Sinh ra trong một gia đình nhà nho nghèo ở làng Quỳnh Đôi, tỉnh Nghệ An, tuổi trẻ của tôi không lấy gì làm hạnh phúc. Cha tôi quanh năm dạy học ở các tỉnh Bắc kỳ, chỉ đến Tết mới về với gia đình độ vài ba tuần rồi lại đi biền biệt. Mẹ tôi vay nợ lãi đi buôn gánh lụa, gánh lụa bán tận chợ Lứ, chợ Sy, chợ Hoàng Mai, cách làng mười mấy cây số, gà gáy ra đi, tối mịt mới về đến nhà. Nợ lãi rất nặng, cứ đầu năm vay một trăm quan, thì cuối năm phải trả một trăm ba mươi quan. Có những năm, ba mươi Tết chưa trả đủ nợ, mẹ phải tránh ra nhà ông ngoại, nhưng chủ nợ vẫn tìm đến nơi réo chửi. Lại thêm tập tục phong kiến, mẹ tôi là nạn nhân của cảnh mẹ chồng nàng dâu, không mấy hôm khỏi bị mắng chửi, hành hạ.
Cảnh nhà chẳng vui vẻ gì, nên khi tôi lên sáu tuổi, mẹ tôi đã gửi ở nhà ông ngoại để học chữ Hán. Bẩy, tám tuổi theo ông ngoại đi học ở các huyện Hoằng Hóa, Thọ Xuân; mười một tuổi theo ông dượng đi học ở huyện Thiệu Hóa; mười hai, mười ba tuổi theo ông bác đi học ở huyện Quảng Hóa. Các huyện kể trên đều thuộc tỉnh Thanh Hóa.
Thời gian học với ông bác, tôi đã bắt đầu có sự hiểu biết chút ít ngoài sách vở. Bác tôi làm hương sư, dạy cả chữ nho lẫn chữ quốc ngữ ở trường làng Hồ Nam, huyện Quảng Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Tôi học không lấy gì làm thông minh, chỉ được chút ưu điểm là viết chữ tốt và đọc sách rành mạch. Bác tôi thường bảo tôi đọc báo Trung Bắc tân văn và đôi khi đọc truyện Kiều cho bác tôi nghe. Bác tôi giỏi chữ Hán và học khá rộng, nhiều khi kể cho tôi nghe những câu chuyện về nước Nhật duy tân, đến nay tôi còn nhớ đôi mẩu như:
- Ở Nhật có người “phùng nhân tiễn tiếu”, gặp người là cười, cười cái hủ lậu của nước Nhật; lại có người “phùng nhân tiễn khốc”, gặp người là khóc, khóc cái lạc hậu của nước Nhật.
- Thanh niên nước Nhật nhiều người say sưa công cuộc duy tân, quyết làm cho nước giàu mạnh. Có một chàng thanh niên mê mải suy nghĩ việc duy tân, đến nỗi có lần anh ta cởi quần lội qua suối rồi cứ thế mà đi, quên cả mặc quần, đi đến nhà bạn mới sực nhớ ra.
- Ở Nhật có “Xung thiên thằng”, có “Tảo hải tuệ”. “Xung thiên thằng” nghĩa đen là dây chọc trời, có lẽ nói dây thép, dây điện. “Tảo hải tuệ” nghĩa đen là chối quét biển, có lẽ là nói tàu quét thủy lôi hay là tàu đánh cá.
Luôn sáu bảy năm trời, mẹ tôi cho tôi đi học xa như vậy điều cốt yếu là muốn cho con học thành người; nhưng cũng còn lý do nữa là để con khỏi phải chịu cái cảnh thiểu não của tuổi trẻ và cũng bớt được miệng ăn cho gia đình.
Năm tôi lên mười bốn tuổi, bà nội đã mất, nhà làm ăn cũng khá hơn trước, cha tôi nghỉ dạy học mấy năm để sắp xếp việc gia đình, đồng thời cho tôi ở nhà để kèm cặp cho tiếp tục học chữ Hán với cụ Hàn Tô, một người bác họ. Cụ Hàn là người nho học rất giỏi, nhưng đến khoa thi bị quan trường đánh hỏng chỉ vì không viết được chữ quốc ngữ, thứ chữ mà cụ cho là do bọn Tây bày đặt ra, không thèm học. Bị đánh hỏng, cụ khiếu nại đến tận kinh đô Huế, được các quan xét lại và lấy vớt, cho đỗ tú tài.
