Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Tôn giáo, Chính Trị >> Những quy luật chính trị trong sử Việt

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 7934 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Những quy luật chính trị trong sử Việt
Vũ Tài Lục

LỊCH SỬ VÀ CHÍNH TRỊ
Việc muôn năm trước lắm người đương
Việc muôn năm sau nhiều kẻ nối
Non sống không thiếu khách trì trương
Vận mệnh phần tay ai giềng mối
Thái Địch



Tư tưởng chính trị không thể hoàn toàn độc lập với thực tiễn cũng như không hoàn toàn là một tên nô lệ cho thực tiễn, vậy thì hành động chính trị phải gắn liền với thực tiễn nhưng tuyệt đối không chỉ là tay sai của thực tiễn.
Làm sao có thể cứ nhất định muốn xây dựng một chế độ mà chẳng thèm ngó ngàng đến những điều kiện khách quan của một vị thế, của một thời đại nói chung là toàn bộ một thực tiễn trước mắt. Tuy nhiên, nếu chịu bó tay qui hàng thực tiễn thì chính trị tất sẽ mất luôn sinh mệnh.
Hãy dấn thân vào trong cuộc và hãy chọn cái đạo trung dung, vừa “thời trung” là nhận thức chính xác thực tiễn lại vừa “doãn chấp quyết trung” là chấp nhận thựa tiễn để biến thực tiễn thành có lợi cho cuộc đấu tranh. (C’est dans la zone intermédiaire que se développe la pensée politique qui exprime à la fois le conditionnement et la liberté de la réflexion humaine- Raymond Aron).
Mỗi hoàn cảnh đều dành ra một khoảng trống cho sự chọn lựa và khoảng trống đó rất hạn chế. (Une situation laise toujours une marge de choix et la marge n’est jamais illimitée). Hạn chế bởi những yếu tố khách quan.
Ngô Thời Nhiệm trả lời Đặng Trần Thường rằng: “Gặp thời thế thế thời phải thế”. Một câu ấy là đủ để nói rõ mối liên hệ giữa lịch sử và chính trị.
Lịch sử là một cuộc đối thoại bất tận giữa quá khứ và hiện tại, trong đó hiện tại là kẻ chủ động của cuộc khảo luận bằng những hành động chính trị đang có. Nhưng lịch sử đã qua mãi mãi mang nhiệm vụ giáo huấn. Những kẻ đang sống tìm trí thức trong quá vãng, không phải chỉ để thoả mãn ý muốn hiểu biết, mà cốt là để làm giàu cho trí tuệ đấu tranh hiện tại, cốt là để rút tỉa nhiều bài học hữu ích.
Lịch sử là chính trị đã qua, chính trị là lịch sử hiện tại. Hiện tại, chính trị còn gọi là thời thế đúng như cái nghĩa thời thế thế thời phải thế. Thời thế như Tibor Mende viết: “Ce monde n’était plus le mème que celui où ils étaient nés, un autre avait pris sa place”. (Thế giới này không còn là thế giới của lúc họ mới sinh ra, một thế giới khác đã thay nó rồi). Thời thế chẳng những phải hiểu là hiện tại sự thực mà còn cần được nhìn vào vị lai biến hóa nữa.
Thời thế như kinh Hoa Nghiêm nói là “cái võng cảnh Đà La” trùng trùng điệp điệp mỗi loại sự vật trên thực tế có một cái thế, rồi tất cả họp lại thành một đại thế.
Sách “Tam Quốc Chí Diễn Nghĩa” mở đầu bằng câu: “Phù đại thế trong thiên hạ” ngụ ý chỉ trạng huống của thế giới thực tế trong một thời nào đó.
Thời Nghiêu Thuấn thì ấp nhượng, chắp tay lại nhường ngôi cho nhau, nhưng thời Thang Vũ lại vũ trang chu diệt để lật đổ một triều chính.
Bởi vậy tư tưởng chính trị cần linh hoạt như Trình Minh Đạo nói:
Tâm thông thiên địa hữu hình ngoại
Tư nhập phong vân biến thái trung
Chính trị cũng như gió như mây thường trực biến thái, nếu tư tưởng mà không nhìn thấy những biến thái đó thì làm sao hành động cho đúng.
Dịch Kinh viết: “Dữ thời giai hành” (đi kịp với mọi biến chuyển của thời)
Vận mệnh phần tay ai giềng mối có nghĩa là nắm được giềng mối của vận động lịch sử. Muốn nắm được giềng mối ấy thì phải biết cái thế chính trị thời đại.
Triết lý về “thế” thật rất thâm ảo, bao la quán triệt. Người ta nói: “Thế nó phi như vậy”, lý cố nhiên là như thế, thế đấy, cái thế của tôi rất khó và còn rất nhiều câu có liên quan đến chữ thế nữa, thật khó lòng mà tìm thấy ngôn ngữ
của dân tộc nào lại quan tâm đến vấn đề thế như dân tộc Việt.

Có lý cũng không bằng có thế, mặc dầu lý với thế vẫn phải đi đôi với nhau. Có lý rồi đấy nhưng sự vật trên thực tế chưa chắc đã có, phải đợi đến lúc có cả thế nữa rồi sự vật mới sản sinh. Tỉ dụ: cái lý của chiếc máy bay người ta đã nghĩ đến từ lâu rồi, tuy nhiên, cả bao năm phi cơ mới được thực hiện nhờ cái thế kết hợp bởi chất kim khí nhẹ để làm thân phi cơ, nhờ nhiên liệu mới khám phá ra máy nổ v.v… Rồi khi đã hội đủ khí thế thì ngành hàng không phát triển thật mau chóng từ cánh quạt sang phản lực, từ bé nhỏ chở chừng vài trăm ký sang đến cả trăm tấn.
Tỉ dụ: Kháng chiến Algérie đánh Pháp trải nhiều lần thất bại phải chờ đến lúc Ai Cập có cách mạng và Pháp thất trận ở Đông Dương cộng với phong trào giải phóng thuộc địa trên thế giới, lại nhờ vào Đông Dương còn tiếp tục chìm ngập thêm một cuộc chiến tranh khác, nên Algérie từ giành độc lập chuyển rất nhanh sang một trung tâm hội nghị của các quốc gia chống đế quốc và không liên kết.
Hegel bảo: “Tất cả những gì tồn tại được đều phải hợp lý”. Câu này có thể nói thêm rằng: “Tất cả những gì tồn tại được không những phải hợp lý mà còn phải hợp thế, chỉ hợp lý mà không hợp thế thì khó lòng tồn tại”.
Trên thế gian này có biết bao nhiêu loại xã hội, mỗi xã hội đều mang cái lý của nó. Nếu nói phần lý không thôi thì lý bất quá chỉ là lý, trên thực tế nó chưa đủ những yếu tố cần thiết để tồn tại, nó còn cần được gắn liền hoặc liên quan đến một cái thế nữa mới xong. Chế độ của Fidel Castro chỉ có thể tồn tại cô đơn ở Châu Mỹ La Tinh nhờ cái thế sống chung hòa bình Nga-Mỹ. Ngày nào cái thế sống chung chấm dứt tất chế độ xã hội hiện tại của Cuba sẽ phải biến thành một chế độ xã hội khác cho hợp với thế mới. Chế độ Allendé tại Chí Lợi đã chuyển vào thế khác kể từ sau cuộc thử thách thành công của phe “Peronist” tại Á Căn Đình khi người ta không còn lo sợ những biến đổi ở Chí Lợi có thể làm tình hình ở Á Căn Đình ung thối luôn, khi người ta tin chắc chế độ Péron đã có khả năng giữ vững Á Căn Đình không để lợi thế rơi vào tay tả phái.
Lão Tử nói: “Vi giả bại chi, chấp giả thất chi”. Câu này nghĩa rộng của nó là: Một cái thế chưa đến chỉ dựa vào nguyện vọng của một số người để cầu thực hiện một sự vật tất bất năng thành công, tức là vi giả bại chi. Thế đã đi, thế đã mất, chỉ dựa vào nguyện vọng của một số người để mong ngăn không cho một sự vật tiêu diệt thì cách gì mà ngăn nổi, tức là chấp giả thất bại.
