Người ở đời chẳng có cái khổ nào cho bằng cái khổ ôm ấp hồ nghi trong lòng mà không nói ra được, nhứt là hồ nghi người mà mình yêu mến hơn hết đã không thương mình mà lại trộm gây tình với người khác.
Chánh Tâm không phải là một người trai có tật ghen bậy bạ, đụng đâu ghen đó bởi vì nếu chàng mang cái tật xấu ấy thì có thế nào chàng chịu để vợ ở nhà mà đi Tây rồi ở bển cho tới năm năm. Không, thiệt chàng không có cái tật ấy song chàng có hai cái tật khác, là thương yêu trìu mến vợ con hơn người con trai khác, với tật nóng nảy không chịu thua sút ai. Năm nọ vì giận tiếng thiên hạ chê không có bằng cấp, mà chàng đành tâm lìa mẹ với vợ con, quyết đi Tây học cho thành danh đặng họ hết chê cười ngạo bán nữa, nhưng mà chừng bước chơn xuống tàu, chàng quay đầu ngó lại vợ con, thì chàng đau đớn như ai dần gan, như cắt ruột. Trong mấy năm chàng ở Tây, chẳng có giờ rảnh mà không nhớ đến mẹ già, không tưởng đến vợ con. Có nhiều đêm chàng chiêm bao thấy vợ, chàng giựt mình thức dậy ngó quanh ngó quất chỉ có một bóng với một đèn, thì chàng buồn bực vô cùng, lấy hình vợ ra mà nhìn, rồi lụy tuôn lả chả. Tuy học thì chàng cần cố, song chàng cũng trông học cho mau rồi đặng có trở mà về, hưởng thú gia đình. Khi bước chơn xuống tàu tới Sài Gòn bước chân lên bờ, thì mặt mày chàng hân hoan, chắc ý rằng, từ nầy thiên hạ họ hết khinh khi, mà vợ con cũng khỏi cách biệt nữa. Chàng không đánh dây thép cho mẹ với vợ biết ngày chàng về, ấy là chàng muốn vô nhà thình lình đặng sự vui mừng nó nhiều hơn là cho gia quyến hay trước. Nào dè vừa bước chơn vô tới cửa, thì gặp cuộc bi thảm phi thường, thấy chị tự vận mà chết, xác còn nằm lạnh tanh, rồi chàng lại nghe vợ lén đi Cần Thơ, chừng về có một thầy đưa xe ra, sau lại có một phong thơ ở Cần Thơ gởi lên mà đề tên vợ rõ ràng nữa. Việc nhà đã không vui mà còn thêm muốn rối nữa, thế thì Chánh Tâm làm sao mà không lơ lơ lửng lửng cho được.
Vì trong nhà có đám tang trọn 2 bữa, Cẩm Vân mệt dừ, nên chôn Tố Nga rồi, tối mẹ con nàng đi ngủ liền. Chánh Tâm ngồi trân trân giữ nhà, biếng nói bặt cười, đến 10 giờ mẹ đi ngủ rồi, chàng mới chịu đi lên lầu. Chàng bước vô phòng thấy vợ con đương ôm nhau mà ngủ khò. Chàng đứng nhìn một hồi rồi sẽ lén dở mùng chun vô nằm ghé một bên.Tuy chàng nằm im lìm không cục cựa, song đêm ấy chàng nằm mơ màng đến sáng, không ngủ được tới một giờ đồng hồ.
Vừa tảng sáng, Cẩm Vân thức dậy, thấy chồng còn ngủ mới bước nhẹ nhẹ xuống giường mà đi rửa mặt. Chánh Tâm nằm lim dim giả ngủ, quyết rình coi tình ý vợ ra thể nào. Cẩm Vân đi rửa mặt rồi trở vô phòng, ngồi trên ghế mà nín thinh, không kêu chồng, mà cũng không mở cửa sổ. Gần 7 giờ Chánh Hội thức dậy, dòm trong mùng không thấy mẹ thì nó sợ, nên khóc ré lên. Cẩm Vân lật đật chạy lại bồng con, Chánh Tâm thấy con không triếu thì chàng thêm buồn, nên nhơn dịp ấy chàng cũng đi rửa mặt.
