Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Y Học, Sức Khỏe >> 500 giải đáp y học theo yêu cầu bạn đọc

  Cùng một tác giả
Không có truyện nào


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 17072 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

500 giải đáp y học theo yêu cầu bạn đọc
Lê Trọng Bổng

Chương 1: Sức khỏe

1. Lớn nhanh nhất ở tuổi nào?
"Xin cho chúng em biết, từ nhỏ đến khi thành người lớn, cơ thể phát triển nhanh nhất về chiều cao vào lúc nào?".
Chưa có thống kê lớn nào ở nước ta về vấn đề mà các em quan tâm. Gần đây, một nghiên cứu của Nhật Bản tiến hành trên hơn 200 sinh viên (cả nam lẫn nữ) cho thấy: Ở con gái 8 tuổi và con trai 11 tuổi có bước ngoặt về phát triển chiều cao. Đến 15 tuổi (gái) hoặc 17 tuổi (trai), tốc độ giảm xuống, mỗi năm cơ thể chỉ cao thêm chưa đầy 1 cm.
Số liệu trên là của nước ngoài, nhưng các em có thể tham khảo vận dụng cho bản thân và gia đình nhằm có một chế độ ăn uống, rèn luyện thể lực thích hợp trong bước ngoặt quan trọng đó.
2. Có nên đi nghỉ mát hằng năm?
"Hai đứa con tôi ngoan và học giỏi. Hè nào các cháu cũng đòi đi nghỉ mát, nhưng vợ chồng tôi quá bận rộn nên không đi được. Vừa rồi bà chị ông xã ở Mỹ về chơi, tụi tôi bị bả mắng cho một trận về chuyện đó...".
Hai bạn không bị mắng oan đâu. Các bạn đã bỏ mất những dịp tốt cho các cháu được tiếp xúc với thiên nhiên, hít thở không khí trong lành. Vợ chồng bạn cũng đã bỏ mất những dịp tốt để củng cố thêm tình nghĩa giữa hai vợ chồng, giữa con cái với bố mẹ, bỏ mất những dịp tốt để gần gũi mọi người, từ đó củng cố thêm lòng nhân ái cho mình và cho các con .
Ngoài một số điều trên, đi nghỉ mát rất có lợi cho sức khỏe. Một nghiên cứu kéo dài 9 năm tại Mỹ, tiến hành trên gần 13.000 người có nhiều nguy cơ bị bệnh tim, đã phát hiện ra rằng: ở những người đi nghỉ mát đều đặn hằng năm, nguy cơ tử vong giảm 17% so với những người chỉ nghỉ ngơi tại nhà. Qua đó, các nhà khoa học nhận định, đi nghỉ mát là dịp thoát ra khỏi stress, dành được nhiều thời gian hơn cho gia đình và bạn bè trong một môi trường mới đầy hấp dẫn.
3. Sống lâu có di truyền không?
"Đặc điểm sống lâu có di truyền không? Ông nội tôi, ba tôi đều thọ ngoài 80 tuổi. Liệu anh em tôi có thừa hưởng được điều đó?".
Nhiều thống kê khoa học cho thấy trong một số dòng họ, có những thế hệ sống lâu liên tiếp. Những thế hệ này gần như cùng có các đặc điểm là: điều độ về mọi mặt, ăn nhiều rau quả, không hút thuốc, không nghiện rượu, ưa hoạt động, sống nơi thoáng đãng...
Các nhà khoa học Canada đã tìm ra một gene của người mang tên gene SOSI mà họ cho là có vai trò bảo vệ cơ thể chống lại hiện tượng ôxy hóa. Họ đưa gene này vào tế bào thần kinh của một loài ruồi nhỏ và thấy chúng sống lâu gần gấp rưỡi bình thường.
Thí nghiệm trên đang được tiếp tục, được cải tiến để một ngày nào đó có thể ứng dụng cho con người nhằm kéo dài tuổi thọ.
Vậy là các thành viên trong gia đình bạn có cơ sở để hy vọng sống lâu, với điều kiện là biết giữ gìn và đảm bảo cuộc sống an toàn.
4. Đi bộ đều đặn giúp sống lâu
"Ở khu phố chúng tôi có một cặp vợ chồng viên chức về hưu tuy đã trên 75 tuổi nhưng vẫn khỏe mạnh. Họ cho biết 10 năm về trước đã bán xe đạp để đi bộ đến cơ quan nhằm rèn luyện thể lực, và hiện họ vẫn nghiện đi bộ. Xin cho biết đi bộ nhiều có lợi ích gì?".
Cách đây chừng hai chục năm, ở Hà Nội và một số thành phố khác có "phong trào" đi bộ trong viên chức, nhất là lứa tuổi 45-50. Họ tính toán chính xác, đi bộ thong dong, đến cơ quan rất đúng giờ, tan tầm cũng đi bộ về nhà. Có lẽ họ chỉ thấy đi bộ làm con người khỏe ra, hoạt bát, yêu đời, thế thôi. Vì khoa học ngày đó chưa thấy được gì hơn.
Phải đến đầu năm 1998 mới có kết quả nghiên cứu đầu tiên trên thế giới về vấn đề này. Trong suốt 19 năm, các nhà khoa học thuộc Đại học Helsinki (Phần Lan) đã theo dỗi 16.000 anh chị em song sinh và nhận thấy đi bộ có tác dụng kéo dài tuổi thọ. Ở những người đi bộ mỗi tháng 6 lần, mỗi lần nửa giờ (bước đều chân), tỷ lệ tử vong chỉ bằng non một nửa so với người không đi bộ. Hiện tượng này không phụ thuộc vào yếu tố di truyền.
Một nghiên cứu thực hiện trên gần 26.000 phụ nữ được các nhà khoa học Nauy công bố năm 1999 cho thấy, ở những chị em vận động thể lực tối thiểu 4 giờ/tuần (dù chỉ là đi bộ), tỷ lệ ung thư vú giảm 37%. Theo một nghiên cứu của Viện ung thư quốc gia Mỹ, tỷ lệ này giảm 60% ở những chị em có vận động thể lực.
5.Thêm một lợi ích của đi bộ
"Bác sĩ khuyên những người béo như chúng em phải ăn ít đi và vận động nhiều. Em không biết chơi thể thao thì tính sao đây? Còn tập thể dục thì em thấy không giảm cân được mấy. Xin cho chúng em một lời khuyên".
Các em cần nhớ là nếu đã rút bớt khẩu phần ăn thì đừng có vì đói bụng mà tăng cường ăn vặt, nếu không thì chỉ hoài công. Cần chú ý điều chỉnh để không cho xuống cân quá nhanh, ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe và kết quả học tập. Mỗi tháng cứ cho xuống đều 1 kg là tốt rồi, không vội được đâu.
Tốt nhất là em nên đi bộ thường xuyên với cách thức như sau: Mỗi ngày đi bộ đúng 45 phút với vận tốc đúng 6 km/giờ, không được chậm hơn (vì không tác dụng) và không được nhanh hơn (vì gây mệt nhọc vô ích). Nếu không tiến hành được một lúc thì có thể chia ra làm ba lần trong ngày, mỗi lần 15 phút, cũng với vận tốc trên. Phương pháp này được rút ra từ một nghiên cứu mới đây của Mỹ, tiến hành trên 2.000 người béo phì, kết quả là giúp ít nhất 13 kg sau 1 năm.
6. Tuổi thọ trung bình trong thế kỷ 21
"Với những thành tựu kỳ diệu của khoa học, có đúng là con người sẽ có nhiều khả năng sống trăm tuổi hơn trong thế kỷ 21?".
Khi có thành tích, con người thường hay bốc đồng. Sự thực không phải dễ dàng như vậy.
Đầu năm 2001, nhà khoa học Mỹ Holshansky đã căn cứ vào số liệu thực tế trong 10 năm (1985 - 1995) mà kết luận rằng: Nhân loại nếu muốn có tuổi thọ trung bình là 100 thì phải giảm được 85% số ca tử vong thuộc mọi lứa tuổi ngay cả ở những nước vốn có tỷ lệ tử vong thấp. Theo ông, nếu không có một cuộc cách mạng sinh y học thực sự, tuổi thọ trung bình của nhân loại giỏi lắm chỉ đạt 85 tuổi (88 tuổi ở nữ và 82 tuổi ở nam) trong thế kỷ 21. Mức tuổi trên sẽ đạt được ở Pháp vào năm 2033, ở Nhật năm 2035, còn ở Mỹ thì phải sang năm 2182.
Holshansky quá bi quan chăng? Năm 1990, khi ông công bố trên tạp chí Science những điều tương tự, người ta đã chê trách ông. Nhưng 11 năm sau, họ đã thấy ông có lý khi nhận thấy tốc độ giảm tử vong quá chậm chạp.
7. Hít thở khói thuốc lá có việc gì không?
"Khói thuốc lá có hại cho người xung quanh đến mức nào mà cấm không được hút thuốc nơi công cộng, chỗ làm việc...?".
Từ thập niên 1970, các bác sĩ nhi khoa khi nghiên cứu ảnh hưởng độc hại của môi trường nhiễm khói thuốc lá đối với trẻ em đã nhận thấy, những trẻ sống chung với người nghiện (bị xông khói thuốc triền miên) thường mắc các bệnh đường hô hấp (viêm họng, viêm phế quản, hen...) phải nằm viện, chức năng hô hấp suy yếu và chậm phát triển.
Năm 1981, lần đầu tiên các nhà khoa học công bố kết quả nghiên cứu cho thấy, nguy cơ ung thư phổi tăng ở những trẻ em phải thường xuyên hít thở không khí nhiễm khói thuốc lá.
Năm 1977, tại Mỹ có một vụ kiện độc đáo. Một công chức làm việc tại cơ quan bảo hiểm xã hội Baltimore thường bị chảy nước mắt, nôn mửa, có lần bị xung huyết phổi. Anh ta cho rằng mình nhiễm phải khói thuốc lá do các đồng nghiệp thường xuyên phả ra nơi công sở, bèn làm đơn khiếu nại tới cơ quan pháp luật. Ủy ban hòa giải liên bang Mỹ xác nhận người này có lý và phán quyết là anh được bồi thường mỗi tháng 1.400 USD.
Năm 1986, hai bản tường trình tại Mỹ (một của Bộ Y tế, một của Viện Hàn lâm khoa học) dựa trên kết quả 12 công trình nghiên cứu đã kết luận rằng, việc thường xuyên hít thở không khí nhiễm khói thuốc lá của người khác có thể dẫn đến ung thư phổi ở những người không hút. Tuy nhiên, kết luận trên chưa thực sự có sức thuyết phục vì chỉ mới được thực hiện trên gần 1.000 bệnh nhân.
