Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Hồi Ký, Tuỳ Bút >> Hồi ký Phạm Duy (Tập 2)

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 56556 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Hồi ký Phạm Duy (Tập 2)
Phạm Duy

Chương hai sáu
Đời vui
Thái bình
Cũng vì bao đời lính
Tiếng hát công thành
Thương nhớ
Những người tòng chinh...
Đường Ra Biên A i

Thành phố rất êm đềm là Thanh Hoá mà tôi biết khi đi hát với gánh Đức Huy-Charlot Miều vào năm 1943, bây giờ chỉ còn là một đống gạch vụn khổng lồ với chính sách "tiêu thổ kháng chiến". Tất cả sinh hoạt của dân chúng lúc này tập trung vào một cái chợ trời họp cũng không xa thị xã cũ là mấy và cũng lớn, cũng vui như Chợ Đại-Cống Thần ở Khu III vậy. Đó là Chợ Rừng Thông với một dãy nhà tranh vách gỗ nhỏ mới dựng lên ở một ngọn đồi thấp, đối diện với con đường cái quan mịt mù và dựa lưng vào những cây thông cao lớn. Cách chợ Rừng Thông chừng 5 cây số là một chợ trời khác: Chợ Cầu Bố. Chợ này cũng có đầy đủ các cửa hàng như ở các chợ trời khác, nhưng có điều đặc biệt là sau khi thành phố Thanh Hoá bị tiêu thổ thì các tiệm cao lâu của người Tầu đã dọn ra đây như tiệm Kim Long và tiệm A± Xây với nhiều món ăn ngon hơn ở các chợ trời khác. Và lẽ dĩ nhiên là cũng có rất nhiều quán cà phê để cho chúng tôi tới "bồi dưỡng" sức khoẻ.
Tại đây, tôi gặp lại anh bạn nhạc sĩ kéo violon tên là Trần Quang Trường mà tất cả anh em trong làng nhạc đều gọi là "Schubert giả". Trước đây, tại Hà Nội, chúng tôi được coi cuốn phim La Symphonie Inachevée trong đó có cảnh nhạc sĩ Schubert đang ngồi đánh đàn piano rồi vì một cử chỉ không đẹp của một bà bá tước, Schubert tức giận, đập nắp đàn piano xuống, hất mớ tóc dài, đứng phắt dậy bỏ ra khỏi phòng. Lũ khán giả dễ tính là chúng tôi coi màn cinê đó thì vỗ tay ầm ầm cả lên! Hồi đó chúng tôi mê nhạc cổ điển cũng vì phim ảnh Pháp thường cho chúng tôi thấy được đời tư và sự nghiệp của các nhạc sĩ như Schubert, Bellini, Strauss. Trường violon với mớ tóc dài thường hay bắt chước cảnh đó và làm cho chúng tôi rất khoái. Anh ta cũng là người đã đệm đàn cho tôi hát và chứng kiến mối tình ca kỹ và kỹ nữ của tôi tại Quán Thiên Thai trước đây. Bây giờ gặp Trường ở Cầu Bố, tôi lại yêu cầu "Schubert giả" đóng cho tôi coi cái cảnh trong phim La Symphonie Inachevée thêm một lần nữa.
Một tay violon khác là Đỗ Thế Phiệt cũng từ Khu III tản cư về Hậu Hiền, cách Cầu Bố chừng một hai tiếng đồng hồ đạp xe. Trong khi các nhạc sĩ khác mà tài năng chỉ thuộc vào bậc trung đều đầu quân vào các ban văn nghệ của quân đội thì những nhạc sĩ rất giỏi về nhạc cổ điển Tây Phương như Trường và Phiệt thì không có cơ hội phục vụ đúng mức, dù thỉnh thoảng họ cũng đóng góp vào những đêm văn nghệ của địa phương. Có thể vì loại nhạc "đại hoà tấu" đòi hỏi quá nhiều điều kiện: nhạc cụ, nhạc công, nhạc trưởng và quan trọng nhất là khán thính giả và thính đường. Phải mãi tới sau này người ta mới tổ chức được một giàn nhạc lớn được gọi là giàn "nhạc giao hưởng".
