Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Trung Hoa >> Hàn Phi Tử

  Cùng một tác giả
Không có truyện nào


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 40135 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Hàn Phi Tử
Nguyễn Hiến Lê & Giản Chi

THIÊN XVIII

Cái lỗi của bậc vua chúa là đã giao trách nhiệm cho một bề tôi rồi lại dùng một bề tôi không được giao trách nhiệm đó để đề phòng (tức dòm ngó) họ. Sở dĩ vậy là vì chúa nghĩ rằng người không được giao trách nhiệm coi người được giao trách nhiệm là kẻ thù; nhưng hậu quả ngược lại, chính chúa bị người không được giao trách nhiệm đó chi phối. Người mà chúa bây giờ đề phòng lại chính là người mà trước kia chúa dùng để đề phòng người khác[1]. Bậc vua chúa không biết làm sáng tỏ pháp luật để chế ngự cái oan (oai?) của các quan lớn thì không có cách nào làm cho các quan nhỏ tin được. Chúa bỏ pháp luật mà dùng bề tôi để đề phòng bề tôi, thì những kẻ thân yêu nhau kết bè đảng mà khen lẫn nhau, những kẻ ghét nhau cũng kết bè đảng mà chê nhau, hai bên khen chê nhau đó tranh phân thì vua sẽ bị mê loạn. Bề tôi nếu không có danh tiếng, không yết kiến vua thường thì không làm sao tiến thân được, không làm trái phép mà tự chuyên thì không có oai được, không giả bộ trung tín thì không vượt cấm lệnh được. Ba cái đó làm cho vua hoá hôn mê mà pháp luật bị huỷ hoại. Vua phải khiến cho kẻ bề tôi dù có tài trí cũng không trái phép mà tự chuyên, dù có hiền đức cũng không vượt công mà được thưởng trước[2], dù trung tín cũng dám bỏ pháp luật mà vượt cấm lịnh. Như vậy là làm sáng tỏ pháp luật. Bậc vua chúa có khi bị gạt vì công việc, có khi bị che lấp vì lời nói, phải xét hai trường hợp đó.
Bề tôi đề nghị một công việc, cho là dễ dàng, giảm phí tổn, để dụ chúa, chúa bị gạt mà không xét kỹ, lại khen bề tôi đó là hiền tài, thế là bề tôi ngược lại, lấy công việc để chi phối chúa. Như vậy gọi là bị gạt vì công việc, bị gạt vì công việc thì phải khốn vì lo lắng. Khi đề nghị bảo là phí tổn ít, rồi sau phí tổn nhiều, như vậy dù có công, (tức việc thành) lời đề nghị vẫn là không đúng. Không đúng là có tội, cho nên việc dù thành công cũng không thưởng, như vậy bề tôi sẽ không dám tô điểm lời nói để mê hoặc chúa. Đạo làm chúa là khiến cho lời nói trước của bề tôi không trái với lời nói sau, lời nói sau không trái với lời nói trước, (nếu trái thì) dù việc thành cũng phải chịu tội. Như vậy là phép dùng kẻ dưới.
Bề tôi lập kế cho chúa, sợ kẻ khác chê kế hoạch của mình, nên rào đón trước: “Kẻ nào chê bai kế hoạch là kẻ ấy ghen ghét (muốn phá) việc". Chúa để bụng lời đó mà không nghe lời can gián của quần thần, quần thần sợ lỗi đó, không dám bàn cãi nữa. Vì hai cái thế đó (một là chúa cự tuyệt lời can gián, hai là quần thần phải làm thinh), bề tôi trung không được nghe, còn bề tôi (xảo quyệt) có hư danh thì lại riêng được trọng dụng. Như vậy gọi là bị che lấp vì lời nói: bị che lấp vì lời nói thì bị bề tôi chế ngự. Đạo làm chúa là khiến cho bề tôi biết rằng mình chịu trách nhiệm về điều mình đã nói, lại cũng có trách nhiệm về chỗ mình không nói. Lời nói không có đầu đuôi, biện luận mà không có chứng cứ, đó là chịu trách nhiệm về điều mình đã nói: không nói để trốn tránh trách nhiệm, để giữ địa vị quan trọng của mình, đó là chịu trách nhiệm về chỗ không nói. Bậc vua chúa bắt bề tôi hễ nói thì phải có đầu có đuôi, phải đúng với sự thực; nếu họ không nói thì phải hỏi họ lấy chỗ nào, bỏ chỗ nào trong đề nghị để rồi khi thi hành xét xem ý kiến của họ có đúng không; như vậy bề tôi không ai dám nói bậy mà cũng không làm thinh; nói hay làm thinh đều chịu trách nhiệm cả. Bậc vua chúa muốn làm một việc gì, không hiểu đầu đuôi mà bày tỏ ý muốn của mình, rồi cứ làm thì việc làm không có lợi, trái lại có hại. Người hiểu lẽ đó[3] thì áp dụng cách này: tính toán thấy vô nhiều, ra ít (lợi nhiều, phí tổn ít) thì là việc nên làm. Vị chúa bị mê hoặc thì không vậy, tính số vô mà không tính số ra, ra gấp bội vô mà không thấy hại, thế là được tiếng mà mất miêng, công ít mà hại nhiều. Phải vô nhiều, ra ít mới đáng gọi là có công. Nay xài phí nhiều mà vô tội, kết quả ít mà lại là có công, thì tất nhiên bề tôi cứ xài phí cho nhiều để được kết quả nhỏ; tuy có kết quả nhỏ mà vua vẫn có hại.
 
