Ngọc Chi tự trả lời:
- Mi phải im luôn đi, phải coi tình cảm đó là sự lầm lẫn, mà đã biết lầm thì phải không được yêu nữa.
Anh Thư ngước mắt lên nhìn những cành thông, khuôn mặt buồn ảm đạm:
- Lầm món đồ hay lầm người thì có thể bỏ, nhưng tình cảm lầm thì chịu chết.
Hồng Thảo thở dài:
- Không chết được đâu, phải bỏ thôi.
Ngọc Chi nhìn Anh Thư gườm gườm:
- Có phải vì vậy mà sáng nay mi bỏ học không?
- Ta ghét thầy Khương lắm, ta có cảm tưởng bị thầy lường gạt.
Hồng Thảo phản đối ngay:
- Đừng có ghép lỗi cho thầy, vì đó là tự mi có tình cảm, chứ thầy đâu có biết mi thích thầy.
Ngọc Chi cũng đồng tình:
- Đúng đó, cho nên cách hay nhất là mi rút lui đi, đừng có tìm cách gặp thầy nữa, chuyện này coi như chỉ có hai đứa ta biết mà thôi.
Anh Thư không nói gì. Vì cả hai nói đều đúng. Cô không thể phản đói sự thật.
Nhưng trong thâm tâm, cô vẫn không nghĩ mình sao. Đâu đó trong cảm thức cho cô biết rằng thầy Khương thích cô, chứ không phải là sự ân cần như với bao sinh viên khác.
Nếu cô nói ra điều này, chắc chắn Thảo và Chi sẽ bảo là cô ảo tưởng.
Anh Thư đứng dậy, thẫn thờ đi xuống cổng. Hồng Thảo và Ngọc Chi cũng lóc cóc đi theo. Suốt đường về Anh Thư không hề hé miệng nói chuyện. Trong lòng cô là những câu thơ cứ lặp đi lặp lại:
“Có gì trong tôi đã vỡ từ hôm qua
Giữa đường về buồn như muốn khóc”
Anh Thư bước vào văn phòng khoa. Thầy Khương đang ngồi chờ cô ở bàn viết. Giờ này các thầy cô đều đã về. Anh Thư nghe tiếng đánh máy ở phòng trong. Chắc là cô trợ lý khoa còn trong đó. Nếu là lúc trước Anh Thư không quan tâm xung quanh, nhưng bây giờ biết xét nét, cô hiểu thầy Khương rất ý tứ khi gọi cô lên gặp ở đây, chứ không phải là một quán nước. Vì thầy cần làm việc với một sinh viên chứ không phải hẹn hò riêng tư.
Anh Thư khẽ gật đầu chào, rồi đến ngồi đối diện với thầy. Môi cô vô tình mím lại một cách bướng bỉnh. Cô đã biết thầy gọi cô lên để làm gì rồi.
Thầy Khương ngồi im nhìn Anh Thư quan sát. Cử chỉ bướng bướng đó không làm thầy bực mình, chỉ thấy khó hiểu. Anh Thư đâu phải là cô sinh viên cứng đầu như vậy.
Thầy chợt cười nhẹ:
- Em có biết tại sao tôi gọi em lên đây không?
- Thưa thầy không
- Em không nói thật rồi, em thông minh lắm, chắc chắn em phải biết vì sao thầy chủ nhiệm quan tâm đến mình.
Anh Thư nhìn xuống bàn, môi vẫn mím lại kiểu bướng bỉnh:
- Thưa thầy thật sự em không biết.
- Thôi được, vậy thì tôi sẽ nói. Nói thẳng ra, tôi rất thất vọng trước sự thay đổi của em. Trước khi nhận lớp, cô Minh có lưu ý tôi về em, có thể cô ấy không chấp nhận những sinh viên quá năng động, nhưng tôi thì chấp nhận.
- Vâng.
- Vấn đề là sau này em không còn lo học nữa, em đã nghỉ gần quá số tiết quy định, nếu còn như vậy, em sẽ bị cấm thi, tôi muốn biết tại sao em bỏ giờ như vậy.
