Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Bài Viết >> Xã hội mở-Cải cách chủ nghĩa tư bản toàn cầu

  Cùng một tác giả
Không có truyện nào


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 10241 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Xã hội mở-Cải cách chủ nghĩa tư bản toàn cầu
George Soros

Chương 1(b)
Một khái niệm phản thân về chân lí

Chủ nghĩa thực chứng logic tìm cách loại bỏ và coi các tuyên bố tự-dẫn chiếu là vô nghĩa. Sơ đồ rõ ràng rất phù hợp với một vũ trụ tách biệt và độc lập với các tuyên bố dẫn chiếu đến nó, nhưng rất không thích đáng cho sự hiểu biết thế giới của các tác nhân có tư duy. Đã luôn có khả năng tấn công lập trường thực chứng logic tại biên bằng cách vẽ ra các tuyên bố nào đó mà giá trị chân lí của nó là bất định - thí dụ, “Vua hiện thời của nước Pháp hói đầu”. Nhưng các tuyên bố như vậy hoặc vô lý hay được sắp đặt trước; cả hai cách, chúng ta có thể sống mà chẳng cần đến chúng. Ngược lại, các tuyên bố phản thân là không thể thiếu được cho sự hiểu biết đúng đắn công việc xã hội. Chúng ta không thể làm mà không có các tuyên bố phản thân bởi vì chúng ta không thể loại trừ các quyết định liên quan đến số phận chúng ta; và chúng ta không thể đi tới các quyết định đó mà không dựa vào các lí thuyết và những tiên đoán có thể ảnh hưởng đến đối tượng chủ thể mà chúng dẫn chiếu tới. Bỏ qua việc sử dụng các tuyên bố phản thân khi tất cả chúng ta đều dùng chúng, hoặc buộc chúng vào các phạm trù “đúng” và “sai”, là diễn giải sai vai trò của tư duy trong công việc của con người. Thay cho phân loại chúng chỉ như đúng hay sai, có thể hữu ích hơn để đưa ra một phạm trù thứ ba: các tuyên bố phản thân mà giá trị chân lí của nó tuỳ thuộc vào tác động của chúng.
Mọi tuyên bố về giá trị đều có đặc tính phản thân: “Sung sướng thay những người nghèo, vì thiên đường là của họ”. Nếu tin vào tuyên bố này, thì người nghèo thực sự có phước lành với khả năng để lờ đi những công việc khó nhọc của mình nhưng họ sẽ ít được thúc đẩy để thoát khỏi cảnh khổ cực của họ. Theo cùng cách, nếu người nghèo bị cho là có tội về sự khốn khó của riêng mình, thì họ chắc ít nhận được bất kể sự khuây khoả nào và sẽ có ít lí do để coi mình là có phước. Hầu hết những khái quát hoá về lịch sử và xã hội tương tự đều có đặc tính phản thân: “Những người vô sản trên thế giới chẳng có gì để mất ngoài xiềng xích của họ” hoặc “Lợi ích chung được phụng sự tốt nhất bằng cách để cho người dân theo đuổi lợi ích riêng của họ”. Có thể thích đáng để khẳng định rằng những tuyên bố như vậy không có giá trị chân lí xác định, nhưng thật sai lầm (và về mặt lịch sử đã rất nguy hiểm) để coi chúng như vô nghĩa. Ở mức độ chúng được tin, chúng tác động lên tình hình mà chúng dẫn chiếu đến.
Tôi không đòi hỏi rằng một phạm trù thứ ba về chân lí là không thể thiếu được để giải quyết các hiện tượng phản thân. Một sự phân biệt được sùng kính lâu đời giữa đúng và sai có thể là đủ, miễn là chúng ta thừa nhận rằng các tuyên bố không cần phải là đúng hay sai để là có nghĩa. Những tiên đoán liên quan đến các sự kiện đơn nhất là đúng hay sai phụ thuộc vào liệu chúng có xảy ra hay không. Chỉ khi đến các lí thuyết tiên đoán thì sự bất trắc gắn với tính phản thân nới có vai trò. Có lẽ được giải quyết tốt nhất ở mức các lí thuyết hơn là ở mức các tuyên bố. Điểm mấu chốt là trong các tình trạng phản thân sự thực không nhất thiết cung cấp một tiêu chuẩn độc lập theo đó tính đúng đắn hay hợp lệ của các lí thuyết có thể được đánh giá. Chúng ta đã đi đến coi sự tương ứng như dấu xác nhận của chân lí. Nhưng sự tương ứng có thể được dẫn đến theo hai cách: hoặc đưa ra các tuyên bố tương ứng với các sự thực, hoặc làm cho các sự thực tương ứng với các tuyên bố. Chỉ có ở trường hợp đầu sự tương ứng là cái đảm bảo của chân lí; ở trường hợp thứ hai sự tương ứng có thể là sự chứng nhận cho tác động của một niềm tin hơn là cho tính đúng đắn hay hợp lệ của nó. Lời cảnh báo này áp dụng cho hầu hết các tuyên bố chính trị và nhiều lí thuyết xã hội. Thay cho là đúng hay sai, chúng tuỳ thuộc vào việc có được tin không.
Tôi hầu như không cần nhấn mạnh ý nghĩa sâu sắc của đề xuất này: Đối với tư duy chẳng gì căn bản hơn khái niệm chân lí. Chúng ta đã quen nghĩ về các tình trạng có người tham gia biết suy nghĩ theo cùng cách như nghĩ về các hiện tượng tự nhiên, nhưng mối quan hệ giữa sự thực và tuyên bố là khác: Thay cho đường một chiều, ta thấy một cơ chế phản hồi hai chiều- phản thân. Vì vậy chúng ta phải xét lại kĩ lưỡng cách chúng ta nghĩ về thế giới công việc con người và xã hội.
