Buổi sáng, tiếng cãi vã bên ngoài làm tôi thức giấc. Tung mền ngồi dậy, trời bên ngoài đã mờ mờ sáng. Sương khuya còn giăng giăng làm mờ đục cảnh vật. Thay áo xong, tôi bước ra ngoài, tiếng cãi vã càng lớn. Tiếng la lối ở phía cửa trước, tôi định ra xem thì Diễm Chi bước tới. Tôi hỏi:
- Chuyện gì thế?
- Em vừa mới nghe định qua hỏi chị đâỵ..
Chúng tôi vội vã đi ra nhà ngoài. Qua khỏi phòng khách tôi thấy bác Chương còn mặc áo ngủ tay áo săn lên điệu bộ giận dữ đang la hét. Bác Châu ngồi cản ngăn không ngớt. Nhưng giọng nói nhỏ và hiền hòa của bác như bị lấp đi bởi những tiếng ồn ào của bác Chương. Không phải chỉ có bác Chương là giận dữ mà thôi, mà trước mặt bác còn có một người đàn ông cao lớn dữ dằn khác. Nhìn người đàn ông đó tôi đã nhớ ra ngay: Ông bố của Sao Ly. Người đàn ông đã làm cho tôi điếng hồn trong rừng hôm no. Gương mặt có xương hàm to và xăm đầy hình, đôi mắt long sòng sọc, trông đã phát kiếp rồi chứ đừng nói tới bộ ngực trần nở nang đen bóng. Trông ông ta giống như một con khỉ đột lớn, con khỉ đột ăn thịt người!
Tiếng bác Chương hét to:
- Cút ngay! Cút cho khuất mắt tao. Mẹ kiếp, mới sáng sớm đã đến đây kiếm chuyện, con của mày thì mày giữ lấy, chứ đừng có đến nhà tao mà la lối um sùm, biết không?
Ông bố Sao Ly hùng hổ xổ một tràng tiếng thượng, cách một hai câu là có một tiếng chửi thề, ông ta hét còn to hơn cả bác Chương. Vừa la ông vừa chồm tới trước như sẵn sàng đập lộn. Tôi không hiểu ông nói gì cả và phải nhờ Diễm Chi thông ngôn. Diễm Chi kê sát tai tôi nói:
- Ổng bảo suốt đêm qua Sao Ly không về nhà, ổng nghi là anh Cả hay anh Hai đã dẫn cô ta đi. Ổng bảo là hai ông anh của em suốt ngày theo tán tỉnh Sao Ly hoài, vậy thì sự mất tích của Sao Ly nhất định có liên hệ tới 2 người. Ổng buộc chúng ta phải đem chi. Sao Ly ra trả cho ổng và từ rày nếu còn thấy 2 ông anh của em quanh quẩn bên Sao Ly, ông sẽ giết chết hết!
Trông ông ta đằng đằng sát khí. Tôi nghĩ đến phong tục xăm mặt của người miền núi, rồi nhìn lên mặt, lên trán và môi ông ta, chỗ nào cũng xăm đầy. Ông ấy đã giết bao nhiêu người rồi?
Đột nhiên tôi rùng mình. Bác Chương chẳng nhượng bộ, bác gầm lên:
- Mày tưởng con của mày ngon lành lắm hả. Đồ hư thôi, đồ rững mỡ! Sao mày chẳng xuống chợ quận mà tìm, mà lại đến nhà tao làm um sùm chứ? Nếu mày chẳng chịu đi tao bảo ông Viên kêu cảnh sát lôi đầu mày vào khám xem mày có đi hay không. Mày cũng đừng tưởng ông không dám đánh lộn với mày, thử xem!
Bố Sao Ly xông tới, bác Châu phải chạy vội đến can ra, thân thể nhỏ nhắn và yếu đuối của bác đứng giữa 2 người khổng lồ trông thật buồn cười. Thế mà không ngờ lại hữu hiệu vô cùng. Cha của Sao Ly dừng ngay lại. Bác Châu nài nỉ:
- Anh Chương, anh làm cái gì kỳ vậy? Người ta kiếm không ra con đương nhiên phải nóng tính chớ. Không bình tĩnh nói năng đàng hoàng, anh lại phùng mang trợn má có ích lợi gì đâu? Quay sang Diễm Chi, bác Châu nói:
- Diễm Chi bảo cô Hương ra đây thông dịch, mẹ muốn nói cho ông ấy hiểu rõ mới được.
Diễm Chi bước vào trong, bác Châu giải thích với bố Sao Ly:
- Ông Lâm, ở đây chúng tôi không thấy Sao Ly, chúng tôi cũng không có đem cô ấy đi đâu hết. 2 đứa con trai tôi tuy có thích nó, nhưng đó là tuổi trẻ mà, chúng thích gần nhau là chuyện thường, dù sao ông cứ yên tâm, chắc chắn 2 đứa con trai tôi không có làm điều gì đốn mạt đâu.
Ông Lâm có vẻ dịu đi một chút. Có lẽ ông ta rất kính trọng bác Châu. Với một giọng ngượng nghịu, ông ta lên tiếng:
- Thưa bà, bà không hiểu, bà không hiểu đâụ..!
Đưa hai tay lên đầu, bứt bứt tóc, ông ta không biết phải diễn tả như thế nào. Vừa lúc đó cô Hương đi ra. Bác Châu gọi lại bảo thông dịch những điều bác vừa nói cho cha Sao Ly hiểu. Gương mặt ông ta trở lại bình thường và nói một tràng tiếng Thượng, cô Hương dịch:
- Ông ấy bảo đúng ra ông ấy không muốn đến đây làm ồn làm gì, ông ấy muốn đến đây hỏi hai cậu xem có thấy Sao Ly ở đâu không? Ông ấy thấy 2 cậu thường đi chơi với Sao Ly. Ông ấy mà bắt được Sao Ly, chắc chắn ông ấy sẽ đập chết luôn. Bác Châu bảo:
- Cô Hương, cô vào trong nhà gọi cậu cả với cậu hai ra tôi bảo.
