Tôi đã diễn giải các thị trường tài chính như một quá trình lịch sử không thuận nghịch; vì thế diễn giải của tôi cũng phải có tính thoả đáng nào đó đối với lịch sử nói chung. Tôi đã phân các sự kiện thành hai loại: các sự kiện buồn tẻ thường nhật không gây ra một sự thay đổi về nhận thức, và các sự kiện lịch sử, duy nhất ảnh hưởng đến thiên kiến của người tham gia và, đến lượt nó, dẫn tới thay đổi về những cái căn bản. Sự phân biệt mang tính
tautologic nhưng hữu ích. Loại sự kiện đầu tiên nhạy cảm với phân tích cân bằng, loại thứ hai thì không: Nó chỉ có thể được hiểu chỉ như một phần của một quá trình lịch sử.
Phép biện chứng
Trong các sự kiện thường nhật, cả hàm tham gia lẫn hàm nhận thức không thay đổi đáng kể. Trong trường hợp những diễn biến duy nhất, không thuận nghịch, cả hai hàm số hoạt động đồng thời theo cách cả quan điểm của người tham gia lẫn tình hình không còn như nhau. Đó là cái biện minh cho sự mô tả sự phát triển như vậy là có tính lịch sử.
Quá trình lịch sử, theo tôi, là được để ngỏ. Khi một tình thế có những người tham gia biết suy nghĩ, chuỗi sự kiện không dẫn trực tiếp từ một tập các sự thực sang tập tiếp theo; đúng hơn, nó kết nối sự thực với nhận thức và nhận thức với sự thực theo một hình mẫu dây giày. Nhưng lịch sử là một loại dây giày rất đặc biệt. Hai bên của giày không được làm từ cùng vật liệu; thực vậy chỉ một bên là vật chất - bên kia gồm các ý tưởng của những người tham gia. Hai bên không khớp nhau, và sự khác biệt giữa chúng xác định hình thù của các sự kiện buộc chúng lại với nhau. Các nút đã được buộc rồi có hình thù xác định, song tương lai được bỏ ngỏ.
Điều này là khá khác cơ chế mà chức năng của nó có thể được giải thích và tiên đoán bởi các qui luật có hiệu lực phổ quát. Trong diễn tiến lịch sử, quá khứ và tương lai là không thuận nghịch, như trong mô hình Karl Popper về phương pháp khoa học. Cái làm cho tương lai khác quá khứ là sự lựa chọn mà những người tham gia buộc phải (và có đặc ân) thực hiện dựa trên cơ sở thông tin không hoàn hảo của họ. Sự lựa chọn đó đưa một yếu tố bất định vào diễn tiến của các sự kiện. Những mưu toan loại bỏ nó bằng thiết lập các qui luật về ứng xử con người phải chịu số phận thất bại.
Lí thuyết dây giày này về lịch sử là một loại biện chứng giữa tư duy của chúng ta và thực tại. Với tư cách như thế, nó có thể được diễn giải như một sự tổng hợp của biện chứng về các ý tưởng của Hegel và chủ nghĩa duy vật biệt chứng của Marx. Georg Wilhelm Friedrich Hegel đưa ra một luận đề rằng các ý tưởng phát triển một cách biện chứng và cuối cùng dẫn đến sự kết thúc của lịch sử - sự tự do. Karl Marx, hoặc chính xác hơn Friedrich Engels, cung cấp một phản đề cho rằng sự phát triển của các ý tưởng được các điều kiện và quan hệ sản xuất xác định; thượng tầng kiến trúc tư tưởng chỉ là phản ánh của hạ tầng cơ sở. Lí thuyết dây giày khi đó có thể được coi là một sự tổng hợp. Thay cho hoặc các tư tưởng hay các điều kiện vật chất tiến hoá một cách biện chứng riêng biệt, chính sự tương tác giữa hai thứ là cái tạo ra quá trình biện chứng. Tôi gọi sự tương tác này là tính phản thân, và lí do duy nhất tôi không dùng từ “biện chứng” một cách dễ thấy hơn là tôi không muốn bị quá tải bởi hành lí thừa đi cùng với nó. Rốt cuộc, Marx đã đề xuất một lí thuyết tất định về lịch sử ngược hoàn toàn với diễn giải của riêng tôi. Sự tương tác giữa vật chất và lí tưởng là lí thú chính xác vì chúng
không tương ứng với nhau hoặc xác định lẫn nhau. Thiếu tương ứng làm cho thiên kiến của những người tham gia là lực lượng nhân quả trong lịch sử. Tính có thể sai - được biểu hiện trong những sai lầm - đóng cùng vai trò trong các sự kiện lịch sử như đột biến gen trong các sự hiện sinh học: Nó làm nên lịch sử.
Gen ích kỉ
Sinh học tiến hoá đã trở thành một lĩnh vực nghiên cứu lí thú. Phương pháp được sử dụng là đi thiết lập các mô hình động mô tả sự tiến hoá của một loài trong tương tác với môi trường. Mỗi loài thuộc về môi trường của loài khác. Sự tiến triển của tất cả các loại - các thị trường tài chính, gia đình, định chế - về lí thuyết có thể được nghiên cứu bằng cùng phương pháp. Trong các hoàn cảnh nào đó, chúng ta có thể kì vọng quá trình đến nằm yên tại một điểm cân bằng, nơi không xảy ra sự thay đổi nữa nếu không có một nhiễu loạn từ bên ngoài. Nhưng đó sẽ là một trường hợp đặc biệt. Trong các trường hợp khác, quá trình có thể tiếp tục vô hạn định mà không hề đi đến nằm yên. Lí thuyết kinh tế bận tâm với việc tìm ra điểm cân bằng; nghiên cứu lịch sử phải tập trung vào quá trình xảy ra liên tục. Không có gì chứng minh rằng lịch sử sẽ kết thúc, chừng nào loài người còn tồn tại.
Trong nghiên cứu lịch sử, sẽ là sai lầm khi coi con người hệt như các loài khác. Có phẩm chất nào đó - khó định vị và định nghĩa - cái làm cho con người nổi bật lên. Hơn là năng lực lựa chọn - con chuột trong một mê cung làm điều đó - chính là năng lực lựa chọn các động cơ thúc đẩy của mình là cái phân biệt con người với các động vật khác. Không có sự bất định nào về động cơ của một con chuột khi nó chọn một con đường hơn là con đường khác: Nó muốn miếng phó mát. Không có sự chắc chắn tương ứng về các động cơ thúc đẩy của con người, và là một sai lầm đi bỏ qua sự khác biệt.
Sinh học tiến hoá hiện đại đã cho ý tưởng chọn lọc tự nhiên của Darwin cuộc sống mới. Các chiến lược được theo đuổi ở mức loài có thể thấy hữu hiệu ở mức gen: Các chiến lược thành công dẫn đến sự lan truyền của các gen, trong đó các chiến lược này được ghi vào. Điều này tạo ra định đề về “gen ích kỉ”. Tên gọi, tất nhiên, có tính ẩn dụ, vì sẽ là giả mạo để qui một động cơ thúc đẩy cho gen, và những người theo thuyết Darwin hiện đại cẩn thận chỉ ra điều này. Sự nhân lên của các gen là không có chủ ý; nó là hệ quả tự nhiên của sự sống sót của cá thể thích hợp nhất - tức là, của một chiến lược thành công. Qui tắc này xem ra là phổ quát, áp dụng cho con người cũng như các loài khác.
Nhưng, vẫn có một sự khác biệt căn bản: Con người tiến hành hành vi có chủ ý. Mối liên kết giữa các chiến lược thành công và sự truyền lan gen ít trực tiếp hơn so với các loài khác. Nó không hoàn toàn vắng; con người đã không bỏ mất nguồn gốc động vật của nó. Không có đường phân chia đột ngột; đúng hơn là, con người đã chồng một lớp hành vi khác lên cơ sở động vật, và lớp đó không bị chế ngự bởi cấu tạo gen của họ ở cùng mức độ như hành vi mang tính bản năng hơn của họ. Chính lớp có chủ ý này là cái giải thích hầu hết ảnh hưởng mà con người có khả năng dùng đối với môi trường của họ. Lớp có chủ ý cũng đưa vào một yếu tố bất định - cụ thể là, sự bất định về ý định - là cái thiếu vắng ở hành vi của các sinh vật khác.