*
 
Người không biết cách trị nước tất bảo: "Không biến cổ, không đổi tập tục.” Thánh nhân không nhất định phải biến đổi hay không biến đổi, miễn việc trị nước được thích nghi mà thôi. Thay đổi phép tắc cổ hay không là ở chỗ phép tắc cổ và tập tục còn thích hợp hay không. Y Doãn không biến đổi nhà Ân, Thái Công[4] không biến đổi nhà Chu thì vua Thang, vua Võ đâu lập được nghiệp vương. Quản Trọng không biến đổi nước Tề, Quách Yển[5] không biến đổi nước Tấn, thì Tề Hoàn công và Tấn Văn công đâu lập được nghiệp bá. Người ta sở dĩ không biến cổ là vì ngại làm cho đời của dân xáo động[6]. Nhưng nếu không biến cổ, cứ theo dấu vết thời loạn để làm vừa lòng dân thì là thả lỏng cho các hành vi gian tà. Dân ngu không biết là loạn mà bề trên nhu nhược không dám sửa đổi thì sao còn là trị nước nữa. Bậc vua chúa phải sáng suốt đủ để biết cách trị nước, và nghiêm khắc nhất định thi hành cho được, cho nên dù trái ý dân cũng có lập lại sự bình trị. Chứng cứ là Thương Quân đi ra đi vô[7] lúc nào cũng dùng cái "thù" (một binh khí dài có mũi nhọn), cái thuẫn nặng để đề phòng (kẻ ám sát mình); khi Quách Yển bắt đầu trị nước Tấn thì Tấn Văn Công phải dùng vệ sĩ; khi Quản Trọng bắt đầu trị nước Tề, Tề Hoàn Công phải dùng xe có võ trang để đề phòng dân chúng (…)[8] 


 

Chú thích:

[1] Ví dụ giao trách nhiệm cho A, dùng B để dòm ngó đề phòng A; nhưng làm sao tin B được; lại phải dùng C để dòm ngó đề phòng B. Vậy là B người ngày nay bị C dòm ngó chính là người mà trước kia vua dùng để dòm ngó A.
[2] Nghĩa là công chưa đáng thưởng mà đã được thưởng “trước”, đây không phải là trước người, mà chỉ có nghĩa là sớm quá, trước khi đáng thưởng.
[3] Ở đây có bản thêm 4 chữ: nhiệm lí, khử dục = theo lí bỏ tư dục. Trần Khải Thiên cho là do người đời Tống thêm vào.
[4] Y Doãn là khai quốc công thần của Thành Thang, ông vua sáng lập nhà Thương. Thái Công, tức Lã Vọng, là công thần bậc nhất của Văn vương và Võ vương nhà Chu.
[5] Quách Yển: một đại phu có tài của nước Tấn.
[6] Nguyên văn: đạn dịch dân chi an dã. Có học giả bảo không hiểu hai chữ dịch (易) dân đó nghĩa là gì, ngờ là ngư dân mà cổ nhân chép lầm. Chúng tôi hiểu là sợ làm biến đổi sự an tĩnh của dân nên dịch như vậy.
[7] Nguyên văn: thuyết tại Thương Quân chi nội ngoại. Có sách dịch là: thuyết này ở thiên Nội ngoại của sách Thương Quân. Chúng tôi theo Trần Khải Thiên mà dịch như trên.
[8] Chúng tôi bỏ câu cuối gồm 48 chữ vì các nhà chú giải đều ngờ rằng chép lầm hoặc sót, không sao hiểu nổi.

<< THIÊN XLVIII | THIÊN XLV >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 602

Return to top