THÁI TÔN HOÀNG ĐẾ Vua tên Cảnh, được bà Chiêu Hoàng truyền ngôi cho, làm vua được 33 năm. Tiên tổ vốn là người tỉnh Phúc Kiến, nước Trung Hoa, đến ông tổ là Kinh sang nước Nam ở làng Tức Mặc, phủ Thiên Trường, sinh ra Hấp, Hấp sinh ra Lý, Lý sinh ra Trần Thừa, làm nghề đánh cá, lấy bà Lê Thị làm vợ, đến năm Mậu Thìn sinh ra vua Thái Tôn. Vua là người khoan nhân, có độ lượng đế vương, lập ra chế độ, điển chương đã văn minh đáng khen, nhưng chỉ vì tam cương lộn bậy, nhiều sự xấu xa trong chốn buồng khuê. Niên hiệu Kiến Trung thứ hai, cho Trần Thủ Độ giữ việc hành quân đánh giặc. Khi bấy giờ chỗ nào cũng có giặc cướp nổi lên, như là các dân Mán ở Tản Viên và Quảng Oai, đều bình định được cả; duy còn Nguyễn Nộn chiếm cứ Bắc Giang, Đoàn Thượng chiếm cứ Hồng Châu, thế lực đương mạnh tuy có đánh mà không bình được, Thủ Độ xin Vua phong Nguyễn Nộn làm Hoài Đạo Vương, chia cho đất Bắc Giang, Đông Ngàn. Lại cũng có hẹn phong vương cho Đoàn Thượng nữa, nhưng Thượng không đến, chiếm cứ Hồng Châu, Đường Hào, xây thành ở Yên Nhân, gọi dân làm lính để tự giữ lấy. Nộn đem quân đến đánh nhau ở Đồng Dao, Thượng bị thua chết, con là Văn đem cả gia thuộc đầu hàng. Thanh thế của Nguyễn Nộn lừng lẫy, Thủ Độ lấy làm lo, sai người mang thư đến mừng Nộn, và cho Ngoạn Thiền công chúa, để xem tình hình Nguyễn Nộn động tĩnh thế nào. Nộn làm riêng nha trướng cho công chúa ở, nên không được tin tức gì. Nộn đã thôn tính được quân Thượng, tự xưng là Đại Thắng Vương, nhưng biết rằng thế không đứng vững được, hẹn đến tháng 10 thì vào chầu, đến khi ấy đau nặng, vua sai người hỏi thăm, Nộn miễn cưỡng ăn cơm rồi phi ngựa chạy, làm ra vẫn khoẻ mạnh, chưa được bao lâu thì Nộn chết, bộ tướng của Nộn là Phan Ma Lôi ăn trộm con ngựa trốn đi mất, không biết đi đâu (Ma Lôi là người nước Chiêm Thành, Nộn thu dụng làm đứa ở, khéo biết dụng binh, liệu sức địch mà tính đường thắng), trong nước từ đấy mới thống nhất. Sử thần bàn rằng: Thủ Độ thậm vô mưu, chịu trách nhiệm chuyên chinh, không được thành công gì, bất miễn phải cắt đất phân phong cho Nguyễn Nộn, Đoàn Thượng để che lỗi mình cầm quân không được việc gì; đến khi thanh thế Nộn to quá, lại đưa thư đến mừng, công nhiên lấy lễ định quốc đãi nó, thậm chí gả công chúa cho nữa thì càng tỏ ra là vô mưu quá lắm, không sợ nó cười cho hay sao? Thủ Độ giết Thượng hoàng nhà Lý ở chùa Chân Giáo, lấy bà Trần Thị là Thái hậu nhà Lý làm vợ (giáng làm Thiên Cực công chúa, để gả cho Thủ Độ cho tiện). Thượng hoàng xuất giá đi tu, có một hôm ngồi xổm ở sân chùa nhổ cỏ, Thủ Độ trông thấy nói: "Phải nhổ hết cả gốc" Thượng hoàng nói: "Ta biết ý mày rồi". Sau nhân khi đi ra chơi ở Đông Thị, nhân dân trông thấy Thượng hoàng có người cảm động đến phải khóc, Thủ Độ sợ nhân tâm nhớ vua cũ, sinh ra biến cố chăng, sai người đem hương hoa đến, nói rằng: "Thượng phụ có lời thỉnh". Thượng hoàng giận lắm, khấn rằng: "Chúng mày đã lấy cả thiên hạ của nhà ta, lại còn muốn hại thân ta nữa, con cháu chúng mày sau này cũng phải chịu như thế". Lập tức tự ải chết; Thủ Độ sai đục thành đưa linh cữu ra, đưa đến phường An Hoa hỏa táng, để cốt ở tháp Bảo Quang. Sử thần bàn