Nói không với tiêu cực
Bùi Đức Hiền
Sáu giờ chiều, trời sẩm tối. Đèn đã bật sáng trong căn phòng rộng gần hai chục mét vuông. Đồ đạc bày biện đơn sơ. Bàn tiếp khách nằm giữa căn phòng. Bên trái là lối đi vào bếp. Bên phải kê một chiếc bàn liền giá sách. Trên bàn, phía trái là máy tính, phía phải dưới tán đèn bàn là một chồng sách vở…Bàn thờ kê ở trung tâm. Trên bàn thờ, bức ảnh một người mặc quân phục viền khung đen để sau bát hương. Đĩa hoa quả để phía trái, bên phải là một lọ hoa hồng. Một phụ nữ hơn 40 tuổi đang thắp hương cắm lên bàn thờ. Cửa mở. Một cô gái tuổi ngoài hai mươi bước vào.
- Con chào mẹ ạ. Hôm nay là giỗ bố, nhưng con đã về muộn. Con xin lỗi mẹ.
- Có việc gì bận mà con về muộn thế? Đã hai mươi năm bố đi xa rồi. Nhanh vào tắm rửa thay quần áo rồi ra thắp hương cho bố, con ạ.
- Vâng ạ.
Cô gái đi vào một chốc, quay ra thắp hương cắm lên bàn thờ. Hai mẹ con chắp tay nhìn lên bàn thờ cung kính. Xong họ ra bàn ngồi.
- Mẹ ơi, con về muộn hơn mọi hôm vì học xong bọn con còn phải tranh thủ duyệt lại tiểu phẩm lần cuối. Ngày mai trường con tổ chức buổi sinh hoạt nữ công, nhân ngày thành lập Hội liên hiệp Phụ nữ Việt nam. Lần này sinh hoạt nữ công được cải tiến, sinh động và hấp dẫn hơn nhiều.. Mỗi khoa phải tham dự một tiểu phẩm ngắn về chủ đề người Phụ nữ, mẹ ạ.
- Con gái mẹ mà cũng được chọn làm diễn viên cơ à?
- Ơ, mẹ ơi! Con gái của mẹ không những được tham gia mà còn được chọn vào vai chính trong tiểu phẩm đấy. Bạn bè ai cũng bảo con diễn đạt lắm đấy mẹ ạ. Mai mẹ có rỗi không? Mẹ đến dự động viên con gái mẹ nhé.
Cô gái vừa nói vừa ôm lấy mẹ rất tình cảm.
- Mai mẹ phải dự họp hội đồng khoa học nhà trường con ạ. Nhóm nghiên cứu của mẹ đang ở giai đoạn cuối hoàn thành đề tài “Chế tạo công tơ điện tử đa chức năng và hệ thống đo đếm điện năng từ xa”. Ngày mai hội đồng của trường sẽ duyệt lần cuối trước khi trình lên Tổng công ty. Mẹ là trưởng nhóm, nên không nghỉ được. Nếu mẹ xong việc sớm, thế nào mẹ cũng đến. Mẹ cũng muốn xem con gái mẹ trong vai trò diễn viên lắm chứ.
- Mẹ hứa với con rồi đấy nhé. Theo sắp xếp thì khoa con sẽ biểu diễn cuối. Mẹ đến chắc kịp mẹ ạ. Xong mẹ còn phải khao con gái một chầu bún ốc nữa đấy.
- Sắp lấy chồng rồi mà đang còn như trẻ con ấy. Mẹ không chỉ khao con gái mẹ, mà còn khao cả nhóm bạn con nữa…
Con gái nhảy cẫng lên sung sướng…
- Mà mẹ ơi, mẹ sắm luôn cho con một chiếc áo dài luôn đi. Mai con biểu diễn phải mặc áo dài. Hôm nay bọn con đi xem để thuê áo, chiếc áo con mặc ai cũng khen đẹp ơi là đẹp. Mặc vừa sít, cứ như là họ đo may cho con đấy. Họ vừa cho thuê vừa bán luôn, nếu ai thích mẹ ạ.
- Con cứ làm như mẹ là vợ của Bin Gết tơ không bằng. Lương tháng này mẹ đã đóng học phí cả học kỳ cho con rồi, lại còn gửi về cho ông bà nội để kịp đong lúa mùa mà con. Ông bà chỉ có một mình bố con thôi. Bố con hy sinh rồi thì trách nhiệm nuôi dưỡng ông bà thuộc về mẹ con mình. Mấy năm nữa ra trường, con cũng phải tiết kiệm mà giúp ông bà nữa con nhé. Mà thôi, con cứ thuê áo dài dùng tạm cho ngày mai. Đến tháng sau mẹ sẽ mua cho con.
- Mẹ ơi. Nhà ta nghèo quá phải không mẹ…mà con hư quá mẹ nhỉ. Cái gì cũng đòi hỏi, trong lúc mẹ chỉ có một mình. Mà mẹ ơi, bác Phấn chắc yêu mẹ lắm đấy…. Con thấy mẹ cũng có cảm tình với bác ấy mà… Mẹ nhận lời bác ấy đi. Về đây, sớm hôm bác ấy sẽ đỡ đần nhiều cho mẹ đấy. Đi đâu con cũng thấy người ta ríu rít vợ vợ, chồng chồng… chỉ có mẹ một mình âm thầm thôi. Con ủng hộ mẹ cả hai tay đấy…Bây giờ con đã lớn rồi. Con hiểu mẹ đã hi sinh vì con nhiều rồi, con không giữ mẹ như ngày xưa nữa đâu.
