Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Truyện Dài >> Lời Của Hoa

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 8492 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Lời Của Hoa
Trân Trân

Chương 1

Sáng nay ông Sĩ Nhân dậy muộn, vì tiết trời đột ngột thay đổi làm cơ thể ông uể oải.
Nhìn đường xá đông nghịt những xe, ông khẽ lắc đầu đưa tay nhìn đồng hồ rồi bảo gã tài xế:
− Chà! Ráng tránh giờ cao điểm nhưng cũng không khỏi.
− Dạ. Không sao, qua hết đoạn đường này tôi sẽ chạy sang đường nhánh ít xe hơn.
Bác tài vừa đáp dứt câu bỗng nhiên chiếc xe đạp từ bên lề phải đâm ra chờn vờn trước đầu xe du lịch. Bác tài xế giật mình đạp thắng né tránh làm ông Sĩ Nhân mất thăng bằng ngã chúi về phía trước.
Không dằn được nóng nảy, bác tài xế thò đầu ra hét:
− Cái cô kiạ. Bộ muốn hốt xác hả?
Cô gái đi xe đạp e dè cúi mặt, tỏ ra biết lỗi.
Ông Sĩ Nhần lầu bầu:
− Chạy xe mà lơ đãng kiểu đó chắc về chầu Diêm Vương sớm.
− Dạ..... chẳng những hại mình mà còn làm luỵ đến người khác nữa.
− Ừm ! Đúng rồi. Thôi đường vắng xe rồi, tranh thủ đến công ty sớm đi chú. Bữa nay tôi có hẹn để phỏng vấn những người xin việc.
Bác tài gật nhẹ rồi tăng ga vọt nhanh. Chẳng mấy chốc đến nơi, bước vào văn phòng giám đốc, ông Sĩ Nhân đã thấy có vài người ngồi đợi.
Không để họ chờ lâu, ông lần lượt gọi vào. Sau khi tìm hiểu khả năng và kiến thức chuyên môn của đối tượng. Ông Sĩ Nhân chọn được hai thanh niên tốt nghiệp đại học để làm việc văn phòng. Những người khác đều thất vọng vì bị từ chối nên đành ra về.
Xong cuộc phỏng vấn, ông Sĩ Nhân ngả mình ra ghế dựa thoải mái châm điếu thuốc. Nhưng chưa kịp rít hơi nào đã có người chạy vô báo cáo:
− Thưa giám đốc ! Có một cô gái tới trễ xin được gặp ông để được phỏng vấn.
Ông Sĩ Nhân nhăn mặt gắt gỏng:
− Nói với cô ta, hết giờ rồi, về đi!
Bác bảo vệ đáp:
− Dạ tôi đã nói vậy rồi mà cô ấy vẫn cứ năn nỉ.
− Anh cứ bảo tôi đã chọn được người đạt đúng tiêu chuẩn rồi. Đừng có ỉ ôi vô ích.
Bác bảo vệ dạ nhỏ quay ra.
Tưởng đã rảnh nợ, ai ngờ vài phút sau gã lại trở vô:
− Thưa xếp ! Cô ta nhất định không chịu đi, nằng nặc xin được vào gặp mặt xếp.
Ông Sĩ Nhân định quát bác bảo vệ, bỗng thấy cô gái nối bước theo sau, sẵn trớn ông nạt lớn:
− Đã bảo chọn được người rồi, cô còn vào đây làm gì nửa. Hừ... đi phỏng vấn mà giờ này mới tới.
Cô gái nhỏ nhẹ:
− Dạ..... tại cháu đi xe đạp, đường phố lại đông xe vì nhằm giờ cao điểm. Mong giám đốc thông cảm.
Ông Nhân ngó cô gái chăm chú, đột nhiên ông hỏi:
− A ! Có phải lúc nảy khi không cô đâm sầm vào đầu xe du lịch đúng không?
Cô gái lấm lét ngó ông, khẽ gật:
− Dạ.... tại cháu quá lo xa, sợ lần phỏng vấn này bị từ chối nữa nên tinh thần không tập trung ạ.
− Ừm ! Suýt chút nửa cô bị cán dẹp lép như con tép, còn tôi thì cũng bị vạ lây. Lần sau, nhớ khi ra đường phải cẩn thận một chút.
Nghe giọng ông dịu hẳn đi, cô gái chợt hy vọng:

-         Thưa giám đốc ! Lỗi bất cẩn ấy cháu xin nhận. Hôm nay cháu tới đây với tất cả lòng mong đợị....
