Thằng Điệu với con Lại ngủ ở nhà sau, nên trong đêm ấy chúng nó không hay việc gì hết.
Xe hơi chạy rồi, thằng Điệu trở vô nhà thì trời đã rựng sáng. Nó dòm thấy cái rửa sổ chàng hoạc, thì la lên rồi kêu con Lại mà chỉ. Nó lại biểu con nọ lên lầu kêu Cẩm Vân mà nói cho nàng hay.
Con Lại hơ hãi chạy riết lên lầu, gặp cửa phòng mở nó liền bước vô. Đèn khí còn đốt sáng loà, nó dòm thấy Cẩm Vân nằm chèo queo dưới gạch, sổ đầu, sưng mặt, còn trên giường thì trống lổng, nó kinh hãi, nên bước ra réo thằng Điệu om sòm. Thằng Điệu chạy lên thấy vậy cũng chưng hững, hai đứa nhìn nhau, không hiểu việc gì mà kỳ vậy.
Cẩm Vân nghe chộn rộn nàng ngoái đầu, mở mắt, và ngó và rên. Con Lại mới xốc vô bồng nàng lên trên giường, Cẩm Vân vừa rên vừa hỏi rằng:
- Cậu ba bây đâu?
- Cậu ba về Trà Vinh với bà rồi.
- Còn con tao đâu?
- Không biết.
Thằng Điệu thấy Cẩm Vân đã tỉnh rồi và nói chuyện được, nó bèn bước lại gần, đưa thơ cho Cẩm Vân và nói rằng: "Cậu ba đi, cậu ba dặn tôi đưa thơ cho mợ và xin mợ về trỏng mà ở, chớ đừng ở đây nữa. Sao mà cậu biểu kỳ cục như vậy không biết“.
Cẩm Vân thấy phong thơ nàng thủng thẳng xé ra mà coi thì thơ nói vầy:
Đồ Khốn Nạn
Tao thương mầy, mà mầy trở lại mầy hại tao, mầy muốn làm cho tao thất chí thất tình buồn rầu mà chết. Tao không chết đâu. Tao phải sống đặng báo thù, tao phải sống mà hại mầy đáo để cho phỉ lòng tao, rồi tao sẽ chết.
Tao phải hại mầy với thằng lấy mầy. Về phần thằng lấy mầy, tao hại nó cách nào, tao chẳng cần nói cho mầy biết làm chi. Còn về phần mầy, thì tao cho mầy hay trước. Tao không thèm giết mầy đâu, bởi vì hễ tao giết mầy chết liền, mầy khoẻ quá, mầy có biết sự buồn rầu xấu hổ chút nào đâu. Tao muốn để cho mầy sống mà mầy phải chịu khốn khổ trọn đời mầy, tao mới đã nư giận. Mầy dùng món khí giới rất độc, là ái tình mà hại tao, tao cũng dùng thứ ấy mà hại lại mầy.
Mầy đọc thơ nầy, thì con mầy đã về tay một thằng ăn trộm ăn cướp dữ tợn rồi. Mầy hết trông mẹ con gặp nhau được. Thằng con mầy người ta lãnh tập nó làm du côn đặng chừng nó khôn lớn nó dùng nghề hay của nó mà đền đáp nghĩa sanh thành cho mầy với thằng tình nhơn của mầy, là thằng cha ruột cuả nó.
Bây giờ tao cho phép mầy thong thả đi xuống Cần Thơ mà lấy thằng tình nhơn của mầy. Mầy phải đi đi. Hễ dọc thơ nầy rồi, thì mầy phải đi liền ra cho khỏi nhà tao, không được ở nán một phút nào hết. Đi đi, đồ hư, đồ thúi.
CHÁNH TÂM
Cẩm Vân đọc thơ rồi trợn trắng hai con mắt, tay chơn lạnh ngắt, bất tỉnh nhơn sự. Con Lại lật đật ôm nàng kêu réo om sòm. Thằng Điệu lính quính, không biết liệu làm sao, nó mới ngồi xe kéo tuốt vô Chợ Lớn mà kêu cô ba Hài.
