Trong đời tôi, có lẽ một sự lầm lẫn trong nhiều lầm lẫn khác, là việc vào học y khoa. Lấy nó làm một cái cần câu cơm hạng tốt, không hơn không kém. Vì tôi cũng như một số bạn hữu khác, lúc mới vào học, rất ít nghĩ đến tính chất cứu nhân độ thế hay là những câu châm ngôn của Hippocrate.
Chế độ học Y là một chế độ tàn nhẫn, nhất là của Pháp. Ai đời mới lên học năm thứ nhất, chân ướt chân ráo chưa biết gì mà sáng nào từ 7 giờ cũng đã phải đạp xe tới bệnh viện để kiến tập. Nếù đi nhà thương Phủ Doãn thì còn khá, nhưng nếu phải đi đến tận nhà thương Bạch Mai thì khổ, nhất là khi trời nắng chang chang hay mưa rét cóng cả người. ở đó, cho tới mười hai giờ trưa mới nghỉ, chỉ đủ thì giờ để nuốt một bát cơm hay một ổ bánh mì, vì tới một giờ đã phải vội vã cuốc đi Viện giải phẫu ở tận vùng Hàm Long, gần Đồn Thủy. Viện giải phẫu trông bề ngoài không có gì khủng bố lắm. Nhưng đã bước vào trong thì ai cũng phải mất hết hứng thú về cuộc đời.
Tầng dưới là nhà xác thành phố, lạnh lẽo, âm u. Những tấm đá dài nằm song song, trên nằm đủ các thây người vô thừa nhận, da trắng bệch, hay tím bầm, xám xịt, đầu tóc rũ rượi hay lởm chởm, nằm thẳng cẳng hay co quắp đủ các hình trạng. Có người mắt còn mở trừng trừng như muốn nhìn vào những kẻ ra vào.
Còn tầng trên là nơi học giải phẫu, một môn học cơ sở. Nghe giảng bài xong, sinh viên khoác áo dài, lấy túi dụng cụ mổ rồi bước vào gian phòng giải phẫu rộng lớn. Cảnh tượng ở đây vừa khủng bố vừa hỗn độn. Vì đây xác không thành xác nữa, xác người đã thành ra những con vật kỳ lạ. Xác đã tiêm thuốc vào mạch máu rồi nên khô đét như mắm, da đen xám lại. Mặt đã co rúm. Có vài cái xác còn nguyên mới mang lên, nhưng phần nhiều đã bị tiả mổ, cắt xén, chỉ còn lại xương sọ lủng củng, những sợi gân lòng thòng, những cánh chân cánh tay vô trật tự, những đầu lâu trơ trọi. Ôi! con người sao đến nỗi thế này?
Trong lúc các bạn chia nhau từng tốp để mổ xẻ, thì tôi thấy khựng lại. Một cảm giác lạ lùng bỗng nhói trong ngực. Tôi tránh không nhìn vào hai lỗ mắt sâu trũng, không còn con ngươi nữa, nhưng tôi cảm thấy rõ ràng là người chết này như đang muốn nói truyện gì với mình. Mà đây là ai? đã sống ra sao? và tại sao lại nằm chết khô ở đây?
Nhưng chung quanh, vẫn thấy tiếng cười nói rộn rã, tiếng dao kéo vô tmh chạm với nhau leng keng. Trong đó, tiếng cười lanh lảnh của cô bạn học quý phái nổi bật lên, lạc loài trong bầu không khí âm u, trong mùi hăng hắc của thuốc trừ trùng. Bốn giờ chiều, lại phải đạp vội về trường học để nghe giảng, may mà trường cũng gần. Nhiều khi mỏi mệt, buồn ngủ díu cả mắt. Bẩy giờ, cuốc về đến nhà thì trời đã tối, nằm lăn ra giường, không buồn ăn uống gì. Những ngày tháng trôi qua trong các bệnh viện -những phòng bệnh làm phúc xám xịt, những giường sắt lạnh lẽo, những người bệnh già trẻ nằm ngồi buồn bã, mùi thuốc toả ra khắp phòng... Những cảnh u buồn, tuyệt vọng... Nhưng thôi, rồi cũng quen đi, cũng phải chịu đựng. Nghĩ cho cùng, đây cũng là một dịp rèn luyện con người cho thích họp với đời sống phức tạp, khó khăn.
Trong khối sinh viên, có lẽ sinh viên trường Thuốc là miệt mài hơn cả về học hành, và cũng ít thì giờ để quan tâm đến những việc khác. Nhưng, đứng trước tình hình khẩn trương trên thế giới và trong nước, người sinh viên hay người trí thức nói chung không khỏi bị ảnh hưởng và bắt buộc phải suy nghĩ. Hoạt động chính trị đã sôi nổi tại Việt nam với sự thắng thế của mặt trận Bình Dân ở Pháp đưa lại một chút cởi trói tại Đông dương.
Tại Nam Kỳ, tự do báo chí, tự do kết hội được cho phép trong giới hạn, tại miền Bắc và Trung thì rất ít thay đổi. Một số đảng phái được phép hoạt động, đảng cộng sản Đông dương ngấm ngầm thúc đẩy một Đông dương Đại hội để đòi hỏi cải cách về mặt lao công. Song việc này lại gặp sự phân đối của phái Đệ Tứ Trotzky, vốn không chủ trương liên kết với giai cấp tư sản, và chỉ tiến hành cái mà họ gọi là cách mệnh vô sản thường trực, bất kể dân tộc có độc lập hay không và do ai thống trị.
