Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Trung Hoa >> Tam Hạ Nam Đường

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 80934 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Tam Hạ Nam Đường
Khuyết Danh

Hồi Thứ Hai Mươi Bốn

Tử Hà Tiên truyền trói mười người ấy lại, rồi nói:
- Từ khi có giặc đến nay, các anh hùng hào kiệt vì vua bỏ mạng không biết bao nhiêu, còn các người chỉ là vợ dân, người tàn tật thì sinh mạng đáng giá bao nhiêu. Vả lại, sau này vua ban ơn trọng thưởng, còn ức hiếp điều gì.
Nói rồi truyền tả đao mổ bụng, song có hai người đàn bà chửa còn tiếp tục chửi rủa mà thôi.
Sau đó, thấy thân quyến các người ấy xông vào than khóc, vua Nam Đường đem bốn ngàn lượng bạc thế mạng cho bốn mươi người, nhưng chỉ cỏ hai mươi người tham của chịu lãnh, còn hai mươi người kia không chịu lãnh bạc, bỏ ra về, vừa khóc vừa mắng:
- Đồ yêu tinh! Làm việc bất nhân. Bệ hạ nỡ nào nghe lời mà hại kẻ vô tội.
Tử Hà Tiên truyền cắt hai mươi bộ đồ lòng của hai mươi người câm rồi đem lên đài cầm gươm phun nước làm phép. Giây lâu thấy trên mây bay xuống một vị thần là Nhị Lan Hiển Thánh, ba con mắt sáng lòa, mặc áo hồng bào, tay cầm gươm báu, dẫn Hạo Thiên Khuyển bay tới hỏi:
- Pháp sư mời ta có chuyện chi?
Tử Hà Tiên nói:
- Ta lập trận mà đánh Tống, mời Nhị Lan tôn thần xuống trấn phía Đông nếu tướng Tống vào đánh trận thì đừng cho ra.
Nhị Lan Hiển Thánh vâng lệnh đi liền.
Tử Hà Tiên đốt bùa niệm chú nữa, từ phía Tây có một vị thần giáng hạ, đầu đội mũ vua, mình mặc giáp, cầm cây hoá kích, ấy là Tháp Thiên Vương Lý Tịnh.
Lý Tịnh đáp xuống hỏi:
- Pháp sư triệu ta có việc chi?
Tử Hà Tiên nói:
Nay tôi lập trận âm dương chống lại nhà Tống. Xin nhờ tôn thần trấn thủ hướng Nam.
Lý Thiên Vương vâng lệnh.
Tử Hà Tiên lại đất bùa niệm chú thì trên mây có một vị thần cưởi xe xuống, hỏi:
- Chẳng hay pháp sư đòi Na Tra tôi xuống có chuyện chi?
Tử Hà Tiên nói:
- Tôi lấy làm phục tài phép của Tam Thái Tử, khi trước trợ Châu phạt Trụ, nay cũng rất mừng được nhờ Tam Thái Tử trấn cửa âm dương phía Bắc.
Na Tra lãnh lệnh ra đi.
Tử Hà Tiên lại niệm chú, đốt bùa thì có một vị thần cưởi ngựa hồng sa xuống, mặc áo giáp đỏ, chân mày dựng ngược, râu mọc ngạnh trê. Ông này là thần Ngữ Đạo, đến hỏi:
- Pháp sư cần tôi có chuyện gì vậy?
Tử Hà Tiên nói:
- Nay có Lưu Kim Đính và Phùng Mậu pháp lực cao cường, nên tôi thỉnh Tôn thần xuống trấn cửa âm Dương phía Tây, đừng cho nó thoát ra khỏi trận.
Thần Ngũ Đạo vâng lệnh đi liền.
Tử Hà Tiên sắp xếp đâu đó an bài, nói với Dư Triệu:
- Có bốn vị đạo thần giúp ta, lo chi Kim Đính và Phùng Mậu chạy thoát.
Dư Triệu nói:
- Còn giữa trận tính cho vị thần nào trấn thủ?
Tử Hà Tiên nói:
- Việc này tôi đã tính rồi.
Liền đất bùa niệm chú, thỉnh Độc Hỏa Quỉ Vương giáng hạ.
Độc Hỏa Quỉ vương đầu đội kim cô râu tóc đỏ hoe, quần áo da cọp, miệng có bốn cái nanh, lướt tới hỏi:
- Có chuyện chi quan trọng lắm mà pháp sư mời ta?
Tử Hà Tiên nói:
- Tôi lập trận âm dương đánh với Phùng Mậu và Lưu Kim Đính, hai người này tài phép vô cùng, nên tôi đã thỉnh bốn vị tiên trưởng, trấn xong bốn cửa trận. Còn nơi trung ương, nhắm có tôn thần mới xứng đáng. Xin tôn thần ra sức trấn giữ, đừng để tướng Tống trốn khỏi.
Độc Hỏa Quỉ Vương gầm lên một tiếng, nhảy vào đứng giữa trung ương.
Dư Triệu hỏi Tử Hà Tiên:
- Còn hai cái hầm này tính nhờ ai trấn thủ?
Tử Hà Tiên nói:
- Để tôi triệu mấy vị hung thần là: Châu Tước, Quyền Vũ, Tán Môn và Điếu Khách trấn thủ nơi đây.
Nói rồi truyền sắp hai mươi tử thi đàn bà chửa dựa theo hầm, rồi sắp hai mươi tử thi người câm dựa theo hầm bên kia, và truyền giết thêm thú vật bỏ vào hai hầm ấy, để cho có đông âm hồn.
Sau đó Tử Hà Tiên niệm chú, ngậm nước phun vào bốn mươi cái thây ấy làm cho các thây ấy đứng dậy như người sống, xong hai con mắt nhắm kín. Tử Hà Tiên liền khai nhãn cho hai mươi thằng căm cầm gậy tang, còn hai mươi đàn bà chửa thì mặc áo chế cùng đứng ngay hiệu lệnh.
Tử Hà Tiên truyền rằng:
- Bốn mươi đứa bay hễ thấy binh Tống phá trận thì các ngươi chạy theo kêu oan, khóc mà đòi mạng.
Các thây ma đều vâng lệnh.
Hôm sau Tử Hà Tiên truyền lệnh cho Dư Triệu đem ba trăm sáu mươi bốn tên quân, mình mặc áo trắng, tay cầm Bạch kỳ trấn thủ cửa trận chỗ có dựng cờ phướn. Dưới gốc cây có bốn cái thây người câm và bốn cái thây đàn bà chửa. Đợi binh Tống vào trận thì cứ theo lời dặn mà làm.
