Từ chàng ra đi
Lưng khoác chiến y
Và hồn nương bóng quốc kỳ...
Chinh Phụ Ca
Trong một Hà Nội rất vui vì những sinh hoạt văn nghệ do chính quyền chủ trương hay do tư nhân đảm trách như vậy thì tình hình chính trị ở trong nước thay đổi.
Qua tới năm 1946 tình hình có vẻ gay go hơn lúc Cách Mạng mới thành công. Từ Saigon, Pháp mở rộng được vùng chúng chiếm đóng. Ông Hồ Chí Minh gửi Nguyễn Bình vào Nam để chỉ huy cuộc chiến tranh du kích lúc đó được gọi là "Kháng Chiến Nam Bộ". Tướng Leclerc cho tầu chiến chở đầy quân lính ra đậu ở Vịnh Bắc Việt với sự đe doạ đổ bộ vào miền Bắc để thay thế Quân Đội Tưởng Giới Thạch đã làm xong nhiệm vụ tước khí giới Nhật Bản và đang từ từ rút quân về Tầu. Để tránh một cuộc chiến tranh trên toàn quốc, ngày mùng 6 tháng 3 năm đó Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà bằng lòng ký với Pháp một Hiệp Định Sơ Bộ. Lính Pháp kéo vào miền Bắc, đóng quân ở một số tỉnh lỵ. Rồi Pháp và Việt Nam còn mở ra những Hội Nghị ở Dalat (tháng 4 và tháng 5, 45) và Hội Nghị Fontainebleau tháng 7 và tháng 9, 45) để cố tìm ra giải pháp hoà bình.
Sống trong một Hà Nội bị nung nấu bởi thời cuộc như vậy, tôi vẫn nhớ tôi là người có vinh dự hiện diện ở miền Nam khi tiếng súng Nam bộ đầu tiên nổ lên để chống lại cuộc tái xâm lăng của quân viễn chinh Pháp.
Dù khi đó tôi chỉ là một anh dân quân cầm gậy tầm vông đứng gác ở Cầu Kiệu hay một anh du kích vô danh ở Gò Vấp sau đó, chạy giặc nhiều hơn là đánh giặc. Tuy xa miền Nam, tôi vẫn luôn luôn theo rõi tình hình ở trong đó. Tôi rất thù ghét những kẻ theo Tây để lập ra Nam Kỳ Quốc như Nguyễn Văn Thinh chẳng hạn. Ngứa mắt vì sự có mặt của lính Pháp ở trên đường phố Hà Nội, tôi còn cho rằng nhóm chống đối kết tội Việt Minh "bán nước" là đúng. Tôi bực mình khi thấy những lính Pháp mà mình đã chống lại họ cách đây không lâu bây giờ lại được Chính Phủ cho đóng quân ở đây, có biết đâu rằng làm chính trị là phải gian manh, Việt Minh hoà hoãn với Pháp để rảnh tay tiêu diệt các đảng đối lập.
Rồi ngẫu nhiên tôi gặp lại Phạm Thanh Liêm, chủ tịch U±y Ban Kháng Chiến Gia Định, người đã ký cho tôi cái chứng minh thư để tôi ra Bắc. Phạm Thanh Liêm từ một chiến khu ở miền Nam trở ra Hà Nội để báo cáo tình hình Nam Bộ với Trung Ương. Gặp tôi, sau những chuyện hàn huyên thông thường, anh nói:
-- Cậu thích "zô" lại trong Nam để kháng chiến không?
-- Zô thì zô.
Tôi nhận lời ngay vì hai lý do: một là tôi sốt ruột vì cái tình hình ở đây chẳng ra ngô ra khoai gì cả; hai là tôi coi như mắc nợ với Phạm Thanh Liêm khi cầm trong tay cái chứng minh thư công nhận mình là U±y Viên liên lạc và bây giờ thì tôi cần phải trả cái nợ này.
Khi Phạm Thanh Liêm ra Bắc thì được Trung Ương mời giữ chức Giám Đốc Trường Quân Chính ở Bạch Mai. Nhưng anh ta không nhận và chỉ muốn xin thêm cán bộ để tiếp tục trở vào Nam chiến đấu. Các ông Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp đồng ý và cho anh ấy toàn quyền chọn người vào học một lớp huấn luyện quân sự cấp tốc. Tôi là người đầu tiên mà Phạm Thanh Liêm chọn để vào học trong lớp này. Trại học là Trại Lính Khố Xanh cũ. Trại trưởng là Thiếu Tá Lê Hiến Mai -- mà chúng tôi sẽ gọi là Lê Mái Hiên vì hàm răng rất vẩu của ông -- có giảng viên như Lý Ban, người của Đảng Cộng Sản Tầu được cử qua giúp Việt Minh và tới dạy chúng tôi về quân sự. Các giảng viên khác như Võ Nguyên Giáp, Trần Văn Giầu, Dương Đức Hiền thì tới dạy về chính trị. Tôi còn nhớ Dương Đức Hiền nói nhiều đến nỗi xùi cả bọt mép. Thầy Võ Nguyên Giáp thì vẫn nói rất hay giống như khi thầy dạy tôi về môn Sử- Địa ở trường Thăng Long trước đây. Sau một tháng huấn luyện, mỗi đứa trong chúng tôi được phát một bộ quần áo cán bộ với một chiếc mũ ca-lô có đính huy hiệu sao vàng. Lúc đó chưa có nón cối và dép râu.