Ăn cơm chiều rồi, Cẩm Vân dắt Chánh Hội ra đứng trước sân mà chơi. Tố Nga ở phía sau, đương lo tắm cho Phùng Sanh. Phùng Xuân nằm trên ghế xích đu mà hút thuốc phì phà. Chàng thấy Cẩm Vân ở ngoài sân dắt con đi vô thì chàng ngồi dậy và nói rằng: “Ngày mốt tôi đi, mà ngày đó cũng có một chiếc tàu thơ ở bên Tây qua tới, không biết chừng thằng ba nó về chuyến nầy”.
Cẩm Vân cười đáp rằng:
- Nếu có về thì sao cũng đánh dây thép chớ.
- Cần gì. Tàu Tây tới sớm rồi chiều tàu Bắc mới chạy. Nếu thằng ba nó có về chiếc tàu nầy, thì tôi được gặp nó ít giờ đồng hồ.
Phùng Xuân lại đi lấy nón mà đội và nói rằng: “Thả bậy chợ Bến Thành chơi. Mình đi thì chắc lâu về. Để đi chơi cho đã rồi mốt có xuống tàu“.
Cẩm Vân đứng dòm coi, nàng thấy Phùng Xuân ra khỏi cửa ngõ rồi nàng mới thẳng ra sau mà nói với Tố Nga rằng: “Anh hai đi chơi rồi. Lên lầu nói chuuyện chơi, chị hai“. Tố Nga gật đầu. Nàng kêu con Lại mà biểu rằng: “Tao tắm em rồi đây. Mầy lau mình, bận quần áo cho nó rồi dắt nó với Chánh Hội ra phía trước mà chơi, nghe hôn“.
Hai nàng dắt nhau lên lầu, Tố Nga khép cửa phòng lại rồi hỏi Cẩm Vân rằng:
- Em xuống Cần Thơ em nói cách nào mà êm được, đâu em thuật hết các việc cho chị nghe thử coi.
- Chị ngồi đây. Chị ngồi rồi em nói lại cho chị nghe.
Hai nàng kéo hai cái ghế lại đặng ngồi gần nhau, Cẩm Vân thủng thẳng thuật rõ ràng mọi việc, nàng tới Cần Thơ hồi giờ nào, nàng làm sao mà kiếm nhà Trọng Quí chừng gặp Trọng Quí rồi chàng nói những lời gì, nàng cãi cách nào, tại sao chàng tức giận, tại sao chàng khóc lóc, tại sao chàng chịu để cho Tố Nga đi, mà lại không chịu trả thơ từ, nàng kể đủ hết không sót một mảy. Tố Nga ngồi chăm chỉ nghe, tuy nàng châu mày suy nghĩ coi bộ buồn lắm.
Cẩm Vân thuật rồi, nàng thấy chị cứ ngồi lặng thinh nàng bèn nói rằng: “Bữa hổm em hứa chắc với chị, hễ em đi nói thì phải được. Mà chừng đi dọc đường em lo quá. Vì trong thơ thẩy nói khẳng khái như vậy, em sợ nói thẩy không chịu. Thiệt quả gặp thẩy rồi em chưa kịp nói, thì thẩy dở chuyện ra thẩy nói. Thẩy thương chị lắm, thẩy nói hẳn hòi, làm em rối trí, không biết sao mà trả lời. Em cứ khuyên thẩy phải giữ giùm cái danh giá cho chị, mà trong bụng em cũng không chắc nói như vậy mà thẩy xiêu lòng được. Chẳng dè thẩy khóc, thẩy phiền chị không có tình với thẩy nên thẩy thất chí, không dám ngăn cản chớ không phải nhờ em nói, hay là tại thẩy sợ xấu hổ chi đâu. Tội nghiệp quá, em thấy thẩy ngồi khóc, em nghe thẩy than thở, em cũng động lòng. Phải mà chị đi Cần Thơ chị gặp thẩy, em chắc chị không thể nào không nghe lời thẩy được”.