Thấy Anh Thư không trả lời, thầy nói thêm:
- Tôi biết em chỉ bỏ học giờ tôi, tại sao vậy Anh Thư?
Giọng Anh Thư lễ phép nhưng khô khan:
- Dạ, tại em bận công việc.
Thầy Khương lắc đầu:
- Không phải, em không bận bịu gì hết, em chỉ bỏ học để đi chơi một mình, em thích như vậy lắm sao ?
- Dạ.
Thầy Khương hơi nhíu mày:
- Em có thể nói chuyện với tôi như vậy à?
- Thưa thầy, tại thầy hỏi nên em mới nói.
Thầy Khương quay mặt chỗ khá cnhư kềm chế sự bực mình, rồi quay lại nhìn cô, giọng vẫn nhẹ nhàng:
- Thôi được, có thể em không muốn nói thật, nhưng phải nghe lời cảnh báo của tôi, lo học đàng hoàng lại đi, em sắp bị cấm thi rồi đó, thầy hy vọng là em còn biết sợ.
- Vâng.
Thầy Khương im lặng như suy nghĩ, rồi nói nhẹ nhàng:
- Từ trước giờ thầy luôn nghĩ em quý mến thầy, cả thầy cũng vậy. Em là sinh viên gây cho thầy cô nhiều ấn tượng nhất, với thầy thì em gần như là người trong gia đình, những gì vui buồn cứ nói với thầy, được không?
Anh Thư hơi ngước lên, rồi lập tức nhìn ra chỗ khác. Khi biết cô và chị Thục Ánh là người nhà, thầy Khương bắt đầu nhìn cô thân hơn. Cô ghét cách quan tâm đó.
Thấy Anh Thư cứ im lặng gai góc, thầy Khương như không chờ đợi được nữa, giọng như không hài lòng:
- Có thể cho thầy biết lý do làm em bỏ học giờ thầy không?
- Dạ, tại em bận công việc nên đi trễ
Thầy Khương như hết kiên nhẫn, khuôn mặt nghiêm lại:
- Có lẽ thầy phải tới gặp ba mẹ em thôi, trước khi để cho em trở nên khó dạy.
Anh Thư chợt bật lên:
- Thưa thầy, em là sinh viên rồi, chứ không còn học tiểu học, thầy đừng coi em là con nít nữa.
Thầy Khương hơi ngạc nhiên trước phản ứng của cô, nhưng vẫn điềm nhiên:
- Nếu thấy mình đã lớn thì em đừng hành động như con nít nữa. Con nít không biết suy nghĩ, nhưng người lớn thì phải biết hậu quả những gì mình gây ra.
- Thầy nói dễ dàng lắm, vì thầy có bao giờ khổ sở như em.
Và không hiểu ma xui quỷ khiến thế nào, tự nhiên cô bật ra:
- Thầy là người gạt gẫm.
Thầy Khương ngẩng phắt lên:
- Em nói gì ?
- Thầy gây ra cho người khác điều gì thầy đâu có biết, thậm chí còn cố tình làm người ta bị tổn thương. Trước đây em rất quý thầy, nhưng bây giò em ghét rồi. Em không muốn học thầy, mỗi giờ thầy lên lớp đối với em là cực hình, thầy đổi người khác dạy đi.
Giọng thầy Khương nghiêm khắc:
- Anh Thư!
Anh Thư không trả lời. Và không hề chào một tiếng, cô mím môi đứng dậy, bỏ đi ra khỏi phòng.
Cử chỉ của cô làm thầy Khương sững sờ:
- Anh Thư!
Thầy đứng hẳn dậy:
- Trở lại tôi bảo, em nghe không ?
Nhưng Anh Thư vẫn ngoan cố bỏ đi. Cô biết mình đang vô phép, mất dạy. Nhưng khi hành động như vậy, cô không phản ứng với thầy của mình, mà là với người mình yêu mến. Làm sao mà thầy Khương hiểu điều đó chứ.