Ông Nhân gật đầu cắt ngang:
− Tôi hiểu ! Nhưng công ty chỉ cần hai người thôi, nhận đủ số rồi. Cháu nên đến nơi khác − Cháu đã đi khắp cả chẳng còn thiếu chổ nào, nhưng điều bị từ chối. Thưa giám đốc, cháu có thể làm mọi công việc không nhất thiết ngồi văn phòng. Miễn đồng lương khá là cháu sống được.
Ông Sĩ Nhân nhìn cô:
− Tạp dịch, lao công cháu làm không?
Cô gái hăng hái gật đầu:
− Vâng ! Cháu không kén đâu, đó cũng là công việc lương thiện mà.
− Ừ! Cháu học đến đâu?
− Dạ vừa tốt nghiệp phổ thông ... Có bằng vi tính văn phòng, có bằng A Anh văn..... Ông Sĩ Nhân bật cười:
− Trình độ chỉ ngần ấy thì thấm tháp gì. Thời nay hàng khối người tốt nghiệp đại học, đủ thứ bằng cấp mà vẫn còn ngồi chơi xơi nước đấy. Việc làm khó tìm lắm.
Ngừng một chút ông hỏi tiếp:
− Thế còn gia đình quê quán của cháu?
Co gái đáp giọng buồn buồn:
− Quê cháu ở tận Di Linh. Mẹ đã mất, chỉ còn người cha và một số anh trai.
− Như vậy cháu là con gái út, được cưng nhiều rồi?
− Dạ không đâu, ngược lại cháu bị gia đình ghét bỏ.
Ông Nhân trừng mắt:
− Sao lại thế?
− Tại vì khi sinh cháu, mẹ cháu phải bị giải phẩu . Cuối cùng vì yếu sức mẹ cháu đã chết, gia đình đổ tội do cháu tất cả.
Nghe qua ông Nhân có vẻ cảm động khi đôi mắt cô gái ươn ướt, bỗng dưng ông muốn giúp đỡ:
− Nãy giờ nói chuyện mà tôi vẫn chưa biết được tên cháu?
− Dạ..... cháu tên Thuý An
− Ừm ! Bây giờ tôi hỏi cháu hãy trả lời cho thành thật . Nếu có một công việc cho cháu nhưng không phải ở công ty này mà là một nơi khác, cháu có đồng ý nhận không?
Thuý An đáp ngay:
− Dạ nhận ! Miễn công việc ấy không quá sức của cháụ.. Thưa, nơi ấy là đâu ạ?
Ông Sĩ Nhân không ngần ngại:
− Ở nhà của tôi!
Thúy An ngạc nhiên:
− Dạ..... sao lại nơi đó?
Ông từ tốn bảo:
− Cháu nghe cho rõ đây .... Tôi có đứa con trai không may gặp tai nạn bị chấn thương cột sống nên phải ngồi xe lăn. Vì mặc cảm thương tật nên nó thay đổi tính tình. Tôi nghĩ cháu có thể giúp tôi nhận lời chăm sóc an ủi nó, để nó vui vẻ mà sống.
Thúy An nhè nhẹ thở ra:
− Nhưng cháu chưa từng làm công việc ấy bao giờ. Cháu sợ mình sẽ không tròn trách nhiện.
− Không đâu ! Nãy giờ tiếp xúc với cháu, tôi biết cháu có thừa khả năng. Ở cháu tôi thất toát ra một ý chí kiên cường rất mực, khiến tôi tin tưởng.
Thuý An cắn môi suy nghĩ:  "Công việc tuy khó khăn đòi hỏi phải có nghị lực phi thường. Nhưng nếu từ chối thì liệu cô có còn cơ hội nào nữa hay không?" Trong khi Thuý An đắn đo, chưa dứt khoát tư tưởng thì ông Nhân thúc giục thêm:
− Với hoàn cảnh hiện tại cua cháu, tôi nghĩ cháu nên nhận lời vì ngoài số lương hậu hỉnh cháu còn có nơi để ở, có cơm ăn mỗi ngày mà không mất tiền, công việc ấy lại là việc lương thiện nữa.
Sau một hồi suy nghĩ, Thuý An can đảm gật đầu:
− Vâng ! Cháu đồng ý ! Xin cho cháu thử việc một tháng.
Ông Nhân mừng rỡ:
− Bác rất vui vì cháu nhận lời. Từ nay đừng gọi giám đốc nữa. Mà cứ gọi là bác Tư nha. Bây giờ cháu giữ giấy này, ngày mai theo địa chỉ ghi trong đó đến nhà bác.