Chánh Tâm xuống lầu thì gặp mẹ đương rầy rà mắng nhiếc Phùng Xuân om sòm. Chàng lóng tai mà nghe thì chẳng việc chi lạ, bà Tổng cứ đổ tội cho Phùng Xuân, mà nói tại Phùng Xuân làm cho Tố Nga tự vận, Phùng Xuân không nhịn được chàng phản đối rằng:
- Má nói sao vậy? Tuy hồi trước vợ chồng tôi cắng đắng với nhau, mà mấy tháng nay vợ chồng tôi hoà thuận, với nhau lắm chớ. Vợ tôi nó muốn bày cuộc làm ăn nó tính để mượn má 20 ngàn đồng bạc lập hãng xe hơi. Má không cho, nó phiền, nên nó xúi tôi dắt nó đi ra Bắc mà ở. Má muốn từ nó, má ngăn cản, mà má cũng không chịu thấy mặt nó nữa, đến nỗi nó cậy con ba đi hai bữa, xuống ở năn nỉ má lên cho nó giáp mặt rồi nó xuống tàu, má cũng không thèm lên. Má làm như vậy cho nên vợ tôi nó tức mình nó tự vận, sao bây giờ má lại đổ lỗi cho tôi.
- Mầy là thằng khốn nạn, mầy muốn giựt của tao, mầy giựt không được, rồi mầy làm ngặt, mầy quyết bắt con tao phải xa tao. Nó tức mình nên nó chết, rồi bây giờ mầy giành phần phải về mầy há? Mầy phải đi ra cho khỏi nhà tao. Tao không muốn cho mầy thấy mặt tao nữa.
- Má cho ở thì tôi ở, còn như má đuổi thì tôi đi. Tôi có cần gì ở đây đâu!
- Vậy chớ tao lại cần mầy lắm hay sao? Đi đi cho mau, đi liền bây giờ.
- Đi thì đi. Để tôi góp đồ đạc, sửa soạn cho con tôi rồi tôi sẽ đi chớ.
- Tao không cho mầy rờ tới thằng Phùng Sanh.
- Ủa! Không cho sao được. Má đuổi tôi, thì cha con tôi đi. Má muốn bắt con tôi hay sao?
- Ừ, tao bắt.
- Có được đâu.
- Sao lại không được? Nó là cháu của tao, mẹ nó chết thì tao nuôi, mầy không phép bắt.
- Má nói sai luật. Nó là con của tôi, có khai sanh đủ lẽ, tôi bắt má giành sao được.
Bà Tổng không có lời nào mà cãi, nên ngồi nín khe, mà giận đỏ mặt. Lúc ấy Chánh Tâm rửa mặt rồi, nên ở trong bước ra. Phùng Xuân bèn nói rằng: “Má hỏi cậu ba đây coi tôi nói phải hay là nói bậy. Nãy giờ có lẽ cậu ba cũng nghe chớ? Má đuổi tôi ra cho khỏi nhà. Tôi vưng lời tôi đâu dám cự. Mà tôi đi, tôi dắt con tôi theo đặng tôi nuôi, má lại ngăn cản, má muốn giành má nuôi. Giành sao đặng? Con tôi có khai sanh hẳn hòi. Cha đâu thì con đó, chớ tôi nỡ nào lìa nó cho đành“.
Chánh Tâm lấy một điếu thuốc mà hút rồi nói rằng: “Như má không cho anh hai ở đây nữa, mà ảnh còn nghĩ bụng má, ảnh để Phùng Sanh lại cho má nuôi thì tốt. Còn như ảnh không chịu để nó lại cho má, ảnh quyết bắt nó, thì má phải chịu, chớ má có phép nào mà giành Phùng Sanh với ảnh cho được“.
Bà Tổng châu mày, coi bộ bà giận lắm. Cách một hồi lâu bà vùng nói lớn lên rằng: “Thôi, mầy muốn đem nó đi đâu mầy đem phứt đi cho. Nó cũng một giòng khốn nạn, tao không thèm giành chi đâu“.
Phùng Xuân ngoe ngoảy đi sắp áo quần vô rương, mượn thằng Điệu đi kêu giùm một cỗ xe kiếng, rồi xốc lại bồng con mà đi. Phùng Sanh tuy còn thơ ngây, không hiểu việc gì, song lúc Phùng Xuân bồng nó đi lại đốt nhang cắm trên bàn thờ Tố Nga, rồi từ giã Bà Tổng với vợ chồng Chánh Tâm mà bước ra cửa, thì nó ré lên, làm cho mấy người trong nhà thảy đều rơi nước mắt.
