Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Hồi Ký, Tuỳ Bút >> Giọt nước trong biển cả

  Cùng một tác giả
Không có truyện nào


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 90915 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Giọt nước trong biển cả
Hoàng Văn Hoan

P3 - giai đoạn II chương 3 đến 5
III. Hoạt động ở Long Châu
Hôm đi Long Châu, tôi có đi qua Tịnh Tây nhưng không ghé vào chỗ anh em, mà cứ đi thẳng luôn, dọc đường bắt bạn với một người nông dân đi Long Châu mua muối. Đi hơn hai ngày đến Thạc Long, một thị trấn chia cách với tỉnh Cao Bằng bằng một con sông nhỏ. Ở đây có hai nẻo đi: Một nẻo đi qua địa phận tỉnh Cao Bằng thì chỉ có bốn cây số mà đường bằng phẳng dễ đi; một nẻo khác đường xa mười hai cây số mà lại phải trèo qua mười chín đồi núi thì mới đến nơi có chỗ nghỉ đêm. Nẻo đường này người Trung Quốc gọi là “Xập cầu coòng”, nghĩa là mười chín đồi núi. Lúc sắp sửa đến chỗ rẽ, người bạn nông dân bảo nên đi qua đường Việt Nam cho gần, nhưng chính lại vì mình là người Việt Nam nên không dám đi đường ấy, phải nói dối anh ta rằng tôi là đội viên Đội tuyên truyền kháng Nhật, nếu đi qua Việt Nam mà lính Pháp bắt được thì sẽ lộ chuyện. Vậy anh cứ chịu khó đi qua đường “Xập cầu coòng” với tôi cho vui. Anh ta đồng tình ngay mà không ngần ngại gì. Đi được một đoạn, thì gặp một người lính tuần tra biên phòng, người lính này nghĩ rằng chúng tôi có thuốc phiện hoặc vũ khí nên mới phải đi đường này để tránh Pháp, anh ta liền kiểm tra thấy cả hai người không có gì là đồ cấm, chỉ trong mình tôi có một chứng minh thư của Biện sự xứ Việt Minh, nói được phái đến Long Châu công tác. Anh ta hiểu giản đơn Việt Minh là đoàn thể chống Nhật nên cứ cho đi. Nhưng khi về đến trụ sở chỉ huy của đồn biên phòng, anh ta báo cáo với Thủ trưởng là một thiếu tá thường hay liên lạc với bọn Pháp ở biên giới Cao Bằng và đã từng bắt một số người Việt Nam giao cho Pháp để lấy tiền thưởng. Tên thiếu tá này liền gọi điện thoại báo cho đồn biên phòng ở cuối đường “Xập cầu coòng” biết để đón bắt.
Lúc đã đi hết mười chín đồi núi, xuống đến chỗ đường bằng, trông về phía trước thấy có một cái đồn và có lính đứng gác trước cửa. Tôi hỏi người bạn đường, được biết đó là đồn biên phòng của Trung Quốc, bấy giờ mới yên lòng. Nhưng đi gần đến cửa đồn thì thấy nhiều lính vác súng giắt lưỡi lê từ trong đồn đi ra, có vẻ chuẩn bị đón bắt. Thật vậy, lúc đến gần cửa đồn, một tiếng hô to “Đứng lại!”, rồi bọn lính chĩa súng vây quanh lấy hai người chúng tôi. Họ vẫn khám xét cũng chỉ thấy có cái chứng minh thư của Việt Minh và một tờ Quảng Tây nhật báo, anh đồn trưởng bảo đưa cả hai chúng tôi vào đồn để chờ ủy viên [1] đến xét. Tôi nói người cùng đi với tôi chỉ là một người đi mua muối, không có liên quan gì, đề nghị ông để anh ấy đi tự do, còn tôi, tôi sẵn sàng ở đây chờ ủy viên đến. Người buôn muối được tha. Tôi vào đồn.
Đến chỗ làm việc, anh đồn trưởng hỏi chuyện một cách cặn kẽ. Tôi giải thích cho anh ta nghe Việt Minh là thế nào, và giơ tờ Quảng Tây nhật báo ra chỉ đoạn tin nói về việc thành lập Trung- Việt văn hóa công tác đồng chí hội ở Quế Lâm cho anh ta xem, và nói thêm rằng: Nếu các ông không tin thì có thể đánh điện lên hỏi ở hành dinh của Tưởng ủy viên trưởng ở Quế Lâm, hoặc đánh điện lên Trùng Khánh hỏi Trung ương cũng được, vì hội Việt Minh của chúng tôi đã đăng ký ở Trung ương Quốc dân đảng Trung Quốc từ đầu năm 1936. Nghe xong, ông ta liền tỏ vẻ khách khí, mời cùng ăn cơm, rối xếp chỗ cho nghỉ ở đây. Hơn chín giờ tối, anh ủy viên từ Thạc Long đến, tôi cũng trình bày như đã nói chuyện với anh đồn trưởng lúc chiều. Tuy vậy, tôi đoán chắc thế nào họ cũng giải đi Long Châu là nơi cơ quan chỉ huy cấp trên của họ, nên tôi đề nghị sáng mai cho vài người lính hộ tống đưa tôi đến Long Châu. Ông ta đồng tình ngay.
Sáng sớm mai, cơm nước xong, tôi và hai người lính biên phòng cùng đi. Trong khi đi đường, tôi cố dò xem thái độ của họ thì thấy họ đối xử với mình tử tế, tôi đến quán trọ, tuy cùng ngủ ở một phòng nhưng ai ngủ giường nấy, không có vẻ canh gác như giải một người bị bắt. Vì vậy, mỗi lần qua hàng quán ngồi nghỉ, tôi đều mời họ ăn quà, uống nước và nói chuyện thân mật. Cứ cùng đi với nhau như vậy, độ khoảng bốn giờ chiều ngày thứ hai thì đến Long Châu, tôi tán họ, hãy ăn uống nghỉ ngơi một hồi đã, rồi sẽ vào cơ quan. Nói xong, tôi đưa họ vào một quán cơm ngay bên cạnh địa điểm liên lạc mà mình đang muốn tìm. Họ ngồi trong quán, tôi dạo ra ngoài, vừa đi được mươi bước thì đã thấy anh Bùi Ngọc Thành và anh Hồ Đức Thành đứng ngay ở trước cửa. Hàn huyên rồi, anh Hồ Đức Thành bàn có thể đi cơ quan ngay, chắc không có việc gì đâu, vì ở đây đã có sự liên hệ với Quân bộ của Quân đoàn ba mươi mốt.
Tôi liền giục hai anh lính cùng ăn cơm, rồi cùng Hồ Đức Thành đi đến cơ quan gặp Đốc biện là người phụ trách cao nhất ở chuyên khu Long Châu. Lúc đó đã hết giờ làm việc, Đốc biện không điện thoại được với Quân bộ, nên để tôi ngủ ở đó một tối, sáng hôm sau mời cho người dẫn sang Quân bộ. Ở đây tôi được gặp Tham mưu trưởng Cảm Duy Ưng, và tiếp đó lại được gặp Quân trưởng Vi Vân Tùng. Ông Quân trưởng được nghe tôi báo cáo về Việt Minh, nhưng không quan tâm lắm, mà lại quan tâm hỏi thái độ của Việt Minh đối với Phục quốc quân thế nào? Tôi trả lời: Về mặt tổ chức thì Phục quốc quân là do Nhật xây dựng nên, chúng tôi không thừa nhận, nhưng về cá nhân bất kỳ ai, nếu thật lòng chống Nhật thì chúng tôi sẵn sàng hợp tác. Ông ta có vẻ hài lòng, mời tôi uống nước và dặn sau này có việc gì thì cứ liên hệ với Cảm Tham mưu trưởng. Thế là việc ở Long Châu được hợp pháp, sự hoạt động được dễ dàng nhờ có sự giúp đỡ của Quân bộ.