Cô Hương đi vào trong, một lúc Tú theo ra, nhưng bóng Phong thì biệt dạng.
- Thưa bà, cậu Hai không có ở nhà.
Bác Châu hỏi cô Hương:
- Cái thằng này lạ thật, mới sáng mà bỏ đi đâu vậy? Cô có thấy nó đi lúc nào không?
Cô Hương lắc đầu:
- Dạ không, cậu ấỵ..
- Nó làm sao?
- Giường của cậu Hai còn nguyên, đêm rồi cậu Hai không có ngủ ở nhà.
Không khí đột nhiên như lắng đọng lại, mặt bác Châu sa sầm. Bác Chương mất đi vẻ hung dữ lúc đầu, Diễm Chi nhìn xuống, Tú ngơ ngác. Và tôi, tôi cũng hiểu rằng gương mặt tôi lúc bấy giờ chắc cũng không hơn gì ai vì những dòng máu trong người tôi đông lại. Bác Châu là người lấy lại bình tĩnh sớm nhất, bác quay sang Tú bảo:
- Thôi được rồi, Tú, hôm qua con có trông thấy Sao Ly ở đâu không?
Tú lắc đầu, nói khan:
- Không!
- Xong! Cô Hương đâu, cô nói cho ông ấy biết là để tôi tìm cho, nếu tìm gặp Sao Ly tôi sẽ dẫn cô ấy về cho ông ấy.
Bác Châu vừa nói đến đây thì có một bóng người xuất hiện, đó là Phong! Phong bước vào nhà mệt mỏi như người thiếu ngủ, tóc chàng vướng đầy sương đêm và trên quần chàng những cọng cỏ còn bám đầy.
Sự xuất hiện đột ngột của chàng khiến mọi người trong phòng ngạc nhiên.
Chíng Phong khi nhìn thấy không khí căng thẳng trong phòng cũng ngơ ngác hỏi:
- Chuyện gì vậy?
Bác Châu nghiêm giọng:
- Phong! Sao Ly bây giờ ở đâu?
Phong ngẩn người ra một chút rồi đáp:
- Sao Ly à? Cô ấy mới về nhà, con và cô ta mới chia tay ở bờ suối đây mà?
Bác Châu nghiến răng:
- Như vậỵ..Suốt đêm qua mày dẫn con Sao Ly đi phải không?
Phong đáp tỉnh bơ:
- Vâng, con vớị..
Bác Chương nóng tính, cắt ngang:
- Chúng bây đi đâu?
- Dạ ở bờ hồ Mộng.
Tôi không muốn nghe gì nữa. Quay người lại, tôi muốn rời ngay khỏi đám đông ồn ào. Chạy nhanh về phòng, tôi cài cửa lại. Ngồi trên ghế, 2 tay ôm mặt, nước mắt cứ trào ra, tôi không ngăn được phẫn nộ, không chận được nỗi khổ đau của kẻ bị tình phu. Phong! Tại sao tôi không nhìn rõ được bộ mặt đểu giả của hắn ngay từ lúc đầu, mà tôi còn nghe lời đường mật của hắn? Để cho hắn lôi cuốn vào tình yêu chẳng chút nghi ngờ? Phong! Phong! Phong! Nỗi uất ức tuôn tràn trên mắt. Tôi cắn môi, nắm chặt tay nện thật mạnh xuống bàn. Chỉ một lúc sau có tiêng chân dồn dập chạy tới cửa phòng tôi, có tiếng đập cửa rồi tiếng Phong gọi:
- Lệ Thu! Lệ Thu! Mở cửa!
Nghe tiếng chàng tôi càng khóc to hơn bước đến cạnh cửa tôi vừa khóc vừa nói:
- Anh đi đi! Tôi không muốn nhìn mặt anh nữa.
Phong vẫn đập cửa tới tấp:
- Lệ Thu, em lầm rồi, em mở cửa ra đi, anh sẽ giải thích cặn kẽ cho em hiểu mọi việc. Thu! Thu!
Chàng gọi tên tôi liên tiếp, tôi càng giận hơn, tôi nói:
- Anh còn đến đây làm gì nữa? Anh đi đi! Đi đi mặc tôi!
- Anh muốn giải thích cho em rõ.
- Tôi không cần anh giải thích, bây giờ tôi không tin anh nổi nữa, anh đừng phí công vô ích.
- Em đừng có đoán mò rồi kết tội anh! Thu, mở cửa đi em, nếu em không mở cửa, anh phá cửa cho xem.
Chàng nói như thét, tôi tựa lưng vào cửa nói:
- Nhất định không mở!
- Thu! Giọng Phong dịu xuống, chàng buồn bã nói:
- Em lầm rồi, Thu à! Anh xin thề với em, anh chẳng làm chuyện gì bậy bạ cả, Thu, em mở cửa đi, mở cửa đi em!
- Không! Không! Không! Tôi không muốn nghe gì hết.
- Em phải nghe, Thu! Anh nói cho em biết không phải chỉ có một mình anh với Sao Ly, mà còn có Á Nam nữa, nếu em không tin em cứ đi hỏi đi. Anh có nói dối em trời đánh anh chết đó. Thu! Em có nghe anh nói không?
Tôi vẫn khóc, nhưng thật ra chàng nói cái gì tôi cũng nghe hết. - Tôi không cần biết, anh gian dối lắm, tôi không thèm nghe!