Lại sai Linh Tiên dẫn ba trăm sáu mươi bốn tên quân, mặc đồ đỏ cầm Hồng kỳ, trấn thủ cửa trận phía Nam, cũng dựng cờ phướn chiêu hồn, có tám thây ma giữ phướn.
Lại dùng tám tên phó tướng trấn thủ ngoài trận bốn cửa Hứa, Sánh, Thương, Đỗ, Kiến, Tử, Kính, Khai, mỗi cửa đều có một tướng cạnh tùy tùng.
Trận được bố trí xong, hào quang chiếu sáng rực, ai ngó thấy cũng rùng mình.
Tử Hà Tiên cầm phướn ngũ sắc, truyền quân sĩ treo chuông Lạc hồn và dây âm hồn trước trận.
Lại sai Bất dật Tiên dẫn ba trăm sáu mươi bốn tên quân, mặc đồ xanh, cầm cờ đen trấn thủ cửa phía Tây, cũng có tám thây ma đứng hầu dưới cột phướn.
Lại sai Huệ Tiên dẫn ba trăm sáu mươi bốn tên quân mặc đồ đen, cầm cờ đen trấn thủ cửa phía Tây, cũng có tám thây ma giữ phướn.
Giữa trận có tám thây ma canh giữ. Như vậy mỗi cây phướn có tám thây ma, năm cây cờ bốn chục tử thi.
Công việc xong xuôi, Tử Hà Tiên tâu với vua Đường:
- Tôi lập trận bát quái âm dương vừa rồi, xin bệ hạ cho một tướng đi khiêu chiến.
Vua Nam Đường y lời.
Lúc này Lưu Kim Đính nghe quân về báo:
- Có một tướng đến khiêu chiến nói nhiều lời ngạo mạn, tôi không dám thưa lại.
Lưu Kim Đính hỏi:
- Tướng ấy bộ tịch ra sao, và nói những gì?
Quân báo thưa:
Nó nói vâng lệnh Tử Hà Tiên kêu nguyên soái Lưu Kim Đính và tên tướng lùn đến xem trận cho mau. Nếu biết mình không đủ tài phép thì trốn đi, đừng đến đây mà oan mạng.
Lưu Kim Đính nghĩ thầm:
- Nếu mình không đi e chúng khi dễ. Chi bằng đến đó xem sao?
Nghĩ rồi, truyền các tướng đồng kéo binh ra trận. Đến nơi ngó thấy hào quang sáng giới, sát khí mịt mù, biết là trận dữ, Lưu Kim Đính truyền các tướng lui ra sau, không cho đến gần trận e nhiễm khí, rồi bảo ba người có phép đi theo mình là Tiêu dẫn Phụng, Úc sanh Hương, Ngại Ngân Bình.
Tử Hà Tiên bước ra ngoài trận nói:
- Các ngươi là đệ tử của Thánh mẫu, tự xưng pháp lực cao cường, vậy có dám phá trận này hay không? Ta sẽ giết các ngươi cho tuyệt mạng để báo cừu cho Dư Hồng.
Lưu Kim Đính nói:
- Đã có phép lập ra, lẽ nào không phép giải hóa?
Tử Hà Tiên cười lớn rồi vào trận.
Lưu Kim Đính nghĩ thầm:
- Chắc là trận âm dương, song rất khó phá, tuy vậy cũng nên vào trong xem thử thế nào.
Kim Đính bảo ba chị em đồng họa phù giữ mình rồi xông vào cửa trận thấy có mấy vị hung thần xông tới, bốn chị em đều đánh ấn thối lui. Còn các tử thi không dám xông tới, Tử Hà Tiên đọc thần chú giục các hung thần áp tới.
Lưu Kim Đính nói:
- Chị em tôi chỉ đi xem trận ra thế nào, chớ chưa phá trận. Vậy xin nán đợi bữa khác.
Tử Hà Tiên biết Lưu Kim Đính chưa học phép phá trận âm dương nên dẫu có hẹn lại cũng không sao.
Bốn chị em Kim Đính ra khỏi trận lui về tâu với vua Thái Tổ rằng:
- Nam Đường rước yêu tiên xuống lập trận rất độc.
Tống Thái Tổ hỏi:
- Trận ấy tên chi? Và phải dùng bao nhiêu binh tướng mới phá được?
Lưu Kim Đính tâu:
- Yêu tiên lập trận bát quái âm dương, song phép tôi còn non nên không phá nổi.
Tống Thái Tổ hỏi:
- Trận ấy lợi hại thế nào mà cháu không phá nổi.
Lưu Kim Đính tâu:
- Trận âm dương có nhiều vị chánh thần canh giữ, bởi tôi pháp lực không bao nhiêu, nên chẳng dám khoe tài phá trận.
Tống Thái tổ nghe tâu kinh hãi, nói:
- Cháu phải tính phương cách nào mà phá trận ấy mới xong.
Lưu Kim Đính nói:
- Tôi nhắm Phùng Mậu có thần nha bay rất nhanh, xin bệ hạ truyền cho Phùng Mậu đi thỉnh thầy là Huỳnh tiên sư, vì chỉ có một mình Huỳnh Thạch Công mới phá được trận này mà thôi.
Vua Thái Tổ y tấu.
Phùng Mậu cỡi thần nha bay về động Huỳnh Hoa, vào ra mắt thầy, rồi bẩm:
- Nay Dư Triệu viện yêu tiên lập trận âm dương, sức chúng tôi còn non nên phá trận ấy không nổi. Nay vâng lệnh Thiên tử về động thỉnh thầy, xin xuống phàm ra oai phá trận.
Huỳnh Thạch Công nói:
- Trận âm dương có nhiều vị hung thần, một mình ta cũng phá không nổi. Vậy ngươi phải thỉnh cho được Trần Đoàn lão tổ và Tôn Tẩn chân nhân cùng giúp sức với ta thì phá trận âm dương mới được.
Phùng Mậu vâng lệnh đi thỉnh Tôn Tẩn và Trần Đoàn.
Giây phút Huỳnh Thạch Công thấy Tôn Tẩn tới trước. Hai người mừng rỡ cùng nhau đàm đạo.
Không bao lâu, Trần Đoàn lão tổ cũng tới, Huỳnh Thạch Công và Tôn Tẩn ra nghênh tiếp.
Vào động trò chuyện được một lúc, Huỳnh Thạch Công truyền Phùng Mậu về báo tin cho Tống Thái tổ biết sẽ cứu giúp.