Tại miền Bắc, không cho phép đảng phái hoạt động, nhưng trên báo chí đã có thể đưa ra những ý kiến yêu cầu câi cách nhẹ nhàng, đối đãi tốt hơn với người bản xứ, cải thiện chế độ lao công. Việc này đã dẫn đến một cuộc đình công của thợ thuyền nhà máy dệt Nam Định. Thừa cơ hội, trên tờ Ngày Nay, cũng đưa ra một số bài nghiên cứu về xã hội, chính trị nhẹ nhàng.
Nhìn trên thế giới, khuynh hướng phát xít ở ý với Mussolini, và quốc xã tại Đức với Hitler, đã lên rất mạnh, đã bắt đầu uy hiếp tới sự sinh tồn của chế độ dân chủ Tây Phương. Từ 1937, sau khi chiếm đóng Mãn Châu trước sự bất lực của hội Quốc Liên, đế quốc Nhật tấn công thẳng vào lục địa Trung Hoa và uy hiếp cả vùng Đông Nam á, ngay cả đến những thuộc điạ của Mỹ (Phi Luật Tân), Hồng Kông và Đông dương. Nguy cơ chiến tranh đã tới gần. Đế quốc Pháp sẽ đi tới đâu? Không ai bảo ai, nhưng đều mơ hồ cảm thấy một vận hội mới sẽ đến với đất nước. Cuộc cách mạng dân tộc sẽ có cơ thành công. Đối với Nhật bản, vì cùng là da vàng mũi tẹt, nên có người từng đợi họ đến giải phóng cho mình, và chủ trương nên dựa vào Nhật để đánh đuổi người Pháp trước đã. Cũng có những nhóm, chói mắt trước sự hùng cường của Đức Nhật, tán đồng một chủ trương độc tài, để lãnh đạo dân chúng theo ý muốn của mình. Đảng cộng sản, thì nhất định phải theo đường lối chống phát xít của Đệ Tam Quốc tế, của Liên Xô, rồi sau này theo con đường Đồng minh với các nước dân chủ tư sản.
Các đảng phái quốc gia lúc đó, không có một đảng nào hoạt động công khai trong nước. Các đảng viên Việt nam Quốc Dân đảng vẫn chỉ nằm trong bí mật, nhưng đã bắt đầu có liên lạc với những phần tử cách mạng lưa vong ở Trung quốc, ở Nhật và ở Thái. Tại Trung quốc, Việt nam Quốc Dân đảng, Phục Quốc đồng minh hội đương cố gắng chỉnh đốn lại tổ chức trong trường hợp khó khăn. Nhật quân đã tiến xuống miền Hoa Nam, đây là bước sửa soạn cho một trận tuyến kết hợp những nhà ái quốc tại ngoài nước - Việt nam cách mệnh đồng minh hội.
Nhưng, trong hàng ngũ người Việt chủ trương giải phóng dân tộc giành độc lập, đã có những chia rẽ sâu xa về ý thức hệ, về sách lược và đường lối hoạt động, mà tuyệt đại đa số người dân chưa cảm giác thấy.
ở ngoài nước, từ năm 1944, đã có một tập hợp các anh em ở hải ngoại, với sự khởi xướng của mấy vị như Nguyễn Hải Thần, Hồ Học Lãm, Vũ Hồng Khanh, Nghiêm Kế Tổ, một số nhân vật các nhóm khác, và lấy tên là Việt nam Độc lập đồng minh hội (tên này sau đó bị đảng cộng sản sử dụng viết tắt là Việt minh vào năm 1941).
Không bao lâu sau, trong đó, một số đảng viên cộng sản trá hình định dẫn tổ chức sang khuynh hướng cộng sản, nên sự tập họp này đã tự giải tán. Tiếp theo, Việt nam Quốc Dân đảng tại Côn Minh thành lập Hải ngoại chấp hành ủy viên Hội, với những người cầm đầu Vũ Hồng Khanh, Nghiêm Kế Tổ, Chu Bá Phượng, Lê Khang... Chu Bá Phượng được phái về quốc nội hoạt động.
Vì Việt nam quốc dân đảng chưa gây lại một hệ thống đảng chặt chẽ ở trong nước, và không có nỗ lực tuyên truyền để ảnh hưởng tới quần chúng, nên đồng bào tuy vẫn mến mộ danh nghĩa của đảng, song thấy cần phải có tổ chức khác để cổ động dân chúng đứng lên hành động. Đó là nguyên do của sự nẩy nở một số đảng phái bí mật trong nước bắt đầu từ 1938 trở đi. Nhiều phần tử trí thức và sinh viên, bị thôi thúc bởi lòng yêu nước, sẽ kế tiếp nhau tham dự vào những phong trào chống Pháp, hoặc cộng sản hoặc không cộng sản. Có những bạn cùng đường, cùng một lớp, ngay trong cả một nhóm văn nghệ, một văn đoàn sẽ tham gia vào những khuynh hướng khác nhau, thậm chí sẽ trở thành thù địch trong những ngày khó quên mấy năm sau.