- Em phải tin anh! Em mở cửa không?
- Không mở!
Bên ngoài cửa im lặng tôi không biết chàng làm gì bên ngoài. Tôi chỉ biết vừa nghe ngóng vừa thút thít khóc. Đang lúc tôi còn ngạc nhiên trước cái yên lặng bất thường đó, thì nơi cửa sổ, một tiếng ầm thật to, rồi một bóng người nhảy vọt vào. Tôi hốt hoảng mở to mắt ra, Phong đã sừng sững đứng đấy thở hổn hển. Tôi quay lưng đi:
- Đi ra, đi ra đi! Tôi không muốn nhìn thấy mặt anh! Tôi không muốn nhìn mặt anh nữa!
Phong đưa tay vịn lên vai tôi, chàng xoay người tôi lại, ép tôi phải nhìn thẳng vào mặt chàng. Khuôn mặt mệt mỏi buồn bã:
- Lệ Thu, anh cho em biết..
- Không, không, tôi không nghe đâu! Tôi hét lên, đưa tay lên che tai: - Tôi không nghe đâu, tôi không muốn nghe lời đường mật của anh nữa!
- Thu! Cơn giận của Phong đã đến, môi chàng kề sát tai tôi, cánh tay chàng siết chặt người tôi trong khi bàn tay còn lại cố gỡ tay tôi xuống:
- Anh không làm gì lầm lỗi cả, anh nói thật. Nam muốn vẽ một bức tranh sơn dầu cho Sao Ly, tụi anh đốt lửa ngồi bên hồ. Tất cả mấy thứ đó đều do ý Nam nghĩ ra cả, Nam muốn Sao Ly đứng phía sau đống lửa để cho hắn vẽ, nhưng vẽ mãi mà bức tranh vẫn không thành. Thu, em có nghe anh nói không?
- Em không biết, em không tin, anh là tên dóc tổ!
Phong chẳng nói chẳng rằng kéo tôi đi.
- Không tin thì em theo anh đi tìm Nam, tìm hắn ngay bây giờ!
Tôi chống đối:
- Không, em không đi đâu hết. Mấy người đồng lõa với nhau thì làm gì không che chở cho nhau?
Phong cứng họng, chàng mở to mắt ra nhìn tôi, rồi buông thõng tay tôi xuống. Suýt chút nữa tôi đã ngã vì mất thăng bằng, tôi dựa vào tường. Phong nghiến răng:
- Thôi được rồi, tin hay không tin là tùy em, anh không biết phải giải thích thế nào nữa, anh không thể cúi xuống van xin em tha thứ trong khi anh không có lỗi.
Mặt Phong đỏ hồng, mắt chàng long lanh, chàng mở cửa bước ra ngoài. Nhưng chỉ bước được hơn hai bước, Phong quay đầu lại, nói:
- Thu, chúng ta cần gì phải thề non hẹn biển với nhau, ngay từ ý thức căn bản chúng ta đã không hiểu nhau rồi thì cần gì ba cái chuyện đó. Lúc nào em cũng cho rằng điều em nghĩ là đúng, thì anh còn gì để giải thích. Em không tin, được rồi. Vậy kể từ giờ phút này không còn gì nữa hết vì chúng ta có hiểu được nhau đâu!
"Ầm!" Cánh cửa đóng lại. Tôi lặng đi gần năm phút chẳng một cử động. Sau đó, tôi trở lại giường, mở to mắt ra nhìn lên trần nhà. Không một giọt nước mắt, không một ý nghĩa gì còn lại trong khối óc trống rỗng của tôi.
Bữa cơm trưa hôm đó, tôi lẳng lặng đến bàn ăn, liếc nhẹ Phong, không một lời chào hỏi. Mặt chàng vẫn lạnh như đồng, tim tôi đau nhói, nhưng vẫn giả vờ cúi đầu trên chén cơm. Bác Châu nhìn Phong rồi lại nhìn tôi. Một sự yên lặng nặng nề vây quanh. Trên bàn ăn không ai nói với nhau lời nào.
Cơm xong, bác Châu trao cho tôi lá thư bảo:
- Thư của mẹ con gởi cho con đấy!
Tôi nhận thư, tuy chưa mở ra nhưng tôi hiểu nó chẳng mang đến cho tôi một tin gì vui vẻ. Tôi biết chắc chắn mẹ cũng có gởi cho bác Châu một bức thư khác, vì trên sắc mặt của bác, tôi có thể đoán ra sự không vui này. Cầm bức thư trong tay tôi trở về phòng. Ngồi trước bàn, tôi lật thư ra đọc. Thư viết thật ngắn thật gọn, chứng tỏ mẹ đã viết nó trong lúc hấp tấp.
Lệ Thu con,
Mẹ và cha con đã đồng ý ly thân và đang lo mọi thủ tục để ra tòa xem ai có quyền chăm sóc con. Thế nên mẹ không thể rước con về ngay được mong rằng con sống thoải mái và vui vẻ ở nông trại Lệ Thanh một thời gian nữa.
Thu, mẹ có rất nhiều điều muốn nói với con, nhưng không biết làm sao nói cho con hiểu me. Con là đứa con gái thông minh có lẽ con cũng hiểu được tình cảnh rối rắm của mẹ lúc này ra sao rồi. Bây giờ, mẹ chỉ muốn nói với con một điều là mẹ yêu con, dầu cho hoàn cảnh có đổi dời ra sao mẹ vẫn là mẹ của con. Mẹ chỉ mong cho con được vui sống đó là ý nguyện duy nhất của me. Thu, con cứ an tâm, cứ sống vui vẻ con nhé. Mẹ sẽ cố gắng đến đón con sớm ngày nào hay ngày đó! Mẹ của con.