Phùng Mậu trở về ra mắt Tống Thái Tổ tâu rằng:
- Thầy tôi đã viện thêm Tôn Tẩn chân nhân và Trần Đoàn lão tổ hiệp lực phá trận âm dương.
Tống Thái Tổ mừng rỡ truyền dọn bàn hương án, nghinh tiếp ba vị tiên ông.
Chẳng bao lâu, ba vị tiên ông đã đằng vân bay đến. Tống Thái Tổ và triều thần nghinh tiếp xong thì đã nghe quân vào báo:
- Có ba vị Thánh mẫu xin vào ra mắt.
Tống Thái Tổ mừng rỡ truyền bá quan tiếp tục nghinh đón.
I ê Sơn Thánh Mẫu, Kim Quan Thánh Mẫu, Kim Hoa Thánh Mẫu đồng vào đến. Tống Thái Tổ và các vị tiên ông đều chào mừng.
Tống Thái Tổ nói:
- Ba vị tiên ông và ba vị Thánh mẫu vì giang san đại Tống mà chịu khó đến đây, trẫm không biết lấy chi đền ơn cho xứng đáng.
Sáu vị tiên đồng nói:
- Bệ hạ chánh vì thiên tử, trời cho gồm thâu một mối giang sơn. Còn Nam Đường khí số đã hết rồi, còn lẽ đâu dám nghịch, chẳng qua nghe lời yêu đạo, gây việc đua tranh. Nay nó lập ác trận, bọn đệ tử chúng tôi tài phép còn non nên không phá đặng. Bởi cớ ấy chúng tôi phải đến giúp bệ hạ, ấy là vâng mệnh trời, chớ có công khó chi mà đền đáp.
Sau đó, các đệ tử ra làm lễ mừng thầy. Trong lúc Tống Thái tổ truyền lập đài bái tướng thì sáu vị đại tiên đi xem trận âm dương, chỉ giây phút đã trở lại.
Huỳnh Thạch Công nói với Trần Đoàn lão tổ:
- So về việc trận đồ thì Tôn chân nhân tinh thông hơn hết, vậy xin phong cho Tôn Tẩn làm nguyên soái mà điều binh.
Khi đăng đàn bái tướng, Cao Hoài Đức đem ấn soái giao cho Tôn Tẩn.
Tôn Tẩn nói:
- Bần đạo tài phép bao nhiêu mà dám lãnh ấn soái? Song vì yêu đạo lập trận âm dương rất lợi hại. Trước đây thầy tôi là Quỉ Cốc Tiên sư có chỉ phép phá trận ấy, nên anh em mới ép tôi từ chối không được nên tôi phải vâng lời.
Tôn Tẩn lên đài lãnh ấn, rồi đòi Phùng Mậu đến nói:
- Ngươi hãy lãnh phong thơ này qua động Túy Châu, núi Thanh phong dâng cho Tô Châu thánh mẫu mà mượn trái châu định phong, phá trận xong sẽ trả lập tức.
Phùng Mậu vâng lệnh đi liền.
Tôn Tẩn lại đòi Trịnh Ấn bảo:
- Ngươi đi kiếm cho được một mớ cỏ cao đường đem về đây cho ta.
Trịnh Ấn lãnh mạng ra đi.
Tôn Tẩn lại đòi Cao Quân Bảo tới nói:
- Ngươi dẫn hai ngàn binh cung ná sẵn đến nó Tụ thú lấy cho được đầu con chim độc đem về.
Nguyên cách thành hơn ba trăm dặm có núi Tụ thú, trong núi có một con chim ôn hoàng, lớn như chim đại bàng, mỗi ngày cứ đến giờ mùi thì bay ra, gặp người thì mổ người, gặp thú thì ăn thú.
Bởi bấy lâu nó hại nhiều mạng lắm, nên nay đã tới số rồi, nên Tôn Tẩn sai Cao Quân Bảo đem binh đến đó mai phục, đợi đến giờ mùi thấy có gió lớn tức là con chưa ấy quạt cánh bay ra thì truyền quân bắn cho được con chim ẩy, chặt đầu đem về, đặng dùng phá trận.
Cao Quân Bảo vâng lệnh ra đi.
Tôn Tẫn lại đòi Cao Quân Bội đến bảo:
- Ngươi hãy dẫn hai mươi tên quân đi lấy đầu Thập linh về nạp.
Cao Quân Bảo thấy nguyên soái sai mình đi sau, sợ trễ nải nên phụng mệnh đi liền chưa kịp hỏi lại.
Tôn Tẩn thấy vậy mỉm cười làm thinh, rồi đòi Dương Diên Bình đến nói:
- Ngươi dẫn hai mươi tên quân đi lấy cho được huyết của Đỗ Nữ.
Dương Diễn Bình vốn cẩn thận, liền hỏi lại:
- Bẩm nguyên soái! Chẳng hay Đỗ Nữ là người chi, ở đâu và làm cách nào để lấy được huyết nó.
Tôn Tẩn nổi:
- Ngươi hãy đến tại Hoa Chi, hỏi Hoa Giải Ngữ thì biết.
Dương Diễn Bình lại hỏi:
- Tôi thuở nay không quen với Hoa Giải Ngữ, biết làm sao mà hỏi thăm?
Tôn Tẩn nói:
- Ngươi hãy đến tại Hoa Chi thì biết chẳng cần phải cậy nó làm gì, tự nhiên nó sẽ giúp, đã đặng việc nước lại nên việc nhà, đã xong việc công lại được việc tư, sau mới biết ơn ta chỉ vẽ .
Dương Diễn Bình nghe nói chưa rõ nguồn cơn, nhưng không dám hỏi nhiều vội vã ra đi.
Tôn Tẩn truyền lệnh xong bước xuống soái đường. Tống Thái Tổ truyền mở tiệc chạy đãi chư tiên và nói:
- Năm xưa trẫm có đánh cờ với Trần tiên sư, nay xin hầu thêm một bàn cho toàn sau trước.
Nói rồi Thái Tổ truyền quân bày cờ ra đánh với Trần Đoàn một hồi.
Trần Đoàn giả thua đứng dậy nói:
- Tôi mừng cho bệ hạ phước lớn tâm linh, không phải như năm trước. Coi điềm này đủ biết bệ hạ sẽ thâu được giang sơn, Nam Đường cự sao cho lại.
Giây phút, Trần Đoàn lão tổ chép lại bài luận về cờ tướng trao cho Tống Thái Tổ.
Tống Thái Tổ xem xong, biết Trần Đoàn lão tổ can sự mê cờ, để lo việc nước, nên từ đó không ham đánh cờ nữa.
