Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Truyện Ngắn >> Gọi đến nếu mình cần tôi

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 570 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Gọi đến nếu mình cần tôi
Raymond Carver

Cả hai chúng tôi có quan hệ với người khác hồi mùa xuân năm đó. Cho đến tháng sáu, lúc bãi trường, chúng tôi quyết định cho người khác thuê lại nhà của mình trong mùa hè, còn chúng tôi sẽ rời Palo Alto đến một vùng quê duyên hải phía bắc California. Con trai chúng tôi, Richard, sẽ về quê của Nancy ở Pasco, tiểu bang Washington. Nó sẽ ở đó qua mùa hè và đi làm để dành dụm tiền chi dụng trên đại học vào mùa thu. Bà ngoại của Richard, biết tình cảnh của chúng tôi, đã chuẩn bị đón nó lên ở. Khá lâu trước đó, bà đã kiếm sẵn cho nó một chỗ làm. Bà nói chuyện với một trại chủ bạn của bà và được hứa dành một chỗ làm cho Richard, công việc sẽ là chất rơm hoặc dựng hàng rào. Việc làm tuy nặng nhọc, nhưng Richard trông mong có được một công việc như vậy. Nó đón xe đò đi vào sáng hôm sau ngày lễ tốt nghiệp trung học. Tôi lái xe đưa nó đến bến, kiếm chỗ đậu xe, rồi vào trong bến ngồi cạnh nó cùng đợi chuyến xe đò đến lượt khởi hành. Mẹ nó đã ôm hôn nó khóc chào tạm biệt và trao cho nó một bức thư dài dặn đem đưa cho bà ngoại. Mẹ nó bây giờ đang ở nhà thu thập cho xong những món hành lý còn sót lại trước khi chúng tôi dọn đi, và trong khi đó chờ cặp vợ chồng thuê nhà đến giao nhà. Tôi mua vé xe đưa cho Richard và chúng tôi ngồi đợi ở một cái ghế băng trong bến. Chúng tôi đã chuyện trò đôi điều trên đường đi đến bến xe.
“Ba má có phải ly dị không?” nó hỏi. Sáng thứ bẩy trên đường xe không đông.
“Nếu giữ được thì chắc là không,” tôi nói. “Ba má không muốn như vậy. Đó là lý do ba má muốn rời khỏi đây và không muốn gặp gỡ ai vào mùa hè. Lý do mà mùa hè này ba má cho thuê lại căn nhà của mình và mướn nhà ở trên Eureka. Cũng là lý do mà con phải đi nữa. Ba nghĩ vậy. Dầu sao cũng là một lý do. Không tính đến việc là con sẽ trở về với túi rủng rỉnh đầy tiền. Ba má không muốn ly dị. Ba má muốn được cùng yên tĩnh ở bên nhau trong mùa hè này và tìm cách giải quyết sự việc.
“Ba vẫn thương má phải không?” nó nói. “Má nói má thương ba.”
“Dĩ nhiên,” tôi nói. “Hiện tại con nên biết như vậy. Ba má có phần khó khăn và gánh nặng của ba má, giống như những người khác, và bây giờ ba má cần thời gian yên tĩnh ở với nhau và giải quyết sự việc. Đừng lo nghĩ gì về ba má. Con cứ lên đó, vui vẻ trong những ngày hè, làm việc chăm chỉ và dành dụm tiền. Cứ coi đó là những ngày nghỉ. Hãy kiếm dịp đi câu cá, trên đó có nhiều chỗ câu cá tốt lắm.”
“Trượt nước nữa,”nó nói. “Con muốn học trượt nước.”
“Ba chưa trượt nước bao giờ,” tôi nói. “Con học giùm ba luôn đi nghen, được không?”
Chúng tôi ngồi ở bến xe. Nó lật sổ lưu niệm còn tôi cầm một tờ báo trên gối. Người ta báo đến lượt chuyến xe của nó, chúng tôi đứng dậy. Tôi ôm nó và nói “Đừng nghĩ đừng lo gì hết. Vé xe con đâu?”