Chừng cô ba Hài ra tới, thì Cẩm Vân mở mắt trao tráo, hơi thở mạnh như thường, song khóc mà cũng không nói chi hết. Cô ba Hài ôm Cẩm Vân mà khóc và hỏi rằng: "Sao vậy con?“ Cẩm Vân lặng thinh. Con Lại mới lấy bức thơ mà trao cho cô ba Hài. Cô ba Hài coi rồi, cô lắc đầu nói rằng: "Con thấy chưa! Hồi đó dì nói con không nghe, nên bây giờ mới ra cớ sự như vầy“.
Cô ba Hài liền kêu một cỗ xe kiếng rồi mượn con Lại phụ với cô mà chở Cẩm Vân về Chợ Lớn.
Cẩm Vân chịu oan tiếng xấu, rồi lại bị mất thằng con, nên nàng chết điếng trong lòng, mà Chánh Tâm phần thì thất tình, phần thì tức giận, nên chàng cũng rối nùi trí. Chàng lên xe về Láng Thé với mẹ, xe chạy một hồi, nhờ gió sớm mơi mát mẻ khoẻ khoắn, nên tâm thần thủng thẳng định tỉnh lần lần. Chàng chiêm nghiệm các việc chàng đã làm hồi hôm, thì chàng không ăn năn chút nào hết. Chàng lấy làm mừng về sự đã hại con vợ được rồi, mà chàng còn hầm hầm, quyết rồi đây chàng sẽ về Cần Thơ tìm cho ra thằng tình nhơn của vợ, rồi chàng lập thế hại luôn cho được nó nữa thì chàng mới ưng bụng.
Chánh Tâm suy tính như vậy mà về tới Láng Thé rồi. Bà Tổng một là vì thương thân con gái chết oan, hai là vì tức duyên con trai lở dở bà buồn rầu nên nhuốm bịnh, nằm liệt giường liệt chiếu. Chánh Tâm lo chạy thầy chạy thuốc, mắc lăng xăng với mẹ, nên chàng không rảnh rang mà nhớ tới việc riêng của chàng.
Bịnh bà Tổng một ngày thêm nặng, rước đủ thứ thầy, uống đủ thứ thuốc, mà coi thể bà thủng thẳng mòn lần lần. Cách một tháng bà Tổng mất, Chánh Tâm lo báo hiếu cho mẹ vừa xong, kế Phùng Xuân hay tin hồi nào không biết, mà chàng dắt Phùng Sanh về chịu tang, rồi chàng buộc Chánh Tâm phải quân phân44 gia tài.
Chánh Tâm bị buồn rầu dồn dập bây giờ lại bị anh rể làm rộn nữa bởi vậy chàng đổ quạu, nhứt định để mãn tang rồi sẽ chia. Phùng Xuân muốn ăn gấp mà ăn không được, chàng tức giận, mới vào đơn Toà Hộ mà kiện, xin tòa biên điền sản tiền bạc nhà cửa hết thảy rồi giao cho Lục sự gìn giữ thâu huê lợi, đợi chừng nào có án dạy chia thì sẽ chia.
Chánh Tâm đương thất chí thất tình, chàng không thèm kể đến sự nghiệp, bởi vậy Toà dạy giao cho Lục sự gìn giữ gia tài, thì chàng vưng ý giao liền. Chàng được rảnh rang rồi, chàng nhớ việc gia thất thì chàng căm hờn đứa phá cang thường của chàng. Chàng dở bức thơ khốn nạn hôm trước ra mà đọc lại, đọc một câu chàng tức giận mấy lần. Chàng coi dấu ký tên ban đầu chàng thấy lằng quằng lụi quịu, không hiểu là tên gì, nhưng mà chàng nhìn riết, thì ra chữ "Trọng" rồi tới chữ "Q“. Chàng lấy làm kỳ, có họ gì mà lại họ "Trọng" bao giờ. Chàng nghĩ hết sức mà không ra lối. Chàng mới tính qua Cần Thơ mà hỏi thăm.
