Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Kịch, Kịch Bản >> Những người trung thực

  Cùng một tác giả
Không có truyện nào


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 4842 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Những người trung thực
Albert Camus

MÀN MỘT

Trong căn phòng của tổ chức khủng bố.
Buổi sáng.
 
Màn kéo lên trong im lặng. Dora và Annenkov trên sân khấu. Có tiếng chuông gọi cửa, một hồi. Annenkov dang tay ngăn Dora lại khi nàng tỏ vẻ muốn nói. Chuông cửa reo hai hồi, liên tiếp.
ANNENKOV - Đúng anh ấy rồi.
Annenkov đi ra. Dora đợi, vẫn bất động. Annenkov trở vào cùng với Stepan, người mà chàng khoác tay trên vai.
ANNENKOV - Đúng rồi! Anh Stepan đây.
DORA, tiến về phía Stepan và nắm lấy tay anh.- Thật sung sướng quá, anh Stepan ơi!
STEPAN - Chào chị, Dora.
DORA, ngắm nghía Stepan - Ba năm, rồi đấy.
STEPAN - Phải ba năm rồi. Đúng ngày mà tôi sửa soạn tới nhập vào tổ cùng các bạn thì bị bọn chúng bắt.
DORA - Chúng tôi chờ đợi anh. Thời gian trôi qua và tim tôi ngày càng thắt lại. Chúng tôi không còn dám nhìn lẫn nhau.
ANNENKOV - Lại thêm một lần, phải dọn nhà đi nơi khác.
STEPAN - Tôi biết.
DORA - Thế còn ở đó thì sao anh Stepan?
STEPAN - Ở đó?
DORA - Trong ngục ấy?
STEPAN - Bọn này vượt ngục mà.
ANNENKOV - Phải. Chúng tôi rất vui mừng khi anh tin anh đã trốn được sang Thuỵ-Sĩ.
STEPAN - Thuỵ-Sĩ cũng là một ngục tù, Boria ạ.
ANNENKOV - Anh nói sao? Ít nhất dân bên đó cũng được tự do đấy chớ.
STEPAN - Ngày nào trên mặt đất này còn có một người làm thân nô lệ, ngày đó tự do vẫn còn là một thứ ngục tù. Tôi được tự do nhưng tôi không ngừng nghĩ đến nước Nga và lớp dân nô lệ.
Im lặng.
ANNENKOV - Stepan này, tôi rất vui mừng thấy Đảng đã phái anh tới đây.
STEPAN - Buộc phải vậy mà. Tôi ngộp thở. Hành động, cần phải hành động... Nhìn thẳng vào Annenkov. Chúng ta sẽ hạ sát hắn phải không?
ANNENKOV - Điều đó thì chắc rồi.
STEPAN - Chúng ta sẽ giết tên đao phủ đó. Anh là tổ trưởng, Boria, tôi phục tòng anh.
ANNENKOV - Đâu cần phải hứa ra lời như vậy, Stepan. Chúng ta cùng là anh em cả.
STEPAN - Phải có kỷ luật chứ. Tôi đã học được điều này trong tù. Đảng xã-hội cách-mạng cần có một kỷ luật. Có kỷ luật, chúng ta sẽ giết tên công-tước (1) và đánh đổ bạo quyền.
 
(1) Trong nguyên tác: le grand-due. Quận-công Serge thuộc hàng cao nhất của tước "công". Có nơi dịch grand-due là thượng-công. Tôi dịch đơn giản là quận-công hoặc công-tước.
 
DORA, tiến về phía Stepan - Hãy ngồi xuống, Stepan. Chắc anh phải thấm mệt sau chuyến đi dài này.
STEPAN - Không bao giờ tôi mỏi mệt cả.
Im lặng. Dora ngồi xuống.
STEPAN - Đã sẵn sàng chưa, anh Boria?
ANNENKOV, đổi giọng - Từ một tháng nay, hai người trong bọn mình đã theo dõi các di chuyển của lão công-tước. Dora thì đã thu thập đầy đủ các vật dụng cần thiết.
STEPAN - Đã soạn thảo tuyên-ngôn chưa?
