Thánh đường
Raymond Carver
Người mù này, bạn cũ của vợ tôi, tối nay sẽ ở lại qua đêm. Vợ ông đã qua đời. Ông đang đi thăm họ hàng đằng nhà vợ ở Connecticut. Ông gọi điện cho vợ tôi từ nhà của một trong những người bà con ấy. Việc đón tiếp đã được thoả thuận. Ông sẽ đến bằng chuyến tàu chạy suốt năm giờ, vợ tôi đón ông tại ga. Đã mười năm nay, cô ấy không gặp ông kể từ mùa hè làm việc cho ông ở Seattle. Nhưng cô ấy và người mù vẫn liên lạc với nhau đều đặn. Họ gởi cho nhau những cuốn băng và thư từ. Chuyến viếng thăm của ông không làm tôi hào hứng lắm. Tôi không biết ông. Hơn nữa, hình ảnh một người mù thì luôn khiến tôi rờn rợn. Những suy nghĩ của tôi về sự mù loà xuất phát từ những cảnh được đưa lên màn hình. Trong phim, người mù đi lại chậm chạp và chẳng hề cười. Đôi lúc, họ được dẫn đường bởi các chú khuyển. Một người mù ở lại nhà là điều tôi chẳng lấy làm thú vị cho lắm.
Mùa hè năm ấy ở Seattle, nàng cần kiếm việc làm. Nàng không có tiền. Gã đàn ông sẽ cưới nàng vào cuối mùa hè ấy đang học trường huấn luyện sĩ quan. Hắn cũng không có tiền. Nhưng nàng yêu hắn và hắn cũng mê nàng như điếu đổ. Nàng đọc mục "Cần người giúp việc" trên tờ báo với tít: Đọc cho người mù và số phôn. Nàng gọi điện đến, bàn bạc, rồi được thuê làm. Nàng làm việc cho người mù này suốt mùa hè. Nàng đọc thư từ tài liệu cho ông ta, trao đổi ý kiến, viết báo cáo.... công việc chỉ có thế. Nàng giúp ông ta mở một văn phòng nhỏ trong khu dịch vụ - xã hội của quận. Vợ tôi và người mù dần trở nên thân thiết. Nhưng làm sao tôi biết được những chuyện ấy? Nàng kể cho tôi. Và nàng còn kể nhiều chuyện khác. Vào ngày làm việc cuối cùng của nàng tại văn phòng, người mù xin phép được sờ tay nên mặt nàng. Nàng đồng ý. Nàng bảo tôi ông ấy đặt tay lên từng bộ phận của khuôn mặt, mũi nàng và cả cổ nữa! Nàng chẳng bao giờ quên được cảm giác ấy. Thậm chí nàng đã cố lột tả cảm xúc của mình trong một bài thơ. Thỉnh thoảng nàng làm thơ. Mỗi năm nàng viết một hoặc hai bài. Những bài thơ thường xuất hiện ngay sau khi một sự kiện quan trọng nào đó xảy ra trong đời nàng.
Ngày hai đứa quen nhau, nàng cho tôi xem bài thơ ấy. Trong thơ, nàng miêu tả những ngón tay của ông ta và cách chúng lần đi trên mặt mình. Trong thơ, nàng gởi gắm những xúc cảm trào dâng vào khoảnh khắc khi tay người mù chạm đến mũi và môi mình. Cảm giác ấy chẳng hề phai mờ. Tôi nhớ mình đã không bận tâm nhiều về bài thơ ấy. Dĩ nhiên, tôi không hiểu thơ mấy. Tôi phải thú nhận rằng thơ không phải là loại ấn phẩm đầu tiên mà tôi tìm kiếm khi cần một cuốn sách nào đó để đọc.
Dẫu sao thì gã sĩ quan tương lai - người tình đầu tiên của nàng - vẫn hiện diện trong đời nàng như một cuộc tình thời hoa mộng. Mọi chuyện là thế. Tôi đang kể về những ngày cuối cùng của mùa hè năm ấy, nàng cho phép người mù sờ tay lên mặt, chào từ biệt ông rồi đi lấy chồng. Bấy giờ chồng của nàng là một sĩ quan đương nhiệm và nàng phải theo hắn rời xa Seattle, song người mù và nàng vẫn thông tin đều đặn cho nhau. Tuy nhiên, khoảng chừng một năm sau thì cuộc nói chuyện đầu tiên của nàng mới được thực hiện. Một tối nọ, từ doanh trại của lực lượng không quân ở Alabama nàng gọi cho ông. Nàng muốn nói chuyện. Họ trò chuyện với nhau. Ông yêu cầu nàng gửi cho mình cuốn băng kể về cuộc đời nàng. Nàng thực hiện điều ấy. Nàng gửi cuốn băng. Trong băng nàng kể cho người mù nghe về chồng nàng, về cuộc sống của họ ở trong quân ngũ. Nàng nói với người mù là nàng yêu chồng nhưng nàng không thích môi trường họ đang sống, nàng không thích cuộc sống ấy bởi lẽ chồng nàng là một bộ phận của nền công nghiệp quân sự. Nàng kể với người mù rằng ông là nhân vật trong bài thơ nàng vừa mới viết xong. Nàng bảo với ông nàng sẽ viết bài thơ miêu tả đời sống của vợ một sĩ quan thuộc lực lượng không quân. Bài thơ vẫn chưa kết thúc. Nàng hãy đang còn viết. Người mù cũng thu băng của mình và gửi cho nàng. Việc liên lạc theo kiểu ấy vẫn kéo dài trong mấy năm. Gã sĩ quan của vợ tôi cứ luôn bị điều từ căn cứ này đến căn cứ khác. Nàng gửi những cuốn băng từ Moody, AFB, McGuire, MrConnell và sau cùng là Travis, một địa danh gần Sacramento, nơi mà tối nọ nàng cảm thấy cô đơn vì bị tách ra khỏi thế giới nhân quần bởi cuộc sống cứ chuyển dời liên tục. Nàng cảm nhận đời mình không thể trôi theo hướng ấy. Nàng tìm tất cả các thứ thuốc ở trong tủ, uống cùng với một chai rượu gin. Sau ấy nàng đi tắm nước nóng và đợi tử thần đưa đi. Nhưng thay vì chết, nàng chỉ ốm. Nàng vật vã. Gã sĩ quan của nàng - tại sao hắn cần một cái tên? Hắn chỉ là người lính thuở xuân sắc của nàng và cớ sao chúng ta lại cứ phải biết thêm về hắn? - từ đâu đó trở về nhà, phát hiện ra nàng rồi gọi xe cứu thương. Lần ấy nàng kể mọi chuyện trong cuốn băng và gửi đến