Ngày bao hùng binh tiến lên
Bờ cõi vang lừng câu quyết chiến...
Xuất Quân
Vào mùa Xuân 1946, một chuyến xe lửa xuyên Việt đưa 13 anh thanh niên Hà Nội đi làm người hùng của thời đại. Đó là An Ngọc Phi, Nguyễn Huy Thọ, Kiểm, Thiệp, Chất, Công... và những người mà tôi đã quên tên.
Chỉ mấy tháng sau đó, trong toán người được gọi là "Đoàn Cán Bộ 13" này, chỉ còn vài mạng sống sót. Bây giờ tôi còn nhớ được mặt Thọ, cậu cán bộ Việt Minh có nét mặt như con gái và có giọng hát hay, đó là nhờ Phạm Thanh Liêm có bức ảnh của anh ta. Về sau Thọ làm Tham Mưu Trưởng cho một Khu Trưởng ở Nam Bộ rồi chết vì bệnh lao. Nguyễn Thúc Công, một hoạ sĩ hiền lành là một đồng chí luôn luôn ở gần tôi trong những công tác thông tin và tiếp vận. Trong đoàn còn có một anh cán bộ tên là Chất về sau làm nghề chụp ảnh dạo ở trên đường Catinat, sau bao nhiêu năm tháng trôi qua, sau bao nhiêu biến thiên lịch sử, mỗi lần gặp tôi lại như là muốn khóc.
Thế nhưng vào lúc khởi hành của cuộc Nam Tiến này, chúng tôi vui lắm. Trên tầu hoả, được đồng bào đi cùng chuyến tầu rất quý mến và tiếp tế đồ ăn lu bù, chúng tôi hát vang những bài như Chiến Sĩ Hải Quân, bài hát được soạn ra khi Quân Đội Việt Nam chưa có một cái ca nô hay một chiếc thuyền buồm nào cả. Hay hát bài Không Quân Việt Nam nhưng rồi sẽ phải đi bộ dài dài sau khi tầu hoả ì ạch tới được nhà ga cuối cùng là Nha Trang. Thật là lãng mạn. Tôi cũng nổi hứng soạn ngay khi còn đang ngồi trên chuyến xe lửa này một hành khúc là bài Xuất Quân:
Ngày bao hùng binh tiến lên
Bờ cõi vang lừng câu quyết chiến
Bước oai nghiêm theo tiếng súng đi tung hoành...
Về sau, mỗi lần hát hay nghe lại bài này, tôi đều thấy những người bạn trong đoàn cán bộ 13 này hiện hồn ra trước mắt tôi...
... Vào tới quá Nha Trang, chúng tôi phải xuống tầu để đi bộ vì đường xe lửa bị phá hủy. Suốt dọc dường từ đó vào tới chiến khu Nam Bộ, chúng tôi đi qua những xóm dừa đã trở thành điêu tàn không phải vì quân Pháp tới đánh phá mà vì dân chúng tuân theo triệt để chính sách "tiêu thổ kháng chiến". Trước đây, khi đi theo gánh hát, tôi chỉ nhìn thấy khía cạnh no ấm và vui chơi của dân chúng miền Nam. Bây giờ, lòng tôi se lại khi thấy cảnh vườn hoang nhà nát và cảnh nghèo đói của dân quê ở nơi miền Nam đã khởi sự có khói lửa rồi. Chúng tôi phải sống tự túc vì đồng bào ở đây nghèo quá, không có thể tiếp tế gạo cho cán bộ được nữa. Nhiều ngày tôi chỉ ăn toàn đu đủ, khi đi đại tiện thấy phân vàng khè, sợ quá. Có lần anh em bắt được một con chó và đem luộc để ăn. Tôi thà nhịn đói...