Tố Nga cứ ngồi lặng thinh, mà hai hàng nước mắt chảy ròng ròng. Cách một rồi lâu nàng thở ra và nói rằng: “Thẩy trách qua không có tình với thẩy, thì qua phải chịu chớ qua cãi sao được. Thôi thẩy tưởng như vậy thì càng tốt, chớ có hại gì”. Nàng lau nước mắt rồi bước lại đứng dựa cửa sổ, hai tay nắm song sắt mà ngó xuống dưới vườn. Trời tối rồi nên trước mặt cây cỏ lờ mờ, trên trời sao giăng lốm đốm. Nàng cứ
đứng đó hoài, không nói chi hết, Cẩm Vân buồn trí bèn bước lại hình của chồng mà nhìn.
Gần mười phút đồng hồ, Tố Nga mới trở lại ghế mà ngồi và nói với Cẩm Vân rằng: “Cái thân của qua đây, em phải kể như người bị bịnh ngặt gần chết. Vậy mấy lời qua nói với em là mấy lời trối, xin em ghi nhớ giùm. Qua cậy em phải thế cho qua mà nuôi dưỡng má. Qua lấy làm buồn vì má không chịu lên cho qua thấy mặt lần cuối rồi qua đi. Thôi chừng má có lên xin em thưa giùm với má rằng, qua kính lạy má và qua cầu xin má tha lỗi cho qua, tại mạng số qua phải như vậy, chớ không phải tại qua muốn đâu. Làm con thất hiếu; làm vợ thất tiết! Có nghĩa mà lại bất nghĩa! Có tình mà lại vô tình! Thân phận gì mà vô duyên quá như vầy không biết!“
Tố Nga nói tới đó rồi nàng khóc nữa. Cẩm Vân thấy vậy động lòng nên nàng cũng khóc theo. Con Lại bồng Chánh Hội xô cửa bước vô mà nói rằng: “Thưa cô em đòi ngủ, nên tôi bồng lên đây”. Cẩm Vân đứng dậy bồng con đem để trên giường. Con Lại bước ra khép cửa lại. Chánh Hội thấy má với cô nó nước mắt nước mũi chàm ngoàm thì nó lấy làm lạ nên cứ ngó hoài. Tố Nga thấy Cẩm Vân mắc dỗ con ngủ nên nàng lau nước mắt rồi đi xuống.
Đêm ấy Tố Nga nằm trằn trọc hoài. Nàng xét thân phận nàng càng thêm đau đớn trong lòng. Số mạng gì mà vô duyên vô phước đến thế. Bây giờ biết liệu lẽ nào? Đi theo chồng thì cứu danh giá tông môn khỏi xấu hổ mà bỏ mẹ, phải lìa em, lại còn phải làm cho người yêu của mình thất tình thất chí nữa. Bỏ chồng mà theo người yêu của mình thì được gần mẹ, mình được phỉ tình, mà người yêu cũng khỏi thất vọng, ngặt vì làm như vậy thì còn gì danh giá, còn mặt mũi nào mà dám ngó thiên hạ. Không theo chồng, mà cũng không theo Trọng Quí, chống cự rồi ở lại nhà lo nuôi mẹ trọn đời, làm như vậy tuy khỏi thất hiếu, song cũng bị mang tiếng nhơ, mà cũng không cứu người yêu khỏi thất tình. Tố Nga suy xét cùn lẽ rồi, thì chẳng có phương nào hay cho bằng tự vận. Có cái chết thì mới yên thân. Đã biết hễ mình chết thì mẹ buồn, nhưng mà chết thì khỏi nhọc lòng cực trí với chồng bất nghĩa nữa, chết thì người yêu của mình hết trông đợi rồi lo cưới vợ khác mà lập gia thất làm ăn. Chết thì phải hơn hết. Cái thân vô duyên vô phước nầy đã làm lem luốc rồi, không còn quí báu chi nữa mà tiếc!
