Chúng nó ngồi dưới gốc cây soan tây từ lúc tan học, tiếng ve sầu rên rỉ sao mà buồn thế. Vũ ngẩng mặt lên nhìn những chùm soan đỏ rực. Nắng trưa làm chói chang mầu hoa khiến Vũ chớp mắt mau. Nó dựa hẳn người vào thân cây soan, vòng tay bá vai bạn.
Vũ bị đuổi học từ hôm qua. Nó đánh thằng Dương chảy máu mũi chỉ vì bênh thằng Vọng. Sau hôm bị thằng Vũ thách thức rồi cong đuôi chạy, con nhà Dương để bụng thù thằng Vũ. Nó muốn choảng thằng Vũ. Thằng Phiệt, thằng Hài sợ bọn thằng Vũ hỏi tội nên khuyên thằng Dương đừng gây sự với Vũ.
Chúng nó biết Vũ được thầy yêu, bạn quý, nhờ nó học giỏi và cũng nhờ đội bóng của nó đá chiến. Nhưng có thằng Vọng mới hạ nổi tụi An Tập chứ những trận trước thua bét tĩ. Bây giờ con nhà Vọng nghỉ đá thì thằng Vũ sẽ mang xe bò đi chở bóng của tụi An Tập.
Bọn thằng Dương bàn nhau xúi thằng Vọng rút chân khỏi đội bóng của thằng Vũ. Dương nói xấu Vũ, tấm tắc khen Vọng cừ hơn Vũ. Vọng nín thinh. Nó không thể quên những phút vinh quang của đời nó trên sân cỏ hay những phút vui vẻ hồn nhiên trên sân trường mà nhờ thằng Vũ nó mới được hưởng. Chỉ có thằng Vũ mới mang lại cho thằng Vọng những trận cười vỡ bụng hay những giọt nước mắt sung sướng. Vọng mặc kệ bọn thằng Dương nói chán nói chê. Nó lắc đầu nguây nguẩy.
Dương là thằng đểu. Trong lúc đứng gần Vọng, nó dúi vào cặp sách của Vọng tấm giấy bạc một đồng. Nếu Vọng nghe nó, nó sẽ tặng Vọng. Nếu Vọng khăng khăng chơi với thằng Vũ, nó sẽ đổ tội Vọng ăn cắp tiền của nó để làm nhục Vọng. Quả nhiên, Vọng bị mắc bẫy. Dương mách ông Đốc. Vọng chối. Dương xin ông Đốc khám Vọng. Ông Đốc sai tùy phái lục cặp sách của Vọng và tìm thấy tiền dấu trong đó. Ông Đốc tát Vọng một cái nẩy đom đóm. Vọng run rẩy, mặt mày tái mét. Nước mắt nó ứa ra, chảy xuống mồm mằn mặn, cay đắng.
Thằng Long biết chuyện, mách Vũ. Vũ chạy tới hỏi Vọng. Vọng khóc thui thít. Nó nói đứt khúc từng quãng :
Thằng Dương … xúi tao bỏ … đội bóng của mày … Tao không nghe … Nó nhét … tiền vào cặp … sách tao … vu oan cho tao … ăn cắp. Ông Đốc … tát tao … Chắc tao bị đuổi mày … ạ ! Bị đuổi … vì ăn cắp … mẹ tao buồn lắm … Tao chưa ăn cắp bao giờ … Vũ ạ !
Vũ hiểu ngay co nhà Dương khốn nạn đã trả thù nó bằng cách vu oan cho thằng bạn đá bóng tuyệt “cú mèo” của nó. Vũ thương Vọng hơn cả mọi lúc. Nó ăn ủi bạn.
- Mày đừng lo, đã có tao. Mày không bị đuổi học đâu. Mày tội tình gì mà ông Đốc đuổi. Tao mới có tội. Hôm nớ tao chửi bố thằng Dương, suýt tao “tẩn” bố mẹ nó nên nó thù tao nó bắt nạt mày đấy. Mày đừng lo Vọng ạ ! Tao đi gặp ông Đốc đấy.
Vũ bỏ Vọng ngơ ngác nhìn theo bóng dáng chàng hiệp sĩ tí hon. Vũ mon men lên phòng ông Đốc. Nó đẩy cửa bước vào. Gặp đông đủ các thầy. Vũ giả vờ cúi gầm mặt, thú nhận nó đã lấy tiền của thằng Dương nhét vào cặp của thằng Vọng. Thầy Đàn ngạc nhiên, ông Đốc ngạc nhiên. Vũ nói nó trót dại. Nó trót dại thì chỉ bị quỳ là cùng chứ thằng Vọng trót dại chắc chắn bị đuổi. Thầy Đàn không tin Vũ. Thầy gặng hỏi :
- Thật con lấy tiền của thằng Dương hay con nhận vì thương thằng Vọng ?