Vì bởi Chánh Tâm không có quen với ai trên Cần Thơ, nên qua đến đó rồi, chàng phải vào nhà hàng mướn một cái phong mà ở. Tối lại chàng làm quen với ông chủ nhà hàng. Ban đầu chàng hỏi thăm dông dài, lần lần rồi chàng mới hỏi coi có thầy nào họ Trọng hay không. Ông chủ nhà hàng lắc đầu đáp rằng: "Không có đâu. Mà họ gì lại họ Trọng; có lẽ họ Trang sao chớ. Mà trong xứ Cần Thơ nầy cũng không có thầy nào họ Trang nữa“.
Chánh Tâm bèn lấy bức thơ ra, xếp khúc trên hết, đưa nội dấu ký tên cho ông chủ nhà hàng coi và nói rằng: "Đây, tôi có tiếp thơ của thầy nào bên nầy, gởi mời tôi qua bàn tính cuộc buôn bán mà ký tên lăng nhăng quá tôi không biết là ai. Đâu ông coi giùm coi ông biết ai ký tên đây hay không?"
Ông chủ nhà hàng vừa ngó xáng45 qua liền nói rằng: -
Oái! Ông Bác vật Lữ Trọng Quí ký tên đây mà! Đây nè, ký chữ "Trọng Quí“ rõ ràng, ông đọc không được hay sao ?
- Bác vật Trọng Quí nào ở đâu ?
- Người ở đây nhà ở trên châu thành một chút, còn chành lúa thì ở theo đường vô Cái Răng. Ông giàu có lớn. Hồi nhỏ đi học bên Tây thì đậu Bác vật. Mấy năm nay ông buôn lúa, ông làm ăn lớn lắm.
- Người có vợ con hay chưa?
- Hồi ở bên Tây mới về, ông có cưới vợ, mà vợ ổng về ở với ổng có mấy tháng rồi chết. Mấy năm nay ổng ở có một mình, không chịu cưới vợ khác.
- Nhà ở lối nào đâu?
- Ở theo đường lên Ô môn, cách đây chừng một ngàn rưỡi thước.
Chánh Tâm tạ ơn rồi đi lên phòng mà nghỉ. Chàng đóng cửa phòng lại, rồi chàng lên giường nằm lim dim. Bây giờ mình biết thằng khốn nạn đó rồi, vậy mình phải làm sao? Nó ăn trộm ái tình của mình thì phải trừng trị nó; ấy là lẽ tự nhiên, mà trừng trị cách nào? Mình phải giết nó chết thì mình mới đã nư giận. Mà giết nó rồi mình cũng không khỏi tội. Hư là tại vợ mình, chớ không phải tại người ta, nếu vợ mình chính chiên46 thì ai lấy nó được. Bây giờ mình vì con vợ hư mà mình phạm tội sát nhơn hay sao? Thôi, để mình làm đơn vô quan Biện lý mà kiện thằng đó, mình ghim bức thơ của nó theo mà làm tang chứng thì đủ cớ cho quan Biện lý buộc tội nó gian dâm. Mà mình làm như vậy, dầu nó không ở tù, chớ nó cũng mang tiếng xấu với thiên hạ, rồi mình đây, có vợ lấy trai, mình lại tốt gì.
Chánh Tâm suy nghĩ hết sức, mà không biết liệu lẽ nào, bởi vậy chàng tức giận, vở mùng chun ra, rồi đi qua đi lại trong phòng hoài. Chàng bứt tóc đấm ngực mà nói lầm thầm rằng: "Thây kệ, ta phải giết mầy rồi quan Toà làm gì tao thì làm. "
Đêm ấy Chánh Tâm không ngủ được. Vừa mới tảng sáng thì chàng rửa mặt chải đầu, thay quần đổi áo. Chàng ngồi đợi trưa một chút rồi đi xuống ăn lót lòng. Đến 7 giờ rưỡi, chàng kêu một cái xe kéo rồi leo lên biểu đi chợ. Chàng ghé tiệm sắt mua một dao tu, lưỡi sáng ngời bén ngót. Chàng trở ra, leo lên xe kéo biểu chạy lên nhà Bác vật Quí. Xe chạy thì chàng ngồi trên xe lập thế dở áo lên mà giắt con dao sau bưng cho thiên hạ khỏi thấy.