Thuý An tiếp lấy:
− Thưa.... nhà bác có dễ tìm không ạ?
− Rất dễ, trên con lộ chính ở mặt tiền. Bác sẽ nói trước với gia đình để khi cháu đến khỏi bở ngỡ.
Thuý An mím miệng chào ông Nhân với tâm trạng phân vân, cô biết công việc mới không đơn giản mà đầy những gay go thách thức. Dù vậy Thuý An vẫn nhủ lòng hãy hết sức cố gắng không được nản.
oOo
Tuyên tiễn Mỹ Linh ra tận cổng, giọng cô nàng nhão nhoẹt trách cứ:
− Bữa nay bỏ người ta về một mình hà... ghét ghê đi.
Tuyên nhỏ nhẹ:
− Thông cảm cho anh mà. Bữa nay ba bảo anh phải ở nhà để chờ cô bé Thuý An nào đó dẫn cô ấy lên với Toàn.
Mỹ Linh thắc mắc:
− Để làm chi vậy?
− Thì chăm sóc cho nó chứ còn chi nữa mà hỏi.
− Đã bao nhiêu người đến rồi đi. Có ai chịu được lâu đâu, giỏi lắm cũng chỉ vài ngày là cùng.
Tuyên nhún vai:
− Dù vậy, vẫn phải tiếp tục tìm người để chăm sóc cho Toàn . Thiết nghĩ việc ấy rất cần . Biết đâu sẽ gặp được đối tượng kiên nhẫn như gia đình anh mong muốn.
Mỹ Linh cười mũi:
− Những người từng đến đây đều có tuổi tác và kinh nghiệm, nhưng họ còn phải bái chào. Huống chi cô bé nào đó mà ba anh vừa mướn.
Tuyên lắc đầu:
− Đời có nhiều điều bất ngờ làm sao biết trước được. Theo anh, có lẽ cô gái kia vừa ý ba anh ở điểm nào đó nên ông mới nhận.
Mỹ Linh cười nhếch môi. Vẫy tay với Tuyên rồi chạy thẳng. Vừa định trở vào nhà thì Tuyên kịp trông thấy một cô gái đi xe đạp trờ tới, ngừng trước cổng, sợ Tuyên quay đi cô ta gọi lớn:
− Anh ơi ! Làm ơn cho em hỏi thăm..... có phải nhà của giám đốc Nhân ở đây không ạ?
Tuyên ngó cô gái không chớp mắt rồi gật:
− Cô là Thuý An?
− Vâng tôi được bác Nhân giới thiệu đến đây.
Tuyên cắt ngang:
− Ba tôi có nói . Cô theo tôi vào nhà đi.
Thuý An lẽo đẽo dắt xe đạp theo sau. Vào đến nhà thì gặp một người đàn bà hơi đứng tuổi .
Tuyên nói liền:
− Mẹ tôi đấy .
Thuý An gật đầu chào như một cái máy.
Bà Nhân tươi cười bảo:
− Hôm qua ông nhà tôi có nói đã tìm được người chăm sóc cho con trai tôi. Là cô đây phải không?
Thuý An lễ phép:
− Dạ ! Công việc này mới mẽ với cháu qúa. Chẳng biết cháu có tròn bổn phận không nữa.
Bà Nhân xua tay dễ dãi:
− Không sao ! Được thì làm, không được thì thôi. Cô đừng có ngại .
Dứt câu bà nói với Tuyên:
− Con đưa cô ấy lên phòng của Toàn đi.
Thuý An ngó chiếc xe đạp có treo túi xách lũng lẵng. Hiểu ý, bà Nhân bảo:
− Xe cô cứ để đó còn đồ đạc thì mang vào đây. Yên tâm không mất mát đâu mà sợ.
Thuý An nói nhỏ:
− Dạ. Giám đốc cho cháu thử việc một tháng.
− À phải ! Tôi đã chuẩn bị chỗ ở cho cô. Cô cứ lên gặp con trai tôi rồi trở xuống tôi chỉ chỗ cho.
Yên tâm Thuý An bước từng bậc cầu thang sau lưng Tuyên.
Vừa đến hành lang trần trên, cô đã thấy người đàn ông ngồi trên chiếc xe lăn từ lúc nào. Nghe tiếng chân, nét mặt anh vẫn thản nhiên, không hề quay lại.
Tuyên buộc lòng phá tan im lặng ấy:
− Chà .... định ngắm cảnh làm thơ hay sao vậy thi sĩ?
