Mỗi lần về sau, có dịp rẽ xuống con đường gạch đưa vào làng Yên Phụ, là mỗi lần bóng dáng người anh cao, gầy trong bộ âu Phục cũ, với cái mũ dạ xám bốn mùa, từ tốn bước chân lại hiện ra trước mắt.
Nếu so về thông minh và tài hoa thì có lẽ anh hơn cả mọi người trong gia đình. Nhưng nếu về sức khỏe thì từ ngày làm báo trở đi, mỗi ngày một sút kém. Có người cho rằng, khác với anh em, anh đã bước vào một cuộc sống lãng mạn, phóng túng hơn, ra ngoài quy củ thường tình, cũng giống như một số văn nghệ sĩ thời ấy. Có thể anh đã tiếp xúc với nhiều tầng lớp, nhất là tầng lớp dưới trong xã hội. Đáng buồn nhất là anh đã mắc nghiện thuốc phiện.
Có lẽ chính vì thế mà anh có những cảm xúc riêng, và tác phẩm của anh có một phong cách riêng, bình dân, giản dị và đầy lòng trắc ẩn, đồng tình với những con người nghèo khổ hơn là những truyên của Nhất Linh, Khái Hưng. Mai hay Lộc trong Nửa Chừng Xuân hay Loan, Dũng trong Đoạn Tuyệt, dù sao cũng là con cái những gia đình khá giả, hay quan lại. Nhưng nhân vật người phu xe già trong một truyện ngắn của Thạch Lam làm cho người ta rung động sâu xa, thấm thiá hơn. Và ngay trong phóng sự Hà Nội ban đêm cùng viết với Trường Khanh, tình trạng chân thực của những kẻ bất hạnh, sa ngã, trụy lạc đã làm cho độc giả thông cảm và đồng tình dưới ngòi bút đầy tình cảm. Tôi còn nhớ hai câu Kiều lẩy trong đó:
Liễu bồ nấp bóng cây tùng,
Thuyền quyên còn đợi anh hùng... lĩnh lương
Đời sống gia đình anh thực là thanh bạch, anh vẫn giữ được phẩm cách không màng danh màng lợi chung của gia đình. Vài tấm phản, mấy chiếc ghế đơn sơ, một bàn làm việc là tất cả gia sản của nhà văn.
1941, gia đình, anh em tan tác. Chỉ có bên anh Cả là yên ổn một chút, nhưng lại quá đông con, cũng vất vả. Anh Hai vẫn làm tại nông trường ở Bolovens, bên Lào. Đôi khi, chúng tôi lên biệt thự Hồ Tây để mượn rượu giải sầu, và riêng tôi cũng để né mắt bọn mật thám.
Bạn rượu thường xuyên nhất là Đinh Hùng, Huyền Kiêu và tôi. Nếu trong túi có được ít tiền, thì mua ít đồ nhắm lên theo. Song Đinh Hùng lúc nào cũng thấy nghèo kiết xác xơ, Huyền Kiêu may mắn thỉnh thoảng được gia đình tiếp tế. Thịnh soạn nhất là khi nào chị Thạch Lam tìm được con cá chắm tươi vừa đánh lên, hay một khúc thịt cầy, thêm vào có bia, hay chút rượu Văn Điển. Nấu xong, mấy anh em ngồi vừa nốc rượu vừa ngâm thơ để chờ trăng lên, nhìn ánh trăng xen qua lá liễu chiếu xuống mặt nước. Tuy không đến nỗi say túy lúy nhưng cũng ngây ngất, mặt Đinh Hùng thì tái xanh, mà Huyền Kiêu thì mặt đỏ hơn gấc, chưa uống cũng đã phải chịu phạt rồi. Thạch Lam thì không dám uống nhiều, mà tôi cũng vậy. Tôi không nhớ rõ lắm, nhưng theo chị tôi kể. Tết năm đó, trời lạnh, anh về tới Cẩm Giàng là cần ngay một hỏa lò than hồng để sưởi. Có chăn và nệm hẳn hoi mà anh vẫn kêu rét. Sau phải đốt một đống củi lớn ở giữa nhà, trải ổ rơm chung quanh, mọi người ngồi đánh bất để đợi giao thừa. Khi cả nhà ngỗi vào mâm để uống rượu mừng năm mới, anh có vẻ buồn, lặng lẽ ngồi nhìn khói trầm tỏa lên cao. Đó là cái Tết cuối cùng của anh.
Những giây phút như thế cũng không kéo dài được bao lâu. Căn bệnh phổi quái ác đã dần dần gậm nát cơ thể anh. Tôi giục anh đi khám bệnh và chụp lại phổi. Tấm ảnh quang tuyến X của anh khiến tôi và người bạn cùng lớp, anh Đ. phải giật mình. Nhưng thời đó chưa phát minh được thuốc chữa bệnh lao có hiệu quả. Muốn đưa anh đi Đà Lạt dưỡng bệnh, nhưng ông giáo sư khoa truyền nhiễm không đồng ý, sợ bịnh tăng kịch. Ông khuyên nên tĩnh dưỡng và cai nghiện, uống thuốc. Bắt buộc, tôi phải thay anh trông nom việc xuất bản dù còn đương đi học, và luôn luôn đến thăm anh. Chị Sáu lại có mang đứa con thứ ba. Mặc dầu mọi người trong gia đình tận lòng săn sóc, bệnh tình của anh cứ nặng dần. Sang giữa năm sau, đã có lúc anh không đủ sức trở dậy, ra ngồi bên thềm nữa. Mẹ tôi từ quê lên cùng chị Thế giúp săn sóc hai đứa trẻ thơ. Tình trạng ngày càng xuống. Anh đã bắt đầu tức thở, thường thường phải ngồi dậy, dựa vào mấy chồng gối. Một hôm anh hỏi tôi:
- Tôi hút thuốc lại có được không, chú! - Tôi chỉ im lặng gật đầu, rồi quay mặt đi.
