Khuya đêm qua bỗng có chuông điện thoại vang lên, giọng đàn bà hớt hải, như giọng một người béo phì không thở được "Tôi muốn gặp Florence".
- Cô ấy đang ngủ. Mọi người đang ngủ.
- Vâng, bà gọi giùm.
Trời mưa không to lắm. Tôi gõ cửa phòng Florence. Cửa mở liền, y như cô ta đã đứng chờ sẵn. Sau cửa tôi nghe tiếng trẻ lầu bầu trong giấc ngủ. Tôi bảo "Cô có điện thoại".
Năm phút sau cô ta đến phòng tôi. Không đội nón, để đầu trần, mặc áo ngủ dài trắng, trông cô ta trẻ ra hơn.
Cô ta nói "Lại có chuyện rắc rối".
- Bheki hả?
- Vâng, tôi phải đi thôi.
- Nó đang ở đâu?
- Phải đi Guguletu trước, rồi sau đó mới đến Công trường C.
- Tôi không hiểu Công trường C ở đâu.
Cô ta nhìn tôi, chưa hiểu thế nào.
Tôi bảo "Ý tôi nói nếu cô chỉ đường, tôi sẽ lái xe đưa cô đi".
Cô ta ngập ngừng đáp "Vâng, nhưng tôi không thể bỏ bọn trẻ".
"Thì cho chúng đi theo."
Cô ta đáp "Vâng". Chưa bao giờ thấy cô ta lưỡng lự như vậy.
Tôi nói "Còn Vercueil. Phải gọi anh ta đi giúp, để còn đẩy xe nữa".
Cô ta lắc đầu.
Tôi nằng nặc "Thế nào cũng phải để anh ta cùng đi".
Con chó nằm cạnh Vercueil, thấy tôi đến, nó chỉ đập đuôi xuống sàn, không đứng dậy.
- Ông Vercueil – tôi gọi to. Anh ta mở mắt. Tôi đứng lùi ra xa. Anh ta càu nhàu – Tôi phải đưa Florence đi Guguletu. Việc rất gấp, phải đi ngay bây giờ, ông cùng đi có được không?
Anh ta không trả lời, quay nằm nghiêng. Con chó vẫy đuôi.
Tôi chĩa đèn vào anh ta gọi "Ông Vercueil!"
Anh ta lẩm bẩm "Mặc kệ bà!"
Tôi nói lại với Florence "Tôi không gọi anh ta được thì phải có người nào đẩy xe chứ?"
Cô ta nói "Để tôi đẩy".
Florence để hai đứa nhỏ trùm chăn ấm ngồi ghế sau rồi lại đẩy xe. Chúng tôi lên đường. Hơi thở trong xe làm mờ kính, tôi phải cố nhìn, cho xe đi từ từ lên dốc On Waal, bị lạc một lúc ở phố Claremont, rồi tìm ra đường Landsdowne. Những chuyến xe buýt đầu tiên trong ngày đã thấy xuất hiện, đèn sáng trưng, chở đầy khách. Lúc này chưa đến năm giờ.
Chúng tôi đi qua những ngôi nhà cuối cùng, những ngọn đèn cuối cùng, cho xe chạy trong cơn mưa tầm tã lên phía tây bắc, chỉ biết nhìn vào ánh đèn vàng từ đèn pha chiếu mà đi.
Florence nói "Nếu có ai vẫy xe hoặc gặp chuyện gì trên đường, bà đừng có ngừng lại, cứ phải đi tiếp tục".
Tôi nói "Tôi sẽ không làm thế đâu. Lẽ ra cô phải nói trước. Florence, phải nói để cô biết nếu gặp chuyện gì rắc rối tôi sẽ quay đầu xe về ngay".
"Tôi không bảo là có chuyện rắc rối. Chỉ nói thế thôi".
Tôi cho xe đi liều trong đêm tối. Không có ai chặn đường, không có ai vẫy xe, dọc đường cũng không có chuyện gì. Hình như chuyện rắc rối còn chưa xảy ra mà chỉ chuẩn bị cho trận sau. Mọi khi vào giờ này hai bên đường đã có hàng nghìn người làm việc, còn bây giờ thì vắng tanh. Những đám mây mù lởn vởn quệt ngang rồi bay đi. Như có cả ma quỷ nữa. Chỗ này là Amern, nơi không có chim chóc. Tôi rùng mình, bắt gặp cái nhìn của Florence. Tôi hỏi "Còn bao xa?"