*

Ở Long Châu lúc bấy giờ có một nhóm Phục quốc quân bị Pháp đánh và Nhật bỏ rơi nên chạy qua đây, do đương cục Trung Quốc thu dụng. Nhóm này có khoảng năm trăm người tập trung ở huyện Thượng Kim do Hoàng Lương và Một Ý [2] chỉ huy; còn một nhóm nữa độ hơn bốn mươi người tập trung ở Lũng Già gần thị trấn Bắc Kiều do một người Việt Nam vận động đưa từ Thất Khê ra, cũng được Quân Bộ thu dụng, đãi ngộ như là một trung đội của Phục quốc quân.
Vấn đề trước hết là phải tìm cách liên lạc xem tình hình các nhóm này thế nào. Việc liên lạc được Cảm Duy Ưng giúp đỡ, tiến hành khá thuận lợi. Tôi gặp nhóm anh em bốn mươi người ở Lũng Già trước, được biết trong đó có các anh Hoàng Minh Thảo, Nguyễn Thanh Đồng, Hoàng Điền là những thanh niên dân chủ được tổ chức từ năm 1936, và anh Bế Hà Kinh, một người ở Thất Khê đã có sự liên lạc với cách mạng, tôi liền đặt quan hệ trực tiếp với các anh này để giúp họ hiểu biết về đường lối của Đảng, và qua họ giúp cho anh em thấy rõ việc đưa người ra đây cho Quân bộ dùng là một việc bị lừa dối. Sau khi biết như vậy, số lớn trong số nhóm người này đều bỏ về nước, còn tám người là các anh Hoàng Điền, Hoàng Minh Thảo, Nguyễn Thanh Đồng, v.v…ở lại đi học quân sự, thì khi đến Nam Ninh, Liễu Châu đều nhận là Việt Minh và đấu tranh đòi đi theo Việt Minh.
Còn đối với nhóm năm trăm người Phục quốc ở Thượng Kim thì vì đường xa và không có manh mối gì của mình ở trong đó, nên sự liên lạc không dễ. Một hôm, tôi gặp Cảm Duy Ưng ngỏ ý muốn đi Thượng Kinh thăm anh em Phục quốc, ông ta đồng ý và cấp giấy giới thiệu cho đi. Tôi đưa Bế Hà Kinh cùng đi vì Bế là người Thất Khê chắc chắn có thể gặp được người quen biết ở trong nhóm đó.
Khi đến Thượng Kinh thì Hoàng Lương đi vắng, Lương Văn Ý đón tiếp chúng tôi tử tế. Chúng tôi tự giới thiệu là người Việt Minh được Quân bộ giới thiệu đến thăm anh em, đồng thời nói tình hình cách mạng trong nước cho ông ta nghe, ông ta tỏ vẻ rất thích. Tôi gợi ý hỏi ông ta rằng tôi muốn gặp anh em có được không? Ông ta trả lời: Cụ Hoàng [3] đi vắng, tôi không dám quyết định. Ở đây có ông tham nghị họ Hoàng, người Trung Quốc, được Quân bộ phái đến chỉ đạo chúng tôi, nếu được ông ấy đồng ý thì tôi sẽ hạ lệnh triệu tập, vì anh em ở tản ra từng đơn vị nhỏ trong mấy làng xung quanh đây. Tôi liền nhờ Lương Văn Ý cho người đưa tôi đi gặp ông tham nghị. Ông này được nghe tôi kể chuyện Việt Minh đăng ký ở Trung ương, lập Biện sự xứ ở Quế Lâm và đọc thư giới thiệu của Cảm Tham mưu trưởng, liền bảo Lương Văn Ý triệu tập toàn bộ anh em cho tôi gặp.
Sau hơn một tiếng đồng hồ, các đơn vị đã được triệu tập đến, xếp hàng trên một bãi cỏ rộng, có người về báo cáo mời Lương Văn Ý và tôi ra. Thật là một chuyện không ngờ, mình chỉ nghĩ gặp anh em là đi đến gặp người này người khác tại chỗ ở của họ, biết đâu lại có một cuộc gặp với nghi thức long trọng như vậy. Nhưng như thế càng oai và càng tốt! Lương Văn Ý giới thiệu tôi với anh em và mời nói chuyện. Tự nhiên đây là một dịp hiếm có để giới thiệu với anh em về tình hình thế giới, tình hình cách mạng trong nước và chủ trương đoàn kết các lực lượng cách mạng ở ngoài nước. Anh em nghe rất phấn khởi. Sau đó các đơn vị giải tán về chỗ ở, chúng tôi cùng một số cán bộ độ hai mươi người cùng về chỗ Lương Văn Ý dự bữa cơm có vẻ như bữa tiệc chiêu đãi. Hôm ấy, trời khô ráo và sáng trăng, ăn cơm xong, một số cán bộ lại kéo chúng tôi ra bãi tập, tiếp tục nói chuyện. Thì ra trong đám này đã có người cảm thấy ở dưới sự kiềm chế của Quốc dân đảng Trung Quốc là không tốt, họ muốn có sự đoàn kết giữa Việt Nam với nhau để “người mình tự quản lấy việc mình”. Đêm hôm đó, hai chúng tôi ngủ lại ở chỗ Lương Văn Ý chuyện trò thêm với ông ta và hẹn sau này sẽ đến gặp Hoàng Lương. Sáng sớm, chúng tôi trở về Long Châu.
Mấy hôm sau, tôi gặp Cảm Duy Ưng để cảm ơn về việc đã giới thiệu cho gặp Phục quốc quân; đồng thời đề nghị với ông ta về việc lập Biện sự xứ Việt Minh ở Long Châu, và trước mắt thì tạm lấy một danh nghĩa gì đấy để đi lại hoạt động cho dễ. Tôi đề nghị lấy danh nghĩa Việt Nam Hoa kiều kháng Nhật công tác đội, và lấy một cái huy hiệu để dùng lúc đi lại cho khỏi phải xin giấy chứng minh của Quân bộ luôn luôn. Ông ta đồng tình. Thế là chúng tôi mở một tiệc trà chiêu đãi giới thiệu việc thành lập Việt Nam Hoa kiều kháng Nhật công tác đội, giới thiệu tình hình cách mạng Việt Nam, sau đó đi đâu chúng tôi tự đeo huy hiệu của đội có đóng dấu Quân bộ. Huy hiệu này hiện nay đồng chí Hoàng Điền còn giữ được một cái.

*

Sau Tết âm lịch độ năm sáu ngày, anh Hoàng Sâm đến Long Châu gặp tôi truyền đạt chỉ thị của Bác giao thêm nhiệm vụ mới là lập cơ quan bí mật ở vùng Long Châu để khi cần thiết thì dùng đến. Theo sự giới thiệu riêng của Bác, tôi và anh Hoàng Sâm gặp một cán bộ chỉ huy du lịch ở Long Châu để bàn về việc này. Ông ta giới thiệu đi gặp một ông liên trưởng họ Mã đóng ở vùng Hạ Thạch giáp giới với ta, và chúng tôi đã đến thẳng Hạ Thạch gặp ngay ở liên bộ. Ông liên trưởng họ Mã này có lẽ là một cán bộ của Đảng. Qua mấy ngày ở liên bộ, chúng tôi thấy ông rất giản dị, có cảm tình rất tốt với anh em binh lính và nhân dân địa phương. Ở đó trời mưa phùn đã mấy hôm liền, nhưng ông và ông thôn trưởng đã xắn quần lên cùng chúng tôi đi xen xét nhiều nơi trong vùng, cuối cùng chúng tôi đã tìm được một cái thung lũng có một gia đình nông dân ở, có thể làm cơ quan bí mật đi lại với trong nước, và nếu cần thì có thế in sách, báo, tài liệu ở đó.
Ngoài việc tìm lập cơ quan bí mật ra, chúng tôi còn đến các nơi có cơ sở quần chúng tốt ở Trung Quốc mà trước kia đồng chí Hoàng Văn Thụ đã từng được giúp đỡ, như đến Bản Kích liên lạc với ông Phan, đến Bản Chang liên lạc với ông Tài Thầu, và liên hệ với một số người có cảm tình với cách mạng Việt Nam ở Long Châu, trong đó có anh Triệu Khổ Nhân, một người biên tập chủ yếu của tờ Long Châu nhật báo, để tuyên truyền cách mạng và vận động họ giúp đỡ.
Hoạt động ở Long Châu như vậy có thể nói là có kết quả.
Tôi về Pác Bó để báo cáo công tác. Còn anh Hoàng Sâm vẫn ở lại Long Châu để củng cố thêm tinh thần và giúp đỡ các anh còn ở Lũng Già về ý kiến khi cần có sự giúp đỡ.