Thời cụ Hàn dạy học, chế độ khoa cử vẫn còn, nhưng đã có chỗ thay đổi. Học trò đi thi không phải thi làm thơ, phú bằng chữ Hán như trước, mà phải thi làm sớ, tấu, dụ và luận văn bằng chữ Hán, đồng thời còn phải làm luận văn bằng chữ quốc ngữ.
(Sớ hoặc tấu là những bài văn do các quan trong triều đình viết dâng lên nhà vua. Dụ là những bài văn của nhà vua viết để dạy bảo khuyên nhủ triều đình hoặc nhân dân. Luận văn là bài bình luận về một vấn đề nào đó do các quan chấm trường nêu ra). Nội dung các bài thi thường đề cập đến đề tài mới, cho nên người đi thi phải tìm đọc sách mới, chủ yếu là những sách bằng chữ Hán mà Trung Quốc xuất bản trong hồi đó. Trong một lớp học chữ Hán ở làng quê hẻo lánh như lớp của cụ Hàn Tô mà cũng thường có lúc bình những bài văn có một nội dung nói đến Lư–Thoa (Rousseau), Mạnh–Đức (Montesquieu), Bội-Căn (Bacon), Vực–Đa–Lợi-Á (Victoria), Đại–Bỉ-Bắc-Hoàng (Pierre le Grand), Nã–Phá–Luân (Napoléon), Hoa–Thịnh–Đốn (Washington) v.v… là những nhân vật đã làm nên sự nghiệp lớn, được coi là anh hùng của thời đại
. Tuy vậy, đối với những bài văn đó, thì thầy cũng như bạn thường chỉ tấm tắc khen về cách đặt câu tài, dùng chữ giỏi, điển tích mới, đối đáp chặt chẽ v.v… Vì vậy mà trong thời gian này, tuy có biết thêm một số kiến thức mới, nhưng tư tưởng tôi vẫn ngừng trệ trong khuôn khổ văn bài, thi cử mà thôi.
Năm 1918 là năm có khoa thi Hương cuối cùng, nhưng cụ Hàn còn bảo tôi cứ cố gắng học để khoa sau đi thi.
Sang năm 1919, nhân có khoa thi Hội cuối cùng, được biết chắc là không còn khoa cử nữa, thì cha tôi mới cho chuyển sang học trường Pháp - Việt.
Trường Pháp - Việt mở ở huyện lỵ cách làng tôi hơn ba cây số. Làng Quỳnh tuy nghèo, nhưng có truyền thống ham học, số học trò theo học trường Pháp - Việt huyện có tới gần bốn chục người. Nhiều gia đình nghèo mấy cũng cố cho con đi học, để nếu không đậu đạt thì cũng có ít nhiều chữ nghĩa, sau này đi dạy học, hoặc kiếm nghề làm ăn khác.
Thời gian tôi chuyển sang học trường Pháp - Việt, tư tưởng cũng vẫn là học để thi cử nhưng vì cách học đã đổi khác nhiều, không phải vùi đầu vào đống sách vở và văn bài, được nghỉ chủ nhật, được nghỉ hè, nên có thì giờ tiếp xúc với nhiều người trong làng, trong huyện và đã bắt đầu hiểu được ít nhiều về những câu chuyện thời thế.