Tôi không ở lại Rừng Thông-Cầu Bố lâu như thời ở Chợ Đại-Cống Thần bởi vì tôi có hẹn với Trần Văn Giầu ở Bộ Chỉ Huy Liên Khu IV, lúc đó đang đóng đô tại một nơi nào đó trong mấy ngôi làng có những cái tên như Làng Ngò, Châu Long, Quần Tín... cách xa khu chợ trời này khoảng 20 cây số. Một thiếu nữ rất ngoan có cái tên là Huệ cũng không giữ tôi ở lại khu Cầu Bố-Rừng Thông lâu hơn được nữa...
... Khi tôi và Ngọc Bích tới Bộ Tư Lệnh của Chiến Khu IV thì chúng tôi thấy văn nghệ sĩ ở chung quanh đây đông đảo quá! Hai làng Quần Tín và Châu Phong, chỉ cách nhau một ngọn đồi thấp, cũng như làng Ngò (tức Ngô Sá) là nơi trú ngụ của các gia đình Vũ Ngọc Phan, Đào Duy Anh, Đặng Thái Mai, Nguyễn Đức Quỳnh, Trương Tửu vân vân... Mai Thảo và Trần Thanh Hiệp cũng sẽ có mặt ở nơi này...
Nhưng người mà tôi mong được gặp nhất ở đây là tướng Nguyễn Sơn. Tôi được nghe rất nhiều huyền thoại về ông từ khi danh tướng có nhiều kinh nghiệm chiến trường này từ Trung Cộng trở về nước rồi được Hồ Chí Minh cử vào Quảng Ngãi để lập một mặt trận với mục đích ngăn không cho Quân Đội Pháp mở rộng chiến trường ra phía Bắc vào những ngày đầu của cuộc kháng chiến Nam Bộ. Chắn chắn Nguyễn Sơn là người thu hút được hầu hết các văn nghệ sĩ ở vùng suôi gia nhập vào những tổ chức kháng chiến ở đây.
Cũng phải công nhận là ở Thanh Hoá, từ khi xẩy ra cuộc kháng chiến toàn quốc cho tới khi có Hiệp Định Geneve, đã không bao giờ có một cuộc giao tranh lớn nhỏ nào xẩy ra cả. Quân Đội Pháp có thể mở nhiều cuộc càn quét ở các khu vực khác, nhưng họ không có đủ quân để tiến vào nửa phần ngoài của Chiến Khu IV này. Tình hình ở ba tỉnh Quảng Bình-Quảng Trị-Thừa Thiên (gọi tắt là Phân Khu Bình-Trị-Thiên) thì rất là sôi động nhưng tình hình ở ba tỉnh Thanh Hoá-Nghệ An-Hà Tĩnh (gọi tắt là Phân Khu Thanh-Nghệ-Tĩnh) thì rất là an ninh. Dân chúng ở đây có đầy đủ thóc gạo để ăn. Không những thế, tỉnh Thanh Hoá còn là nguồn tiếp tế lương thực cho các vùng trung du và thượng du ở miền ngoài. So với những Chiến Khu ở Việt Bắc và so ngay cả với Chiến Khu III là miền đồng bằng, tôi thấy đời sống ở Chiến Khu IV này rất là dễ chịu và là nơi lý tưởng để tập trung văn nghệ sĩ. Nhất là tại đây lại có hai người của chính quyền rất chú trọng tới vấn đề văn hoá là Đặng Thái Mai và tướng Nguyễn Sơn.
