Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Hồi Ký, Tuỳ Bút >> Giọt nước trong biển cả

  Cùng một tác giả
Không có truyện nào


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 90911 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Giọt nước trong biển cả
Hoàng Văn Hoan

P3 - giai đoạn II chương 6
VI. Cuộc đấu tranh ở Liễu Châu
Xe đến Liễu Châu không dừng ở ngoài phố mà chạy thẳng vào trong Bộ tư lệnh Quân khu bốn, tôi chợt nghĩ có lẽ họ sẽ bắt mình cùm lại đột ngột như ở hương công sở Bình Mãnh? Nhưng khi xe dừng lại trước cửa phòng truyền đạt. Người phụ trách phòng truyền đạt nói ngay: Ở đây có một lớp huấn luyện vô tuyến điện cho các đồng chí Việt Nam do ông Hồ Quốc Tuý phụ trách. Có lẽ đồng chí đến đấy gặp ông Hồ Quốc Tuý trước, rồi sau muốn gặp ai thì tuỳ đồng chí.
Hồ Quốc Tuý tên là Trương Quốc Trụ, gọi là Trụ Đen, là một người Việt kiều ở Vân Nam trước kia chống tụi Nguyễn Thế Nghiệp, Vũ Hồng Khanh, đã gặp chúng tôi ở Nam Kinh và được chúng tôi giác ngộ theo Đảng. Hiện nay anh ở đây phụ trách nhóm học vô tuyến điện gồm bốn người Việt Minh và ba người Phục quốc cũng có cảm tình với Việt Minh. Gặp tôi, anh Trụ rất mừng, vì trước đây Nguyễn Hải Thần và Trần Báo đã phao tin là tôi bị bắt và thể nào cũng bị giết chết. Anh kể lại cho tôi nghe tình hình hoạt động của các nhóm Việt Nam ở đây và cho biết Nguyễn Hải Thần được Trần Báo làm quân sư quạt mo, đã tự nhận mình là đại biểu cho Việt Minh, mà cụ thể là đại biểu cho anh em học sinh học ở lớp vô tuyến điện và lớp quân sự. Anh em chẳng ai thừa nhận chúng nó, nhưng không biết tình hình ở trong nước và ở Tịnh Tây ra sao, còn nghe ngóng xem, nên cũng không phủ nhận.
Hôm ấy, tôi ở lại chỗ anh Trụ cùng ăn cơm và nói chuyện suốt đêm. Qua cuộc nói chuyện đã nắm được một số tình hình như sau:
Nguyễn Hải Thần hiện nay đã được Trương Phát Khuê giúp cho mấy nghìn bạc, và có một cái nhà ở hai tầng, không phải trả tiền nhà. Cụ Lê Nhuận Chi, các anh Phạm Việt Tử, Mã Thành Kính, Từ Chí Kiên và Trương Trung Phụng cũng đều ở đấy. Về công việc hoạt động ông ta chỉ bàn bạc với Trần Báo, đầu đuôi ra sao anh em mọi người đều không biết. Tiền được Trương Phát Khuê giúp ông ta cũng nắm hết, anh em có người không có giầy đi cũng không có tiền mua, ngay cụ Lê Nhuận Chi thường đau bụng luôn, xin mấy đồng bạc để mua thuốc uống cho đỡ đau cũng không được.
Tôi hỏi: Trương Trung Phụng trước kia là người của Trương Bội Công, sao nay lại ở chỗ Nguyễn Hải Thần? Anh Trụ nói: Từ khi Trương Bội Công bị bắt ở Tịnh Tây, nhóm người của ông ta bị dần dần phân tán đi mỗi người một nơi, còn Trương Trung Phụng thì nhập bọn với Nguyễn Hải Thần, nhưng bây giờ hình như anh ta đã biết Nguyễn Hải Thần cũng chẳng tốt đẹp gì, nên có vẻ thân thiện với ta, nếu ta khéo công tác thì có thể lôi kéo được. Anh Trụ nói thêm: Ở đây còn có một nhóm Phục quốc được Trung Quốc đưa từ Long Châu lên cũng đang ở Đại Kiều là chỗ trụ sở của Trương Bội Công trước kia. Nhóm này sống như một đơn vị bộ đội của Trung Quốc, nên rất khó tiếp xúc.
Thế là tình hình hoạt động và địa chỉ của Nguyễn Hải Thần, tôi đã nắm chắc. Tôi còn định ở chỗ anh Trụ ít hôm nữa để tìm hiểu thêm tình hình và bàn bạc cách ứng phó cụ thể, thì ngay hôm sau đi phố bỗng gặp Nguyễn Hải Thần và Trần Báo. Cả hai người chợt thấy tôi thì hết sức ngơ ngác. Để trấn an tinh thần họ, tôi nói: Tôi chuyến này nhờ có Trần Chủ nhiệm giúp đỡ lộ phí và cấp giấy chứng minh cho lên đây, chứ không thì chật vật còn lâu mới đến đây được. Hiện nay cụ và anh em ta ở đâu? Nguyễn Hải Thần chối ngay: Chúng tôi hiện nay còn phân tán mỗi người một nơi, chưa có chỗ ổn định. Tôi hỏi: Thế cụ ở đâu? Nguyễn Hải Thần nói: Tôi ở “Hoàn cầu lữ quán”, nhưng bây giờ tôi có việc phải chạy, ông cứ đến đấy hỏi thì lữ quán sẽ chỉ cho biết. Nói xong, ông ta rút một mảnh giấy trong túi ra định viết số buồng đưa cho tôi. Nhưng tôi đã biết là nói láo, nên trả lời: Thôi cụ không phải viết nữa, tôi đến đó chắc sẽ tìm được. Cuộc gặp Nguyễn Hải Thần và Trần Báo chỉ ngắn ngủi như thế. Nhưng tối hôm sau, qua sự thông báo của anh Trụ, anh Phạm Việt Tử đưa cả Trương Trung Phụng và Mã Thành Kính đến chỗ hẹn gặp tôi để trao đổi tình hình cụ thể, thì đều nhận định rằng, việc đầu tiên là phải làm thế nào để tôi đến ở chỗ Nguyễn Hải Thần với anh em thì địa vị chính trị của mình được hợp pháp, rồi dần dần sẽ đầu tranh, giải quyết các vấn đề khác.
Kế hoạch đã bàn kỹ, ngày hôm sau, tôi đến thẳng chỗ ở của Nguyễn Hải Thần nhưng hành lý vẫn để chỗ anh Trụ. Tôi đến đó trong khi Nguyễn Hải Thần và Trần Báo đều đi vắng. Mấy giờ sau, Nguyễn Hải Thần về đến nhà thì thấy tôi đã đường hoàng ngồi ở đấy, ông ta luýnh quýnh không biết nói năng và xử trí thế nào? Tôi nói ngay: Địa điểm này Chỉ huy sở đã cho tôi biết rõ trước khi tôi đến Liễn Châu, vì vậy hôm trước gặp cụ ở đường phố, cụ nói là ở “Hoàn cầu lữ quán”, tôi đã không ghi số phòng và cũng không đến tìm gặp. Hôm nay đến đây, tôi muốn nói thực là chúng ta cần phải đoàn kết chặt chẽ thì mới làm nên sự nghiệp cách mạng, và cũng mới có địa vị xứng đáng ngay ở Liễu Châu này. Tôi trước kia công tác ở Trung Quốc đã lâu, tôi có nhiều bạn bè quen biết, nếu tôi ở chỗ khác thì vẫn có người giúp đỡ, nhưng về mặt công tác nếu mỗi người ở một nơi thì đối với đương cục cũng như đối với các nhóm Việt Nam hoạt động ở đây sẽ có ấn tượng không tốt, và ngay bản thân công việc của chúng ta cũng bị trở ngại. Hôm nay tôi đề nghị cụ, cụ Lê và các anh em bàn bạc kỹ xem như thế có đúng không và có cần thiết không? Bây giờ tôi hãy về chỗ ở của tôi, vài hôm nữa tôi sẽ đến.
Sau khi tôi ra về, cụ Lê, các anh Phạm Việt Tử, Từ Chí Kiên, Trương Trung Phụng, Mã Thành Kính đều nói lý với Nguyễn Hải Thần một cách cương quyết là thế nào cũng phải mời anh Lý Quang Hoa về đây, nếu không thì tất cả các anh em Việt Minh ở Liễn Châu sẽ không ủng hộ cụ. Nguyễn Hải Thần im lặng.
Hai hôm sau, tôi lại đến như một người đến chơi, chứ không mang theo hành lý. Cả nhà đang ăn cơm ở tầng dưới, mọi người đều vồn vã chào hỏi, nhưng Nguyễn Hải Thần thì lầm lì, không nói gì cả. Cơm nước xong, vợ Nguyễn Hải Thần và mấy đứa cháu thì dọn dẹp, còn các người khác đều lên tầng trên nói chuyện. Tôi không động gì đến việc chỗ ở mà chỉ nói về tình thế cách mạng. Mọi người đều đồng thanh nói: anh Lý cần phải đến đây ở với chúng tôi. Nguyễn Hải Thần vẫn im lặng, tôi cứ tiếp tục nói chuyện. Lúc đứng dậy ra về, tôi mới nói một câu như là kết luận: Tôi ở chỗ khác cũng được, nhưng hai cụ và các anh đều thấy rằng tôi đến đây thì có lợi cho công tác hơn, như vậy ít hôm nữa tôi sẽ đến. Thế là chỗ ở đã được giải quyết.

