Tên là Chiếu, con thứ tư vua Anh Tôn, ở ngôi vua 15 năm, tốn vị 28 năm, hưởng thọ 85 tuổi. Vua biết sửa sang chính trị tiến đến văn minh, làm sáng tỏ công nghiệp của tiền nhân; có lòng trung hậu, mở đường lối cho con cháu theo; duy chỉ tiếc rằng không xét rõ sự gian của Khắc Chung đến nỗi Quốc Chân phải chết, đó là kém sáng suốt.
Niên hiệu Đại Khánh thứ hai, Vua xuống chiếu: "Cha con, chồng vợ và gia nô không được thưa
kiện lẫn nhau".
Đế nhà Hán có điều luật trong người họ (5 bậc để tang) phải dung thứ, che chở lẫn nhau, đời vua Thái Tôn nhà Đường có lệ cấm các gia nô cáo giác chủ nhà; vì đó có quan hệ đến luân thường, làm cho phong hóa được thuần hậu. Vua Minh Tôn vốn là người ở hậu với họ hàng, người dưới có trùng tên với người tôn trưởng, tất phải cải tên đi; ngày giỗ các bà cô, ông chú đều có cái thiếp nhỏ kê ra để giao cho Hoàng tử, suy lòng tốt ấy ra, nên mới có lời chiếu này. Nhưng mà Quốc Chân là họ nhà vua, vì có tên gia nô Trần Phẫu tố cáo mà bị giam vào ngục, điều này thì còn dạy dân sao được?
Nguyên sử chép: Năm ấy quân nước ta đến châu Trấn Yên, lấp sang 2 châu Quy Thuận và Dưỡng Lợi; nói đổ rằng Tri châu là Triệu Giác bắt người buôn nước ta lấy một khối vàng, xâm lấn một nghìn khoảnh đất, cho nên đến để báo thù, sứ giả nhà Nguyên là Lưu Nguyên Hanh xét hỏi việc này, đưa điệp dụ nước ta, đại lược nói: "Hán đặt ra 9 quận, Đường lập ra 5 quận, An Nam thuộc vào trong số ấy, đã dâng bản đồ sang và cống, phận trên dưới đã rõ ràng, hai bên đi lại vẫn có ân huệ, làm sao lại không yên phận, mở đầu sự xâm lược đất đai, tuy việc xâm lược này là nhỏ, nhưng có y mưu toan lớn lắm. Ai bày ra mưu này, ai chủ trương việc này, nên xét rõ người ấy, đem đến mà trừng phạt ngay ở nơi đất này". Nước ta phúc điệp nói: "Lũ chuột ở biên giới tự chúng gây nên lên việc không hay này. Bản quốc biết sao được?". Việc đó đến triều đình Nguyên, vua Nguyên xuống chỉ phải chờ sứ thần An Nam đến sẽ hiểu bảo. Đó là việc lớn thuộc về bờ cõi, mà không thấy trong sử chép, có lẽ nhà làm sử bỏ sót, vậy biên chép lên đây để biết rõ ý của nhà Nguyên cốt muốn yên không muốn động đến binh đao.
Đài quan dâng sớ nói: Trần Khắc Chung làm tướng không làm cho âm dương điều hòa, đến nỗi có nước lụt và đại hạn. Không làm được công trạng gì, xin bãi chức Khắc Chung. Khắc Chung nói: "Tôi làm chức quan gần Vua, chỉ biết làm điều gì đáng làm, còn như đại hạn thì nên hỏi long vương, qui cữu cho tôi thế nào được?". Sau nước sông lên to, Vua thân đi sửa trị đệ, Đài quan nói rằng: "Bệ hạ nên sửa sang đức chính". Khắc Chung nói: "Dân đương bị nạn nước lụt, việc cứu chữa cần cấp lắm, còn có đức chính nào lớn hơn việc ấy nữa. Tất phải ngồi yên định thần mới gọi là tu đức chăng?".