người mù. Nhiều năm trôi qua, nàng đã ghi tất cả sự kiện trong đời mình vào băng và cuối cùng đã gửi đi những cuốn băng kể về sự tan vỡ. Hàng năm, mỗi độ nàng làm thơ tôi nghĩ từng kỷ niệm trong băng ấy là chất liệu chủ yếu nhất để nàng tái hiện tâm trạng, tái hiện cuộc đời. Trong một cuốn băng, nàng bảo người mù rằng nàng quyết định ly thân với gã sĩ quan của mình một thời gian. Ở cuốn băng khác nàng kể cho tôi nghe về việc ly hôn của nàng. Dĩ nhiên nàng cũng kể cho người mù của mình biết chuyện nàng và tôi quen nhau. Nàng kể cho ông ta mọi thứ như đã từng kể với tôi. Một dạo, nàng hỏi tôi có thích nghe cuốn băng gần đây nhất của người mù? Chuyện ấy xảy ra cách đây một năm. Nàng nói cuốn băng đó nhắc tới tôi. Thế là tôi đồng ý nghe cuốn băng ấy. Tôi đi lấy đồ uống và chúng tôi ngồi trong phòng khách. Chúng tôi bắt đầu nghe. Đầu tiên nàng trở cuốn băng rồi tiếng một người nào đó nói bằng giọng khá to, nàng vặn nhỏ volume. Sau vài mẩu chuyện tán gẫu vô hại, tôi nghe tên mình trong giọng nói của con người xa lạ, người mù mà tôi chưa từng biết. Rồi sau đó là những lời này: “Từ những điều cô nói về anh ấy, tôi chỉ có thể kết luận”... Nhưng một tiếng động hay một tiếng gõ cửa nào đó đã ngăn không cho chúng tôi nghe tiếp. Chúng tôi không có thời gian để tiếp tục nghe cuốn băng. Có lẽ ngần ấy là đủ. Tôi đã nghe hết những gì tôi cần.
Bây giờ chính người mù này sắp đến ngủ tại nhà tôi.
“Anh sẽ đón tiếp ông ấy chu đáo”, tôi nói với vợ. Nàng đang đứng cạnh bàn để làm món khoai tây cắt theo hình vỏ sò. Nàng đặt con dao đang dùng xuống rồi quay lại: “Nếu anh yêu em”, nàng nói, “anh có thể làm điều ấy vì em. Còn nếu anh không yêu em, thì cũng chẳng sao. Nhưng nếu anh có bạn, bất kỳ ai khi đến thăm nhà, em cũng sẽ làm cho người ấy cảm thấy thoải mái”. Nàng chùi tay vào chiếc khăn lau bát đĩa.
“Anh không có người bạn mù nào cả”, tôi nói.
“Anh không có ai là bạn”, nàng nói. “Đã từ lâu rồi. Bên cạnh đó”, nàng nói tiếp, “điều ấy thực đáng buồn, vợ ông ta vừa mới mất. Anh không hiểu sao? Một người đàn ông có vợ đã qua đời!”
Tôi không trả lời. Nàng kể đôi điều về vợ của người mù. Tên của bà ta là Beulah. Beulah! Đấy là tên của một người phụ nữ da màu.
“Vợ ông ta có phải là nô lệ không?” Tôi hỏi.
“Anh điên hay sao đấy?” Vợ tôi nói. “Anh vừa mới uống rượu hả?” Nàng nhặt củ khoai tây, tôi thấy nó rơi xuống sàn nhà và lăn vào dưới bếp. “Anh làm sao thế?” Nàng nói. “Anh có say không?”
“Anh hỏi chỉ để tìm hiểu thôi”, tôi nói.
Rồi ngay lúc ấy nàng cho tôi biết thêm nhiều chi tiết mà tôi quan tâm. Tôi rót cốc rượu, ngồi vào cạnh bàn bếp, lắng nghe. Những chi tiết của câu chuyện bắt đầu lần lượt diễn ra.
Beulah đến làm cho người mù ngay sau khi vợ tôi từ giã ông. Không lâu sau đó, Beulah và người mù làm lễ cưới tại nhà thờ. Hôn lễ rất đơn giản - ai lại muốn tổ chức một đám cưới như thế tại nơi trang trọng? - Chỉ có ông ấy, vị hôn thê và mục sư. Nhưng mọi thủ tục hôn lễ ở nhà thờ được tiến hành có quy củ. Đấy là những gì Beulah muốn, ông ấy nói. Sau đó Beulah mắc bệnh ung thư. Sau tám năm trời sống gần gũi nhau - lời vợ tôi, sống gần gũi nhau - sức khoẻ của Beulah suy sụp nhanh chóng. Bà chết ở bệnh viện Seattle, người mù ngồi bên giường, nắm tay bà. Họ đã kết hôn, sống, làm việc và ngủ với nhau - và ái ân, chắc vậy - rồi sau đó người mù mai táng bà. Tất cả diễn ra trong khi ông ta không hề nhìn thấy gương mặt của người phụ nữ khốn khổ ấy ra sao. Tôi chẳng thể nào hiểu được. Nghe chuyện, tôi cảm thấy hơi buồn trước cuộc sống của người mù. Rồi sau đó ý nghĩ của tôi hướng về cuộc đời đáng thương của người đàn bà ấy. Hãy hình dung một phụ nữ, người chẳng bao giờ nhìn thấy bóng hình mình trong mắt người yêu. Một người phụ nữ, người lại có thể kéo lê chuỗi ngày của đời mình mà chẳng bao giờ nhận được, dẫu chỉ một lời ngợi khen nhỏ bé nhất từ ánh mắt của người yêu. Một người phụ nữ chẳng bao giờ được chồng đọc thấy những xúc cảm biểu lộ trên mặt mình, chẳng biết đấy là dấu hiệu của sự đau khổ hay niềm hạnh phúc. Một ai đó, dẫu cho có trang điểm hay không trang điểm, thì có gì khác đối với ông đâu. Nếu muốn thì bà ta có thể quấn tấm khăn màu xanh che đầu, trang điểm cái mũ bằng những chiếc ghim thẳng, vận quần màu vàng và đi giầy màu tía, chẳng hề gì. Rồi sau đó khi trượt chân vào lãnh địa thần chết, bàn tay của người mù nắm tay bà, đôi mắt mù trào tuôn những dòng lệ - tôi đang hình dung bây giờ rằng - ý tưởng cuối cùng của bà là: ông ta chẳng bao giờ biết diện mạo thực của bà và chẳng bao giờ biết đến chuyến tàu tốc hành đưa bà đến nghĩa địa. Robert chỉ còn lại khoản tiền bảo hiểm nhỏ và một nửa trong số hai mươi đồng peso Mexico. Nửa số tiền đồng còn lại được ông cho vào hộp mai táng cùng với bà. Thực cảm động.
