VUA GIẢN ĐỊNH ĐẾ Vua tên là Ngỗi, con thứ vua Nghệ Tôn, hiệu là Giản Định. Cuối đời Hồ, Vua khởi binh phục hưng nhà Trần, ở ngôi vua hai năm, bị quân Minh bắt, đó tuy là lòng trời, nhưng cũng tại người làm hỏng việc. Tháng 2, niên hiệu Hưng Khánh thứ nhất, Hồ Trừng tiến quân đến Lỗi Giang, người Minh chiếm cứ hai bên bờ sông đánh giáp lại, quân Trừng thua, Quý Ly, Hán Thương cùng về Thanh Hóa, dân chúng kinh đô và các lộ, phần nhiều theo giặc Minh mà phản họ Hồ, rồi đầu hàng quân Minh, người Kinh và người các lộ bị người Minh xử tàn khốc, ai cũng có dị chí mưu phản lại Minh. Nhà Minh xuống chiếu tìm con cháu họ Trần, kỳ lão nói: "Bị Lê Quý Ly giết hết cả, không còn ai nối dõi họ Trần được. An Nam vốn xưa là đất Giao Châu, xin phục lại quân huyện như xưa, để đổi mới cho dân". Nhà Minh bèn đặt ra quận Giao Chỉ, có chức Bố chính Án sát và các phủ huyện nha môn. (Nhà Minh cầu con cháu nhà Trần, đâu phải là chân tâm, cốt để che tai mắt người nước Nam đó; quốc dân cũng biết như thế, chẳng là thuận theo chúng cho xong, chứ có thích gì lập ra phủ huyện). Quý Ly chạy ra cửa biển Điển Canh, người Minh đuổi theo, quân Hồ bỏ thuyền tự tan vỡ, Ngụy Thức xin 2 cha con Hồ tự đốt mình, nói rằng: "Vua nước đã mất, không chịu chết ở tay người khác". Quý Ly giận chém Thức; lại chạy đi Kỳ La(1), dân nơi ấy có bô lão đến yết kiến, nói: "Nơi này tên là Cơ Lê, có điềm không hay, xin đừng ở lại đây" (Bô lão này không muốn cha con Hồ ở đấy, nên phiên vận đi, để dọa y đó), Quý Ly lại chém người này. Người Minh kéo thẳng đến Nhật Nam, bắt được Quý Ly ở bãi biển Chỉ Chỉ, bắt được Hán Thương ở cửa biển Kỳ La, bắt được Quốc Trưng ở núi Cao Vọng, ngoài ra còn bao nhiêu người đều bị bắt hết; duy có quan Hành khiển Ngô Miễn nhảy xuống nước chết, vợ y là Nguyễn Thị nói: "Chồng tôi tử tiết, thế là đắc sở rồi; nếu tôi còn sống là phụ chồng tôi, tôi không nỡ thế"; rồi cùng nhảy xuống nước mà chết. Kỳ La có núi Thiên Cầm(2), là nơi 2 cha con Hồ bị bắt, nên gọi tên là Thiên Cầm. Lại trong cựu sử: Khôi thường chơi ở đó, nghe tiếng sáo trời, nên gọi tên là Thiên Cầm, chữ Cầm là đàn viết lầm chữ cầm là bắt. Người Minh tính lấy được 48 phủ, châu, 3.169.500 hộ, 121 con voi, 420 con ngựa, 35.700 con trâu, 8.865 cái thuyền. Trước Hoàng Hối Khanh trấn Thăng Hoa, lấy thổ quan là Đặng Tất, Phạm Thế Căng làm người tâm phúc. Tất cùng Châu Phán, Nguyễn Lỗ, vì công trạng mà ghét nhau, gặp lúc ấy cha con Hồ bị người Minh bức bách, viết thư cho Hối Khanh sai Lỗ thống lĩnh dân thiên cư, làm quân cần vương, lại sắc phong Ma Nô làm quận vương, để vỗ về dân chúng Chiêm Thành; Hối Khanh đều ẩn giấu không bảo cho dân chúng. Đến khi Chiêm Thành ra quân muốn lấy lại đất cũ, Hối Khanh bỏ về Hóa Châu, có một mình Ma Nô kháng cự với Chiêm, sức kiệt bị hại. Lúc Hối Khanh trở về Hóa Châu, có lời thề với dân chúng, Lỗ biết Tất cùng Hối Khanh có dị đồ, lánh mặt không dự thề; Lỗ đưa dân thiên cư đi đường bộ hơi chậm, Tất đi đường thủy đến trước, quan trấn phủ Thuận Hóa là