Vũ chẳng cần suy nghĩ lâu la, nó trả lời ngay :
- Thưa thầy con lấy ạ !
- Tạo sao con làm thế ?
- Thưa thầy con trót dại.
Ông Đốc nghe Vũ sám hối thành tâm quá. Ông ngỡ thực. Ông mắng mỏ Vũ, đánh nó năm cái thước bảng rát cả mông và bắt nó quỳ một tiếng đồng hồ. Bọn thằng Dương đứng nhìn cười hả dạ.
Vũ nghiến răng căm tức. Nó chửi thầm “Tiên sư mày phó cẩm ạ ! Chốc nửa ông đánh bỏ mẹ mày”. Hết hạn quỳ, “hiệp sĩ” Vũ lồng lộn bổ đi tìm thằng “súc sinh” Dương. Nó phóng tới đấm đá thằng Dương tơi bời. Đến nỗi con nhà Dương ôm mặt khóc hu hu. Ngay chiều hôm đó, lão đội xếp già gõ cửa nhà thằng Vũ, mời ba nó ra sở cẩm. Nhưng ba nó đã lên Bắc Cạn, dì nó phải thay việc ba nó. Chuyện thằng Vũ đánh chẩy máu mũi con ông phó cẩm quan hệ lắm. Ông phó cẩm bảo dì nó đợi ba nó về hẵng hay. Sáng hôm sau, ông Đốc xuống tận lớp nhì một đuổi thằng Vũ khỏi lớp.
Vũ thản nhiên khi biết mình bị đuổi học. Trước khi cắp cặp bước ra khỏi lớp, nó còn toét miệng, nhấm nháy đôi mắt khôi hài với bạn bè. Thầy Đàn nhìn nó thương hại. Con nhà Vũ chẳng cần ai thương hại. Nó cho rằng bênh vực thằng Vọng, đánh thằng Dương là “bổn phận” của hiệp sĩ. Vũ đọc truyện “Đường kiếm họ Triệu, thấy Triệu Dương Hiệp thường rút kiếm đâm lòi ruột bọn vua quan bắt nạt người cô thế, nó khoái chí lắm. Nay nó đánh thằng “súc sinh” Dương chẩy máu mũi cũng là bênh vực thằng Vọng, khác chi Triều Dương Hiệp. Nó lại nhận nó là Triều Dương Hiệp nữa thì nó còn sợ cái nỗi gì. Ối dà, đuổi học càng thích, tha hồ chạy nhẩy. Sắp hè rồi, không cần.
Về nhà, nó nói cười ầm ỹ, coi chuyện bị đuổi học là trò chơi. Suốt ngày nó thổi kèn hay luyện “võ hiệp” cho thằng Khoa. Dì nó lắc đầu, thở dài. Cơ sự này phải đợi ba nó chứ trách nó sợ nó giận nó bỏ nhà thì rắc rối to. Thành thử, Vũ thả cửa chơi nghịch, dì nó không mắng mỏ. Vũ càng tưởng bị đuổi học là trò chơi. Nó chắc mẩm con Thúy đã phục nó cừ hết chỗ nói. Vũ dám “tẩn” thằng Dương chẩy máu mũi. Vũ thật đáng tay giang hồ hảo hán. “Giang hồ phải cừ chứ”, Vũ luôn luôn nuôi cái mộng cừ ấy nên nó bất chấp phải trái, nó “moa phú” lão phó cẩm. Bốc máu là nó choảng hết. Choảng xong, bị đuổi học, con nhà Vũ không thèm hối hận. Nó vẫn cười hô hố và ba hoa chích chòe cả ngày.
Trong khi ấy, thằng Côn buồn rầu vô hạn. Ông Đốc bảo sang năm chưa chắc con nhà Vũ đã được học trường công. Vũ không được học trường công nghĩa là nó phải xa thằng Côn, thằng Vọng, xa đội bóng từng đè bẹp tụi An Tập 3-0 của lớp nhì một. Vũ xa nó thì lấy ai làm cháng đảng, ai bày mưu tính kế sang sông ăn cắp vải, ăn cắp ổi ? Nhất là mấy hôm nữa bãi trường, ai sẽ thổi ác mô ni ca để nó hát bài “Trường cũ”. Côn thương thằng Vũ bao nhiêu, nó lại ghét con Thúy bấy nhiêu. Tại con bà cô này chứ không làm sao thằng Dương thù thằng Vũ, vu khống thằng Vọng khiến thằng Vũ nổi giận đánh nó chẩy máu mũi. Côn ức con gái thậm tệ. Ức con gái chán, nó đâm ra ức thằng Vũ.
Côn véo vào tay bạn một cái thật mạnh. Vũ kêu ơi ới :
- Gì thế mày ? Gì mà mày véo đau thế ?