Từ đó, đã có hơn 16 công trình nghiên cứu tiến hành trên gần 3.000 bệnh nhân nữa được công bố. Qua đó, người ta thấy rằng nhận định năm 1986 của các nhà khoa học là đúng.
Chính quyền Mỹ hiện đã chính thức xác định rằng, không khí nhiễm khói thuốc lá tại nơi làm việc là nguyên nhân gây ung thư phổi cho những người không hút thuốc phải hoạt động trong môi trường đó. Về sau, tại phương Tây đã diễn ra một số vụ kiện lớn về thuốc lá:
- Năm 1991, một số hãng thuốc lá lớn của Mỹ bị 60.000 tiếp viên hàng không kiện tập thể, đòi bồi thường 5 tỷ USD, vì tuy họ không hút nhưng phải thường xuyên hít thở khói thuốc lá của các hãng này trong khi làm nhiệm vụ nên bị ảnh hưởng đến sức khỏe. Đến năm 1997, các hãng bị kiện phải bồi thường 300 triệu USD.
- Trong năm 1997, một vụ kiện tập thể khác do 500.000 người nghiện tiến hành, đòi các nhà sản xuất thuốc lá bồi thường 200 tỷ USD. Tòa án thành phố Miami, bang Florida, vẫn đang xem xét.
Một cuộc điều tra tiến hành trong 5 năm trên 5.000 người hơn 48 tuổi (công bố năm 1998) cho thấy, không chỉ những người nghiện mà cả ở những người phải thường xuyên hít thở không khí chứa khói thuốc lá, nguy cơ giảm thính lực (tai bị nghễnh ngãng) tăng 70%.
Đầu năm 1999, một hãng thuốc lá nổi tiếng ở phương Tây!đã phải bồi thường 80 triệu USD cho gia đình một bệnh nhân chết vì ung thư phổi sau khi hút thuốc lá của hãng này trong 40 năm liền.
Trong thư các bạn không thấy nói đến không khí nhiễm khói thuốc lá trong các gia đình do một vài thành viên nghiện hút phả ra cho người thân hít thở đều đều! Phải chăng vì đây là gia đình, nơi không cần chấp hành lệnh "cấm hút thuốc lá nơi công cộng"? Có lẽ vì các bạn chưa biết rằng:
- Trong số 16 công trình nghiên cứu bổ sung nói trên, đã có 10 công trình chuyên theo dõi những trường hợp phụ nữ không hút nhưng chồng họ lại nghiện thuốc lá. Kết quả là nguy cơ ung thư ở người vợ bằng 1/3 người chồng.
- Một nghiên cứu của Australia công bố tháng 5/1999 cho thấy, những người không nghiện nhưng thường xuyên phải hít thở khói thuốc lá của người khác (nơi làm việc, trong gia đình, nhất là giữa vợ chồng) có nguy cơ đột quỵ cao gấp đôi người bình thường.
8. Thuốc lá đối với thanh thiếu niên
"Anh Hai em là học sinh xuất sắc lớp 11, các thầy cô tin rằng ảnh sau này sẽ thành đạt. Nhưng em rất lo vì ảnh xài mỗi ngày tới hơn một gói thuốc lá. Em phải làm gì bây giờ?".
Trước tiên, em hãy bảo anh là hút thuốc lá dễ dẫn đến ung thư (phổi, thực quản, tụy, bàng quang, thận, cổ tử cung...) và bệnh tim mạch, viêm động mạch, viêm phế quản mạn tính.
Nếu anh xì một cái và nói: "Biết rồi, khổ lắm, nói mãi. Ung thư hay bệnh tim cũng phải vài chục năm nữa, còn hút bây giờ vẫn khỏe vô tư", thì em hãy cho anh ấy biết thông tin sốt dẻo sau đây vừa được đăng trên tạp chí của Hiệp hội y học Mỹ:
Sau khi tiến hành nghiên cứu trên 700 thiếu niên mới bước sang tuổi thanh niên, các nhà khoa học nhận thấy, những em nghiện thuốc lá nặng từ nhỏ đều hay bị chứng âu lo, tinh thần bất ổn, sợ hãi vô cớ và ngại tiếp xúc với đám đông, thậm chí bị chứng trầm cảm. Nguyên nhân là chất nicotin tác động tiêu cực lên hệ thần kinh trung ương.
Nghe vậy, chắc anh ấy sẽ suy nghĩ, bởi vì nếu bị chứng trầm cảm thì làm sao học hành tốt được. Hằng ngày nếu cứ lo âu, sợ hãi thì còn gì là thoải mái; nếu ngại tiếp xúc thì còn đâu những lần đi pícnic thú vị...
Nếu anh vẫn không nghe, em hãy tuyên bố không mua giùm thuốc lá nữa.
Nếu anh tự đi mua, em hãy mách ba mẹ. Mất lòng trước, được lòng sau, anh có thể giận em nhưng rồi sẽ biết ơn em. Còn nếu em cứ "đồng lõa" như hiện giờ là làm hại sự nghiệp của mình.
9. Thai phụ hút thuốc lá gây hại gì cho con?
"Chị dâu cháu còn trẻ nhưng nghiện thuốc lá nặng từ lâu. Phụ nữ nghiện thuốc lá sinh con có bị gì không?".
Con cái người phụ nữ đó sẽ phải hít thở thứ không khí pha khói thuốc lá trong gia đình từ lúc lọt lòng. Sau đó nó sẽ bắt chước mẹ, cũng phì phèo thuốc lá, để rồi cùng với mẹ chờ đón nguy cơ bị ung thư phổi và bệnh tim mạch. Một vấn đề nghiêm trọng hơn vẫn đang được các nhà khoa học tiếp tục làm sáng tỏ là: Liệu người mẹ nghiện thuốc lá có đẻ ra được những đứa con bình thường như mọi người?
Một nghiên cứu năm 1992 trên gần 6.000 nam giới tại Phần Lan cho thấy, trong số những người hay vi phạm pháp luật, manh động và thiếu khả năng tập trung tư tưởng, nhiều người có mẹ hút thuốc lá trong những tháng cuối của thai kỳ.
Các nhà nghiên cứu Đan Mạch cũng đã tiến hành khảo sát trên 4.200 nam giới sinh từ năm 1959 đến năm 1961, từng "có vấn đề" với cảnh sát. Họ nhận thấy, ở những người có mẹ hút 20 điếu thuốc/ngày trong 3 tháng trước khi sinh ra họ, tỷ lệ bị bắt vì những tội nhẹ cao gấp 1,6 lần, vì tội bạo hành gấp 2 lần so với những người mà mẹ không hút thuốc. 
Trong hai nghiên cứu lớn tiến hành độc lập tại hai quốc gia khác nhau trên đây, người ta không thấy tác động của các yếu tố giàu nghèo, tuổi đời, sức khỏe người cha...
Nếu chị dâu của cháu chưa nghe ra, thì có lẽ vài số liệu sau đây có thể giúp chị sớm tỉnh ngộ:
- Cuối năm 1998, Mỹ đã công bố kết quả của một công trình nghiên cứu trên 50 trẻ sơ sinh: Nếu thai phụ hút thuốc lá trong thời gian mang thai, tỷ lệ chất nicotin trong nước tiểu đầu tiên của đứa con cũng y hệt như của mẹ.
- Tháng 5/1999, một thống kê ở Pháp cho thấy, phụ nữ nghiện thuốc lá thường gặp rắc rối khi thai nghén, dễ bị ung thư cổ tử cung và bệnh tim mạch.
- Cuối năm 2000, một thống kê thực hiện trên 4 triệu hồ sơ ở Mỹ cho thấy: Thai phụ hút thuốc lá thường sinh con bị hở hàm ếch (sứt môi) dù hằng ngày chỉ hút từ 1 đến 10 điếu.
- Tháng 5/2001, một nghiên cứu ở Anh phát hiện ra rằng, ở người nghiện thuốc lá, gene NMP-1 (phụ trách việc tổng hợp ra loại men chuyên phá hủy collagen - chất tạo tính chun giãn cho da) bị kích hoạt mạnh mẽ, kể cả khi không phơi nắng. Do NMP-1 bị kích hoạt, da người nghiện thuốc lá sớm nhăn nheo vì biểu bì và chân bì bị lão hóa trước tuổi.
10. Trong thuốc lá có những chất gì?
"Cháu đang học lớp 12, nghiện thuốc lá từ nhỏ nhưng đã thôi hẳn được hơn 3 năm nay. Gần đây, cháu nghe người ta bàn tán chuyện các hãng sản xuất thuốc lá Mỹ bị tố cáo là lâu nay đã bí mật cho vào thuốc lá tới 600 chất độc hại. Cháu lạnh toát cả người".
Gần đây, các nhà sản xuất thuốc lá Mỹ lại bị tố cáo một lần nữa. ICRF, tổ chức chống ung thư có uy tín của Mỹ, Hiệp hội chống thuốc lá Anh và chính quyền bang Massachusetts đã soạn thảo và công bố một bản báo cáo cho thấy: Trong vòng 30 năm nay, từ khi có quy định bắt buộc phải lắp bộ lọc vào đầu điếu thuốc lá (để giảm lượng nicotin được người hút hấp thu), các nhà sản xuất thuốc lá lo sợ rằng lượng nicotin thấp sẽ không đủ để làm cho người nghiện lệ thuộc vào chất độc này như trước. Lợi dụng quy định cho phép thêm vào thuốc lá một số chất để làm "dịu vị", họ đã dùng một số chất làm cho nicotin khuếch tán nhanh vào não và tác động ngay lên các tế bào thần kinh.
Họ thêm các muối ammonium, lấy cớ là để điếu thuốc lá có vị dịu hơn. Nhưng trên thực tế, tác dụng chính của muối ammonium là biến nicotin thành nicotin kiềm, một dạng dễ bay hơi hơn, có thể lên tới não chỉ sau vài giây.
Việc thêm đường vào thuốc lá cũng được chấp nhận, coi như để bù vào chỗ thiếu hụt chất thơm do lọc bớt hắc ín. Nhưng trên thực tế, chất acetaldehyde (dẫn xuất phát sinh từ việc đốt cháy chất đường) làm cho người nghiện trở thành lệ thuộc hơn vào nicotin.
Cacao được thêm vào với lý do làm dịu vị chát của khói thuốc lá; nhưng thực ra chất này làm giãn phế quản, giúp cho nicotin đi vào phổi dễ hơn.
