Ngủ chung với ông cố tôi thật chả thú vị gì: ông ngáy ầm ầm, trăn trở trên cái giường nệm thụng chính giữa, ép sát tôi vô vách. Tuy thế, tôi vẫn ngủ rất ngon.
Cho đến khoảng gần sáng, tôi gặp một cơn ác mộng.
Tôi thấy cha tôi mặc áo ngủ dài, nghiêng mình trên bình dưỡng khí, một cái bình đồng nối liền với cái ống cao su đỏ. (Một người bạn của cha tôi đã chỉ cách trị liệu này sau khi tất cả thuốc men đều trở thành vô hiệu). Chốc chốc, cha tôi ngẩng phắt lên, đôi mắt nâu tinh quái nhìn thẳng mẹ tôi đang đứng cạnh và mỉm cười vui vẻ… Rồi viên bác sĩ lớn tuổi vẻ nghiêm nghị xuất hiện giữa phòng. Cùng lúc ấy có tiếng sấm nổ rền rồi một con tuấn mã có cái bờm đen tuyền, óng mướt bước tới. Tức thì cha mẹ tôi lên ngựa phi nước đại, bỏ lại mình tôi trơ trọi. Tôi tuyệt vọng, hai tay bưng lấy mặt khóc ròng.
Khi thức giấc, trán tôi lấm tấm mồ hôi, tim đập mạnh, tôi bị chói mắt do ánh sáng mặt trời tràn ngập trong phòng. Ông tôi kéo cửa sổ nghe ken két, quay lại hỏi:
- Ông đánh thức con? Dậy mau lên! Trời hôm nay tuyệt lắm, con ạ!
Trong lúc tôi thay áo quần, ông cố cho tôi biết là dì tôi đã đi dạy, cậu tôi đi xe buýt đến Winton học ở trường Trung học. Cậu tôi theo học tại đó và sẽ xin vào làm việc ở Ty Bưu Điện theo ý ông ngoại tôi. Khi ông ngoại tôi đến sở rồi thì ông cố và tôi sẽ được thong thả, tự do xuống nhà. Đầu óc non nớt của tôi bị lóa đi vì những cái nút đồng trên áo ông ngoại, tôi ngỡ ông ngoại có một chức vụ đặc biệt, đáng nể lắm. Song than ơi! Tôi không khỏi thất vọng vì mấy lời của cố tôi:
- Đừng tưởng bở, Robert! Bộ đồng phục của rể ta oai vệ thật đó, nhưng hắn chỉ là thanh tra của sở Vệ sinh khu vực này. Chà! Rể ta cũng có tham vọng lắm chớ, lúc nào cũng mơ đến chức Giám đốc Thủy cục nhưng phận sự của hắn chỉ là…
Ông cố tôi ngừng lại, cười khùng khục đoạn tiếp:
-… Chỉ là kiểm soát các thùng rác và nhà tiêu cho sạch sẽ, thế thôi!
Cửa phòng sịch mở, tiếng bà ngoại tôi vọng vào:
- Thế nào? Hai ông cháu hợp nhau chứ?
Trên khuôn mặt đầy lo âu của bà tôi, một nụ cười hé mở. Cố tôi và tôi đi xuống, giọng cố tôi lịch sự:
- Khá lắm, Hannah ạ! Cảm ơn con.
Cố tôi đến ngồi đầu bàn, chỗ của ông ngoại vẫn ngồi. (Sau này tôi mới biết rằng chỉ có bữa sáng là cố tôi dùng tại nhà dưới). Gian bếp ấm cúng, dễ chịu. Trên bàn ăn, chỗ cậu tôi đầy vụn bánh và vết bẩn.
Giữa ba thế hệ, tôi cảm thấy một sự thân mật khó tả nên lời. Bà ngoại mở hộp, múc cho cố và tôi vài muỗng sữa ca cao đoạn chế nước sôi từ một cái ấm đầy những lọ vào ly.
- Cha ơi, cha có dắt cháu Robert theo sáng này không?
- Có chứ, con gái của ba.
- Con biết cha sẽ làm tất cả những gì có thể để giúp con… (Bà ngoại ngần ngừ). Lúc đầu, mọi sự có vẻ khó khăn, nhưng nhờ ơn trên…
- Đừng lo lắng lắm, vô ích, Hannah ạ!