*

Về ở chỗ Nguyễn Hải Thần, tôi liên lạc với các anh em để tìm hiểu tình hình thêm về các mặt.
- Về nhóm Trương Bội Công. Sau khi Trương Bội Công bị bắt ở Tịnh Tây, bọn tay chân đều bị Trần Bảo Thương trực tiếp nắm và phân phối đi hết, chỉ có Trương Trung Phụng thì đi với Nguyễn Hải Thần. Trương Bội Công hiện nay ở Liễn Châu tuy còn bị quản thúc nhưng vẫn được ưu đãi. Trong các hoạt động, tuy vẫn thường được nêu tên, nhưng không ra mặt, có chăng y chỉ bí mật gặp những người như Nguyễn Hải Thần, Trần Báo hoặc Hoàng Lương, Nông Kinh Du mà thôi.
- Về nhóm Phục quốc quân. Nhóm này có độ năm trăm người tập trung ở Đại Kiều, nơi đội công tác của Trương Bội Công trước kia. Nông Kinh Du và Hoàng Lương cầm đầu, Lương Văn Ý chỉ huy quân sự. Nông Kinh Du vốn là một tên địa chủ ở Lộc Bình (Lạng Sơn) sở dĩ được coi là lãnh tụ vì đa số người trong đơn vị Phục quốc quân trước kia hoặc là cố nông hoặc là người cày ruộng rẽ của hắn. Hắn được Quốc dân đảng Trung Quốc phong cho cái chức tham nghị và xếp cho một chỗ ở riêng biệt, chỉ ăn chơi, không dính dáng gì đến công việc của đơn vị; Nông Quốc Long là con hắn được phong chức đại đội trưởng, dưới sự chỉ huy của Lương Văn Ý. Đơn vị này từ lúc ở Thượng Kim cũng như hiện nay ở Liễu Châu, được Quốc dân đảng Trung Quốc coi như là một đơn vị biệt động của họ, nên Nông Kinh Du cũng như Hoàng Lương đều bị họ sai khiến như những người bộ hạ, thực sự không có một chút quyền bính gì.
Phục quốc quân là một đội quân rất phức tạp. Trong đó có những người bị áp bức lôi cuốn vào như đám nông dân trước cày ruộng rẽ cho Nông Kinh Du; có người bị chúng bắt vào để phục dịch như nấu cơm, gánh nước, khuân vác đồ đạc. Cũng có một số ít giáo viên, công chức vì mù quáng mà đi theo, nhưng khi tập trung ở Đại Kiều huấn luyện quân sự theo kiểu phát-xít thì họ phản đối cả Nông Kinh Du và Hoàng Lương, đòi ở riêng; Quốc dân đảng Trung Quốc cũng xếp cho ở một khách sạn nhỏ để nắm riêng, hòng sau này có thể lợi dụng. Đây có thể gọi là nhóm ly khai, có độ bảy, tám người mà trước kia tôi gặp ở Thượng Kim đã tỏ vẻ đặt hy vọng vào Việt Minh, nhưng khi ở Liễu Châu họ thấy Nguyễn Hải Thần và Trần Báo tự xưng là người “lãnh đạo” của Việt Minh lại không làm đúng như chủ trương của Việt Minh mà họ đã được biết, nên họ cũng không tin và tỏ ý khinh bỉ.
- Về nhóm Nguyễn Hải Thần, Trần Báo và các anh em Việt Minh :
a) Về Nguyễn Hải Thần:
Từ đầu năm 1936, khi được ông Hồ Học Lãm gọi lên Nam Kinh vận động thành lập Việt Minh, y là một người hoạt động tích cực; nhưng sau không được sự giúp đỡ của Quốc dân đảng Trung Quốc thì y quay về Quảng Đông.
Cuối năm 1940, khi Trương Bội Công được bọn Tưởng tin dùng, thì y theo Trương Bội Công về Tịnh Tây rồi lên Quế Lâm để hoạt động yêu cầu viện trợ. Vừa khéo lúc đó anh Võ Nguyên Giáp, Vũ Anh, Cao Hồng Lĩnh về đến Tịnh Tây, đã kịp thời chủ trương bố trí anh Võ Nguyên Giáp đi kèm để lái y nghiêng về phía mình. Theo sự lãnh đạo tài tình của Bác, ở Quế Lâm chúng ta đã đưa ông Hồ Ngọc Lãm ra làm cho vai trò Việt Minh nổi bật lên, mà chúng ta còn kéo được cả Nguyễn Hải Thần về phía mình. Một hôm chúng ta đã mở cuộc họp báo chí do Nguyễn Hải Thần chủ tọa và anh Võ Nguyên Giáp báo cáo về tình hình công tác và ảnh hưởng của Việt Minh ở trong nước. Một tờ báo của Tưởng là Tảo đãng đã đăng cái tin ấy lên, Trương Bội Công ở Tịnh Tây đọc thấy tin đó đã nổi khùng, vất tờ báo xuống đất, chửi một câu rất thô tục: “Thằng Nguyễn Hải Thần ngu như chó!”. Vì vậy khi ở Tịnh Tây mở Đại hội thành lập Hội giải phóng, Nguyễn Hải Thần đã ở với chúng ta và là đại biểu của Việt Minh. Nhưng khi Trương Bội Công bị bắt, và tiếp đó không lâu Việt Minh lại gặp khó khăn, phần lớn cán bộ đều về nước công tác, thì Nguyễn Hải Thần lại đề nghị Trần Bảo Thương bắt tôi, hòng để nắm lấy bộ phận anh em Việt Minh còn ở lại làm cái vốn, tự xưng là người phụ trách của Việt Minh để lừa đảo chính trị.
b) Về Trần Báo:
Những việc làm của Nguyễn Hải Thần từ lúc ở Tịnh Tây như đã nói trên đều là do Trần Báo, một tên phản bội đã có lai lịch từ lâu, làm mưu sĩ. Nguyên từ năm 1937 hắn được Đảng Cộng sản Xiêm giao nhiệm vụ đưa mấy chục thanh niên Hoa kiều đến Trung Quốc để gia nhập Tân tứ quân, nhưng vì sợ chiến đấu gian khổ, hắn bỏ mặc số thanh niên đó ở Hương Cảng, rồi lêu bêu chạy chỗ này chỗ khác cho đến cuối năm 1940 hắn gặp Nguyễn Hải Thần, thì hai bên ngoặc với nhau, nhưng vì trước kia hắn là đảng viên, nên khi gặp chúng tôi, ngoài mặt hắn vẫn tỏ ra theo tổ chức mà thật sự thì hắn đã là một tên đặc vụ đem tình hình nội bộ và chủ trương hoạt động của Đảng mách nước cho Nguyễn Hải Thần bí mật báo cáo và tự hắn cũng báo cáo với Quốc dân đảng Trung Quốc. Cái âm mưu gây khó dễ cho các đồng chí phụ trách của ta ở Tịnh Tây chính là âm mưu của Trần Báo. Chẳng thế mà khi các đồng chí chúng ta đã về nước và tôi đã bị bắt, thì hắn được phong làm trung tá, mặc quân phục đàng hoàng đến lớp học quân sự ở Điền Đông [1] để uy hiếp tinh thần và lừa bịp anh em, đồng thời xưng với đương cục Trung Quốc cũng như với đám Phục quốc quân và các nhóm người khác rằng: Nguyễn Hải Thần với hắn là đại biểu Việt Minh, mặc dù không một anh em Việt Minh nào thừa nhận.
c) Về các anh em Việt Minh mà Nguyễn Hải Thần và Trần Báo tự nhận là đại biểu thì có ba nhóm:
Nhóm lớn nhất là nhóm học ở lớp quân sự gồm sáu mươi người do chúng ta lục tục từ trong nước đưa ra mà Quốc dân đảng Trung Quốc đã tập trung ở Điền Đông và bố trí cho Trần Báo đến gặp. Nhóm này hiện đã di chuyển đến Liễu Châu, nhưng tập trung huấn luyện riêng biệt ở gần sân bay cách Liễu Châu độ bảy, tám cây số. Anh em bị quản chế rất nghiêm ngặt, chỉ ngày chủ nhật mới cho phép một vài người đi ra ngoài, đó là cơ hội duy nhất để anh em liên lạc với các nhóm Việt Minh khác ở Liễu Châu, mà người thường được anh em cử ra là Hoàng Minh Thảo, cũng có một đôi lúc là anh Hoàng Văn Thái.
Một nhóm Việt Minh khác là nhóm vô tuyến điện, trong đó có bốn người Việt Minh và ba người Phục quốc mà anh em đã bí mật tổ chức vào Việt Minh. Việc tổ chức người Phục quốc vào Việt Minh như thế là một việc vội vã và không cần thiết, nên tôi đã phê phán và dặn anh em cứ tiếp tục giác ngộ họ, nhưng không sinh hoạt theo lối tổ chức, đợi xem sau này học xong họ có thật đi với mình không, và phải qua thử thách công tác mới có thể coi là Việt Minh thực sự. Nhóm học vô tuyến điện này, anh Trụ Đen là người phiên dịch và giúp đỡ về mặt chính trị.
Và sau cùng là nhóm Việt Minh ở trong nhà Nguyễn Hải Thần [2] . Nguyễn Hải Thần và Trần Báo thì vẫn lén lút hoạt động riêng, còn tất cả những người khác thì vẫn đoàn kết thành một khối chặt chẽ, kể cả Trương Trung Phụng lúc này vẫn không tin theo Nguyễn Hải Thần và Trần Báo, nhưng vẫn chờ đợi nghe ngóng.

