Một lập trường cỗi gốc, một cương lĩnh
siêu nhiên, một sách lược tất thắng
(Chu Tri Lục)
Vấn đề chính trị là một bộ môn trọng yếu nhất của văn hóa nhân loại. Nếu như chính trị có biện pháp thì mọi vấn đề khác sẽ theo nó mà có biện pháp, nếu như vấn đề chính trị không giải quyết thì xã hội không thể tồn tại.
Tiền Mục
Một người ngoại quốc đến Việt Nam có thể dễ dàng nhận thấy rằng từ ải Nam Quan đến mũi Cà Mau không hề có những kiến trúc vĩ đại chứng tỏ thời đại huy hoàng lịch sử như Vạn Lý trường thành, Angkor Vat v.v… Ngay cả ở những nơi đóng đô ngàn xưa và bây giờ: Phong Khê, Thăng Long, Hoa Lư, Phú Xuân v.v… cũng không thấy dấu tích đền đài, cung điện tráng lệ bao giờ.
Điều này chứng tỏ chính trị Việt trải mấy ngàn năm không có vấn đề ai thống trị ai. Với một bên là tập đoàn thống trị và một bên là quần chúng nhân dân mà triết lý chính trị phương Tây cho là vấn đề then chốt, bởi vì một hoàn cảnh lập quốc, cùng với vị thế địa dư đặc thù, chính trị Việt chỉ có cuộc đấu tranh gốc là hoàn chỉnh. Một quốc gia, một dân tộc trong cái hình ảnh Việt điểu sào nam chi (chim Việt đậu cành Nam) đồng thời tìm mọi cách thoát khỏi vị thế địa dư cùm kẹp.
Đền đài, cung điện tráng lệ để làm gì khi luôn luôn sẵn sàng phải bỏ kinh đô dùng đồng ruộng núi rừng mênh mông để bao vây kẻ xâm lược từ ba bốn phía thường xuyên đe dọa chiếm kinh đô. Chỉ một lần, vua An Dương Vương Thục Phán xây Loa Thành, hào sâu thành rộng nhưng đã bị Triệu Đà dùng kế cho con là Trọng Thủy sang lấy Mỵ Châu rồi ăn cắp nỏ thần và dò địa thế Loa Thành, rồi đem quân sang đánh mà mất nước. Lời Thần Kim Qui còn văng vẳng: “Giặc ngồi sau lưng nhà vua đấy”, đã khải phát cho tư tưởng chính trị Việt đời đời về sau chớ trông cậy vào nỏ thần, thành trì kiên cố, hãy tin tưởng nơi trí tuệ và tình ý của con người, đó mới thật là yếu tố quí báu nhứt để giữ nước. Kẻ hại nước dù vì lầm lỡ, dù là con gái ruột thịt cũng phải chết chém. Nợ nước tuyệt đối cao hơn tình nhà.
Đã không lâu đài tráng lệ, do bóc lột như A Phòng cung với 3000 cung nữ, như Cô Tô đài để tình tự cùng Tây Thi, lại không cả thành cao hào sâu ngăn cách thì làm gì có sự thống trị và bị thống trị. Quan hệ giữa chính quyền với nhân dân thuần túy là quan hệ giữa lãnh đạo với bị lãnh đạo. Đào luyện bằng những kinh nghiệm đau thương của ngàn năm đô hộ, quan hệ lãnh đạo với bị lãnh đạo chẳng còn cơ sở nào khác hơn là phương châm của chị em Trưng Trắc, Trưng Nhị: Nhiễu điều phủ lấy giá gương, hình ảnh khăng khít của những người trong một nước. Trong lịch sử không phải không có những ông vua ác, hoặc hoang dâm vô độ như Lê Long Đĩnh tức Ngọa Triều hoàng đế nhưng đấy chỉ là một cá nhân lầm đường lạc lối lập tức bị chối bỏ ngay, cho nên trị vì được hai năm, Long Đĩnh mất, đình thần tôn Lý Công Uẩn làm vua chấm dứt hẳn sự nghiệp chính trị nhà tiền Lê. Câu vè:
Con vua thì lại làm vua
Con nhà chùa thì lại quét lá đa
là nói về tính chất thế tập trung của chính trị quân chủ cha truyền con nối cốt để tránh những cuộc khủng hoảng lãnh đạo chứ không ngụ ý căm thù “tập đoàn thống trị” hay chống bọn quí tộc vì ở nước Việt đã không còn danh phận quí tộc kể từ ngày công chúa Tiên Dong, con vua Hùng Vương thứ 3 lấy anh chàng đánh dậm Sử Đồng Tử, rồi sau cả hai hóa thành tiên.
Căn bản quan hệ lãnh đạo với bị lãnh đạo của chính trị Việt từng được ghi rõ trong bài hịch của Trần Hưng Đạo bằng mấy câu:
“Lúc hoạn nạn thì cùng nhau sống chết, lúc nhàn hạ thì cùng nhau vui cười…
Dẹp tan được giặc mà lập nên công danh, chẳng những là thái ấp của ta được vững bền mà các ngươi cũng đều được hưởng bổng lộc; chẳng những gia quyến của ta được yên ổn, mà các ngươi cũng đều được vui với vợ con, chẳng những tiên nhân của ta được vẻ vang mà các ngươi cũng đượoc phụng thờ tổ phụ trăm năm vinh hiển, chẳng những là một mình ta được sung sướng mà các ngươi cũng được lưu truyền sử sách thơm tho ngàn đời…”
Và biểu hiện qua lời nói của vua Lý Thái Tôn:
“Trẫm ở cung điện ăn mặc như thế này còn rét, nghĩ những tù phạm giam trong ngục, phải trói buộc, cơm không có mà ăn, áo không có mà mặc, vả lại có người xét hỏi chưa xong, giam lâu ngày chưa rõ, nhỡ rét quá mà chết thì thật là thương lắm.
“Lòng trẫm yên dân cũng như yêu con trẫm vậy hiềm vì những kẻ bách tính ngu dại làm càn phải tội, trẫm lấy làm thương lắm. Từ nay về sau tội gì cũng giảm nhẹ bớt đi” nó được thể hiện bằng một hội nghị Diên Hồng. Vua Nhân Tôn cho triệu cả các bô lão dân gian hội tại Diên Hồng để bàn xem nên cầu hòa hay nên đánh Mông Cổ. Các bô lão đều đồng thanh xin đánh. Vua thấy dân gian một lòng như vậy cũng quyết ý phát động chiến tranh sống chết với giặc”.
Thật là khác hẳn với tình trạng: “Guerre aux chateaux, paix aux cabanes” (Để mặc bọn ở lâu đài chinh chiến, anh em nhà lá cứ sống hòa bình) của Tây phương.
Chẳng phải vì nòi giống Việt đã có một khả năng màu nhiệm nào đó để đi ra ngoài luật tắc chung của chính trị. Mà chính là do những điều kiện thực tế bắt buộc. Chính trị Việt luôn luôn cần sự đùm bọc, nếu không thế, nếu chỉ biết thống trị tất sẽ bị nô lệ hóa ngay trước các lân quốc luôn luôn sẵn sàng tiêu diệt dân tộc Việt.
Mạc Ngọc Liễn dòng họ Mạc Đăng Dung, người cướp ngôi nhà Lê theo phò Mạc Kính Cung chiếm giữ châu Yên Bác ở Lạng Sơn để làm căn cứ địa. Chúa Trịnh sai tướng Hoàng Đình Ái đem binh lên đánh. Mạc Kính Cung và Mạc Ngọc Liễn phải chạy sang Long Châu. Ít lâu sau, Mạc Ngọc Liễn chết có thư để lại dặn Mạc Kính Cung rằng:
“Nay họ Lê lại dấy lên được, ấy là số trời đã định còn dân ta thì có tội gì mà ta nỡ để khổ sở mãi về việc chiến tranh. Vậy ta nên đành phận lánh mình ở nước ngoài, chứ đừng có đem lòng cạnh tranh mà lại mời người Tàu sang làm hại dân mình”.