Lúc này Trịnh Ấn lãnh mạng đi lấy cỏ cao đường, nhưng đi được một lúc lại than thầm:
- Khổ thay! Mình không biết cỏ cao đường ra làm sao, và mọc ở đâu mà kiếm? Bây giờ đi đã xa rồi không lẽ trở về hỏi lại, chi bằng hỏi thăm mọi người thì cũng có kẻ biết.
Nghĩ rồi lầm lũi đi mãi.
Giây phút đi đến chỗ non cao rừng rậm, gặp ai cũng hỏi thăm, nhưng không ai biết mà chỉ.
Trịnh Ấn nghĩ thầm:
- Chữ đường là giếng, là ao, chắc cỏ ấy mọc trên ao cao thì phải, song ở chân núi làm gì có ao cao.
Trịnh Ấn liền truyền quân ở dưới mà đợi, còn mình lên núi tìm ao.
Khi lên đến đầu non, thấy người ta nhỏ như con kiến, nhìn bốn phía có một cái ao, Trịnh Ấn lần đến thấy nước trong veo, cỏ mọc xanh dờn, nên mừng thầm, nói:
- Không ngờ đi kiếm bơ vơ mà cũng gặp. Vậy thì ta cắt một mớ đem về nạp trước mà lập công.
Nói rồi rút gươm cắt cỏ, lấy dây nịt cột thành một bó, xách xuống núi rồi truyền quân trở về thành. Chẳng ngờ đi được nửa đường thấy một người hình dung giống vợ mình như đúc, Trịnh Ấn lấy làm lạ, khi đến gần thì đúng là Tiêu Dẫn Phụng.
Tiêu Dẫn Phụng hỏi:
- Chẳng hay chàng đi kiếm cỏ ấy được chưa?
Trịnh Ấn cười, nói:
Tôn nguyên soái sai chuyện rất khó. May ta đoán ra mới lên chót núi mà kiếm được mớ cỏ này. Nó vốn là cỏ mọc trên mấy ao cao nên cắt đem về nạp cho nguyên soái.
Tiêu Dẫn Phụng nghe nói xem lại rồi cười lớn:
- Không xong rồi! Chàng không chịu hỏi lại cho rõ cứ cắm đầu mà chạy, nên thiếp mới cải trang đi theo, nếu chàng đem cỏ này nạp thì chỉ để nuôi ngựa mà thôi.
Trịnh Ấn nghe nói rầu rĩ tiếc công khó nhọc, liền ném bó cỏ xuống đất và hỏi:
- Vậy chớ cỏ cao đường là cỏ gì ?
Tiêu Dẫn Phụng nói:
- Đàn bà có thai khi sinh đẻ thì lót cỏ ấy mà ngồi. Bởi xưa có người đầy tớ tên là Cao Đường chủ sai đi bỏ cỏ ấy nên gọi là cỏ cao đường. Tôn tiên sinh là thần tiên không chịu nói tục nên mượn tên ấy mà nói cho thanh. Chàng đem cỏ này về không có uế trược thì phá trận yêu sao đặng?
Trịnh ân nghe vợ nói, thở dài than:
- Khéo đặt tên gì lạ tai, ai biết đâu mà kiếm. Nếu không có hiền thê cắt nghĩa thì ta lầm rồi.
Tiêu Dẫn Phụng nói:
- Vậy chàng phải lần vào xóm, hỏi thăm xem có ai mới sanh đẻ thì chắc là có cỏ ấy. Nếu gặp phải năn nỉ xin cho được.
Tiêu Dẫn Phụng dặn rồi từ giã ra về.
Trịnh Ấn nghĩ thầm:
- Tôn nguyên soái thật là kỳ lạ, hết chuyện sai ta hay sao, mà bắt ta phải đi tìm loại cỏ nhơ uế này. Phải như vật gì thì dễ kiếm dễ mua, còn loại cỏ này không phải lúc nào cũng có sẵn. Ngặt vì việc nước không lẽ từ chối.
Nghĩ rồi giục ngựa xông vào xóm, chẳng ngờ dân ở đây trốn chạy sạch trơn, nhà cửa bỏ trống. Trịnh Ấn đi hồi lâu mới gặp được một ngôi nhà có khói, thấy bà già xách giỏ đi ra, trong giỏ có váy tro và huyết. Trịnh án xem thấy mừng rỡ, chắc là vật ấy chẳng sai liền xuống ngựa gọi bà lão và hỏi:
- Cỏ ấy có phải là đồ sanh sản hay không?
Bà lão nói phải. Trịnh Ấn nói:
- Xin bà bán cho tôi giá bao nhiêu cũng được.
Bà lão nghe nói lấy làm lạ, nghĩ thầm:
- Mình không có tôi tớ để sai, nên phải xách đồ dơ đi bỏ, ai ngờ gặp thằng điên này quyết mua cho đặng, bất kỳ giá bao nhiêu. Nhưng xem không phải thằng khùng, sao nói tiếng quê mùa như vậy.
Trịnh Ấn thấy bà lão đứng ngẫm nghĩ thì tưởng bà lão không bằng lòng, nên năn nỉ.
Bà lão nghĩ thầm:
- Có khi họ mua nhau, tục gọi là tử hà sa mà làm thuốc chi đây. Vả lại dâu mình mới sinh thai, không có tiền mua gừng và rượu, nay thời nay bán được bao nhiêu tiền cũng đủ gỡ ngặt.
Nghĩ rồi bà lão chịu bán.
Trịnh Ấn mừng rỡ lấy năm lượng bạc trả cho bà lão rồi lấy giỏ cỏ xách đi rất vội vàng. Đi được nửa đường bỗng gặp Cao Quân Bội chạy tới hỏi:
- Anh đi lo việc ấy xong chưa?
Trịnh Ấn nói:
- Đi tình cờ mà thành công, đã gặp vật đó rồi.
Cao Quân Bội nói:
- Anh em ta thật là hên, không hỏi lại cho dứt tiếng lại bôn ba đi liền. Nay phận anh lại gặp được tình cờ, còn phần tôi biết chừng nào mới xong việc?
Trịnh Ấn nói:
- Người lành thì trời giúp, có lý nào đi không lại trở về không. Hiền đệ hãy gắng công, thế nào cũng nên việc.
Cao Quân Bội liền cười từ giã Trịnh Ấn rồi đi quẩn đi quơ.
Đi gần ba đậm đường, bỗng thấy thiên hạ tụ tập rất đông, vội hỏi một ông lão đi đường:
- Chẳng hay chuyện gì mà thiên hạ đi coi đông như vậy?