Nhưng giờ hẹn đã đến, vợ tôi ra ga đón ông. Lúc đang ngồi uống và xem tivi tôi lấy làm bực mình với ông vì mình chẳng có việc gì làm ngoại trừ ngồi đợi, tôi nghe tiếng xe lăn bánh trên đường rẽ vào nơi đỗ. Tay cầm ly rượu, tôi rời ghế sofa, đi đến cửa sổ nhìn.
Tôi thấy vợ tôi cười khi nàng dừng xe. Tôi thấy nàng bước ra khỏi xe và đóng cửa, môi nàng vẫn giữ nụ cười. Thật lạ. Nàng đi vòng qua phía bên kia chiếc xe đến nơi người mù đang chuẩn bị bước ra. Nét đặc biệt của người mù này là bộ râu dài. Bộ râu của một người mù! Quá rậm, tôi nghĩ. Người mù đưa tay về phía ghế đằng sau kéo ra chiếc va li. Vợ tôi nắm cánh tay ông; miệng không ngớt trò chuyện trong lúc đóng cửa xe và dẫn ông bước đi trên các bậc tam cấp về phía cửa chính. Tôi tắt ti vi, uống cạn chỗ rượu, rửa cốc rồi lau khô tay. Tôi đi ra cửa.
Vợ tôi lên tiếng. “Giới thiệu với anh đây là Robert. Robert, đây là chồng tôi. Tôi đã kể cho ông nghe tất cả về anh ấy”. Vẻ mặt nàng rạng rỡ. Nàng đang cầm tay ông ta.
Người mù đặt chiếc va li xuống rồi đưa tay ra.
Tôi bắt tay. Ông nắm chặt, giữ một lát rồi thả ra.
“Tôi cảm nhận như thể trước đây chúng ta đã từng gặp nhau rồi”, ông nói oang oang.
“Tôi cũng nghĩ thế”, tôi đáp. Tôi không biết phải nói gì. Lát sau tôi lên tiếng: “Rất hân hạnh được ông ghé thăm. Tôi đã nghe kể nhiều về ông”. Chúng tôi hợp thành nhóm đi từ cổng vào phòng khách, vợ tôi nắm tay ông dắt đi. Tay kia của người mù xách chiếc va li. Vợ tôi chỉ dẫn như, “Robert, ở bên trái ông đây này. Đúng rồi. Bây giờ hãy cẩn thận, có một chiếc ghế. Đây rồi. Ngồi xuống đây. Đấy là ghế sofa. Chúng tôi vừa mới mua chiếc ghế này hai tuần trước”.
Tôi bắt đầu nói đôi điều về chiếc ghế sofa cũ. Tôi thích chiếc ghế cũ, nhưng không để lộ ý tưởng ấy ra. Tôi tiếp tục đề cập đến những thứ khác, nhưng chỉ nói ngắn thôi, về con đường rất ngoạn mục dọc theo miền Hadson. Nếu muốn chiêm ngưỡng cảnh quan dọc đường đến New York thì bạn phải ngồi phía bên phải của con tàu; còn đi từ New York bạn nên ngồi phía bên trái.
“Hành trình bằng xe lửa của ông thú vị chứ?” Tôi nói. “Ông ngồi phía bên nào của chuyến tàu ấy?”
“Thế mà cũng hỏi, phía bên nào!” Vợ tôi nói. “Ngồi phía nào thì có hề gì?”, nàng nói.
“Tôi hỏi thế thôi”, tôi nói.
“Phía bên phải”, người mù lên tiếng. “Gần bốn mươi năm nay tôi không đi tàu. Thuở còn bé tôi thường đi tàu. Với mấy đứa bạn. Những chuyến tàu ấy đã quá xa rồi, bây giờ cảm giác của tôi về nó dường như không còn nữa. Tôi có cả một rừng ký ức trong tâm trí”, ông nói. “Như tôi đã miêu tả, trông tôi có khác không, hở em bé?", người mù nói với vợ tôi.
“Robert, trông ông khác lắm”, nàng nói. “Robert”, nàng nói, “Robert, tôi rất vui mừng khi được gặp lại ông”.
Sau cùng vợ tôi rời mắt khỏi người mù, nhìn sang tôi. Tôi có cảm giác nàng không thích hình ảnh nàng vừa bắt gặp. Tôi nhún vai.
Tôi chưa từng gặp hay chưa từng biết tới một người mù nào cả. Người mù này đã gần năm mươi tuổi, thân hình nặng nề, đầu hói, đôi vai hơi chúi về phía trước như thể đang mang một vật gì đó rất nặng. Ông mặc chiếc quần nâu, đi giày nâu, áo sơmi màu nâu nhạt, thắt cà vạt và khoác chiếc áo thể thao. Trông thực hài hòa. Râu của ông rậm. Nhưng ông không dùng gậy và không đeo kính đen. Tôi luôn luôn nghĩ những người mù phải dùng kính đen. Thực tế là tôi muốn ông đeo kính. Ngay cái nhìn đầu tiên, mắt của ông trông giống như mắt của bất kỳ người bình thường nào khác. Nhưng nếu nhìn kỹ, bạn sẽ thấy sự khác biệt giữa chúng. Tròng đen có quá nhiều màu trắng, còn con ngươi thì dường như chuyển động tự do trong hốc mắt, ông không ý thức được điều đó và không làm chúng đứng yên được. Thực đáng sợ. Khi nhìn mặt ông, tôi thấy con ngươi mắt trái đang di chuyển về phía mũi trong lúc con ngươi kia đứng yên. Nhưng đấy chỉ là những khoảng thời gian ngừng ngắn ngủi, bởi con mắt ấy cứ ngao du bất chấp chủ nhân của nó muốn hay không.
