Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Trung Hoa >> Hàn Phi Tử

  Cùng một tác giả
Không có truyện nào


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 40134 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Hàn Phi Tử
Nguyễn Hiến Lê & Giản Chi

PHẦN V

Như đã nói trong phần II, chúng tôi chỉ dịch những thiên chắc chắn của Hàn Phi viết, không chia thành quyển và không theo thứ tự trong các bản cổ, cứ thiên nào quan trọng thì chúng tôi đưa lên trên.


  
 
THIÊN L


HIỂN HỌC


(CÁC HỌC THUYẾT DANH TIẾNG
[1])


Các học thuyết danh tiếng nhất trong đời là Nho và Mặc. Đạt tới mức cao nhất của Nho là Khổng Khâu, của Mặc là Mặc Địch. Sau khi Khổng Tử mất, có phái Nho của Tử Trương, phái Nho của Tử Tư, các phái Nho của họ Nhan, họ Mạnh, họ Tất Điêu, họ Trọng Lương, họ Tôn, họ Nhạc Chính[2]. Sau khi Mặc Tử mất, có các phái Mặc của họ Tương Lí, Tương Phu, họ Đặng Lăng[3]. Như vậy là sau Khổng Tử và Mặc Tử, Nho chia làm tám phái, Mặc tách làm 3 phái, chủ trương trái nhau, khác nhau mà đều tự cho là chân truyền của Khổng, Mặc. Khổng Tử và Mặc Tử đã không thể sống lại thì ai là người quyết định được học phái nào là chân chính cho đời?[4] Khổng Tử và Mặc Tử đều xưng tụng Nghiêu, Thuấn mà chủ trương khác nhau và đều tự cho là chân truyền của Nghiêu, Thuấn. Nghiêu, Thuấn đã không thể sống lại thì ai là người quyết định được học thuyết nào mới thực là của Nghiêu Thuấn? Đời Ngu và đời Hạ dài trên 700 năm, đời Ân và Chu dài trên 2000 năm,[5] mà còn không quyết định được Nho hay Mặc là chân chính; nay muốn khảo sát đạo cách đây 3000 năm của Nghiêu, Thuấn thì cơ hồ không sao xác định được! Không tham nghiệm được mà cứ xác định thì là ngu; không xác định được mà làm dùng làm chứng cứ thì là lừa gạt người ta. Vậy cứ căn cứ vào các tiên vương mà theo đạo Nghiêu, Thuấn, nếu không phải là ngu, cũng là lừa gạt thiên hạ. Cái học ngu và gạt người ấy, hỗn tạp và mâu thuẫn[6] ấy bậc minh chủ không chấp thuận.


Lễ chôn cất của phái Mặc, mùa đông thì mặc y phục mùa đông, mùa hè mặc y phục mùa hè, áo quan làm bằng gỗ cây đồng, dày ba tấc, để tang ba tháng; các vua chúa đời nay khen là tiết kiệm và tôn trọng (phái Mặc). Phái Nho phá sản vào việc chôn cất, không có tiền thì đi vay rồi đợ con trừ nợ, để tang ba năm, thân hình tiều tụy phải chống gậy mới đi được, các vua chúa đời nay khen là nhân hiếu, và tôn trọng (phái Nho). Nhưng nếu khen Mặc là tiết kiệm thì tất phải chê Nho là xa xỉ; khen Khổng Tử là hiếu thì phải chê Mặc Tử là có tội. Nho với Mặc, có hiếu với có tội, xa xỉ với tiết kiệm, (trái ngược nhau như vậy), mà các bậc vua chua lại tôn trọng cả hai! Họ Tất Điêu chủ trương (trước sự nguy hiểm) không được biến sắc, chớp mắt (nghĩa là không tỏ vẻ sợ sệt); mình làm bậy thì dù là bọn nô tì mình cũng phải nhường, mình chính trực thì dù trước các vua chư hầu mình cũng dám nổi giận; các vua chúa đời nay cho là cương trực[7] nên tôn trọng. Tống Vinh Tử[8] chủ trương không tranh đấu, không trả thù, không cho bị tù tội là xấu hổ, không cho bị người ta khinh là nhục, các bậc vua chúa cho là khoan dung, nên tôn trọng. Nhưng nếu khen sự cương trực của Tất Điêu là phải thì phải chê sự khoan thứ của Tống Vinh là sai; mà nếu khen sự khoan thứ của Tống Vinh là phải thì phải chê sự táo bạo của Tất Điêu là trái. Hai ông ấy (trái nhau như vậy) khoan dung với cương trực, nhân thứ với táo bạo, mà các bậc vua chúa lại tôn trọng cả hai! Cái học ngu và lừa gạt, các lời tranh luận hỗn tạp và mâu thuẫn đó, các bậc vua chúa đều tin cả, cho nên kẻ sĩ trong thiên hạ, bàn luận không biết lấy gì làm tiêu chuẩn, hành động không có chủ trương nhất định. Nước đá và than (hồng) không thể đựng chung với nhau lâu được, nóng và lạnh không thể cùng tới một lúc; cái học hỗn tạp, mâu thuẫn không thể lưỡng lập mà không loạn. Nay cùng nghe theo những cái học hỗn tạp, cùng làm theo những lời mâu thuẫn nhau thì làm sao khỏi loạn cho được? Nghe và làm như vậy thì trong việc trị nước, kết quả tất cũng phải như vậy.