Toàn vẫn làm thinh, bất động, Tuyên vỗ vai em trai:
− Này đừng vô tình như thế với phụ nữ. Quay mặt lại cho anh giới thiệu coi nào.
Bỗng dưng Toàn nạt lớn:
− Dẹp đi ! Đừng bày cái trò trẻ con đó với tôi nữa.
Dường như quá quen thuộc với phản ứng bất thường ấy nên Tuyên vẫn cười
− Sao thế? Em làm cho Thuý An quê rồi kìa. Cô ấy giận cho xem.
Toàn vẫn cứng giọng:
− Bảo cô ta về đi. Để tôi nổi nóng lên thì đừng trách.
Tuyên vẫn ôn tồn:
− Nào ..... Bình tỉnh lại Toàn. Hãy nhìn Thuý An kỹ xem. Theo anh cô ta có hao hao Trúc Ly đấy.
Qua lời nói của Tuyên có sức thuyết phục, Toàn quay ngoắt lại mặt đối mặt với Thuý An, một thoáng bối rối lẫn ngạc nhiên trong đôi mắt Toàn rồi bất thần long lên sáng quắc:
− Tôi cấm anh nhắc đến tên con người bội bạc ấy. Ai giống cô ta tôi sẽ thù luôn cả họ.
Tuyên nhíu mày:
− Sao lại vô lý như vậy chứ? Thuý An đến đây là để giúp đỡ em mà.
− Cám ơn ! Tôi không cần. Mọi việc đã có bác Tám.
− Nhưng ổng già rồi, tâm hồn cằn cỏi, làm sao hợp với tuổi trẻ để hiểu được những gì u uất trong em mà an ủi.
Toàn la lớn át giọng Tuyên:
- Tôi sống bây giờ giống như một kiếp sống thừa, còn thua cả loài cây cỏ. Những lời an ủi tôi là những lời giả dối. Đi hết đi ! Hãy để cho tôi yên.
Tuyên chán nản cố nuốt tiếng thở dài - Sợ Thuý An nghe thấy , ghé tai nói khẻ với cô:
- Tạm thời xuống dưới phòng khách, đợi dịp khác. Cô ráng kiên nhẫn nhá.
Thuý An lặng lẽ bước theo Tuyên. Vừa đi vừa nghĩ:  "Liệu cô có thể cận kề bên Toàn được không? Một gã đàn ông vừa bị thương tật vừa thất tình. Sống dở, chết dở như thế thật quá khó đối với cô".
Xuống gần hết cầu thang, Tuyên chợt hỏi:
− Cô nghĩ thế nào ? Vẫn kiên nhẫn ở lại đây chứ?
Thuý An thở ra:
− Tôi thấy khó quá! Việc ấy ngoài khả năng của tôi.
− Sao chưa chi đã vội nản lòng ? Nếu tôi đoán không lầm ... cô là người có sức chịu đựng.
− Nhưng sao anh bảo tôi giống cô Trúc Ly nào đó, làm cho em trai của anh ác cảm với tôi.
Tuyên nhún vai:
− Sự thật là vậy, tôi không thể nói khác đi được. Trúc Ly là người yêu xưa kia của Toàn. Khi thấy em tôi tật nguyền, cô ta đã phụ rẫy.
Thuý An chép miệng:
− Bởi thế, nhắc đến Trúc Ly như vô tình anh khơi lại vết thương của em trai anh.
− Nó phản ứng mạnh mẽ là đúng. Vì còn thù hận là còn yêu. Nét mặt hao hao giống Trúc Ly là một lợi thế cho cô, để cô dễ dàng tiếp cận nó.
Ngừng một chút, Tuyên tiếp tục uốn lưỡi thuyết phục:
− Cô Thuý An, hãy cố gắng giúp gia đình tôi. Người ta bảo sự bất quá tam kia mà... huống chi chỉ mới có một lần. Tôi nghĩ... có lẽ những lần sau sẽ khá hơn.
Thuý An cúi đầu phân vân. Bà Nhân đón cả hai ngay chân cầu thang:
− Kết quả ra sao hở con?
Tuyên lắc đầu:
− Cũng giống như những người khác, nó phản ứng rất dữ dội.
Bà Nhân thất vọng ngồi phịch xuống ghế:
− Nếu tâm trí nó nặng nề u uất mãi, chắc có lẽ một ngày nào đó nó sẽ hoá điên mất thôi.
− Không đến nỗi như thế đâu. Điều cần nhất bây giờ là mẹ nên động viên cho Thuý An ở lại. Theo con, nếu cô ấy kiên nhẫn sẽ giúp gia đình ta có nhiều hy vọng.