Một quan niệm tương tác về thế giới

Trong lĩnh vực xã hội, chúng ta có thể đưa ra sự phân biệt giữa tuyên bố và sự thực, giữa tư duy và thực tại, nhưng chúng ta phải nhận ra rằng sự phân biệt này là do chúng ta đưa vào với một nỗ lực để làm cho thế giới mà chúng ta sống có ý nghĩa; nó không thịnh hành trong thế giới đó. Tư duy của chúng ta thuộc cùng một vũ trụ mà chúng ta nghĩ về. Điều này gây ra vô số khó khăn không tồn tại khi đề cập đến các khía cạnh của thực tại nơi tư duy và thực tại có thể được tách rời ra thành hai ngăn kín kẽ (như trong khoa học tự nhiên). Thay cho các phạm trù tách biệt, chúng ta phải coi tư duy như một phần của thực tại. Tình cờ, những khó khăn tương tự nảy sinh khi chúng ta thử hiểu thực tại như một tổng thể (vì chúng ta là một phần của nó), nhưng đó không phải là trọng tâm chính của thảo luận này.
Không thể hình thành một bức tranh về thế giới chúng ta sống mà không có méo mó. Theo nghĩa đen, khi mắt người tạo ra một hình ảnh thị giác, có một điểm mù nơi dây thần kinh mắt gắn với hệ thống thần kinh. Hình ảnh hình thành trong óc chúng ta tái tạo thế giới bên ngoài rõ một cách xuất sắc, và có thể thậm chí lấp kín điểm mù bằng cách ngoại suy từ phần còn lại của bức tranh, dẫu cho chúng ta không thể thực sự thấy cái gì ở vùng do điểm mù che phủ. Đây là một ẩn dụ hữu ích cho vấn đề chúng ta đối mặt. Sự thực rằng tôi dựa vào một ẩn dụ để giải thích vấn đề có lẽ là một ẩn dụ còn tốt hơn.
Thế giới chúng ta sống là cực kì phức tạp. Để hình thành một quan niệm về thế giới, có thể dùng như cơ sở cho các quyết định, chúng ta phải đơn giản hoá. Sử dụng những khái quát hoá, ẩn dụ, tương tự, so sánh, phân đôi, và các kiến trúc tinh thần khác dùng để đưa trật tự nào đó vào một vũ trụ mặt khác rất khó hiểu. Nhưng mọi kiến trúc tinh thần ở mức độ nào đó làm méo mó cái nó đại diện, và mọi sự méo mó thêm cái gì đó vào thế giới mà chúng ta cần hiểu. Các ý tưởng có một cách để có cuộc sống riêng của chúng. Tôi sẽ cho một minh hoạ thực tiễn về điều này trong quan hệ với khái niệm về xã hội mở (xem Chương 5). Chúng ta tư duy càng nhiều, chúng ta phải suy nghĩ càng nhiều. Đó là vì thực tại không phải là một cái được cho trước. Nó hình thành trong cùng quá trình như tư duy của những người tham gia: Tư duy càng phức tạp, thực tại càng trở nên phức tạp. Tư duy chẳng bao giờ có thể bắt kịp thực tại, vì thực tại luôn luôn phong phú hơn nhận thức của chúng ta. Thực tại có khả năng làm các nhà tư tưởng ngạc nhiên, và tư duy có khả năng tạo ra thực tại.
Định lí Gödel đã làm cho tôi thấy rõ điểm này. Gödel đã chứng minh về mặt toán học rằng luôn luôn có nhiều qui luật trong toán học hơn ta có thể chứng minh được về mặt toán học. Kĩ thuật mà ông đã dùng là biểu thị các qui luật toán học bằng các số Gödel. Vì số các số nguyên là vô hạn, luôn có thể thêm một số vào vũ trụ mà các số này thuộc về, đó là, các định luật toán học. Bằng cách này, Gödel đã có thể chứng minh không chỉ rằng số các qui luật là vô tận mà cả rằng nó vượt quá số qui luật có thể được biết đến bởi vì có các qui luật về các qui luật về các qui luật ad infinitum (cứ thế mãi); cái phải được biết trải rộng ra theo bước với tri thức của chúng ta.
Cùng dòng lập luận, có thể áp dụng cho tình trạng có những người tham gia có tư duy. Để hiểu điều này, chúng ta cần xây dựng một mô hình chứa quan điểm của tất cả những người tham gia. Bản thân những quan điểm đó cũng lại tạo thành các mô hình cái phải chứa quan điểm của tất cả những người tham gia. Như thế chúng ta cần các mô hình của các nhà xây dựng mô hình mà các mô hình của họ bao hàm các mô hình của các nhà xây dựng mô hình, và vân vân, cứ thế mãi, ad infinitum. Các mô hình nhận ra càng nhiều mức, có càng nhiều mức cần phải nhận ra - và nếu các mô hình không nhận ra chúng, như sớm muộn chúng phải thế - chúng không còn tái tạo thực tại. Nếu giả như tôi có kĩ năng toán của Gödel, tôi phải có khả năng chứng minh theo dòng suy nghĩ này rằng các quan điểm của những người tham gia không thể tương ứng với thực tại. [1]
Đây không phải là chỗ để thảo luận nhiều cách khác nhau, trong đó tư duy làm méo mó lẫn làm thay đổi thực tại. Hiện tại có thể gộp chúng lại dưới cái tên “tính có thể sai”. Có các vấn đề không có lời giải cuối cùng nào, và nỗ lực tìm giải pháp có thể làm trầm trọng vấn đề. Một người tham gia có tư duy tìm cách nhận tri thức hay thử đương đầu với viễn cảnh về cái chết của mình đối mặt với các vấn đề không có lời giải. Tôi ám chỉ các loại vấn đề này như “thân phận con người”. Tuy nhiên, các vấn đề không có lời giải không giới hạn ở thân phận con người. Ta bắt gặp chúng trong nhiều bối cảnh: Thiết kế một hệ thống tỉ giá hối đoái, khắc phục sự lạm dụng thuốc [ma tuý], duy trì tính ổn định của các thị trường tài chính - tất cả các vấn đề không giải quyết được hiện nay, nơi giải pháp được chấp nhận nhất thiết gây ra các vấn đề mới.
