Những ngọn lá của tháng sáu bắt đầu thấy vươn lên trên ô cửa với màu xanh non, êm dịu. Buổi chiều, trời hay mưa và hình như bao giờ cũng được báo trước bằng hơi gió se lạnh cùng trong một bầu trời ướt đẫm hơi nước. Những cơn mưa của tháng sáu u hoài, trầm lặng như đoạn đầu của một tập nhật ký lúc cô gái sửa soạn tròn mười bảy tuổi, chứ không hối hả lạ lùng, và xôn xao như những trận mưa đầu mùa khởi sự từ cuối tháng tư.
Ở trên ô cửa quen thuộc đó, qua những ngọn cây tủa đầy lá mới, vào lúc xế trưa vừa thức giấc sau một giấc ngủ ngắn bù lại cho một đêm thức khuya học bài thi, Hạ mơ hồ như còn nghe thấy được tiếng những con ve nỉ non gọi mùa nắng cũ mong manh đã đi qua, chỉ còn vọng lại một chút nào đó thôi trên những bước chân nhẹ nhàng của bầy chim sẻ mấy hôm về trên mái ngói nhà Hạ, sửa soạn làm những chiếc tổ để nuôi con trong mùa mưa. Hạ như cũng mơ hồ nghe thấy tiếng trở mình của những viên ngói cũ vào những lúc mà lòng Hạ sắt se, quay quắt nhất của một nỗi buồn không biết từ đâu. Và lúc đó, Hạ khóc. Tưởng như vô cớ với chính mình.
Một cơn gió nhẹ đẩy cánh cửa sổ đóng ập lại. Hạ đưa tay đẩy nó trở ra và nhìn xuống đường vẫn những ngọn lá đó, trong một nền trời tắm đẫm màu vàng, những sợi dây điện rối răm và những con chim tròn xoe mắt ngước nhìn sang những bức tường xa. Phía bên kia đường, trước nhà Hạ là ngôi nhà thờ, được vây quanh bằng một vòng rào rộng lớn, những song sắt nâu xen kẽ những loại cây nhỏ có dây leo trổ hoa màu tím lấm tấm. Tháp chuông của ngôi nhà thờ vươn cao lên, những buổi sáng trời nhiều mây ẩn hiện cái tháp chuông lừng lững. Hạ yêu quí bầy bồ câu trên tháp chuông như yêu quí những cái hoa tím lấm tấm giữa một chùm lá xanh non. Ðó là một vài hình ảnh quen thuộc, gần gũi của Hạ mỗi ngày. Qua khung cửa sổ này, Hạ cũng khám phá ra, chính những hình ảnh đó đã cuốn hút lòng Hạ và hình thành một nỗi nhớ xôn xao trong những ngày Hạ bệnh, phải nằm im trong phòng. Làm con gái sửa soạn bước vào tuổi mười bảy, quả thật có những cái ngu ngơ tức cười. Ðôi lúc Hạ tưởng mình ở một thế giới khác, nhưng thật ra, nhìn lại trong đôi mắt, thấy mình vẫn còn gần gũi với mình lắm.
Khi xé nhỏ một mảnh giấy vụn ném qua song cửa, Hạ bỗng nhớ ra chiều hôm nay có cái hẹn với Phượng. Nhỏ Phượng vẫn có vẻ bí mật trước những chuyện hàng ngày. Phượng hẹn tới nhà rủ Hạ đi chơi, không phải đi ra phố hay đi xem chiếu bóng mà tới một nơi nào đó. Hạ hỏi đôi ba lần xem "nơi nào đó" là nơi nào. Nhưng Phượng cứ cười và bảo khi nào tới sẽ biết. Hạ cũng không thắc mắc lắm với cái hẹn hôm nay của Phượng, nhiều lắm là Phượng dành cho Hạ một chút ngạc nhiên giữa bao nhiêu thứ quen thuộc hàng ngày. Có hay không có một niềm vui nhỏ, một chút ngạc nhiên bất ngờ, Hạ cũng thấy ngày tháng mơ hồ như chiếc lá rơi, vàng úa bên thềm trong cơn mưa. Ðôi lúc, Hạ nghe mưa về trong giấc ngủ nửa đêm mà khóc ngon lành. Căn phòng của Hạ vẫn êm ắng, ngọn đèn ngủ gần kệ sách thắp bóng vàng, soi vào bóng tối cho thấy những đồ vật bé nhỏ và tầm thường và quen thuộc. Hạ thường nằm nhìn lên đỉnh mùng, ngó quanh quất một góc bàn, một chiếc ghế, hay là những cuốn sách nằm trong kệ, nghĩ đủ thứ chuyện và hoảng hốt trước ngày mai, nhớ đến tiếng chim kêu sớm nhất trên cây trứng cá sau nhà hay cây nhãn bên khung cửa sổ rồi nước mắt thấm mặn vành môi. Hạ biết mình khóc, tiếng khóc của một người con gái vào một tuổi đời mơ hồ và sương khói nhất. Lúc đó Hạ như trôi lênh đênh theo một giòng sông nào khuất lấp, xa vắng và cảm giác thờii gian dài giống như tiếng mưa ở dưới chân mình. Ôi, cơn mưa vĩnh viễn rơi vào những giấc ngủ khuya của đời Hạ.