Xe ghé ngay cửa nhà Trọng Quí, Chánh Tâm hưỡn đãi bước vô sân, vì chàng đã quyết định rồi, nên bộ đi coi cứng cỏi lắm. Vô tới thềm, chàng bèn hỏi rằng:
- Phải nhà bác vật Quí đây hôn?
- Thưa, phải.
- Có ở nhà hôn?
- Thưa, có.
- Ở đâu?
- Thưa, ông là ai, xin nói cho tôi biết đặng tôi vô bẩm lại với ông tôi.
Chánh Tâm châu mày dụ dự một chút rồi móc bóp phơi lấy một tấm danh thiệp mà đưa. Thằng bồi cầm danh thiệp vừa bước vô trong thì Trọng Quí liền chạy ra, đưa tay mặt và cười hỏi rằng: "Cậu ba, cậu đi Tây về hồi nào? Cậu xuống đây bao giờ?“ Chánh Tâm không chịu bắt tay đứng ngó Trọng Quí trân trân rồi hỏi tiếng Tây rằng: "Chú phải tên Trọng Quí hay không?“
Trọng Quí cười nữa và đáp rằng: "Phải, phải. Mời cậu vô nhà“. Chàng nắm tay Chánh Tâm không được, chàng bèn vỗ lưng. Chánh Tâm sợ đụng con dao, nên lật đật xây lưng. Cử chỉ của Chánh Tâm thiệt là kỳ, nhưng vì Trọng Quí không có ý nên không hiểu.
Trọng Quí vói kéo tay Chánh Tâm và nói nữa rằng:
- Cậu vô nhà chớ. Cậu ngại gì? Cô hai đi ngoài Bắc xưa rày có gởi thơ về hôn?
- Cô hai nào ?
- Chị hai của cậu, chớ cô hai nào.
Chánh Tâm chưng hửng, đứng ngó Trọng Quí trân trân rồi nói nhỏ rằng:
- Sao mà biết chị tôi?
- Vậy chớ mợ ba không có nói chuyện gì với cậu hay sao?
- Mợ ba nào?
- Vợ của cậu, chớ mợ ba nào. Tôi chắc có nói nên cậu mới biết mà xuống đây chớ, phải hôn? Mời cậu vô. Cậu vô nhà rồi tôi nói chuyện cho cậu nghe. Tôi phiền cô hai lắm, cậu à. Tôi thương cổ, tôi quyết tình cứu cổ cho khỏi cái nạn chồng bất nghĩa, đặng chung hưởng hạnh phúc chút đỉnh với tôi, mà cổ không biết thương tôi, tôi nghĩ thiệt tôi ức quá.“
Chánh Tâm đứng sửng mặt xanh dờn. Trọng Quí kéo chàng vô nhà rồi chàng ngồi sụng xuống ghế, không nói chi hết. Trọng Quí cũng nói tiếp rằng: "Hôm tháng trước mợ ba xuống đây, tôi nói hết cái tình của tôi cho mợ nghe, không biết về trển vợ có thuật rõ lại cho cô hai hiểu hay không? Chánh Tâm vụt hỏi rằng: "Nếu vậy thì thầy trai gái với chị hai tôi chớ không phải trai gái với vợ tôi hay sao?“
Trọng Quí chưng hửng liền ngó Chánh Tâm mà hỏi rằng:
- Cậu hỏi cái gì kỳ vậy?
- Anh trai gái với chị tôi. Anh có vật gì làm cho tôi tin hay không?
- Tôi còn giữ mấy bức thơ của cô hai viết cho tôi đó. Cậu muốn coi thì tôi lấy cho cậu coi.
Chánh Tâm lắc đầu, thò tay vô túi lấy cái thơ của Trọng Quí mà quăng lên bàn và hỏi rằng: "Nếu vậy thì cái thơ nầy anh gởi cho chị tôi chớ không phải là gởi cho vợ tôi hay sao?“
Trọng Quí đã hiểu Chánh Tâm nghĩ lầm rồi nên chàng lật đật đứng dậy phành bức thơ ra, coi xáng qua rồi đáp rằng:
- Phải. Mợ ba về tối rồi lại tôi mới viết cái thơ nầy mà gởi tiếp theo.