Kĩ thuật gen hiện nay đang có những tiến bộ nhanh. Chúng ta ngày càng có thể ảnh hưởng đến việc não người hoạt động ra sao. Nhưng, nếu không biến con người thành robot, thì chúng ta sẽ không có khả năng loại bỏ tính bất trắc cố hữu trong hành vi con người. Tôi tin khái niệm về tính phản thân và lí thuyết dây giày về lịch sử diễn đạt tính bất trắc này tốt hơn lí thuyết gen ích kỉ.
Có một sự khác nhau giữa ý định và kết quả; kết quả làm thay đổi ý định, cái đến lượt nó lại làm thay đổi kết quả trong một quá trình chẳng bao giờ kết thúc, ở chừng mực nào đó, là giống với tiến hoá sinh học, nhưng ở chừng mực nào đấy, là khác. Đó là cái tôi có ý định khi tôi nói rằng sự thay đổi sinh học cốt ở đột biến gen và có thể được đo bằng sự lan truyền gen, trong khi biến đổi lịch sử cốt ở những nhận thức sai và có thể đo được bằng khoảng cách giữa ý định và kết quả.
Khi đến với hành vi con người, có thể nghi ngờ rằng lịch sử có thể được giải thích đến mức độ nào bằng các qui tắc của gen ích kỉ. Đôi khi người ta nuôi dưỡng các ý định tương ứng với lợi ích của gen ích kỉ, nhưng không phải luôn luôn. Gen ích kỉ đóng một vai trò quan trọng hiển nhiên trong nối ngôi triều đại, nhưng ngay cả ở đó, Shakespeare đưa ra vài nhận xét lí thú - như “tồn tại hay không tồn tại” - cái vượt quá xa giới hạn của lí thuyết gen ích kỉ.
Mô hình Boom-Bust
Vấn đề lí thú là biến đổi lịch sử có thể có được mô hình ra sao. Như tôi đã nhắc tới ở Chương 3, tôi tin lí thuyết trò chơi tiến hoá vạch phương hướng: Nghiên cứu hành vi (ứng xử) thích nghi dường như có ý nghĩa hơn giả thiết hành vi (ứng xử) duy lí.
Tôi đã thú nhận ở chương đó rồi, tôi không có khả năng phát triển một hệ thuyết mới. Cả sinh học tiến hoá lẫn lí thuyết trò chơi tiến hoá đi theo tiến hoá của dân số (số cá thể) theo đuổi các chiến lược nào đó: Các ngư dân theo Descartes và thực dụng trong ngành cá Canada, các nhà đầu tư giá trị và những người buôn bán theo đà trong trường hợp thị trường chứng khoán. Tôi coi cách tiếp cận này có hứa hẹn hơn lí thuyết kì vọng duy lí, nhưng tôi thiếu kĩ năng để phát triển nó. Tôi đã đề xuất một mô hình
boom-bust cho các thị trường tài chính, mặc dù nó chỉ là một minh hoạ về hoạt động phản thân hơn là một lí thuyết khoa học. Tôi đã thấy nó hữu ích như một chỗ dựa trong các quyết định đầu tư của tôi, nhưng nó có thể dễ dàng sụp đổ nếu ta đặt quá nhiều trọng tải lên nó. Bây giờ tôi sẽ mở rộng mô hình đó cho lịch sử nói chung bằng đưa ra một diễn giải
boom-bust về sự nổi lên và sụp đổ của hệ thống Soviet. Đây sẽ là một sự phiêu diêu tưởng tượng hơn là một minh hoạ, song nó có ưu điểm cho phép tôi đưa ra khung khổ quan niệm của mình bằng cách sử dụng một thí dụ cụ thể có thể như sự giảm nhẹ dễ chịu khỏi thảo luận trừu tượng. Để làm việc này, tôi đơn thuần theo định đề về tính có thể sai triệt để bằng cách đẩy một lầm lạc màu mỡ đến giới hạn của nó.
Sự nổi lên và sụp đổ của hệ thống Soviet
Tôi đã dính dáng tích cực vào việc làm tan rã hệ thống Soviet. Với tư cách một người phản đối các xã hội khép kín (đóng), tôi đã háo hức giúp cho sự qua đời của nó. Tôi đã phát triển một diễn giải
boom-bust về tình hình, để hướng dẫn hành động của tôi. Tôi đã công bố nó năm 1990 trong một cuốn sách có tựa đề
Mở Hệ thống Soviet (Opening the Soviet System). Phần tiếp sẽ trình bày tôi đã phân tích tình hình lúc đó ra sao.
Thiên kiến ban đầu (hệ tư tưởng cộng sản) và xu hướng ban đầu (đàn áp) đã dẫn tới một xã hội đóng. Đã có một mối quan hệ tăng cường lẫn nhau giữa tính cứng nhắc của giáo lí cộng sản và sự cứng nhắc của các điều kiện xã hội thịnh hành. Hệ thống đạt đỉnh điểm của nó trong vài năm cuối của sự cai trị của Stalin. Nó đã bao trùm toàn bộ: một hình thức của chính phủ, một hệ thống kinh tế, một đế chế lãnh thổ, và một hệ tư tưởng. Hệ thống đã bao hàm toàn diện, cô lập khỏi thế giới bên ngoài, và không nao núng. Đã có một vực thẳm giữa hoàn cảnh thực tế và diễn giải chính thống về nó cái đã rộng hơn nhiều so với có thể duy trì được trong một xã hội mở. Tôi coi điều này như một trường hợp bất cân bằng tĩnh.
Sau cái chết của Stalin, đã có một giờ phút ngắn ngủi, giờ phút thử thách, khi Nikita Khrushchev tiết lộ một vài bí mật cai trị của Stalin, nhưng cuối cùng hệ thống thứ bậc tái khẳng định mình. Một giai đoạn chạng vạng bắt đầu, khi giáo lí vẫn được duy trì bằng các phương pháp hành chính nhưng không còn được củng cố bằng lòng tin vào hiệu lực của nó. Lí thú là, tính cứng nhắc của hệ thống đã tăng lên. Chừng nào còn có một nhà chuyên chế sống cầm lái, đường lối của đảng Cộng sản có thể thay đổi theo hứng của ông ta. Song bây giờ chế độ được các nhà quan liêu điều hành, tính uyển chuyển đó đã mất đi. Đồng thời, sự khủng bố buộc người dân chấp nhận giáo điều cộng sản cũng dịu đi, và một quá trình sa sút tế nhị bắt đầu. Các định chế dùng mánh khoé để có địa vị. Vì chẳng cái nào có quyền tự trị, mỗi định chế đã phải tiến hành một dạng trao đổi với các định chế khác. Dần dần một hệ thống tinh vi về mặc cả định chế đã thay cho cái được coi là kế hoạch hoá tập trung. Đồng thời, một nền kinh tế phi chính thức phát triển để bổ sung và lấp các lỗ hổng do hệ thống chính thống để lại. Nền kinh tế kế hoạch hoá đã có thể sụp đổ nếu không có nó. Giai đoạn chạng vạng này đã là cái nay được gọi là “thời kì trì trệ”. Sự không thoả đáng này của hệ thống ngày càng trở nên hiển nhiên, và áp lực cho cải cách tăng lên.
Cải cách đã gia tốc quá trình tan rã, vì nó đưa ra hay hợp pháp hoá các lựa chọn khả dĩ khác (trong khi hệ thống phụ thuộc vào sự thiếu các lựa chọn khả dĩ cho sự sống sót của nó). Cải cách kinh tế đã có một thời kì đầu thành công trong mọi nước cộng sản, với ngoại lệ đáng chú ý của bản thân Liên Xô. Các nhà cải cách Trung Quốc gọi pha này là “giai đoạn vàng”, khi tổng lượng vốn được hướng lại để thoả mãn nhu cầu của người tiêu dùng. Liên Xô đã không thực hiện được ngay cả nhiệm vụ tương đối dễ này.