Ngọc Liễn không đặt vấn đề thống trị của dòng họ Mạc làm trọng mà coi sự đùm bọc giữa những người Việt với nhau làm quyền lợi tối thượng. Khi quan niệm chính trị bằng thống trị thì mới cần chủ quyền vào tay mình nhưng khi đã quan niệm chính trị bằng lãnh đạo thì quyền lãnh đạo ấy dễ dàng nhường cho ai đưa nước đưa dân vào con đường quang minh, dễ dàng lùi bước để tránh một cuộc tương tàn máu mủ ruột thịt tai hại cho sinh mệnh dân tộc.
Để có quyền chính người phương Tây thường lý luận:
“Uy quyền chính trị không tự rơi vào tay ai xứng đáng, phải dành đoạt mà lấy. Kẻ quyết định là kẻ nhiều người sợ nhất hoặc lớn tiếng nhất”. (L’autorité politique ne se mérite pas, elle s’obtient. Le dernier mot appartient à celui qui fait le plus peur on crie le plus fort).
Machiavel nói: “Thành công tạo nên sự xứng đáng” (Le succès fait le mérite). Cho nên khi chọn vị lãnh đạo, họ thường đi theo ai đã đoạt chính quyền hoặc bầu cho ai đã lớn tiếng. Trong lịch sử chính trị Việt, muốn lãnh đạo cần có công to với nước, phải đóng góp cho sự lớn lên của dân tộc. Trong ba điều: lập đức, lập ngôn, lập công thì lập công là hàng đầu. Khơi mở là vụ tể tướng Lữ Gia giết Cù Thị và Ai Vương vì Cù Thị thái hậu âm mưu với sứ thần giống Hán An Quốc Thiếu Quí định đem nước Nam về dâng cho nhà Hán, rồi cùng thái tử Kiến Đức lãnh đạo chống Bắc phương. Một nổi dậy dù nhỏ nhoi như vụ Phùng Hưng đánh phá phủ Đô hộ cũng đủ cho dân lập đền tôn làm Bố Cái đại vương kính thờ bằng cha mẹ. Từ đấy về sau, người lãnh đạo toàn là những anh hùng của những cuộc cách mạng dân tộc phản đế. Cái chuyện cướp chính quyền chỉ để mà thống trị không bao giờ được chấp nhận. Kiều Công Tiễn cướp quyền của Dương Diên Nghệ bị Ngô Quyền vây đánh, Tiễn sang cầu cứu nhà Nam Hán đưa Hoằng Thao về cướp nước đã bị đánh bẹp chỉ với một trận Bạch Đằng. Âm mưu thoán đoạt kiểu Mạc Đăng Dung tất bị dân chán ghét. Theo sử chép:
“Khi vua Lê Chiêu Tôn chết, Mạc Đăng Dung bắt các quan nhà Lê thảo bài chiếu truyền ngôi cho nhà Mạc. Cung Hoàng và bà Hoàng thái hậu bị giết tất cả. Bấy giờ triều thần phần lớn là người khoa bảng đều tỏ ý phẫn nộ, có ông nhổ vào mặt Mạc Đăng Dung, có ông lấy nghiên mực ném vào mặt hay chửi bới kẻ quyền thần bị Mạc Đăng Dung giết chết đi, có ông nhảy xuống sông mà chết, có ông quay đầu về Lam Sơn, nơi khởi nghĩa chống Minh của vua Lê Thái Tổ, lạy rồi rút kiếm tự đâm vào cổ”.
Hành động quay đầu về Lam Sơn nói lên bao nhiêu ý nghĩa: Cái công diệt giặc Minh mấy trăm năm sau vẫn còn đời đời ghi nhớ. Trước đấy, Hồ Quí Ly cũng bị hãm vào cảnh tương tự, dân sở dĩ không theo họ Hồ bởi vì cái công đánh giặc Mông Cổ chưa ai quên được.
Trở về trước xa nữa, khi Đinh chuyển vào tay Lê, sử chép như sau:
“Đinh Tiên Hoàng bị Đỗ Thích ám sát. Đình thần tìm bắt Đỗ Thích làm tội và tôn Đinh Tuệ lên làm vua. Đinh Tuệ mới có 6 tuổi, nhà Tống nghe tin Tiên Hoàng mất, trị quân còn dại, muốn thừa thế sang lấy nước ta mới hội đại binh ở biên giới. Bên ta được tin quân Tàu sắp sang, Thập Đạo tướng quân sai Phạm Cự Lượng đem binh đi chống giữ. Trước khi khởi hành, Phạm Cự Lương họp cả quân sĩ lại ở trong điện rồi nói rằng: “Bây giờ giặc sắp vào cõi mà vua thì còn bé, lấy ai thưởng phạt cho chúng mình. Dẫu mình có hết sức lập công thì rồi có ai biết cho. Chi bằng nay ta tôn Thập Đạo tướng quân lên làm vua rồi ra đánh thì hơn.
“Quân sĩ nghe nói đều hô vạn tuế. Thái hậu thấy quân sĩ thuận cả mới sai lấy áo long cổn mặc vào cho Lê Hoàn. Lê Hoàn lên làm vua giáng Đinh Tuệ xuống làm vệ vương, người đời gọi là phế đế”.
Nếu đem hành động triều thần nhà Lê nhổ nước bọt vào mặt Mạc Đăng Dung đặt bên cạnh bà Thái hậu nhà Đinh đích thân lấy áo long cổn khoác lên vai Lê Hoàn và bằng lòng cho con mình trở thành phế đế thì thấy rõ ngay chính trị Việt không chìm ngập trong tham vọng thống trị như chính trị Tây phương “l’Etat c’est Moi” (Quốc gia là trẫm đây) qua lời vua Louis thập tứ.
Tìm chọn người lãnh đạo, dựa trên ba điểm căn bản:
a) Tôn hiền
b) Thượng công
c) Thân thân
Tôn hiền tức là đem khách quan hóa chính trị, hết sức tự kiềm chế cái tôi muốn rông rỡ của mình dành đoạt những quyền lợi vị kỷ hại cho việc chung, cho tập thể.
Tô Hiến Thành giúp vua Lý Cao Tôn trị nước. Lúc tuổi già bị đau có quan tham tri chính sự là Vũ Tán Đường ngày đêm chầu chực chăm nom. Sắp mất, bà Đỗ thái hậu sang thăm hỏi xem ngày sau ai thay được ông, Tô Hiến Thành tâu rằng có quan Gián Nghị đại phu Trần Trung Tá. Thái hậu ngạc nhiên nói: “Sao không cử Vũ Tán Đường?”.
Ông đáp rằng: “Nếu bệ hạ hỏi người biết chăm nom săn sóc thì tôi xin cử Vũ Tán Đường, nhưng nếu hỏi người giúp nước thì tôi xin cử Trần Trung Tá”.
Thượng công (lấy công nghiệp làm cốt) tức là hiệu xuất hóa chính trị, ai có công nghiệp hữu ích là dân yêu dân theo. Công nghiệp diệt trọn 20 vạn quân Thanh của Bắc Bình vương Quang Trung chẳng những dân nhớ ân đức mà ngay cả Ngọc Hân công chúa, con gái vua Lê Chiêu Thống đã chống luôn phụ thân để đứng về phía chồng. Bài Ai Tư Vãn chính là cái triết lý “thượng công” được diễn tả bằng tình cảm.
Nguyễn Hoàng chống nhau với họ Trịnh, tìm cách xin vào trấn Thuận Hóa mang trong đầu óc sách lược: “Đất Thuận Quảng bên Bắc thì có núi Hoành Sơn, sông Linh Giang, bên Nam thì có núi Hải Vân và núi Bi Sơn thật là một nơi trời cho người anh hùng dụng võ, hãy yêu thương nhân dân, luyện tập quân sĩ để mà gây dựng công nghiệp muôn đời”.