Bà Nhân tin tưởng lời nói của con trai quay sang nắm tay Thuý An ân cần:
− Cháu ơi ! Ráng can đảm giúp bác cứu sống một mạng người bằng công đức xây năm bảy chùa chiền. Gia đình bác đặt hết hy vọng vào cháu.
Thuý An cảm động gật đầu:
− Vâng! Bác hãy yên tâm, cháu hứa sẽ cố gắng hết sức để không phụ lòng mong đợi của gia đình.
Bà Nhân tươi tắn nét mặt lại:
− Mang túi xách theo bác để biết chỗ ở. Bác dành cho cháu một phòng đặc biệt ở dãy nhà bên nầy.
Thuý An máng túi lên vai:
− Còn chiếc xe đạp? Cháu dẫn theo được không?
Bà Nhân mĩm cười:
− Được chứ ! Tài sản của cháu chỉ có ngần ấy thôi à?
− Dạ! Tuy nó cà tàng nhưng là vật bất ly thân của cháu. Nhờ vậy mà cháu đỡ tốn biết bao nhiêu tiền khi phải đi đây đi đó để xin việc.
Bà nhân đưa Thuý An đến căn phòng thoáng mát, không sang trọng nhưng đầy đủ giường chiếu chăn màn. Bấy nhiêu đó cũng khiến cô thoả dạ lắm rồi. Từ nay hy vọng cô sẽ được yên thân, không còn những ngày tất bật lo tiền nhà tiền điện nước trong tháng nữa.
Bà Nhân kéo tay Thuý An ngồi xuống giường:
− Này, hai bác đã bàn bạc thống nhất với nhau tiền cơm, chỗ ở cháu không phải tốn, lương của cháu ngang bằng với lương của thư ký văn phòng. Chỉ mong sao cháu làm hết sức mình để cho Toàn được sự an ủi.
Thuý An đáp nhỏ:
− Hai bác tin tưởng cháu quá, chẳng biết cháu có làm nên trò trống gì không. Có đôi lúc mình muốn thế nhưng lực bất tòng tâm bác ạ.
Bà Nhân gật nhẹ:
− Bác hiểu ! Công việc của cháu là chăm sóc, gần gũi khuyên lơn Toàn. Ngoài ra cháu không phải làm điều gì khác. Tuy đơn giản vậy mà rất khó. Với một người tính khí bất thường đòi hỏi người săn sóc phải kiên trì nhẫn nhục. Nếu cháu nhớ điều ấy chắc sẽ thành công.
− Vâng ! Cháu sẽ cố gắng hết khả năng để cảm hoá anh ấy.
− Ừm ! Cháu nghỉ ngơi đi rồi giúp bác mang thức ăn trưa lên lầu cho Toàn.
Bà Nhân rời khỏi phòng, bước chân xa dần. Thuý An ngả mình xuống một cách uể oải, gác tay lên trán suy nghĩ tìm phương cách. Nhất quyết cô không chịu thua Toàn. Phải có giải pháp nào đó thật đặc biệt khiến cho anh ta phải khuất phục.
Thuý An khệ nệ bưng mâm cơm lên lầu. Vừa bước vào phòng đã gặp ngay ánh mắt của Toàn chiếu hung quang về phía cô.
Anh ta nạt lớn:
− Ai cho phép cô ngang nhiên vào phòng tôi? Đi ra ngay!
Thuý An vẫn tỉnh bơ đáp:
− Tôi có bổn phận mang cơm đến cho ông, chứ thích thú gì tiếp xúc với một người thô lỗ.
− Đúng ! Tôi thô lỗ lắm. Vậy thì hãy cút đi, đừng để tôi thấy mặt.
Thuý An trả lời lại:
− Tôi cũng chẳng muốn nhìn ông đâu. Nhưng chẳng lẽ ông không biết đói?
− Thái độ của cô làm tôi no đến tận cổ rồi. Ăn uống gì nỗi nữa.
− Ăn hay không tùy ông. Tôi không có ý kiến. Bây giờ tôi ra ngoài, nửa tiếng sau tôi sẽ trở vào dọn dẹp. Dứt câu Thuý An quày quả quay lưng.
Toàn tức tối nhìn theo không chớp, giơ tay lên định hất mâm cơm xuống nhà. Nhưng không hiểu sau bàn tay anh ta lại chuyển sang cái gạt tàn. Một âm thanh khô lạnh vang lên.
