Đây là thiên đầu trong một loạt sáu thiên mang chung một nhan đề: trừ thuyết; nghĩa là những “thuyết”, những quy tắc, những thuật để dành (trừ) mà dùng trong việc trị nước.
Có hai thiên “nội”: thượng (XXX) và hạ (XXXI) với bốn thiên “ngoại”: tả thượng (XXXII) và tả hạ (XXXIII), hữu thượng (XXXIV), hữu hạ (XXXV). Những chữ thượng, hạ, tả, hữu chỉ để đánh số thứ tự. Còn hai chữ nội và ngoại thì có sách giảng rằng: nội là những thuật liên quan tới việc bên trong, tức việc chế ngự bề tôi; ngoại là những thuật liên quan tới việc bên ngoài, tức việc quan sát lời nói và hành vi của bề tôi để dùng họ, thưởng hay phạt họ. Chúng tôi nghĩ cách giảng đó gượng ép vì thưởng phạt cũng là một cách chế ngự bề tôi. Cho nên chúng tôi theo thuyết của Dực Xuế: nội và ngoại cũng chỉ để đánh số (như trong Trang Tử có Nội thiên và Ngoại thiên) chứ không có ý nghĩa gì cả.
Cả sáu thiên đều chắc chắn là của Hàn Phi, đều chép những thuật để trị nước (chép một cách lộn xộn, trừ hai thiên Nội là hơi có thứ tự) và đều có một lối trình bày đặc biệt, không giống các thiên khác: mới đầu Hàn Phi đưa ra các quy tắc, các thuật, dẫn chứng vắn tắt nên khó hiểu, phần đó gọi là kinh; khi đưa ra hết các quy tắc, tức hết phần kinh rồi, mới tới phần truyện, tức phần giải thích rõ ràng các chỗ dẫn chứng trong phần kinh.
Sáu thiên đó rất dài và rườm, nhiều chỗ ý giống nhau, dịch hết thì phải trên một trăm trang, nên chúng tôi dịch trọn thiên XXX, còn những thiên khác thì chỉ dịch hết các thuật trong phần kinh, và lựa một số cố sự trong phần truyện thôi. Cố sự nào để giải thích kinh nào thì chúng tôi để ngay sau kinh đó, chứ không theo cách trình bày trong nguyên tác: gom hết các kinh lên trên và tách hết các truyện (cố sự) ra, đặt xuống dưới. Để phân biệt tôi cho in phần kinh bằng chữ ngả.
*
Trong thiên XXX này, Hàn Phi đưa ra bảy thuật (bảy kinh): Kinh 1. Tham khảo ý kiến. Không tham khảo nhiều ý kiến thì không biết được thực tình. Nếu chỉ nghe, tin một người thôi (cũng như vô nhà chỉ do một cửa) thì bề tôi sẽ che lấp vua. Thuật này rút từ:
a/ Truyện người (hề) lùn mộng thấy bếp;
b/ Lời của Ai công: “Không mưu tính với nhiều người thì sẽ mê hoặc”;
c/ Truyện người nước Tề thấy Hà Bá;
d/ Lời Huệ tử bảo: “mất phân nửa số người”.
Cái hại sẽ như:
đ/ Thúc Tôn bị Thụ Ngưu bỏ đói;
e/ Lời Giang Ất nói về tục nước Kinh;
g/ Vệ Tự công muốn trị nước mà không biết cách khiến cho thế lực của đại thần và sủng phi ngang nhau.
Bởi vậy bậc minh chủ phải:
h/ Biết chứa sắt (đề phòng mũi tên bắn vào nhà);
i/ Xét mối lo chợ có cọp.
*
Truyện 1. a/ Thời Vệ Linh công, Di Tử Hà được vua yêu nên chuyên quyền ở Vệ. Một người (hề) lùn yết kiến Linh công, tâu:
- Giấc mộng của thần đã ứng nghiệm.
Công hỏi:
- Mộng thấy gì?
(chỗ này sắp chữ thiếu, đại khái người hề lùn nói mộng thấy bếp).
Công giận, bảo:
- Ta nghe nói sắp gặp vua thì mộng thấy mặt trời. Sao ngươi trước khi yết kiến quả nhân lại mộng thấy bếp?
- Mặt trời chiếu khắp một nước, không người nào làm khuất được; vì vậy mà khi sắp gặp vua mới mộng thấy mặt trời. Còn bếp, một người đứng nấu (phía trước) thì người phía sau không thấy lửa nữa. Hoặc giả có một người nào đó
[1] che khuất nhà vua chăng? Nếu vậy thì thần mộng thấy bếp, cũng là phải đấy chứ?
b/ Lỗ Ai Công hỏi Khổng Tử:
- Không cùng nhiều người mưu tính thì sẽ mê hoặc. Nay quả nhân làm việc gì cũng bàn tính với quần thần mà nước càng loạn thêm là tại làm sao?
Khổng tử đáp:
- Bậc minh chủ hỏi quần thần thì có một người biết lại có một người không biết, như vậy là minh chủ ở trên, quần thần thẳng thắn bàn luận ở dưới. Nay quần thần đều răm rắp nói theo Quí Tôn
[2] thành thử cả nước hóa là một, dù nhà vua có hỏi khắp người trong nước, nước cũng không khỏi loạn được.
*
Một thuyết khác bảo:
[3] Khi Án Tử
[4] qua thăm nước Lỗ, Ai Công cũng hỏi:
- Ngạn ngữ có câu: “Không có ba người cùng mưu tính thì sẽ mê hoặc”. Nay quả nhân cùng với mọi người trong nước mưu tính mà nước Lỗ không khỏi loạn là sao?
Án Tử đáp:
- Người xưa bảo: “không có ba người cùng mưu tính thì sẽ mê hoặc” là vì có một người sai thì có hai người tính đúng, ba người đủ thành số đông rồi. Cho nên mới bảo: “không có ba người cùng mưu tính thì sẽ mê hoặc”. Nay bề tôi nước Lỗ có hàng trăm, hàng ngàn mà đều nói theo ý riêng của họ Quí, như vậy số người tuy đông nhưng cũng chỉ là có một người nói, đâu được tới ba?
c/ Có người nước Tề tâu với vua Tề: “Hà Bá
[5] là một vị thần lớn, sao đại vương không thử gặp ngài? Thần có thể làm cho đại vương gặp được”. Rồi lập đàn trên sông lớn, cùng với vua Tề đứng trên đàn. Một lát sau, một con cá lớn quẫy lên, anh ta bảo: “Hà Bá đấy”.
d/ Trương Nghi muốn mượn thế của Tần, Hàn, và Ngụy để đánh Tề, Kinh (Sở), mà Huệ Thi muốn Tề, Kinh giúp để ngưng chiến. Hai người tranh luận với nhau. Các quần thần và tả hữu đều theo chủ trương của Trương Nghi, cho việc đánh Tề, Kinh là có lợi, mà không nghe lời của Huệ Tử. Vua nghe lời Trương Nghi, cho lời Huệ tử là không thi hành được. Việc đánh Tề và Kinh đã quyết định, Huệ tử vô yết kiến vua. Vua bảo:
- Tiên sinh đừng nên nói thì hơn. Việc đánh Tề và Kinh quả là có lợi, cả nước đều nghĩ như vậy.