Công nghiệp muôn đời mà Nguyễn Hoàng mong muốn không cốt để trả thù họ Trịnh, công nghiệp ấy là mở mang bờ cõi về phương nam.
Thân thân tức là chính trị được tình vị hóa, đem đại nghĩa để thắng hung tàn, lấy chí nhân mà thay cường bạo. Ông Lê Lợi vừa thái thịt vừa bỏ vào miệng ăn, đấy là một thái độ thân thân, hòa đồng, không tự gán cho mình một thân giá cao. Nếu không có thái độ thân thân như vậy thì làm sao có được Lê Lai chịu chết thay cho chúa?
“Dĩ nhân thuận ngã, dĩ ngã đồng nhân” (Người thuận theo ta, ta hòa đồng với người). Bởi thế nên mới có hình ảnh thân thân đầy tình vị:
“Có lẽ trời muốn trao gánh nặng bắt phải trải qua bách chiết thiên ma cho nên ta cố gắng gan bền, chấp hết cả nhất sinh thập tử. Múa đầu gậy, ngọn cờ phấp phới, ngóng vân nghê bốn cõi đan hồ. Mở tiệc rượu khao quân, chén rượu ngọt ngào, khắp tướng sĩ một lòng phụ tử”.
Tình vị ấy từng tràn dâng trong thơ của người tuổi trẻ cách mạng thời Pháp thuộc khi nhìn về cố quốc:
Cách dòng nước ta là người mất nước
Nước non ta ai ngăn trở ta về
Thấy người quê không tỏ được tình quê
Rõ trước mắt mà tìm đâu cho thấy
Thái Địch
*
Kinh Dịch có câu: “Thiên địa tắng nhi kỳ sự đồng dã, nam nữ tắng nhi kỳ chí thông dã, vạn vật tắng nhi kỳ sự loại dã”, nghĩa là: “Trời với đất khác nhau nhưng việc trời việc đất là một, nam nữ khác phái nhưng nhở ở sự khác đó mà tình chí thông, vạn vật trăm ngàn dị biệt nhưng cùng có một quy luật sống”.
Triết lý chính trị Việt cho rằng: “Thiên hạ chi tạp, nhi bất khả ác, thiên hạ chì động nhi bất khả loạn”, cuộc sống phức tạp mâu thuẫn là lẽ tự nhiên, không thể dùng phương pháp ác độc để tiêu diệt mâu thuẫn và phức tạp, tuy nhiên, thiên hạ có thể động thì được chớ không thể loạn, nếu loạn là phải trừ khử.
Thập nhị sứ quân làm loạn nước cứ đem quân đánh lẫn nhau làm cho dân gian khổ sở. Vạn Thắng Vương Đinh Bộ Lĩnh đánh dẹp mãi mới xong cái loạn sứ quân, thu giang sơn về một mối. Khi lo liệu đến việc chính trị thì còn có nhiều người quen thói lúc loạn không chịu theo luật lệ. Vua phải dùng oai để trừng trị những bọn gian ác, đặt vạc dầu ở trước điện, nuôi hổ báo ở trong vườn rồi hạ lệnh rằng hễ ai phạm tội thì bỏ vạc dầu hay là cho hổ báo ăn thịt. Nhưng lại chính bắt đầu từ đời nhà Đinh, việc phát triển tự trị làng xã đã được củng cố vững chắc, phép vua còn thua lệ làng. Vạc dầu, hổ báo chỉ là những hình phạt đối với tội ác. Vạn Thắng theo Thái Địch có nghĩa là:
- Thắng hơn ngàn năm đô hộ và đồng hóa lập nên một nền tảng của độc lập và tồn chủng.
- Thắng tất cả mọi cuộc thất bại trên đấu tranh cũ lập nên xuất phát điểm của cuộc thắng lợi mai sau bảo vệ nòi giống.
- Thắng tất cả mọi chia rẽ và cắt cứ bên trong, lập nên cuộc thống nhất.
- Thắng tất cả các tính ươn hèn và quị lụy của mặt tầng lập nên thói quen của tranh đấu.
- Thắng tất cả các sự phân hóa trong trận doanh tranh đấu.
Qua sang nhà Lý, đời vua Lý Thái Tôn, sau vụ tranh chấp nối ngôi và tướng Lê Phụng Hiểu định loạn, vua mới lập lệ hàng năm các quan phải đến đền Đồng Cổ làm lễ đọc lời thề rằng:
“Làm con phải hiếu, làm tôi phải trung, ai bất hiếu bất trung xin quỉ thần làm tội”.
Lời thề ở Đồng Cổ đòi hỏi từng người trong tập thể hãy tự xét mình mà hành động, dành tất cả cho đại sự chung. Dập tắt loạn chí nhưng không cần dùng đến sát khí.
Lệ làng vượt phép vua là biểu hiện của một trị thể dĩ đồng nhi dị, chấp thuận những tiểu dị trong trị thể thống nhất, chấp thuận đa luận trong nhất lý (Unity in Variety- Unity in Multiplicity).
*
“Thánh nhân chi đại bảo viết vị”.
Lãnh đạo tất nhiên phải ở ngôi tôn, quyền lực lãnh đạo từ ngôi tôn ấy mà có. Các quốc gia quân chủ Âu Châu, khi vua đăng quang lễ đặt vương miện do vị đại giáo chủ ý rằng quyền lực lãnh đạo do Thượng Đế ban cho. Các quốc gia dân chủ, khi nhiệm chức Tổng Thống tuyên thệ trước một pháp quan ý rằng quyền lực lãnh đạo do nhân dân trao cho. Đại giáo chủ là đại biểu của tín ngưỡng thần quyền. Pháp quan là đại biểu của hiến pháp.
Từ Thượng Đế cho đến nhân dân trao cho, quyền lực lãnh đạo chính trị của Tây phương vẫn mang cùng một tính chất, đem lãnh đạo hoặc hiến cấp Thượng Đế, hoặc hiến cấp hiến pháp nên sinh mệnh người lãnh đạo cũng không thể khách quan hóa. Văn hóa Việt vốn là văn hóa nông nghiệp, bởi thế chính trị Việt đặt trên sự ứng theo tự nhiên.
Lúa chiêm phơ phất đầu bờ
Hễ nghe sấm động phất cờ lúa lên
Chính trị thuận theo yêu cầu tự nhiên của đạo người mà đến, chính trị thuận theo sự đồng nhất của nhân dân mà thành, như cây lúa chiêm chờ sấm động. Quyền vị lãnh đạo là chiếc ghế bỏ trống, dành cho bất cứ ai có khả năng giải quyết nhu cầu của đạo người, dành cho bất cứ ai được lòng người theo về. Quyền lực lãnh đạo hiển phát từ nội tâm tự tính tình, nó cố hữu trong sự tu dưỡng tâm thành và đấu tranh, chứ không dựa vào Thượng Đế hay hiến pháp vốn là công cụ của một quyền lực thống trị.
“Vì họ Hồ chính sự phiền hà, để trong nước nhân dân oán hận. Quân cuồng Minh đã thừa cơ tứ, ngược bọn gian tà còn bán nước cầu vinh. Nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn, vùi con đỏ xuống dưới hầm tai vạ. Chước dối đủ muôn ngàn khóe, ác chứa ngót hai mươi năm. Bại nhân nghĩa nát cả càn khôn, nặng khao liễm vét không sơn trạch. Nào lên rừng đào mỏ, nào xuống biển mò châu, nào hố bẫy hươu đen, nào lưới dò chim sả. Tàn hại cả côn trùng thảo mộc, nheo nhóc thay quan quả điên liên. Kẻ há miệng, đứa nhe răng, máu mỡ bấy no nê chưa chán. Nặng nề về những nỗi phu phen, bắt bớ mất cả nghề canh cửi. Độc ác thay, trúc rừng không ghi hết tội, dơ bẩn thay, nước biển không rửa sạch mùi. Lẽ nào trời đất tha cho ai bảo thần nhân chịu được.