Thuý An đang đứng ngoài hành lang, bỗng nhiên nghe tiếng xoảng thật lớn, giật mình tim cô đập mạnh, ngỡ Toàn đạp bể mâm cơn. Thuý An bước nhẹ tới, nhìn lén vào khe cửa. Ồ không ! Anh ta đang ăn cơm kia mà. Có thế chứ, Thuý An chợt mỉm cười.
Ở trong phòng, Toàn vừa ăn vừa ngẫm nghĩ:  "Từ lúc bị tai nạn đến giờ hầu hết mọi người điều chiù chuộng mình. Ngay cả ba mẹ cũng đối xử dịu dàng chẳng bao giờ dám làm cho mình bực dọc. Vậy mà hôm nay chả hiểu ông bà tìm đâu ra một cô gái lì lợm, mặt cứ trơ ra như đá mỗi khi mình quát nạt. Hừm, thật là dễ ghét. Để xem cô ta gai góc được bao lâu".
Vì bận tâm nghĩ ngợi đâu đâu, Toàn ăn hết cơm lúc nào chả hay. Đến chén cuối cùng định xúc nữa thì trong liễn đã hết sạch.
Đúng hẹn, Thuý An đẩy cửa bước vào. Toàn không nói không rằng quay mặt đi chỗ khác. Trước khi bưng mâm ra, cô quét dọn tàn thuốc rơi vãi trên nền, đôi tay khéo léo nhanh nhẹn. Toàn chẳng thèm quan tâm tới. Đến khi Thuý An dợm bước rời khỏi phòng Toàn mới nói với theo:
− Nàỵ.. tôi không có nhu cầu chăm sóc đâu. Chiều nay hãy để bác Tám mang cơm vào cho tôi.
Thuý An giả bộ điếc đặc làm ngơ xuống tới nhà bếp. Nhìn mâm cơm bà Nhân mừng rỡ:
− Eo ơi ! Bữa nay Toàn ăn được nhiều quá. Mọi hôm liễn cơm chỉ vơi có phân nửa. Chắc nó vui lắm phải không? Ồ... Cháu thật là giỏi!
Bà Nhân nói một hơi. Thuý An cúi đầu mím miệng, vì chả biết trả lời thế nào nữa. Buổi trưa hôm đó dùng cơm chung với gia đình thật vui. Ai cũng xúm lại khen Thuý An khéo nhịn nhục chiù chuộng. Có mấy người hiểu được cô đang ở trong tình trạng căng thẳng thần kinh.
Chiều đến, khi mặt trời vừa lặn về hướng Tây, ánh sáng còn vương lại qua chòm mây đỏ ối. Theo thường lệ Toàn lăn xe ra ban công hóng mát. Nơi đây anh có thể trải rộng tầm mắt khắp nơi để giải sầu. Cuộc đời của Toàn quả là không may mắn, vừa với tay tới hạnh phúc chưa được gì thì đã bị tan vỡ. Thậm chí thân thế cũng không còn nguyên vẹn. Bây giờ cứ kéo lê kiếp sống vô vị hày chẳng biết đến chừng nào mới được kết thúc. Chán nản Toàn lấy điếu thuốc châm lửa gắn lên môi. Bất chợt có tiếng nói cất lên từ phía sau làm anh giật mình:
− Đến giờ cơm rồi sao ông lại hút thuốc?
Toàn đáp cụt lủn:
− Mặc tôi!
− Nhưng tôi có bổn phận phải nhắc!
Toàn lại trợn mắt:
− Không cần! Cô có quyền gì ? Đã bảo là hãy cút đi, đừng lải nhải mãi bên tai tôi nữa.
Chẳng nói chẳng rằng Thuý An sấn tới giật điếu thuốc vứt đi. Cô hành động bất ngờ qúa khiến Toàn không sao phản ứng kịp, chỉ còn biết trơ mắt ngồi nhìn. Vài giâu sau anh mới nghiến răng:
− Cô dám vô lễ với tôi như vậy à?
Dứt lời Toàn giơ tay lên. Thuý An đứng yên không né tránh, có vẻ như sẵn sàng nhận cái tát của Toàn. Nhưng rồi bỗng dưng nét mặt Toàn dãn ra, cánh tay từ từ hạ xuống.
Thuý An nhìn anh:
− Sao ông không đánh tôi cho hả giận?
− Cô đừng trách tôi! Chẳng phải tôi sợ cô đâu, chỉ vì tôi không nỡ thôi.
− À... thì ra ông vẫn còn chút lương tâm của một con người.