Cuộc nói chuyện nặng nề đó làm Anh Thư mất thăng bằng suốt mấy ngày. Nhưng tuần sau cô trở lại học bình thường.
Ngày thứ tư, sau hai tiết đầu, thấy Anh Thư vẫn ngồi lại trong lớp, Hồng Thảo nhìn cô như khuyến khích:
- Mi không bỏ giờ nữa phải không? Ít ra phải như vậy chứ.
Ngọc Chi nói cụ thể hơn:
- Nỗi buồn nào cũng phải hết, không lẽ để cho buồn hoài sao, ta biết mi đâu phải là người yếu đuối.
- Mi quên thầy Khương rồi chứ, Thư ?
- Thầy dọa tới nhà ta, nếu để ở nhà biết thì ta chết còn sướng hơn. Rồi thì ba mẹ sẽ truy ra, mặt mũi nào ta gặp mấy người bên nhà chị Thục nữa.
- Chắc không đến nỗi vậy đâu, ờ, nhưng đề phòng vẫn tốt hơn.
Ngọc Chi định nói, nhưng thấy thầy Khương bước vào nên thôi. Cô bấm tay Anh Thư, rồi đứng dậy.
Anh Thư cũng đứng lên chào. Cô thấy thầy Khương nhìn xuống chỗ cộ Hình như thầy hài lòng vì hôm nay cô không bỏ giờ. Có nghĩa là Anh Thư còn biết sợ. Thầy làm sao hiểu được cô chỉ sợ nỗi lòng của mình bị phơi bày trước mọi người. Mà để tránh bị xấu hổ, cái giá cô phải trả là sự chịu đựng như cực hình.
Cô không chịu nổi khi nhìn thấy thầy đứng trên bục giảng. Hình ảnh dấu yêu cứ làm trái tim cô rung động. Rồi sau đó biến thành nỗi thất vọng. Và trên hết là cảm giác uất ức như bị lừa gạt.
Suốt ba giờ học, cô cứ ghi chép như cái máy. Và cố tránh không nhìn lên bảng. Đến cuối giờ, khi thầy Khương ra khỏi lớp, Hồng Thảo quay qua cô, nói nhỏ:
- Nãy giờ thầy cứ nhìn mi hoài đó, ta thấy mi cứ ngó ra cửa sổ không, mi có nghe giảng không đó ?
Tự nhiên Anh Thư gắt lên:
- Đến mi mà cũng kiểm soát ta nữa hả ? Ta giống như con nhỏ bất thường phải không? Bạn bè cũng coi thường được thì nói gì là người khác.
Cô tức ngân ngấn nước mắt, làm hai cô nàng vừa ngạc nhiên vừa hối hận. Ngọc Chi rối rít:
- Mi đừng có nhạy cảm quá như vậy, cuối cùng đâm ra lệch lạc, nó chỉ muốn mi tập trung thôi chứ có ẩn ý gì đâu.
- Bạn bè lo cho nhau cứ không có chuyện coi thường. Mi đừng có suy đoán lung tung.
Anh Thư hơi bình tĩnh lại. Cô nhận ra mình hơi vô lý, nhưng không nói xin lỗi. Tại sao cô lại trút sự ấm ức không nói thành lời vào bạn bè. Như vậy còn lố bịch hơn nữa.
Trên đường về, Hồng Thảo và Ngọc Chi thay nhau an ủi Anh Thư, làm cô từ bình tĩng chuyển sang nổi khùng lên. Nhưng cô không thể hiện nó ra.
Cuối cùng, khi sắp đến ngã rẽ, cô đứng lại, nói một hơi:
- Tụi mi có biết mỗi lần nghe tụi mi an ủi, ta cảm thấy khổ sở hơn không? Bị cảm giác thất tình, bị bạn bè thương hại, ta không còn biết mình là ai nữa, không còn tự tin nữa. Ta ghét nhất là tình trạng này.