Một Hội Văn Nghệ Sĩ được thành lập do Đặng Thái Mai điều khiển, với một ban thư ký trong đó có Hoàng Sĩ Trinh, người trong tương lai sẽ nắm Đài Phát Thanh Saigon với cái tên là Phạm Xuân Ninh tức thi sĩ Hà Thượng Nhân. Hội này giúp cho gia đình văn nghệ sĩ có một đời sống vật chất tương đối cao. Làng Quần Tín, làng Châu Phong và làng Ngò biến thành những "làng văn" rất đúng với ý nghĩa của danh từ. Những hội viên của Hội Văn Nghệ Sĩ đều là những giảng viên đắc lực của một Trường Văn Hoá được mở ra tại khu vực mấy làng văn nghệ này. Trường có rất đông người ghi tên đi học. Thời gian của mỗi khoá học là 6 tháng và trong mỗi khoá có khoảng 60 học viên. Khi tôi tới đây, khoá I đã kết thúc và khóa II vừa được mở ra trong đó có nữ học viên tên là Hoài Trinh, sau này sẽ mang cái tên dài hơn là Minh Đức Hoài Trinh và có Bùi Hiển, một nhà văn có tên tuổi của kháng chiến trong những năm tới. Nhà văn Mai Thảo cũng sẽ có mặt trong khoá III của Trường Văn Hoá này. Giảng dạy về Thơ có Nguyễn Xuân Sanh. Giảng về Văn thì có quá nhiều giáo sư như Nguyễn Tuân, Nguyễn Đình Lạp, Đồ Phồn và giảng về Phê Bình thì có Vũ Ngọc Phan. Có Đặng Thái Mai và Trương Tửu dạy Triết và Nguyễn Đức Quỳnh dạy Sử Địa. Về ngành Hoạ thì có những giáo sư như Sỹ Ngọc, Nguyễn Văn Tỵ. Dạy về Kịch có Chu Ngọc, Bửu Tiến. Dạy về nhạc là Phạm Thế Mỹ.
Trong hai ngành Nhạc và Kịch, những nghệ sĩ nào chọn công tác trình diễn hơn là công tác thuyết giảng -- như tôi và Ngọc Bích chẳng hạn -- đều gia nhập đoàn Văn Nghệ Quân Đội của Sư Đoàn Bộ. Tuy có chân trong Sư Đoàn Bộ nhưng trong thực tế chúng tôi thường hoạt động trong các văn nghệ của hai Trung Đoàn 304 và Trung Đoàn 9. Sự gia nhập của chúng tôi vào các tổ chức văn nghệ quân đội này là để giải quyết vấn đề ăn ở. Chỉ những văn nghệ sĩ trẻ và nằm trong ngành trình diễn mới phải đi công tác xa. Còn các vị văn nghệ sĩ cao niên chỉ cần tới Bộ Tư Lệnh để sinh hoạt với Chủ Tịch Hội Văn Nghệ Sĩ Đặng Thái Mai hay với tướng Nguyễn Sơn mà thôi.
Ngành Kịch ở trong Trung Đoàn 304, về phần diễn viên có Trúc Quỳnh, Thái Hằng, Bửu Tiến, Phạm Văn Đôn, Phạm Đình Viêm, anh Trực (chồng Trúc Quỳnh), anh Uẩn, cô Hiếu, cô Nghĩa... Còn về phần đạo diễn và viết kịch có Chu Ngọc với vở Cái Võng, Hoàng Trọng Miên với vở Dưới Bóng Thánh Giá. Ngành Nhạc có Phạm Văn Chừng và Bạch Bích (em vợ của Phạm Văn Đôn) và ca sĩ Ngọc Khanh (em Ngọc Bích). Và bắt đầu từ đây, Đoàn Văn Nghệ trong Trung Đoàn 304 này còn có thêm Ngọc Bích và tôi, bởi vì sau khi đã mê bầu không khí văn nghệ ở đây rồi, tôi quyết định bỏ rơi cái chuyện đi theo Trần Văn Giầu vào Nam. Tôi cũng không gặp được anh ta để xin lỗi. Trung Đoàn 9 có Phạm Đình Chương và Băng Thanh (tức Thái Thanh, vừa mới từ Khu III di cư vào đây cùng với cha mẹ), Nhật Bằng và một đám vũ sinh lau nhau như bé Ngân Qúy, bé Phúc trình diễn những màn vũ. Về phần sân khấu cổ truyền, các ban hát Chèo, Cải Lương và Tuồng Cổ cũng được chính quyền Khu IV nuôi dưỡng. Vì mê Cải Lương cho nên Nguyễn Đức Quỳnh đã sinh hoạt rất gần gũi với một ban hát tản cư, trong đó có Kim Xuân, em gái của Kim Chung. Riêng tôi được tướng Nguyễn Sơn phái tới sinh hoạt với tổ sư của Ngành Chèo Văn Minh là cụ Nguyễn Đình Nghị -- đang tản cư ở làng Ngò -- để ghi âm những điệu hát Chèo. Đây là một trong những vinh dự lớn của đời tôi.