- Sao ngoài bao anh lại đề tên vợ tôi?
- Mợ ba dặn phải gởi cho mợ rồi mợ đưa lại cho cô hai, chớ gởi ngay cô hai, thì sợ chồng cô bắt được.
- Xin anh làm ơn cho tôi coi mấy cái thơ của chị tôi một chút.
Trọng Quí muốn giải nghi của Chánh Tâm cho mau, nên chạy vô phòng mở tủ nấy mấy bức thơ đem ra hết cho Chánh Tâm. Chánh Tâm coi thơ, mặt mày xanh dờn, mồ hôi nhiểu giọt. Chàng đọc mới được vài cái, thì chàng té xỉu. Trọng Quí thấy vậy lật đật chạy lại đỡ chàng, rồi kêu bồi phụ khiêng chàng đem để trên giường. Trọng Quí mở giày, mở nút áo chàng ra, thấy con dao tu dắt sau lưng, mới hiểu chàng tưởng lầm, nên đến đây là quyết chí rửa nhục.
Thoa dầu, quạt hơi một hồi, Chánh Tâm mới tỉnh lại. Chàng mở mắt thấy Trọng Quí ngồi một bên, thì chàng lắc đầu và chảy nước mắt mà nói rằng: "Tôi phải chết chớ sống sao đặng!“
Trọng Quí làm lạ nói rằng:
- Sao vậy?
- Tôi lầm, tôi tưởng vợ tôi trai gái với anh, tôi tưởng thằng con của tôi đó là con của anh nên tôi đã đánh đuổi vợ tôi, còn con tôi thì tôi đã phóng huỷ nó rồi!
- Chết chưa! Sao cậu không hỏi đi hỏi lại?
- Tôi nóng giận quá, nên vợ tôi có nói mà tôi không tin. Phần chị hai tôi chết rồi, nên tôi tưởng nó đổ lỗi cho chỉ chữa mình.
- Chị hai nào chết?
- Chị hai tôi.
- Ủa! Chết hồi nào! Trời ôi! Đau sao mà chết?
- Chồng chỉ sửa soạn dắt chỉ đi Bắc. Đến bữa tàu chạy, chỉ uống giấm với á phiện mà tự vận.
- Trời đất ôi! Tại tôi hay là tại ai?
- Tôi không hiểu. Chỉ chết hồi khuya thì sáng tôi mới về tới.
- Té ra cô hai không có đọc cái thơ chót của tôi sao?
- Không, chỉ chết rồi thơ lên mới tới. Mà thơ tới, thì tôi lấy liền, vợ tôi nó không hay.
Trọng Quí nhảy xuống giường rồi đi qua đi lại, gãi đầu nhăn mặt, coi bộ bối rối buồn bực lắm. Chàng nói một mình rằng: "Tại sao mà tự vận? Đã bằng lòng theo chồng, tôi không cho, rồi sao lại huỷ mình đi. Chuyện nầy chắc là mợ ba biết, tôi phải giáp mặt với mợ ba mới được. Còn thằng nhỏ bây giờ ở đâu ?“
Chánh Tâm đáp rằng:
- Chị hai tôi chết rồi ảnh giành bắt Phùng Sanh dắt đi.
- Đem nó ra Bắc rồi sao?
- Không, ảnh còn ở trong nầy. Hôm má tôi mất rồi....
- Ủa ! Bà già mất rồi sao?
- Mất nữa. Má tôi rầu việc chị hai tôi, rồi rầu luôn tới việc của tôi nữa, nên nhuốm bịnh có một tháng rồi mất. Anh hai tôi có dắt thằng Phùng Sanh về chịu tang. Ảnh đương kiện tôi đặng chia gia tài.
- Làm thế nào mà bắt con tôi lại được.
- Ảnh đương níu thằng nhỏ mà ăn gia tài, ảnh dễ rời nó sao.
- Còn cậu nói cậu đuổi vợ bỏ con, mà mợ ba ở đâu bây giờ?