rằng: Thủ Độ và Huệ Hậu thừa cơ vua Huệ Tôn bị bệnh cuồng, xui giục bắt phải xuất gia, để cho thành cái mưu truyền quốc cho nhà Trần; thần dân nhà Lý tuy bức bách về oai thế; nhưng sao lại chả có lòng nhớ vua cũ; nhất đán gặp vua cũ đi ở trong phố phường, xưa kia thì nhà vàng cờ đỏ, ngất ngưởng là vị cửu trùng, nay thì lê đôi giầy cỏ, chống cái gậy tre, thất thểu là một người nhà chùa, người có lương tâm ai không rơi lệ. Nhân tâm như thế, khởi hữu không xảy ra những việc bất ngờ, cho nên tất phải bức bách cho chết đi, công nhiên nói là Huệ quan Đại sư(1) đã lên cõi niết bàn, để tuyệt vọng của người ta, mà ngăn ngừa được biến cố khác; tâm địa Thủ Độ thật nham hiểm lắm. Lại còn quá tệ hơn nữa là: Thái hậu là người đàn bà góa của nhà Lý, đương triều vua Huệ Tôn đã là mẹ của Thủ Độ, sao lại nỡ muối mặt, táng tâm đến thế, cái ngày thày tăng chùa Chân Giáo lên cõi niết bàn lại là ngày Kiến gia Hoàng hậu bị hạ giá(2) tuy đã đổi tên gọi là công chúa, nhưng ở trong họ còn là anh em gần; vì con nhà chài lưới chả biết lễ nghĩa là gì, tập tục loạn luân như thế, từ đời Kinh, Hấp đã có thế rồi. Không may cho vua Huệ Tôn gặp phải, tự cho mình là giai nhân, có biết đâu việc dâm loạn trong nhà họ, cũng như đó rách không giữ nổi con cá lớn, đã từ lâu rồi. Than ôi! Gây dựng nên triều đình nhà Trần là triều đình dâm loạn như loài chim muông là tự việc Thủ Độ lấy Thiên cực mở đầu ra đó. Còn đến việc Thủ Độ chỉ bị tiếng giết vua, mà nhà Trần phải chịu họa báo ứng. Vua Thái Tôn là con rể đã cướp nước lại còn giết cha vợ, sau này Quý Ly đối với nhà Trần cũng là con rể mà cướp nước lại còn cha vợ mà giết con rể; sự hưng vong như giấc mộng, việc báo ứng như cái vòng tròn, ăn ở bất nghĩa có ích gì đâu? Vua sách phong bà Chiêu Hoàng làm Hoàng hậu tuyển con gái đẹp con nhà lương thiện vào làm cung nhân. Vua định thể lệ tiền tiêu, dân gian sử dụng tỉnh mạch tiền, một tiền là 69 đồng, tiền thượng cung một tiền là 70 đồng. Vua xuống chiếu phàm các văn thư, trạng khế dùng cách in tay vào nửa tờ giấy. Vua ra lệnh thi Tam giáo. Theo thể lệ cũ triều Lý: hàng năm cứ ngày 4 tháng 4 bách quan vào triều rồi lui ra ngoài cửa tây thành, đến đền thờ thần Đồng Cổ, đọc lời thề rằng: "Làm tôi phải tận trung, làm quan phải thanh bạch, ai trái lời thề này thì thần minh hại người ấy". Trai gái đến xem đông như kiến, cho là việc vui, và long trọng. Thi lại viên bằng cách thức Bạ đầu, (thể thức công văn tư đi lại, gọi là Bạ đầu). Vua duyệt định sổ đinh, hàng năm cứ đến mùa xuân, xã quan phải khai báo nhân khẩu, người có quan tước thì con cháu được tập ấm, mới được làm quan; người giầu lớn lên mà không có quan tước, thì suốt đời làm lính. Vua định ra quốc triều Thông phán Hình luật, lễ nghi cộng 20 quyền. Định luật đồ sai dịch, (Tội nặng vừa thì bắt làm việc cày công điền, tội nhẹ phải làm cỏ ở Thăng Long Phượng Thành, lệ thuộc vào quân Tứ Sương). Vua chia kinh thành làm 61 phường và đặt ra ty Bình Bạc. Vua xuống chiếu: các ty, nha xét kiện, tụng thì được lấy tiền Bình Bạc, (Bình nghĩa là xét đoán, là lấy tiền xét kiện), sau vua Thánh Tôn đổi Bình Bạc ty ra là An Phủ sứ. Vua cho hoạn quan là