Phùng Xuân đi rồi, bà Tổng vì nỗi giận rể, nhớ con, thương cháu, bà tức tửi trong lòng, nên bà nằm dàu dàu. Chánh Tâm đã buồn, mà thấy việc nầy càng buồn thêm nữa nên chàng thủng thẳng đi lên lầu mà nằm. Cách một lát Cẩm Vân lên phòng, thấy chồng buồn hiu thì nàng nói rằng: “Anh hai ảnh ngặt quá! Ảnh không có nhà cửa chi hết, ảnh bắt thằng nhỏ đây, chi khỏi ảnh bỏ bò lăn bò lóc41 tội nghiệp nó. Ảnh để nó lại đây cho mình nuôi, lại hại gì hay sao?“
Chánh Tâm không trả lời, nhưng mà chàng ngồi dậy rồi đi lại đứng dựa cửa sổ, chàng ngó xuống vườn một lúc rồi day lại nói với vợ rằng:
- Buồn quá! Tưởng là về nhà vui vẻ, té ra về càng thêm khổ. Tôi muốn bỏ nhà đi chơi ít bữa.
- Mình tính đi đâu?
- Đi bậy đi bạ trong lục tỉnh, chỗ nào cũng được.
- Ờ, mình có buồn thì đi cho khuây lãng.
- Họ nói Cần Thơ, Rạch Giá bây giờ mở mang tốt lắm. Để đi miệt đó chơi. Thuở nay mình có đi xuống hai tỉnh đó lần nào chưa?
Cẩm Vân châu mày xây mặt chỗ khác rồi đáp nhỏ nhỏ rằng: “Chưa“. Chánh Tâm liếc mắt thấy bộ vợ như vậy thì mặt chàng đổi sắc, tay chàng bắt đầu run chàng ngó ngay vợ mà hỏi rằng:
- Mình muốn đi chơi với tôi không?
- Má đương buồn rầu, dắt nhau đi hết rồi bỏ má một mình sao?
Nàng nói tới đó kế Chánh Hội ở dưới cầu thang lầu kêu má om sòm. Nàng lật đật đi xuống. Chánh Tâm ngó theo vợ mà cặp mắt lườm lườm.
Thiệt quả rồi! Sự nghi của mình chắc là trúng lắm. Vợ mình có tư tình với người nào ở dưới Cần Thơ đây chớ gì. Hôm trước chị mình mượn nó về Láng Thé rước mẹ, nó thừa dịp ấy chạy thẳng qua Cần Thơ mà cho người tình nó hay rằng, mình về gần với, rồi sắp đặt mưu kế chi với nhau đó, nên nó về rồi thằng đó mới gởi thơ lên đây. Nếu không phải như vậy thì sao sốp phơ lại nói khi nó trở ra xe mà về, có thằng nào đưa nó đó? Nếu nó có việc ngay thẳng buộc phải đi Cần Thơ, sao nó lại giấu mình làm chi? Nếu nó không có ý gì riêng, sao nó có đi Cần Thơ mấy bữa rày, mà bây giờ mình hỏi nó biết Cần Thơ hay chưa, nó lại nói chưa biết? À há! Con nầy là đồ hư! Chồng đi du học ở nhà nó lén lấy trai! Khốn nạn lắm! Nó giết mình!
Chánh Tâm nghĩ như vậy rồi tay chơn run bây bẩy, mặt mày tái xanh cặp mắt đỏ au, lỗ tai lùng bùng. Chàng ngồi bẹp trên ghế thò tay vào túi trong, móc phong thơ bắt được bữa trước ra mà coi. Chàng đọc ngoài bao thì quả đề tên Cẩm Vân, coi con dấu thì quả là ở Cần Thơ gởi lên, nhìn tuồng chữ viết thì chữ viết cứng cỏi lắm. Chàng muốn xé phứt bao thơ mà đọc thử coi thơ nói chuyện gì, song chàng dợm bao thơ hai ba lần mà rồi chàng không dám xé, vì chàng nghĩ lại nếu xé ra mà thiệt quả thơ nầy là thơ tình của người ta gởi cho vợ mình, thì còn gì là vợ chồng, bao nhiêu thương yêu vợ xưa nay tan rã như bọt nước hết, thì mình phải chết, chớ sống sao cho được nữa! Chàng bỏ phong thơ vào túi, đi đóng cửa phòng ại, rồi nằm co trên giường mà khóc. Cái gối của Cẩm Vân nằm nó bay mùi phản phất làm cho Chánh Tâm càng thêm áo não, càng thêm ứa gan. Cái mùi thơm nầy là mùi của riêng mình hưởi, mà có lẽ đã có chia cho người khác hưởi nữa rồi!