*

Một cuộc họp của Việt Minh tổ chức trong một ngày chủ nhật với kế hoạch chu đáo. Khoảng tám giờ sáng, mấy anh em học ở lớp vô tuyến điện, anh Trụ Đen và mấy người ở trong nhà đều có mặt đông đủ. Anh em lớp quân sự vì hoàn cảnh hạn chế nên không thể đến tham gia. Cuộc họp bắt đầu, một anh trong lớp vô tuyến điện nói: Đã mấy tháng nay, sau khi đồng chí Lý Quang Hoa bị bắt, chúng tôi không được biết tin tức gì ở trong nước cũng như ở ngoài, đồng thời nghe nói ngoại giao của ta đã thất bại, Trung Quốc không ủng hộ, các đồng chí phụ trách đều chạy trốn về nước, lại còn có tin nói đồng chí Lý thế nào cũng bị giết. Hôm nay đồng chí Lý đã đến đây, chúng tôi đề nghị được thông báo về tình hình trong nước và ngoài nước, tình hình về sự việc sẽ xảy ra và triển vọng công tác của chúng ta sau này như thế nào?
Tôi nói: Từ khi tôi bị bắt đến nay, mọi tình hình tôi đều không biết, tôi đề nghị để cụ Nguyễn Hải Thần và anh Trần Báo báo cáo. Nguyễn Hải Thần đỏ bừng mặt lên, nói ngay một câu: Tôi có biết gì đâu mà báo cáo. Còn Trần Báo thì ngồi im thin thít, không nói một lời. Không khí bỗng trở nên nặng nề như sắp có giông tố, oi bức không có một chút gió.
Tôi liền nói: Cụ Nguyễn Hải Thần và anh Trần Báo đã không báo cáo thì tôi báo cáo một vài nét lớn.
1. Tình hình cách mạng trong nước phát triển rất thuận lợi, phong trào Việt Minh đã lan rộng khắp Bắc, Trung, Nam.
2. Tình hình ở ngoài này hay nói một cách cho đúng là tình hình đối ngoại mà người ta thường gọi là ngoại giao thì tôi muốn nói một vài ý nghĩ như sau: Lúc chúng ta nói ngoại giao là chúng ta đứng trên lập trường đại biểu của đoàn thể cách mạng, của dân tộc, lấy tư cách bình đẳng mà nói chuyện với người ta. Nếu trong trường hợp người ta không xem mình là đại biểu của đoàn thể cách mạng, không xem mình là đại biểu dân tộc thì mình không nói chuyện. Đến như việc một số đồng chí phụ trách của chúng ta về nước, là cốt để làm công tác trong nước, chứ không phải là chạy trốn. Đoàn thể cách mạng bao giờ cũng tập trung cán bộ ở những chỗ có công tác nhiều nhất và quan trọng nhất. Ngày nay công tác trong nước rất nhiều và rất quan trọng, còn ở ngoài thì không có việc gì nhiều, vì vậy mà không cần để nhiều cán bộ. Như vậy, sao lại gọi là ngoại giao thất bại? Những người mượn tiếng ngoại giao nhưng không mưu lợi gì cho cách mạng, cho dân tộc, mà chỉ lo kiếm địa vị, kiếm lợi cho thân mình và cho gia đình mình, những người đó không thể gọi là những người ngoại giao, mà là những người phản bội.
Nghe xong, anh Trụ liền quắc mắt, vung tay lên, nói một câu như búa bổ: “Những đứa phản bội cách mạng như vậy phải tiêu diệt chúng nó đi!”. Nguyễn Hải Thần tái mặt đứng dậy toan xuống nhà, một anh em nắm lấy tay kéo lại nói mời cụ hãy ngồi lại. Nguyễn Hải Thần giằng co nói: Thì để cho người ta xuống nhà đi tiểu chứ! Rồi giật tay đi thẳng xuống dưới nhà. Trần Báo thấy thế cũng đứng dậy, đi ngay vào cái phòng ngủ của hắn ở cạnh đó, rồi khép cửa, đóng khoá lại.
Tất cả mọi người nhìn nhau cười, anh Trụ lại nói: Trần Báo thì không thể chạy trốn đi đâu được. Nếu không ra đây thì chúng ta sẽ đạp cửa vào kéo cổ ra. Trần Báo nghe nói hoảng quá, phải lóp ngóp chạy ra, ngồi nguyên ở chỗ cũ.
Còn đối với Nguyễn Hải Thần, chúng ta đã nắm được thóp của ông ta là tự nhận với đương cục Trung Quốc là “lãnh đạo” Việt Minh, nên có người lấy danh nghĩa Việt Minh nói: Hôm nay là Hội nghị Việt Minh, cụ Nguyễn Hải Thần làm chủ tọa, nếu dở cuộc bỏ chạy không đến nữa, thì chúng ta sẽ ra nghị quyết khai trừ khỏi Việt Minh, rồi thông báo cho anh em, cho tất cả người Việt Nam ở đây và cho cả đương cục Trung Quốc nữa. Nguyễn Hải Thần nghe nói rất hoảng, trong khi đã có người từ trên gác xuống nói “mời cụ lên”, nên lại phải lóp ngóp lên.
Hội nghị lại tiếp tục. Việc đả kích Nguyễn Hải Thần và Trần Báo bước đầu như thế là đủ, chúng ta còn phải lôi kéo giữ họ lại trong Việt Minh để còn phải đấu tranh trên nhiều mặt trong điều kiện rất khó khăn. Tôi nói xoa dịu mấy câu để khôi phục lại không khí của hội nghị: Hôm nay trong hội nghị chúng ta có đồng chí hơi nóng nảy, làm cho cụ Nguyễn Hải Thần và anh Trần Báo không vừa ý. Tuy vậy cụ Nguyễn và anh Trần Báo cũng phải suy nghĩ, vì trong lúc mọi người đang quan tâm muốn biết đến công tác của đoàn thể và của cách mạng mà thái độ của cụ Nguyễn và anh Trần Báo lại như vậy, thì anh em nổi nóng cũng có thể là một việc dễ hiểu. Nguyên tắc làm việc của chúng ta là tập trung dân chủ, thiểu số phục tùng đa số, hạ cấp phục tùng thượng cấp, toàn thể phục tùng Trung ương. Giữ vững nguyên tắc như thế thì dù chúng ta có ý kiến gì bất đồng với nhau vẫn có thể bàn bạc đi tới giải quyết. Cụ Nguyễn nhận là một trong những người phụ trách của Việt Minh, điều đó không sai, vì khi Việt Minh thành lập từ năm 1936 cụ đã là một người hoạt động tích cực, về sau này cụ vẫn ở với Việt Minh. Hiện nay tình hình ở Liễu Châu rất phức tạp, chúng ta cần thông cảm với nhau, cần đoàn kết chặt chẽ thì mới đối phó được với tình hình, mới giải quyết được vấn đề và mới mang lại lợi ích cho cách mạng, việc không vui đã xảy ra trong hội nghị hôm nay của chúng ta đến đây nên xem là hết. Cụ Nguyễn, anh Trần Báo cũng như các anh em khác không nên để lại trong lòng.
Nghe xong, Nguyễn Hải Thần và Trần Báo như được khôi phục lại thể diện, anh em hiểu ý đều nói: Chúng tôi tán thánh ý kiến của anh Lý, sau này chúng ta phải làm việc như vậy mới đúng.
Hội nghị kết thúc.

