Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Truyện Dài >> Những Ngày Xanh

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 13091 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Những Ngày Xanh
Archibald Joseph Cronin

Chương tám
   Năm ấy, xuân đến sớm. Trước nhà, ba cây dẻ lung lay mấy đóa hoa trắng làm đứa trẻ bất hạnh là tôi bỗng khoan khoái vì được tự do và say sưa vì những niềm vui mới mẻ. Ngày 15 tháng 4 bà tôi rời nhà như tôi đã kể, đến ở với người cháu theo thông lệ.
Bà vẫn tiếp tục lo lắng "phần hồn" cho tôi, ngay cả lúc lên đường. Dịp này, bà mặc áo mới và dúi vào tay tôi 6 pences.
Bà dặn dò tôi rất kỹ và rất nhiều thứ: nào nhớ uống thuốc, nào đừng nản lòng tin và hứa khi về sẽ xem thử làm gì cho tôi được.
Tôi rất thương yêu bà, song phải thú thực là sự ra đi của bà làm tôi cảm thấy nhẹ nhõm. Tôi càng thích thú hơn khi mẹ tôi đặt cho tôi cái giường nhỏ trong góc nhà, ngăn với gian bếp bằng cái màn. Ôi chao! Góc nhà nhỏ nhắn, ấm cúng làm sao... gần như là một phòng riêng.
Ông tôi càng vui hơn. Cử chỉ đầu tiên của ông tôi là vớ lọ thuốc bà chế cho tôi, mở nút, trút ra cửa sổ, cười vui vẻ. Chỉ vài ngày sau, đám hoa dưới thành cửa sổ héo dần và chết ngỏm làm cậu Murdoch nhăn nhó đổ lỗi cho ông đã giết hoa cậu dày công chăm bón!
Phải công nhận là lúc này ai cũng vui vẻ: trên lầu chỉ mình ông tự do làm chủ, nên mỗi ngày ông đều ra sân vận động để chơi "boules" với bạn ông. Ba tôi thì chiều chủ nhật dắt tôi đến Nha Thủy cục chỉ cho tôi thấy hồ chứa nước vĩ đại và ngôi nhà xinh đẹp, nơi mà ba tôi hy vọng sẽ độc chiếm khi ông Giám đốc hiện tại hồi hưu. Mẹ tôi bớt lo lắng, ám ảnh vì ý nghĩ không đủ ăn đến cuối tháng như thói quen. Còn cậu Murdoch thì sáng nào trong lúc cạo những sợi râu non vừa mọc cũng hát lên ông ổng:
- Tôi yêu một cô gái miền núi, cô rất dễ yêu...
Phải! Ai cũng tươi tắn như mùa xuân, trừ có dì tôi, dì tức tối vì nhựa cây lại lên, vì chim đỏ mỏ lại bay về, mỏ ngậm cọng rơm đậu trên mái nhà hay vì gì khác? Có Trời mà biết nổi!
Tôi tung tăng như con sáo, chạy việc lặt vặt cho mọi người, cho cả bà Bosomley, (bà vẫn đền công cho tôi bằng mấy ổ bánh mì kẹp thịt bít tết, ngon lành, thứ thức ăn tôi thèm rõ dãi). Tạm quên thân phận đứa trẻ mồ côi, sống nhờ ăn bám, tôi sung sướng, sung sướng yêu Gavin và được nó yêu lại hết lòng.
Hai đứa tôi bắt đầu sục sạo khắp mấy ngọn đồi xung quanh. Những cuộc du hành này lý thú gấp bội so với những cuộc đi dạo với ông. Gavin hăng say tìm trứng chim óc cau, thứ còn thiếu trong bộ sưu tập khá đầy đủ của nó, nó cho tôi biết là loại chim này hiếm nhất vùng Winton.
Trong khi hai đứa khom mình chui qua những bụi cây rậm rạp, Gavin chỉ dẫn cho tôi tập quen với đời sống trong rừng. Nó vạch những cành gai, chỉ cho tôi thấy trong những hóc kín đáo, những chỗ bất ngờ có tổ chim. Tôi sáng ngời mắt khi nhìn cái tổ nhỏ làm bằng bùn và rơm, trong đó nằm gọn những quả trứng bé xíu, lốm đốm xanh, thật là mới lạ đối với tôi. Gavin trang trọng bắt tôi giơ tay thề, thứ lời thề của người đi rừng: "Không bao giờ lấy hai trứng trong một tổ chim". Và nó còn nói bằng giọng giận dữ rằng lũ trẻ mất dạy đã lấy hết trứng và hủy cả tổ chim xinh đẹp.