"Không xa lắm đâu".
"Trên điện thoại họ nói thế nào?"
- Hôm qua lại bắn nhau. Họ cấp vũ khí cho quân witdoeke bắn.
- Guguletu có bắn nhau không?
- Không, họ bắn nhau trong rừng.
- Florence, nếu gặp rắc rối là tôi quay về đấy. Chúng ta tới thăm Bheki thôi, ngoài ra không làm gì khác, rồi tôi về. cô không bao giờ nên thả cho nó đi nữa.
- Vâng, nhưng ở đây bà phải rẽ trái.
Tôi quay xe. Đi được một trăm mét thấy rào chắn giữa đường, đèn nhấp nháy, xe cộ đỗ dọc hai bên, cảnh sát cầm súng. Tôi dừng lại, một viên cảnh sát tiến tới.
Anh ta hỏi "Đến đây làm gì?"
Tôi nói "Tôi đưa người giúp việc về nhà". Tôi ngạc nhiên thấy sao có thể bình tĩnh mà nói dối như thế được.
Anh ta liếc nhìn bọn trẻ nằm ngủ ở ghế sau. "Nhà cô ta ở đâu?"
Tôi đáp "Ở năm mươi bảy."
- Bà có thể cho cô ta xuống đây đi bộ, không xa lắm.
Tôi cương quyết "Trời đang mưa, cô ta lại có trẻ nhỏ, tôi không thể để cho cô ta đi bộ một mình".
Anh ta ngập ngừng, rồi vẫy đèn cho tôi đi tiếp. Đứng trên mui xe gần đó có một thanh niên mặc quần áo dã chiến, tay lăm lăm khẩu súng chĩa vào bóng tối.
Tôi thấy trong không khí có mùi tro ướt, cao su cháy. Chúng tôi cho xe chạy từ từ trên con đường rộng phẳng lát đá, hai bên là những ngôi nhà như hộp diêm. Tôi liếc chiếc xe cảnh sát bọc lưới thép chạy qua. Florence nói "Đến đây bà rẽ phải đi, rẽ phải nữa, rồi dừng lại".
Cô ta bế đứa con nhỏ, tay dắt đứa kia còn ngái ngủ loạng choạng đi vào con đường nhỏ đến số nhà 218 rồi gõ cửa vào. Hope và Beauty mở mắt ngỡ ngàng. Tôi ngồi bên ngoài, vẫn để xe nổ máy.
Chiếc xe cảnh sát khi nãy đến bên, chiếu đèn thấu vào chỗ tôi. Tôi phải đưa tay che mắt. Xe ấy lại chạy đi tiếp.
Florence bước ra, chùm áo nhựa lên người và đứa bé, ngồi vào sau xe. Một người đội mưa chạy ra theo, không phải Bheki, mà một ông khoảng ba bốn chục tuổi, có râu mép, vẻ nhanh nhẹn. Ông ta ngồi cạnh tôi. Florence nói "Đây là ông Thabane, anh họ tôi. Ông ấy sẽ chỉ đường".
Tôi hỏi "Hope đâu?"
- Tôi gởi lại để bà chị trông giùm.
- Còn Bheki đâu?
Im lặng.
Người đàn ông nói "Tôi cũng không rõ lắm". Giọng ông ta nhỏ nhẹ. "Sáng hôm qua nó có đến đây, để đồ đạc rồi đi ngay. Từ đó đến giờ không thấy nó đâu nữa. Nó không về đây ngủ. Nhưng tôi biết các bạn nó ở đâu. Bây giờ chúng ta phải đến đó tìm".
Tôi hỏi "Florence, có phải cô muốn tìm nó không?"
Florence đáp "Phải tìm nó chứ. Chẳng có cách nào khác".
Người kia nói "Bà để tôi lái cho. Dù sao như vậy cũng tốt hơn, phải không?"