Huệ tử nhân đó mới tâu:
- Cần phải xét kĩ. Nếu việc đánh Tề, Kinh quả thực có lợi mà cả nước đều cho là có lợi thì sao người trí đông được đến thế! Sở dĩ phải bàn tính là vì còn nghi ngờ; nếu quả thực có sự nghi ngờ thì tất phân nửa cho là nên, phân nửa cho là không nên. Nay cả nước cho là nên, tức thị là nhà vua mất phân nửa người (đưa ý kiến) rồi đó. Chúa bị lấn hiếp nên mới mất phân nửa người như vậy.
đ/ Thúc Tôn làm tướng quốc nước Lỗ, chức cao và chuyên quyền. Một người được ông ta yêu tên là Thụ Ngưu cũng tự chuyên, lạm dụng mệnh lệnh của ông. Con trai Thúc Tôn tên là Nhâm bị Thụ Ngưu ghét, muốn giết. Một hôm Thụ Ngưu cùng với Nhâm vô chơi trong cung vua Lỗ, vua Lỗ ban cho Nhâm một chiếc vòng ngọc. Nhâm vái nhận mà không dám đeo, nhờ Thụ Ngưu xin phép cha để đeo. Thụ Ngưu nói gạt cậu ta: “Tôi đã xin phép cho cậu rồi, ngài bảo cậu đeo đi”. Nhâm bèn đeo. Thụ Ngưu nhân đó bảo Thúc Tôn: “Sao ngài không dắt cậu Nhâm yết kiến vua?”. Thúc Tôn đáp: “Nó còn con nít, không đáng cho yết kiến”. Thụ Ngưu nói: “Cậu Nhâm đã mấy lần yết kiến vua, vua ban cho vòng ngọc, cậu đã đeo”. Thúc tôn gọi Nhâm về, thấy Nhâm đeo vòng ngọc thật, ông nổi giận giết Nhâm.
Anh của Nhâm là Bính, cũng bị Thụ Ngưu ghét, muốn giết, Thúc Tôn đúc cho Bính một cái chuông, đúc xong Bính không dám đánh, nhờ Thụ Ngưu xin phép cho đánh. Thụ ngưu không xin giùm, lại nói gạt cậu ta là: “Tôi đã xin phép cho cậu rồi đấy, ngài bảo cứ đánh đi”. Thúc Tôn nghe tiếng chuông bảo: "Thằng Bính không xin phép tao mà tự ý đánh chuông", rồi nổi giận đuổi đi. Bính chạy qua Tề; được một năm. Thụ Ngưu xin lỗi Thúc Tôn cho Bính. Thúc Tôn sai Thụ Ngưu triệu Bính về. Hắn không triệu mà báo với Thúc Tôn: “Tôi triệu về mà cậu ấy giận lắm, không chịu về”. Thúc Tôn nổi dóa, sai người giết Bính.
Thế là hai người con đã chết cả. Vì vậy, khi Thúc Tôn đau, Thụ Ngưu một mình săn sóc ông ta, đuổi hết kẻ tả hữu, không cho ai vào, bảo: “Ông Thúc Tôn không chịu được tiếng người”. Rồi không cho ông ta ăn, để ông ta chết đói. Thúc tôn chết rồi. Thụ ngưu không phát tang, lấy hết báu vật trong kho trốn qua Tề. Nghe lời người mình tin cậy đến nỗi cha lẫn con bị người giết, cái họa không tham khảo ý kiến nhiều người như vậy đó.
e/ Giang Ất vì vua Ngụy đi sứ nước Kinh, bảo vua Kinh:
- Thần vô biên cảnh nhà vua, nghe nói quí quốc có tục này: “Người quân tử không che cái tốt của người, không vạch cái xấu của người”, có thực vậy chăng?
Vua đáp: Có
- Vậy thì làm loạn như Bạch Công tất thành công mà nước Kinh phải nguy chứ? Nếu quả thực vậy thì bề tôi miễn tội chết (ý muốn nói: có điều xấu mà không bị tố cáo thì có tội gì đâu)
[6] g/ Vệ Tự công (con Vệ Bình hầu) trọng Như Nhĩ và yêu nàng Thế Cơ, sợ hai người đó được trọng được yêu mà che lấp mình, bèn cho Bạc Nghi một chức cao để địch với Như Nhĩ và tôn nàng Ngụy Cơ ngang với Thế cơ. Ông bảo: Như vậy để họ bàn bạc với nhau
[7]. Ông muốn khỏi bị che lấp nhưng chưa nắm được cái thuật để khỏi bị che lấp. Không cho người hèn cùng bàn bạc với người sang, kẻ dưới tố cáo người trên mà cứ phải đợi có những kẻ quyền thế ngang nhau rồi mới được bàn bạc với nhau thì tức là làm cho có thêm nhiều bề tôi che lấp mình
[8]. Tự công bị che lấp là bắt đầu từ đó.
h/ Nếu tên bắn tới có hướng nhất định thì phải chứa sắt để phòng bị phía đó; nếu không có hướng nhất định thì phải cất nhà bằng sắt để phòng bị mọi phía; phòng bị như vậy thì mình không bị thương. Vua mà phòng bị hết các bề tôi thì bề tôi không còn ai là gian nữa.
i/ Bàng Cung (mưu thần nước Ngụy) sắp đưa thái tử qua làm con tin ở Hàm Đan (kinh đô nước Triệu, nay ở Hà Bắc), tâu với vua Ngụy:
- Có người nói rằng chợ có cọp, đại vương tin không?
Vua đáp:
- Không.
- Hai người nói thì đại vương tin không?
- không.
- Ba người nói thì đại vương tin không?
- Quả nhân tin.
Bàng Cung bèn thưa:
- Chợ thì không có cọp được, điều đó hiển nhiên. Vậy mà ba người nói thì chợ hóa ra có cọp. Nay từ Hàm Đan cách nước Ngụy xa hơn là (từ triều đình tới) chợ, mà bọn bề tôi bàn ra nói vào đông hơn ba người, xin đại vương xét cho điều đó.
Bàng Cung đi Hàm Đan về, không được vô yết kiến vua nữa
[9].
*
Kinh 2. Cương quyết trừng phạt. Nhân ái thái quá thì pháp độ không thi hành được, uy nghiêm không đủ thì kẻ dưới lấn người trên. Hình phạt không cương quyết thì cấm lệnh không được tuân. Thuật này rút ra từ:
a/ Truyện Đổng Tử đi thăm Thạch ấp.
b/ Truyện Tử Sản dạy Du Cát.
c/ Lời Trọng Ni nói về sương rơi.
d/ Phép nhà Ân phạt việc đổ tro ra dường.
