Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> VH Cổ Điển Nước Ngoài >> TÂY SƯƠNG KÝ (MÁI TÂY)

  Cùng một tác giả
Không có truyện nào


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 36377 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

TÂY SƯƠNG KÝ (MÁI TÂY)
Vương Thực Phủ

LỜI PHÊ BÌNH CẢ CHƯƠNG
Tôi đã từng xem văn của người xưa và nay. Có người viết mà viết không đến. Có người viết mà viết đến. Có người viết, mà trước chỗ viết, sau chỗ viết, những chỗ không viết đến đều đến được cả. Viết mà viết không đến thì viết câu nào viết câu nào là không đến câu ấy, dù có viết mười, trăm, nghìn, cho đến vạn câu nữa, cũng là mười, trăm, nghìn, vạn câu không đến cả! Hạng người ấy, thà đừng cầm đến bút còn hơn! Viết mà viết được đến, thì viết một câu là một câu đến; lại viết câu nữa, câu nữa cũng lại đến; rồi có viết mười, trăm, nghìn, vạn câu, thì mười, trăm, nghìn, vạn câu cũng đều đến cả. Như ngài, thực là người biết dùng đến ngòi bút vậy! Đến như viết mà trước chỗ viết, sau chỗ viết, những chỗ không viết đến đều đến được cả, thì người ấy là người lấy lò Cừ làm lòng, lấy thợ Tạo làm tay, lấy Âm Dương làm bút, lấy muôn loài làm mực … Chỗ mà lòng không đến được, bút đã đến rồi. Chỗ mà bút đã đến, lòng bất tất đến nữa, chỗ mà bút đã đến, lòng đã đến rồi. Chỗ mà lòng đã đến, bút bất tất đến nữa. Đọc văn họ, đọc thì vẫn đọc … Song kẻ biết đọc thì đọc rồi là đọc rồi, còn kẻ không biết đọc thì đọc rồi mà thực là chưa đọc! Sao vậy? Vì văn họ là ở sau, ở trước, ở chung quanh câu văn, chứ không phải ở chính câu văn. Cho nên, viết mà viết không đến, ấy tức như bao nhiêu những tập văn hại giấy, phí mực trong đời bây giờ! Viết mà viết đến, ấy tức như những văn Hàn, Liễu, Âu, Vương, Tam Tô mà đời còn truyền lại. Đến như viết mà trước chỗ viết, sau chỗ viết, những chỗ không viết đến, không chỗ nào là chỗ không đến, thì trừ Tả Truyện ra, ta không còn tìm đâu thấy nữa! Văn Tả Truyện, Trang Tử giống được vẻ phóng khoáng; bảy thiên Mạnh Tử giống được vẻ đột ngột; Chiến Quốc Sách giống được vẻ chu đáo; Thái Sử Công giống được vẻ cao kỳ. Như Trang tử, mạnh Tử, Chiến Quốc Sách, Thái Sử Công thôi còn phải nói gì! Tôi chỉ không ngờ Mái Tây là một vở tuồng mà cũng dùng lối văn ấy. Vậy thì người viết Mái Tây thật là lấy Cừ làm lòng, thợ Tạo làm tay, Âm Dương làm làm bút, mà muôn loài làm mực vậy! - Sao thế? Tức như hôm trước cậu Trương thoáng trông thấy người đẹp, thật là như trăng bên phương trời, như hoa trên đầu Phật, muốn lại gần cố nhiên là chẳng được, xong muốn xa ra cũng quyết nhiên là chẳng được nào! Đã quyết nhiên chẳng xa được nào, thì cần phải sao cho gần lại … Thế nhưng cho gần lại, thì phải bắt đầu phải làm thế nào? Suốt đêm không ngủ, suốt đêm suy nghĩ, cậu Trương là một tài tử thông minh rất mực, bỗng dưng đã bàng hoàng tính ra. Cậu cho rằng: Việc thiên hạ, có lúc lựa khớp, có lúc lắp mộng … Lựa khớp là việc đầu, lắp mộng là việc cuối … Câu chuyện ngày nay; chưa tính đến lắp mộng, hãy tính đến lựa khớp đã! Con