Tôi xếp thư lại bỏ vào phong bì, yên lặng ngồi nhìn ra cửa. Trong một phút bốc đồng, tôi chợt đứng dậy đi ra khỏi nhà, tắm dưới ánh nắng xinh tươi của cánh đồng cỏ. Đi dọc theo bờ ruộng tôi bước về phía rừng cây, đến bờ suối.
Tôi cứ thế mà đi, đi thật lâu, đi cho đến lúc chân đã mỏi, nắng đã nóng đến độ làm đầu tôi muốn nức ra, nhưng vẫn không muốn dừng lại. Đi một lúc, tôi lại đổi hướng khác, qua khỏi khu rừng này đến khu rừng kia, tôi như một cái máy đi mãi không muốn dừng.
Suốt một buổi chiều đó, tôi đi lang thang trong núi. Ánh nắng bắt đầu dịu lại, bầu trời rực đỏ ánh ráng chiều. Mặt trời giấu mình trong mây hồng. Tôi đứng giữa cánh đồng trống, nhìn ánh tà dương lặng dần, mà hồn bay bổng đâu đâu.
Một chú rắn bò kề bên, tôi vẫn không hay biết. Đến lúc tôi phát giác ra thì chú rắn đã bị một khúc cây đập trúng, nằm lăn lộn trên cỏ rồi. Tôi điến hồn mở to mắt ra nhìn, máu trong người tôi như muốn trào lên óc, tôi hét to lên và một người đàn ông kéo tôi lùi ra sau. Không hiểu tại sao tôi lại la, nguyên nhân chính của tiếng hét của tôi chẳng phải là chú rắn, tôi hiểu như thế. Suốt một ngày đầu óc căng thẳng, mệt mỏi, choáng váng, con rắn chỉ là cái cớ để tôi hét, không phải chỉ hét một tiếng thôi, mà còn hét thêm hai ba tiếng nữa.
Người đàn ông giữ lấy tôi sờ nhẹ vào đầu tôi, nói:
- Thu! Thu! Bình tĩnh lại đi, không có gì đáng sợ nữa rồi. Lại Phong! Tôi không hét nữa.
Chúng tôi yên lặng nhìn nhau, một lúc, Phong nói:
- Nếu Thu muốn khóc, cứ khóc đi, vì em đã uất ức suốt một buổi chiều rồi!
Câu nói của chàng khiến tôi dằn lại không được nữa, nước mắt như suối tuôn ra, tôi òa lên khóc, Phong ôm tôi, dìu tôi đến cạnh phiến đá, ngồi xuống, chàng ôm tôi vào lòng vuốt nhẹ lên lưng tôi vỗ về. Tôi như đứa trẻ con được dịp khóc là khóc cho hả, khóc đến nỗi nước mắt nước mũi tôi thấm ước cả vạt áo chàng. Vừa khóc tôi vừa nói:
- Em không muốn thấy cha mẹ ly dị nhau. Anh Phong em không muốn. Em chỉ muốn ba mẹ sống với nhau mãi hà. Em yêu cả 2 thế mà sao họ lại ly dị nhau?
Phong ôn tồn nói:
- Anh biết, anh biết! Anh vừa nghe mẹ nói là đi tìm em ngay, anh hiểu em, anh biết em đang buồn!
Tôi khóc, khóc cho đã. Ngước khuôn mặt ướt đẫm lên nhìn Phong, gương mặt chàng trông hiền và lo lắng làm sao, chàng lấy khăn tay ra chùi khô nước mắt trên mặt tôi:
- Thu, anh biết mấy hôm rồi em buồn lắm, chuyện của anh rồi chuyện của mẹ em làm em buồn. Chàng cúi xuống hôn lên mặt tôi: - Anh thật có lỗi, anh chưa giải thích cho em rõ, thế mà anh còn giận em, Thu, em tha lỗi cho anh nhé?
Tôi vẫn khóc, úp mặt vào vai chàng khóc ngon lành. Phong ôm chặt tôi:
- Anh bậy quá, em có chuyện buồn anh chẳng an ủi lại còn làm em giận, thôi chùi nước mắt đi, đừng khóc nữa. Từ rày anh sẽ không làm em buồn nữa, anh cố chìu em, che chở em để em không còn bị ai làm khổ nữa.
Giọng chàng ngọt ngào như mật, vòng tay chàng thật ấm, dần dần tôi cảm thấy vơi bớt sự đau khổ và chùi nhanh những giọt nước mắt. Chúng tôi ngồi yên lặng nhìn mặt trời lặn dần, cánh tay chàng trên vai tôi, màu đỏ của bầu trời hiện trong mắt chàng say đắm.
Phong hỏi tôi:
- Em thấy có khỏe chưa?
Tôi gật đầu, chàng nhìn tôi thương hại:
- Mũi em bị nắng đốt đỏ cả lên. Suốt một buổi chiều anh phải theo em đi cả ngàn cây số.
Tôi muốn cười với lời pha trò của chàng, nhưng cười không nổi. Phong nâng cằm lên nói:
- Anh biết bây giờ em đã quên chuyện ban sáng rồi. Nhưng anh cần phải giải thích rõ ràng cho em hiểu. Lệ Thu, anh không có làm chuyện gì bậy tới Sao Ly cả.
Tôi ngăn chàng lại:
- Thôi đừng nói nữa anh.
- Tối qua lúc em nói chuyện với Diễm Chi, anh không muốn làm phiền hai người nên bỏ ra ngoài đồng ngắm trăng. Vừa ra khỏi vười trúc, thì anh đụng ngay Á Nam với Sao Ly. Nam đang thuyết phục Sao Ly làm người mẫu cho hắn vẽ, hắn bảo hắn muốn vẽ Sao Ly đứng khỏa thân bên bờ hồ sau đống lửa đỏ rực.