Hai phiên bản của tính có thể sai

Tôi đề xuất thảo luận hai phiên bản của tính có thể sai: thứ nhất, một phiên bản “hình thức”, ôn hoà, dễ chứng minh hơn mang tính cố hữu trong khái niệm phản thân và biện minh cho một lối tư duy phê phán; thứ hai, một phiên bản triệt để, mang tính cá nhân, và cá tính hơn cái thực sự đã hướng dẫn tôi trong cuộc sống và tạo thành cơ sở của lí thuyết của tôi về lịch sử.
Phiên bản hình thức, ôn hoà của tính có thể sai được thảo luận rồi. Tính có thể sai có nghĩa là thiếu sự tương ứng giữa tư duy của người tham gia và trạng thái thật của sự việc; như một kết quả, các hành động có những hậu quả không dự tính trước. Kết quả không nhất thiết khác chủ ý, nhưng có khả năng như vậy. Có nhiều sự kiện thường, buồn tẻ diễn ra đúng như dự kiến, song các sự kiện biểu lộ một sự khác biệt là lí thú hơn. Chúng có thể biến đổi quan niệm của người dân về thế giới và khởi động một quá trình phản thân, đầu tiên tự-hợp lệ và tự-tăng cường nhưng cuối cùng trở thành tự-thủ tiêu. Khi xảy ra, một quá trình như vậy có thể đẩy các quan điểm thịnh hành và trạng thái thật của sự việc ra khá xa nhau mà không có bất kể đảm bảo nào rằng chúng sẽ bao giờ được kéo lại với nhau. Thông thường, các sai lầm có xu hướng được sửa chữa, nhưng khi các quan điểm là tự-hợp lệ không hiển nhiên rằng chúng là sai lầm cho đến muộn hơn nhiều trong quá trình- và vào lúc đó, thực tại làm cơ sở cũng đã thay đổi.
Tính có thể sai nghe có vẻ tiêu cực, song nó có khía cạnh tích cực quan trọng hơn về nhiều mặt. Cái không hoàn hảo có thể được cải thiện. Sự thực là hiểu biết của chúng ta không hoàn hảo một cách cố hữu làm cho có thể học và nâng cao hiểu biết của chúng ta. Tất cả cái cần là thừa nhận tính có thể sai của chúng ta và thiết lập một cơ chế sửa sai. Điều này mở đường cho tư duy phê phán, và không có giới hạn cho sự thấu hiểu của chúng ta có thể đi xa đến đâu. Phạm vi cho cải thiện là vô tận chính xác vì sự hoàn hảo là không thể đạt được.
Điều này không chỉ đúng cho tư duy mà cho cả xã hội chúng ta. Sự hoàn hảo né tránh chúng ta; dù ta chọn bất cứ đồ án nào, nó nhất thiết có thiếu sót. Vì vậy chúng ta phải thoả mãn với cái tốt thứ nhì: một hình thức xã hội không hoàn hảo song mở ra cho sự cải thiện. Đó chính là tính ưu việt của nó trên xã hội đóng, xã hội tìm cách từ chối sự bất hoàn hảo của riêng nó ngay cả khi thế giới xung quanh thay đổi. Sự thừa nhận tính có thể sai của chúng ta là chìa khoá cho sự tiến bộ.
Tính có thể sai triệt để

Tại điểm này, tôi sẽ thay đổi chiến thuật. Thay cho thảo luận tính có thể sai nói chung, tôi cố giải thích nó có nghĩa gì với cá nhân tôi. Nó là nền tảng không chỉ cho quan niệm của tôi về thế giới mà cũng cho cá tính riêng của tôi, và như vậy nó được phản ánh trong ứng xử của tôi. Nó đã hướng dẫn hành động của tôi như người tham gia trong các thị trường tài chính và cả như một nhà từ thiện, và nó là nền tảng của lí thuyết của tôi về lịch sử. Nếu có bất kể gì độc đáo trong tư duy của tôi, thì đó là phiên bản “triệt để” này về tính có thể sai.
Tôi có quan niệm nghiêm ngặt hơn về tính có thể sai so với lí lẽ lí thuyết trước của tôi có thể lí giải. Tôi cho rằng mọi kiến trúc của trí óc con người - dù bó hẹp ở nơi sâu kín nội tại của tư duy của chúng ta hay được bộc lộ ra thế giới bên ngoài ở dạng các môn học, các hệ tư tưởng, và các định chế - đều có thiếu sót theo cách nào đó. Các thiếu sót có thể biểu hiện ở dạng các mâu thuẫn nội bộ hay mâu thuẫn với thế giới bên ngoài hay mâu thuẫn với mục đích mà chúng được dự kiến.