Các nỗ lực cải cách hệ thống cộng sản dựa trên một nhận thức sai: Hệ thống không thể được cải cách, vì nó không cho phép phân bổ kinh tế của vốn. Cần sự thay đổi triệt để hơn. Khi năng lực hiện tại đã được tái định hướng, quá trình cải cách bắt đầu cạn kiệt nguồn lực. Có thể hiểu được vì sao điều này lại thế. Chủ nghĩa cộng sản đã muốn là thuốc giải độc cho chủ nghĩa tư bản, cái đã làm công nhân xa lánh các tư liệu sản xuất. Tất cả tài sản được nhà nước nắm lấy, và nhà nước đã là sự hiện thân của lợi ích tập thể như được đảng xác định. Vì thế đảng chịu trách nhiệm phân bổ vốn. Điều này có nghĩa là vốn được phân bổ không trên cơ sở kinh tế mà trên cơ sở của một giáo điều chính trị, gần như tôn giáo. Sự tương tự hay nhất là việc xây dựng kim tự tháp của các
pharaoh: Phần nguồn lực dành cho đầu tư được tối đa hoá, trong khi lợi ích kinh tế từ nó vẫn ở cực tiểu. Một điểm tương tự khác là các khoản đầu tư có hình thức của các dự án đồ sộ nguy nga. Chúng ta có thể xem các đập thuỷ điện khổng lồ, các nhà máy thép, các phòng đợi ốp đá hoa cương nguy nga của tàu điện ngầm Moscow, và các nhà chọc trời có kiến trúc Stalinist như bao nhiêu kim tự tháp được các
pharaoh hiện đại xây dựng. Các đập thuỷ điện có tạo ra năng lượng điện, các nhà máy thép có sản xuất ra thép, nhưng nếu thép và năng lượng được dùng để tạo ra nhiều đập thuỷ điện và nhiều nhà máy thép hơn, thì tác động lên nền kinh tế chẳng khác mấy tác động của xây các kim tự tháp.
Khung khổ lí thuyết của chúng ta nói với chúng ta rằng, trong hoàn cảnh xa cân bằng của một xã hội đóng, phải có những méo mó không thể hình dung nổi trong một xã hội mở. Ta có thể kiếm minh hoạ nào tốt hơn nền kinh tế Soviet? Hệ thống cộng sản chẳng qui cho vốn giá trị nào; chính xác hơn, nó không công nhận khái niệm quyền tài sản. Kết quả là, hoạt động kinh tế dưới hệ thống Soviet đơn giản không mang tính kinh tế. Để làm thế, đảng phải khác biệt vai trò của nó với tư cách người canh gác và phân bổ vốn. Chính ở điểm này mà mọi nỗ lực cải cách đã nhất thiết thất bại.
Lí thú là, sự thất bại của các cải cách kinh tế làm tăng tốc quá trình tan rã vì nó chứng tỏ nhu cầu về cải cách chính trị. Với sự xuất hiện của
perestroika ở Liên Xô, quá trình tan rã bước vào pha kết thúc của nó vì cải cách đã chủ yếu mang tính chính trị và, như tôi đã nhắc tới ở trước, giai đoạn vàng đã thiếu cho nên cải cách đã tạo ra ít hoặc không tạo ra lợi ích kinh tế nào. Khi mức sống bắt đầu giảm, công luận quay lại chống chế độ, dẫn tới sự tan rã thê thảm lên đến đỉnh điểm ở sự sụp đổ hoàn toàn của Liên Xô.
Hình mẫu là hầu như đồng nhất với hình mẫu chúng ta quan sát thấy ở các thị trường tài chính - với một sự khác biệt chủ yếu: Trong các thị trường tài chính, quá trình
boom-bust dường như tự thể hiện mình như một quá trình tăng tốc, trong khi ở trường hợp của hệ thống Soviet, toàn bộ chu kì bao gồm hai pha, một là một quá trình giảm tốc độ lên đỉnh điểm trong bất cân bằng tĩnh của chế độ Stalin, pha khác là một quá trình tăng tốc dẫn tới sự sụp đổ thê thảm.
[1] Sau đó, tôi đi tiếp để chỉ ra rằng có khả năng tìm ra một quá trình
boom-bust gồm hai pha tương tự trong các thị trường tài chính. Đó là nơi sự minh hoạ biến thành phiêu diêu tưởng tượng. Tôi trích dẫn trường hợp của hệ thống ngân hàng Hoa Kì, đã được điều tiết một cách cứng nhắc sau sự sụp đổ của nó năm 1933. Nó vẫn ỳ ra suốt khoảng ba mươi lăm năm. Năm 1972, tôi viết một báo cáo đầu tư có tựa đề “The Case for Growth Banks - Trường hợp các Ngân hàng Tăng trưởng” cho rằng một ngành ốm yếu sắp hồi sinh. Ngành bị điều tiết ở mức cao, các ban quản lí ù lì và không ưa rủi ro, và giá cổ phiếu đã không phản ánh thu nhập, nhưng tất cả sắp thay đổi. Một giống mới của các nhà ngân hàng đã được nuôi dưỡng ở Citibank, và họ dần dần toả ra toàn quốc. Dưới sự quản lí của họ, các ngân hàng đã bắt đầu sử dụng vốn của mình một cách tháo vát hơn, và mau chóng họ sẽ cần kích thích giá cổ phiếu của họ nhằm huy động thêm vốn và theo đuổi việc thôn tính. Tín hiệu được phát ra khi Citibank đăng cai một cuộc họp cho các nhà phân tích chứng khoán - một sự kiện chưa từng thấy. Bó cổ phiếu do tôi khuyến nghị tăng giá 50 phần trăm trong vòng một năm. Ngay sau đó là khủng hoảng dầu mỏ năm 1973, và các ngân hàng quốc tế đã quay vòng thặng dư của các nước sản xuất dầu, dẫn đến
boom cho vay quốc tế của các năm 1970. Hệ thống ngân hàng lâm vào bất cân bằng động, lên đỉnh điểm ở khủng hoảng cho vay quốc tế năm 1982.
Nét nổi bật của sự so sánh khiên cưỡng này giữa sự nổi lên rồi sụp đổ của hệ thống Soviet và sự sụp đổ rồi nổi lên của hệ thống ngân hàng Mĩ là để chứng tỏ rằng hoàn cảnh xa cân bằng có thể thịnh hành ở cả thái cực thay đổi lẫn ở thái cực không thay đổi. Xã hội đóng là mặt tương ứng của cách mạng và hỗn độn; một quá trình phản thân hoạt động ở cả hai thái cực, sự khác biệt là ở cấp độ thời gian. Trong một xã hội đóng, chẳng có gì mấy xảy ra suốt thời gian dài; trong cách mạng nhiều điều xảy ra trong thời gian ngắn. Trong cả hai trường hợp, nhận thức là rất xa thực tại.
Đây là một thấu hiểu quan trọng. Thảo luận các quá trình
boom-bust trong bối cảnh các thị trường tài chính, thường đưa ta đến nghĩ bằng tăng tốc. Nhưng xu hướng cũng có thể biểu lộ ở dạng giảm tốc, hoặc không có thay đổi. Một khi nhận ra khả năng này, tôi đã có thể tìm ra một thí dụ thực sự trong thị trường cổ phiếu: trường hợp của cổ phiếu ngân hàng từ Đại Suy thoái đến 1972.
[2] Trong lịch sử, các trường hợp về trì trệ, không thay đổi, hoặc bất cân bằng tĩnh, là phổ biến hơn nhiều.
Một khung khổ quan niệm
Thảo luận ở trên giúp thiết lập một khung khổ quan niệm phân chia các tình huống lịch sử thành ba loại: bất cân bằng tĩnh, gần cân bằng, và bất cân bằng động. Khả năng về cân bằng tĩnh bị loại ra bởi sự thực là những người tham gia luôn đặt các quyết định của mình trên cơ sở diễn giải thiên lệch về thực tại. Sự tương ứng giữa kết quả và kì vọng là khó có được, và ngay như nếu nó xảy ra, nó có thể do thiên kiến thịnh hành ảnh hưởng đến trạng thái thịnh hành hơn là những người tham gia hoạt động trên cơ sở tri thức hoàn hảo. Còn lại ba khả năng.
Một là tương tác giữa các hàm nhận thức và tham gia ngăn tư duy và thực tại rời quá xa nhau. Người ta học từ kinh nghiệm; họ hành động trên cơ sở quan điểm thiên lệch, nhưng có một quá trình phê phán hoạt động có xu hướng sửa thiên kiến. Tri thức hoàn hảo vẫn không thể đạt được, nhưng chí ít có một xu hướng cho tư duy và thực tại đến gần nhau hơn. Hàm tham gia đảm bảo rằng thế giới thật, như được những người tham gia trải qua, liên tục thay đổi, nhưng người ta dựa khá vững vào một tập các giá trị căn bản rằng thiên kiến của những người tham gia không thể lệch quá xa với các sự kiện thực tế - nói cách khác, gần cân bằng. Trạng thái này đặc trưng cho xã hội mở, như ở Phương Tây. Loại xã hội này gắn chặt với lối suy nghĩ phê phán. Chúng ta có thể gọi quan hệ này giữa tư duy và thực tại là “bình thường”, vì chúng ta quen với nó từ kinh nghiệm riêng của mình.