Việc làm của Tôn Thất Thuyết và vua Hàm Nghi cùng việc Cần Vương của đám văn thân khả dĩ gọi là “chấp” vì muốn xây dựng lại những gì mà cái thế đã hoàn toàn mất. Cũng như tài phiệt thực dân Đông Dương năm 1945 muốn Đông Dương lại trở về chế độ thuộc địa cũ.
Việc làm của Nguyễn Thái Học trong cuộc khởi nghĩa Yên Bái và việc làm của Nguyễn An Ninh khả dĩ gọi là vi giả bại vì lẽ thế chưa đến. Trước sau chỉ là một hành động yêu nước anh hùng, lý thì thừa mà thế không đủ.
Xã hội hảo hay hoại đều tồn tại bằng lý và bằng thế của nó. Nếu chưa thay đổi được cái thế thì dù trên lý và trên thực tế nó là hoại rồi đấy nhưng nó vẫn tồn tại. Ấy hễ mà thế biến thì chỉ sớm chiều là thay.
Trang Tử nói: “Phù thủy hành mạc như dụng châu, nhi lục hành mạc như dụng xa, dĩ châu chi khả hành ư thủy dã, nhi cầu suy chi ư lục tắc một thế bất hành”, nghĩa là: Đi dưới nước không gì hơn thuyền, đi trên bộ không gì hơn xe, nay mang thuyền lên trên bộ mà kéo thì nó chẳng đi. Thế cũng ví như trên bộ hay dưới nước đối với thuyền hay xe vậy. Không có thế tất nhiên bất thành. Thế ở đâu mà tới? Ở hoạt động lịch sử đó.
Lịch sử là bộ phận chủ yếu để tạo thành thế. Trong lịch sử có nhiều sự việc, mỗi sự việc đều dựng nên một cái thế. Đành rằng sự việc lịch sử đã qua đi không hiện trở về nữa nhưng không tái hiện không có nghĩa là vô hữu, nó còn mang bất khả cải và mang sức ảnh hưởng lớn nữa.
Cuộc kháng chiến chống Pháp, từng chi tiết đều có dấu tích của quá vãng lịch sử kể từ Gia Long sai con là Hoàng tử Cảnh qua cầu cứu Pháp với cố Bá Đa Lộc.
Người xưa nói: “Phát tự cổ chi u tình” nghĩa là: Phát hiện những tình u uẩn của lịch sử.
Đất đỏ trời xanh, giữa một ta
Chung quanh vẫn của nước non nhà
Theo đưởng tiên mở đem chiêng xuống
Vạch lối rồng xây lấy ngọc ra
Tim óc xoay vần được tuế nguyệt
Tay chân tạo tác nổi sơn hà
Đấy ai suốt hết thần cơ nhỉ
Tảng đá đầu ghềnh chốc nở hoa
Phát hiện những tình u uẩn của lịch sử để làm gì? Để hoàn thành sứ mạng: “Thừa bách đại chi lưu nhi hội hồ đương kim chi biến” (Thừa kế việc của trăm đời để mà đương đầu với cái biến trước mắt).

*
Lịch sử và cái thế chính trị hiện tại thế nào?
Chúng ta hãy mở lại những bản đồ của tổ tiên, của cận đại và của hiện đại để mà tìm câu trả lời.
Trước hết nó bắt đầu bằng cuộc cách mạng công nghiệp (révolution industrielle) tại Âu Châu. Với cơ khí và phương pháp tổ chức các lực lượng sản xuất, người Tây Âu một giờ làm việc sản xuất gấp 20 lần một giờ làm việc của người Nga, người Ấn, người Trung Hoa. Nhờ thế, dân Tây Âu đã có đủ số thời gian nhàn rỗi để thực hiện ít nhiều tự do chính trị. Sức máy và sản xuất càng mạnh lên, Tây Âu phát triển thế lực ra bên ngoài, ban đầu là các quốc gia lân cận rồi lan đi khắp thế giới. Từ đời Louis 13 (1643) đến trận đánh Trafalgar (1803), dân số Âu Châu chỉ tăng thêm 60 triệu thêm vào 100 triệu đã có. Nhưng từ ngày Robert Fulton thí nghiệm máy hơi nước lần đầu tiên trên sông Seine đến khi anh em nhà Wright thử máy bay (1903) thì dân số Âu Châu được tăng vọt gấp ba lần hơn 400 triệu. Trong khi dân số Á Châu tuy vẫn nhiều gấp đôi dân số Âu Châu nhưng vì không có những phương tiện kỹ thuật để cải tiến kinh tế nên Á Châu trở thành mồi ngon nguyên liệu cho kỹ nghệ Âu Châu. Kỹ thuật mới lúc chiến tranh “Napoléon” chấm dứt chỉ mới phồn thịnh ở Anh Quốc, tiếp tới nó truyền vào lục địa thay đổi Đức Quốc, Bắc Âu lần lần tới biên giới Nga và qua Bắc Mỹ Châu, âm vang của nó còn khuấy động cả Nhật Bản nữa.
Nguyên liệu mỗi ngày mỗi thiếu, xâm lược và thực dân địa là những gì kỹ thuật mới đòi hỏi phải cung cấp cho nó. Thế là Phi Châu vỏn vẹn trong thời gian 20 năm của cuối thế kỷ 19 bị người da trắng chia nhau cắt từng miếng như chiếc bánh ngày sinh nhật. Sau đấy là Á Châu, việc Nhật dễ dàng đánh bại Trung Hoa (1894) đã ngậy lên mùi xác chết lôi kéo lũ kên kên ào ào vào đây đòi quyền đoạt lợi, tác oai tác phúc. Người da trắng là vua của trái đất khi thế giới chuyển vào thế kỷ 20 (Le siècle approchait de son terme et l’homme blance était roi - Tibor Mende). Họ bàn bạc và chia chác với nhau cả trái đất. Anh Quốc cai trị đất đai rộng gấp 140 lần chính quốc. Bỉ Quốc cai trị vùng đất lớn gấp 80 lần nước Bỉ. Đế quốc Hòa Lan cai trị khu vực to gấp 60 lần nước Hòa Lan. Lá cờ Bồ Đào Nha cắm trên vùng đất rộng gấp 20 lần so với chính quốc. Tổng cộng cả Anh, Pháp, Nga của triều đại quân chủ Tsar chiếm hết quá nửa hoàn cầu. Dân bản xứ bị đạp dẹp dưới gót giày đế quốc, nhất là Anh Quốc với thái độ cao ngạo khinh rẻ bậc nhất, đến nỗi chính báo chí Âu Châu còn phải lêu lên: “L’arrogance et la mauvaise foi des Anglais l’ont rendu intolérable à tous” (Trích “Liberté” ngày 3-11-1899).
Nhưng sự lạ kỳ về mức lớn mạnh do kỹ nghệ thúc đẩy phải dành cho Hợp Chủng Quốc. Trong vòng non một thế kỷ, dân số Hợp Chủng Quốc vọt lên từ 4 triệu đến 76 triệu vào đầu thế kỷ 20. Kỹ nghệ có sức mạnh như hơi nổ, ồ ạt một cách rất Mỹ. Thành thị mọc lên như nấm làm mất hẳn bộ mặt chủ nghiệp trước đây lúc mới di dân khiến cho Hợp Chủng Quốc rất nhanh chóng bước lên hàng đầu thế giới về mặt kỹ nghệ và đứng vào hạng cường quốc bậc nhất bỏ lại đàng sau đế quốc to lớn Tây Ban Nha vốn là quốc gia khai thác châu Mỹ trước tiên. Tuy nhiên, Hợp Chủng Quốc vẫn chưa tranh được ngôi bá chủ của Âu Châu. Năm 1890, nông phẩm Mỹ mới có 3% và dụng cụ chế tạo Mỹ mới có 6% đem xuất cảng.