IV. Hoạt động ở Tịnh Tây
Lần này, trên đường về Pác Bó, khi qua Tịnh Tây, tôi vào chỗ anh em ở mấy hôm để nắm tình hình. Ở đây, các anh Đồng, Giáp đã tổ chức được chỗ ở riêng biệt, không dính với đám Trương Bội Công. Ngoài những anh em ở Côn Minh về, còn có Nguyễn Hải Thần và Trần Báo cũng nhận là Việt Minh và cùng ở một chỗ. Sự quan hệ với Trương Bội Công bề ngoài không có gì căng thẳng, nhưng ai làm việc nấy, anh em mình đã có sự liên hệ trực tiếp với Trần Bảo Thương, Chủ nhiệm Chỉ huy sở, đại biểu cho Trương Phát Khuê.
Ở Tịnh Tây ít hôm, anh Lộc đưa tôi về Pác Bó gặp Bác để báo cáo công tác, rồi lại ra Tịnh Tây cùng các anh Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp hoạt động công khai. Tôi được chỉ định làm Bí thư Đảng, chịu trách nhiệm báo cáo và liên lạc với Trung ương Đảng trong nước.
Trong thời gian này, công tác chủ yếu của chúng tôi ở Tịnh Tây là chuẩn bị triệu tập đại hội thành lập hội Việt Nam dân tộc giải phóng đồng minh thay cho cái gọi là Việt Nam dân tộc giải phóng ủy viên hội mà Trương Bội Công và bè lũ đã tuyên truyền rùm beng là cơ quan lãnh đạo cách mạng Việt Nam.
Nguyên vào khoảng giữa năm 1940, khi Trương Bội Công được gọi ra thành lập cơ quan tình báo, Quốc dân đảng Trung Quốc cho phép y dùng cái tên Việt Nam dân tộc giải phóng uỷ viên hội in vào phong bì và giấy viết thư để dùng. Đó chẳng qua chỉ là cái biệt hiệu của cơ quan tình báo do Trương Bội Công điều khiển. Tháng tám năm ngoái, lúc ở Liễn Châu, chúng tôi đã thấy, đã hiểu và không thèm đếm xỉa đến. Nhưng khi chúng tôi bỏ Liễu Châu đi Quế Lâm, thì Trương Bội Công vội vã chạy đến Tịnh Tây mở một tiệc trà chiêu đãi tuyên bố việc thành lập cái “uỷ viên hội” ấy và giới thiệu những người phụ trách của “uỷ viên hội”, trong đó có Trương Bội Công, Nguyễn Hải Thần và hai người Hoa kiều.
Chiêu đãi và tuyên bố xong, Trương Bội Công liền phái Nguyễn Hải Thần đi Quế Lâm để vận động xin viện trợ, thì vừa khéo lúc đó các anh Võ Nguyên Giáp, Vũ Anh, Cao Hồng Lĩnh cũng đến Tịnh Tây, các anh bàn với nhau cử anh Võ Nguyên Giáp cùng đi với Nguyễn Hải Thần để lái ông ta chuyển ra thành người Việt Minh, vì năm 1936 khi thành lập Việt Minh ở Nam Kinh, Nguyễn Hải Thần được chúng tôi gọi từ Quảng Đông lên, có tham gia mọi việc hoạt động rất tích cực. Còn hai anh Vũ Anh và Cao Hồng Lĩnh vẫn ở lại Tịnh Tây để thực hiện chỉ thị của Bác: Tìm cách nắm lấy số hơn bốn mươi anh em từ trong nước ra; phân hóa đám người của Trương Bội Công, vận động Trương Bội Công đánh điện lên Quế Lâm mời đại biểu Biện sự xứ Việt Minh về Tịnh Tây để bàn bạc công việc.
Mọi kế hoạch bố trí của ta đều đạt kết quả: Anh Giáp đưa Nguyễn Hải Thần đi Quế Lâm và kéo ông ta về với Việt Minh thật; hơn bốn mươi anh em trong nước ra, ta cũng nắm được thật; Trương Bội Công cũng đánh điện lên Quế Lâm mời Việt Minh thật.
Thực ra, việc chúng ta kéo cả một đoàn người công khai từ Quế Lâm về Tịnh Tây là kết quả hoạt động dưới sự chỉ đạo tỉ mỉ và khôn khéo của Bác. Tuy nhiên, bức điện của Trương Bội Công vốn có ý nghĩa quan trọng là ở chỗ ông ta phải thừa nhận sự tồn tại của Việt Minh, thừa nhận phải bàn bạc với Việt Minh mới có thể đóng nổi vai trò giả danh cách mạng, mới được sự tín nhiệm của Quốc dân đảng Trung Quốc.
Nhưng chúng ta về Tịnh Tây lại không phải là để “bàn bạc công việc” với Trương Bội Công, mà để tạo điều kiện thuận lợi cho cách mạng ở ngoài nước, tổ chức lực lượng cách mạng ở trong nước, để đấu tranh vạch mặt y, phân hóa lực lượng của y.
Với mục đích đó, chúng ta đề nghị lập hội Việt Nam dân tộc giải phóng đồng minh mà anh em thường hay gọi gọn là “Hội giải phóng” thay cho cái gọi là Việt Nam dân tộc giải phóng uỷ viên hội. Chúng ta đã giải thích: Đã gọi là giải phóng Việt Nam, thì phải có quần chúng Việt Nam, phải có người Việt Nam cả ở ngoài nước lẫn trong nước, chứ nếu chỉ có một nhúm người thoát ly quần chúng quanh quẩn ở đây thì giải phóng gì?
Chúng ta đề nghị thành lập “Hội giải phóng” bằng cách triệu tập một cuộc đại hội ở Tịnh Tây, gồm đại biểu ở hải ngoại và đại biểu các đoàn thể cách mạng trong nước, để thông qua điều lệ và cử ra ban lãnh đạo chung. Chúng tôi sẽ tham gia và sẽ thông tri cho các đoàn thể Việt Nam trong nước cũng đến Tịnh Tây tham gia.
Không có lý do gì để bác bỏ, Quốc dân đảng Trung Quốc đành phải đồng ý với đề nghị của chúng ta. Nhưng nói cho đúng thì dụng ý của họ không phải ở chỗ thành lập “Hội giải phóng” mà ở chỗ muốn qua việc đó để dò xem lực lượng thực sự ở trong nước của ta như thế nào. Quốc dân đảng Trung Quốc đã đồng ý thì Trương Bội Công tự nhiên là phải cúi đầu làm, chẳng còn chối cãi vào đâu được.

*

Vào khoảng tháng 4 năm 1941, các đại biểu của ta từ trong nước ra để dự Đại hội thành lập hội Việt Nam dân tộc giải phóng đồng minh đã đến đông đủ.
Đại biểu của chúng ta, người từ trong nước ra cũng như người đang ở Tịnh Tây, hoặc từ Long Châu đến, đều được theo sự nhu cầu trong lúc đó mà “phân vai”. Có người là đại biểu địa phương như đại biểu cho tỉnh này, tỉnh khác, đại biểu cho Trung kỳ, Nam kỳ v.v… Có người đại biểu cho đoàn thể, như thanh niên, nông dân, văn hóa, v.v… Đặc biệt có một người lấy tên Hà Đức Phương đại biểu cho lãnh tụ Việt Minh là Hoàng Quốc Tuấn vì sức khỏe và đường sá khó khăn quá không thể đến được. Hoàng Quốc Tuấn là một cái tên tự chúng ta bịa ra để giới thiệu với đương cục Trung Quốc.
Dự Đại Hội về phía Trương Bội Công có độ năm, sáu người. Về phía Việt Minh có độ hai chục người. Về phía Trung Quốc có đại biểu đương cục Tịnh Tây, đại biểu Chỉ huy sở của Trương Phát Khuê, mấy người quân nhân có trách nhiệm ở vùng biên giới, Ngũ Căn Hoa, đội trưởng Trung - Việt biên khu chính trị công tác đội; và Chủ nhiệm Dương Kế Vinh, đại biểu Lý Tế Thâm từ Quế Lâm về.
Đại hội thành lập diễn ra rất đơn giản: Sau khi khai mạc và tuyên bố việc thành lập, anh Hà Đức Phương thay mặt Tổng bộ đọc bức thư của lãnh tụ Hoàng Quốc Tuấn gửi Đại hội; rồi Trương Bội Công đọc bức điện Đại hội gửi “Tưởng uỷ viên trưởng”. Tiếp đó, phía Trung Quốc có Nhan Tăng Vũ, sư trưởng sư đoàn đóng dọc biên giới phát biểu ý kiến tỏ thái độ đồng tình với cách mạng Việt Nam; rồi đến Dương Kế Vinh diễn giảng theo kiểu huấn thị, đại ý nói cách mạng Việt Nam không dựa vào sức mạnh Trung Quốc, không ủng hộ Hoa quân nhập Việt thì không thể làm gì được.
Phần nói chuyện xong, Đại hội cử ra Ban Chấp hành Trung ương: Về phía Trương Bội Công có vài người. Về phía Việt Minh có anh Phạm Văn Đồng, anh Võ Nguyên Giáp và tôi là uỷ viên chính thức, Trần Báo là Ủy viên Trung ương dự khuyết, còn một số người nữa là người ở trong nước, không nhớ tên. Ban giám sát Trung ương gồm có ba người là Nguyễn Hải Thần, Bùi Ngọc Thành và Đặng Văn Cáp mà Nguyễn Hải Thần là Chủ tịch.
Dưới Ban chấp hành Trung ương, chia ra các tổ:

  • Tổ Chính vụ: Trương Bội Công , Lâm Bá Kiệt, Dương Hoài Nam, Lý Quang Hoa…
  • Tổ Quân sự: Lê Thiết Hùng, Trương Trung Phụng…
  • Tổ Ngoại giao: Trần Báo…
  • Tổ Tài vụ: Cao Hồng Lĩnh… [4]
Thế là trong danh sách Trung ương, danh sách Ban giám sát và cả danh sách các tổ đều không có một người Hoa kiều nào. Đó là một thắng lợi rất có ý nghĩa. Nguyên trong quá trình vận động, đương cục Trung Quốc và Trương Bội Công cố nài cho được hai người Hoa kiều là Mai Công Nghị và Dương Thanh Dân vào. Đồng chí ta cũng phân vân không dám quyết định, nhưng khi báo cáo với Bác, Bác nói dứt khoát: Đã là cách mạng Việt Nam thì không thể do Hoa kiều lãnh đạo. Chúng tôi đã đấu tranh theo hướng đó, và cuối cùng họ không có lý do gì để áp đặt theo ý muốn của họ.
Đối với Đại hội, Trương Phát Khuê có gửi một bức trướng mừng, đề bốn chữ “Minh chúc thiên nam”, tôi dịch là “Soi rạng trời nam”. Dịch như vậy là có ý muốn lấy bốn chữ dịch bốn chữ cho cân đối và dễ đọc, nhưng nếu dịch đúng theo ý tứ của họ, thì phải dịch là “Nhìn rõ phía Nam của trời”, ý tứ là trời của họ, chứ không phải trời Việt Nam.
Lý Tế Thâm cũng gửi một bức trướng mừng, đề bốn câu thơ:
Trung - Việt dân tộc,
Thuần xỉ quan thiết.
Tiền sỉ đồ tồn,
Duy thiết dữ huyết.
Bài thơ này, tôi đã dịch thành tiếng Việt và viết luôn vào phía dưới bài thơ chữ Hán. Dịch như sau:
Hai dân tộc Trung - Việt,
Như môi răng quan thiết.
Rửa thẹn, mưu sống còn,
Chỉ có sắt và huyết.

Ngoài ra, còn một bức trướng mừng của Hội phản xâm lược đồng minh Triều Tiên được bọn Quốc dân đảng Trung Quốc nặn ra ở Quế Lâm, do một “Trương Bội Công Triều Tiên” là Lý Nhược Sơn nắm.
Sau khi Đại hội họp xong, Bác kế hoạch cho đưa những thứ này về triển lãm lưu động ở một số nơi trong tỉnh Cao Bằng để gây ảnh hưởng, và tuyên truyền cách mạng ta được “Đồng minh” giúp.
Mục đích ta tham gia tổ chức Hội giải phóng này cốt để hợp pháp hóa những hoạt động của chúng ta ở nước ngoài, và cũng để tranh thủ sự viện trợ ở ngoài về vật chất cũng như về tinh thần được chừng nào hay chừng ấy, nhưng Việt Nam độc lập đồng minh hội vẫn là một tổ chức hoàn toàn độc lập.
Việc thành lập Hội giải phóng theo đề nghị của chúng ta lần này, về chính trị cũng như về thành phần cơ cấu “lãnh đạo”, chúng ta đã chiếm ưu thế tuyệt đối, và có thể nói chúng ta nắm sự chi phối hoàn toàn. Nhưng như vậy, thì cái Hội giải phóng đó có thể coi là một tổ chức lãnh đạo cách mạng được không? Không! Đây chỉ là một cơ cấu chính trị do Quốc dân đảng Trung Quốc và tay sai của chúng định lập ra để phục vụ cho mục đích đen tối, mà chúng ta đã đấu tranh uốn nắn nó thành ra một thứ công cụ có thể dùng để làm lợi cho cách mạng của ta. Về điểm này, ngay bản thân chúng tôi lúc đầu cũng chưa thấm nhuần hết, nên khi Hội thành lập xong, chúng tôi đã xuất bản một tờ báo nhỏ lấy tên là Giải phóng. In xong đưa về nước mấy số, Bác xem rồi phê phán và giải thích: Việc lãnh đạo cách mạng là do Đảng ở trong nước, chứ không phải là Hội giải phóng. Ra báo thế này sẽ làm cho quần chúng hiểu lầm. Cần đình chỉ, không ra nữa. Những số đã in ra rồi thì chỉ để mấy tờ gửi cho một số cơ quan của Trung Quốc, còn nữa phải đốt hết, tuyệt đối không được phát cho quần chúng. Việc này tuy cũng bình thường và đã qua đi lâu rồi, nhưng tôi muốn nhắc lại để thấy rõ cái ý nghĩa chiến lược và sách lược của chúng ta do Bác Hồ trực tiếp chỉ đạo trong lúc đó.

*

Trong khi chuẩn bị cho Đại hội thành lập Hội giải phóng, chúng ta [5] đã yêu cầu đương cục Trung Quốc giúp huấn luyện cho một số cán bộ quân sự [6] và một số cán bộ về môn bộc phá. Đương cục Trung Quốc đã đáp ứng yêu cầu đó với sự tính toán bẩn thỉu là sẽ nhồi sọ cán bộ ta, để từ nội bộ ta chúng nặn ra một số tay sai đắc lực.
Sau khi Hội giải phóng thành lập, cán bộ Việt Minh từ Cao Bằng, Lạng Sơn, Thái Nguyên và một ít ở dưới xuôi lục tục kéo ra để dự các lớp huấn luyện. Lớp bộc phá có mười hai người được tổ chức ngay tại Tịnh Tây, bên hồ Đại Long Đàm, gần Chỉ huy sở của Trần Bảo Thương, chỉ huấn luyện độ hai mươi ngày rồi phái về nước công tác. Còn lớp quân sự, có độ sáu mươi người, thì họ bảo tập trung ở Biển Đông với lý do ở Tịnh Tây không có điều kiện vật chất, nhưng thật ra thì họ muốn đưa anh em đi xa để dễ bề khống chế. Khi anh em còn ở Biển Đông, chúng ta đề cử anh Lê Thiết Hùng làm phụ trách, sau họ tìm cách gạt đi, đưa người của họ vào thay, ngăn cản không cho anh em liên lạc với chúng tôi, đồng thời đưa anh em đi Nam Ninh, xa Tịnh Tây hơn, và cứ chần chừ mãi cho đến khoảng cuối năm 1941, mới bắt đầu mở lớp huấn luyện. Trong quá trình huấn luyện họ đã dùng trăm phương nghìn kế để phân hoá và lôi kéo anh em, nhưng kết quả họ đã không lôi kéo được ai, vì anh em biết đoàn kết, đấu tranh, quyết không để một người nào sa ngã thành tay sai của họ.
Đi đôi với âm mưu huấn luyện, họ còn có âm mưu muốn tìm hiểu lực lượng của chúng ta sâu hơn nữa. Trương Phát Khuê yêu cầu chúng ta cho một người sĩ quan họ Lục cấp thượng tá [7] vào Việt Nam để quan sát. Bác chỉ thị cứ đồng ý cho vào. Đến Việt Nam, Lục thượng hiệu đã được đi qua những núi cao, rừng rậm, những suối nhỏ, hồ sâu, đã đến nhiều làng bản, đã luôn luôn gặp đội vũ trang của ta, đã đi vòng quanh những trạm gác và đồn lính của địch, và đã nếm cái cảnh vắt cắn. Ban ngày chỉ được ở trong nhà quần chúng hoặc ở trong hang núi, ban đêm mới được đi, đi rất mệt, rất khổ và nhiều lúc rất nguy hiểm; nhưng đến đâu ông ta cũng được quần chúng trai, gái, già, trẻ của các dân tộc Thổ, Mán, Nùng, Kinh hoan nghênh và tiếp đãi rất hậu, với danh nghĩa là tiếp đãi “Bạn đồng minh”. Kế hoạch hướng dẫn đi quan sát và sự tiếp đãi đều do Bác trực tiếp vạch ra và chỉ đạo thực hiện tỉ mỉ.
Quan sát xong, về đến Tịnh Tây, Lục thượng hiệu viết một bản báo cáo dài năm mươi tờ [8] trình Trương Phát Khuê với kết luận: Hơn tám mươi phần trăm nhân dân ở mấy tỉnh mà ông ta đã thị sát [9] đều theo Việt Minh, nên Trung Quốc muốn làm gì ở Việt Nam có hiệu quả, nhất định phải liên hệ với Việt Minh mới được. Có nhiên báo cáo của ông ta có nhiều chỗ thổi phồng lên để khoe công, nhưng cái kết luận như thế lại là một thực tế.