Lời bàn: "Quan Tể tướng đỗ lỗi cho Long vương, Đài quan chê trách việc nhỏ nhặt; hai bên đều có lỗi cả. Xưa kia Bính Cát hỏi việc con trâu ho, mới nghe thì là viển vông, nhưng còn biết trọng chức vụ của mình. Nay Khắc Chung đỗ lỗi cho Long vương, vậy thì chức vụ của y là gì? Còn dùng y để làm gì nữa.
Nguyễn Bính là một người thanh liêm, thẳng thắn, khi đi sứ Nguyên trở về, không mua một vật gì; đến lúc ấy đi Nghệ An làm sổ đinh dân, khi về triều, đem bao nhiêu tiền bổng thu được tiến nộp lên, Vua sai thu nhận, nói rằng: "Để tỏ ra Bính không gian dối". Lại có Phí Trực là người sáng suốt, lúc bấy giờ ở Thiên Trường có trộm cướp nổi lên như ong, tên Văn Khánh làm đầu đảng, có kẻ nhận là bắt được, giải lên quan, tra hỏi đều thú nhận, ai cũng cho là thật, duy có Trực hỏi vặn mãi, việc án ấy lâu không xử được. Thượng hoàng nói: "Nó đã thừa nhận rồi, còn nghi gì nữa?". Trực tâu: "Không bị roi vọt tra khảo mà tự nhiên nó thú nhận, thần nghi lắm". Độ một tháng sau, quả nhiên bắt được tên Văn Khánh thật, từ đây Thượng hoàng khen Trực là giỏi.
Thượng hoàng mất, Thượng hoàng có tính khiêm tốn, yêu mến người cùng họ; phụng thờ vua Nhân Tôn rất kính cẩn, năm trước ham uống rượu, vua Nhân Tôn răn bảo, thì tuyệt không uống nữa. Ban quan tước cho nhiều người, vua Nhân Tôn nói: "Có một nước bằng bàn tay, sao quan triều nhiều đến thế"; từ đấy trở đi rất tiếc tước phẩm. Khi vua Nhân Tôn mất, bà Tuyên Từ Thái hậu còn sống, dặn Thượng hoàng rằng: "Ngày sau sẽ coi là dì mà phụ táng ở bên lăng, có vẽ địa đồ về huyệt táng mà trao tay Thượng hoàng, đến khi Thái hậu mất, Thượng hoàng theo di mệnh phụ táng ở Đức Lăng, bách quan tâu: "Lăng tẩm không nên động nào". Thượng hoàng nói: "Mệnh của tiên đế, ta không dám trái; nếu có sự gì bất lợi thì ta tự nhận cả". Đến mấy năm nay, lại càng cẩn thận việc hình án, có kẻ gia nô nhà quan là Hoàng Hộc bị người làng kiện, dùng kế gian xảo được khỏi tội. Thượng hoàng biết việc ấy, bảo vị Hình quan rằng: "Người giỏi xét án phải dùng cả tình và lý; tình ngay lý gian, không nên lấy lý mà bỏ tình, đã biết tình ngay hay gian rồi, lại còn phải xét đến lý ngay hay gian nữa, thì gian trạng sẽ bày ra. Tên Hộc gian và còn kiệt hiệt, được tránh khỏi hình phạt, đó là quan không làm hết chức vụ". Sau khi tốn vị, vẫn còn tự xét xử mọi việc, lúc nhàn hạ thì lưu tâm sách vở, có làm ra bài tập "Thủy Vân tùy bút", đến khi mất sai đốt hết đi.
Gốc thiên hạ ở tại gia đình, có dạy bảo được gia đình, nhiên hậu mới dạy được người trong nước. Kinh Thư khen vua Nghiêu trong nước được thái bình thịnh trị, tất do thân mến cửu tộc làm đầu; Kinh Thi khen vua Văn Vương được hiệu quả trị gia bang, tất phải làm khuôn phép cho vợ trong nhà trước đã. Xem như vua Anh Tôn thờ cha mẹ kính cẩn, xử với họ hàng hòa thuận, vua Nhân Tôn khen là có hiếu, vua Minh Tôn noi theo nếp ấy, trong nước được văn minh thịnh trị, dân được giàu có, thuần hậu; đó chả phải là gốc bởi tu thân tề gia là gì?.