đ/ Truyện người điều khiển đoàn xe xin bỏ việc. e/ Truyện Công Tôn Ưởng phạt nặng những tội nhẹ.
g/ Việc vàng sông Lệ không giữ được mà lửa đầm Tích không cứu được.
h/ Lời Thành Hoan cho rằng vua Tề quá nhân từ mà nước Tề suy yếu. i/ Lời Bốc Bì cho rằng vua Ngụy quá nhân từ mà làm cho nước Ngụy suy vong.
k/ Việc Quản Trọng biết thuật trừng phạt nên chặt thây người chết.
l/ Việc Vệ Tự công biết thuật trừng phạt nên mua người bị tội đồ.
Truyện 2. a/ Đổng An Vu làm thái thú đất Thượng Địa cho Triệu, đi tuần trong núi miền Thạch Ấp, thấy một cái khe sâu cả trăm nhẫn, bờ dựng đứng như bức tường, bèn hỏi những người chung quanh chỗ đó:
- Đã có ai vào trong khe đó không?
Họ đáp:
- Không.
- Có trẻ con, người đui, người điếc, người điên, người khùng nào vào trong khe đó không?
- Không.
- Có bò, ngựa, chó, heo nào vào trong khe đó không?
- Không.
Đổng An Vu thở dài, bảo:
- Ta có phép trị dân rồi. Làm cho pháp luật của ta không tha ai, hễ trái phép thì phải chết như vào trong khe này vậy. Không ai dám phạm pháp thì làm sao không bình trị?
b/ Tử Sản làm tướng quốc nước Trịnh, khi đau nặng gần chết, dặn dò Du Cát
[10]:
- Tôi chết rồi, ông sẽ cầm quyền nước Trịnh, ông phải nghiêm khắc trị dân. Lửa có vẻ dữ dằn, nên ít người bị chết thiêu; nước có vẻ nhu nhược, nên nhiều người bị chết đuối. Ông nên dùng hình phạt nghiêm khắc, đừng để cho dân chết đuối vì sự nhu nhược của ông.
Tử Sản chết rồi, Du Cát không nhẫn tâm dùng nghiêm hình. Thiếu niên nước Trịnh theo nhau làm giặc cướp, tụ tập ở chằm cỏ hoàn
[11] sắp làm loạn. Du Cát thống suất chiến xa và kỵ binh chiến đấu một ngày một đêm mới gần khắc phục chúng được. Ông thở dài, than:
-Giá ta sớm theo lời dạy của thầy (tức Tử Sản) thì không phải hối hận như vầy.
c/ Lỗ Ai công hỏi Trọng Ni:
- Sách Xuân Thu chép: “Mùa đông, tháng chạp, sương rơi, cỏ không chết khô”, là muốn nói gì vậy?
Trọng Ni đáp:
- Lời đó có nghĩa rằng có thể diệt (để cho chết khô) mà không diệt. Nên diệt mà không diệt thì đào, mận (đáng lẽ có trái vào mùa hè, lại) có trái vào mùa đông. Trởi mất đạo trời (trái thời tiết) thì cây cỏ cũng phạm vào, huống hồ là vua chúa (nếu mất đạo thì tất bị bề tôi lấn).
d/ Theo phép nhà Ân thì kẻ nào đổ tro ra ngoài đường thì bị trị tội, Tử Công cho vậy là nghiêm khắc quá, hỏi Trọng Ni. Trọng Ni đáp: “(Không), như vậy là biết đạo trị nước. Đổ tro ra ngoài đường thì nó bay lên, phủ cả người ta,
[12] người ta tất nổi giận, nổi giận thì ẩu đả nhau, mà ba họ
[13] mỗi bên tàn hại nhau. Làm tàn hại ba họ như vậy thì trị tội là phải. Vả lại khộng có ai muốn bị trị tội nặng, mà không đổ tro ra ngoài là việc dễ, khiến cho dân làm một điều dễ để khỏi bị cái tội mà họ ghét, đạo trị nước là vậy.
Một thuật khác bảo: Phép nhà Ân, ai đổ tro ra đường thì bị chặt tay, Từ Cống bảo:
- Đổ tro ra đường là tội nhẹ, chặt tay là hình phạt nặng, cổ nhân sao mà tàn khốc vậy?
Đáp:
- Không đổ tro là việc dễ, bị chặt tay là điều dân ghét. Làm việc dễ để khỏi bị cái mình ghét, cổ nhân cho như vậy là việc dễ nên ban hình luật đó.
đ/ Tướng quốc nước Trung Sơn là Nhạc Trì dùng một trăm cỗ xe đi sứ nước Triệu, lựa một người tài trí trong đám khách
[14] để điều khiển đoàn xe, giữa đường đoàn xe hỗn loạn. Nhạc Trì bảo:
- Tôi cho ông là tài trí nên dùng ông điều khiển đoàn xe, giữa đường đoàn xe lại hỗn loạn là sao?
Người khách đó xin thôi việc, đáp:
- Người không biết cách trị người. Phải có uy để người ta phục, phải có lợi để khuyến khích người ta thì mới trị người ta được. Nay tôi chỉ là một người khách nhỏ của ngài. Người nhỏ mà sửa sai người lớn, người hèn mà trị người sang, lại không có quyền ban phát lợi hại để chế phục họ, vì vậy mà sinh ra hỗn loạn. Giả sử khi sai khiến bề tôi, ai tốt tôi có thể cho làm khanh tướng, ai xấu tôi có thể chặt đầu, thì làm gì mà không trị họ được.
e/ Phép của Công Tôn Ưởng là trừng phạt nặng những tội nhẹ. Tội nặng người ta khó phạm vào, mà lỗi nhẹ thì người ta dễ bỏ. Khiến cho người ta bỏ cái dễ bỏ mà đừng phạm vào cái khó phạm, đó là phép trị nước. Lỗi nhỏ không sinh ra, tội nặng không đến, thì dân không có tội mà loạn không phát.
Một thuyết khác bảo: Công Tôn Ưởng nói: “Phép thi hành hình phạt là phạt nặng tội nhẹ thì lỗi nhẹ không sinh mà tội nặng không đến, như vậy gọi là dùng hình phạt để trừ bỏ hình phạt.”
g/ Sông Lệ
[15] ở phía Nam nước Kinh có vàng, nhiều người lén đãi vàng. Có luật cấm đãi vàng, ai bị bắt thì bị phân thây giữa chợ. Thây người bị tội nhiều tới có thể lấp sông, vậy mà người ta vẫn đãi lén, không ngừng
[16]. Tội không gì nặng bằng phân thây giữa chợ, vậy mà vẫn không ngăn được là vì kẻ phạm tội không nhất định bị bắt. Thí dụ nay có người bảo: “tôi cho anh cả thiên hạ, nhưng rồi giết chết anh” thì tất người bình thường không ai chịu. Có cả thiên hạ là cái lợi lớn mà không nhận vì biết rằng sẽ phải chết; còn như không nhất định bị bắt thì dù sẽ bị tội phân thây, cũng vẫn trộm vàng. Biết rằng thế nào cũng chết thì cho cả thiên hạ, cũng không nhận.