Nó vỗ vào túi áo khoác rồi nhấc va-li lên. Tôi đi theo có đến chỗ người ta sắp hàng trước cổng trạm, rồi ôm nó lần nữa, hôn vào má, và nói tạm biệt.
“Tạm biệt ba,” nó nói, rồi quay đi để giấu những giọt nước mắt.
Tôi lái xe về nhà. Ở nhà những thùng và va-li đã chờ sẵn ở phòng khách. Nancy ngồi trong bếp uống cà-phê với cặp vợ chồng trẻ. Họ là người thuê nhà do Nancy kiếm ra. Tôi gặp cặp này, Jerry và Liz, lần thứ nhất cách đây mấy hôm, họ là sinh viên cao học toán; tuy nhiên, chúng tôi cũng bắt tay chào nhau lần nữa. Nancy rót cho tôi một cốc cà-phê. Chúng tôi ngồi quanh bàn uống cà-phê trong khi Nancy lo ghi cho xong những việc mà mà cặp vợ chồng nọ phải để ý đến hoặc phải làm vào những lúc nhất định trong tháng, đầu tháng hoặc cuối tháng, hoặc những việc đại loại như họ phải gởi thư ở đâu. Khuôn mặt của Nancy căng thẳng. Nắng soi qua bức màn và dọi lên bàn; buổi sáng dần qua.
Cuối cùng mọi việc dường như đâu vào đó, tôi để mặc ba người ở trong bếp ra chất hành lý lên xe. Căn nhà mà chúng tôi sắp dọn đến được bày trí đầy đủ tiện nghi, có đến tận cả bát đĩa và dụng cụ nấu nướng, nên chúng tôi không cần phải đem theo nhiều, chỉ những món cần thiết.
Ba tuần trước, tôi lái xe lên Eureka, một vùng duyên hải phía bắc California, cách Palo Alto 350 dặm về hướng bắc, thuê một căn nhà đủ tiện nghi. Tôi đi với Susan, người đàn bà tôi từng cặp bồ. Chúng tôi ngụ ở một nhà trọ ngoài ven thị trấn hết ba đêm trong lúc tôi dò tìm trên báo và đi gặp các nhân viên địa ốc. Susan nhìn tôi lúc tôi viết tấm chi phiếu trả ba tháng tiền nhà. Sau đó trở về nhà trọ, nằm trên giường, gác tay trên trán, nàng nói, “Em ghen với vợ anh, anh thường nghe người ta nói về ‘người đàn bà khác’ là người vợ đương phối có luôn có đặc ân và thực quyền, nhưng mà em chưa bao giờ hiểu hay quan tâm đến những điều đó. Bây giờ thì em hiểu. Em ghen với chị ấy. Em ghen với việc chị ấy sẽ sống với anh trong ngôi nhà đó mùa hè này. Em ước phải chi là em, phải chi là chúng mình. Ôi, em ước ao làm sao phải chi là chúng mình. Em cảm thấy tủi thân quá,” nàng nói. Tôi vuốt tóc nàng.
Nancy người dong dỏng, chân thuôn, với mái tóc màu hạt dẻ và đôi mắt nâu, và một tấm lòng bao dung. Nhưng rồi về sau chúng tôi càng lúc càng thiếu vắng tấm lòng và sự bao dung. Người đàn ông nàng cặp bồ là một đồng nghiệp của tôi, hắn ly dị vợ, ăn mặc chải chuốt; một gã com-lê-bộ-ba-với-cravat, có mái tóc muối tiêu và là một tên nghiện rượu; vài học trò của tôi kể lại, tay hắn thường run rẩy trong lớp. Hắn và Nancy cuốn vào cuộc tư tình nhân một buổi liên hoan nhằm ngày lễ, không bao lâu sau khi Nancy khám phá cuộc tình riêng của chính tôi. Giờ đây mọi chuyện nghe nhàm chán và nhạt nhẽo―thực sự nhàm chán và nhạt nhẽo―nhưng mùa xuân đó chuyện đã là như vậy, và nó hoang phí hết cả năng lực và sức tập trung của chúng tôi, khiến tất cả mọi việc khác đều sao nhãng. Cuối tháng Tư chúng tôi bắt đầu trù tính sẽ cho thuê lại căn nhà của mình trong mùa hè và dọn tới một nơi khác. Chỉ với hai người chúng tôi thôi, để cố hàn gắn lại như trước, nếu có thể hàn gắn được. Chúng tôi đồng ý với nhau sẽ không liên lạc điện thoại hay thư từ hoặc ngay cả giao tiếp với đối tượng khác. Thế là chúng tôi thu xếp cho Richard, kiếm được một cặp vợ chồng đến trông nhà, còn tôi xem bản đồ rồi từ San Fransico lái xe về hướng bắc tìm đến Eureka. Ở Eureka tôi đến gặp một nhân viên địa ốc, hắn sẵn sàng cho một cặp vợ chồng tuổi trung niên đàng hoàng thuê một căn nhà đầy đủ tiện nghi trong mùa hè. Tôi nghĩ tôi có nói đến cả câu “tuần trăng mật thứ hai” với tay nhân viên địa ốc, Chúa tha thứ cho tôi; trong khi ấy, ngồi trong xe đậu ở bên ngoài Susan đang hút thuốc và đọc những tập quảng cáo du lịch.