Toàn quắc mắt:
− Chẳng lẽ tôi là dã thú?
− Nếu nghĩ được như vậy thì rất tốt.
− Này... Nói cho mà biết... xưa giờ chưa một ai dám hành động với tôi như cô đâu.
Thuý An đáp tỉnh rụi:
− Thì ông cứ xem tôi là trường hợp ngoại lệ đi.
− Không ngờ là con gái mà cô lì lợm gai góc đến như vậy.
− Đời dạy tôi như thế đó, thưa ông. Cuộc sống nghiệt ngã đã làm tôi trở nên chai lì trước mọi nghịch cảnh.
Toàn chợt ngước lên nhìn cô gái đứng đối diện với mình. Bây giờ anh mới chăm chú ngó cô, tuy hơi giống Trúc Ly nhưng nét mặt cô có vẻ như già dặn hơn.
Bỗng dưng Toàn hỏi:
− Thế nào là nghiệt ngã?
− Vì tôi luôn luôn phải đấu tranh để vượt lên số phận . Thế mà tôi vẫn cứ thất bại .
− Thất bại là mẹ của thành công. Nhưng theo tôi, cô có ý chí lắm đó chứ.
Thuý An đáp:
− Với ông, phải như vậy thôi.
Đột nhiên Toàn bật cười thành tiếng, nụ cười làm khuôn mặt anh mất đi vẻ trầm uất và khắc khổ.
Thuý An ngó Toàn:
− Sao khi không ông lại cười?
− Tôi cười sự ngây thơ của cô ! Bộ cô tưởng đã bắt nạt được tôi đấy hỡ. Lầm to rồi.
Thuý An mím mím môi:
− Lầm hay không thì chưa kết luận được. Nhưng bằng chứng là ông đã chịu mở miệng ra để trò chuyện với tôi.
Toàn đáp nhỏ nhẹ:
− Chẳng qua tôi không muốn nhìn thấy cô khóc.
− Còn lâu ông mới thấy được giọt nước mắt của tôi.
− Cứng cỏi đến thế ư ? Vậy cô thiếu nữ tính rồi.
Thuý An choàng tay lên ban công:
− Tôi chúa ghét con gái hở ra là khóc, có giải quyết được gì đâu.
− Nhưng đó là khí giới trời phú cho con gái, phải biết tận dụng chứ.
Thuý An bĩu môi:
− Tôi chả thèm dùng vũ khí yếu mềm ấy đâu. Với tôi là sự chống trả, ý chí, nghị lực.
Toàn làm thinh không nói, lát sau hỏi:
− Gia cảnh cô thế nào?
Thuý An lắc đầu:
− Ông tìm hiểu để làm chi. Chỉ nên hiểu vì nghèo tôi phải xin làm thuê. Thế thôi!
− Giờ tới phiên cô làm khó tôi rồi. Vậy hãy nói cho tôi biết, ai đã nhận cô vào đây?
− Ba của ông.
Toàn ngó cô:
− Nhân dịp nào?
− Tôi đã nộp đơn xin vào làm trong công ty du lịch của ông.
− Nhưng bị ông từ chối phải không?
Thuý An lơ đãng nhìn xa xa:
− Đúng ! Vì ông chê tôi thiếu trình độ.
− Cô học đến đâu?
− Mới tốt nghiệp mười hai thôi. Thật ra, tôi chỉ mong được giao một công việc nào đó không phân biệt sang hèn. Miễn sao có tiền lương mỗi tháng để sống.
Toàn gật gù như thông cảm:
− Sao chưa biết tôi là người như thế nào mà cô dám đồng ý?
− Ban đầu hơi ngại, tôi cũng từ chối đấy chứ.
− Nhưng ba tôi cứ năn nỉ cô phải không?
Toàn mím miệng.
− Đúng! Và cuối cùng thì tôi đã xiêu lòng . Nếu biết ông khó khăn quát tháo như vậy tôi không thèm đến.
− Thì bây giờ cô vẫn có thể nghỉ. Làm hay không là quyền của cô kia mà.
− Nhưng đã nhận lời thì tôi sẽ làm đến cùng. Ông đừng hòng chờ cho tôi nản.
Toàn nghiêm mặt ngó chổ khác.
− Chắc ông ghét tôi lắm thì phải - Thuý An nói.
− Không ! Nhưng cô là một cô gái bướng bỉnh.
− Và rất khó ưa nữa. Sao ông không nói luôn đi.
Toàn mím miệng:
− Chuyện đó thì còn chờ thời gian. Bây giờ tôi đã đói, cô có cho tôi ăn cơm không thì bảo?