Định đề này, tất nhiên, mạnh hơn nhiều sự thừa nhận rằng tất cả các kiến trúc của chúng ta có thể là sai. Tôi không nói về một sự thiếu tương ứng đơn thuần mà về một thiếu sót thực sự trong tư duy của chúng ta và một sự khác biệt thật giữa ý định và kết quả. Như tôi đã giải thích trước đây, định đề này chỉ áp dụng cho các sự kiện lịch sử nơi sự khác biệt khởi động một quá trình ban đầu tự-tăng cường nhưng cuối cùng tự-thủ tiêu. Trong các tình huống thường, nhàm chán, các sai lầm được sửa chữa. Đó là lí do vì sao phiên bản triệt để của tính có thể sai có thể dùng như cơ sở cho một lí thuyết về lịch sử.
Luận điểm rằng tất cả mọi kiến trúc của con người đều có sai sót nghe ảm đạm và bi quan, nhưng không có lí do cho tuyệt vọng. Tính có thể sai nghe có vẻ tiêu cực chỉ vì chúng ta nuôi các hi vọng giả về sự hoàn hảo, vĩnh cửu, và chân lí cuối cùng - với tính bất tử được ném thêm vào. Đánh giá bằng các tiêu chuẩn như vậy, thân phận con người nhất thiết là không vừa ý. Thực ra, sự hoàn hảo và bất tử né tránh chúng ta, và sự vĩnh cửu chỉ có thể thấy trong cái chết. Nhưng cuộc sống cho một cơ hội để cải thiện sự hiểu biết của chúng ta chính xác là vì nó không hoàn hảo, và xã hội mở tạo cơ hội để cải thiện thế giới trong đó chúng ta sống chính xác vì nó thừa nhận tính không hoàn hảo của nó. Trong một xã hội hoàn hảo, chẳng còn gì để mà phấn đấu.
Có hai cách để xử lí việc nhận ra mọi kiến trúc đều thiếu sót: tìm cách trốn thoát, hay tìm những cải thiện thiếu hoàn hảo. Xã hội đóng theo đuổi ảo tưởng về sự hoàn hảo và vĩnh cửu; xã hội mở chấp nhận thân phận con người. Khi tất cả các kiến trúc đều không hoàn hảo, các lựa chọn nào đó là tốt hơn những cái khác, và chúng ta chọn cái nào tạo ra sự khác biệt hoàn toàn. Có nhiều cái được từ sự thừa nhận tính có thể sai của chúng ta. Xã hội mở nên được ưa hơn xã hội đóng.
Tuy nhiên, luận điểm của tôi rằng mọi kiến trúc con người và xã hội đều có thiếu sót không đủ tư cách là một giả thuyết khoa học vì nó không thể được kiểm chứng một cách thích hợp. Dù tôi có thể cho là quan điểm của những người tham gia luôn luôn khác thực tại, tôi không thể chứng minh nó vì tôi chẳng bao giờ biết thực tại sẽ ra sao khi không có quan điểm bị thiên lệch của chúng ta. Tôi có thể đợi cho các sự kiện chứng tỏ một sự khác biệt với kì vọng, nhưng, như tôi đã chỉ ra, các sự kiện kế tiếp không được dùng như một tiêu chuẩn độc lập cho quyết định các kì vọng nào là đúng, vì các kì vọng khác nhau có thể dẫn đến những kết quả khác nhau.
Tương tự, tôi có thể cho là mọi kiến trúc con người đều thiếu sót, nhưng tôi không thể nêu ra các sai sót gì cho đến sau sự thực, và ngay cả khi đó đề tài có thể bị tranh cãi vô tận. Các sai sót thường bộc lộ ra ở thời điểm tương lai nào đó, song đó không phải là bằng chứng rằng kiến trúc đã có sai sót ở thời điểm nó được hình thành. Nhược điểm của các tư tưởng thống trị và dàn xếp định chế trở nên hiển nhiên chỉ với thời gian trôi đi, và khái niệm phản thân chỉ biện minh cho đòi hỏi rằng mọi kiến trúc con người đều có tiềm năng sai sót. Đó là lí do vì sao tôi trình bày đề xuất của tôi như một giả thiết hoạt động, mà không có chứng minh logic hay địa vị khoa học.
Tôi gọi nó là một “giả thiết hoạt động” bởi vì nó đã hoạt động cho tôi như một nhà đầu tư. Nó đã cổ vũ tôi tìm ra các sai sót trong mọi luận điểm đầu tư và, khi tôi tìm thấy các sai sót này, để tận dụng sự sáng suốt. Khi tôi thiết lập một luận điểm đầu tư, tôi thừa nhận rằng diễn giải của tôi về tình hình nhất thiết bị méo mó. Điều này không làm tôi nản lòng để có một quan niệm; ngược lại, tôi tìm ra các tình huống nơi lí giải của tôi đã bất hoà với lẽ phải thịnh hành, bởi vì đó chính là cái cho một cơ hội kiếm lời. Nhưng tôi đã luôn luôn canh chừng lỗi lầm của mình; khi tôi phát hiện ra nó, tôi nắm bắt nó với sự sốt sắng. Sự khám phá ra sai lầm có thể cho phép tôi giữ bất kể lợi nhuận nào tôi đã kiếm được từ sự hiểu biết sai ban đầu của mình - hoặc cắt thiệt hại nếu sự hiểu biết đã chẳng mang lại ngay cả một khoản lợi nhuận tạm thời.
Hầu hết mọi người đều miễn cưỡng thừa nhận là họ sai; tôi thấy niềm vui khi phát hiện một sai lầm, bởi vì tôi biết là nó có thể cứu tôi khỏi nỗi đau tài chính. Vì tôi giả thiết rằng mọi luận điểm đầu tư đều nhất thiết có sai sót, tôi thích biết các sai sót đã là gì. Điều này không ngăn tôi đầu tư; ngược lại, tôi cảm thấy an toàn hơn nhiều khi tôi biết các điểm nguy hiểm tiềm tàng bởi vì chúng bảo tôi ngó tới các dấu hiệu nào để loại trừ tổn thất. Không có đầu tư nào cho lợi tức cao mãi. Dù một công ti có một vị thế thị trường mạnh, có ban quản lí xuất sắc, và lãi gộp đặc biệt, cổ phiếu có thể được đánh giá cao, ban quản lí có thể trở nên tự mãn, và môi trường cạnh tranh hay điều tiết có thể thay đổi. Khôn ngoan để tìm con sâu làm rầu nồi canh; khi bạn biết nó là gì, bạn trội hơn trong cuộc chơi.