Gia pháp nhà Trần rất nghiêm về danh phận trên dưới, Hoàng phi Huy Tư là vợ vua Anh Tôn và mẹ Minh Tôn; đương thời vua Anh Tôn, cái kiệu của Hoàng phi đi là của Bảo Từ Hoàng hậu ban cho, vua Anh Tôn cho là không phải phép chưa đáng được đi, không cho dùng. Đến lúc tử cung của vua Anh Tôn từ Thiên Trường đưa đi, thuyền của Bảo Từ Thái hậu có 8 thuyền kéo dây dắt, thuyền của Huy Tư Hoàng phi có 2 thuyền dắt, có kẻ chiều ý lấy thêm dây buộc vào thuyền Hoàng phi Trần Hựu nói: "Thuyền của Thái hậu có 8 thuyền kéo dây là đúng phép tắc, phận kẻ trên người dưới rõ ràng lắm, sao còn được thêm dây kéo vào thuyền của Hoàng phi?", nói rồi rút gươm cắt dây kéo thuyền của Hoàng phi, thế mà Hoàng phi không giận, vua Minh Tôn lại còn khen, khuyến khích người có khí tiết như thế, lo gì không có bầy tôi trung thực.
Thượng tướng là Phạm Ngũ Lão mất. Khi Ngũ Lão mới ngoài 20 tuổi, Hưng Đạo trông thấy làm lạ, gả con gái nuôi cho. Ông xuất thân trong hàng ngũ, mà hình như không lưu ý vào nghề võ lắm,nhưng trị quân rất có kỷ luật, đối đãi với tướng hiệu như người trong nhà, nên các đạo quân của ông tất là quân lính thân nhau như cha con, đánh đâu cũng thắng; ông lại thích ngâm thơ, có câu rằng:
"Hoành sáo giang sơn cáp kỷ thu (hay châu),
"Tam quân tỳ hổ khí thôn ngưu;
"Nam nhi vị liễu công danh trái,
"Ta thích nhân gian thuyết Võ Hầu".
Ông người làng Phù Ủng, huyện Đường Hào, vị là danh tướng đời bấy giờ, khi mất đã 66 tuổi, chỗ nhà ông ở nay làm đền thờ, có liệt vào hàng quốc tế. (Danh tướng đời Trần như Hưng Đạo có bài hịch, Ngũ Lão thích làm thơ, không phải chuyên về võ mà thôi đâu).
Con gái Ngũ Lão là thứ phi vua Anh Tôn, khi Anh Tôn mất, về chùa Đăng Bảo Sơn, làng Phù Ủng, than rằng: "Chùa này do Tiên quân lập ra, làm nhà ở nơi đây có thể ở để thờ phụng Tiên quân, toàn cả trung và hiếu là ý nguyện của tôi", liền sửa lại chùa mà đến ở đó.
Bầy tôi nhà Trần có Đặng Tảo, Lê Chung người thì bưng cái hồ ở trong cung cấm, người thì xách cái túi ở trong dinh trại, chức quan còn nhỏ chưa được ngôi cao sang như Tam Công, giàu có đến vạn chung, duy được có vinh hạnh tri kỷ, chỉ một mình biết thôi; cho nên có tấm lòng nhớ mến vua, đến ở nơi lăng tẩm mà thờ phụng, để báo ơn tri ngộ đến trọn đời cũng là một cách tỏ lòng trung với vua, cũng đáng khen.