Khi chúng ta bắt gặp tập hoàn cảnh thứ hai, trong đó, quan điểm của người tham gia là hoàn toàn không giống cách mà sự vật thực sự là, và hai thứ không chứng tỏ xu hướng nào là chúng tiến đến gần nhau - trong các hoàn cảnh nào đó chúng có thể thậm chí bị kéo xa hơn nữa. Ở một thái cực, có các chế độ hoạt động với một thiên kiến ý thức hệ, và chúng không sẵn lòng điều chỉnh theo hoàn cảnh thay đổi. Chúng cố áp đặt thực tế vào khung khổ quan niệm của họ dẫu cho là họ có lẽ không thể thành công. Dưới áp lực của giáo lí thịnh hành, các điều kiện xã hội có thể cũng trở nên khá cứng nhắc, song thực tế có khả năng vẫn khá xa diễn giải được cho phép của nó. Thật vậy, thiếu một cơ chế hiệu chỉnh, hai thứ có khả năng rời xa nhau hơn nữa, vì chẳng có mức ép buộc nào có thể ngăn thay đổi trong thế giới thực, trong khi giáo lí có khả năng vẫn không nao núng. Trạng thái này là đặc trưng của các xã hội đóng, như Liên Xô hay chế độ độc tài tôn giáo ở Iran. Đây là bất cân bằng tĩnh.
Ở thái cực khác, các sự kiện có thể xảy ra nhanh đến mức sự hiểu biết của người tham gia không thể theo kịp chúng và tình hình nằm ngoài tầm kiểm soát. Sự khác nhau giữa quan điểm thịnh hành và điều kiện thực tế có thể trở nên không thể duy trì được, đẩy nhanh một cuộc cách mạng hoặc sự sụp đổ loại khác nào đó. Lại lần nữa, có sự khác nhau xa giữa tư duy và thực tại, nhưng nó nhất thiết mang tính quá độ. Chế độ cũ bị quét sạch cuối cùng sẽ được thay thế bằng một chế độ mới. Đây là trường hợp thay đổi chế độ, hoặc bất cân bằng động. Cách mạng Pháp là thí dụ cổ điển, nhưng Cách mạng Công nghiệp và các mạng truyền thông hiện thời cũng đủ tư cách.
Sự phân chia ba mà tôi vừa giới thiệu có thể so sánh với ba trạng thái của nước có thể thấy trong tự nhiên: lỏng, rắn, và hơi. Sự tương tự là khiên cưỡng, nhưng gây hứng thú. Để làm cho nó có ý nghĩa, chúng ta phải nhận diện hai đường ranh giới tách hoàn cảnh gần cân bằng và xa cân bằng. Trong trường hợp nước, các đường ranh giới được biểu hiện bằng nhiệt độ. Trong trường hợp lịch sử, các đường ranh giới không thể chính xác và mang tính định lượng như vậy, song chúng phải cho sự phân biệt có thể nhận biết được; nếu khác đi thì toàn bộ khung khổ quan niệm chỉ là sự bay bổng của trí tưởng tượng.
Để thiết lập cái Popper có thể gọi là “tiêu chuẩn về giới tuyến”, tôi phải viện dẫn khái niệm về xã hội đóng và mở. Đây là các loại lí tưởng, tương ứng với hoàn cảnh bất cân bằng tĩnh và gần cân bằng.
[3] Tôi xây dựng chúng khoảng bốn mươi năm trước, vào đầu các năm 1960, dưới ảnh hưởng của
Open Society and its Enemies của Karl Popper.
[4] Xã hội mở đối lại xã hội đóng
Các mô hình dựa trên thái độ đối với thay đổi lịch sử. Tôi phân biệt giữa cách suy nghĩ truyền thống, bỏ qua khả năng thay đổi và chấp nhận trạng thái thịnh hành như trạng thái có thể duy nhất (tức là, xã hội hữu cơ); một cách tư duy phê phán, khai phá những khả năng về thay đổi ở mức đầy đủ nhất (xã hội mở); và một cách tư duy giáo điều, không thể chấp nhận sự bất định (xã hội đóng). Tôi lí lẽ rằng ba hình thức tổ chức xã hội tương ứng với ba cách tư duy (hữu cơ/truyền thống; mở/phê phán; đóng/giáo điều). Tôi cảm thấy cần phân biệt giữa xã hội hữu cơ và xã hội đóng vì có sự khác biệt hoàn toàn giữa cách tư duy truyền thống, phớt lờ khả năng của một lựa chọn khả dĩ, và cách tư duy giáo điều, tìm cách loại bỏ các lựa chọn khả dĩ bằng vũ lực. Xã hội hữu cơ, giống như Vườn Địa đàng, ở trong quá khứ huyền thoại: Tính trinh nguyên, một khi đã mất, không thể lấy lại được. Vì các mục đích thực tiễn, sự lựa chọn là giữa xã hội mở và đóng.
Chẳng cần nói, sự tương ứng giữa các cách tư duy và cơ cấu xã hội là không hoàn hảo. Cả xã hội mở và xã hội đóng đều bỏ quên cái gì đó đáng khao khát mà, theo định nghĩa, chỉ có thể thấy trong xã hội kia. Xã hội đóng hứa hẹn sự chắc chắn và vĩnh cửu: Cái bị thiếu trong xã hội mở, và xã hội mở hứa hẹn quyền tự do: Cái bị từ chối đối với cá nhân trong xã hội đóng. Hệ quả là, hai nguyên lí tổ chức xã hội đứng đối lập với nhau. Xã hội mở thừa nhận khả năng có thể sai của chúng ta; xã hội đóng từ chối nó.
Khi tôi thiết lập khung khổ quan niệm này, vào đầu các năm 1960,
[5] tôi đã không dám khẳng định tính ưu việt của xã hội mở, vì tôi không thể chứng minh nó và nó đã không được bằng chứng ủng hộ: Chủ nghĩa cộng sản vẫn lấn sân. Tôi đã khẳng định rằng bao hàm một sự lựa chọn thật (điều này đúng), và tôi kiên quyết đứng về phía xã hội mở. Tôi tin vào xã hội mở mạnh đến mức, khi cơ hội mở ra, tôi chuyển niềm tin chắc của mình thành hành động. Tôi sẽ tóm tắt các hoạt động từ thiện của tôi vì chúng có liên quan.
Tôi thiết lập Open Society Fund (Quỹ Xã hội Mở) vào năm 1979. Sứ mệnh của nó, như tôi trình bày nó lúc đó, là để giúp mở các xã hội đóng, để giúp làm cho xã hội mở có thể đứng vững hơn, và để nuôi dưỡng cách tư duy phê phán. Sau một khởi đầu chết yểu ở Nam Phi, tôi đã tập trung vào các nước dưới sự cai trị cộng sản - đặc biệt đất nước quê hương tôi, Hungary. Công thức là đơn giản: Bất kể hoạt động hay sự liên hợp nào không nằm dưới sự giám sát hay điều khiển của các nhà chức trách tạo ra các lựa chọn khả dĩ khác và do đó làm yếu độc quyền của giáo điều. Quỹ của tôi ở Hungary, thành lập năm 1985 như một liên doanh với Viện Hàn lâm Khoa học Hungary, đã hoạt động như nhà bảo trợ cho xã hội dân sự. Nó không chỉ hỗ trợ xã hội dân sự, mà xã hội dân sự đã ủng hộ nó; kết quả là, nó đã được miễn khỏi nhiều hệ quả xấu không chủ ý mà các quỹ thường phải chịu đựng. Việc thiện thường có khuynh hướng biến những người nhận thành các đối tượng từ thiện; những người đệ đơn nói với quỹ điều mà quỹ muốn nghe, và nếu họ nhận một khoản trợ cấp, họ tiến hành làm cái mà họ muốn làm đầu tiên. Ở Hungary, đã không hề có chuyện như vậy. Quỹ đã trao quyền cho xã hội dân sự làm cái mà nó muốn làm trong mọi trường hợp, và đã chẳng cần kiểm soát: Xã hội dân sự đã bảo vệ quỹ bằng báo động cho chúng tôi khi tiền quỹ của chúng tôi bị dùng sai. Tôi nhớ một dịp, khi chúng tôi được cảnh báo là hội người mù, đã nhận một khoản trợ cấp cho loại sách nói được, đã sử dụng sai trợ cấp. Ai có thể kiếm được sự giám sát tốt hơn mà không có nỗ lực nào từ phía chúng tôi?
