Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Y Học, Sức Khỏe >> 500 giải đáp y học theo yêu cầu bạn đọc

  Cùng một tác giả
Không có truyện nào


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 17164 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

500 giải đáp y học theo yêu cầu bạn đọc
Lê Trọng Bổng

Chương 6: Bệnh ở tứ chi, xương khớp, hệ tiết niệu và hệ sinh dục

382. Hậu quả của việc không chữa trị chín mé
"Tôi có đứa con trai 10 tuổi, cách đây 4-5 tháng bị mưng mủ ở đầu ngón chân cái, kéo dài chừng 10 hôm, sau đó tự vỡ mủ rồi liền miệng (gia đình không có điều kiện cho cháu chữa trị). Sau đó một thời gian, chỗ ấy lại mưng lên, rồi vỡ mủ, thối như mùi bốc mả, cứ khi rò khi lành cho tới nay, mặc dù cháu vẫn ráng chịu đau đi học đều".
Bạn hãy coi chừng cháu bị viêm cốt tủy ở đốt cuối của ngón chân cái. Hãy cho cháu chụp X-quang ngón chân cái, bạn sẽ thấy hình ảnh đốt này bị "gặm mòn", phần còn lại có hiện tượng dày lên và có thể thấy những mẩu nhỏ xương chết bên cạnh (cái mùi "bốc mả" là từ những mẩu xương chết này mà ra).
Nhiều khả năng đây là biến chứng của bệnh chín mé đầu ngón chân cái mà bạn đã bỏ qua. Chín mé nếu được phát hiện sớm và điều trị bằng kháng sinh, chườm lạnh thì có thể khỏi mà không mưng mủ. Nếu phát hiện hơi muộn, nên cho dùng kháng sinh với liều cao, đồng thời chườm nóng liên tục, ổ mủ sẽ nhỏ, sau khi được rạch tháo mủ sẽ nhanh khỏi, không có di chứng hoặc biến chứng.
Nếu đúng là viêm cốt tủy, trong trường hợp con bạn có 2 mức xử trí phẫu thuật. Nếu phần xương tốt còn nhiều, đơn giản nhất là tiến hành nạo ổ viêm, lấy hết xương chết, chờ cho xương tự lành (không còn rò mủ, chụp X-quang kiểm tra thấy hình ảnh xương đã trở lại bình thường). Nếu phần xương còn lại không nhiều, có thể phải tháo khớp đốt cuối ngón chân cái (sau này ngón chân sẽ ngắn đi một chút và chỉ hy vọng có một chút móng chân).
383. Không nên làm như thế
"Cháu có người chị gái 21 tuổi, bị dính bẩm sinh ngón tay đeo nhẫn và ngón giữa của tay trái. Chị đã được một bệnh viện tư mổ tách ra cách đây 2 năm, nhưng vẫn còn bị dính khoảng 2 cm ở phần dưới ngón; và do thiếu da khi mổ nên từ đó tay chị bị cong lại rất xấu và khó hoạt động, làm việc mạnh thì đau. Xin cho chị cháu một lời khuyên".
Đáp: Không rõ "phần dưới" cháu nói là "dưới" (cuối ngón tay, đốt thứ 3), hay là "trên" (đốt thứ nhất, ngay khe ngón tay); vì theo quy định trong giải phẫu học, "cái gì ở cuối là dưới, cho dù ta có giơ ngược nó lên". Nhưng chắc chỗ vẫn dính này là ở phần trên, nghĩa gần khe ngón, giữa các đốt 1 của hai ngón tay.
Như vậy là trong cuộc mổ cách đây 2 năm, người chủ trì phẫu thuật đã:
- Không đánh giá trước được mức độ dính ở phần này (không chỉ dính da mà dính cả mỡ dưới da, thậm chí cả bắp thịt của ngón tay), tưởng là đơn giản nên đã nhận làm phẫu thuật này tại một cơ sở không chuyên khoa.
- Không biết đến kỹ thuật chuyển vạt da (xoay hai vạt da nhỏ bên cạnh đến để khâu phủ lên chỗ sẽ tách ra trên hai ngón tay), cũng không biết đến kỹ thuật vá da rời (lạng hai mảnh da mỏng ở đùi để "đắp" lên), nên khi gặp tình huống thiếu da đã phải rút lui.
- Sau đó, không giới thiệu tiếp chị cháu cho một cơ sở giỏi hơn họ về trình độ và trang bị, và điều này là quan trọng hàng đầu.
Tiếc rằng gia đình do thiếu hiểu biết nên đã để kéo dài quá lâu. Tuy nhiên, sau một vài ca phẫu thuật sẽ được tiến hành đúng đắn, chính xác và theo dõi sát sao, sau khi được hướng dẫn tập luyện, chị cháu có thể khắc phục dần mọi rắc rối.
Gia đình cháu nên liên hệ ngay với Viện bỏng quốc gia, nơi giàu kinh nghiệm trong ghép da để được mổ sớm.
384. Bị thọt chân từ bé
"Cháu 20 tuổi, bị thọt chân từ bé, nghe nói là do viêm não. Hiện đã có phương pháp gì chữa được bệnh này? Nếu để vậy có ảnh hưởng gì trong tương lai không?".
Do di chứng của sốt bại liệt, cháu bị thọt chân, teo cơ và xương khớp ở cả một chân. Bệnh này không chữa được bằng những phẫu thuật chỉnh hình khu vực.
Hiện trên thế giới đã hiệu chỉnh được các chân giả điện tử giúp cho cơ năng vận động của chân. Tiếc rằng kỹ thuật này chưa có khả năng dùng rộng rãi cho mọi người, nhất là người nghèo. Tuy nhiên, với tốc độ phát triển nhanh của khoa học, cháu có thể hy vọng. Trong khi chờ đợi, cháu chỉ có thể dùng nạng hoặc xe lăn (hay xe máy ba bánh nếu có điều kiện). Mới dùng thấy hơi ngại nhưng rồi cũng quen dần, chả sao.
Nếu không chữa cũng chẳng phải lo lắng gì nhiều. Do đi lệch, khung chậu của cháu không cân đối, khó có thể đẻ thường; nhưng cháu vẫn cho thể sinh con nhờ phẫu thuật lấy thai qua đường dưới, rất an toàn cho cả mẹ lẫn con. Có điều, với người nào sau này yêu thương cháu, cháu phải nói rõ từ đầu về khả năng này, xem họ có "chịu" không?
Chúc cháu có được nghị lực và lòng tin để không ngừng vươn lên. Biết đâu một ngày nào đó, mọi người sẽ được hoan hô cháu trong đoàn vận động viên đi xe lăn của cả nước!
385. Liệt hai chân do chấn thương
"Cháu là con gái, 20 tuổi, cách đây gần 4 năm bị tai nạn chấn thương cột sống, mất cảm giác từ đốt sống lưng thứ 5 trở xuống, không tự điều khiển được hai chân (các chức năng khác vẫn bình thường). Đến nay, cháu thấy có một số tiến bộ, chẳng hạn như đã có cảm giác thấp hơn trước 2 đốt ngón tay. Xin cho biết cháu cần phải làm gì, và có thể hy vọng hồi phục hoàn toàn không?".
Trường hợp của cháu may mắn hơn nhiều so với những người bị chấn thương cột sống ở vị trí cao hơn (họ còn bị thêm những rối loạn của ruột già, bàng quang...). Ngành phẫu thuật thần kinh đã đề xuất và đang thử nghiệm một số kỹ thuật điều trị tiên tiến, kể cả việc ghép tủy sống. Ngay cả với trường hợp không thể hồi phục, người ta cũng sáng tạo ra những thiết bị vi điện tử có khả năng giúp họ khắc phục về vận động. Quý 2 năm 2001, các nhà nghiên cứu Pháp và Italy đã cùng nhau hiệu chỉnh thành công và chế tạo một thiết bị giúp người liệt hai chân do tai nạn đứng dậy đi lại được. Thiết bị này sử dụng một số điện cực được cấy ghép vào các bắp thịt và dây thần kinh, kích thích hoạt động của hai chân qua một bộ vi xử lý (điều khiển bằng cách ấn nút). Dĩ nhiên, loại kỹ thuật và thiết bị như vậy hiện chưa thể phổ biến rộng, nhưng sẽ là điều kiện thực trong tương lai không xa.
Trong khi chờ đợi, cháu nên thực hiện và nhờ người nhà giúp làm các động tác: co duỗi chân, kể cả cổ chân và ngón chân, vận động phần trên của cơ thể, nhằm mục đích giúp hệ cơ xương khớp phát triển bình thường, tránh nguy cơ bị yếu hay teo nhẽo. Xoa bóp thường xuyên vùng lưng, vận động các cơ bụng và ngực, tập thở sâu thường xuyên. Nếu xuất hiện cảm giác nong nóng hay rần rần như kiến bò ở vùng phía dưới tổn thương là biểu hiện tốt đấy.
Ngoài ra, nếu có xe lăn, cháu nên duy trì và mở rộng quan hệ bạn bè, ra ngoài trời nhiều hơn cho khỏe người, đọc sách dưới bóng cây, thậm chí tham gia thi đấu một vài môn nào đó dành cho người đi xe lăn. Những hoạt động này sẽ giúp cháu có thêm nghị lực trước cuộc sống.
Không cần thuốc men, nên chú ý ăn uống tốt và tránh cảm lạnh.
386. Di chứng sốt bại liệt
"Cháu bị một chân bé, một chân to từ nhỏ, nhưng vẫn đi lại được. Liệu sau này cháu có bị liệt không?".
Có nhiều khả năng hồi còn nhỏ cháu đã bị sốt bại liệt, và chân bé kia là hậu quả di chứng của bệnh. Cháu cứ yên tâm học hành và vui chơi vì di chứng này không phát triển thêm để gây liệt. Sau này, khi cháu trưởng thành, có thể làm một số phẫu thuật chỉnh hình tại chỗ để cải thiện tình hình, giúp cho việc đi lại dễ dàng và duyên dáng hơn.
Trong khi chờ đợi, cháu nên tăng cường việc xoa nắn và vận động những bắp thịt bị nhẽo, các khớp cổ chân, đầu gối, ngón chân, giúp chúng khỏe lên.
387. Lao khớp gối
"Đã hơn một năm nay, đầu gối phải của em bị sưng đỏ và nóng ran, đau không đi được; chụp X-quang thì được chẩn đoán là viêm khớp. Em được bác sĩ kê cho nhiều thuốc, nhưng không khỏi; em cũng dùng cả thuốc nam cũng chẳng ăn thua. Xin cho em một lời khuyên (Xin nói thêm là chỉ sưng đầu gối phải thôi, không hề di chuyển sang nơi khác)".
Thư em viết chưa thật chi tiết, khó nói chắc. Nhưng có khả năng em bị lao khớp gối phải, tuy bệnh này thường hiếm gặp. Nếu đúng vậy thì chỉ cần bó bột để giữ yên khớp gối một thời gian và dùng thuốc đặc trị bệnh lao, kèm theo các thuốc chống bội nhiễm...