Chất xong va-li, túi và thùng vào cốp xe và ghế sau, tôi đợi Nancy, nàng đang đứng trên hiên nhà chào tạm biệt cặp vợ chồng. Nàng bắt tay từng người rồi xoay ra đi tới xe. Tôi vẫy tay chào cặp vợ chồng, họ vẫy lại. Nancy ngồi vào xe rồi đóng cửa. “Đi được rồi,” nàng nói. Tôi sang số và chúng tôi hướng ra xa lộ. Đến một cái đèn đỏ trước khi vào xa lộ chúng tôi thấy một chiếc xe đằng trước đang lách ra khỏi xa lộ kéo theo cái ống khói gãy, kèm theo những tia lửa nháng trên mặt đường. “Xem kìa,” Nancy nói, “Không chừng phát cháy đấy.” Chúng tôi chờ đến khi chiếc xe ấy bẻ lái ra khỏi đường, dừng lại bên lề.
Chúng tôi dừng ở một quán café nhỏ ở cạnh đường xa lộ gần Sepatopol. Ăn và Châm, bảng hiệu viết. Chúng tôi cười về cái bảng hiệu. Đậu xe trước quán café, chúng tôi vào chọn một chiếc bàn gần cửa sổ ở phía trong, rồi gọi cà-phê và săng-uýt. Nancy chấm ngón trỏ xuống bàn và lần ngón tay theo những đường vân gỗ. Tôi mồi thuốc và nhìn ra ngoài. Có cái gì chuyển động nhanh, rồi tôi nhận ra mình đang nhìn một con chim ruồi trong bụi cây bên cửa sổ. Đôi cánh quạt thành một bóng mờ trong khi nó chấm mỏ vào một đoá hoa trong bụi cây.
“Nancy xem kìa,” tôi nói. “Có con chim ruồi.”
Nhưng con chim ruồi lúc này đã bay đi, Nancy trông ra và nói, “Đâu? Em không thấy.”
“Mới vừa ở ngoài ấy cách một phút trước,” tôi nói. “Nhìn xem kìa. Một con khác, anh nghĩ. Một con chim ruồi khác.”
Chúng tôi theo dõi con chim ruồi đến khi người hầu bàn đem thức ăn ra. Con chim thấy động bay đi và mất hút sau quán.
“Đấy là điềm tốt, anh nghĩ,” tôi nói. “Chim ruồi. Người ta nói chim ruồi đem đến may mắn.”
“Em có nghe nói vậy ở đâu đấy,” nàng nói. “Em không biết nghe ở đâu. Ừ ,” nàng nói, “có thể gọi là may mắn được đấy. Anh nói có phải không?”
“Chúng là điềm tốt,” tôi nói. “Anh mừng là chúng ta dừng lại chỗ này.”
Nàng gật đầu. Đợi một lát sau, nàng mới cắn đến miếng bánh săng-uýt.