Sáng bữa sau Phùng Xuân cho Tố Nga hay rằng, hãng tàu có dán giấy nói tàu bên Tây bữa sau tới 8 giờ rồi 4 giờ chiều tàu ra Bắc chạy. Tố Nga cười nói rằng: “Để tôi đi chợ mua đồ theo xuống tàu mà ăn“
Thiệt quả Tố Nga đi chừng một giờ rưởi đồng hồ rồi nàng đem về nào trái bôm, nào sá lỵ, nào hồng, nào nho tươi, sắp lục cục trên ván tới năm sáu gói. Nàng nói nói cười cười, một lát ôm hun con, một lát giễu với chồng, vừa thấy bước ra phía trước kế thấy trở về phía sau, kêu con Lại mà dặn việc nầy, thấy Cẩm Vân thì khuyên việc nọ, làm lăng xăng lộn xộn, coi ra như tuồng đắc chí mà đi theo chồng. Đến trưa nàng không ngủ, mà cũng không cho Cẩm Vân nghỉ ngơi, nàng nói rằng: “Qua đi rồi mặc sức em ngủ, còn có một bữa nữa, em thức chơi với qua mà“.
Cẩm Vân thấy chị vui vẻ khác thường thì tưởng tính êm được chuyện của Trọng Quí nên chị vui, bởi vậy nàng không nghi ngờ chuyện gì hết.
Tối Tố Nga cũng cầm Cẩm Vân thức mà chơi, biểu thằng Điệu đi kêu gánh mì về ăn với nhau mà nói rằng: “Ăn mì lần nầy là lần chót“.
Đến 9 giờ rưỡi Chánh Hội buồn ngủ, nên khóc om sòm, Cẩm Vân phải bồng con lên lầu mà dỗ ngủ. Tố Nga đi theo tới thang lầu rồi níu em lại mà nói nhỏ rằng: “Chị có đi thì em ở lại mạnh giỏi nhé. Thằng ba có về, em nói giùm với nó rằng, chị có để lời thăm nó. Chừng má lên, em nhớ mà thưa với má rằng, chị kính lạy má. Còn sau em có gặp thầy Trọng Quí thì em thuật lại việc của chị cho thẩy biết. Em nói giùm với thẩy rằng, tưởng chị vô tình với thẩy đó là tưởng lầm“. Nàng nói rồi liền ôm đầu Chánh Hội hun trơ hun trất.
Những lời của Tố Nga nói đều là lời trối hết thảy, nhưng vì Cẩm Vân không nghĩ là Tố Nga tự vận, bởi vậy nàng không dè mà khuyên giải. Nàng bồng con bước lên cầu thang, thình lình ngó ngoái lại, thì thấy chị còn đứng chần ngần tại đầu thang mà lau nước mắt, thì nàng động lòng, nàng dụ dự muốn xuống nói chuyện chơi với chị nữa đặng bữa sau có cách biệt nhau, ngặt vì Chánh Hội rầy quá, nên cực chẳng đã nàng phải đi luôn.
Cẩm Vân dỗ con ngủ xong rồi, thì lóng tai nghe ở từng dưới lặng trang, tưởng anh chị đã ngủ hết rồi, nên nàng khoát mùng bước ra lại ghế ngồi chống tay suy nghĩ, không biết sáng mai tàu bên Tây qua tới mà chồng mình có về hay chưa? Tội nghiệp chị vì danh giá nên phải gượng làm vui và theo chồng, song bước chơn ra đi chắc là ngậm ngùi vì nỗi tình, đau đớn vì nỗi mẹ lắm.