Em nên sớm về Viện Lao và Bệnh phổi (463 Hoàng Hoa Thám, Ba Đình, Hà Nội) hoặc Trung tâm Lao và Bệnh phổi Phạm Ngọc Thạch(quận 5, TP Hồ Chí Minh) xin khám. Các bác sĩ sẽ tiến hành xét nghiệm để có một chẩn đoán chính xác (định bệnh hoặc loại trừ "lao khớp gối"). Em phải xuất trình y bạ, các đơn thuốc và nói rõ diễn biến của căn bệnh trong năm qua, để người khám không có định kiến ngay từ đầu là chỉ có "thấp khớp".
Nếu giả thiết này không sai thì em thật may mắn, bởi vì ngành y tế đã có thuốc chống lao rất công hiệu; sau một thời gian không lâu, đầu gối phải của em sẽ hồi phục hoàn toàn
388. U xơ ở vai
"Cháu đang ở trong quân ngũ, bị u ở hai vai, càng ngày càng to, có phải do cháu chơi xà đơn xà kép không?".
Xà đơn xà kép có tội tình gì ở đây? Cháu bị u xơ nơi khối cơ ở vai, trông hơi xấu một chút nhưng lành tính. Nếu u gồ lên rõ, đeo quân hàm bị lệch, cháu nên tới bệnh viện xin phẫu thuật cắt bỏ. Phẫu thuật có gây tê tại chỗ, mổ không khó nhưng tốn thời gian vì phải xẻo dần từng phần do ranh giới không rõ rệt. Bác sĩ sẽ rạch da theo hình vòng cung nhằm không để lại sẹo ở chính giữa vai, gây trở ngại khi mang vác sau này.
389. Khi bị gãy xương, sai khớp
"Trong dân gian có một số thầy lang quảng cáo là chữa được gãy xương, sai khớp. Nếu chẳng may bị thì có nên nhờ họ không?".
Những người này có một số kinh nghiệm nhất định, nhưng vì họ thiếu kiến thức về giải phẫu và sinh lý học, thiếu phương pháp chẩn đoán chính xác... nên khó đánh giá được đầy đủ và tiên lượng một cách đúng đắn, dễ dẫn tới xử trí theo phương cách không phù hợp, thậm chí nguy hiểm.
Thực tế cho thấy, nhiều trường hợp có tổn thương kín đáo phải chụp X-quang ở mấy tư thế khác nhau mới phát hiện được. Ngoài ra, chỉ các cơ sở y tế mới có những phương tiện hữu hiệu để phòng ngừa và chữa trị các biến chứng do chấn thương, cũng như kiểm tra ngay tại chỗ kết quả xử trí lúc bấy giờ của bác sĩ, phát hiện được những sai sót để bổ cứu kịp thời.
390. Khi có tới 6 đốt sống lưng
"Xin giải đáp cho một chuyện rất lạ: Thím cháu năm nay trên 40 tuổi, thường hay đau ê ẩm ở lưng, đi chụp X-quang thấy có tới 6 đốt sống lưng (cháu tưởng ai cũng chỉ có 5 thôi). Gia đình cháu lo quá, không biết như vậy có việc gì không?".
Cháu nói đúng đấy, bình thường con người chỉ có 5 đốt sống lưng, được đánh số (trên xuống) từ L1 đến L5.
Nhưng có tới 6 đốt sống lưng cũng không phải chuyện quá kỳ lạ, chỉ hiếm thôi, và đó là do những bất thường về giải phẫu học. Một số người mang 6 đốt sống lưng như thím cháu mà không hay biết vì không thấy ảnh hưởng gì, chỉ phát hiện do tình cờ chụp X-quang.
Tuy nhiên, người ta thấy hiện tượng 6 đốt sống lưng có thể kèm theo một bệnh bẩm sinh là thận đa nang: xen kẽ giữa các mô của hai quả thận là những nang nước, lúc mới đẻ chỉ nhỏ li ti, về sau có thể vẫn giữ nguyên trạng mà không gây hậu quả gì. Nhưng cũng có thể một hay rất nhiều nang cứ to dần, tiến tới chèn ép mô thận, tới mức làm cho mô thận trở thành một lớp mỏng không còn lọc được nước tiểu như trước.
Do vậy, thím cháu nên sớm tới một bệnh viện trung ương để được chẩn đoán và đánh giá đúng thực trạng. Qua hình ảnh chụp thận thuốc, bác sĩ sẽ loại trừ, nghi ngờ hay khẳng định bệnh thận đa nang. Qua xét nghiệm máu, họ sẽ biết urê huyết có bình thường hay không.
391. Tự chữa gù lưng do tư thế
"Cháu 16 tuổi, đang học lớp 11. Có lẽ do ngồi học ở tư thế không đúng nên từ một năm nay, lưng cháu cứ gù dần. Cháu lo quá. Liệu có cách gì làm hết gù không?".
Làm hết gù hoàn toàn thì khó, nhưng làm cho đỡ gù, thậm chí đỡ hẳn, thì có thể được (nếu gù không phải do bệnh về xương khớp mà chỉ là do ngồi sai tư thế):
- Nhờ gia đình tạo cho một cái xà ngang chắc chắn, vừa tay nắm, ở tầm cao hơn người khi cháu giơ cao tay chừng 15-20 cm, tại một chỗ kín đáo, không bị nắng mưa, ngay trong nhà càng tốt. Hằng ngày, cháu đu mình lên, hai tay nắm xà và buông thẳng người, nhằm mục đích dùng sức nặng cơ thể để kéo thẳng cột sống (cũng như giúp cho người có thể cao thêm). Khi treo mình, cháu hãy hít thở đều đặn và thoải mái, hai tay vẫn giữ thẳng, không lên gân. Nhìn đồng hồ, buổi đầu chỉ giữ một lúc, thấy hơi mỏi thì ngừng; các buổi sau tăng dần thời gian và số lần thực hiện. Tốt nhất là xen kẽ giữa giờ học ở nhà, càng nhiều càng tốt, nhưng không để nhức mỏi, dễ nản lòng.
- Khi nằm, cháu kê một chiếc gối độn dưới hai vai, làm cho cổ ưỡn ra; ban đầu thấy hơi khó chịu nhưng sẽ quen dần.
- Ngồi học tại lớp hay ở nhà đều giữ đúng tư thế, không được khom người.
Hãy kiên trì, cháu sẽ thành công.
392. Vẹo cột sống
"Cháu 23 tuổi. Năm 17 tuổi, khi đi đo quần áo, gia đình mới phát hiện ra cháu bị vẹo cột sống. Chụp X-quang thấy cột sống hình chữ S, hai bả vai lệch, ngực không đều... Có phải do cháu đã không chú ý giữ đúng tư thế khi ngồi học? Xin hỏi có cách gì chỉnh lại không?".
Bệnh của cháu có từ bé, dù bố mẹ có phát hiện sớm cũng không làm được gì nhiều. Bệnh này vẫn gây đau đầu cho các nhà nghiên cứu y học. Hy vọng rằng sau khi xác lập được bản đồ gene của con người, khoa học sẽ phát hiện ra những gene chịu trách nhiệm về bệnh này để có thể phòng ngừa cho trẻ.
Tình hình vẹo coi như đã cố định và ổn định (chỉ còn vài năm nữa là các xương của cháu hết lớn).
Có lẽ điều cháu cần quan tâm hiện nay là làm sao giữ vững được tinh thần, bớt mặc cảm về hình thức, đặc biệt chăm chút về nội dung (học tập, đạo đức) cho vượt trội lên để bù trừ một cách xứng đáng. Hãy thử bắt đầu đi, nào!
393. Kim gãy lại trong bắp chân
"Cháu 23 tuổi, hồi còn bé bị một nửa cái kim khâu gãy đâm vào bắp chân trái. Cháu đã giấu bố mẹ, nhưng hai năm trở lại đây nghe người ta nói nó có thể chạy lên tim, lên óc, và cháu sẽ chết... Xin cho biết có đúng không?".
Đúng là những vật nhọn nhỏ khi mới đâm vào bắp thịt có thể theo cử động của cơ thể mà trượt dọc thớ cơ, di chuyển tới một vùng khác, có khi ở khá xa. Nhưng lâu dần, nó sẽ bị bao bọc bởi một lớp tổ chức xơ, do vậy khả năng di động càng giảm nhiều theo năm tháng. Nửa cái kim khâu của cháu chắc đã "yên vị" tại một nơi nào đó rồi.
Nếu cháu muốn thật "yên trí", có thể xin chụp một phim X-quang vùng bắp chân trái xem nó đang nằm tại đâu. Nếu không thấy, chụp thêm phía dưới hoặc phía trên. Trường hợp của cháu không có chỉ định mổ tuyệt đối, bởi lẽ dị vật không gây hại và sẽ không gây hại; quá trình mổ lại phải tiến hành dưới tia X-quang (do vậy, cả kíp mổ lẫn bệnh nhân đều phải "ăn tia").
394. Đó không phải là gân
"Lúc còn con gái, tay tôi đã nổi nhiều đường gân xanh, sau khi sinh cháu đầu lòng lại càng nổi rõ. Có cách gì làm hết?".
Đó không phải là "gân" mà là những tĩnh mạch dưới da; ở người nào có lớp mỡ dưới da mỏng sẽ thấy rất rõ. Hiện tượng này hoàn toàn bình thường.
Nếu cơ thể bớt gầy (bớt ốm) thì sẽ thấy bớt rõ hơn.
395. Ngón tay thừa
"Em là con trai, 18 tuổi, từ khi sinh ra đã có một ngón thừa ở cạnh ngón tay phải, cũng có cả xương và móng. Nó làm em vướng víu nên em chỉ thuận tay trái và viết tay trái. Do bị bạn bè trêu chọc nên em rất muốn mổ bỏ đi, nhưng bố mẹ sợ sẽ bị thần kinh. Xin cho biết phải mổ ở đâu và có tốn nhiều tiền không?".
Trường hợp như của em đáng ra phải mổ thật sớm, khi em đã biết ngoan ngoãn chịu đựng một cuộc mổ nhỏ và gây tê tại chỗ, nghĩa là vào khoảng 5-7 tuổi (nếu mổ khi đứa trẻ còn quá nhỏ thì phải gây mê, không lợi cho sự phát triển trí tuệ). Việc này sẽ giúp trẻ tránh mặc cảm tự ti do bị trêu chọc, và không ảnh hưởng đến sự khéo léo của bàn tay. Mổ xong, chắc chắn thần kinh em chẳng những không việc gì mà còn khoáng đạt hơn vì không còn bị những bạn xấu quấy rầy.
Vào một dịp thuận tiện nào đó, em hãy xin gia đình cho đến khoa chấn thương chỉnh hình của một bệnh viện khu vực hoặc trung ương. Mổ xong chắc em không phải nằm viện nên không tốn kém mấy, em đừng quá lo lắng.
396. Sai khớp vai tái phát và võ thuật
"Năm ngoái, trong một buổi tập võ thuật chuẩn bị thi đấu, em bị trật khớp bả vai, được thầy của em nắn lại, nhưng từ đó đến nay hay trật đi trật lại tới 4-5 lần. Có cách gì làm cho khớp vai của em trở lại phong độ ban đầu không?".