*

Việc Hoa quân nhập Việt đang được chuẩn bị tích cực, nhưng cái “tổ chức cách mạng” của người Việt Nam để phục vụ cho việc đó thì do sự bất lực của Nguyễn Hải Thần và những tên tay sai khác mãi đến nay vẫn chưa thành lập được; Bộ tư lệnh Quân khu bốn lần này phải tự đứng ra làm lấy. Giấy mời đến Bộ tư lệnh để bàn việc cách mạng Việt Nam do Bộ tư lệnh triệu tập đã được bí mật gửi cho Nguyễn Hải Thần và Trần Báo, nhưng đã lọt vào tay Trương Trung Phụng. Trương Trung Phụng đưa giấy cho tôi xem và hỏi ý kiến nên xử trí như thế nào?
Một cuộc hội nghị Việt Minh lập tức được triệu tập. Khi anh em đến đông đủ, Trương Trung Phụng đưa giấy ra báo cáo. Nguyễn Hải Thần và Trần Báo hết sức ngạc nhiên và lúng túng. Cụ Lê Nhuận Chi, anh Phạm Việt Tứ và anh Trụ đều nói: Cách mạng Việt Nam là một việc rất quan trọng, Quân khu bốn đã mời đến để bàn bạc thì chúng ta nhất định phải đi. Nhưng tình hình trong nước cũng như trong tình hình chúng ta ở ngoài này, chỉ có anh Lý Quang Hoa là nắm vững. Vậy nên đề nghị với Quân khu bốn cử thêm anh Lý Quang Hoa cùng tham dự, như vậy khi có việc quan trọng chúng ta đã có ba người để bàn bạc.
Trước ý kiến đó, Nguyễn Hải Thần không thể chối cãi, chỉ nói: Đúng! Đúng! Thế là hội nghị cử ngay anh Từ Chí Kiên thảo công văn gửi Trương Phát Khuê. Nội dung công văn đã được chúng tôi chuẩn bị trước, nên khi viết xong đưa ra, Nguyễn Hải Thần không sửa chữa một chữ nào và đành phải ký tên, đóng dấu, cho người đưa đi ngay. Ngay chiều hôm ấy, bức công văn được chuyển lại, bên cạnh đó phê một chữ “khả”, nghĩa là “được”, trên chữ “khả” có đóng dấu đỏ của Trương Phát Khuê.
Sáng sớm ngày hôm sau, Nguyễn Hải Thần, Trần Báo và tôi cùng đi đến Bộ tư lệnh Quân khu bốn, vào phòng họp thấy ngoài những người Việt Nam được mời, còn có thiếu tướng Dương Kế Vinh và hai người Hoa kiều là Mai Công Nghị và Dương Thanh Dân. Một chốc, thiếu tướng Ngô Thạch, Tham mưu trưởng Quân khu bốn, đại biểu cho Trương Phát Khuê đến chủ tọa. Ngô Thạch nói: Hôm nay mời các đồng chí đến cốt để bàn việc thành lập hội Việt Nam phản xâm lược đồng minh, mong các đồng chí bàn bạc nhất trí để có thể thành lập được sớm. Việc gấp rút, thời cuộc không chờ đợi chúng ta. Nói xong, Dương Thanh Dân đưa ra một bản cương lĩnh in sẵn, đọc cho mọi người nghe. Nghe xong, mọi người đều im lặng. Tôi đứng dậy xin phát biểu ý kiến:
Về bản cương lĩnh này, tôi mới nghe qua, chưa đủ thời giờ suy nghĩ, nhưng sơ bộ thấy có chỗ chúng ta còn phải thảo luận thêm. Thí dụ:


  • Về điểm “lấy chủ nghĩa tam dân làm cương lĩnh xây dựng Việt Nam sau này”, tôi thấy chủ nghĩa tam dân là rất tốt, nhưng trong đó có chủ trương “Bình quân địa quyền, tiết chế tư bản”, như vậy có làm cho giai cấp địa chủ và giai cấp tư sản sợ sệt, không dám đi theo chúng ta chăng?

  • Về điểm “lấy Việt Bắc làm căn cứ địa cách mạng”, theo tôi hiểu thì Việt Nam là một dải đất giăng dài trên hàng nghìn cây số, mà Bắc, Trung, Nam lại cách trở sông núi rất nhiều. Cuộc chiến tranh chống Nhật ở Việt Nam đòi hỏi mỗi kỳ, thậm chí là mỗi tỉnh đều phải có căn cứ địa. Nay nói “lấy Việt Bắc làm căn cứ địa cách mạng”, nói như thế đã thật chính xác chưa? Cũng còn nên thảo luận.

  • Về việc “Hoa quân nhập Việt”, theo tôi hiểu thì có thể tạo điều kiện thuận lợi cho cách mạng Việt Nam. Nhưng đây là cương lĩnh cách mạng Việt Nam, thì phải nói đến việc cách mạng, việc tuyên truyền tổ chức quần chúng, chứ nếu chỉ nói “Hoa quân nhập Việt” mà thôi, thì có thể không toàn diện.

Tôi nói xong, Ngô Thạch sầm mặt lại, Mai Công Nghị liền nói một câu để vớt lại bầu không khí đang nặng nề: Những ý kiến của đồng chí Lý Quang Hoa nói có chỗ đáng cho chúng ta phải suy nghĩ và bàn bạc thêm, nên chăng chúng ta hãy thành lập một ban trù bị để nghiên cứu lại bản cương lĩnh đó, đồng thời bàn bạc lại những việc cụ thể mà rồi đây chúng ta phải làm.
Như đã có xếp đặt trước, Dương Thanh Dân đứng dậy đến bên cạnh Ngô Thạch đưa ra một tờ giấy viết sẵn mấy cái tên, Ngô Thạch xem rồi nói: Tôi đề nghị hội trù bị gồm có các đồng chí:


  • Nguyễn Hải Thần,
  • Nông Kinh Du,
  • Nông Quốc Long,
  • Hoàng Lương,
  • Trần Báo,
  • Mai Công Nghị,
  • Dương Thanh Dân. [3]

Tôi nghe xong, liền đứng dậy nói: Về phía Trung Quốc thì Bộ tư lệnh đề nghị ai chúng tôi cũng tán thành, còn về phía Việt Nam, chúng tôi thấy nên để các đồng chí Việt Minh trao đổi ý kiến thêm.
Ngô Thạch nói cắt ngang: Ủy ban trù bị chỉ là một cái ủy ban để nghiên cứu một thời gian ngắn rồi giải tán, có quan trọng gì lắm mà phải thay đổi cho cho phiền phức.
Mọi người đều nói: Ý kiến của Tham mưu trưởng rất đúng!
Ngô Thạch liền đứng dậy, tuyên bố hội nghị kết thúc, rồi đi thẳng không chào hỏi ai cả!

