Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Truyện Ngắn >> Chuyện vu vơ

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 385 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Chuyện vu vơ
Bùi Đức Hiền

Vu vơ đời lính
  Mình đi bộ đội khi còn 3 ngày nữa là hết tuổi nghĩa vụ quân sự. Các cụ bảo “tam ba bận”, quả không sai. Lần thứ nhất suýt đi bộ đội vào tháng tư năm 1975, khi đang học đại học. Lúc đó tuổi chưa đầy 18 nhưng nhưng mình đượcgọi nhập ngũ do tổng động viên vì có thời cơ thống nhất đất nước. Tuy nhiên, lúc mà chưa kịp lau khô nước mắt của cô bạn cùng lớp thì mình lại được hoãn vì người ta biết chắc đội quân này sẽ không kịp đi nhặt chiến lợi phẩm ở Sài Gòn. Lần thứ hai, lúc cả nước hát vang bài ca “quân xâm lược bành trướng dã man…”; sự việc lặp lại gần như cũ, chỉ khác là cô bạn xưa đã lấy chồng. Lần thứ ba thì tiễn mình đã có cả cô vợ trẻ bồng con 4 tháng tuổi. Đi cùng lứa biên chế vào cùng trung đội chỉ toàn “ông già” cỡ như mình. Thằng tốt nghiệp Bách khoa, thằng Tổng hợp…Nằm cùng phản với mình là Hải. Hắn học đại học xây dựng ở Đức vừa mới về nước, trước khi nhập ngũ thấy cưỡi Sim Sơn oai lắm. Hai thằng mình tối chẳng dám đi đâu vì quần áo quá mới. Dân chúng kháo nhau rằng nếu ra đường sẽ bị “xin đểu”, vì ma cũ bắt nạt ma mới. Mình và Hải phải gạ mãi mới đổi được một bộ, quần cho Hải và áo cho mình. Tuy nhiên vẫn nhận ra ngay, vì đâu chỉ có quần, có áo…, cả dép cũng mới. Bởi vậy đói lắm cũng chỉ dám ra cổng doanh trại mua vài thanh kẹo lạc rồi về.
   Mấy hôm tập ngắm bia  cố định, nheo mắt mãi cũng chán nên chúng tớ nằm vậy tán chuyện với nhau. Tay trung đội trưởng mặt non choẹt qua lại gầm ghè quát tháo, nhưng chúng tớ lờ đi mặc hắn dùng cả chân đá đít. Hắn mới 22 tuổi. Học hết lớp 7, hai năm vào bộ đội, sau đó tốt nghiệp lớp hạ  sỹ  quan 18 tháng và ra luôn làm “thủ trưởng” bọn mình. Hắn bảo:
-         Không có tài thì bù lại bọn mày phải gắng tập luyện đi chứ!
Hải nóng mặt hỏi lại:
-         Ông bảo chúng tôi không có tài? Kể cả mấy ông  cạnh tôi đây đi lính khi đang là giảng viên ở các trường Đại học?...
Viên trung sỹ trả lời ráo hoảnh:
-         Không có tài thì già rồi mới vào lính, còn nếu không thì đã thành chỉ huy như tao từ lâu rồi!
Thể là Hải tịt ngòi. Làm sao mà trả lời lại được ý kiến của những chỉ huy có trình độ cao như vậy!
Một tháng sau, khi hoàn thành khoá huấn luyện và đã bắn thông bò thạo, chúng tớ được điều đi đi đắp đê lấn biển. Cả đại đội ngủ đất trong lán làm bằng cây cói chiếu. Bốn trung đội quây quần quanh một cái sân mới đắp nhỏ nhoi, ở giữa là nhà bếp. Ban chỉ huy đại đội đóng trong nhà dân cách đó non cây số. Toàn quyền “cai trị” lính là bốn chàng trung đội trưởng đồng hạng. Trời mùa giữa đông, mới “tiểu hàn” qua, “đại hàn chưa tới” nhưng rét cắt thịt cắt da. Chúng tớ nằm sát vào nhau, nhưng nền đất, vách cói trống tuềnh trống toàng, mà chỉ có chăn đơn cứ ba người một chiếc (hai chiếc đã kịp biến thành lạc và rượu trên đường hành quân) nên rét cứ run cầm cập. Đã thế lại phải thay nhau gác canh mấy cái chảo quân dụng nhà bếp. Hải ta quen chăn êm đệm ấm bên Tây nên đến phiên vẫn chui vào ngủ, quên luôn cả bàn giao cho ca sau. Sáng ra viên Trung đội trưởng tập trung lại, thông báo nhà bếp mất một xoong to. Hắn ra lệnh cả trung đội phải tìm cho ra trong vòng 30 phút. Đồng không mông quạnh, lấy đâu ra kẻ trộm. Nhưng hắn giấu ở đâu thì cũng có trời biết. Hết hạn thời gian, hắn bắt tất cả nhảy xuống sông bên cạnh mò tìm. Cả tiếng đồng hồ, thằng nào thằng nấy tái xanh tái xám. Cuối cùng hắn bảo đó là bài học cho các ông: những người bất tài mà tưởng mình là giỏi…
  Ba ngày sau, đến phiên mình gác. Mình chẳng dám ngủ tí nào vì lại sợ anh em phải mò sông như lần trước. Sáng ra, vẫn thấy hắn hầm hè tập trung toàn trung đội thành một hàng ngay trước lán sau giờ tập thể dục. Mình lo quá. Lại có chuyện gì đây?