11. Ảo tưởng về thuốc lá không nicotin
"Nghe nói người ta đã sản xuất được thuốc lá không nicotin, có đúng không? Được vậy, dân ghiền chúng tôi đỡ lo bệnh tật biết mấy!".
Hãng sản xuất thuốc lá Vector Group của Mỹ vừa được cấp giấy phép bán một loại thuốc lá đã biến đổi gene mang tên Omini-Free, được giới thiệu là hầu như không chứa nicotin, không làm người hút phụ thuộc vào chất này. Mới nghe, tưởng là một cuộc cách mạng làm cho dân nghiện thuốc lá phấn chấn không còn lo chết non, còn những ai đang "tập tọe" hút thì yên trí đốt tiền mà không sợ nghiện vì... "bỏ hút dễ ợt!"
Nhưng thực tế không đơn giản như vậy. Trong thập niên 1950, thuốc lá không nicotin (xử lý bằng cách nhúng vào ammoniac để tẩy rửa) đã từng xuất hiện mà đại diện là thuốc lá điều Gauloises màu xanh của Pháp. Nhưng chỉ ít lâu sau, loại thuốc này đã rơi vào quên lãng vì hút vào chỉ thấy có hơi nóng và mùi rơm khô, không mê nổi.
Trong điếu thuốc lá ngày nay, các nhà sản xuất thêm vào nhiều phụ gia khác. Do đó, ngoài chất nicotin, người ghiền còn phụ thuộc vào các phụ gia tạo mùi vị này, và rất khó bỏ.
Thuốc lá chuyển gene chứa ít nicotin thì người phụ thuộc chất này phải hút nhiều hơn mới "đã", sẽ tốn thêm nhiều tiền, và nguy cơ mắc bệnh sẽ cao hơn!
Vì sao vậy? Vì thuốc lá không nicotin vẫn tỏa khói, vẫn chứa oxyt carbon và các chất hắc ín như thuốc lá thường, nghĩa là vẫn chứa đầy đủ các nguy cơ gây ung thư.
12. Liệu có cai được thuốc lá không?
"Ba em có sức khỏe, làm nghề thợ mộc kiếm được khá tiền, nhưng lại hút thuốc lá dữ quá, đã cai mấy lần nhưng rồi nghiện lại. Có cách gì giúp ba em cai thuốc lá không?".
Nhiều người nghiện biết thuốc lá nguy hại nên cũng cố cai vài ba lần, nhưng cuối cùng vẫn hút lại. Ở phương Tây có các thuốc cai thuốc lá dạng uống, dạng cao dán cho thuốc ngấm qua da, nhằm làm cho người cai nghiện không có cảm giác khó chịu. Thực tế đó cũng chỉ là chất nicotin mà thôi.
Nếu tiến hành cai nghiện, người hút thuốc sẽ phải trải qua hai giai đoạn tiếp nối nhau.
- Giai đoạn mới bỏ hút (khoảng 3-4 tháng), người cai nghiện bị ảnh hưởng mạnh về thể chất, do đó cần đến sự hỗ trợ của nicotin. Chính trong giai đoạn này, người nào quyết tâm cao sẽ có điều kiện tìm ra những hoạt động có lợi để bỏ hẳn hút.
- Giai đoạn củng cố: Người cai không còn lệ thuộc thuốc, nhưng vẫn cần có ý chí để xa lánh những cám dỗ có thể làm nghiện lại.
Mới đây, các nhà khoa học đã khám phá ra tác dụng cai nghiện của một loại thuốc lâu nay vẫn dùng để trị chứng trầm cảm, đó là chất Bupropion (tên thương mại: Zyban). Bupropion ngăn chặn hiện tượng tái hấp thu dopamin (nguồn gốc của sự lệ thuộc vào nicotin). Khi phối hợp Bupropion với chất nicotin, kết quả cai nghiện tăng gấp rưỡi so với dùng nicotin đơn thuần. Australia và Mỹ đang cho sử dụng rộng rãi biện pháp phối hợp này. Tuy nhiên, hiệu quả của nó cũng chỉ là 60% (40% còn lại là những người thiếu nghị lực).
Nếu ba em có quyết tâm, thì hãy thử lại một lần nữa với biện pháp nào trước đây đã giúp mình "sắp bỏ được" thuốc lá. Lần này hãy cương quyết xa lánh những môi trường hút hít. Mẹ em nên làm một ít mứt gừng thật ngon để ông nhấm nháp khi buồn miệng. Em nên nhắc thêm ba rằng, nhiều người nghiện lâu năm đã bỏ hẳn được thuốc lá mà không tốn một xu, vì họ có quyết tâm cao.
13. Tập võ, tập xiếc có hại gì không?
"Có phải việc tập võ hay tập xiếc sẽ ảnh hưởng đến buồng trứng, tinh hoàn, gây vô sinh?".
Bản thân em hoặc bạn trai của em muốn học võ hay chọn ngành xiếc? Xin cứ yên trí. Nhiều gia đình nghệ sĩ xiếc hoặc võ sư đã và đang phải hết sức "kế hoạch hóa gia đình" đấy.
Chỉ cần chú ý khi đánh võ, nam giới đừng để cho đấu thủ nện trúng "của quý". Khi luyện các tiết mục xiếc, cả nam lẫn nữ đều phải tuân thủ các quy tắc an toàn, không để xảy ra điều gì nguy hiểm cho tính mạng nói chung và cho bộ máy sinh sản nói riêng.
14. Có nhất thiết phải khởi động trước khi tập thể thao?
"Trước khi làm các động tác thể dục thể thao, có nhất thiết phải khởi động không (em không khởi động mà chẳng việc gì)?".
Chắc em chỉ làm những động tác không nặng lắm, nếu không thì đã bị tổn thương dây chằng hoặc cơ bắp. Có vận động viên chơi tennis, chỉ một lần vội vàng không khởi động nên ngay cú nhảy đầu tiên để vụt bóng, anh ta đã bị chảy máu bên trong cẳng chân (do tổn thương một số thớ cơ), không bước được nữa. Anh ta phải chữa chạy đủ cách suốt mấy tháng trời mới đỡ đau và đỡ sưng nề. Em chớ chủ quan, nếu không thì "đi đêm có ngày gặp ma".
Ngoài việc làm cho các cơ và dây chằng từ chỗ đang nghỉ ngơi quen dần với cường độ hoạt động cao, các động tác khởi động còn giúp cho hệ hô hấp và hệ tuần hoàn quen dần với mức đáp ứng cao về sau, không bị đột ngột (nhịp thở và nhịp tim tăng).
Em cũng cần nhớ, ngay sau khi tập xong, không được đứng lại hoặc ngồi, trái lại phải bước đi, khi nhịp thở trở lại bình thường mới ngồi nghỉ và nếu khát thì uống từ từ một lượng nước vừa phải.
15. Tại sao như vậy?
"Tại sao sau khi ngồi xổm để làm việc gì đó, lúc đứng lên em hay bị chóng mặt, sau vài giây thì hết? Em đi khám thì ông thầy lang cho biết bị bệnh thận. Có đúng vậy không, cách chữa ra sao?".
Hãy quan sát người phương Tây khi họ có việc gì đó phải ngồi xuống đất: Bao giờ họ cũng thẳng lưng, giữ tư thế một chân co một chân duỗi thay phiên nhau, hoặc hai gót chân cùng nhón lên giữ cho hai đầu gối hơi "nhấp nhổm" như lò xo, nghĩa là vẫn vận động, máu vẫn lưu thông. Tuy nhiên, ít khi họ dùng tư thế gò bó đó.
Còn tư thế ngồi xổm của ta (bó gối bất động trước ngực, cong lưng lại) gây cản trở lưu thông máu từ hai chi dưới trở về tim. Hiện tượng chóng mặt trong "vài giây" của em có thể giải thích như sau: Trong tư thế ngồi xổm, tuy tổng lượng máu lưu thông bị giảm (do máu ứ lại ở hai chi dưới), nhưng tim vẫn đảm bảo được đủ máu cho não, vì áp lực cột máu đã giảm do giảm chiều cao. Nhưng lúc ta đột ngột đứng lên, áp lực cột máu tăng vọt đột ngột, tim chưa kịp đối phó, không kịp cung cấp đủ máu ngay cho não, khiến não rơi vào tình trạng thiếu máu nhẹ nhất thời (biểu hiện là chóng mặt, xây xẩm mặt mày, thậm chí người chao đảo muốn ngã). Ngay sau đó, nhanh hay chậm tùy trường hợp, tim lại thích ứng được và coi như không có chuyện gì xảy ra.
(Em có thể kiểm chứng giải thích trên đây bằng cách ngồi xổm trên giường một lúc, rồi không đứng lên mà nằm duỗi chân; em sẽ không thấy chóng mặt, do áp lực cột máu chẳng những không tăng mà còn giảm xuống khi nằm).
Như vậy, ta thấy tư thế ngồi xổm tuy "cổ truyền" thật nhưng lại thiếu khoa học và có hại. Em có thể bắt chước người phương Tây trong tư thế này. Tốt hơn hết là dùng ghế thấp để khỏi bị các ông lang vườn phán là "bệnh thận".
16. Khiêng vác nặng hại cột sống
"Cháu là con trai, 17 tuổi. Bố mẹ, anh chị cháu và cả cháu thường xuyên phải khiêng những bao hàng nặng từ 50 đến 75 kg. Hiện cả nhà cháu ai cũng kêu đau lưng. Cháu đi khám thì bác sĩ nghi là có bệnh thận. Xin cho biết có đúng là việc khiêng vác nặng như vậy dễ gây bệnh thận không?".
Việc khiêng vác nặng rất có hại cho cột sống và khối cơ ở vùng lưng, nhất là đối với tuổi đang lớn như cháu. Gia đình cháu nên bàn nhau tự tạo ra hoặc sắm một dụng cụ chuyên chở tại chỗ (như kiểu của hành khách tại sân bay), không tốn kém mấy đâu.
Chắc chắn tình trạng đau lưng của gia đình cháu là do mang vác nặng gây nên. Chẩn đoán "bị bệnh thận" ở cháu là thiếu cơ sở. Không thấy cháu nói là có các triệu chứng bệnh của bộ máy tiết niệu, cho nên thận của cháu chắc không việc gì đâu (nếu bị sỏi thận hoặc sỏi niệu quản thì phim X-quang hay siêu âm sẽ cho thấy hình sỏi; nếu bị viêm cầu thận thì trong nước tiểu sẽ có trụ hình hạt).
17. Chỉ có thổi ngạt và xoa bóp tim
"Chúng em sắp được đi trại hè vùng biển, phần đông không biết bơi. Nếu chẳng may có ai bị chết đuối thì xử trí ra sao?".