Ở Âu Châu, nội bộ đế quốc bắt đầu bất ổn. Nước Anh dầu vẫn mạnh nhất nhưng có nhiều nước khác trên đà phát triển đe dọa ngôi tôn ấy. Đức Quốc do chính sách sắt máu của Bismarck đã thống nhất, thêm với hệ thống đường sắt nối liền các quốc gia châu Âu thành ra mối lo ngại của Anh, Pháp. Xa hơn nữa về phía Đông, dưới sự điều khiển của nội các Witte, Nga Quốc khởi sự áp dụng kỹ thuật vào kinh tế, thứ kỹ thuật từng đưa Tây Âu nắm bá quyền thế giới. Báo chí Anh tỏ vẻ lo ngại sự bành trướng của Nga sang Á Châu. Tuy nhiên, Tây Âu vẫn còn là trọng tâm của sinh hoạt kinh tế và chính trị. Pháp quốc sản xuất 1,7 tiệu tấn thép, Anh quốc sản xuất hơn 5 triệu tấn, Đức quốc riêng nhà máy Krupp sản xuất 7,3 triệu tấn. Cách ít lâu sau, Mỹ quốc sản xuất 13,4 triệu tấn. Rõ ràng trong tương lai, Mỹ sẽ là quốc gia khổng lồ có nhiều triển vọng nhất. Nhưng khả năng kỹ thuật, khả năng nắm quyền kiểm soát nhiên liệu và khả năng thương trường Anh- Pháp vẫn dẫn đầu. Năm 1900, tỷ lệ xuất cảng Anh cho mỗi đầu người là 7 đồng liu (livres), Pháp 4 đồng liu, Đức hơn 3 đồng liu, Mỹ chỉ mới 3 đồng liu thôi. Hàng Anh còn là hàng tốt nhất. Anh bán ra ngoài nước một số máy móc nhiều gấp hai lần rưỡi Pháp. Mỹ gần ngang với Anh về xuất cảng cơ khí nhưng về thương thuyền thì Anh lại vượt trội hơn tất cả bằng 10 triệu tấn trọng tải của thuyền bè được ghi nhận chính thức so với 2 triệu của Đức, 1 triệu của Pháp. Mỹ thì chưa có gì. Việc chuyên chở trên hoàn cầu gần như ở trong tay Anh quốc bao thầu hết. Gia súc, lúa mạch Á Căn Đình, bông của Ai Cập, mía của Java đều theo tàu Anh sang Âu Châu. Tập đoàn tài chính Âu Châu nắm giữ mọi then chốt thương mại quốc tế. Họ muốn bóp chết khu vực nào tất khu vực ấy phải chết. Tất cả để phụng sự người da trắng, từng giải đất rộng mênh mông chịu đói, chịu khổ, chịu chết bệnh tật để cho Âu Châu phồn thịnh huy hoàng. Nơi nào nổi dậy chống cự, khối da trắng liền cấu kết với nhau dập tắt ngay. Tỉ dụ: vụ Nghĩa Hòa Đoàn bên Trung Hoa giết vài người Âu ở Bắc Kinh. Lập tức các nước Âu họp lại tiến hành tức khắc một cuộc hành quân trừng phạt mà báo Times của Anh thời đó đã viết như sau: “Trong những điều kiện hiện thời, đường lối của chúng ta phải thật rõ ràng. Dĩ nhiên chúng ta không trừng trị bọn tiểu lại để cho chúng biết sự khủng bố của người Âu ghê gớm như thế nào mà hãy lôi mấy tên to đầu ra hỏi tội, in vết tích khủng bố lên đầu chúng để cho cả nước Trung Hoa biết từ nay chẳng có thứ quyền hành nào của nước họ có thể cứu họ khỏi bị trừng phạt một khi họ dám hỗn hào với người Âu Châu”.
Những việc làm tương tự được nhà văn Rudyard Kipling xưng tụng là: “Sứ mạng khó nhọc của người da trắng” (The white men’s burden). Phần người dân Anh, toàn thể đều mang niềm tự hào: “Thật là hạnh phúc cho chúng ta được sinh ra làm con dân Anh quốc” (Quel bonheur pour nous d’être nés sous l’égide de ce nom).
Tóm lại, lịch sử cận đại của nhân loại là lịch sử của Âu Châu phát triển làm cho thương nghiệp càng phồn thịnh. Âu Châu trở nên quá bé nhỏ với sự phồn thịnh ấy tất nhiên thế lực của nó phải tràn ra ngoài xâm chiếm các thị trường mới ở Phi Châu, Á Châu, Mỹ Châu kiến lập nên những thực dân địa ở khắp nơi trên thế giới. Âu Châu hoàn toàn làm chủ tể sinh hoạt thế giới được non một thế kỷ. Thời kỳ này được các nhà văn, nhà báo Pháp mệnh danh là “Thời Vàng Son”. Các cơ sở tài chính của Anh Pháp chỉ hơi rức đầu thôi cũng đủ làm cả thế giới hỗn loạn.

*
Thời vàng son không kéo dài bất tận. Thủ tướng Bulow của Đức điều trần trước Quốc Hội có nhắc đến một tình thế mới mẻ đang hiện lên: “Anh em trong gia đình Tây phươong không còn thuận hòa được với nhau nữa” (Les membres de la famille occidentalle commencait à plus s’entendre entre eux).
Đây là một lời cảnh cáo cho biết bão tố sắp nổi dậy. Sự bành trướng thế lực thuộc địa không còn thênh thang nữa thì cuộc đấu tranh giành quyền ảnh hưởng bắt đầu xảy ra giữa các cường quốc Âu Châu, nó âm ỉ tự sắp xếp thành chiến tuyến. Chẳng những chỉ có xung đột giữa các nước mà còn có cả xung đột nội bộ.
Tháng 8 năm 1914, thế chiến thứ nhất bùng nổ tạo ra mấy biến động lớn:
a) Chấm dứt độc quyền bá chủ của Âu Châu đưa Hoa Kỳ lên ngôi minh chủ.
b) Cuộc cách mạng xã hội thành hình tại Nga năm 1917.
c) Một đế quốc Á Châu xuất hiện: Nhật Bản.
Thế chiến thứ hai chấm dứt, Âu Châu chỉ còn là hình hài của một lão già trác táng ốm yếu. Mỹ quốc thừa kế hết vinh quang của Âu Châu lúc trước. Nga Sô viết đứng vai trò lãnh đạo của đám quần chúng bất mãn trên toàn thế giới.
Ở kinh tế có một luật tắc áp dụng cho cả anh bán hàng xén lẫn quốc gia đó là nếu tiêu thụ nhiều, sản xuất ít, ăn quá số tiền kiếm ra ắt hẳn lụn bại.
Bằng hai trận chiến tổng cộng kéo dài hơn mười năm tốn phí, tàn hoại, các quốc gia Âu Châu cơ hồ kiệt quệ. Sau đệ nhị thế chiến, Âu Châu chi nhiều hơn thu, ngân quỹ đầy những lỗ hổng rất lớn. Trước kia oai hách bây giờ phải vượt Đại Tây Dương ăn mày đô la mong che lấp tình cảnh bệ rạc. Họ như kẻ tàn phế khập khễnh chống vào đôi nạng viện trợ Mỹ. Trong khi kỹ nghệ Hợp Chủng Quốc phát triển thật sấm sét, khoảng năm 1950, theo thống kê, tỷ lệ cứ một người sống ở thôn quê thì phải có hai người sống ở thành thị. Chiến tranh đã làm lực lượng sản xuất kỹ nghệ và mức sống của Hoa Kỳ vọt lên như tên bắn, mức sống của dân Mỹ cao nhất thế giới. Với sức mạnh của Samson, Hoa Kỳ có thể dễ dàng gây khủng hoảng kinh tế cho toàn trái đất bất cứ lúc nào.
Tại hội nghị Yalta, Staline đã nói với tổng thống Hoa Kỳ Rooveselt: “Dù Hiệp Chủng Quốc có muốn hay không, họ bây giờ là một đại cường quốc của thế giới, họ phải chấp nhận trách nhiệm chính trị trên cái cỡ thế giới của họ. Nếu không có họ can thiệp vào hai cuộc thế chiến thì có lẽ Đức không thua. Nói trắng ra, lịch sử trong vòng 30 năm trở lại đây, nước Mỹ đã vượt xa các nước khác để làm quen với thế cường quốc thế giới của mình”.
