Trị loạn, cách mạng, hòa bình, chiến tranh
có nhiều nguyên nhân: địa dư, kinh tế,
văn hóa, chính trị v.v…
Nhưng quyết định đều ở nơi kết quả vận
chuyển của phần tử trí thức. Phần tử ưu tú
(élite) trong xã hội không bao giờ nằm im,
trái lại nó luôn luôn vận động, đấu tranh
nắm quyền bính để đưa vận mạng chính trị
vào con đường mới.
Vilfredo Pareto
Lịch sử có phải là một khoa học khả dĩ giảng được bằng một phép tắc? nghĩa là đoán trước những gì sẽ xảy ra hay lịch sử chỉ là một mớ hoang thoại? (lời Henri Ford)
Người Ấn Độ xưa, người Hy Lạp và Hebreu cổ thời nghĩ lịch sử biến hóa theo luật tắc luân hồi. Một vài giống người nói lịch sử giống như cái thang, leo từng nấc tức là từng giai đoạn sử. Cho đến cận đại, hai sử gia danh tiếng Spengler và Toynbee đưa ra thuyết lịch sử văn hóa biến hình theo phép tắc: sinh-trưởng-suy-vong. Trong lúc nhiều tôn giáo cho rằng lịch sử do Thượng Đế an bài, lại có những người khác lập luận lịch sử là một chuỗi liên tiếp những sáng tạo anh hùng, chứ chẳng chịu phép tắc nhất định nào cả, chỉ có bọn nô lệ mới chịu làm bù nhìn trước lịch sử.
Lịch sử biến động, điều ấy ngày nay không còn ai dám chối cãi, nhưng vấn đề đặt ra là hoàn cảnh quyết định lịch sử hay ý chí con người quyết định? Người Việt không hỏi tách ra là hai như vậy vì cho rằng lịch sử là tác dụng tương hằng (interaction) giữa người với hoàn cảnh. Nhờ tác dụng đó mà sản sinh ra văn hóa. Ảnh hưởng vào tốc độ và phương hướng của văn hóa đến từ kết quả của tác dụng tương hằng giữa ý chí con người với hoàn cảnh. Chiếc gậy mang đầu sinh đầu tử trong tay thần Tản Viên, quay trở trong vòng càn khôn là hoàn cảnh.
Kể từ khi loài người rời bỏ tự nhiên sử đi vào nhân loại sử thì loài người trở thành một động vật văn hóa, dùng văn hóa để mở đầu lịch sử. Văn hóa đem cho loài người một năng lực mới chiến đấu với hoàn cảnh, văn hóa làm tăng trưởng nhân lực. Trong văn hóa, sự đối lập giữa tâm với vật đã mất hết ý nghĩa. Từ hòn đá mài dùng như một khí cụ đến quả bom nguyên tử chẳng có vật nào khả dĩ phân biệt đâu là tinh thần đâu là vật chất. Do hoàn cảnh khác biệt, văn hóa khác biệt. Những nền văn hóa ấy tiếp xúc với nhau mà thành ra hiện tượng văn hóa giao lưu. Lịch sử thông qua văn hóa mà biến động.
Vận hành lịch sử không đi theo một vệt thẳng và cũng không có giai đoạn nhất định. Chỉ những nhân tố lợi và những nhân tố bất lợi làm cho lịch sử tăng hay giảm, thừa hay trừ. Tình thế trước sau, hoàn cảnh trong ngoài có thể ảnh hưởng đến sự sáng sủa hay đen tối của lịch sử.
Nếu văn hóa tích súc, nội bộ đoàn kết tất quốc lực mạnh, xã hội tiến bộ. Nếu tự mãn cô lập tất quốc lực bạc nhược, xã hội trì trệ. Tính theo thế lớn thì lịch sử là kết quả tối hậu của quá trình tiêu diệt và lớn lên của các lực lượng, hiện lên qua một sự thế nhất định. Tuy nhiên, nhân lực hay ý chí một dân tộc kể cả một sức cá nhân chẳng phải vì vậy mà mất hết địa vị. Ngược lại là khác.
Lịch sử còn có một vấn đề nữa: cá nhân với xã hội ai trọng yếu hơn? Anh hùng với thời thế ai làm chủ thể?
Đấy là vấn đề quả trứng với con gà, đặt trong quá trình liên tỏa phản ứng. Một xã hội giả thử không có những kẻ sĩ biết sớm, biết rộng đương nhiên văn hóa sẽ không tiến bộ, tuy nhiên, kẻ sĩ ấy dù là người tiền phong chăng nữa thì cũng không thể không là là con đẻ của một hoàn cảnh văn hóa nào đó, nếu kẻ sĩ ấy nổi lên, cô lập thiếu hậu viện sẽ bị bóp chết ngay (trường hợp Nguyễn Trường Tộ đời Tự Đức). Vậy muốn thành việc chuyển động lịch sử cần phải có cả một đội ngũ trí thức. Cho nên khả dĩ nói được rằng phần tử trí thức chính là động lực cho tiến bộ lịch sử. Phần tử trí thức là những người ngôn ngữ Việt xã hội cũ thường nhắc đến: thánh hiền, nhà nho, văn nhân học sĩ, cụ đồ nho, thầy khóa, ông cử ông tú, nói chung là những người đọc sách.
Vì văn hóa tăng trưởng sức mạnh nhân loại nên trí thức tức là quyền lực. Phần tử trí thức nắm quyền lực ấy. Người Việt quan niệm phần tử trí thức phải đảm nhiệm việc sáng tạo văn hóa, giáo dục nhân dân và duy trì đạo nghĩa. Ở vào đời suy vi, sa đọa thì tìm cách cổ vũ lương tâm, ở vào thời loạn vong thì tìm cách bảo vệ ngọn lửa văn hóa.
Phong trần lặn lội xót hoa hường
Tìm người đồng tình dạ vấn vương
Buồn theo gió đông gửi bốn phương
Lân ẩn trong nội
Phượng ẩn trong ngàn
Rồng ẩn trong ao
Lều gianh cỏ rậm vùi anh hào
Tìm người đồng chí dạ khát khao
Trông theo cánh buồm hỏi mây sao
Mấy câu thơ trên là hình ảnh cô quạnh của người trí thức cách mạng Việt thời Pháp.