Làng Quỳnh có nhiều người học giỏi, lại là một làng nghèo nổi tiếng, người đi kiếm ăn khắp bốn phương, vì vậy tuy ở cách thành phố lớn, cách thành phố Vinh 60 cây số, cách thị trấn Thanh Hóa 80 cây số, nhưng có mối liên hệ khá rộng rãi, tự nhiên thành một nơi rất nhậy tin tức và tập họp được nhiều chuyện đàng trong, đàng ngoài. Người ta thường hay bàn kháo những câu chuyện chống Pháp đã được khuếch đại và thần bí hóa, như chuyện Đội Quyên, Đội Phấn có phép tàng hình, hễ khi nào biết tin có địch đuổi theo thì múc một bát nước, bắc đôi đũa lên trên rồi niệm phù chú và bước qua bát nước là tránh được nạn. Những câu chuyện về Văn Thân, về Đề Thám, về Đông Kinh Nghĩa Thục cũng được người ta bàn kháo luôn.
Bản thân làng Quỳnh cũng là nơi có truyền thống đấu tranh cách mạng. Người ta thường kể đến chuyện ông Nho Quý bị chém, ông Địa bị giặc bắn trên bờ sông Dinh, và kể đến chuyện những người nông dân dũng cảm, như ông Cu Tào, bị lý trưởng bắt đi cáng quan huyện, ông ta nói thẳng với quan huyện: “Con từ nhỏ đến giờ không khiêng cáng cho ai, nay ông lý bắt cáng quan thì con phải làm, nhưng nhỡ đau vai chịu không nổi, có sinh việc gì thì xin quan tha tội”. Quan huyện sợ thằng này nó định quẳng mình chăng, liền bảo lý trưởng thay người khác.
Lại như ông Hồ Sỹ Đài không biết chữ, dám tự nguyện ra làm lý trưởng trong lúc làng khuyết lý trưởng mà không người nào dám ra làm. Ông làm lý trưởng hầu như tháng nào cũng bị quan huyện nọc ra đánh, bắt khai báo những người trong làng trốn theo “giặc”. Đánh bao nhiêu, ông cũng chỉ nói một câu: “Tôi không nuôi được họ, họ phải đi kiếm ăn, tôi không ngăn được và cũng không biết là họ đi đâu”. Khi làm lý trưởng cũng như khi thôi lý trưởng, ông vẫn là một người nông dân lao động.
Người ta cũng kể chuyện những ông cử thi đỗ rồi mà không chịu ra làm quan. Ông Hồ Khoan học giỏi nhưng đi thi để làm thuê bài lấy tiền, còn ông thì viết tháu bài cho quan trường đánh hỏng; ông Hường Hoàng đỗ Phó bảng, ra làm tri huyện, nhưng chống Tây nên bị cách chức v.v…
Đặc biệt là dân làng nói nhiều về gia đình cụ Hồ Bá Ôn, án sát tỉnh Nam Định, hy sinh năm 1883 trong trận chống Pháp giữ thành Nam Định. Con cả của cụ là Hồ Bá Kiện tham gia phong trào Văn Thân, bị đế quốc bắt giam rồi bắn chết ở Lao Bảo. Con thứ hai là Hồ Thúc Linh đậu cử nhân, cũng hưởng ứng phong trào chống Pháp, khi bị bắt, đế quốc đốt mâm thau lên để tra tấn, ông thản nhiên tự ngồi lên mâm thau nóng để tỏ gan dạ của mình. Em dâu cụ là bà Lụa, có thể coi là một nữ kiệt của làng Quỳnh Đôi. Bà thường đi lại từ Nghệ An ra Yên Thế chắp mối liên lạc giữa phong trào Nghệ - Tĩnh với Đề Thám. Nhiều lần gặp nguy hiểm, bà đều dùng mưu trí thoát tay địch. Đến khi bị sa lưới, quân thù tra tấn dã man, bà vẫn không khai. Mỗi lần sắp phải đòn, bà nhai một cục thuốc lào to, làm người say mềm. Tỉnh ra, bà chỉ kêu la: “Ông cha làm quan làm gì mà để tội cho con cháu thế này”. Bọn quan tra tấn bà nghe nói như chọc vào tim, đồng thời cũng không có chứng cớ gì để buộc tội, chúng đành phải thả bà, giao về địa phương quản thúc. Bà đã gửi con trai của mình là Hồ Học Lãm cho phong trào Đông du, đi theo cụ Phan Bội Châu qua Nhật, rồi sau về Trung Quốc. Cháu đích tôn của cụ là Hồ Bá Cự tức Hồ Tùng Mậu, năm 1919 xuất dương để hoạt động cứu nước, gây ảnh hưởng sâu sắc trong lớp thanh niên có chí khí của làng Quỳnh.