Ông lão nói:
- Chẳng phải hội hè, nơi đây gần núi Phượng Dương có xóm Trương gia dân cư rất trù mật. Mới đây có một ông thầy bói tên là Trương Thập Linh về cất nhà ở xóm ấy, bởi vậy thiên hạ tìm đến hỏi quẻ.
Cao Quân Bội nghe tên Thập Linh là thầy bói hay, thì nghĩ chắc chân nhân sai lấy đầu người ấy, nên vội vã tiến đến. Khi đến nơi, nghe thiên hạ nói:
- Thầy Trương Thập Linh vì cớ nào mà bữa nay không coi quẻ? Hay là mấy bữa rày bị đông người coi quá nên mệt mỏi, bữa nay đóng cửa mà nghỉ chăng?
Mấy người trong xóm trả lời:
- Bởi các người không rõ, hôm kia người đoán trước rằng: còn hai ngày nữa thời ta tới số, nên đóng cửa lo việc mai sau. Song còn đợi một người nào đó mới chịu theo tiên bỏ xác. Ngặt không biết người ấy là ai.
Thiên hạ nghe nói than rằng:
- Như vậy rủi tại chúng ta tới trễ, nên bói không được một quẻ nào rất uổng !
Than rồi họ rùng rùng kéo nhau đi về.
Còn Cao Quân Bội nghe rõ chừng nào thì hãi kinh chừng ấy. Bèn nghĩ thầm: .
- Như vậy thì Tôn tiên sư đã biết trước, mới sai lấy đầu Thập Linh.
Nghĩ rồi giục ngựa đến đó, thấy lều tranh xích xác ba căn.
Có một người bước ra nghinh bếp và hỏi:
- Ông cưỡi ngựa đó có phải là Cao tướng quân chăng?
Cao Quân Bội lấy làm lạ nghĩ thầm:
- Người này không quen với mình, vì cớ nào mà biết tên họ! Có khi thầy Trương Thập Linh đó chăng?
Quân Bội xuống ngựa, người ấy mời vào nhà, Cao Quân Bội hỏi thăm người ấy họ chỉ?
Người ấy nói:
- Tôi là Lý Phương, đệ tử của thầy Trương Thập Linh. Thầy tôi có nói rằng: Tướng quân vâng lệnh Tiên ông đi kiếm thầy tôi cho được. Song thầy tôi sợ tướng quân còn lạ, nên sai tôi đón rước vào nhà.
Cao Quân Bội hỏi:
- Vậy chớ Tôn sư bây giờ ở đâu?
Lý Phương nói:
- Thầy tôi ngồi nghĩ ở nhà trong.
Cao Quân Bội xin vào ra mắt.
Khi bước vào nhà trong thì Cao Quân Bội thấy một thầy đạo sĩ, ngồi xếp bằng trên nệm mà chờ. Ngó thấy Cao Quân Bội bước tới đạo sĩ liền mời ngồi và nói:
- Tôi biết Cao tướng quân bữa nay vâng lệnh đến lấy đầu bần đạo về đặng phá trận âm dương. Nếu không có đầu bần đạo thì phá trung ương chẳng được. Nay Cao tướng quân đã đến, xin xử trảm cho rồi.
Cao Quân Bội nói:
- Vua thánh chẳng giết kẻ vô can, gươm bén nỡ chém người vô tội sao đành? Tuy tiên sư có truyền lệnh mặc lòng, mà tôi cầm gươm chém người lành không nỡ. Thà về không mà chịu tội cho xong.
Trương Thập Linh nói:
- Bởi tướng quân không rõ cội rễ, để tôi cắt nghĩa cho mà nghe. Nguyên tôi đây kiếp trước là Ngụy Trưng, vâng lệnh chém đầu rồng dữ. Sau Lão Long đã kiện chúa ta rằng: đã hứa cứu khỏi sau còn bị chém đầu? Bởi cớ ấy nó làm hại bá tánh lắm! Tôi thấy vậy mới hứa trước đền vua Diêm Vương rằng: Tôi tình nguyện đền đầu cho Lão Long, đặng chịu tội thế cho chúa. Đến đời nay tôi đầu thai kiếp này tu hành đã gần thành, không bao lâu cũng bỏ xác, nên tiên sư sai đến giết ta mà trả quả cho rồi. Sau dùng đầu ta mà phá trận âm dương, thì là một công mà hai chuyện. Có phải làm hại ta đâu mà ngươi ái ngại! Bởi tướng quân là người phàm tục, không rõ cơ trời, nên phải cắt nghĩa cho mà tường. Nếu không có cớ ấy, lẽ nào ta liều mạng mà chi?
Cao Quân Bội thấy Trương Thập Linh nói chuyện thinh không, chẳng có bằng cớ, trả lời rằng:
- Tôi không cừu oán chi với ông, nỡ nào giết ông là người vô tội.
Trương Lập Linh nài nỉ mãi mà Cao Quân Bội làm lảng kiếu về. Trương Thập Linh nói thế rằng:
- Tướng quân nán lại cho tôi nói một lời: nay tưởng quân nhân từ, chẳng nỡ giết người vô cớ, tôi đội ơn rất nặng, không biết lấy chi đền bồi. Vậy xin tướng quân ngồi đợi đây giây lát đặng tôi vào lấy sách binh thơ dâng cho tướng quân lấy thảo.
Cao Quân Bội ngỡ thiệt nên y lời, ngồi nói chuyện với Lý Phương cả buổi.
Hồi lâu không thấy Thập Linh đem sách ra Cao Quân Bội lấy làm lạ, hỏi Lý Phương:
- Tôn sư vì cớ nào không thấy trở ra đàm đạo?
Lý Phương khóc và nói:
- Chắc thầy tôi đã xuất hồn khỏi xác. Bởi tướng quân không nỡ giết, nên thầy tôi sợ trễ giờ theo chư tiên, mới dụng trí đặng vào phòng mà thoát kiếp cho tướng quân lấy thủ cấp đem về.
Cao Quân Bội nghe nói kinh hãi, cậy Lý Phương dắt mình vào đến nơi, thấy Trương Thập Linh đã tự vẫn. Lý Phương mới đem thây xuống vuốt ve khóc kể một hồi.
Giây phút, Lý Phương nói với Quân Bội rằng: .
- Đạo thầy như cha mẹ, tôi lẽ nào dám nói thất lễ. Song thầy tôi đã tỏ việc báo ứng, nếu không trả quả, e kiếp khác phải đầu thai. Vậy nay thầy tôi đã thị giải rồi, xin tướng quân hãy xuống một đao, lấy thủ cấp đem về, cho dứt quả báo.