Nguyễn Phong cự không nhận. Tất cố sức đánh giết Phong rồi vào thành, lại đánh nhau với Lỗ, Lỗ bị thua, chạy đi Chiêm Thành, Tất nghe tin người Minh đã đến Nghệ An, xin đầu hàng Trương Phụ. Phụ sai người đưa Hối Khanh về, đi đến cửa biển Đan Thai, Hối Khanh tự vẫn, Phụ bêu đầu ở chơ Đông Đô. Hối Khanh là quan Hành khiển ra làm Đốc trấn, ủy nhiệm không phải là không trọng, người Minh xâm phạm nước Nam, cha con Hồ chạy lang bạt, Hối Khanh nhận được thư mà không phó cứu, chỉ nghêng ngang ở Ô Lý lập bè đảng làm việc riêng, chết ở Đan Thai là muộn rồi. Trương Phụ sai Liễu Thăng giải Quý Ly và Hán Thương về Kim Lăng, đến nơi, vua Minh nói: "Trung Quốc như thế, sao dám kháng cự". Rồi đem giết cả. (Xét trong sử Minh và Toàn Việt thì chép rằng: Quý Ly bị giam ở nhà ngục, con y là Trừng dâng phương pháp làm súng thần, được chức Lễ bộ Thượng thư, Trừng xin ân xá, Quý Ly đuợc tha, rồi sau mới chết, cùng với lời sử chép của nước ta hơi khác, vậy lục ra đây để sau khảo cứu). Người Minh lấy cớ còn nhiều người ẩn dật ở sơn lâm, bèn đặt ra các khoa Minh kinh, Lực điền, Thư toán, Thợ thuyền; để sưu tầm các người ấy đến, mà đưa về Kim Lăng cho làm quan, những người hơi có tiếng tăm đều ra ứng tuyển; duy có Bùi Ứng Đẩu, Lý Tử Cấu kiên gan không chịu ra; bấy giờ có câu ca dao rằng: "Dục hoạt ẩn lâm san, dục tử tố Bắc quan"(3). Nguyễn Đại cậy có công bắt họ Hồ, rút lại vẫn bị Trương Phụ giết. Sử thần bàn rằng: Người Minh cấp về cầu nhân tài như thế, có phải thật có lòng hiếu hiền đâu; chỉ sợ người anh hùng không bao giờ hết, cuộc nội thuộc đã thành rồi, tất sẽ có người ra phá hoại mất, cho nên đưa lời nói ngọt, dử cho tước vị để ràng buộc lấy, làm cho loài kiến ham mỡ, con sâu thấy lửa đỏ, thì lăn vào, rồi chúng một mẻ bắt hết cả, xem như việc Nguyễn Đái và Bá Kỳ thì thấy rõ, còn Ứng Đẩu và Tử Cấu không bị phồn hoa bó buộc thân, thật là bậc kiệt sĩ. Trương Phụ kéo quân về, để Hoàng Phúc ở lại làm Trấn thủ, (Phúc người Xương Ấp, tỉnh Sơn Đông). Phúc có tài ứng biến, hiểu cách trị dân, ai cũng khen là giỏi. Vua Giản Định lên ngôi ở Mô Độ, thuộc đất Tràng An(4). Trước Trương Phụ yết bảng bắt tôn thất nhà Trần đem về, vua Giản Định trốn tránh đi đến Mô Độ, ngườ Thiên Trường là Trần Triệu Cơ xuất dân chúng lập lên làm vua. Người Minh đánh vào hành cung, quân mới tụ tập, chưa đánh đã tan vỡ, liền đi về phía tây chạy vào Nghệ An. Đại Tri châu Hóa Châu là Đặng Tất được tin, giết quan của Minh, rồi đưa quân đến hội với quân Vua, Giản Định phong cho Tất làm Quốc công, cùng mưu toan việc khôi phục, bắt được Tri phủ của địch Phạm Thế Căng ở cửa biển Nhật Lệ, nhân thế điều động các lộ quân Thuận Hóa, Tân Bình, Nghệ An, Thanh Hóa, tiến lên đánh Đông Đô. Quân đi qua Phúc Thành (nay là Phúc Am) gặp Tổng binh Mộc Thạnh của Minh ở Vân Nam đi đến, vừa đến Bô Cô, gặp khi thủy triều to, gió lớn, cho quân giữ các cây cắm sẵn, đắp lũy cả hai bờ sông. Thạnh cũng chia quân thủy và bộ ra giữ nhau, vua Giản Định cầm dùi đánh trống cho quân tiến, quân