Gần 11 giờ, Cẩm Vân mắc coi cho con Lại dọn cơm nên nàng sai con Nên lên sầu mời chồng xuống ăn cơm. Chánh Tâm lau nước mắt đi xuống, ngồi lại bàn ăn. Bà Tổng lấy xâu chìa khóa mà đưa cho chàng và nói rằng: “Má giao chía khoá đây con giữ, má không giữ nữa. Má bị chuyện nầy chuyện nọ nó đập tới hoài, bây giờ má lộn hồn lộn vía, để má giữ đây má làm mất đa”.
Chánh Tâm lấy xâu chìa khoá mà bỏ vào túi, rồi ngồi ăn cơm không dám ngó vợ con, mà cũng không nói chuyện với mẹ. Chàng chan canh chua lùa riết cho hết chén cơm rồi đứng dậy. Trời nắng chang chang, mà ăn cơm rồi chàng thay đồ và kêu xe kéo mà đi. Bà Tổng hỏi chàng đi đâu thì chàng đáp cụt ngủn rằng: “Đi bậy chơi“.
Xe kéo chạy vô vườn bách thú, Chánh Tâm leo xuống trả tiền xe, rồi kiếm một cái băng mát mẻ vắng vẻ mà ngồi. Ai khéo khiến xuôi cũng kỳ, chàng không cố ý, mà chừng ngồi yên nơi rồi chàng coi lại thì năm trước lúc mới gặp Cẩm Vân chàng đi theo Tố Nga với Cẩm Vân vô dạo vườn bách thú, ba người cũng ngồi lại cái băng nầy, mà ngày trước ngồi thì thơ thới trong lòng, còn bây giờ ngồi lại gan sầu ruột thắt.
Lúc trưa, trong vườn vắng teo, thú nằm ngơi nghỉ, chim đứng lim dim, mấy nẻo đường chẳng thấy dạng người đi chơi, duy có trên ngọn cây gió thổi nhánh oặt oà, oặt oại. Chánh Tâm ngồi, hai cánh chỏ chống hai đầu gối, hai bàn tay ôm cái trán mà suy nghĩ một hồi lâu mới lấy phong thơ của Cẩm Vân ra mà lo le muốn xé mà rồi tại không chịu xé. Danh giá của vợ mình ở trong bức thơ nầy, mà hạnh phúc hay là sầu não của mình cũng ở trong bức thơ nầy! Phải mở bức thơ ra mà đọc cho rõ ràng hắc bạch, hay là phai xé tan xé nát mà bỏ đi, cứ tin bụng vợ như cũ, đặng cho mối tình chung khỏi rối, đạo cang thường khỏi hư? Có hai lẽ đó mà Chánh Tâm ngồi suy nghĩ cho đến tối cũng chưa biết lẽ nào phải, lẽ nào quấy.
Đèn khí các nẻo đường bựt ra sáng hoắc, Chánh Tâm thủng thẳng đi bộ mà về nhà, hai tay thọc túi quần tây, mặt cuối xuống đất, cứ đếm bước mà đi, không thèm ngó vật chi hết. Chàng bước vô thềm thì đồng hồ gõ 7 giờ. Bà Tổng hỏi rằng: “Con đi chơi ở đâu mà về tối dữ vậy? Ở nhà chờ quá, nên đói bụng“. Chánh Tâm không trả lời cứ đi cất nón.
Bà Tổng biểu ăn cơm rồi thay đồ. Chàng vưng lời ngồi lại bàn ăn, mà chàng nuốt cơm cũng như nuốt cây, không biết mùi chi hết.
Ăn cơm rồi bà Tổng đi ngủ liền. Cẩm Vân cũng bồng Chánh Hội lên lầu mà dỗ ngủ.
Chánh Tâm còn mặc đồ đi chơi trưa chớ chưa chịu thay, cứ đi qua đi lại trước rửa hoài. Trong trí chàng cũng cứ hỏi hai câu đó: “Phải đọc thơ hay là xé thơ mà bỏ“. Nếu đọc thơ rồi mà không phải là thơ tình thì biết liệu làm sao? Nếu xé thơ mà bỏ, đừng thèm nghi chi hết, cứ thương vợ như cũ, làm như vậy thì tạm yên tâm mà thôi, vì trong bụng vẫn phải nghi hoài, mà tình vợ chồng nếu có lộn xộn một chút nghi, thì làm sao mà thương yêu cho được.