Câu nói ấy nay đã trở thành một sự thật hiển nhiên. Với 200 triệu so với gần 3 tỷ con người trên trái đất, dân số Mỹ chẳng đáng bao nhiêu. Nhưng Mỹ đã có một sức mạnh trên mọi lãnh vực, thứ nhất là kinh tế và quân sự. Đô la Mỹ là một thứ quyền lực tại bất cứ đâu. Quân đội Mỹ có mặt ở nhiều nơi, với không lực mạnh nhất. Hạm đội thứ 7 của Mỹ làm bá chủ toàn vùng biển Thái Bình Dương và hạm đội 6 vô địch ở Địa Trung Hải.
Chẳng khác chi một phép lạ, suốt cả thế kỷ 19 tư bản Âu Châu đổ vào đầu tư ở Bắc Mỹ để mở mang xứ này. Bước sang thế kỷ 20, với hai trận thế chiến, tình hình đảo ngược hẳn, thứ nhất là sau trận thế chiến thứ hai, vốn Mỹ tràn ngập khắp thế giới. Kinh tế của Mỹ ở hải ngoại kiểm soát gần hết những ngành kỹ nghệ quan trọng, chẳng thế mà tháng 10-1966 đại hội đảng Tự Do của Gia Nã Đại đã phải hô hào: “Chúng ta phải làm gì để ngăn cản sự kiểm soát của Hoa Kỳ?” Lúc ấy, một nửa kỹ nghệ và hơn nửa tài nguyên quặng mỏ Gia Nã Đại đang nằm trong tay người Mỹ.
Tháng 6 năm 1066, ông Geoge C. Mc Ghee, đại sứ Mỹ ở Tây Đức phải làm bản nhận định chống lại những lời phản kháng của chính khách và phần tử trí thức Tây Đức cho rằng sự đầu tư của vốn Mỹ là một mối đe dọa cho nền độc lập kinh tế Đức. Rồi đến Bỉ, Pháp và Anh, đâu đâu cũng kêu ca lo sợ vì vốn Mỹ đầu tư, bằng cùng một luận điệu e ngại cho chủ quyền quốc gia hoặc cho rằng Mỹ chỉ biết thủ lợi không cần biết đến chính trị.
Tại nước Anh, rất nhiều nhà máy sản xuất xe hơi đã sát nhập vào những hãng Mỹ khiến cho công nhân phẫn nộ. Một người Thụy Sĩ giàu có với rất nhiều cổ phần trong các hãng Mỹ đã nói rằng: “Chỉ trong vòng mươi năm mà nhóm áp phe Mỹ đã chiếm hết tài nguyên Âu Châu”.
Tác giả cuốn sách “L’ Amérique impériale”, ông Armaury de Riencourt viết: “Le fait est que l’expansion de la puissance économique de l’Amerique a travers le monde est irrésistible”. (Sự thực là sự bành trướng thế lực kinh tế của Mỹ trên thế giới không có gì chống lại nổi).
Từ năm 1960, số vốn đầu tư Mỹ ra ngoài chừng 30 tỷ đô la, đến năm 1965 số tiền ấy tăng lên 106 tỷ, ấy mới chỉ là con số có ghi chính thức còn những con số đi đường ngang ngõ tắt chưa kể loại và sau này cũng nhiều khủng khiếp. Mọi trung tâm quyết định kinh tế của thế giới tự do bằng cửa này hay cửa khác, đều chuyển về Hoa Kỳ. Một nửa số xe hơi sản xuất ở Âu Châu do vốn Mỹ, phần ba kỹ nghệ dầu hỏa Anh quốc và thị trường chung Âu Châu nằm trong tay Hoa Kỳ. Hàng chục ngành khác như vỏ ruột xe, dao cạo, máy khâu, hóa chất v.v… do tư bản Mỹ điều khiển.
Dù tức giận vì tự ái quốc gia bị thương tổn nhưng các tay tư bản Âu Châu vẫn phải luôn luôn xin Mỹ tiếp tay, kinh tế vẫn theo quy luật khách quan mà!
Ngày 17 tháng 1 năm 1967, bộ trưởng bộ thực nghiệp Anh Anthony Wedgood Benn báo cho Hạ viện biết rằng vấn đề hãng Rootes Motors (sản xuất xe hơi) lâm vào tình trạng bế tắc không giải quyết được và sự bế tắc này do lỗi chương trình khắc khổ của chính phủ Anh. Ông cũng cho hay chính phủ bảo thủ trước đây đã trói tay chính phủ lao động kế tiếp bằng việc đã để cho hãng Chrysler của Mỹ bỏ vốn một phần vào hãng Rootes. Việc ấy đưa đến chỗ cả hai hãng phải tổ hợp với nhau trên những lãnh vực quan trọng: quản trị thị trường và làm cho hãng Rootes không thể tổ hợp với các công ty khác của Anh.
Các dân biểu đưa ý kiến: Chính phủ Anh sẽ mua lại những gì mà Chrysler đã mua của Rootes.
Bộ trưởng Benn đáp: “Nay đã muộn quá rồi, các kế hoạch của Rootes phát triển hiện giờ hoàn toàn tùy thuộc vào thỏa hiệp năm 1965 về trao đổi thực nghiệp với hãng Chrysler. Chrysler tuy chỉ có một phần hùn nhỏ nhưng họ đã nắm trọn quyền tài chính to tát. Chính phủ Anh không thể ngăn cản sự thắng lợi đã quá rõ rệt của Chrysler”.
Cuối năm ấy, báo Sunday Telegraph, khi viết về hãng Rootes đã kết luận: “Hãng Rootes trở lại hoạt động mạnh sau khi qua sự giải phẫu của Mỹ”.
Bá quyền kinh tế Mỹ làm cho Hoa Kỳ phải can thiệp vào nội chính của nhiều quốc gia. Chỉ có lục trong hồ sơ ngoại giao mới khả dĩ kể hết được những vụ can thiệp ấy, sách vở hay báo chí mới chỉ ghi được phần nào thôi.
Đế quốc Mỹ là đế quốc lớn nhất lịch sử từ ngàn xưa đến nay, nó bao la không ranh giới, khác hẳn với đế quốc Anh, Pháp trước thế lực rất hạn chế với từng khu vực, từng lãnh thổ. Còn đế quốc Mỹ, thế lực lan tràn suốt Tây Âu, Phi Châu, Á Châu, Trung Đông và Nam Mỹ Châu, Úc Châu. Đi bên cạnh đế quốc, kinh tế, chính trị là một đế quốc quân sự (empire militaire) đã khiến cho Mỹ mạnh hơn bao giờ hết so với tất cả các đế quốc đã có trong lịch sử. Một quốc gia có thể cho đến phút này hạn chế được sự xâm nhập của đế quốc kinh tế Mỹ nhưng vẫn không thể thoát được chuyện phụ thuộc vào kho vũ khí của đế quốc quân sự Mỹ. Bởi vậy, khi nói đến Mỹ, người ta không thể quên mặt đế quốc quân sự của nó.
Ngót 1/4 thế kỷ, Mỹ quốc đã hoàn thành một đế quốc quân sự và kinh tế, và đang có tham vọng tiến đến một đế quốc văn hóa (empire culturel). Ngày xưa khi tổng thống Monroe lên diễn đàn nói câu lịch sử: “Xin đừng đụng đến nước Mỹ” (Ne touchez plus l’Amérique) để thiết lập chủ nghĩa cô lập thì ngày nay lời nói bất hủ ấy lại mang ý nghĩa khác “Chớ có đụng đến nước Mỹ” để chứng tỏ sức mạnh đế quốc.
*
Liên bang Sô viết Nga bằng một hệ thống kinh tế và xã hội riêng biệt, đã lần từng bước để leo lên hàng lãnh đạo những nước sinh sau đẻ muộn vào thế giới kỹ nghệ.