Tiếng động nhẹ của hai con thằn lằn rượt đuổi nhau trên tấm lịch treo trước bàn học. Hạ quay lại nhìn thấy con số 28 to tướng và lạnh lùng treo trên tờ lịch. Ðã gần hết tháng sáu, cái tiếng động thân ái của những ngày sửa soạn sang tháng khác, mơ hồ, nhưng làm Hạ thấy hốt hoảng như đứng trước một cuộc từ biệt. Ðã hết tháng sáu, nửa năm qua vụt nhìn lại mới hay. Không còn bao lâu nữa ngày thi tới, có lẽ, lúc đó mưa vẫn còn rơi dài trên những lối mà Hạ vẫn thường đi qua. Nhưng biết đâu có những cái phải chấm dứt, như là, những cuốn sách trên bàn học kia, những bông phượng cuối mùa tàn tạ. Hạ thi tốt nghiệp phổ thông, chỉ nghĩ không thôi cũng đủ lạnh run cả người. Có phải sau kỳ thi này, với mười bảy tuổi bắt đầu, Hạ sẽ thành người lớn? Sẽ phải đoạn tuyệt một vài điều và tiếp nhận thêm một vài điều? Cái khoảng thời gian đó ngó tới trước sao mà mênh mông quá chừng. Và nghĩ tới không thôi, bất giác Hạ nghẹn ngang ngực, tưởng chừng như ngộp thở. Cũng có thể vì một cơn gió mạnh đưa qua từ phía vườn cây của ngôi nhà thờ và Hạ đang ở trên cao, ngang với những sợi dây điện, ngang với những chiếc lá cây màu xanh. Có phải, có phải như thế không? Hạ chớp mắt thò đầu qua cửa sổ nhìn xuống đường, vừa lúc trông thấy một chiếc xích lô dừng lại dưới bóng cây, và trên xe, Phượng cũng vừa bước xuống. Hạ vội chạy lại cái lon đựng phấn lấy một viên phấn nhỏ trở lại cửa sổ ném xuống, cố ý cho trúng lưng của Phượng, nhưng viên phấn bị gió thổi bay đi nửa chừng, lệch sang phía khác. Lúc đó Phượng vừa băng qua đường với vạt áo dài quấn quít dưới chân. Màu áo vàng của Phượng làm chơi vơi hết một khoảng đường và những chiếc lá chết cô đơn dưới đất.
Phượng bước lên cầu thang, tiếng chân của Phượng quen thuộc như tiếng chân của một cô bạn gái thân yêu nào đó đến với người thi sĩ trong một bài thơ Hạ nhớ mang máng đã thuộc mấy câu khi đọc nó trong một tờ tạp chí. Hạ quay lại cười và nói:
- Tiếng chân của Phượng nghe thân yêu và quen thuộc như tiếng chân của một người "Yêu Bé Nhỏ" ghê đi.
Phượng thoáng ngạc nhiên nhìn Hạ rồi bật cười:
- À, người ta đang nhớ tới người Yêu. Thế mà cứ tưởng đang ngồi học bài trên này.