Ta đây.
Núi Lam Sơn khởi nghĩa, chốn hoang dã nương mình. Ngắm non sông căm nỗi thế thù, thề sống chết cùng quân nghịch tặc. Đau lòng nhức óc là mười mấy năng mưa, nếm mật nằm gai há phải một hai sớm tối. Quên ăn vì giận, sách lược suy xét đã tinh, ngẫm trước đến nay lẽ hưng phế đắn đo càng kỹ. Những trằn trọc trong cơn mộng mị, chỉ băn khoăn một nỗi đổ hồi. Vừa khi cờ nghĩa dấy lên, chính lúc quân thù đang mạnh…”
Bình Định Vương Lê Lợi nắm được quyền lãnh đạo vì đã nếm mật nằm gai, đau lòng nhức óc, quên ăn vì giận, ngắm non sông căm nỗi thế thù nên lòng người tin cậy; ông cũng nắm quyền lực lãnh đạo đạo người, quyết diệt những tội ác của giặc Minh.
Đi trước Bình Định Vương trong công cuộc đánh nhau với Minh là Giản Định Đế và Trần Quí Khoách. Nhưng vì phẩm chất của hai ông này thiếu, lòng người chán ghét nên chẳng tạo thành công nghiệp gì.
“Nhân giai khả dĩ vi Nghiêu Thuấn”, ai cũng có thể làm Nghiêu Thuấn, điều cần là phải có phẩm chất và tâm thành đấu tranh, đáp ứng được nhu cầu tự nhiên của đạo người và dành được sự đồng nhất của nhân tâm.
Quyền lực lãnh đạo hiển phát tự nội tâm, tự tính tình, tự sự tu dưỡng tâm thành và tranh đấu nên vua quan Việt thường có một mức tự ngã hạn chế rất cao. Ông Thân Trọng Huề tả hình dáng vua Dục Tôn (Tự Đức) như sau:
“Ngài hình dung như một người nho sĩ, không cao không thấp, trạc người bậc trung không gầy không béo, có một phần hơi gầy một tí. Da không trắng không đen. Mặt hơi dài, cằm hơi nhỏ, trán rộng mà thẳng, mũi cao mà tròn, hai con mắt tinh mà lành.
“Ngài hay chít cái khăn vàng mà nhỏ và mặc áo vàng, khi ngài có tuổi thì hay mặc quần vàng đi giày hài vàng của nội vụ đóng. Ngì không ưa trang sức mà cũng không cho các bà nội cung đeo đồ nữ trang, chỉ cốt lấy sự ăn mặc sạch sẽ làm đẹp. Tính ngài siêng năng, sáng chừng 5 giờ đã thức dậy, chừng 6 giờ ngài đã ra triều, cho nên các quan ở Kinh buổi ấy cũng phải dậy sớm mà đi chầu. Thường thấy các quan thắp đèn ăn cháo để vào triều cho sớm.
“Ngài thường làm việc ở chái Đông điện Cần Chánh, trong chái này lát ván đánh bóng. Gần cửa kính có mấy chiếc chiếu, trên giải một chiếc cạp bằng hàng vàng để một cái yêu với nghiên bút, một chiếc gối dựa chứ không bày bàn ghế chi cả. Cách một khoảng có để một cái đầu hồ với thẻ. Ngài làm việc mỏi thì đứng dậy đánh đầu hồ (?) hay là đi bách bộ. Ngài ngồi làm việc một mình, vài tên thị vệ đứng hầu mài son, thắp thuốc hay là truyền việc khác. Ngài vốn là người hiếu học, đêm nào cũng xem sách đến khuya”.
Vua còn đạm bạc như vậy huống hồ chi là các quan. Thời Tam Quốc bên Tàu, Gia Cát Lượng lúc chết viết sớ kể rõ cảnh nghèo của mình, nói khi ở Long Trung, gia tư chừng mươi mẫu ruộng, nay sau bao năm làm thừa tướng, gia tư cũng vẫn chỉ là mươi mẫu ruộng. Ở Việt Nam, cái nghèo gần như người bạn đeo đẳng các vị đại thần. Nguyễn Trãi làm khai quốc công thần, khi về ẩn thường ăn cơm dưa muối và vài chén rượu nhạt thơ thẩn ngắm cảnh núi Côn Sơn. Nguyễn Công Trứ nhiều lần được cai trị những vùng rộng lớn bờ sôi ruộng mật mà hễ lúc nào bị biếm chức là sống trong sự túng bấn, phe phẩy chiếc quạt lá, cưỡi xe bò đi thăm dân. Đọc sử Trung Quốc, sử Tây phương thường thấy các quyền thần giàu phú gia địch quốc, xa hoa lãng phí, sử Việt chưa xảy ra trường hợp nào tương tự.
Đọc sử Trung Quốc, sử Tây phương thường thấy những người đàn bà yêu quái làm điên đảo quốc gia như Bao Tự, Đát Kỷ, Tây Thi, Vũ Tắc Thiên, Tây Thái hậu, Agrippine, Marie Antoinette v.v… Sử Việt chưa từng có một. Trường hợp Đặng Thị Huệ không đáng kể.
Sử còn chép một câu chuyện lý thú là việc vua Lý Thánh Tôn thân chinh đi đánh Chiêm Thành. Đánh lần đầu không thành công đem quân trở về. Đi đến châu Cự Liên nghe thấy dân đồn đại khen bà Nguyên Phi ở nhà giám quốc, trong nước được yên trị. Thánh Tôn nghĩ bụng: “Người đàn bà trị nước còn được như thế, mà mình đi đánh Chiêm Thành không thành công, thế ra đàn ông hèn lắm à?”. Lại đem quân trở lại đánh bắt được vua Chiêm Thành là Chế Củ. Chế Củ xin dâng ba châu để chuộc tội. Lý Thánh Tôn thu lấy đất và tha cho Chế Củ về.
Tối cao lý tưởng của tính chất chính trị Việt là:
Thứ nhất, đại biểu cho thiện ý chứ không chỉ đại biểu cho thống trị.
Thấy dân đói rét nghĩ mà thương
Vậy phải lên ngôi gỡ mối dường
(Lê Thánh Tôn)
Thứ hai, đại biểu cho quang minh chứ không chỉ đại biểu cho sách lược.
Chiếc thuyền lơ lửng bên sông
Biết đem tâm sự ngỏ cùng ai hay
(Nguyễn Trãi)
Thứ ba, đại biểu cho chân lý, chứ không chỉ đại biểu cho quyền lực.
Có đàn thì mới có ta
Đàn là rất trọng ta là rất khinh
Dù khi sóng gió bất bình
Lợi đàn mà có thiệt mình cũng cam.
(Đông Kinh Nghĩa Thục)
Tây phương, qua Machiavel và Marx, cho sách lược là căn bản của chính trị, những tư tưởng thiên về đạo lý một chút, tỉ dụ: tư tưởng của Platon, của Saint Simon đều bị liệt vào loại không tưởng (Utopie). Tất cả mọi sách vở nào không bàn đến sách lược là đi ngược thời đại.
Tư tưởng chính trị Việt không đổ nghiêng về một phía như vậy. Đạo lý và sách lược là hai mặt của một thể, thể là đạo lý, dụng là sách lược. Không đem cắt rời sách lược ra khỏi đạo lý. Hồ Quí Ly bị quân Minh đánh bại rồi đưa Hồ Hán Thương và bọn liêu thuộc chạy ra bể rồi về Thanh Hóa, vào đến Lỗi Giang gặp quân Minh đuổi đến, quân Hồ không đánh đã tan. Tướng nhà Hồ là Ngụy Thức bảo Quí Ly rằng:
“Nước đã mất, làm vua không để cho người ta bắt được, xin bệ hạ tự đốt mà chết đi còn hơn”.