Tôi đã phát triển biến thể riêng của mô hình Popper về phương pháp khoa học cho mình (tôi sẽ mô tả ở chương sau) để sử dụng ở các thị trường tài chính. Tôi thiết lập một giả thuyết trên cơ sở đó tôi đầu tư. Giả thuyết phải khác với quan điểm được chấp nhận; sự khác biệt càng lớn, lợi nhuận tiềm năng càng cao. Nếu không có sự khác biệt nào, thì chẳng đáng lấy một vị thế. Điều này tương ứng với luận điểm của Popper - bị nhiều triết gia khoa học phê phán - là thử thách càng nghiêm ngặt, thì giả thuyết rằng nó vượt qua càng giá trị. Trong khoa học, giá trị của một giả thuyết là vô hình; trong các thị trường tài chính, nó có thể được đo dễ dàng bằng tiền. Ngược với các giả thuyết khoa học, một giả thuyết tài chính không cần là đúng để sinh lời do đặc tính phản thân của nó; là đủ rằng nó phải được chấp nhận rộng rãi. Song một giả thuyết sai không thể thịnh hành mãi. Đó chính là lí do vì sao tôi thích đầu tư theo các giả thiết sai có cơ hội được chấp nhận rộng rãi, miễn là tôi đã biết sai sót của chúng. Cách tiếp cận này đã cho phép tôi bán kịp thời. Thí dụ, tôi đã tham gia vào đợt hưng thịnh tổ hợp độc quyền (conglomerate boom) chính xác vì tôi đã biết các điểm yếu là gì (xem giải thích ở chương 2). Tôi gọi các giả thuyết sai của tôi là “các lầm tưởng màu mỡ”, và tôi đã xây dựng lí thuyết của tôi về lịch sử, cũng như thành công của tôi ở các thị trường tài chính, xung quanh chúng.
Giả thuyết hoạt động của tôi - rằng tất cả các kiến trúc con người đều sai sót - không chỉ là phi khoa học mà còn có một sai sót căn bản: nó thực tế không đúng. Như chúng ta đã thấy, có khả năng đưa ra các tuyên bố đúng và xây dựng các lí thuyết đúng đắn. Khoa học tự nhiên là một lâu đài về cái trí óc con người có khả năng tạo nên. Dù sao giả thuyết vẫn hoạt động trong thực tiễn. Các kiến trúc đúng đắn là hiếm đến mức khi thấy một cái, chúng ta có xu hướng làm nó quá tải hay mở rộng quá giới hạn riêng của nó. Phương pháp khoa học là một thí dụ tốt: Nó đã hoạt động đối với tự nhiên; vì vậy chúng ta muốn dùng nó cho xã hội. Cơ chế thị trường là một trường hợp khác như vậy: Nó hoạt động tốt trong phân bổ nguồn lực giữa các nhu cầu cá nhân; vì thế chúng ta bị cám dỗ để dựa vào nó để thoả mãn các nhu cầu công cộng. Tương tự với các định chế: Một khi chúng đã được thiết lập, chúng ta có xu hướng dựa vào chúng ngay cả sau khi chúng đã mất tính hợp lệ hay sự biện minh của chúng. Mọi định chế gây ra yếu điểm với thời gian trôi đi, nhưng điều này không có nghĩa là nó đã không phù hợp hay phi hiệu quả ở thời điểm được thiết lập.
Thiết lập các định chế, giống các hoạt động khác, có các hệ quả không chủ ý; những hậu quả như vậy không thể lường trước được lúc thiết lập. Cho dù chúng có thể, vẫn có thể xảy ra, bởi vì các hệ quả không chủ ý có thể nảy sinh trong tương lai và giữa chừng định chế có thể thoả mãn nhu cầu hiện tại. Như thế giả thuyết công việc của tôi không phải không tương thích với ý tưởng rằng một tiến trình hành động là tốt hơn tiến trình khác, rằng thực ra có một tiến trình hành động tối ưu tại một thời điểm và một chỗ cho trước. Nó, tuy vậy, ngụ ý rằng tối ưu chỉ áp dụng cho một thời điểm cụ thể trong lịch sử; cái là tối ưu ở một thời điểm có thể thôi là vậy ở thời điểm kế tiếp. Đây là một khái niệm hóc búa, đặc biệt với các định chế không thể tránh khỏi sức ỳ nào đó. Thí dụ, một dạng thuế có hiệu lực càng lâu, thì càng có khả năng là nó sẽ bị lách; có thể có lí do chính đáng để thay đổi hình thức đánh thuế sau một thời gian song không có lí để không đánh thuế. Lấy một ví dụ khác, Thiên chúa Giáo đã tiến hoá thành cái gì đó khá khác cái mà Jesus đã hình dung, song đó không phải là lí do để bác bỏ các giáo huấn của Ngài. Chúng ta có thể gọi các kiến trúc của con người là sai sót chỉ nếu chúng ta kì vọng chúng hợp lệ vĩnh viễn, như các qui luật khoa học.