Chánh Tâm cũng cạn suy nghĩ rồi chàng nhứt dịnh phải mở thơ ra mà coi dầu ngay gian cũng phải biết phức cho rồi, không thể ôm ấp hồ nghi lâu nữa được. Chàng trở vô nhà, đóng chặt mấy cửa lại, rồi kéo ghế xích đu lại dưới ngọn đèn mà nằm. Chàng thò tay vào túi lấy phong thơ ra, tay run, mặt tái, thủng thẳng xé bao mà rút ra lá thơ. Chàng đọc thơ vầy:
Cần Thơ, le 15 September năm 192..
Chère Cô Hai
Cô thương chồng hơn thương tôi, cô không chịu bỏ chồng mà kết bạn trăm năm với tôi! Tình ân ái của đôi ta bấy lâu nay tôi tưởng sâu hơn biển, nặng hơn non, chẳng dè bây giờ cô làm cho tan như mây, tiêu như mây khói.
Thôi, phận vô duyên nầy đành ôm bụng mà chịu. Vì tôi quá yêu cô, nên tôi không dám cãi lời. Tôi chỉ xin cô biết giùm cho tôi rằng, dầu không thương tôi, chớ tôi cũng không thể dứt tình với cô được, tôi thề quyết trọn đời không cưới vợ, cứ ôm tình mà đợi cô hoài, có lẽ một ngày kia cô nghĩ lại nên gần tôi hơn là gần chồng, thì chừng ấy tôi sẽ liều thân danh, liều sự nghiệp mà làm cho cô nếm chát chút đỉnh mùi hạnh phúc với đời.
Còn chút con của mình đó, tuy theo luật thì tôi không được làm cha, song nó là máu thịt của tôi. Cái dấu tích ân ái của đôi ta chỉ có bao nhiêu đó với mấy bức thơ mà thôi. Thơ thì tôi xin giữ, còn con nếu không có việc chi ngăn cản, thì tôi xin cô giao lại cho tôi. Nếu không thể giao nó cho tôi được, thì tôi xin cô nuôi dưỡng dạy dỗ giùm, song cô nhớ mà dạy cho nó biết ngọn nguồn chút đỉnh.
Thôi ước ao bức thơ nầy không phải là bức thơ chót và tôi trông mong lúc vắng vẻ một mình cô nhớ đến chút lòng thành của người hữu tình mà vô duyên là thằng:
TRỌNG QUÍ
Chánh Tâm đọc dứt thơ rồi, mồ hôi ra ướt áo, mắt đổ hào quang tay chơn rum bây bẩy. Chàng không còn trí mà xét việc chi nữa hết, chỉ biết rằng, vợ mình đã lấy người ta, thằng con nhỏ đó không phải là con của mình. Tánh chàng nóng nảy mà tình chàng đối với vợ lại nặng oằn. Hồi trước thương vợ bao nhiêu, bây giờ oán vợ cũng bấy nhiêu. Chàng và tức và giận, không thể dằn lòng được, nên cầm bức thơ xốc xốc đi lên lầu.
Cẩm Vân dỗ con ngủ rồi, nàng còn lim dim, có ý đợi chồng; nghe tiếng giày nước lên thang trong bụng mừng thầm. Chẳng dè Chánh Tâm xô cửa phòng một cái rầm, chàng chạy vô khoát màng rồi nắm đầu vợ mà kéo mạnh quá, làm cho Cẩm Vân té lăn cù dưới đất. Cẩm Vân kinh hãi vụt la lớn lên rằng: "Trời đất ôi! Mình làm giống gì vậy?“ Chánh Tâm không thèm nói chi hết, cứ tay thoi vô mặt, chơn đá vô hông vợ. Cẩm Vân la nữa rằng: "Trời đất ơi! Chết tôi còn gì. Má ôi! Má cứu tôi! Bớ má!“ Chừng ấy Chánh Tâm mới nói rằng: "Tao giết mầy chết, rồi Toà có chém tao thì chém. Đồ đĩ. Có chồng mà còn rượng đi lấy trai. Mầy muốn giết tao, thì tao phải giết mầy lại“. Chàng vừa nói vừa đánh hoài.
Bà Tổng đương ngủ, bà nghe lụi hụi trên lầu, lại nghe tiếng Cẩm Vân la, bà không biết có việc chi, nên lật đật chạy lên, bà bước vô phòng thấy con đương đánh đạp dâu, bà kéo Chánh Tâm và nói rằng: "Làm giống gì dữ vậy hử? Có việc gì thủng thẳng mà nói chớ“
Chánh Tâm buông vợ ta, mà nói với mẹ rằng: .
- Nó là con đĩ, bây giờ tôi mới biết đấy.
- Sao vậy?