Tôi nói: “Ông uống rượu nhé? Ông dùng loại gì? Chúng tôi có vài thứ. Đấy là một trong những thứ tiêu khiển của chúng tôi”.
“Anh bạn trẻ, tôi là người Scotch chính cống”, ông nói nhanh bằng giọng kiểu khá lớn.
“Vâng”, tôi nói. “Tuyệt! Ông yên tâm. Tôi biết pha”.
Ông đưa mấy ngón tay sờ lên chiếc va li đang đặt cạnh ghế sofa. Trông ông khá kiểu cách song tôi không bực mình.
“Tôi sẽ mang chiếc va li lên phòng ông”, vợ tôi nói.
“Không cần, ổn thôi mà”, người mù nói lớn. “Khi nào lên tôi sẽ xách theo”.
“Chỉ pha thêm ít nước vào rượu Scotch chứ?” tôi hỏi.
“Một chút thôi”, ông đáp.
“Tôi hiểu”, tôi nói.
Ông nói: “Chỉ ít thôi. Anh có biết anh chàng nghệ sĩ người Ailen là Barry Fitzgerald chứ? Tôi giống gã ấy. Fitzgerald nói khi hắn uống nước có nghĩa là hắn uống nước. Còn khi uống whisky thì phải đúng là uống whisky”. Vợ tôi cười. Người mù luồn tay vào bộ râu, nâng lên rồi từ từ thả xuống.
Tôi pha rượu, ba ly Scotch lớn có thêm sôđa. Sau đó chúng tôi ngồi nhấm nháp và hỏi về hành trình của Robert. Chúng tôi biết, thoạt tiên, ông đáp chuyến bay dài từ West Coast đến Connecticut rồi đi tàu lửa từ Connecticut đến đây. Chúng tôi uống thêm một cốc rượu nữa khi chuyện trò đến những chi tiết cuối của hành trình ấy.
Tôi nhớ mình đã đọc đâu đó rằng người mù không hút thuốc bởi vì khi hút họ sẽ không nhìn thấy khói họ nhả ra. Tôi nghĩ đấy là điều duy nhất tôi biết rõ về những người mù. Nhưng người mù này cứ đốt hết điếu này đến điếu khác. Chiếc gạt tàn trước mặt ông đầy lên và vợ tôi mang đi đổ.
Lúc chúng tôi ngồi vào bàn ăn tối, mỗi người uống thêm một cốc nữa. Vợ tôi múc bít tết thái theo hình hạt lựu, khoai tây hình vỏ sò, đậu xanh cho vào đầy đĩa của ông. Tôi phết bơ lên hai lát bánh mì rồi trao cho ông. Tôi nói: "Đây là bánh mì đã phết bơ của ông”. Tôi hớp một ngụm rượu. Tôi đề nghị: “Bây giờ chúng ta hãy cầu nguyện”, người mù cúi đầu xuống. Vợ tôi nhìn tôi, mồm há ra vì kinh ngạc. “Cầu cho điện thoại đừng reo và thức ăn không nguội”, tôi nói.
Chúng tôi xúc thức ăn. Chúng tôi ăn mọi thứ bày ở trên bàn. Chúng tôi hì hục như thể ngày mai chẳng bao giờ đến. Chúng tôi không nói chuyện. Chúng tôi ăn. Chúng tôi xén thức ăn thành từng miếng nhỏ. Chúng tôi vét sạch các đĩa. Chúng tôi ăn cật lực. Người mù nhận chính xác từng vị trí món ăn của mình, ông biết rõ nơi chúng được đặt ở trên đĩa. Tôi ngưỡng mộ quan sát khi ông dùng dao và nĩa để cắt thịt. Ông cắt hai miếng thịt, xiên vào nĩa đưa lên miệng, rồi tiếp tục ăn miếng khoai tây hình vỏ sò, đậu rồi bánh mì phết bơ. Ông kết thúc bữa ăn với một cốc sữa lớn. Đôi lúc, trong bữa ăn, ông sử dụng tay cũng rất thoải mái.
Chúng tôi xơi hết mọi món, kể cả nửa chiếc bánh nướng nhân dâu tây. Sau đó, chúng tôi ngồi im lặng trong khoảng thời gian khá lâu. Mồ hôi tứa đầy trên mặt. Cuối cùng, chúng tôi rời bàn ăn, để lại đằng sau những chiếc đĩa bẩn. Không quay nhìn lại, chúng tôi vào phòng khách và ngồi vào chỗ cũ. Robert và vợ tôi ngồi xuống ghế sofa. Tôi ngồi vào chiếc ghế lớn. Chúng tôi uống mỗi người thêm hai, ba ly nữa trong lúc hai người say sưa kể về những sự kiện quan trọng xảy ra trong đời suốt mười năm qua. Tôi ít tham gia, chỉ lắng nghe. Thỉnh thoảng mới xen vào một câu. Bởi tôi không muốn ông nghĩ mình đã rời khỏi phòng và tôi cũng không muốn nàng hiểu nhầm rằng tôi muốn ra ngoài. Họ kể cho nhau nghe những chuyện đã đến với họ - với họ! - trong suốt mười năm ấy. Tôi tuyệt vọng đợi chờ tên mình được nhắc đến từ đôi môi ngọt ngào của nàng - Chẳng hạn như: “Rồi sau đó, người chồng yêu thương của tôi đã đến trong đời tôi”. Nhưng tôi chẳng nghe được một lời nào tương tự như thế. Cuộc thoại chỉ xoay quanh Robert. Robert thuộc kiểu người mù có thể làm được nhiều việc nhưng chẳng tinh nghề nào. Gần đây, ông và vợ giữ chân đại lý phân phối sản phẩm Amway. Tôi nghĩ đấy là cách kiếm sống của họ. Người mù đã từng làm nhân viên trực tổng đài nghiệp dư. Ông oang oang kể lại, những cuộc thoại của mình với các đồng nghiệp ở Guam, Philippines, Alaska và thậm chí ở cả Tahiti. Ông bảo ông có rất nhiều bạn bè ở nơi ấy, nếu muốn, ông có thể đến chơi. Thỉnh thoảng ông quay mặt về phía tôi, vuốt râu và hỏi tôi đôi điều. Tôi đã làm công việc hiện tại của mình trong bao lâu? (Ba năm). Tôi có hài lòng không? (Tôi không). Tại sao tôi vẫn tiếp tục công việc ấy? (Muốn biết quan điểm của tôi sao?) Cuối cùng, do nghĩ ông đã thấm mệt, tôi đứng dậy bật ti vi.