Nguyễn Bang Cốc được lĩnh Chư Binh Nữu. (Binh ở đây nghĩa là tướng, Nữu là quyền then chốt). Vua cho đào các cửa biên Trầm, Hào, từ Thanh Hóa vào đến phía nam Diễn Châu. Vua xuống chiếu: "Các nhà trạm đều tô vẽ tượng Phật". Tục nước ta: vì nắng bức, nên lập ra nhiều đình quán ở dọc đường cho hành khách nghỉ ngơi, tránh nắng. Khi Vua còn hàn vi, thường vào nghỉ ở một cái đình, có thày tăng bảo rằng: "Cậu bé này ngày sau phải đại quý", nói rồi, không biết thày tăng ấy đi đâu mất, cho nên đến khi bấy giờ phàm chỗ nào có quán trạm đều tô vẽ tượng Phật. Thi Thái học sinh, lấy đỗ: Trương Hanh, nhất giáp, Đặng Diễn, nhị giáp, Trần Chu Phổ, tam giáp. Nước ta có khoa thi mà chia ra giáp, đệ từ đây trước nhất; sau này định ra 7 năm một khoa thi, đủ cả tam khôi, điều lệ khoa thi ngày thêm đầy đủ, ân điển ngày một long trọng, ở đó mới sản xuất lắm nhân tài, so với triều Lý thịnh hơn nhiều. Triều đình ban bố tên húy của nhà Vua. (Vì cớ ông tổ xưa có tên là Lý, nên bỏ chữ Lý, để tuyệt lòng dân trông ngóng nhà Lý nữa). Vua đại sát người tôn thất nhà Lý. Vua xuống chiếu bắt các người họ nhà Lý phải đến lễ tiên hậu ở Hoa Lâm, Thái Đường, đào một hố sâu kín, làm nhà lên trên, khi giật dây thì chôn sống cả. Thượng hoàng mất, cho quan Thái úy là Liễu Phụ chánh, sách phong làm Hiển Hoàng. (Tôn kính anh ruột đến nỗi sách phong là Hoàng, cái tên thật là bất chính, Trần Liễu manh tâm khởi loạn, vị tất không phải do việc này). Vua phong cho Phùng Tá Chu là Hưng Nhân Vương, Phạm Kính Ân làm quan Nội hầu. Hai người này đều là cựu thần nhà Lý, nhất đán đổi chủ, cam làm ưng khuyển, ý tất lũ ấy đều là thân thuộc họ ngoại nhà Trần, cũng là một phường với Trung Từ, Tự Khánh, cho nên thủy chung vẫn được tin yêu, ân thưởng hơn người khác. Nhà Lý mất, nhà Trần lên, vẫn là sở nguyện của những kẻ ấy, đâu còn đem lễ nhượng mà trách kẻ ăn trộm bao giờ? Vua xuống chiếu định thể lệ lương bổng các quan văn võ, (tất phải có lương bổng, nhiên hậu mới bắt người ta thanh liêm được). Nước lụt lớn vỡ vào cung Lệ Thiên, Hiển Hoàng Liễu phải đi thuyền vào triều, đi qua nơi ấy thấy cung phi cũ của nhà Lý, bắt ép tư thông; Đình thần hặc tội Liễu, bị giáng làm Hoài Vương, đổi tên cung ấy gọi là Thưởng Xuân. Nhà Trần vì dâm loạn mà mắc đắc quốc, cho nên trời làm nước lụt để cảnh cáo, Liễu lại làm quá tệ, dâm ác không còn biết sợ là gì, lại lấy chữ Thưởng Xuân mà đặt tên cung, thật xấu xa quá lắm. Vua xuống chiếu định pháp chế in tay vào các văn thư, khế ước, (Phàm lập ra chúc thư, và văn khế điền thổ, vay nợ, thì người làm chứng in tay vào 3 hàng trước, chủ bán in tay vào 4 hàng sau). Vua lấy vợ của anh là Trần Liễu lập làm Hoàng hậu. (Tức Thuận Thiên Công chúa họ Lý), giáng bà Chiêu Thánh xuống làm Công chúa. Bấy giờ bà Chiêu Thánh không có con, mà vợ Liễu đã có mang 3 thánh, Thủ Độ và bà Thiên Cực mật mưu lấy cho vua làm Hoàng hậu, Liễu giận lắm, tụ tập đại quân ở Đại Giang làm loạn; trong lòng vua bất tự an, đương đêm ra ở với Phù Vân Quốc sư ở núi Yên Tử (thày tăng này là bạn cũ vua Thái Tôn), Thủ Độ đưa quần thần đến mời vua về kinh đô, vua nói: "Ta tuổi trẻ không cha, chưa kham nổi việc