Quí Ly giận lắm bắt Ngụy Thức chém rồi chạy vào Nghệ An. Rút cục chạy đến sông Kỳ La, giặc Minh chặn bắt được hết.
Quí Ly chỉ biết trông cậy vào thủ đoạn bất cố đạo lý thành thử cái cơ hội chót để Quí Ly thành con người có liêm sỉ cũng mất luôn.
Ông Nguyễn Phi Khanh bị nhà Minh đưa đi đầy, Nguyễn Trãi theo cha khóc lóc đến cửa Nam Quan không chịu trở lại. Ông Phi Khanh quay lại bảo: “Con phải trở về mà lo trả thù cho cha, rửa thẹn cho nước, chứ đi theo ta khóc lóc mà làm gì?”.
Nguyễn Trãi quay về tìm vào giúp Bình Định Vương bày mưu định kế giết thù.
Cái đạo lý hiếu trung của Nguyễn Trãi sẽ chẳng đem kết quả nếu không có mưu kế đem thắng lợi cho cuộc kháng chiến của dân tộc.
Bất cố đạo lý để thành loại chính trị chim mồi kiểu Ngô Tam Quế bênTàu.
Hỡi chim mồi trong lồng
Tịch mịch có thương không
Tháng tháng ăn mấy đấu
Ngày ngày giả mấy công
Ví thung thăng ngoài nội
Đâu phản bội tổ tông
Gáy hót đau hoa lá
Xun xoe chạnh cánh lông
Đem thân người bú mớm
Làm gương lắm kẻ trông.
(Thái Địch)
Vô trí tuệ sách lược là loại chính trị vô dụng như PhanThanh Giản trong sạch, nhưng bất lực trước tình thế đi đến chỗ đầu hàng bọn xâm lăng.
Làm ơn vua đền nợ nước (chỗ này chắc sắp chữ thiếu)
Đành cam gánh nặng ruổi trường xa
Lên ghềnh xuống thác thương con trẻ
Vượt biển trèo non cám phận già
Cũng tưởng một lời an bốn cõi
Nào hay ba tỉnh lại chầu ba
(Phan Thanh Giản)
Câu chót có nghĩa rằng đã mất ba tỉnh miền Đông rồi lại còn mất luôn ba tỉnh miền Tây nữa.
Đạo lý là gì?
Lý là Việt lý của lịch sử nhất thiết được qui định bởi hoàn cảnh đặc thù của dân tộc trên khắp mặt văn hóa, chính trị, kinh tế v.v…
Đạo là con đường phải đi hay một lộ tuyến, một phương pháp để hoàn thành tất cả những gì mà lý đã qui định.
Lý thì bất biến, nhưng đạo khả dĩ biến. Người xưa từng sử dụng đạo Nho, đạo Phật tùy theo điều kiện thực tế để củng cố Việt lý. Con đường nào cũng tốt nếu nó cần thiết cho Việt lý, con đường nào cũng là xấu nếu nó gây họa hại cho Việt lý.
*
Tử Cống hỏi Khổng Tử về chính trị. Khổng Tử đáp:
- Đủ ăn, đủ binh và được dân tin cậy.
Tử Cống nói:
- Nếu phải bỏ đi một điều thì trong ba điều ấy điều nào có thể bỏ được?
Khổng Tử trả lời:
- Bỏ binh.
Tử Cống lại hỏi:
- Nếu còn phải bỏ đi điều nữa trong hai điều còn lại, điều nào có thể bỏ được?
Khổng Tử đáp:
- “Khứ thực, tự cổ nhân giai hữu tử, dân vô tín bất lập”, bỏ ăn, từ xưa ai cũng phải chết, nhưng nếu dân bất tín thì chính trị không đứng vững.
Cái thực tế của chính trị là no đủ (dụng túc). Túc thực, túc binh. Nói rằng có thể bỏ binh bỏ thực là phủ nhận thực tế sao? Cái nghĩa không phải vậy. Bỏ binh đây có nghĩa là chớ đem binh đội biến thành móng vuốt của thống trị. Ca dao ta có câu:
Bộ binh, bộ hộ, bộ hình
Ba bộ đồng đình bóp vú con tôi
Chính trị Việt thiên về văn tự, khi nói đến võ chỉ dùng hai chữ võ công. Võ để chống xâm lược, để thực thi quốc phòng chính sách, không để dùng làm qua nha. Đời Lê, Trịnh vì binh đã biến thành móng vuốt cho chính trị nên loạn lạc triền miên.
Nhà Nguyễn Tây Sơn bắt đầu đi xuống kể từ lúc binh lực đã được dùng làm qua nha cho ba anh em Nhạc, Lữ, Huệ chống lẫn nhau.
Bỏ thực đây có nghĩa là đừng để nước giàu dân nghèo, cốt thừa sức mạnh mà thống trị. Cổ thư bàn rằng: “Lo cho dân no đủ trước đi, khi dân đã no đủ thì vua tất phải dư dụ”. Dân no đủ, vua quan dư dụ, giàu nghèo giữa quyền chính và dân chúng hoặc giữa những giai cấp không chênh lệch nhau quá xa thì chính trị sẽ không rơi vào tình trạng như Saint Just nói: “Dân chỉ có một kẻ thù nguy hiểm đó là chính phủ” (Le peuple n’a qu’un seul ennemi dangereux, c’est son gouvernement).
Trong bức thư trả lời cho Hoàng Cao Khải, ông Phan Đình Phùng viết:
“Nhưng tôi bình tâm nghĩ lại nước ta ngàn trăm năm đến nay, đất không rộng, binh không mạnh, của không giàu, cái chỗ dựa để dựng nước chỉ ở nơi luân thường vua tôi, cha con, đồng bào ruột thịt mà thôi. Xem như mấy triều Hán, Đường, Nguyên, Minh đã bao phen muốn chiếm đất ta lập thành quận huyện mà rút cuộc không thể làm được…
“Gần mười năm nay, những người ứng nghĩa có thể bị trách phạt, có kẻ bị chém giết, thế mà trước sau vẫn không có ai nản lòng thoái chí vẫn xuất của xuất sức đi theo tôi ngày lại thêm nhiều, há phải nhân tình vui thích điều tai họa mà làm như thế đâu, chẳng qua chỉ vì họ có lòng tin tôi đó thôi”.
Ông Phùng đã nói rõ cái nghĩa của dân vô tín bất lập cùng trong bức thư trên, ông viết:
“Thử xem bọn họ (nòi Hán) với chúng ta đất thì liền nhau, sức hơn muôn lần, mà cuối cùng không lấy sức mạnh đè bẹp chúng ta được, điều đó không có gì lạ, chỉ vì sông núi nước Nam ta đã định phân rõ ràng vả lại cái ơn giáo hóa của thi thư thật quả có thể làm chỗ dựa vững chắc cho chúng ta đó vậy”.
Nho đạo đã đem cho người Việt tinh thần: “Bỉ dĩ kỳ phú, ngã dĩ ngô nhân, bỉ dĩ kỳ tước, ngã dĩ ngô nghĩa, ngô hà úy tai” (Nó cậy giàu, ta dùng nhân, nó cậy quyền thế ta dùng nghĩa, ta đâu sợ gì nó).