Đêm ấy Cẩm Vân nằm trăn trở hoài, ngủ không ngon giấc. Vừa mới tảng sáng nàng bồng con đi xuống thang lầu kêu thằng Điệu dậy mở cửa quét nhà. Cách một lát Phùng Xuân cũng thức dậy đi rửa mặt, ngó thấy Cẩm Vân bèn nói rằng: “Em thức vậy sớm dữ!“ Cẩm Vân cười rồi men men đi lại phòng của mẹ, là cái phòng hổm nay mẹ con Tố Nga ngủ ở đó, đứng ngoài lóng tai mà nghe coi chị thức dậy hay chưa. Nàng nghe im lìm, vừa mới xây lưng mà đi, kế nghe tiếng Phùng Sanh khóc trong phòng. Nàng đứng lại, mà không nghe tiếng của chị nói. Phùng Sanh càng khóc lớn và kêu má om sòm, Cẩm Vân cũng không nghe tiếng Tố Nga. Nàng bước lại tính mở cửa mà kêu chị dỗ cháu. Chẳng dè cửa phòng đóng chặt cứng. Cẩm Vân vổ cửa mà kêu duy nghe tiếng của Phùng Sanh khóc rùm, chớ không nghe tiếng Tố Nga thức dậy.
Phùng Xuân rửa mặt xong rồi, chàng chạy lại phụ với Cẩm Vân mà kêu vợ, Tố Nga cũng nín khe. Thằng Điệu, con Lại nghe la om sòm nên áp chạy lên, đủ mặt. Cẩm Vân bèn kêu Phùng Sanh mà hỏi rằng:
- Cháu à, cháu, có má cháu ngủ đó hôn?
- Có.
- Cháu kêu má cháu dậy.
- Má ngủ.
- Lúc lắc kêu má chớ. Vạch con mắt má thì má dậy đa cháu.
- Má hổng dậy.
Cẩm Vân biến sắc, trong lòng phát nghi, bèn hối thằng Điệu lấy dao cạy khoá cửa. Thằng Điệu làm rầm rầm mà cũng không nghe tiếng Tố Nga. Cẩm Vân càng thêm sợ, chừng phá được cửa rồi, nàng xốc vô phòng, khoát mùng rờ chị Mỹ thì chị đã lạnh ngắt hơi thở đứt rồi, cặp mắt đứng tròng, miệng bay nực nồng mùi á phiện. Nàng vùng la lên rằng: “Chị hai chết rồi, trời đất ôi!“ Rồi ôm chị mà khóc. Con Lại, thằng Điệu với Phùng Xuân đứng sửng sốt hết thảy.
Phùng Xuân bước lại dòm vợ rồi đưa tay ngay lỗ mũi coi còn thở hay không. Con Lại vói bồng Phùng Sanh đem ra ngoài. Thằng Điệu lò mò lối đầu giường rồi vùng la lên rằng: “Cô hai uống á phiện với giấm chua mà. Đây đồ đó còn đó nè“. Cẩm Vân với Phùng Xuân day lại thì thiệt quả trên bàn thuốc còn dính chút đỉnh thôi, Cẩm Vân lại thấy dưới bàn có một đống tro nhỏ, coi kỹ thì là giấy chỉ mới đốt nên tro còn y nguyên đó.
Cẩm Vân khóc một hồi rồi ra ván ngồi tấm tức tấm tửi, nói không nên lời, nước dắt tuôn ra hoài, lau không ráo. Phùng Xuân cứ đi ra đi vô, nhăn mặt châu mày, lắc đầu, chắt lưỡi. Đến gần 8 giờ, chàng mới nói với Cẩm Vân rằng: “Chuyện lỡ như vầy, tôi đi Bắc sao đặng. Để tôi xuống nhà băng tôi nói cho nó hay, rồi tôi đi luôn xuống bót mà cớ với Cò nữa mới được".
Chàng nói như vậy rồi đi thay áo thay quần, Cẩm Vân cứ ngồi mà khóc, không nói chi hết, Chánh Hội với Phùng Sanh đeo theo nàng, Chánh Hội thì cười, còn Phùng Sanh thì khóc, kêu má hoài.