Cố tôi an ủi con gái và bưng sữa lên bằng cả hai tay. Bà ngoại nhìn ông tôi, mỉm cười nhưng tôi biết bà tôi không vui vẻ chi cả. (Về sau này, tôi mới biết rõ tình thương sâu đậm bà dành cho ông cố tôi).
Ông cháu ăn xong, bà ngoại ra khỏi phòng một lúc rồi trở lại với can chống và mũ cho cố, cả tập tài liệu dày cộm mà tôi thấy ông ghi chép hôm qua. Bà ngoại chải cẩn thận cái mũ cũ mèm của ông cố tôi, cột sợi dây đỏ trên xấp tài liệu thật chặt. Bà nói, giọng như nghèn nghẹn:
- Một người như cha đáng ra không làm công việc khiêm nhượng thế này, nhưng chắc cha hiểu rằng công việc này giúp đỡ chúng con nhiều lắm.
Cố tôi mỉm cười, nụ cười khó hiểu và đứng lên đội mũ, vẻ rất kiểu cách. Bà ngoại đưa cha và cháu ra tận cửa. Đến thềm, bà tôi nói nhỏ, giọng khẩn thiết:
- Cha nhớ lời hứa với con chứ?
- Hannah! Con cứ lo lắng chuyện không đâu…
Ông cụ cười dễ dãi và nắm tay tôi bước ra đường cái.
Chỉ một lát sau, ông cháu tôi đến trạm xe điện. Ông cháu tôi ngồi ở cạnh cửa sau, xe chạy về hướng Levenford. Tôi nắm chặt tay cố, cố tôi nheo mắt ra vẻ khuyến khích tôi.
- Xin quý khách mua vé! Xin…
Tôi nghe tiếng bấm vé tanh tách của bác soát vé cùng lúc với tiền loảng xoảng va chạm trong cái xắc bác ta đeo trên vai, song ông tôi không hề mảy may chú ý tới điều này; ông ngồi im như một pho tượng, như tâm trí đang bận nghĩ ở đâu đâu.
Người soát vé ngừng lại trước ông tôi, do dự. Ông tôi không nao núng chút nào, gã này ban đầu có vẻ ngạc nhiên, song sau đó nhận ra cố tôi, mỉm cười lúng túng:
- Chào bác Dandie!
Nói xong, anh ta còn nán lại một giây rồi mới đi qua. Tôi hết sức nể cố tôi, chao! Cố tôi có uy tín quá!
Đại lộ hiện ra và tôi nhận thấy Tòa Đô Sảnh nữa. Xe ngừng lại. Cố tôi chững chạc bước xuống. Hai ông cháu cùng đến một căn nhà có mấy bậc cấp cao.
Trên cái bảng đồng có hàng chữ đã mờ nhiều: "Duncan Mc Kellar – Đại Tung".
Phía dưới các cửa sổ ở hai bên cửa chính có treo 2 tấm bảng kẻ chữ vàng:
"Levenford địa ốc" và tấm kia: "Hãng Bảo hiểm Le Rocher".
Vào đến văn phòng, cố tôi bỗng mất hết vẻ hiên ngang mà trở thành khép nép. Tuy vậy, cố tôi cũng quay lại, nheo mắt với tôi một cách tinh nghịch khi thấy một phụ nữ cau có thò đầu ra ghi sê bảo cố tôi bằng giọng khó thương là ông Mc Kellar đang tiếp chuyện ông Thị trưởng, phải chờ. (Về sau này, tôi biết bà ta luôn luôn cau có với cố tôi và cố tôi cũng luôn luôn nhăn mặt khi thấy bà ta).
Năm phút sau cửa văn phòng mở, một ông đứng tuổi, da dẻ hồng hào, bộ râu đen mượt vừa đi vừa đội mũ, bước ra. Ánh mắt ông ta có vẻ xoi mói làm tôi bối rối, chợt ông nhíu mày và đến gần ông cháu tôi, hỏi nhỏ:
- Thằng bé đấy ư?
- Vâng, thưa ông Blair.
Ông râu mượt quan sát tôi một lúc lâu và tuồng như ông biết rõ hết cả mọi sự về tôi. Tôi run rẩy vì xấu hổ, tưởng như ông đang lần lượt ôn lại trong trí nhớ những thảm nhục, khổ sở tôi đã trải qua. Giọng ông dịu dàng:
- Con chưa có dịp làm quen với bọn con trai cũng tuổi, phải không?