Nếu ban tổ chức trại hè quản lý tốt, có đủ các biện pháp dự phòng và các em biết vâng lời thì chắc chắn sẽ không xảy ra chuyện chết đuối. Nhưng các em cũng cần nắm được phương pháp cứu chữa để phòng xa. Ngay sau khi người chết đuối được vớt lên, ta phải hết sức nhanh chóng làm mấy thao tác sau đây:
- Dốc ngược đầu và xóc mạnh, vỗ mạnh vào lưng, giúp cho nước trong phổi ộc hết ra.
- Ngay sau đó, đặt nạn nhân lên một nền cứng (ván thuyền, sân, nền nhà...), đầu nghiêng hẳn sang một bên (để ngăn không cho gốc lưỡi tụt về phía sau làm tắc đường thở), lau nhanh cát hoặc dãi trong mũi miệng, lấy răng giả ra nếu có (để khỏi rơi vào khí quản), và thực hiện hai động tác căn bản: thổi ngạt (thổi thực sự chứ không phải chỉ "hà hơi") và xoa bóp tim ngoài lồng ngực.
Tùy theo số người tham gia cứu chữa mà cách tiến hành có khác chút ít:
1. Chỉ có 1 người cứu chữa
- Quỳ phía đầu của nạn nhân, hai bàn tay chồng lên nhau (để đủ khỏe), đè thật mạnh lên cuối xương ức, làm sao cho xương ức lún xuống dưới tay mình, xong nhấc tay lên ngay. Vùng này nằm trước tim, xương sườn toàn bằng sụn, nên khi nó lún xuống thì tim bị bóp và sẽ đẩy máu đi; khi ta nhấc tay, tim lại nở ra và thu nhận máu, chờ tay ta đè tiếp. Làm 10 lần liền, với tần số khoảng 90 lần/phút.
- Ngay sau đó, ráng hít vào hết sức (để cho phổi mình chứa một lượng không khí gấp đôi bình thường), vẫn giữ cho đầu nạn nhân nghiêng sang bên, lấy tay bóp cho miệng nạn nhân khép lại và ngậm lấy mũi, thổi thật sâu, thật mạnh (kinh nghiệm cho thấy ngậm vào mũi để thổi dễ hơn là ngậm vào miệng), sao cho ngực nạn nhân phồng lên hạ xuống. Thổi xong thì để miệng nạn nhân há ra, lưỡi kéo ra ngoài cho không khí tự động trở ra. Thao tác như vậy 5 lần liên tiếp, với tần số khoảng 25 lần/phút, và lần nào cũng phải ráng hít vào thật sâu. (Trường hợp nạn nhân bé hơn mình nhiều, có thể bịt mũi nạn nhân lại để thổi vào mồm).
Khẩn trương xen kẽ hai thao tác này, không ngưng nghỉ. Nếu thấy có dãi, phải nhanh chóng lau sạch trước mỗi lần thổi để đường thở được thông, nhưng không để mất thời gian. Vì bộ não chỉ thiếu ôxy trong 5-6 phút là chết vĩnh viễn, nạn nhân sẽ không còn tri giác.
2. Có 2 người cứu chữa
- Một người quỳ bên trái, đối mặt với nạn nhân, xoa bóp tim.
- Một người quỳ ở phía đầu, tiến hành thổi ngạt.
3. Có 3 người trở lên cứu chữa
- Người thứ ba nâng cao hai chi dưới, để giúp cho máu dễ dàng trở về tim.
- Người thứ tư giúp mở miệng nạn nhân và kéo lưỡi ra ngoài vào lúc thở ra.
- Những người khác quan sát cách làm để sẵn sàng thay thế.
Việc cứu chữa phải kiên trì, liên tục ngay cả trong khi vận chuyển nạn nhân tới trung tâm hồi sức. Người bị ngạt nước quá 5-6 phút vẫn có hy vọng cứu sống, vì nhiệt độ thấp của nước đã giúp kéo dài thêm thời gian chịu đựng của vỏ não. Đặc biệt, với trẻ nhỏ, do có phản xạ khép kín dây thanh đới nên nước không tràn vào phổi; nạn nhân không chết đuối mà chỉ bị ngạt thở. Não tuổi này lại có khả năng thích ứng cao. Nhờ vậy, đã có trường hợp trẻ bị chìm trong nước suối 2 giờ mà vẫn được cứu sống và sau đó phát triển bình thường.
18. Muỗi đốt
"Tại sao mùa xuân lắm muỗi? Khi bị muỗi đốt, cháu thấy nổi lên một nốt bằng hạt bưởi đỏ lừ, khoảng vài giờ sau thì tan. Như vậy da có bị ảnh hưởng không?".
Không cứ gì mùa xuân. Hễ tiết trời hết lạnh là loài muỗi sinh sản nhanh và hoạt động mạnh.
Khi muỗi đốt, nó phóng ra chất làm giãn mạch và làm cho máu chậm đông. Chỗ đốt bị sưng, ngứa là do huyết tương thoát khỏi thành mạch, thâm nhập vào các mô ở vùng đó. Phải một thời gian sau, các mô này mới xử lý hết hậu quả, và nói chung không còn dấu vết gì. Nếu muỗi mang vi khuẩn độc, bệnh nhân sẽ có hiện tượng nhiễm khuẩn cấp (sưng nề tại chỗ, sốt, thậm chí mưng mủ ở vết đốt).
Muỗi vằn còn truyền bệnh sốt xuất huyết, viêm não Nhật Bản B; muỗi anophen truyền bệnh sốt rét. Vì vậy, về đêm, trong khi ăn cơm, xem tivi, nghe đài, học hành..., cả gia đình nên dùng hương muỗi hoặc bôi kem chống muỗi lên những vùng da để ngỏ (mặt, cổ, tai, bàn chân...). Khi dùng kem, nhớ đừng bỏ sót một vùng nhỏ nào, bởi vì bọn muỗi sẽ tranh nhau đổ bộ vào vùng an toàn. Nếu cháu thường xuyên học khuya thì nên thu xếp ngồi trong màn.
Để bớt muỗi, nhà ở phải có nhiều ánh sáng; loại bỏ bớt những vật dụng ở gầm giường, gầm bàn. Về chiều, cần mở toang tất cả cửa (muỗi đực và muỗi cái thường giao hoan vào lúc nhá nhem tối) và lên đèn muộn, sau khi đã đóng kín cửa hoặc hạ các mành xuống (mành chống muỗi rất tốt). Cần phát quang cây bụi xung quanh nhà.
19. Nên cởi trần hay mặc áo?
"Trời nóng, em nên ở trần hay mặc quần cộc, áo lót?".
Một số khá đông người có thói quen ở trần thường xuyên vào mùa hè. Một số khác, dù trời nóng đến đâu, cũng quần áo chỉnh tề. Đó là do thói quen. Nhưng nếu phân tích khoa học, em sẽ thấy bên nào lợi hơn:
- Càng ngày, nhân loại càng sợ tác dụng có hại của tia tử ngoại trong ánh sáng mặt trời, trước hết là đối với làn da. Chưa nói đến chuyện phồng rộp do phơi nắng nhiều, nếu cứ ra nắng thường xuyên, các tế bào da sẽ chóng già lão. Ở nhiều thành phố, phần đông người đẹp khi ra đường đều trùm mặt bằng đủ thứ mạng và đeo găng dài lên giữa cánh tay. Họ phải làm như vậy để trốn ông mặt trời, mới mong trẻ được lâu.
- Nếu mặc quần áo (nhất là bằng vải bông), mồ hôi thấm ướt sẽ bay hơi từ từ, làm cho nhiệt độ tại chỗ hạ xuống, tạo mát. Quần áo che chắn ánh sáng, côn trùng, bụi bặm (kể cả bụi hóa chất)...
- Mặc quần áo thì có điều phiền là phải năng tắm giặt, không nhàn bằng những người "mặc áo da"; nhưng khi có ai đến nhà thì khỏi phải chạy vội đi mặc hoặc cứ xuề xòa ở trần, phơi cả rốn ra mà tiếp khách!
20. Kem chống nắng không bảo vệ được da
"Chúng tôi cũng biết tia nắng có hại, nhưng vẫn thích phơi nắng thật nhiều khi đi tắm biển. Gia đình tôi ở nước ngoài vừa gửi cho mấy loại kem chống nắng, nói là loại tốt nhất. Chúng tôi có nên bôi kem đều và tắm nắng cho "đã" không?".
Trước đây, nhiều người cũng đặt niềm tin tuyệt đối vào các loại kem chống nắng vẫn được quảng cáo rầm rộ. Năm 1995, nhà nghiên cứu H. Luther thuộc đại học tổng hợp Ruhr (Đức) đã thu được những bằng chứng về sự vô hiệu của kem chống nắng, kể cả những loại được quảng cáo là hiệu quả nhất. Nhưng bà đã phải giữ im lặng, mãi đến năm 1998 mới công bố trong một hội thảo quốc tế. Tại hội thảo này, Marianne Berwick (Trung tâm ung thư S-K tại New York) cũng đưa ra những cứ liệu vững chắc bác bỏ huyền thoại "hữu hiệu", "an toàn"... của tất cả các loại kem chống nắng. Luận điểm của bà được nhiều nhà khoa học các nước ủng hộ: Các loại kem chống nắng đang lưu hành không có chút tác dụng bảo vệ da nào; và số liệu thí nghiệm mà các hãng bào chế trưng ra trước đây chỉ là kết quả trong ống nghiệm, chứ không phải kết quả thu được trên cơ thể sống. Đã thế, kem chống nắng còn có hại khiến người ta phơi nắng "vô tư" để rồi gánh chịu những liều tia tử ngoại rất lớn.
Một nghiên cứu dài ngày trên 631 trẻ em cho thấy, ở những em thường xuyên bôi kem chống nắng, nguy cơ mắc u hắc tố ác tính cao gấp đôi những em không bôi và vẫn ra nắng ở mức độ bình thường.
Đến đây, chắc các bạn cũng thấy mọi huyền thoại về "kem chống nắng" đã vĩnh viễn chấm dứt, và sẽ lo bảo vệ da của mình tốt hơn. Bởi vì trong ánh nắng mặt trời có ba loại tia gây hại: Tia tử ngoại B (UVB) đánh thẳng vào rốn di truyền của các tế bào; tia tử ngoại A (UVA) đi sâu vào các lớp trong của da và gián tiếp làm tổn thương ADN của tế bào; còn tia hồng ngoại thì làm gia tăng sức phá hoại của các tia tử ngoại. Ngoài ra, các tia tử ngoại còn làm cho hệ thống miễn dịch của da bị suy yếu rõ rệt: chỉ cần phơi nắng một lần, da sẽ phải mất ít nhất 3 tuần để phục hồi sức đề kháng của nó. Vì vậy, vào mùa hè, ta thường hay bị chốc lở, mụn rộp.
