Đời Ba Tôi
Raymond Carver
Ba tôi tên Clevie Raymond Carver. Người trong nhà gọi ông là Raymond, còn bạn bè thì gọi là C.R. Tôi tên Raymond Clevie Carver Trẻ. Tôi ghét cái chữ Trẻ này. Hồi nhỏ ba gọi tôi là Tí, nghe cũng hay. Nhưng rồi sau này, giống như những người khác trong nhà ông lại gọi tôi là Trẻ. Ông cứ gọi tôi như vậy cho đến khi tôi được mười ba, mười bốn tuổi tôi tuyên bố sẽ không thèm trả lời khi bị gọi như vậy. Thế là ba tôi bắt đầu gọi tôi là Bồ Tèo. Kể từ đó cho mãi đến khi ông mất, vào 17 tháng 6 năm 1967, ông chỉ gọi tôi là Bồ Tèo, hoặc Con mà thôi.
Khi ba mất, má gọi điện thoại báo tin cho vợ tôi. Khi ấy tôi không ở nhà, tôi vừa kiếm sống vừa ghi danh học ở Phân khoa Quản lý thư viện Trường Đại Học Iowa. Lúc vợ tôi bắt điện thoại má buột miệng: “Raymond mất rồi!” Lúc ấy, vợ tôi tưởng là má nói tôi mất. Đến khi má nói rõ là Raymond nào, vợ tôi mới nói: “Tạ ơn Chúa, con tưởng má nói đến Raymond của con.”
Năm 1934, từ Arkansas, ba tôi cuốc bộ, hoặc có khi đi quá giang xe, có lúc đeo theo những toa xe lửa chở hàng hoá bỏ trống để đến tiểu bang Washington kiếm việc. Không biết ông có đeo đuổi mộng ước nào khi bỏ nhà đi đến Washington hay không. Tôi không tin như vậy. Tôi nghĩ ông cũng chẳng có mộng ước gì. Chắc có lẽ ông chỉ muốn kiếm một công việc vững chắc và đồng lương kha khá. Công việc vững chắc quả là có ý nghĩa. Ông đi hái táo một dạo, sau đó kiếm được một chân phu xây cất cho đập thuỷ điện Grand Coulee. Kiếm được ít tiền ông mua một chiếc xe hơi lái về Arkansas giúp người nhà, ông bà nội tôi, thu xếp chuyển qua miền tây. Sau này, ông nói là ở bên đó họ sắp chết đói chớ chẳng phải là nói ví von. Trong khoảng thời gian ngắn lúc ông trở về Arkansas, ở một thị trấn tên là Leola, má gặp ba khi ông vừa bước ra khỏi quán rượu bên đường.
“Ổng say” má nói, “không hiểu sao má chịu đứng lại nói chuyện với ông ấy. Cặp mắt ổng sáng long lanh. Má ước chi lúc đó có được một quả cầu pha lê(1).” Trước đó khoảng chừng một năm, họ đã gặp nhau trong một buổi khiêu vũ. Má nói trước đó ba cũng đã có bạn gái rồi. “Ổng lúc nào cũng có bồ bịch, ngay cả sau khi đã cưới nhau. Ổng là người đầu tiên và cuối cùng của má. Không bao giờ má có người khác, má không cảm thấy thiếu gì hết.”
Hai người lấy nhau qua chứng của toà, ngay vào ngày họ đi Washington; một cô gái quê cao lớn và một anh nông phu chuyển nghề làm phu xây cất. Đêm tân hôn má cùng ba tôi cắm trại bên đường đi Arkansas cùng với người nhà của ông.
Ở Omak, tiểu bang Washington, ba má ở trong một cái nhà không lớn hơn một cái chòi. Ông bà nội tôi ở kế bên. Ba tôi vẫn làm ở đập thuỷ điện. Sau này bên những tuốc-bin phát điện khổng lồ và dòng nước bị dồn ngược về hướng Canada hàng trăm dặm, ông đứng lẫn trong đám đông nghe Franklin D. Roosevelt phát biểu ở công trình xây cất. “Ông ta chẳng nhắc gì đến những thằng đã chết vì xây cái đập đó,” ba tôi nói. Bạn của ông đã chết ở nơi đó, những người ấy đến từ tiểu bang Arkansas, Oklahoma, và Missouri.