Cuối thế kỷ 19, đế quốc Nga hãy còn xác xơ chẳng hơn Ấn Độ bao nhiêu về mặt kỹ nghệ. Vài hầm mỏ để tìm các loại kim quí như vàng ngọc hay mặt đá chứ chưa phải để lấy nguyên liệu cho kỹ nghệ. Chuyên chở còn cổ lỗ, mức sống rất thấp.
Năm 1903, sức mạnh máy móc Nga chỉ bằng 1/8 của Đức, 1/15 của Anh hay Mỹ. Trái lại, Nga đứng đầu nhiều nước về xuất cảng ngũ cốc với sức cáng đáng một phần ba hay hơn nữa tổng số nhập cảng thực phẩm của Tây Âu. Nga phải nhập cảng tất cả các sản phẩm kỹ nghệ. Một vài kỹ nghệ tiêu thụ nhẹ như dệt vải đã được thiết lập nhưng đều do vốn ngoại quốc cai quản. Trước năm 1914, Anh, Pháp, Đức nắm giữ quá nửa số ngân hàng mở tại Nga.
Bốn mươi năm sau, Nga nhảy lên địa vị cường quốc kỹ nghệ lớn bậc nhì. Số sản xuất thép ngang của Anh Đức cộng lại. Tuy nhiên, vẫn chỉ bằng một phần ba của Mỹ. Số sản xuất than nhiều hơn Anh Pháp Bỉ cộng lại, tuy nhiên vẫn chỉ bằng một nửa của Mỹ. Số sản xuất điện lực vượt xa của Anh Pháp cộng lại, tuy nhiên vẫn chỉ bằng một phần tư của Mỹ.
Cùng một lúc với phát triển kinh tế, Nga cho gấp rút xây dựng một nền kỹ nghệ chiến tranh vĩ đại. Với thời gian 30 năm Nga đã có thể cung ứng đầy đủ cho một trong những bộ máy chiến tranh lớn nhất hoàn vũ và xây dựng một hạm đội tiềm thủy đĩnh lớn gấp mười lần của Đức trước đây.
Nhà văn Fénélon, trong bức thư gửi cho Louis 14, có nói: “Bất cứ quốc gia nào lớn lên quá độ đều có một chính sách xâm chiếm các lân bang”. Nga cũng không đi ra khỏi thông lệ này, mặc dầu văn hào Dostoievski viết:
“Cái ý nghĩa của người Nga rõ ràng là vừa Âu Châu lại vừa toàn thế giới. Là một người Nga thật sự, là một người Nga đầy đủ thì phải thấy mình là người cha của tất cả mọi người. Nêu ra chủ nghĩa Nga Tư lạp phu (Slavophilisme) để phân biệt với chủ nghĩa Tây phương (Occidentalisme) chỉ là một sự hiểu lầm giữa chúng ta cần thiết cho giai đoạn lịch sử. Với một người Nga chân thực thì Âu Châu cùng số phận của chủng tộc “Aryen” cũng quý báu như dân tộc Nga vậy. Bởi vì số mạng chúng ta là số mạng chung của nhân loại, chúng ta sẽ không thu gom bằng gươm giáo mà bằng tình huynh đệ toàn thể loài người vào làm một”.
Nước Nga đã bành trướng thế lực của mình bằng tất cả các phương thức tàn bạo của một đế quốc và giải thích chính sách của mình bằng quyền lực luận (Power interpretations).
Staline trong bàn hội nghị tay ba ở Yalta, đã tuyên bố một cách nóng nảy khi hội nghị đề cập đến vấn đề quyền bình đẳng của mọi quốc gia trong Liên Hiệp Quốc, ông nói: “Cái nước Albanie nhỏ bé ấy quyền chi mà ngang với đại cường Nga sô. Con đại bàng phải cho bọn chim nhỏ hót nhưng nó không cần phải lo ngại về việc chúng hót cái gì?”.
Ít lâu sau, ngoại trưởng Vichinsky đập bàn quát lên với chính phủ Roumanie: “Yalta hả, Yalta là tôi” và quốc gia Roumanie từ đấy rơi vào khu vực chư hầu Nga sô cùng với một số nước khác của vùng Đông Âu như Tiệp Khắc, Ba Lan, Hung Gia Lợi.
Nhìn bao quát thì đế quốc Sô viết cũng lớn lao ghê gớm, nó bao trùm một đại lục chạy liền 25% đất đai hoàn cầu, kiểm soát 38% dân số và nguyên liệu và 1/3 sản lượng kỹ nghệ của thế giới.
Để kiểm soát cho được chặt chẽ ngay từ lúc đầu, Nga đã ngăn chặn khuynh hướng quốc gia bằng cách làm cho các nước chư hầu trong khối Sô viết không liên kết được với nhau, do đó, Nga khôn ngoan áp dụng phương pháp ký tay đôi khiến cho bất cứ chuyện gì của quốc gia chỉ có thể nói riêng với Nga thôi, nếu Nga không chịu là kể như hết bàn cãi.
Sở dĩ minh ước Bắc Đại Tây Dương hoàn thành năm 1949 mà mãi đến tháng Năm 1955 Nga mới hoàn thành minh ước Varsovie cũng chỉ vì Nga không muốn vội vã kiến tạo một phòng tuyến chính trị, quân sự khiến cho các nước chư hầu có thể mượn cớ mà đòi thêm quyền hạn, ảnh hưởng tới chính sách đối ngoại của Nga. Cho nên, tất cả những hội nghị của minh ước Varsovie chỉ là chiếu lệ chứ không tích cực cho lắm. Trên thực tế, Nga vận dụng lề lối trực tiếp song phương trên hàng lãnh đạo chính trị, quân sự của hai nước, như thế Nga bao giờ cũng giữ ưu thế và vẫn nắm trọn quyền chi phối hệ thống đồng minh.
Quân đội Nga đóng trên lãnh thổ các nước thuộc khối Nga được hưởng những đặc quyền có thể đem so sánh với quân đội chiếm đóng. Về mặt kinh tế chính phủ Nga cũng được hưởng những đặc lợi đối với các nước không kém gì mẫu quốc đối với các thực dân địa.
*
Hai nước Nga, Nỹ nắm trọn quyền bá chủ làm cho thế giới chính trị trở thành lưỡng cực hóa (bipolarisation) và quyền lực chính trị quốc tế đi vào khuynh hướng tập trung.
Thủ đoạn để thực hiện bá quyền ấy mang những đặc điểm sau đây:
a) Ngụy trang và gian tạo
b) Ẩn nấp hành động xâm lược dưới hình thức tự vệ
c) Ẩn nấp hành động xâm lược dưới những lý do bất vụ lợi
d) Dùng những hiệp ước thân thiện cốt để ru ngủ đối phương
e) Khu vực hóa xung đột và chiến tranh
f) Khai thác mâu thuẫn nội bộ đối phương
g) Khai thác những mâu thuẫn quyền lợi và mâu thuẫn chủng tộc
h) Ngầm xúi giục phe bên kia nổi dậy chống bá quyền
i) Đe dọa và khủng bố
j) Bảo vệ các nước yếu để lấy cớ thực hiện chính sách xâm lược
Một mặt thỏa thuận chia nhau khu vực ảnh hưởng nhưng một mặt Nga Mỹ vẫn dùng đủ mọi cách để bành trướng thế lực tại những nơi mà sự thỏa thuận hãy còn lờ mờ hay trên những lãnh vực còn mới mẻ.
Tác giả nhiều sách chính trị nổi tiếng, ông James Burnham, đã nói về mấy nguyên tắc cơ bản của chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ như sau:
1) Hòa bình không phải và không thể là mục tiêu của chính sách đối ngoại
2) Hoàn toàn hủy bỏ cái chính sách mệnh danh là chính sách bất can thiệp vào nội bộ các nước vì chính sách đó là một chính sách rỗng tuếch. Đối phó với những vấn đề chính trị của thế giới phải áp dụng lề lối can thiệp nhanh, mạnh, đủ.
3) Hoa Kỳ phải dùng sức mạnh, sức mạnh quân sự.