21. Chất bảo vệ răng tuyệt vời
"Để đề phòng sâu răng, chỉ đánh răng nhiều lần thật sạch bằng bàn chải mà không cần kem đánh răng, có được không? Tại sao lại phải pha chất fluor vào kem đánh răng?".
Đánh răng ngay sau mỗi bữa ăn hoặc đánh răng vào buổi sáng và tối đều rất tốt. Động tác này ngăn thức ăn còn sót tạo thành một màng mỏng trên răng, làm môi trường phát triển của vi khuẩn. Hơn nữa, trong khi ta ngủ, do không có động tác nhổ ra hoặc nuốt nước bọt xuống ruột nên vi khuẩn có điều kiện tập trung hơn (đây là lý do tại sao phải đánh răng trước khi đi ngủ). Việc đánh răng đều đặn cũng giúp ngăn chặn sự hình thành cao răng, tránh gây tổn thương cho lợi.
Kem đánh răng giúp cho việc "kì cọ" này hữu hiệu hơn. Trước đây, người ta cho rằng nếu đánh răng thật tỉ mỉ thì không cần kem đánh răng nữa. Lúc đó, tác dụng bảo vệ răng tuyệt vời của chất fluor chưa được phát hiện; chất này cũng chưa được trộn vào kem đánh răng như hiện nay. Fluor là chất duy nhất có khả năng làm cho men răng (lớp ngoài cùng, phủ lên ngà răng) không bị hòa tan trong môi trường axit. Men răng là chất cứng nhất của cơ thể, chủ yếu gồm các apatite. Fluor khi ngấm vào men răng sẽ biến các apatite thành fluoroapatite, làm cho men răng cứng thêm.
Mới đây, các nha sĩ của Anh đã sáng tạo một phương pháp mới ngừa sâu răng: dùng một viên nhỏ bằng hạt gạo gắn vào một răng hàm của trẻ; viên này thường xuyên giải phóng chất fluor trong hai năm liền, kết quả là tỷ lệ sâu răng giảm 76%.
Các bạn nên nhắc nhở và kiểm tra con em trong nhà, kể cả các cháu nhỏ chỉ mới có răng sữa, đánh răng thật kỹ, nhất là buổi tối, và chỉ dùng kem đánh răng có fluor.
22. Huyết áp cao hay không
"Bố tôi gần 70 tuổi nhưng còn sung sức, lao động tốt, ăn ngủ bình thường. Vừa rồi cụ đo huyết áp, chỉ số là 140/100; có người nói cao, có người cho là bình thường. Cách đo hiện nay không giống nhau. Vậy cách đo nào tốt nhất, và chỉ số của người cao huyết áp là bao nhiêu?".
Với người cao tuổi như cụ nhà, chúng tôi xin giới thiệu một cách tính mức huyết áp bình thường đơn giản theo từ điển y học Flammarion năm 1994 của Pháp: Huyết áp tối đa = Số hàng chục của tuổi + 10, Huyết áp tối thiểu = Huyết áp tối đa + 01.
Cũng theo từ điển này, cao huyết áp là khi ở trạng thái nghỉ ngơi mà huyết áp tối đa (lúc tim co bóp, gọi là tâm thu) bằng hoặc trên 17 cm Hg, và huyết áp tối thiểu (lúc tim nghỉ ngơi, gọi là tâm trương) bằng hoặc trên 10 cm Hg. Theo đó thì chỉ số huyết áp lý thuyết của cụ nhà (70 tuổi) là: Huyết áp tối đa = 7 + 10 = 17 cm Hg (170); Huyết áp tối thiểu = 17 + 01 = 9,5 cm Hg (95).
Bạn nói huyết áp của cụ là 140/100. Chúng ta kiểm tra lại một lần nữa cho chắc chắn: Để cụ nằm ngửa thoải mái trên giường (không lấy huyết áp khi ngồi). Nên đo vào một thời điểm nhất định trong ngày để có được những điều kiện tương tự.
Bóp bóng cho lên cao trên 200 rồi bắt đầu nghe từ đó (không nghe từ 150-140 để loại trừ hiện tượng nghe được huyết áp tối đa lúc khởi đầu, nhưng ngay sau đó bị ngắt quãng; nếu chỉ lấy từ mức cao hơn thì dễ tưởng nhầm số đo này là của huyết áp tối đa).
Với huyết áp tối thiểu, ta theo dõi cho đến khi không còn nghe được nữa hoặc nghe âm sắc của tiếng đập thay đổi hẳn (để loại trừ khoảng im ắng ngay phía trên huyết áp tối thiểu, làm ta tưởng nhầm đó là số đo của huyết áp tối thiểu.
Nếu kết quả kiểm tra lại vẫn thế thì, đối chiếu với tài liệu nói trên, huyết áp tối thiểu của cụ tăng chút ít (đáng lẽ là 95 thì ở đây là 100). Trong khi đó, huyết áp tối đa của cụ không khác gì ở người 40 tuổi (ở các vận động viên, những người luôn thư giãn và hoạt động, không hút thuốc lá, sống trong môi trường lành mạnh... cũng có hiện tượng tương tự). Bạn không có gì phải lo lắng đặc biệt, chỉ cần nhắc cụ giữ sức khi lao động, khi thay đổi thời tiết, và khuyến khích cụ dùng dầu thực vật hoặc ăn chay.
Theo số liệu JNC năm 1998 của Mỹ, chỉ gội là cao huyết áp khi huyết áp tối đa trên 140 hoặc huyết áp tối thiểu trên 90. Ở Việt Nam, trong khi chưa có số liệu thống kê lớn, có thể tùy theo tuổi tác mà vận dụng linh hoạt các số liệu của hai nước nói trên.
23. Phát dục sớm
"Xin cho biết rõ bệnh phát dục sớm là gì, nguyên nhân và tác hại của bệnh ấy?".
Phát dục sớm không phải là bệnh, mà là một hiện tượng sinh lý gần như bình thường, chỉ khác một điều: tuổi dậy thì xuất hiện quả sớm so với thông thường.
Ở con gái, thường từ tuổi 13-14, ngực bắt đầu nở; lông mu mọc (ở phía trên bộ phận sinh dục ngoài); có kinh nguyệt (ban đầu có thể chưa đều đặn), đùi và mông to ra; có lúc thấy đau nhói một số nơi; giọng nói bớt thanh, thậm chí trầm hẳn xuống, nhưng sẽ có ngày thanh trở lại; hay hồi hộp, bồn chồn vô cớ, thậm chí hay giận hờn, thấy thích bạn trai...
Ở con trai, thường từ tuổi 15-16, giọng nói trầm xuống và sẽ vĩnh viện trầm; lông mu và ria mép xuất hiện; đêm ngủ có thể xuất tinh trong giấc mơ; tính hay quên, mơ mộng, thấy thích bạn gái...
Gọi là phát dục sớm nếu các dấu hiệu dậy thì xuất hiện trước các lứa tuổi trên, thậm chí rất sớm, có thể làm bố, làm mẹ ngay cả khi còn ở tuổi vị thành niên. Cụ thể là: vú to ra trước 8 tuổi, lông nách và lông mu mọc trước 9 tuổi, cứng và đen nhánh; kinh nguyệt có trước 10 tuổi; âm vật hay dương vật to lên quá cỡ so với tuổi. Ngoài ra, các dấu hiệu dậy thì khác như vỡ giọng, mọc ria mép, trứng cá, núm vú và cơ quan sinh dục bắt đầu thâm đen... xuất hiện trước 10 tuổi.
Với những trường hợp phát dục sớm, các bậc phụ huynh phải chú ý giúp đỡ, động viên các cháu vượt qua các rối loạn tâm sinh lý để tiếp tục học tập tốt, đồng thời tỉnh táo trông nom và quản lý các cháu để khỏi bị những kẻ xấu lợi dụng về tình dục.
24. Đánh giá mức độ béo
"Xin cho biết cách đánh giá mức độ béo của từng người".
Ở nước ta chưa có thống kê lớn cho phép xác định mức độ béo của người Việt Nam. Xin giới thiệu một trong những cách đánh giá chỉ số khối lượng cơ thể BMI (Body Mass Index) của quốc tế:
Lấy thể trọng (tính bằng kg) chia cho bình phương chiều cao (tính bằng mét). Với người trưởng thành, chỉ số BMI bình thường ở nữ là 19-24, nam 20-25; trên 25 là bị béo phì; 25-30 có thể coi là béo phì độ 1, cứ tăng 5 đơn vị là thêm một độ béo phì.
25. Nguyên nhân béo phì
"Vì đâu mà béo phì? Có gene gây béo phì không? Cách chữa?".
Béo phì là hậu quả của sự mất cân bằng giữa số calo thu nhận được bằng ăn uống và năng lượng tiêu hao. Cơ thể có một hệ thống cực kỳ tinh vi cho phép điều khiển việc dự trữ mỡ và cân bằng năng lượng; sự trục trặc của nó sẽ dẫn tới đến béo phì.
Nguyên nhân béo phì có thể do lối sống và môi trường sinh hoạt (ăn uống vô độ, ngủ quá nhiều, ít vận động...). Trường hợp này có thể chữa khỏi hoặc đỡ nhiều chủ yếu bằng chế độ ăn uống, tập luyện và sinh hoạt, kết hợp với các phương pháp chữa bệnh không dùng thuốc (châm cứu, khí công, nhân điện...).
Một nguyên nhân quan trọng nữa là di truyền, không chỉ của một gene mà của một hệ thống khá phức tạp gồm nhiều gene. Qua thí nghiệm trên động vật, người ta đã phát hiện các gene có vai trò trong việc "cân bằng thu chi" nói trên: ob, agouti, pat, db, tub... và gene của thụ thể 3-adrenergic. Vì vậy, phải bằng cách nào đó tác động lên toàn bộ các gene này thì mới giải quyết được vấn đề.
26. Ai suy giảm trí tuệ nhanh hơn
"Chúng em thấy hình như số cụ ông bị suy giảm trí nhớ đông hơn các cụ bà, có phải vậy không, và nguyên nhân do đâu?".
Các em nhận xét đúng đấy, số cụ ông bị suy giảm trí tuệ đông hơn các cụ bà nhiều. Nguyên nhân chủ yếu là do mức độ thay đổi của não ở người già khác nhau theo giới tính.