Vợ tôi nhìn giận dữ. Nàng đang chăm chú lắng nghe. Lát sau nàng nhìn người mù và nói: “Robert, ông có tivi chứ?”
Người mù đáp: “Em bé, tôi có hai chiếc. Một chiếc tivi màu và chiếc kia là đen trắng. Kỷ vật cũ đấy. Dẫu nghe có thật buồn cười chăng nữa nhưng nếu tôi bật công tắc chiếc tivi màu thì tôi cũng bật luôn công tắc của nó. Cô nghĩ điều ấy buồn cười phải không?”
Tôi chẳng biết nói gì. Tôi hoàn toàn chẳng có điều gì để nói. Không ý kiến. Thế là tôi quay sang chương trình Tin tức, lắng nghe người phát ngôn viên nói.
“Đây là một chiếc tivi màu”, người mù nói. “Đừng hỏi tôi tại sao nhưng tôi biết”.
“Chúng tôi mua đã khá lâu rồi”, tôi nói.
Người mù uống một ngụm rượu. Ông khẽ nâng chòm râu, ngửi rồi thả xuống. Rồi nhổm người khỏi ghế sofa, trước mặt là chiếc gạt tàn đặt trên bàn cà phê, ông lấy bật lửa châm thuốc hút; rồi tựa lưng trở lại, vắt chân chữ ngũ.
Vợ tôi che miệng ngáp. Nàng duỗi chân. Nàng nói: “Đã đến lúc tôi phải lên lầu thay đồ. Tôi sẽ soạn sửa vài thứ khác. Robert, ông tự nhiên nhé”, nàng nói.
“Tôi rất thoải mái”, người mù đáp.
“Tôi muốn ông cảm thấy dễ chịu trong nhà này”, nàng nói.
“Tôi rất dễ chịu”, người mù đáp.
* * *
Nàng rời phòng, ông ta và tôi nghe dự báo thời tiết rồi sau đó là chương trình Thể thao. Lúc ấy, nàng vắng mặt lâu đến nỗi tôi phân vân không biết nàng có còn quay xuống không. Tôi nghĩ nàng đã đi ngủ. Tôi mong nàng xuống. Tôi không thích ngồi một mình với người mù. Tôi hỏi ông có muốn dùng thêm rượu, ông trả lời có. Rồi tôi hỏi ông có thích hút thuốc phiện với tôi. Tôi bảo mình vừa mới quấn xong một điếu. Tuy chưa có điếu nào trong tay song tôi dự định sẽ quấn nhanh sau vài giây.
“Tôi sẽ hút vài hơi với anh”, ông nói.
“Tuyệt”, tôi đáp. “Đúng là chiến hữu”.
Tôi đi lấy rượu và ngồi vào ghế sofa với ông. Lát sau, tôi đã quấn xong hai điếu lớn. Tôi châm một điếu rồi chuyển sang tay ông. Ông đón lấy rồi hút.
“Hãy giữ khói lâu đến mức ông có thể”, tôi nói. Tôi có thể khẳng định ông ta chưa biết thưởng thức món ngoại hạng này.
Vợ tôi bước xuống lầu trong bộ váy màu hồng, đôi dép cũng màu hồng.
“Mùi gì vậy”, nàng hỏi.
“Chúng tôi đang hút bồ đà”, tôi nói.
Vợ tôi trừng mắt nhìn tôi rồi nhìn người mù và nói: “Robert, tôi không biết là ông đã hút”.
Ông đáp: “Tôi đang hút, cô bé. Đây là lần đầu tiên tôi thử. Nhưng tôi chưa cảm nhận được điều gì hết”.
“Loại thuốc phiện này rất tuyệt”, tôi nói. “Nó nhẹ nên nhiều người ưa dùng”, tôi nói. “Nó không kích thích ông mạnh lắm đâu”.
“Không mạnh đâu, anh bạn trẻ”, ông nói và cười ha hả.
Vợ tôi ngồi xuống ghế sofa giữa ông và tôi. Tôi chuyển cho nàng điếu thuốc. Nàng cầm lấy, hút rồi trả lại tôi. “Thuốc này sẽ tác động sao đây?”, nàng hỏi. Rồi tiếp tục nói: “Lẽ ra tôi không nên hút. Khi hút, tôi không thể nào mở mắt nổi. Tôi lại ăn tối quá nhiều. Đúng ra tôi không nên ăn nhiều như thế”.
“Lỗi tại chiếc bánh nướng nhân dâu tây”, người mù lên tiếng. “Nó được làm bằng nguyên liệu gì?”, ông nói rồi lại cười ha hả. Lát sau, ông lắc đầu.
“Vẫn còn bánh nhân táo đấy”, tôi nói.
“Ông có muốn dùng thêm không, Robert?” vợ tôi hỏi.
“Đợi lát nữa xem”, ông trả lời.
Chúng tôi tập trung vào màn hình. Vợ tôi lại ngáp, nàng nói: “Robert, giường của ông đã được chuẩn bị. Tôi biết ông đã đi suốt cả ngày. Khi nào muốn đi nghỉ, ông bảo nhé!”. Nàng kéo cánh tay ông. “Robert?”
Ông quay lại nói: “Tôi đang trải qua những phút giây diệu kỳ. Cuộc nói chuyện này có thể thu băng được chứ?”.
Tôi trả lời: “Tùy ông”, rồi đặt điếu thuốc vào tay ông. Ông nuốt giữ khói rồi nhả ra. Cử chỉ của ông trông như thể ông hãy còn là cậu bé lên chín.
“Cảm ơn, anh bạn”, ông nói. “Nhưng tôi thấy chừng ấy đã đủ đối với tôi. Tôi bắt đầu cảm nhận được nó”, ông nói và chuyển mẩu thuốc sang vợ tôi.
“Tôi cũng thế”, nàng nói. “Như vậy. - Tôi. Cũng đủ”. Nàng đưa nó cho tôi. “Tôi có thể ngồi giữa hai người ngủ một lát có được không? Không phiền ai chứ? Cả hai? Nếu khó chịu thì hãy bảo. Còn không thì tôi sẽ nhắm mắt, ngồi đây cho đến khi hai người cần đi ngủ”, nàng nói. “Giường của ông đã được chuẩn bị, Robert, cạnh phòng chúng tôi, ở tầng trên. Chúng tôi sẽ đưa ông lên khi nào ông buồn ngủ. Các người sẽ đánh thức tôi dậy nếu tôi ngủ quên chứ?” Nàng nói xong, nhắm mắt ngủ.
