Năm thứ nhất khi học nghiên cứu sinh ở Nga, tôi ở cùng phòng với Nam và Hải.
Nam cao kều, tóc xoăn tít (nên được gọi là Nam xoăn); còn Hải thì lùn mà đầu lại hói (nên gọi là Hải hói). Nam mồm liếng thoắng, Hải thì ngược lại rất kiệm lời, có khi cả ngày không nói lấy một câu. Nam tốt nghiệp Đại học ở Nga, còn tôi và Hải học trong nước. Tôi nhiều tuổi nhất, còn Hải trẻ nhất trong ba chúng tôi. Hải vừa cưới vợ được gần một tháng thì phải chia tay đi du học. Hắn và cô nàng chăm chỉ viết thư cho nhau lắm, hầu như đều đặn hàng tuần hắn nhận được thư nàng. Đêm đêm sau khi chúng tôi đã ngủ thì Hải còn ngồi lôi thư ra đọc và lại cặm cụi viết thư trả lời. Thư hắn viết cho vợ dài lắm, cứ ba bốn đêm thì mới hoàn thành một tác phẩm dày đặc những chữ ba bốn trang liền.
Một chiều thứ sáu, tôi từ trường về. Mới bước vào phòng thì thấy Nam đang ngồi ở bàn, trên tay là phong thư từ Việt nam gửi sang.
- Mày có thư hả? Thế thì khao đi nhé! Đúng lúc quá, mai là ngày nghỉ rồi. Bọn tao chẳng cần nhiều đâu… chỉ mỗi thằng vài trăm gram là được rồi.
Tôi nói vậy nhưng trong lòng thì mừng cho cậu ta. Chả là gần ba tháng rồi cậu ta chẳng nhận được thư nhà. Nếu hắn có thư thì việc cho cậu ta chúng tôi say tối hôm nay là việc đáng phải làm quá rồi.
- Phải thư của em đâu, lại thư của thằng Hải đấy. Mà anh ơi, rượu em cũng đã mua rồi. Em có kế hoạch này hay lắm. Tối nay em sẽ khao anh…hơn cả rượu nữa kia. Chỉ có điều anh phải giúp em với, của em không đủ…- Nam trả lời tôi.
Tôi tiến lại gần. Hắn đang cố gắng cho mấy sợi tóc xoăn tít vào phong bì thư qua một cái lỗ kim ở phía sau. Không hiểu đã được bao nhiêu rồi, chứ trên bàn còn vài ba chục sợi nữa.
- Mày cho tóc của mày vào đấy làm gì? – Tôi hỏi.
- Không phải tóc đâu anh ơi, mà là các loại lông của em đấy. Em đã vặt trụi của em rồi mà chưa đủ. Anh phải bổ sung của anh một ít cho em thì mới đủ cơ số…
Tôi hiểu ngay sự tình và tất nhiên là đáp ứng ngay yêu cầu của Nam.
Hơn một giờ sau thì Hải về. Hai chúng tôi đã nấu xong, cỗ bày sẵn ra trên mấy tờ báo dưới sàn. Gọi là cỗ cho oai chứ học bổng nghiên cứu sinh, bữa cuối tuần thì cũng chỉ mấy khoanh giò cùng con gà luộc. Có chăng khác hơn ngày thường là ngoài món bắp cải luộc còn có thêm mấy quả dưa chuột tươi (đang là mùa đông nên có thể xem là Nam đã chi rộng tay). Có thư vợ, Hải mùng ra mặt, định đọc liền.
- Thôi đi, mày lại định để cho hai ông anh mày phải chờ à. Lại ăn đã xong rồi khuya đọc cho nó thấm; mày có lau nước mắt thì đỡ phải tránh mặt chúng tao. – Nam kêu lên.
Sau vài tiếng đồng hồ thì cái chai Stolitrnaja cũng lật nghiêng. Làm thêm ấm chè đen, rít mấy điếu thuốc nữa rồi thì tôi và Nam ai về giường người ấy. Giả vờ chui vào chăn nhưng cả hai chúng tôi đều hé mắt chờ kết quả.
Sau khi dọn xong đống bát đĩa cho vào xô bỏ ra nhà bếp, Hải quay về bàn và mở thư ra. Thấy ngoài thư như ngày thường còn có “quà đặc biệt của vợ”, hắn cẩn thận thu lại hết và gói vào trong một tờ giấy. Đọc thư xong, sau khi thận trọng ngoái lại nhìn chúng tôi và chắc chắn rằng chúng tôi đã “ngủ” thì hắn mới mở gói giấy ra. Trong tâm trạng rất “phê”, hắn ngắm nghía từng sợi một, xong dồn cả lại đưa lên miệng hôn lầy hôn để…
Tôi liếc sang Nam, thấy hắn đang cố nén cười trong chăn. Tôi cũng cười nhưng trong lòng pha chút hối hận: chúng tôi đã đùa hơi quá!