Đến một ngày tháng 7 năm 1942, hơi thở của anh lả dần, đôi mắt đã hơi lờ đờ. Mẹ tôi, vợ con anh, anh Cả, chị Năm và tôi đều đứng chung quanh giường. Đến gần trưa, anh vẫn tỉnh táo nhưng không nói ra được tiếng nữa. Anh tự biết sắp đi đến tận cùng con đường mình đi. Ai nấy đều muốn khóc, nhưng không ai khóc ra tiếng. Run tay, tôi tiêm một ống thuốc cường tâm cuối cùng, thì anh bỗng mở to mắt ra hiệu cho mọi người đỡ anh ngồi dậy. Mẹ tôi ngồi đằng sau đỡ anh lên. Nhưng không còn ảo tưởng gì nữa. Thấy vợ khóc, theo lời chị tôi thuật anh còn đủ sức nói anh đã chết đâu mà khóc. Nhưng lúc đó, thú thực, tôi cũng không nghe thấy gì. Không bao giờ tôi quên được Cảnh tượng lâm chung của người anh ruột thân yêu đồng thời cũng là người anh trong sự nghiệp văn bút.
Anh đưa mắt lờ đờ nhìn mọi người như muốn nói lên một điều gì trước khi từ biệt. Hình như anh gọi tên tôi, tôi nghe không rõ. Bỗng anh nấc lên một tiếng, lên cơn suyễn rồi hai mắt nhắm lại. Hơi thở cuối cùng của nhà văn Thạch Lam đã dứt. Anh ngả về đằng sau, rồi dưới sự nâng đỡ của mẹ và vự, anh nằm xuống giường, hai chân đã duỗi thẳng. Người anh thân yêu đã vĩnh viễn bỏ cuộc đời khi mới ba mươi ba tuổi. Trong những tiếng khóc thê thảm chung quanh, muốn tránh nhìn lại anh, tôi vội bước ra ngoài cửa, mặc hai giòng nước mặt tuôn trên hai má. Chưa bao giờ tôi khóc nhiều như hôm ấy. Vài hôm sau, chúng tôi im lặng đi sau xe tang, đưa anh đến nghĩa địa Hợp Thiện, gần Ô Đống Mác, nơi đã chôn chị Cả đầu tiên và những người trong họ. Mọi người đã ra về, tôi còn ngồi lặng bên mộ anh rất lâu, dưới rặng cây âm u, nhưng nỗi thương cảm về cái chết đầu tiên trong anh em bẩy người, cũng như về bao xa cách, biệt ly -làm sao có thể khuây khoả được. Anh là nhà văn giàu tình cảm nhất trong giòng họ Nguyễn Tường, nhưng lúc nào anh cũng cố gắng để vượt qua mọi khó khăn. Trong một cuốn sách tặng anh, nhà văn Lê Văn Trương có đề Tặng anh Thạch Lam, một nghị lực phi thường trong một thân thể còm cõi.
Tôi tin chắc rằng Thạch Lam đã được người đời chấp nhận và đã có một vị thế xứng đáng trong lịch sử văn học Việt nam, sau một cuộc đời quá ngắn ngủi và đầy thương cảm. Trong những ngày khó khăn, tan rã, cái chết của Thạch Lam đã để lại một vết thương không gì hàn gắn nổi. Trong lo buồn, tôi đứng ra làm giám đốc nhà xuất bản Đời Nay, lại vừa tiếp tục đi học năm thứ năm trường Thuốc. Ngoài ra, còn phải lo việc trong nội bộ tổ chức chưa bị phá vỡ liên lạc với ngoài nước. Thi cử đối với chúng tôi, đã không phải là nhiệm vụ quan trọng nhất.
Với thời cục chuyển biến mạnh mẽ, phe Đức ý bắt đầu suy thoái ở âu Châu, quân Nhật gặp nhiều khó khăn tại Trung quốc và á châu. Máy bay Mỹ luôn luôn đe dọa bầu trời Việt nam. Người Việt cảm thấy không chóng thì chày sẽ bị cuốn vào trong một luồng thác lũ.
Những đợt sóng kinh hoàng sẽ đến sớm hơn là người ta tưởng. Do biệt ly, tang tóc, thời đại hoàng kim của nhóm Tự lực văn đoàn -Ngày Nay, và do thời thế đã khác nên đã đi qua rồi, không bao giờ trở lại nữa. Các nhóm văn nghệ khác cũng dẳn dần suy đồi theo thời gian.