*
Đa số học giả đời nay nói đến việc trị nước đều bảo: “Cấp đất cho người nghèo, cho người không có tư sản được đủ ăn”. Nay có người cũng như những người khác, không trúng mùa, không có nguồn lợi nào khác mà riêng được dư ăn, thì nếu không phải nhờ siêng năng, tất là nhờ tiết kiệm. Lại có những người như những người khác, không gặp năm đói kém, không bị tật bệnh, tội lỗi gì mà riêng cùng khốn, thì nếu không phải là do xa xỉ, tất là do biếng nhác. Xa xỉ và biếng nhác thì nghèo, siêng năng và tiết kiệm thì giàu. Nay bậc vua chúa thu thuế của người giàu để bố thí cho người nghèo, thế là cướp của người siêng năng và tiết kiệm để phát cho kẻ xa xỉ, biếng nhác, như vậy mà muốn cho dân gắng sức làm lụng, tiêu pha bớt đi thì không thể được.


*
Nay có người chủ trương không vô thành bị nguy, không vô quân đội, không chịu đổi một sợi lông chân lấy cái lợi lớn là có cả thiên hạ[9] mà bậc vua chúa đời này lại tôn kính, trọng cái trí, đề cao cái đức của họ, khen là kẻ sĩ khinh ngoại vật, trọng đường sinh. Bậc vua chúa để sẵn ruộng tốt, nhà to, đặt ra quan tước bổng lộc, là để cho dân đem cái chết vì mệnh lệnh đổi lấy những cái đó; nay lại tôn kính kẻ sĩ khinh ngoại vật trọng đường sinh, mà muốn dân hi sinh cho vua chúa, thì không thể được. Thu chứa sách cho nhiều, tập tành đàm luận, tụ họp đồ đảng, nghiên cứu văn học và biện luận, mà bậc vua chúa đời nay lại tôn kính, bảo: “Trọng hiền sĩ là đạo của tiên vương”. Nhưng quan lại đánh thuế là đánh vào nông dân, mà vua chúa nuôi là nuôi kẻ học sĩ. Nông dân phải nộp thuế nặng, mà kẻ học sĩ thì được thưởng nhiều, như vậy mà muốn cho dân gắng sức làm lụng và bớt bàn luận thì không thể được. Lập tiết tháo, gây danh tiếng, giữ nghĩa khí không để cho ai xâm phạm, lời oán trách mà tới tai là rút kiếm ra đuổi theo, mà bậc vua chúa đời nay lại tôn kính, khen kẻ sĩ biết trọng danh dự. Người có công chém đầu giặc (cho nước) thì không thưởng mà kẻ dũng cảm chiến đấu cho mình thì được vinh hiển, như vậy mà muốn cho dân hăng chiến đấu, cự với địch, không đấu tranh riêng cho mình, thì không thể được. Thời bình thì nuôi nho sĩ và hiệp khách, tới thời loạn nạn thì dùng kẻ sĩ mang khí giới, thế là kẻ được nuôi không phải là kẻ cần dùng, mà kẻ cần dùng tới lại không được nuôi, loạn do đó mà ra. Vả lại bậc vua chúa nghe các học giả, nếu cho lời họ là phải thì nên bổ nhiệm họ làm quan mà dùng họ, nếu cho lời là trái thì nên đuổi họ đi để trừ mầm loạn. Nay cho lời họ là phải mà không bổ nhiệm họ, cho lời họ là trái mà không trừ mầm loạn. Cái phải không được dùng, cái trái không bị trừ, suy vong do đó mà ra.