Trong một không gian nhỏ hẹp là khu vực của "làng văn nghệ Quần Tín" nằm trong tỉnh Thanh Hoá này và vào thời gian mà cuộc toàn chiến kháng chiến đã gần đi vào năm thứ 5 rồi, với một xã hội "trí thức" như vậy, tất nhiên là phải có nhiều chuyện xẩy ra. Minh Đức Hoài Trinh lúc đó mới có 17 tuổi, từ thành phố Huế thơ mộng chạy ra với kháng chiến mà còn đem theo đôi gót chân đỏ như son và đôi mắt sáng như đen pha ô tô. Từ tướng Tư Lệnh Nguyễn Sơn cho tới các văn nghệ sĩ, già hay trẻ, độc thân hay đã có vợ con rồi, ai cũng đều mê cô bé này hết! Phạm Ngọc Thạch từ Trung Ương đi bộ xuống vùng trung du để vào Nam Bộ, khi ghé qua Thanh Hoá, cũng phải mò tới Trường Văn Hoá để xem mặt Hoài Trinh. Hồi đó, Minh Đức Hoài Trinh đã được Đặng Thái Mai coi như là con nuôi và hết lòng nâng đỡ. Ông Mai cũng có một người con gái 17 tuổi rất xinh đẹp tên là cô Hà. Dù đã đính hôn với con trai của Tôn Quang Phiệt là Tôn Gia Ngân rồi, nhưng trong một buổi đẹp trời nào đó, cô Hà bỗng lọt vào mắt xanh của Võ Nguyên Giáp và sẽ trở thành bà Đại Tướng. Thất tình, Tôn Gia Ngân bèn cưới ngay một cô gái quê "chăm phần chăm" làm vợ!
Tuy là nhân viên của Sư Đoàn Bộ nhưng trực thuộc đoàn văn nghệ của Trung Đoàn 304, trên danh nghĩa chúng tôi được đặt dưới quyền chỉ huy của ủy viên chính trị tên là Nguyễn Kiện. Tuy nhiên, văn nghệ sĩ gặp ông đồ Mác-Xít Đặng Thái Mai hay tướng văn nghệ Nguyễn Sơn gần như hằng ngày cho nên chẳng ai coi ông chính ủy ra cái gì cả! Nguyễn Kiện chỉ là người vô phúc cho nên phải ôm cái tai nạn to lớn là bọn văn nghệ sĩ "nứt trời rơi xuống" này. Cứ tưởng tượng ông chính ủy Trung Đoàn này vốn xuất thân là một cán bộ tỉnh nhỏ mà bây giờ phải đối xử hay đương đầu với những con người kiêu kỳ và lắm mồm như Nguyễn Tuân, Chu Ngọc chẳng hạn... Cho tới bây giờ, tôi vẫn thầm phục Nguyễn Kiện ở chỗ có một hôm, không biết ông chính trị ủy viên bị bọn văn nghệ sĩ hành hạ ra sao mà ông ta về nơi trú ngụ -- nhà đồng bào -- đóng cửa lại, lấy một cái búa ra rồi nhè cái xe đạp mới toanh của mình mà đập cho tới khi cái xe nát ra mới thôi. Cho hả với cơn bực tức gây nên bởi sự đụng chạm với văn nghệ sĩ. Xin nhớ rằng chiếc xe đạp Sterling của chính trị ủy viên lúc đó có giá trị như chiếc xe hơi hiệu Rolls Royce bây giờ. Sự chịu đựng của cán bộ chính trị đối với văn nghệ sĩ sau này sẽ khác đi, cây búa sẽ không đập vào xe đạp nữa mà đập lên đầu các ông con Trời này.
Qua sự chịu đựng của chính trị viên Nguyễn Kiện này, tôi thấy được sự quan tâm của Việt Minh trong vấn đề dùng văn nghệ sĩ. Họ hiểu rõ sự quan trọng của văn nghệ trong công cuộc chiến đấu. Họ sẵn sàng chịu đựng tất cả những khó khăn nào đó để có thể dùng văn nghệ sĩ vào một việc gì và cũng sẵn sàng chôn ngay văn nghệ sĩ khi đã xong việc. Về sau, khi tôi sống với những chính quyền ở trong miền Nam, tôi không thấy họ coi văn nghệ là quan trọng. Thật là đáng tiếc. Cho cả chính quyền lẫn văn nghệ sĩ.