 Hắn bảo:  
-         Đồng chí H có biết mình phạm lỗi gì không?
Tôi trả lời không.
Hắn lên giọng:
-         Thế mà cũng gác. Đồng chí đã để chó đến ị ngay đầu hồi doanh trại.
Hắn đưa hai cậu đầu hàng ra  thị sát chứng minh. Quay lại bảo:
-         Hình thức kỷ luật không những cần cho đồng chí H mà còn cần cho cả trung đội để khỏi vi phạm lần sau. Đống chí H xúc phân lên một cái bìa cầm trong tay năm phút, sau đó đưa chuyền hết qua tay các thành viên khác của trung đội, mỗi người cầm hai phút. Phạt cơm sáng đồng chí H.
Thực hiện xong hình phạt, trong đầu tôi loé lên ý nghĩ: Chả trách quân đội ta thắng Mỹ!
Lại kể về chuyện gác đêm. Chuyện này truyền miệng trong lính như là một chuyện cười. Ông bố từ quê lên thăm con trai, vốn là lính mới tò te. Doanh trại không có nhà khách nên ông già sinh hoạt cùng trung đội. Tối đến cậu con trai nhường chỗ nằm cho bố trên phản gỗ, còn mình thì “hạ thổ” trên nền nhà để ngủ. Tối đó cậu ta phải gác một ca từ 1 giờ  đến 2 giờ sáng. Hết ca gác của mình, anh chàng ca trước mới đến vị trí ngủ của người sẽ phải thay mình và lay chân người nằm đó. Ông già lồm cồm ngồi dậy:
-         Đi gác đi, đến giờ rồi!
-         Tôi…tôi…cũng phải gác à? – Ông già hỏi.
-         Thằng nào ăn cơm lính mà chả phải gác. - Cậu lính càu nhàu, đưa súng cho ông già rồi chui ngay vào vị trí của mình và ngủ.
   Ông già nghĩ: Phải rồi, chiều nay mình có ăn cơm lính. Sao mà kỷ luật bộ đội khắt khe thế không biết; ăn có đúng một bữa cơm mà cũng phải gác. Nghĩ rồi ôm súng ra sân ngồi cho tới sáng, vì ông có biết thức ai thay mình đâu.
   Ba tháng đắp đê lấn biển thật vất vả. Chúng tôi ăn ngày 3 bữa với tiêu chuẩn 1,2 kg gạo mỗi ngày mà vẫn đói. Nhưng rồi thời gian cứ trôi và mọi sự cũng qua đi. Chúng tôi được về phép một tuần, sau đó lại quay về đơn vị ở Bắc Thái huấn luyện tiếp để chuẩn bị lên chốt ở điểm nóng Vị Xuyên (biên giới với Trung Quốc). Tập tành thì ít, nhưng “lao động” thì nhiều hơn. Hình thức “lao động “ thật kỳ quặc: hôm thì mỗi người phải “làm ra” 10 viên gạch, hôm thì phải “làm ra” một cây tre…Tất cả đưa về, gạch để xây doanh trại, tre thì gom được nhiều thì gọi hội buôn tới mua. Tất cả tiền chia cho Ban chỉ huy đại đội.