Chúng tôi đến Eureka vừa trước khi trời tối. Chúng tôi chạy ngang qua cái quán trọ bên đường xa lộ nơi tôi và Susan ở qua ba đêm hồi hai tuần trước, rồi sau đó, tôi tách ra khỏi xa lộ lái theo con đường dẫn lên một ngọn đồi trông xuống thị trấn. Trong túi tôi có chìa khóa của ngôi nhà. Chúng tôi chạy qua ngọn đồi chừng khoảng một dặm đến một ngã tư có trạm sửa xe và cửa hiệu tạp hóa. Phía trước chúng tôi là một thung lũng với những ngọn núi phủ cây xanh và đồng cỏ bao quanh. Vài con bò đang gặm cỏ trên cánh đồng phía sau trạm sửa xe. “Thật là một vùng quê đẹp,” Nancy nói. “Em nôn nóng muốn thấy căn nhà.”
“Sắp đến rồi,” tôi nói. “Nó ở ngay dưới con đường này,” tôi nói, “qua cái dốc kia.” “Đây rồi,” một lát sau tôi nói, rồi lái vào một lối ra của nhà xe dài, với bờ giậu hai bên. “Đến rồi đây. Em thấy nó ra sao?” Tôi hỏi cùng một câu đã hỏi Susan khi trước đây cô ấy và tôi dừng lại trên lối ra của nhà xe.
“Đẹp,” Nancy nói. “Trông được lắm, thật đấy. Xuống xe luôn nhé.”
Chúng tôi đứng lại ở sân trước một lát và nhìn quanh nhà. Rồi chúng tôi bước lên bực tam cấp lên hiên nhà. Tôi mở khóa cửa trước và bật đèn. Chúng tôi đi khắp hết trong nhà. Nhà có hai phòng ngủ, một phòng tắm, một phòng khách với đồ đạc cổ xưa và lò sưởi, và một nhà bếp rộng trông ra thung lũng.
“Em thích không,” tôi nói.
“Thật tuyệt,” Nancy nói. Nàng nhếch môi cười. “Em vui vì anh đã tìm được ngôi nhà như vầy. Em vui vì chúng ta ở đây.” Nàng mở tủ lạnh và lướt ngón tay trên mặt quầy bếp. “Tạ ơn Chúa, trông sạch lắm. Em không phải lau chùi gì nữa.”
“Cả đến những tấm trải giường cũng sạch,” tôi nói. “Anh đã coi lại rồi, cho chắc. Họ cho thuê nhà như vậy đấy. Cả gối và áo gối nữa luôn.”
“Chúng mình phải mua một ít củi,” nàng nói. Chúng tôi đứng trong phòng khách. “Chúng mình cần nhen lò sưởi vào những đêm như vầy.”
“Để mai anh sẽ tìm xem,” tôi nói. “Rồi chúng ta đi mua sắm nữa, và dạo phố.”
Nàng nhìn tôi và nói, “Em vui vì chúng mình ở đây.”
“Anh cũng vậy,” tôi nói. Tôi dang tay, nàng bước đến tôi. Tôi ôm lấy nàng, cảm thấy người nàng run lên. Tôi ngửa mặt nàng và hôn lên hai bên má. “Nancy,” tôi gọi.
“Em vui vì chúng mình ở đây,” nàng nói.
Chúng tôi mất vài hôm thu xếp việc ăn ở, đi vài chuyến đến Eureka để dạo quanh xem những cửa hiệu ở đó, và cũng cuốc bộ băng qua đồng cỏ sau nhà đến tận khu rừng. Chúng tôi mua sắm thực phẩm, và tôi tìm thấy một mẩu quảng cáo bán củi trên báo. Tôi gọi đến. Khoảng một ngày sau hai thanh niên tóc dài lái một chiếc xe pickup chở đầy củi xích-dương đến chất vào dưới chái nhà xe. Tối đó, sau bữa ăn chúng tôi ngồi trước lò sưởi uống cà-phê và bàn chuyện kiếm nuôi một con chó.
“Em không cần một con cún,” Nancy nói. “Loại đó rồi mình phải theo dọn phân hay đồ đạc bị gặm nát. Mình không cần thứ đó. Nhưng em muốn có một con chó, đúng vậy. Đã lâu rồi chúng mình không nuôi chó. Em nghĩ mình có thể nuôi một con ở đây được,” nàng nói.