Rồi ông kiếm được việc trong xưởng cưa ở Claskanie, tiểu bang Oregon, một thị trấn nhỏ bên bờ sông Columbia. Tôi sinh ra ở đó. Má có một tấm hình chụp ba đứng trước cổng xưởng cưa, hãnh diện ẵm tôi hướng mặt về phía ống kính. Cái mũ vải tôi đội lệch qua một bên và sắp tuột dây. Còn mũ của ông thì hất ngược về phía sau. Ông đang nhe răng ra cười. Lúc ấy ông sắp sửa đi vô xưởng hay vừa mới tan ca? Điều đó không quan trọng, chỉ biết là lúc ấy ông đang có việc làm và có một gia đình. Thời ấy là thời xuân trẻ của ông.
Năm 1941, chúng tôi dọn nhà đến Yakima, tiểu bang Washington. Ở đó ông kiếm được một chân thợ giũa lưỡi cưa, một nghề ông học được ở Claskanie. Khi chiến tranh nổ ra, ông được hoãn dịch vì nghề của ông được coi là thiết yếu cho cuộc chiến. Gỗ xẻ sẵn là món hàng nhu yếu cho công tác quốc phòng. Ông giũa những lưỡi cưa thật bén đến nỗi có thể cạo được lông măng trên cánh tay.
Khi ba tôi dọn đến Yakima, ông cũng kéo theo người nhà của ông đến ở cùng một khu phố. Vào khoảng giữa những năm 40 hết thảy những người trong gia đình của ba – các anh chị em, các ông anh em rể, kể cả chú bác, anh em họ, những đứa cháu, những người bà con xa, và cả bạn bè, đều đi ra khỏi tiểu bang Arkansas. Tất cả chỉ vì ba tôi là người đi đầu. Đàn ông thì làm việc ở Boise Cascade cùng chỗ với ba tôi, còn đàn bà thì xếp táo cho các hãng đóng hộp. Không bao lâu sau – theo như má tôi nói - mọi người đều khá hơn ba tôi. “Ba mày không biết giữ tiền,” má nói. “Tiền của ổng lúc nào cũng kiếm cách chòi ra khỏi túi, lúc nào ổng cũng lo chuyện bao đồng.”
Ở Yakima, tôi nhớ căn nhà đầu tiên mà chúng tôi ở, số 1515 hướng Nam đường Mười Lăm, có nhà vệ sinh ở bên ngoài. Vào những đêm lễ Ma (2), hay có thể là bất cứ đêm nào, những đứa trẻ hàng xóm chỉ chừng mươi, mười lăm tuổi, chúng thật quỉ quái, khiêng cái bồn cầu ra bỏ bên lề đường. Ba tôi phải nhờ người phụ khiêng vào lại. Có khi chúng bỏ vào sân sau nhà người khác. Có lần chúng nổi lửa đốt nó luôn. Nhưng nhà tôi không phải là nhà duy nhất trong vùng ấy có nhà vệ sinh ở bên ngoài. Khi tôi vừa đủ lớn để biết chuyện, tôi cũng hay ném đá vào nhà vệ sinh của người khác khi biết có người vào bên trong. Cái đó gọi là đánh bom nhà cầu. Thế rồi một khoảng thời gian sau đó mọi người đều gắn buồng vệ sinh bên trong nhà; và bỗng dưng nhà tôi trở thành ngôi nhà duy nhất trong khu phố có nhà vệ sinh bên ngoài. Tôi vẫn nhớ cái cảm giác xấu hổ khi thầy giáo lớp ba của tôi, ông Wise, một hôm tan trường đưa tôi về; tôi nói ông dừng xe ở ngôi nhà kế bên nhà tôi, nói với ông là tôi ở đó.