Ngoài những người trong tầng lớp học sinh, thầy giáo có tâm huyết và ý chí cách mạng rõ nét, những người Hán học ở làng Quỳnh cũng có những người khí thái. Trong khi giao du với họ, tôi thường được nghe nhiều bài thơ, câu đối có ý nghĩa, có khi được trao tay mượn về đọc các sách tiến bộ.
Về thơ văn, đến nay tôi còn nhớ một số bài, tuy có bài không biết rõ tác giả là ai, và cũng không biết có thật đúng nguyên văn không, nhưng lúc đó nghe được như thế nào thì bây giờ cứ ghi lại như thế:
- Thơ đầu xứ Thái đọc trước khi bị chém:
Ba hồi lệnh giục thằng cha kiếp,
Một nhát gươm đưa đéo mẹ đời.
Sống là tướng mạnh ba quân cậy,
Chết cũng thần thiêng một góc trời.
- Câu đối chửi Cao Ngọc Lệ:
Vô địa khả mai Cao Ngọc Lệ,
Hữu thiên bất tử Tống Duy Tân.
Tạm dịch:
Không đất để chôn Cao Ngọc Lệ,
Có trời chẳng chết Tống Duy Tân.
Tống Duy Tân đỗ Tiến sĩ, có tư tưởng chống Pháp. Cao Ngọc Lệ, học trò của Tống Duy Tân, đã mật báo những hoạt động cách mạng của Tống Duy Tân với Pháp, nên Tống Duy Tân đã bị xử chém.
Câu đối điếu người mẹ của bạn mới mất:
Toàn quốc vô Thái Tây chi nam, toại linh nữ kiệt
tiêu trầm, đáo tử bất lưu Tô-thái bút.
Đồng bào dĩ Việt nam vi mẫu, đương thử anh hùng
thống khốc, cư tang hợp trước Mã–ni y.
Tạm dịch:
Nam giới như Thái Tây là ai, để cho nữ kiệt
đắm chìm, đến chết không ghi sách Tô-thái
Đồng bào lấy Việt Nam làm mẹ, đương lúc anh hùng
gào khóc, ở tang nên mặc áo Mã-ni
“Thái Tây” chỉ các nước phương Tây, chủ yếu là các nước châu Âu. “Nam giới như Thái Tây là ai” ý nói ở phương Tây, nam giới tôn trọng phụ nữ, ở nước ta thì không như thế.
Tô-thái (Kossuth 1802 -1894) là một anh hùng dân tộc Hung-ga-ri. Trong tập hồi ký của mình, ông đã nói nhiều đến công ơn giáo dục của người mẹ. [2] .
- Câu đối mừng người bạn thi đỗ Đình nguyên:
Phụ giáp ư Hương, huynh ất ư Hội, quân hựu khôi ư
Đình, khoa hoạn nhất gia tư, bạch trú đối nhân,
quốc sủng quân ân đa nhược thị?
Phan thê ư Nhật, Đặng lưu ư hải, Ngô thượng tù ư
ngục, ky my thiên lý ngoại, hoàng thành hồi thủ,
cầm bào hoa hốt vị hà như?
Tạm dịch:
Cha là Thủ khoa, anh là Phó bảng, ngươi lại đỗ Đình
nguyên, khoa hoạn riêng một nhà, rạng mặt với người,
lộc nước ơn vua nhiều đến thế?
Phan qua Nhật Bản, Đặng đày Côn Lôn, Ngô vẫn ở tù
ngục, xích xiềng ngoài nghìn dặm, quay đầu về nước,
hốt hoa áo gấm nghĩ làm sao?
Câu đối này lấy ba nhà trí thức yêu nước là Thủ khoa Phan Bội Châu đang hoạt động ở Nhật, Phó bảng Đặng Nguyên Cẩn và Tiến sĩ Ngô Đức Kế đang bị giặc Pháp giam ở Côn Đảo, để khêu gợi lòng yêu nước của người mới thi đỗ.