Nói cách khác, các lí thuyết và chính sách sai sót có thể hữu ích tạm thời ở thời điểm nào đó của lịch sử. Các lầm lạc màu mỡ là các kiến trúc sai sót với các ảnh hưởng tốt ban đầu. Các tác động tốt kéo dài bao lâu phụ thuộc vào các sai sót có được nhận ra và sửa chữa kịp thời không. Theo cách này, các kiến trúc có thể trở nên ngày càng tinh tế (sự tiến hoá của ngân hàng trung ương là một ví dụ tốt). Nhưng chẳng có lầm lạc màu mỡ nào có thể kéo dài mãi mãi; cuối cùng, cơ hội cải tiến và phát triển nó sẽ cạn kiệt, và một lầm lạc màu mỡ mới sẽ chiếm được trí tưởng tượng của con người. Cái mà tôi sắp nói có thể là một lầm lạc màu mỡ, song tôi thiên về diễn giải lịch sử các ý tưởng như bao gồm các lầm lạc màu mỡ. Người khác có thể nhắc đến chúng như “các hệ thuyết: paradigms”. [2]
Sự kết hợp của hai ý tưởng này - dù cho mọi kiến trúc trí tuệ đều sai sót, một số trong chúng là màu mỡ - nằm ở lõi của phiên bản tính có thể sai triệt để của riêng tôi. Giả thiết công việc của tôi cho phép tôi hành động với các lầm lạc màu mỡ. Tôi dùng chúng cho thế giới bên ngoài và các hoạt động riêng của mình với sinh lực như nhau, và chúng đã phục vụ tôi tốt cả như nhà quản lí quỹ lẫn, gần đây hơn, như một nhà từ thiện. Liệu các ý tưởng này cũng sẽ phục vụ tôi tốt với tư cách nhà tư tưởng được kiểm chứng ngay bây giờ, bởi vì tính có thể sai triệt để tạo nền tảng cho diễn giải các thị trường tài chính và lí thuyết về lịch sử mà tôi dốc sức làm ở cuốn sách này.
Một tái bút riêng tư

Tính có thể sai triệt để đối với tôi không chỉ là một lí thuyết trừu tượng mà cũng là vấn đề của niềm tin cá nhân sâu sắc. Như một nhà quản lí quỹ, tôi đã phụ thuộc rất nhiều vào xúc cảm riêng của mình, bởi vì tôi đã ý thức được về những thiếu hiểu biết của mình. Các xúc cảm trội hẳn mà tôi đã hoạt động với đã là sự bất trắc và sợ hãi. Tôi đã có những giây phút hi vọng, thậm chí hân hoan, nhưng các xúc cảm này làm cho tôi không an toàn; lo lắng làm tôi cảm thấy an toàn hơn. Như thế niềm vui đích thực duy nhất mà tôi đã trải nghiệm là khi tôi khám phá ra cái gì đã làm cho tôi phải lo lắng. Nhìn chung, tôi thấy quản lí một quỹ tự bảo hiểm (hedge fund) [3] là cực kì vất vả. Tôi chẳng bao giờ có thể công nhận thành công của mình - nó có thể ngăn tôi khỏi lo lắng - nhưng tôi chẳng băn khoăn thừa nhận các sai lầm của mình.
Tôi mới chỉ chợt nhận ra gần đây thái độ tự phê phán này là lạ đến thế nào. Nó làm tôi ngạc nhiên là những người khác đã ngạc nhiên về cách tư duy của tôi. Khám phá ra một sai lầm trong tư duy hay các vị thế đầu tư của tôi đã là một nguồn vui hơn là sự hối tiếc. Điều đó có quá nhiều ý nghĩa đối với tôi đến mức tôi đã nghĩ nó phải có ý nghĩa với cả những người khác; nhưng không phải thế. Hầu hết mọi người cố hết sức để từ chối hay che đậy các sai lầm của mình. Thực vậy, các quan niệm sai và hành động sai của họ trở thành một phần không tách rời của tính cách họ. Tôi sẽ chẳng bao giờ quên kinh nghiệm tôi đã có khi viếng thăm Argentina năm 1982 để ngó tới núi nợ nần mà đất nước đó đã tích lại. Tôi đã tìm một số các chính trị gia đã phục vụ các chính phủ trước đó và hỏi họ họ sẽ giải quyết tình hình ra sao. Tất cả chẳng trừ một ai, họ đều nói họ sẽ áp dụng cùng các chính sách như họ đã theo đuổi khi họ còn nắm quyền. Hiếm khi tôi đã gặp nhiều người đến như vậy những người đã học ít đến vậy từ kinh nghiệm.
Tôi không được phóng đại trường hợp vì một thái độ tự phê phán. Nó không thể hoạt động bởi chính nó. Nó phải gắn với một mức độ thành công nào đó để mang lại kết quả tích cực. Một thái độ tự phê phán là một phần của một quá trình phản thân cái có thể là tự tăng cường theo cả hai chiều. Ý thức được các hạn chế của mình, tự nó, không giúp khắc phục chúng; trái lại, sự tự-nghi ngờ có thể dễ dàng trở nên tự-hợp lệ bằng cách làm xói mòn lòng tự tin. Ngược lại, khả năng sửa chữa sai lầm nâng cao thành tích và thành tích cao đặt ta vào vị thế mạnh để nhận ra và sửa chữa sai lầm. Tôi biết tôi nói về cái gì bởi vì tôi đã trải qua cả hai kinh nghiệm. Thái độ tự phê phán của tôi có trước khi tôi dính líu đến thị trường cổ phiếu. Tôi đã may mắn rơi vào kinh doanh đầu tư nơi tôi có thể đem thái độ đó vào mục đích tốt. Tôi không chắc liệu cùng thái độ ấy sẽ tỏ ra cũng bổ ích ngang thế trong viết cuốn sách này. Tôi không do dự thừa nhận các sai lầm của mình nhưng điều đó có thể không làm tôi thành công như tôi đã làm trong thị trường cổ phiếu.