Được khích lệ bởi thành công của quỹ ở Hungary, tôi trở thành một người làm từ thiện bất chấp thái độ phê phán của tôi với việc từ thiện. Khi đế chế Soviet bắt đầu sụp đổ, tôi lao vào trận. Tôi nhận ra rằng, trong một giai đoạn cách mạng, nhiều thứ trở thành cái có thể không thể hình dung nổi vào những lúc khác. Tôi cảm thấy với sự giúp đỡ của mô hình
boom-bust của mình, tôi hiểu tình hình tốt hơn hầu hết những người khác; tôi đã có cam kết mạnh cho xã hội mở; và tôi đã có các công cụ tài chính để ủng hộ nó. Điều này đặt tôi vào một vị thế có một không hai, và tôi không tiếc sức. Tôi đã tăng qui mô của các quỹ của tôi lên một trăm lần -từ 3 triệu $ lên 300 triệu một năm - trong khoảng vài năm.
Chỉ trong tiến trình sụp đổ của hệ thống Soviet, tôi mới phát hiện ra một sai sót trong khung khổ quan niệm của tôi: Nó coi xã hội mở và xã hội đóng như các lựa chọn khả dĩ. Sự phân đôi đã có thể thích hợp trong thời gian Chiến tranh Lạnh, khi hai nguyên lí xây dựng xã hội ngược hoàn toàn đối đầu với nhau trong xung đột chí tử, nhưng nó không hợp với các điều kiện thịnh hành từ khi Chiến tranh Lạnh chấm dứt.
Tôi buộc phải nhận ra rằng sự sụp đổ của một xã hội đóng không tự động dẫn tới sự thiết lập một xã hội mở; ngược lại, nó có thể dẫn đến sự tan vỡ của quyền lực và sự tan rã của xã hội. Một nhà nước yếu có thể là một đe doạ đối với xã hội mở cũng ngang như một nhà nước chuyên chế.
[6] Tôi khám phá ra một điều khác: Người dân sống trong các xã hội mở không thực tin vào xã hội mở như một lí tưởng phổ quát. Họ có thể sẵn lòng bảo vệ các định chế dân chủ trong đất nước riêng của họ, nhưng không nhất thiết sẵn lòng chịu hi sinh lớn để thiết lập các định chế dân chủ ở các nước khác. Đây là một viên thuốc đắng phải nuốt. Khi tôi lao vào lập các Quỹ Xã hội Mở hết nước này sang nước khác, tôi đã nghĩ rằng mình đi tiên phong và những người khác sẽ theo; khi tôi ngoái lại, đã chẳng có ai sau mình. Đây đã không chỉ là một sự thất vọng mà cũng là một thiếu sót trong khung khổ quan niệm của tôi, thực vậy, đây là lỗi tồi tệ nhất trong phân tích của tôi. Tôi đã buộc phải cẩn thận xem xét lại khái niệm xã hội mở; khung khổ tôi giới thiệu ở đây là kết quả của sự xem xét lại đó.
Thay cho phân đôi ra xã hội mở và đóng, nay tôi hình dung xã hội mở ở vùng đất giữa bấp bênh, nơi nó bị đe doạ bởi các niềm tin giáo điều thuộc mọi loại - một số có thể áp đặt một xã hội đóng, số khác có thể dẫn tới sự tan rã của xã hội. Xã hội mở tiêu biểu cho trạng thái gần cân bằng; các lựa chọn khác bao gồm không chỉ bất cân bằng tĩnh của xã hội đóng mà cả bất cân bằng động của hỗn độn và mất phương hướng.
Tôi đã ý thức được những thiếu sót nhất định trong các xã hội mở, những cái có thể dẫn đến sự đổ vỡ của chúng, nhưng tôi đã cho rằng sự đổ vỡ sẽ dẫn đến hình thành một xã hội đóng. Đây là hệ quả của sự phân đôi mà tôi đã thiết lập - rằng xã hội mở và xã hội đóng là những lựa chọn khả dĩ duy nhất; cái mà một xã hội thiếu thì có thể thấy trong xã hội khác. Tôi đã không nhận ra rằng hoàn cảnh của bất cân bằng động có thể duy trì mãi mãi, hoặc, chính xác hơn là, một xã hội có thể lởn vởn ở gờ của hỗn độn (
edge of chaos) mà không thực sự vượt qua gờ hỗn độn. Đây là một sơ suất lạ lùng về phía tôi, vì tôi đã biết luận điểm của lí thuyết các hệ thống tiến hoá rằng cuộc sống xuất hiện tại gờ của hỗn độn.
Quỹ đạo thực sự mà lịch sử theo không thể được vạch rõ, nhưng chúng ta có thể thử đưa ra những nét đặc biệt nào đó vào không gian mà trong phạm vi đó nó xuất hiện. Đó là cái tôi đã làm khi tôi phân biệt giữa xã hội mở và xã hội đóng dưới ảnh hưởng của Karl Popper. Ngày nay, dưới ánh sáng của kinh nghiệm, tôi cần xác định lại không gian trong đó lịch sử diễn ra và thừa nhận thêm một loại: bất cân bằng động. Điều này dẫn đến sự phân ba giống như nước, băng, và hơi nước: xã hội mở (gần cân bằng), xã hội đóng (bất cân bằng tĩnh), và hỗn độn hoặc cách mạng (bất cân bằng động). Cho nên, do chiếm vùng giữa bấp bênh, xã hội mở bị đe doạ từ hai phía: bởi bất cân bằng động cũng như bởi bất cân bằng tĩnh. Đây là một khung khổ khá khác sự phân đôi đơn thuần giữa xã hội mở và xã hội đóng mà tôi đã bắt đầu với. Sự tương tự với nước, băng, hơi nước là thích hợp, vì xã hội mở là lỏng, xã hội đóng là cứng nhắc, và cách mạng là hỗn độn.
Ba trường hợp này tạo thành các loại lí tưởng - hay “những cái hút lạ:
strange attractors”
[7] lại vay mượn một thuật ngữ khác từ lí thuyết hỗn độn. Các sự kiện mang một đặc trưng khác nhau trong phạm vi quỹ đạo của chúng. Nếu chúng ta chẳng có thể học được gì khác về lịch sử ngoài điều này, chúng ta đã học được cái gì đó có giá trị. Các thị trường tài chính ứng xử theo một cách gần cân bằng và cách khác xa cân bằng, và cũng đúng thế với lịch sử nói chung. Thí dụ, thường nhật, có nhiều thứ người ta không hình dung ra nổi, thế mà trong tình huống cách mạng, lại có thể thực hiện được. Nhận ra các cơ hội khi chúng nảy sinh là đỉnh cao của chính khách, cũng là chìa khoá cho thành công ở các thị trường tài chính.
Tôi đã may mắn có một sự hiểu biết sắc sảo về sự khác biệt giữa hoàn cảnh gần cân bằng và xa cân bằng, điều này tôi học được từ cha tôi. Ông đã là một tù binh trong Chiến tranh Thế giới I, và ông đã trốn thoát từ một trại giam ở Siberia trong thời gian Cách mạng Nga. Ông đã trải qua những cuộc phiêu lưu lạ thường, cái đã dạy ông sự khác biệt giữa hoàn cảnh bình thường và cách mạng. Ông đã làm tôi thích thú với những chuyện của ông khi tôi còn là một đứa trẻ. Khi tôi lên mười bốn, vào năm 1944, người Đức chiếm Hungary và đã tiến hành diệt chủng chống lại những người Do Thái; tôi đã có thể không sống sót nếu đó không phải do cha tôi. Ông đã nhận ra đây là một tình huống xa cân bằng trong đó các qui tắc bình thường không được áp dụng. Ông đã dàn xếp - không chỉ cho gia đình ông mà cho nhiều người khác quanh ông - để mang nhân dạng giả.