Tôi vào ngồi sau xe, bên cạnh Florence. Mưa bắt đầu nặng hạt. Xe lõm bõm qua những vũng nước trên con đường gồ ghề. Rẽ trái, rẽ phải, xe vòng một quãng dưới ánh đèn đường tù mù màu da cam rồi đỗ lại. Tôi nói với ông Thabane, anh họ của Florence "Cẩn thận, đừng tắt máy".
Ông ta bước ra, gõ cửa sổ, nói chuyện khá lâu với người nào đó tôi không trông rõ. Lúc quay ra, người ông ta ướt sũng, lạnh run. Ông ta lóng ngóng rút bao thuốc lá, định châm hút. Tôi bảo "Đừng hút trong xe". Ông ta và Florence đều có vẻ khó chịu.
Tất cả ngồi im lặng. Tôi hỏi "Ta còn chờ gì nữa?"
- Họ sắp cử người đến chỉ đường.
Một chú bé đội chiếc mũ to hơn người từ trong nhà chạy ra. Cậu ta cười chào mọi người, vẻ tự tin, nhảy vào trong xe chỉ đường. Cậu ta chỉ độ mười tuổi là cùng. Một chú bé của thời đại, đã quen với cảnh bạo lực. Nghĩ đến thời trẻ, tôi chỉ nhớ những buổi chiều dài nắng gắt, nhớ mùi thơm của bạch đàn trên đại lộ, nhớ tiếng nước róc rách bên đường, tiếng chim bồ câu rúc rích. Tuổi ấu thơ chỉ biết ngủ, khúc dạo đầu của cuộc sống không biết đến phiền muộn, êm ả đi tới Nát bàn. Ít ra thì tuổi trẻ của chúng ta, tuổi trẻ của thời đã qua, cũng được phép đi lên Nát bàn chứ? Tôi không tin điều đó. Nếu như có công lý thì chúng ta đã được chặn lại ở ngưỡng cửa Âm phủ rồi. Như đám côn trùng trắng bệch, sống nhung nhúc, chúng ta sẽ được họ gởi theo những linh hồn trẻ con trẻ mãi mãi ê a tiếng khóc. Màu trắng của ta bị bỏ quên. Cát trắng, đá trắng, ánh sáng trắng tràn ngập khắp phía, mãi mãi nằm ngoài bãi biển trong ngày Chủ Nhật vô tận giữa hàng ngàn đồng loại trì trệ ngủ gật, với tiếng sóng vỗ êm ru. Trước hết là nằm ở ngưỡng cửa cái chết, ngưỡng cửa của cái sống, là những sinh vật do biển vứt lên, chui xuống cát, vô định, không biết chắc điều gì, chẳng nóng cũng chẳng lạnh, chẳng phải cá cũng không phải chim.
Chúng tôi qua mấy ngôi nhà cuối cùng. Xe chạy qua ánh sáng mờ qua vùng đất cháy, cây cỏ đen xì. Một chiếc xe tải chạy q ua, ba người ngồi sau chui dưới vải bạt. Đến đoạn đường sau chúng tôi theo kịp họ. Họ lặng lẽ nhìn chúng tôi trong khi chờ kiểm tra. Viên cảnh sát vẫy cho họ đi, rồi vẫy cho chúng tôi đi.
Chúng tôi quay lên phía bắc, bỏ xa rặng núi, rồi qua đường cao tốc đến một quãng đường đá sắp biến thành cát. Ông Thabane dừng xe lại nói "Chúng ta không thể đi xa hơn được, nguy hiểm lắm". Rồi chỉ tay vào đèn đỏ nhấp nháy ở xe nói tiếp "Ổ điện của bà có vấn đề".
Tôi nói "Tôi để nó hỏng đấy". Tôi không muốn giải thích gì thêm.
Ông ta tắt máy. Chúng tôi ngồi một lúc lâu nghe mưa rơi thình thình trên mui xe. Rồi Florence và chú bé bước ra. Con nhỏ đèo trên lưng cô ta vẫn ngủ yên. Ông Thabane nói "Bà nên đóng cửa vào thì hơn".
"Các người đi bao lâu?"
- Không thể biết được, nhưng chúng tôi sẽ cố mau về.
Tôi lắc đầu nói "Tôi không ngồi ở đây được".
