Hôm qua, tôi nhận được lời giải đáp một câu hỏi tôi chưa đặt ra. Người đưa thư đưa đến cho tôi một tạp chí dán ba chiếc tem của Trung Hoa, những chiếc tem đầu tiên tôi thấy – một chiếc màu da cam, một chiếc màu tím và một chiếc màu xanh – có in ba khuôn mặt trẻ, một quân nhân, một người thợ và một nông dân. Không có tên người gửi, chỉ ghi một địa chỉ giản dị: Hộp thư 305, Bắc Kinh, nước Công Hoà Nhân dân Trung Hoa. Nhưng tôi biết là Diên Tôn gửi. Số tạp chí đặc biệt nói về một chiến sĩ cách mạng bị bắn chết tại Nam Kinh ngày 15 tháng 5 năm 1930.Tên nàng là Hàn Ái Lan. Đó là bà mẹ của Diên Tôn.
Bìa có in hình bà. Gương mặt trầm tĩnh, nghiêm nghị, hơi mỏng, mắt to và sáng, tóc chải hất ra phía sau càng để lộ vầng trán cao, mím môi vẻ nghiêm khắc . Nhìn gương mặt này, tôi thấy Diên Tôn có những đường nét giống hệt mẹ.
Như vậy Diên Tôn đã biết rõ. Nay tôi tin chắc người vú già đã mang tin đến cho chàng. Người mẹ làm sao giấu được không cho con trai biết tại sao mình chết và vì nguyên do nào.
Chàng biết. Và vẫn nhớ. Vì chính chàng đã chọn ngày 15 tháng 5 làm ngày cử hành hôn lễ chúng tôi. Chàng ấn định ngày đó, không cho tôi biết lý do, nay tôi mới biết. Chàng không viết thư cho tôi được, nhưng gửi cho tôi chân dung và cuộc đời cách mạng của mẹ mình. Chàng muốn tôi biết chuyện bà.
Ôi! Người yêu của tôi, tôi sẽ tận dụng cuốn này để hiểu rõ bà mẹ chồng.
* * *
Cảnh cô đơn thật nặng nề đối với người đàn bà xa chồng. Tôi cảm thấy tình hình trở nên cứng rắn. Tôi tự hỏi những người đàn bà mất chồng rồi sẽ sống ra sao?
Nhưng Diên Tôn vẫn còn sống. Trong buổi sáng tươi đẹp tháng sáu này, nóng ấm như mùa hạ, đời sống như đâm chồi nảy lộc và toả ra khắp bốn phương, vườn cây xôn xao, cây táo chậm ra quả này trĩu hoa, có một màu xanh mướt, tôi cảm thấy máu trong người sôi sục và tâm thần như sôi động. Tôi thường ít đọc Thánh Kinh, nhưng bỗng cảm thấy một thức ăn tinh thần. Tôi liền lấy quỷên Tân ước bọc da của cha tôi ra đọc. Tôi tình cờ mở quyển kinh và đọc trúng tiết này: Người chưa chết, nhưng vẫn còn sống. như thế đủ cho tôi rồi. Tôi gấp cuốn sách lại và tiếp tục làm việc.
Công việc khó nhọc trong trại thật bổ ích! Tôi yêu thích công việc lắm. Vào chuồng bò, tôi thấy con bò cái hạng nhất mới đẻ một con bê thật đẹp vào ban đêm. Cả hai mẹ con đều khoẻ mạnh, con bò mẹ nhìn tôi qua chấn song ngăn dành riêng cho bò đẻ vẻ hài lòng. Đó là bò thuộc giống Ghinsey, mũi hồng, mõm hơi dẹp, trông có vẻ xấc xược. Thân hình nó thật không thể chê. Thấy tôi vào, nó không đứng dậy, tưởng như chiến công của nó đủ tha thứ rồi.