   Làm sao bây giờ!!! Nhớ lại buổi đầu tiên phải đi “sản xuất” tre, nhóm 4 thằng chúng tôi đi mỏi cả chân vào hết nhà này đến nhà khác, từ xóm này sang xóm khác để xin. Tất cả chỉ nhận được những cái lắc đầu. Ở đâu người dân cũng tiếp đón chúng tôi như một lũ trộm. Đến trưa, mỏi mệt và lo lắng quay về doanh trại. Thời gian đã trôi đi quá nửa, nếu không hoàn thành nhiệm vụ thì phải nhận hình phạt nào đây? Chạy từ chân đồi lên đỉnh đồi 50 lần, hay dọn hết mấy nhà vệ sinh quanh đơn vị?...
   Đang lo lắng thì cậu tiểu đội trưởng (lính cũ, quê Hải Phòng) cười bảo:
-         Tôi đố các bố xin được đấy. Quanh đây có cả trăm trại lính, ngày nào cũng có kẻ mò đến xin, lấy đâu ra tre mà phục vụ các ông mãi được! Phải “chôm” thôi. Thôi, cứ ra quán khao tớ vài chén rượu rồi tớ giúp.
  Chúng tớ hồ hởi ra mặt, bèn kéo chàng ra quán làm một chầu rượu và lạc rang, sau đó lên đường. Viên tiểu đội trưởng bảo phải nhất nhất theo sự phân công của y. Khi đến nhà nào đó nếu thuận lợi thì sau ám hiệu của y, tôi cùng với Hải có nhiệm vụ nói chuyện với chủ nhà ở phòng khách còn hắn với hai cậu còn lại sẽ “lo liệu”. Sau khi nhận được ám hiệu tiếp theo thì cứ việc chào chủ nhà và rút êm. Chúng tôi qua 4 đến 5 nhà rồi mà vẫn chẳng thấy y hành động gì. Khi tôi chưa hiểu sự tình thế nào cả thì chúng tôi đã vào nhà tiếp theo. Chủ nhà là một bà già ốm yếu hơn sáu mươi tuổi. Chúng tôi vào ngay phòng khách. Không đợi lời mời của chủ nhà, tất cả chúng tôi cùng ngồi vào bộ tràng kỷ sau nháy mắt ám hiệu của tay tiểu đội trưởng. Hắn bảo anh em đã mệt nên xin chủ nhà ngồi nghỉ một chốc. Sau khi rít thuốc lào mấy điếu, y nói nhỏ bảo tôi cố gắng ngồi lại khơi chuyện với chủ theo kế hoạch. Y đứng dậy chỉ vào tôi và Hải và bảo:
- U ơi! Cho hai anh chàng này nghỉ thêm đây một chốc u nhé. Chúng con đi một chốc làm nhiệm vụ rồi quay lại đón hai cậu đó sau u nhé.
 Nói rồi y và hai cậu khác đứng dậy đi ra khỏi nhà. Chưa đầy 5 phút sau, nhận được ám hiệu của y, tôi và Hải lại đứng dậy cáo từ chủ nhà. Khi đi chúng tôi đã không quên cảm ơn bà già chủ nhà đáng kính. Ra khỏi ngõ nhà kia chừng gần trăm mét thì gặp nhóm kia; tiểu đội trưởng tay cầm con dao rựa to (dùng để đi rừng đốn củi) cười nhăn nhở:
-         Thế là hoàn thành khoảng 40% công việc. Bây giờ chúng ta đi tiếp; tiếp tục phân công nhiệm vụ như lần trước.
   Qua vài ba nhà nữa, tình trạng lặp lại gần như cũ; chỉ khác lần này chủ nhà là ông già đã hơn 70 tuổi ở nhà một mình. Ông tiếp chuyện tôi và Hải với thái độ miễn cưỡng, nếu không muốn nói là ông đã muốn tống khứ chúng tôi đi. Ông lại còn có vẻ bồn chồn lo lắng nữa. Ra cổng đi hơn 100m thì tôi và Hải gặp nhóm kia với năm cây tre rõ dài. Tôi thật sự kinh ngạc. Viên tiểu đội trưởng giải thích:
-         Có gì đâu, lần thứ nhất thì chúng tớ luồn cửa sau “chôm” cây rựa của bà già. Lần sau khi ông già đang hầu chuyện các cậu thì chúng tớ vòng ra vườn “ chôm” tre.
-         Chả trách khi ngồi đấy chúng tớ nghe tiếng chặt cây sau nhà. Ông già đã đứng lên lại ngồi xuống…- tôi nói.