Cao Quân Bội cũng mủi lòng rơi lụy, song nghĩ lại:
- Người tiên tri như vậy, chắc sau cũng thành thần, chẳng nên cãi di chúc. Vả lại người đã thác chẳng lẽ hoàn hồn cũng nên chém thây cho tuyệt quả báo.
Nghĩ rồi Quân Bội cầm đao ngó lảng mà chặt thủ cấp Thập Linh không thấy máu chảy. Cao Quân Bội lấy làm lạ, lấy thủ cấp gói lại rồi trao bạc vàng cho Lý Phương dùng làm lễ tống táng, lại nói với Lý Phương rằng:
- Chẳng phải bấy nhiêu bạc ấy là đền đáp đủ ơn kia miễn là phá trận mà thành công, ta sẽ tâu vua phong tặng tôn sư, đền ơn cứu nước.
Lý Phương tạ ơn lãnh bạc, lo quan quách mai táng xác thầy.
Còn Cao Quân Bội thì đem quân và thủ cấp về phục lịnh.
Nói về Dương Diên Bình vâng lệnh Tôn chân nhân đi lấy huyết Đỗ Nữ cũng y lời trước tìm tới trại Hoa Chi, hỏi thăm nhiều người, họ chỉ mới đi gần tới trại ấy. Dương Diên Bình gặp kẻ nông đinh liền hỏi thăm:
- Chẳng hay xóm này gần trại Hoa Chi chăng?
Nông đinh nghe nói, nhìn sững, rồi trả lời:
- Đây là trại Hoa Chi, song xỉn tướng quân xuống ngựa, đợi tôi về trại báo tin đã.
Nói rồi lật đật chạy về phi báo.
Nói về chủ trại Hoa Chi là nàng Hoa Giải Ngữ.
Hoa Giải Ngữ nghe gia tướng vào báo:
- Có một vị tướng quân nhỏ tuổi tốt trai, không biết có bà con với cô chăng mà hỏi thăm Hoa chủ trại.
Hoa Giải Ngữ liền cầm đao lên ngựa, đến nơi thấy một người cầm giáo bạc, cỡi ngựa kim, đội ngân khôi, mang bạch giáp, nhan sắc như Tống Ngọc, Phan Anh là trai lịch sự đời trước, Hoa Giải Ngữ khen thầm và hỏi:
- Chẳng hay quí khách danh hiệu chi, vô cớ nào mà tìm đến trại thiếp?
Dương Diễn Bình trước kia ngỡ chủ trại là trai, hoặc trẻ nào hay là một vị nữ tướng quân mắt phụng mày ngài, nhan sắc hoa nhường, nguyệt thẹn! Dương Diễn Bình nghĩ thầm:
- Mình thuở nay thấy gái tốt cũng nhiều song chưa lịch sự như dung nhan nàng này !
Nghĩ rồi liền đáp:
- Tôi là Dưỡng Diên Bình, vâng lệnh quân sư đến trai Hoa Chi mà kiếm tên Đỗ Nữ. Chẳng hay trong trại có Đỗ Nữ hay chăng?
Hoa Giải Ngữ nghe hỏi thì đã hiểu liền đáp:
- Thiệt đây có nàng Đỗ Nữ song công tử hãy tỉ thí cùng tôi nếu quả thật công tử đại tài, tôi dâng nàng ấy lập tức, cần gì hỏi thăm làm chi.
Dương Diễn Bình ngẫm nghĩ:
- Tài tránh đánh đại tướng cũng lui sá gì một đứa con gái mà thắng nó không nổi.
Nghĩ rồi Diễn Bình liền đáp:
- Ta xin vâng! Song nàng phải nhớ lời, nếu nàng thua ta thì phải giao Đỗ Nữ lập tức.
Hoa Giải Ngữ bằng lòng. Hai người giao chiến có hai giờ mà không phân thắng bại. Hoa Giải Ngữ nghĩ thầm:
- Thiệt con dòng họ Dương cây thương ròng lắm!
Hoa Giải Ngữ đánh ráng ít hiệp nữa rồi trá bại chạy dài.
Dương Diên Bình thừa thắng đuổi theo, không dè mắc kế, giây phút người ngựa đều sụp té xuống hầm.
Khi Dương Diên Bình té xuống thì binh của Hoa Giải Ngữ lấy câu móc kéo lên, trói tay dẫn về trại. Dương Diễn Bình ngó thấy một bà già ngồi trên giường, chừng năm mươi tuổi, mà diện mạo oai nghi. Hoa Giải Ngữ thưa:
- Có một tướng Tống Dương Diễn Bình bị con dụng kế bắt đem vào dâng cho mẹ phân xử.
Nói rồi tiếc Dương Diễn Bình cười chúm chím, đi thẳng vào phòng. Dương Diên Bình ngẫm nghĩ, không biết cớ gì, nàng ấy bắt mình mà không hành phạt lại giao cho một bà già?
Lát sau, Dương Diễn Bình thấy nàng ấy thay áo trở ra, hình dung tươi tốt, thật là lịch sự vô hồi, kế nghe bà già ấy hỏi:
- Anh hùng đã bị bắt có úy tử hay không?
Dương Diễn Bình nổi giận nói lại rằng:
- Con a đầu đánh không lại ta, bất quá dùng kế mà gạt ta sa hầm. Đại trượng phu coi sự chết như lông hồng, lẽ nào tham sánh úy tử! Ai ai lại chẳng biết danh cha ta là Dương lịnh công San Hậu, nếu chúa ta và cha ta hay được, e cho các ngươi bị tru di tam tộc, mà trại Hoa Chi cây cờ cũng không còn.
Bà già cười, nói:
- Ấy là già nói chơi với công tử, chớ lòng thiệt muốn dùng công tử làm rể đông sàng hầu nhờ thân sau, lẽ nào lại làm hại!
Dương Diễn Bình ngỡ là mắng giặc mà chết, không dè bà này lại có ý gả con nên liền nói:
- Việc hôn nhân đứng thứ ba trong ngũ luân, phải có lệnh cha mẹ, lẽ nào làm con dám tự chuyên.