Con bê thật đáng yêu, đầu nhỏ mượt màu nhung đỏ nhạt, đường lưng tuyệt đẹp. Nó nhìn tôi vẻ sợ hãi, như để yên lòng, mẹ nó liếm vào má nó. Con bò mẹ như hãnh diện lắm và để thưởng nó, tôi tặng nó món cám nấu mà Mạch vẫn sửa soạn vào những dịp này, nó nếm cám không tham lam, không vội vàng, như đã đãi tôi một đặc ân.
Tôi cảm thấy được khích lệ khi ở chuồng bò ra. Đời sống vẫn tiếp tục, mặc dù nhiều đòi hỏi khác của cõi lòng chợt đến. Tôi bắt tay nhổ cỏ một cách hăng hái, thật lòng thì tôi ghét công việc này. Cỏ đã lên hoa và việc nhổ phải khởi sự. tôi chăm chỉ làm việc suốt ngày, chỉ ngừng khi sửa soạn nấu bữa. Lê Ni đã hết năm học. đến mùa thu nó sẽ vào Đại Học, tôi thấy sợ hãi cảnh quạnh hiu sau đó. Nhưng giữ con sao được, ông cụ và tôi sẽ ở đây, như hai người già sống nơi đây.
Nhưng tôi đâu đã già? Buổi tối nay khi mặt trăng mọc, tôi không sao yên tâm ngủ được. Lê Ni đi chơi. Tôi ngờ nó đã yêu ai. Nó mặc bộ quần áo đẹp màu tím, sơ mi trắng, chiếc và vạt màu thạch lựu. nó đánh bóng loáng đôi giày thường đi ngày chủ nhật. Tôi chưa biết người yêu nó là ai. Phải chờ đợi…
Ông cụ nghỉ sớm. Ông ưa đi ngủ ngay từ lúc tám giờ rưỡi. nhưng đêm giờ này mới bắt đầu, và tôi dựa lưng trên chiếc ghế dài ngoài hiên, đối diện mặt trăng. Khí trời khá mát mẻ, mặc dù đã tháng sáu. Tôi quàng chiếc khăn trắng và tâm hồn mơ mộng bay bổng đến người tôi yêu.
Như bóng ma, tôi lướt qua những đường phố và vượt cổng vào nhà chàng. Đã nhiều lần tôi đi như thế này, từ khi chúng tôi xa cách nhau năm năm nay! Thật ra, sự cách biệt của chúng tôi chưa là vĩnh viễn. Bất cứ lúc nào, Diên Tôn có thể quyết định trở về sống gần tôi. Tôi sẽ không hỏi chàng một câu nào, cũng không hỏi chàng tại sao, thế nào, mà chỉ mở cánh tay đón chàng thôi. Chỉ cần chàng ở đó là đủ cho tôi rồi!
Vầng trăng treo lơ lửng trên trời. Trong đêm hè ở Bắc Kinh, chúng tôi thường ngồi ở sân phía đông. Ngôi nhà của chúng tôi trước kia là nhà một ông hoàng Mãn Châu, một ông hoàng không có địa vị gì, em út trong Hoàng gia. Ngôi nhà không rộng lớn lắm để đáng gọi là một lâu đài, nhưng ai đã qua ở đây đều quyến luyến, đến nỗi người nào cũng muốn tu sửa cho đẹp thêm. Vì vậy những cổng nhỏ ngăn các sân đều có hình mặt trăng, cột cửa khảm cừ chạm trổ. Sân ở phía đông còn có thêm một hồ sen và một hàng rào che giấu bức tường. Con đường chạy ở phía cạnh nhà, vì vậy không có một tiếng động vang tới sân này mà cửa buồng ngủ chúng tôi trông ra đấy.