- Khỏi thân à?
- Ừ, đối với nghệ thuật, việc vẻ khỏa thân không có gì lạ hết. Em biết không, Sao Ly không chịu, nhưng ý định của Nam làm anh thích thú. Em thử nghĩ xem, giữa cảnh hồ đầy sa mù, rừng thì đen thẳm mà có một nhóm lửa đỏ đốt lên, một người con gái đẹp, thì bức họa tuyệt vời thế nào? Thế là anh cũng khuyên Sao Ly. Kết quả tụi anh đến bên hồ Mộng, anh giữ nhiệm vụ đốt lửa, Nam lo vẽ, cứ thế suốt một đêm...
- Thế có xong không?
Phong nhún vai:
- Không, Á Nam bảo nguồn hứng của hắn ngủ mất tiêu rồi.
Tôi cười to, Phong cười theo:
- Công trình thuyết phục làm việc vô dụng.
Chúng tôi nắm tay nhau bước đi trong những tia nắng cuối cùng của một ngày trở về nông trại. Nghĩ đến cha và mẹ, tôi không hiểu sao họ lại có thể bỏ rơi thế giới tình cảm của mình một cách dễ dàng như thế. Với tôi chắc không bao giờ có chuyện đó. Phong quay đầu qua hỏi:
- Em nghĩ gì thế?
- Em không muốn xa anh.
Phong nhìn lại nhìn qua:
- Thu em, không một ai muốn sống xa em cả.
Ôm ngang người tôi chàng hôn tôi say đắm. Ráng chiều đỏi chói trên nền trời, những đám mây màu cam, màu tím...phủ đầy trên cao. Ánh sáng cuối ngày như một màn lưới khổng lồ nhẹ nhàng phủ lấy chúng tôi.
Chương 18
Mùa thu lặng lẽ đến. Buổi sáng thức dậy khi những chiếc lá diếc trổ màu đỏ ối, điểm tô cho cánh đồng rộng. Đây là lần đầu tiên tôi nhìn thấy mùa thu.
Trong rừng, lá vàng rụng đầy, những cánh lá nhỏ bay đầy trời theo từng cơn gió. Súng bên bờ suối bắt đầu nở hoa. Trên mặt hồ Mộng, sương mù dày đặc. Không khí phảng phất hơi thu làm cho lòng tôi ngây ngất. Những cây đậu hoa trong bờ liếp bắt đầu kết quả, thuốc trồng trên mảnh vườn thí nghiệm đã xanh um. Bắp khoai chỉ còn chờ gặt hái.
Tôi và phong suốt ngày thơ thẩn trên cánh đồng, thu nhận cái hương vị của mùa thu. Kỳ nghỉ hè đã sắp kết thúc. Sau mùa hè này không còn một mùa hè nào khác nữa rồi vì sang năm Phong đã phải đi nghĩa vụ quân sự, đâu còn dịp để nhởn nhơ như bây giờ.
Những ngày còn lại rất đáng quý, chúng tôi không thể bỏ trôi một cách hời hợt được, phải hưởng thu. Niên học mới bắt đầu không có nghĩa là chúng tôi xa nhau mãi mãi, vì thỉnh thoảng Phong sẽ về, nhưng tôi vẫn không giấu được sự buồn bã.
Hôm ấy, chúng tôi đến bên bờ hồ Mộng (lúc gần đây, hình như lúc nào chúng tôi cũng ở bên bờ hồ thơ mộng này). Những đám hoa Tình Lụy nở quanh năm thoảng hương ngào ngạt. Mặt hồ vẫn xanh và trong như hồ thu, không còn tối om om nữa vì những chiếc lá vàng, lá đỏ đã xen cùng lá uá. Gió thổi nhạ làm cho đám mù sương lay động, nhưng vẫn không gây nên một tiếng động nào. Một chiếc lá theo cơn gió cuốn rơi xuống mặt hồ làm sóng nước hơi gợn lên. Cảnh đẹp như mộng, làm lòng say như mơ, tôi còn tâm trí đâu để nghĩ đến cái gì hơn nữa chứ? Chúng tôi ngồi trên bãi cỏ yên lặng nhìn nhau. Chỉ còn một tuần nữa là kỳ nghỉ hè của chàng chấm dứt. Vuốt nhẹ mái tóc tôi, Phong nói:
- Lệ Thu, chúng mình đính hôn nhau em nhé?
- Đính hôn bằng cách nào?
- Để anh thưa với cha mẹ, rồi chúng mình mời ông Bạch làm chứng để cử hành lễ đính hôn thật đợn giản nhé em.
- Không lẽ chỉ thưa với cha mẹ anh, còn cha mẹ em thì không cần hay sao?
- Vậy thì em viết thư khẩn cho cha mẹ em hay đi, anh muốn làm lễ hỏi trước ngày anh đi!
- Viết thế nào chứ? Cha mẹ em không còn ở chung với nhau nữa, em cũng không biết ai sẽ được quyền giữ em.
Phong thương hại nắm tay tôi:
- Lệ Thu, anh thấy đâu cần sự đồng ý của cha em, em đã mười chín tuổi rồi, em có quyền làm chủ cuộc đời em chứ? Hay là em viết 2 lá thư thông báo cho 2 người biết là xong, được không em?
- Bắt buộc phải làm đàng hoàng sao?
- Em nói gì?
Tôi nhìn chàng:
- Em thấy không cần phải làm lễ đính hôn làm chi cho rắc rối. Nó chỉ là một hình thức thôi. Anh còn đi học, em cũng chưa trưởng thành, việc lấy nhau phải chờ đến mấy năm sau, ta đã hiểu nhau, đã yêu nhau thì đó cũng là một cách đính hôn rồi còn gì nữa?