[8] Hầu hết chúng tôi sống sót. Đồng thời, tôi đã thấy cái gì xảy ra với những người ít chuẩn bị hơn để đối phó với hoàn cảnh đặc biệt: Họ bị tống vào các trại lao động, đày đi Auschwitz, hoặc bị bắn trên bờ sông Danube. Đây đã là kinh nghiệm ảnh hưởng đến việc hình thành nhân cách của đời tôi, lí do vì sao tôi coi khái niệm xã hội mở nghiêm túc đến vậy.
Tôi đã học được rằng, cùng các qui tắc không áp dụng cho mọi thời kì. Không đơn giản là các qui tắc khác nhau áp dụng trong hoàn cảnh cách mạng so với trong thời kì bình thường; chính nét phân biệt của bất cân bằng động là các qui tắc cũng bị thay đổi, và cái là quyết định đúng tại một thời điểm có thể là sai ở thời điểm tiếp theo. Khó để thấy rõ đầy đủ tầm quan trọng của khẳng định này, và còn khó hơn để đi đến quyết định đúng tại thời điểm đúng. Đặc biệt, các định chế quan liêu do bản chất là không thích hợp cho nhiệm vụ. Đó là lí do vì sao chúng có khuynh hướng đổ vỡ và sụp đổ nếu bất cân bằng động trở nên quá khắc nghiệt và các sự kiện tuột khỏi tầm kiểm soát.
Tôi ý thức sâu sắc rằng quan niệm về lịch sử mà tôi trình bày ở đây mang nặng tính cá nhân và phong cách riêng. Sự thực rằng tôi đã phải xét lại sự phân đôi và thay nó bằng sự phân ba phải cảnh báo chúng ta là sự phân chia này bấp bênh đến thế nào. Điều đó không làm giảm giá trị của sự thấu hiểu mà chúng cung cấp, nhưng nó nhắc nhở chúng ta một cách mạnh mẽ rằng các phạm trù này đã do chúng ta đưa ra chứ không phải thấy trong thực tế.
Điều này làm nảy sinh câu hỏi: Liệu các phạm trù tôi đưa ra, đặc biệt là khái niệm xã hội mở, có bất kể sự thoả đáng nào cho hoàn cảnh ngày nay hay không. Tôi không nghi ngờ rằng sự phân biệt giữa xã hội mở và xã hội đóng là thoả đáng với Chiến tranh Lạnh; thực vậy, nó cho sự thấu hiểu cái gì đang lâm nguy tốt hơn sự phân biệt giữa chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa cộng sản. Tôi cũng biết là khái niệm xã hội mở là có ý nghĩa đối với riêng tôi. Câu hỏi mấu chốt là liệu nó có, hoặc phải có, một ý nghĩa cho xã hội nói chung hay không. Mục đích của cuốn sách này để chứng tỏ rằng nó phải có.
Các tuyến ranh giới
Bây giờ hãy để tôi quay lại câu hỏi mà tôi nêu ra trước đây: Cái gì tách hoàn cảnh gần cân bằng khỏi xa cân bằng? Khi nào một chuỗi
boom-bust hay quá trình bất cân bằng khác nào đó phá huỷ hoàn cảnh gần cân bằng của một xã hội mở? Chúng ta đã thấy rằng tương tác hai chiều giữa tư duy và thực tại có thể dễ dàng dẫn đến thái quá, cái có thể đẩy tình hình theo hướng hoặc cứng nhắc hoặc hỗn độn. Để cho xã hội mở thịnh hành, phải có cái neo nào đó ngăn cản tư duy của những người tham gia bị kéo quá xa khỏi thực tại. Cái neo đó là gì?
Để trả lời câu hỏi, đầu tiên chúng ta phải phân biệt giữa các kì vọng và giá trị. Rốt cuộc, các quyết định dựa không chỉ trên cảm nhận của người ta về thực tại mà cũng cả trên các giá trị mà họ sử dụng. Trong trường hợp các kì vọng, cái neo là dễ nhận diện: Đó là bản thân thực tại. Chừng nào người ta nhận ra rằng có sự khác biệt giữa tư duy và thực tại, các sự thực cho một tiêu chuẩn theo đó hiệu lực của các kì vọng của người dân có thể được phán xử. Tính phản thân có thể làm cho các sự kiện là không thể tiên đoán được, nhưng một khi qua đi chúng trở thành xác định một cách duy nhất, như thế chúng có thể được dùng để quyết định liệu tiên đoán của chúng ta đã đúng hay không. Như chúng ta đã thấy, sự tiên đoán có thể ảnh hưởng đến kết quả, như thế kết quả không là một tiêu chuẩn hoàn toàn độc lập cho đánh giá tính hiệu lực của các lí thuyết mà kì vọng dựa vào. Đó là vì sao sự hiểu biết của chúng ta là có thể sai và chúng ta chỉ có thể nói về hoàn cảnh gần cân bằng. Tuy nhiên, thực tại tạo thành một tiêu chuẩn hữu ích.
Trong hoàn cảnh bất cân bằng tĩnh, tư duy và thực tại là cách xa nhau và không biểu lộ xu hướng tiến gần nhau hơn. Trong một xã hội hữu cơ, đơn giản không có sự phân biệt giữa tư duy và thực tại: Thần thánh cai trị thế giới. Trong một xã hội đóng, các kì vọng được neo vào giáo điều, chứ không vào thực tại, và các kì vọng đi trệch khỏi giáo điều chính thống thậm chí không thể được bày tỏ. Có một khoảng cách gắn sẵn giữa phiên bản chính thống về thực tại và sự thực; xoá bỏ nó mang lại sự an ủi vô cùng và một ý nghĩa giải phóng.
Trong hoàn cảnh bất cân bằng động, chúng ta có tình trạng ngược lại: Tình hình thay đổi quá nhanh đối với sự hiểu biết của người dân, gây ra một sự cách biệt lớn giữa tư duy và thực tại. Sự diễn giải các sự kiện không theo kịp nhịp độ diễn biến của các sự kiện; người dân mất phương hướng và các sự kiệt tuột khỏi tầm kiểm soát. Vì vậy thực tại không còn thể đóng vai cái neo cho các kì vọng. Đó là cái đã diễn ra trong thời gian tan rã của hệ thống Soviet. Như tôi sẽ tranh luận, xã hội riêng của chúng ta có thể cũng ở trên bờ của bất cân bằng động, một phần vì nhịp độ thay đổi nhanh và một phần vì sự thiếu sót của các giá trị được chia sẻ.
Vấn đề về giá trị
Các giá trị nào là cần để duy trì hoàn cảnh gần cân bằng của xã hội mở? Tại đây, tôi ở trên mảnh đất không chắc chắn hơn trường hợp các kì vọng, vì cả lí do chủ quan và khách quan, và lí lẽ của tôi mang tính thăm dò hơn. Tôi đã nhắc tới cân nhắc chủ quan: Tôi được đào tạo như một nhà kinh tế và tôi luôn luôn vật lộn để hình dung ra các giá trị thị trường liên hệ thế nào với các giá trị hướng dẫn các quyết định trong các lĩnh vực tồn tại khác – xã hội, chính trị, cá nhân. Thường tôi bị làm cho rối trí thực sự, và tôi ngờ rằng tôi không đơn độc về khía cạnh này. Xã hội Phương Tây đương thời dường như lẫn lộn về các giá trị nói chung và về quan hệ giữa các giá trị thị trường và giá trị xã hội nói riêng. Như thế khó khăn chủ quan hoà vào khó khăn khách quan. Hãy để tôi phát biểu vấn đề như tôi hiểu, đầu tiên ở mức lí thuyết rồi đến mức thực tiễn.