ANNENKOV - Rồi. Toàn thể nước Nga sẽ được biết là tên công-tước Serge đã bị hành quyết bằng bom bởi tổ chiến đấu của đảng xã-hội cách-mạng để thúc đẩy công cuộc giải phóng dân tộc Nga. Hoàng-triều cũng sẽ được biết là chúng ta cương quyết áp dụng chính sách khủng bố cho đến khi nào ruộng đất được trả lại cho nhân dân. Phải, Stepan ạ, phải, tất cả sẵn sàng rồi! Cơ hội sắp tới đó.
STEPAN - Nhiệm vụ tôi làm gì?
ANNENKOV - Khởi sự, anh phụ giúp Dora. Anh thay thế Schweitzer, người trước đây phụ giúp Dora.
STEPAN - Anh ấy bị giết rồi à?
ANNENKOV - Phải.
STEPAN - Cách nào?
DORA - Vì tai nạn.
Stepan nhìn Dora. Dora quay mắt nhìn nơi khác.
STEPAN - Rồi sau đó?
ANNENKOV - Rồi thì chúng ta sẽ tính sau. Anh phải sẵn sàng thay thế chúng tôi khi cần, và giữ liên lạc với Trung-ương Đảng-bộ.
STEPAN - Đồng chí của mình có những ai?
ANNENKOV - Anh đã biết Voinov bên Thuỵ-Sĩ. Tuy anh ấy còn trẻ nhưng tôi thấy tin được. Anh chưa biết Yanek nhỉ.
STEPAN - Yanek nào?
ANNENKOV - Kaliayev. Chúng tôi còn gọi anh ấy là Thi-sĩ.
STEPAN - Đâu phải là tên của một tay khủng bố.
ANNENKOV, cười - Yanek lại nghĩ khác. Anh ấy cho rằng thơ là cách mạng.
STEPAN - Chỉ có bom đạn là cách mạng thôi. (Im lặng.) Dora này, chị có tin là tôi sẽ giúp chị được việc không?
DORA - Tin chứ. Chỉ cần cẩn thận sao cho khỏi bể cái ống.
STEPAN - Nếu như nó bể?
DORA - Chính vì làm bể cái ống mà Schweitzer chết đấy. (Một lát.) Tại sao anh lại cười, Stepan?
STEPAN - Tôi cười đấy à?
DORA - Đúng thế.
STEPAN - Đôi lúc tôi vậy đó. (Một lát. Stepan ra dáng nghĩ ngợi.) Dora này, một trái bom thôi có đủ làm sập căn nhà này không?
DORA - Một trái thì không. Nhưng cũng đủ làm hư hại.
STEPAN - Phải bao nhiêu trái thì mới đủ làm nổ tung kinh thành Mạc-tư-khoa?
ANNENKOV - Anh điên à? Anh nói chi lạ vậy?
Có người nhận một hồi chuông. Cả ba cùng lắng nghe và chờ. Chuông reo hai hồi. Annenkov bước ra phòng trước rồi trở vào cùng với Voinov.
VOINOV - Stepan!
STEPAN - Chào anh.
Hai người bắt tay nhau. Voinov lại gần Dora và ôm hôn nàng.
ANNENKOV - Mọi việc êm đẹp cả chứ, Alexis?
VOINOV - Vâng
ANNENKOV - Chú đã xem xét kỹ quãng đường từ dinh công tước đến rạp hát chưa?
VOINOV - Bây giờ tôi có thể vẽ ra được. Đây này! (Tay vẽ.) Các khúc quanh này, các quãng đường hẹp này, các chỗ đường bị vướng này... xe sẽ chạy qua phía dưới cửa sổ nhà mình đây.
ANNENKOV - Hai cái dấu thập nhỏ này là cái gì?
VOINOV - Một quảng trường nhỏ mà ngựa sẽ chạy chậm và cái hí-viện mà xe sẽ dừng lại. Theo ý tôi, hai chỗ này là tốt hơn cả.
ANNENKOV - Đưa coi!
STEPAN - Còn bọn chó săn?