Tôi đã mang thái độ phê phán này vào các hoạt động từ thiện của tôi. Tôi thấy từ thiện đầy bí ẩn với những nghịch lí và hậu quả không chủ ý. Thí dụ, việc thiện có thể biến những người nhận thành các đối tượng bố thí. Cho được giả thiết là giúp người khác, nhưng trong thực tế nó thường đơn thuần chỉ phục vụ cho sự làm vừa lòng cái tôi của người cho. Còn tệ hơn, người ta thường xuyên tiến hành việc thiện bởi vì họ muốn cảm thấy tử tế, chứ không vì họ muốn làm điều thiện.
Giữ các quan điểm này, tôi thấy có bổn phận đi theo con đường khác. Tôi thấy mình cư xử theo cách như trong kinh doanh. Thí dụ, trong kinh doanh tôi không ân hận về việc làm tổn thương xúc cảm của nhóm đầu tư của tôi khi thành tích của quỹ đầu tư của tôi bị lâm nguy; tương tự, tôi cho sứ mạng của quỹ từ thiện địa vị cao hơn quyền lợi của nhân viên của quỹ hay của cá nhân những người xin trợ cấp. Tôi thường nói đùa rằng quỹ chúng tôi là quỹ ghét người duy nhất trên thế giới. Tôi nhớ việc giải thích quan điểm của tôi về các quỹ tại cuộc họp nhân viên ở Karlovi Vari, Tiệp Khắc, khoảng năm 1991, và tôi chắc chắn những người đã hiện diện sẽ chẳng bao giờ quên. Tôi đã giải thích rằng các quỹ phải đặt sứ mạng của mình lên trên lợi ích riêng của chúng nhằm biện minh cho sự tồn tại của chúng, nhưng điều đó đi ngược lại bản chất con người. Như một kết quả, chúng đầy rẫy tham nhũng, và thiếu minh bạch về mục tiêu của chúng dẫn tới phi hiệu quả. Tôi không quan tâm đến có một quỹ như vậy, và tôi coi việc dẹp bỏ một quỹ sa sút là một thành tựu lớn hơn đi lập một cái mới.
Phải thú nhận tôi đã dịu hơn với thời gian trôi đi. Ðiều hành một quỹ từ thiện rất khác cách điều hành một quỹ tự bảo hiểm. Về cơ bản thiếu áp lực bên ngoài, và chỉ có kỉ luật nội tại là cái giữ cho thái độ phê phán sống động. Hơn nữa, đứng đầu một quỹ từ thiện lớn cần đến quản lí con người hơn là quản lí tiền. Người ta không thích nghe các nhận xét phê phán - họ muốn khen ngợi và động viên. Không nhiều người chia sẻ sở thích nhận diện sai lầm của tôi, và còn ít hơn nữa những người chia sẻ niềm vui của tôi trong việc tìm thấy nó. Để là nhà lãnh đạo hiệu quả, phải làm hài lòng người ta. Tôi học khó khăn nhất cái dường như là tự nhiên đối với các chính trị gia và những người đứng đầu các công ti.
Cũng có một ảnh hưởng khác tác động. Tôi phải xuất hiện trước công chúng, và khi đó tôi được kì vọng tỏ ra rạng rỡ tự tin. Trong thực tế, tôi bị héo mòn bởi thiếu tự tin, và tôi thích cảm giác ấy. Tôi rất tiếc để mất nó. Có một khoảng cách rộng giữa con người công khai của tôi và cái tôi coi là thực mình, nhưng tôi ý thức được về quan hệ phản thân giữa hai cái. Tôi đã theo dõi với sự kinh ngạc sự phát triển con người công chúng đã ảnh hưởng đến tôi ra sao. Tôi đã trở thành một người nổi tiếng “có sức thuyết phục: charismatic”. May thay, tôi không hoàn toàn tin vào mình như những người khác tin. Tôi cố nhớ các hạn chế của mình, dù là tôi không cảm thấy chúng sâu sắc như tôi thường cảm thấy. Nhưng các nhân vật có sức thu hút khác đã không đạt tới địa vị lãnh đạo của họ theo cùng lộ trình. Họ không có cùng trí nhớ. Họ có lẽ nhớ rằng họ đã luôn luôn cố khiến người khác tin vào họ, và cuối cùng họ đã thành công. Thiếu tự tin không làm họ héo mòn, và họ không cần kiềm chế sự thôi thúc để bày tỏ nó. Chẳng ngạc nhiên là thái độ của họ đối với tính có thể sai của riêng họ là khác. Hơn nữa, nếu họ thừa nhận các nhược điểm họ có thể không giữ được vị trí lãnh đạo của mình. Người ta không muốn lãnh đạo của mình có thể sai. Đó là một trong những thiếu sót tồi tệ nhất của các nền dân chủ đương thời của chúng ta: Các nhà lãnh đạo của chúng ta được giữ với các tiêu chuẩn mà có lẽ họ không thể thoả mãn.
Thật hấp dẫn để xem con người công chúng mới đạt được của tôi quan hệ thế nào với bản ngã trước của tôi như nhà quản lí quỹ. Khi tôi còn là một nhà quản lí quỹ tích cực, tôi lảng tránh sự công khai; tôi đã coi việc xuất hiện trên bìa của một tạp chí tài chính là một đòn chí tử. Điều này chẳng khác gì một sự mê tín, nhưng nó được xác nhận tốt bởi kinh nghiệm. Dễ thấy vì sao. Sự công khai có thể gây ra cảm giác hoan hỉ lâng lâng, và dù cho tôi cố kìm nén nó, nó có thể ném tôi khỏi sự tiến bộ của mình. Và nếu tôi bày tỏ một quan niệm thị trường công khai, tôi có thể thấy khó thay đổi ý của mình.