- Thưa ông vâng ạ!
- Thằng Gavin của ta sẽ rất thích thú được kết bạn với con. Hôm nào con đến nhà ta nhé! Ở gần đây thôi.
Tôi cúi đầu do dự. Có nên trả lời là tôi chẳng ao ước kết bạn với Gavin Gaviết nào cả hay không? Tôi có biết mặt hắn đâu? Hắc ác hay hiền? Ông ta đứng im một giây, sờ cằm rồi cúi chào cố tôi, đi ra.
Văn phòng ông Mc Kellar cũ kỹ nhưng xinh đẹp, một cái bàn giấy lớn bằng gỗ đào tâm, thảm lót dày có vẽ hình màu đỏ êm mướt dưới chân, nhiều cúp bạc đặt cạnh lò sưởi: trên tường màu xanh có treo những tranh và ảnh của các nhân vật quan trọng. Ông Kellar ngồi trên mọt cái ghế dựa chân xoay. Không ngẩng lên, ông hỏi cố tôi:
- Công việc xong rồi chứ bác Dandie? Hay là sắp bị cô nào lôi ra tòa đó?
Ông vừa ngẩng lên, nhận thấy tôi, tức thì ngưng câu nói đùa. Ông ta cao lớn khoảng tuổi, ăn mặc chải chuốt, mặt hồng hào, râu cạo nhẵn, tóc dày. Tia nhìn sắc sảo song lương thiện, mày rậm và nhạt màu.
Đón xấp tài liệu trên tay cố tôi, ông liếc nhanh lên đó, mím môi và gật gù ra dáng hài lòng:
- Chúa ơi! Bác Dandie! Chữ bác thật chẳng khác chữ in. Thật đáng tiếc là bác đã không thành công trên đường đời như trong nghề chép ghi này.
Cố tôi cười nhạt:
- Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên, ông quên sao, ông Mc Kellar? Tôi thành thật cảm ơn ông đã giúp tôi có việc làm ăn, ông Kellar ạ.
Ông Kellar ghi thêm một con số vào cuốn sổ đặt sẵn giữa bàn giấy, nói:
- Tôi ghi thêm số tiền này vào số nợ cũ còn thiếu bác. Cuối tháng bác sẽ đến lãnh chi phiếu nhé? À! Thằng bé đến rồi đấy ư?
- Vâng! Cháu mới đến hôm qua.
Kellar dựa ra lưng ghế quan sát tôi có vẻ kỹ hơn cả ông Blair. Rồi hình như ông cảm thấy thành kiến của ông về tôi sai lầm, ông tặc lưỡi một cái, thì thầm:
- Cảm ơn Chúa! Thằng bé xinh xắn làm sao chứ! Vậy mà phải chịu bao nhiêu thảm khổ, tội nghiệp biết chừng nào!
Sau một giây suy nghĩ, ông móc túi lấy ra một nắm tiền lẻ, chọn một đồng Shilling (1) đưa cho cố tôi:
- Đây bác Dandie, để bác mua cho cháu nước ngọt. Thôi, bác về nhé! Cô Glenniie sẽ đưa cho bác tài liệu khác,về chép thêm hộ tôi. Tôi còn công việc bù cả đầu lên đây.
Ông cháu tôi khoan khoái rời văn phòng, cố tôi vươn vai thở mạnh như để thưởng thức làn gió mát ban mai. Khi xuống hết bậc thềm chót, ông chỉ cho tôi thấy hai cô bán đồ máy. Một cô trẻ hơn cao lớn, da sẫm, tóc hung, màu hung nóng bỏng của xứ Tô Cách Lan: hàng hóa đội trên đầu, dáng đo ưỡn ẹo, mông đong đưa, bộ ngực nẩy nở. Cố tôi nói bằng giọng thán phục:
- Nhìn xem con! Thật là một bức tranh linh động, đáng yêu vào buối sáng thu trời đẹp như sáng hôm nay... Đáng chiêm ngưỡng quá!
Tôi chẳng thấy có gì đáng yêu, đáng chiêm ngưỡng như lời ông cố vui tính của mình. Phần khác, những điều vừa xảy ra trong văn phòng Mc Kellar làm tôi loâu trước viễn tượng đen tối của đời tôi: như thể tôi luôn luôn gây ra sự tò mò, thắc mắc cho mọi người.