Thật đáng tiếc, các dây chằng của khớp vai em đã bị suy yếu do tổn thương ban đầu, thể hiện bằng những lần trật khớp tái phát về sau. Từ nay, chẳng những em không thể tiếp tục môn võ thuật mà trong sinh hoạt còn phải nương nhẹ cái khớp vai không may này để nó không "trở chứng".
Đừng buồn nhiều, biết bao danh thủ nổi danh như cồn đã phải rời bỏ sân cỏ, bãi đấu, trường đua... chỉ vì tai nạn đấy thôi!
397. Sưng mắt cá sau chấn thương cẳng chân
"Em 25 tuổi, đã có vợ. Vừa qua em bị tai nạn giao thông, chấn thương cẳng chân (có chụp X-quang nhưng bác sĩ nói là không ảnh hưởng đến xương). Một tuần sau, thấy mắt cá sưng lên, em đi khám thì bác sĩ nói là do đi lại nhiều. Từ khi bị tai nạn, vợ chồng em tạm cách ly; được một tháng, thấy hết đau, chúng em mới quan hệ bình thường. Hiện em rất khủng hoảng vì nghe nói người bị chấn thương như vậy mà quan hệ tình dục sẽ bị cùi, thậm chí phải cưa chân. Hãy cho em lời khuyên".
Bệnh phong (bị gọi một cách thành kiến là "cùi", "hủi") do vi khuẩn gây ra. Phải gần gũi liên tục với người bệnh trong nhiều năm mà không chú ý giữ gìn thì mới lây.
Người ta chỉ cưa chân khi:
- Chân bị hoại thư sinh hơi do bị nhiễm vi khuẩn yếm khí. Gặp trường hợp này thì nhiều khi mổ mà vẫn không cứu được tính mạng.
- Chân bị mất quá nhiều da thịt làm lộ xương ra mà không thể che phủ.
- Ung thư xương; viêm đa khớp biến dạng gây đau nhức đến mức chịu không nổi.
Dù bị chấn thương cũng không phải kiêng khem quan hệ vợ chồng. Trái lại, việc này còn có tác động tích cực về cả tinh thần lẫn thể chất, với điều kiện là vợ chồng phải thuận tình và đúng mực.
Về mắt cá chân của em, có hai khả năng:
- Sưng sau chấn thương: Chỉ cần hạn chế đi lại, ngồi tại giường và kê chân lên gối, một thời gian sẽ hết.
- Có tổn thương xương nơi mắt cá mà trước đây không phát hiện được (rạn xương hoặc bong một chút vỏ xương...): Nếu được cố định ngay (thường dùng nẹp bột) thì an toàn hơn. Tuy nhiên, khi em đọc giải đáp này thì chấn thương đã xảy ra chừng hai tháng, nếu có rạn xương thì cũng đã liền rồi.
398. Cốt tủy viêm đường máu
"Cháu là con trai, 18 tuổi. Năm 1993, cháu bị sốt cao, được mấy ngày thì bắp chân phải sưng to, đỏ, bác sĩ chẩn đoán là viêm cơ, cho dùng kháng sinh tiêm và uống, chỉ đỡ mà không khỏi. Một thời gian sau, bắp chân lại sưng, nặn ra mủ (không thấy có ngòi như mụn nhọt), sau đó thì xẹp, để lại một vết sẹo bằng ngón tay cái lõm xuống. Năm 1994, bệnh tái phát nhưng lỗ mủ chảy ra ở phía dưới lỗ trước 6 cm. Năm 1995 cũng vậy nhưng còn ra thêm những mẩu trắng nhỏ gồ ghề như xương, bác sĩ cho tiêm thuốc vào bắp chân thì xẹp; năm 1997 tái phát. Xin cho cháu biết đó là bệnh gì và cách chữa trị ra sao?".
Nhiều khả năng là ngay từ đầu, cháu đã bị cốt tủy viêm đường máu (nói nôm na là xương bị viêm do vi khuẩn xâm nhập qua đường máu, mà không phải qua vết thương). Chữa bằng kháng sinh liều cao là đúng, nhưng sau đó người ta quên mất một động tác đơn giản nhưng rất quan trọng là chụp X-quang cẳng chân! Trên phim X-quang, bác sĩ sẽ dễ dàng nhìn thấy tổn thương của xương và vỏ xương. Nếu đúng là cốt tủy viêm đường máu, người ta sẽ cho thêm một đợt kháng sinh mạnh rồi mở rộng, lấy các mảnh xương chết, nạo sạch ổ viêm xương và dẫn lưu. Quá trình liền vết mổ sẽ diễn ra từ trong ra ngoài, và coi như khỏi hoàn toàn.
Cháu hãy xin gia đình cho tới một cơ sở chấn thương chỉnh hình có trình độ. Ở đó, ngoài việc chụp X-quang thường để phát hiện các mảnh xương chết, có thể người ta còn cho bơm thuốc cản quang vào lỗ rò để chụp kiểm tra xem các ngóc ngách đường rò ra sao. Căn cứ vào tình hình cụ thể, bác sĩ sẽ lấy xương chết và nạo sạch rồi dẫn lưu, hoặc phối hợp thủ thuật trên với việc trám cơ tại chỗ (tách một dải bắp thịt gần đó xem nhét vào chỗ xương đã nạo để giúp nó chóng liền). Tuy bệnh có được điều trị muộn một chút nhưng không sao. Cháu còn trẻ; sau "vụ" này, xương của cháu vẫn phát triển đẹp đẽ, đừng lo!
399. Chân bì bì, trắng bệch
"Hai bàn chân của bố cháu có màu trắng bệch và bì bì, dùng kéo cắt chỗ đó không thấy đau. Xin cho biết đó là bệnh gì?".
Nên thu xếp đưa bố cháu đi khám ở một khoa da liễu có kinh nghiệm để xem có phải là triệu chứng sớm của bệnh phong không.
Người ta nghĩ tới bệnh phong khi thấy xuất hiện một vùng da bạc màu, teo, khô, rụng lông và mất các cảm giác nóng lạnh, sờ vào thấy tê dại. Nếu khám xét để xác định và chữa trị vào lúc này thì kết quả nhanh nhất, hoàn hảo nhất.
Để muộn nữa, bệnh nhân sẽ có những u đỏ sần sùi ở mặt, vành tai, hoặc bàn tay teo tóp, ngón tay út và ngón đeo nhẫn khèo rụt; hoặc thủng loét ở lòng bàn chân. Vào thời điểm này, việc chữa trị sẽ khó khăn hơn nhiều, và thường để lại di chứng; có khi phải dùng phẫu thuật tạo hình và thẩm mỹ để khắc phục.
400. Có phải là bệnh phong?
"Cháu có quen với một người bạn trai. Bà ngoại bạn ấy gần đây nổi nhiều nhọt gì kỳ lắm. Đó có phải bệnh cùi không? Bệnh lây qua đường nào, ăn uống cùng một mâm có lây không? Ngày nay y học đã trị được khỏi hẳn bệnh phong chưa hay chỉ ngăn không cho bệnh phát ra ngoài?".
Bệnh phong lây qua đường máu; thời gian nung bệnh thường rất lâu, có khi cả chục năm hoặc hơn. Do đó, nếu chỉ ăn cùng mâm hoặc tiếp xúc trong một thời gian ngắn thì không sao.
Y học đã chữa khỏi hẳn bệnh phong, không để lại di chứng nếu phát hiện, điều trị sớm và đủ liều. Trường hợp để muộn cũng chữa được khỏi hẳn bệnh (hết vi khuẩn) nhưng không thể phục hồi các di chứng (cụt đầu chi, tai, mũi...).
Bà của bạn cháu có các triệu chứng như trong Mục 399 hay không? Không tức là không bị bệnh phong.
Nhân đây, xin kể với cháu một số trường hợp: Có một ông nhà văn bị mấy nốt bạch tạng ở trán, vậy mà con cái đã la hoảng lên là "Bố mắc bệnh phong, chúng mình làm sao lấy vợ lấy chồng!", khiến ông già quá bi quan chỉ muốn chết! Có bà bị bạch tạng loang lổ cả mặt mày, ta có cảm giác ghê ghê; nếu bà ta đi hỏi vợ cho con thì khó được chấp nhận lắm; nhưng bệnh bạch tạng đâu có lây!
401. Mụn cơm ở đầu các ngón tay
"Cháu bị mọc nhiều mụn cơm ở đầu các ngón tay, chữa cách nào cũng không khỏi, và chúng cứ to dần. Có cách gì chữa không?".
Không chữa tràn lan được, mà phải tìm đúng tên "đầu têu" để trị, bọn "đàn em" sẽ biến dần. Cháu hãy nhớ lại đúng cái mụn cơm xuất hiện đầu tiên, rồi nhờ bác sĩ đốt bằng dao điện (phải gây tê tốt, không đau, phải đốt cho được "chân" của nó).
Nếu không có điều kiện đến bệnh viện, cháu có thể tự chữa bằng một trong các cách sau:
- Chấm thuốc tiêu mụn cơm Collomark (lọ 10 ml dung dịch, chứa 2 g acid salicylic, 0,5 g acid lactic và 0,2 g polidocanol): Chỉ nhỏ một giọt vừa khớp với diện tích của cái mụn cơm này, chờ 5-7 phút thì thấm khô thuốc (mỗi ngày làm 2 lần sáng và chiều). Đến khi ấn vào thấy mềm mại là được; nếu chưa thì tiếp tục thêm vài hôm nữa. Các mụn "vệ tinh" sẽ tự hết. Nếu sau đó ít lâu bọn này chưa hết hẳn thì chấm thêm một thời gian cho đến khi hết hoàn toàn. Nhớ không để thuốc giây rộng ra sẽ hại da, không giây thêm lên mắt (nếu bị, phải cho ngay mắt vào nước sạch mà chớp mạnh nhiều lần), và dĩ nhiên không cho trẻ sờ vào lọ thuốc. Nhớ nút kỹ ngay sau khi lấy thuốc ra.
- Lấy một chút xà phòng giặt (xà phòng giặt, không phải bột giặt) trộn với chút vôi ăn trầu, làm thành một hạt đúng cỡ cái mụn cơm(không được to hơn) rồi đem đặt lên. Hạt này sẽ làm mụn loét dần, cho đến khi còn lại một lỗ nhỏ (đừng vội lấy ra quá sớm vì sẽ sót "chân"). Chấm thuốc đỏ và giữ khô sạch, tránh nhiễm khuẩn.
- Lấy một chiếc kim, cho cồn vào đốt kim để diệt khuẩn, rồi cắm vào mụn cơm sau khi đã xoa cồn lên nó. Hơ đầu kim lên ngọn lửa không khói (bật lửa ga hoặc đèn cồn của y tế). Kim nung đỏ sẽ giết chết mụn. Cuối cùng, xoáy nhẹ kim để lấy toàn bộ ra. Chấm thuốc đỏ và giữ khô sạch.