-         Hì, ông già biết thừa là đang có kẻ trộm tre sau nhà, tuy nhiên lực bất tòng tâm.
Tôi hỏi:
-         Sao ông già không ra vườn xem nhỉ?
-         Quả là lính mới! Ngây thơ quá!. Ông già cũng muốn ra lắm, nhưng lại sợ các cậu “chôm” gì đó. Trong nhà có nhiều thứ đáng giá hơn nhiều.
 Ra là thế!
 Từ đó tay tiểu đội trưởng (học dở cấp 3 thì vào lính; đã là Đảng viên kết nạp tại đơn vị trong khi ở nhà trước khi đi lính chưa được vào Đoàn vì thuộc thành phần “lêu lổng”) lãnh đạo nhóm chúng tôi trong mỗi lần đi “lao động” sau đó. Lần nào chúng tôi cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong buổi sáng. Buổi chiều nhiều hôm còn kịp “chôm” sắn trong vườn nhà này và sang nhà khác đàng hoàng mượn nồi luộc ăn nữa.
Hàng tuần, sau sáu ngày hoặc tập luyện trên thao trường, hoặc đi “lao động” như đã kể ở trên, cứ vào chủ nhật chúng tôi cũng phải lên rừng kiếm củi nhằm tăng thu nhập cho Ban chỉ huy cấp tiểu đoàn (bán lấy tiền bỏ túi). Rừng cách xa đơn vị 25 km, tối thiểu phải đạt 25 kg  củi mỗi người. Đối với những ai quen lao động chân tay thì chẳng thấm là bao với mức khoán đó, nhưng đối với những người “dài lưng tốn vải” như tôi thì đó quả là thử thách lớn. Nhưng lo phải nhận hình phạt nếu không hoàn thành nhiệm vụ luôn là động lực để chúng tôi cố gắng. Chiều chủ nhật, sau bữa cơm tối từng Đại đội tự cân để nhập củi cho tiểu đoàn tại sân nhà bếp. Nếu ai không đạt 25 kg củi theo quy định thì tập trung trước sân của tiểu đoàn và phải đứng đó cho đến khi đi ngủ vào lúc 9 h 30 tối. Đứng nghiêm ư? Phải rồi, nhưng không chỉ có thế; trên vai các “phạm nhân” phải cõng thêm những gánh củi đạt kỷ lục cân nặng nhất trong ngày của đơn vị. Bởi vậy chủ nhật dù tiếng là ngày nghỉ nhưng luôn là những ngày nặng nề nhất đối với chúng tôi.
  Một chiều thứ bảy, để “tự bồi dưỡng” sức khỏe chuẩn bị cho cuộc đi rừng ngày mai, tôi với Hải đánh liều ra quán sau đơn vị đánh chén vài quả trứng vịt lộn (nói đánh liều vì rất dễ bị lính cũ chặn đường xin đểu hết tiền). Tại đó chúng tôi đã gặp nhóm lính Hà nội biên chế trong trung đội khác cũng đang chén anh chén chú. Câu chuyện qua lại, nhóm kia đã “nể” chúng tôi vì Hải đã từng du học ở Tây, còn tôi thì đã là giảng viên ở trường Đại học. Biết chúng tôi muốn về Hà Nội thăm người nhà nhưng không có cơ hội, Long (qua cách thể hiện tại quán tôi đoán y cầm đầu “bộ tam Hà Nội”) bảo:
-         Chuyện nhỏ! Mấy thằng em sẽ giúp các đại ca. Ngày mai thay vì việc đi rừng, mấy thằng em sẽ dẫn các đại ca về Hà Nội chơi.
Tôi nói:
-         Thế lấy đâu ra củi để nạp vào buổi chiều?
-         Các đại ca đừng lo. Mấy thằng em đã lo thì sẽ lo hết. Đến chiều cứ có củi cho các đại ca là được. – Long cười hềnh hệch trả lời.
  Tôi nhìn vẻ tự tin của cả bộ ba Hà Nội và hiểu rằng họ không nói khoác.
-         Nhưng làm sao thoát khỏi vệ binh trung đoàn khi ra bến xe? Nếu họ tóm được thì có mà đào đất ba ngày ba đêm? (là hình phạt mà vệ binh tóm được khi đi đâu ngoài doanh trại không được phép - tất nhiên vệ binh chỉ kiểm tra ở thị trấn hoặc nơi bến xe bến tàu, chứ không kiểm tra ở cửa rừng) - Hải lo lắng hỏi.