Trên đường về, tôi chỉ cố ý tìm cách giải thích điều này. Tại sao mọi người nhìn tôi như nhìn một quái vật? Sao họ thay đổi thái độ khi gặp tôi? Sao họ cứ lắc đầu khi nhìn tôi? Tôi có gì khác họ đâu?
Với số tuổi lên tám, tôi làm sao hiểu được rằng dân chúng cái tỉnh lị nhỏ này đầu óc họ đầy thành kiến, nên họ không tán thành cuộc hôn nhân của cha mẹ tôi. Mẹ tôi vốn là một thanh nữ xinh đẹp giỏi giang, mẹ tôi có thể chinh phục bất cứ ai... Thế mà, bà lại hạ mình đi yêu và thành hôn với cha tôi, một người Ái Nhĩ Lan khi đôi bên gặp nhau vào một mùa hè. Cha tôi, một người ngoại quốc xa lạ, không rõ tông tích, làm việc tại một hãng trà, địa vị tầm thường, không có gì đáng để ý. Theo họ thì cha tôi chỉ có chút ưu điểm là lịch thiệp, vui vẻ, xinh trai. Mà mấy cái đó không có lợi ích thiết thực gì hết. Không ai cần để ý rằng cha mẹ tôi đã sống nhiều năm trong hạnh phúc.
Vì vậy, cái chết của mẹ tôi đi kế liền sau cái chết của cha tôi được dân tỉnh này cho là một hình phạt thích đáng và chuyện tôi phải sống nhờ, ăn bám vào bên ngoại là một bằng chứng hiển nhiên tỏ ra ông trời cao vẫn có con mắt tỏ tường đây chớ không phải lơ mơ.
Ông tôi dắt tôi đi dạo trên con đường cạnh bờ hồ độ nửa giờ rồi vào làng Drumbuck. Làng xinh xắn thu mình dưới chân đồi, một con sông nhỏ chạy quanh dưới hai cầu đá. Chúng tôi đi ngang một hàng bánh kẹo mà lại mang bảng hiệu: "Tibbie Minns, bán thuốc lá có giấy phép!".
Rồi đến một căn nhà tranh, cửa để mở, tôi thấy một bác thợ dệt cặm cụi làm việc. Phía trước là một bác đóng móng ngựa, mang tạp dề da lom khom đóng móng một con ngựa bạch. Sau lưng bác ta, lò rèn đỏ rực, mùi sừng cháy lửng lơ trong không khí.
Xem ra cố tôi quen biết hết mọi người trong làng này, cả đến anh hàng rong đẩy xe chất đầy vậtdụng lỉnh kỉnh và người đàn bà vui vẻ rao, giọng kéo dài:
- Đại hoàng đây! Mứt đạ...ại hoòa...àng đây!
Với tất cả mọi người cố tôi đều dừng lại chào hỏi rất là niềm nở, thân mật. Cố tôi quả là một nhân vật quan trọng, rất quan trọng, tôi tự nhủ.
- Mạnh khỏe chứ? Anh?
- Bác cũng thế hẳn? Bác Dandie?
Một gã đàn ông béo phệ đứng nơi thềm lữ quán Arms chào cố tôi một cách nồng nhiệt làm ông phải dừng lại, giở mũ ra lau mồ hôi trán, vẻ mặt hớn hở lạ thường.
- Con đừng quên nước ngọt nhé?
Cố vào trong, còn tôi thì ngồi xuống bậc thềm nóng rực vì nắng đốt từ sáng đến giờ. Một đàn gà trắng đang hối hả mổ thóc ngoài sân, bên bụi râm. Tôi tận hưởng sự êm ả, vắng vẻ của giờ trưa cùng một lúc quan sát kỹ bà Minns, chủ hàng bánh kẹo. Bà này cũng đang tò mò nhìn tôi qua khung cửa kính xanh cũ kỹ của cửa hàng, bóng bà lờ mờ do thủy tinh làm biến dạng, khiến tôi nghĩ đến một quái vật nho nhỏ của bể sâu đang bơi trong cái hồ nuôi cá.