Hạ vui vẻ chạy tới vuốt mái tóc Phượng, làm Phượng ngỡ ngàng, hai má đỏ ửng. Hạ ấn Phượng ngồi xuống chiếc ghế nhỏ, rồi mình cùng ngồi xuống chiếc ghế đối diện, đôi mắt nghịch ngợm mở lớn trêu Phượng:
- Không học bài, nhưng ngủ mới thức dậy được không?
- Ngủ mới thức dậy?
Hạ nhắm hai mắt như người đang ngủ, và kéo dài hơi thở thành một tiếng ngáy ngộ nghĩnh làm Phượng bật cười.
- Ngủ vừa chứ, có nghĩa là cô công chúa chưa rửa mặt?
- Thì chưa rửa mặt, có sao không?
Phượng cũng bắt đầu trêu lại Hạ. Tự nhiên Hạ thấy buổi chiều còn có những thân ái bất ngờ được mang đến từ người bạn học thân thiết qua bao ngày, bao năm tháng vui buồn và vì quá thân quen nên có lúc Hạ quên lửng đi, đến lúc nhớ lại lòng Hạ đâm ra cuống quít, tưởng như không còn được gần gũi với những cảm giác thân ái êm đềm bao lâu ấy nữa.
Hạ nắm tay Phượng nói:
- Chờ đấy nhé, Hạ xuống nhà rửa mặt một chút rồi đi, có lẽ, chiều nay mình đi dạo phố một chốc, và đi xem chiếu bóng. Lâu rồi mình bỏ quên những thứ ấy, Phượng nhớ không?
- Nhớ chứ, nhưng không dám rủ Hạ.
- Sao lại không dám?
- Vì thấy Hạ gạo bài kỹ quá.
Hạ cười:
- Gạo thì gạo, bộ Phượng không gạo sao. Học bù đầu nhưng không có nghĩa mình quên giải trí, những thú vui đơn sơ, gần gũi nhất của mình.
- Như vậy là chiều nay phải vui. Bù lại những ngày học tối tăm mặt mũi, phải không?
- Ừ.
- Vậy thì Hạ lẹ lên.
Hạ vừa chạy xuống cầu thang vừa cười khúc khích:
- Mười lăm phút.
- Lâu chết.
Nhưng Hạ đã mất hút dưới chân thang. Phượng nghe tiếng nói của mình rơi hẫng đâu đó với những cơn gió nhẹ của buổi chiều. Phượng đứng lên đi loanh quanh trong phòng của Hạ. Con mèo nhỏ bé, xinh x¡nh nãy giờ rúc ngủ trong đống chăn trên giường nghe tiếng động của Phượng tới gần giật mình mở mắt ra. Ðôi mắt con mèo tròn xoe xanh biếc như hai viên bi màu lục. Con mèo yêu quí của Hạ đó, Phượng tinh nghịch lấy cây viết chì thọt vào lỗ mũi con mèo đánh thức nó dậy. Con mèo hoảng hốt nhảy vọt lên đứng trên đầu kệ sách, nó bước đi lững thững, ngó dáo dác và kêu gừ gừ, Phượng đuổi theo nó, khiến con mèo càng hoảng sợ chạy luôn xuống nhà.
Phượng trở lại ngồi thừ người trên ghế, Hạ còn có con mèo yêu quí để làm bạn, đùa nghịch. Phượng không có gì cả, ngoài căn gác nóng bưng như cái hộp, và mấy đứa em lúc nào cũng ồn ào như một cái chợ. Nếu không có những ngày thi và những cuốn sách, chắc Phượng phải rơi vào một đám đông, bị xoay tít trong những tiếng động, tiếng cười đùa của lũ em, Phượng thoáng sợ hãi khi nghĩ rằng mình đã sống như thế rất lâu rồi, đời sống của một con đường khô cháy thèm bóng mát. Như một con gián thèm thấy bóng đêm trở về. Phượng không thấy một điều nào là của mình nữa, tất cả, của gia đình và những lo âu. Phượng cũng quên mất, từ lúc nào mình bước vào tuổi mười bảy. Như thế rồi thôi sao? Phượng ngó ra cửa sổ, những cơn gió làm vơi dần nắng buổi chiều và hình như làm bầu trời êm ả với những bóng mây nhẹ bay. Những chòm bóng lá vươn lên trên màu ngói của thành phố. Lạ; chiều hôm nay tự nhiên Phượng lại nghĩ vẩn vơ, thấy nỗi buồn thật gần và niềm vui xa tắp ở đâu. Mười bảy tuổi đối với một người con gái có thay đổi được đi sống Phượng không? Phượng nhìn căn phòng tươi mát của Hạ, bỗng nhiên sợ hãi căn gác nóng bức của mình. Ở đây, không khí thanh thản, êm đềm. Phượng có thể tự do nhìn ra cửa sổ để thấy những gì rất xa xôi, lãng đãng. Phượng nhớ, thành phố ở trong mùa mưa, những cơn mưa đầm đìa những chiều tháng sáu. Từ lâu, Phượng quên đi điều đó. Và đời sống Phượng chỉ có sách vở, tiếng động, lo âu và nóng bức, chứ không có mưa. Chiều hôm nay Phượng ước mong mưa sẽ rơi dài trên lối đi, tắm đẫm cây lá trên đường. Và Phượng muốn sống mềm hơn hơi nước.