*
Đạm Đài Tử Vũ[10] có dong mạo người quân tử, Trọng Ni cơ hồ vừa ý nên thu nhận, nhưng ở lâu rồi mới thấy hành vi ông ta không đúng với dong mạo. Tế Dư[11] có lời nói văn nhã, Trọng Ni cơ hồ vừa ý nên thu nhận, nhưng ở lâu rồi mới thấy trí năng không phù hợp với lời biện luận. Cho nên Khổng Tử bảo: “Coi dong mạo mà chọn người, ta đã lầm về Tử Vũ; nghe lời nói mà chọn người, ta đã lầm về Tế Dư[12]. Sáng suốt như Trọng Ni mà còn than rằng đã xét lầm. Bọn biện sĩ mới[13] ngày nay còn lém hơn Tế Dư nữa mà bậc vua chúa lại mê muội hơn Trọng Ni, nghe họ nói mà bùi tai là bổ nhiệm họ làm quan, thì làm sao khỏi lầm lẫn được! Vì vậy, vua Ngụy nghe Mạnh Mão biện thuyết mà bổ nhiệm ông ta, nên bị cái họa ở chân núi Hoa;[14] vua Triệu nghe Mã Phục biện thuyết mà bổ nhiệm ông ta, nên bị cái họa Trường Bình.[15] Hai việc đó đều là lầm lẫn vì nghe lời biện thuyết mà bổ nhiệm. Xem đúc thiếc (để làm kiếm) mà chỉ căn cứ vào màu xanh màu vàng của ánh lửa thì dù là Âu Dã[16] cũng không quyết định được kiếm tốt xấu ra sao; nhưng nếu thử đâm con ngỗng trời ở dưới nước, chém con ngựa tơ ở trên cạn, thì bọn nô bộc cũng biết được kiếm sắc hay nhụt. Chỉ vạch mồm coi răng, và nhìn hình dáng thì Bá Lạc[17] cũng không quyết định được giá trị con ngựa, nhưng nếu cho ngựa kéo xe, xem nó chạy hết con đường thì bọn nô bộc cũng biết được ngựa tốt hay không; Nhìn dong mạo, y phục, nghe lời nói một kẻ sĩ thì Trọng Ni cũng không quyết định được kẻ đó trí tuệ ra sao, nhưng nếu thử bổ nhiệm, rồi xét thành tích, thì người thường cũng biết rõ được kẻ đó ngu hay khôn. Cho nên quan lại của vua chúa, thì tể tướng phải bắt đầu từ một chức ở châu quận, mà tướng soái phải bắt đầu từ chân lính trơn.[18] Ai có công thì tất được thưởng, như vậy tước càng cao, lộc càng hậu, thì càng phấn khởi; cấp bực cứ tuần tự mà lên thì chức càng lớn, càng có tài cai trị. Tước cao, lộc hậu mà quan chức giỏi cai trị, đó là cái đạo để lập được nghiệp vương.


*


(Một nước) có một ngàn dặm đá tảng, không gọi là giàu được; có một trăm vạn hình nộm không gọi là mạnh được. Đá không phải là không lớn, hình không phải là không đông, nhưng không gọi được là giàu mạnh vì đá không sản xuất được lúa, hình nộm không dùng để cự địch được. Nay bọn thương nhân[19] và công nhân cũng không cày cấy mà có ăn, (không cày cấy tức là) đất không được khai khẩn, (không sản xuất được lúa), như vậy không khác gì hình nộm. Biết rằng đá tảng và hình nộm vô dụng, mà không biết rằng thương nhân, nho sĩ và hiệp sĩ là thứ đất không khai khẩn, thứ dân không dùng được, như vậy là không biết những thứ cùng một loại.