Chánh Tâm và khóc và thuật lại các việc của chàng làm cho Trọng Quí nghe. Trọng Quí chắt lưỡi lắc đầu than thở và khuyên Chánh Tâm phải mau mau đi với chàng lên Sài Gòn đặng an ủi vợ, tìm kiếm con, không nên trì hưỡn. Chánh Tâm đã tỉnh và ngồi dậy được rồi, song chàng cứ khóc hoài, coi bộ bi thảm lắm.
Trọng Quí kêu sốp phơ biểu đem xe hơi ra. Chàng sắp áo quần vô va ly rồi mời Chánh Tâm lên xe mà đi với chàng. Xuống chợ Cần Thơ ghé nhà hàng chở hành lý của Chánh Tâm rồi mới đi Sài Gòn.
Xe lên tới Sài Gòn hồi 2 giờ chiều, Chánh Tâm dắt Trọng Quí vô nhà, vừa thấy thằng Điệu thì hỏi rằng:
- Mợ ba mầy còn ở đây hôn?
- Thưa không .
- Chớ đi đâu?
- Vậy chớ hôm bà mất. Con Lại về dưới nó không thuật chuyện cho cậu nghe hay sao? Tôi làm y như lời cậu dặn. Cậu đi rồi sáng ra tôi đưa thơ cho mợ, mợ đọc thơ rồi mợ chết giấc. Tôi sợ quá, tôi chạy vô Chợ Lớn tôi kêu bà Ba. Bà Ba ra bà chở về trỏng. Từ hôm đó đến nay mợ ba không có trở ra đây nữa.
Chánh Tâm khóc và nói với Trọng Quí rằng: "Phải đi Chợ Lớn mới được“. Trọng Quí gật đầu, rồi hai người dắt nhau đi lên xe mà đi liền.
Cô ba Hài đương nằm trên ván, mà có ngó thấy Chánh Tâm bước vô thì cô day mặt vô vách làm bộ ngủ. Chánh Tâm bước lại đứng phía dưới chưn mà kêu rằng: "Dì ơi, dì“. Cô ba Hài không thèm day lại. Chánh Tâm đứng kêu một hồi lâu cô mới ngồi dậy, song cô ngó chàng một cái rồi cô bỏ đi ra nhà sau, không thèm nói chi hết.
Chánh Tâm đi theo và khóc và nói rằng: "Tôi nghe lầm tôi đánh đuổi vợ tôi. Vì tôi thương nó, nên tôi tức giận tôi không kịp suy xét. Xin dì tha lỗi cho. Vợ tôi đi đâu vắng vậy dì“
Cô ba Hài bùng thụng mặt mà đáp rằng: "Nó chết rồi. Còn đâu mà hỏi“. Chánh Tâm khóc rống lên nghe rất thảm thiết. Trọng Quí ngồi ngoài xe lật đật chạy vô. Cô ba Hài nói tiếp rằng: "Mầy giết nó, bây giờ mầy làm bộ khóc giống gì! Mầy thiệt ác lắm.“
Chánh Tâm ngồi ghé đầu ván mà khóc. Không nói chi được hết. Trọng Quí thấy vậy mới bước vô cắt nghĩa đầu đuôi mọi nỗi cho cô ba Hài nghe. Cô ba Hài cũng khóc mà nói với Trọng Quí rằng: "Nó đánh vợ nó gần chết rồi nó bỏ đó. Còn con thì nó giao cho đâu không biết. Tôi hay tôi ra tôi chở vợ nó về trong nầy. Tôi rước thầy thuốc khách trú thầy thuốc Tây coi mạch, thầy nào cũng nói nó mất trí. Mà thiệt nó ngồi mở mắt trao tráo, mà không biết giống gì hết, cơm cháo không ăn, hỏi giống gì nó cũng không nói. Tôi chạy đủ thầy thuốc hết mà bịnh của nó cũng vậy hoài. Túng thế tôi chở nó lên trên Điện Bà, tôi để nó ở bên Chùa Hang, nhờ cô vải tụng kinh nên nó mới khá khá. Tôi lên tôi ở với nó năm bữa rày, tôi mới về chiều hôm qua. Bữa nay nó ăn uống, nó nói được, mà nói bậy nói bạ, hỏi một đường nó nói một ngã. Tôi chắc nó mất trí khôn rồi ".