Hạ trở lên với mấy khúc hát ngắn khoảng trong miệng. Những cọng tóc ước nước và khuôn mặt tươi như trái xoài chín cây. Phượng nghe hơi nước mát và mùi xà phòng thơm còn vương lại trên người Hạ.
- Nhà ngươi còn tranh thủ tắm nữa hả? Phượng trừng mắt hỏi.
- Tắm chứ, để đuổi giấc ngủ còn muốn đè người Hạ nằm xuống, kéo mí mắt Hạ sụp xuống luôn.
- Lẹ lên tiểu thư ơi.
- Nhưng Phượng phải bật mí là đi đâu mới được hối người ta chứ bộ.
- Bí mật.
- Nói một tí thôi, bí mật là bật mí mà.
- Cam đoan, Hạ sẽ có niềm vui bất ngờ, và không có hại gì cả.
Hạ đứng trước tủ gương và buông tóc xuống, lấy lược chải lại mái tóc. Những sợi tóc Hạ mướt đen như... dây đàn nylon. Phượng nhìn hai cổ tay tròn dễ thương của Hạ lồng vào tóc, thoáng nhớ một chuyện, cười hỏi:
- Tụi nó còn đồn rằng mấy tuần nay Hạ có bồ, đúng không?
- Có bồ, ai thế nhỉ?
Hạ bậm môi xuống, hai má đỏ, đôi mắt khẽ chớp. Phượng cười:
- Bồ của Hạ ai mà biết.
- Ừ, dĩ nhiên ai mà biết. Chính Hạ còn không biết nữa đây.
- Thôi tiểu thư. Ðừng có ỡm.
- Phượng cũng tin nữa sao?
- Nửa tin nửa ngờ.
- Không có nửa cái này rồi nửa cái kia. Giữa hai đứa mình không có cái nửa kỳ cục ấy. Phải hoàn toàn và dứt khoát.
Phượng ngó chăm chăm vành môi cong cớn của Hạ. Con nhỏ giận thật hay giận giả vờ để khuất lấp câu chuyện? Phượng quả thật không rõ về Hạ, đúng hơn về cái tin đồn của mấy đứa bạn trong vài tuần qua. Bởi vì hai đứa chơi thân nhau, cái gì của Phượng là kể như của Hạ, hai đứa hoàn toàn không dấu nhau một điều gì, từ chuyện nhỏ nhặt như một chiếc bánh, một gói ô mai, đến lớn lao như tin mừng tin vui, đôi khi chuyện xích mích của bà con họ hàng đâu đâu cũng mang nói cho nhau nghe. Không lẽ chuyện đại quan trọng như thế này mà Hạ giấu Phượng được?
Hạ nói một thôi một hồi nữa rồi ném cái lược ngồi thừ người trên ghế. Phượng luống cuống hỏi:
- Sửa soạn thay áo đi chứ, chiều rồi, nhỏ ơi.
- Không đi nữa.
- Sao thế?
- Buồn quá, chán ơi là chán.
- Gì chán?
Hạ trừng mắt:
- Cái gì thì Phượng biết đấy.
Hạ giận thật. Con nhỏ ngồi ủ rũ trong ghế như con mèo hờn cơm. Hai má thụng xuống và đôi mắt sắc lẹm như sẵn sàng Lia ai vậy.