nước, nên không dám ở ngôi vua, để làm nhục cho xã tắc",Thủ Độ nói: "Vua ở chỗ nào tức là triều đình ở đó, xin phá núi để xây dựng cung điện", Quốc sư xin với Vua rằng: "Bệ hạ nên hồi loan không nên để cảnh sơn lâm của đệ tử bị phá hủy", Vua mới chịu về. Liễu tự nghĩ mình thế cô, lén đi thuyền độc mộc đến nơi vua ở xin đầu hàng. Thủ Độ nghe tin, đi thẳng đến thuyền Vua ngự, to tiếng rằng: "Phải giết giặc Liễu". Vua vội vàng giấu Liễu đi, đưa thân nhân ra nhận, Thủ Độ ném thanh kiếm nói: "Thủ Độ này là con chó săn thôi, biết đâu sự thuận hay nghịch của anh em nhà Vua". Vua phải giảng giải mãi, rồi cho Liễu đất An Sinh làm nơi ơ riêng, và phong cho Liễu làm An Sinh Vương, mà giết những kẻ theo làm loạn. Vua Thái Tôn đương đêm quan sông Bàn Than, vào chùa Yên Hoa ở núi Yên Tử, tiếp kiến Trúc Mộc Thiền sư, muốn trụ trì ở đó, vừa gặp Thủ Độ đi yêu giá kéo đến. Thiền sư nói: "Làm vua phải lấy lòng dân làm lòng mình, dân chúng muốn thế thế, xin Vua hồi loan, sau này Hoàng tử trưởng thành có thể nối ngôi lớn được, Nhiên hậu hãy bỏ vào núi mà tu luyện", Vua cho là phải. Bấy giờ vua mới 4 tuổi, đã có ý chán trần tục, cho nên các Vua triều Trần đều bắt chước theo như thế, là vì sở đắc ở Trúc Lâm bí quyết. Vua Thái Tôn làm hại nhân luân, lấy bà Thuận Thiên, Phụ Trần cũng thông gian với bà Chiêu Thánh, mình cướp vợ anh, thì người khác lại cướp vợ mình; tuy là tự ý đem cho, nhưng cũng là trời làm cho tâm thần tối tăm mà làm việc càng bậy đó, tạo hóa khéo thật. Tết Đoan Ngọ, nhớ viếng Khuất Nguyên và hiền nhân xưa như lũ Giới Tử Thôi, từ khi ấy hàng năm lấy làm lệ thường. Vua lập sổ đinh, tuyển đinh tráng vào làm lính, định 3 bậc: Thượng, trung, hạ. Lại định ra quy chế nhà cửa, thuyền, xe cho các vương hầu và các quan văn võ. Vua thân hành đi tuần biên giới, vào địa giới nhà Tống, đi qua châu Khâm và Liêm, tự xưng là Trai lang, bỏ thuyền ở đất Tống, chỉ dùng thuyền Kim Phượng và Nhật Quang mà đi, người châu ấy không biết là Vua; đến lúc biết, liền chăng xích sắt ở dòng sông để chặn đường thủy, Vua liền trở về, nhổ vài chục cọc sắt đem về. Vua Thái Tôn đi lần này thật là cuồng bậy, bất quá muốn xem sông núi ở nội địa Tống, cho là người Tống chả làm gì được, chung quy vì sự đi chơi này mà gần bị người Tống làm khốn, thoát được miệng hùm là may đó, có phải là còn huyết khí thiếu niên, chưa được định tính đó chăng? Vua sai chia trong nước làm 12 lộ, đặt ra chức quan An phủ, Trấn phủ, chánh và phó để cai trị. Các xã và xách (xã nhỏ) đặt ra chức Đại hay Tiểu Tư xã (ngũ phẩm trở lên làm chức Đại Tư xã; lục phẩm trở xuống làm Tiểu Tư xã) hoặc là kiêm 3, 4 xã, Xã chánh, Sử giám làm xã quan. Lập sổ hộ: người dân 20 tuổi là đại hoàng nam, 17 tuổi, là tiểu hoàng nam, 60 tuổi là lão. Nhân đinh mà có điền thổ thì phải nộp tiền và thóc (1 hay 2 mẫu phải nộp 1 quan, 3 hoặc 4 mẫu nộp 2 quan, 5 mẫu trở lên nộp 3 quan. Thuế ruộng 1 mẫu phải nộp 100 cân thóc), người không có ruộng thì được miễn hoàn toàn. Theo lệnh nhà Thành Chu: Lấy hạ sĩ hay trung sĩ làm chức Lý tể, Lư tư, bổ quan chuyên chủ chính sự trong làng; đời Hán đặt ra Tam lão, Sắc phu, còn có ý nghĩa cổ; đời sau coi