*

Từ đó, mỗi hôm cứ ăn cơm sáng rồi là Nguyễn Hải Thần và Trần Báo đi họp hội nghị. Mặc dù đã quy định là mỗi ngày hội nghị xong về phải báo cáo, nhưng Nguyễn Hải Thần và Trần Báo không ngày nào chịu báo cáo, và chỉ nói rằng hôm nay không có việc gì.
Một hôm, tôi gặp Dương Thanh Dân, đã biết y là một người muốn dò la tình hình, nên tôi nói: Ông Dương Thanh Dân, công việc hội nghị trù bị làm tốt chứ? Về công việc của hội, tôi có một số ý kiến muốn phát biểu, nhưng phát biểu như thế nào? Y nói: Đồng chí có thể nói với tôi, tôi sẽ báo cáo lại với hội nghị.


  • Nhưng tôi không biết hội nghị đã tiến hành đến đâu, và đang bàn việc gì thì phát biểu cũng khó, và có thể rất lạc lõng.

  • Ở đây, tôi có biên bản của hội nghị, đồng chí có thể lấy xem, có ý kiến gì, cứ nói thẳng với tôi, tôi đảm bảo sẽ báo cáo lại một cách trung thực.

Nói xong, Dương Thanh Dân rút trong kẹp ra một bản biên bản, đưa cho tôi và hẹn lúc khác sẽ gặp.
Thì ra hội nghị trù bị đã không bàn gì đến cái cương lĩnh của cái hội gọi là “Việt Nam phản xâm lược đồng minh”, mà chỉ bàn việc Hoa quân nhập Việt, và đã đi tới quyết định một danh sách chính phủ bù nhìn lâm thời gồm:


  • Nguyễn Hải Thần, Chủ tịch,
  • Hoàng Lương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng
  • Mai Công Nghị, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao,
  • Dương Thanh Dân, Bộ trưởng Bộ Tài chính,
  • Trần Báo, Bộ trưởng Bộ Tuyên truyền,
  • Nông Kinh Du, Cố vấn.
  • v.v…

Việc rất nghiêm trọng! Tôi phải bàn bạc với các anh em để đối phó. Ngày hôm sau, hội nghị Việt Minh lại được triệu tập. Tôi đi thẳng ngay vào vấn đề:


  • Cụ Nguyễn Hải Thần và anh Trần Báo đã hơn một tuần nay đi họp về không báo cáo, nói là không có việc gì, nhưng sự thật thì sự việc đã phát triển đến một bước không thể tưởng tượng. Người ta đã định thành lập chính phủ lâm thời sau khi Hoa quân nhập Việt với một danh sách đầy đủ!

  • Cụ Nguyễn Hải Thần là Chủ tịch, nhưng quyền hạn Chủ tịch như thế nào?

  • Hoàng Lương là một người do Nhật nặn ra, bây giờ sao lại làm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng?

  • Mai Công Nghị là Hoa kiều, sao lại làm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao?

  • Dương Thanh Dân cũng là Hoa kiều, sao lại làm Bộ trưởng Bộ Tài chính?

  • Nông Kinh Du là một người không biết chính trị là gì, sao lại làm Cố vấn?

  • Còn anh Trần Báo, thì Quốc phòng người ta nắm, Ngoại giao người ta nắm, anh sẽ tuyên truyền cái gì? Và tuyên truyền cho ai?

Bất kể chính quyền của một nước nào, Quốc phòng, Ngoại giao, Tài chính đều là những bộ quan trọng, đáng lẽ người cách mạng phải nắm, sao chúng ta phải để người thân Nhật và Hoa kiều nắm, mà không dám có ý kiến? Hơn nữa lại không báo cáo với đoàn thể? Sự việc đã như vậy, bây giờ cụ Nguyễn Hải Thần và anh Trần Báo nghĩ thế nào? Và nói với đoàn thể như thế nào?
Nguyên trong quá trình bàn bạc và khi lập danh sách chính phủ bù nhìn lâm thời, Nguyễn Hải Thần cảm thấy mình không có quyền hành gì, đã lấy làm bất mãn, nhưng không dám hé môi, nay tôi gãi vào chỗ ngứa, ông ta mới nổi khùng lên, nói cụt ngủn một câu: Thôi từ nay về sau mặc kệ họ, tôi không đi họp nữa!
Thế là từ đó luôn mấy hôm, Nguyễn Hải Thần và Trần Báo cứ nằm lì ở nhà, không đi họp. Trương Phát Khuê nóng ruột quá, phải viết thư mời toàn ban trù bị đến tiếp kiến để thuyết phục, Nguyễn Hải Thần vẫn bướng, nhất định không đi. Tôi liền nói: Cụ không đi như vậy sẽ mất lòng Trương Phát Khuê, và nếu họ sẽ bất chấp, gạt phăng cả cụ và Trần Báo đi, rồi cứ làm thế nào? Lúc bấy giờ Nguyễn Hải Thần sợ có tội với Trương Phát Khuê, đồng thời cũng nghĩ đến địa vị tương lai của mình trong cái tổ chức bù nhìn ấy, nhưng không còn cách gì đối phó, nên phải làm lành với tôi, hỏi rằng: Thế ông bảo bây giờ nên làm thế nào?