*

Một việc buồn cười, là Hội giải phóng vừa thành lập xong thì Trương Bội Công chuồn đi Bình Mãnh ngay, và chỉ mấy hôm sau đó, khi nội bộ chúng ta đang liên hoan với nhau thì Trương Bội Công bị bắt ở Bình Mãnh, với cái tội danh là dính vào việc buôn lậu. Đúng, Trương có làm cái nghề buôn lậu thật, một số học trò quân sự của y đóng quân ở biên giới đã thông đồng với y chuyển hàng lậu từ Việt Nam về Trung Quốc, đồng thời chuyển vật tư chiến tranh từ Trung Quốc sang cho Nhật và Pháp ở Việt Nam. Nhưng nguyên nhân chủ yếu không phải ở chỗ đó, mà là vấn đề chính trị.
Nguyên Trương Bội Công từ khi được Quốc dân đảng Trung Quốc dùng đến nay đã liên tiếp vấp phải nhiều thất bại: Việc thứ nhất là khi ở Liễu Châu chúng tôi đòi phải rút tên khỏi danh sách đội công tác của ông ta. Việc thứ hai là lớp học sinh hơn bốn mươi người ở Tịnh Tây bỏ về nước và viết thư tố cáo. Việc thứ ba là từ khi đến Tịnh Tây ông ta không đưa được một người nào từ trong nước ra và một người nào từ nước ngoài về, trái lại Việt Minh thì nào là cán bộ, nào là học sinh, hầu như lúc nào cũng có người qua lại. Và việc thất bại lớn nhất là trong việc thành lập Hội giải phóng lần này, đọ sức với Việt Minh, ông ta đã tỏ ra là hoàn toàn vô dụng.
Ngoài ra, còn một việc nữa cũng dính đến chính trị là việc bán “uỷ nhiệm trạng” [10] cho một số Hoa kiều mong sau này “Quốc quân” đến thì đã có chức tước sẵn, sẽ được hưởng nhiều quyền lợi. Việc bán uỷ nhiệm trạng này làm cho Chính phủ Pháp phải chính thức phản kháng ở Trùng Khánh đòi Chính phủ Trung Quốc phải xử lý. Đây là cái cớ trực tiếp mà Tưởng Giới Thạch phải hạ lệnh cho Trương Phát Khuê bắt Trương Bội Công. Bắt Trương Bội Công cố nhiên là một hình thức giáo dục để làm cho y sau này trở thành một tay sai ngoan ngoãn hơn. Nhưng cũng có ý nghĩa nữa là ra oai cho người khác biết rằng, quyền trong tay họ, họ muốn bắt ai lúc nào cũng được.

*

Sau khi Trương Bội Công bị bắt, nhóm người bộ hạ của y dần dần phân tán đi, đặt dưới quyền điều khiển trực tiếp của Chỉ huy sở. Mọi hoạt động cách mạng ở Tịnh Tây hầu như đều do nhóm Việt Minh nắm cả.
Tháng 5 năm 1941, Trung ương họp Hội nghị lần thứ tám ở Pác Pó, tôi được gọi về tham dự. Nhưng trong quá trình Hội nghị, tôi thường phải chạy đi chạy lại giữa Pác Pó với bên kia biên giới để bố trí việc cảnh giới từ hướng Bắc, bảo đảm an toàn cho Hội nghị [11] . Vì vậy, tôi chỉ tham dự Hội nghị một số buổi.
Về chủ trương đường lối mà Hội nghị vạch ra đều đã ghi rõ trong văn kiện của Đảng. Ở đây, tôi chỉ kể lại một vài việc mà trong lúc đó tôi có ấn tượng rất sâu:
- Trong hội nghị, theo ý kiến của Bác, Trung ương đã quyết định đổi tên Mặt trận phản đế Đông Dương thành Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh, gọi tắt là Việt Minh. Như vậy, tổ chức Việt Minh mà chúng tôi sử dụng ở Trung Quốc hồi đầu năm 1963 như một sách lược đối phó với hoàn cảnh để hoạt động hợp pháp, thì từ cuối năm 1940, qua sự chỉ đạo của Bác, đã có những hoạt động thực sự, và nay đã trở thành một mặt trận rộng rãi, tập hợp quần chúng đông đảo của các hội cứu quốc, thực hiện đường lối chiến lược “liên minh tất cả các lực lượng giai cấp, đảng phái, các nhóm cách mạng cứu nước, các tôn giáo để chống Pháp, Nhật”, như nghị quyết Trung ương đã xác định.
- Trong Hội nghị, các đồng chí đề nghị Bác làm Tổng bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng để trực tiếp lãnh đạo cách mạng cả nước, nhưng Bác đã kiên quyết từ chối, và đề nghị cứ để đồng chí Trường Chinh, người đã từng lãnh đạo công tác Đảng trong nước, đảm nhiệm chức vụ Tổng bí thư của Đảng. Tuy vậy, đồng chí Trường Chinh cũng như toàn thể Trung ương vẫn coi Bác là bậc thầy, vẫn dành cho Bác quyền lãnh đạo cao nhất.
Hội nghị Trung ương xong, các anh Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt về xuôi hoạt động. Vì đường đi từ Pác Pó về xuôi bị địch kiểm soát gắt quá, nên phải vượt biên giới sang Trung Quốc, đi vòng qua Long Châu, rồi về lối Thất Khê, Lạng Sơn. Anh Cao Hồng Lĩnh tổ chức chuyến đi này. Khi qua các trạm gác của Quốc dân đảng Trung Quốc, anh Lĩnh cứ dùng giấy đi đường “Hoa Nam công tác đoàn” do Lý Tế Thâm cấp cho chúng tôi trước đây, nên khi gặp rắc rối đã giải quyết được trót lọt, không xảy ra việc gì đáng tiếc.
Về phần tôi, sau Hội nghị Trung ương, tôi cũng đi Long Châu để xếp đặt công việc ở đó, đặc biệt là việc thành lập Biện sự xứ Việt Minh ở Long Châu và giới thiệu anh Cao Hồng Lĩnh làm Chủ nhiệm Biện sự xứ.
Cũng trong thời gian này, tôi đã gặp các anh Hoàng Văn Kiểu, Bế Chấn Hưng từ Lạng Sơn chạy ra, tôi đã phổ biến chương trình và phương pháp hoạt động của Việt Minh, phái các anh về củng cố cơ sở ở vùng Hội Hoan và các vùng gần biên giới Việt – Trung. Đó là một công việc có liên quan đến công tác Nam tiến sau này nhằm đánh thông đường Cao Bằng - Lạng Sơn xuống Thái Nguyên.