VOINOV, ngần ngại - Nhung nhúc một bầy.
STEPAN - Chúng có làm anh khó chịu không?
VOINOV - Tôi thấy mất tự nhiên.
ANNENKOV - Chẳng ai có thể tự nhiên được trước mặt chúng. Đừng có rối trí là được.
VOINOV - Tôi có sợ sệt gì đâu. Tôi không quen nói dối, vậy thôi.
STEPAN - Ai mà chẳng nói dối. Điều cần là biết nói dối sao cho khéo.
VOINOV - Chẳng dễ đâu. Hồi còn là sinh viên, bạn bè thường chế riễu tôi vì tôi không biết dấu diếm. Tôi nói thẳng những gì tôi nghĩ. Sau chót, họ tống cổ tôi ra khỏi Đại học.
STEPAN - Sao vậy?
VOINOV - Trong giờ học Sử, giáo sư hỏi tôi Pierre Đại-đế đã kiến tạo nên thành Saint-Pétesbourg như thế nào? (1)
 
(1)Pierre ler le Grand,1672-1725, Nga-hoàng. Saint-Pétesbourg, tên cũ của thành Petrograd, nay đổi thành Léningrad.
 
STEPAN - Câu hỏi hay đấy.
VOINOV - Tôi trả lời: bằng máu và roi da. Vì thế tôi bị đuổi.
STEPAN - Rồi sao nữa?
VOINOV - Tôi hiểu được rằng chỉ tố giác sự bất công thôi thì chưa đủ. Còn phải dâng hiến cả cuộc đời mình để mà đánh đổ sự bất công. Giờ đây, tôi là người sung sướng.
STEPAN – Vậy mà anh còn nói dối?
VOINOV – Tôi còn nói dối. Nhưng tôi sẽ không nói dối nữa ngày mà tôi liệng trái bom.
Tiếng chuông gọi cửa. Hai hồi, đoạn một hồi. Dora xông ra.
ANNENKOV – Yanek đấy.
STEPAN – Đâu có đúng mật hiệu.
ANNENKOV – Yanek khoái đổi mật hiệu vậy đó. Anh ta có mật hiệu riêng mà.
Stepan nhún vai. Có tiếng Dora nói bên phòng trước. Dora và Kaliayev cùng vào, tay nắm tay. Kaliayev cười.
DORA – Yanek. Đây là anh Stepan đến thay thế Schweitzer.
KALIAYEV – Xin chào người anh em.
STEPAN – Cám ơn.
Dora và Kaliayev ngồi xuống, đối diện với những nhân vật khác.
ANNENKOV – Yanek này, anh tin chắc sẽ nhận được ra ngay cái xe ngựa mui trần bốn bánh đó chứ?
KALIAYEV - Chắc chứ, tôi đã được thỏa thuê quan sát cái xe đó tới hai lần rồi lận. Cho nó hiện ra ở đằng xa, lẫn giữa cả ngàn cái xe khác, tôi cũng nhận ra ngay. Tôi đã ghi nhận đầy đủ mọi chi tiết. Đây này, chẳng hạn như một trong những tấm kính của chiếc đèn phía bên trái đã bị sứt mẻ.
VOINOV – Còn bọn lính kia?
KALIAYEV - Cả đám. Nhưng tôi bắt bồ cả rồi. Tụi chúng thường mua thuốc lá của tôi mà. (Cười.)
ANNENKOV – Pavel đã xác nhận lại tien mật báo chưa?
KALIAYEV – Trong tuần này lão quận-công sẽ đi xem hát. Lát nữa đây Pavel sẽ biết đích xác ngày nào và sẽ trao tin cho người gác cửa. (Quay lại phía Dora và cười.) Chúng ta gặp may rồi đó, Dora ạ.
DORA, nhìn Kaliayev – Anh không bán hàng rong nữa à? Bây giờ rõ ra vẻ công tử lắm rồi. Nom anh lịch sự trai thật. Anh không tiếc gì cái áo da cừu xác xơ đấy chứ? (1)
 
(1) touloupe, loại áo da cừu lật trái của nông-dân Nga.