402. Bong gân
"Cháu bị trẹo chân, xương không việc gì nhưng bị bong gân. Có người mách phải xoa cồn, người nói bôi dầu chổi, dầu cù là. Một ông bác sĩ quân y lại bảo cháu ngâm nước lạnh; cháu theo ông ta, thấy nhanh bớt, nhưng vẫn thắc mắc không hiểu xoa các thứ kia vào thì có nhanh hơn không?".
Khi bị bong gân, chườm lạnh hoặc ngâm vào nước lạnh là tốt nhất. Cái lạnh làm giảm lượng máu đi vào chõ tổn thương, giúp nạn nhân đỡ căng tức, đỡ đau. Nhưng phải cho chút muối vào nước để làm cho nước không còn nhược trương so với cơ thể, nhờ đó không gây nề thêm.
Không được bôi các thứ dầu gây nóng, không nên chườm nóng, vì chúng sẽ gây tác dụng ngược lại.
403. Bảo vệ chân và chữa nẻ
"Cháu 16 tuổi, ở nông thôn, thường phải lội đồng. Mấy năm nay, từ bắp chân trở xuống bị nẻ từng vảy nhỏ, lâu lâu lại bong ra. Xin cho cháu một lời khuyên".
Do sau mỗi lẫn lội đồng, cháu không rửa thật kỹ nên bùn đất còn lại trên da đã dần dà làm cho lớp sừng của da dày lên, khiến da cháu dễ nẻ khi gặp không khí khô. Ở nông thôn, nhiều chị em có thói quen tốt bảo vệ đôi chân: khi làm việc dưới nước, họ mang ủng vải tự tạo, về nhà lại rửa ráy kỹ càng.
Trước khi đi ngủ, hãy thường xuyên dùng khăn mặt cọ nhẹ lên bắp chân (không được gây rát hoặc đau). Nhờ vậy, lớp sừng này sẽ mỏng dần, một ngày nào đó sẽ trở lại bình thường. Mỗi lần cọ xong, có thể bôi một lớp mỏng kem bôi mặt. Đừng sốt ruột, bởi quá trình phục hồi diễn ra khá chậm. Nếu có điều kiện, nên nghỉ lội đồng một thời gian. Nếu phải lội đồng thì nhớ mang bốt cao su hoặc ủng vải tự tạo.
404. Chai chân
"Cháu bị chai ở cả hai bàn chân, đi lại rất khó chịu và còn đau nữa. Có người khuyên cháu nên đi mổ. Xin cho biết nguyên nhân gây bệnh và có cách chữa nào khác không?".
Do lực đè của toàn thân lên một số điểm ở chân trong khi bên dưới không có đệm lót (tất, đế giàu mềm...), thậm chí ngay cả khi có đệm lót, rất nhiều người bị chai chân ở mức độ khác nhau. Khi bị đau nghĩa là đã có một nhân rắn bên trong; phải loại bỏ được cái nhân này thì mới hết đau.
Mới nhìn, tưởng như chỉ cần mổ cắt bỏ chai chân là bệnh khỏi. Nhưng cuộc mổ thường để lại sẹo (thẹo) và chính tổ chức này lại có thể làm xuất hiện một cục chai mới.
Cách chữa đơn giản sau đây có thể giúp ích cho cháu với điều kiện thật kiên trì: Dùng nước ấm ngâm chân. Sau chừng 10-15 phút, khi da chân mềm ra, dùng một con dao cùn cạo lên chỗ chai, cố gắng làm mỏng nó từng chút một. Sau một thời gian, cháu sẽ nhìn thấy cái nhân của nó; lúc bấy giờ hãy dùng một mũi dao cùn khều nó từ chính giữa (không đau và không chảy máu, vì dao chỉ tác động lên chất sừng thôi). Những lần sau sẽ lấy thêm, cũng từ trong ra ngoài, cho đến khi hết hẳn. Hết rồi vẫn phải chăm nom để phòng tái phát.
Xem loại giày dép nào gây cộm thì thay loại khác; có khi phải bỏ guốc.
405. Nẻ gót chân
"Cứ đến mùa hanh khô là mẹ cháu nẻ cả hai gót chân, trông cứ như quả dưa bở, rất đau (đến nỗi phải nghỉ việc đồng áng). Nay lại đến cháu: sau một đợt đào vét ao cùng bố, gót chân cháu cũng nẻ! Chứng nẻ gót chân có di truyền không? Hãy cho cháu biết cách chữa cho cả hai mẹ con?".
Gót chân của những người thường xuyên tiếp xúc với đất (nhất là với bùn) nhưng không cọ rửa kỹ càng thường hay bị nẻ, có khi rớm máu vì nẻ khá sâu. Đó là do lớp sừng ở vùng da này đã trở nên dày cứng; gặp khi trời lạnh, hanh khô (độ ẩm không khí giảm), nó nẻ ra, kéo theo phần thịt bị xé rách.
Cách chữa đơn giản, nhưng phải thật tỉ mỉ, kiên trì:
- Khi chưa bị nẻ: Sau mỗi lần tiếp xúc với bùn đất, nhất thiết phải cọ rửa thật kỹ. Dùng bàn chải hoặc một thanh tre cật uốn cong để nạo kỹ da chân cho kỳ hết chất bám, làm da mềm mại trở lại. Tranh thủ mọi lúc tiến hành thêm việc này, chẳng hạn khi tắm.
- Khi da đã nẻ: Dùng nước ấm già pha chút muối, ngâm chân hằng ngày vài ba lần, mỗi lần chừng nửa giờ, dùng một lưỡi dao cùn hoặc cật tre sắc nạo dọc mép các vết nẻ (chịu khó nhịn đau, càng về sau càng ít đau). Thay nước nếu cần. Mục đích: Làm cho da chân mỏng dần từng ít một. Sau mỗi lần như vậy, cháu có thể bôi một chút Vaseline pure (có bán tại hiệu thuốc tây) hay kem thoa mặt để cho da được ẩm. Nhớ giữ chân sạch sẽ để tránh nhiễm khuẩn.
Chắc bây giờ cháu đã hiểu rằng nẻ chân không di truyền. Cháu bị nẻ là do trong khi đào vét ao đã để bùn bám mãi vào, khiến cho lớp sừng của da chân dày cộp lên. Hãy tự chữa ngay cho mình và giúp mẹ chữa. Khi khỏi, nhớ phổ biến kinh nghiệm cho bà con.
406. Thấp khớp
"Em 21 tuổi, 7 năm trước tự nhiên khớp mắt cá sưng lên, đau nhức không đi được, bác sĩ cho uống Voltarène kết hợp với xoa bóp thì giảm hẳn; một thời gian sau đau nhức trở lại nhưng không đáng kể. Hai tháng nay, từ khi lên Đà Lạt, hai gối và khớp cổ chân em rất nhức... Xin cho em một lời khuyên".
Nhiều khả năng em bị bệnh thấp khớp cấp từ trước nhưng không được chữa dứt điểm (bằng kháng sinh liều cao, thuốc chống viêm, sau đó tiếp tục tiêm kháng sinh thải trừ chậm để củng cố, theo định kỳ hằng tháng, trong thời gian dài); và bệnh của em đã tái phát theo quy luật của nó.
Hậu quả chủ yếu của bệnh thấp khớp cấp là ở tim (ngoài di chứng nó đã để lại ở màng phổi và màng bụng). Bệnh càng để lâu, càng tái phát nhiều lần thì tim càng có nhiều nguy cơ bị thương tổn nặng, nhất là tại các van tim.
Em cần tìm đến một cơ sở chuyên khoa về khớp để được hướng dẫn chữa trị chu đáo có theo dõi lâu dài, đồng thời kiểm tra kỹ tim. Không nên quá lo lắng, nhưng phải hết sức cảnh giác.
407. Đừng nghĩ là đã hết hẳn bệnh
"Cháu bị thấp khớp (chớm vào tim), nằm chữa tại bệnh viện hai tuần thì khỏi. Khi xuất viện, bác sĩ kê đơn cho uống kháng sinh liên tục dài ngày để ngừa tái phát. Cháu vẫn thực hiện đều, nhưng gần đây một ông lang nói có thể chữa tiệt nọc bệnh thấp khớp của cháu mà không cần dùng thuốc Tây. Xin cho cháu một lời khuyên".
Trong dân gian có một số bài thuốc chữa thấp khớp, nhưng hiện chưa có công trình nghiên cứu nào đáng tin cậy cho phép khẳng định chúng chữa khỏi được bệnh.
Còn y học hiện đại thì đã có thuốc chữa thấp khớp một cách hữu hiệu. Thuốc trong đơn mà bác sĩ đã kê cho cháu thuộc quy trình điều trị và ngăn ngừa tái phát bệnh này; cháu cần tiếp tục thực hiện thật nghiêm túc, đúng liều lượng và thời gian.
Nếu không, bệnh thấp khớp có thể tái phát; và cứ mỗi lần như vậy, tim lại bị tổn thương thêm, nhất là các van tim, dẫn đến những hậu quả tai hại. Cháu cũng phải theo đúng lịch hẹn tái khám thấp khớp và kiểm tra tim. Ngoài ra, nếu chưa đến hẹn mà thấy có dấu hiệu đặc biệt (khớp sưng nóng, tức ngực khó thở...) là phải đến bệnh viện xin khám ngay.
Ngoài ra, cháu nên chú ý giữ sức khỏe, tránh lao động nặng, tránh chạy nhảy nhiều để tim đỡ mệt do gắng sức. Đừng vì thấy khỏi ở khớp mà cho rằng đã hết hẳn bệnh, bởi vì thấp khớp "liếm" khớp, "đớp" tim!
408. Gai xương đốt sống lưng
"Có phải nữ hay bị gai cột sống hơn nam? Tôi hay đau lưng, chụp X-quang thấy có gai xương các đốt sống lưng. Xin cho biết có cách gì chữa được".
Chưa thấy có thống kê lớn nào kết luận là gai xương ở nữ nhiều hơn ở nam.
Cho đến nay, y học vẫn chưa tìm ra nguyên nhân của hiện tượng mọc gai xương (thường là ở các đốt sống lưng) nên chưa có phương cách gì điều trị hết được; chỉ có thể dùng thuốc giảm đau, châm cứu, xoa nắn...
Trong tình huống khó khăn này, xin giới thiệu một cách chữa của Lương y Hoàng Duy Tân để bạn tham khảo và vận dụng nếu có điều kiện:
- Bổ một quả đu đủ cỡ vừa đã hơi chín, lấy hạt cho vào rổ, xát mạnh rồi rửa cho sạch màng bọc ngoài, chỉ lấy phần lõi. Giã nát, cho vào một miếng vải mỏng. Đặt lên vùng có hoặc nghi có gai xương trong nửa giờ (không để lâu hơn vì có thể gây rộp da). Mỗi ngày 1 lần, liên tục trong 20-30 ngày.
- Khi đã đặt được 2 tuần thì dùng động tác xoa nắn như sau: Đứng dựa lưng vào sát tường, đặt một quả bóng tennis (hoặc bóng nhựa cùng cỡ) vào giữa tường và vùng đau, rồi từ từ đẩy mình lên xuống nhằm làm cho quả bóng lăn lên chỗ đau, làm khoảng 20-30 lượt, mỗi ngày 1-2 lần.