Thuý An cũng cười:
− Ừa ! Tôi nhớ lúc trưa ông ăn nhiều lắm mà. Sao đói mau vậy?
− Ai bảo cô chọc giận tôi!
− Lạ ghê há ! Khi giận người ta thường bị no hơi, còn ông thì ngược lại. Vậy mai mốt tôi cứ làm cho ông tức để ông ăn được nhiều hơn.
Toàn khoát tay:
− Hổng dám đâu ! Có ngày tôi sẽ bị đau dạ dầy đấy.
− Thôi ông trở vào phòng đi tôi sẽ mang cơm lên.
Toàn gật đầu, mắt nhìn theo dáng Thuý An cho đến khi khuất dưới cầu thang. Từ lúc bị tai nạn đến giờ, chiều hôm nay là lần đầu tiên anh thấy tâm hồn mình nhẹ nhàng thư thái. Bao nhiêu u uẩn chất chứa trong lòng như chấp cánh bay xa, quả là một chiều đáng nhớ.
Khi Thuý An trở lên Toàn vẫn còn ngồi đó, bóng tối tràn ngập chung quanh anh.
− Kìa sao ông chưa chịu vào phòng ? Bộ muốn hiến máu cho bầy muỗi đói hay sao ? - Thuý An hỏi.
− Cô bật đèn hộ tôi đi.
Thuý An làm theo lời, ánh sáng toả lan khắp căn phòng. Toàn lăn xe từ từ vào.
Ngồi vào bàn anh hỏi:
− Cô ăn cơm chưa?
Thuý An lắc đầu:
− Bổn phận tôi là phải ăn sau ông!
− Sao lại phân biệt như vậy? Hay cô cùng ăn với tôi nhá?
− Cám ơn ông ! Xuất ăn đặc biệt này chỉ dành riêng cho ông thôi. Tôi mạnh lành ăn món gì cũng được.
Toàn cãi lại:
− Nhưng tôi bình thường có bệnh hoạn gì đâu. Chỉ bị chấn thương cột sống thôi.
− Như vậy cũng đủ làm cho ông yếu ớt rồi. Ráng bồi dưỡng nhiều vào.
Vừa nói Thuý An vừa xúc cơm vô chén cho Toàn:
− Eo ôi ! Sao đầy thế?
− Ông phải ăn mỗi bữa ba chén như thế này mới có sức khoẻ .
− Sống chắng lợi ích gì chỉ làm bận lòng thêm mọi người thì ăn nhiều làm chi?
Thuý An chép miệng:
− Ông không nghĩ ngày nào đó, khoa học tiến bộ, cột sống của ông sẽ được chữa lành sao?
− Chẳng còn hy vọng gì nữa. Ba mẹ tôi đã tốn biết bao nhiêu tiền rồi.
− Theo tôi, ông không nên bị quan qúa. Đôi khi tinh thần vui vẻ cũng giúp cho bệnh chóng khỏi.
Toàn gật đầu:
− Đúng ! Nhưng đối với những bệnh khác kìa. Còn tôi thì vô phương.
Thuý An lái sang đề tài khác, cô chỉ vào đĩa:
− Ông ăn nhiều cá đi. Đó là thực phẩm giàu đạm mà ít chất béo nên dễ tiêu.
− Tôi cũng rất thích cá đồng. Tuy ngon miệng nhưng bao tử tôi có giới hạn chứa.
Dù nói vậy Toàn cũng ăn được ba chén đầy.
− Bữa nay tại cô mà tôi đã phá lệ, vượt chỉ tiêu. Không khéo trong thời gian ngắn tôi sẽ phì lên như cái "thùng phuy" cho xem.
Thuý An bật cười:
− Thì tốt chứ có sao! Đó là tín hiệu đáng mừng.
Toàn gác đũa. Thuý An đưa chuối cho anh:
− Dùng thêm trái cây cho đầy đủ chất Vitamine đi ông.
− Ái chà ! Tôi no muốn nứt bụng đây. Để hôm sau ăn bù vậy.
Thuý An nhíu mày:
− Không được hẹn!
− Chao ơi ! Ép dầu ép mỡ chứ ai nở ép ăn thế.
− Nghe ông than quá tôi cũng không nỡ. Thì thôi.
Toàn mừng rỡ nhe răng:
− Cám ơn nhe ! Hổng hiểu sao đột nhiên tôi lại sợ cô đến vậy.
 

<< Chương 5 (chương kết) |


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 782

Return to top