 
KALIAYEV, cười - Thật đấy, anh rất hãnh diện về việc đã làm. (Nói với Stepan và Annenkov.) Tôi đã bỏ ra hai tháng để quan sát bọn bán hàng rong, hơn một tháng để tập dượt trong căn phòng nhỏ bé của tôi. Các bạn đồng nghiệp không mảy may nghi ngờ gì về hành tung của tôi cả. Họ còn nói: “ Cha này bảnh quá ta. Hắn dám bán cả ngựa của nhà vua nữa ấy chứ. “ Rồi tới phiên họ bắt chước lại tôi.
DORA – Đương nhiên là anh cười bằng thích.
KALIAYEV – Em dư biết là tôi không sao nhịn cười cho nổi. Sự cải trang này, cuộc đời mới này… Tất cả đều làm tôi vui thích.
DORA – Còn em thì em không thích cải trang chút nào. (Chỉ tay vào áo.) Và này, bộ đồ thải xa xỉ này! Lẽ ra Boria phải nghĩ ra cho em một thứ gì khác. Một nữ kịch sĩ! Chà, tâm hồn em đơn giản lắm mà.
KALIAYEV - Mặc chiếc áo đó trông em rất đẹp.
DORA - Đẹp nỗi gì! Lẽ ra em phải ưng là cô gái đẹp. Nhưng thôi, đừng nên nghĩ tới điều đó nữa.
KALIAYEV - Tại sao vậy? Dora ơi, mắt em lúc nào cũng buồn. Phải vui lên chứ, phải kiêu hãnh lên chứ. Cái đẹp có đó, niềm vui có đó! “Nơi thanh vắng hồn anh mơ ước tới em…
DORA, tươi cười – Anh khát khao một mùa hè vĩnh cửu…”
KALIAYEV - Ồ! Dora, em còn nhớ mấy câu thơ đó. Em cười đó ư? Anh thật sung sướng vô ngần…
STEPAN, ngắt lời - Thật phí thời giờ, Boria này, tôi nghĩ là ta nên dặn người gác cửa chứ?
Kaliayev nhìn Stepan với vẻ ngạc nhiên.
ANNENKOV - Phải đấy. Dora, cô xuống dưới nhà nhé? Đừng có quên món tiền thưởng. Sau đó, Voinov sẽ giúp cô sắp xếp các vật dụng trong phòng.
Dora và Voinov mỗi người đi ra một ngả. Stepan tiến lại gần Annenkov, bước đi quả quyết.
STEPAN – Tôi muốn được ném bom.
ANNENKOV – Không được, anh Stepan. Những người ném bom đã được chỉ định rồi.
STEPAN – Tôi van anh. Anh biết rõ việc đó đối với tôi quan hệ dường nào.
ANNENKOV – Không được. Qui tắc là qui tắc. (Im lặng một lát.) Tôi không ném bom, tôi đây này, và tôi chờ đợi ở đây. Qui tắc nghiêm ngặt buộc phải như vậy.
STEPAN – Ai sẽ ném trái bom thứ nhất?
KALIAYEV – Tôi. Voinov ném trái thứ hai.
STEPAN – Anh ấy à?
KALIAYEV – Anh ngạc nhiên lắm sao? Vậy là anh không tin tôi sao!
STEPAN - Cần phải có kinh nghiệm.
KALIAYEV – Kinh nghiệm à? Anh dư biết là chẳng ai ném bom được hơn một lần rồi sau đó… Chưa có ai ném bom tới hai lần cả.
STEPAN - Cần phải có một bàn tay cương quyết.
KALIAYEV, chìa bàn tay ra – Nhìn đây. Bộ anh tưởng bàn tay này sẽ run lên hay sao?
Stepan quay nhìn nơi khác.
KALIAYEV – Nó sẽ không run đâu. Sao! Giáp mặt tên bạo chúa mà tôi sẽ ngần ngại ư? Làm sao anh có thể nghĩ tới điều đó? Và dẫu cho tay tôi có run lên nữa, tôi cũng có cách khác chắc chắn giết được lão công tước kia mà.
ANNENKOV – Cách nào?