*
Theo những nghiên cứu của sử gia Arnorld Toynbee viết trong “A study of History” và “Civilization on Trial” thì văn minh thế giới tự cổ đại tới giờ có chừng 19 tôn phái, nhưng đã nhiều tôn phái suy vong, nay chỉ còn sống được 5:
a) Văn hóa Trung Quốc
b) Văn hóa Ấn Độ
c) Văn hóa Hồi Giáo
d) Văn hóa Slave (Nga)
e) Văn hóa tây phươong
Đời sống văn hóa Việt chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung Quốc. Bởi vậy khi đề cập đến phần tử trí thức tất không thể không có một nghiên cứu đối chiếu Trung Quốc và Việt Nam. Phần tử trí thức Việt trải mấy ngàn năm lịch sử cũng có những đặc điểm chung với phần tử trí thức Trung Quốc nếu mang so sánh với phần tử trí thức của các quốc gia khác, những đặc điểm chung đó do Nho đạo mà ra.
Những đặc điểm ấy là:
1) Lấy tinh thần nhân văn làm hạch tâm lãnh đạo giải phóng khỏi kìm hãm tôn giáo rất sớm cho nên phần tử trí thức không là những giáo sĩ tu sĩ, kiểu Hồi giáo, Gia Tô giáo hay Rabbis của Do thái giáo hay Bà La Môn của Ấn Độ giáo.
2) Đối tượng trí thức tập trung vào hiện thực nhân sinh trên các mặt xã hội, chính trị, giáo dục, văn nghệ.
3) Thiếu hẳn khuynh hướng tìm biết về tự nhiên khoa học.
4) Không có cái say mê cuồng tín của tôn giáo tính.
5) Khác hẳn với phần tử trí thức Hy-La, đa số là nô lệ chủ, phần tử trí thức Nho là đại biểu của bình dân đem trí lực ra để chống với vũ lực và kim tiền lực.
Người trí thức đạo Nho tuân theo truyền thống xem chính trị là con đường duy nhất để cho mình phát triển lý tưởng và hoài bão đối với xã hội nhân sinh.
Vũ trụ chức phận nội
Đấng trượng phu một túi kinh luân
Thượng vi đức hạ vi dân
Nên nỗi phải xuất thân mà gánh vác
Có sự nghiệp đứng cùng trời đất
Không công danh nát với cỏ cây
Trí tang bồng hồ thỉ dạ nào khuấy
Phải tùy thế mà ra tay kinh tế
Người đời thế trả nợ đời là thế
Của đồng lân thiên hạ của chung
Hơn nhau hai chữ anh hùng
(Nguyễn Công Trứ)
Khổng Tử chỉ về giảng học viết sách khi thấy mình đã về già, cũng như cụ Phan Bội Châu than thở: “lập thân tối hạ thị văn chương”. Tuy nhiên, không ai quên cho được chính trị. Vì say mê chính trị, vì chỉ chú trọng đến các vấn đề quốc gia bình trị, kinh tế mãn túc và giáo hóa sương minh nên các loại trí thức khác như thiên văn, y họa, âm nhạc v.v… đều được coi làm một nghệ, một kỹ, thì giờ dư dả mới xem xét đến cho rộng đường kiến thức mà thôi, cho nên đa số trí thức đã không phát triển.
Toàn bộ trí thức Nho đạo “không quên được chính trị” như vậy, tại sao tư tưởng chính trị nho cũng không được đa hình đa dạng, không phồn vinh như tư tưởng chính trị Tây phương hiện đại?
Giáo sư Tiền Mục, một sử gia Trung Quốc viết: “Ấy là tại phần tử trí thức trong lý tưởng của họ không vì chính trị mà làm chính trị, không đem chính trị thoát ly khỏi trung tâm nhân văn”.
Giáo sư Hồ Thu Nguyên viết: “Ấy là tại phong độ nho và hiệp của phần tử trí thức đã tìm mọi cách gạt bỏ cái mặt ác của chính trị mà đẩy mạnh lý tưởng hóa chính trị. Nếu không làm được như thế thì chính trị cũng chỉ là nhất nghệ nhất kỹ mà thôi chứ chẳng hay đẹp gì nữa mà đáng trọng”.
Trong lịch sử đời Trần có vụ sau khi nhà Nguyên thất trận hai lần nên phải chịu hòa hiếu bang giao với nước ta. Vua Nhân Tôn liền sai quan đưa bọn tướng tá tù binh Mông Cổ về Tàu như Tích Lệ, Cơ Ngọc, Phàn Tiếp. Riêng tướng Ô Mã Nhi là tên đã giết hại nhiều người Việt, để rửa hận cho nhân dân Việt nên vua mới dùng mưu của Trần Hưng Đạo đem ra giữa bể rồi sai người đánh đắm thuyền cho chết đuối. Về sau vua Dực Tôn xem hồ sơ vụ này có phê bốn chữ “Bất nhân phi nghĩa”. Giết kẻ thù tàn ác mà còn bị phê phán là bất nhân phi nghĩa trong khi tư tưởng Machiavelli bên Tây phương nổi bật bằng sự ca tụng các việc làm thật tàn nhẫn của César Borgia.
Học trò ông Khổng Tử có lắm người tài giỏi: Tử Lộ giỏi dùng binh, Nhiêm Cầu giỏi tài chính, Công Tây Hoa giỏi ngoại giao, thế nhưng Khổng Tử lại chịu nhất Nhan Hồi lẵng cơm bầu nước ôm ấp lý tưởng cửu đức: khoan nhi túc, như nhi lập, nguyện nhi cung, loạn nhi kính, nhiễu nhi nghị, trực nhi ôn, giản nhi liêm, cường nhi nghĩa.