Người nước Lỗ thiêu chằm Tích. Trời nổi gió bấc, cháy lan về phía Nam, sợ lấn tới khắp nước. Ai Công lo lắng, tự điều khiển việc cứu lửa. Nhưng chung quanh không có ai, mọi người đều mắc săn thú, nên lửa không cứu được. Ông bảo vời Trọng Ni đến hỏi. Trọng Ni thưa:
- Việc săn thú vui mà không bị phạt, việc cứu lửa khổ sở không được thưởng. Vì vậy mà không cứu được lửa.
Ai Công bảo: Phải. Trọng Ni nói thêm:
- Việc gấp rồi, không kịp treo giải thưởng; vả lại nếu ai cứu lửa cũng được thưởng hết thì (tài sản) cả nước cũng không đủ để thưởng, vậy xin chỉ dùng hình phạt thôi.
Ai Công khen là phải. Trọng Ni bèn ra lệnh: "Ai không cứu lửa thì bị trừng trị như tội hàng giặc hoặc bỏ chạy, ai săn thú thì bị trừng trị như tội phạm cấm”.
[17] Lệnh chưa truyền đi khắp mà lửa đã diệt được.
h/ Thành Hoan tâu với vua Tề:
- Đại vương quá nhân từ, quá bất nhẫn.
[18] Vua Tề hỏi:
- Quá nhân từ, quá bất nhẫn, như vậy là không tốt sao?
Đáp:
- Đó là cái tốt của kẻ bề tôi, bậc vua chúa không nên theo. Bề tôi phải có lòng nhân từ rồi mới có thể cùng mưu tình việc được, phải có lòng bất nhẫn rồi mới có thể gần gũi được; không có lòng nhân thì không thể cùng mưu tính được; không có lòng bất nhẫn thì không thể gần gũi được.
Vua Tề hỏi:
- Vậy thì quả nhân quá nhân từ, quá bất nhẫn ở chỗ nào?
- Đại vương quá nhân từ với Tiết công, quá bất nhẫn với những người họ Điền
[19]. Quá nhân từ với Tiết công thì quyền của đại thần không gì lớn bằng
[20] mà quá bất nhẫn với những người họ Điền thì bậc cha anh sẽ phạm pháp. Quyền đại thần không thể gì lớn bằng thì binh lực sẽ yếu so với nước ngoài, cha anh phạm pháp thì chính trị loạn ở trong. Binh lực yếu ở ngoài, chính trị loạn ở trong, đó là gốc của sự mất nước.
i/ Ngụy Huệ vương hỏi (một vị đại thần là) Bốc Bì:
- Ông nghe thiên hạ bàn về quả nhân ra sao?
- Thần nghe người ta đồn rằng đại vương từ huệ (nhân từ, hay gia ân).
Huệ Vương hoan hỉ:
- Như vậy thì sự nghiệp của quả nhân tới đâu?
- Sẽ tới mất nước.
- Từ huệ là làm điều thiện; làm việc thiện sao lại mất nước?
- Tử thì bất nhẫn, mà huệ thì gia ân. Bất nhẫn thì không trừng trị kẻ có tội, hay gia ân thì thưởng cả kẻ không có công. Kẻ có tội mà không bị trừng trị, kẻ không có công mà được thưởng, như vậy mất nước cũng là đáng chứ.
k/ Nước Tề thích chôn cất trọng hậu, vải lụa dùng hết vào việc tẩm liệm, cây gỗ dùng hết vào việc đóng quan quách. Vua Hoàn Công lo, hỏi Quản Trọng:
- Vải lụa hết thì không có gì làm màn che (chiến xa và ngựa cho địch khỏi thấy),
[21] cây gỗ hết thì không có gì để phòng bị, mà dân chúng vẫn cứ chôn cất trọng hậu, làm sao cấm được bây giờ?
Quản Trọng đáp:
- Người ta hành động, nếu không phải vì danh thì vì lợi.
Rồi ông hạ lệnh:
“Quan quách dầy quá mức thì thây người chết sẽ bị chặt mà kẻ chủ tang sẽ bị tội”. Thây bị chặt thì không có danh, chủ tang bị tội thì không có lợi. Như vậy còn có lí do gì để chôn cất trọng hậu nữa
[22].
l/ Thời Vệ Tự công, có người bị tội đồ (?) trốn qua nước Ngụy và trị bệnh cho hoàng hậu của Ngụy Tướng vương. Tự Công hay tin, sai người đem năm chục (lượng hay dật?) vàng để mua người có tội đó, sứ giả đi đi về về năm lần mà vua Ngụy không chịu giao; Tự công bèn lấy ấp Tả Thị để đổi. Bề tôi tả hữu can:
- Đem một ấp để mua một kẻ tội đồ, phỏng có nên chăng?
Tự công đáp:
- Các ông làm sao hiểu được. Muốn trị nước thì đừng coi thường những việc nhỏ, loạn không phải toàn là do việc lớn mà phát đâu
[23]. Pháp luật không vững, hình phạt không cương quyết thì dù có mười ấp Tả Thị cũng vô ích, ngược lại pháp luật mà vững, hình phạt mà cương quyết thì dù mất mười ấp Tả Thị cũng không hại.
Vua Ngụy hay tin đó, bảo: “Vua một nước muốn trị kẻ phạm tội mà mình không nghe theo thì là điều bất tưởng”. Rồi sai chở tội nhân đó trả cho Vệ, không lấy vàng hoặc ấp.
*
Kinh 3 – Khen thưởng.
Khen thưởng đã bạc (trái với hậu) mà lại giả dối thì không dùng được kẻ dưới, khen thưởng hậu mà xác thực thì ở dưới coi thường sự chết. Thuật này rút từ:
a/ Lời Văn tử so sánh bề tôi với loài nai;
b/ Truyện Việt vương đốt cung thất;
c/ Truyện Ngô Khởi thưởng ai dời được càng xe đi;
d/ Truyện Lí Khôi xử kiện bằng cách cho bắn tên;
đ/ Truyện người Sùng Môn nước Tống huỷ hoại thân thể đến chết;
e/ Truyện Câu Tiễn biết thuật khen nên kính chào con ếch nổi giận;
g/ Truyện Chiêu hầu biết thuật thưởng nên giữ cái khố cũ;
h/ Biết thưởng hậu thì khiến người ta biến thành Mạnh Bôn, Chuyên Chư; người đàn bà nhặt tằm, người đánh cá bắt lươn đủ chứng minh điều đó.
Truyện 3.
a/ Vua Tề hỏi (quan đại phu) Văn Tử (Trần Tu Vô):
- Trị nước phải làm sao? Cách nào?