Kết quả chụp quét não bằng phương pháp cộng hưởng từ (IRM) trên 330 người hơn 65 tuổi ở Mỹ cho thấy, khi về già, theo năm tháng, não đàn ông thoái hóa nhanh hơn não đàn bà. Khi não giảm thể tích, lượng dịch não tủy tăng. Ở nam, dịch não tủy xung quanh vỏ não tăng trung bình 32%, trong khi ở nữ chỉ tăng 1% (não các cụ bà giảm thể tích ít hơn rất nhiều).
Ở nam, dịch não tủy tích tụ nhiều hơn trong thùy trán và thùy thái dương, những khu vực kiểm tra các chức năng tư duy, trí nhớ và khả năng tổ chức.
Ngoài ra, cũng theo các nhà nghiên cứu nói trên, việc sản sinh oestrogene có tác dụng bảo vệ não của nữ và hạ thấp nguy cơ suy giảm trí tuệ ở nữ.
Tháng 6/2001, một nghiên cứu của Mỹ trên khỉ cái mãn kinh cho thấy, trong mô não của khỉ ăn nhiều đậu nành, tỷ lệ protein tau (loại protein cần thiết cho hoạt động của tế bào thần kinh) vẫn nguyên vẹn, còn ở những con không ăn đậu nành thì tỷ lệ này thay đổi. Như vậy, đậu nành có tác dụng chống ôxy hóa, việc ăn đậu nành đều đặn để giúp phòng ngừa bệnh Alzheimer.
27. Bệnh Alzheimer có di truyền?
"Bệnh Alzheimer có lây nhiễm hay di truyền không mà trong gia đình một người bạn của ông nội em có đến ba người cùng bị?".
Bệnh Alzheimer (suy giảm trí tuệ, xảy ra ở người có tuổi, được Giáo sư Alois Alzheimer phát hiện vào cuối thể kỷ 19) không phải là một bệnh lây, mà xuất hiện do sự tích tụ protein amyloid-beta trong các tế bào thần kinh của não (bình thường thì chất này bị cơ thể thải ra ngoài). Hiện tại, tỷ lệ bị bệnh này ở độ tuổi ngoài 65 là 10%, ngoài 85 là 50%.
Lâu nay, do thấy trong một số gia đình có nhiều người mắc bệnh này nên người ta nghi ngờ có yếu tố di truyền. Nhưng điều này chưa thể khẳng định vì thiếu bằng chứng khoa học..
Cuối năm 1998, khi nghiên cứu các thành viên trong một số gia đình có ít nhất 2 người bị Alzheimer, các nhà khoa học tại Bệnh viện Massachusetts (Mỹ) đã phân lập được một gene, gọi là A2M, có vai trò điều chỉnh protein amyloid-beta. Khi gene A2M gặp trục trặc thì protein này không bị đào thải như thường lệ mà tích tụ trong các tế bào thần kinh của não thành các mảng bám. Từ đó, các nhà nghiên cứu dự kiến sẽ hiệu chỉnh được một loại thuốc bắt chước tác động tích cực của gene A2M lành mạnh, ngăn chặn sự tích tụ protein amyloid-bêta.
Viện Nghiên cứu Lý sinh Dusseldorf của Đức cũng tìm ra được phương cách phát hiện protein amyloid-bêta trong dịch não tủy, tạo thuận lợi cho việc chẩn đoán sớm bệnh Alzheimer. Năm 1999, các nhà nghiên cứu Ailen cho biết họ đã chế tạo thành công một vacxin mang tên AN.1972 có tác dụng ngăn ngừa và chữa trị bệnh Alzheimer trên chuột, hy vọng sẽ có thể dùng thử trên người.
Ngoài ra, người ta đã sản xuất được vacxin để tiêm phòng bệnh Alzheimer. Vacxin này đang được thử nghiệm trên người tại Mỹ, Pháp và nhiều nước khác trong Liên minh châu Âu,
28. Tự tử có di truyền không
"Tự tử có di truyền không mà em thấy trong một dòng họ lần lượt có mấy người tự tử?".
Một số bệnh tâm thần thường hay xảy ra trong một dòng họ. Có lẽ vì vậy mà các cụ ngày xưa khuyên con cháu "lấy vợ chọn tông, lấy chồng chọn giống". Người bị bệnh tâm thần dễ rơi vào tình trạng không làm chủ được bản thân, dẫn tới những hành động xâm phạm đến người khác (gây gổ, giết người...) hoặc gây hại cho mình (tự vẫn) mà không ý thức được.
Mới đây, các nhà khoa học Canada đã phát hiện ra hiện tượng đột biến ở gene của cơ quan thụ cảm truyền tín hiệu thần kinh mang tên 5-HT2A. Bình thường, 5-HT2A vẫn truyền các tín hiệu từ chất serotonin (do não tiết ra, có tác dụng ức chế những hành vi bốc đồng nơi con người). Khi bị đột biến, cơ quan thụ cảm này hoạt động chuệch choạc, không kiềm chế được những hành vi đó, làm cho nguy cơ tự tử tăng gấp đôi.
Vấn đề là xét xem hiện tượng đột biến nói trên có di truyền hay không. Chỉ biết rằng tỷ lệ người tự tử ở nam cao gấp 4 lần ở nữ.
29. Gene chống ung thư
"Báo chí nói hễ nghiện thuốc lá là mắc ung thư phổi, nhưng tại sao có người nghiện nặng mấy chục năm vẫn bình yên?".
Khoa học không hề tuyên bố "hễ nghiện thuốc lá là mắc ung thư phổi" mà chỉ nói "nghiện thuốc lá làm tăng nguy cơ ung thư phổi; lượng thuốc hút càng lớn, nguy cơ càng cao". Khoa học cũng chưa hiểu nhờ đâu mà một số người tuy nghiện nặng lâu vẫn không hề hấn gì.
Mới đây, các nhà khoa học đã phát hiện ra trên chuột một enzyme tên là glutathion S-transferase có tác dụng phá hủy các chất gây ung thư. Nếu gây đột biến cho gene chịu trách nhiệm về việc sản sinh enzyme này, chuột rất dễ bị ung thư do khói thuốc lá.
Các chàng nghiện lâu năm có thể hy vọng là may ra mình thuộc vào danh sách "được tử thần chậm gọi về chầu trời". Còn nhân loại nói chung thì thực sự vui mừng về kết quả nghiên cứu này, vì nó mở ra triển vọng dùng tác động gene để chữa trị các loại ung thư do chất độc gây ra, kể cả do hút thuốc lá.
30. Sụn cá mập có chữa được ung thư?
"Nghe nói sụn cá mập chữa được ung thư, có đúng không?".
Một nghiên cứu trên các bệnh nhân ung thư giai đoạn muộn được công bố tháng 3/2001 cho thấy, chất chiết từ sụn cá mập giúp kìm hãm quá trình phát triển bệnh bằng cách ngăn chặn sự hình thành các mạch máu nhỏ nuôi khối u, làm cho khối u "chết đói". Một tài liệu khác lại cho rằng chính cá mập cũng bị ung thư (kể cả ở sụn của nó). Xin hãy ráng chờ kết quả cuối cùng.
31. Về bệnh đái tháo đường (tiểu đường)
"Báo chí nói bệnh tiểu đường có 2 type. Xin nói rõ hơn cho chúng em để có thể phân biệt dễ dàng".
Tuyến tụy tiết ra chất insulin, một nội tiết tố gồm 51 axit amin giữ vai trò điều chỉnh tỷ lệ đường glucose trong máu (75-115 mg/100 ml). Hễ đường huyết tăng quá mức đó, tụy lập tức tiết insulin, giúp cho đường nhanh chóng đi vào các tế bào cơ bắp, tế bào mỡ và bạch cầu. Insulin cũng kìm hãm việc biến glycogene của gan thành glu-cose.
Người ta phân chia bệnh đái tháo đường (tiểu đường) thành type 1 (phụ thuộc insulin) và 2 (không phụ thuộc insulin).
- Type 1: Chiếm 10%, phát sinh từ tuổi nhỏ do rối loạn chức năng của hệ miễn dịch. Cách chữa duy nhất là hằng ngày tiêm một liều insulin tổng hợp. Nguyên nhân bệnh chưa rõ là do di truyền hay do bị nhiễm virus.
- Type 2: Xảy ra ở lứa tuổi trên 40. Cơ thể có tiết insulin nhưng ở mức rất thấp; các bộ phận thụ cảm của tế bào đối với insulin quá kém. Hầu hết bệnh nhân bị béo phì. Chữa trị bằng chế độ dinh dưỡng hợp lý và vận động thể lực.
32. Ghép tụy chữa bệnh tiểu đường
"Xin cho biết về việc ghép tụy để chữa bệnh tiểu đường".
Lúc đầu, người ta ghép tụy trên chó. Những con được ghép ở cổ đều chết vì thiếu men tiêu hóa. Những con được thay tụy (cắt bỏ tụy và thay tụy khác vào) cũng chết vì mảnh ghép bị loại trừ.
Chỉ có 20% mô tụy (gồm các tiểu đảo Langerhans) đảm đương nhiệm vụ nội tiết (tế bào A tiết glucagon làm tăng đường huyết, tế bào B tiết insulin làm giảm đường huyết). Một số tác giả đã tìm cách lấy riêng rẽ các tiểu đảo Langerhans để ghép. Ban đầu, họ ghép vào tụy nhưng rồi phải bỏ vì rất khó thực hiện. Sau đó, người ta ghép vào thành bụng, vào lách, vào tuyến thượng thận. Cuối cùng, một số tác giả đã tiêm vào tĩnh mạch cửa: lấy 350 tiểu đảo Langerhans của chuột bình thường tiêm cho 1 chuột đã được gây bệnh tiểu đường. Kết quả là chuột khỏi bệnh. Với khỉ và lợn, kết quả cũng tốt.
Nhằm tránh việc mổ bụng để tiêm vào tĩnh mạch cửa (nằm dưới gan), người ta dùng kim tiêm thẳng các tiểu đảo Langerhans vào gan của chuột; chuột khỏi bệnh. Các tế bào tụy nằm trong gan vẫn sống và tiết insulin bình thường. Một số tác giả tiến hành nuôi cấy các tiểu đảo Langerhans của lợn trong phòng thí nghiệm nhằm hai mục đích: sản xuất insulin một cách công nghiệp và nghiên cứu khả năng dùng các tiểu đảo này tiêm vào gan người.
33. Đã ghép tụy thành công trên người
"Chú em đang điều trị bệnh tiểu đường type 1. Trước đây, báo chí có nói đến ghép tụy trên động vật nhằm áp dụng cho người. Xin cho biết việc đó kết quả ra sao? Bệnh tiểu đường type 1 là gì, có nặng lắm không?".