Không vì chính trị mà làm chính trị, chính là vì dân, vì lý tưởng của toàn thể nhân văn mà làm chính trị cho nên trí thức chuyên tài không được chuộng bao nhiêu. Cổ nhân nhất định không chịu để chính trị thoát ly toàn thể con người, đem chính trị độc lập hóa, như thế ý nghĩa nguyên hữu của chính trị sẽ mất đi.
Ở sách Luận Ngữ, Khổng Tử nói: “Hiếu hồ duy hiếu, hữu ư huynh đệ thi ư hữu chính, hề kỳ vi chính” nghĩa là: “Hành động hiếu nghĩa với cha mẹ, thân mật với anh em cũng kể là chính sự, cứ gì phải làm chính trị mới là chính trị?”. Ý bảo rằng sinh hoạt thường ngày trong gia đình chính là sinh hoạt chính trị vậy. Cổ nhân mang chính trị tan hòa với toàn thể đời sống con người. Nếu ai có chuyên ý để đưa mình thành một chính trị gia tức thị người ấy khó thành một chính trị gia theo lý tưởng nho đạo. Lý tưởng ấy nhằm đem thành ý, chính tâm, tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ xâu vào một chuỗi. Hành động với phương châm nội thánh ngoại vương. Nội thánh là thánh ý, chính tâm, tu thân, ngoại vương là trị quốc bình thiên hạ. Thánh đây hoàn toàn chỉ là một nhân cách phổ thông ai cũng có thể thành thánh nhân nếu người ấy có:
- Trách nhiệm tâm tu thân để yên trăm họ (quân tử tu kỷ dĩ an bách tính)
- Tự tôn tâm không lo, không sợ và không lầm lỡ (bất ưu, bất cụ, bất hoặc)
- Phong độ nho gia trang, cung, kiệm, nhượng nhưng rất uy nghiêm, cương nghị.
*
Phần tử trí thức quên không được chính trị nên chính trị sinh mệnh với trí thức phần tử gắn liền với nhau.
Nhìn vào lịch sử Việt, sự quan hệ giữa phần tử trí thức với chính quyền bình thường là hợp tác, nếu mâu thuẫn là biến thái.
Hợp tác tạo thành thịnh trị như đời Lý, đời Trần và đời Lê.
Mâu thuẫn gây thành suy đồi như đời Trịnh, đời Nguyễn (triều Tự Đức).
Khi phần tử trí thức phấn phát hoạt động thì chính trị chuyển động như đời Nguyễn Tây Sơn, Nguyễn Gia Long với Nguyễn Hữu Chỉnh, Ngô Thời Nhiệm, Đặng Trần Thường v.v…
Khi phần tử trí thức tuyệt vọng với thời đại thì chính trị bại vong như lúc phong trào Cần vương thất bại, đô hộ thực dân được củng cố.
Cho đến lúc phần tử trí thức sau thời gian mai danh ẩn tích, sự nghiệp rèn luyện giáo hóa thành thì chính trị phục hưng.
Nếu phần tử trí thức hèn hạ từ bỏ tự tôn tâm trách nhiệm trở nên hư nhược và tì ô thì chính trị nô lệ.
Ở chính trị Việt, sĩ khí với dân tâm quan trọng ngang nhau. Sĩ khí một khi đã trụy lạc thì tài trí cũng tiêu ma.
Muốn cho xã hội băng hoại không gì bằng tiêu tự tôn tâm của phần tử trí thức, muốn cho quốc gia diệt vong thì hãy chinh phục văn hóa của quốc gia đó rồi thay vào đó một đội ngũ trí thức bán nước. Vào cuối thế kỷ 19 sang đầu thế kỷ 20, đế quốc luôn luôn áp dụng chính sách trên. Hình ảnh này đã được tác giả Nam Xương tả trong vở kịch “Ông Tây An Nam”.
Vở kịch kể chuyện: “Cửu ông cho con đi Pháp học, mới đỗ cử nhân trở về nước. Cửu ông bảo vợ đi đón. Cử Lân đã quên hết tiếng mẹ đẻ phải dùng thông ngôn, đã nhờ cảnh sát bỏ bót mẹ vì cái con mụ đàn bà bản xứ bẩn thỉu này cứ theo nó lẽo đẽo để ăn cắp. Hai ông bà rất khổ tâm về cái ngây ngô mất gốc của thằng con. Bị lạc lỏng, cử Lân đâm hối tiếc việc trở về An Nam của mình và nó nhất định về Pháp để làm cái luận án tiến sĩ về những thủ tục của dân An Nam thấp hèn, rồi sẽ ở hẳn bên đó”.
Xin trích dẫn một đoạn:
Cử Lân : C’est ici ma maison?
Cửu ông : Ấy kìa con, con đã về, con đã về!
Cử Lân : (cau mặt) Quel est ce vieux fou là?
Cửu ông : Thầy ra đón con không được, thật là bất đắc dĩ. Nhưng mẹ con đâu? Mẹ con ra đón con đó mà.
Cử Lân : Que signifie?
Cửu ông : Vậy con ngồi xuống, xuống đây.
Cử Lân : Veut-il par hasard me manger?
Khiếu (thông ngôn) : Me xừ lúy điếc papa me xừ.
Cử Lân : Mon père? Oh hơ hơ!
Khiếu : Có thật cụ là bố quan cử tôi không?
Cửu ông : Chao ôi, con quên thầy rồi hay sao? Hồi con đi Tây, thầy đưa con xuống tận Hải Phòng đấy mà. Tháng tháng thầy vẫn gởi tiền cho con ăn học đấy mà.
Cử Lân : (hơi nhận ra) Possible (rồi ôm lấy Cửu ông mà hôn) Excuse-moi papa, je ne t’avais pas reconnu.
Khiếu : Quan tôi xin lỗi cụ vì trước không nhận ra.
Cửu ông : (cũng bá chặt lấy cổ Cử Lân và ấn xuống ghế bảo ngồi). Con đi lâu về thường quên thật. Thôi thầy chả bắt lỗi con đâu.
Cử Lân : (sẽ đẩy ông Cửu ra). Oh pouf! Il m’étouffe avec son odeur indigène. Dis-lui de ne plus recommencer, je te prie (cầm mùi soa phe phẩy trước mũi).