Mới cưới về, tôi than phiền về chiếc giường rộng cứng ngắc có tấm chiếu bằng mây đan giải trên một khung gỗ. Diên Tôn chế giễu tôi đã lựa chọn vẻ đẹp trong đời sống Trung Hoa mà lại không chịu được phần khắc khổ. Và tôi phản đối. tại sao ngủ trên giường gỗ trong khi ta có thể có một tấm đệm êm ấm? Như vậy có phải là tội không? Không, không phải là một tội, chàng bảo tôi, nhưng có một điều vô lý. Chàng chủ trương khi đã lựa chọn điều gì rồi thì không được than phiền nữa. Tôi một mực cho rằng, tại sao không lựa chọn khía cạnh hay tốt của mỗi vật! Khi chàng đi xa lo việc tiếp tế cho năm học tới, chàng mang về cho tôi một chiếc đệm Mỹ có lò xo. Câu chuyện thành ra cuộc vui đùa giữa chúng tôi, tôi tận lực tán dương những giá trị của chiếc đệm thì chàng quả quyết ưa thích chiếc chiếu mây. Chúng tôi có lúc phải bật cười. Nhưng tôi còn nhớ ít khi thấy Diên Tôn cười đùa với người khác, ngoài tôi ra, điểm đó khác hẳn các bạn bè Trung Hoa của chàng. Quả vậy, người Tàu cười nói dễ dàng và chân thật. Còn Diên Tôn lại nghiêm nghị. Đôi khi chàng lầm lì nữa. Trong lúc như thế này, không có gì làm chàng cười nói được. Riêng chỉ có tình yêu dẫn dắt chàng về với tôi thôi.
Ở hiên nhà, tôi giơ tay đón chàng từ bờ đại dương kia.
Đến nửa đêm, Lê Ni về thấy tôi ở ngoài hiên.
- Mom! Mong rằng không phải mom đợi con?
Đó, nó Mỹ hoá quá rồi. Nó không gọi tôi là mẹ nữa như cha nó vẫn muốn vậy.
- Không, mẹ nghĩ đến cha con, tự hỏi cha con làm gì lúc này, chắc cha con đang mải mê làm việc.
Lê Ni không trả lời. Nó châm thuốc hút, không giấu diếm. Tôi biết nó hút thuốc và nó cũng rõ là tôi đã biết. Nhưng đây là lần đầu nó hút trước mặt tôi.
Tôi hỏi:
- Con đưa mẹ một điếu, được không?
Nó nói vẻ ngơ ngác và đưa tôi bao thuốc:
- Con không biết là mẹ hút.
Nó châm điếu thuốc cho tôi có vẻ ngượng nghịu. Tôi tưởng đã làm tiêu tan thú hút thuốc của nó. Sự khiêu khích có lẽ là cử chỉ cần thiết đối với thanh niên. Tôi chắc họ không ưa thích chính sách khoan hồng mới mẻ , buộc họ không được chống đối. Dù sao Lê Ni cũng tắt điếu thuốc lá. nó nằm ngả xuống chiếc ghế dài khác, tay chắp sau gáy và thở dài:
- Mẹ lấy cha năm bao nhiêu tuổi?
- Hai mươi ba.
- Chà! Già quá!
- Đó không phải là ý của mẹ. Chúng ta đính hôn từ năm trước.
- Tại sao để lâu thế?
Đến mức nào không thể kể cho con trẻ con nghe nỗi niềm riêng tư của người mẹ? Gương mặt nhìn nghiêng của Lê Ni, ánh trăng soi sáng không còn là gương mặt một đứa trẻ con. Con trai tôi đã lớn và cao hơn được tám phân từ đầu năm nay. Nó cũng cao như Diên Tôn. Nét mặt nó già dặn. Những dấu hiệu thành niên bề ngoài đó, phải phù hợp với sự thay đổi tính tình.
- Cha con ngại rằng mẹ không ưa sống ở Trung Hoa. Cha con muốn xem mẹ có thể yêu mến thứ ngoại lai ở cha con được không. Cha con không muốn làm hôn lễ trước khi chưa có sự tin tưởng chắc chắn.
Con trai chúng tôi suy nghĩ một lát trước khi hỏi:
- Có điều gì xa lạ ở cha con? Con không còn nhớ được kỷ niệm gì rõ ràng về cha con nữa.