Chương trình Thời sự chấm dứt. Tôi đứng dậy đổi kênh rồi ngồi trở lại ghế sofa. Tôi thầm mong vợ tôi đừng trở mình nhiều trong giấc ngủ. Đầu nàng tựa vào lưng ghế, miệng hơi há. Nàng cứ co duỗi nhiều đến nỗi tấm váy ngủ tuột khỏi thân, để lộ đôi bắp vế ngọt ngào. Tôi đưa tay kéo lại chiếc váy nhưng ngay lúc ấy tôi sực nhớ lại người mù. Đoảng thật! Tôi cứ để nàng ngủ trong tư thế hở hang đó.
“Ông bảo mình muốn ăn thêm ít bánh nhân táo nữa sao?”, tôi hỏi.
“Tôi sẽ ăn”, ông đáp.
Tôi nói: “Ông mệt phải không? Ông có muốn tôi đưa lên lầu ngủ? Ông cần ngả lưng chưa?”.
“Chưa đâu”, ông đáp. “Chưa cần, tôi sẽ ngồi lại với anh, anh bạn trẻ. Nếu anh đồng ý, tôi sẽ nói chuyện cho đến lúc anh cảm thấy buồn ngủ. Chúng ta không có nhiều cơ hội để chuyện trò. Anh có hiểu những gì tôi muốn nói không? Tôi cảm nhận như thể mình cùng ngồi với cô ấy vào những buổi tối cách đây mười năm”. Ông nâng bộ râu lên rồi thả xuống. Ông cầm bao thuốc của mình và chiếc bật lửa. “Không sao”, tôi nói, ngừng một lát rồi tiếp tục; “Tôi lấy làm hãnh diện trước tình cảm ấy”.
Rồi tôi nghĩ về bản thân. Mỗi buổi tối, tôi hút thuốc phiện và ngồi nán lại rất lâu cho đến khi buồn ngủ. Vợ tôi và tôi dường như chẳng bao giờ đi ngủ cùng một lúc. Khi chìm vào giấc ngủ, trong đầu tôi cứ lởn vởn những hình ảnh cách ngăn ấy. Đôi lúc một trong những giấc mơ đánh thức tôi dậy, tim tôi gõ nhịp điên cuồng.
Ti vi đang chuyển qua cảnh nhà thờ và các hình ảnh thời Trung cổ. Chương trình rất xoàng. Tôi muốn xem chương trình khác. Tôi chuyển nhiều kênh. Song không có kênh nào còn hoạt động. Thế là tôi phải quay lại kênh ban đầu và xin lỗi.
“Anh bạn trẻ, chẳng sao đâu”, người mù nói. "Tôi thích theo dõi bất kỳ thứ gì anh muốn xem. Tôi muốn học hỏi. Việc học thì chẳng bao giờ chấm dứt. Tối nay, những gì tôi biết được sẽ không làm tổn thương tôi. Tôi có tai”, ông nói.
Chúng tôi im lặng, khá lâu. Ông ngồi cúi người về phía trước, mặt hướng sang tôi, tai phải của ông nghiêng thẳng về ti vi. Rất tập trung. Thỉnh thoảng, mi mắt ông khép lại rồi chợt mở ra. Thỉnh thoảng ông đặt tay lên bộ râu và vuốt như thể đang nghĩ về điều gì đó nghe được trên ti vi.
Trên màn hình, nhóm người đội mũ trùm đầu đang bị hành hạ bởi những người mặc quần áo hóa trang thành những bộ xương và nhiều người ăn vận theo lốt quỷ sứ. Những người trong lốt quỷ đeo mặt nạ quỷ, có sừng và đuôi. Đám rước ấy chỉ là một phần của chương trình. Tay phát thanh viên người Anh cho biết nghi lễ ấy hằng năm đều diễn ra ở Tây Ban Nha. Tôi cố giải thích cho người mù.
“Những bộ xương”, ông nói. “Tôi biết các bộ xương”, ông nói tiếp và gật đầu.
Ống kính dừng lại trước một thánh đường. Sau đó quay thật chậm và lâu một nhà thờ khác. Cuối cùng, trên tivi là cảnh một nhà thờ nổi tiếng ở Paris với nhiều trụ ốp vút cao và những chóp nhọn vươn thẳng lên trời mây. Camera chuyển sang quay toàn bộ hình thể của thánh đường đang in trên nền trời.
Nhiều lần, người dẫn chương trình không nói trong lúc camera lướt qua những nhà thờ hoặc hướng ống kính ra miền quê phụ cận, nơi có bác nông dân bước sau đàn bò. Tôi đợi khá lâu cho đến lúc cảm thấy mình phải lên tiếng. Tôi nói: “Bây giờ, họ đang quay mặt ngoài của nhà thờ Gargoyles. Mấy bức tượng nhỏ chạm ở đó trông như thể những con quỷ. Còn đây, tôi nghĩ họ đang ở Italy. Đúng, cảnh vật ở Italy. Có nhiều tranh trên những bức tường của nhà thờ.
“Những bức tranh trên tường được vẽ sao hả anh bạn trẻ?”, ông hỏi rồi hớp một ngụm rượu.
Tôi cầm lấy cốc của mình. Nhưng nó đã cạn. Tôi cố nhớ những gì còn đọng lại trong đầu. “Có phải ông hỏi tôi về những bức tranh vẽ trên tường ấy không?”, tôi hỏi. “Câu hỏi thật thú vị nhưng tiếc là tôi không được nhìn thấy rõ”.
Ống kính lia đến ngôi thánh đường bên ngoài Lisbon. Ngoại diện các thánh đường ở Bồ Đào Nha không khác nhiều khi so với những thánh đường của Pháp hay Italy. Có khác chăng, thì chỉ là cách trang trí bên trong. Lúc ấy, một ý tưởng chợt xuất hiện trong đầu. Tôi nói: “Tôi đang nghĩ về một vấn đề. Ông có hình dung ngôi thánh đường ra sao không? Trông nó như thế nào? Ông có hiểu điều tôi nói không? Nếu có ai đó miêu tả ngôi thánh đường, thì liệu ông có hình dung được những gì họ tả? Ông có phân biệt được sự khác nhau giữa ngôi thánh đường ấy với những nhà thờ theo phái Tin lành hay không?”