Khiếu : Cụ ạ, cụ làm quan tôi suýt chết ngạt về cái mùi bản xứ của cụ. Bận sau chớ thế nữa nhé.
Cửu ông : (ngạc nhiên) Con nói thế ấy ư con (rồi ngoảnh lại nhìn Khiếu). Hay là mày nói láo?
Khiếu : À cái nhà ông cụ này cho tôi là ai?
Cử Lân : Qu’est-ce?
Khiếu : Moa lúy điếc moa anh tê dét me xừ moa ba bồi lúy (ngoảnh lại Cửu ông nói) Tôi chẳng gì cũng là thông ngôn cho quan Cử.
Cửu ông : Thì mày cũng là đày tớ con tao chứ gì?
Khiếu : Đày tớ con cụ chớ đày tớ cụ à? San vi ơ.
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
Trí thức nô lệ kiểu “Ông Tây An Nam” qua kinh nghiệm sử Việt chỉ có thể xóa bỏ đi bằng một phong trào thư sinh hào kiệt khi loạn thế, đã tạo cơ hội cho anh hùng khai quốc, chỉ có thể ngăn chặn bằng đấu tranh thường trực của phần tử trí thức yêu nước chưa bị đế quốc tiêu diệt bằng vũ lực hay bằng dụ dỗ hay bằng văn hóa.
*
Theo truyền thống, phần tử trí thức Việt là đại biểu của quần chúng bình dân. Họ có nhiệm vụ phải đem lý trí tự giác của họ phổ biến hóa vào đại chúng. Công năng trí thức biểu hiện trên thân phần tử trí thức, nhưng mục tiêu tối hậu và đối tượng của trí thức là đại chúng.
Nhà Nho có câu: “Môn sắt đàm chính” nghĩa là vừa bắt rận vừa nói chuyện lớn trong thiên hạ. Xin chớ đứng trên quan điểm “vệ sinh” kiểu “Ông Tây An Nam” mà phê phán câu này vì nó thực là một hình ảnh đẹp của người trí thức đại chúng hóa chứ chẳng phải vấn đề sạch hay dơ, nó cũng là con đường cứu nước quen thuộc mỗi khi dân tộc ta rơi vào tay thống trị ngoại bang, con đường đi đến đồng ruộg ngun ngút với đông đảo nông dân, nó cũng là nơi dụng võ của anh hùng mỗi lần quốc biến.
Em khôn em ở trong hồ
Chị dại chị ở kinh đô chị về
Kinh đô thì mặc kinh đô
Chị đi chỗ ấy thì đồ chị tan
Câu ca dao trên nói lên tình cảnh khôn dại của kinh đô với “trong hồ” khi nước ta bị đặt dưới đô hộ nhà Minh, cuộc sống kinh đô phè phỡn thật đấy nhưng nhục nhã ê chề.
Trên phương pháp, đành rằng phần tử trí thức thường phải từ thượng tầng chính trị để ảnh hưởng xuống hạ tầng xã hội, có thế hiệu quả mới dồi dào. Nhưng có nhiều thời kỳ phần tử trí thức mong theo khoa cử tới với lợi lộc mà quên hẳn trách nhiệm đại chúng hóa. Những thời kỳ ấy thảy đều là những thời kỳ chính trị đen tối, như hồi Trịnh làm chúa ở xứ Bắc và triều đại Tự Đức gây thành xung đột đối kháng giữa phái khoa cử lợi lộc với phái đọc sách giảng học sống cùng đại chúng. Điển hình là vụ Cao Bá Quát chống nhóm thi xã của Tùng Thiện Vương - Tuy Lý Vương đẩy bọn giả sĩ sang một bên, tự mình trương cờ lập trận tuyến cho bọn chân sĩ. Ở những cuộc xung đột này, bọn giả sĩ lúc nào cũng dùng đủ mọi thủ đoạn để đoạt thắng lợi, còn nhóm chân sĩ chỉ có tấm lòng cao thượng gây dựng lực lượng tại hạ tầng xã hội.
Cao Bá Quát uất hận về sự hủ bại của triều đình và cảnh lầm than cơ khổ của dân chúng, ông liền cùng Lê Duy Cự mưu khởi nghĩa, khôi phục Lê triều đánh đổ một chế độ thối nát. Việc không thành, Cao Bá Quát bị bắt và bị kêu án tử hình.
Ngán cho cái mũi vô duyên
Câu thơ thi xã con thuyền Nghệ An
Mùi thối đây chẳng những là thối của văn chương mà còn là mùi thối của cả tập đoàn trí thức khoa cử lợi lộc nữa. Ông Cao Bá Quát đã từng nhiều lần đi thi nhưng vốn là một chân sĩ mong dùng chính tài để suy tấn xã hội, khác hẳn bọn giả sĩ chuyên dựa vào chế độ khoa cử để lẩn vào chính trị mong kiếm tước vị. Vì vậy, Cao Bá Quát không lần nào thi đỗ cả. Ông cũng biết như vậy nên khi học trò tiễn đưa ông vào kinh thi hội, ông có nói mấy lời tạm biệt, những lời đó cho thấy người chân sĩ thời ấy cô đơn nhường nào:
Xa xa từ đất cũ
Thăm thẳm lên đường dài
Ngoài thành trời lành lạnh
Lấm tấm hạt mưa mai
Học trò tiễn ta đi
Bước theo không nỡ rời
Nam nhi mà thế ư
Nước mắt đầm đìa rơi
Nhớ xưa ta đã từng
Đường xa rong ruổi hoài
Chuyến này lại lẽo đẽo
Nào đã chắc hơn ai
Vào đời có văn chương
Thì đem mà góp chơi.