*

Sau khi nghỉ họp một lúc, tôi lại mời mọi người ngồi lại và trình bày ý kiến:
Bây giờ muốn sửa chữa thì phải sửa chữa tận gốc, tức là phải sửa lại cả cái ban trù bị, để mình có tiếng nói vững vàng ở trong đó, chứ nếu như bây giờ thì có đưa ra ý kiến gì cũng bị gạt đi mà thôi. Tôi nghĩ ngày mai cụ cứ nên đi gặp Trương Phát Khuê, nhưng không đi với tư cách ủy viên của ủy ban trù bị, mà đi với tư cách Việt Minh thì nói chuyện mới có tư thế. Nguyễn Hải Thần nghe nói rất thích, trả lời ngay: Thế ngày mai, cả ông và các anh em cùng đi với tôi vào gặp Trương Phát Khuê.
Thế là ngày mai, Nguyễn Hải Thần, Trần Báo, cụ Lê Nhuận Chi, anh Phạm Việt Tử, Trụ Đen, Long Cong và tôi cùng đi vào Bộ tư lệnh. Đến phòng khách thấy các người trong ban trù bị đã ở đấy đông đủ, họ nhìn chúng tôi với con mắt kỳ lạ, vì hôm nay, Trương Phát Khuê mời đến họp ủy ban trù bị, sao lại có những người không có trách nhiệm mà cũng đến đông thế? Tự nhiên không một ai mở miệng, họ chỉ nhìn nhau và nói với nhau bằng khóe mắt mà thôi.
Một chốc, thấy bóng Trương Phát Khuê từ phòng riêng bước ra, Dương Thanh Dân hô to một tiếng: Nghiêm! Mọi người đều đứng dậy như đối với thượng cấp. Trương Phát Khuê đi vào rất tự nhiên, không bắt tay ai cả, đến ngay cái ghế bành chỗ danh dự nhất, rồi ngồi phịch xuống. Ông ta vốn không biết trong ủy ban trù bị có những ai và làm việc như thế nào, nên khi gặp chúng tôi, ông ta đều cho là ủy viên của ban trù bị cả, và nói: Ủy ban trù bị đã làm việc như thế nào? Phải chóng đi chứ, sao lại chậm trễ quá?
Nguyễn Hải Thần đã hậm hực sẵn trong bụng, liền không khách khí gì cả, bốp ngay một câu: Chúng tôi không thừa nhận ủy ban trù bị, vì ủy ban đó là do Ngô Tham mưu trưởng chỉ định, chứ không phải chúng tôi bầu ra.
Trương Phát Khuê nghe xong, sửng sốt không biết đầu đuôi ra sao. Dương Thanh Dân, một tay chạy việc lão luyện nói đỡ ngay rằng: Thưa Trưởng quan, Nguyễn tiên sinh nói đúng đấy, vì hôm thành lập uỷ ban trù bị, Ngô Tham mưu trưởng chưa nghe hết ý kiến các đồng chí Việt Nam. Có lẽ Trưởng quan để cho các đồng chí Việt Nam bàn tính lại, rồi tự lập lấy uỷ ban trù bị thì hơn. Trương Phát Khuê như được cứu khỏi chỗ bế tắc, liền trả lời là đồng ý và khuyên các đồng chí Việt Nam nên cố gắng làm việc mau. Cuộc gặp Trương Phát Khuê đến đó là hết.
Lúc ra về, Nguyễn Hải Thần hí hửng coi như một thắng lợi do sự thẳng thắn dám nói của ông ta mang lại. Về đến nhà, chúng tôi mời Nguyễn Hải Thần cùng ngồi lại để đánh giá sự việc mới xảy ra và bàn tính ngay cách tiến hành sau này. Nguyễn Hải Thần phát biểu ý kiến ngay: Bây giờ chúng ta cần chủ động họp người Việt Nam lại để bầu ra ủy ban trù bị mới, ông Lý Quang Hoa và một số anh em ta thế nào cũng phải có chân trong đó, còn hai người Hoa kiều thì phải để ra ngoài, chỉ làm cán bộ thôi. Tôi mời anh em phát biểu ý kiến, nhưng mọi người đều suy nghĩ, chưa ai phát biểu. Tôi gợi ý: Làm như cụ Nguyễn nói thì dứt khoát đấy, nhưng về sẽ mất lòng Bộ tư lệnh, mất lòng Trương Phát Khuê, Ngô Thạch và Dương Kế Vinh, như vậy có tốt không? Hay là chúng ta chỉ làm một việc rất đơn giản là không động gì đến ủy ban trù bị cũ, mà chỉ đề nghị bổ sung thêm mấy người mới. Như vậy, công việc sẽ tiến hành được thuận lợi hơn. Nguyễn Hải Thần nghe ra tấm tắc khen và mọi người đều đồng ý.
Trong việc bổ sung người vào ủy ban trù bị, chúng tôi đã nghĩ đến một người trong nhóm ly khai Phục quốc. Nhưng qua quá trình liên hệ với họ, thấy nhóm này cũng phức tạp, về mặt đả kích uy tín Hoàng Lương và Nông Kinh Du trong đám Phục quốc thì họ làm được phần nào, còn về các mặt khác thì họ không có tác dụng. Nay nếu đề nghị đưa ra một người của họ và ban trù bị, thì phải qua những thủ tục phiền phức, mà cũng chưa chắc đã có lợi, chi bằng Việt Minh cứ giới thiệu người Việt Minh. Suy tính kỹ, chúng tôi bàn với Nguyễn Hải Thần viết thư giới thiệu với Trương Phát Khuê. Thế là Lý Quang Hoa và Phạm Việt Tử lại là ủy viên của ban trù bị.