Minh thua chạy, Mộc Thạnh chỉ còn một thân thoát chết, chạy vào thành Cổ Lộng. Vua Giản Định bảo chư quân thừa thế đuổi dài, tiến đánh Đông Quan, tất là phá được, Tất nói: "Hãy đánh bọn giặc lẻ tẻ ở ngoài, chớ nên để có hậu loạn". Tất do dự không quyết định. Quân ở Đông Quan đến cứu viện, tiếp đón quân Mộc Thạnh; Tất chia quân vây các thành, truyền hịch cho quân các lộ phải đánh quân giặc. Vua đóng quân ở Hoàng Giang, bọn hầu ở trong cung là Nguyễn Quý, Nguyễn Trang mật tâu Vua rằng: "Cảnh Chân và Đặng Tất chuyên quyền, sợ sau này khó chế ngự nổi". Vua Giản Định triệu hai người đến, sai lực sĩ chẹt cổ giết chết. Lời bàn: Bô Cô ở sông Thanh Quyết, theo thủy triều, đi thuyền 3 trống canh có thể đến Lạc Tràng, đi thẳng lên Đông Đô không đến một ngày, thừa trận được to ấy, mà không tán thành lời quyết định của vua Giản Định, ai chả biết là thất cơ. Nhưng mà Tất đã vất vả ở Bố Chính, bị Trương Phụ đuổi ở phía sau, Thế Căng ngăn ở mặt trước, mà phá được Thế Căng, lấy lại Tân Bình, mới điều động được quân ở các trấn Thuận, Quảng, Hoan, Ái, để có quân tiến đánh Đông Đô; lặn lội hàng tuần đến được Bô Cô, may mà bẻ gãy được gươm giáo của quân Điền và Kiềm. trương thanh thế quân Thanh, Nghệ, còn một bước nữa thì đến Thăng Long, nòn xa gì nữa mà phải dùng dằng không tiến. Tất cả trù tính kỹ lắm rồi, Mộc Thạnh mới sang, xa xôi nghìn dặm, quân bị đói khát mỏi mệt, thoát chết ở Bô Cô là may lắm. Còn Trương Phụ là tay cáo già, như con hổ ngồi nhìn ở Đông Đô, bây giờ là toán quân cô độc của ta xa xôi kéo đến, chưa kể thủ tắng, vạn nhất trước mặt, sau lưng đều có quân địch, ta không có quân, lương cứu viện, có phải là dẫn thân đến chỗ chết không ? Cho nên thà nghỉ ngơi để mà điều độ, mới là kế vạn toàn. Tất cũng là trí tướng đấy chứ. Nếu được dùng hết mưu đồ của ông, thì người Minh cũng phải có phen khốn đốn, quyết không dám bảo nước ta vô nhân. Tiếc thay ! Vua Giản Định tự phá hủy bức trường thành của mình đó ! Con Cảnh Chân là Cảnh Dị, con Đặng Tất là Đặng Dung đều giận rằng cha chết không đáng tội, lĩnh quân về Thanh Hóa rước Trần Quý Khoách đến Nghệ An lập làm Vua, đổi niên hiệu là Trùng Quang. Nguyễn Xuất làm chức Thái phó, Cảnh Dị làm Thái Bảo, Đặng Dung làm Tư mã, vua Giản Định giữ thành Ngự Thiên, lũ Xuất hội quân đến đánh úp bắt được. Lê Nguyên Đỉnh ngầm khởi binh ở Hát Giang, lập mưu đánh úp vua Trùng Quang, việc bị tiết lộ, vua Trùng Quang giết đi. Lũ Xuất liền dẫn vua Hưng Khánh(5) đến sông Chế thuộc Nghệ An, vua Trùng Quang ăn mặc hạ bậc ra đoán rước, khi ấy trời có mây tối âm, hốt nhiên có con rồng vàng hiện ra, dân chúng đều lấy làm kinh dị, bèn tôn vua Hưng Khánh làm Thượng hoàng, đồng góp sức đánh giặc. Vua Hưng Khánh tiến quân đến Hạ Hồng, vua Trùng Quang tiến quân đến Bình Than, các người hùng kiệt ở các lộ đều hưởng ứng; gặp lúc Trương Phụ dẫn quân đến, vua Hưng Khánh bỏ thuyền lên bộ, Trương Phụ chia quân đi đằng sau, bắt được vua Hưng Khánh giải về Kim Lăng, còn độc vua Trùng Quang giữ nhau với Trương