“Rồi khi mình về, sau khi hết hè?” tôi nói. Tôi diễn lại câu hỏi, “Làm sao giữ một con chó trong thành phố?”
“Để rồi hẵng hay. Còn bây giờ mình hãy đi kiếm một con. Một con coi vừa mắt. Em phải thấy em mới biết mình thích con nào. Chúng mình sẽ xem quảng cáo và mình sẽ đến trại nhốt chó nếu cần.” Nhưng rồi chúng tôi cứ bàn về chuyện nuôi chó đến mấy ngày, và chỉ cho nhau xem những con chó ở trong sân nhà người khác khi lái xe ngang qua, những con chó chúng tôi nói là chúng tôi thích, nhưng rồi chẳng đi đến đâu cả, chúng tôi không hề đi kiếm một con chó.
Nancy gọi điện đến mẹ nàng. Cho bà số điện thoại và địa chỉ của chúng tôi. Richard đang đi làm và có vẻ vui vẻ, mẹ nàng nói. Bà cũng khoẻ mạnh. Tôi nghe Nancy nói, “Tụi con cũng tốt, thật là liều thuốc tốt.”
Một hôm vào khoảng giữa tháng Bảy, chúng tôi lái xe theo xa lộ gần biển rồi chạy qua một cái dốc đến xem những đầm nước mặn bị ngăn cách với biển bởi những doi cát. Ở đó có vài người đứng bên bờ câu cá, có hai chiếc thuyền câu ở ngoài đầm.
Tôi ngừng xe bên vệ đường, “Chúng mình xem thử họ câu gì,” tôi nói. “Có thể mình sẽ kiếm đồ nghề rồi đi câu.”
“Chúng mình đã nhiều năm rồi không đi câu,” Nancy nói. “Kể từ hồi Richard còn bé, lúc mình đi cắm trại gần núi Shasta. Anh còn nhớ không?”
“Anh nhớ chứ,” tôi nói. “Anh cũng nhận ra là anh nhớ thú đi câu. Chúng mình xuống xem họ câu được cái gì?”
“Cá hương,” người đàn ông nói. “Giống ức đỏ, và giống cầu vồng. Có cả giống đầu sắt và một ít cá hồi. Mùa đông những doi đất kia hở ra tụi nó bơi vào, tới mùa xuân những doi đất đó bít lại, tụi nó bị kẹt. Lúc này là lúc tốt nhất trong năm để bắt chúng. Bữa nay tôi chưa bắt được con nào nhưng chủ nhật vừa rồi tôi bắt được bốn con, dài khoảng 15 lóng tay. Cá ở đây ngon nhất thế giới, và cắn câu chúng quẫy dữ lắm. Mấy cha ở trên thuyền bữa nay bắt được vài con, nhưng tôi chưa kiếm được gì.”
“Bác dùng mồi gì vậy?” Nancy hỏi.
“Dùng gì cũng được,” người đàn ông nói. “Trùn, trứng cá, bắp hột. Cứ quăng câu ra rồi để nó chìm xuống đáy. Thả chùng dây một tí và canh chừng dây câu.”
Chúng tôi nấn ná thêm một lúc lâu nữa, xem gã câu cá và xem mấy chiếc thuyền con xành xạch lượn tới lượn lui dài theo cái đầm.
“Cám ơn,” tôi nói với người đàn ông. “Chúc bác may mắn.”
“Chúc ông may mắn,” hắn nói. “Chúc cả hai ông bà may mắn.”
Trên đường về chúng tôi ghé một hiệu bán hàng thể thao mua giấy phép câu cá, vài cái cần câu rẻ tiền và trục quay, cước, lưỡi câu, dây móc lưỡi câu, chì, và một giỏ nhốt cá. Chúng tôi định đi câu sáng hôm sau.
Nhưng tôi hôm đó, sau khi chúng tôi ăn xong rồi dọn rửa bát đĩa, và tôi đi nhóm lửa trong lò sưởi, Nancy lắc đầu và nói là không đi đến đâu cả.