Đáp:
- Việc thưởng phạt là một lợi khí, đại vương phải nắm chặt lấy nó, đừng để cho người khác thấy. Bề tôi chạy theo sự thưởng như bầy nai thấy cỏ tốt là chạy tới.
b/ Vua Việt hỏi quan đại phu Văn Chủng:
- Ta muốn đánh lấy nước Ngô được không?
- Được, ta chỉ cần thưởng hậu mà xác thực (không giả dối), phạt nặng mà cương quyết. Đại vương cứ thử đốt cung thất thì biết (sự hiệu nghiệm của sự thưởng phạt).
Vua Việt bèn cho đốt cung thất, không ai tới cứu lửa cả. Rồi ông ra lệnh: “Kẻ nào cứu lửa mà chết thì được thưởng như chết vì địch, cứu lửa mà không chết thì được thưởng như thắng địch, không cứu lửa thì bị tội như hàng địch hoặc bỏ chạy”.
Dân chúng bèn lấy bùn trát vào người, bận áo ướt để nhảy vào lửa, bên trái 3000 người, bên phải 3000 người. Do đó vua Việt biết thế tất thắng của mình.
c/ Ngô Khởi làm quan thú đất Tây Hà (giữ biên cương) cho Ngụy Vũ hầu. Tần có một cái “đình”[24] nhỏ ở biên giới, Ngô Khởi muốn triệt hạ nó vì nó có hại cho việc làm ruộng, nhưng lại không muốn trưng binh (vì nó quá nhỏ). Ông bèn chống một cái càng xe ở phía ngoài cửa Bắc và ra lệnh: “Ai dời được cái càng xe đó ra phía ngoài cửa Nam thì được thưởng ruộng, và nhà thượng hạng”. Mới đầu, chẳng ai dời cả (vì không tin). Sau có một người dời đi và được ban thưởng như lịnh đã hứa. Một lát sau, ông lại đặt một thạch (mười đấu) đậu đỏ ở phía ngoài cửa Đông và ra lệnh: "Ai dời được thạch đậu đó ra phía ngoài cửa Tây thì cũng thưởng như lần trước”. Người ta tranh nhau dời đi. Rồi ông hạ lệnh: “Ngày mai sẽ đánh chiếm cái “đình”, người đầu tiên lên chiếm được sẽ được phong chức đại phu, ban cho ruộng và nhà thượng hạng”. Người ta tranh nhau tới tấn công, chỉ một buổi sáng là chiếm được.
d/ Lý Khôi làm quan thú đất Thượng Địa cho Ngụy Văn hầu. Ông muốn cho người nơi đó bắn giỏi, nên hạ lệnh: “Trong việc tranh tụng mà còn hồ nghi thì cho hai bên bắn vào đích, ai bắn trúng sẽ thắng kiện, bắn trật thì thua”. Lệnh ban xuống, dân chúng vội vàng tập bắn, ngày đêm không nghỉ. Tới khi chiến đấu với quân Tần, ông đại thắng nhờ dân của ông đều bắn giỏi.
đ/ Trong ngõ Sùng Môn nước Tống có một người vì để tang mà tự huỷ thân đến nỗi ốm nhom. Vua Tống cho anh ta có lòng thương yêu cha mẹ, phong anh làm chức quan sư (một chức trung sĩ hay hạ sĩ đời xưa). Từ đó cứ mỗi năm có trên mười người tự huỷ thân đến chết vì việc để tang. Con để tang cha mẹ vì tình yêu thương, vậy mà còn có thể ban thưởng để khuyến khích được, huống hồ là vua đối với dân.
e/ Vua Việt tính việc đánh Ngô, muốn cho ai cũng coi thường cái chết. Một hôm đi đường, gặp một con ếch nổi giận, ông vịn cây ngang trước xe, đứng dậy kính chào nó. Kẻ theo hầu hỏi: “Sao nhà vua kính nó tới vậy?”. Đáp: “Vì nó có dũng khí”.
Từ đó cứ mỗi năm có trên mười người xin được dâng đầu cho nhà vua. Do đó mà xét thì lời khen cũng đủ khuyến khích người ta hi sinh. Một thuyết khác nói: (…)[25]
g/ Hàn Chiêu hầu sai người giữ kĩ chiếc khố cũ. Người hầu bảo:
- Đại vương bất nhân quá[26] Chiếc khố cũ không cho kẻ tả hữu mà còn đem cất.
Chiêu hầu đáp:
- Nhà ngươi không biết được đâu. Ta nghe nói bậc minh chủ tiếc cả một nét cau mày, một nụ cười (chứ không dùng bậy), cau mày phải có lí do, cười cũng phải có lí do. Chiếc khố này cũng vậy, há chỉ có nét cau mày và nụ cười mới đáng tiếc. Tuy chiếc khố với nét cau mày và nụ cười khác nhau xa đấy, nhưng ta cũng đợi ai có công lao rồi mới ban, cho nên giữ kĩ, chưa cho vội.
h/ Con lươn giống con rắn, con tằm giống con sâu. Người ta thấy con rắn thì kinh hoảng, thấy con sâu thì dựng tóc gáy. Vậy mà đàn bà vẫn lượm tằm, người đánh cá vẫn bắt lươn. Hễ có lợi thì người ta quên cái ghét mà hoá ra dũng cảm như Mạnh Bôn, Chuyên Chư cả (hai dũng sĩ thời trước, Mạnh ở Tần, Chuyên ở Ngô).
*
Kinh 4: Nghe hết thảy từng người một.
Nghe hết thảy ý kiến từng người một thì phân biệt được bề tôi ai trí, ai ngu; bắt bề tôi trình bày ý kiến thì bề tôi sẽ cùng nhau tham nghị[27]
Thuyệt này rút từ các truyện:
a/ Vua Ngụy đòi sát nhập nước Trịnh.
b/ Tề Tuyên vương sai người thổi ống vu[28]
c/ Thân tử dùng Triệu Thiệu, Hàn Đạo để xét ý vua.
d/ Công tử Tỉ chủ trương cắt đất Hà Đông.
đ/ Và Ứng hầu muốn giảm binh lực Thượng Đảng.
Truyện 4:
a/ Vua nước Ngụy nói với vua nước Trịnh[29]
- Trịnh và Lương[30] vốn là một nước, sau mới tách ra, nay xin Trịnh lại hợp vào Lương.
Vua Trịnh lo, triệu quần thần lại bàn mưu đối phó với Ngụy. Công tử nước Trịnh thưa với vua Trịnh:
-Việc này rất dễ đối phó. Xin nhà vua cứ đáp vua Ngụy như vầy: “Lấy lẽ rằng nước Trịnh vốn là một phần của Ngụy mà bảo nên sáp nhập Trịnh vào Ngụy, thì tệ ấp[31] cũng xin cho Lương sáp nhập vào Trịnh”.