Đời bấy giờ các quan trong triều như là: Trần Thời Kiến, Đoàn Nhữ Hài, Độ Thiên Lư, Mạc Đĩnh Chi (Vua biết Đĩnh Chi là người liêm khiết, sai người đem 10 vạn quan tiền để trong cửa nhà ông, Đĩnh Chi đem việc đó tâu Vua biết, Vua nói: "Không ai nhận tiền ấy, thì cho khanh lấy mà chi dùng"), Nguyễn Dũ, Phạm Mại, Phạm Ngộ (2 ông này họ Chúc, Vua lấy cớ họ Chúc không phải là phong tộc, cho đổi là họ Phạm. Các ông này làm quan có phong độ, ngạnh trực dám nói thẳng, có phong độ đại thần). Nguyễn Trung Ngạn (nguyên tên là Cốt, vua Anh Tôn cho đổi tên là Trung Ngạn), Lê Quát, Phạm Sư Mạnh, Lê Duy (người làng Cổ Đinh, huyện An Khang), Lê Cư Nhàn, là lúc nhân tài thịnh nhất hơn triều các vua khác. (Thời bấy giờ sứ giả nhà Nguyên là Ô Hợp Mưu đến báo vua Nguyên mới lên ngôi, cưỡi ngựa đi đến tận cầu Tây Thấu mà không xuống ngựa, người bạn tiếp tranh biện không được; Vua sai Trung Ngạn ra đón, lấy lý mà biện chiết, Hợp Mưu lập tức xuống ngựa đi bộ).
Trần Bang Cẩn làm quan Đại Hành khiển, là người nho nhã có thao thủ, giản dị, trầm tĩnh không lòe loẹt, Vua cho bài thơ vào bức tượng vẽ của ông rằng:
"Hình dung cốt cách nại đông hàn.
Tướng mạo đường đường riệc khả khan,
"Phong lưu nhất đoạn hồn miêu tận,
Tân lỳ nan miêu cảnh cảnh đan"(1)
Niên hiệu Khai Thái thứ nhất, Vua đúc tiền kẽm rồi lại cấm liền.
Cải chức Hành khiển làm chức Môn Hạ sảnh, chức Nội thư Hỏa cục vẫn theo cũ gọi là Nội Mật viện.
Nguyễn Trung Ngạn làm chức Tri Thánh Từ Cung sự, tính ông sơ lược, bấy giờ có Bảo Võ Vương được ban áo đen ở vào hàng Thượng vị hầu, Trung Ngạn lại để vào hàng áo tía. Vua thương người có tài, việc ông làm đó chỉ là lầm lẫn, nên cho ra làm chức An Phủ sứ Thanh Hóa. Ông có bài thơ tự phụ rằng:
"Giới hiên tiên sinh lang miếu khí,
"Diện linh dĩ hữu thôn ngưu chí,
"Niên phương thập nhị Thái Học sinh,
"Tài đăng thập lục xung Đình Thí.
"Nhị thập hữu từ nhập gián quan.
"Nhị thập hữu lục Yên Kinh sứ"(2)
Người ta bàn tán là khoe khoang. Sau ông vào làm quan trong triều chính cũng giữ được tiếng tốt trọn đời.
Trương Hán Siêu làm quan Hành khiển, hạch Phạm Ngộ làm hình quan mà nhận hối lộ, Vua sai khám xét ra sự thật. Hán Siêu nói tư với người rằng: "Tôi ở trong triều chính, được Vua tin, nên phải nói, biết đâu còn có khám xét nữa", Vua biết, nói: "Hành khiển là quan ở Sảnh (Hành chính), Thẩm hình là quan ở Viện (tư pháp) đều do ta ủy nhiệm, có đâu lại tin người này mà nghi người kia. Đến khi khám xét, thì Hán Siêu bị lý khuất, bị phạt 300 quan tiền, thăng Ngộ lên chức Tham tri, ngang hàng với Hán Siêu.
Giết quan Thượng tể là Quốc Chân, khi ấy tuổi Vua đã cao, mà chưa định người nào để nối ngôi, Quốc Chân tự cho mình là cố mệnh đại thần (mệnh Vua trước để lại), và là cha bà Hoàng hậu, nhất quyết phải đợi Hoàng hậu sinh ra con cả rồi hãy lập; Văn Hiến muốn lật đổ Hoàng hậu mà lập Hoàng tử Vượng, mới đem vàng hối lộ Trần Phẫu là gia thần Quốc Chân, bảo phải vu cáo Quốc Chân mưu phản, Vua lại tin lời, đem việc ấy hỏi Trần Khắc Chung: Khắc Chung là đồ đảng với Văn Hiến, và cùng mẹ Hoàng tử Vượng đều là người ở Giáp Sơn, liền thưa rằng: "Bắt hổ về, tha hổ ra thì khó"; vì thế Quốc Chẩn bị tội, sau vợ cả, vợ lẽ tên Phẫu ghen tuông đem việc Văn Hiến nhận hối lộ tâu lên Vua, cứu xét ra sự thực, xử tên Phẫu phải lăng trì; chưa kịp đem hành hình, thì gia nô của Triệu Võ (là con Quốc Chân), cắt thịt tên Phẫu mà ăn sống gần hết; Văn Hiến bị giáng làm thường dân, tịch thu cả gia sản.
