lê Ni đã được chuẩn bị đầy đủ với cuộc đời.
Tôi hỏi chàng:
- George, cháu ăn trứng nhé?
- Vâng, nếu được trứng "ốp la" thì càng tốt!
Chàng gác chân lên nhau dưới gậm bàn ở bếp. Tôi cố làm sao khác được bà mẹ đa cảm – và hình như chúng tôi như thế cả - nhưng tôi phải thú thật rằng trông thấy George ăn một cách quá ngon lành, chàng trai này chiếm cả tình thương mến của tôi rồi.
Trong suốt ngày hôm đó, chàng luôn luôn giúp đỡ mọi người. Chàng sửa máy bơm nước, khuân ghế vào nhà, quét nhà xe và chinh phục luôn cả Mạch. Còn hơn nữa, chàng tỏ ra yêu đương và rất hiểu biết Mary và Lê Ni.
Đôi chim bồ câu đó chẳng muốn cử hành hôn lễ lớn lao sao? vì vậy khoảng bốn giờ chiều, hai người đã ở khu rừng dạo chơi về, để thay quần áo dự cuộc lễ. Bà Mạch và một vài bà láng giềng sửa soạn các đồ giải khát trong bếp. Bà thúc khuỷu tay vào tôi:
- Bà lên thay áo quần đi.
- Tôi chỉ mất mười lăm phút thôi.
- Vậy bà hãy lên xem cô dâu có cần một hai chiếc kim gài không?
Tôi còn nhớ, ngày đó, phải cần một chiếc kim gài áo lót, vì cô dâu thường thở mạnh quá!
Tôi liền lên gác và sau khi đã mặc xong chiếc áo lụa màu ngọc thạch, tôi đến gõ cửa phòng Mary. Nàng mời tôi vào. Nàng đã sửa soạn xong. Đứng trước cửa sổ nàng đang ngắm dãy núi. Nàng tuyệt đẹp trogn chiếc áo sa mỏng màu trắng, thật giản dị với vài đường thêu tay. Chính nàng khâu cắt áo này. Nàng đeo ở cổ sợi dây vàng với chiếc ảnh nhỏ của Lê Ni.
Tôi bảo nàng:
- Bó hoa của con ở dưới nhà. Có phải đi lấy không?
Khách đã tới và mục sư đã ở trong phòng khách.
Buổi sáng, chúng tôi ngắt hoa ở đồng nội – và có cả hoa gửi máy bay đến, kết thành bó, gài thêm những cành dương xỉ mềm mại.
Nhưng tôi có giữ được ít bông hồng tuyệt mỹ của tôi , dành cho bó hoa tặng Mary. Ở trong thung lũng lạnh giá này, trồng hồng giữa các ngọn gió thật không sao được, vì vậy mùa thu đến, tôi đem chậu hồng vào hầm rượu để mùa đông đến nó được khô ráo đâm chồi nẩy lộc trong không khí mát mẻ. Xuân đến tôi lại đem chậu hồng ra.
Năm nay tôi đã thúc đẩy được một vài gốc, nên buổi sáng hái được ít bông tặng Mary, sáu mỹ quan của tạo hoá, hồng nhạt và vàng đậm, mới hé nở tôi đã vội cắm trong một thùng nước đá chỉ lo ngại chúng nở sớm quá.
- Vâng thưa mẹ, nếu có thể được.
Tôi xuống gác, vì cũng mới nghe thấy Lê Ni ở trong phòng nó bước ra. Khi tôi lên với bó hồng cầm tay – con trai tôi đứng trước mặt Mary và nắm tay nàng. Tôi nhận thấy trong khoé mắt con tôi trông ngắm vị hôn thê trẻ trung của nó – đúng là cặp mắt Diên Tôn, cách đây xa xôi lắm, đã cúi xuống nhìn tôi.
Hôn lễ cử hành thật hoàn hảo trong sự đơn giản. Bạn bè trong thung lũng đều tụ họp trong gian phòng của chúng tôi. Họ chừng hai chục người, vì chúng tôi không mời người ào trong nhóm đi nghỉ mát ở đây. Khi mọi người đến đông đủ, Lê Ni và Mary cầm tay nhau tiến về phía mục sư. Mục sư đứng lên lấy quyển sách nhỏ ở túi ra và đọc vài câu liên kết hai trẻ đời đời.
Nghi lễ xong bạn bè xúm quanh cô dâu chú rể. Tôi ngồi riêng một mình âm thầm khóc, cảm động thấy hai con tôi đẹp đôi xứng lứa quá. Bạch trông thấy tôi và mang lại cho tôi một ly rượu trái cây.