- Lệ Thu, anh chỉ sợ em thay đổi.
- Anh không lo anh, lo cái tính đào hoa của anh kìa, tới đâu là giao tình yêu tới đó.
- Thu!
Tôi cắt ngang:
- Thôi đừng bào chữa gì hết, em biết anh còn có cả một lô mối tình chưa giải quyết. Làm sao sửa đổi được khi bản tính anh như thế, chỉ mong rằng...
- Thôi đừng nói nữa. Phong cắt ngang câu nói tôi bằng nụ hôn: - Chuyện đã kể như hết rồi!
Tôi nhắm mắt lại, môi chàng cọ nhẹ lên mặt tôi. Thời gian như ngưng đọnga lại. Khi tôi mở mắt ra thì chỉ còn trông thấy đôi mắt đen trước mặt long lanh.
- Thu!
- Dạ!
- Chúng ta đã không cần hình thức thì làm lễ ngay tại đây nhé.
- Vâng.
- Nhưng anh không có nhẫn cho em.
- Có sẵn trong tim em rồi.
- Còn người chứng?
- Người chứng là trời, là đất, cây cỏ, hồ Mộng và hoa Tình Lụy.
- Lệ Thu, anh sẽ không bao giờ quên em.
Chàng lại hôn tôi, tất cả cảnh vật quay cuồng trong mắt. Khi Phong buông tôi ra thì tôi chỉ còn thấy một màu xanh ngắt trước mặt. Sương mù, trời cao, lá vàng đều như chiêm bao cả. Chúng tôi sống trong mộng chứ không phải thực. Tôi đâu có ngờ rằng khi mùa thu đến, tôi và Phong cùng thề non hẹn biển bên bờ hồ này? Nhưng bây giờ Phong cũng sắp đi rồi. Tương lai là một khoảng trời đen tối. Chúng tôi có toại nguyện với lời thề chăng? Cũng bầu trời này, cũng khung cảnh này, nhưng có thể tin cậy được không chứ?
- Nghĩ gì thế?
- Muốn anh đừng đi.
- Em hãy ở lại đây nhé Thu, dù có theo cha hay theo mẹ, dù cho có gặp cảnh buo6`n nản ngỡ ngàng, em cũng đừng đi đâu hết. Hãy ở lại đây, bất cứ lúc nào có dịp là anh về với em ngay!
Tôi lắc đầu:
- Em không thể sống ở đây mãi được, em phải đi chứ? Đi? Nhưng đi đâu? Nơi nào sẽ là nhà của tôi? Nỗi buồn như cơn gió lốc thổi tới bao trùm 2 đứa. Tại sao cuộc sống lại rắc rối thế này? Những ngày hè trôi nhanh như giấc mộng đêm xuân. Chàng sẽ ra đi, và tôi, tôi cũng sắp rời khỏi nơi này? Nỗi sầu đè nặng con tim khiến tôi bàng hoàng chua xót.
- Đừng buồn em, chúng ta còn những một tuần nữa mà. Giọng của chàng sao buồn đến thế? Chúng tôi chỉ còn một tuần nữa thôi! Phong nâng mặt tôi lên nói:
- Thu, em đừng buồn nữa, em mà buồn thì ruột gan anh nó rối bời bời. Dù có xa nhau nhưng anh lúc nào cũng vẫn là của em. Thời gian và không gian xa cách không đáng kể, vì tình cảm của chúng mình vượt hẳn thời gian mà, em quên sao?
Nhưng câu nói kia chỉ là nói vậy thôi. Sống trên đời ai lại chẳng mong được kề cận bên nhau mãi? Tôi thở dài nhìn ra mặt hồ. Một chiếc lá vàng bị gió thổi chung quanh. Chiếc lá sẽ là một chiếc thuyền con phiêu lưu trên mặt hồ xanh ngắt, nó trôi dần, trôi dần về phía chúng tôi:
- Nó đến rồi kìa!
Tôi nói, Phong chẳng hiểu ý tôi nói gì, chàng hỏi:
- Cái gì?
Cúi người xuống, vớt chiếc lá lên, những giọt nước ven theo rìa lá trở về hồ, tôi nói:
- Đây là nước mắt của người xa người!
Phong tựa người vào tôi, chàng có vẻ xúc động mạnh. Nhìn cánh lá trên tay, chúng tôi có cảm tưởng như nó là con thuyền chở đầy những tình cảm mông lung, mở khăn tay ra, tôi lấy cây bút ở trên áo chàng, viết lên bài thơ cho mình yêu thích:
Lá buồn đỏ tợ lửa
Đẫm đầy lệ người yêu
Gió đi rồi lại đến
Bên hồ ai bâng khuâng
Cảnh thu vẫn hờ hững
Sóng thu vẫn buồn lan
Tình thu còn nơi đó
Mà lòng ai riêng mang
Sầu ai như lá mùa thu
Buồn như ngấn lệ bên bờ quạnh hiu.
Bài thơ viết đầy góc khăn, không nhòa nhạt Tôi trao lại cho Phong với nụ cười buồn:
- Hãy giữ kỹ nhé anh, cứ xem như món quà kỷ niệm ngày đính hôn của chúng mình vậy!