Vũ, Tắc, Nhan Hồi đồng đạo, dịch địa tắc giai nhiên. Ông vua Vũ trị nạn hồng thủy, ông Hậu Tắc dậy giồng bách cốc đều là những công lớn đối với thiên hạ, còn ông Nhan Hồi chỉ có lẵng cơm bầu nước. Giá trị ba người tuy khác nhau nhưng không có định ai lớn ai nhỏ, ai cao ai thấp, thất bại hay thành công, miễn là cùng mang cái nhân cách thánh hiền. Dân tin cậy nơi nhân cách thánh hiền đó, tin cậy nơi chính nghĩa chứ không tin cậy vào quyền thế, cho nên mới tôn thờ các vị anh hùng thất bại, cho nên thường ưa thích những chính trị gia bình dị cận dân.
*
Chính trị Việt đặt trên chủ nghĩa nhất chí:
a) Nhất chí của quan niệm với sinh mệnh
b) Nhất chí của thời đại với tính cách
c) Nhất chí của đa số với thiểu số, của cao với thấp, của lớn với nhỏ, của lời nói với việc làm.
Thế nào là nhất chí của quan niệm với sinh mệnh?
Trần Hưng Đạo vương bảo quân sĩ:
“Ta đây, ngày thì quên ăn, đêm thì quên ngủ, ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa, chỉ căm tức rằng chưa lột được da thịt của giặc, dẫu thân này ngoài nội cỏ, xác này gói trong da ngựa thì cũng đành lòng”.
Phải đem cả sinh mệnh của mình vào cuộc chiến như vậy thì mới mong bảo người khác hy sinh chống giặc. Nếu chỉ đưa ra một quan niệm kháng chiến cứu nước mà sinh mệnh thì lại đem thả lỏng cho an dật vuốt ve, hỏi làm sao mà có thể hiệu triệu dân gian ứng nghĩa. Muốn lấy về cho giang sơn hai châu Ô, Rí tất phải không ngần ngại trước sự mất mát hòn máu yêu thương là công chú Huyền Trân. Đã biết đau lòng trước cảnh “non sông của ta mà hóa thành bờ cõi của họ” (lời Phan Đình Phùng) thì phải chấp nhận một cuộc sống “khói hương nguội lạnh thân tích tan lìa” (cũng lời họ Phan).
Kinh luân chút nợ chửa yêu tuyền
Nên liệu ba sinh phải báo nguyền
Thiết huyết thiên thu nhiều loạn đảo
Bạch Vân tể tướng mới thần tiên
Như không gặp gỡ ngày Ngô, Thát
Thì đã nhàn du chốn phố viên
Một chiếc hồ lô mươi hoàng quyển
Tiêu dao mây nội hạc chân huyền
(Thái Địch)
Vì nợ kinh luân nên phải đem thân thế mà báo đáp, nguyện ý nhấn sinh mệnh của chính mình vào sắt máu. Ngày Ngô, Thát (đuổi giặc Ngô và Sát Thát) không cho phép người Việt yêu nước được nhàn du phố viên dưới thuyền giữa dòng nước cùng bầu rượu và mươi cuốn sách để tiêu dao nội hạc chân huyền.
- Thế nào là nhất chí của thời đại với tính cách?
Kinh Dịch có câu: “Thánh nhân dĩ thuận động, thiên địa dĩ thuận động”. Mỗi việc làm không đi ngược với thời đại. Tính cách ví như đất, thời đại ví như sấm sét. Lúc sấm động là lúc điện trời chuyển màu mỡ xuống cho đất, đất phải đón ngay lấy cơ hội mà thu hút, ý chỉ việc nắm thời cơ. “Khả dĩ tốc nhi tốc, khả dĩ cửu nhi cửu”, có thể nhanh được thì nhanh, cần phải chậm thì chậm, ý chỉ việc biết thời cơ. Tính cách vẫn y nguyên vững chắc, nhưng thời đại thì xoay chuyển đến vô cùng. Tính cách luôn luôn thích ứng với thời đại hay nói khác đi là phải thời đại hóa tính cách, bám rất chắc vào những điều kiện thực tế khách quan.
Ra đánh quân Thanh, vua Quang Trung lệnh cho quân sĩ ăn Tết Nguyên Đán trước mấy ngày, chuyển quân chớp nhoáng từ Trung ra Bắc mấy ngày và tấn công thật mau nội trong một thời gian rất ngắn đại phá quân địch. Thanh bại rồi, vua Quang Trung sai Ngô Thời Nhiệm thảo thư gửi sang Tàu xin hòa. Ông bảo với Nhiệm: “Nhờ ông dùng lời khéo léo cho khỏi sự đao binh và tranh thủ cho ta mươi năm yên ổn, sau ta sẽ chuyện với chúng”.
Chính trị Việt bao giờ cũng tìm cách giữ cho thường đạo bền bỉ kinh cửu, củng cố thật vững chắc trước đã. Những hành động chớp nhoáng, tốc xuất chính trị đều được tính toán kỹ lưỡng chắc chắn mang lại thực hiện thì mới làm, tuyệt đối không ham tiểu lợi.
- Thế nào là nhất chí của cao với thấp, lớn với nhỏ, đa số với thiểu số, lời nói với việc làm?
Trong “Bình Ngô đại cáo”, câu mở đầu:
Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân!
Nhân nghĩa là cái lý cao minh siêu việt nhưng nếu nó không xuống để kết hợp với thấp là yên dân thì cao minh siêu việt trở nên vô dụng. Ông Kim Định viết:
“Ở những nền văn minh Âu, Ấn triết học được sáng tạo, hoặc do những người quí tộc hoặc do hàng tư tế tăng lữ, là những giới không san sẻ cùng một đối tượng, cùng một mối bận tâm như bàn dân. Người trí thức quí tộc Hy Lạp mải đi tìm ý niệm trừu tượng. Giới tăng lữ Ấn Độ lo cầu đảo kinh sách, còn người dân đâu đâu cũng như nhau lo ăn, lo làm, lo tình ái, lo về những mối giao liên giữa người với người. Vậy mà trong xã hội Việt Nho lại không có trí thức quí tộc chủ trương sống bám trên lưng nô lệ, cũng như không có tư tế biệt lập khỏi dân, chỉ có đối tượng là dân”.
(Trích “Triết lý cái đình”)
Quan niệm thì thật lớn rộng mà hành động thì rất tinh vi, lớn phải nhất chí với nhỏ.
Làm thế nào ngày 25 tháng chạp hãy còn xa địch hàng ngàn dặm mà ngày 5 tháng Giêng đã có thể giao chiến với giặc ở Thăng Long. Vua Quang Trung liền chấp nhận đề nghị của một nông dân dùng cách “ba bị chín quai mười hai con mắt”, quân sĩ thay phiên cáng lẫn nhau để đủ sức vượt đường xa ngày đêm ra Bắc. Giặc Mông Cổ mạnh nhường ấy nhưng đã thua mấy chiếc cọc tre ở sông Bạch Đằng.
Văn hào Đức Goethe nói: “Nghĩ dễ, hành động mới khó, hành động được theo ý nghĩ lại càng khó nữa” (Penser est facile, agir est difficile, agir suivant sa pensée est ce qu’il y a de plus difficile).
Nếu không có những hành động tinh vi thì chắc chắn không thể thực hiện được cái chí viễn đại.
Lê Thái Tổ vua ta thuở ấy
Ngoại mười năm cày cấy cùng nhau
Công trình khai thác bao lâu
Trên cùng với dưới một màu tương thân
Mấy dòng thơ trên là của Mai Lão Bạng, người cách mạng chống Pháp kêu gọi sự đồng tâm. Đó cũng là việc làm thường trực của chính trị Việt từ mấy ngàn năm trước cho sau này và mãi mãi, xóa bỏ đa số với thiểu số lập thành một trận tuyến nhất chí. Ngày nào mà vuông nhiễu đỏ mờ mờ hoen nét rỉ chỉ có biết tranh chấp, không biết đồng tâm là ngày đó quân Minh vào, quân Thanh tới và quân Tây lại.