- Nó trai gái với thằng nào ở dưới Cần Thơ không biết. Trai gái lâu rồi, có lẽ trước khi tôi cưới nó lận. Tôi bắt được thơ có bằng cớ rõ ràng đây.
Chánh Tâm vừa nói vừa phành bức thơ cho mẹ thấy. Chừng ấy Cẩm Vân mới hiểu nên rán ngóc đầu dậy mà nói rằng: "Trời ôi! Chị hai chớ có phải tôi đâu? Sao mình không hỏi đi hỏi lại, để mình nghi mà đánh tôi? Chết tôi còn gì!“
Bà Tổng xưa nay không yêu dâu, bà nghe nói nó lấy trai thì bà đã giận rồi, bây giờ bà nghe nó đổ tội cho con gái yêu của bà thì bà càng giận nó hơn nữa, nên bà nạt rằng: "Đồ hư, đồ thúi! Tội lấy trai đã chan nhản, còn chối giống gì. Mầy thấy con tao chết rồi, mầy đổ tội cho nó há! Con gái tao nó tử tế, chớ có phải dòng đĩ như mầy đâu. Đồ khốn kiếp“.
Chánh Tâm tiếp với mẹ mà nói rằng:
- Mầy không lấy trai, tao hỏi mầy vậy chớ hôm trước chị hai biểu mầy đi rước má mầy lén mầy đi Cần Thơ làm gì?
- Chị hai biểu tôi đi.
- Chị hai nào biểu? Nếu thiệt chị hai biểu, sao hổm nay mầy giấu tao, mầy giấu cho đến nỗi tao hỏi mầy thử coi mầy biết xứ sở Cần Thơ hay chưa, mầy nói "chưa“ mà mặt mầy khác sắc.
- Tôi giấu vì sợ mình biết việc riêng của chị hai rồi mình buồn rầu, mà tôi cũng sợ xấu hổ cho chị hai nữa.
- Mầy đừng có lẻo mép. Thơ gởi đề tên mầy rõ ràng, mầy còn chối gì được. Mà mầy thứ hai, nên thơ cũng kêu mầy là "cô hai“ đây.
- Vì có anh hai ở nhà, sợ đề tên chị hai rồi anh hai ảnh lấy đi, nên người ta gởi cho tôi đặng tôi đưa cho chỉ.
- Mầy đừng có kiếm cớ mà chữa tình. Tao tin không đước đâu.
Bà Tổng bước lại gần mà nói vô rằng: "Thôi thôi! Đừng có nói nhiều chuyện. Tao biết mưu kế của mầy rồi. Con tao chết, bây giờ nói giống gì nữa, còn có đâu mà cãi. Ê! Đồ đĩ thúi! Chồng đi học, ở nhà xược đi lấy trai! Tốt mặt dữ! Vậy mà làm bộ tử tế chớ“.
Chánh Tâm đứng ngó vợ mà mặt hầm hầm muốn đánh nữa. Bà Tổng kéo chàng biểu xuống dưới, đừng thèm nói tới Cẩm Vân nữa. Chánh Tâm mới nói rằng: "Nội đêm nay mẹ con mầy phải đi ra khỏi nhà tao. Sáng mai mà tao còn gặp mặt mầy nữa thì tao giết mầy chết“. Chàng nói rồi liền bỏ đi theo mẹ mà xuống. Lúc xuống thang lầu, bà Tổng nói rằng: "Hồi trước má nói con không nghe lời; bây giờ con coi có quả như lời má nói hay không? Thứ con chệch khách mà tử tế giống gì". Chánh Tâm nghe càng thêm đau đớn trong lòng, nên chàng không nói tiếng chi nữa được.
Bà Tổng đi lại bộ ván, rồi vặn đèn lên ngồi mà ăn trầu. Chánh Tâm đi thay đổi áo quần rồi cũng đi lại ván kéo gối mà nằm. Chàng day mặt vô vách, gác tay qua trán mà khóc. Bà Tổng nghĩ tới gia đình lộn xộn, con gái mới tự vận mà chết, cháu ngoại với bị thằng rể bất nghĩa bắt đi, bây giờ con dâu lại sanh tâm lấy trai nữa. Bởi vậy cho nên bà áo não trong lòng, bà thấy Chánh Tâm khóc bà cũng khóc theo.