Tôi nhớ lại chuyện một hôm ba tôi về khuya, tối đó má khoá hết các cửa nhốt ông ở ngoài. Ông say. Chúng tôi cảm giác căn nhà rung lên khi ba lay cánh cửa. Rồi khi ông mở được một cửa sổ má cầm cái rổ sắt đập vào giữa tam tinh làm ông bật ngữa ra ngoài. Chúng tôi thấy ông nằm ngoài đó trên bãi cỏ. Nhiều năm sau này, tôi thường nhấc cái rổ sắt ấy lên – nó nặng như một cái chày cán bột, và tưởng tượng cảm giác khi bị đánh vào đầu bằng một vật như thế.
Vào khoảng thời gian này ba thường mang tôi vào phòng ngủ, đặt tôi ngồi trên giường, nói với tôi rằng tôi chắc phải đi để đến sống cùng cô LaVon một thời gian. Tôi không hiểu ra được là nếu đi như vậy tôi sẽ phải sống xa nhà. Nhưng chuyện này, cho dù là vì từ nguyên nhân gì, cũng trôi vào lãng quên, vì chúng tôi vẫn sống chung với nhau, và tôi không phải đi để đến sống cùng với bà cô ấy hay bất cứ một ai khác.
Tôi nhớ má hay đổ những chai uýt-ki của ba xuống bồn rửa chén. Có khi bà chỉ đổ hết cả chai, có khi sợ ba tôi bắt được bà chỉ đổ một nửa rồi rót nước lạnh vào lại cho đầy như cũ. Tôi có nếm thử rượu uýt-ki của ông một lần. Thứ rượu đó thật là kinh khủng, không hiểu sao lại có người có thể uống được thứ rượu như vậy.
Bẵng đi một thời gian dài, cuối cùng chúng tôi cũng có xe hơi, một chiếc xe Ford đời năm 1938, lúc ấy là vào khoảng năm 49 hay 50. Ngay tuần đầu nó đã gãy một thanh truyền động, và ba tôi phải đem cho người ta phục chế lại cỗ máy.
“Chiếc xe nhà mình cũ nhất thị trấn này đó” má nói. “Mình có thể mua được một chiếc Cadilac với số tiền ổng bỏ ra sửa xe.” Có lần bà lượm được một thỏi son cùng với một chiếc khăn tay thêu ren. “Thấy không?” má nói với tôi. “Cái đồ mạt hạng nào đó bỏ thứ này lại trên xe.”
Một lần tôi thấy má đem một xoong nước ấm vào buồng lúc ba tôi đang ngủ. Bà kéo tay ông ra khỏi chăn và nhúng vào xoong nước. Tôi đứng ở ngưỡng cửa mà nhìn, thắc mắc không biết chuyện gì xảy ra. Má nói để ông nói mớ trong khi ngủ. Có những chuyện mà bà muốn biết, có những chuyện bà nghĩ ba giấu không nói ra.
Hồi tôi còn nhỏ, hầu như mỗi năm nhà tôi đều đón xe khách, hãng North Coast Limited, từ Yakima băng qua rặng Cascade đến Seattle. Chúng tôi ở trọ khách sạn Vance và, tôi còn nhớ, chúng tôi đi ăn ở Dinner Bell Café. Có lần chúng tôi đến “Bãi Nghêu của Ivar’s” và uống súp nghêu đựng trong ly.
Năm 1956, năm tôi tốt nghiệp trung học, ba nghỉ việc hãng cưa ở Yakima, kiếm một chỗ làm khác ở Chester, một thị trấn nhỏ chuyên cưa xẻ gỗ ở Bắc California. Lý do đổi việc ông nêu ra lúc ấy là vì tiền lương trả cao hơn và lời hứa mơ hồ là ông có thể, sau vài năm, thăng lên làm trưởng toán thợ giũa cưa trong xưởng.Nhưng tôi nghĩ lý do chính là vì ông trở nên háo động và chỉ muốn thử may mắn ở một nơi khác. Công việc ở Yakima đã trở nên quá nhàm đối ông. Hơn nữa, năm trước đó, cả hai người, ông nội và bà nội tôi đều mất chỉ cách nhau sáu tháng.