Giữa lúc đó, cố tôi mang ra cho tôi cốc "limonade". Chất nước này vừa ngọt vừa the the làm tê đầu lưỡi tôi và mát xuống tận cổ họng, tôi thích quá. Rồi cố tôi trở lại với đám người đang uống dưới bóng mát của lữ quán. Nom họ đều có vẻ quan trọng. Cố tôi thì nốc một hơi hết ly rượu nhỏ và sau đó cố uống từng ngụm bia trong cái ly to sủi bọt, và tôi đoán rằng cố tôi phải uống như thế mới đẩy được chất rượu vàng đặc lúc trước xuống.
Tôi bắt đầu chú ý đến tiếng la hét của hai đứa bé gái đang chơi nhảy vòng trên bãi cỏ công cộng phía bên kia đường, trước lữ quán. Biết rằng cố tôi còn bận trò chuyện lâu với đám người ở lữ quán, tôi đứng lên thong thả băng qua đường. Lũ con trai cùng tuổi tôi, không được tôi chú ý mấy, vì ở trường học do cô Barty chỉ có toàn con gái nên tôi cảm thấy dễ chịu và thích làm quen với con gái hơn.
Trong khi bạn mải chơi, một đứa lại ngồi trên băng đá, nó mặc một cái váy kẻ ô vuông có dây quàng trên vai và nó bằng cỡ tuổi tôi. Con bé hát lên khe khẽ, tôi lắng nghe nhưng không thèm nhìn, chỉ đến ngồi đầu băng kia, săm soi vết sướt trên đầu gối. Bài hát đã chấm dứt, im lặng như cũ. Rồi như ý tôi mong muốn, đứa con gái nhìn tôi, có vẻ thân thiện:
- "Ấy" biết hát không?
Tôi buồn bã lắc đầu, tôi chưa hề thuộc một bài hát nào cả, chỉ nhớ loang loáng mấy câu trong một bài hát cha tôi đã cố công dạy tôi, trong đó nói về một cô gái đẹp chết trong cảnh thảm nhục. Song tôi thích chơi với con bé này và không muốn cho câu chuyện nhạt đi, tôi hỏi:
- Vòng bằng sắt phải không?
- Chớ sao! Không bằng sắt thì bằng gì?
Con bé kia hướng cái vòng về phía chúng tôi, tôi lại hỏi:
- Chị "ấy" đó hả?
Con bé mỉm cười, vẻ dịu dàng dễ thương hết sức:
- Không đâu. Louisa là chị bà con của tôi, chị ấy ở xa đến chơi đó. Tôi là Alison Keith. Tôi ở với mẹ tôi đằng kia kìa.
Nó chỉ tay về phía cuối làng, nơi có ngôi nhà đồ sộ bị một phần cây cối che khuất. Tôi cho là Louisa thuộc thành phần khá giả hơn mình, nên khi nó tiến lại gần chúng tôi, tôi đón nó bằng nụ cười dè dặt. Thật vậy, Louisa chận cái vòng sắt dừng lại một cách tài tình, vừa thở vừa nhìn tôi, cất giọng kẻ cả:
- Ê! Mày ở đâu chui ra đó? Hở?
Nó vào khoảng 11 hay 12 tuổi chi đó, dáng bộ kiêu hãnh thêm khi nó hất mớ tóc vàng óng ả ra sau lưng. Tôi hiểu ngay là nó muốn thị oai với tôi và con em họ. Tôi trả lời:
- Tao ở Dublin! Tao mới đến đây ngày hôm qua.
- Chà! Dublin! Ngon quá ta! Ở thủ đô Ái Nhĩ Lan. Mày sinh ra ở đó hở?
Tôi gật đầu, thầm hãnh diện vì được chú ý. Nó lại gặn:
- Mày là dân Ái Nhĩ Lan hở?
- Tao vừa là Ái Nhĩ Lan vừa là Ê-cốt.
Giọng đầy tự tin, tôi trả lời. Những ngỡ nó sẽ nể mình, ai ngờ nó khinh khỉnh thêm:
- Ê! Tao thấy chuyện này hơi... kỳ cục: không thể được!
Giọng nó lanh lảnh thêm:
- Mày không thể là hai một lần, mày chỉ có thể là...
Bất ngờ, nó ngừng lại, nhìn tôi dò xét làm tôi hơi gờm gờm... và cuối cùng, nó lại hỏi, giọng kẻ cả:
- Mày đi lễ nhà thờ nào?