Cổ nhân bảo nước ta là một nước văn hiến chi bang, câu nói thông thường của các nhà sử học là bốn ngàn năm văn hiến. Nếu chỉ chấp nhận ý nghĩa văn hiến để làm biện luận đầu lưỡi thì văn hiến chi bang sẽ dễ trở nên khôi hài trong cái đầu óc nông cạn của bọn tân học. Văn hiến mà cổ nhân nói đây không phân biệt tân cựu, tổ tiên chỉ muốn dạy con cháu rằng sinh mệnh đặt trong tay văn hóa học thuật. Câu đó cũng cho chúng ta một quy luật chính trị lưu cữu cả bốn ngàn năm: sinh mệnh lực đất nước đặt trong tay phần tử trí thức, đặt trọng trách nhiệm tâm và tự tôn tâm của phần tử trí thức. Đấu tranh của trí thức làm chính trị phục hưng, trí thức đi xuống làm chính trị trì trệ, suy vong.
Giáo sư Hồ Thu Nguyên viết: “Cái tội lớn nhất, ác độc nhất của bọn thống trị là tìm cách phá hoại liêm sỉ của người đọc sách, nó còn ghê gớm gấp bội sự phá hoại văn hóa học thuật. Có người hỏi rằng đạo đức và trí thức là hai vấn đề khác hẳn, liêm sỉ với văn hóa đâu có liên quan gì với nhau. Kỳ thực đạo nghĩa là rễ của văn hóa bởi vì nguồn gốc tội ác do nơi vô tri. Người sở dĩ thành người chỉ ở điểm ngoài mình ra còn tưởng nghĩ đến tha nhân, ngoài ngày hôm nay còn biết nghĩ đến ngày mai. Từ đó mới gắng sức dùng trí lực giao cảm cùng nhân quần mà phát triển đức tính và tài trí để sáng tạo văn hóa.
Vô liêm sỉ tức là mất trách nhiệm tâm, mất tự tôn tâm chỉ biết dùng trí để kiếm ăn cho thân, thu trí hẹp vào trong bản năng sinh kế, mọi việc xã hội, giang sơn coi như việc lạ thì chuyện vong quốc làm sao tránh được? Bởi vậy mới nói rằng quốc vận luân lạc trước tiên lỗi ở bọn trí thức hèn hạ, sau đến lỗi ở bọn trí thức vô năng rồi mới đến lỗi ở các nguyên nhân khác”.
Khi quốc gia ở cửa ngõ của loạn vong mà nước không mất là nhờ ở phần tử trí thức đấu tranh chống xâm lược, cự tuyệt hợp tác với thối nát, bồi dưỡng, bảo trì và cổ động sinh cơ của dân tộc xã hội.
Nguyễn Cao, thủ khoa năm Đinh Mão (1867) làm tán lý quân vụ. Khi triều đình ký hòa ước với Pháp, ông bất mãn xin treo ấn từ quan. Năm 1885, vua Hàm Nghi xuất bôn xuống chiếu cần vương, Nguyễn Cao tìm đến khu Bãi Sậy phụ lực với Nguyễn Thiện Thuật chuyên giữ việc huấn luyện du kích thường đánh phá các đồn Pháp. Sau Pháp phải dùng đại binh hợp cùng quân Hoàng Cao Khải và Lê Hoan thắt chặt vòng vây Bãi Sậy. Nguyễn Thiện Thuật phải chạy lên Thái Nguyên vượt biên sang Trung Hoa. Nguyễn Cao về nương náu tại làng Kim Giảng mở trường dạy học. Vốn người đạo đức nên Nguyễn được khắp vùng kính nể. Ngày kia, một nhà nho đến xin đôi câu đối mừng một ông tiến sĩ đang làm quan to, Nguyễn Cao viết cho. Không dè khi ông tiến sĩ kia đọc câu đối, ngờ tác dụng mỉa mai mình bất trung vì đã ra hợp tác với Tây, bèn ngầm báo cho quan trên cho bắt Nguyễn Cao. Khi giải Nguyễn đến trước mặt quan Tây và Nam trong số có Hoàng Cao Khải, Lê Hoan, chúng dụ dỗ Nguyễn Cao ra làm quan. Ông từ chối. Chúng dọa nạt tra tấn. Ông thản nhiên nói: “Tôi đâu có sợ chết, tôi sẽ có cách tự tử khỏi phiền đến ai”.
Nói xong, ông thò tay vào trong áo lấy mảnh sành đã dấu sẵn, mạnh tay khoét rốn, rút ruột ra vứt lên mặt Hoàng Cao Khải mà chửi rủa thậm tệ. Lát sau, miệng Nguyễn Cao trào máu ra, ông đã cắn lưỡi tự tận.
Phan Văn Trị, 20 tuổi đỗ cử nhân nhưng tính khí phóng khoáng không chịu ra làm quan, ở nhà dạy học hốt thuốc độ nhật. Lúc Pháp sang chiếm Gia Định, Phan Văn Trị là người hăng hái cổ động chống Pháp. Đồng thời với Phan Văn Trị có Tôn Thọ Tường hợp tác cùng Pháp muốn lôi cuốn bằng hữu vào một đường với mình, chẳng ngờ các bạn từ đó đều quay mặt đi, ai cũng mỉa là tên bán nước. Tôn bị cô lập lại bị mạt sát dữ dội, tự thấy hối hận và bởi trót mắc vào vòng rồi, mới làm 10 bài thơ chữa cho tội của mình và thanh minh với dư luận. Mười bài thơ ấy khi đem phổ biến ra liền bị Phan Văn Trị họa lại gây thành một cuộc bút chiến sôi nổi.
Kế đấu tranh của phần tử trí thức thường biểu hiện trên bốn phương diện:
- Tại trung ương chính quyền dùng cái chết tuẫn đạo để noi gương trung liệt.
- Rút lui về các địa phương làm công tác giáo hóa bảo vệ quốc gia chính khí.
- Vũ trang chống nhau với giặc.
- Tìm cách phục hưng chủ lực bằng tìm một phương hướng mới cho đấu tranh, trở về cùng dân gian xây dựng phong khí tiến bộ và ái quốc.