“Sao em nói vậy?” Tôi hỏi. “Em nói vậy nghĩa là sao?”
“Ý em nói là sẽ không đi đến đâu hết, hãy đối mặt với sự thật.” Nàng lại lắc đầu lần nữa. “Em cũng không muốn đi câu sáng mai đâu, em cũng không cần một con chó. Không, không cần đến chó. Em muốn lên thăm mẹ và Richard. Một mình. Em muốn ở một mình thôi. Em nhớ Richard.” Nàng nói và cất tiếng thổn thức. “Richard con tôi, Richard bé bỏng,” nàng nói, “nó sắp lớn và xa em rồi. Em nhớ nó.”
“Và Del, em cũng nhớ Del Shraeder chớ?” Tôi nói. “Bạn trai của em, em nhớ hắn chớ?”
“Tối nay em nhớ đến mọi người,” nàng nói. “Em cũng nhớ đến anh nữa. Anh nhớ đến anh đã lâu lắm rồi. Em nhớ anh quá mà em lại mất anh, em không thể giải thích được. Em đã mất anh. Anh không còn là của em nữa.”
“Nancy,” tôi nói.
“Không, không,” nàng nói. Nàng lắc đầu. Nàng ngồi trên chiếc sofa đặt trước lò suởi và không ngừng lắc đầu. “Em muốn ngày mai đáp chuyến bay lên thăm mẹ và Richard. Em đi rồi anh có thể gọi bạn gái của anh.”
“Anh sẽ không làm như vậy,” tôi nói. “Anh không có ý định làm như vậy.”
“Anh sẽ gọi cô ấy,” nàng nói.
“Em sẽ gọi Del,” tôi nói. Nói xong tôi cảm thấy mình là thứ rác rưởi.
“Anh muốn làm gì thì làm.” nàng nói và lấy ống tay áo lau mắt. “Ý em là vậy. Em không muốn tỏ vẻ rồ dại. Nhưng mai em sẽ lên Washington. Bây giờ em đi ngủ. Em kiệt sức rồi. Em rất tiếc. Em rất riếc cho cả hai ta, Dan ạ. Chúng ta không làm được. Người câu cá hôm nay đó. Ống ấy chúc chúng ta may mắn.” Nàng lắc đầu. “Em cũng chúc chúng ta may mắn. Chúng ta sẽ cần nó.”
Nàng vào buồng tắm, và tôi nghe tiếng nước mở vào bồn. Tôi bước ra ngoài hiên ngồi trên bậc cấp hút thuốc. Ngoài trời tối và im ắng. Tôi trông xuống phố và có thể thấy một quầng sáng mờ nhạt của ánh đèn hắt lên bầu trời cùng với những giải sương trôi từ ngoài biển vào trong thung lũng. Tôi chợt nghĩ đến Susan. Một lát sau, Nancy rời buồng tắm, tôi nghe tiếng cửa phòng ngủ đóng lại. Tôi vào nhà, bỏ thêm một khúc củi lên vỉ lò và chờ đến khi ngọn lửa bén dần lên vỏ cây. Tôi vào phòng ngủ bên cạnh, lật tấm trải giường, ngó mông lung những mẫu hoa in trên đó. Rồi tôi đi tắm, mặc bi-da-ma vào, và ra ngồi trước lò sưởi hút thuốc. Lúc tôi nhìn ra cửa sổ lần nữa, tôi thấy có cái gì động đậy trong sương mù, và tôi thấy một con ngựa đang gặm cỏ trước sân.
Tôi bước đến bên cửa sổ. Con ngựa ngẩng đầu lên nhìn tôi một lát rồi lại cúi xuống gặm cỏ. Một con ngựa khác lách qua khỏi chiếc xe vào trong sân và cũng bắt đầu gặm cỏ. Tôi bật đèn trước hiên và đứng bên cửa sổ xem chúng. Chúng là giống ngựa trắng lớn có bờm dài. Có thể chúng đã thoát ra từ một cái hàng rào hay cái cổng quên gài của một trang trại gần đây. Thế nào đó mà chúng lại đến quanh quẩn trước sân chúng tôi. Chúng hớn hở, thích thú với chuyến vượt rào của chúng ghê lắm. Nhưng cũng hồi hộp nữa; tôi có thể thấy lòng trắng của con mắt chúng từ chỗ tôi đứng sau cửa sổ. Tai chúng chốc chốc vểnh lên rồi lại cụp xuống trong lúc chúng vẫn riếng đứt từng bụi cỏ. Một con thứ ba lững thững vào trong sân, rồi con thứ tư. Cả một bầy ngựa trắng, chúng đang gặm cỏ trước sân nhà của chúng tôi.