Cuối đợt chữa, kiểm tra lại bằng X-quang, nếu chưa hết hẳn thì tiến hành thêm một đợt nữa.
409. Tự chữa mồ hôi nhiều ở tay chân
"Cháu ra rất nhiều mồ hôi ở tay, khi viết bị ướt cả vở... Người em cũng rất nhiều mồ hôi, cứ làm việc gì là ướt đẫm quần áo. Xin cho biết cách chữa".
Xin giới thiệu bài thuốc đã được lương y Hoàng Duy Tân cải biên từ một phương thang cổ, gồm 5 vị như sau:
Hoàng kỳ 12 g, phòng phong 6 g, bạch truật 8 g, mạch môn 8 g, ngũ vị tử 4 g. Cho vào 1,5 lít nước, đun nhỏ lửa, lấy 0,5 lít. Uống hằng ngày, chia làm 2 lần. Dùng trong 1 tháng liền.
410. Di chứng chấn thương đầu gối
"Cách đây 6 năm, cháu chạy bị ngã, đầu gối sưng và bầm tím, khoảng 10 ngày sau mới bớt được phần nào, đi lại hơi khó chịu một chút. Về sau, mỗi lần đi, chạy, nhảy, chân cháu quỵ xuống đau buốt, nhất là lúc bị vấp, dù nhẹ. Chân cháu như yếu đi, co duỗi khó khăn, phải lấy tay đỡ. Mới đây cháu phát hiện chân mình bị teo phần sát đầu gối, đi chụp X-quang nhưng bác sĩ nói không có vấn đề gì về xương khớp. Liệu chân cháu có chữa được không? Cháu sợ mình bị tàn phế".
Theo mô tả thì có nhiều khả năng trước đây cháu bị chấn thương rất mạnh vào đầu gối, có tổn thương dây chằng của khớp, thậm chí có máu tụ trong ổ khớp, nhưng không được xử trí đúng phương pháp (bất động tuyệt đối, chọc hút máu nếu có máu tụ, khâu nối dây chằng bị tổn thương...). Hiện X-quang không cho thấy hình ảnh tổn thương xương khớp nhưng điều đó không loại trừ di chứng của chấn thương cũ trước đây.
Cháu nên đến một trung tâm chấn thương - chỉnh hình để được đánh giá đúng các di chứng và có hướng điều trị hữu hiệu. Sau khi chữa, cháu còn phải luyện tập một thời gian dài dài đấy; nhưng chắc chắn cháu sẽ khá dần và dĩ nhiên không tàn phế nếu kiên trì.
Từ nay, nếu thấy bạn nào bị chấn thương đầu gối thì cháu hãy khuyên bạn chớ coi thường. Trái lại, phải tới ngay một cơ sở chấn thương chỉnh hình có kinh nghiệm để tránh di chứng rắc rối về sau.
411. Trước đây bị chấn thương cột sống
"Em bị chấn thương cột sống do tai nạn năm 1989, đã khỏi. Đến năm 1993, do lao động nặng nên bệnh tái phát, đi bệnh viện được chẩn đoán là viêm dính cột sống, chữa bằng vật lý trị liệu không khỏi. Xin hỏi bệnh của em có mổ được không? Nghe nói nếu để lâu có thể bị liệt toàn thân, có đúng không?".
Trường hợp của em không phải là bệnh, mà là di chứng của một chấn thương vùng lưng, không gây tổn thương tủy sống.
Nếu như trước đây có tổn thương tủy sống thì em đã bị liệt hai chi dưới từ dạo ấy, kèm theo những rối loạn vận hành của các cơ quan phía dưới (ruột, bàng quang, bộ máy sinh dục).
Điều phiền toái thường thấy do chấn thương vùng lưng để lại là: hay bị đau lưng, lưng kém mềm mại. Có thể khắc phục phần nào bằng xoa bóp, bấm huyệt, khí công dưỡng sinh, nhân điện, hoặc luyện tập những động tác mềm dẻo với mức tăng dần; tránh cúi nhiều, tránh ngồi xổm.
Nếu chụp X-quang, có thể thấy những chỗ vỏ xương dày lên, thậm chí có một vài gai xương nhỏ (do những tổn thương nhẹ cũ nay đã lành), không phải do viêm nhiễm. Em đừng hoảng hốt, vì đó là chuyện dĩ nhiên, bình thường.
Và nếu đến tuổi kết hôn, em hãy cứ mạnh dạn cưới vợ, bởi chấn thương cũ sẽ không làm em bị liệt bất cứ bộ phận nào.
412. Khi bị chấn thương gãy xương sườn
"Vừa qua, cháu bị tai nạn giao thông, gãy ba xương sườn liền, được bác sĩ dán băng dính và tiêm giảm đau. Cháu không thích nằm viện, nhưng bác sĩ bắt ở lại theo dõi. Cháu thấy bệnh chẳng có gì nặng, không hiểu bệnh viện giữ lại làm gì?".
Để theo dõi chứ làm gì nữa! Vị bác sĩ nói đúng đấy, và vì có trách nhiệm cao đối với sinh mạng cháu nên ông mới "bắt" như vậy. Cháu phải nằm viện vì những lý do sau:
- Tai nạn giao thông thường gây những tổn thương phức tạp nhưng nhiều khi lại kín đáo, khó phát hiện, và chuyển biến một cách âm thầm nên rất dễ bị bỏ qua. Thực tế cho thấy, có những người lúc bị nạn vẫn tỉnh táo, đàng hoàng ra về, nhưng chỉ mấy giờ sau là có biểu hiện của một ổ máu tụ trong hộp sọ, phải mổ cấp cứu mới cứu sống được.
- Các xương sườn ở phía trước có những đoạn sụn cho phép chúng đàn hồi khi bị nén ép. Khi xương sườn gãy có nghĩa là lực tác động lên nó khá mạnh, có trường hợp làm rạn gan, rạn lách, gây nên ổ máu tụ dưới bao, sớm muộn sẽ vỡ ra, rất nặng. Nếu sức ép tập trung vào vùng sườn gãy đó thì có thể màng phổi ở ngay bên dưới cũng bị tổn thương, gây tràn khí màng phổi, tràn máu màng phổi... Có trường hợp do đau đớn, phổi sẽ làm việc kém, không tống hết được những chất dịch xuất tiết ra nhiều sau chấn thương, gây ùn tắc đường thở, thậm chí xẹp phổi.
413. Sau một chấn thương vùng chậu
"Đầu năm nay, cháu bị tai nạn xe máy, chụp X-quang phát hiện rạn xương chậu; sau 2 ngày nằm viện thấy máu chảy từ hậu môn ra. Từ khi ra viện, thỉnh thoảng có ra một chất nhớt màu hơi trắng, đôi khi lẫn máu. Vậy ruột cháu có sao không?".
Chấn thương mạnh vùng chậu đã gây bầm dập một vài nơi trên niêm mạc ruột (màng nhầy nằm trong cùng). Sau đó, chỗ máu tụ được đào thải ra ngoài, vết thương tiếp tục đẩy nốt những gì còn sót lại rồi dần dà liền sẹo.
Cháu không nói rõ lượng máu chảy ra, nhưng chắc không nhiều, chứng tỏ phạm vi bị đụng dập không lớn (và cũng không sâu, vì nếu thành ruột bị tổn thương thì có thể cháu đã bị thủng ruột, phải mổ cấp cứu).
Bị chấn thương mà có rạn xương chậu thì phải nằm theo dõi sát tại bệnh viện ít nhất 48 giờ mới an toàn.
Cứ yên tâm, trường hợp của cháu như vậy là không có di chứng gì về ruột.
414. Lệch vẹo khuỷu tay do gãy xương
"Năm lên 10 tuổi, cháu nghịch ngợm lấy xe đạp của khách đi nên bị ngã gãy tay (khuỷu tay bị tõe ra làm ba), được bệnh viện mổ xếp lại xương. Nay cháu đã 16 tuổi, tay vẫn không được thẳng, những khi đi tập quân sự thường bị bạn bè trêu chọc. Xin cho biết có cách gì làm cho tay thẳng trở lại?".
Rất tiếc, đối với trường hợp của cháu, trước mắt chưa có cách gì làm cho tay thẳng trở lại bình thường, kể cả phẫu thuật chỉnh hình.
Gãy xương thành nhiều mảnh nơi khuỷu tay thuộc loại phức tạp, xương ở vùng này là chỗ bám của các cơ có chức năng quan trọng đối với sự khéo léo của tay. Bên cạnh chúng lại có các dây thần kinh và mạch máu lớn. Cháu vẫn đi tập quân sự được là điều may mắn đấy, chứ một số người còn bị các biến chứng như: hạn chế cử động khớp khuỷu, khớp giả khuỷu tay, hội chứng co quắp bàn-ngón tay do chèn ép mạch máu, teo cơ, tê buốt do tổn thương thần kinh..., đau khổ hơn nhiều.
Cháu nên lưu ý vận động cánh tay không may này nhiều hơn, để nó khỏi thua kém nhiều do ít có cơ hội được chủ giao việc.
415. Chỗ tiêm thuốc trước đây
"Cách đây 6 năm, cháu bị sốt rét, được y tá tiêm thuốc vào mông. Sau đó chỗ này trở nên chắc và to dần, đến nay đã bằng quả trứng gà nhỏ, không đau, không vướng. Có người khuyên cháu đi mổ lấy ra, có người lại can. Xin cho cháu một lời khuyên".
Chắc lần đó cháu đã được tiêm thuốc quinine vào mông, nhưng thuốc không khuếch tán và hấp thu hết, phần còn lại được vỏ bọc bao quanh.
Có hai thái độ khác nhau:
- Nếu thấy nó "không việc gì" và không băn khoăn nhiều về nó thì cứ để yên, nhưng tránh đừng táy máy kích thích nó.
- Nếu cứ muốn "dứt điểm" thì đến một cơ sở ngoại khoa tốt xin khám chữa. Bác sĩ sẽ chọc thăm dò, nếu thấy có chất dịch thì sẽ hút hết ra (một lần hay vài ba lần), hoặc rạch dẫn lưu. Khi không còn chất dịch bên trong, cái bọc tự nó sẽ tiêu dần.
Một thái độ dung hòa là đến cơ sở y tế xin chữa bằng lý liệu pháp.
416. Đái dầm
"Năm nay cháu đã 16 tuổi nhưng thỉnh thoảng vẫn bị đái dầm. Cháu rất xấu hổ. Xin cho biết cách chữa".
Từ nay, cứ sau 4 giờ chiều, cháu nên hạn chế uống nước và không ăn trái cây loại chua, sữa chua... Bữa tối không ăn canh, không ăn rau cải xanh, cải bắp (nhưng sáng sớm phải lo uống bù, không để cho cơ thể bị thiếu nước).
Xem lại giờ hay "bị", để dự phòng. Ví dụ: Nếu hay đái dầm vào 2 giờ sáng thì để đồng hồ báo thức lúc 1 giờ và trở dậy đi tiểu; hôm sau, để báo thức lúc 1 giờ 15, hôm sau nữa lúc 1 giờ 30. Cứ kiên nhẫn tăng từng 15 phút một, đừng sốt ruột, cuối cùng điểm thức dậy sẽ là vào lúc trời sáng và thế là cháu đã thắng lợi. Tiếp tục vài ba quy trình như trên.