Phụ ở Bình Than, chia cho Đặng Dung giữ cửa Hàm Tử, vì thiếu lương thực, quân tan vỡ, vua Trùng Quang được tin, tự liệu không chống nổi, lại về Nghệ An, Phụ đuổi theo, đến đâu cũng chém giết nhiều lắm. VUA TRÙNG QUANG Vua tên là Quý Khoách, con Mẫu Vương Thích, cháu vua Nghệ Tôn, hàng cháu vua Giản Định, ở ngôi vua 5 năm, vì trời không phò nhà Trần, có chí mà không làm được, nuốt giận mà chết, đáng thuơng.Niên hiệi Trùng Quang thứ hai. Vua đốc xuất tướng là Cảnh Dị tiến quân đến Hạ Hồng. Phá được quân của Giang Hiệu nhà Minh, đốt cháy gần hết thuyền của quân Minh; bấy giờ hào kiệt ở các nơi khởi lên hưởng ứng; Đồng Mặc người Thanh Hóa, Lê Nhị người Thanh Oai, Lê Khang người Thanh Đàm, Đỗ Cối người Nghệ An, giết và tàn phá quân Minh vô kể; lại có Nguyễn Ngân Hà, cũng là người hơn hết trong đám hào kiệt, cầm quân ra kháng cự với địch, nhưng vì sự tiết chế không thống nhất, không người sai khiến được quân, nên đều không được công gì. Nhà Minh xuống chiếu, đại lược nói: "Giao Chỉ đã thuộc về bản đồ nước Tàu, dân đều là con của trẫm, vì nhất thời không nghĩ mà theo giặc, đến nỗi phải bị giết chóc, nhưng mà chả qua chỉ có vài người gian ác, nhân dân phải hiếp bức mà thôi, không phải là bản tâm. Nếu biết hối cải, thì cho được duy tân cùng vạn dân. Trong đó nếu có người kiến thức, bắt được lũ gian ấy đem dâng nộp, không những tha tội cho, lại còn cho làm quan chức nữa". Vua Trùng Quang sai Hồ Ngạn Thần, Búi Nột ngôn làm sứ thần đi cầu phong. Trước đã sai Lê Ngân sang triều Minh xin phong, bị giết mất, đến khi ấy Ngạn Thần đến Yên Kinh, vua Minh hỏi sự thật quốc vương mạnh yếu thế nào. Ngạn Thần nói hết các việc; nhà Minh giả dối cho vua Trùng Quang chức Bố Chính Sứ, Ngạn Thần chức Tri phủ. Đến khi trở về nước, Nột Ngôn tâu rõ việc Ngạn Thần tiết lộ việc nước với Vua, Ngạn Thần liền bị giết. Giải Tấn là Tham nghị của nhà Minh nói: "Chia Giao Chỉ ra làm phủ huyện, không bằng nhân theo lối phong kiến cũ". Vua Minh giận giam vào tù. Người Minh bắt Giáo thụ Lê Cảnh Tuân đưa về Kim Lăng. Trước Cảnh Tuân là vạn ngôn thư đưa cho Bùi Bá Kỳ, có 3 kế sách: thượng, trung và hạ, đại lược nói: "Nhà Minh trước có sắc cho Bá Kỳ theo quân đi đánh giặc, hứa chờ khi bắt được cha con Hồ rồi, thì kén cho cháu nhà Trần mà lập làmVua, cho ở lại nước mà giúp Vua. Nay đen chia nước ta làm quận huyện, chỉ cấp cho tên xái phu để coi miếu thờ của nhà Trần. Nếu chấp lời trước mà tâu, biện bạch là kỳ lão nói vu, họ Trần chưa tuyệt tự, cố xin lại phong vương cho nhà Trần, đó là thượng sách. Nếu không được thế, thì xin làm quan coi từ đường nhà Trần, đó là trung sách. Còn đến làm chức Tham nghị của Minh, tham tước lộc thì là hạ sách. Làm được thượng sách thì xin đưa thân để ông dùng, như sâm quế trong tủ thuốc của ông; nếu trung sách thì xin để ông sai bảo cầm cái mâm, cái nâm rượu, trong khi tế lễ ở từ đường; không được thế, thì xin về quê nhà, nhàn tản cho qua tuổi già". Khi tịch biên nhà Bùi Bá Kỳ, bắt được thư ấy, sai bắt tra hỏi; gặp