KALIAYEV – Reo mình vào dưới chân ngựa.
Stepan nhún vai rồi tới ngồi ở phía cuối sân khấu.
ANNENKOV – Không được, điều đó không cần thiết. Phải tìm cách thoát thân. Tổ-chức cần đến anh, anh phải tự giữ lấy mình.
KALIAYEV – Tôi sẽ tuân lời, anh Boria! Thật vinh hạnh, vinh hạnh biết bao cho tôi! Ồ! Tôi sẽ xứng đáng mà!
ANNENKOV – Stepan này, anh sẽ ở dưới đường, trong lúc Yanek và Alexis rình đợi cỗ xe. Anh sẽ đi qua đi lại đều đặn trước cửa sổ nhà mình và chúng ta sẽ giao ước một ám hiệu. Dora và tôi sẽ chờ đợi ở đây để tung ra bản tuyên ngôn. Nếu chúng ta gặp may một chút, lão quận-công chắc sẽ bị hạ.
KALIAYEV, phấn khởi - Chắc mà, tôi sẽ hạ y. Nếu thành công thì thật sung sướng biết bao! Lão quận-công thì chẳng đáng kể gì. Còn phải đập lên cao hơn nữa.
ANNENKOV - Trước hết là lão quận-công.
KALIAYEV - Thế nhỡ thất bại thì sao, Boria? Anh thấy không, mình phải bắt chước bọn Nhật-bản chứ.
ANNENKOV – Anh nói sao?
KALIAYEV – Trong thời chiến, bọn Nhật-bản không bao giờ đầu hàng. Chúng tự sát.
ANNENKOV – Không, đừng nghĩ đến tự sát.
KALIAYEV - Vậy thì nghĩ đến cái gì?
ANNENKOV - Một lần nữa, lại nghĩ đến khủng bố.
STEPAN, nói phía góc phòng - Muốn tự vẫn, phải là người tự ái nhiều lắm. Người làm cách mạng chân chánh không thể tự ái được.
KALIAYEV, quay phắt người lại - Người làm cách mạng chân chính là gì? Tại sao anh lại nỡ đối xử với tôi như vậy? Tôi đã làm gì anh chứ?
STEPAN – Tôi không ưa những người lao mình vào cách mạng bởi vì họ buồn chán.
ANNENKOV – Coi kìa, Stepan!
STEPAN, đứng lên và đi xuống phía hai người - Phải, tôi tàn nhẫn thật đấy. Nhưng đối với tôi, hận thù không phải là một trò đùa. Chúng ta làm cách mạng không phải là để ngưỡng mộ lẫn nhau. Chúng ta làm cách mạng là để thành công.
KALIAYEV, dịu dàng - Tại sao anh lại lăng mạ tôi? Ai bảo anh là tôi buồn chán chứ?
STEPAN – Tôi không biết. Anh thay đổi mật hiệu, anh khoái chơi trò bán hàng rong, anh ngâm thơ, anh tính reo mình xuống chân ngựa, và giờ đây, anh tính tự vẫn… (Nhìn thẳng vào Kaliayev.) Tôi không tin anh được.
KALIAYEV, tự chế ngự - Anh chưa hiểu tôi đó thôi, anh bạn ạ. Tôi yêu đời. Tôi không hề buồn chán. Tôi tham gia cách mạng vì tôi yêu đời đó.
STEPAN – Tôi không yêu đời, nhưng yêu sự công bằng nó còn cao cả hơn cuộc sống nữa.
KALIAYEV, với một vẻ cố gắng rõ rệt - Mỗi người phụng sự lý tưởng công bằng theo khả năng riêng của mình. Phải nhìn nhận rằng chúng ta có điều dị biệt. Nhưng chúng ta phải thương yêu lẫn nhau, nếu chúng ta còn có thể yêu thương.
KALIAYEV, giận dữ - Vậy chứ anh làm gì trong bọn này?
STEPAN – Tôi tới đây để giết một người, không phải để yêu thương người đó mà cũng không phải để suy tôn sự cách biệt của y.
