Phượng đưa tay ra phía trước vẫy vẫy ra hiệu cho ông xích lô ngừng lại:
- Xuống đây hả cô.
- Dạ ông cho cháu xuống đây.
- Lúc nãy cô bảo cuối đường này kia mà?
- Dạ, cháu đã tìm ra số nhà rồi. Lúc nãy cháu chỉ đoán ở đâu khoảng cuối đường thôi.
Phượng cười, móc tiền trong chiếc khăn tay ra trả cho ông xích lô. Phượng nhận tiền thối lại và nói:
- Cám ơn ông nhé, phải chút nữa ông quay lại rướt cháu thì hay quá.
- Biết bao giờ cô về mà rước? Với lại tôi cũng về nhà ăn cơm, trưa rồi.
Phượng nhìn nắng, chớp mắt:
- Dạ, cháu quên chuyện tìm nhà. Thôi, chút cháu đi về xe khác.
Ông xích lô mỉm cười. Cái miệng hóm hém trông thật tội. Phượng chờ ông xích lô đạp xe qua khỏi mới quay lại đầu ngõ hẻm. Mảnh giấy vẽ vị trí của căn nhà chỉ được anh Nguyện ghi chú sơ sài. May con đường này ngày xưa Phượng có một nhỏ bạn, vẫn đi tới nhà nó chơi luôn nên Phượng tìm ra con hẻm dẫn vào không khó mấy. Buổi trưa, nắng thật gắt. Lúc bước xuống xe xích lô mắt Phượng như muốn hoa đi trước đám xe cộ chen chúc nhau đúng giờ tan sở. Phượng chỉ sợ mình nhìn sai số nhà. Phượng cẩn thận cầm mảnh giấy ra xem lại và yên tâm đi vào con hẻm. Anh Nguyện hết chỗ mướn nhà, lại mướn nhà nhằm con hẻm sâu hun hút, chỉ vừa chỗ cho hai người đi ngược chiều nhau chứ chiếc xích lô đạp qua cũng không lọt. Cơn mưa chiều hôm qua còn đọng lại trên con hẻm những vũng nước lớn. Phượng phải kéo vạt áo dài, đi nép vào hiên nhà người ta. Qua một quán cà phê nhỏ, Phượng bắt đầu chú ý số nhà. Mấy đứa trẻ con chạy theo sau hỏi:
- Chị kiếm nhà ai vậy chị?
Phượng ngần ngại:
- Tôi kiếm nhà người quen.
- Tên gì?
- Chắc em không biết đâu, người ấy mới dọn tới.
Ðứa trẻ con quơ tay cười:
- Ở đây thiếu gì nhà cho mướn.
Chúng bỏ Phượng, quay ra với trò chơi. Phượng dáo dác ngó từng số nhà, có nhà ghi bảng số, có nhà không, số chẳn, số lẻ loạn xà ngầu khiến Phượng rối mắt. May mắn cho Phượng, nhà anh Nguyện mướn là một ngôi nhà tường gạch, quét vôi vàng có căn gác màu xanh dễ nhận ra trong đám nhà hỗn tạp kia. Khi Phượng gõ cửa thì có một người đàn bà ra mở. Bà hỏi:
- Cô tìm ai?
Phượng ấp úng:
- Dạ, tôi tìm anh Nguyện.
- À cậu Nguyện, cậu ấy vẫn ở đây, trên gác.
- Dạ, anh ấy có nhà?
Người đàn bà đáp:
- Ðể tôi gọi xem, mời cô vào nhà chơi.
Phượng bước theo vào. Và đứng lớ ngớ chờ người đàn bà lên gác. Bà gọi hai, ba tiếng, trên gác vẫn im lặng. Lúc quay xuống bà lắc đầu cười:
- Cái cậu này lạ thật, cứ như là ma. Hồi nãy tôi nghe cậu ấy hát ở trên đó, bây giờ đi đâu mất tiêu rồi.
- Thưa, bà có biết anh Nguyện đi đâu không ạ?
- Làm gì biết được, tánh cậu ấy vẫn như thế. Ði đâu chả nói. Về chả hay, như là ma chơi. Nhưng tôi đoán chắc cậu đi đâu ra đầu ngõ mua thuốc liếc gì đó.
- Dạ cháu mới ngoài đó vô không thấy.
- Cậu thường ngồi trong quán cà phê.
- Dạ, cái quán ở phía trước?
Người đàn bà gật đầu. Phượng lắc đầu:
- Lúc nãy đi ngang cháu cũng không thấy.
- Vậy thì chịu. Chỉ có cách cô ngồi chơi đợi cậu ấy về. Mà cô quen sao với cậu Nguyện?