Sử thần bàn rằng: Chưa sinh con cả mà có con thứ đã lớn, lẽ nào lại bỏ trống ngôi Thái tử mà để đợi? Huống chi việc Hoàng hậu sinh con sớm hay muộn, có hay không, chưa biết chắc được, tôn xã là trọng, kể gì con cả với con thứ nữa; lại nữa, đã lấy người nối ngôi rồi, bấy giờ mới sinh con cả, tai mắt thần dân đã quen rồi, có lẽ nào đưa một đứa trẻ mới lọt lòng mà thay giữ quyền giám phủ, thay đổi cả sự ngưỡng vọng của thần dân hay sao? Xưa kia vua Đế Ất tin lời quan Thái sử mà dòng dõi nhà Thương bị mất, những việc đó đủ để làm gương cho đời sau.
Sách lập Hoàng tử Vượng lên làm Thái tử, liền truyền ngôi vua cho, Thái tử Vượng lên ngôi vua, đổi niên hiệu là Khai Hựu.
Các Hoàng tử ngồi hầu, Thượng hoàng bàn đến nhân vật dạy Hoàng tử, chỉ nên lấy người thiện, không nên dùng đến người ác, sợ rằng Hoàng tử bắt chước. Thượng hoàng nói: "Nghe biết điều thiện thì bắt chước, điều ác thì nên tránh. Vậy thì thiện và ác đều là thầy mình cả". Thượng hoàng xuất gia đi tu, thường ăn chay, Văn Bích vốn bài xích đạo Phật, nhân nói rằng ăn chay thì có ích lợi gì. Thượng hoàng nói: "Tổ khảo ta thường ăn chay, nên ta bắt chước, còn lợi ích gì thì không biết đến" Hiệu Khả khen Thượng hoàng hơn vua Anh Tôn, Thượng hoàng đổi sắc mặt mà nói: "Khen người ta mà bảo người đó hơn cha, có thể biết người nói ấy là bất hiếu". Hiệu Khả xấu hổ lạy phục xuống đất.
Thượng hoàng đi tuần thú Đà Giang. Quân Mán Ngưu Hống làm phản, Thượng hoàng định đi thân chinh, Trần Khắc Chung nói "Sông Đà nhiều khí độc, nước chảy mạnh, không lợi cho sự hành quân, Chiêm Thành không chướng khí độc, các triều trước đã có đánh, bắt được chúa nó, nay không gì bằng đưa quân ấy đi đánh nước Chiêm Thành". Thượng hoàng nói: "Giặc quấy nhiễu biên dân, nên cứu gấp ngay, sao lại so sánh tình thế khó với dễ, đương giận người này lại sang giận người kia bao giờ". Khắc Chung cúi rạp xuống tạ lỗi (Thượng hoàng đi đến sông Bạch Hạc, có đống đá ở giữa dòng sông, các thuyền phần nhiều mắc cạn ở đó, cầu đảo vị thần sông ấy. Phụ Võ Đại Vương nói: "Thuyền ngự đi được yên lành, thì sẽ có khen thưởng". Sau nằm mộng vó vị thần nói chưa được phong thưởng gì, liền phong thêm cho 2 chữ).
__________________
1) Hình dung là cốt cách, tướng mạo đẹp, vẻ được hết, duy có trong tâm tốt khó vẽ nổi.
2) Tự kể hành trạng: Khi ít tuổi đã có chí lớn; 12 tuổi là Thái học sinh; 16 tuổi đỗ thi Đình, 24 tuổi đi sứ sang Yên Kinh.