- Nhưng Lê Ni, con mười hai tuổi lúc chúng ta rời Bắc Kinh!
- Vâng, con biết. Đáng lẽ con phải nhớ. Con tự hỏi tại sao con lại không nhớ được nữa.
Nó không muốn nhớ đến cha nó. Đó là nguyên nhân chính. Nhưng tôi không thể trách nó được, trái lại tôi phải lợi dụng dịp này để nhắc nhở nó nhớ lại chuyện xưa.
- Con còn nhớ hình dáng cha con không?
Lê Ni trả lời miễn cưỡng:
- Có, cha con có bộ điệu đặc xệt Á đông.
- Đúng vậy, nhưng chỉ cần cha con đứng lẫn với người Tàu là ông có vẻ là người Mỹ ngay.
- Và nếu cha con ở đây, chắc cha con có vẻ là người Trung Hoa.
- À thế sao? Người Trung Hoa rất đẹp, nhất là người ở miền Bắc. Chính nơi đó là quê quán ông bà nội con.
- Còn về tính nết, cha con giống người Á đông hay Mỹ?
- Ta thấy rằng khi cha con cư xử lối Á đông thì rõ ràng ra người Á đông một trăm phần trăm. Có những lúc khác cha con lại rất giống người Mỹ.
- Thí dụ?
Lê Ni vốn có óc rành mạch của nhà khoa học. Biết trả lời con làm sao? Chính trong đời sống thân mật, Diên Tôn tỏ ra giống người Mỹ nhất.
- đối với gia đình cha con theo tục lệ Trung Hoa. Như đối với con chẳng hạn, cha con xử sự như một người Tàu trung thành với câu ngạn ngữ: yêu con cho roi cho vọt. Không bao giờ cha con quên rằng không những con là con của cha con nhưng còn là cháu chắt… của hàng trăm ông tổ.
- Nhưng con còn tổ tiên khác, tổ tiên của mẹ. Và có lẽ con giống ông bà tổ tiên của mẹ hơn.
- Có thể vậy!
Tôi biết rằng con tôi không phải chỉ muốn biết có thế. Còn biết làm thế nào với bọn thanh niên, nếu không phải là chờ đợi?
- Thưa mẹ, mẹ có tin rằng một thiếu nữ Mỹ có thể không yêu con vì con có dòng giống Trung Hoa?
- Chắc chắn không. Có thể là một thiếu nữ Trung Hoa sẽ từ chối khi thấy con có một phần là người Mỹ.
- Con không thể yêu thiếu nữ Trung Hoa được?
- Tại sao không được? Có người xinh đẹp lắm đấy!
- Không bao giờ con trở lại đất Trung Hoa?
- Có thể một ngày kia con sẽ trở lại để thăm cha con, nếu cha không về lại đây.
- Mẹ có tin cha con sẽ trở về đây không?
Có thể lúc này nên cho con tôi xem bức thư. Nhưng tôi lại sợ. Nó còn trẻ quá chưa hiểu biết, còn quá ngu dại chưa biết tha thứ.
- Mẹ mong rằng cha con sẽ về. Hai mẹ con ta hãy hy vọng như thế. À Lê Ni, thiếu nữ đó là ai?
Cố nhiên tôi biết có một người con gái, chính nàng mới là đầu mối câu chuyện.
Nó đứng dậy, sửng sốt:
- Mẹ, mẹ đoán được?
Tôi nói, gượng cười:
- Ồ, mẹ biết chứ, mẹ biết còn rõ hơn con.
Nó lại nằm xuống ghế, ngửa mặt nhìn trăng:
- Nàng ở ngôi nhà trắng dưới chân núi. Gia đình họ đi nghỉ mát rồi.
Tôi biết ngôi nhà này, ít lâu nay có người đến ở, song chưa có dịp vào. Nhưng nay thì cần phải đến.
- Nàng tên gì?
- A Lệ Vũ.
- Cha nàng làm gì?