Vua Ngụy bèn bỏ việc đó.
b/ Tề Tuyên Vương mỗi khi sai thổi ống vu thì bắt ba trăm người cùng thổi một lượt. Nhiều xử sĩ ở Nam Quách (thành ngoài phía nam kinh đô) xin thổi. Tuyên Vương mừng, và cấp lương thực cho mấy trăm người như vậy. Tuyên Vương mất, Mân Vương lên nối ngôi, thích nghe từng người thổi một, các xử sĩ bỏ trốn hết.
Một thuyết khác nói:
Hàn Chiêu hầu bảo: “Nhiều người cùng thổi ống vu, ta không biết ai thổi hay”. Điền Nghiệm thưa: “Nên nghe từng người thổi một”.
c/ Nước Triệu sai người nhờ Thân tử (Thân Bất Hại) xúi Hàn giúp binh để đánh nước Ngụy. Thân Tử muốn nói với vua Hàn (Chiêu Hầu) về việc đó, nhưng lại sợ Chiêu Hầu nghi mình nhận hối lộ của nước ngoài (Triệu); mà không nói thì sợ Triệu ghét. Ông ta bèn sai Triệu Thiệu và Hàn Đạp dò xét thái độ của Chiêu hầu ra sao rồi mới nói. Nhờ vậy bên trong ông biết được ý Chiêu Hầu, bên ngoài lập được công với Triệu.
d/ Binh ba nước (Hàn, Triệu, Ngụy) đến ải Hàm Cốc (một ải hiểm yếu của Tần, nay ở Hà Nam). Vua Tần bảo Lâu Hoãn:
- Binh ba nước vô sâu rồi,[32] quả nhân muốn cắt đất phía đông sông lớn[33] để giảng hoà, ông nghĩ sao?
Đáp:
- Cắt phía đông sông lớn, thì tổn thất nặng mà tránh được tai nạn cho nước là có công lớn. Đó là nhiệm vụ của bậc cha anh nhà vua, sao nhà vua không vời Công tử Tỉ[34] để hỏi ý kiến”. Vua Tần triệu Công tử Tỉ lại hỏi. Công tử Tỉ đáp:
- Giảng hoà thì sẽ hối hận, không giảng hoà cũng sẽ hối hận. Nay nhà vua cắt đất ở phía đông sông lớn để giảng hoà, quân ba nước rút về rồi, nhà vua tất bảo: “Quân ba nước vốn muốn rút về rồi mà ta còn cắt ba thành để tiễn họ, (uổng quá). Còn như không giảng hoà, quân ba nước tất vào ải Hàm Cốc, cả nước sẽ nguy to, nhà vua sẽ ân hận lớn, bảo: “Chỉ tại không dâng ba thành cho họ”. Vì vậy mà thần mới nói: “Nhà vua giảng hoà thì sẽ hối hận, không giảng hoà cũng sẽ hối hận”.
Vua Tần bảo: “Bề nào cũng hối hận, thà mất ba thành mà hối hận, còn hơn là để nước bị nguy lớn mà hối hận. Quả nhân quyết định giảng hoà”.
đ/ Ứng hầu nói với vua Tần:
- Nhà vua được các đất Uyển, Diệp, Lam Điền và Dương Hạ, chiếm đất Hà Nội, áp bức Trịnh và Lương, mà chưa làm chủ cả thiên hạ là vì nước Triệu chưa phục. Nay nhà vua rút binh chiếm Thượng Đảng (ở Hàn) đi mà đem qua Đông Dương (ở Triệu) thì Hàm Đan (kinh đô của Triệu) sẽ nguy như con rận nằm trong miệng vậy (sẽ chiếm lúc nào cũng được), lúc đó (Triệu sẽ thần phục), nhà vua có thể khoanh tay mà thiên hạ sẽ về chầu nhà vua, kẻ nào tới sau, nhà vua sẽ đem quân đánh. Nhưng Thượng Đảng đang yên vui mà xé đó lại mạnh, khó trị, e rằng thần xin rút quân ở đó đi mà nhà vua không chịu nghe, biết làm cách nào bây giờ[35]
Vua Tần đáp: Ta sẽ rút quân ở đó mà dời đi.
*
Kinh 5: Làm bộ như ra lệnh và ra lệnh giả.
Cho mộ người yết kiến nhiều lần, bắt chờ đợi lâu mà không bổ nhiệm thì những người khác cho rằng người đó đã được bí mật giao cho nhiệm vụ rồi, nên không dám làm điều gian mà sẽ phân tán như bầy nai. Sai một người dò xét một việc để mình biết một việc khác thì kẻ dưới không dám bàn cái lợi riêng (mưu tư lợi).
Do thuật đó mà
a/ Bàng Kính gọi vị công đại phu trở lại.
b/ Đái Hoan sai người dò xem có xe bít kín không.
c/ Chúa nước Chu sai tìm cái trâm ngọc.
d/ Quan thái tể nước Thương nói về phân bò.
Truyện 5:
a/ Bàng Kính làm huyện lệnh, sai các viên lại đi tuần chợ, rồi gọi giật viên công đại phu (viên chỉ huy bọn đó) trở lại; bắt đừng gần mình một lúc, không ra lệnh gì cả, sau cùng lại sai đi. Các viên lại kia cho rằng quan huyện đã nói riêng gì với viên công đại phu, vì vậy mà họ không tin viên công đại phu và không dám làm gian.
b/ Đái Hoan làm thái tể (như tướng quốc) nước Tống, ban đêm gọi bộ hạ vô bảo: “Ta nghe mấy đêm nay có người ngồi xe bít kín đến cửa nhà Lí Sử, các ngươi vì ta dò xét kĩ xem”. Bọn họ dò xét rồi trở về báo: “Không thấy xe bít kín nào cả, chỉ thấy có người bưng cái giỏ (đựng quần áo hay thức ăn) tới nói chuyện với Lí Sử, một lát sau Lí Sử nhận giỏ”[36].
c/ Chúa nước Chu mất cái trâm ngọc, sai nha lại tìm, ba ngày không thấy. Rồi ông sai một người khác đi tìm trong nhà một gia nhân[37] và tìm được. Ông bảo: “Ta biết bọn nha lại không lo làm hết phận sự, tìm cái trâm ba ngày mà không được. Ta sai người khác đi tìm, không đầy một ngày mà tìm được”. Do đó bọn nha lại đều run sợ, cho là vua thần minh. d/ Quan thái tể nước Thương sai một viên thiếu thứ tử (một chức quan nhỏ) ra chợ, khi người đó về, ông hỏi:
- Thấy gì ở chợ?
Đáp:
- Không thấy gì lạ cả.
- Thì cũng phải thấy cái gì chứ.
- Thưa, bên ngoài cửa Nam chợ, có rất nhiều xe bò, khó len lỏi qua được.