Phượng cười:
- Thì đã hỏi Hạ, tức là mình không tin tụi kia rồi. Chuyện cũng chả có gì, thôi đi đừng ầm ĩ nữa.
- Sao không?
- Và Hạ giận? - Phượng buồn thiu hỏi.
Hạ làm thinh. Phượng không ngờ câu chuyện lại thế. Và hôm nay, là lần duy nhất Hạ có vẻ nóng tính. Mọi khi Hạ vẫn cười, cười cả trong những lúc giận nhau đến xanh cả mặt.
Phượng nắm tay Hạ cười:
- Thôi, tin Hạ. Ði nhanh lên không thì muộn mất.
- Chọc cho người ta giận rồi hối thúc đi, đi đâu?
Vô tình Phượng mắc vào cái bẫy của Hạ. Phượng đáp:
- Ði vào bệnh viện thăm ông anh bà con của Phượng. Ông ấy đau cả tuần nay.
Hạ đắc thắng, cười vang:
- Vậy mà nãy giờ Phượng cũng giấu. Thôi đi, vào bệnh viện Hạ sợ ghê lắm, chả dám đi.
Phượng biết rõ như thế nên không nói ra, nào ngờ Hạ bắt nọn được mình. Phượng buồn thiu:
- Bệnh viện này chả có người chết đâu mà Hạ sợ.
- Bệnh viện nào mà chả có người chết. Nhưng không có người chết thật, Hạ cũng không dám đi, vì vào trong đó ngửi mùi thuốc, mùi tường lâu năm, cũng đủ muốn xỉu rồi.
- Bệnh viện này sạch sẽ, chứ bộ.
- Bệnh viện nào?
- Bệnh viện...
- Nhưng ông anh bà con của Phượng mà súng đại bác bắn cả tuần không tới ấy bị bệnh gì thế?
- Bệnh đau màng óc.
- Ðiên à?
Phượng cười:
- Không phải điên. Hạ chưa biết bệnh đau màng óc sao?
- Ai có bệnh như thế bao giờ đâu mà biết.
- Bệnh này tỉnh khô, như người bình thường, chữa độ nửa tháng là khỏi. Tại ông ta thức nhiều, làm việc nhiều. Ðã vậy còn gầy đét như cơm nắm, cho nằm trong bệnh viện là vừa.
Hạ la:
- Trời ơi, đi thăm bệnh mà Phượng lại trù cho người bệnh nằm luôn trong đó. Ông ta mà nghe được chắc chán đời ghê lắm.
- Ông ấy chán đời sẵn rồi.
- Vậy vào thăm làm gì cho ông ta chán đời thêm.
- Ý, không được đâu. Cả tuần nay ông ta nằm trong ấy có một mình, chả ai thăm viếng. Ba Phượng mang anh ấy vào theo lời yêu cầu của bác gái Phượng, rồi vì bận việc chả vào thăm được, thật tội nghiệp.
- Bộ ông ấy có một mình à?
- Hình như vậy.
- Sao lại hình như? Bà con của Phượng mà Phượng còn không biết nữa thì ai biết cho.
- Bởi ông ta ít nói lắm, nhà tuốt đâu dưới tỉnh. Lúc nhỏ Phượng có về chơi một lần, vào dịp tết. Ông ta chỉ còn có mẹ. Bác gái của Phượng hiền ghê lắm, và thương ông ta rất mực. Nhưng bà cũng bận việc dưới tỉnh nên chưa lên thăm được.
Hạ chớp mắt:
- Ừ, kể cũng buồn nhỉ, nằm trong bệnh viện chỉ có một mình thì chắc buồn và sợ ghê lắm.
Hạ đi với Phượng vào thăm ông ta nhé?
Hạ gật đầu, Phượng cười:
- Vậy thì thay áo chứ, chiều nay Hạ dữ ghê.
- Hạ cũng sắp đau màng óc rồi đấy, nên dữ lắm.
Hạ cười khúc khích, bỏ đi thay áo. Một lúc sau Hạ trở ra với chiếc áo dài màu vàng. Như vậy là hai đứa cùng mặc áo vàng, màu vàng của áo lụa nhẹ, như là muốn bay theo với nắng. Lúc xuống dưới nhà, Hạ bỗng hỏi:
- Này, nhưng ông ta có dữ không đấy?