Trong thời gian vừa mới gia nhập Đoàn Văn Nghệ Quân Đội Liên Khu IV và đang trong thời kỳ tập dượt trước khi lên đường đi công tác xa, hằng đêm chúng tôi thường tới sinh hoạt với tướng Nguyễn Sơn, hoặc để biểu diễn thử cho ông ta coi, hoặc để nghe ông ta nói chuyện về kinh nghiệm làm công tác văn nghệ trước đây trong Hồng Quân Trung Hoa. Nguyễn Sơn có vẻ rất thích loại dân ca mới của tôi. Tôi rất khoái Nguyễn Sơn vì thấy ông ta khác hẳn các ông "cách mạng" mà tôi đã gặp, tính tình cởi mở hơn, vóc dáng quắc thắc hơn, hiểu biết về văn nghệ hơn. Ngoài ra, ông tán gái cũng giỏi lắm. Một thiếu nữ trẻ măng có cái tên là Hoài luôn luôn ở gần gụi ông, lúc đó ông cũng đã quá 40 tuổi rồi. Điều này đã làm cho Ban Thường Vụ ở trên Trung Ương khổ tâm lắm. Dần dà, tôi biết thêm về tiểu sử của ông.
Nguyễn Sơn quê quán tại Bắc Ninh, con của một nhà nho đã từng hoạt động cho tổ chức Đông Kinh Nghĩa Thục vào hồi đầu thế kỷ. Ông đang học trường Sư Phạm tại Hà Nội thì vào năm 1925, vì tham gia Phong Trào Bãi Khoá cho nên ông bị Pháp ghi tên vào sổ đen. Cũng như mọi thanh niên chống Pháp lúc bấy giờ và sợ bị bắt giam, ông liền bỏ nước để sang Tầu. Ông được vào học trong Trường Chính Trị Quân Sự Hoàng Phố rồi khi xẩy ra vụ Quảng Châu Công Xã thì ông hoạt động cho Phong Trào này. Trở thành đảng viên Đảng Cộng Sản Trung Hoa, ông là một cán bộ đắc lực của Mao Trạch Đông và đã có mặt trong cuộc Vạn Lý Trường Chinh. Lúc tôi tới Khu IV, Tướng Nguyễn Sơn đang bị Trung Ương ép phải lấy vợ chứ không được "giao du" với cô Hoài như vậy được nữa. Thế nhưng người vợ rất trẻ này lại không phải là cô Hoài mà là cô Lê Thị Hằng Phân (tức là mảnh trăng chia đôi), con gái của cụ Lê Dư, một nhà nho thường viết báo dưới bút hiệu là Sở Cuồng. Người chị của cô Hằng Phân đã kết duyên từ lâu với kỹ thuật gia Hoàng Văn Chí, tác giả sau này của rất nhiều những sách chuyên nghiên cứu về Đảng Cộng Sản Việt Nam.
Trong những đêm sinh hoạt giữa văn nghệ sĩ và vị Tư Lệnh của Chiến Khu, về vấn đề văn nghệ, chúng tôi thường được nghe ông nói về Tào Ngu và vở kịch Lôi Vũ và chúng tôi đã học hỏi được ở ông rất nhiều điều để có thể đem áp dụng vào công tác văn nghệ của chúng tôi lúc bấy giờ. Điều này cũng chẳng lấy gì làm lạ vì tướng Nguyễn Sơn đã từng là đoàn trưởng của nhiều đoàn ca kịch trong Hồng Quân Trung Hoa từ khi ông là đồng chí của Mao Trạch Đông.