Phong trang trọng nâng chiếc khăn lên môi hôn, đoạn bỏ vào túi. Và như thế là trong một buổi sớm có gió lạnh đầu mùa, có hồ Mộng chứng giám, chúng tôi đã đính ước việc trăm năm. Chúng tôi kề vào nhau đi vào rừng. Con đường mòn tạo thành bởi vết chân của chúng tôi ngập đầy lá vàng. Những cánh lá chết buồn bã khẽ kêu lên khi bước chân chúng tôi giẫm lên. Tiếng ve vẫn ròn rã trên cành cao, nắng nhạt xuyên qua cành lá. Qua khỏi khu rừng, chậm rãi đi xuống núi. Ánh nắng bắt đầu chói chang, tôi đội chiếc nón lụa xanh lên. Phong bảo tôi:
- Em biết không, Á Nam đã chọn cho em một biệt hiệu là "cô gái nón xanh".
Tôi cười. Nhắc đến Á Nam làm tôi nhớ đến Diễm Chi. Đó có phải là một cuộc tình không? Có lẽ, biết đâu họ chẳng cao thượng hơn chúng tôi? Yêu để mà yêu chớ không phải đòi hỏi một cái gì cả, người nghệ sĩ đâu chuộng những cái tầm thượng phàm tục. Họ đâu cần cưới hỏi, xây dựng gia đình như chúng tôi? Đầu tôi rối lên với bao nhiêu hình ảnh.
Phong nói:
- Lúc em suy tư trông đẹp làm sao ấy, chỉ cần nhìn thấy ánh mắt tư lự của em là anh hiểu ngay đầu óc em đang quay cuồng!
Tôi cười. Đầu óc tôi quay cuồng chăng? Nhìn cánh đồng xanh trải mút chân trời, xa xa điểm một vài cây lá đỏ, tôi tưởng chừng như tư tưởng trong đầu mình đang theo làn gió thu thổi tận chân trời xa lắc.
Đến bờ suối, chúng tôi đụng ngay ông Bạch. Lưng tựa vào thân cây, ông Bạch đang thả câu, chiếc giỏ đựng cá được ngâm sâu dưới nước.
Chúng tôi tiến tới gần, ông Bạch ngước đôi mắt đầy suy tư lên nhìn chúng tôi, ánh mắt hiền hòa dễ thương của ông khiến tôi xúc động. Kể từ ngày biết được sự thực về mối tình của Diễm Chi, tôi càng thấy thông cảnh, nhưng thú thật càng mù mờ về con người thật của ông. Có lẽ vì tôi còn quá trẻ, không thể hiểu rõ được tình cảm của người đã quá lõi đời. Chiếc giỏ câu vẫn còn treo ở đó, tôi nhớ đến câu chuyện xưa. Ông ấy đang câu gì đấy, níu kéo quá khứ trở về hay thử thời vận tương lai? Phong chào ông Bạch:
- Chào ông hiệu trưởng, ông đang câu gì đấy?
Ông Bạch cười:
- Câu ảo ảnh! Tôi nhớ lại lần đến thăm ông ở trường. Mộng tưởng? Ảo ảnh? Đột nhiên tôi cảm thấy ông Bạch cô đơn thế nào đấy?
Ông Bạch chăm chú nhìn chúng tôi:
- Thế có tìm thấy mơ ước gì chưa? Năm nay hồ Mộng có vẻ chứa nhiều bí mật lắm đấy.
Tôi nhìn ông Bạch, mắt ông hiện rõ nét thông minh. Không một tình cảm nào có thể che giấu ông được. Ông Bạch là con người sống với nỗi vui buồn của người khác. Phong hỏi:
- Sao ông không đến hồ Mộng câu? Biết đâu chẳng câu được lắm cái bất ngời?
Ông Bạch đáp:
- Nơi đó dành riêng cho người trẻ tuổi, tôi không có phần ở đấy.
Phong cười:
- Ông nói chua cay thế làm gì? Mơ mộng đâu có phân biệt tuổi tác?
Ông Bạch cười, chúng tôi ngồi xuống bên cạnh ông. Đốt một điếu thuốc, nhả làn khói xanh tựa sa mù, ông đột nhiên nói:
- Các em có biết chuyện ông Nam sắp đi không?
Tôi ngạc nhiên:
- Ông Nam đi à? Thế ông ấy đi đâu?
Ông Bạch lắc đầu:
- Tôi cũng không biết, có lẽ ông ấy trở về thành phố, đời sống ở chốn quê mùa này rốt cuộc rồi cũng khiến ông ấy chán.
- Ông Nam đi luôn không về à?
Tôi nghĩ, thế còn Diễm Chi, Diễm Chi sẽ nghĩ sao?
- Có lẽ không về luôn, vì ông ấy đã xin thôi dạy. Dù sao, sống được ở đây những 3 năm, tôi thấy ông ấy cũng khá lắm rồi.
Ông Bạch nói, Phong nhíu mày:
- Về thành phố à? Sao lúc trước tôi nghe nói những chiếc bánh xe ở thành phố đã cán nát nguồn cảm hứng của Nam cơ mà?
Ông Bạch cười:
- Nhưng cản sông núi ở đây cũng không mang lại cảm hứng cho ông ấỵ nam bảo là đã hoàn toàn đi lạc lối, không tìm ra cho mình một hướng đi cá biết. Nhưng theo tôi hiểu, chẳng qua Nam chỉ mắc phải chứng bệnh của người trẻ tuổi đương thời. Một chứng bệnh bất trị và chỉ hết khi trưởng thành.
Tôi hỏi:
- Bệnh đó là bệnh gì thế?
- Đó là chứng bệnh của trào lưu. Ông Bạch vừa nhả khói vừa nói, những tia nắng dịu dàng xuyên qua cành lá, rơi nhẹ trên người ông: - Bệnh chán nản, buồn nôn, cứ tưởng rằng mình đã đánh mất hướng đdi. Tất cả những điều đó được sử dụng như một cái mốt. Sự chán chường được thể hiện qua âm nhạc, văn chương hiện đại. Nhưng tại sao lại chán? Tại sao lại buồn chán? Người trẻ tuổi bây giờ không hiểu gì cả. Họ chỉ biết buồn là buồn, chán là chán. Văn chương nghệ thuật trở thành một cái mối để tỏ bày. Kết quả chỉ có chính họ hiểu được những gì họ viết, có khi chính họ lại cũng không hiểu gì cả. Ông Bạch nhìn tôi hỏi: - Lệ Thu, cô vẫn còn ý định viết lách đấy chứ?