Quốc tế chính trị đã lấy chiến tranh làm trung tâm thì mọi hoạt động ngoại giao phải chịu chi phối của chiến lược. Chiến lược là biểu thị quân sự cho một đường lối chính trị nào đó. Dĩ nhiên do ảnh hưởng này mà tất cả những khu vực nào đó có liên hệ đến chiến lược quân sự quốc tế là những nơi bị nhiều tranh chấp chiến lược nhất (trường hợp điển hình Việt Nam). Đôi khi, những hoạt động ngoại giao, hòa bình hoặc ký kết đồng minh ở những khu vực này chỉ còn là tính cách thủ tục thôi, vì nhu cầu chiến lược các nước lớn có thể làm đại bất chấp dư luận cũng như bất chấp pháp lý quốc tế. Nhà ngoại giao có thêm một nhiệim vụ quan trọng khác là dẫn những ông tướng và bộ đội của nước nhà đến đóng ở một quốc gia khác với sự tiếp đón vui vẻ. Nếu không thì đã có những biện pháp bạo lực như kiểu Santo Domingo hay như số phận thủ tướng Lumumba ở Congo, vụ Hung Gia Lợi, Tiệp Khắc.
*
Quan hệ chính trị lưỡng cực kéo dài gần hai chục năm, thế giới chịu sự chi phối của hai nước siêu cường Nga Mỹ.
Sau đệ nhị chiến, mở đầu là ngũ cường sắp xếp công việc. Rồi Pháp, Trung Hoa (Dân Quốc) và Anh bị gạt ra ngoài. Chính trị quốc tế lưỡng cực hóa. Mỹ đứng đầu một khối, Nga đứng đầu một khối, mỗi khối bao gồm các nước nhỏ yếu hơn, ở cùng một đường lối chính trị. Bề ngoài của nó chỉ là sự thành lập đồng minh chẳng khác chi những hiện tượng đồng minh đã từng có trong lịch sử như liên minh chống Napoléon, hiệp ước Anti-Komintern v.v… để nhằm mục đích làm cân bằng lực lượng (diplomatie d’équilibre). Nhưng có điểm khác là liên minh với đồng minh xưa kia thường chỉ là những cam kết giúp đỡ về quân sự khi xung đột xảy ra và chỉ lúc nào chiến tranh đã thực sự bùng nổ thì những lời cam kết đó mới thi hành. Còn khối liên minh liên kết bây giờ là nhảy luôn vào cuộc tranh chấp bất kể hòa bình hay chiến tranh. Một khi hiệp ước đã ký kết là tức khắc tất cả mọi hoạt động quân sự, kinh tế, chính trị, xã hội phải áp dụng theo đường lối chung của khối đồng thời tiêu diệt hết thảy những ảnh hưởng của khối kia.
Nhưng kể từ 1962 trở đi, quan hệ chính trị lưỡng cực bị đánh phá dữ dội, một là do tranh chấp Nga Mỹ phải luôn luôn muốn lấn vòng ảnh hưởng của thế lực bên này qua phía bên kia, hai là nội bộ từng khối đã có nhiều quốc gia lớn mạnh lên và muốn tránh khỏi sự lệ thuộc.
Về phía Mỹ, các đồng minh Âu Châu tìm mọi cách chống lại những quyết định của Mỹ về tiền tệ cũng như về chính trị, gay gắt đến độ tổng thống De Gaulle đã buộc trụ sở minh ước Bắc Đại Tây Dương do Mỹ làm minh chủ phải rời khỏi nước Pháp.
Ông Henry A. Kissinger đã viết như sau:
“Vào năm 1949, các quốc gia Âu Châu có hai mối lo sợ: a) Nga tấn công - b) Quân Mỹ rút đi”.
Nhưng đến những năm 60 thì ám ảnh về một cuộc tấn công của Nga đã giảm thiểu rõ rệt, ngay cả đối với vụ Nga mang quân vào Tiệp cũng không khơi lại nỗi lo sợ đó nữa. Mặt khác với 20 năm đóng quân bên Âu Châu và tham dự vào mọi kế hoạch của minh ước Bắc Đại Tây Dương, Âu Châu không còn lo Mỹ bỏ rơi Âu Châu nữa vì quyền lợi Mỹ đã mắc míu khá nhiều. Khi mới bắt đầu thành lập minh ước Bắc Đại Tây Dương, mối đe dọa chủ yếu cho hòa bình thế giới khởi từ cuộc xâm lăng của Nga qua Âu Châu. Nhưng bây giờ chính Hoa Kỳ đã chứng minh cho thấy mối đe dọa ấy có thể xảy đến tại bất cứ đâu chẳng riêng gì Âu Châu. Cho nên, quan niệm Âu Châu đối với vấn đề cũng thay đổi, họ không thấy liên quan gì đến họ nếu mối đe dọa không trực tiếp ảnh hưởng đến an ninh và độc lập của xứ sở họ. Trước kia, trong những năm 50, dân Âu Châu kêu gọi sự ủng hộ của Mỹ giải quyết những vấn đề Á Châu và Trung Đông để bảo vệ những quyền lợi tối thượng của Tự Do. Mỹ đã giúp họ, đồng thời cũng cho họ biết là những quyền lợi tối thượng ấy đòi hỏi họ hãy rút ra khỏi các vùng đó. Bây giờ thì tình trạng ngược hẳn lại, Âu Châu hoàn toàn làm ngơ trước lời kêu gọi của Hoa Kỳ cho một hành động chung. Người Âu Châu thấy chẳng dính dáng gì đến họ đối với các việc mà Hoa Kỳ bị khó khăn ở bên ngoài Âu Châu.
Âu Châu ngày nay đã lấy lại khá nhiều sức mạnh kinh tế, Âu Châu ngày nay tự tin vào sức mạnh khác hẳn những năm 50. Dĩ nhiên vấn đề thay đổi cơ cấu trong quan hệ quốc tế phải được đặt ra. Khi Âu Châu còn phải nhờ Hoa Kỳ bảo vệ kinh tế cũng như trên quân sự thì Âu Châu không thể không để Hoa Kỳ giữ địa vị bá chủ. Quan hệ của Âu Châu với Hoa Kỳ lúc đó là quan hệ của kẻ cầu cạnh hơn là quan hệ ngoại giao. Nhà ngoại giao Âu Châu phải gây được cảm tình cá nhân cho mình hơn là trông cậy vào thế lực quốc gia. Nay thì khác hẳn, Âu Châu đã phục hồi lại sức mạnh kinh tế thì chính trị phải biến đổi…
Về phía Nga, tất cả mọi hy vọng khối cộng sản là đồng nhất (monolithique) nay đã vỡ bét. Chuyện Tito ly khai từ năm 1948 chỉ là dấu báo hiệu hãy còn xa. Nay thì Albanie cũng lớn tiếng chửi Nga là lũ phản bội chủ nghĩa ấy mới thật là rối loạn. Việc tối quan trọng là quan hệ anh em Nga Hoa bị cắt đứt. Nó khởi sự kể từ ngày Krouthchev kế vị Staline và đề ra đường lối mới đấu tranh bảo vệ hòa bình. Đường lối này là kết quả của bức thư mà thống chế Boulganine gửi cho tổng thống Eisenhower cùng lúc với các nguyên thủ Tây phương đề nghị họp hội nghị thượng đỉnh. Trung Quốc phản kháng ra mặt đường lối mới của Krouthchev.
Tháng 9-1959, Krouthchev từ Mỹ về ghé viếng thăm Bắc Kinh. Trung Quốc nhìn ông bằng con mắt lạnh nhạt và nghi ngờ. Trung Quốc đã thất vọng với người anh em Nga sô. Hội đàm giữa Mao-Krouthchev rất gay gắt. Hai bên dùng những lời lẽ không mấy đẹp để nói chuyện với nhau đến nỗi chẳng bao giờ bắt tay nhau lần nào khác nữa.
