Giờ đi chung với Trúc Diệp Thanh, Thanh Bằng mới để ý, thấy nàng
có vẻ ngây thơ, chưa trải sự đời, chưa biết gì là đau khổ. Về phần
nhan sắc thì có thể nói là nàng đẹp.
—Huynh có thấy cái lão già kia không? Tướng lão nhìn cũng là bậc hào phú đó, chắc tối nay có bữa ăn ngon rồi huynh ơi.
—Muội tính ra tay trên mình lão đó hả? Hình như lão cũng là một võ lâm cao thủ đó muội, nên cẩn thận.
Mặc dầu sư phụ mình là sư đệ của lão già ăn mày, nhưng chàng gọi Trúc Diệp Thanh là sư muội vì chàng lớn hơn, với lại nàng cũng gọi chàng là huynh nên khó mà sửa lại cách xưng hô.
—Huynh đứng đó đi, coi muội ra tay nè. Huynh coi thử coi tay nghề của muội xài có được không.
Chàng muốn cản nàng ta lại, nhưng đã quá muộn. Trúc Diệp Thanh chạy tới gần lão già rồi.
—Chào lão bá bá, bá bá có nhớ cháu không? Lâu quá không gặp mà bá bá vẫn như xưa.
—Cô nương nhận lầm người rồi, một lão già như lão phu thì làm sao quen biết được một cô nương trẻ như cô chớ. Với lại lão phu đi lại giang hồ có một thân một mình, được bạn hữu tặng cho danh hiệu là Phi Độc Hành.
—Xin lỗi lão bá bá nhiều, không dám làm phiền lão bá bá nữa, tiểu điệt xin cáo biệt.
Trúc Diệp Thanh vừa cất bước đi thì nghe tiếng của lão già Phi Độc Hành.
—Đứng lại, muốn đi cũng được, nhưng trả túi bạc lại đây rồi hãy đi. Nếu không để túi bạc lại thì đừng hòng rời khỏi đây.
Thì ra khi Trúc Diệp Thanh tới hỏi chuyện thì lão già Phi Độc Hành đã nghi ngờ. Thấy nàng tới và đi quá nhanh, làm lão thêm nghi.
Khi thấy nàng bước đi lão kiểm tra lại túi bạc trong người thì không cánh mà bay.
Đã lỡ ra tay rồi, không lẽ Trúc Diệp Thanh lại tự «móc túi» mình để đưa lại cho lão. Nàng đành đánh bài liều:
—Đã vào tay bổn cô nương rồi thì làm sao trả lại, có ngon thì qua đây lấy.
Chạy đi sư huynh ơi.
Trúc Diệp Thanh không biết kẻ mà nàng đang chọc với ngoại hiệu Phi Độc Hành, tất nhiên khinh công phải có chỗ hơn người. Mặc dầu hai người là học trò của những tay thần thâu nổi tiếng, nhưng công lực còn non kém thì làm sao sánh được với một lão già có tu vi lâu năm. Có thể nói những năm lão Phi Độc Hành luyện khinh công còn nhiều hơn so với số tuổi của hai người. Nên hai người vừa tính chạy thì thấy lão ở ngay trước mặt.
—Không phải lão phu muốn làm khó hai trẻ, nhưng lão phu đi lại giang hồ tiền bạc thì không cần mấy nhưng dùng trong những lúc nguy cấp. Nếu không thì cũng tặng không cho hai ngươi rồi.
Chạy thì không được, mà trả tiền lại cũng không xong, trả lại thì còn gì là danh tiếng Thiên Hạ Đệ Nhất Thần Thâu của sư phụ.
Trong đầu Thanh Bằng lại lóe lên một cách:
—Tiền bối tự phụ là có khinh công cao cường, vãn bối xin được tỷ thí khinh công cùng tiền bối. Nếu tiền bối thắng thì tiểu muội của vãn bối sẽ hoàn lại số tiền cho tiền bối, còn nếu vãn bối may mắn không thua thì số tiền này để cho vãn bối cùng tiểu muội mang đi.