Nhưng trước mắt còn nhiều khó khăn, công việc không phải vì thế mà được giải quyết trót lọt.

*

Không bao lâu, ủy ban trù bị của hội Việt Nam phản xâm lược đồng minh lại được mời đến họp ở Bộ tư lệnh Quân khu bốn. Ngô Thạch và Dương Kế Vinh đều không có mặt. Dương Thanh Dân nghiễm nhiên xem mình như Chủ tịch điều khiển cuộc họp, thong thả nói: Ban trù bị trong mấy kỳ họp qua đã bàn một số vấn đề, nhưng mới rồi Nguyễn tiên sinh đã đề nghị bổ sung ban trù bị để bàn lại. Vậy hôm nay, hội nghị chưa có văn kiện gì, xin mời các vị ai có ý kiến gì thì phát biểu. Hội nghị im lặng. Mai Công Nghị nói: Lần trước đồng chí Lý Quang Hoa đã nêu một số ý kiến về bản cương lĩnh. Các ý kiến đó đang được Bộ tư lệnh nghiên cứu, nay đồng chí Lý có ý kiến gì, xin mời nói thêm. Tôi nói: Lần trước tôi phát biểu một số ý kiến cũng chỉ là một sự gợi ý. Nay tôi xin phát biểu thêm ý kiến về cái tên và cái tính chất của hội. Theo tôi nghĩ thì cái tên “Phản xâm lược đồng minh” có tính chất là một tổ chức quốc tế, chẳng hạn như “Phân hội phản xâm lược đồng minh quốc tế ở Trung Quốc” có thu nạp cả người ngoại quốc như người Anh, người Pháp, v.v... Vậy đối với cái tên “Phản xâm lược đồng minh Việt Nam” người ta cũng có thể hiểu là một cái phân hội tổ chức quốc tế ở Việt Nam. Mà theo cương lĩnh thì nó là một tổ chức chỉ đạo cho cách mạng Việt Nam. Vậy chúng ta hãy suy nghĩ xem cái tên đó có thích hợp với tính chất của cương lĩnh không? Tôi nói xong, hội nghị không thấy ai phát biểu. Dương Thanh Dân đưa mắt nhìn mọi người như có vẻ thúc giục, rồi nói: Vấn đề đồng chí Lý mới nêu ra có thể là một vấn đề mà mọi người chưa có ý kiến ngay được. Để tôi xin báo cáo với Trương Trưởng quan và Ngô Tham mưu trưởng đã, rồi sau sẽ hay. Thế là hội nghị kết thúc. Từ đó về sau, Bộ tư lệnh Quân khu bốn không mời ủy ban trù bị họp nữa.
Rõ ràng, vấn đề cách mạng Việt Nam nên tổ chức như thế nào, và nên làm gì? Không phải do ủy ban trù bị quyết định, mà là do Bộ tư lệnh Quân khu bốn, hay nói cho đúng hơn là do Trùng Khánh quyết định.
Về tình hình kháng chiến chống Nhật ở Trung Quốc trong thời gian đó: Các chiến trường địch hậu do Đảng cộng sản lãnh đạo với sự chiến đấu anh dũng của Bát bộ quân và Tân tứ quân, đã xây dựng được nhiều khu giải phóng rộng lớn; Kháng Nhật liên quân cũng hoạt động mạnh ở vùng Đông Bắc. Còn ở các chiến trường chính, phải đối diện với địch, thì tuy có một số tướng lĩnh yêu nước kiên quyết chống Nhật nhưng không được sự ủng hộ của Tưởng Giới Thạch, nên đều bị thất bại, các thành phố chủ yếu đều bị Nhật chiếm, tệ hơn nữa là ở Nam Kinh, Uông Tinh Vệ đã lập chính phủ bù nhìn làm tay sai cho Nhật công khai chống lại tất cả các lực lượng kháng chiến. Sau khi Nhật tập kích cảng Trân Châu và đánh chiếm nhiều nơi ở Châu Á như Hương Cảng, Nam Dương, Mã-lai, Miến Điện; Anh, Mỹ phải trực tiếp tham chiến; Tưởng Giới Thạch như được sự khuyến khích đã hết sức hí hửng, đẩy mạnh chuẩn bị việc Hoa quân nhập Việt, nhưng cái tổ chức “cách mạng Việt Nam” để phục vụ cho việc Hoa quân nhập Việt lại liên tiếp bị phá sản bởi sự bất lực của bọn tay sai. Vì vậy, chúng phải xem xét lại vấn đề, bố trí lại lực lượng, tìm kiếm thêm cốt cán. Sau khi kế hoạch lập “Việt Nam phản xâm lược đồng minh” bị bác lại, thì chúng đưa Vũ Hồng Khanh, Nghiêm Kế Tổ từ Trùng Khánh về, rồi thả Trương Bội Công, rồi tiếp tục bằng việc đưa Đặng Nguyên Hùng [4] và Nguyễn Tường Tam đến, tới cuối năm 1942 thì chúng đã gạt hẳn những người Việt Minh chân chính ra, không tổ chức “Việt Nam phản xâm lược đồng minh” nữa, mà chuẩn bị tổ chức ra cái gọi là Việt Nam cách mạng đồng minh hội.