Tôi không có mũ, không có dù. Mưa hắt vào mặt, tóc bết vào da đầu, chảy xuống cổ. Tôi nghĩ đi thế này có thể bị cảm lạnh. Chú bé dẫn đường đã đi một quãng xa. Ông Thabane đưa cho tôi chiếc áo mưa "Bà đội cái này lên đầu đi".
Tôi nói "Không cần, mưa nhỏ không sao đâu".
Ông ta nằng nặc "Bà cứ đội lên đi". Tôi làm theo.
Chung quanh toàn những cồn cát xám hoang vắng, đều thuộc giống Cảng Jackson, những đống rác và tro bụi. Những mảnh nhựa, sắt vụn, thuỷ tinh, xương động vật rải rác hai bên đường. Tôi đã bắt đầu run vì lạnh, nhưng đi nhanh hơn thì tim đập rất khó chịu. Tôi tụt lại sau. Florence có dừng lại nghỉ không? Không. Lòng mẹ khiến cô ta không dừng lại vô ích.
Đến một ngã ba, ông Thabane dừng lại chờ. Tôi hổn hển nói "Cám ơn, ông rất tốt bụng, xin lỗi phải để ông chờ. Tôi có chỗ đau ở bên hông".
Ông ta nói "Bà hãy dựa vào tay tôi".
Nhiều người nối nhau đi qua, họ có râu, mặt lầm lì, tay cầm gậy. Ông Thabane tránh sang bên đường. Tôi phải bám chặt lấy ông ta.
Đường rộng dần, cuối cùng đến một cái ao to, bên kia bờ ao là một dẫy nhà lụp xụp, những nhà thấp đều ngập nước. Một số nhà có khung gỗ và sắt, những nhà khác chỉ có vải nhựa bọc khung gỗ, nằm ngả nghiêng trên cồn cát.
Đến bờ ao tôi đứng lại. Ông Thabane nói "Bà cứ theo tôi". Tôi bám ông ta đi, nước ngập đến mắt cá chân. Một chiếc giày của tôi bị nước hút đi đâu mất. Ông ta dặn "Coi chừng mảnh chai". Tôi tìm lại được chiếc giày.
Ở cổng vào chỉ có một bà già đứng đó trễ miệng, chẳng có đèn đóm gì. Đi sâu vào trong nghe có tiếng ù ù, lúc đầu tưởng là gió và mưa, nghe dần thành tiếng kêu, tiếng hét, tiếng gọi nhau, trên nền đất thấp những tiếng đó giống như tiếng thở dài. Tiếng thở dài của bàn dân thiên hạ.
Rồi chú bé dẫn đường lại xuất hiện, nắm lấy ống tay áo ông Thabane, nói vội vã. Hai người bỏ đi. Tôi cố theo họ đi qua những cồn cát.
Chúng tôi đứng phía sau một đám đông hàng trăm người, nhìn xuống cảnh tàn phá dưới kia. Những túp lều bị đốt trụi, có chỗ còn đang cháy, toả khói đen. Bàn ghế, giường tủ, đồ vật trong nhà, vứt lổng chổng dưới mưa. Mấy tốp người ra sức cứu những thứ còn lại trong túp lều cháy, dập từng đám lửa. Tôi chợt nghe không hiểu họ cứu lửa hay đốt lửa, vì tôi tưởng như họ không chiến đấu với lửa mà chiến đấu với mưa.
Tiếng thở dài là từ những người đứng ngoài cồn cát. Như những người đưa tang, họ đứng dưới mưa, đàn ông, đàn bà, trẻ con, người nào người nấy sũng nước, chẳng che đậy gì, chỉ biết nhìn cảnh tàn phá.
Một người mặc áo choàng đen vung chiếc rìu đập vỡ cửa sổ, rồi đạp cửa chính cho bật vào trong. Một bà ôm con nhỏ chạy ù ra như vừa được sổ lồng, ba đứa nhỏ đi chân đất chạy theo. Ông ta để họ đi qua rồi đập nhát nữa vào khung cửa, túp nhà kêu răng rắc.
Một người nữa bước vào trong, tay mang chiếc bô. Người đàn bà chạy vào theo, đem ra một bọc khăn trải giường. Bà ta định vào nữa nhưng bị đuổi ra ngoài.