khinh rẻ chức xã trưởng, cho những bọn hèn hạ bỉ ổi ra làm, ra khỏi làng thì bị nhục về roi vọt của quan phủ, về nhà riêng thì bị cường hào lấn át, chính họ cũng tự coi rẻ thân họ, chỉ lần lừa làm kế no bụng, bóc lột dân nghèo, vì thế dân càng khổ thêm, không chỉ một tham quan ô lại làm hại dân mà thôi. Trong năm Cảnh Trị đời Lê có đặt ra xã trưởng, quan Huyện xét công trạng xã trưởng tư lên Bộ. Bộ sẽ kén chọn cho làm quan, coi trọng nhiệm vụ, để cho làm chính sự trong một làng, đó cũng là lương pháp vì dân. Tôi trộm nghĩ nên kén hàng quan đã về hưu mà cho làm xã quan, ủy cho hết thảy công việc giáo hóa dân làng, mà Lý Chính phải lệ thuộc vào xã quan, xét việc làm mà phân biệt, để người ta vui lòng mà làm, Nhiên hậu mong thành hiệu được. Vua phân phái các văn thần nhậm chức các phủ hay lộ. Phủ có chức Tri phủ, châu thì có Tàu Vận sứ. Vua định qui chế quân lính, kén người đinh tráng xung vào các đôi quân: Tứ Thiên, Tứ Khánh, Tứ Thần, Thiên Thuộc, Thiên Cương, Chương Thánh, Củng Thần, Thánh Dực, Thần Sách; cần thừa ra thì sung vào Trạo nhi Đoan đội. Vua ra lệnh định ra quan trong và quan ngoài, 15 năm một lần xét duyệt. (Quan viên nào khuyết thì cho Chánh kiêm chức Phó, Chánh vá Phó đều khuyết thì bổ quan nơi khác đến kiêm, chờ khi mãn năm khảo duyệt, mới bổ vào chưc khuyết ấy). Thời bấy giờ trong nước vô sự, các quan tại chức lâu quá, vị nào ở quán và các 10 năm mới được xuất thân, vị nào ở sảnh và cuộc thì 15 năm. Chức Tể tướng cũng phải kén con cháu tôn thất mà hiền tài mới được làm. Vua xuống chiếu thi ở điện để chọn lấy người danh sĩ. Cho đỗ: Trạng nguyên là Nguyễn Hiền, Bảng nhãn là Lê Văn Hưu, Thám hoa là Đặng Ma Lã, và hạng xuất thân có từng bậc (2 khoa Nhâm Thìn và Kỷ Hợi duy chỉ gọi là Giáp và Ất) lấy đủ tam khôi từ khoa này trước nhất. Vua xuống chiếu khi người thông tam giáo các khoa. (Khoa thi Bính Thìn, lấy đỗ Kinh Trạng nguyên là Trần Quốc Lại, Trại Trạng nguyên là Trương Xán. Chia trấn Thanh và Nghệ gọi là Trại, mới phân biệt ra Kinh và Trại. Lệ chia ra Kinh và Trại này cũng như nhà Thanh chia ra Hán và Mã). Sử thần bàn rằng: Đạo chỉ có một thời, ngoài "nhất trung" ra, không còn đạo gì nữa; cũng như Trương Dung xem chim hồng mà hiểu rằng: "Người Việt gọi là chim Phù, người Sở gọi là chim Ất, về người thì có người Việt người Sở, chứ chim Hồng vẫn là một loài ấy thôi. Nhà Phật tự tôn đạo của mình lên, mới có thuyết 3 người bạn là: Mao Đầu (chứng Già Diệp Bồ tát giáng sinh là Lý Lão Tử), Na Ẩn (chứng Hộ Minh Bồ tát sinh ra Thích Già), ư thị người đời tin tưởng mê hoặc, đặt ra phương pháp mặc và ăn, mong được thành tiên, ăn chay, tụng kinh, mong được thành Phật, xét đến tôn chỉ vẫn trống không; gọi là sa môn và đạo sĩ ăn chay tụng niệm, thì thi để làm trò gì. Vua đắp đê Đỉnh Nhĩ từ ngọn nguồn" sông đến cửa biển để ngăn nươc lớn; đặt ra quan Hà đê sứ, để đốc xuất việc làm đê; đo đạc số điền địa đắp đê bị mất mà tính giả tiền. Bắt đầu có đắp đê từ đây. Lại kén các vị quan ít việc làm chức Hà đê sư, hàng năm cứ đến mùa nghỉ làm ruộng thì đắp đê và đào ngòi, để phòng khi bị nước lụt và đại hạn. Lại bắt trồng cây am la(3) ở thân đê. Vua