Chánh Tâm lắng nghe rồi chàng khóc nữa. Trọng Quí mới nói với cô Ba Hài rằng: "Sẵn có xe hơi đây. Xin dì làm ơn đi với hai anh em tôi lên đó đặng anh em tôi nước về chạy thầy chạy thuốc nữa thử coi, chớ ở trển không có thuốc men chi hết, vậy sao được.“
Cô ba Hài lặng thinh một hồi rồi nói rằng: "Bây giờ gần tối rồi. Lên tới đó nhằm ban đêm làm sao mà lên miễu. Như có muốn đi thì để khuya rồi đi.“
Chánh Tâm với Trọng Quí cứ ngồi đó mà hỏi thăm chứng bịnh của Cẩm Vân. Đến tối chàng mới trở ra Sài Gòn mà ngủ. Gần đến 4 giờ khuya thì hai chàng đã đem xe ra rước cô ba Hài đi Tây Ninh. Xe lên tới núi. Trời đã sáng bét rồi. Cô ba Hài dắt Chánh Tâm với Trọng Quí đi thẳng lên chùa Hang.
Chánh Tâm bước vô cửa chùa, thấy Cẩm Vân đương ngồi xếp bằng trên ván, đầu cạo trọc lóc, mình mẩy ốm teo. Chàng khóc ré lên rồi chạy riết vào mà ôm vợ. Cẩm Vân gỡ tay chàng rồi cười ngỏn ngoẻn và nói rằng: "Sông nước chảy dữ quá. Mà xe chạy được, không sao đâu mà sợ. Mình phải đi đặng kiếm con chớ.“ Chánh Tâm thấy hình dạng như vầy, rồi lại nghe lời điên cuồng như vậy nữa, chàng đau đớn ăn năn quá nên chàng té xỉu nằm ngay đơ dưới đất.
Trọng Quí lật đật chạy lạy bồng chàng mà để nằm trên ván, rồi lập thế cho chàng tỉnh lại. Chẳng dè Trọng Quí làm hết sức mà Chánh Tâm cứ nằm thim thiếp hoài, tay chơn lạnh ngắt, cặp mắt đứng tròng, nơi ngực còn thở thoi thóp mà thôi.
Cô ba Hài thấy vậy sợ quýnh, nên cô hối Trọng Quí mướn người võng Chánh Tâm đem xuống núi, đặng cô chở vô nhà thương Tây Ninh cho quan thầy thuốc điều trị, Trọng Quí nghe lời nên làm liền.
Chánh Tâm vô nhà thương, quan thầy thuốc kềm một bên cho thuốc trọn một ngày đó, mà chàng cũng chưa tỉnh dậy. Đến 3 giờ khuya, Chánh Tâm mở mắt đòi uống nước, Trọng Quí với cô ba Hài thấy chàng đã tỉnh thì lấy làm mừng. Chánh Tâm uống nước rồi, chàng ngó Trọng Quí và ngó cô ba Hài mà nói nhỏ nhỏ rằng: "Như tôi không sống được, xin dì với anh làm ơn cứu giúp vợ tôi và tìm giùm thằng con tôi.“
Chánh Tâm nói có mấy lời nước mắt tuôn dầm dề, chàng nói không được nữa. Chàng khóc tấm tức tấm tửi một hồi rồi chàng đập tay xuống giường mà than rằng: "Trời đất ôi! Vợ tôi điên cuồng, con tôi biệt tích, tôi sống làm sao cho được! Không biết ông cha tôi hồi trước có làm việc chi ác lắm hay sao, mà bây giờ tôi phải chịu thống khổ như vầy.“
Cô ba Hài với Trọng Quí đứng đó, cả hai người đều ứa mắt, song không biết lời chi mà khuyên giải.
Trọng Quí đứng ngó Chánh Tâm, chàng thương xót quá chịu không được, nên chàng cúi xuống ôm ngang mình Chánh Tâm và khóc mà nói rằng: "Tại tôi! Tại tôi!“
An trường - Octorbe Décember 1928
HẾT