Nhưng chỉ vài ngày sau lễ tốt nghiệp, khi tôi và má còn đang bận dọn đồ chuyển tới Chester, ba gửi thơ đến nói là ông đã bị bệnh một khoảng thời gian rồi. Ba nói chúng tôi đừng lo lắng, mặc dầu ông bị lưỡi cưa cắt nhằm. Có thể một mảnh phôi thép nằm trong máu. Ông nói là dù sao thì cũng có chuyện gì đó xảy ra, và ông phải nghỉ việc. Cùng với bức thơ là một tấm bưu thiếp không ký tên người gửi của một ai đó ở dưới ấy nói rằng ba sắp chết và ông uống “uýt-ki nguyên chất.”
Rồi chúng tôi đến Chester; căn nhà ba ở là một cái nhà hộp lưu động của công ty. Thoạt nhìn ba tôi không nhận ra ông. Có lẽ trong thâm tâm lúc ấy tôi không muốn nhìn thấy ông như vậy. Người ông gầy và xanh, trông thật bơ phờ. Chiếc quần ông mặc thì xệ xuống. Ông không còn giống như ba tôi ngày nào. Má khóc. Ông đưa tay ôm má, bàn tay ơ hờ vỗ trên vai, như thể ông cũng không hiểu là có chuyện gì đã xảy ra. Cả ba chúng tôi sắp xếp ở chung trong cái nhà hộp lưu động đó; và chúng tôi cố hết sức chăm sóc ông. Nhưng bệnh của ba tôi không khá hơn. Tôi làm chung xưởng cưa với ba, cả mùa hè và một phần mùa thu năm ấy. Buổi sáng chúng tôi dậy ăn sáng với bánh mì nướng và trứng, nghe đài phát thanh, rồi mang theo hộp đồ ăn trưa đi làm. Tám giờ sáng chúng tôi vào cổng xưởng cưa và mãi đến giờ tan việc mới gặp lại. Tháng mười một tôi trở lại Yakima để có thể gần với bạn gái, cô bạn mà tôi quyết định sẽ lấy làm vợ.
Ở Chester, ba làm việc ở xưởng cưa đó đến tháng Hai năm sau. Ông bị ngất trong xưởng và người ta đưa ông tới bệnh viện. Má gọi tôi xuống phụ. Tôi đón xe đò từ Yakima đến Chester, tính sẽ lái xe đưa họ về Yakima. Lúc ấy thêm vào căn bệnh ở thể xác ba còn bị suy sụp thần kinh. Nhưng lúc đó không ai trong chúng tôi biết gọi như vậy. Suốt cả quảng đường trở về Yakima, ông không nói tiếng nào, ngay cả khi hỏi ông những câu hỏi đơn giản. ( “Ông thấy sao, Raymond?”, “Ba khoẻ không ba?”). Ông có trao đổi, nếu quả là có trao đổi, bằng cách lắc đầu hay lật ngữa bàn tay như thể ông không biết hay không chú tâm tới. Một câu duy nhất ông nói trong chuyến đi ấy, và cả tháng sau nữa, là lúc tôi chạy quá trớn qua con đường rải đá ở Oregon làm ống khói bị sút ra. “Tại chạy nhanh quá đó,” ông nói.