sai Thuật sĩ đi quan sát khắp núi sông trong nước, nơi nào có vượng khí thì yểm cho mất đi (như là núi Chiêu Bạc, sông Bà Lễ đều bắt thợ đục và đào cho sai hình đi). Thế tục truyền rằng: Cao Vương (Biền) xem xét mạch sông núi nơi nào là đại địa, đều có đặt thành bài ca, hoặc là nói chỗ đất này đã lập chùa, đắp đường, đào giếng và chôn sắt để yểm đi rồi, ý giả đều là Thủ Độ làm cả, mà đổ cho Cao Vương, để làm cho thuật của mình là thần kỳ đó thôi. Vua xuống chiếu bắt: trong nước gọi là quốc gia, đổi Đô, Vệ, Phủ gọi là Tam ty viện (Phụng tuyên viện, Thanh túc viện, Hiến chính viện). Vua biết lấy bài minh cho Hoàng tử, để dạy cho biết: trung hiếu, hòa tốn, ôn lương, cung kiệm. Con An Sinh Vương là Quốc Tuấn đoạt hôn, (bắt cô dâu sắp cưới để chiếm đoạt). Thiên Thành Công chúa được hứa gả cho Trung Thành Vương, định đến ngày vọng tháng ấy làm lễ hợp cẩn, Vua cho mở hội, bày các đồ vật đưa dâu. Khi bấy giờ Công chúa đã đến ở nhà Nhân Đạo Vương (cha Trung Thành Vương), Quốc Tuấn mê về sắc đẹp, muốn đoạt lấy, đương đêm lẻn vào nơi Công chúa ở mà thông gian. Thụy Bà Công chúa (cô Quốc Tuấn và nuôi Quốc Tuấn làm con) biết chuyện ấy, sợ có tai họa, lập tức đến gõ cửa vua tâu vua biết, và Nhân Đạo Vương bắt giữ Quốc Tuấn rồi, xin vua thương cho. Vua sai người đến nhà Nhân Đạo Vương không thấy động tĩnh gì, vào buồng nằm của Công chúa, thì thấy Quốc Tuấn ở đó. Nhân Đạo Vương bấy giờ mới biết. Thụy Bà công chúa xin đem 10 mâm vàng làm lễ cưới, vua bất đắc dĩ phải gả cho Quốc Tuấn mà đem 2.000 khoảnh ruộng ở Ứng Thiên(4) trả lại lễ cưới của Trung Thành Vương. Điều này thật là lỗi ở Quốc Tuấn thiếu niên khinh bạc, nhưng cũng do gia phong bất chính của nhà Trần, ai ai cũng thế cả, nên không biết dâm loạn là đáng hổ thẹn nữa. Vua ban yến cho quần thần, khi rượu say đều đứng lên giang tay nhau mà hát; quan Ngự sử Trần Chu Phổ cũng giang tay nhưng không hát câu gì khác, duy chỉ nói rằng; "Sử thần hát" thế thôi, đến sau yến tiệc, có người đeo cái mo gõ vào đó để làm tửu lệnh, làm như thế càng thô bỉ lắm. Nước Chiêm Thành đưa thuyền đến cướp biên giới, sai sứ đến nói cầu xin lại những đất đã dâng trước, vua giận lắm, chính thân đi đánh, bắt được Vương phi nước ấy là Bố Gia La, rồi trở về. Vua lập ra Viện Quốc học, tô tượng Chu Công, Khổng Tử, Mạnh Tử để thờ phụng. Vua xuống chiếu cho nhân sĩ trong nước đến việc ấy giảng sách ngũ kinh, tứ thư. Vua lập ra nhà học, tôn chuộng nghề văn, dựng lên ngôi nhà, giảng tập việc võ, cả văn và võ có vẻ rực rỡ lắm, cho nên có các ông Hán Siêu, Trung Ngạn, Nhật Duật, Ngũ Lão nối nhau xuất hiện, Văn Trinh và Hưng Đạo là bậc danh nho, danh tướng lừng lẫy thời bấy giờ, là kết quả của sự tôn chuộng văn võ đó. Vua định ra thể lệ các phục sức, xe ngựa và người theo hầu của các quan văn võ, chia ra từng bậc, (Tôn thất được đi kiệu đầu phượng, sơn đỏ, lọng tía; quan tam phẩm trở xuống đi kiệu Vân đầu, lọng xanh; quan lục phẩm trở xuống thì lọng đen. Người theo hầu nhiều lắm là một nghìn người, ít là một trăm người. Lọng tía thì 4 cái, lọng xanh thì 2, lọng đen thì 1). Vua ra lệnh bán quan điền, cày 1 mẫu thì nộp 5 quan tiền. Vua nằm mộng