Tôi được gửi về chiến khu Bà Rịa-Vũng Tầu dưới quyền chỉ huy của Trịnh Ngọc Hiền, nguyên Tư Lệnh "Thân Binh", một bộ phận quân sự trước đây lo việc bảo vệ Nam Bộ Phủ. Sau khi Saigon bị Pháp chiếm, Trịnh Ngọc Hiền đem quân ra lập chiến khu ở miền Đông Nam Bộ này. Bộ chỉ huy được đặt ở vùng Đất Đỏ. Tôi được giao phó nhiệm vụ thông tin, liên lạc và tiếp vận, trực thuộc Đại úy (tự phong) Nguyễn Ngọc Kỳ. Lực lượng kháng chiến tại khu Miền Đông Nam Bộ lúc đó còn mang tên là "Chi Đội Giải Phóng Quân", gồm một số người đi lính cho Pháp trước đây -- gọi là lính "thủ hộ" -- phần nhiều đã hơi có tuổi và có gia đình rồi. Cựu công chức như kỹ sư Công Chánh, phó giám đốc Bệnh Viện, giáo viên trường Tiểu Học... cũng tham gia vào tổ chức giải phóng quân này. Thương gia giầu có cũng bỏ Saigon để đi ra chiến khu. Đông đảo nhất là sinh viên, học sinh, con cháu anh em của những hạng người vừa kể. Nói tóm lại là đủ mọi tầng lớp giai cấp trong xã hội. Đặc biệt là có một sĩ quan Nhật Bản, từ một trại tù binh ở Vũng Tầu, bỏ trốn qua vùng kháng chiến, gia nhập Chi Đội Giải Phóng Quân và là người độc nhất biU±êt sử dụng khẩu súng liên thanh duy nhất của chi đội.
Ban Tham Mưu của Chi đội trước hết đóng ở thị xã Bà Rịa. Bị Pháp tấn công và chiếm tỉnh lỵ là rời đi Long Điền. Bị Pháp tới đánh nữa là lùi qua Đất Đỏ. Cuối cùng, khi Pháp đã chiếm hoàn toàn thị xã Bà Rịa và những đường giao thông chính ở chung quanh thành phố thì ban chỉ huy rời đi Xuyên Mộc. Khi còn ở tại một quận lỵ hay ở trong một làng nào đó thì có nơi ăn chốn ngủ là nhà đồng bào, nhưng khi ra tới Xuyên Mộc, tất cả mọi người phải sống ở ngoài trời, ăn ngủ ở ngay trong rừng. Lính giải phóng quân được phân tán đi đóng ở các nơi được gọi là "các điểm chiến lược" của tỉnh Bà Rịa này. Dù lúc đó Pháp tổ chức được tại những nơi chiếm đóng một số người làm tai mắt cho họ gọi là ban "hội tề" nhưng các ban hội tề này không hoàn toàn theo Pháp, chúng tôi vẫn có thể vào vùng Pháp chiếm để mua gạo, thực phẩm đem lên chiến khu. Gọi là chiến khu nhưng thực sự cả ban Tham Mưu cũng như các tổ binh lính đều luôn luôn di động, không bao giờ ở một nơi nào nhất định cả. Trừ thời gian bị truy nã riết quá, ban Tham Mưu phải leo lên đóng ở trên núi Mây Tào, một nơi cao nằm ở giữa ba tỉnh Biên Hoà, Bà Rịa, Phan Thiết. Ơ± đây phong cảnh đẹp như trong bức tranh Tầu, sau những đêm đi công tác về, tôi thường nằm ngủ ngày bên cạnh một con suối nhỏ.
Tôi không thể nào quên được những địa danh như Cầu Cỏ May, nơi chúng tôi đụng độ với lính Chà Và đội nón chóp, như Nước Nhì, Bình Ba, Long Điền, Đất Đỏ nơi tôi đi vô, đi ra như đi chợ (thật là đúng nghĩa) để làm công tác thông tin và tiếp vận. Và như Phước Bửu, một làng đánh cá nằm ở giữa Long Hải và Cù My, nơi tôi đã tới hát cho binh lính nghe vào đêm giao thừa của Tết Bính Tuất (1946).
Còn nhớ những lúc nằm cạnh thằng hoạ sĩ Công trên chiếc xe bò chở gạo, lọc cọc đi từ một cái chợ nhỏ leo lên chiến khu Mây Tào, cảnh đêm trăng trong khu rừng Đất Đỏ giống như cảnh quái dị trên một tinh cầu nào đó. Tại sao mầu trăng ở đây không trong xanh mà lại đỏ ngầu như mầu máu?
Còn nhớ trại huấn chính An Nhứt có Huỳnh Tấn Phát gầy gò cao ngẳng từ Hà Nội trở vào Nam đem theo những huấn thị của Trung Ương. Cũng có lúc tôi trút bỏ bộ quần áo cán bộ, giả dạng làm người Tầu, mặc áo khách quần đen ra chợ Long Điền nghe tin tức. Có lần tôi và thằng hoạ sĩ Công đang đi trên đường nhựa để trở về chiến khu thì thấy xe tăng Pháp ở xa chạy tới. Không kịp chạy vào rừng, chúng tôi vội vàng chui xuống nấp trong ống cống xi măng chôn ở dưới một cái cầu nhỏ. Nằm trong đó, nghe tiếng xe tăng chạy rầm rầm trên đầu, tôi cũng thấy rờn rợn.