Hồng Thảo không biết nói gì, cô buông ra một câu “Vậy hả” vô nghĩa, rồi nín thinh.
Ngọc Chi thì có vẻ sâu sắc hơn:
- Từ đó giờ mi không gặp chuyện gì rắc rối, nên vấp phải chuyện nhỏ mi cứ thấy ghê gớm . Thật ra tình cảm đơn phương đâu có gì xấu, có gì mà mặc cảm chứ.
- Đúng đó, mi đẩy cái buồn của mình đi xa hơn rồi, trong khi nó không có gì lớn lao hết.
- Rồi từ từ mi cũng quên thầy thôi. May là thầy chỉ dạy mình có một học kỳ, người ta bảo tình cảm tuổi mới lớn rất lãng mạn, nhưng cũng không có gì sâu sắc, mai mốt yêu người khác là mi quên hết.
“Sao ai cũng nghĩ mình là con nít vậy” – Anh Thư nghĩ một cách chán nản. Bạn bè còn xem cô là con nít, huống chi thầy Khương. Thầy có bao giờ nghĩ ra nổi, có một đứa con nít yêu thầy một cách chín chắn, hơn cả người từng trả không?
Suốt một thời gian, Anh Thư sống trong tâm trạng của một người không ý thức được là mình đang sống. Cô cũng không hiểu nổi bằng cách nào cô đã tới trường, đã làm tất cả mọi việc hàng ngày. Như ai đó chứ không phải chính mình đã làm.
Chiều nay Anh Thư đang ngồi một mình trong sân trường thì thầy Khương đi ngang. Thấy cô, thầy ngừng lại:
- Sao vô trường giờ này vậy Thư?
Anh Thư đứng dậy:
- Thưa thầy.
Thầy Khương ngồi xuống băng đá cạnh cô, khoát tay:
- Em ngồi xuống đi.
- Dạ.
Anh Thư im lặng ngồi xuống. Khép sát áo lạnh vào người, cô đưa mắt nhìn xuống những viên sỏi dưới chân. Dạo này khi tiếp xúc với thầy Khương, cô vẫn thường nhìn tránh như thế. Sự vô tư như trước đây thật sự không làm sao tồn tại được nữa.
Thầy Khương thẳn thắn nhìn Anh Thự Cái nhìn đầy quan tâm:
- Lúc này thầy thấy em thay đổi rất nhiều. Chuyện gì đã xảy ra với em vậy ?
Anh Thư nhìn thẳng phía trước, trả lời như cái máy:
- Dạ không có.
- Em nói dối thầy phải không? Trước kia thầy thấy em rất vô tư, cười nói suốt. Bây giờ em buồn nhiêu hơn, em gặp chuyện gì phải không?
- Dạ không.
Thầy Khương nhìn cô một cái, có vẻ như khó hiểu, nhưng vẫn cười thân mật:
- Anh Thư có giận vì lần trước thầy nói nặng với em không? Thật tình thầy rất lo cho em, thầy nghĩ, nếu không thuyết phục được em, chắc thầy phải tới gặp phụ huynh thôi.
Khuôn mặt Anh Thư chợt đầy nét bất mãn:
- Em xin thầy đừng xem em như con nít. Em hơn hai mươi tuổi rồi, còn thầy lúc nào cũng nói chuyện với em như nói với trẻ con. Phải dọa nạt mới sợ.
Cô ngừng lại một chút, rồi nói tiếp một cách giận dỗi:
- Ở tuổi em, người ta đủ tư cách biết yêu thương rồi, có khi nào thầy nghĩ em cũng biết chuyện đó không?
Thầy Khương chợt quay lại, nhìn cô lạ lùng, rồi mỉm cười:
- Em nói đúng, các em lớn rồi, không thầy cô nào ngăn cản tình cảm nam nữ của các em, nhưng ở vị trí của người thầy, thầy phải lưu ý em chuyện học.
Anh Thư nói ngang:
- Em chán tất cả, em không muốn học nữa. Nếu biết vào đại học phải gặp chuyện này, thì em đã không thèm vào đây.