- Dữ là sao?
- Ðau màng óc chắc dữ lắm.
Phượng cũng không rõ bệnh đau màng óc như thế nào, chỉ biết lờ mờ.
Nhưng chắc chắn anh Nguyện không điên, anh cũng không có vẻ gì là dữ cả. Hôm bác gái đưa anh lên, anh còn cười với Phượng ấy mà, và còn chê Phượng dốt toán, khi Phượng nhờ anh ấy giải hộ cho một bài toán khó. Chỉ hơi ít nói. Nhưng con trai nói nhiều quá đâu có tốt, Hạ nhỉ?
Hạ chỉ chú ý đến tên Nguyện. Hạ cười:
- Tên gì kỳ quá.
- Tên của người ta như thế mà kỳ, bộ tên Hạ không kỳ hả?
- Nhưng không kỳ bằng Nguyện.
Hai đứa vừa ra đường vừa cãi nhau. Những chiếc lá bị gió cuốn chờn vờn theo hai tà áo dài thắp sáng một khoảng đường vốn đã vàng nhạt vì ánh nắng. Trên tàng cây hình như có rất nhiều chim, chúng hót tíu tít trên đầu Hạ làm Hạ phải ngửng mặt nhìn lên, suýt vấp phải cục đá, may vớ được cánh tay Phượng, Hạ mới khỏi ngã.
Phượng đưa tay vẫy một chiếc xích lô đạp từ phía bên kia đường. Hạ nhìn chiếc nón nỉ rách te tua của người đạp xích lô một cách ái ngại. Hai đứa leo lên ngồi, Hạ gầy hơn Phượng một chút, nên bị Phượng lấn vào bên trong, hơi khó chịu, nhưng đi xe xích lô đạp thích thú và thoải mái. Ngày thường, những hôm ngủ dậy trễ và lười, Hạ cũng kêu xích lô đạp tới trường. Hạ mê tiếng chuông coong coong của người đạp xe khi dẹp đường, hay khi sắp quẹo vào một ngõ khác. Tiếng chuông xe nghe bình dị và thật vui tai. Hạ thương mến nó như chỗ ngồi êm êm, trống không ngó về phía trước, và cái bóng xe đi lừng khừng chầm chậm giữa hai vỉa hè trơn bóng, dưới những chùm lá xanh non rực rỡ nắng. Buổi chiều hôm nay trời cũng đẹp, nắng óng ả, nhẹ tênh. Bóng lá nhảy múa từng khoảng đường chiếc xe xích lô đạp lướt qua.
- Bóp chuông lên đi ông.
Người phu xe ngẩn ngơ hỏi:
- Bóp chuông làm gì cô, đường trống.
- Bóp chuông coong coong nghe vui tai. Cháu mê nghe tiếng chuông xích lô đạp lắm.
Phượng cấu vào cổ tay Hạ, một vết cấu đỏ lòm hằn lên. Nhưng Hạ vẫn cứ cười:
- Thì ông cứ làm bộ dẹp đường. Bóp coong coong mấy tiếng cho cháu nghe thôi.
Người đạp xe đã lớn tuổi có lẽ bằng tuổi của ba Hạ. Ông ta vui vẻ chìu ý Hạ bằng mấy tiếng chuông kêu vang một khúc đường và Hạ thích thú lắng tai nghe. Hạ ngồi nhìn lên những ngọn cây trổ hoa, những cái hoa đỏ, to và úp xuống giống như những cái chuông nhỏ trông thật xinh x¡nh.
- Con đường này đẹp nhất thành phố, Phượng nhỉ?
- Ðẹp thua con đường ngang trước cửa trường mình.
- Thôi, con đường gì mà nhiều xe nước đá quá chừng. Phải đường vắng cơ mới đẹp.
- Rồi khi đi khát nước. Hạ tìm nước đâu mà uống?
- Nhìn bóng cây mát rượi đỡ khát.
- Ðừng xạo. Hạ là chúa cằn nhằn khi khát nước. Ði chơi với Hạ mấy lần phải gấp rút tìm chỗ bán nước cho Hạ uống.