*

Mọi công tác của Việt Minh đều phát triển thuận lợi. Nhưng không phải là thuận lợi cho mưu đồ xấu xa của Quốc dân đảng Trung Quốc, càng không phải là thuận lợi cho việc Hoa quân nhập Việt. Về điều này đương cục Trung Quốc hiểu rất rõ, đặc biệt là Trần Bảo Thương, người trực tiếp phụ trách Chỉ huy sở Tịnh Tây lại càng rõ hơn ai, và càng có trách nhiệm phải tích cực đối phó.
Nếu trước kia ông ta đặt hy vọng vào Trương Bội Công, thì bây giờ Trương đã bị bắt, ông ta đặt hy vọng vào Nguyễn Hải Thần và Trần Báo, những người cũng có danh nghĩa là “phụ trách” của Việt Minh và là người mà ông ta nhận thấy có thể tin cậy.
Thời gian trước và sau khi lập Hội giải phóng, Trần Bảo Thương định dùng thủ đoạn lung lạc, nên đối với chúng tôi có vẻ rất trịnh trọng và rất tốt. Cứ thường thường mời chúng tôi đến ăn cơm, một vài tuần lại mời chúng tôi đến nói chuyện về tình hình Việt Minh cho nhân viên Chỉ huy sở và một số cơ quan hữu quan nghe. Khi chúng tôi đến nói chuyện, Trần Bảo Thương thường chạy ra cửa đón bắt tay, và mọi người đều đứng dậy chào rồi mời ngồi xuống như một lớp học chào thầy giáo rồi mới nghe giảng.
Có lần ông ta còn ngỏ ý muốn ủy nhiệm tôi làm thượng tá để “dễ bề liên lạc”. Nhưng chúng tôi đã biết đây là một thủ đoạn nhằm biến mình ra thành người bộ hạ của họ, để họ dễ sai khiến, nên chúng tôi đã báo cáo với Bác, và cự tuyệt không nhận. Nhưng cũng trong thời gian này, Nguyễn Hải Thần lại gọi cháu gái và cháu rể về Tịnh Tây chạy chọt xin việc làm ở Chỉ huy sở; chúng tôi giải thích và nghiêm nghị nói dứt khoát là không nên làm như thế, Nguyễn Hải Thần vẫn bí mật đi lại Chỉ huy sở nài xin.
Mục đích của Nguyễn Hải Thần đi với chúng ta là cốt để có địa vị, có danh vọng và lợi lộc riêng, nhưng trong quá trình gần gũi, ông ta thấy chúng ta chỉ là những người cách mạng, không vì danh lợi, và cũng không giúp gì cho ông ta. Thêm vào đó lại có Trần Báo là một tên phản Đảng, hàng ngày to nhỏ mách nước cho ông ta cùng tìm cách đẩy chúng tôi đi chỗ khác để chúng có thể choán được vị trí chi phối. Chúng đã báo cho Trần Bảo Thương biết chúng tôi là cộng sản, và bịa đặt ra chứng cớ để xác minh điều chúng báo cáo. Cho nên sau khi Hội giải phóng được thành lập chỉ mấy tháng thì Trần Bảo Thương tỏ vẻ lạnh nhạt với chúng tôi, có khi nói thẳng ra rằng chúng tôi là cộng sản. Và một việc rất láo xược là Dương Kế Vinh đã trắng trợn nêu ý kiến đòi anh Phạm Văn Đồng và anh Võ Nguyên Giáp phải đi Trùng Khánh học Tam dân chủ nghĩa! Những chuyển biến đó chúng tôi đều về Pác Pó báo cáo với Bác. Sau khi nghe báo cáo và nghiên cứu đầy đủ, Bác chủ trương các anh Đồng, Giáp, Lê Thiết Hùng, Cao Hồng Lĩnh và một số người khác đều về nước; còn tôi thì ở lại với nhiệm vụ duy trì cứ điểm Tịnh Tây, và hòa hoãn được Nguyễn Hải Thần chừng nào hay chừng ấy. Cụ Lê Nhuận Chi, anh Phạm Việt Tử, anh Mã Thành Kính cũng ở lại Tịnh Tây với tôi.
Việc đại bộ phận các đồng chí ta kéo về nước đã làm cho Nguyễn Hải Thần hí hửng, càng tỏ ra đối lập. Còn Trần Bảo Thương thì hết sức bực tức, bất kể có chuyện gì đều to nhỏ với Nguyễn Hải Thần và Trần Báo, ông ta chẳng những không vồn vã với tôi như trước, mà còn hết sức tránh không gặp. Tôi về Pác Pó báo cáo, Bác chủ trương hãy cứ cố gắng duy trì thêm nữa, Trung ương sẽ bố trí người gặp Nguyễn Hải Thần để thuyết phục, may ra có thể giữ ông ta lại được. Nhưng lần này, tôi trở lại Tịnh Tây thì Nguyễn Hải Thần lại càng găng. Ông ta đã kéo cụ Lê Nhuận Chi, anh Phạm Việt Tử, anh Mã Thành Kính đi ăn ở một chỗ khác ngoài trụ sở của Việt Minh trước kia, để cô lập tôi về mặt chính trị và làm khó khăn về mặt kinh tế. Đồng thời ông ta báo cáo với Trần Bảo Thương là Việt Minh có âm mưu ám sát ông ta.
Cuối năm 1941, tôi lại về Pác Pó báo cáo, Bác nói: Tình hình Tịnh Tây như vậy là tôi có thể sắp xếp về nước công tác, nhưng hãy đến Bình Mãnh tìm cách báo cáo cho Trần Bảo Thương biết là mình về nước, để khỏi mang tiếng “chạy trốn”, rồi sẽ về. Chuẩn bị xong, đồng chí Đàm Minh Viễn đưa tôi ra Bình Mãnh ở nhà Lương Tĩnh Sơn, Chủ nhiệm Biện sự xứ của Chỉ huy sở Bình Mãnh. Lương là một người thường tỏ vẻ tiến bộ, hay trao đổi ý kiến về cuộc kháng chiến Trung Quốc, về tình hình quốc tế với chúng tôi, thường hay gặp các đồng chí Lê Quảng Ba, Hoàng Sâm, Đàm Minh Viễn, và tỏ vẻ đồng tình với cách mạng Việt Nam. Nhưng ở nhà Lương Tĩnh Sơn chỉ một buổi tối, thì sáng hôm sau tôi bị bắt ở đó.