Về đến Yakima, một bác sĩ nhận ra ba tôi cần phải đi bác sĩ tâm thần. Ba má tôi phải nhờ đến trợ cấp, người ta gọi như vậy, để quận hạt trả tiền cho bác sĩ tâm thần. Bác sĩ tâm thần hỏi ba: “ Ai là Tổng thống?” Câu hỏi bác sĩ đặt ra là để ông có thể trả lời được. Ba tôi đáp: “Ike.” Rốt cuộc người ta chuyển ông lên tầng thứ năm ở bệnh viện Valley Memorial và chữa ông bằng cách cho chạy điện. Tôi lấy vợ sau đó và lo tạo dựng tổ ấm của mình. Ba vẫn bị nhốt ở bệnh viện khi vợ tôi sinh con đầu lòng ở tầng kế dưới đó. Sau khi vợ tôi sinh, tôi lên tầng trên báo tin cho ba biết. Người ta dẫn tôi đi qua một cánh cửa thép và chỉ cho phải tìm ba ở đâu. Ông ngồi trên chiếc ghế dài với một cái chăn phủ trên đùi. Chao ôi, tôi nói thầm, Ba bị cái quái quỉ gì vậy? Tôi ngồi xuống bên cạnh ba, nói là ba làm ông nội rồi. Ông ngập ngừng một lát rồi mới nói: “Ba có cảm giác mình làm ông rồi.” Ông chỉ nói thế, không cười, không cử động. Ông ở trong một phòng lớn với rất nhiều người khác. Rồi tôi ôm ông, và ông khóc.
Vậy rồi ông cũng ra khỏi nơi đó. Nhưng kế đó là những năm tháng ông không thể làm việc. Ông chỉ ngồi mãi trong nhà cố nghĩ ra chuyện gì sắp xảy đến và nghĩ ông đã làm gì sai để rồi kết cuộc tự trói mình lại như vậy. Má phải đi kiếm làm những công việc vặt vãnh hết việc nọ tới việc kia. Mãi về sau này, má nhắc đến khoảng thời gian ba ở bệnh viện, và những năm kế đó, là thời gian “Raymond bị bệnh.” Chữ bệnh kể từ đó đối với tôi không còn giống như trước nữa.
Năm 1964, nhờ một người bạn giúp đỡ, ông may mắn được nhận vào làm ở một xưởng cưa tại Yakima. Ông đi xuống đó một mình, thử xem có thể chen chân với người được không. Nơi ông ở không xa xưởng mấy, chỉ là một cái chòi gỗ một gian; không khác gì hơn nơi mà ngày xưa ông và má khởi đầu lập nghiệp khi hai người mới chuyển sang miền tây. Ông nguệch ngoạc viết thư cho má; khi tôi gọi điện cho má, bà thường đọc cho tôi nghe những bức thơ ấy. Trong thư ông nói công việc hãy còn chưa chắc hẳn. Nhưng mỗi ngày ông được đến sở làm là mỗi một ngày ông cảm thấy có ý nghĩa nhất trong cuộc đời, và ông nói, qua từng ngày càng lúc càng dễ dàng hơn. Ông bảo má nhắn giùm ông lời thăm tôi. Ông nói khi ông không ngủ được ông nghĩ đến tôi, đến thời gian hạnh phúc khi có tôi bên cạnh. Cuối cùng sau một đôi tháng, ông lấy lại được niềm tự tin. Ông có thể theo kịp công việc và không còn lo nghĩ là sẽ làm người khác thất vọng. Khi việc đã chắc chắn rồi, ông mới gọi má xuống.
Ông không đi làm trong sáu năm trời, mọi thứ đều mất hết cả - nhà, xe hơi, đồ đạc, vật dụng, cả luôn chiếc tủ đông lạnh mà má tôi thích và hãnh điện vì có nó. Tên ông cũng bị xấu đi – Raymond Carver là người không trả nổi hoá đơn hàng tháng - cả lòng tự tin cũng mất. Ông mất luôn phong độ của người đàn ông. Má kể cho vợ tôi: “ Thời gian Raymand bị bệnh, cả hai tuy là ngủ chung giường nhưng không có đi lại với nhau gì hết. Có đôi lần ổng muốn, nhưng rồi không có gì xẩy ra. Má không cảm thấy thiếu, nhưng má biết ổng muốn, con biết đó.”