Hai mẹ con kẻ ngồi, người nằm trót hai giờ đồng hồ, không ai nói tới ai hết. Đêm đã khuya rồi, trong nhà im lìm, ngoài đường vắng tiếng xe chạy, bà Tổng mới đứng dậy nói rằng: "Thôi, con đừng buồn vô ích, bỏ nó đi. Đồ hư mà kể nó làm gì. Con vô phòng bên kia mà ngủ, rồi sáng mai đi về Láng Thé với má“. Chánh Tâm nói rằng: "Má đi nghỉ đi, để con nằm đây cũng đặng.“
Bà Tổng đi ngủ rồi, Chánh Tâm bước lại tắt đèn. Chàng nằm co trên ván, tức giận muốn bể cài ngực. Lấy dao lên đâm vợ đâm con chết cho khuất mặt, mà giết chúng nó rồi, cái xấu của nhà mình cũng không hết, cái rầu trong lòng mình cũng không nguôi. Tự vận mà chết phứt cho hết rầu buồn, mà mình chết rồi bỏ mẹ càng thêm sầu não nữa. Bỏ vợ mà đi cưới người khác đặng lập gia thất lại biết cưới ai bây giờ, vợ mình đã thương rồi mà còn không ra gì, cưới người ta chưa thương thì sao chắc họ tử tế được. Nay mình biết rõ Chánh Hội không phải là con của mình, bây giờ mình liệu làm sao đây? Còn vợ mình nó báo hại, mình kế nào mà rửa hờn?
Chánh Tâm suy nghĩ tới đó, bỗng nghe lộp cộp tại cửa sổ. Chàng xây mặt lại mà dòm thì không thấy chi hết, song nghe phía ngoài có tiếng vo vo, chàng nằm lặng lẽ để coi ai làm việc gì. Cách chừng nữa giờ đồng hồ, thì thấy có một người đứng ngoài, lẽ lén nhắc hai cánh cửa sổ, rồi đút đầu vô mà dòm. Cửa sổ ấy làm ngay bộ ván chỗ Chánh Tâm nằm, vì không có song sắt, nên hễ lấy hai cánh đi rồi thì cái lỗ chàng bạc42. Chánh Tâm biết ăn trộm, song chàng nằm êm ru để coi nó làm sao.
Thằng ăn trộm dòm vô một hồi rồi nhẹ nhẹ chun vô. Nó leo lên bộ ván có lẽ nó ngó thấy Chánh Tâm nằm, bởi vậy nó lết lại đầu đàng kia rồi sửa soạn bước xuống đất. Chánh Tâm vùng đứng dậy trên ván rồi nhảy tới đạp trên lưng nó một đạp bạnh quá nên nó té sấp nằm dài dưới gạch, cái dao cầm trong tay văng ra xa lắc, Chánh Tâm ở bên Tây mấy năm nhờ tập thể thao nhiều, nên sức lực mạnh, mà lại day trở lẹ làng lắm. Chàng thấy ăn trộm té thì liền nhảy theo, một cẳng đạp trên bưng , một tay nắm cần cổ mà đè. Thằng ăn trộm miệng thở è è, mà nằm xỉu cò không cựa quậy.
Chánh Tâm để coi nó làm sao. Cách một lát nó nói nhỏ rằng: "Tức cái ngực tôi quá. Xin cậu buông tôi ra làm phước. Tôi chạy không được đâu mà cậu sợ“. Chánh Tâm buông nó ra, bước lại lấy con dao rồi vặn đèn khí bựt lên.
Thằng ăn trộm thủng thẳng ngồi dậy, hai tay ôm cái ngực, hai lỗ mũi chảy máu đỏ lòm. Chánh Tâm cầm dao đứng hồm sẵn, đặng hễ nó làm dữ thì cự, hoặc nó muốn chạy thì bắt. Thằng ăn trộm ngồi rán và nói rằng: "Lạy cậu làm phước tha tôi, vì tôi nghèo quá nên phải đi làm bậy. Vợ tôi đương đau nặng, nếu cậu bắt bỏ tù tôi, vợ tôi không ai nuôi, chắc nó chết.“
Chánh Tâm coi kỹ thằng ăn trộm tuổi trên bốn mươi, râu le the, vóc trung trung, mặt mày hung ác lắm. Chàng thấy mặt mũi nó chảy máu đỏ lòm, rồi lại nghe nó than mấy lời nữa, thì chàng hết giận. Chàng nghĩ quân bất lương mà vì vợ nó thương nó, nên nó đi ăn trộm về mà nuôi, còn mình đây giàu có tử tế, muốn làm cho vợ sang trọng, mà nó lại không thương mình, bỏ đi lấy người khác. Cuộc đời đen trắng, nghĩ bắt nực cười. Vợ mình không thương mình thì mình phiền. Còn thằng nầy vợ nó thương nó, thì mình phải mừng dùm cho nó chớ.