*
Giữa triều Minh bên Tàu, có vị danh nho làm bài thơ chất phác sau đây để giáo hóa dân tộc:
Mỗi nhật thanh thần nhất chú hương
Tạ thiên tạ địa tạ tam quang
Đản nguyện xứ xứ điền hòa thục
Hựu nguyện nhân nhân thọ mạnh trường
Quốc hữu hiền thần an xã tắc
Gia vô nghịch tử não già nương
Vạn phương bình tĩnh can qua tức
Ngã túng bần cùng dã bất phương
nghĩa là:
Mỗi buổi sáng sớm thắp một nén hương
Tạ ơn trời đất, tạ ơn tam quang
Cầu nguyện nơi nơi đầy đồng lúa chín
Lại cầu cho mọi người sống thọ trường
Giúp nước có hiền thần an xã tắc
Trong nhà không nghịch tử phiền mẹ cha
Bốn phương yên ổn, lửa chinh chiến tắt
Thì dù tôi nghèo tôi cũng chẳng buồn
Bài thơ đó diễn tả tâm lý thiện lương của sĩ đại phu đương thời. Nhưng đồng thời nó cũng nói lên cái nọa tính của chính trị “nhân nghĩa”. Nọa tính của chính trị “nhân nghĩa” đã khiến cho phần tử trí thức thường ôm chặt lấy lý tưởng chính trị mà không tích cực thỏa hiệp với hiện thực chính trị. Đám sĩ phu Việt dưới triều Nguyễn đã chiêm nhiễm vào trong máu huyết cái nọa tính của chính trị “nhân nghĩa” này. Do đó, họ thiếu hẳn chuyên tài chính trị cần thiết. Hãy nhìn những hoạt động của Phan Thanh Giản và cả triều đình Tự Đức trong việc thương thuyết với Pháp thì thấy rõ.
“Sứ bộ Phan Thanh Giản gồm có Trần Tiễn Thành, Phan Huy Vịnh với hai thông ngôn Trương Vĩnh Ký và Nguyễn Văn Sang cùng 62 tùy viên đem sang cái kiệu lớn sơn son thếp vàng, 4 cái lọng làm tặng phẩm cho hoàng đế Napoléon III và nữ hoàng Isabelle. Vào thời gian này, Pháp đang theo đuổi chiến tranh với Mễ Tây Cơ, một cuộc chiến làm cho Pháp kiệt quệ, nội bộ phản đối lung tung. Phe phản đối chống chính quyền Pháp đã để bị lôi cuốn vào những cuộc chiến tranh tại những nơi quá xa chính quốc. Lẽ đương nhiên Napoléon III bấy giờ rất sợ chiến tranh An Nam bùng nổ. Vua Pháp chưa biết tìm cách gì trấn áp nội bộ thì vừa dịp sứ bộ Phan Thanh Giản tới đặt vấn đề bỏ tiền ra chuộc 3 tỉnh về. Napoléon III liền vin vào vụ chuộc này cho báo chí loan tin sẽ có 100 triệu đồng vàng để lấp lỗ hổng công quỹ này.
Khi đến gặp vua Pháp ở điện Tuileries, triều đình Pháp dựng lên cả một lễ nghi long trọng để đón tiếp. Ông Phan Thanh Giản dâng quốc thư lên. Pháp hoàng bước xuống một bước để tiếp nhận. Rồi Ông Phan Thanh Giản vẻ mặt ủ dột, nước mắt đầm đìa bày tỏ mục đích của sứ bộ ta.
Kết quả, Phan Thanh Giản chuộc được 3 tỉnh nhưng lại dâng cho Pháp quyền cai trị Sài Gòn, Chợ Lớn, Thủ Dầu Một, Vũng Tàu, đảo Côn Lôn. Phan Thanh Giản vừa dâng tiền vừa mất thêm đất. Cả chì lẫn chài đều tiêu ma.
Thuận thiên ứng dân (lời thánh hiền dạy) nay phải chạm trán một loại xâm lược mới của văn minh thương công nghiệp, của khoa học với thủ đoạn tàn nhẫn, vũ khí mới lạ, với phương pháp tổ chức, tương quan chính trị khác hẳn thì sự tai hại của nọa tính do chính trị “nhân nghĩa” hiện lên. Thuận thiên ứng dân không tuyệt đối hiệu lực như trước kia nữa vì bọn cướp nước có thuyền kiên pháo lợi, súng đạn nổ như sấm sét”.
Học thuật, văn hóa và phần tử trí thức dưới thời Tự Đức chúi mũi vào từ chương thi phú bỏ mặc hiện thực xã hội:
Nhai văn nhá chữ buồn ta
Con giun còn biết đâu là cao sâu
Giật mình khi ở xó nhà
Văn chương chữ nghĩa khéo là trò chơi.
(Cao Bá Quát)
Nay thấy người da trắng trong một ngày trời, bằng một số quân ít ỏi, đã hạ của ta năm thành thì hoảng hồn không hiểu ất giáp gì nữa. Cụ Hoàng Giáp Tam Đăng Phạm Văn Nghị có tả tình trạng hỗn loạn ấy trong bài “Phú kể lại giặc Pháp đánh Bắc Kỳ lần đầu”, xin trích một đoạn dưới đây:
“Vua sẵn tính cao
Tôi sum tài lạ
Văn thì ông cử, ông nghè, ông hoàng, ông bảng khoa trước khoa sau
Võ ròng ông quản, ông lĩnh, ông thống, ông đề phẩm kia phẩm nọ.
Có mũ, có xiêm, có cờ, có biển rõ ràng khoa mục phong lưu
Nào phủ, nào việt, nào ủng, nào hia chĩnh chện triều đình danh giá
Gươm bạc tô đầu hổ, dàn trước mặt cũng oai linh
Lọng xanh kéo cổ gà, che trên đầu càng nghiêm nhã
Kẻ ở ngoài phiên ra sức chi gác Tôn Ngô
Người vào trong các bày mưu, mắt không Đổng Giả
Văn võ ấy mà giang sơn ấy, dẫu hùng binh Ô Mã có làm gì
Thành quách này lại giáp binh này, dẫu cường lỗ Hoàng Sào coi chẳng sá
Quái nhỉ Nam Định, Hải Dương, Ninh Bình, Hà Nội thành vàng áo nóng mấy lần
Kìa như tổng đốc, bố chánh, án sát, lãnh binh tiền bổng, gạo lương bao tá
Sao thấy thằng trọc đầu răng trắng, gối run như chứng kinh phong (chỉ bọn cờ đen)
Sao thấy thằng mũi lõ, tóc quăn, mặt xám như hình lôi đả?