*


Vua các nước ngang sức với ta tuy thích chính sách của ta, ta cũng không thể bắt họ nộp cống, làm bề tôi của ta; các tước hầu trong nước (không có nước riêng) tuy chê hành động của ta, nhưng ta có thể bắt họ cầm chim[20] mà triều cống ta. Như vậy là ta mạnh thì người triều phục ta, ta yếu thì phải triều phục người, cho nên bậc minh quân chỉ cần sao cho được mạnh. Nhà nghiêm thì không có đầy tớ ngỗ nghịch, còn mẹ hiền thì con hư. Do đó tôi biết rằng uy thế có thể cấm được sự hung bạo, mà đức dày không đủ để ngăn loạn. Bậc Thánh nhân trị nước, không trông mong gì dân làm điều thiện,[21] chỉ cốt sao cho dân đừng làm bậy. Trông mong dân làm điều thiện thì khắp nước không tìm được mười người, cốt sao cho dân đừng làm bậy thì khắp nước có thể đều không làm bậy. Người trị nước dùng chính sách nào thích hợp với đại chúng mà bỏ chính sách nào chỉ thích hợp với một số ít người, cho nên không vụ đức mà chỉ vụ pháp luật. Nếu cứ mong có được một cây tên tự nó đã thẳng sẵn rồi thì cả trăm đời cũng không có được một cây; nếu cứ mong có được một khúc cây tự nó tròn sẵn rồi thì ngàn đời cũng không có được một cái bánh xe. Cây tên tự nó thẳng sẵn, khúc cây tự nó tròn sẵn, trăm đời không có một; vậy mà người đời vẫn ngồi xe, vẫn bắn chim là nhờ đâu? Nhờ biết cách luộc rồi uốn lại.[22] Dù không phải dùng cách đó mà cũng có được cây tên tự nhiên thẳng, khúc cây tự nhiên tròn thì người thợ khéo cũng không quí. Tại sao vậy? Tại không phải chỉ có một người ngồi xe và người bắn tên không phải chỉ bắn một phát. Dù không phải dùng thưởng phạt mà có được người dân tự làm điều thiện thì bậc minh quân cũng không quí. Tại sao vậy? Tại phép nước không thể mất, mà số dân cần trị không phải chỉ có một người. Cho nên bậc vua chúa biết dùng thuật không tuỳ theo cái thiện ngẫu nhiên (khai hoá bằng đức) mà thi hành cái đạo tất nhiên (cai trị bằng pháp).


*


Nay có kẻ bảo: “Tôi có thể làm cho ông nhất định sẽ thông minh và sống lâu”, thì người đời sẽ cho kẻ ấy là điên. Thông minh là bẩm sinh mà sống lâu là số mạng. Bẩm sinh và số mạng là cái không thể học được. Kẻ kia đem cái không thể học được mà hứa với người, cho nên người ta cho là điên. Hứa với người điều mình không thể làm được, như vậy là dua nịnh. Đem nhân nghĩa ra dạy người, cũng không khác gì hứa làm cho người hoá thông minh và sống lâu, bậc vua chúa có pháp độ không chấp nhận điều đó. Khen Mao Tường, Tây Thi là đẹp, có ích gì cho mặt của mình đâu; dùng son, phấn, dầu, thuốc màu đen[23] (mà tô điểm) thì mặt mới đẹp gấp bội. Khen tiên vương là nhân nghĩa, có ích gì cho việc trị nước đâu; làm sáng pháp độ (phép tắc) thưởng phạt cho đúng và nghiêm, đó mới là thứ sơn, phấn, dầu, thuốc màu đen của quốc gia. Cho nên bậc minh chủ gấp lo việc có kết quả (tức pháp độ, thưởng phạt) mà hoãn cái chuyện ca tụng (tiên vương) lại. Vì vậy mà không nói đến nhân nghĩa.


*


Bọn thầy cúng, cô đồng bảo một người: “Tôi sẽ cầu cho ông sống ngàn năm, vạn tuổi”. Những tiếng ngàn năm vạn tuổi loạn cả tai người đó mà không có gì chứng tỏ rằng người đó thọ thêm được một ngày, vì vậy mà người ta khinh bọn thầy cúng, cô đồng. Ngày nay bọn nho sĩ thuyết các vua chúa thì không chỉ cách thời nay phải trị nước ra sao mà cứ kể cái kết quả trị nước của thời xưa, không xét cách trị dân của quan lại[24] cùng lòng dạ kẻ gian tà, mà chỉ kể những lời khen đời thượng cổ truyền lại, cùng sự nghiệp của tiên vương. Họ huênh hoang: “Cứ nghe lời tôi thì sẽ lập được nghiệp bá vương”; họ chính là hạng thầy cúng, cô đồng trong giới du thuyết đấy; bậc vua chúa có pháp độ không dùng họ. Bậc minh chủ vụ cái thiết thực, bỏ cái vô dụng, không giảng thuyết nhân nghĩa, không nghe lời nói của bọn học giả.