Những năm đó tôi lo cho gia đình của tôi và kiếm sống. Hết việc này đến việc khác, chúng tôi phải chuyển chỗ ở luôn. Tôi không còn thể chú ý theo dõi đến cuộc sống ba tôi nữa. Nhưng có một lần vào một Giáng Sinh nọ tôi nói với ba là tôi muốn trở thành một nhà văn. Lẽ ra tôi nên nói là tôi muốn làm bác sĩ giải phẩu thẩm mỹ. “ Con viết về cái gì?” Ông muốn biết. Rồi như thể muốn giúp tôi. Ông bảo, “Viết về cái gì con biết. Viết về những chuyến đi câu của chúng ta.” Tôi nói là tôi sẽ viết, nhưng tôi biết là tôi không viết được. “ Gởi cho ba xem những gì con viết,” ông bảo. Tôi nói tôi gởi nhưng rồi lại không. Tôi không hề viết gì về chuyện đi câu, và tôi nghĩ là ông cũng không quan tâm đến hay cần phải hiểu những gì tôi viết vào lúc ấy. Hơn nữa ông cũng không là độc giả, loại độc giả mà dù bằng cách nào tôi cũng không hề nhắm đến khi viết.
Rồi ông mất. Tôi ở mãi tận thành phố Iowa, với những điều còn muốn nói với ông. Tôi không có cả cơ hội nói với ông lời cuối, hay nói rằng ông đã làm thật tuyệt vời với công việc mới. Rằng tôi rất hãnh diện vì ông đã trở lại như xưa.
Má nói tối đó đi làm về ông ăn bửa tối thật nhiều. Rồi một mình ngồi bên bàn ông uống cạn số rượu còn lại trong một chai uýt-ki đã khui dở. Chai rượu ấy một hai hôm sau má tìm thấy ở đáy thùng rác dưới đám bã cà phê. Uống xong ông đi ngủ. Má cũng ngủ cùng với ông sau đó. Đang đêm, bà phải thức dậy ra ghế dài mà nằm. “Ổng ngáy lớn quá không ngủ được,” má nói. Sáng hôm sau má vào xem, thấy ông nằm ngữa, miệng há ra, hai má trũng vào. Trông tái ngắt, bà nói. Bà biết ông chết rồi – bà không cần bác sĩ nói mới biết. Nhưng bà vẫn gọi bác sĩ, và rồi gọi cho vợ tôi.
Trong đám hình mà má tôi còn giữ, chụp ba và má vào những ngày đầu khi họ đến Washington, có tấm chụp ba đứng trước một chiếc xe hơi, tay cầm chai bia và một xâu cá măng. Trong bức hình, ba đội chiếc mũ hất ngược sau trán, và đang nhe răng cười ngờ nghệch. Tôi hỏi xin má bức hình ấy. Má đưa cho tôi cùng với vài bức khác. Tôi treo bức hình trên tường, mỗi lần dọn nhà tôi lại mang nó theo và treo lên lại trên tường nhà mới. Thỉnh thoảng tôi lại ngắm bức hình thật kỹ, cố tìm hiểu điều gì đó về ba tôi, hay có thể là chính tôi trong lúc ấy. Nhưng không, ba tôi cứ mãi lui dần và rời xa tôi, rồi khuất vào dĩ vãng. Cuối cùng trong một chuyến dọn nhà, tôi đánh mất bức hình. Rồi tôi cố gợi nhớ lại nó, và cùng lúc định nói đôi lời về ba tôi, về những điều tôi nghĩ là chúng tôi giống nhau ở những điểm quan trọng. Tôi viết bài thơ khi tôi ở một chung cư trong khu đô thị ở San Fransico. Lúc ấy, giống như ba tôi, tôi cũng bị rượu làm khổ. Bài thơ như một một mối dây giao cảm với ông.
Bức ảnh ba tôi khi ông hai mươi hai tuổi
Tháng Mười, trong một căn bếp rét mướt xa lạ
Tôi suy ngẫm khuôn mặt ba tôi, với vẻ ngượng ngùng trai trẻ.
Nhe răng cười ngờ nghệch như một nàng cừu,
Một tay xách xâu cá măng, và tay kia
một chai bia Carlsbad.