—Ha ha, rốt cuộc phần lợi cũng về các ngươi. Nếu ngươi thua thì đâu có mất mát gì, còn lão phu thua thì mất cả túi bạc. Vậy là gọi tỷ thí công bằng hay sao. Nhưng thôi cũng được, ta muốn coi khinh công ngươi ra sao. Giờ tỷ thí làm sao đây?
Thanh Bằng lại chỉ một cây ven đường:
—Chúng ta tỷ thí khinh công bằng cách đứng trên cái cành nhỏ trên đó, coi thử ai đứng lâu hơn thì thắng. Nếu cành cây gẫy trước, hay rơi xuống trước thì thua. Tiểu bối đã đưa ra đề nghị, tất nhiên vãn bối sẽ lên đó trước.
Nói xong thì chàng phi thân, nhảy lên cành cây lớn bằng một ngón tay, có thể gãy bất cứ lúc nào. Nhưng chàng ráng vận công, làm cho thân hình mình nhẹ đi, vì chàng biết rằng bữa tối nằm trong cái trận này.
Chàng đứng trên đó tuy mới có một tuần trà, nhưng mồ hôi đổ giọt, như là chàng đang bị nung trong lò lửa vậy. Thời gian một tuần trà đối với chàng lúc này dài đăng đẳng. Và chàng đã không còn vận khí làm cho thân mình nhẹ được nữa, chàng nghe tiếng rắc... rắc và thân chàng rơi từ trên cao rơi xuống. Chàng tưởng chuyến này chắc cũng gãy vài cái xương sườn, nhưng khi sắp đụng đất thì lão già Phi Độc Hành đã đưa tay ra đỡ chàng.
—Tuổi trẻ mà có khinh công như thế cũng là khá lắm rồi. Ráng luyện vài năm nữa thì mặc may sẽ thắng ta. Thôi đưa túi tiền đây ta còn lên đường, đừng có làm mất thời giờ quý báu của ta. Hôm nay ta nói như vầy là nhiều quá rồi.
Thanh Bằng vội vã nói:
—Tiền bối chưa lên đó mà, làm sao biết ai hơn ai thua chớ. Biết đâu vãn bối sẽ may mắn thắng sao.
—Thôi cũng được, cho hậu bối ngươi sáng mắt, không trổ chút tài nghệ thì ngươi coi lão già này chỉ là nắm xương, không coi ra gì hết.
Vừa nói xong thì lão phi thân lên cành cây. Cành cây này còn nhỏ hơn là cành mà Thanh Bằng mới vừa đứng. Lão ta đứng trên đó, mà cành cây chỉ động nhẹ rồi im lìm, như sức nặng của người lão ta chỉ là một chiếc lá. Trên cành cây mà có thêm một chiếc lá thì đáng gì.
Lão đang dương dương tự đắc thì nghe tiếng Thanh Bằng:
—Chạy lẹ lên muội muội, còn đợi gì nữa? Chẳng lẽ muội đợi lão xuống lấy lại túi bạc hay sao?
Trúc Diệp Thanh chưa hiểu chuyện gì thì chàng nắm tay Trúc Diệp Thanh kéo nàng chạy.
Còn lão già Phi Độc Hành thì đứng trên cây than:
—Đúng là già vẫn còn dại.
Giờ nếu lão nhảy xuống đuổi theo Trúc Diệp Thanh và Thanh Bằng thì chẳng khác gì lão thua. Mà không đuổi theo thì mất tiêu túi bạc. Lão đành cười trừ mà thôi.
—Nay phải trả giá quá đắt để học một bài học, nhưng cũng đáng.
Khi Thanh Bằng và Trúc Diệp Thanh về lại chỗ cũ thì lão già ăn mày đang ngủ say.
—Sư phụ, sư phụ, tối nay ăn được một bữa ngon rồi.
—Ngủ mà không yên với ngươi nữa. Nay gặp ai mà trúng mánh thế?
—Là lão già Phi Độc Hành đó sư phụ.
—Gì? Lão già đó hả? Hô hô, lão là đệ nhất khinh công, làm sao các ngươi chạy khỏi tay lão?