khi loạn không biết Cảnh Tuân đi đâu; đến khi đặt nhà học ở Giao Châu mới bắt được, giải về giam vào ngục. Lời bàn: Bá Kỳ lặn lội nghìn dặm đi cáo nạn với Minh, có lòng trung như Thân Bao Tư đứng khóc ở sân nước Tần; Cảnh Tuân nghĩ ra 3 kế sách mong phục lại nhà Trần, có chí như Đào Uyên Minh vẫn giữ niên hiệu Nghĩa Hy; nhưng mà một người thì không từ bỏ quan, vì chức thổ ty mà thay đổi tiết tháo; một người không biết trốn ẩn, vì một giáo chức mà mất thân danh. Mới biết giữ được chí khí, giữ được tiết tháo khó là thế. Trương Phụ, Mộc Thanh dẫn quân vào xâm Nghệ An, gặp Nguyễn Xuất, Cảnh Dị ở Mô Độ, hai bên đánh nhau chưa phân thắng phụ, vì Mô Độ đường xá hiểm trở, kỵ binh không tiến được, Phụ đi lẩn vào trong rừng nứa, nữa đêm đánh úp quân Nguyễn Xuất, Xuất không địch được, phải dùng thuyền ra biển để trốn. Phụ đuổi bức bách quá, Nghệ An, Diễn Châu đều bị hãm. Nhà Minh sắc dụ đại lược nói: "Vâng mệnh trời mà thống trị, chỉ muốn dân thiên hạ đâu cũng được yên; Giao Châu là đất cũ của Trung Quốc, nay lại trở về; kén chọn người hiền để mà phủ trị, còn lo rằng nhân trạch chưa ra khắp mọi nơi. Lũ các ngươi phải thể ý trẫm, hưng lợi cho dân, dạy dân biết lễ nghĩa, biết chăm nghề nông trang, để cho yên nghiệp làm ăn, hưởng hạnh phúc thái bình". Lời bàn: Người Minh thống trị nước ta, tự nghĩ có thể lấy oai lực mà áp chế được; nhưng từ tháng 5 Đinh Hợi bắt được Hồ rồi, tháng 10 vua Giản Định lại lên ngôi, nói đến vua Trùng Quang, trong 5, 6 năm, chiến tranh không thôi, mới biết là khó bình được. Bấy giờ cần quyền ban chiếu sắc, nghĩ cách úy dụ dân; nhưng mà Trương Phụ đi đến đâu, dữ hơn hổ cái, Hoàng Phúc ra mệnh lệnh rối như lông lươn, vua Minh ở xa cách, không biết dân thuộc quốc khốn khổ đến thế, bảo sao mà dân chả nhớ nước cũ, mà coi Minh là cửu thù. Nông Văn Lịch ở Lạng Sơn tụ tập quân chiếm cứ đất ấy, chận đường đi lại của người Minh; Nguyễn Liễu ở Lý Nhân cũng chiêu tập người các huyện Lục Na, Võ Lễ, đánh cướp quân Minh. Vua Trùng Quang lại sai Nguyễn Xuất đem quân ra biển đến Vân Đồn, Hải Đông, đánh các đồn canh của Minh, chưa bao lâu, lại về Nghệ An, quân lính chỉ còn 3 hay 4 phần 10. Trương Phụ nhà Minh vào cướp Hóa Châu, vua Trùng Quang đi hóa Châu, sai Nguyễn Biễu mang sản vật trong nước đến Nghệ An, Trương Phụ giữ lại, Biểu mắng Trương Phụ rằng; "Về ngoài giả dạng là quân nhân nghĩa, trong lòng vẫn ngấm ngầm tính kế đánh lấy nước người, đã hứa lập con cháu họ Trần, lại đặt ra quận huyện, cướp của hại dân, thật là quân ngược tặc". Phụ giận lắm, giết Biểu. Trương Phụ cùng Mộc Thạnh bàn kế đánh lấy nước. Thạnh nói: "Hóa Châu núi cao biển rộng, chưa dễ đánh lấy được". Phụ nói: "Ta sống là tại Hóa Châu, chết cũng vì Hóa Châu; chưa bình được Hóa Châu, còn mặt nào trông thấy Chúa thượng nữa". Bèn hạ lệnh tiến đánh Hoá Châu, đánh nhau với Nguyễn Xuất ở cảng Thái Giá. Đặng Dung đương đêm đánh úp dinh quân Trương Phụ, lên được thuyền của Phụ, muốn bắt sống, mà không nhận rõ người; phụ vội sang thuyền nhỏ chạy