- Dạ, là em của anh Nguyện.
Người đàn bà có vẻ tò mò. Bà nhìn Phượng một hồi rồi bật cười:
- Chắc là em bà con sao đó chứ cậu Nguyện có một mình.
- Dạ, em bà con.
- À, tôi đoán ít khi sai. Khổ thật, không giấu gì cô, vốn nhà tôi chỉ có một mình, chồng chết từ lâu, mấy đứa con trai đi biệt tăm. Nhà vắng, có căn gác bỏ trống mới cho mướn. Cậu Nguyện được người bạn gần đây giới thiệu tới ở trọ, thấy cậu dễ thương hiền lành tôi bằng lòng ngay. Cậu với tôi như người trong nhà rồi, cô đừng ngại.
Phượng thở ra, thấy bớt e ngại. Người đàn bà đi rót cho Phượng một ly nước trà. Trong nhà hơi ầm ĩ, nhưng cũng không hơn nhà Phượng bao nhiêu. Phượng nhìn loanh quanh, bốn bức tường treo những tranh ảnh nhiều màu kỳ cục. Căn gác suốt dài bằng gỗ với những đường kẽ hở được dán lại bằng giấy dầu. Căn nhà tương đối rộng rãi vắng vẻ. Cái không khí im lặng như thế này trong một khu nhà đông đúc hỗn tạp là một điều đáng ngạc nhiên.
Người đàn bà bưng ly nước tới, đon đả mời:
- Cô chịu khó xơi ít nước nhạt, nhà chỉ có một mình, tôi lại bận làm cơm. À, quên, cậu Nguyện chắc trở về ăn cơm.
- Dạ.
- Cô ngồi đây chơi đợi cậu Nguyện nhé, tôi bận dưới bếp một chút.
Phượng gật đầu. Người đàn bà ra sau nhà, Phượng cũng đứng lên đi loanh quanh trong phòng. Phượng bối rối không biết có nên biên cho anh Nguyện một mảnh giấy rồi ra về hay không? Cuối cùng, Phượng quyết định ngồi lại để chờ anh Nguyện. Lâu lắm rồi kể từ khi anh Nguyện về tỉnh, Phượng không gặp anh. Thi xong, biết kết quả, Phượng đậu, Hạ đậu. Hai đứa đi chơi với nhau ít ngày rồi Hạ về Ðà Lạt, bỏ lại mình Phượng nơi thành phố này với nỗi vui mừng thi đậu, Phượng phải bắt anh dẫn đi ngao du sơn thủy để bõ những ngày mệt mỏi, cắm đầu cắm cổ với bài vở. Sau ngày thi, Phượng ngỡ mình đã xa lạ với thành phố này lắm, những con đường, những quán nước, hình như có những đôi mắt, những cái nhìn mới. Phượng cần làm quen lại, cần đem nỗi vui mừng của mình trải ra trên cây lá, trên các lòng đường. Bức thư của anh Nguyện làm Phượng ngỡ ngàng. Trong thư anh bảo đã lên hẳn Sài Gòn để ghi danh vào đại học, đồng thời cũng mướn được một căn gác nhỏ xinh xắn. Anh dặn Phượng khi nào rảnh ghé chơi. Anh lờ chuyện thi của Phượng, hay anh đã biết rồi mà giả bộ? Phượng hơi ức với bức thơ của anh, nhưng Phượng mừng rỡ vì anh Nguyện đã ở hẳn trên này. Dù sao, cũng được chạy qua chạy lại nói chuyện với anh, kể chuyện vui buồn với anh, vòi vĩnh anh. Và bắt buộc anh phải chìu ý Phượng. Hôm nay Phượng đã tìm ra nhà, và anh lại đi vắng. Bức thư để lại chắc đầy những lời trách móc, cay đắng. Phượng hy vọng sẽ không phải để lại bức thư ngậm ngùi như thế. Dù sao Phượng đã thi đậu, và Phượng đang vui, đang sẵn sàng tha thứ.
- Phượng, tới bao giờ thế, mở cửa cho anh đi chứ?
Tiếng gọi của anh Nguyện làm Phượng giật mình quay ra. Anh Nguyện thò đầu qua cửa sổ cười. Phượng mừng quýnh suýt reo lên và chạy ra mở cửa. Nguyện bước vào vò đầu Phượng hỏi:
- Sao tới giờ này, sao Phượng tài thế?
Phượng ấm ức:
- Tới chờ anh muốn mục xương.
- Mục xương còn thịt, chừng nào mục thịt mới sợ.
