Cách hai ba ngày, Lê Ni lại hỏi tôi:
- Mẹ có nhận được thư không?
Tôi lắc đầu:
- Mẹ sợ rồi mỗi lúc mỗi khó khăn, cha con không viết thư được nữa. Phong trào bài Mỹ do tuyên truyền khéo léo dấy lên chỉ tăng thêm ở Trung Hoa mà thôi.
Lê Ni nghĩ ngợi:
- Thật ra Cộng sản là thế nào?
Tôi cắt nghĩa cho con tôi Các Mác là ai. Và làm thế nào ông đã thành công, nhờ mãnh lực khối óc đã chế ngự được hàng mấy mươi triệu đời sống con người bao thế kỷ nay!
Tôi bảo Lê Ni:
- Ngay cả đời sống chúng ta nữa. Vì ông ta mà gia đình chúng ta phải chia ly, con xa cách cha mẹ vợ xa cách chồng.
- Liệu cha con có thoát được không?
Tôi biết trả lời sao?
- Mẹ thiết tưởng nếu nước Mỹ trở thành Cộng sản thì chúng ta vẫn ở đây, trung thành với dĩ vãng, tin tưởng ở tương lai chúng ta.
- Con cũng không rõ nước Mỹ có phải là xứ sở của con không nữa.
- Đó là xứ sở của con, vì đó là quê hương của mẹ. Vắn tắt thế thôi.
Nhưng như thể có phải là tất cả đâu, chính tôi cũng không hiểu nữa. Một ngày kia, Lê Ni phải lựa chọn xứ sở của nó.
Còn tôi cũng phải nói cho con tôi biết về bức thư của cha nó, mà tôi giấu trong ngăn kéo kín ở bàn giấy. Nhưng ngày qua ngày, ngày kia tới, tôi vẫn giấu kín việc này.
Tối nay sau bữa ăn ở trong bếp, ngồi gần bếp sưởi, Lê Ni nhắc lại câu chuyện này. Ở đây có treo một chiếc nồi, tôi có thể đun nước trong những khi bão lớn mùa hạ làm tắt điện.
- Con tưởng cha con có thể xếp đặt để gửi một bức thư đi.
- Chúng ta con chưa rõ được cha con bị bó buộc như thế nào. Ông nội con là người Mỹ nên điều này nguy hiểm cho cha con.
- Thế ông nội con nay ở đâu?
Tôi chưa trả lời câu hỏi này ngay.
Lê Ni vốn thích ăn táo. Luôn luôn ở trên bàn trong bếp, tôi có trữ táo trong cái bát gỗ lớn. Vừa nói chuyện, Lê Ni vừa ngoạm quả táo trắng.
- Ông con hiện ở miền Kansas. Một ngày kia, chúng ta đi thăm ông. Chắc con còn nhớ, con vẫn gọi ông là Ba Ba.
Đã từ lâu tôi có ý định đi thăm cha chàng. Đó là một trong thỉnh nguyện của chồng tôi vào ngày chia tay nhau ở Thượng Hải.
Diên Tôn căn dặn tôi:
- Em hãy cũng Lê Ni đi thăm cha. Ông rất vui vẻ một khi gặp được cháu nội.
- Có phải vì lý do này mà anh cho em và con về Mỹ không?
- Một phần thôi.
- Nếu vậy thì em ở lại đây thôi.
- Không, em cần phải đi và cả Lê Ni nữa.
Chàng do dự không dám nói rõ với tôi điều mà chúng tôi ngầm hiểu, cả hai đều ngại nói lớn:
- Vì ở đây em và con không được an toàn.
Tôi thấy chàng lén nhìn xung quanh khi nói mấy lời này. Lần thứ nhất Diên Tôn lo sợ. vậy mà trước kia, trong cuộc chiến, cả bom đạn cũng không làm sờn lòng chàng được!
Tôi sợ hãi hỏi chàng:
- Thế còn anh?
Chàng nói:
- Anh một nửa là người Tàu. Anh sẽ dùng lá bài đó.
tôi nói khẽ:
- Nhưng họ nghĩ sao?
- Họ sẽ thấy vai trò của anh hiện nay cần thiết.
Tôi rất tiếc câu chuyện này chẳng diễn ra trong khung cảnh thân mật ở nhà chúng tôi tại Bắc Kinh, sau cánh cửa đóng kín. Như vậy có thể âu yếm tựa đầu vào ngực chàng, ép chàng phải nói sự thật cho tôi rõ. Nhưng ngày hôm đó đứng gần chàng, ở ngoài bến, giữa luồng gió tung lật mũ tôi lên, nên tôi chẳng nói gì được hơn là thầm hỏi chàng một câu ngớ ngẩn, vô nghĩa:
- Còn anh Diên Tôn, tại sao anh muốn tỏ ra là cần thiết cho họ?
- Cần phải lựa chọn và thử thách đã!
Chúng tôi không có thời giờ nói nhiều hơn nữa. Chiếc phà đợi chúng tôi để đưa qua chiếc tàu lớn. Và giữa đám đông yên lặng này nói ra điều gì cũng là nguy hiểm. Xét cho cùng thì khi nào người ta – và nói riêng chúng tôi – trở thành ủ rũ và ngờ ngạo? Khi nào người ta mất niềm tươi vui và sự nhanh nhẩu? sự đổi thay diễn ra lần lần, nhưng sự biến cải thì thật đã hoàn toàn. Nó tóm tắt thể hiện trong sự yên lặng giữa Diên Tôn và tôi, khi chúng tôi chia tay nhau.