Hạ cười, hai má đỏ ửng:
- Ừ nhỉ, hay là chỉ cần có một xe nước đá ở góc đường thôi, cũng đủ.
- Và có một hàng bò bía.
- Như vậy phải có thêm một hàng cóc, ổi dầm.
- Lại giống như con đường chạy ngang cửa trường mình rồi.
Hai đứa ngó nhau cười vang. Bất ngờ có một cơn gió mạnh thổi thốc đi trên các cành cây, lá khô vàng úa rụng xuống, nhiều như một đàn bướm phía trước mặt làm Hạ ngẩn ngơ, và từ đó, cứ một khoảng lại bắt gặp một đám lá rụng như thế. Hạ nói:
- Phải đặt tên cho con đường này là con đường lá rụng. Phượng nhỉ?
- Còn con đường nhà Hạ là con đường nắng vàng.
- Ừ nhỉ, con đường có nhiều nắng vàng quá.
Bây giờ Hạ tha hồ nghe tiếng chuông coong coong, vì người phu xe vừa quẹo xe vào con đường dẫn tới bệnh viện. Ông bóp chuông inh ỏi để ngăn xe từ phía kia lại. Tự nhiên Hạ đâm ra hồi hộp vì lần đầu tiên Hạ vào bệnh viện để thăm một người lạ mặt, không biết mặt mũi tánh tình người ta ra làm sao. Lẽ ra Hạ phải hỏi thêm về người anh bà con của Phượng, nhưng Hạ thấy kỳ. Hạ nhìn bức tường chạy dài, quét vôi vàng với song sắt phía trên và dây leo xanh um của bệnh viện và hình dung ra cảnh bên trong. Bệnh viện này, cũng là lần đầu tiên Hạ mới bước chân vào, nếu không đi với Phượng, mà đi một mình chắc Hạ không dám.
Ông đạp xích lô đã dừng lại bên lề đường. Phượng kéo tay Hạ xuống,
Hạ lo ngó loanh quanh trong lúc Phượng trả tiền xe. Xong, Phượng nắm tay Hạ nói:
- Phải tới đằng kia mua cho ông anh một chục cam.
- Bộ ông anh của Phượng thích ăn cam lắm hả?
- Không phải, đi thăm người đau mình phải mua cam, hay một loại trái cây nào đó, hợp với người đau.
- Ngọt và bổ ?
- Ừ, chắc vậy.
- Hạ cũng thèm được đau quá. Hạ đau Phượng có mua cam, mua đồ bổ cho ăn không?
- Hạ đau hả?
- Ừ, bây giờ thèm đau ghê lắm.
- Hạ đau Phượng chỉ mua một trái xoài tượng, đâm một chén muối ớt thật cay, phơi nắng, rồi mang vào để trước mũi Hạ chứ không cho ăn, cho ngửi thôi, là bao nhiêu bệnh của Hạ đều hết ngay.
Hạ cười, cấu vào cánh tay Phượng một cái đau điếng. Hai đứa đi tới chỗ bà bán cam. Cái gánh cam để dưới một bóng cây mát rượi. Bà bán cam đang ngồi nheo mắt nhìn lên ngọn cây, ở trên đó có những con ve sầu đang kêu. Hạ nói nhỏ bên tai Phượng:
- Bà bán cam cũng mơ mộng gớm, bà ấy đang nghoảnh cổ nghe những con ve sầu hát trên cây.
Phượng cười nhỏ, nó hỏi giá, kỳ kèo, và lựa những trái cam bỏ vào giỏ.
Hạ đứng nhìn qua bên kia đường, không chú ý gì đến những trái cam chín vàng tươi, bóng lưỡng. Con đường chạy dưới hàng cây đan ngọn vào nhau, bóng mát che kín cả con đường.
- Ê, thử một miếng xem cam có ngọt không?
Phượng dúi vào tay Hạ múi cam, Hạ nhóp nhép một múi cam trong miệng.
- Thử đi chứ, bà bán cam cho riêng một trái để quảng cáo, nhanh lên không Phượng ăn hết bây giờ.
Hạ đút múi cam vô miệng, cắn giữa hai hàm răng. Cam ngọt thật, Phượng hỏi:
- Sao? Liệu anh chàng có chê không?