Về vấn đề quân sự thì chúng tôi được nghe tướng Nguyễn Sơn kể lại những chuyện chiến đấu ác liệt giữa Hồng Quân và quân đội Tưởng Giới Thạch ở miền đồng bằng cũng như ở miền sa mạc ở trên đất Trung Hoa. Nguyễn Sơn là một trong 18 tướng còn sống sót sau cuộc Vạn Lý Trường Chinh. Nghe ông kể chuyện mà cứ tưởng như mình đang đọc tiểu thuyết cận đại của nước Tầu. Tuy nhiên, phục tài Nguyễn Sơn là một chuyện đương nhiên, nhưng không phải vì những chiến tích hiển hách của ông trong hàng ngũ Hồng Quân mà chúng tôi quên được công cuộc chiến đấu rất anh hùng của Việt Nam hiện nay. Sau 4, 5 năm đi theo kháng chiến, chúng tôi đã vững tin là không bao giờ Việt Nam có thể thua Pháp được. Ngay từ khi chưa được nghe Nguyễn Sơn kể cho nghe sự ích lợi của cuộc chiến tranh du kích của Mao Trạc Đông, chúng tôi cũng đã áp dụng chiến thuật đó rồi. Hơn nữa, tại Trung Hoa, đó là cuộc chiU³ến tranh nội bộ giữa hai phe Quốc-Cộng. Không phải là cuộc chiến đấu của toàn dân như tại Việt Nam lúc này. Làm sao Pháp có thể thắng được một dân tộc mà ban ngày thì cả nước im phăng phắc, tầu bay Pháp muốn đi tìm chúng tôi để bắn giết, chẳng thấy chúng tôi đâu cả. Tới ban đêm, khi tầu bay đi ngủ cùng với lính Pháp, hằng triệu người chúng tôi lũ lượt ra đi, hoặc chúng tôi đi tiếp tế, đi họp, hay đi đánh đồn...
Như đã nói ở trên, tại bộ Tư Lệnh Liên Khu IV này, luôn luôn có tổ chức những buổi họp về văn hoá trong đó có lần tôi được nghe Đặng Thái Mai và Trương Tửu cãi nhau kịch liệt về Truyện Kiều. Cùng là Mác-Xít cả nhưng người thuộc đệ tam CS có bao giờ đồng ý với người thuộc đệ tứ CS đâu? Vui nhất là trong một buổi thảo luận về một vấn đề gì đó, với tính tình rất cởi mở, tướng Nguyễn Sơn đã phang một câu rất bạo: "Đánh trận vất vả như đàn ông lấy vợ còn trinh". Khiến cho các bà các cô tới họp về văn hoá đỏ cả mặt lên, dù tất cả đều đã là "phụ nữ cứu quốc" và được chúng tôi mến gọi là "bà già giết giặc". Tướng Nguyễn Sơn còn quá bạo miệng đến độ có một hôm, trong phần trình diễn đi tiếp phần thảo luận, sau khi đội Tuồng Cổ diễn một vở hát nào đó, ông tướng cựu đoàn trưởng của các đoàn kịch của Hồng Quân nhẩy lên sân khấu đả kích một cách thậm tệ tinh thần phong kiến của vở tuồng khiến cho các diễn viên hơi buồn.
Để hiểu rõ con người Nguyễn Sơn hơn nữa, xin kể một chuyện vặt về viên tướng Tư Lệnh này: Là người nghiện thuốc lá, lúc nào trong túi cũng có một bao thuốc thơm hảo hạng "3 con 5", một hôm, Nguyễn Sơn đi ra phía Cầu Hàm Rồng và đi qua một trạm gác. Tuy là tướng đó nhưng có lúc nào ông mặc quân phục đâu? Mặt thì xạm nắng, người thì khô đét, tóc thì như rễ tre, lại ưa mặc quần đùi, ai trông cũng tưởng là một anh binh bét, lính tốt đen. Nguyễn Sơn đang đứng ở dưới chân cầu, vừa móc túi lấy thuốc lá ra hút thì một anh dân quân đứng gác ở gần đó đi tới và phê bình:
-- Tại sao đồng chí lại hút thứ thuốc lá quốc cấm này? Tôi phải tịch thu, không đưa thì tôi bắt đồng chí ngay lập tức.
Cận vệ vội chạy lại túm cổ anh dân quân và hỏi:
-- Có biết ai đây không? Tướng Tư Lệnh đó.
Nhưng Nguyễn Sơn đã gạt anh cận vệ ra, nhe răng cười và nói với anh dân quân:
-- Cậu làm như vậy là đúng, xin nộp đồng chí bao thuốc lá.
Đi khỏi chỗ đó một quãng đường, Nguyễn Sơn mặt tỉnh khô, bảo cận vệ đưa cho ông bao thuốc "3 con 5" khác.

<< Chương hai lăm | Chương hai bảy >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 780

Return to top