Phùng Xuân thay đồ rồi, sắp đội nón mà đi, thấy có một xe đậu ngay trước ngõ, rồi có một người trai, mặc đồ nĩ, mở cửa xe leo xuống. Chàng dòm rồi nói rằng: “Uý! May dữ! Thằng ba về kia kìa!”
Cẩm Vân nghe nói, lật đật một tay bồng con, một tay bồng cháu, bươn bả chạy ra cửa. Thiệt quả Chánh Tâm về tới, ở ngoài sân đương xăm xăm đi vô nhà. Cẩm Vân mừng nỗi mình, mà tủi phận chị, nên vừa thấy chồng thì khóc và nói rằng: “Mình về trễ quá! Chị hai chết rồi! Mới chết hồi khuya nầy“
Chánh Tâm đương bước lên thềm, nghe vợ nói như vậy sửng sốt, nên đứng khựng lại mà ngó vợ rồi ngó anh rể, dường như chàng không hiểu mấy lời vợ nói đó vậy. Phùng Xuân bèn nói rằng: “Chị hai của em nó uống á phiện với giấm mà tự vận“. Chánh Tâm nhăn mặt và bước vô nhà hỏi Phùng Xuân rằng:
- Tại sao mà chị hai tự vận.
- Nó sửa soạn đặng chiều nay đi Bắc với qua. Má cản trở, không muốn cho đi. Má giận bỏ đi về dưới Làng Thé, không chịu lên cho nó từ giã đặng có xuống tàu, nên nó tức rồi nó huỷ mình, chớ có chi đâu.
- Nếu vậy má không có ở trên nầy hay sao?
- Không. Má ở dưới Láng Thé. Bữa hôm kia hai vợ chồng qua cậy con ba mướn xe hơi xuống rước má. Nó ở dưới trọn một ngày một đêm năn nỉ hết sức mà má cũng không chịu lên.
- Chị hai ở đâu bây giờ ?
- Nằm trong phòng.
Phùng Xuân dắt Chánh Tâm vô phòng. Chánh Tâm thấy mặt chị thì chàng cảm động, nên đứng khóc rấm rức một hồi rồi mới chịu trở ra, Phùng Xuân đi cớ với cò bót. Chánh Tâm biểu thằng Điệu trả tiền xe và vác rương đồ đem vô nhà.
Cẩm Vân ngồi bồng con dỗ cháu, thấy chồng lăng xăng thì ngó theo mà nước dắt chảy hoài. Chừng Phùng Xuân đi rồi, Chánh Tâm mới bước lại ngó hai đứa nhỏ và nói rằng: “Hai đứa nhỏ lớn đại há?“ Tuy hồi chàng đi Tây thì con còn bồng ngửa, song mỗi năm vợ chàng đều có chụp hình con mà gởi qua cho chàng, bởi vậy chàng thấy hai đứa nhỏ thì biết đứa nào là con của chàng liền. Chàng đưa hai tay ngay mặt con mà nói rằng: “Lại đây ba hun một chút con, ba đi mà ba nhớ con quá.“ Cẩm Vân muốn đưa con cho chồng bồng, song Chánh Hội từ nhỏ chí lớn không biết cha nó, nên nó uốn éo day mặt vô mình mẹ nó và níu mẹ nó chặt cứng, không chịu cho cha nó bồng. Chánh Tâm phải gỡ tay nó mà bồng đại, tuy nó không khóc, song coi bộ không vui. Chàng hun nó một hồi rồi nó trằn tuột xuống đất, gỡ tay cha mà chạy lại đeo mẹ. Chánh Tâm mới bỏ Chánh Hội bước lại bồng cháu. Phùng Sanh tuy ngó cậu trân trân, song để cho cậu bồng mà hun, chớ không èo uột như Chánh Hội vậy.
Chánh Tâm chơi với con, cháu một chút rồi hỏi vợ rằng:
- Sao mà chị hai tự vận như vậy? Ở nhà có chuyện ức uất chỉ lắm sao?