- Ông ta buôn bán tại New Jersey.
- Thế con gặp nàng trong trường hợp nào?
- Hôm nàng đi xem thác nước và hỏi đường.
- Con phải đưa nàng đến gặp ta.
Tất cả dấu hiệu cấp cứu đã khởi phát trong trí óc tôi. Con tôi đang gặp hiểm nghèo. Cái ngày tiên đoán sẽ đến, ngay từ ngày sinh con tôi ra đời, nay đã tới. Con tôi đã để ý đến một thiếu nữ. Nàng là ai?
Tôi nói:
- Lúc này không khí mát rồi. Thôi ta vào nhà đi.
tôi ước mong tình bạn bè này đừng tiến triển quá mau. Ngày hôm nay, Lê Ni dẫn A Lệ Vũ tới. Chắc hai người hàng ngày luôn gặp nhau.
Con tôi nói, giọng cứng cỏi:
- Thưa mẹ, con xin giới thiệu với mẹ, A Lệ Vũ.
Tôi đang vá quần áo trong phòng khách, dưới ánh đèn, và ông cụ đang ngồi suy tưởng trong chiếc ghế bành, chân đi giày nhung, theo kỉêu người Trung Hoa và đặt lên một chiếc nệm nhỏ. Cố nhiên là ông vẫn mặc chiếc áo dài lụa đỏ. Ban ngày tôi vừa giúp gội đầu, chải râu, tóc ông trắng như tuyết.
Tôi vừa nói, vừa cất cặp kính theo thói quen, vì ở Tàu, nói chuyện với người nào mà đeo kính là không lịch sựluôn luôn
- Chào cô A Lệ!
Nàng nửa cúi, nửa nghiêng mình, giơ bàn tay nhỏ nhắn với một cử chỉ dễ thương.
- Kính chào bà Mạc Lê.
Tôi quay lại phía ông cụ và nói:
- Đây là ông nội của Lê Ni.
Vì lý do tôi quên bẵng đi mất, ông cụ định làm khó dễ. Đáng lẽ đáp lễ A Lệ, ông nói bằng tiếng Trung Hoa hết sức rành mạch.
- Cô này là ai?
Lê Ni đỏ mặt. nó cho rằng đã quên tiếng Trung Hoa, nhưng lúc nào muốn nó cũng vẫn nhớ. Nó trả lời ông cụ bằng tiếng Anh thật hay:
- Thưa ông, con xin giới thiệu ông cô bạn gái tên A Lệ Vũ.
Ông cụ hất hàm như một ông quan già, nói bằng tiếng Trung Hoa:
- Đáng lẽ nàng phải ở nhà với cha mẹ.
Tôi cười:
- A Lệ, nàng đừng phật ý. Ông cụ sống lâu năm bên Tàu, nên đôi khi quên hẳn ông là người Mỹ.
Nàng mở to cặp mắt xanh:
- Ở Trung Hoa? Lê Ni không không nói với con điều này.
Như vậy là Lê Ni không nói hết cho nàng nghe. Tôi không thể nói gì hơn nữa.
Tôi nói tiếp, giọng vui vẻ:
- Tất cả chúng tôi đều đã sống qua ở đó, và cha của Lê Ni hiện còn ở đấy. Hơn nữa chính Lê Ni sinh ở Bắc Kinh.
- Thật sao? Nhưng con tưởng Trung Hoa nay là nước Cộng sản?
- Phải đúng vậy.
- Như vậy cha của anh Lê Ni làm gì ạ?
- Ông là khoa trưởng một đại học lớn và thấy bổn phận buộc ông phải ở lại với sinh viên.
- Con hiểu rồi.
Nhưng thật ra nàng không hiểu, tôi thấy rõ. Nàng nhìn Lê Ni vẻ suy nghĩ.
Tôi nói:
- Lê Ni, con đi lấy đá trong tủ lạnh đi.
Con tôi nói và cầm tay thiếu nữ:
- A Lệ, nào ta cùng đi.