Ở mức lí thuyết, nhận thức có một tiêu chuẩn khách quan - là, thực tại - theo đó nó có thể được phán xử. Như chúng ta đã thấy, tiêu chuẩn là không hoàn toàn độc lập, nhưng đủ độc lập để gọi là khách quan: Không người tham gia nào ở vị thế để áp đặt ý chí của mình lên diễn tiến của các sự kiện. Ngược lại, các giá trị không thể được đánh giá bằng bất kể tiêu chuẩn khách quan nào vì chúng không được giả thiết là tương ứng với thực tại: Các tiêu chuẩn dùng để đánh giá các thứ được cá nhân hay nhóm chấp nhận chúng lựa ra. Nói cách khác, các giá trị có hiệu lực vì chúng ta tin vào chúng. Điều này làm cho chúng phản thân hơn kì vọng. Không phải tất cả các kì vọng đều có thể tự hợp lệ hoá vì chúng liên hệ đến thực tại, và các sự thực - khi chúng tiến triển - áp đặt một ràng buộc thép lên tính hợp lệ của các kì vọng. Nhưng các giá trị lại không bị ràng buộc bởi thực tại. So sánh với các ý niệm nhận thức, chúng có thể thay đổi trên một dải rộng hơn nhiều. Chúng thậm chí không cần nhất quán, chừng nào người dân có thể tự thuyết phục mình về tính hợp lệ của chúng tại thời điểm chúng tác động lên họ. Chúng thậm chí không cần liên hệ đến thế giới này. Nhiều tôn giáo qui cho thế giới khác tầm quan trọng lớn hơn thế giới này. Điều này gây nhiều khó khăn cho bất cứ cuộc thảo luận nào về giá trị. Lí thuyết kinh tế đã rất khéo để coi chúng là cho trước. Với sự giúp đỡ của công cụ phương pháp luận đó, lí thuyết kinh tế thiết lập khái niệm cân bằng. Mặc dù tôi hay phê phán khái niệm này, nó không thể thiếu được cho phân tích của tôi. Tôi chỉ có thể chỉ ra rằng hoàn cảnh xa cân bằng có thể nảy sinh ra sao trong các thị trường tài chính chỉ vì khái niệm cân bằng (mà từ đó thực tại có thể lệch đi) đã được phát triển kĩ. Không có khái niệm tương tự nào là sẵn có cho khu vực phi thị trường của xã hội.
Tôi đã định nghĩa “cân bằng” như sự tương ứng giữa kì vọng và kết quả. Làm sao tôi có thể áp dụng định nghĩa đó cho các giá trị được cho là gắn xã hội lại với nhau? Tôi sẽ thử thiết lập một niềm tin vào xã hội mở như một điều kiện cần cho sự tồn tại của một xã hội mở, nhưng đó sẽ không phải là một lí lẽ dễ: Xã hội mở là một khái niệm khó nắm bắt; còn khó hơn để coi nó như một lí tưởng. Xã hội mở dựa trên sự thừa nhận tính có thể sai của chúng ta. Sự hoàn hảo lẩn tránh chúng ta; vì thế chúng ta phải bằng lòng với cái tốt nhất thứ nhì; một xã hội không hoàn hảo tự để ngỏ cho sự cải thiện. Đó có là một lí tưởng có thể kích thích trí tưởng tượng của dân chúng?
Chắc chắn nó đã kích thích tôi. Nhưng nếu tôi là người duy nhất, tôi chẳng hơn một kẻ cuồng tín. Cuốn sách này là một nỗ lực để thuyết phục những người khác đặt niềm tin vào xã hội mở như một hình thức đáng mong mỏi của tổ chức xã hội.
Ở mức thực tiễn, xã hội đương thời dường như bị một thiếu sót gay gắt về các giá trị xã hội được chia sẻ. Các giá trị không tồn tại trong chân không; chúng là phản thân. Chúng được nhào nặn, nhưng không được quyết định - bởi kinh nghiệm. Các giá trị được chia sẻ là kết quả của các kì vọng được chia sẻ. Người ta đã than vãn về sự sa sút giá trị xã hội được chia sẻ suốt quá trình lịch sử, nhưng có một nhân tố hoạt động, nhân tố làm cho hiện tại khác các thời kì khác: sự lan rộng của các giá trị thị trường cho tư lợi địa vị cao hơn lợi ích chung. Không chỉ sự theo đuổi tư lợi được đồng nhất với lợi ích chung nhờ vào bàn tay vô hình; sự theo đuổi lợi ích chung bị lên án là nguồn gốc của tham nhũng, xung đột, và phi hiệu quả thuộc mọi loại - và không phải không có biện minh. Với đạo đức suy đồi, các giá trị thị trường đã xâm nhập vào các lĩnh vực xã hội mà trước đây được các cân nhắc phi thị trường chế ngự. Các lĩnh vực cho đến nay ở ngoài giới hạn này bao gồm các quan hệ cá nhân, chính trị, và nghề nghiệp như luật và y khoa. Thứ nhất, các mối quan hệ lâu dài bị thay bằng các giao dịch riêng. Cửa hàng tạp hoá - nơi chủ và khách hàng có quan hệ quen biết - đã nhường chỗ cho siêu thị và gần đây hơn, cho Internet. Thứ hai, các nền kinh tế quốc gia được thay bằng một nền kinh tế quốc tế, nhưng cộng đồng quốc tế, ở mức nó tồn tại, lại chia sẻ ít giá trị xã hội.
Xã hội giao dịch
Thay mối quan hệ bằng giao dịch là một quá trình lịch sử đang diễn ra, quá trình sẽ chẳng bao giờ đạt tới kết thúc logic của nó, nhưng đã tiến triển nhiều - xa hơn nhiều so với đầu các năm 1960, khi tôi đến đất nước này và quan sát thấy nó lần đầu tiên. Tôi đã đến từ nước Anh và bị ấn tượng bởi sự khác biệt: Quan hệ ở Hoa Kì dễ hơn nhiều để thiết lập và từ bỏ. Xu hướng thậm chí còn tiến xa hơn nữa kể từ đó. Vẫn có kết hôn và gia đình, nhưng, thí dụ, trong hoạt động ngân hàng đầu tư, các giao dịch đã hầu như thay thế hoàn toàn mối quan hệ. Điều này cung cấp một thí dụ rõ ràng về những sự thay đổi xảy ra trong nhiều lĩnh vực hoạt động khác.
Khi tôi bắt đầu làm việc ở Thành phố London trong các năm 1950, đã hầu như không thể tiến hành bất kể việc kinh doanh nào mà không có một mối quan hệ trước. Vấn đề đã không là: Bạn biết cái gì, mà là: Bạn biết những ai. Đó là lí do chính khiến tôi rời London: Vì tôi đã không có nhiều quan hệ ở đó, các cơ hội của tôi đã tốt hơn nhiều ở New York. Trong một thời gian ngắn, tôi đã thiết lập các mối tiếp xúc buôn bán đều đặn với các hãng hàng đầu, mặc dù tôi làm việc ở một hãng môi giới tương đối không nổi tiếng; tôi đã không thể làm điều đó ở London. Nhưng ngay cả ở New York, việc bao tiêu (phát hành) chứng khoán vẫn hoàn toàn được chế ngự bởi các mối quan hệ: Các hãng tham gia vào các tổ hợp trong một lệnh góp nhặt nào đó, và đã là một sự kiện lớn khi một hãng vượt lên hoặc đi xuống quá một giới hạn. Tất cả điều này đã thay đổi. Mỗi giao dịch hiện nay đứng riêng một mình, và các nhà ngân hàng đầu tư cạnh tranh vì mỗi doanh vụ.
Sự khác biệt giữa giao dịch và quan hệ được lí thuyết trò chơi phân tích kĩ ở dạng thế nan giải của phạm nhân: Hai kẻ nghi can cùng lừa đảo bị bắt và bị thẩm vấn. Nếu một nghi can cung cấp bằng chứng chống lại nghi can khác, cô ta có thể được giảm án, nhưng kẻ tòng phạm có khả năng bị kết tội cao hơn. Sẽ tốt hơn cho cả hai nếu họ vẫn trung thành với nhau, nhưng tách rời thì mỗi người có thể kiếm lợi bằng cách làm hại kẻ khác. Phân tích cho thấy, trong trường hợp giao dịch riêng, có thể có lí để phản bội song trong mối quan hệ lâu dài có lợi để trung thành. Có thể coi điều này như một minh hoạ về hành vi hợp tác có thể phát triển ra sao với thời gian, song nó cũng có thể dùng để chứng tỏ hợp tác và lòng trung thành có thể bị sự thay mối quan hệ bằng giao dịch làm xói mòn ra sao.
[9] Toàn cầu hoá tác động theo cùng chiều, làm tăng phạm vi của các giao dịch và giảm sự phụ thuộc vào mối quan hệ.