Gộp cả ba sự nhất trí của cao với thấp, lớn với nhỏ, đa số với thiểu số tạo dựng một chủ nghĩa thực tiễn bền bỉ và linh động cao thấp, lớn nhỏ nhiều ít mỗi loại đều có một nhiệm vụ và đều có chỗ dùng không bỏ điều nào.
Văn với chất nhất chí cho nên chính trị không mị dân, văn hóa không thành tuyên truyền. Lê Lợi vi quân, Nguyễn Trãi vi thần, hàng chữ viết bằng mỡ trên lá cho kiến đục, phải đi đôi với mười năm kháng chiến gian khổ, nếu không thì chỉ là chuyện nói láo.
*
Chính sách trị tài của chính trị Việt như thế nào?
Nhân tài chính trị có thể chia ra làm chín loại:
1) Người hiền, bác học và thanh cao như Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, La Sơn Phu Tử, Nguyễn Thiệp.
2) Pháp gia giỏi trị nước ổn định trật tự như Lý Đạo Thành, Tô Hiến Thành, Lữ Gia, Trần Thủ Độ, Trần Hưng Đạo.
3) Thuyết gia nhiều sách lược mưu kế như Nguyễn Trãi, Đào Duy Từ, Trịnh Kiểm.
4) Tài cán, có đức trị nhân một địa phương như Nguyễn Công Trứ, Phạm Đình Trọng, Lương Đắc Bằng.
5) Mẫn cán thừa hành kỹ lưỡng như Lê Phụng Hiểu, Ngô Văn Sở, Ngô Thời Nhiệm.
6) Quyền trí nhưng kém lòng công chính như Vũ Văn Nhậm, Nguyễn Hữu Chỉnh.
7) Nho gia chỉ có tài truyền lưu sự nghiệp thánh nhân nhưng thiếu tài thi chính như Phùng Khắc Khoan, Lương Thế Vinh, Lê Quí Đôn.
8) Biện thuyết ngoại giao như Mạc Đĩnh Chi, Ngô Nho, Nguyễn Hiền.
9) Đởm lực và tài sức hơn người như Trần Quang Khải, Lý Thường Kiệt, Nguyễn Văn Thành.
“Bình Ngô Đại Cáo” viết:
Tuấn kiệt như sao buổi sớm
Nhân tài như lá mùa thu
Việc bôn tẩu thiếu kẻ đỡ đần, nơi duy ác hiếm người bàn bạc. Đôi phen vùng vẫy đăm đăm con mắt dục đông, mấy thủa đợi chờ luống đằng đẵng cỗ xe hư tả…”
Tìm hiểu hiền tài là vấn đề hàng đầu, tiếp theo sau là dụng, dục, giáo.
Cầu hiền tài không căn cứ vào lòng yêu ghét, dụng không do hỷ nộ, dục không bằng tư trí, giáo không bằng tư tâm. Tất cả đều hoàn toàn khách quan. Cầu hiền với tiêu chuẩn khách quan, dụng tài qua nhu yếu khách quan, giáo bằng đạo lý khách quan, dục bằng tinh thần khách quan. Mỗi thời đại nhân tài thường thịnh thường suy, sự thịnh suy đó lại cũng thường do nhân vật lãnh đạo mà ra. Gặp ông vua thích đá cầu thì tên Cao Cầu làm tể tướng. Gặp ông vua thích chọi dế thì tên họ Trần được làm quan đến bảy đời. Sách cổ có câu: “Vân tòng long, Phong tòng hổ”, mây theo rồng, gió theo hổ. Có rồng là có mây, có hổ là có gió. Có ông vua khai quốc thì mới có đại thần khai quốc. Có vua Lê Lợi mới có Nguyễn Trãi, nếu Lê Lợi không xuất hiện thì Nguyễn Trãi sẽ mãi mãi là một nhà nho nghèo.
Trong quan niệm Việt, nhân tài xuất hiện qua đấu tranh, anh hùng phát động đấu tranh rồi nhân tài xuất hiện.
Vào thời bình, nhân tài được tìm bằng chế độ khảo thí.
Khảo thí bắt đầu từ đời vua Lý Nhân Tôn, khoa trước nhất để lấy người văn học vào làm quan mở vào năm Ất Mão (1075), chọn được mười người, thủ khoa là ông Lê Văn Thịnh sau làm đến chức thái sư. Năm Bính Dần (1086) lại mở khoa thi chọn người văn học vào Hàn Lâm Viện có Mạc Hiển Tích đỗ đầu, được bổ làm Hàn Lâm học sĩ. Qua đời nhà Trần, việc thi cử được đẩy mạnh hơn, đặt ra tam khôi Trạng Nguyên, Bảng Nhãn, Thám Hoa rồi thi hương, thi hội, thi đình.
Chính quyền khai phóng cho hết thảy mọi tầng lớp, hễ có học có thi là có thể tham gia quốc sự.
Nguyễn Hữu Cầu nổi loạn, vua sai Phạm Đình Trọng đi tiễu trừ. Hai bên dàn trận thế. Một hôm Nguyễn Hữu Cầu sai người cầm tờ giấy tới trại quân Phạm Đình Trọng bên trong có viết mấy chữ: “Ngọc Tàng nhất điểm xuất vi chúa nhập vi vương” nghĩa là chữ ngọc dấu đi một nét chấm, thò lên thì là chữ chúa, thụt xuống thành chữ vương, ý nói chí của mình muốn làm vua chúa.
Phạm Đình Trọng đáp luôn vào tờ giấy đó như sau: “Thổ triệt bán hoành, thuận giả thượng nghịch giả hạ”, nghĩa là chữ thổ cắt bỏ đi nửa nét ngang để nguyên thì thành chữ thượng, lộn ngược xuống ra chữ hạ, ý nói kẻ phản nghịch bao giờ cũng ở thế thấp.
Câu chuyện Nguyễn Hữu Cầu, Phạm Đình Trọng là điển hình cho cuộc tranh chấp chính quyền và kẻ chống đối chính quyền, hay nói một cách khác là cách mạng. Ngoại trừ những biến động do những cuộc khởi nghĩa chống xâm lược là cách mạng giải phóng dân tộc, sử Việt còn xảy ra rất nhiều vụ nổi lên chống chính quyền tương tự vụ Nguyễn Hữu Cầu, nhưng tất cả đều đã không giống như một cuộc cách mạng từng xảy ra ở bên Trung Quốc, kiểu giặc khăn vàng đời Tam Quốc, Hoàng Sáo, An Lộc Sơn, Thái Bình Thiên Quốc, Lý Tự Thành v.v… ấy là chưa đem ví với những cuộc cách mạng lớn lao hơn như cách mạng Pháp, cách mạng Nga. Tại sao vậy? Tại vì ở sử Việt chính trị không nặng về thống trị nên chỉ có những phản kháng mà không có cách mạng. Thêm nữa, vấn đề quốc phòng bao giờ cũng đặt lên trên hết, cho nên cách mạng không được hưởng ứng vì lẽ rối loạn nội bộ bao giờ cũng là miếng mồi ngon nhử xâm lược tới. Hầu hết những biến động chính trị nội bộ đđều do những cuộc đảo chính trong triều đình (Palace revolution). Tỉ dụ: Từ Lý sang Trần so Trần Thủ Độ lật Lý Huệ Tôn- từ Trần sang Hồ do Hồ Quí Ly giết vua Thuận Tôn- từ Lê sang Mạc do Mạc Đăng Dung đem quân giết vua Chiêu Tôn.
Những vụ phản kháng nổi dậy thường xảy đến khi nào vua quan đi ngược lại truyền thống chính trị, biến chính trị thành một tổ chức thống trị để hà hiếp và bóc lột hay dùng nó để thỏa mãn ác tính.