Ông từ từ nhả khói ra khỏi miệng. “Tôi biết họ sử dụng hàng trăm ngàn thợ xây dựng và phải mất từ năm mươi đến một trăm năm để hoàn thành”, ông nói. “Dĩ nhiên tôi chỉ nghe người ta kể lại. Tôi biết nhiều thế hệ trong cùng một gia đình đã kế tục nhau xây dựng một ngôi thánh đường. Người ấy cũng bảo với tôi như thế. Nhiều người, kể từ lúc bắt tay vào cuộc lao động của mình cho đến khi nhắm mắt, vẫn chưa thấy được đoạn cuối trong công việc của mình. Lập luận theo kiểu ấy, anh bạn trẻ ạ, thì chúng ta chẳng có gì khác họ, đúng không?”, ông cười lớn. Mi mắt chớp xuống lần nữa. Đầu gật gật trông như thể đang buồn ngủ. Có thể ông tưởng tượng mình đang ở Bồ Đào Nha. Bấy giờ, ngôi thánh đường khác đang xuất hiện trên ti vi. Lần này là ở Đức. Giọng của người Anh nọ vẫn đều đều. “Thánh đường”, người mù nói. Ông ngồi dậy và lắc lắc đầu. “Anh bạn trẻ, nếu muốn biết sự thật thì đấy là tất cả những gì tôi biết. Những gì tôi vừa mới nói. Những gì tôi đã nghe người đàn ông ấy kể. Nhưng anh có thể miêu tả một ngôi thánh đường cho tôi không? Tôi muốn anh làm việc ấy. Tôi thích nghe sự miêu tả đó. Còn nếu anh muốn tôi trả lời câu hỏi của anh thì tôi đành thú thực là mình chẳng có một ý kiến hay ho nào cả".
Tôi nhìn chằm chằm theo đường ống kính lia dọc theo ngôi thánh đường trên ti vi. Nhưng làm thế nào để tôi bắt đầu miêu tả được? Chỉ biết tâm trí tôi đang dán vào đó, cuộc sống của tôi đang bị đe doạ bởi một gã khùng, người đang bảo tôi phải làm việc này hay việc nọ.
Tôi cẩn thận quan sát ngôi thánh đường thêm lát nữa trước lúc màn hình chuyển sang cảnh làng quê. Chẳng ích gì. Tôi quay sang người mù và nói: “Bắt đầu là, ngôi thánh đường rất cao”. Tôi nhìn quanh phòng để tìm thêm các chi tiết: “Chúng vươn lên. Vươn lên rồi vươn lên. Về phía bầu trời. Vài ngôi trong số đó rất lớn. Chúng cần những trụ đỡ phụ để giúp đứng vững. Những trụ đỡ phụ ấy được gọi là trụ ốp. Đôi khi vì lý do gì đó, mấy chiếc trụ ốp gợi tôi nhớ lại những cây cầu cạn. Song có lẽ chắc ông cũng không hình dung được chiếc cầu cạn? Ngoài ra, nhiều ngôi thánh đường còn tạc hình quỷ sứ ở mặt tiền. Thỉnh thoảng còn có cả các đức ông và đức bà. Nhưng đừng hỏi tôi tại sao lại như thế”, tôi nói.
Ông gật đầu. Toàn bộ nửa người phía trên đung đưa nhẹ.
“Tôi miêu tả chưa được rõ có phải không?”, tôi hỏi.
Ông thôi gật đầu và nghiêng người về phía trước ghế sofa. Lúc nghe tôi nói, bàn tay của ông nhè nhẹ vuốt chòm râu. Tôi hiểu mình đã không làm ông hình dung được. Nhưng ông vẫn lắng nghe cho đến hết, gật gật như thể để động viên tôi. Tôi cố tìm từ để diễn đạt. “Chúng thật lớn”, tôi nói. “Chúng khổng lồ và được xây bằng đá. Đôi khi bằng gạch. Thuở xưa, khi xây thánh đường, con người muốn vươn đến gần Chúa. Ngày ấy, Chúa là phần quan trọng trong đời sống của mỗi người. Ông có thể đọc được điều đó từ kiểu kiến trúc nhà thờ. Tôi lấy làm tiếc", tôi nói, “nhưng đấy là nỗ lực lớn nhất của tôi để miêu tả cho ông. Tôi lấy làm tiếc", tôi nói, “nhưng đấy là nỗ lực lớn nhất của tôi để miêu tả cho ông. Tôi không thạo việc miêu tả”.
“Tốt rồi, anh bạn trẻ”, người mù nói. “Nào, hãy nghe này. Tôi hi vọng anh sẽ không khó chịu với lời đề nghị. Tôi có thể nhờ anh một việc được không? Cho phép tôi yêu cầu một việc đơn giản, chỉ trả lời được hay không. Tôi chỉ tò mò chứ chẳng có ý đòi hỏi. Anh là chủ. Nhưng cho phép tôi được hỏi anh có theo tín ngưỡng nào không? Anh không phật lòng với câu hỏi ấy chứ?”
Tôi lắc đầu. Song ông không thể thấy. Một cái nháy mắt đối với người mù cũng tương tự như một cái gật đầu. “Tôi nghĩ tôi không tin tôn giáo. Ở mọi lĩnh vực. Thực khó diễn đạt. Ông có hiểu những gì tôi đang nói chứ?”
“Hẳn rồi, tôi hiểu”, ông nói.
“Cám ơn”, tôi đáp.
Giọng tay phát thanh viên người Anh nọ vẫn đều đều. Vợ tôi thở dài trong giấc ngủ. Nàng hít một hơi dài rồi lại tiếp tục ngủ.
“Ông bỏ qua cho”, tôi nói. “Nhưng tôi không thể tả cho ông biết hình dáng của một ngôi thánh đường. Trong tôi, không có ngôi thánh đường nào để miêu tả. Tôi chẳng biết làm gì hơn những điều đã nói ra”.
Người mù ngồi bất động, đầu cúi xuống khi nghe tôi nói.
Tôi nói: “Sự thực là, tôn giáo chẳng có ý nghĩa đặc biệt nào đối với tôi. Chẳng nghĩa lý gì cả. Những ngôi thánh đường, chúng chỉ là những hình ảnh bình thường trên ti vi trong chương trình buổi tối muộn. Chỉ có thế”.