-         Chuyện nhỏ! Sẽ đưa các đại ca đi đến nơi về đến chốn. – Long trả lời.
-         Nhưng bọn tớ không còn đủ tiền mua vé về Hà Nội.- Tôi nói.
-         Hề hề. Mấy thằng em đã bao là bao từ A tới Z, đừng lo.- Long khẳng định.
  Sau khi cao hứng cùng “bộ ba Hà Nội” chạm cốc cạn mấy ly rượu sắn, tôi và Hải cáo từ về trước. Đi được một quãng xa Long còn gọi với theo dặn đừng quên đúng 6h30  sáng mai có mặt ở cổng sau doanh trại để lên đường.
  Sáng hôm sau, năm chúng tôi cuốc bộ một tiếng đồng hồ thì tới bến xe thị trấn. Gặp  mấy chàng vệ binh trung đoàn, tôi đã thần hồn nát thần tính. Nhưng lập tức hoàn hồn ngay khi thấy Long bắt tay họ (chừng như rất thân thiện) và bảo:
-         Đưa mấy ông anh về Hà Nội chơi… Đến chiều tụi này sẽ làm thủ tục nhé.
  Long dẫn chúng tôi đến một xe ô tô khách về Hà Nội, và nói với bác tài cho chúng tôi ngồi lên phía trên ca bin buồng lái. Long cũng quen lái xe?; thật là khó giải thích.
Long cùng các chiến hữu của mình đứng ngay cửa lên xuống và làm nhiệm vụ như là lơ xe phụ lái. Khách đông chen chúc đứng chật kín cả lối đi. Nhiều người phải bê đồ đạc đội lên đầu và đứng co mình chỉ trên một chân. Khách lên khách xuống, xe bò ỳ ạch, mãi rồi cũng tới Hà Nội. Chỉ có 60 km mà mất hơn hai giờ đồng hồ.
  Xuống xe, Long bảo:
-         Các đại ca tự hành ở Hà Nội nhé. Đúng bốn giờ chiều có mặt ở đây để bọn này “áp giải” về.
-         Thế các cậu không về nhà à? – Tôi hỏi
-         Không đâu, bọn này sẽ theo xe này lại quay về Bắc Thái, đến 4 giờ chiều thì sẽ có mặt ở đây để đón các đại ca.
  Đúng bốn giờ chiều y hẹn chúng tôi có mặt. Long lại đưa chúng tôi ngồi lên chỗ cũ, còn họ thì vẫn chen chúc trong đám hành khách phía sau. Tới bến xe ở Bắc Thái, sau khi Long dúi tiền làm thủ tục với nhóm vệ binh, chúng tôi lại rảo bước về đơn vị. Suốt chặng đường về tôi chỉ lo lo lắng về việc lấy đâu ra củi để nạp. Đang định hỏi Long thì vừa lúc y kéo chúng tôi vào một quán thị chó ven đường. Gọi đủ gần như 7 món và chai rượu sắn, chúng tôi nhâm nhi. Chẳng gì thì bây giờ trong túi tôi và cả túi Hải cũng đã có tiền từ khoản viện trợ xin được từ người nhà ở Hà Nội, bởi vậy khoản tài chính thì khỏi lo. Chỉ còn lại vẫn là chuyện củi. Như chừng hiểu được ý tôi, Long cười bảo:
-         Cứ yên tâm mà nhậu đi. Cứ về đến đơn vị thì đã có củi chờ sẵn các đại ca rồi.
Và đúng như Long nói, về đến đơn vị, Long kéo chúng tôi ra sau nhà bếp thì đã thấy hai cậu anh nuôi đang ngồi cạnh năm khúc củi to, toàn loại bảo đảm trên 25 kg. Long đưa tiền cho họ, còn củi thì được chúng tôi mang liền ra sân để cân, bởi cũng đã đến giờ cân củi.
  Giờ thì tôi đã hiểu, mấy anh nuôi là người thực thi cân củi và họ làm kế hoạch ba. Chỉ còn vì sao bộ ba Hà Nội không về nhà mà vẫn có tiền chi tất, kể cả bữa nhậu thịt chó thì  không làm sao tôi giải thích được. Mãi sau này khi tôi có dịp đưa thắc mắc này hỏi Long thì mới được biết: họ “làm việc” khi chen lấn trên xe mấy lần quay đi quay về. “Chôm” là nghề của họ.



Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 208

Return to top