Suốt tháng ròng, Gavin vẫn chưa tìm ra được loại trứng chim óc cau ao ước.
Một buổi chiều, hai đứa trở về sau một cuộc du ngoạn xa nhất. Tôi nấn ná lại bên hồ nước. Không hiểu tại sao, tôi lại ưa thích những ao hồ chứa đầy mầm sống này. Tôi cúi xuống vớt vài con nòng nọc và đúng lúc đó, tôi nom thấy một cái tổ bằng rơm, nằm gọn trong đám rong, có ba quả trứng to, xanh lá cây điểm những chấm đỏ, thật như thể là tôi mơ. Tôi kêu to lên làm Gavin dừng lại và sự mừng rỡ làm tôi không nói nên lời, chỉ cho Gavin đám rong trong đó có mấy trứng chim óc cau – tôi biết do nó miêu tả nhiều lần – Gavin khựng lại, kêu lên:
- Đúng đó! Robert!
Gavin lội bì bõm trong nước, đem ra một trứng – một trứng thôi – Hai đứa ngồi bên bờ ao, rồi với dáng bộ hết sức trân trọng nó đặt nhẹ trên mặt nước và sau khi biết chắc rằng trứng mới sinh, Gavin thổi nhè nhẹ và đặt vào lòng bàn tay tôi, giọng nó nồng nàn trìu mến:
- Đây! Đẹp ghê chứ?
- Ừ! Đẹp ghê thật. Mãi bây giờ mới tìm ra, tao mừng quá, Gavin ạ!
Sau khi ngắm nghía no mắt, tôi đưa cho nó:
- Đây, cầm lên đi, Gavin!
- Không! – Gavin nói, mắt không rời mấy cái trứng còn lại trong tổ - Sao lại tao cầm lên? Có phải của tao đâu?
- Coi kìa! Gavin! Mày thích và tìm đỏ mắt cả tháng nay...
- Nhưng đâu phải tao tìm ra nó? Chính mày tìm ra mà!
- Nhưng nếu mày không chỉ dẫn thì đời nào tao để ý tìm nó làm gì?
- Dù vậy, nó chính của mày!
- Của mày đấy, đừng lôi thôi!
- Không! Không phải của tao, ta phải công bình.
Tôi biết rằng không bao giờ Gavin chịu phạm vào lời thề mà lấy thêm một trứng, vậy chỉ còn một cách, tôi nói to:
- Gavin! Cái trứng này đẹp thật, tao công nhận, nhưng tao không thích, hơn nữa, tao chả sưu tầm thứ này, mày thì cần nó. Tao chỉ ưa cóc, nhái, nòng nọc, chuồn chuồn, mày biết rõ mà! Vậy nếu mày không lấy tao cũng đến vứt đi sau khi chơi chán, có phải uổng không?
Nghe tôi dọa thế, Gavin đâm cuống, đôi mắt xám của nó mở to:
- Nếu vậy thì tao lấy cái trứng, nhưng tao sẽ tặng mày một vật khác, nếu không thì bất công lắm. Phải! Tao sẽ tặng mày một vật mà hai đứa mình cùng ưa.
Nó gói cái trứng lại bằng miếng bông gòn mang theo sẵn, cho vào túi, nụ cười rụt rè của nó làm tôi sung sướng hết sức.
Chiều hôm ấy, từ nhà nó ra về, tôi mang theo cái kính hiển vi, vật quý giá mà tôi ao ước từ lâu song không thể nào sắm nổi: một bận tôi được Gavin chỉ cho cách sử dụng, vốn trước kia của chị nó hồi chị còn học môn sinh vật ở trường Trung học Winton. Kính này thuộc loại đơn giản song cũng có 2 vật kính và 2 thị kính. Ông Thị trưởng luôn luôn mua sắm những phẩm vật hảo hạng cho các con. Tôi cũng mang về cùng với kính vài phẩu thức đơn giản để xem và một cuốn sách cũ, bìa đã vàng, giấy thì mốc. Chương đầu cuốn sách đề: "Những gì ta có thể thấy trong một giọt nước" và chương hai: "Cấu tạo của một cánh ruồi".

<< Chương bảy | Chương chín >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 305

Return to top