Bà ấy nói:
- Nhỏ mà nói như vậy, thiệt đáng con dòng không phải bậc tầm thường, già càng kính phục mười phần. Song già sớm góa chồng may sanh được một con này là Hoa Giải Ngữ, khi trước nó đi học với bà Tố Châu Thánh Mẫu, tài phép xảo thông, Thánh Mẫu có dạy rằng: sau có duyên nợ với trai lớn Dương lịnh công nên phải đầu Tống triều mà hưởng vinh hoa phú quí. Nay tình cờ tướng quân tới đây rõ ràng là duyên ngàn dặm, phải nợ ba sinh, nên già mở miệng làm mai, thì già không biết tam càng ngũ thường hay sao? Đã hay rằng không xứng đáng với công tử, bất quá như buộc đứng tranh dựa cây ngọc, dây sắt quấn nhành tùng, già cũng biết công tử không màng đó! Song già vâng lệnh Thánh Mẫu nên phải nói cho cạn lời, cho như công tử muốn lấy huyết Đỗ Nữ, không có con Hoa Giải Ngữ giúp sức thì chẳng khi nào thành công. Xin hãy xét suy mà dung tội nó phạm oai công tử.
Dương Diễn Bình nghe nói nghĩ thầm:
- Mình thiệt không biết Đỗ Nữ ở đâu, làm sao lấy huyết nó cho đặng? Vả lại Tôn chân nhân có dặn, nhờ có Hoa Giải Ngữ giúp sức lấy mới được huyết Đỗ Nữ, lại có nói công tư lưỡng vẹn, chắc là ta có lương duyên với Hoa Giải Ngữ. Lại thêm Tố Châu Thánh Mẫu cũng có nói tiên tri nữa. Nàng ấy có sắc có tính, đủ tài đủ phép, lại học trò của Thánh Mẫu cũng chẳng kém chi. Vậy thì mình hứa cho xuôi việc đặng lấy huyết Đỗ Nữ đem về tâu thiệt với vua nhằm cũng vô tội!.
Nghĩ rồi liền thưa:
- Tôi mà muốn hứa việc nhân duyên cũng đặng, song trước phải giúp tôi lấy cho được huyết Đỗ Nữ, rồi tôi vào tâu với vua chúa tôi, sau tâu lại với gia nghiêm gia từ, khi ấy sẽ làm lễ cưới, thì mới trọn thảo trọn ngay, vẹn ơn vẹn nghĩa.
Bà ấy khen:
- Công tử dùng nghĩa cử như vậy vẹn cả đôi bề.
Khen rồi truyền mở trói cho Dương Diên Bình.
Dương Diễn Bình liền đứng dậy làm lễ . Hoa Giải Ngữ thấy Dương Diên Bình giữ theo đạo rể con, mắc cỡ bỏ vào phòng.
Tối hôm đó , hai mẹ con dọn tiệc đãi Dương Diên Bình. Trong lúc ăn uống Dương Diên Bình nói:
- Khi Tôn chân nhân cầm quyền nguyên soái có sai tôi đi lấy huyết Đỗ Nữ, tôi vội vã ra đi quên hỏi Đỗ Nữ là ai, ở đâu, nhưng Tôn nguyên soái không cắt nghĩa cứ bảo tôi đến Hoa Chi thì rõ, nên tôi tìm đến đây.
Hoa mẫu nghe Diễn Bình nói thì mỉm cười đáp:
- Bởi con ta có vâng lệnh thầy truyền nên mới biết cội rễ.
Nói rồi bèn kêu con bảo phải cắt nghĩa cho công tử để hiểu rõ.
Hoa Giải Ngữ nói:
- Công tử làm sao biết được chân tướng của nó. Đỗ Nữ vốn là một con hồ ly cái, vợ của Huyền Hồ, nay Huyền Hồ đã theo Dư Hông xuống lập trận tại Nam Đường tự xưng là Huệ Tiên. Còn Đỗ Nữ mấy năm nay đã trà trộn vào các cửa lều xanh, hút tinh của trai tơ luyện phép riêng, nó quyến rũ và sát hại cho được một trăm người thì lên bậc trên các yêu hồ, nay nó giết cũng gần đủ số người, nên phép thần thông cao lắm. Song nó sát nhiều mạng nên trời đất không dung. Tôi phải thừa dịp này mà bắt nó, ngặt một điều là đàn bà khó trị đàn bà, cần phải có người dũng tướng ra oai thì giết nó mới chết. Vậy công tử hãy làm y theo kế của tôi thì giết nó mới được.
Dương Diên Bình nghe nói nghĩ thầm:
- Nếu mình không gặp Hoa Giải Ngữ thì khó bắt Đỗ Nữ lắm. Ấy cũng nhờ hồng phúc của thiên tử, nên khiến Hoa Giải Ngữ chiu phò Tống diệt Đường.
Hoa mẫu nói:
- Nếu hiền tế không chê cơm khô rượu lạt xin ăn uống cho say.
Dương Diễn Bình nói:
- Con đội ơn nhạc mẫu mà gã tiểu thơ cho con. Phận rể con đâu dám làm khách.
Hoa mẫu nghe nói rất vui lòng, còn Dương Diên Bình mừng gặp kỳ duyên Hoa Giải Ngữ cũng phỉ tình mơ ước.
Lúc này Đỗ Nữ từ khi trà trộn vào nhà chứa điếm, xưng tên là Đỗ Ngọc Lan, khách làng trai thấy nàng có nhan sắc quí như vàng ngọc. Vả lại tánh Hồ Mỵ hay làm màu mè, nên nhiều người mê mẩn, tặng nàng danh hiệu là Tiền Thọ. Từ khi Đỗ Nữ vào lầu xanh thì lũ son phấn cũ ế độ hết lại thêm đất Hoài Dương là xứ ăn chơi, kẻ giàu sang thường tìm đến đó, các vương tôn công tử đều quăng tiền để hưởng lạc, bởi vậy xe ngựa dập dìu, đêm nào cũng đông như hội.
Bấy giờ có công tử Trần Lý vốn con quan lớn đời trước, nhà giàu lắm bạc, một mình hào phú ở gần trại Hoa Chi. Trần Lý tuy chẳng làm quan cũng được ăn bổng lộc. Bởi cớ ấy Trần Lý ở với Đỗ Nữ như vợ chồng, còn khi nào Trần Lý vắng tới thì Đỗ Nữ ngồi kiệu đến thăm, mỗi lần ở chơi năm ba bữa, rồi đem bạc vàng về cho mụ trùm.
Trần Lý đắm mê nàng ấy, lâu ngày nhiễm khí yêu nên bị bại liệt.
Đêm ấy Hoa Giải Ngữ định giết Đỗ Nữ song nghĩ lại nó ở tại lầu xanh thì khó mà sát hại. Chi bằng thừa dịp Trần Lý bị bệnh lập kế mà giết mới xong.
Hôm sau Dương Diên Bình làm theo kế, dẫn hai gia tướng mai phục giữa đường phòng khi tiếp ứng.
Còn Hoa Giải Ngữ làm phép biến ra Trần Lý, có gia đinh khiêng kiệu đến lầu xanh, tìm Đỗ Nữ. Nàng vội vàng bước ra chàohỏi .