Nhà thờ nào? Tôi mà không biết mình đi nhà thờ nào ư? Tôi định trả lời thẳng là tôi đi nhà thờ Dominique thì chợt ánh mắt nó làm tôi chùng lại, tôi trả lời lửng lơ:
- Tao đi lễ trong một nhà thờ như mấy nhà thờ khác, có gác chuông thật cao. Nhà thờ ở gần nhà tao ấy!
Tôi đã bắt đầu lo lo, muốn chấm dứt câu chuyện ngay, vì nó làm tôi bối rối. Tôi nhảy lò cò trên băng đá, rồi biểu diễn trò nhào lộn, trổ tài đến những ba lần liên tiếp. Vậy mà, than ôi! Khi tôi đứng lên, mặt đỏ bừng vì mệt, Louisa vẫn không tha cho, nó tiếp tục nhìn tôi bằng cáinhìn xoi mói rất là khó chịu.
Rồi với một sự độc ác (độc ác rất vô tâm của trẻ con) nó bảo tôi:
- Tao nghi lắm: mày là người Thiên Chúa giáo, đúng không?
Và nó cười lém lỉnh. Tôi càng đỏ bừng mặt, ấp úng:
- Ai nói mà mày biết rõ như vậy?
- Cần gì phải có ai nói, tự nhiên tao biết à!
Tôi khổ sở cúi gầm mặt nhìn mũi giày rách của mình, Alison dường như cũng ái ngại cho tôi mà không dám mở miệng nói gì cả.
Louisa lại hất mái tóc óng ả ra sau, tươi cười như không:
- Bây giờ mày về đây ở hẳn?
- Phải! – Tôi lí nhí đáp và thêm – ba tuần nữa tao sẽ vào trường Trung học.
- Ý cha! Alison cũng học ở đó. Chúa ơi! Tao cá là mày sẽ không giống bất cứ một đứa nào hết, phải không Alison?
Alison bối rối cúi gầm mặt, lắc đầu. Mắt tôi cay sè. Con bé tai ác cúi nhặt cái vòng, cười hí hởn:
- Thôi, đến giờ ăn trưa rồi, về Alison!
Và quay sang tôi, ném một cái nhìn mỉa mai khinh thị:
- Đừng có làm bộ khổ sở. Mọi người sẽ tốt đẹp nếu mày đã nói thật với tao.
Alison nhìn tôi bằng hai mắt chứa chan cảm tình, tuy nó chả dám mở miệng nói câu nào để bênh tôi.
Còn tôi, từ phút ấy tôi lại thêm mối lo ngại mới: đã mồ côi, tôi lại khác tôn giáo với mọi người ở đây, tôi sẽ ra sao?
*
* *
Trong lúc tôi đứng nhìn theo hai đứa con gái, nước mắt rưng rưng thì cố tôi cất tiếng gọi to từ bên kia đường. Nét mặt hớn hở, cố tôi trêu tôi:
- Robert, ta xem ra con có số đào hoa đấy. Có phải con bé Keith đó không?
- Thưa cố, vâng.
Cố tôi vỗ vai tôi, thân mật:
- Gia đình nó khá lắm. Cha nó là một sĩ quan hàng hải, thuyền trưởng à! Ông ta chết rồi. Bà vợ đẹp lắm, nhưng phải cái yếu đuối, chà!... Bà ta đàn dương cầm không chê. Con nhỏ đó thì hát như chim. Tốt lắm! Kết bạn với nó tốt... Ủa, Robert, con làm sao vậy?
- Thưa cố, không sao cả.
Cố tôi tặc lưỡi một cái rồi thản nhiên huýt sáo vang lên. Giọng ông trầm bổng, hay lắm, nhưng tôi không vui được.
Về gần đến nhà, cố tôi lại hát nho nhỏ:
- Tình yêu ta nồng thắm như đóa hồng nhung, vừa nở vào tháng sáu...
Song rồi ông chợt ngưng lại, dặn tôi:
- Này Robert! Đừng nói với ngoại con là cố và con đi uống nước nghe không? Ta không muốn con gái ta lo lắng tầm phơ. Nó hay lo lắng tầm phơ, hiểu chưa?
Chú thích.
Shilling: một hào Anh, bằng 12 pence.