Sau khi thất bại trong việc ghép toàn bộ tụy trên động vật để chữa tiểu đường, người ta chỉ cấy ghép các tiểu đảo Langerhans (chiếm 20% mô tụy). Và kết quả là đã có thể lấy các tiểu đảo Langerhans (TĐL) của người khỏe mạnh đem tiêm vào gan bệnh nhân tiểu đường type 1 với điều kiện phải suốt đời dùng thuốc chống miễn dịch để tránh hiện tượng thải loại mảnh ghép. Điều trở ngại là đa số bệnh nhân không chịu đựng được thuốc chống miễn dịch, nên gần 95% người được cấy ghép các TĐL đã phải tiêm lại insulin sau vài ba tháng làm thủ thuật này.
Năm 2000, một nghiên cứu của Canada đã thực hiện thành công 7 ca cấy ghép TĐL kết hợp với sử dụng chất chống miễn dịch mới (dẫn xuất của cyclosporin). Đã một năm nay, 7 người này ngưng tiêm insulin mà mức đường huyết vẫn bình thường.
Đây là tin vui làm nức lòng các bệnh nhân bị bệnh tiểu đường type1. Nhưng vẫn tồn tại hai vấn đề: Thời gian 1 năm vẫn chưa đủ khẳng định bệnh có tái phát hay không; số lượng 1 triệu TĐL dùng cho 1 bệnh nhân (tương đương với 2-3 tuyến tụy nguyên vẹn) là quá lớn, khó đáp ứng nổi nhu cầu, vì số người cho không nhiều.
Một phương pháp mới rất có triển vọng đã được đề xuất và đang hiệu chỉnh: Dùng các tế bào gốc (chưa thành thục) lấy từ tuyến tụy của con người đem nuôi cấy trong phòng thí nghiệm, cho đến khi chúng biệt hóa thành các TĐL thì đem cấy ghép.
Bệnh tiểu đường type 1 (phụ thuộc insulin) gây ra do các bất thường về gene, biểu hiện bằng sự phá hủy tuần tự các TĐL. Vì khoa học chưa tìm ra phương pháp ngăn chặn tiến trình bệnh lý này nên bệnh nhân phải đo mức đường huyết hằng ngày nhằm xử trí kịp thời khi chỉ số này lên quá cao (tối đa cho phép là 1,2 g/lít).
Trong khi đó, bệnh nhân tiểu đường type 2 (không phụ thuộc insulin) do béo phì gây ra, có thể tự chữa bằng một chế độ ăn uống và sinh hoạt hợp lý.
34. Một vị thuốc nam chữa tiểu đường
"Mẹ em hơn 60 tuổi, người khá mập, vừa bị cao huyết áp vừa bị bệnh tiểu đường, thường xuyên phải dùng mấy loại thuốc tây nhưng không đỡ mấy. Xin cho mẹ em một lời khuyên".
Em nhắc mẹ điều chỉnh chế độ ăn cho hợp lý và vận động thể lực nếu điều kiện sức khỏe cho phép.
 Mẹ em có thể vận dụng cách chữa của dân gian đơn giản mà hữu hiệu sau đây: Nhắm trong vườn nhà hay vườn của ai đó mấy cây chuối hột đã lớn. Vào lúc sáng sớm, dùng dao sạch cắt ngang thân cây rồi khoét một hốc ở thân sâu chừng 10cm; lấy tờ nylon bao kín lại, đợi khoảng nửa giờ thì mở ra, dùng ống hút uống hết chỗ nước mà cây đã tiết ra.
Nếu thấy cây chuối tiết nước kém thì dùng cây khác. Uống khoảng 30-40 ngày sẽ hy vọng thành công.
Khi đỡ hay khỏi vẫn phải duy trì chế độ ăn uống và vận động.
35. Tác hại tại nhà của trường điện từ
"Chúng em đang học cấp 3, lâu nay thấy báo chí nói đến tác hại của trường điện từ đối với sức khỏe. Vậy mà vì nhà chật, chúng em phải ngủ cạnh tủ lạnh, ngồi học thì quay lưng lại sát máy thu hình (phải mở để cho cả nhà xem), như vậy có hại gì không?"
Giải đáp này có thể làm các em không vui vì gia đình mình (cũng như gia đình nhiều bạn khác) sẽ khó khắc phục. Chỉ mong các em nắm được vấn đề để phấn đấu dần trong hoàn cảnh cụ thể.
Từ lâu, các nhà khoa học đã lo lắng về tác hại của trường điện từ (TĐT) đối với sức khỏe con người. Gần đây, họ đã thu được những bằng chứng đầu tiên trên động vật.
Các nhà khoa học Đức đã tiến hành nghiên cứu trên 120 chuột cái đã được tiêm chất gây ung thư vú, được đặt vào những TĐT có mức độ khác nhau. Sau 3 tháng, họ nhận thấy:
- Ở mức TĐT = 1mG (milligauss) - mức trung bình trong các gia đình - số chuột mắc ung thư rất vừa phải.
- TĐT = 100 mG, số chuột mắc ung thư tăng 10%.
- TĐT = 500mG: tăng 25%.
- TĐT = 1000 mG: tăng 50%.
Các nhà nghiên cứu khẳng định rằng TĐT làm giảm tiết chất melatonine, một hoóc môn do não giải phóng vào ban đêm, có tác dụng bảo vệ cơ thể chống ung thư vú. TĐT phát ra từ các máy điện gia dụng làm thay đổi sự sản sinh một số hoóc môn và làm rối loạn phương thức tác động bảo vệ cơ thể của chúng trước sự tấn công của ung thư.
Một số nghiên cứu còn cho thấy, TĐT làm cho cơ thể phụ nữ tăng tiết chất oestrogene, có thể gây ung thư vú. Còn ở đàn ông, TĐT làm giảm tiết chất testostorone, tăng nguy cơ bị ung thư tuyến tiền liệt hoặc ung thư tinh hoàn.
36. Khi muốn làm tiếp viên hàng không
"Cháu muốn trở thành nữ tiếp viên hàng không nhưng nghe nói bay trên cao dễ bị nhiễm phóng xạ. Xin giải thích rõ điều này và những vấn đề khác liên quan đến sức khỏe trong các chuyến bay xa".
Mỗi người sống trên mặt đất hằng năm hấp thu một liều phóng xạ khoảng 1 milisiviert (1 mSv) do phải thường xuyên tiếp xúc với các bức xạ ion hóa từ vũ trụ, từ các đồng vị phóng xạ hiện hữu trong không khí, nước, đất...(trong đó, phần từ vũ trụ chiếm hơn 1/4).
Càng lên cao, bức xạ càng lớn. Ở độ cao 6.000-8.000 m, bức xạ tăng tới 55-70 lần. Do đó, càng bay cao, bay lâu, con người càng phải hấp thu liều phòng xạ lớn hơn. Chỉ trên một chuyến bay trong 12 giờ từ Paris đi Tokyo, mỗi hành khách đã phải hấp thu 0,20-0,25 mSv. Theo Tổ chức phòng vệ phóng xạ thế giới, liều hấp thu phóng xạ cho phép hằng năm của người bình thường là 1 mSv, của người làm nghề có liên quan đến phóng xạ là 20 mSv.
Một công trình nghiên cứu tại Đức cho thấy, các phi công và tiếp viên hàng không thâm niên của nước này có hiện tượng biến đổi bất thường ở nhiễm sắc thể, giống như ở người nhiễm xạ. So với những người làm việc trong nhà máy điện nguyên tử, họ hấp thu một liều bức xạ cao gấp 5 lần.
Cũng theo công trình trên, khi xem xét 23 triệu hành khách của Hãng hàng không Lufthansa, các nhà nghiên cứu thấy trung bình mỗi năm có khoảng 140 người chết vì ung thư do nhiễm xạ, một con số cao hơn tử vong vì tai nạn máy bay.
Như vậy, không chỉ phi công và tiếp viên hàng không mà cả những khách hàng thường xuyên của các hãng hàng không cũng phải hấp thu một liều bức xạ lớn hơn nhiều so với khi ở trên mặt đất.
Đó là chưa kể đến trường hợp hấp thu phóng xạ khi tiến hành kiểm tra hành lý bằng tia X, sử dụng các nguồn bức xạ gamma do yêu cầu của thiết bị kỹ thuật, hay vận chuyển trái phép các nguồn phóng xạ... Hàng không, vì vậy, không phải là một ngành "dễ chịu" như ta vẫn tưởng khi chỉ nhìn bộ cánh hấp dẫn của tiếp viên, trang phục sáng ngời của phi công, khi hình dung ra cảnh phiêu diêu trên chín tầng mây và số tiền lương kha khá.
Khi phải qua nhiều múi giờ, cơ thể người đi máy bay trải qua những thay đổi về đồng hồ sinh học, làm ảnh hưởng đến não. Giữa năm 2001, một nghiên cứu của Anh trên tiếp viên những chuyến bay qua hơn 7 múi giờ cho thấy, ở nhóm chỉ được nghỉ 5 ngày giữa hai chuyến bay, thùy thái dương phải của não bị teo nhỏ, kèm theo rối loạn ghi nhớ và tiếp nhận; còn nhóm nghỉ 14 ngày vẫn bình thường.
Ngoài ra, khi bay đường dài, những ai ngồi quá lâu một chỗ mà không vận động sẽ dễ bị viêm tắc tĩnh mạch chi dưới, có thể dẫn đến nguy cơ tắc huyết, gây tử vong.
37. Báo động về điện thoại di động
"Chồng em giao thiệp rộng, định sắm thêm một máy điện thoại di động. Em đọc báo thấy nói việc sử dụng máy này nhiều có thể gây ung thư não, nên chưa muốn cho anh ấy mua. Xin cho chúng em một lời khuyên".
Sau khi máy điện thoại di động (ĐTDĐ) ra đời ít lâu, các nhà khoa học đã nghi ngờ về sự nguy hiểm của nó, vì nó phát ra các tần số radio không lợi cho cơ thể.
Giữa năm 1977, qua thực nghiệm trên chuột, người ta phát hiện ra tính dễ gây ung thư bạch huyết của ĐTDĐ, nhưng chưa thấy biểu hiện ở người.
Một nghiên cứu ở Australia năm 1998 cho thấy, từ năm 1982, tỷ lệ ung thư não tăng 50% ở nam và 63% ở nữ, nguyên nhân có thể là do sử dụng ĐTDĐ. Nước này buộc phải triển khai việc nghiên cứu vấn đề ĐTDĐ với Pháp, Italy, Anh, Canada và các nước Bắc Âu.