- Vẫn cái giọng đó, báo tin buồn cho anh Phượng đã thi đậu rồi. Anh biết bổn phận của mình là phải làm gì với cô em này rồi chứ?
Anh Nguyện cười:
- Anh biết từ khuya rồi cô bé ơi. Và bổn phận của anh đã lo xong từ mùa xuân năm trước cơ.
- Anh xạo thấy mồ, Phượng chưa nói sao anh biết được?
- Hôm qua anh mới ghé trường Phượng, xem thấy tên của hai cô treo trên bảng vàng. Bèn mừng.
- Mừng mà im lặng như cái cột đèn ngoài đầu hẻm.
- Anh biết thế nào Phượng cũng tới.
- Nếu Phượng cảm mạo, ho gió, ho gà không tới được thì sao?
- Hết bệnh Phượng cũng phải tới.
- Nói như anh thì hết chuyện.
- Còn chuyện nhiều lắm cô bé ơi. Bây giờ tới ghế kia ngồi, hay lên gác thăm giang sơn của anh?
Phượng nhăn mặt:
- Tại sao anh không tới đằng nhà em ở, lại đi ở trọ?
- Tại anh thích ở một mình.
- Rồi ai nấu cơm cho anh ăn, ai giặc giũ quần áo?
- Quần áo tự giặt. Cơm có bà chủ nhà. Cám ơn tấm lòng lo lắng của cô bé. Ðợi cô bé lo chắc tôi đã thành con ma tứ cố vô thân rồi.
Phượng cười:
- Lên gác của anh đi, chắc là cô bé khỏi chê rồi.
Anh Nguyện cười cười. Hai người bước lên cầu thang. Anh Nguyện trước, Phượng sau. Căn gác của anh Nguyện rộng quá, rộng hơn Phượng tưởng. Ngoài cái va ly đựng quần áo của anh, với hai cái thùng sữa đựng sách báo chưa có một cái gì khác. Căn gác ngó trống trơn. Anh Nguyện huơ tay nói:
- Ðịnh chiều nay đi mua cái bàn, cái giường.
- Mở cánh cửa sổ ra đi anh.
Anh Nguyện tới mở cửa sổ. Phượng thấy một khoảng trời nhiều mây. Nắng chói gắt trên đỉnh cây nhiều lá xanh. Những mái nhà tôn lấp lánh gần đấy.
- Giang sơn của anh đây.
Phượng nhìn cây đàn của anh Nguyện treo trên vách cười:
- Nhạc sĩ với cây đàn.
Anh Nguyện châm thuốc lá hút. Bao diêm của anh làm Phượng nhớ tới Hạ. Phượng hỏi:
- Anh có lấy lại được bao diêm và gói thuốc?
- Chưa, Hạ còn nợ anh.
- Nợ dai nhỉ, chắc lời nhiều lắm rồi.
- Cả vốn lẫn lời trả bằng một đời người thôi.
Phượng lè lưỡi:
- Dữ vậy, sợ Hạ không chịu trả.
Nguyện cười cười nhìn ra cửa sổ. Bây giờ Phượng mới có dịp ngắm anh. Nguyện vẫn gầy, dù bao nhiêu ngày xa cách. Con gái chỉ cần một tháng để thay đổi, nhưng con trai cả ba năm trời cũng chẳng thay đổi gì. Anh Nguyện vẫn cái dáng buồn buồn, vẫn gầy héo, vẫn đôi mắt dửng dưng, lơ đãng.
- Anh có gặp Hạ?
- Mới dọn nhà, bận quá. Ðịnh chờ Phượng tới hỏi thăm xem hai người đã hết giận nhau chưa và rủ Phượng đến nhà Hạ chơi.
- Giận thì hết rồi, nhưng còn ai ở đây đâu mà tới?
- Sao?
Ðôi mắt anh Nguyện mở to, ngạc nhiên. Phượng đoán có một sự xúc động trong đôi mắt ấy, khiến Phượng ngại ngùng nói:
- Anh không gặp Hạ lần nào nữa à?
- Ðã bảo không.
- Thi xong Hạ về Ðà Lạt rồi, chả cần xem kết quả đậu rớt.
Nguyện im sững một lúc, mới hỏi nhỏ:
- Bao lâu Hạ trở lại thành phố này?
- Hạ không nói, Phượng cũng không đoán được.
- Hai người có biên thư cho nhau không?
- Có.
- Thường xuyên không?
- Không thường xuyên, hình như Hạ về trên đó lười biếng hết mọi việc.
- Cho anh cái địa chỉ của Hạ, Phượng!
Phượng cười:
- Làm chi?
- Anh sẽ biên thư cho Hạ.