Côn trách móc :
- Sao mày dại thế hở Vũ ?
Vũ gắt :
- Mày cứ luôn miệng hỏi câu ấy.
- Đánh con ông phó cẩm mà không dại à ?
- Dại gì, mày nói tao xem nào ?
- Thày bênh mày mà mày còn bướng ?
Vũ sực nhớ buổi chiều trước hôm bị đuổi. Thầy Đàn gọi riêng Vũ ra hành lang. Thầy ân cần dặn :
- Ông Đốc và thày thương con lắm. Lát nữa ông phó cẩm tới, con đừng nói gì, mặc thầy lo liệu. Con xin lỗi ông ta nhé Vũ nhé !
Vũ vâng lời thầy. Khi ông phó cẩm tới, ông ta xồng xộc vào lớp. Học trò đứng lên. Ông ta không thèm vẫy. Ông ta hầm hầm, dữ tợn. Con nhà Dương theo gót bố, mặt vênh vang như chó con vừa được chủ vuốt ve. Vũ ức quá quên mất lời thầy dặn. Ông phó cẩm hỏi Vũ :
- Mày ăn cắp tiền của con tao hả ?
Vũ nắm chặt tay, bóp hai ngón cái kêu răng rắc. Nó ưỡn ngực rất kiêu hãnh.
- Vâng.
Thằng Dương nói leo :
- Không phải nó, thằng Vọng cơ ba ạ !
Vũ cãi :
- Đồ “súc sinh”, tao đấy !
Thầy Đàn lắc đầu thương hại thằng học trò ngoan nhưng bướng bỉnh. Ông phó cẩm quát :
- Im mồm, thằng ôn con !
Dương mách bố :
- Hôm nọ nó gọi ba là Đinh hói ba ạ !
Vũ sửng cồ :
- Ai bảo mày hát ba hùng buôn cứt ?
Ông phó cẩm hạch sách :
- Tại sao mày đánh con tao ?
- Tại nó bắt nạt bạn cháu.
- Nó bắt nạt mày cũng không được đánh nó !
- Đứa nào bắt nạt bạn cháu, cháu cũng đánh, cháu không sợ.
Thầy Đàn kiếm lời can ông phó cẩm bớt giận tha tội Vũ vì nó còn nhỏ. Thầy bắt Vũ khoanh tay xin lỗi ông phó cẩm. Ông phó cẩm bắt Vũ khoanh tay xin lỗi thằng Dương. Vũ ngước lên, nó thấy ông phó cẩm chẳng khác gì ông ba bị dọa trẻ con và thằng Dương lơ láo như thằng dánh côn trong đám múa sư tử. Vũ nhìn thầy ngần ngại. Thầy Đàn dục nó :
- Xin lỗi đi con, xin lỗi ông phó cẩm không thì con bị ông Đốc đuổi học.
Vũ đúng im. Chân nó chôn chặt một chỗ. Nó bị xử ức quá. Nước mắt nó dàn dụa. Mãi nó mới mở miệng, thổn thức :
- Thưa thày, con không xin lỗi ạ !
Ông phó cẩm tát nó hai cái, chỉ tay vào mặt Vũ xỉ vả một lúc. Đoạn ông bước khỏi lớp. Thầy Đàn không trách Vũ, thầy rút mùi xoa thấm nước mắt cho Vũ. Thầy vỗ nhẹ lên vai Vũ, giọng thầy trầm trầm :
- Thầy hài lòng lắm, nhưng con sẽ bị đuổi Vũ ơi !
Và Vũ bị đuổi. Nhớ lời thầy nói, Vũ ngồi ngay người vung tay :
- Tao “đét” cần học.
- Thế cần gì ?
- “Đét” cần gì !
Côn mỉa mai :
- Bênh cái con bà cô Thúy ở cầu Bo có lợi lắm hở mày ?
Vũ câm miệng, nó ngượng nghịu không dám nói cho thằng Côn hiểu tại sao chiều hôm ấy nó bênh con Thúy chửi thằng Dương thậm tệ vậy. Côn ngỡ Vũ bí, rỉa rói thêm :
- Con Thúy thì ra cái “thớ” gì ?
Ra cái “thớ” gì. Vũ không cần biết. Vũ chỉ cần biết lần nào gặp con Thúy vui vẻ Vũ thấy tâm hồn mình lâng lâng, mát rượi. Hễ lần nào con Thúy cau nó, dù vui mấy, Vũ cũng cảm thấy buồn bã vu vơ. Vậy con Thúy ra cái “thớ” gì ? Có lẽ thằng Côn không biết cái “thớ” của con Thúy mà chỉ có Vũ mới biết cái “thớ” đó ra gì thôi. Côn hoạnh họe :
- Ừ, nó ra cái “thớ” gì hở mày ?