Chàng nói:
- Bà hãy uống ly rượu này.
Và chàng không rời tôi nữa.
Bà Mạch mang lên chiếc bánh cưới – một tác phẩm ba tầng do tay bà làm. Mary cắt chiếc bánh dưới cặp mắt yêu mến của bầu bạn. Cô dâu chú rể liền trao nhau ly rượu hợp hôn, chứa đựng nửa chừng thứ rượu dâu dịu ngọt mà mùa hạ nào tôi cũng làm.
Trong khi mọi người uống giải khát, hai người lẻn nhẹ nhàng đi thay y phục. Đôi uyên ương đi xuống mặc quần áo du lịch và qua khắp phòng từ giã mọi người. chúng chờ tôi ở ngoài xe. Con trai tôi bồng tôi lên hôn hít vào má tôi và Mary quàng tay ôm lấy cả tôi và chồng nó. Khách khứa từ biệt người này sau người nọ. George còn ở lai xếp đặt gian phòng và mang bát đĩa cho bà Mạch ở dưới bếp.
Lúc đi chàng cúi xuống hôn tôi:
- Xin tạm biệt bác.
- Tạm biệt, George thân yêu. Thỉnh thoảng cháu lại chơi nhé?
- Vâng, cố nhiên rồi!
Không chút khách sáo, chàng trai nói với tôi:
- Con cũng có thể gọi bác là mẹ được, có phải không, vì nay bác đã là mẹ của Mary rồi?
Tôi trả lời sung sướng:
- Tất nhiên rồi!
Chàng trai nói thêm và nháy mắt nhìn tôi:
- Chỉ phải tội bác trẻ trung quá để làm mẹ ba đứa trẻ lớn gộc như chúng con.
Chàng tươi cười đi xuống các bậc thềm và nhảy qua cửa vào trong xe. Chàng biến khuất trong đám bụi và cát.
*
Bạch qua buổi tối với tôi. Chàng biết cha của Lê Ni đã qua đời. Chính Lê Ni báo tin cho chàng biết.
Tôi hỏi thì Lê Ni hơi phật ý trả lời.
- Con nói cho bác Bạch rõ tin này ra sao?
- Con nói như thế này Cha tôi chết ở Bắc Kinh. Mẹ tôi tiếp tục sinh sống ở thung lũng này, nhưng Mary và tôi không thể ở đây được, vì không có phòng thí nghiệm nào gần đây. Bác Bạch thừa nhận rằng cố nhiên nó nta phải sống ở nơi nào có công ăn việc làm. Con nói không một chút ẩn ý nào thì phải, rằng công việc ông ở đây, vì tình bè bạn, ông cần săn sóc mẹ tôi. Ông ta trả lời con: Tôi sẵn sàng kết tình bằng hữu và đi xa hơn nữa cũng được nếu bà chấp thuận.
Khi Lê Ni nhắc lại với tôi câu chuyện này, nó nói thêm và nhìn thẳng vào mắt tôi:
- Thưa mẹ, con rất sung sướng nếu mẹ thuận lấy bác Bạch.
Tôi nói nhỏ:
- Ồ Lê Ni, không được, mẹ van con – không – con đừng vội nói điều này.
- Con không dám cầuxin gì mẹ ạ. Con chỉ nói mẹ thuận lời yêu cầu của con thì con sung sướng vô cùng…
Tôi không trả lời. Việc đó còn quá sớm. Có lẽ bao giờ cũng là quá sớm!
Nhưng ít ra cũng là niềm an ủi cho tôi, có Bạch ở gần ngay chiều tối nay thôi, khi mọi người đi cả rồi. Tôi nằm ngả trên ghế dài và chàng ngồi gần tôi hút thuốc. Cảnh yên lặng làm tôi dễ chịu. Suýt nữa, tôi nói với chàng về Diên Tôn, về ngôi nhà ở Bắc kinh, về đời sống của tôi. Tôi nghĩ đến những điều này khi gió chiều thổi sào sạc trong rặng thông và bóng đêm dần dần che phủ núi non. Tôi nghĩ cả đến Lê Ni, đến ngày sinh đẻ của tôi, nghĩ đến cả Mai Lan, mà đứa con có lẽ đã ra đời vào hôm nay. Nhưng tôi muốn im lặng và sự im lặng đối với tôi lại êm dịu hơn lời nói. Sau cùng Bạch đứng dậy từ biệt, cũng không hề biết cuộc đời và mối tình yêu đương của tôi. Và tôi bảo chàng:
- Xin cảm ơn ông, ông Bạch. Từ nay ông là người bạn thân thiết duy nhất của tôi.