Đến đây, người mù đằng hắng. Ông rút chiếc khăn tay từ túi sau ra rồi nói: “Tôi hiểu, anh bạn trẻ, chẳng sao đâu. Mọi chuyện có thể diễn ra như thế. Đừng nghĩ nhiều về nó. Nào, hãy nghe tôi đây này. Anh sẽ vui lòng giúp tôi việc này nữa chứ? Tôi nảy ra một ý định. Tại sao chúng ta không kiếm một tờ giấy thô? Và cả cây bút. Chúng ta sẽ làm, sẽ cùng nhau vẽ một ngôi thánh đường. Đi lấy bút và vài tờ giấy thô, anh bạn trẻ, đi đi. Lấy những thứ đó”.
Thế là tôi bước lên lầu. Đôi chân tôi nhẹ bẫng tựa như không còn chút sức lực. Tôi cảm nhận như thể mình vừa trải qua cuộc thi chạy đường dài. Trong phòng vợ tôi, nhìn quanh, tôi thấy mấy chiếc bút bi và một chiếc giỏ nhỏ đặt trên bàn. Rồi tôi cố nghĩ xem nơi nào mình có thể tìm được loại giấy ông yêu cầu.
Xuống lầu, đi vào bếp, tôi thấy chiếc túi giấy đựng hàng trống rỗng với vài cái vỏ hành bên trong. Tôi giũ sạch túi rồi xé ra, mang vào phòng khách, ngồi xuống cạnh chân ông. Tôi dọn dẹp vài thứ, vuốt phẳng mấy nếp nhăn của chiếc túi rồi trải ra trên bàn.
Người mù rời ghế sofa, ngồi xuống thảm bên cạnh tôi.
Ông lướt mấy ngón tay trên tờ giấy, sờ xuống sờ lên dọc theo rìa tờ giấy, cả bốn phía. Ông sờ các góc.
“Được rồi”, ông nói. “Được rồi, chúng ta bắt đầu vẽ”.
Tìm bàn tay cầm bút của tôi, ông đặt tay mình lên. “Nào, ta bắt đầu, anh bạn trẻ, vẽ đi”, ông nói. “Vẽ, anh sẽ thấy. Tôi cùng vẽ với anh. Ổn cả thôi. Chỉ bắt đầu khi tôi bảo anh. Anh sẽ nhận ra. Vẽ đi”, người mù nói.
Thế là tôi bắt đầu. Thoạt tiên tôi vẽ chiếc hộp trông như thể một ngôi nhà. Hẳn đấy là căn nhà tôi đã từng sống. Sau đấy tôi đặt mái nhà lên. Hai đầu nóc, tôi vẽ những chóp nhọn. Thật điên rồ.
“Tuyệt”, ông nói. “Khiếp thật. Anh đang vẽ những nét tuyệt vời”, ông nói. “Anh chưa bao giờ từng nghĩ những điều như thế này lại có thể xảy ra trong đời mình có phải không, anh bạn trẻ? Cuộc sống thật kỳ lạ, tất cả bọn ta đều biết điều đó. Bây giờ hãy tiếp tục. Vẽ đi”
Tôi vẽ cửa sổ có mái vòm che bên trên. Tôi vẽ những chiếc trụ ốp trong dáng bay lên. Tôi vẽ những chiếc cửa ra vào lớn. Tôi không thể dừng lại. Chương trình ti vi đã hết. Tôi thả cây bút rồi nắm, xoè các ngón tay. Người mù sờ quanh tờ giấy. Ông lần đầu các ngón tay theo từng nét vẽ của tôi và gật đầu.
“Vẽ rất tuyệt”, người mù nói.
Tôi cầm cây bút trở lại. Ông tìm tay tôi. Tôi tiếp tục. Tôi không phải là hoạ sĩ. Nhưng tôi vẽ với niềm đam mê tương tự.
Vợ tôi mở mắt, sững sờ nhìn chúng tôi. Nàng ngồi dậy trên ghế sofa, tấm váy ngủ hở rộng hơn. Nàng hỏi: “Hai người đang làm gì đấy? Hãy nói cho tôi hay, tôi muốn biết”.
Tôi không trả lời nàng.
Người mù nói: “Chúng tôi đang vẽ ngôi thánh đường. Tôi và anh ấy cùng vẽ. ấn bút mạnh xuống”, ông bảo tôi. “Được rồi. Tốt đấy”, ông nói. “Tôi có thể khẳng định anh đã hình dung ra nó, anh bạn trẻ. Anh không nghĩ rằng mình có khả năng. Nhưng anh đã thể hiện được phải không? Bây giờ anh sắp đi đến chỗ kết thúc. Anh hiểu những gì tôi đang nói chứ? Lát nữa, chúng ta sẽ thực sự đạt được điều mình cần. Những người già đâu rồi?" Ông hỏi. “Đặt mấy người vào vị trí ấy. Chẳng thể hình dung nổi một ngôi thánh đường lại vắng bóng người?”
Vợ tôi hỏi: “Chuyện gì đang xảy ra? Robert, các anh đang làm gì? Điều gì sẽ đến?”
“Ổn cả thôi”, ông bảo nàng, rồi nói với tôi: “Hãy nhắm mắt lại”.
Tôi nghe. Tôi nhắm mắt ngay khi ông vừa dứt lời.
“Nhắm chưa?” ông nói. "Đừng có giả vờ.”
“Tôi nhắm rồi”, tôi đáp.
“Giữ nguyên như thế”, ông nói. Ông bảo: "Bây giờ đừng dừng lại. Tiếp tục vẽ”.
Thế là tôi tiếp tục. Tay ông đặt trên tay tôi khi chúng tôi lướt đi trên mặt giấy. Đến giờ, tôi vẫn giữ nguyên cảm giác ấy trong lòng.
Lát sau, ông nói: “Tôi nghĩ nó kia rồi. Tôi biết anh đã hình dung ra nó”, ông bảo:. “Nhìn xem. Anh nghĩ gì vậy?”
Nhưng tôi vẫn nhắm nghiền mắt. Tôi nghĩ mình tiếp tục giữ tư thế ấy thêm một lát nữa. Tôi biết đấy là điều mình nên làm.
“Nào?” ông hỏi. “Anh đang nhìn chứ?”
Mắt tôi vẫn nhắm. Tôi ở trong nhà của mình. Tôi biết rõ điều đó. Nhưng tôi không có cảm giác rằng mình đang tồn tại trong không gian đóng kín nào.
“Ngôi thánh đường thực sự hiện hữu”, tôi nói.
Lê Huy Bắc dịch