Chàng nghĩ như vậy rồi bước lại nói nhỏ thằng ăn trộm rằng:
- Mầy muốn tao tha thì tao tha. Mà mầy phải nghe lời tao; tao biểu làm sao mầy phải làm y như vậy.
- Thưa cậu, cậu biểu làm việc gì tôi cũng làm hết thảy.
- Mầy phải lãnh một đứa nhỏ nuôi làm con thì tao mới tha mầy.
- Thưa cậu, vợ chồng tôi nghèo quá, nuôi con nuôi làm gì. Cơm gạo đâu có cho nó ăn chớ.
- Tao cho mầy tiền bạc mà nuôi nó.
- Nếu có vậy thì được.
- Mà tao buộc mầy phải dạy nó cách nào đặng chừng nó khôn lớn, nó đi làm du côn. Hoặc nó đi ăn trộm ăn cướp như mầy vậy.
- Thưa, đứa nhỏ đó mấy tuổi ?
- Chừng năm tuổi.
- Thưa được. Tôi chịu. Dạy nó làm như tôi thì không khó gì đâu.
- Tao còn buộc mầy một điều nữa. Mầy phải dấu, đừng nói gốc tích thằng nhỏ đó cho ai biết. Mầy cũng không được ở lẩn quẩn miệt nầy. Mầy phải đem nó đi xa đặng khỏi ai thấy nó.
- Tôi nghèo quá cậu, có tiền bạc đâu mà đi xa được.
- Tao cho tiền.
- Thưa được.
- Thôi, mầy ngồi trên ván đây mà chờ tao để tao đi bồng thằng nhỏ tao giao cho.
Thằng ăn trộm rán đứng dậy đi lại ván mà ngồi. Chánh Tâm bước vô trong, mở tủ sắt lấy 3 tấm giấy săn43 mà bỏ vô túi, rồi đi cẳng không mà lên lầu. Chàng bước vô phòng thấy vợ nằm nghẻo đầu dưới đất, tóc tai rối nùi, mặt mũi sưng vù, cặp mắt nhắm híp, còn Chánh Hội thì nằm trong mùng ngủ khò, gương mặt phương phi, cườm tay tròn vo, bàn chơn trắng nõn. Chàng sẽ lén choàng tay nhẹ nhẹ mà bồng Chánh Hội ra khỏi mùng, day lại ngó Cẩm Vân, rồi bước riết ra phòng.
Chánh Hội ngủ mê nên không hay chi hết. Xuống tới bộ ván, Chánh Tâm biểu thằng ăn trộm bước ra ngoài cửa sổ, rồi chàng vói mà trao Chánh Hội cho nó bồng. Thằng ăn trộm ngó Chánh Hội và hỏi Chánh Tâm rằng:
- Thằng nhỏ tốt quá! Con của ai vậy?
- Mầy không cần biết làm chi. Đây tao cho mầy ba trăm đồng bạc, đặng mầy tập cho nó cho thành du côn ăn cướp. Thôi đi đi.
Chánh Tâm đưa 3 tấm giấy săn cho thằng ăn trộm cầm. Thằng ăn trộm mừng quá, nó muốn đi, mà nó còn hỏi thêm rằng:
- Thằng nhỏ tên gì ?
- Mầy muốn đặt tên gì thì mầy đặt lấy.
- Thằng ăn trộm cười và cúi đầu bái biệt rồi bồng Chánh Hội đi mất. Chánh Tâm trở lên lầu, ngồi tại bàn viết mà viết một bức thơ, niêm lại tử tế rồi cầm đi xuống.
Đồng hồ gõ 4 giờ Chánh Tâm kêu thằng Điệu thức dậy, biểu nó đi mướn một cái xe hơi đặng đi Trà Vinh. Chàng lại kêu luôn mẹ thức dậy nữa rồi mẹ con gom góp vàng bạc áo quần bỏ vô một cái rương.
Xe hơi đem lại đậu ngay cửa. Thằng Điệu vác rương đồ đem ra xe. Chánh Tâm móc túi đưa cho nó một phong thơ và dặn rằng: "Sáng mai vợ tao thức dậy, mầy đưa thơ nầy cho nó rồi biểu nó phải ra khỏi nhà lập tức. Tao không cho nó ở đây nữa. Nhớ nói y như lời tao dặn đa, nghe, nghe hôn".
Mẹ con Chánh Tâm dắt con Nên lên xe rồi thì sốp phơ đạp máy chạy tuốt.