ra đi chơi, thấy vị thần chỉ một người mà nói: "Người này làm chức Hành khiển được", đến khi ra đi chơi ở ngoài hoành thành, thấy người con trai, mặt mũi, hình dáng rất giống người ở trong giấc mộng, Vua triệu lại hỏi, trả lời đúng như các lời trong giấc mộng. Theo lệ xưa: chức Hành khiển duy chỉ dùng người hầu gần vua làm thôi (theo việc triều Lý dùng Lý Thường Kiệt) Vua mới cho làm chức ấy mà ngại khó, liền cho người ấy 400 quan tiền để tự thiến mình, và cho tên là Phạm Ứng Mộng. Hoàng tử là Nhật Duật mới sinh. Xưa kia đạo sĩ cầu tự cho Vua, khi lạy dâng sớ xong nói rằng: "Thượng đế đã cho Chiêu Văn giáng sinh ở trần 4 kỷ", quả nhiên sinh được con trai, trên lưng có chữ "Chiêu Văn" nhân lấy chữ ấy đặt tên; đến năm 40 tuổi, bị đau, con ông Nhật Duật đặt đàn chay cầu đảo, đạo sĩ lạy dâng sớ xong, nói rằng: Thượng đế cười nói; "Làm gì mà quyến luyến trần tục ở lâu thế? Nhưng vì con có hiếu mà thành, lại cho thêm 2 kỷ nữa". Cho nên Nhật Duật hưởng thị được 77 tuổi. Sử thần bàn rằng: Việc kỳ quái gì cũng có thể có được, nhưng là vì tinh thần gây nên, hoặc giả ở trong khoảng hình như có và không, chứ trời có nói gì đâu. Đạo sĩ bởi đâu mà được có lời truyền dạy rõ ràng thế? Xưa kia nhà Chu có mộng xin 9 tuổi, mà cho 3, chép ở Lễ Ký, thế nho còn cho là vị tất đã có; huống chi con Nhật Duật đâu có được lòng thành cảm thấu trời như vua Văn Vương? Chả qua là nhà Trần tin chuộng quỉ thần, nên vin theo lời hoảng hốt mà phụ hội thêm vào, cho ra thần dị đó thôi. Doãn đưa cả gia quyến chạy sang Tống, (Doãn là con An Sinh Vương), Thổ quan là Hoàng Bính bắt trả về cho nước ta, bởi thế mà quan ải càng thêm nghiêm mật, Bính nhân thế đưa gia quyến đến cửa khuyết dâng người con gái, Vua nhận lấy. Nước Mông Cổ ngày mạnh dần, Bính là vị quan giữ đất cho nhà Tống, biết nhà Tống sắp mất nước, nên đưa gia quyến về với ta, để tránh nạn giặc Hồ, rồi giặc Hồ lại xâm lấn nước Nam, Bính vẫn không tránh thoát. Ích Tắc, Lê Xí cũng cho là nhà Trần tất mất nước, mới đem cả gia quyến đầu hàng quân Nguyên, mong được phú quí, thế mà Trần không hề mất nước, chỉ bọn đó chịu sự nhục đầu hàng giặc. Làm bầy tôi mà phản bội nước nhà có ích gì đâu. Lũ ấy không đáng nói đến, nhưng cũng chép lên đây, để răn bảo những bọn thần tử mà có nhị tâm. Quân Mông Cổ đến xâm lấn nước ta. (Khi trước Hà Khuất chủ trại Quy Hóa cho trạm chạy tâu rằng "Có sứ Mông Cổ đến", Vua xuống chiếu sắm sửa binh khí, đem cả quân thủy và bộ ra chống giữ biên giới, trao quyền tiết chế cho Quốc Tuấn), Vua tự làm tướng ra chống giữ, đóng quân ở Sông Lô, tướng Mông Cổ là Ngột Lương Hợp Thai sai người đến dụ Vua đầu hàng, 3 lần đến, Vua đều bắt giam cả, ra lệnh chư tướng đưa nhiều quân ra chờ lệnh, quân giặc đến sông Thao, vua tự đốc chiến, quan quân phải lui, duy có Lê Phụ Trần một ngựa ra vào trong trận giặc, sắc mặt vẫn thản nhiên. Lúc ấy có người khuyên vua đóng quân ở lại để cự chiến. Phụ Trần nói: "bệ hạ hãy làm như đánh tiếng bạc cuối cùng, hãy tạm lánh đi, tôi xin chận hậu". Quân giặc bắn loạn, Phụ Trần lấy ván thuyền che cho vua, được khỏi nạn, lui về giữ ở sông Thiên Mạc, theo Vua bàn việc cơ mật, Vua ngự ở