Vũ xua tay :
- Thôi đừng nhắc chuyện ấy nữa.
- Thế nhắc chuyện gì ?
- Chuyện gì thì chuyện !
- Mày bị đuổi học rồi, còn chuyện gì nữa ?
Côn ngồi im lặng nhớ những kỷ niệm nghịch ngợm hơn hai năm trời bên cạnh Vũ. Nó ngỡ rằng những kỷ niệm đó sẽ theo thằng Vũ đi mất chẳng bao giờ trở lại. Ôi ! Những chiều “chơi kiếm hiệp” ở bãi tha ma, những chiều vẫy vùng ở hồ Phúc Khánh, những trận cười vỡ bụng ở cống Kỳ Bá, những lần hả hê sau mỗi lần đá bóng thắng tụi trường đạo. Thế là hết, thằng Vũ đi khỏi cái trường này là hết cả. Nó sẽ mang tới trường khác cho tụi nhãi khác hưởng. Còn thằng Côn, thằng Vọng và đội bóng lớp nhì một buồn thiu vì mất “chúa đảng” Vũ rồi. Côn rầu rầu hỏi bạn :
- Ông Đốc dọa sang năm không cho mày học thì mày học ở đâu hở Vũ ?
Vũ tạc lưỡi :
- Cần “đét” gì, học ở đâu chả được.
- Mày định học ở đâu ?
- Tao học trường bà xơ.
- Nhỡ lão phó cẩm bắt bà xơ đuổi mày thì sao ?
- Thì tao học trường Kỳ Bá.
- Kỳ Bá làm “đếch” gì có lớp nhì hai !
- Ừ nhỉ, tao thôi học vậy.
- Thôi học mày làm gì ?
- Tao ở nhà.
- Ở nhà ba mày đánh mày chết.
- Đánh thì tao trốn đi.
- Mày lại giang hồ nữa à ?
- Ừ, lần này tao đi xa lắm.
- Mày đi đâu ?
Vũ bèn đọc một câu vọng cổ mà nghe mãi nó đã thuộc lòng :
- “Muôn dặm trùng dương, lấy trăng gió làm nhà, nước mây làm bạn …”
Côn ngớ ngẩn hỏi :
- Rồi mày ăn cơm ở đâu ?
Vũ trả lời bừa :
- Tao ăn cơm hàng.
- Tiền đâu mà ăn cơm hàng ?
Vũ bị dồn vào nước bí nó cáu :
- Tiền cái củ “thìu biu”, giang hồ cần “đét” gì tiền. Hễ được tụi súc sinh bầu làm “đại ca” là có cơm ăn. Tao ở Cống Đậu đã từng ăn chim sẻ ran của bọn tổ sư ăn cắp.
Vũ cười :
- Hà hà, giang hồ có ai mang tiền. Mày xem truyện kiếm hiệp có thằng hiệp sĩ nào mang tiền đâu.
Côn bỗng lây cái thú giang hồ của Vũ, nỗi buồn của nó chui đâu mất. Nó đập vai Vũ :
- Thật hở ?
- Ừ !
- Mai mày có đến đây nữa không ?
- Không.
- Sao thế ?
- Phải lẩn mặt ông Đốc, tao “đét” thích.
Côn ngẫm nghĩ một lát, rồi bàn :
- Hay là hai đứa mình giang hồ tối nay đi !
Vũ lắc đầu :
- Đợi ba tao về xem ba tao có đánh to không đã.
Vũ nói cho sướng miệng chứ đời nào nó chịu đi giang hồ. Bây giờ con Thúy với nó thân thiết đến độ hai đứa rủ nhau hóng mát cầu Bo thì dại vì Vũ trốn nhà đi giang hồ. Côn cụt hứng lảng sang chuyện khác :
- Mày có được thổi kèn hôm bãi trường không hở Vũ ?
Vũ chìa khuỷu tay :
- Thổi cái này này !
- Nhỡ ông Đốc cho mày thổi kèn mày có thổi không ?
- Không.
- Không có mày tao “đếch” hát nữa.
- Mày “đét” hát ông Đốc đuổi bỏ mẹ !
- Đuổi thì đuổi.
Vũ dỗ Côn :
- Hát đi mày, bảo con nhà Ngân thổi kèn thay tao. Chúng mày hát chắc được “bravo” ghê lắm.
Côn thè lưỡi liếm môi :
- Cần “đếch” gì “bravo” !
- Thế mày cần gì ?
Côn nắm chặt tay Vũ :
- Tao cần mày cơ …
Hai đứa bé nhìn nhau. Thương mến. Tiếng ve sầu rền rĩ nhiều hơn. Không bảo nhau, hai đứa cùng đứng lên, bá vai nhau sóng bước. Thoắt cái, chúng nó đã nhẩy ra khỏi cổng.