Tất cả điều này liên quan đến thiếu sót của các giá trị được chia sẻ trong xã hội đương thời. Ta có xu hướng coi các giá trị xã hội hay đạo đức là nghiễm nhiên. Chúng ta dẫn chiếu đến nó như “nội tại” hay “căn bản”, ngụ ý rằng tính hiệu lực của nó theo cách nào đó là độc lập với tình huống thịnh hành. Chẳng gì có thể xa sự thật hơn thế. Nếu có thể coi các giá trị xã hội như được cho trước - như lí thuyết kinh tế làm với các giá trị thị trường - chúng ta sẽ chẳng có khó khăn gì để xác lập cái gì đó tiến tới trạng thái cân bằng. Nhưng không phải vậy. Các giá trị xã hội là phản thân. Chúng chịu ảnh hưởng của các điều kiện xã hội và, đến lượt nó, chúng đóng vai làm cho các điều kiện xã hội là cái chúng là. Người dân có thể tin rằng Chúa truyền xuống Mười Điều răn và, tin như vậy, có thể làm cho xã hội công bằng và ổn định hơn. Ngược lại, thiếu các ràng buộc đạo đức có thể gây ra bất công và bất ổn định.
Một xã hội giao dịch làm xói mòn các giá trị xã hội và làm lỏng các ràng buộc đạo đức. Các giá trị xã hội bày tỏ sự quan tâm đến những người khác. Chúng ngụ ý là cá nhân thuộc về một cộng đồng - gia đình, bộ lạc, quốc gia, hay nhân loại - mà lợi ích chung có địa vị cao hơn tư lợi cá nhân. Thế nhưng một nền kinh tế toàn cầu là bất cứ thứ gì chứ không phải là một cộng đồng. Nó gồm có những người có truyền thống khác nhau mà với họ hầu hết những người khác đại diện cho cộng đồng khác không phải cộng đồng mà họ thuộc về. Trong một môi trường cạnh tranh khốc liệt, khó mà quan tâm đến người khác; đến mức quan tâm tới cả nhân loại là yêu cầu cái không thể. Tình hình bị tín điều thịnh hành của thuyết thị trường chính thống làm nghiêm trọng thêm. Nó kiên định rằng lợi ích công được phụng sự tốt nhất bằng cách để mỗi người theo đuổi tư lợi riêng. Điều này ban phúc lành đạo đức cho sự theo đuổi tư lợi. Những người chấp nhận tín điều có xu hướng vượt trội vì họ không vướng víu bởi những đắn đo đạo đức trong cuộc xâu xé lẫn nhau - và thành công như vậy có thể là tự tăng cường.
Chúng ta không được cường điệu. Các ràng buộc ngoài do cộng đồng áp đặt có thể bị sự phát triển của nền kinh tế giao dịch, toàn cầu làm xói mòn, và theo đuổi tư lợi có thể được biện minh đạo đức, nhưng nhất thiết còn một số ràng buộc nội tại. Ngay cả nếu người ta đã biến thành các nhà cạnh tranh chuyên tâm, họ đã không được sinh ra như thế. Sự biến đổi mới xảy ra khá gần đây, và vẫn chưa hoàn tất. Mặc dù chúng ta đến gần một xã hội giao dịch hơn bất kể thời kì nào trong lịch sử, một xã hội thuần giao dịch chẳng bao giờ có thể tồn tại. Người ta dường như có một nhu cầu bẩm sinh về giá trị xã hội. Với tư cách là loài hữu tình, họ không thể tránh biết bản chất phù du riêng của họ, sự chết của họ. Họ có xu hướng với tới các giá trị trải ra ngoài bản ngã hạn hẹp của họ. Ngay cả khi họ theo đuổi tư lợi của mình, họ dường như có nhu cầu biện minh hành vi của họ bằng quan tâm đến các nguyên lí vượt quá bản thân họ. Như Henri Bergson đã chỉ ra, tính đạo đức có thể có hai nguồn: sự thuộc về bộ lạc và thân phận con người phổ quát. Chính cái sau là cái mà xã hội mở phải neo vào. Tôi sẽ thử phát triển lí lẽ này ở chương tiếp theo.
[1]Cô đọng từ Chương 4 của George Soros,
Opening the Soviet System (London: Weidenfield and Nicolson, 1990; do CEU Press in lại, Budapest).
[2]Tôi bắt gặp một trường hợp tương tự ở Thuỵ Điển trong các năm 1960. Thị trường cổ phiếu Thuỵ Điển khi ấy hoàn toàn cô lập khỏi phần còn lại của thế giới; ta phải bán cổ phần Thuỵ Điển được nắm giữ ở nước ngoài để có thể mua cổ phần Thuỵ Điển ở Thuỵ Điển. Các công ti được phép giữ lại thu nhập mà không phải đóng thuế bằng cách lập ra các quỹ dự trữ khác nhau, nhưng chúng không thể dùng các quỹ dự trữ đó để tăng cổ tức. Cổ phần được định giá trên cơ sở thu nhập cổ tức. Kết quả là, có sự khác nhau khủng khiếp về tỉ lệ giá-thu nhập, và các công ti tốt nhất bị định giá thấp một cách kinh khủng (cho đến khi tôi xuất hiện và chỉ ra việc định giá thấp trong vài báo cáo). Cổ phần Thuỵ Điển được nắm giữ ở nước ngoài đã tăng với các khoản chênh lệch to lớn, nhưng do những hạn chế về buôn bán, mối quan tâm mà tôi gợi ra không được thoả mãn, và cuối cùng thị trường quay lại để ngủ cho đến khi qui chế thay đổi.
[3]Xã hội mở và xã hội đóng tạo thành các loại lí tưởng. Mô hình hoá các loại lí tưởng là một phương pháp chính đáng cho nghiên cứu xã hội. Nó được Max Weber hợp pháp hoá và được các nhà thực tiễn muộn hơn sử dụng, như Ernest Gellner. Nó có ưu điểm - hay nhược điểm - là nó có thể đóng không chỉ vai trò cấp thông tin mà cả vai trò chuẩn tắc nữa. Cạnh tranh hoàn hảo như được lí thuyết kinh tế đưa thành định đề là một loại lí tưởng như vậy.
[4]István Rev cho rằng quan tâm của tôi với các loại lí tưởng và các tiêu chuẩn phân giới tuyến của tôi là sai lầm. Lịch sử là một quá trình, tính phản thân là một quá trình, và tôi tìm cách diễn giải lịch sử như một quá trình phản thân. Vì sao tôi phải cố rút gọn các quá trình về mặt quan niệm thành các trạng thái? Đó là một câu hỏi có cơ sở. Mục đích của tôi là chứng tỏ rằng quá trình lịch sử có thể tạo ra các trạng thái khác nhau về mặt định tính, như nước, băng, và hơi nước khác nhau. Các mô hình phải được xây dựng như những cái trợ giúp cho việc hiểu thực tại, không như biểu diễn thực tại. Nói cách khác, chúng phải không được hiểu quá theo nghĩa đen. Nhưng, tôi vẫn coi khái niệm về xã hội mở một cách nghiêm túc, cả như một sự biểu diễn thực tại lẫn như một mục tiêu đáng theo đuổi. Điều này đã gây cho tôi những khó khăn to lớn về quan niệm mà tôi sẽ thuật lại chi tiết khi chúng ta tiếp tục ở đây và ở Chương 5. Tôi không coi sự phân biệt giữa các sự kiện buồn tẻ và sự kiện lịch sử rất nghiêm túc, và tôi tin độc giả cũng sẽ không coi như thế.
[5]Sao lại hầu như nguyên văn trong
Opening the Soviet System.
[6]Stephen Holmes, “What Russia Teaches Us Now: How Weak States Threaten Freedom”,
The American Prospect (July-August 1997): 30-39.
[7]Chú thích của dịch giả : Một cái hút (attractor) là một tập đóng bất biến có một lân cận sao cho quỹ đạo của hệ thống động học xuất phát từ một điểm lân cận sẽ tiến vào attractor đó (bao gồm các trạng thái cân bằng ổn định, các quỹ đạo tuần hoàn ổn định và các xuyến bất biến ổn định chứa các quỹ đạo gần tuần hoàn). Các
attractor lạ là các tập đóng bất biến chỉ gồm các quỹ đạo không ổn định, thực ra, là các quỹ đạo cá biệt.
[8]Tivadar Soros,
Maskerado: Dancing around Death in Nazi Hungarry (Edinburgh: Cannongate Books, October 2000).
[9]Robert Axelrod,
The Complexity of Cooperation: Agent-Based Models of Competition and Collaboration (Princeton: Princeton Studies in Complexity, Princeton University Press, 1997) và
The Evolution of Cooperation (New York: basic Books, 1984); Anatol Rapoport and Albert M. Chammah, with Carol J. Orwant,
Prisoner’s Dilemma: A Study in Conflict and Cooperation (Ann Arbor: University of Michigan Press, 1965).