Đến Đại hội cộng sản Bucarest thì tranh chấp bước vào giai đoạn quyết liệt. Ba tuần sau đại hội, chính phủ Nga báo cho Trung Quốc biết quyết định rút các chuyên viên Nga ở Tàu về nước, thời hạn rút rất nhanh. Đồng thời 343 giao kèo, 257 kế hoạch hợp tác khoa học, kỹ thuật Trung- Nga bị hủy bỏ. Nga chấm dứt cung cấp các vật dụng quan trọng để trang bị kỹ nghệ cho Trung Quốc. Vụ này cả Nga lẫn Tàu đều giữ kín bưng. Trung Cộng cắn răng chịu Nga muốn áp dụng chính sách mà Staline trước đây trừng phạt Nam Tư để buộc Trung Cộng phải khuất phục đi theo đường lối Nga. Thật là một đòn nặng cho Trung Cộng về mặt kinh tế cũng như về mặt tìm tòi khoa học. Thứ trưởng Bạc Nhất Ba trả lời ký giả Anne Louis Strong về câu hỏi liên quan đến vụ trên với giọng buồn bã:
“Chúng tôi đang tiến hành hơn 300 kế hoạch đã mấy năm trời. Bây giờ trong một tháng tất cả đều ngưng, các chuyên viên Nga về nước mang theo họa đồ, dụng cụ không được gửi đến nữa. Tình trạng không khác gì người ta đã lấy hết đĩa bát trên bàn ăn”.
Ký giả Robert Guillain qua thăm Trung Cộng (1964) tả lại cảnh thê lương đó:
“Nhiều cơ xưởng chết, trông rõ rệt vết hoang phế từ lâu, phòng ăn công nhân trống huếch trống hoác. Nhiều nhà máy hoạt động cầm chừng nên vắng vẻ, tám phần mười ống khói lò không thấy khói bay lên, những xây cất bỏ dở nửa chừng không có cửa sổ, không mái che, không sự sống”.
Các nhà lãnh đạo đỏ của Trung Quốc quyết định thà kỹ nghệ hóa chậm còn hơn van nài. Không những thế, họ còn gửi sang Nga nhiều văn thư đòi xét lại tất cả mọi thỏa ước đã ký kết giữa hai nước về việc hợp tác kinh tế, khoa học, kỹ thuật và hủy bỏ luôn quan hệ mậu dịch Nga- Hoa.
Quyết định này là một đòn trả miếng khá đau cho Nga vì nó ảnh hưởng lớn đến kinh tế Tiệp Khắc và Đông Đức.
Tiến xa hơn nữa, Trung Cộng tìm mọi cách làm giảm uy thế của Nga ngay trong các nước cộng sản, thứ nhất là các nước Á Phi để mong thay thế Nga lãnh đạo hay nói khác đi là Trung Quốc cũng muốn tự mình trở thành một đế quốc nữa. Nếu đọc bài thơ mà Mao Trạch Đông làm trước khi đánh trận Trường Sa thì thấy rõ tham vọng đế quốc hiện lên rõ ràng:
Hỡi dãy núi trùng trùng điệp điệp
Cao vòi vọi và trên đỉnh đầy tuyết phủ
Ta vung kiếm lên, đứng giữa trời bao la
Chặt người ra làm ba khúc
Một khúc ta cho Âu Châu
Một khúc dành cho Mỹ
Ta giữ lại một cho Trung Quốc
Thế giới sẽ sống yên bình
Và trái đất điều hòa nơi mưa nắng
*
Cho đến 1914, phần lớn các nước ở Á Châu và Phi Châu đều trực tiếp hoặc gián tiếp dưới sự kiểm soát của Âu Châu. Sau đệ nhị thế chiến thì tất cả đã phá vỡ xiềng xích thuộc địa (domination coloniale). Lực lượng nào là chủ chốt cho phong trào giải phóng đó?
Năm 1950, một trong những vị lãnh tụ, ông Jawahrlal Nerhu nói: “Những nét chính của bộ mặt Á Châu ngày nay là sự phản kháng chế độ thuộc địa, sự phục sinh chủ nghĩa ái quốc, niềm hy vọng một cuộc cải cách ruộng đất, lòng nhiệt thành muốn kinh tế tiến bộ và say mê tự do. Đấu tranh giải phóng của các nước Á Phi tất nhiên là qua nhiều gian khổ vì giải phóng khỏi chế độ thuộc địa Âu Châu là một chuyện và đương đầu với những đế quốc mới là một chuyện khác. Tỉ dụ: lúc cuộc chiến Thái Bình Dương vừa bước vào giai đoạn khốc liệt, tướng Mc Arthur đã tuyên bố:
“Âu Châu bây giờ là một hệ thống chết. Nó sẽ tàn lụi rồi rơi vào quyền thống trị kinh tế và kỹ nghệ Sô viết. Những đất đai vùng Thái Bình Dương và hàng tỷ người sẽ là yếu tố quyết định lịch sử trong tương lai cả ngàn năm”. (Europe is a dying system. It is worm out and run down and will become an economic and industrial hegemony of Soviet Russia. The lands touching the Pacific with their billions of inhabitants will determine the course of history in the next ten thousand years).
Nga cũng quan tâm tới Á Châu chẳng kém, vì Lénine, ngay từ khi mới ngồi vào chính quyền đã bảo các đồng chí của ông rằng: “Con đường đi tới Paris vòng qua ngả Bắc Kinh”.
Không phải chỉ có Nga và Mỹ có tham vọng tại khu vực Á Phi, ngày nay còn có thêm cả Trung Cộng và tàn dư của thế lực đế quốc Âu Châu trước đây.
Đại sứ Joseph Grew (Mỹ) thật đã rất sai lầm với nhận định: “Sau khi phá hủy được lực lượng xâm lăng Nhật, chúng ta không còn địch thủ nào ở Thái Bình Dương nữa. Nhật Bản là kẻ thù duy nhất của các dân tộc hiền hòa vùng Thái Bình Dương”.
Vì 24 năm sau, bộ trưởng Mc Namara đã nhận định trái ngược hẳn: “Mục tiêu dài hạn của cộng sản Trung Quốc là tìm cách ảnh hưởng vào các nước Á Phi và Châu Mỹ La Tinh để phá hoại hết thảy mọi thể thức tiến hóa hòa bình của các quốc gia trên con đường mở mang”.
Bây giờ thế giới cần phải phân biệt giữa sự bành trướng của cộng sản với bành trướng của Trung Quốc (expansion chinoise). Trung Quốc cũng như Nga sô 20 năm trước, đầy tham vọng và đe dọa với chính sách đòi tiêu hủy nguyên trạng để thiết lập một trật tự quốc tế mới.
Hiện tại, Mao Trạch Đông đang sửa soạn thực hiện tất cả những gì viết trong cuốn “Minh Di Đài Phỏng” của Hoàng Lê Chân (cuốn sách cổ nói về chính sách đế quốc Trung Hoa).
Năm 1958, bình luận quốc gia chính trị tiếng tăm, ông Tibor Mende viết:
- Những điều kiện cho một nước để trở thành cường quốc hiện đại gồm có:
Thứ nhất: phải có chủ quyền trên một lãnh thổ hết sức rộng lớn.
Thứ hai: phải có những tài nguyên thật lớn lao về nguyên liệu và những tay thợ lành nghề.
Thứ ba: phải có khả năng chế tạo được những vũ khí đắt tiền ghê gớm và có khả năng cung cấp những sản phẩm tiêu thụ, máy móc để tranh thủ các quốc gia nhỏ yếu hơn đứng về phe mình.
Tóm lại, một siêu cường quốc ngày nay là một nước có đủ khả năng tổng hợp sức mạnh sản xuất để giúp đỡ và gây ảnh hưởng đến thái độ của nhiều nước khác. Hiện tại chỉ có Nga và Mỹ là hội đủ những điều kiện ấy thôi.
Nhưng trong tương lai không xa, sẽ còn có nhiều nước khác có thể trở nên cường quốc với đủ những điều kiện trên (Trích “Entre la peur et l’espoir).
Mười năm sau, lời tiên đoán của Tibor Mende đã thành sự thật.