Quan thái tể bèn dặn người đó:
- Không được nói với ai rằng ta nói với ngươi như vậy, nghen
Rồi ông cho gọi viên lại coi chợ vô rầy:
- Sao ngoài cửa chợ có nhiều phân bò thế?
Viên lại coi chợ ngạc nhiên sao quan thái tế biết mau như vậy, từ đó đau đáu lo sợ rán hết hế sức làm việc.[38]
*
Kinh 6. Giấu điều mình biết rồi.
Giấu điều mình biết rồi mà hỏi thì biết thêm được những điều mình không biết. Biết rõ một sự thật thì bao nhiêu điều bí ẩn sẽ biến mất.
Thuật này rút từ các truyện:
a/ Chiêu hầu nắm một móng tay;
b/ Biết rõ về cửa Nam mà biết thêm được ba hướng khác;
c/ Chúa nước Chu tìm cây gậy cong mà quần thần đều sợ;
d/ Bốc Bì dùng viên thứ tử (chức quan nhỏ);
đ/ Tây Môn Báo giả bộ đánh mất cái chốt ở trục xe.
Truyện 6:
a/ Hàn Chiêu hầu (cắt móng tay) rồi nắm tay lại, nói dối rằng mình mất một móng, bảo phải tìm gấp. Kẻ tả hữu bèn cắt móng tay của họ dâng lên. Nhờ vậy mà ông biết được sự thiếu thành thực của họ.
b/ Hàn Chiêu hầu sai kị sĩ đi thị sát các huyện. Khi sứ giả về báo cáo, ông hỏi: “Thấy những gì?” Đáp: “Không có gì lạ”. Ông lại hỏi: “Thì cũng phải thấy gì chứ?” Đáp: “Ngoài cửa Nam, có bầy bò con vàng gặm mạ ở bên tả đường đi”. Ông dặn người đó: “Không được tiết lậu với ai điều ta mới hỏi ngươi”. Rồi ông hạ lệnh: “Mùa mạ đang mọc, cấm bò ngựa vô ruộng. Lệnh đã ban rồi mà bọn lại không làm hết phận sự, để rất nhiều bò ngựa vào ruộng người ta; vậy phải gấp điều tra số bò ngựa vào ruộng rồi trình lên, không điều tra được thì sẽ bị tội nặng”. Do đó ba hướng (đông, tây, bắc) điều tra rồi trình lên. Ông bảo: “Chưa hết”. Họ đi điều tra lại, thấy bày bò con vàng ở ngoài cửa Nam. Bọn lại cho rằng ông biết rõ mọi việc, đều sợ hết sức làm việc, không dám làm bậy.[39]
c/ Chúa nước Chu ra lệnh tìm một cây gậy cong (mà ông nói dối rằng đánh mất), bọn nha lại tìm thấy mấy ngày không thấy, ông sai riêng một người đi tìm, không đầy một ngày tìm được. Ông bèn rầy bọn nha lại kia: “Ta vốn biết bọn bay không làm tròn phận sự. Cây gậy cong rất dễ tìm mà bay tìm không ra, ta sai người khác tìm, không đầy một ngày mà được. Như vậy có thể gọi là trung được không?”.
Do đó bọn nha lại đều sợ, hết sức làm việc và cho vua là thần minh.
d/ Bốc Bì làm huyện lệnh, viên lại coi về tụng ngục[40] của ông tham những bẩn thỉu, và có một người thiếp yêu. Ông cho một viên thứ tử (một chức quan nhỏ) giả vờ yêu người thiếp đó để dò xét ẩn tình của viên lại.
đ/ Tây Môn Báo[41] làm quan lệnh đất Nghiệp, giả vờ đánh mất cái chốt ở trục xe, sai một nha lại tìm, không được, sai một người khác tìm thì được trong nhà một gia nhân.
*
Kinh 7: Nói ngược lại.
Nói ngược lại, làm trái lại điều mình muốn nói, việc mình muốn làm để dò xét người mình nghi ngờ thì biết được gian tình.
Do thuật đó mà:
a/ Sơn Dương quân cố ý nhục mạ Cưu Thụ;
b/ Náo Xỉ sai người giả trang làm sứ thần nước Tần;
c/ Tử Chi nói dối rằng thấy con ngựa trắng.
d/ Tử Sản tách những người kiện nhau ra;
e/ Tự công sai người làm khách qua cửa ải;
Truyện 7.
a/ Sơn Dương quân[42] làm tướng quốc nước Vệ, nghe nói bị vua nghi bèn nhục mạ Cưu Thụ, để Cưu Thụ tức mà nói toạc ra cho ông biết về việc vua nghi mình.
b/ Náo Xỉ[43] nghe nói vua Tề ghét mình, sai người giả làm sứ thần nước Tần, chê bai Náo Xỉ trước mặt vua Tề, để dò biết lòng vua Tề.
c/ Một người nước Tề muốn làm loạn, sợ vua biết được bèn giả vờ đuổi các người yêu, khiến cho vua biết việc đó mà không nghi mình.
d/ Tử Chi[44] làm tướng quốc nước Yên, đương ngồi với nhiều người, làm bộ nói láo: “Có con ngựa trắng nào chạy ngoài cửa đó?”. Kẻ tả hữu đều bảo không thấy. Một người đuổi theo, về báo rằng: “Có con ngựa trắng”. Tử Chi do đó mà biết trong số kẻ tả hữu, ai là người không thành thực.
đ/ Có hai người kiện nhau. Tử Sản[45] tách họ ra, không cho họ đối chất nhau (như vậy người này không biết người kia nói về mình ra sao), rồi ông nói ngược lời của người này để tố cáo người kia, mà biết được sự thực.
e/ Vệ Tự quân sai người làm khách qua cửa ải. Viên quan coi ải làm khó (giữ lại không cho qua), người đó dùng vàng hối lộ, được thả cho qua. Tự công bảo viên quan coi ải: “Giờ đó có người khách qua cửa ải của người, cho ngươi vàng nên ngươi cho qua”. Viên đó kinh hoảng, cho rằng Tự công sáng suốt.
Chú thích:
[1] Ám chỉ Di Tử Hà. Về Di Tử Hà coi thiên Thuế nạn. Cũng nên coi lời Hàn Phi phê bình truyện này trong thiên Nạn tử, tiết 4.
[2] Một trong ba đại phu chuyên quyền ở Lỗ.
[3] Xét giọng văn trong “thuyết này” thì không phải là của Hàn Phi, vì rườm, non, như câu (4) ở đây quả là thừa. Vì vậy có người nói rằng Hàn Phi đọc thấy ở đâu đó rồi chép lại nguyên văn, chứ không viết lại; có người lại bảo do người đời sau thêm vào.
[4] Án tử tên là Anh, tự là Bình Trọng, làm tướng quốc nước Tề, có tài có đức. Bộ Án tử xuân thu do người đời sau viết, chứ không phải ông.
[5] Hà Bá là thần sông Hoàng Hà.