Nghe cửa tiền rầm pháo nổ, ngọn cờ theo gió phất xuôi
Mở nẻo hậu cho quân lui, bỏ giáo rơi đường tơi tả…
*
Tiếng súng thần công của Tây đã đẩy phần tử trí thức từ trong đống giấy từ chương chui ra ngoài rồi hoảng nhiên bảo nhau: “Vì chúng ta không có tân học thuật nên không có tân nhân tài mà thành ra không ứng phó được với tân cục diện”. Loại bọn trí thức đem đầu “lạy Tây mà chẳng hổ bảng vàng bia đá” ra bên ngoài không kể, còn lại phần tử trí thức vẫn hoài bão kháng Tây thì một số lớn chủ trương bất hợp tác để vẹn toàn danh tiết:
Khắc khoải sầu đưa giọng lửng lơ
Ấy hồn Thục Đế chết bao giờ
Năm canh máu chảy đêm hè vắng
Sáu khắc hồn tan bóng nguyệt mờ
Có phải tiếc xuân mà đứng gọi
Hay là nhớ nước vẫn nằm mơ
Thâu đêm ròng rã kêu ai đó
Giục khách giang hồ dạ ngẩn ngơ
(Nguyễn Khuyến)
Mợ vẫn bảo vần Tây chẳng khó gì
Cho tiền đi học để chờ thi
Thôi thôi lạy mợ “xanh căng” lạy
Mả tổ tôi không táng bút chì
Một số khác chủ trương tìm học văn minh phương Tây để đánh Tây:
Giang sơn tử hĩ sinh đồ nhuế
Hiền thánh liêu nhiên tụng diệc si
Nguyên trục trường phong Đông hải khứ
Thiên trùng bạch lãng nhất tề phi
(Phan Bội Châu)
nghĩa là:
Non sông mất rồi chỉ là nhơ nhuốc
Sách vở thánh hiền tẻ ngắt đọc chỉ mụ người
Ta muốn đuổi theo gió đi qua biển Đông
Cùng bay nhảy với muôn ngàn sóng bạc.
Ông Phan Châu Trinh làm bài phú “Danh sơn lương ngọc” có những câu:
Nguyên nước ta từ khi dựng nước
Ở vào miền Đông Á một phương
Dưới đến Trần Lý
Trên tự Hồng Bàng
Lòng người thuần phúc
Khí dân quật cường
Đuổi Tô Định ở Lĩnh Biền
Bắt Mã Nhi ở Phú Lương
Vừa vẫy cờ mà Chiêm Thành đã mất nơi hiểm yếu
Mới rung kiếm mà Châu Lạp đã phải mở biên cương
Mạnh thay nước tổ
Dễ ai dám đương
Chỉ vì một phen thất sách
Nên để muôn đời tai ương
Tục chuộng văn chương
Người ham khoa mục
Vế lớn vế nhỏ, suốt tháng dùi mài
Ngũ ngôn thất ngôn, quanh năm lăn lóc
Ngóng hơi thở của quan trường để làm văn sách
Chích có thể cho là phải, Thuấn có thể cho là trái
Nhặt cặn bã của Trung Quốc để làm phú từ, biền thì nhất định phải tứ, ngẫu thì nhất định phải lục
Nhâu nhâu phường danh lợi chợ Tề đánh cắp vàng
Lơ thơ kẻ hiền tài, sân Sở buồn dâng ngọc
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
*
Văn hóa là gì?
Hãy để ra ngoài những giá trị và ý nghĩa trừu tượng, giản đơn ta có thể trả lời như sau: “Văn hóa là tổng hòa tất cả những sáng tạo trong trường kỳ lịch sử và sinh hoạt của một dân tộc. Giản đơn hơn nữa để mà giảng thì văn hóa là một thủ đoạn để tranh sống”.
Bởi vậy cho nên ngày nào văn hóa không mãn túc nổi yêu cầu căn bản là tranh sống thì văn hóa đó cần được cải biến nhằm thích ứng với hoàn cảnh mới.
Hãy đọc lại những ý của ông Phan Chu Trinh:
Trần Lý Hồng Bàng khí dân quật cường; đuổi Tô Định, bắt Mã Nhi, vẫy cờ chinh phục Chiêm Thành vung kiếm mở cõi biên cương, nói lúc văn hóa Việt đang thời rạng rỡ. Rồi chỉ vì một phen thất sách nên để muôn đời tai ương, nói thời kỳ nọa tính tạo thành khuyết hãm của văn hóa Việt khi chạm trán với Tây phương.
Nguyên nhân của một cuộc thất sách là tục chuộng văn chương người ham khoa mục do chính sách thư lại từ đời Gia Long lưu lại. Vì khổ nhục với Quang Trung nhiều phen nên Nguyễn Gia Long rất thù ghét những bộ óc sáng tạo và chính sách khai phóng rực rỡ của văn hóa đầy cách mạng dưới triều đại Nguyễn Tây Sơn để thay vào đấy một bộ máy thư lại chặt chẽ bảo thủ. Do đó, Nguyễn Gia Long tuy là người rất sớm có những liên hệ mật thiết với Tây phương nhưng lại là người không học hỏi được gì ở văn hóa của văn hóa Tây phương mặc dầu ông đã cho hoàng tử Cảng sang Pháp, mặc dầu bên cạnh ông có những người Pháp giữ việc huấn luyện quân sự, làm tàu, đúc súng cho ông. Rút cục cái chuyện “nhờ Tây” của ông thành ra một đại tội với lịch sử cõng rắn cắn gà nhà sau này. Bọn Pháp mà đặt ông làm quan tại triều đã trở thành con ngựa thành Troie (Cheval de Troie nghĩa là tổ nội phản) của việc đánh chiếm nước Việt Nam.