Trước tình thế mới, vị cố vấn của tòa Bạch Cung, ông Kissinger (hiện là ngoại trưởng Mỹ) đưa ra chủ trương phải chấp nhận một quan hệ đa cực cho chính trị quốc tế (multipolarité politique). Ông viết:
“La multipolarité politique nous interdit de songer à implanter partout le modèle américain. Nous devons avoir pour tâche essentielle d’éveiller la créativité d’un univers pluraliste et de fonder l’ordre international sur la multipolarité existante même si les deux super-puis-sances gardent leur supériorité écrasante en matière de force militaire” (Đa cực chính trị không cho phép chúng ta cứ giữ mãi cái chính sách đi trồng cấy chế độ chính trị theo kiểu Mỹ ở khắp nơi. Chúng ta hãy khơi dậy tính chất phong phú của sinh hoạt chính trị đa diện và xây dựng trật tự quốc tế trên nền tảng đa cực chính trị dù rằng hai siêu cường vẫn còn nắm ưu thế tuyệt đối về mặt quân sự).
Như vậy, theo Kissinger thì quan hệ quốc tế hiện thời đặt trên cái thế lưỡng cực quân sự (bipolarité militaire) và đa cực chính trị (multipolarité politique) nghĩa là về quân sự, thế giới vẫn chỉ có hai nước khỏe nhất Nga-Mỹ, về chính trị đã có thêm nhiều nước hoặc khối mạnh.
Ronald Steel, trong cuốn “Pax Americana” cũng công kích chính sách lỗi thời của những năm 1950-60 qua trường hợp tổ chức Liên Phòng Đông Nam Á viết tắt theo tiếng Anh là O.T.A.S.E.
“Nó chẳng phải là một tổ chức đồng minh có cùng chung một kẻ thù, nó cũng không cùng một lý tưởng. Có thể gọi là một loại đồng minh đã lỗi thời, trong đó các hội viên lại ký kết với nhau thỏa thuận cứu đỡ nhau trong trường hợp bị tấn công. Ai tấn công? Vấn đề hết sức mơ hồ và mỗi nước giải thích theo tình thế riêng của nước đó. Theo Mỹ thì kẻ tấn công đích thị là cộng sản điều khiển bởi Mạc Tư Khoa hoặc Bắc Kinh. Nhưng với Phi Luật Tân thì kẻ thù là Indonesia. Với Thái Lan thì kẻ thù là Cao Miên. Với Hồi Quốc kẻ thù địch là Ấn Độ. Thử hỏi ngày nào Ấn với Hồi vác quân đánh nhau, Mỹ sẽ vận động tổ chức O.T.A.S.E để cứu ai?
Đây là lần đầu tiên trong lịch sử thế giới, tất cả các quốc gia đều có chính sách đối ngoại trong một xã hội quốc tế. Trước kia, mỗi lục địa biệt lập với các lục địa khác và hoạt động ngoại giao thu vào từng khu vực. Sang thế kỷ 18, 19 và đầu thế kỷ 20, những quyết định quan trọng lại tập trung vào mấy thủ đô lớn của mấy cường quốc.
Kisssinger kể đại lược ra 3 vấn đề về cơ cấu của quan hệ quốc tế ngày nay như dưới đây:
a) Số nước tham dự vào trật tự quốc tế nhiều lên và tính chất hoàn toàn thay đổi
b) Bởi phát triển của kỹ thuật nên ảnh hưởng ràng buộc cũng như chống đối giữa các nước tăng gia đáng sợ.
c) Phạm vi hoạt động cho những mục tiêu quốc gia mở rộng (cả về mâu thuẫn lẫn hợp tác).
“Tình trạng ngược nhau về cơ cấu nội trị đủ mở ra một hố sâu ngăn cách không cho các quốc gia có thể thỏa thuận ngay từ đầu về những mục tiêu và phương pháp hợp lý” (L’incompatibilité des structures internes suffit à ouvrir l’abime du fait qu’il est difficile au départ de s’accorder sur les buts et les methodes raisonnables).
Cái hố sâu ấy càng trở nên nguy hiểm nếu một vài quốc gia lớn muốn mở rộng thể thức nội trị của mình, nghĩa là tìm cách bắt các nước khác áp dụng khuôn mẫu thể chế (chính trị, kinh tế) giống mình. Sự kiện này chẳng những không làm ổn định tình thế mà chính nó lại là đầu mối tranh chấp gay gắt.
Vào thời đại cách mạng 1789 ở Pháp, người bênh vực cho thể chế vương quyền là Edmond Burke đã nói về tình thế lúc bấy giờ như sau:
“Tôi không thể nào nghĩ rằng chúng tôi khả dĩ hòa bình với họ, với hệ thống chính trị cuả họ, bởi lẽ chúng tôi không chiến tranh, không thù nghịch nhau trên một mục tiêu nào mà cả chúng tôi lẫn họ muốn tranh đoạt, chúng tôi chỉ chống nhau vì tính chất hai hệ thống, hai thể chế chính đôi bên hoàn toàn khác biệt”.
Lời của Burke nếu đem đối chiếu với tình thế bây giờ thì chuyện lịch sử tái diễn chẳng phải là câu nói viển vông.
Nội trị là nền tảng của ngoại giao. Chiến tranh giữa các vua chúa phong kiến dù khốc liệt đến đâu chăng nữa cũng có thể giải quyết trong một sớm một chiều. Nhưng chiến tranh giữa hai hệ thống, thể chế vương quyền và dân chủ tư sản thì phải một mất một còn. Ngoại giao ảnh hưởng dội lại nội trị. Không xã hội nào không ít nhiều chịu ảnh hưởng của những sinh hoạt chung quanh. Nếu để cách mạng Pháp lan rộng, đương nhiên vương quyền các quốc gia ở bên cạnh Pháp phải sụp đổ.
Tuy nhiên, lời nói của Burke chỉ đúng đối với hoàn cành lịch sử cùng thời đại mà Burke đang sống, thời ấy quan hệ quốc tế chỉ thu hẹp vào trong phạm vi Châu Âu và ngày ấy chưa có thứ vũ khí giết cả trăm ngàn người trong vài ba phút.
Còn bây giờ, khuôn khổ quan hệ giữa các nước mở ra khắp trái đất kể cả vùng Nam và Bắc cực, lại thêm các loại vũ khí hạt nhân, thì thái độ cũng như nhận định để đặt thành chính sách đòi hỏi phải tế nhị, mềm dẻo hơn với nghiên cứu kỹ càng những yếu tố truyền thống lịch sử, giá trị xã hội, sinh hoạt và hệ thống kinh tế, hoàn cảnh chính trị để có thể tiến hành đấu tranh cho thật khôn khéo.
*
Gặp thời thế thế thời phải thế.
Vận động lịch sử Việt trong gần một thế kỷ qua tiến hành trong diễn biến của những cái “thế” vừa kể trên, đòi hỏi chúng ta lăn vào thực tiễn trước mắt, đồng thời cũng không bỏ quên biến hóa trong tương lại.
Tất cả mọi cái “thế” quốc tế đều phải được coi là những cần thiết để hoàn thành cuộc đấu tranh dân tộc.
Tân u hoài dăm rắp tiếng thề xưa
Dội ngàn trùng muôn sóng gọi hò đưa
Chuyển giang sơn hình thế laị cho vừa
Chuyển giang sơn hình thế laị cho vừa tất phải trở lại tiếng thề xưa tức là tìm về sức mạnh dân tộc, có vậy mới có sức nắm vững vận động của tất cả mọi cái “thế” quốc tế để biến nó thành những cần thiết cho cuộc đấu tranh dân tộc, nếu không thì tất cả mọi cái thế quốc tế chỉ là những tai họa trút lên đầu.
Biến hóa trong tương lai là tiếp tục theo con đường mà cách đây một thế kỷ đã bị người Pháp cắt ngang, ấy là việc mở rộng hậu phương quốc phòng, phá bỏ sự trói buộc trên vị trí địa dư, đồng thời đi tìm một sự quân bình lực lượng để đối phó phương Bắc, ấy là bắt tay một cường quốc đại dương mà chống với đe dọa từ đại lục.

 



HẾT

<< VĂN HÓA NÔNG NGHIỆP | SÁCH THAM KHẢO >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 597

Return to top