KALIAYEV, dữ dội – Anh sẽ không giết y một mình và cũng không phải nhân danh cái gì cả. Anh sẽ giết y cùng với chúng tôi và nhân danh toàn dân Nga-la-tư. Đó là lý do biện minh cho hành động của anh.
STEPAN, cũng gay gắt - Tôi không cần biện minh. Tôi đã được biện minh, cho mãi mãi về sau, vào một đêm, cách đây ba năm, trong ngục thất. Và tôi sẽ không để cho...
ANNENKOV - Thôi đi! Anh điên rồi sao? Anh có biết chúng ta là gì của nhau không. Là anh em, hoà đồng với nhau, cùng hướng về mục đích là trừ khử những tên bạo chúa, để giải phóng quê hương! Chúng ta cùng nhúng tay vào máu, và không cái gì có thể chia rẽ chúng ta. (Im lặng. Annenkov nhìn hai người.) Lại đây, Stepan, chúng ta phải giao ước mật hiệu...
Stepan ra.
ANNENKOV, nói với Kaliayev - Đừng nghĩ ngợi gì cả, Stepan đã đau khổ nhiều. Để tôi khuyên nhủ anh ấy.
KALIAYEV, mặt tái đi - Anh ấy đã làm nhục tôi, Boria.
Dora vào.
DORA, nhìn vẻ mặt Kaliayev - Có chuyện chi vậy?
ANNENKOV - Không có chi cả.
Annenkov ra.
DORA, nói với Kaliayev - Có chuyện chi vậy anh?
KALIAYEV - Chúng tôi đã gây lộn rồi đó. Stepan chẳng ưa gì anh cả.
Dora ngồi xuống. Im lặng. Một lát.
DORA - Em nghĩ là anh ấy chẳng ưa ai cả đâu. Khi công việc xong xuôi rồi, chắc anh ấy sẽ trở nên vui tính hơn. Anh cũng đừng buồn.
KALIAYEV - Anh buồn thật đấy. Anh cần được tất cả anh em yêu thương. Anh đã rời bỏ tất cả để tham gia Tổ-chức. Làm sao anh chịu đựng nổi sự lạnh nhạt của anh em? Đôi lúc anh có cảm tưởng là các bạn không ai hiểu anh. Có phải là lỗi tại anh không? Tính anh vụng về, anh cũng biết thế.
DORA - Kể anh em đều thông cảm và yêu thương anh đấy chứ. Riêng Stepan thì có khác.
KALIAYEV - Không đâu. Anh biết Stepan đã nghĩ về anh như thế nào. Chính Schweitzer đã nói ra điều đó: " Quá phi thường để có thể là một người làm-cách-mạng." Anh mong muốn giải thích cho các bạn rõ anh chẳng có gì là phi thường cả. Họ cho anh là người hơi khùng, quá hồn nhiên. Vậy mà, cũng như họ, anh tin theo lý tưởng. Cũng như họ, anh muốn hiến thân. Chính anh đây, anh cũng có thể tỏ ra khôn khéo, lầm lì, che giấu tình cảm, được việc. Có điều này, cuộc đời đối với anh vẫn thật là tươi đẹp. Chính vì lẽ đó mà anh thù ghét chế độ độc tài. Làm sao giải thích cho họ được? Cách mạng chứ gì, hẳn đi rồi! Nhưng làm cách mạng là vì cuộc đời, là để dâng hiến cho cuộc đời cái cơ hội cải thiện, em hiểu thế chứ?
DORA, phấn khởi – Em hiểu… (Giọng thấp hơn, sau một lúc im lặng) Ấy vậy mà, chúng ta sắp ra tay tàn sát.
KALIAYEV – Ai, chúng ta à? … À, ý em muốn nói… không phải như thế đâu. Ồ không đâu! Không phải như vậy đâu. Vả lại, chúng ta giết người là để xây dựng một xã hội trong đó sẽ không còn có ai phải nhúng tay vào máu! Chúng ta chịu nhận làm kẻ sát nhân để cho sau cùng trên trái đất này chỉ có những bàn tay trong sạch.
DORA - Thế nếu không được như vậy?