Khi Gia Long chết đi, vua Minh Mệnh có một đôi lần nói với triều thần về chính sách văn hóa thư lại rằng: “Lâu nay khoa cử làm cho người ta sai lầm. Trẫm nghĩ văn chương vốn không có qui củ nhất định mà nay những văn cử nghiệp chỉ câu nệ cái hủ sáo khoe khoang lẫn nhau, biệt lập mỗi nhà một lối, nhân phẩm cao hay thấp do tự đó, khoa tràng lấy hay bỏ cũng do tự đó. Học như thế thì trách nào mà nhân tài chẳng mỗi ngày mỗi kém đi. Song tập tục đã quen rồi khó đổi ngay được, về sau nên dần dần đổi lại”.
Nói bỏ đấy nhưng vì chính trị thư lại đã ăn sâu bén rễ chắc quá lắm rồi khó lòng nhổ bật lên được. Phải chờ đến lúc nước mất nhà tan mới phản tỉnh và trách nhiệm vận động cứu nước lại được trao vào tay phần tử trí thức.
*
Vấn đề dân tộc là vấn đề lịch sử và văn hóa.
Vấn đề lịch sử là vấn đề của dân tộc và văn hóa.
Vấn đề văn hóa là vấn đề của lịch sử và dân tộc.
Chỉ có lịch sử và dân tộc mới tạo thành văn hóa. Chỉ có dân tộc và văn hóa mới tạo thành lịch sử.
Cả ba không tách rời. Trong đó chính trị là bộ môn trọng yếu nhất của văn hóa, dân tộc và của lịch sử. Chính trị vấn đề không giải quyết, lịch sử văn hóa và dân tộc sẽ theo đó đi vào ngõ bí. Như trên đã nói: “Nọa tính của chính trị nhân nghĩa khiến cho phần tử trí thức thường ôm chặt lấy lý tưởng chính trị mà không tích cực thỏa hiệp với thực tiễn chính trị. Đến lúc phải đương đầu với thực tiễn chính trị đám sĩ phu như chim chích lạc vào rừng. Tỉ dụ: trường hợp cụ Phan Bội Châu mắc vào lưới đế quốc, qua Nhật bị Nhật bắt tay với Pháp đuổi đi, sang Tàu bị bọn Long Vân, Đường Kế Nghiêu nhận tiền của Pháp bắt giải về cho Pháp. Tỉ dụ: trường hợp Nguyễn Thái Học khởi nghĩa ở Yên Bái bằng những quả bom ném nổ nhưng không chết người mà sau này một đảng viên Việt Nam Quốc Dân Đảng khai trước tòa án Tây đó là những quả bom “nhân nghĩa”.
Trải qua nhiều thất bại, đám sĩ phu chết dần mòn hoặc đã già không còn sức tiếp tục đấu tranh nữa thì chủ trương học tập Tây để đánh Tây do phần tử trí thức “kinh đô” chuyển dần thành Tây hóa, từ cầu biến để thích ứng đổi sang phủ nhận văn hóa, chế giễu bọn nhà quê Lý Toét, Xã Xệ. Vì thiếu chuyên tài chính trị, nhóm vận động Tây hóa đã lọt bẫy đế quốc bằng việc cắt đoạn sinh mệnh xã hội Việt ra làm hai, tỉnh thị và nông thôn, cành tự lìa bỏ gốc để sống “tháp” vào sinh hoạt luân hãm. Người trong nước bị phân ra hai thế giới, hai hệ thống, hai tâm trạng cách nhau như hai hành tinh. (Les deux systèmes, les mentalités s’écartaient sur place d’une distance interplanétaire- Paul Mus).
Người nông dân dai dẳng chống Pháp để dành quyền làm dân Việt trong khi trí thức phần tử tranh đấu cố bắt chước sao cho giống Tây (Paul Mus).
Bọn thực dân không mong gì hơn, sau vụ nông dân nổi dậy chống thuế ở Trung Kỳ, chúng đã hiểu chúng không thể nào kiểm soát mãi cái lực lượng làng xã mênh mông lũy tre xanh ngắt, khu vực tiềm ẩn của quốc lực Việt.
Jean Chesneaux viết:
“Ce sont les paysans sur qui pèse le plus lourdement l’occupation qui vont prendre l’initiative d’un mouvement d’émancipation. Contre les garnisons chinoises, la résistance s’organise spontanément dans la vieille région de paysannerie pauvre d’òu partiront par la suite bien d’autres mouvements”. (Chính nông dân là áp lực đè nặng lên chế độ chiếm đóng, nó cũng là lực lượng phát động phong trào giải phóng. Để chống quân đội chiếm đóng Tàu, cuộc kháng chiến được tổ chức ở các vùng đồng ruộng nghèo nàn cũ kỹ nơi khởi sự cho cả nhiều phong trào khác nữa).
A. Pazzi viết:
“Có một số trí thức vong bản không hề nhìn thấy giá trị đích thực của dân tộc họ, họ không nhìn thấy sức mạnh chứa đựng nơi vùng đồng ruộng Việt Nam. Nói về xứ sở của họ sẵn có những thành kiến nguy hại, thiên về chỉ trích để chứng tỏ biết nhiều về các nước ngoài, hoặc đã được các nước ngoài giáo dục. Dù nước ngoài ấy là kẻ muốn làm ô nhục nòi giống của họ, họ không có tấm lòng gắn bó thiết tha để nhìn thấy mảnh xương phơi trên núi, giọt mồ hôi tưới trên luống cày của bao nhiêu đời cay đắng gây dựng”.
Truyền thống đấu tranh của văn hóa Việt là văn hóa “hóa”, tìm học người đem hóa làm của mình, chứ không học người để phủ nhận tất cả những gì của mình. Tự chủ và nô tính nằm ở ranh giới đó. Chính trị nhân nghĩa gây ra nọa tính cần trừ khử nhưng dân tộc, tinh thần lại cần phải giữ. Nếu nhận thức chính trị sai, nếu học vấn không được điều khiển bằng trí tuệ thì cuộc đấu tranh cho dân tộc, văn hóa lịch sử sẽ đi vào tử địa.