- Chị bị ảnh đó mà chỉ buồn rầu, chớ có việc gì đâu.
- Hồi nãy ảnh nói chuyện đi Bắc, đi chi vậy?
- Ảnh xúi chỉ xin má 2 muôn đồng bạc. Má không cho, ảnh làm ngặt dắt chỉ đi ra Bắc làm việc gì đó mà không biết. Chỉ không đi thì không được. Còn đi theo ảnh thì má giận. Tôi tưởng chỉ rầu có chuyện đó mà chỉ huỷ mình, chớ không phải việc chi hết.
Cẩm Vân thuở nay không giấu việc gì với chồng hết thảy. Hôm nay một là nàng giữ lời hứa với chị, hai là nàng không muốn cho chồng buồn thêm, nên nàng phải nói dối với chồng, mà nói vừa rồi thì nàng day mặt chỗ khác, không dám ngó chồng nữa.
Chánh Tâm tưởng là thi đậu về nhà gặp mẹ, gặp chị, gặp vợ, gặp con vui vẻ lắm. Nào dè vừa bước vô nhà thấy cảnh bi thảm, bởi vậy chàng ngồi chống tay trên ghế mặt mày buồn xo, chàng suy nghĩ một hồi rồi hỏi vợ rằng:
- Bây giờ có đường xe hơi xuống tới dưới nhà mình rồi phải hôn?
- Phải. Ở nhà đây có anh hai. Thôi, mình mướn xe hơi chạy về cho má hay luôn thể.
- Ừ, để tôi đi. Phải đi liền bây giờ mới được.
Cẩm Vân biểu thằng Điệu chạy mướn một cái xe hơi. Chánh Tâm dặn vợ chừng anh rể trở về biểu ảnh lo mua hòm, lo sắm tẩn liệm cho sẵn, chàng đi Láng Thé rước mẹ, thế nào nội buổi chiều chàng cũng về tới.
Chánh Tâm lên xe hơi mà đi. Cái xe hơi nầy là cái xe của Cẩm Vân mướn đi Cần Thơ hôm nọ. Vì thằng Điệu đi mướn xe ấy nhiều lần, nó quen với sớp phơ nó đã nói trước cho sốp phơ biết mướn đi đâu và cho ai đi, bởi vậy Chánh Tâm lên xe thì sốp phơ mở máy mà chạy, không hỏi chi hết, xe xuống tới Mỹ Thuận, chiếc đò mắc ở mé bên kia sông nên phải đậu đó mà chờ một chút.
Con nhỏ bán quít bưng tràn quít xề lại mà mời Chánh Tâm mua. Đã năm năm rồi Chánh Tâm không có đút một múi quít vào miệng, nên chàng tính mua một chục ăn chơi. Chàng hỏi giá thì con nhỏ đòi 5 cắc. Sốp phơ nghe con nhỏ thách quá, thì nổi giận, nên trợn mắt nói rằng: “Thách giống gì mà quá tay vậy. Tao mới đi về hôm kia đây. Tao thấy mầy bán có 3 cắc rưỡi một chục, mà bữa nay mầy đòi 5 cắc. Mầy muốn dắt cổ người ta hay sao“
Sốp phơ day lại nói với Chánh Tâm rằng:
- Thưa thầy, thầy muốn mua thì trả cho nó 3 cắc rưỡi. Hôm kia tôi đi với cô về đến đây, tôi thấy cô mua của nó, cô trả có 3 cắc rưỡi mà thôi.
- Nếu vậy bữa nhà tôi cũng mướn xe của anh mà đi hay sao?
- Thưa phải. Cô đi xe tôi. Cô đi qua Cần Thơ ở chơi một ngày, tới chiều trở qua Trà Vinh thăm bà, ở ngủ một đêm rồi sáng bữa sau mới về.
- Có đi Cần Thơ nữa hay sao?
- Thưa, có chớ.
- Ở nhà tôi qua Cần Thơ làm giống gì kia?