[6] Bạch Công tên là Thắng, là cháu nội Sở (Kinh) Bình Vương. Cha là thái tử Kiến bị Bình vương từ bỏ, phải chạy qua nước Trịnh, bị người Trịnh giết, Thắng phải chạy qua nước Ngô. Khi Sở Huệ vương lên ngôi, Thắng về nước được phong là Bạch Công. Ông muốn đánh Trịnh để báo thù cho cha, quần thần Sở không chịu, ông âm mưu làm loạn để cướp chính quyền, thất bại, phải tự tử.
[7] Nguyên văn: tương tham. Có sách giảng là: so sánh với nhau.
[8] Vì những kẻ quyền ngang nhau đó sẽ lập riêng một đảng để mưu tư lợi mà che lấp vua.
[9] Truyện này chép trong Chiến Quốc sách – Ngụy II 17. Chiến Quốc sách gọi là Bàng Thông.
[10] Lúc đó làm quan khanh, sau nối chức Tử Sản.
[11] Có bản chép: chằm tên là Quán, chúng tôi theo bản Trần Khải Thiên.
[12] Theo Trần Khải Thiên thì “hôi” là hỏa hôi (than chưa vạc, còn lửa) và yểm là: làm bỏng người ta
[13] Nguyên văn: tam lộc. Có thuyết giảng là họ cha, họ mẹ, họ vợ, có thuyết bảo : cha, con, cháu; có thuyết lại bảo : cha mẹ, anh em, vợ con.
[14] Thời đó những người có quyền thế như Mạnh Thường quân, Bình Nguyên quân, Xuân Thân quân.... nuôi rất nhiều khách trong nhả để được tiếng là trọng kẻ sĩ, và đôi khi hỏi ý kiến họ, sai bảo họ.
[15] Nay ở Vân Nam.
[16] Nguyên văn: Thậm chúng ung li kì thủy. Chữ kì có sách bảo nên đọc là lệ (sông Lệ) và giảng như chúng tôi đã dịch; có sách lại bảo là chữ li (hàng rào tre) và giảng là: chính quyền rào hai bờ sông....
[17] Chúng tôi ngờ rằng truyện này do Pháp gia đặt ra chứ Khổng Tử không chủ trương như vậy, hai chữ “phạm cấm” có sách giảng là vào chỗ cung cấm của vua.
[18] Bất nhẫn là không nhẫn tâm, không nỡ lòng thấy người khác đau khổ.
[19] Tiết công là chúa đất Tiết, thuộc Tề. Đất đó vua Tề cho Điền Anh (Tịnh Quách quân) hoặc Điền Văn (Mạnh Thường quân) làm thực ấp
[20] ) Nguyên văn: đại thần vô trọng. Trần Khải Thiên cho rằng chữ vô đó, cũng giống chữ vô trong vô địch, và giảng như chúng tôi đã dịch. Có sách giảng: vô trọng là đắc vô trọng hồ (làm sao mà không lớn cho được?). Phép hành văn đó cổ nhân thường dùng.
[21] Nguyên văn: dĩ vi tế; có sách bảo chữ tế đó phải sửa lại là tệ (lụa, tiền bạc).
[22] Chúng tôi nghĩ Quản Trọng không tàn nhẫn tới mức đó. Truyện này có lẽ cũng do Pháp gia đặt ra.
[23] Nguyên văn: trị vô tiểu nhi vô đại. Có sách giảng là: không trị cái tội nhỏ thì loạn lớn sẽ phát, hoặc: phép trị nước không coi thường việc nhỏ thì sẽ không có loạn lớn.
[24] Đình là một cái nhà trống cất trên một nền cao. Có sách giảng đình đây là phong hoả đài, một đền canh trên chỗ cao, lính đốt lửa lên khi có giặc cướp để báo cáo cho các đồn ở xa.
[25] Không khác gì thuyết trên mà rườm hơn, nên chúng tôi bỏ.
[26] Ý nói: keo cú.
[27] Thuật này tức là thuật 2 trong thiên XLVIII Bát Kinh.
[28] Một loại sáo tựa như cái sênh (quả bầu khoét lỗ).
[29] Lúc này Trịnh đã bị Hàn diệt, sáp nhập vào Hàn, vậy vua Trịnh đây chính là vua Hàn.
[30] Ngụy lập đô ở Đại Lương, cho nên cũng gọi Ngụy là Lương.
[31] Lời nói nhũn: cái ấp nhỏ của tôi.
[32] Nguyên văn là thâm. Có sách giảng là nguy lớn, có lẽ nghĩ rằng Hàm Cốc ở biên giới Tần, nên chưa gọi là vô sâu được.
[33] Sông lớn đây là sông Hoàng Hà. Có sách bảo: Hà Đông là tên đất, mới đầu thuộc Ngụy, sau thuộc Tần (nay ở Sơn Tây) và ba thành đây là ba huyện của đất Hà Đông.
[34] Truyện này có trong Chiến Quốc sách. Tần sách IV3 (Lá Bối), và chép là công tử Trì; cũng có chỗ gọi là công tử Tha. Ba chữ (tỉ) (trì) (tha) hơi giống nhau.
[35] Truyện này, nguyên văn khó hiểu, mỗi nhà hiệu đính, giải thích một khác. Chúng tôi theo Trần Khải Thiên.
[36] Ám chỉ rằng Lí Sử ăn hối lộ.
[37] Chắc chúa nước Chu giấu cây trâm ở nhà gia nhân đó rồi làm bộ đánh mất. Có vậy thì mới là dùng thuật.
[38] Truyện đầu a/ là làm bộ như ra lệnh mà không ra lệnh; còn ba truyện sau b/ c/ d/ là ra một lệnh giả. Vì vậy nhan đề kinh 5 này chỉ có hai chữ “ngụy sử” mà chúng tôi phải dịch là “làm bộ như ra lệnh và ra lệnh giả” cho đủ nghĩa.
[39] Truyện 6b/ này giống truyện 5d/ ở trên, và truyện 6c/ này giống truyện 5c/ vậy mà 5d và 5c sắp vào kinh 5, còn 6b và 6c, 6d/ sắp kinh 6. Sự sắp đặt, phân loại không hợp lý.
[40] Nguyên văn là ngự sử ( 御史), có sách cho là ngự lại ( 御吏): người lại đánh xe.
[41] Tây Môn Báo là một viên quan nước Ngụy, nổi tiếng cai trị.
[42] Nghĩa là chúa đất Sơn Dương, một ấp nước Ngụy.
[43] Người nước Sở gởi qua giúp Tề Mân vương.
[44] Tức Công tôn Tháo, làm ra bộ hiền nhân quân tử, được vua Yên là Khoái nhường ngôi cho, người Yên không phục, nổi loạn. Coi Chiến Quốc sách – Yên sách 9 (Lá Bối) - Thuật trong truyện này cũng như thuật trong truyện 6a/
[45] Tức Công tôn Kiều, tướng quốc nước Trịnh – coi phần I.