- Bố con mất đi khi con mới chập chững biết đi. Đã hai mươi năm qua mẹ sống một mình như vậy nuôi con…Nay thì con gái mẹ cũng đã trưởng thành thật rồi. Sang năm vào dịp này thì con sẽ là cô kỹ sư trẻ rồi đấy nhé. À, mà thôi, mẹ sẽ lấy chồng khi nào con gái mẹ cũng đã cưới chồng…
- Mẹ hứa với con rồi đấy nhé. Nhất định là con sẽ cưới bác Phấn về cho mẹ..
Cả hai mẹ con cùng cười… Bỗng có tiếng chuông cửa. Cô gái ra cửa đón khách.
- Mẹ ơi, mẹ có khách này.
Lan (con gái) dẫn khách vào. Đó là một chàng trai trạc 30 tuổi, xách theo một túi quà. Sau khi thủ tục chào hỏi được tiến hành xong, khách vào ghế ngồi. Lan rót nước mời khách và ý tứ xin phép vào phòng trong học bài.
- Xin tự giới thiệu, tôi là anh họ của Thắng, học sinh lớp B5 mà cô giáo dạy ở đó. Tôi đến gặp cô vì chuyện học hành của Thắng.
- Mời anh uống nước rồi ta nói chuyện….Tôi không những dạy mà còn là giáo viên chủ nhiệm của lớp đó nữa. Anh nói rõ cháu họ gì, vì trong lớp có những 4 Thắng cơ anh ạ.
- Trần Văn Thắng cô giáo ạ.
- Ồ, thế là Thắng kều, quê Quảng Ninh. Anh này lười học lắm đây. Toàn bỏ giờ đi đánh điện tử thôi. Đã mấy lần lớp họp phê bình… Tôi cũng đã ra chỗ Thắng trọ tìm bôn, năm lần mà lần nào cũng không có ở nhà. Lần cuối tôi phải đi vòng đến hơn chục điểm chơi game mới tìm được. Sau đó tại buổi họp, trước lớp Thắng đã tự đọc bản kiểm điểm và hứa khắc phục. Hứa thì hứa vậy chứ xem chừng cậu ta vẫn ham chơi lắm, chưa bỏ được đâu. Gia đình cần quan tâm đến cháu hơn anh ạ. Cả nhà trường và gia đình cùng phối hợp thì hiệu quả giáo dục sẽ tốt hơn, phải không anh?
- Tôi cũng đồng ý với cô giáo. Chuyện giáo dục thì phải lâu dài… Nhưng nay tôi muốn nhờ cô trực tiếp giúp Thắng một việc.
- Việc gì hở anh. Anh cứ nói. Nếu có thể giúp được gì thì tôi sẵn sàng.
- Vốn là cháu vừa thi xong môn của cô phụ trách. Cậu ta nói với tôi là không làm được bài. Mấy môn trước cũng đã thiếu điểm cả rồi. Nay thiếu môn của cô giáo nữa thì chắc chắn rơi vào diện ngừng học. Tôi muốn cô giáo giúp cho cháu đủ điểm…
- Ồ, tưởng việc gì chứ việc ấy thì không được đâu anh ạ. Việc thi cử là phải thực hiện đúng theo quy chế mà Bộ Giáo dục Đào tạo và nhà trường quy định, không thể làm khác đâu anh ạ
- Tôi biết là có quy chế…Nhưng cô giáo vừa giảng dạy lớp đó, vừa là tổ trưởng bộ môn. Tôi nghĩ là cô giáo giúp được mà…- Vừa nói anh ta vùa móc túi lấy phong bì bỏ vào túi quà và đặt lên bàn – Gia đình sẽ không quên ơn cô giáo đâu
- Đừng làm thế anh ạ. Tôi không nhận quà của anh đâu. Tôi cũng không có thói quen nhận quà kiểu này. Tôi đề nghị anh mang về. Hãy quan tâm trực tiếp đến việc học của Thắng thì hơn. Nếu có phải lưu ban thì cũng là bài học tốt cho cậu ta. Cứ như thế này thì vô hình gia đình lại nhiễm thêm cho Thắng thói quen thực hiện các hành vi tiêu cực… Cậu ta còn trẻ, điều này càng làm hại cậu ta hơn
- Chà, cô giáo cứ nhận đi…ngoài xã hội giờ đều thế cả mà cô giáo. Có chút đỉnh gọi là thôi mà…. -
Vừa nói anh ta vừa bỏ túi quà lên bàn (khác), rồi đứng dậy cáo từ ra về.
Cô giáo cũng đứng dậy, đi lại bàn lấy túi quà, mang ra cửa trả lại anh ta.
- Anh cầm về đi. Tôi nhắc lại là chúng tôi không vì tiền mà đánh mất phẩm chất của nhà giáo đâu anh ạ. Mong anh vui vẻ.
Đóng cửa tiễn khách, cô giáo quay vào. Lan từ phòng trong đi ra.
- Hoan hô mẹ. Ai cũng như mẹ cả thì chắc là Bộ trưởng mới của Bộ Giáo dục đào tạo Nguyễn Thiện Nhân đã chẳng phải phát động phong trào “Nói không với tiêu cực” trong ngành giáo dục mẹ nhỉ?
- Không phải mình mẹ đâu. Cả bộ môn, cả khoa và cả trường Đại học của mẹ, ai ai cũng đã và đang nói không với tiêu cực con ạ. Đấy là truyền thống của nhà ta, cả ngành mình mà con. Mà thôi, mẹ con mình vào ăn cơm đi. Mẹ đói lắm rồi.
Cả hai cùng vào.
02.10.06