*
Bọn không biết trị nước ngày nay nhất định bảo: “Cần được lòng dân”. Nếu chỉ được lòng dân là nước được trị, thì còn cần dùng gì đến Y Doãn,[25] Quản Trọng nữa, cứ nghe lời dân là đủ rồi. Nhưng cái trí của dân không dùng được, cũng như cái lòng của trẻ con vậy. Một đứa trẻ đau ở đầu, không cạo đầu nó thì nó đau thêm, không nặn mụn nhọt thì mụn nhọt càng ngày càng tấy lên. Muốn cạo đầu, cắt mụn nhọt thì một người phải ghì nó để cho mẹ hiền của nó làm những việc ấy. Như vậy mà nó còn gào khóc không ngừng vì nó không biết phải chịu đau một chút rồi mới được cái lợi lớn (là hết bệnh). Nay bậc vua chúa gấp vỡ đất, cày ruộng để dân có thêm tài sản, mà dân oán là tàn khốc, sửa hình phạt và trừng phạt nặng, để ngăn cấm bọn gian tà, mà dân oán là nghiêm khắc; thu thuế bằng tiền gạo để cho kho lẫm được đầy, hầu cứu tế khi đói kém, cung cấp cho quân đội, mà dân oán là tham lam (…)[26] gom sức lại đánh cho mạnh để bắt giặc mà dân oán là bạo ngược. Bốn việc đó là để trị an mà dân không biết mừng. Sở dĩ vua chúa cầu bậc sĩ thánh trí, thông đạt là vì dân trí không đủ cho mình theo được. Ngày xưa ông Vũ khơi sông (Dương Tử), đào sông (Hoàng Hà) mà dân gom ngói và đá (tính ném ông); Tử Sản vỡ đất trồng dâu, mà người nước Trịnh chê bai. Ông Vũ làm lợi cho thiên hạ, ông Tử Sản bảo tồn được nước Trịnh mà đều bị huỷ báng, như vậy dân trí có thể dùng được không, là điều ta thấy rõ rồi.[27] Làm chính trị mà mong vừa lòng dân, đều là mối loạn, không thể theo chính sách đó mà trị nước được.

Chú thích:
[1] Trần Khải Thiên giảng là các học thuyết chủ yếu (dominant schools)

[2] Tử Trương và Tử Tư đều là học trò Khổng Tử - Họ Nhan đây không chắc là Nhan Hồi vì học trò Khổng Tử có 8 người họ Nhan, mà Nhan Hồi chết sớm khi Khổng Tử còn sống. - Họ Mạnh là Mạnh Tử; họ Tất Điêu là Tất Điêu Khai; họ Trọng Lương là Trọng Lương Hoài; họ Tôn có thể là Công Tôn Sửu, cũng có thể là Tôn Khanh, tức Tuân Khanh (Tuân Tử); họ Nhạc Chính là Nhạc Chính Tử, học trò Khổng Tử. Chúng ta chỉ cần biết Tất Điêu Khai, Trọng Lương Hoài đều là học trò mấy đời sau của Khổng Tử.

[3] Tương Lí là Tương Lí Cần; Tương Phu và Đặng Lăng (tên đất dùng làm tên người) không rõ là ai. Cả ba có lẽ là học trò Mặc Tử.

[4] Nguyên văn là “hậu thế” (đời sau); các nhà chú giải đều bảo: dư chữ hậu (sau).

[5] Nguyên văn ngược lại: “Ân, Chu dài trên 700 năm, Ngu, Hạ dài trên 2000 năm” – Các nhà hiệu đính sửa lại như chúng tôi đã dịch. Thực ra Ngu và Hạ dài khoảng 500 năm thôi, Ân và Chu dài khoảng 1400 năm thôi. Hàn Phi ghi theo truyền thuyết, nên sai.

[6] Hỗn tạp vì đạo Nho có tới 8 phái, đạo Mặc có tới 3 phái; mâu thuẫn vì chủ trương của Mặc trái với Nho.

[7] Nguyên văn là “liêm” (như liêm khiết), có sách giảng là có cạnh góc.

[8] Cũng có chỗ gọi là Tống Kiên, sanh khoảng 383, mất khoảng 290, đồng thời với Mạnh Tử.

[9] Ám chỉ phái theo Dương Tử.

[10][11] Môn sinh của Khổng Tử.

[12] Câu này ở trong Khổng Tử gia ngữ.

[13] Biện sĩ mới là biện sĩ thời Chiến Quốc, còn Tế Dư là biện sĩ mới.