Tôi vào phòng ngủ đánh thức Nancy dậy. Mắt nàng đỏ và quầng mắt sưng mọng. Tóc nàng đánh cuộn trong những cái cuốn tóc, một cái va-li đang mở ra trên sàn gần chân giường.
“Nancy,” tôi gọi. “Cưng à, dậy xem cái gì ở trước sân. Ra đây xem. Em phải ra xem cái này. Không thể tin được. Mau lên.”
“Cái gì vậy?” nàng nói. “Đừng làm em đau. Cái gì vậy?”
“Cưng à, em phải ra xem cái này. Anh không làm em đau đâu. Xin lỗi nếu anh làm em sợ. Nhưng em hãy ra ngoài này xem.”
Tôi quay trở lại phòng bên và đứng trước cửa sổ, vài phút sau Nancy vào, vừa đi vừa thắt dây lưng áo ngủ. Nàng nhìn qua cửa sổ và nói, “Chúa ơi, đẹp thật, chúng từ đâu đến vậy Dan? Chúng thật là đẹp.”
“Chắc chúng xổ từ nơi nào đó quanh đây,” tôi nói. “Ở mấy chỗ trang trại đấy. Anh sẽ gọi cảnh sát ngay để họ tìm người chủ. Nhưng anh muốn em xem chúng trước đã.”
“Chúng có cắn không?” nàng nói. Em muốn vuốt ve con kia, con vừa mới nhìn chúng mình đó. Em muốn tới vỗ vai con đó nhưng em không muốn bị nó cắn. Em đi ra đây.”
“Anh nghĩ là nó sẽ không cắn,” tôi nói. “Chúng không có vẻ giống như những giống ngựa hay cắn người, nhưng nếu em ra ngoài thì khoác áo choàng lên, trời lạnh.”
Tôi tròng áo choàng lên bộ bi-da-ma và đợi Nancy. Rồi tôi mở cửa trước và chúng tôi bước ra ngoài, xuống sân cỏ đến bên mấy con ngựa. Cả đám ngựa ngẫng đầu lên nhìn chúng tôi. Hai con cúi xuống lại gặm cỏ. Một con khác khịt mũi và lui lại vài bước, nhưng rồi cũng lại cúi xuống gặm và nhai cỏ. Tôi xoa trán một con và vỗ vai nó. Nó cứ tiếp tục nhai. Nancy đưa tay vuốt đám bờm một con khác. “Ngựa ơi, mày ở đâu tới đây?” nàng nói. “Mày sống ở đâu, sao tối nay lại ra ngoài vậy, ngựa ơi?” nàng nói trong khi vẫn tiếp tục vuốt ve bờm của con ngựa. Con ngựa nhìn nàng phì một hơi và lại cúi đầu xuống. Nàng vỗ vai nó.
“Anh nghĩ mình nên gọi cảnh sát,” tôi nói.
“Khoan đã,” nàng nói. Một lát nữa hãy hay Chúng mình sẽ không bao giờ gặp lại bất cứ cái gì như vầy đâu. Chúng mình sẽ không bao giờ, không bao giờ thấy ngựa vào sân lần nữa. Đợi một lát đã Dan.”
Một lát sau, Nancy vẫn còn ở ngoài tới lui hết con ngựa này tới con kia, vỗ vai và vuốt ve bờm của chúng. Khi một con đi ra khỏi sân cỏ buớc lên lối ra của nhà xe, đi quanh chiếc xe rồi xuống đường, tôi biết tôi phải gọi cảnh sát.