Thầy Khương vẫn nói bằng giọng từ tốn:
- Chuyện gì làm em nổi loạn vậy Anh Thư?
- Không có chuyện gì cả.
- Có lịch thi rồi đó Anh Thư , mấy hôm nay thầy rất muốn gặp em, thầy muốn nói với em, từ đây đến lúc thi đừng nghĩ ngợi lan man nữa, tập trung học đi, qua lúc đó rồi em muốn nghĩ tới chuyện gì cũng được.
Anh Thư im lặng. Cô chợt ngước lên nhìn bầu trời . Trong cái lạnh dịu dàng và giữa cảnh vật thơ mộng chiều nay, được ngồi bên người mình yêu mến là một niềm vui nhẹ nhàng. Nhưng thầy Khương đã phá vỡ cảm xúc của cô bằng những giáo huấn hết sức mô phạm. Nó gây cho cô sự chán nản bất bình. Và vì không dám la hét phản đối, nên cô chỉ biết im lặng.
Thấy Anh Thư cứ một mực không nói, thầy Khương nghiêng đầu qua nhìn mặt cô:
- Em có nghe thầy nói không? Em đang nghĩ gì vậy ?
- Em không nghĩ gì cả.
- Có thể những gì thầy nói là những điều chán ngắt đối với em, nhưng thầy không thể bỏ qua, vì thầy là thầy chủ nhiệm, thầy có trách nhiệm …
Anh Thư không đủ kiên nhẫn nghe nữa, cô cắt ngang:
- Thầy đừng dạy em phải thế này, thế kia nữa, em xin thầy đó.
- Em làm sao vậy ?
Môi Anh Thư hơi run vì xúc động, cô hấp tấp nói tiếp:
- Ở vị trí thầy chủ nhiệm, thầy thấy có bổn phận nhắc em học, nhưng còn những sóng gió trong lòng em, thầy có bài học nào không?
Thầy Khương điềm tĩnh nhìn cô:
- Em muốn nói gì ?
- Em ghét nhất là bị xem như đứa con nít lớp một, còn thầy thì luôn nhìn em như vậy. Thầy không còn là người như em đã nghĩ nữa.
Thầy Khương ngồi im lặng suy nghĩ. Sau phản ứng của Anh Thư không khí như chùng xuống hẳn đi, sự im lặng như khủng bố tinh thần Anh Thư, cô bèn đứng lên, nước mắt ngân ngấn:
- Em xin lỗi vì đã vô lễ với thầy, nhưng em không chịu đựng được nữa, thầy cho phép em về ạ.
Thầy Khương khoát tay:
- Thôi được, em về đi.
Anh Thư cúi xuống cầm mấy quyển sách. Khi ngước lên, cô nhìn mặt thầy Khương. Trong khoảnh khắc đó, cô cảm nhận được là thầy không hiểu gì về điều cô nói. Thậm chí không hiểu nổi tại sao cô trở nên như vậy.
Thế là những gì vừa bùng lên trong cô chợt tắt ngấm. Ngọc Chi đã nói đúng, cô không được nói với thầy tình cảm của mình, nếu không muốn bị xem là thần kinh có vấn đề.
Anh Thư thẫn thờ đi ra cổng. Bước thấp bước cao. Lòng thì lao đao chới với. Gánh nặng tình cảm này phải giữ lấy một mình, thật là quá nặng đối với cô.
Nếu lúc nãy cô bồng bột nói với thầy Khương, thì sự thể sẽ ra sao ?
Ngày hôm sau lớp trưởng thông báo lịch thị Anh Thư ngồi chép vào tập mà đầu óc vẫn nghĩ lan man. Bên cạnh cô, bạn bè lao xao bàn về chuyện thi học kỳ. Chỉ có cô là đắm chìm trong chuyện tình cảm. Cô có cảm tưởng mình bị tách ra khỏi thế giới của bạn bè. Vì mình đã tự chuốc lấy họa tình yêu.