Cuối năm 1998, Anh công bố một nghiên cứu cho thấy, ĐTDĐ làm giảm trí nhớ, gây trở ngại cho việc tập trung tư tưởng và cảm nhận không gian, do tác động của trường điện từ mà ĐTDĐ phát ra. Đầu năm 1999, ở Đức, các nhà khoa học phát hiện ĐTDĐ tác động lên huyết áp của người sử dụng 5 lần/24 giờ, mỗi lần 35 phút liên tục.
Theo một nghiên cứu ở Pháp, cùng với sự gia tăng số người sử dụng ĐTDĐ, có một sự gia tăng tỷ lệ ung thư não: năm 1975 có 2.300 trường hợp, năm 1995 lên tới 4.700. Các nhà khoa học Pháp còn đặt vấn đề liệu có nên ghi trên ĐTDĐ dòng chữ cảnh báo "Tác hại nghiêm trọng đến sức khỏe" hay không. Giữa năm 2001, Bộ y tế Pháp đưa đơn ra khuyến cáo nên thận trọng khi sử dụng ĐTDĐ:
- Không nói chuyện lâu khi máy nghe không rõ (sức thu kém, do đó máy phải tăng công suất).
- Sử dụng loại máy có che tai (để bớt năng lượng hấp thu qua da).
- Không đặt máy vào những vùng nhạy cảm (thiếu niên hay nhét máy vào túi quần, thai phụ thì nhét trước bụng, gần cơ quan sinh dục).
- Hạn chế trẻ em dùng ĐTDĐ.
Một thực tế hiển nhiên là, do lợi nhuận đặc biệt cao, các nhà sản xuất ĐTDĐ đã vội vã tung các sản phẩm mới ra thị trường mà chưa nghiên cứu thật kỹ càng để phát hiện mặt nguy hại của nó.
Mặc dù cho đến nay, khoa học vẫn chưa khẳng định được ĐTDĐ có gây ung thư hay không, nhưng trước những lời cảnh báo của các nhà nghiên cứu, người ta đã chế tạo những ĐTDĐ có tai nghe để tránh tác động lên não.
Còn chuyện gia đình các em cụ thể ra sao, tự các em phải xử lý cho đúng mức. Hy vọng rằng những số liệu khoa học nêu trên có thể giúp cho đầu óc con người tỉnh táo ra, để tránh việc lạm dụng ĐTDĐ.
39. Lây bệnh viêm gan từ bác sĩ mổ
"Phẫu thuật viên bị viêm gan B có thể lây bệnh của mình sang những bệnh nhân được ông ta mổ không?".
Từ lâu, người ta đã biết rằng các phẫu thuật viên rất dễ bị lây bệnh viêm gan B (VGB) từ bệnh nhân mà họ tiến hành phẫu thuật, với một tỷ lệ rất cao, và lây bệnh viêm gan C (VGC) với một tỷ lệ thấp hơn. Nguyên nhân là dao kéo hay kim tiêm làm rách da tay của người mổ trong quá trình phẫu thuật (cho những người có bệnh viêm gan kèm theo).
Còn việc lây ngược VGB từ phẫu thuật viên sang bệnh nhân ít được đề cập nên tưởng chừng như không xảy ra. Vậy mà có đấy! Một tạp chí thực hành y học của Pháp thống kê được 11 trường hợp đã công bố. Trong đó, có 5 bác sĩ nha khoa, 3 bác sĩ phụ sản và 3 bác sĩ khoa phẫu thuật lồng ngực. Khi nhổ răng, tay phẫu thuật viên có thể bị thương do răng bệnh nhân hay dụng cụ nha khoa, và virus từ máu của bác sĩ nhiễm vào vết nhổ răng của người bệnh. Bác sĩ phụ sản có thể bị mũi kim đâm trúng khi tiến hành thủ thuật thăm dò; còn bác sĩ phẫu thuật lồng ngực có thể bị thương ở tay khi đục xương ức. Điều đặc biệt là:
- Cả 11 phẫu thuật viên gây tai họa nói trên trước đó đều không được tiêm chủng vacxin phòng VGB.
- Có 2 người bị VGB cấp tính; 9 mang virus B mạn tính.
Các công trình nghiên cứu nói trên càng cho thấy sự cần thiết phải tiêm phòng bệnh VGB cho các phẫu thuật viên, không những để bảo vệ bản thân họ mà còn đảm bảo không lây VGB từ họ (nếu có) sang bệnh nhân. Vacxin chống VGB phải được tiêm nhắc lại đều đặn 5 năm một lần, nhưng nhiều người quên mất điều đó.
Tuy nhiên, việc tiêm vacxin cũng không giải quyết được vấn đề một cách trọn vẹn. Những người trên 40 tuổi thường ít đáp ứng miễn dịch, nên việc tiêm phòng VGB ở độ tuổi này cho kết quả không cao. Ngoài ra, nếu trước khi được tiêm phòng, bệnh nhân đã mang virus B mạn tính thì cũng không có tác dụng.
Để tránh lây viêm gan cho bệnh nhân, nhân viên y tế cần nhớ:
- Khi định hướng nghiệp theo ngoại khoa, hãy đi thử máu tìm kháng thể viêm VGB. Những người mang virus VGB mạn tính không nên vào ngoại khoa.
- Một phẫu thuật viên nếu không may bị VGB cấp tính hoặc VGC trong giai đoạn tái lại, phải đình chỉ ngay việc mổ xẻ và các thủ thuật (soi ổ bụng, chọc hút màng bụng, màng phổi...), nghĩa là tránh mọi nguy cơ để máu mình giây sang máu bệnh nhân.
Có thể xem xét việc tiếp tục hành nghề ngoại khoa vào giai đoạn không tái lại của VGB mạn tính; tuy nhiên, không có gì đảm bảo rằng những phẫu thuật viên này sẽ không để lây VGB sang bệnh nhân do họ mổ. Tốt nhất là nghỉ hẳn việc phẫu thuật cũng như các thủ thuật trên bệnh nhân.
Tạp chí y học nói trên cũng cho biết, đã phát hiện được 1 trường hợp lây VGC từ một chuyên gia mổ tim sang bệnh nhân của ông. Các nhà nghiên cứu thấy rằng, sau khi được tiêm bằng kim có giây máu của người bị VGB, nguy cơ lây bệnh sẽ là 30%, còn nếu là VGC thì tỷ lệ này chỉ có 3%. Cũng may, bởi vì cho đến nay người ta vẫn chưa chế tạo được vacxin để tiêm phòng VGC.
39. Có thể dùng thuốc chữa ung thư tại chỗ không?
"Mẹ tôi bị ung thư đại tràng đã mổ, sau đó vẫn phải dùng tiếp hóa chất để chống tái phát và di căn nên xanh xao, ăn uống kém. Y học đã có cách gì đưa thuốc trực tiếp vào để diệt tế bào ung thư ngay tại chỗ chưa?".
Mong ước của bạn, các nhà nghiên cứu y học cũng đã nung nấu từ lâu, nhưng "lực bất tòng tâm", chưa thực hiện được. Tuy nhiên, họ vẫn không bỏ cuộc mà vẫn ngày đêm tìm tòi, bước đầu đã thu được một số thành tựu trên động vật, chuẩn bị cho việc ứng dụng trên người:
- Sản xuất một số dạng nang thuốc có cấu trúc đặc biệt, để khi vào đến bộ phận bị bệnh thì mới giải phóng thuốc ra, tránh hư hao trong quá trình chuyển vận, do đó giảm được liều dùng và tăng hiệu quả.
- Dựa vào thành tựu của công nghệ nano, người ta dự kiến chế tạo những bóng rỗng siêu nhỏ (đường kính 2-3 micron) bằng chất polymer, mặt ngoài được gắn một enzyme, bên trong mang một lượng thuốc cực nhỏ. Các kháng thể hoặc kháng nguyên giúp nó hướng đúng vào vị trí mong muốn. Khi máy siêu âm xác định bóng đã đến đúng chỗ, người ta tăng công suất máy để rung lắc cho thành bóng vỡ ra, giải phóng chất thuốc để chữa trị cho các tế bào bị bệnh.
Cũng theo hướng này, người ta sẽ chế tạo các bóng chứa đầy ôxy rồi đưa vào máu, để cung cấp ôxy thường xuyên cho những vùng thiếu máu của tim.
- Về dụng cụ y học, cũng nhờ công nghệ nano, Mỹ đã chế tạo thành công loại động cơ điện có hệ thống bánh răng cực nhỏ dùng cho các máy bơm điện được luồn vào cơ thể. Họ cũng chế tạo được những đầu dò có đường kính bằng 1/1.000 của sợi tóc, sẽ được đưa vào tận từng khu vực nhỏ bị bệnh.... Australia cũng đã làm giảm được bệnh điếc bằng cách gắn những điện cực nhỏ xíu vào các dây thần kinh thính giác.
Hy vọng cụ thân sinh nhà ta, nhờ kiên trì dùng hóa trị liệu, sẽ có cơ may được hưởng những thành tựu khoa học tuyệt vời này.
40. Có thể bị nhiễm khuẩn khi bốc mộ
"Nhân dân ta có tập quán cải táng. Nếu lúc sinh thời, người quá cố bị một bệnh gì đó do vi khuẩn thì bệnh có lây sang những người tiến hành cải táng không, và sau bao nhiêu lâu thì không còn lây được nữa?".
Nói chung, vi khuẩn có loại hiếu khí ( sống và phát triển trong môi trường có không khí) và yếm khí (sống và phát triển trong môi trường không có không khí).
Theo tập quán tại một số địa phương, ba năm sau khi chôn cất người chết, người ta tiến hành cải táng (bốc mộ, thay áo). Lúc bấy giờ, vi khuẩn yếm khí vẫn sống đã đành mà cả vi khuẩn hiếu khí cũng chưa chết hết. Vì vậy, khi tiến hành thủ tục này, con cháu phải chú ý đừng để da dẻ mình bị sây sát. Nếu bị, phải bôi ngay thuốc diệt khuẩn, tiêm phòng uốn ván và dùng thêm thuốc kháng sinh nếu cần.
Về thời hạn để vi khuẩn không còn hoạt động thì thật khó nói, vì các nhà khoa học đã phục hồi được một số vi khuẩn bị chôn vùi trong lòng đất cách đây hàng triệu năm.
 

<< Chương 7: Bệnh ở da, tóc, lông, bệnh lây qua đường tình dục và một số bệnh khác |


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 140

Return to top