KALIAYEV – Em im đi, em dư biết là không thể như thế được mà. Nếu như thế thì Stepan lại có lý. Và ta lại phải nhổ lên mặt cái đẹp mất rồi.
DORA – Em nhiều tuổi đảng hơn anh. Em biết không có gì là đơn giản cả. Nhưng anh có lòng tin… Chúng ta ai nấy đều cần lòng tin cả.
KALIAYEV -  Lòng tin ư? Không. Chỉ có một người có lòng tin thôi.
DORA – Anh có sức mạnh của tinh thần. Và anh sẽ gạt bỏ được mọi trở ngại để đi tới đích. Tại sao anh lại tình nguyện xin ném trái bom đầu tiên?
KALIAYEV – Có thể nào cứ nói đến chuyện khủng bố mà không dự phần chăng?
DORA – Không.
KALIAYEV - Phải có mặt ở ngay hàng tiền đạo.
DORA, tỏ vẻ nghĩ ngợi - Phải. Có hàng tiền đạo và có phút cuối cùng. Chúng ta phải nghĩ tới điều đó. Đó là lòng can đảm, lòng hăng sau mà chúng ta cần có… mà anh cần phải có.
KALIAYEV- Từ một năm nay, anh không nghĩ đến gì khác nữa. Chính vài cái lúc đó mà anh còn sống tới ngày nay. Và giờ đây anh biết là anh mong muốn được bỏ mình tại chỗ, ngay cạnh xác lão quận-công. Đổ máu ra cho đến tận giọt cuối cùng, hoặc là cháy bùng lên như ánh chớp, trong ngọn lửat của bom nổ, rồi không còn để lại một vết tích gì. Em có hiểu tại sao anh lại tình nguyện xin ném bom không? Xả thân cho lý tưởng, đó là phương cách duy nhất để đạt tới lý tưởng. Đó là cách tự biện minh.
DORA – Em cũng vậy, em cũng ao ước cái chết đó.
KALIAYEV - Phải, đó là một hạnh phúc có thể làm người ta mơ ước. Ban đêm, đôi lúc anh lại trằn trọc trở mình trên tấm nệm rơm của bọn bán hàng rong. Một ý nghĩ cứ dằn vặt anh: bọn chúng nó đã biến chúng ta thành kẻ sát nhân. Nhưng cùng lúc đó anh lại nghĩ rằng anh sắp chết, và rồi lòng anh lắng xuống. Em thấy không, lúc đó anh mỉm cười, rồi lại ngủ thiếp đi như trẻ con.
DORA - Thật đúng thế đó, anh Yanek ạ. Giết người rồi chết. Nhưng theo ý em, còn có một hạnh phúc lớn lao hơn nữa. (Một lát, Kaliayev nhìn Dora. Nàng chớp mắt nhìn xuống.) Lên máy chém.
KALIAYEV, nồng nhiệt – Anh đã nghĩ tới. Chết ngay trong cuộc mưu sát là vẫn còn để lại một cái gì chưa hoàn tất. Giữa cuộc mưu sát và đoạn đầu đài, trái lại, còn có cả một cái gì vĩnh cửu, có lẽ là cái vĩnh cửu duy nhất của con người.
DORA, giọng nói hối hả, cầm lấy tay của Kaliayev – Chính tư tưởng đó phải giúp sức anh. Chúng ta trả nhiều hơn là chúng ta vay đó.
KALIAYEV – Em muốn nói gì?
DORA – Chúng ta bắt buộc phải giết người, phải thế không anh? Chúng ta cương quyết hi sinh một mạng sống và chỉ một mạng sống mà thôi.
KALIAYEV – Đúng.
DORA – Nhưng tiến đến cuộc mưu sát rồi sau đó lại bước lên đoạn đầu đài, có nghĩa là đem hiến đời sống của mình tới những hai lần. Chúng ta trả nhiều hơn là chúng ta vay đó.
KALIAYEV – Em nói đúng, như vậy là phải chết tới hai lần. Cám ơn em, Dora. Chẳng một ai có thể trách cứ chúng ta được. Giờ đây, anh thật vững dạ tự tin. Im lặng. Chi đó, Dora? Em không nói gì sao?