Trong kiếp mới của tôi, công luận - cái người khác nghĩ về tôi - đóng một vai trò quan trọng hơn. Nó làm cho tôi đủ khả năng thoả thuận buôn bán, thậm chí thao túng các thị trường, nhưng nó làm cho tôi không đủ tư cách quản lí tiền. Những lời nói của tôi có thể lay động thị trường, mặc dù tôi hết sức cố gắng không lạm dụng quyền năng đó. Đồng thời, tôi đã mất khả năng là một nhà quản lí tiền thành công. Tôi đã triệt phá cơ chế đau đớn và lo lắng cái thường hướng dẫn tôi, và đồng thời con mắt thiên hạ trên thực tiễn làm cho là không thể đối với tôi đi hoạt động như một người tham gia ít nhiều ẩn danh.
Có thể thấy rằng hoạt động trong các thị trường tài chính đòi hỏi một lối nghĩ khác cách cần thiết để hoạt động trong một khung cảnh xã hội, chính trị, hoặc tổ chức - hoặc thực ra để hoạt động như một người bình thường. Đối với một nhà quản lí tiền, chỉ có một thứ được chú ý đến: thành tích. Tất cả các cân nhắc khác phải đặt xuống dưới nó. Thị trường là một người đốc công hà khắc: Nó không cho phép sự bê tha hay quan tâm đến người khác. Cái mà những người khác nghĩ về bạn là quan trọng, song kết quả - đo bằng một tiêu chuẩn khách quan, tiền - quan trọng hơn. Có một tiêu chuẩn khách quan khuyến khích thành tích khách quan. Đó là cái làm cho các thị trường tài chính hiệu quả đến vậy: Chúng biến con người thành cái máy làm tiền. Điều đó có giá trị của nó, song một xã hội bị chế ngự bởi các thị trường tài chính có thể dễ trở nên dã man. Đây không phải là ý nghĩ viển vông mà là một mối nguy hiểm hiện thời.
Phiên bản tính có thể sai triệt để mà tôi chấp nhận như một giả thiết công việc chắc chắn tỏ ra hữu hiệu trong các thị trường tài chính. Thành tích của tôi vượt quá cái giả thuyết bước ngẫu nhiên [4] cho phép với một chênh lệch thuyết phục. Liệu nó có áp dụng cho các khía cạnh khác của sự tồn tại của con người? Điều đó phụ thuộc vào mục đích của chúng ta là gì. Nếu chúng ta muốn hiểu thực tại, tôi tin nó hữu ích; song nếu mục đích là để thao túng thực tại, nó sẽ không hoạt động tốt. Sức thu hút (charisma) hoạt động tốt hơn nhiều.
Quay lại cảm xúc riêng của tôi, tôi đã học cách thích nghi với thực tại mới trong đó tôi hoạt động. Tôi thường thấy sự phát biểu ca ngợi và biết ơn là hết sức phiền nhiễu, nhưng tôi đã nhận ra rằng đây là một phản xạ sót lại từ những ngày tôi còn là nhà quản lí tiền tích cực; Tôi phải được chỉ dẫn bởi các kết quả của hành động của tôi, chứ không bởi cái những người khác nghĩ về chúng. Tôi vẫn bị lòng biết ơn làm cho lúng túng, và tôi vẫn tin rằng làm việc thiện - nếu nó đáng ca ngợi - phải đặt thành tựu của sứ mạng của nó lên trên việc làm vừa lòng bản ngã. Tuy nhiên, tôi sẵn lòng nhận lời khen, bởi vì việc làm từ thiện của tôi thực ra thoả mãn điều kiện này. Liệu nó có thể tiếp tục như thế dưới ánh sáng của sự thay đổi thái độ của tôi về sự ca ngợi là vấn đề làm tôi lo lắng, nhưng chừng nào tôi còn lo lắng thì câu trả lời có lẽ sẽ vẫn là khẳng định.



[1]William Newton-Smith đã chỉ ra cho tôi rằng diễn giải về các số Gödel của tôi là khác với của bản thân Gödel. Hình như Gödel hình dung một vũ thụ kiểu Platon trong đó các số Gödel đã tồn tại trước khi ông khám phá ra chúng, trong khi tôi nghĩ rằng các số Gödel được ông phát minh ra, do đó mở rộng vũ trụ trong đó ông hoạt động. Trong trường hợp đó, diễn giải của tôi về định lí Gödel có thể coi như một “lầm tưởng màu mỡ: fertile fallacy”. (Khái niệm này sẽ được giải thích muộn hơn trong chương này).
[2]Kuhn, The Structure of Scientific Revolutions.
[3]Các quỹ tự bảo hiểm tiến hành một loạt các hoạt động đầu tư. Chúng chuyên cho các nhà đầu tư tinh vi và không phải chịu các qui chế được áp dụng cho các quỹ hỗ tương dành cho quảng đại quần chúng. Các nhà quản lí quỹ được đền bù trên cơ sở thành tích hơn là một tỉ lệ cố định của tài sản. “Các quỹ thành tích” có thể là một mô tả chính xác hơn.
[4]Giả thuyết bước ngẫu nhiên (random walk) cho rằng các thị trường tài chính làm cho mọi thông tin là sẵn có cho mọi người tham gia. Nó cho rằng, trên cơ sở kì vọng duy lí trong một thị trường hiệu quả, không ai có thể thắng thị trường một cách nhất quán.

<< Chương 1 | Chương 2 >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 298

Return to top