Với quần jean và áo vải, ông tựa
vào cảng chiếc xe Ford đời 1934.
Ba đứng như một mẫu người thẳng thắn táo bạo cho kẻ hậu duệ,
Với chiếc mũ hếch ngược trên đôi tai.
Cả đời ba chỉ muốn làm một người kiên cường.
Nhưng cặp mắt đã phản bội, và cánh tay
yếu ớt dơ xâu cá măng chết
và chai bia. Ba ơi, con yêu ba,
nhưng làm sao con cám ơn ba, khi con cũng chẳng cầm nổi ly rượu của mình,
và không biết cả nơi nào để thả dây câu.
Những sự kiện trong bài thơ là sự thật, ngoại trừ một điểm là ba tôi mất vào tháng Sáu không phải tháng Mười, như ở đầu của bài thơ. Tôi muốn từ ấy có âm vận dài hơn, để tạo cảm giác day dứt một ít (3). Hơn nữa, tôi muốn một cái tháng thích hợp với cảm giác lúc viết bài thơ trên – cái tháng ngày ngắn mà ánh sáng nhạt nhoà, khói đọng trong không gian, vật thể rũ mục. Tháng Sáu đêm và ngày là mùa hạ, là lễ tốt nghiệp, là kỹ niệm ngày cưới, là sinh nhật của một trong những đứa con. Tháng Sáu không thể là tháng mà ba mất.
Sau lễ viếng ở nhà quàn, khi chúng tôi ra bên ngoài, một người đàn bà không quen biết đến nói với tôi: “ Giờ đây ông ấy đang ở một nơi hạnh phúc hơn.” Tôi giương mắt nhìn bà cho đến khi bà bỏ đi. Tôi vẫn nhớ cái núm nhỏ trên chiếc mũ bà ấy đội. Rồi một người anh em họ của ba – tôi không biết tên ông ta - đến bắt tay tôi. “Tất cả chúng ta đều nhớ đến ông ấy,” ông nói, và tôi biết lời ông nói không chỉ là lời xã giao.
Tôi khóc. Đó là lần đầu tiên kể từ khi tôi nhận được tin ba tôi mất. Trước đó tôi không khóc được. Cũng có thể là vì tôi không có thời gian. Giờ đây, đột nhiên tôi không cầm lại được. Tôi vịn vào vợ tôi và khóc. Vợ tôi cố tìm mọi cách an ủi tôi. Chúng tôi đứng đó vào nửa buổi xế chiều của một ngày mùa hạ.
Tôi lắng nghe những lời chia buồn người ta nói với má. Tôi vui vì bà con của ba đã tụ hội, đã đến với ba. Tôi nghĩ tôi sẽ nhớ những gì đã nói và đã làm ngày hôm ấy, và có thể sẽ tìm cách kể lại sau này. Nhưng rồi không. Tôi quên hết cả, hay gần như vậy. Điều tôi nhớ được là tên của chúng tôi được nhắc đến thật nhiều vào chiều hôm ấy, tên của ba và tên của tôi. Nhưng tôi biết họ nói đến ba. Raymond, những người đó cứ nói mãi với âm giọng tươi đẹp của họ thời tôi còn niên thiếu. Raymond.
Trương Củng chuyển ngữ từ nguyên tác tiếng Anh "My Father s Life"
______________________
1) Cầu pha lê, crystal ball, dùng để xem bói biết được tương lai.
2) Là lễ Halloween, tạm dịch theo cách gọi của người Việt ở Bắc Mỹ. Đêm trước ngày các thánh lên chầu trời, trần thế không ai cai quản, nên ma quỉ hiện lên quậy phá. Ngày các thánh là 1 tháng Mười Một, Ngày Halloween là 31 tháng Mười.
3) October, tháng Mười, có 3 vần (syllables) trong khi June, tháng Sáu chỉ có một. Tiếng Việt khó chuyển được cách chơi chữ này. Rất may là chữ Mười có nguyên âm kép dài hơn Sáu, nên gượng dịch như vậy.