- Thưa không biết.
- Qua đó ghé nhà ai.
- Thưa tôi không hiểu. Qua tới Cần Thơ hơn 10 giờ rồi. Cô biểu ghé nhà hàng cho cô điểm tâm, đậu đó mà chờ. Đến chiều cô trở lại rồi mới chạy qua Trà Vinh.
- Hồi ở nhà tôi trở lại đó, đi bộ hay là đi xe?
- Thưa, hồi cô trở lại cô đi xe hơi. Cô ngồi cái xe Dodge còn mới, có một thầy cao lớn, mặc đồ tây, cầm bánh đưa cô lại.
- Ai vậy kìa?
- Thưa, tôi không biết.
Chánh Tâm ngồi suy nghĩ, coi mặt không vui. Con nhỏ bán quít chịu bán ba cắc rưỡi một chục. Chánh Tâm mua quít trả tiền rồi, kế đò qua tới, nên sốp phơ đạp máy xuống đò.
Chánh Tâm thèm quít nên mới mua, mà mua rồi chàng lại lơ lửng không ăn, xe xuống tới Láng Thé mà chục quít cũng còn nguyên.
Bà Tổng Hiền ngồi trong nhà, thấy con đi vô cửa bà mừng quýnh lật đật đứng dậy, Chánh Tâm gặp mẹ chàng cũng mừng rồi chàng lại khóc mà thưa việc chị tự vận cho mẹ hay. Bà Tổng giận Tố Nga là giận theo chồng, chớ không phải bà ghét bỏ gì, bởi vậy bà nghe nói con gái chết thì khóc kể thảm thiết. Chánh Tâm hối mẹ sửa soạn đồ rồi mẹ con lên xe mà trở về Sài Gòn.
Lúc đi dọc đường, Chánh Tâm hỏi mẹ vậy chớ vợ chàng xuống hôm nào. Bà Tổng nói rằng, Cẩm Vân xuống hồi tối hôm kìa, rồi sáng hôm kia nàng về, Chánh Tâm suy nghĩ một hồi rồi hỏi mẹ nữa rằng:
- Nó có nói với má nó đi đâu nó ghé hay là ở trên Sài Gòn nó xuống?
- Nó ở trên Sài Gòn nó xuống, chớ đi đâu. Nó năn nỉ một đêm, xin rước tao lên trển. Tao giận con chị mầy nên tao không thèm đi, rồi nó về.
Gần 7 giờ tối xe mới về tới. Bà Tổng bước vô nhà, bà khóc kể rồi, bà lại mắng nhiếc Phùng Xuân một hồi, bà nói tại Phùng Xuân giết con bà chết. Phùng Xuân nín khe, không nói chi hết.
Ở nhà Cò bót đã lập vi bằng, quan Thầy thuốc cũng khám nghiệm rồi hết, nên trong nhà đương lo việc tẩn liệm lăng xăng.
Chánh Tâm nhắc ghế ra ngồi một mình trước cửa, mặt mày buồn hiu. Cách một lát, có người phát thơ đi vô, thấy Chánh Tâm ngồi đó, mới đưa một cái thơ cho chàng. Chánh Tâm cầm thơ mà coi, thì thấy ngoài bao thơ đề tên Cẩm Vân, mà con dấu sở điện tín lại đóng tại Cần Thơ. Chàng run tay, biến sắc, lật đật bỏ phong thơ vào túi rồi đứng dậy vô nhà. Đêm ấy trong nhà náo nức lộn xộn, chàng không nói chuyện gì với vợ được hết. Chiều bữa sau đám ma phát hành. Chánh Tâm đưa chị đến huyệt, rồi trở về lơ lơ lửng lửng như người không hồn. Bà Tổng sợ con mệt, nên bà biểu lên lầu mà nghĩ. Chánh Tâm cứ ngồi tại bộ ghế giữa đó hoài không đi nghỉ, mà cũng không nói tới ai hết.