V. Bị bắt ở Bình Mãnh
Việc tôi bị bắt ở nhà Lương Tĩnh Sơn là một việc có lai lịch. Lương Tĩnh Sơn vốn là một anh tư sản nhỏ kiêm địa chủ ở Bình Mãnh, được Trần Bảo Thương ủy nhiệm làm chuyên viên ở Bình Mãnh với chức thiếu tá. Hắn thường đi lại Tịnh Tây để báo cáo công việc với Chỉ huy sở, và thường gặp chúng tôi, tỏ ra là một người thân thiện, đôi khi đưa những sách báo tiến bộ cho chúng tôi xem, hoặc cho chúng tôi biết những tin tức có tính chất “nội bộ”. Đồng thời ở Bình Mãnh, mỗi lúc có anh Lê Quảng Ba, Đàm Minh Viễn, Hoàng Sâm đến đó vẫn thường ở nhà hắn. Lần này từ Pác Pó về nhà hắn, tôi liền nhờ hắn gọi điện thoại báo cho Trần Bảo Thương biết là tôi hiện đang ở Bình Mãnh, nhưng hắn nói quanh co không chịu điện thoại, tôi đã có ý nghi ngờ nhưng vẫn tỏ vẻ bình tĩnh như không có ý nghĩ gì.
Tối hôm ấy, hắn cưới vợ lẽ, tôi còn bỏ ra mấy đồng bạc để mua pháo mừng hắn. Trong lễ kết hôn, hắn mời tôi ăn cơm với Đường Ngạn, một tay thổ phỉ nổi tiếng ở địa phương được Trần Bảo Thương phong chức tham nghị với cấp thượng tá. Cùng ăn cơm còn có anh hương trưởng và anh giáo viên ở Bình Mãnh. Có thể nói đó là một mâm cỗ thết những người thượng khách mà Lương Tĩnh Sơn là người chủ ngồi tiếp đãi từ đầu đến cuối. Tiệc vui xong, tôi nghỉ ngay ở nhà khách của hắn. Sáng sớm, tôi còn ngủ, hắn đã đến bên cạnh giường lay tôi và nói: Đồng chí Lý! Hương trưởng muốn mời đồng chí. Bừng mắt dậy thì thấy bốn anh lính dõng có đeo súng pạc-hoọc đã đứng bên cạnh giục tôi mặc áo đi qua hương công sở ngay.
Đến hương công sở, chúng chẳng nói chẳng rằng, bắt tôi cùm lại ở bên chái nhà, rồi bỏ đi. Sau hai tiếng đồng hồ, thấy anh giáo viên đi qua, tôi gọi anh ta nhờ đi nói với Lương Tĩnh Sơn rằng tôi muốn gặp. Anh giáo viên cũng chỉ ì è một vài câu, rồi bỏ đi. Khoảng mười giờ, Lương Tĩnh Sơn cho người nhà mang cơm đến, tôi từ chối không ăn. Độ khoảng mười một giờ, Đường Ngạn đến thấy tôi bị cùm tỏ vẻ sửng sốt và bực tức, hắn gọi bọn lính dõng đến mắng: Chúng mày không biết đồng chí Lý là một người cách mạng Việt Nam hay sao? Dù trên có lệnh giữ đồng chí ấy, chúng mày cũng phải đối xử một cách lễ phép. Ở đây, chúng mày có đông người, có vũ trang, đồng chí ấy còn chạy đi đâu và còn kháng cự gì được mà chúng mày đối xử một cách dã man như thế! Chúng mày phải mở cùm cho đồng chí ấy ngay!
Bọn lính dõng mở cùm xong, Đường Ngạn liền mời tôi cùng ngồi ở bàn nói chuyện. Hắn nói: Không hiểu ở trên Chỉ huy sở hay ở trên Trung ương hiểu lầm đồng chí như thế nào, nhưng bọn nhãi con ở đây đã vô lễ với đồng chí, xin đồng chí đừng chấp. Bây giờ, hương công sở theo lệnh trên sẽ giải đồng chí đi huyện Trấn Biên, phải đi đường hơn ba ngày và qua ba hương công sở, tôi sẽ gọi điện cho các hương công sở ở địa phương dọc đường chiếu cố đồng chí. Còn bây giờ ra đi, tôi sẽ cho một người đi hộ tống để bọn nhãi con không dám làm bậy. Nói xong hắn bảo bọn lính dõng ra phố đặt một bát phở ngon đưa về mời tôi ăn.
Nghe nói và thấy cử chỉ của Đường Ngạn như thế, tôi hiểu rằng đây chỉ là một tấn kịch có bố trí, chứ Lương Tĩnh Sơn, hương trưởng, thầy giáo hay Đường Ngạn cũng chỉ là một đồng một cốt mà thôi. Ăn phở xong, bốn tên lính dõng có mang súng và mang theo một cuộn thừng, giục tôi lên đường. Đường Ngạn liền gọi ngay anh cán bộ của hắn mang một khẩu pạc-hoọc cùng đi với tôi và bốn anh lính dõng. Đi đường, bụng bảo dạ rằng chuyến này thế nào chúng cũng giết ngầm mình ở dọc đường, vì trước đây đã nghe chuyện anh Vi Nam Bào, một người Việt Nam ở Long Châu cũng bị chúng giải đi và giết ngầm ở dọc đường. Nghĩ vậy, nên mỗi lúc đi qua khoảng rừng rậm hễ thấy có lối đường mòn rẽ về một bên, thì đã chờ đợi việc chúng đưa vào đường rẽ để bắn chết. Nhưng sau nhiều lần đi qua quãng rừng rậm đều không thấy xảy ra việc gì, nên tôi có phần yên tâm. Gần tối, đến một hương công sở thì thấy anh hương trưởng từ trong chạy ra, gọi thẳng tên tôi là đồng chí Lý, rồi mời vào công sở. Xem giấy má và ký nhận xong thì bốn anh lính dõng và anh cán bộ của Đường Ngạn ở Bình Mãnh chào hương trưởng, rồi đi chỗ khác, còn hương trưởng vẫn ngồi nói chuyện với tôi. Một hồi, cơm trong nhà bưng ra có rượu thịt tử tế. Ông ta cùng ngồi ăn với tôi và khuyên đừng ngại, chắc có sự hiểu lầm gì đây, đến huyện sẽ được giải quyết thôi. Đêm hôm ấy, tôi được xếp ngủ ở trong phòng làm việc của hương trưởng, có chăn màn tử tế, và cũng có mấy người lính gác, nhưng chỉ đốt lửa ngồi sưởi ở phòng bên ngoài.
Ngày hôm sau, hương trưởng này cho hai anh lính dõng giải tiếp đi, một mặt gọi điện thoại cho hương trưởng sắp tới, nói Đường tham nghị [12] dặn phải chiếu cố đồng chí Lý, không được ngược đãi. Buổi chiều đến hương thứ hai, thấy anh hương trưởng này cũng vẫn đối đãi tử tế. Và đến hương thứ ba cũng vậy. Đường Ngạn là một anh thổ phỉ sao lại đối đãi với mình tốt như thế? Lúc đó cứ nghĩ rằng hắn là thổ phỉ nhưng vẫn có một chút khí phách giang hồ; sau nghĩ kỹ thì thấy rằng đây có lẽ là một sự bố trí của Trần Bảo Thương để hòng sau này còn có thể mua chuộc mình được.
Khi gần đến huyện Trấn Biên, tôi lấy tờ danh thiếp mang tên Lý Quang Hoa và chức vụ Uỷ viên Trung ương Ban Chấp hành của Hội giải phóng Việt Nam, viết sẵn mấy hàng chữ ở mặt sau nói muốn được gặp mặt huyện trưởng để trình bày.
Nguyên ông huyện trưởng này trước kia đã đến Tịnh Tây nhiều lần, có lần cùng ăn cơm với chúng tôi trong bữa tiệc do chuyên viên khu Thiên Bảo chiêu đãi. Ông này có cảm tình với cách mạng Việt Nam và rất khâm phục Nguyễn Hải Thần. Khi đến huyện, tôi đưa ngay tấm danh thiếp cho người truyền đạt nhờ trình bày với huyện trưởng đang đứng làm lễ hạ cờ ở gần cổng huyện. Ông ta nhận được danh thiếp liền đến gặp tôi và đi thẳng vào phòng thu phát hỏi lấy công văn, rồi đưa tôi lên công đường, vào phòng riêng cùng ngồi.
Trước khi đi vào câu chuyện, ông ta giở công văn ra xem, tôi ngồi trước mặt trông thoáng qua đoạn đầu, thì ra chính Lương Tĩnh Sơn đã báo cho Trần Bảo Thương và Trần Bảo Thương mệnh lệnh cho y nói với hương trưởng ở Bình Mãnh hợp đồng bắt tôi giải lên huyện. Xem công văn xong, ông ta nói: Theo tinh thần trong giấy tờ thì có lẽ người ta nghi cho anh có quan hệ với địch? Tôi đã biết rằng việc bị bắt là do Nguyễn Hải Thần, mà huyện trưởng này rất phục Nguyễn Hải Thần, nếu sau này ông ta biết rõ Nguyễn Hải Thần đề nghị bắt, thì có lẽ ông ta cũng cho mình là người không tốt. Vì vậy, tôi đã kiếm lời đón trước với ông ta: Tôi lần này bị bắt chắc không phải là chuyện gì hiềm nghi, mà chính là vì trong nội bộ chúng tôi có hai ý kiến khác nhau về chủ trương cách mạng: Một ý kiến cho rằng cách mạng Việt Nam thì phải dựa vào lực lượng Việt Nam là chính, mà lực lượng đó là cơ sở quần chúng Việt Nam; một ý kiến cho rằng cách mạng Việt Nam trong lúc này không cần tổ chức quần chúng mà chỉ nhờ vào việc Hoa quân nhập Việt là có thể giải quyết. Tôi là người chủ trương theo ý kiến trên. Có lẽ vì thế mà người ta muốn gây khó dễ cho tôi. Tôi đề nghị ông cứ đưa tôi về Tịnh Tây gặp chủ nhiệm Trần Bảo Thương thì mọi việc sẽ rõ ràng. Huyện trưởng nghe xong, ngẫm nghĩ một chút, rồi nói: Việc nội bộ của các anh chúng tôi không hiểu nhưng tôi đã quen biết anh, tôi sẽ hết sức giúp anh trong phạm vi quyền hạn của tôi. Nói xong, ông ta gọi người giám ngục đến dặn rằng: Đồng chí Lý là một người cách mạng Việt Nam, không biết vì sự hiểu lầm gì mà ở trên giao chúng ta tạm giữ, vậy anh đưa đồng chí Lý xuống dưới trại cùng với anh, và đối đãi tử tế, để chờ chỉ thị.
Tôi tỏ lời cảm ơn huyện trưởng, rồi cùng đi xuống chỗ anh giám ngục, cùng ở chung một phòng và cùng ăn cơm với anh ta, chứ không bị nhốt vào nhà giam như các tù phạm khác. Sau đó khoảng độ hai mươi ngày, huyện trưởng gọi tôi lên huyện đường với sắc mặt vui mừng và nói: Việc anh đã được giải quyết, chúng tôi đã nhận được chỉ thị của Chủ nhiệm Trần Bảo Thương bảo đưa anh về Tịnh Tây. Ngay lúc đó, cảnh sát trưởng ở huyện được gọi đến giao nhiệm vụ chuẩn bị ngày mai đưa tôi lên đường. Lần này từ Trấn Biên đi Tịnh Tây, tuy cũng là một người bị giải đi, có cảnh sát trưởng và bốn người cảnh sát cùng đi theo, nhưng đi đường họ đối xử rất tử tế, không có vẻ đối xử như một người tù. Đi đường bốn hôm đến Tịnh Tây, anh cảnh sát trưởng đưa tôi vào Chỉ huy sở làm thủ tục giao người xong thì xin ra về. Khi rời Chỉ huy sở, anh ta còn chào tôi theo lối nhà binh và nói sau này mong có dịp gặp nhau.