*

Việc chúng sẽ gạt những người Việt Minh chân chính ra là việc mà chúng tôi đã đoán trước, nên sau khi được tin Vũ Hồng Khanh và Nghiêm Kế Tổ đến, thì anh em đã bàn đến việc tôi cần tìm cách rút lui, và bản thân tôi cũng thấy việc rút lui là cần thiết, vì Nghiêm Kế Tổ là đặc vụ của Trùng Khánh, đã biết tôi từ lúc còn ở Nam Kinh, còn Vũ Hồng Khanh đã biết tôi là cộng sản từ lúc còn ở Côn Minh; hai tên này đến thì bộ mặt thật của mình không còn giấu giếm được nữa.
Một hôm, tôi xin gặp Trương Phát Khuê và nói thẳng với ông ta rằng: Mục đích tôi đến đây là cốt để bàn bạc với người Việt Nam về công tác cách mạng. Nhưng bây giời tôi thấy đúng như lời Trưởng quan đã nói, những người Việt Nam ở đây đều không phải là người cách mạng, mà chỉ là những người mưu toan quyền lợi riêng mà thôi. Như vậy, nếu cứ theo đuổi cuộc hoạt động với họ ở đây cũng không có lợi ích gì. Hiện nay ở Trung Quốc đang chống Nhật, ở Việt Nam cũng đang chống Nhật, tôi mong muốn Trưởng quan giúp tôi một cách nào đó, miễn là tôi có thể góp phần vào công cuộc chống Nhật là được.
Trương Phát Khuê vốn có ý muốn đẩy tôi đi, nay được tôi đề nghị thế thì ông ta rất vừa ý, nên trả lời ngay: Nếu anh bằng lòng thì tôi sẽ ủy nhiệm anh về làm việc ở Trung-Việt biên khu chính trị công tác đội với Ngũ Căn Hoa ở Tịnh Tây, ở đó Chủ nhiệm Trần Bảo Thương sẽ giúp đỡ anh.
Đây là một việc không ngờ! Được về Tịnh Tây có thể sẽ là một dịp rất tốt để tìm cách về nước được mau chóng! Tôi tỏ lời cảm ơn ông ta, và ngày hôm sau thì được giấy ủy nhiệm làm “dịch thuật quan” với cấp bậc trung tá ở Trung-Việt biên khu chính trị công tác đội.
Trước khi lên đường về Tịnh Tây, tôi tìm gặp các anh em Việt Minh ở đây để dặn dò một số ý kiến:
Việc thành lập hội Việt Nam phản xâm lược đồng minh từ trước đến nay chúng ta phản đối. Nhưng bây giờ tôi sẽ đi về Tịnh Tây, nếu họ cứ chủ trương lập, mà anh em ta cứ tiếp tục phản đối thì không lợi. Vì số đông người Việt Nam ở đây, nhất là mấy trăm anh em Phục quốc đều hy vọng có một đoàn thể cách mạng nào đó, để tự người Việt Nam chỉ đạo lấy người Việt Nam, để thoát khỏi cái vòng kìm kẹp mà bấy lâu nay họ phải chịu. Vì vậy, sau khi tôi đi rồi, nếu họ muốn lập cái hội gì đó thì anh em cứ để mặc họ, mà ta chỉ tuyên truyền là không tin tưởng, vì cái hội với những người lãnh đạo như thế thì chẳng có thể làm nên trò trống gì. Như vậy đến lúc sự thật chứng minh ý kiến ta là đúng, thì uy tín của Việt Minh vẫn giữ được, và sau này có dịp vẫn có thể lôi kéo được quần chúng. Anh em đều nhận thấy như thế là đúng.
Tôi chia tay với anh em, về Tịnh Tây để chuẩn bị cho việc về nước công tác.



[1]đại bộ phận người trong lớp này là người của Việt Minh đưa từ trong nước ra
[2]có thể coi như trụ sở của Việt Minh.
[3]Thời gian này Trương Bội Công bị bắt ở Tịnh Tây có lẽ còn chưa được tự do, nên không có tên
[4]lai lịch Đặng Nguyên Hùng đã nói rõ ở trong mục Sinh hoạt và đấu tranh ở Nam Kinh

<< P3 - giai đoạn II chương 3 đến 5 | P3 - giai đoạn II chương 7 >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 620

Return to top