Tỉ dụ: Vua Uy Mục đời Lê thường làm điều bạo ngược đêm đêm cùng với cung nhân uống rượu đến khi say sai người mang giết đi. Sứ Tàu gọi Uy Mục là Quỉ vương. Các quan trong triều liền mưu với người tôn thất là Giản Tu Công giết vua Uy Mục.
Vua Tương Dực đời Lê tính hay chơi bời, sai người thợ tên Vũ Như Tô làm một cái điện một trăm nóc và xây Cửu trùng đài bắt quan dân làm cả mấy năm trời không xong, thật là hao tổn tiền của, chết hại nhiều người. Sứ Tàu gọi Tương Dực là Chư vương vì ông có tướng như con heo. Ít lâu sau quần thần lập kế giết chết Tương Dực. Cả hai đời vua Uy Mục và Tương Dực đều giặc giã như ong, tạo thành áp lực lật đổ hôn quân.
Dưới thời vua Tự Đức có nhà thơ Cao Chu Thần Bá Quát làm hai câu thơ:
Bình Dương Bồ Bản vô Nghiêu Thuấn
Mục Dã Minh Điều hữu Vũ Thang
Ý rằng: nếu ở Bình Dương Bồ Bản mà không có những vị vua anh minh như vua Nghiêu vua Thuấn thì nơi Mục Dã Minh Điều sẽ có vua Thang vua Vũ.
Hai câu ấy giặc Châu Chấu lấy làm khẩu hiệu dấy loạn. Kết quả giặc Châu Chấu đã đem lý tưởng cách mạng của Cao Chu Thần mà lưu khấu hóa cho nên chẳng ai hưởng ứng cả, khiến Cao Chu Thần bị bắt đưa lên đoạn đầu đài với tội danh làm giặc.
Người Việt không ghét ai vì nước là làm giặc bao giờ, có câu cách ngôn: “Được làm vua, thua làm giặc” chứng tỏ cách mạng thường năm trong máu huyết người Việt. Nhưng do hoàn cảnh thực tế của chính trị nên cách mạng Việt phải mang một sắc thái riêng biệt đó thôi. Con người làm giặc như Nguyễn Hữu Cầu mang cái phong độ của một tay cách mạng thật đáng cho dân yêu mến.
*
Nền tự chủ của nước Việt gắn liền với công cuộc thống nhất. Không thống nhất không tự chủ. Mất thống nhất mất tự chủ.
Từ Hồng Bàng đến Trưng Vương là thời kỳ cự tuyệt nòi Hán.
Thời họ Khúc là thời kỳ dung hòa.
Thời phản tỉnh là đời Ngô Vương với chế độ tự trị vương và 12 sứ quân.
Thời thống nhất tự chủ là đời nhà Đinh.
Vào những năm 968-980 khi mà các nước phương Tây hãy còn ở trong tình trạng phân cắt rất vụn, thì Vạn Thắng Vương đẽ thiết lập xong một chính phủ trung ương với những cơ cấu hành chánh thật vững chắc đi đôi với chính sách hương thôn tự trị.
Từ đó, vấn đề thống nhất trở nên cái gốc của tự chủ. Qua phân hay chia rẽ cũng nguy hiểm như bị xâm lược. Xâm lược tới sẽ tìm cách để qua phân chia rẽ; tự qua phân chia rẽ có nghĩa là kêu gọi xâm lược tới.
Thời vua Quang Trung Nguyễn Huệ là thời kỳ thống nhất Nam Bắc. Trải qua bao nhiêu năm Trịnh Nguyễn phân tranh chia đôi đất nước, may nhờ phương Bắc cùng thời bị bộ tộc Mãn Châu tràn xuống chiếm cứ nên ta không bị đô hộ. Lúc nhà Thanh khỏe rồi có ý dòm dỏ phương Nam thì anh em Tây Sơn đã đánh bại chính trị thối nát của Nguyễn Mạt và quyền thần Trương Thúc Loan, rồi đem quân ra Bắc diệt họ Trịnh đuổi xâm lược Thanh mà thu giang sơn về một mối. Nguyễn Gia Long được thừa kế công cuộc thống nhất này, hoàn chỉnh một sinh mệnh chính trị mới chạy suốt từ ải Nam Quan đến mũi Cà Mau, đều là bờ cõi nước Việt bất khả phân ly.
Phan Thanh Giản để cho thực dân cắt đất Nam Kỳ làm bàn đạp xâm lược Trung, Bắc biết tội mình lớn đến thế nào nên tự xử uống thuốc độc chết.
Nguyễn Văn Thinh, thủ tướng chính phủ Nam Kỳ tự trị khi hay tin người Pháp chấp nhận đòi hỏi thống nhất của Bảo Đại, hoang mang trước sự bỏ rơi tàn nhẫn của đế quốc, tủi hổ với hành động mãi quốc cầu vinh, bị dư luận lên án, nên đã bắn vào đầu tự tử.
Thẹn những đứa cân đai mang xóng xả
Chí đội trời đạp đất đã bù nhìn
Chạy trước hươu, gớm lũ chó săn nền
Chi trách được Cù tâm dạ Hán
*
Mấy ngàn năm truyền thống, trên chính trị người Việt có rất nhiều kinh nghiệm quí báu, những kinh nghiệm ấy đều có hai mặt lợi và hại, đại lược phê phán như dưới đây:
Thứ nhất: Chính trị luôn luôn xu hướng bình đẳng hóa khắp các giai tầng xã hội, với chính sách tiết chế tư bản, phế trừ đặc quyền, không kể những thời kỳ bị đô hộ, ngoại nhân dùng chính sách đặc quyền kể từ nhà Đinh mà đi, xã hội Việt thật là một xã hội bình đẳng, nếp sống không có sự chênh lệch nhau quá xa. Ai ai trên vấn đề ẩm thực cũng đặt trên căn bản: thịt cá là hương hoa, tương cà là gia bản. Rất hiếm chuyện họ hàng vua quan, hay thế lực môn đệ chẳng thấy xuất hiện hoành hành. Câu tục ngữ: “Một người làm quan cả họ được nhờ” có lẽ đã nảy sinh trong thời kỳ bị đô hộ.
Xã hội bình đẳng khiến xã hội thuần phác giản đơn, đẹp vui và sạch, tuy nhiên, cái hại của nó là khó gây lực lượng mỗi khi cần tạo biến động chính trị thành thử chính trị thiếu cách mạng tính, thiếu canh cải, tiến bộ. Tỉ dụ: triều Tự Đức, vua và triều đình tăm tối với chính trị bảo thủ đã không có một lực lượng nào đủ mạnh để phá vỡ sự tăm tối đó như dòng họ Đức xuyên bên Nhật ảnh hưởng đến phong trào duy tân dưới thời vua Minh Trị.
Với chế độ khảo thí, truyền thống chính trị cho những người đọc sách tiến bước vào quyền hành, người đọc sách qua cửa trường thi để làm quan. Làm quan có nghĩa là khởi gia, tuy vật chất không tuyệt đỉnh sung túc nhưng phẩm giá đã lên cao. Chính quyền khai phóng cho bất cứ ai, nên người thông minh tài trí đều chạy theo con đường làm quan mà lãng quên tất cả mọi con đường khác như công thương nghiệp. Nhiều người làm quan quá khiến chính trị mắc bệnh phù thũng.
Thứ hai: Tập vào thói quen trường trị cửu an, mỗi nhà thường thường nắm chính quyền cả thế kỷ, nhà Lý hơn một trăm năm, nhà Trần gần hai trăm năm, nhà Lê hơn hai trăm năm, nhà Nguyễn ngoài một trăm năm. Chính trị theo lề lối thể tập, cứ mãi mãi rập khuôn cũ, nên nhân tài và tư tưởng chính trị bị trói buộc đến nỗi không còn khả năng ý thức được những việc làm mới mẻ như đã từng xảy ra dưới thời Hồ và Nguyễn Quang Trung.