*

Từ Trần Biên đến Tịnh Tây vào khoảng đầu năm 1942. Chỉ huy sở nơi mà mình được giải đến chính là nơi trước kia thường được mời đến ăn tiệc và báo cáo tình hình Việt Nam. Ông Khoa trưởng, người phụ trách mình lại là người trước kia đã thường đưa đón mình và nghe mình báo cáo, nên đối với mình vẫn khách khí, ông ta nói: Hiện nay Chủ nhiệm còn đi Liễu Châu độ vài ba tuần nữa mới về, đồng chí cứ ở đây với chúng tôi, có việc gì Chủ nhiệm về sẽ giải quyết. Thế là tôi được xếp ở trong một cái phòng gần chỗ ông ta làm việc, ăn cơm ngay ở Chỉ huy sở và có một người lính cần vụ giúp đỡ những việc cần.
Mấy hôm đầu tôi còn dè dặt không đi ra ngoài, nhưng dần dần thấy bình thường nên thử đi ra ngoài cơ quan dạo chơi xem, luôn dăm bảy ngày như thế mà vẫn không thấy ai chú ý gì cả. Một hôm tôi nói với anh cần vụ là tôi sẽ đi ra phố, không thấy anh ta phản ứng gì và cũng không thấy báo cáo với người phụ trách. Tôi liền đi ra cổng, rồi đi thẳng đến chỗ trụ sở cũ của mình, thì thấy nhà cửa vắng teo, chỉ có vợ chồng Vi Đức Minh ở đấy, hỏi ra mới biết Nguyễn Hải Thần và tất cả mọi người đều đã đưa nhau đi Liễu Châu, còn Vi Đức Minh nay là nhân viên của Chỉ huy sở nên vẫn ở lại. Sau đó đi dạo qua một lượt quanh tất cả các phố, thấy cảnh tượng đều như cũ, người qua lại tấp nập trên phố đều là người Trung Quốc, không ai hiểu mình là thế nào và có tâm tư gì.
Dạo phố xong, về đến Chỉ huy sở, tôi giở bức thư mà lúc nãy lấy ở chỗ Vi Đức Minh ra xem, thì ra là thư của anh Lê Tùng Sơn từ Côn Minh gửi đến. Nguyên từ khi rời Côn Minh cho đến nay, tôi cũng như anh Vũ Anh đều không liên hệ với anh em Côn Minh, nay xem thư thì mới biết anh Lê Tùng Sơn vẫn tiếp tục đấu tranh chống bọn Vũ Hồng Khanh, và nhờ sự giới thiệu của người bạn Trung Quốc, anh được biết tình hình và địa chỉ chúng tôi, nên mới viết thư tỏ ý muốn đến Tịnh Tây gặp nhau để bàn bạc công việc. Tôi liền viết thư trả lời nhanh, khuyên đấu tranh với Vũ Hồng Khanh cần phải có sách lược để duy trì cho được cơ sở ở đó; còn việc đi Tịnh Tây thì hiện nay chưa nên, vì anh em đã về nước hết, đi đến sẽ gặp khó khăn. Như thế là tôi đã gián tiếp báo tin và nói được ý kiến về công tác với anh em ở Côn Minh đã hơn một năm không có liên lạc.
Ở Chỉ huy sở được độ hai mươi hôm thì Chủ nhiệm Trần Bảo Thương ở Liễu Châu về. Sau khi nghỉ ngơi độ vài giờ, ông ta cho người mời tôi đến nói chuyện. Ông ta nói: Gần đây có sự hiểu lầm nhau nên đã làm phiền đến anh, bây giờ các đồng chí Việt Nam đã đi Liễu Châu hết, anh tính thế nào? Tôi trả lời ngay: Tôi cũng biết Chủ nhiệm đã hiểu tôi, nên mới bảo huyện trưởng Trấn Biên đưa tôi về đây, và trong thời gian ở đây, qua việc Khoa trưởng đối xử tốt, tôi đã biết là Chủ nhiệm không có ý nghĩ gì xấu đối với tôi. Tôi rất cảm ơn. Bây giờ các đồng chí Việt Nam không còn ai ở đây nữa, tôi đề nghị Chủ nhiệm cho tôi đi Liễu Châu gặp các đồng chí Việt Nam để bàn tính công việc. Ông ta vui vẻ trả lời: Được! Tôi sẽ giúp đỡ anh. Thế là ngày hôm sau có xe đi Liễu Châu, ông ta cho giấy giới thiệu lên gặp Bộ tư lệnh Quân khu bốn, tức là Bộ tư lệnh của Trương Phát Khuê. Đồng thời đưa cho một cái phong bì trong đó có năm trăm bạc làm lộ phí, và gọi người phó quan dặn dò đưa tôi lên xe cùng đi Liễu Châu. Nói cho đúng là đưa đi Liễu Châu để giám thị.
Cuộc đấu tranh mới lại tiếp tục, nhưng không phải chỉ đối phó với nhóm Trương Bội Công như trước kia, mà phải đối phó ngay với Nguyễn Hải Thần, Trần Báo, với nhóm Phục quốc và cả với chủ trương của Quốc dân đảng muốn lập Chính phủ bù nhìn Việt Nam để phục vụ việc Hoa quân nhập Việt.



[1]chức vụ của người chỉ huy đồn biên phòng có trách nhiệm làm việc giao thiệp với Pháp
[2]Lương Văn Ý là quan một hồi Pháp thuộc nên gọi là Một Ý
[3]tức Hoàng Lương
[4]Về tên người cụ thể có thể có chỗ chưa thật chính xác, sau này sẽ điều tra thêm
[5]Việt Minh
[6]theo ý Bác là cốt để có người lấy súng của chúng mang về
[7]gọi theo kiểu Trung Quốc là Lục thượng hiệu
[8]có đưa cho chúng tôi xem
[9]sự thật chỉ loanh quanh trong một số khu vực được chúng ta bố trí
[10]giấy uỷ nhiệm làm chức này, chức nọ
[11]Anh Chu Văn Tân chịu trách nhiệm cảnh giới từ hướng Nam, phía Lạng Sơn
[12]tức Đường Ngạn

<< P3 - Chương 4 & giai đoạn II | P3 - giai đoạn II chương 6 >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 600

Return to top