- Vẫn còn.
Tôi đáp, ông Bạch thiết tha:
- Ráng đừng để ngòi bút bệnh hoạn nhé!
- Nếu có bệnh tôi sẽ đến tìm ông ngay, vì ông là thầy thuốc giỏi.
Ông Bạch lắc đầu:
- Không được, tôi chỉ là người hiểu được bệnh lý, chứ chẳng phải là thầy thuốc giỏi, tôi không...
Phong cướp lời:
- Ông không thể kê toa được, phải không?
Chúng tôi cùng cười, rồi trở lại đầu đề cũ:
- Bao giờ thì ông Nam đi?
- Có lẽ một vài hôm nữa, ông ấy đang sắp xếp đồ nghề.
Tôi lải nhải:
- Để tìm nguồn hứng.
Phong quay sang tôi:
- Em nói gì thế?
Sau khi chia tay với ông Bạch, chúng tôi chỉ yên lặng đi bên nhau. Nghĩ đến mối tình của Diễm Chi với Á Nam, tôi chợt nghe xót xa. Nó sẽ kết thúc ra sao đây? Nam phải làm sao để dàn xếp? Không lẽ thầm lặng bỏ đi được sao? Một con người chỉ biết sống cho mình, bỏ mặc tình yêu của người dành cho mình, tôi không hiểu Diễm Chi có biết chuyện này chưa? Không rõ nàng sẽ xử trí ra sao?
- Thu! Đột nhiên Phong mở miệng nhìn tôi lạ lùng: - Sao em có vẻ quan tâm đến việc Á Nam bỏ đi quá thế?
- Vâng!
- Hắn quan trọng lắm sao?
Tôi nhìn chàng, chợt hiểu, cười to:
- Anh lẩm cẩm thật
Bước nhanh trở về khu nhà trầm mặc không kịp lau mồ hôi hay rửa mặt, tôi chạy vội đến phòng Diễm Chi. Nàng đang vẽ một mẫu thêu mới. Cẩn thậ gài cửa phòng lại, tôi nói: - Chi có biết ông Nam sắp bỏ đi không?
Diễm Chi kinh ngạc, há hốc mồm:
- Cái gì? Chị nói ai? Anh Nam sắp đi rồi à?
- Vâng, chị vừa gặp ông Bạch, ông ấy bảo ông Nam vừa thôi dạy, xin trở về thành phố.
Gương mặt Diễm Chi trắng bệch:
- Em, em...không biết! Đã mấy hôm rồi em không gặp anh ấy.
Tôi giận dữ:
- Tôi biết mà, cứ tin tưởng Nam, tin tưởng tình yêu của hắn, tôi biết chắc là hắn định chuồn êm mà. Với một người như vậy tôi không hiểu sao Chi tin tưởng cho được Diễm Chi thẩn thờ ngồi xuống ghế, 2 tay ôm đầu:
- Không..không thể có chuyện đó được, em không tin.
Bước đến đặt tay lên vai Chi, tôi nói:
- Đó là sự thật, ông Bạch không bao giờ nói dối cả, Diễm Chi a.
Diễm Chi lắc đầu, khổ sở:
- Chi. Thu, em rối rắm quá chị đi ra đi để cho em được ngồi yên một mình.
- Thôi được. Nhưng Chi hứa với chị là không được buồn nữa nhé?
Diễm Chi gật đầu. Tôi lặng lẽ bước ra khỏi phòng trở về nằm dài trên giường, lòng bàng hoàng thương xót cho ai. Tình yêu là gì? Tại sao nó làm cho người ta sung sướng hạnh phúc, rồi lại làm cho người ta đau khô? Sao phức tạp như vậy? Lúc dùng cơm, tôi lại gặp Diễm Chi. Thật đáng phục, tuy gương mặt nàng vẫn còn nét rầu phảng phất, nhưng lại bình thản chi la. Ngồi vào bàn cơm, Diễm Chi yên lặng cắm cúi ăn. Không ai để ý đến sự khác thường của nàng, chỉ có bác Châu là nhận ra:
- Chi, hôm nay con có vẻ không khỏe ha?
Diễm Chi nhỏ nhẹ đáp:
- Dạ không có sao cả mẹ a.
Bác Châu chẳng hỏi thêm. Tôi ngạc nhiên không hiểu sao một người nhạy tính như bác vẫn không nhìn ra được nỗi buồn của cô con gái.
Sau bữa cơm, tôi hỏi khẽ Diễm Chi:
- Chi đã thấy rõ chưa?
- Em hiểu. Anh Nam đi như thế là đúng, chàng là một nghệ sĩ, chàng phải sống với thế giới nghệ thuật của chàng, chàng phải sống cuộc đời lang bạt của người nghệ sĩ.
- Lúc đi cũng không cần nói cho ai biết?
- Có cần gì phải có nước mắt, phải có thương nhớ mới là tình yêu đâu?
- Thê Chi vẫn cho rằng việc ra đi trong yên lặng của Nam là...
- Là đúng! Diễm Chi cắt ngang:
- Và em vẫn yêu anh ấy.
Tôi thở dài cho mối tình si dại.
Hôm sau, ông Bạch đến cho chúng tôi biết Á Nam đã đi rồi. Hắn bỏ đi không một lời cáo biết với nông trại Lệ Thanh!