Trần Lý giả nói :
- Hôm nay có bệnh trong mình, tuy mới khá mặc lòng, mà hễ có hơi trong người thì mệt lắm. Nhắm ở đây ăn tiệc bất tiện chi bằng rước nàng về nhà cùng nhau chuyện vãn thì hay hơn.
Đỗ Nữ nghe nói mừng thầm:
- Nó mới mạnh mà muốn gần mình, chắc là mau chết lắm.
Nghĩ rồi nói:
- Mấy bữa rày thiếp vắng thăm, không phải phụ tình bạc nghĩa, có ý để cho chàng tịnh dưỡng mới mau mạnh. Nay đã khá, lý nào thiếp chẳng sang chơi.
Trần Lý giả cố làm bộ vuốt ve, lén dắt lá bùa trên đầu Đỗ Nữ mà nó không hay.
Giây phút Đỗ Nữ bảo đem kiệu ra rồi cùng đi theo kiệu Trần Lý giả. Đi được vài dặm bỗng có Dương Diên Bình kéo quân ra đoạt kiệu Đỗ Nữ. Hai tên khiêng kiệu kinh hãi bỏ chạy Dương Diễn Bình bắt được Đỗ Nữ. Đỗ Nữ kinh hồn toan rùng mình biến đi không ngờ bị lá bùa nên nhảy vọt lên không nổi, mà đến thổ cũng không xong, túng phải qui xuống ăn nỉ xin tha.
Dương Diên Bình hét lớn:
- Yêu hồ đã hại người vô số, phạm tội rất trọng nay lẽ nào dung tha.
Nói rồi liền chém đầu mổ bụng lấy huyết Đỗ Nữ rồi bỏ thây ngoài đồng.
Giết Đỗ Nữ xong Dương Diễn Bình lấy huyết trở lại trại Hoa Chi cảm ơn Hoa tiểu thơ và từ tạ nhạc mẫu trở về thành.
Mạnh thị nói:
- Ta mừng cho hiền tế thành công, tiệc đã dọn vậy ở nán lại chuyện vãn đôi lời, bữa sau cũng chẳng muộn.
Dương Diễn Bình không dám cãi lời, ở lại ăn tiệc no say.
Trong bữa tiệc, Mạnh thị nói:
Tiệc này là tiệc thành hôn, bởi con ta vâng lời Thánh mẫu nên bỏ Đường về Tống lập công. Nay ta tính cho nó theo hiền tế luôn thể. Vậy khi hiền tế về thành dâng huyết Đỗ Nữ thì phải tâu rõ trước sau, nói rằng Hoa Giải Ngữ qua đầu Tống mà lập công, thì chắc Thiên tử sẽ thu dụng. Dương Diễn Bình thưa:
- Nếu tiểu thơ giúp sức với tôi chắc là đẹp lòng Thiên Tử. Sau đó tôi sẽ về Sơn Hậu thưa lại cha mẹ tôi hay để giúp gia đình đoàn viên.
Mạnh thị nói:
- Được như vậy ta rất phỉ tình, ấy là phước nhà khiến xui như vậy.
Hôm sau hai vợ chồng lạy tạ Mạnh thị mà đi, mẹ con sụt sùi chia tay.
Dương Diên Bình về đến thành Thọ Châu vào trước phục chỉ dâng huyết Đỗ Nữ, thì Tôn Tẩn cười hỏi:
- Ta sai các tướng đi cũng nhiều, song có một mình công tử là may hơn cả.
Dương Diên Bình biết Tôn Tẩn đã biết mọi việc nên phải thưa qua việc hôn nhân.
Tôn Tẩn nói:
- Ta đã coi tay biết bữa nay có Hoa Giải Ngữ đến đầu Tống. Nếu không có nàng thì không đủ năm vị Ngũ âm làm sao phá trận được. Cũng nhờ hồng phước của thiên tử nên khiến nàng đến bảo giá.
Nói rồi liền truyền lệnh cho đòi Hoa Giải Ngữ vào.
Hoa Giải Ngữ là học trò của Tô Châu Thánh Mẫu, tài phép tinh thông lại có công giúp Diên Bình lấy huyết Đỗ Nữ, nên triều thần rất trọng dụng.
Tống Thái Tổ thấy Hoa Giải Ngữ nhan sắc không nhường bốn nàng nữ tướng trước lại nghĩ Dương Diễn Bình chưa vợ, nên thuận cho đôi lứa kết duyên.
Vợ chồng Dương Diên Nghiệp nghe nói cũng mừng rỡ lạy tạ ơn vua. Hoa Giải Ngữ tuy được kết duyên song có vẻ e thẹn vì đã cùng Dương Diên Bình ân ái trước rồi.
Tống Thái Tổ thấy các tướng sai đi đều đem đồ về nộp đủ thì hỏi Tôn Tẩn định ngày phá trận.
Tôn Tẩn đã chọn được ngày chuyên giải, nên tâu với Thái Tổ hay và truyền lệnh các tướng đầu canh năm điểm binh tụ đến trước đài nghe lệnh.


Lời bàn


Lẽ trời là quy luật thiên nhiên bắt mọi vật phải phục tùng.
Thiên thần là thế giới tu hành, nhưng vẫn không ra ngoài định mệnh của vũ trụ mà phục vụ cho định mệnh của thiên nhiên giúp cho thiên nhiên biến chuyển đúng theo quy luật.
Định mệnh của vua nước Tống gồm thâu thiên hạ, nước Đường đến hồi diệt vong sự biến chuyển ấy tác động vào giới thần tiên, các vị tiên ông đả căn cứ vào định mệnh ấy của vũ trụ mà giúp Tống. Dư Hồng, Dư Triệu được Xích Mi lão tổ sai xuống, mục đích cũng chỉ để trừng phạt Tống Thái Tổ bất nghĩa giết cả trung thần mà thôi, không có ý cãi lại mệnh trời.
Ấy vậy, những kẻ không thông hiểu mệnh trời thì hay làm trái qui luật thiên nhiên, gây đau khổ cho xã hội loài người.
Lời xưa có nói: Thuận thiên giả tồn, nghịch thiên giả vong, đó là quan niệm tùng thiên lý. Theo triết học Đông Phương mệnh trời tức là sự biến chuyển trong vũ trụ là bao trùm tất cả lẽ sống, đạo nghĩa làm người cũng không thoát ra khỏi quan niệm ấy.

<< Hồi Thứ Hai Mươi Ba | Hồi Thứ Hai Mươi Lăm >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 783

Return to top