Khi kết quả đã thật bền vững mới có thể tính chuyện thử tăng dần chút ít nước uống và trái cây, canh... trong bữa chiều.
417. Đã có vacxin ngừa viêm đường tiết niệu
"Tôi và bạn bè tôi hay bị viêm đường tiểu, phải đi khám bác sĩ hoài và phải uống thuốc quá nhiều kháng sinh. Xin cho biết có phương pháp gì chữa dứt bệnh được không?".
40% phụ nữ bị viêm đường tiết niệu (đường tiểu) ít nhất một lần trong đời, và 20% bị tái phát nhiều lần. Triệu chứng bệnh rất khó chịu, bệnh nhân phải dùng kháng sinh, phải kiêng cữ đủ thứ.
Tháng 5 năm 2001, một tin vui đến từ bang Maryland của Mỹ: các nhà khoa học ở đây đã chế tạo thành công một loại vacxin chống viêm nhiễm đường tiết niệu do vi khuẩn Escherichia coli gây ra. Nó được tiêm cho 300 phụ nữ Mỹ đầu tiên để theo dõi kết quả. Dự kiến hai năm nữa, vacxin này sẽ có mặt trên thị trường châu Âu.
Trong khi chờ đợi, các bạn có thể phòng ngừa bằng cách đều đặn uống nhiều nước, ăn thêm rau xanh các loại, nhất là rau "làm mát" như rau má, rau sam.
418. Mót tiểu (mắc tiểu)
"Mấy tháng gần đây, em hay bị mắc tiểu, cứ 5-10 phút phải đi một lần; đi khám thì bác sĩ nói thận em hoạt động bình thường. Xin giúp em cách chữa".
Em nói chưa kỹ càng cho nên phải nêu lên mấy hướng để em liên hệ:
- Nếu trước đó có quan hệ tình dục với bất cứ ai, kể cả với vợ, thì đó là viêm niệu đạo - bàng quang, cần đi khám bệnh hoa liễu ngay.
- Nếu không, có thể do hai khả năng:
1. Viêm bàng quang do khuẩn Escherichia coli (từ đường ruột xâm nhập vào vì ta sơ hở lúc rửa ráy sau khi đại tiện); nữ hay bị hơn nam. Trường hợp này, em nên dùng một đợt kháng sinh chừng 7-10 hôm, kết hợp các thức uống lợi tiểu (râu bắp, cây mã đề, rau cải, rau má...).
2. Do em thường xuyên uống quá ít nước, khiến nước tiểu trở nên đậm đặc, liên tục kích thích bàng quang. Nếu đúng vậy, chỉ cần uống nước đều đặn và từ tốn, lượng càng nhiều càng tốt, bất kể vào mùa nào.
Em có thể dùng bài thuốc nam gồm hai vị Biển súc (còn có tên là rau đắng, cây càng tôm, cây xương cá, tên khoa học Polygonum aviculare L.) và Đậu đỏ nhỏ (còn gọi là xích tiểu đậu, mao sài xích, mễ xích, tên khoa học Phaseolus angulari Wight). Mỗi ngày dùng 100 g biển súc và 40 g đậu đỏ nhỏ sắc với nước uống; thuốc không độc nên có thể dùng dài ngày.
419. Từ khi lấy chồng bị viêm bàng quang
"Trước khi lấy chồng, cháu vẫn khỏe, nhưng từ sau ngày cưới cháu thường bị đái rắt, có lần nước tiểu đỏ, xét nghiệm có hồng cầu. Bác sĩ cho chữa viêm bàng quang, dùng nhiều loại thuốc không khỏi".
Cháu hãy kiểm tra lại và xử trí theo Mục 418.
Nếu không đỡ, hãy dè chừng bị viêm bàng quang do sinh hoạt vợ chồng quá nhiều. Trường hợp này chỉ cần nhắc chồng cháu cho quan hệ thưa ra, sẽ khỏi mà không cần thuốc men gì.
420. Viêm niệu đạo do tạp khuẩn
"Cháu 20 tuổi, chưa quan hệ nam nữ bao giờ. Mấy hôm nay cháu thấy miệng sáo của dương vật sưng lên, tấy đỏ, hơi đau. Xin cho cháu một lời khuyên".
Cháu bị viêm nhiễm niệu đạo do tạp khuẩn. Hãy dùng nước sạch pha thuốc tím thật loãng, tỷ lệ 1/4000 (màu hơi hồng hồng), cho vào một cái bát hoặc cái ly sạch, ngâm cho ngập dương vật. Làm mỗi ngày 3-4 lần, mỗi lần độ nửa giờ; mỗi lần như vậy, dùng ngón tay ép nhẹ lên, để cho nước thuốc tím vào ra qua miệng sáo.
Xem xét lại nguồn nước, vệ sinh chăn chiếu, luộc quần áo; nếu có điều kiện, nên là (ủi) quần áo trước khi mặc.
421. Nước tiểu như nước vo gạo
"Em 25 tuổi, từng bị một lần nước tiểu như nước vo gạo; đến 1994 bị lại, lúc đầu nước tiểu lờ lờ, về sau càng đặc. Em xấu hổ nên không đi khám. Xin cho biết đó là bệnh gì, có phải là em đái ra tinh trùng không? Bệnh có ảnh hưởng gì về đường con cái, cách chữa ra sao?".
Triệu chứng em kể làm tôi nghĩ đến hai khả năng:
- Em bị bệnh giun chỉ: Loài giun này sống trong hệ bạch huyết, gây nên những lỗ thông li ti giữa đường bạch huyết và đường tiết niệu, làm cho nước tiểu có bạch huyết nên giống màu nước vo gạo. Bệnh có thuốc chữa trị cho những ca vừa phải. Nếu không điều trị được, tiến hành phẫu thuật nhằm cắt đứt những lỗ thông thương nói trên (phẫu thuật bóc hệ thống mạch bạch huyết quanh thận) ở phía có tổn thương, kết quả khả quan.
- Em bị bệnh đái ra phosphate: Trong trường hợp này, bô đựng nước tiểu đóng cặn màu trắng.
Em phải coi sức khỏe làm trọng, khẩn trương tới một bệnh viện lớn xin khám để có hướng xử trí thích hợp. Còn tinh dịch, tinh trùng của em thì không can dự gì vào đây.
422. Giãn tĩnh mạch thừng tinh
"Em là con trai, 18 tuổi, từ nhỏ bộ phận sinh dục phát triển đều nhưng hai năm nay tinh hoàn trái sa xuống thấp, thỉnh thoảng hơi đau, kích thước bình thường. Em đi khám ở huyện thì bác sĩ bảo các tĩnh mạch bên đó bị đứt. Xin cho biết cách chữa".
Nhiều khả năng em bị giãn tĩnh mạch thừng tinh bên trái: khi sờ nắn nhẹ vào sẽ có cảm giác hơi lổn nhổn, ấn hơi tức. Như vậy có nghĩa là, vì một nguyên nhân chưa rõ, thành của những tĩnh mạch thừng tinh trái trở nên kém vững chắc hơn bên phải và bị giãn (chứ không phải bị đứt như em đã nghe nhầm).
Ban ngày, em hãy đeo xì líp thường xuyên, và hạn chế chạy nhảy.
Về thuốc, em hãy dùng thử bài này trong 10-15 hôm: Hạt quýt khô (Đông y gọi là quất hạch) 6-12 g rang vàng (không để cháy), đun sôi với 2 bát nước, lấy 1/2 bát, chia uống 2 lần trong ngày (có thể pha chút đường cho dễ uống).
423. Xử trí tràn dịch màng tinh hoàn
"Tôi có đứa con trai 5 tuổi, một nửa bìu dái sưng to, được bệnh viện chẩn đoán là tràn dịch màng tinh hoàn, nằm viện chữa bằng kháng sinh trong 1 tuần không đỡ. Sau đó, bác sĩ dùng xơ-ranh chọc hút ra nước vàng (đến xơ-ranh thứ 3 thì có màu hồng của máu), và được xuất viện; nhưng ngay hôm sau lại thấy căng lên như cũ".
Ở một số trẻ sơ sinh nam, thường sau 2-3 tuần có biểu hiện tràn dịch màng tinh hoàn rõ (hiện tượng sinh lý bình thường), sau đó giảm dần và hết (ở trẻ sơ sinh nữ thì có ra huyết kiểu như "hành kinh", rồi cũng hết). Một số trường hợp vẫn không hết tràn dịch ở mức độ khác nhau.
Cho đến nay, vẫn chưa có thuốc gì làm mất được hiện tượng tràn dịch màng tinh hoàn, kể cả kháng sinh.
Không được chọc hút dịch, vì việc này dễ gây tổn thương cho tinh hoàn (ở xơ-ranh thứ 3, dịch của cháu có màu hồng là do chạm phải mạch máu, nhưng không rõ mức độ đến đâu). Chọc hút là vô ích vì chắc chắn dịch sẽ được tái lập.
Tràn dịch màng tinh hoàn phải được điều trị bằng phẫu thuật lộn màng tinh hoàn (rạch túi ra cho thoát hết dịch, rồi khâu lộn trái như lộn nửa cái vỏ chanh đã vắt kiệt). Cuộc mổ thường không quá mười lăm phút, sau đó tinh hoàn vẫn bình yên vô sự.
Thường người ta hay chờ cho cháu "hơi khôn khôn, dễ bảo", để có thể chỉ gây tê tại chỗ, tránh phải gây mê, nghĩa là vào khoảng 6-8 tuổi; không để muộn hơn. Có khi phải mổ sớm hơn nếu cháu bị các bạn trêu chọc là "thằng chim to", sinh mặc cảm tự ty.
Trường hợp con bạn, tôi thấy có một điểm ngờ ngợ là dịch tái hiện quá nhanh. Nên sớm cho cháu đến chuyên khoa tiết niệu sinh dục nam của một bệnh viện lớn để mổ. Nếu lần chọc đó có gây chảy máu thì máu đã được cầm, biến thành một thứ dịch sánh. Việc lộn màng tinh hoàn sẽ giúp khỏi bệnh (nếu màng dày cộp lên sau khi bị chảy máu, có thể phải xén bớt ít nhiều trước khi khâu lộn).
424. Cơn đau quặn thận
"Tôi làm nghề nông, bị đau quặn bụng phải dữ dội kèm theo đái buốt, lần sau cách lần đầu chừng một tuần, siêu âm cho biết bị giãn đài bể thận bên phải. Xin cho biết nguyên nhân; chuyện phòng the có liên quan gì đến bệnh không? Có cần xét nghiệm gì thêm không và cách chữa ra sao?".
Nếu kết quả siêu âm nói trên là chính xác thì bác đã hai lần bị cơn đau quặn thận bên phải do sỏi đường tiết niệu di chuyển xuống dọc theo niệu quản.