Chàng nắm tay tôi một lúc lâu rồi nói:
- Trong lúc này tôi xin ưng thuận.
Chàng để tay tôi lên má chàng, rồi đi không nói lời nào. Tôi bỗng cảm thấy mệt mỏi nhiều và một mình leo lên gác ngủ.
*
ngày tháng trôi qua và đã đến lúc chờ đợi Mary và Lê Ni về nghỉ vào mùa hạ. Tôi nhận thêm được lá thư nữa ở Bắc Kinh.
Mai Lan viết cho tôi.
Bổn phận em phải báo tin cho chị biết em đã sinh được một cháu trai. Nó giống cha nó như hệt! Da nó trắng, tóc tơ đen, mềm mại. Tác nó lớn lao và mẹ em nói sau này chắc nó cao lớn. Em lấy làm lạ sao có đứa con như vậy? Cả hai người, mẹ em và em sẽ tận tâm nuôi dạy nó, vì tình yêu của cha nó và của chị.
Tôi có lý gì nghĩ về con nàng? Nhưng ý nghĩ lại đến với tôi là đứa bé này là anh em cùng cha khác mẹ với Lê Ni, một ngày kia có thể chúng sẽ gặp nhau.
Khó dò thay con đường tạo vật tạo ra và của người đời nữa! Còn ai thấu hiểu được những con đường này? Giữa các trận chiến tranh và cơn phẫn nộ lớn lao của nhân loại và tình yêu – dù được chia xẻ hay bị ruồng bỏ - vẫn lưu truyền lại công trình bí mật và liên kết chúng ta bằng sọi dây huyết thống. Vì chính no6ị ông thân sinh của Diên Tôn, là người mở đầu chắc ông phải rõ điều này. Khi thiếu nữ Mỹ người yêu của ông không chịu đi theo ông đi Bắc Kinh, ông đã biếm nhục tình yêu, ông giả dạng hững hờ và kết hôn với một người đàn bà mà ông không yêu. Còn nàng yêu ông và đã sinh hạ một người con trai. Người con trai đó tôi yêu với tất cả tâm trí, từ lúc tôi trông thấy chàng. Tôi theo chàng đến Bắc Kinh, vào thành phố của chàng, tôi đã nhìn nhận là thành phố của tôi, nhưng người ta đã xua đuổi tôi xa nơi đó và buộc lòng phải sống cô đơn, xa cách mãi mãi người tôi yêu. Và đây, hai cháu trai của nội lại ra đời, cả hai đều là huyết thống của ông, cách biệt nhau bởi cả một đại dương, nhưng ông là mối dây ràng buộc chúng, một ngày kia, chắc chúng sẽ rõ điều này.
Ông nghĩ sao về câu chuyện hy hữu này? Cả lúc ông đang yên nghỉ một mình trên đỉnh non, dưới bóng thông già?
HếtLời bạtNhững ngày cuối đời, Pearl Buck sống với người chồng thứ hai Richard Walsh – cùng với 150 trẻ em đủ màu da, do chính bà đem về giáo dưỡng trong một trang trại ở Pennsylvania (Mỹ). Đó là thời kỳ đã giã từ chồng trước, bà dắt con trai trở lại nước Mỹ, khi cuộc chiến ở Hoa Lục kết thúc. Cả hai từng vùng vẫy cố thoát khỏi nghịch cảnh thời thế vẫn chỉ là hư không. Song mối tình dị chủng vẫn phải chia lìa không làm tiêu tan ý chí đoàn tụ rất keo sơn, bất diệt của họ. Càng xa nhau, thì sợi dây vô hình càng thắt chặt bấy nhiêu cho đến khi nhận được hung tin từ người vợ kế của chồng báo tin Viên đạn đồng đã kết liễu đời chàng. Sự đau đớn tột cùng đẩy tác giả viết một thiên sử não nuột về cuộc tình hôn nhân dị chủng của chính tác giả. Và Pearl Buck hoá thân qua nhân vật làm vừa mang tên Ely – thuật lại một thời đoạn sống của một người chồng nửa Á –Âu mang quốc tịch Trung Hoa có vợ là người Mỹ trăm phần trăm. Tự sự kể cuộc tình từng sống thật say đắm, tha thiết, nồng ấm, bằng giọng văn lạnh lùng, quyến rũ, ngọt ngào, thương cảm lạ lùng và làm xúc động hàng triệu độc giả trên thế giới.Đường Bá Bổn.