người đẹp kia, thăm thẳm ở trong biệt thự, cái mộng ấy chưa dễ mà lắp được! Thế nhưng biệt thự ở ngay bên cửa từ bi quảng đại, cái khớp ấy hoạ là có lựa được chăng … Trời sáng rồi chăng? Sao gà vẫn còn chưa gáy! Trống tam canh rồi chăng? Sao trống vẫn còn chửa tan canh! Ta không mong cho lắp mộng, hãy mong lựa khớp đã … Mộng mai sau có lắp nổi chăng? Đó là việc mai sau … Đến như khớp lúc này thì cần phải lựa, cần phải lựa ngay chứ để chậm không xong! Ấy đó là việc ngay lúc này! Ta mong sao cho gà chóng gáy, canh chóng tan, trời chóng sáng, để vào chùa mà hỏi Pháp Thông! - Gà chưa gáy, canh chưa tan, trời chưa sáng, cậu chưa thể vào chùa mà hỏi Pháp Thông, lòng cậu lúc đó rối như mớ bòng bong, ta có thể tưởng mà biết vậy! - Nhưng ví phỏng chốc nữa đây gà gáy rồi, canh tan rồi, trời sáng rồi, ta vào chùa hỏi Pháp Thông mà Pháp Thông chẳng nhận lời, thì ta biết làm thế nào cho được? Cố nhiên một là Pháp Thông nhận lời ta, hai là Pháp Thông chẳng nhận lời ta! Nhận lời ta, là sự tự nhiên, mà chẳng nhận lời ta, cũng là sự tự nhiên hoặc muôn một… Nghĩ lại thì nhận lời hoặc chẳng nhận lời, đều có thể cả … Lại nghĩ lại nhận lời ta, phần đó phần ít, mà không nhận lời ta, phần đó phần nhiều! Lại nghĩ lại nữa thì tất nhiên Pháp Thông không nhận lời ta! - Thôi thế là việc gấp rồi! Lòng chết rồi! Thần hồn tán loạn rồi! Nói năng rối bét rồi! Vào chùa thấy mặt Pháp Thông, liền phát cáu ngay: "Nếu mà thu xếp không xong, thì tôi đây oán sư ông suốt đời!" Nghe câu ấy, Pháp Thông phải sửng sốt cả người! Vì sao? Vì cậu Trương chưa hề nói đến chuyện xin thuê phòng thì Pháp Thông còn chưa biết thu xếp là chuyện gì nữa. Nhưng cậu Trương chưa nói chuyện thuê phòng, mà đã phát cáu nói ra câu "thu xếp không xong" đó, là vì câu đó là câu suốt một đêm miệng hỏi lòng, lòng hỏi miệng đã có hàng trăm, nghìn, muôn lượt, cậu cũng chẳng cần người khác hiểu hay không hiểu nữa! Chỉ có hai câu mở đầu ấy mà vẽ được hết cả thần tình cậu Trương suốt đêm không ngủ, ta đọc thấy như hiển hiện ở trên tờ giấy! Cái hay của cách viết được trước chỗ chưa viết, tài tình là thế! Lối đó chỉ trong tả Truyện là thường có dùng … Than ôi! Câu chuyện văn chương, thông được với tạo hoá! Trong đời này chẳng thiếu gì tay tài tử, tôi biết các bạn ở ngoài nghìn dặm, muôn dặm, tất tưới rượu xuống đất, gọi vọng Thánh Thán mà rằng: Anh nói phải đấy! Anh nói phải đấy! Vậy ngoài nghìn dặm, muôn dặm, Thánh Thán cũng tưới rượu xuống đất, gọi vọng các bạn tài tử mà rằng: Các anh là những người có thể viết được hạng văn suýt soát với vở Mái Tây!
Trở lên là cả một đoạn văn ở trước câu "ví bằng thu xếp không xong" mà tác giả cố ý giấu đi, Thánh Thán xin viết hộ ra đây để tỏ rằng câu "ví bằng thu xếp không xong" thần hiệu đến như thế. Ta thử nghĩ hai câu "ví bằng …", "ví bằng" … chỉ gọn lỏn có mười bốn chữ, mà trong lại chứa một đoạn văn dài như vậy, có lạ tuyệt không?

<< CHƯƠNG II – XIN TRỌ | CHƯƠNG III – HOẠ VẦN >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 181

Return to top