- Chê gì?
- Chê cam mình mua cho chứ chê gì? Hạ ưa giả vờ ghê đi ta, chiều nay Hạ kỳ kỳ làm sao ấy.
Hạ lừa những hột cam, nhả xuống chân, gật đầu cười:
- Cam ngon, Phượng khỏi lo bị chê. Anh chàng bệnh mà cũng hay chê lắm sao?
- Chê chớ, Phượng bị chê hoài.
- Bệnh, người ta mua cho ăn là quý lắm rồi, còn bày đặt chê.
- Thôi mua nhé.
- Mua thì mua.
Tuy hỏi thế chứ Phượng cũng đã trả tiền cho bà bán cam rồi. Con nhỏ chúa làm bộ, chuyện gì cũng làm như cần có ý kiến của Hạ, nhưng thật ra Phượng chả cần gì Hạ, bằng chứng là chuyện mua cam vừa rồi. Hạ ngấm ngầm giận Phượng, nhưng không thèm nói. Hôm nào bực quá Hạ sẽ lôi ra nói một lèo cho Phượng biết.
Ngang qua sạp báo Phượng bỗng kéo Hạ dừng lại, rồi đứng nheo mắt nhìn những tờ báo treo trên dây kẽm. Hạ cũng nhìn theo những t báo in hình lòe loẹt chen chúc nhau thành mấy tầng trước mặt người bán báo làm Hạ hoa mắt, Phượng háy mắt hỏi:
- Có nên mua cho anh chàng một tờ báo để đọc không?
- Chắc là nên, vì anh chàng biết chữ.
Phượng cấu vào cổ tay Hạ, lườm:
- Hạ nói móc hả?
- Móc ai?
- Móc Phượng chớ móc ai.
- Phượng có móc cả ngày cũng chưa rụng được. Móc Phượng chỉ có móc sắt.
Phượng cũng cong môi trả đũa:
- Lúc nãy có một trái me khô, cong queo, nhỏ tí, ngó lại thấy giống Hạ ghê.
Hạ đành cười.
- Mua báo gì bây giờ?
- Mua ngay một tờ nào có mục "Giao Lưu Kết Bạn". Chắc anh chàng ở trong đó buồn lắm, cần đọc mục kết bạn tâm tình để kết bạn bốn phương.
- Hạ ác vừa chứ, chiều nay Hạ đi thăm bệnh nhân chứ có phải đi giết người đâu mà miệng hùm lưỡi rắn như thế.
- Chứ biết mua báo gì bây giờ? Phượng cứ làm bộ hỏi ý kiến người ta chứ trong đầu đã tính sẵn hết trơn rồi.
- Phượng có tính gì đâu?
- Lúc nãy mua cam đó, hỏi Hạ làm gì, trong khi Phượng đã lựa cam vô giỏ, trả tiền, rồi cười cười. Phượng tưởng người ta không biết à. Bây giờ Phượng mua báo gì thì mua đi, chiều nay Hạ đi theo Phượng chơi, thế thôi chứ không có ý kiến gì cả.
Phượng nghe kể tội, cười khúc khích:
- Vậy rồi giận. Ôi, chiều nay Công Chúa hay giận quá đi, tiểu thư hay hờn quá đi.
Giọng Phượng dài thòng, nghe mắc cười, làm Hạ không thể làm mặt giận lâu được. Con nhỏ có tài chọc cho người ta cười, xoay thế cờ nhanh như ném giấy trong lớp học trước mặt cô giáo.
- Tiểu Thư bớt giận, chút nữa đi ăn kem rồi hãy giận.
Hạ cười:
- Chút nữa ai ngu mà giận, giận người chứ ai thèm giận kem. Bộ chút nữa Phượng dẫn đi ăn kem thật hả?
- Thật chứ.
- Sao nãy giờ không thông báo cho người ta biết.
- Ðể cho Hạ tự do giận, rồi mình về, khi nào vui vẻ hãy đi chơi.
- Hạ bỗng ôm choàng lấy vai Phượng cười vào tóc, vào má, vào cổ Phượng:
- Thôi, không thèm giận nữa. Chiều nay Phượng xinh ghê, tóc thơm, má thơm, cái cổ cũng thơm nữa.