thuyền nhỏ, triệu Nhật Kiểu để vấn kế, Nhật Kiểu lấy ngón tay thấm nước viết 2 chữ "Nhập Tống" vào mạn thuyền. Thủ Độ nói: "Đầu tôi chưa đến đất, Bệ hạ không phiền phải nghĩ gì khác cả", vua liền cùng Thái tử ngự lâu thuyền, tiến lên Đông Bộ Đầu, đánh nhau với quân Mông Cổ phải trốn về, đến Quy Hoá, trại chủ là Hà Bổng lại tập kích phá tan quân giặc. Khi ấy Mông Cổ mới lấy được Vân Nam, quân du kích kéo sang không chủ bụng đánh, nên bấy giờ gọi là Phật tặc. Giặc rút lui hết, Vua về kinh đô, bách quan vẫn yên như cũ, xét định công ban thưởng, cho Phụ Trần làm chúc Ngự sử Đại phu, gả bà Hoàng hậu cũ là Chiêu Hoàng cho ông, và nói rằng: "Trẫm không được khanh thì đâu có ngày nay, nên cố gắng, mong sao được thành công". Xưa kia Vua cho tả hữu ăn quả am la, không cho Hoàng Cự Đà, đến khi đánh nhau với quân Nguyên ở Đông Bộ Đầu, Cự Đà đi thuyền trốn trước, đi đến Hoàng Giang, gặp Thái tử, Cự Đà tránh mặt, quan quân gọi y lại hỏi: "Quân Nguyên đâu"?. Cự Đà nói: Không biết, cứ hỏi người ăn quả am la thì biết". Thái tử đem việc ấy tâu lên Vua, xin giết đi, để răn bảo kẻ bất trung. Vua nói: Xưa có Dương Châu không được dự ăn thịt dê, đến nỗi thua về quân Trịnh, tội Cự Đà là lỗi ta, tha chết cho y theo đi đánh giặc để chuộc tội". Sử thần bàn rằng: Lời can gián của Phụ Trần thật là trung, chận hậu quân ở sông Lô thật có công, lấy quan tước mà đền công và lòng trung thành ấy là được rồi; sao lại làm nhục bà Hậu cũ mà gả cho Phụ Trần. Xưa Hầu Cảnh đem vợ Thái tử gả cho tướng Quách Nguyên Kiến, Kiến từ chối rằng: "Đâu có Quí phi lại giáng làm vợ người thường", rồi không chịu trông mặt bà phi ấy. Phụ Trần nhận sự gả ấy, lại không bằng tên nghịch tặc còn có lương tâm. Ở nước Ngô có người đưa cỏ bồ nát hỏi vợ, người vợ giận mà chết, không chịu nhục; nay bà Chiêu Thánh vui thích sự gả đó, lại không được bằng người đàn bà thường dân còn có liêm sĩ. Ôi! Dâm phong của nhà Trần tập nhiễm đã quen; bà Thiên Cực là Thái hậu mà lấy người bầy tôi, bà Thuận Thiên là chị dâu mà lấy em chồng, cho nên bây giờ bà Chiêu Thánh cũng là Hoàng hậu mà lấy người bầy tôi làm chồng, Phụ Trần là bầy tôi mà lấy bà Hậu làm vợ, mẹ ấy con ấy, chị ấy em ấy, vợ ấy chồng ấy, vua ấy tôi ấy, thật không bằng cầm thú. Sứ thần Mông Cổ đến đòi lễ cống hàng năm, vua sai Phụ Trần di sang Tầu định lệ 3 năm một lần cống. Vua truyền ngôi cho Thái tử Hoảng, lui về ở Bắc Cung, Thái tử lên ngôi vua, đổi niên hiệu là Thiệu Long lấy con gái An Sinh Vương tên là Thiều làm Hoàng hậu. Lời bàn: Mấy năm đầu vua Thái Tôn có tính tà dâm, đều do Thủ Độ xui bảo cả; đến mấy năm sau để ý học vấn, tấn tới được nhiều, lại càng nghiên cứu điển cố trong kinh sách, có làm ra sách "Khóa Hư lục" mến cảnh sơn lâm, coi sinh tử như nhau, tuy ý hơi giống đạo Phật không hư, nhưng mà ý chí thì khoáng đạt, sâu xa cho nên bỏ ngôi báu coi như trút giầy rách thôi. ____________________ 1) Tên hiệu là Huệ Tôn khi đã xuất gia. 2) Trước làm Hoàng hậu, sau lấy Trần Thủ Độ được phong là Linh từ Quốc mẫu. 3) Không biết tiếng Việt tên là gì, chỉ biết trồng cây ấy ở hai bên thân đê để giữ cho đê khỏi bị lở. 4) Nay là huyện Ứng Hòa, tỉnh Hà Tây.