Để dễ hình dung, bác coi bể thận như một thùng chứa nước đặt bên trên, và niệu quản là cái ống dẫn nước xuống. Bấy lâu nay trong thùng chứa của bác đã xuất hiện một hay nhiều viên sỏi nhỏ hoặc to, nhưng vì chúng nằm yên tại chỗ nên bác thấy "bình yên vô sự". Nay đột nhiên một viên sỏi tụt vào ống dẫn nước và di chuyển xuống dưới, gây đau dữ dội vì ống dẫn phải co bóp mạnh để tống cái vật lạ đó đi.
Nếu viên sỏi nhỏ, nó có thể đi xuống bàng quang; từ đó có thể tụt vào niệu đạo, gây đau buốt dọc dương vật trước khi lọt được ra ngoài.
Nếu sỏi to hoặc sần sùi, nó sẽ mắc kẹt trong niệu quản, gây tắc nước tiểu từ thận xuống, làm cho bể thận bị giãn ra; nếu để muộn sẽ gây giãn đài thận (nơi chứa các ống li ti dẫn nước tiểu ra bể thận). Để muộn thêm nữa thì cả quả thận sẽ bị giãn, nhu mô thận bị hủy hoại, trở thành một túi nước vừa vô dụng, vừa nguy hiểm vì dễ bị nhiễm khuẩn thành một túi mủ.
Trường hợp của bác phải được các bác sĩ ở chuyên khoa tiết niệu khám xét và giải quyết. Tại đây, bác sẽ có thể chụp X-quang thường ổ bụng (sau khi thụt tháo phân kỹ càng hai lần liên tiếp để không nhầm viên phân với viên sỏi) nhằm xác định có sỏi tại những vị trí nào (thận, niệu quản), kích thước và hình thù viên sỏi.
- Nếu viên sỏi niệu quản to, sần sùi, nằm ở nơi khó vượt qua..., bác sĩ sẽ chỉ định mổ. Bác sẽ phải chụp thêm thận thuốc (để đánh giá chức năng bài tiết của cả hai thận và tình hình đài bể thận).
- Nếu viên sỏi nhỏ, hy vọng có thể tự tụt xuống thêm để ra bàng quang, bác sĩ chuyên khoa sẽ cho điều trị bảo tồn một thời gian ngắn (chủ yếu là cho chạy nhiều bận trong ngày sau những lần uống nhiều nước; nếu cần thì dùng thêm thuốc giảm đau để bệnh nhân chạy được thuận lợi). Nếu không biến chuyển, nhất thiết phải phẫu thuật.
- Nếu sỏi đã xuống bàng quang, trường hợp không tự đái ra được sẽ được chữa bằng kỹ thuật tán sỏi, không nhất thiết phải mổ như trước đây. Sỏi bàng quang để lâu sẽ lớn dần do được bọc thêm các lớp vôi xung quanh, dễ gây chảy máu và viêm nhiễm bàng quang.
- Nếu có sỏi ở đài bể thận, bác sĩ tiết niệu sẽ cho chỉ định cụ thể tùy từng tình huống.
- Nếu chụp X-quang không thấy sỏi thì hoặc viên sỏi không cản quang (hiếm gặp), hoặc không có sỏi (nếu vậy thì kết quả siêu âm vừa qua là không chính xác, vì những hạt sỏi li ti tuy gây đau khi di chuyển nhưng không thể gây giãn đài bể thận).
Bác cần khẩn trương lên. Bởi lẽ trong điều trị sỏi niệu quản, yếu tố quan trọng hàng đầu là thời gian:
- Khi còn cơn đau quặn thận là còn sớm; nếu thanh toán được viên sỏi thì mọi chuyện sẽ trở lại gần bình thường hoặc như cũ.
- Khi không còn cơn đau là đã muộn hay quá muộn. Lúc bấy giờ, nếu có mổ lấy vỏ viên sỏi thì chức năng thận khó phục hồi hoặc mất hẳn.
Chuyện phòng the không phải là nguyên nhân gây bệnh sỏi tiết niệu. Nhưng khi quan hệ vợ chồng, những động tác đột ngột và mạnh mẽ vùng lưng có thể làm cho viên sỏi đang nằm yên trong bể thận lọt vào niệu quản (cũng như khi ta chạy nhảy hay đi lại nhiều).
Dù có mổ lấy sỏi hay không, từ nay trở đi bác cần chú ý thường xuyên dùng một chút chất chua và uống nhiều nước (nước chanh, cam, nước ép hoa quả chua như khế, muỗm...) để giúp cho nước tiểu bớt kiềm, hạn chế hiện tượng sinh sỏi.
425. Đi tiểu ra máu sau chấn thương vùng lưng
"Tôi 42 tuổi. Cách đây chừng 10 năm, tôi chơi xà ngang bị ngã đập mạnh lưng xuống đất, đêm ấy đi tiểu đỏ như máu, từ hôm sau nhạt dần rồi hết, không phải thuốc men gì. Hai 2 năm nay, tôi hay đau lưng và thỉnh thoảng thấy nước tiểu màu đỏ nhạt, vài ba bữa thì hết, nhưng vẫn khỏe, lao động nhà nông rất tốt".
Mười năm trước, khi lưng đập xuống đất, thận của bác đã bị đụng giập, gây tiểu tiện ra máu; cũng may sau đó không hề hấn gì. Nói "may" là vì khi gặp chấn thương thận có đái ra máu, ta không biết chắc là bị một hay hai bên, mức độ tổn thương nhẹ hay nặng, chảy máu có thể tự cầm hay buộc phải mổ để xử trí, và nếu mổ thì vẫn giữ được thận (khâu cầm máu...) hay phải cắt thận (cắt một phần hay cắt cả thận). Đó là chưa kể bể thận hoặc niệu quản có thể bị rách, bị đứt làm cho nước tiểu rỉ vào ổ bụng...
Gặp trường hợp như vậy, nhất thiết bác sĩ phải chụp thận thuốc (nghĩa là tiêm thuốc cản quang có iốt vào tĩnh mạch rồi chụp X-quang vùng thận, gọi tắt là UIV) để đánh giá tình hình. Thuốc cản quang trong nước tiểu sẽ giúp giải đáp các câu hỏi hóc búa đó.
Có chuyện rắc rối xảy ra sau chấn thương thận là: Canxi trong nước tiểu có nguy cơ đọng lại trên vết sẹo của thận, hình thành sỏi thận, thậm chí sỏi rất to, trông cứ như một củ gừng. Quá trình này chậm hay nhanh, lặng lẽ (sỏi "dính" vào đài thận) hay ồn ào (sỏi "rơi" xuống niệu quản, gây cơn đau quặn thận) tùy từng trường hợp. Lần tiểu ra máu cách đây 2 năm của bác là dấu hiệu cảnh báo đầu tiên, sau đó tái đi tái lại mà bác đã bỏ qua, chứng tỏ chắc chắn là bác đã bị sỏi thận ở một hay cả hai bên.
Nhất thiết bác phải được chụp một phim X-quang vùng lưng để xác định. Chỉ phim đạt tiêu chuẩn mới phát hiện được những vết đóng vôi còn mỏng trên thận.
Từ nay (và đáng lẽ ngay từ dạo đó), bác nên thường xuyên dùng thức uống hơi chua (nước chanh quả, nước cam quýt...) và uống nhiều nước để hạn chế việc sinh sỏi. Càng tránh được lao động nặng càng tốt, vì những động tác mạnh hoặc việc đi lại nhiều dễ gây tiểu ra máu do sỏi cọ xát lên nhu mô thận.
Nếu đúng có sỏi thận thì trường hợp của bác chắc không có chỉ định phẫu thuật tuyệt đối, ít nhất là trong thời gian này, vì sỏi thận không cần phải xử trí ngay như sỏi niệu quản.
426. Vài vị thuốc dân gian chữa sỏi thận
"Bố cháu bị sỏi thận hai bên; mẹ cháu vay mượn đưa bố đi tán sỏi tại Viện quân y 108, nhưng vì thiếu tiền nên chỉ tán được sỏi thận phải, còn viên sỏi 1 cm ở thận trái vẫn nguyên đấy. Xin cho biết có loại thuốc gì làm cho sỏi ra mà không phải tán không (vì mẹ cháu không vay được thêm nữa)?".
Bố cháu có thể uống Kim tiền thảo do Xí nghiệp Dược phẩm Trung ương 26 sản xuất dưới dạng cao viên (lọ 100 viên giá khoảng 38 ngàn đồng).
Nếu thấy đau quặn thận, đau lắm đấy, thì cả nhà hãy vui mừng, vì đó là biểu hiện viên sỏi đã nhỏ bớt và lọt được xuống niệu quản. Lúc đó, bố cháu phải uống thật nhiều nước rồi chạy tại chỗ, giúp sỏi tụt nhanh xuống bàng quang rồi đái ra.
Bên cạnh đó, bố cháu có thể theo kinh nghiệm dân gian, dùng một trong hai cách sau:
- Quả chuối hột (càng già càng tốt) để cả vỏ, thái lát mỏng, rang cho khô giòn (không để cháy), hạ thổ, tán thành bột, đựng vào lọ kín hoặc túi ni lông để dùng dần. Mỗi ngày uống 3 lần, mỗi lần 15 g.
- Quả dứa chín vừa để cả vỏ, khoét xoáy một lỗ nhỏ, nhét vào đó một cục phèn chua cỡ bằng đầu ngón tay trỏ, đậy nắp lại, đem nung một lúc trên lửa. Lấy ra gọt vỏ và vắt nước uống. Cách 1-2 hôm dùng một quả, chừng 5 lần.
Về ăn uống, bố cháu tham khảo Mục 424.
427. Được chẩn đoán sỏi thận cách đây 3 năm.
"Khi cháu 17 tuổi, các bác sĩ khám và cho siêu âm, kết luận là bị sỏi thận và kê đơn thuốc. Nay cháu đã 20 tuổi, thấy bệnh có giảm chút ít, vẫn đi giải nhiều lần, nước tiểu đỏ và ít. Xin cho cháu một lời khuyên".
Trước hết, cháu nên sớm tới khoa tiết niệu của bệnh viện để:
- Xin thử nước tiểu: Nếu trong nước tiểu có hồng cầu thì nhiều khả năng vẫn còn sỏi (do viên sỏi cọ sát gây xuất huyết). Cháu hãy xin chụp X-quang toàn bộ vùng bụng để xem có sỏi hay không và sỏi ở phía nào (phim phải thật rõ; muốn vậy, trước khi chụp X-quang, cháu phải được thụt tháo hai lần liên tiếp để loại trừ hết các hòn phân có thể đánh lừa bác sĩ). Cháu đừng mất thì giờ siêu âm vì sẽ rất khó phát hiện nếu sỏi nhỏ hoặc lẫn với bóng phân.
Nếu có sỏi và thấy cần thiết, bác sĩ sẽ cho chụp thêm thận thuốc (UIV) để đánh giá tình hình của hệ tiết niệu nói chung, từ đó đề ra phương án chữa trị thích hợp.
Nếu chưa có điều kiện đi khám như trên và nghi ngờ vẫn còn sỏi thận, cháu có thể dùng thuốc nam và uống các loại nước như đã nêu trong Mục 426 và Mục 424.