—Nhờ Thanh Bằng sư huynh đó sư phụ, huynh ấy giỏi lắm, gạt được lão Phi Độc Hành rồi mang túi bạc chạy về đây.
—Hô hô, vậy mà giỏi. Chỉ biết chạy không, ta không biết giỏi chỗ nào. Thiệt là làm mất mặt ta quá mà, mất mặt luôn sư phụ ngươi nữa. Thôi con vào lo bữa tối đi, để ta dạy hắn võ để sau này còn đi lại giang hồ, chớ kiểu này thì còn gì mặt mũi ta nữa.
Thanh Bằng không ngờ lão già trước mặt cũng biết võ, chàng nghĩ lão chỉ biết móc túi, trộm vặt thôi chớ.
—Lại đây để ta dạy cho ngươi chiêu kiếm này.
Thanh Bằng bước theo lão già, lão ta bẻ một cành cây và thi triển chiêu thức.
Khi lão múa thì chàng không thấy cành cây đâu cả, chỉ nghe tiếng gió phát ra bởi cành cây mà thôi. Lão ta lại đánh chiêu một lần nữa, lần này thì chậm để cho chàng coi. Và lần thứ ba, chiêu kiếm đó tri triển trên người chàng.
Khi chiêu thức đánh ra thì người bị tấn công tưởng chừng như bị tấn công mọi hướng, khó biết đường đỡ. Chàng không biết đỡ làm sao, và người bị cây đánh trúng tới mấy chỗ. May là cành cây thôi, nếu là kiếm chắc chàng đã ra thành mấy khúc.
—Xong rồi, ngươi hiểu được chưa?
—Có một chiêu thôi hả tiền bối?
—Thì một chiêu thôi, chớ ngươi muốn mấy chiêu? Cái này đi giết người chớ phải đi múa võ đâu mà ngươi muốn cho nhiều?
—Vãn bối nghĩ sẽ nhiều chiêu chớ.
—Đồ ngốc, chớ sư phụ ngươi dạy ngươi bao nhiêu chiêu để đi móc túi thiên hạ?
—Dạ chỉ một.
—Không cần nhiều, chỉ cần một là đủ rồi. Ngươi hiểu chưa?
—Dạ, vãn bối đã hiểu, thế này gọi là gì vậy tiền bối?
—Chiêu này ngươi muốn gọi gì thì gọi, tên không quan trọng, miễn sao giết người được thì thôi.
—Xin cho vãn bối được biết danh tánh tiền bối.
—Ta tên là Thái An, chiêu kiếm này là một vị cao thủ kiếm thuật truyền lại cho ta. Ngươi ráng mà luyện. Ta đi ngủ đây.
Thế là lão già bỏ đi, Thanh Bằng ở lại một mình cầm cành cây múa đi múa lại chiêu thức mà chàng đã vừa học.
Nhìn qua tưởng là một chiêu đơn giản, nhưng chàng luyện đi luyện lại chỉ hiểu được một phần mười mà thôi.
Đang luyện kiếm thì chàng nghe tiếng Trúc Diệp Thanh
—Đi ăn tối huynh ơi, ăn xong rồi hãy luyện tiếp.
Khi chàng tới nơi thấy lão già đã ăn rồi. Chàng cũng không khách sáo, ngồi vào ăn. Và sau khi ăn xong chàng lại đi luyện kiếm tiếp. Tới khuya, chàng quá mỏi mệt, nên dựa vào gốc cây mà ngủ.
Sáng ra thì không thấy thầy trò Thái An đâu nữa. Chàng nghĩ chắc là họ đã đi rồi.
Giờ điều mà chàng cần làm là tìm lão Lý Lương Hoàng và hỏi cho ra lẽ chuyện của sư phụ. Chàng cần một thanh kiếm, nhưng hiện giờ trong túi chàng không còn tiền, chỉ có cây trâm. Bán cây trâm có thể mua được nhiều thứ, nhưng chàng không nỡ bán. Với lại người như chàng, lấy một thanh kiếm không có khó.