- Câu đối khóc Nguyễn Thái Bạt:
Bạt là một người xuất dương vào hồi Đông du, sau về hàng Pháp. Bạt không thi Hương mà được Nam triều cho thi Hội, đỗ Hoàng giáp, rồi làm quan, được ít lâu thì Bạt chết. Khi còn bị giam, có người con gái hàng cơm thường đưa cơm cho y, sau được ra tù, rồi lấy nhau. Người ta đã đem những câu chuyện đó gói ghém trong câu đối rất có ý nhị như sau:
Xuất dã kỳ, tựu dã kỳ, đại tiểu đăng cánh kỳ,
khai mạc diễn thành bi hý kịch.
Tội bất tử, tù bất tử, phủ quý lai như tử,
cái quan nan định tạc kim bình.
Tạm dịch:
Ra cũng kỳ, về cũng kỳ, đại tiểu đăng càng kỳ [3] ,
tấn kịch buồn vui, sân khâu mở màn xem đã rõ.
Tội không chết, tù không chết, giàu sang đến mà chết,
lời bàn kim cổ, quan tài đậy nắp định chưa xong.
- Thơ Phan Chu Trinh chửi bọn quan trường:
Thế cục hối đầu dĩ nhất không,
Giang sơn vô lệ khốc anh hùng.
Vạn dân nô lệ cường quyền hạ,
Bát cổ [4] văn chương túy mộng trung.
Trường thử bách niên cam thóa mạ,
Bất tri hà nhật xuất lao lung?
Chư quân vị tất vô tâm huyết,
Bằng hướng tư thi độc nhất thông!
Tạm dịch:
Nhìn lại cuộc đời thấy trống không,
Giang sơn ráo lệ khóc anh hùng.
Muôn dân nô lệ dưới quyền mạnh,
Tám vế văn chương giữa giấc nồng.
Trọn kiếp đành cam người chửi mắng,
Bao giờ mới thoát cảnh chuồng lồng?
Các ngươi chưa chắc không tâm huyết,
Hãy đọc thơ này ắt hẳn thông!
Theo người truyền tụng, thì lúc đó Phan Chu Trinh đi thi, quan trường ra bài thơ đầu đề là “Chí thành thông thánh” nghĩa là “lòng chí thành có thể làm cho Thánh thông cảm”, lấy chữ “thông” làm vần. Phan Chu Trinh đã làm bài thơ trên để chửi chúng.
Ngoài những thơ văn khảng khái như thế, thời kỳ này còn có một số sách cấm của Phan Bội Châu và một vài cuốn của Lương Khải Siêu như
Trung Quốc hồn, của Khang Hữu Vi như
Biến pháp thông luận, v.v… thường được bí mật chuyển qua tay những người yêu nước đến nhà bà Lụa ở làng Quỳnh, mà tôi cũng được đọc; lúc đó tuy chưa hiểu sâu sắc gì, nhưng đã biết suy nghĩ rằng mình phải có một lý tưởng, phải làm gì để cứu nước, giúp đời; mà nhất là bài thơ Phan Chu Trinh chửi bọn quan trường đã làm cho tôi chán ghét việc học hành trong lúc bấy giờ. Học ở trường huyện tôi thấy không có ý nghĩa, chỉ mong sao học mau hết lớp để có dịp vùng vẫy, bay nhảy cao xa hơn.
[1]Claire L. Chennault (1890-1958) BT
[2]Hai chữ “Tô-thái” ở đây, trước kia trong bản gửi cho Phòng truyền thống xã Quỳnh Đôi và Ban nghiên cứu lịch sử Đảng Nghệ - Tĩnh đều viết là “Do-thái”, là không đúng. Nay sửa lại.[3]“Ra” là xuất dương,
“về” là đầu hàng,
“Đại đăng khoa” là thì đỗ,
“Tiểu đăng khoa” là lấy vợ.
[4]“Bát cổ” là một lối văn chương cũ của Trung Quốc.
“Bát cổ” có nghĩa đen là
“tám vế”.