Một lát sau hai chiếc xe cảnh sát đến, đèn đỏ nhấp nhoáng trong sương mù, vài phút sau một gã khoác áo choàng da cừu lái một chiếc pickup kéo theo chiếc rờ-moọc chở ngựa. Mấy con ngựa e sợ và tìm cách lẩn trốn. Người đàn ông có chiếc rờ-moọc chở ngựa chửi thề, hắn cố quàng dây qua cổ một con ngựa.
“Đừng làm nó đau!” Nancy nói.
Chúng tôi trở vào nhà, đứng sau cửa sổ xem mấy người cảnh sát và người trại chủ bận rộn thu thập đám ngựa.
“Anh đi pha cà-phê,” tôi nói. “Em có muốn uống cà-phê không, Nancy?”
“Em nói anh nghe em nuốn gì nhé,” nàng nói. “Em cảm thấy mình say ngất ngây, người như đang đầy ắp. Em cảm thấy, em không biết nữa, nhưng em thích cảm giác như thế này. Anh đi pha cà-phê còn em sẽ dò đài phát thanh mở nhạc rồi anh sẽ nhóm lại lò sưởi. Em đang hứng khởi quá không thể nào ngủ được.
Thế là chúng tôi ngồi trước lò sưởi uống cà-phê và nghe đài truyền thanh phát suốt ban đêm của Eureka. Chúng tôi nói về mấy con ngựa, rồi nhắc đến Richard, và mẹ của Nancy. Chúng tôi khiêu vũ. Chúng tôi không nói gì đến tình trạng hiện tại. Sương giăng ngoài cửa sổ, chúng tôi trò chuyện và tỏ ra ân cần với nhau. Trời gần sáng tôi tắt radio và chúng tôi lên giường làm tình.
Chiều hôm sau, khi nàng thu xếp xong mọi việc và hành lý cũng đã sắp vào va-ly, tôi lái xe đưa nàng đến phi trường nhỏ, ở đấy nàng có thể đón chuyến bay đi Portland rồi sang máy bay tới Pasco vào tối khuya.
“Cho anh gởi lời thăm mẹ, ôm hôn Richard giùm anh và nói là anh nhớ nó,” tôi nói. “Nói nó anh gởi lời thương nó.”
“Nó cũng thương anh nữa,” nàng nói. “Anh biết mà. Dù sao đi nữa, anh cũng gặp lại nó vào mùa thu. Em nhất định như vậy.”
Tôi gật đầu.
“Tạm biệt,” nàng nói và chờm tới tôi. Chúng tôi ôm nhau. “Em vui về chuyện tối qua,” nàng nói. “Mấy con ngựa đó. Chúng mình trò chuyện. Tất cả. Rất bổ ích. Chúng ta sẽ không quên,” nàng nói và bật tiếng thổn thức.
“Viết thư cho anh nhé,” tôi nói. “Anh không ngờ nó xảy ra với chúng mình,” tôi nói. “Bao năm qua anh chưa từng có giây phút nào nghĩ như vậy. Chúng mình không thể như thế.”
“Em sẽ viết,” nàng nói. “Những bức thư dài. Dài nhất kể từ hồi còn học ở trung học em vẫn thường gởi cho anh.”
“Anh sẽ mong thư em,” tôi nói.
Rồi nàng nhìn tôi lần nữa, đưa tay chạm vào mặt tôi. Nàng quay đi rồi băng qua sân đáp đến máy bay.
“Đi đi, em yêu, Chúa ở bên em.”
Nàng lên máy bay, tôi còn nấn ná đến khi động cơ khởi động, trong phút chốc chiếc máy bay được dẫn ra phi đạo. Nó cất cánh bay lên vịnh Humboldt và trong khoảnh khắc trở thành một chấm nhỏ ở cuối chân trời.
Tôi lái xe quay về căn nhà, dừng ở lối ra của nhà xe, và nhìn những dấu móng ngựa tối qua. Những dấu móng lún sâu xuống cỏ, cắt thành vết vào đất, và những đống phân. Rồi tôi vào nhà, chưa cởi cả áo khoác, đến chỗ điện thoại quay số của Susan.



Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 884

Return to top