trốn, quân Minh tan vỡ mất nữa, lũ Xuất không góp lực lượng với nhau mà đánh. Phụ thấy có một đạo quân của Dung, quay trở lại đánh, quân Dung tan vỡ chạy, từ đấy chỉ ẩn nấp ở hang núi, (trận đánh Thái Giá, Dung có một toán cô quân chống với giặc mạnh, không phải tay tướng giỏi không làm được, mà vẫn chịu thua, đó là tại trời ). Trương Phụ sai Hoàng Trung đi trước dò thám, Nguyễn Xuất sai 3 tên thích khách lẻn vào thuyền Trương Phụ, Phụ biết, lùng bắt được 2 người, buộc cho Hoàng Trung không phòng bị cẩn thận, đem chém; nhân vì thế lùng tìm khắp trong rừng bắt được Cảnh Dị, và Đặng Dung; hai người mắng Phụ rằng: "Ta muốn giết mày, lại bị mày bắt chúng ta, đó là lòng trời", Phụ giận giết cả, moi gan mà ăn. Lời bàn: Chính khí ở trong trời đất, sấm sét, gió bão cũng không sợ, quỉ thần không dám gần, xem như lời Nguyễn Biểu, Cảnh Dị, Đặng Dung mắng quân giặc, như tiếng sét đánh tan mọi vật, sương mùa thu làm sém cỏ, coi sống chết là tầm thường, dù gươm giáo cũng không tan chí khí băng sương, nát tấm lòng vàng đá được. Vua Trùng Quang chạy sang Lão Qua, Trương Phụ sai người đuổi theo bắt được Vua, nhà Trần mất nước từ đấy. Trương Phụ được vua Trùng Quang về Yên Kinh, đến giữa đường. Vua nhảy xuống nước chết, Nguyễn Xuất cũng nhảy theo xuống nước. Hậu Trần khởi binh, bầy tôi cũ nhà Trần là Phan Quý Hựu có công tán thành. Đến khi Trương Phụ vào cướp Nghệ An, vua Trùng Quang phải đi Hóa Châu, Quý Hựu đầu hàng quân giặc, con y là Liêu đem cả số quân nhiều hay ít, núi sông chỗ hiểm hay không, bảo hết Trương Phụ, nên Phụ mới quyết tâm lấy Hóa Châu. Nhà Trần có 12 vua, khởi từ năm Bính Tuất đến năm Kỷ Mão, cộng 174 năm, và Hậu Trần 7 năm. Vua Giản Định và Trùng Quang đều là con cháu vua Nghệ Tôn, Trần Triệu Cơ lập lên để nối ngôi vua đã bị mất, Nguyễn Cảnh Chân dắt díu đi đánh chống bọn giặc mạnh; trận thắng ở Bô Cô, thanh thế cũng đã lừng lẫy, mà vội nghe lời dèm pha của 2 đứa hoạn quan, bỏ mất vị tướng trụ cột, tự chuốc lấy bại vong, chả đáng nói nữa. Đến vua Trùng Quang quật khởi lên được, duy chỉ 2 tướng Nguyễn và Đặng phụ trì hai bên, ngoài ra đều là người chắp tay xem thế sự; chỉ có một xó Nghệ và Diễn là nơi ra vào công thủ, ngoài ra không còn mảnh đất nào để dụng võ; lặn lội ở góc biển chân non, trận thắng ở La Tân, Bình Than không bù lại được những trận thua ở Linh Trường, Nguyệt Thường; tuy lũ Dung và Xuất có chí không chịu lùi, nhưng mà quân giặc vẫn chiếm phần tiện nghi hơn; đất Quảng, Thuận hiểm trở coi như có thể tựa nương được, nhưng tình thế đất ấy nào đã bị quân phản bội chỉ rõ cho giặc rồi, tai nạn bị bắt ở Lão Qua thật cũng đáng thương! __________________ 1) Núi Thiên Cầm, nay thuộc xã Cấm Long, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh. 2) Núi Thiên Cầm, nay thuộc xã Cấm Long, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh. 3) Muốn sống thì cứ ẩn ở sơn lâm, muốn chết thì làm quan Tàu. 4) Thuộc Yên Mô, Ninh Bình (còn gọi là Trường Yên). 5) Hưng Khánh là niên hiệu vua Giản Định.