Cần lưu ý điều quan trọng sau đây: Nếu xét nghiệm thấy trong nước tiểu có các trụ hình hạt thì trước đây cháu bị viêm cầu thận cấp, nay đã thành viêm cầu thận mạn. Nếu vậy thì phương hướng điều trị sẽ khác hẳn.
428. Sỏi thận khi nào phải mổ?
"Tôi năm nay gần 40 tuổi, vẫn khỏe mạnh và công tác bình thường. Gần đây, do đau ê ẩm ở lưng nên tôi được chụp điện vùng lưng, tình cờ phát hiện ra một viên sỏi bằng ngón tay út ở bể thận phải. Xin cho biết liệu tôi có phải mổ lấy viên sỏi ra không?".
Như vậy là viên sỏi ở bể thận phải của bác đã có từ lâu nhưng diễn biến âm thầm nên bị bỏ qua. Đáng sợ nhất là khi nó còn nhỏ bằng đầu đũa, nếu lọt xuống niệu quản (tiếp nối ngay với bể thận) sẽ gây tắc nước tiểu do thận bài tiết ra, khiến bệnh nhân đau dữ dội (cơn đau quặn thận). Nếu nó mắc lại tại niệu quản thì dần dà sẽ gây giãn thận.
Đến khi sỏi to dần tới kích thước hiện nay thì nguy cơ nói trên không còn nữa, vì nó đã lớn hơn lòng của niệu quản rất nhiều.
Về lâu dài, viên sỏi này có thể sẽ lớn thêm dần, tuy nhiên không thể tiên lượng được là nhanh hay chậm. Nó có thể gây chảy máu ít nhiều do cọ xát khi bác vận động (trong trường hợp này sẽ thấy nước tiểu có màu đỏ từ đầu đến cuối bãi, hoặc xét nghiệm nước tiểu thấy có nhiều hồng cầu); cũng có thể gây viêm nhiễm đường tiết niệu phải (ít thấy hơn).
Ngoài ra, nếu viên sỏi của bác hình mỏ vẹt thì chỗ mỏ vẹt sẽ khớp với chỗ tiếp nối giữa bể thận và niệu quản. Trong trường hợp này, về lâu dài, nó có thể làm giãn bể thận ở mức độ nhất định, và bệnh nhân phải được mổ càng sớm càng tốt.
Vì vậy, để thật chắc chắn, bác nên sớm về khám tại khoa tiết niệu của một bệnh viện trung ương. Bác sĩ sẽ cho chụp X-quang lại toàn bộ đường tiết niệu, chụp thận thuốc (UIV) để đánh giá chức năng thận cũng như tình hình của đài bể thận, từ đó sẽ quyết định phải xử lý sớm hay không (tán sỏi hay mổ lấy sỏi).
Nếu chưa có dấu hiệu báo động hoặc gia đình chưa có điều kiện đến bệnh viện, bác có thể tạm thời "chung sống hòa bình" với viên sỏi này, đồng thời cảnh giác để sớm phát hiện các biến chứng nêu trên.
Bác không nên vận động nhiều để tránh bị xuất huyết do viên sỏi cọ sát. Thường xuyên dùng thức uống hơi chua (nếu không có hội chứng viêm loét dạ dày - tá tràng) nhằm hạn chế sỏi cũ lớn thêm và sỏi mới hình thành. Trong khi chờ đợi, bác có thể vận động và uống một vài vị thuốc nam dễ kiếm (xem Mục 426).
429. Phì đại và sỏi tuyến tiền liệt
"Tôi đã 78 tuổi, vừa qua đi siêu âm, được phát hiện là phì đại tuyến tiền liệt, có sỏi. Hiện nay tôi vẫn tiểu tiện bình thường, không gặp gì rắc rối. Liệu có phải mổ không?".
Phì đại tuyến tiền liệt có chỉ định xử trí ngoại khoa khi nó gây trở ngại lưu thông nước tiểu, chữa trị nội khoa không đỡ. Trường hợp của bác trước mắt không có gì đáng lo ngại. Sỏi tuyến tiền liệt thường có nhiều viên nằm cạnh nhau, khác hẳn sỏi thận, sỏi niệu quản hay bàng quang vì không gây hậu quả gì cho bộ máy tiết niệu. Bác có thể dùng thêm Theravit của Hoa Kỳ, mỗi ngày 1-2 viên, vì nó chứa selen, chất có tác dụng bảo vệ tuyến tiền liệt.
Nếu xuất hiện rắc rối, bác thử dùng Prostati-Dauss, một loại thuốc nước của Pháp mang chất chiết xuất từ tinh hoàn động vật, mỗi ngày uống 2 ống (chia làm hai lần, lúc no) trong ba tuần liền rồi tạm ngưng, sau đó nếu cần lại dùng tiếp đợt khác.
Về chữa trị viêm nhiễm đường tiết niệu nói chung và bàng quang nói riêng (thường xảy ra ở người có u tuyến tiền liệt), có thể uống thêm hằng ngày 1-2 viên Mictasol blcu của Pháp (vào các bữa ăn, chiêu với nước). Thuốc làm giảm viêm nhiễm, khiến việc tiểu tiện không còn gặp trở ngại. Tuy nhiên, phải nhớ rằng Mictasol bleu không được dùng cho người bị suy thận.
Còn về xử trí ngoại khoa, hiện nay người ta dùng nội soi bàng quang để "cắt" tuyến tiền liệt thành từng mảnh nhỏ rồi cho chảy ra ngay theo dòng nước. Thủ thuật này đơn giản, nhẹ nhàng. Tháng 4/1999, các nhà khoa học Pháp đã sáng tạo được một phương pháp mới còn đơn giản và nhẹ nhàng hơn nhiều: luồn qua hậu môn vào trực tràng một đầu dò có siêu âm cường độ cao để làm tiêu tan tuyến tiền liệt bị bệnh. Trong số 50 bệnh nhân đầu tiên được chữa trị, có 40 người thu được kết quả tốt.
Trường hợp của bác hy vọng sẽ không phải dùng đến các thủ thuật ngoại khoa nói trên.
430. Không tinh hoàn sao vẫn có con?
"Các giải đáp y học nói rằng tinh hoàn lạc chỗ nếu không mổ sẽ bị vô sinh. Nhưng sao trong xóm chúng tôi lại có một người đàn ông từ khi sinh ra vẫn không có tinh hoàn mà nay vẫn có con?".
Nếu tinh hoàn nằm lì trong ổ bụng thì đến tuổi dậy thì, nó không phát triển để trở nên thành thục, bị xơ hóa, vì thế sẽ gây vô sinh. Ngoài ra, những bệnh nhân này còn dễ bị ác tính hóa thành ung thư tinh hoàn.
Trường hợp các bạn gặp chắc chắn là nằm vào một trong hai tình huống sau:
- Tinh hoàn của người đó tuy không hiện diện ở bìu nhưng vẫn thập thò ở lỗ bẹn (nghĩa là vẫn có những dịp "ra hóng mát" bên ngoài ổ bụng), cả hai bên hay chỉ một bên. Và chúng vẫn phát triển được bình thường.
- Cả hai tinh hoàn đều nằm hẳn trong ổ bụng: Chúng đã bị xơ hóa và gây vô sinh. Do đó, người này không phải là cha sinh học của đứa bé.
Chúng ta không nên tò mò đi vào đời tư của người khác. Nhưng để giúp ngăn ngừa ung thư tinh hoàn, các bạn nên ăn nói bằng cách nào đó giúp anh ta hiểu ra vấn đề và đi khám để xin mổ cắt bỏ một (hoặc cả hai) tinh hoàn nếu nó vẫn nằm sâu trong ổ bụng.
431. Sa dạ con
"Mẹ cháu đã hơn 50 tuổi, lâu nay mỗi lần đại tiện lại thấy thòi ra một cục gì nơi cửa mình. Cháu lo quá. Xin cho biết đó là bệnh gì, liệu có phải ung thư không?".
Cháu hãy bình tâm. Mẹ cháu bị sa dạ con, và cái khối thò ra ngoài là cổ tử cung đấy. Chắc chắn không phải ung thư.
Nếu mẹ cháu không thấy vướng víu lắm, có thể chịu đựng được, thì chỉ cần giữ vệ sinh tốt, tránh vận động nhiều hay mang vác để không làm cho bệnh nặng thêm. Nếu nó sa xuống quá thấp, có nguy cơ nhiễm khuẩn thì nên phẫu thuật treo hoặc cắt dạ con.
Tốt nhất là mẹ cháu tới một cơ sở phụ sản tốt xin khám để có hướng xử trí thích hợp. Nếu mổ cũng không nặng nề như mổ dạ dày hay mổ gan mật, nói mẹ đừng sợ, chỉ sau mấy hôm là xuất viện thôi.
432. Tử cung nhi tính
"Tôi có một đứa cháu gái hơn 20 tuổi. Năm 18 tuổi, cháu hành kinh lần đầu, sau đó tới nay không có, lông nách và lông mu không mọc. Vừa qua, cháu được Bệnh viện phụ sản Từ Dũ khám và chẩn đoán là tử cung nhi tính, được uống thuốc để tạo vòng kinh. Xin giải thích rõ về hiện tượng này, ảnh hưởng của nó đối với sức khỏe và hạnh phúc sau này của cháu".
Từ sau tuổi dậy thì, buồng trứng thành thục sẽ tiết ra hoóc môn nữ một cách thường xuyên, hình thành chu kỳ kinh nguyệt hằng tháng, kèm theo hiện tượng phóng noãn (rụng trứng) để chờ thụ tinh.
Nếu có trục trặc của buồng trứng hoặc của tuyến yên (nằm ngay dưới não), sẽ không có kinh nguyệt và dĩ nhiên không thể thụ thai; bộ phận sinh dục cũng không phát triển đầy đủ (dạ con nhỏ như của trẻ em, không có lông mu...). Trong trường hợp này, phải dùng thuốc tạo vòng kinh nhân tạo, nhưng vẫn không có phóng noãn. Tuy vậy, vẫn phải cho cháu sử dụng liên tục, không được cách quãng, để cháu được thoải mái và hy vọng.
Hiện tại, chưa có thuốc gì chữa được "tử cung nhi tính". Nhưng sau khi kỹ thuật thụ thai trong ống nghiệm được tiến hành rộng rãi cho lứa tuổi đang sinh sản, người ta đã thực hiện được kỹ thuật đó có kết quả cho một bà già trên 62 tuổi, tạo niềm hy vọng cho những chị em đã mãn kinh mà chưa có con. Đầu năm 1999, Italy đã công bố một phương pháp mới thực hiện trên nam giới vô sinh (do "tinh hoàn nhi tính"), cho ra đời 5 cháu khỏe mạnh bình thường. Trước những tin vui như vậy, chúng ta có thể hy vọng cho hạnh phúc tương lai của cháu.

 

<< Chương 5: Các bệnh tai mũi họng, răng hàm mặt, tim phổi và bệnh ở bụng | Chương 7: Bệnh ở da, tóc, lông, bệnh lây qua đường tình dục và một số bệnh khác >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 725

Return to top