DORA – Em còn muốn giúp anh hơn nữa. Thế nhưng…
KALIAYEV – Nhưng?
DORA – Không, em điên mất rồi.
KALIAYEV – Em nghi ngờ anh đó sao?
DORA - Ồ, không đâu, anh yêu quý của em, em đã nghi ngờ chính em đó thôi. Từ sau cái chết của Schweitzer, em hay có những ý nghĩ khác thường. Vả lại, em đâu phải là người để nói cho anh biết về những khó khăn.
KALIAYEV – Anh ưa thích những gì khó khăn. Nếu em mến anh, thì em hãy nói đi.
DORA, ngước nhìn Kaliayev – Em biết. Anh là người can đảm. Chính vì thế mà em lo ngại. Anh vui cười, anh hăng hái, anh phóng mình hi sinh, trái tim đầy nhiệt huyết. Nhưng trong vài giờ nữa, anh phải tỉnh mộng, và hành động. Có lẽ ta nên bàn đến chuyện đó trước là hơn … để tránh một bất ngờ, một suy nhược…
KALIAYEV – Anh sẽ không mất tinh thần đâu. Em cứ nói thẳng ra đi.
DORA – Này nhé, cuộc mưu sát, đoạn đầu đài, cái chết hai-lần, đó là chuyện dễ. Nội tấm lòng nhiệt thành của anh là đủ. Nhưng trên hàng đầu… (Nàng ngưng nói, nhìn chàng và tỏ vẻ ngần ngại.) Trên hàng tiền đạo, anh sẽ trông thấy y…
KALIAYEV – Thấy ai?
DORA – Lão công-tước.
KALIAYEV- Chỉ thoáng một giây.
DORA - Một giây đồng hồ mà anh sẽ nhìn vào y! Ồ! Yanek, anh phải biết rõ điều đó, anh phải sửa soạn trước mới được! Một người trước hết là một người. Có thể lão công-tước có những tia nhìn trắc ẩn. Anh sẽ trông thấy lão ta gãi tai hoặc là mỉm cười vui vẻ. Biết đâu là mặt lão lại không có vết xước dao cạo nhỏ. Và nếu như đúng lúc đó mà y lại nhìn anh…
KALIAYEV – Đâu phải là anh giết hắn. Anh tiêu diệt chế độ phong kiến chuyên chế kia mà.
DORA - Hẳn đi rồi, hẳn đi rồi. Nhiệm vụ của mình là đập tan chế độ độc tài. Em sẽ chế tạo trái bom và lúc gắn kín cái ống, anh biết đấy, vào lúc khó khăn nhất đó, khi thần trí căng thẳng đó, thì em lại cảm thấy trong lòng xốn xang một niềm vui sướng lạ lùng. Nhưng em không trông thấy lão công-tước  và mọi việc thật ra sẽ chẳng dễ dàng đâu, nếu như, ngay lúc đó, lão ta lại ngồi trước mặt em. Còn anh, anh sẽ giáp mặt lão ta. Thật gần sát mặt…
KALIAYEV, gay gắt – Anh sẽ không nhìn vào y.
DORA – Sao vậy? Anh sẽ nhắm mắt lại ư?
KALIAYEV – Không. Nhưng nhờ trời, lòng thù hận sẽ dâng lên đúng lúc và sẽ bịt kín mắt anh mù đi.
Có tiếng chuông gọi cửa. Một hồi. Hai người đứng im. Stepan và Voinov vào.
Có tiếng nói bên phòng trước. Annenkov vào.
ANNENKOV - Người gác cổng đấy. Ngày mai lão công-tước sẽ đi coi hát. (Nhìn mọi người.) Tất cả cần chuẩn bị sẵn sàng, Dora ạ.
DORA, giọng thật đục – Vâng. (Nàng chậm chạp bước ra.)
KALIAYEV, nhìn Dora bước ra, rồi quay lại dịu dàng nói với Stepan – Tôi sẽ giết y. Vui mừng mà giết y.

<< Lời giới thiệu | MÀN HAI >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 258

Return to top