- Ðừng có đùa ông, Hạ khó lắm chứ đừng tưởng.
Nguyện trợn mắt:
- Tưởng gì?
Anh Nguyện có vẻ bực tức. Phượng không nên chọc anh. Phượng lấy mảnh giấy nhỏ ghi địa chỉ của Hạ rôì trao cho anh Nguyện. Anh cầm lấy lẩm nhẩm rồi hỏi:
- Có nên viết thư cho Hạ không?
- Cái đó tùy anh, nếu thấy không có gì trở ngại.
Câu nói mỉa mai cay đắng của Phượng cho anh Nguyện biết rằng Phượng đang dỗi. Anh Nguyện cười cười:
- Cô bé thi đậu phổ thông vẫn còn dỗi. Lớn hơn năm xưa rồi đấy nhé, không chừng anh có tin mừng trong năm nay.
Phượng đỏ mặt cự nự:
- Còn lâu, anh chỉ giỏi tài nói phỏng chừng.
- Phỏng chừng đôi khi lại đúng bất tử.
- Người ta còn bé con lắm cơ.
- Chuẩn bị vào đại học rồi, bé với ai.
Phượng quên giận dỗi. Anh Nguyện có tài xoay chuyện nên Phượng ít có khi giận anh lâu.
- Sao Phượng, cho ý kiến?
Phượng cắn ngón tay cười:
- Ý kiến của bé con ai thèm nghe.
- Ðâu, anh cần ghê lắm chứ.
- Thôi, Phượng mà ăn nhằm gì.
- Ðừng dỗi cô bé, chiều nay đi xem phim.
- Không, Phượng muốn đi chơi xa cơ.
- Xa tận đâu lận?
- Lên Thủ Ðức ăn nem, ra xa lộ uống nước dừa.
- Ừ nhỉ, thôi đồng ý.
- Anh định biên thư nói gì?
- Cái đó thuộc quyền của anh. Phượng thấy có nên biên một lá thư cho Hạ không, chỉ vậy thôi.
- Tùy.
- Tùy là thế nào?
Phượng cười:
- Tùy là tùy chứ còn làm sao nữa.
- Phượng không nghe Hạ nói gì hết à?
- Nói gì anh?
- Nói lòng vòng, chuyện tình cảm, chuyện mưa nắng.
Phượng háy mắt:
- Mấy thứ đó ngày nào hai đứa không nói cho nhau nghe.
Và Phượng trêu:
- Hình như lúc sau này Hạ có ông kép con nhà giàu học giỏi.
Nguyện cười gượng:
- Chuyện đó không ăn nhằm gì.
- Không ăn nhằm gì, nhưng miệng anh hơi méo.
Nguyện cốc lên đầu Phượng một cái, lườm:
- Mi phát ngôn bừa bãi quá.
Phượng hỉnh mũi:
- Chính Phượng cũng không ngờ sao hôm nay mình thông minh thế. Anh Nguyện chịu thua đi. Phượng biết cả rồi.
- Biết gì nhỏ?
- Một người đang điêu đứng vì một người khác.
- Nói y như thiệt.
- Ðúng 100%.
- Tạm cho là mi thông minh, vì dầu sao mi cũng vừa thi đậu. Nhưng đừng vội mừng.
- Anh Nguyện quê chưa.
- Ừ, ta quê, ta từ dưới tỉnh mới lên.
Phượng đi lòng vòng. Căn gác khá rộng, Phượng đi đến mỏi chân thôi. Cuối cùng Phượng tới gần anh Nguyện hỏi:
- Như thế thì anh và Hạ đã quen nhau thân thiết lắm phải không?
- Cái đó trời biết.
- Anh biết chứ sao lại trời. Ông trời vô tội.
- Thế thì mi chịu khó hỏi Hạ.
- Hạ không nói gì cả, Hạ tỉnh bơ. Hạ xấu, Hạ giấu Phượng.
- Tốt, mi không nên biết chuyện tình cảm của người ta. Mi là phát ngôn viên không có lập trường, đáng đề phòng lắm.
Phượng dậm chân:
- Hai người nhất định bỏ người ta à. Phượng vẫn còn... cần thiết lắm chứ đừng tưởng.
- Nói gì mà nghe cay đắng quá vậy.
- Hỏi thật, anh và Hạ thân nhau bao nhiêu độ rồi?
- Ðã bảo chuyện tình cảm của người ta, chỉ có trời biết.
- Vậy Phượng làm kẻ đứng bên lề từ giờ phút này nhé.
Nguyện vội nói:
- Ấy, mi vẫn có mặt.
- Sự có mặt quá nhỏ bé, không đáng nói.
- Ðừng có hờn.