[14] Mạnh Mão là tướng Ngụy bị Bạch Khởi tướng nước Tần, đánh bại ở núi Hoa, giữa hai nước Tần và Ngụy.

[15] Mã Phục tức Triệu Quát, tướng nước Triệu bị Bạch Khởi đánh bại ở Trường Bình (một ấp nước Triệu) trận này là trận Bạch Khởi chôn sống 40 vạn quân Triệu đã đầu hàng.

[16] Người đời Xuân Thu, giỏi đúc gươm.

[17] Người đời Xuân Thu, giỏi xem tướng ngựa, tức Tôn Dương. Có người đọc là Bá Nhạc.

[18] Coi phụ lục ở cuối thiên.

[19] Nguyên văn “thương quan”, có sách giảng là thương nhân và quan lại, có sách lại giảng là thương nhân mua chức quan; Trần Khải Thiên cho rằng chữ quan chính là chữ cổ (hai chữ hơi giống nhau); thương cổ tức là con buôn.

[20] Xưa, muốn yết kiến người trên thì phải mang chim hay một vật quí như ngọc lại làm lễ vật.

[21] Nguyên văn: “Vi ngô thiện”, có thể hiểu là làm điều thiện cho ý ta, cho ta.

[22] Nguyên văn là “ẩn quát” có học giả đọc là “ẩn thiểm”, và mỗi sách giảng một khác: sách thì bảo là kéo cho ngay và uốn cho cong, có sách bảo là uốn cho cong và đẽo bớt đi. “Ẩn quát” là một đồ để uốn gỗ cong lại cho thẳng.

[23] Dầu và thuốc màu đen tức như kem và than (để vẽ lông mày).

[24] Chúng tôi theo bản Trần Khải Thiên: quan trị. Vương Tiên Thận chép là quan pháp.

[25] Y Doãn là khai quốc công thần của Thành Thang.

[26] Chỗ này có 9 chữ, không ai hiểu là gì, ngờ thiếu sót hoặc sai lầm.

[27] Cho nên đề cử kẻ sĩ mà cầu kẻ hiền sĩ Hàn Phi đã chủ trương “thượng hiền” của Nho, Mặc.
 
 
 
 

 
PHỤ LỤC


 
Chủ trương “tể tướng phải bắt đầu từ một chức ở châu quận, tướng soái phải bắt đầu từ chân lính trơn” được giảng rõ trong đoạn đầu thiên XLII Vấn Điền mà chúng tôi trích dịch thêm dưới đây:
 
Tử Cừ hỏi Điền Cưu[1]:
-         Tôi nghe nói kẻ sĩ có trí không từ một địa vị thấp (tiến lên lần lần rồi sau mới) được yết kiến vua, bậc thánh nhân không đợi lập được nhiều công rồi mới được tiếp xúc với vua[2]. Nay ông Nghĩa Cừ ở Dương Thành là một danh tướng mà mới bắt đầu dùng làm trưởng đồn; ông Công Tôn Đàn Hồi[3] là một tướng quốc hiền minh vào bậc thánh mà xuất thân từ một chức ở châu quận (tức một chức quan nhỏ ở địa phương). Tại sao vậy?
Điền Cưu đáp:
-         Lí do có gì khác đâu. Chỉ là vì vua có pháp độ và có thuật. Ông không nghe vua Sở dùng Tống Cô làm tướng soái mà quốc chính hoá loạn, vua Ngụy dùng Phùng Li[4] làm tướng quốc mà suy vong đấy ư? Hai vua đó bị những lời rỗng lôi cuốn, bị lời biện thuyết mê hoặc mà không thử tài họ ở chức trưởng đồn và chức quan châu quận, nên quốc chính mới loạn, quốc gia mới suy vong. Do đó mà xét, không thử dùng người ở chức trưởng đồn, ở chức quan châu quận (rồi mới cho tiến lên lần lần) thì đâu phải là phép phòng bị của bậc minh chủ?


Chú thích:
[1], [2], [3], [4] Những nhân vật Từ Cừ, Điền Cưu, Nghĩa Cừ, Đàn Hồi, Tống Cô, Phùng Li trong đoạn này, đều chưa rõ là ai, không thấy chép trong sách nào khác.
[2] Từ Cừ muốn bảo những bậc có tài đức thì nên dùng ngay vào những chức vụ cao như Quản Trọng chẳng hạn.

<< PHẦN IV | THIÊN XLIX >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 605

Return to top