Từ trong đám đông, một hòn đá ném lên nóc nhà đang cháy kêu cạch một tiếng, một hòn khác ném vào tường, một hòn khác nữa ném cạnh chân người đang cầm rìu. Ông ta hét một tiếng hăm doạ. Rồi ông ta cùng hơn chục người nữa dừng tay, giơ gậy gộc tiến đến đám đông. Họ kêu hét bỏ chạy. Tôi cũng bỏ chạy nhưng bị hút vào cát không nhấc chân lên được. Tim tôi đập mạnh, ngực đau nhói. Tôi dừng lại thở, nghĩ bụng: mình gặp chuyện này ở đây thật sao? Mình ở đây làm gì thế? Dường như tôi trông thấy chiếc xe màu xanh lục lặng lẽ chờ bên đường. Tôi không mong gì khác hơn là ngồi vào xe của tôi, đóng chặt cửa, chạy thoát khỏi cái thế giới điên rồ và bạo lực này.
Một bé gái, rất to béo, huých vào vai tôi bắn sang một bên. Tôi ngã xuống mắng nó "Đồ quỷ!". Nó hung hãn chửi lại "Đồ quỷ! Cút đi! Cút đi!" rồi nó chạy lên cồn cát, ngúng nguẩy cái lưng to béo.
Tôi nằm úp mặt xuống cát nghĩ bụng chỉ một chút nữa là mình đi đứt. Những loại người như nó có thể đánh nữa, mà tôi thì yếu ớt như con sâu.
Tiếng chân đi lạo xạo bên cạnh. Tôi chợt nhìn thấy chiếc ủng da nâu, mũi quặp xuống, gót buộc dây. Tôi bị ngã nhưng chưa hề gì.
Tôi đứng dậy. Phía trái hình như còn đang đánh nhau. Đám người bỏ chạy vào rừng trước đây một phần bỗng kéo lại. Một người đàn bà hét rất to. Tôi không biết có thể chạy khỏi chỗ khủng khiếp này bằng cách nào. Cái ao tôi lội qua lúc nãy không biết bây giờ ở đâu, đường đi ra xe ở đâu? Chỗ nào cũng thấy ao, hồ, vũng nước, những lối nhỏ này đi ra đâu không biết.
Tôi nghe rõ tiếng súng nổ. Một tiếng, hai tiếng, ba tiếng, không gần lắm, nhưng cũng không xa.
Một giọng nói vang lên. Ông Thabane vừa đến. "Đi thôi!" "Vâng!" tôi cám ơn, cố chạy theo không kịp.
Tôi gọi "Xin ông đi chậm lại cho!" Ông ta chờ. Chúng tôi quay lại cái ao khi nãy và ra đến đường cũ.
Một thanh niên đến bên cạnh chúng tôi, mắt đỏ lè. Anh ta nói "Các người đi đâu?" Tôi chẳng biết phải trả lời thế nào.
Tôi đáp "Tôi đang bỏ chạy. Chẳng biết đây là nơi nào".
Ông Thabane nói "Chúng tôi đi tìm xe".
Anh ta nói "Chúng tôi cần đến chiếc xe đó".
Tôi nói "Tôi không cho bất cứ ai lấy xe của tôi".
Ông Thabane nói "Anh này là bạn của Bheki".
Tôi mặc kệ, tôi không cho anh ta lấy xe.
Anh thanh niên này chưa phải là người lớn, thật ra chỉ ăn mặc như người lớn, cử chỉ như người lớn, làm một động tác hơi lạ. Anh ta giơ một tay lên ngang đầu, tay kia đánh vào tay này bốp một tiếng. Thế nghĩa là gì? Động tác ấy có nghĩa gì chứ?
Lưng tôi đau muốn chết vì đi bộ. Tôi đi chậm rồi đứng lại nói "Tôi phải về nhà ngay!". Tôi nói như van lơn, giọng run run.
Ông Thabane nói "Bà đã thấy đủ chưa?" Giọng ông có vẻ nhẹ hơn.
"Tôi thấy đủ rồi. Tôi không đến để xem gì hết. Tôi chỉ đi tìm Bheki thôi".
"Và bây giờ bà muốn về nhà?"
"Phải, tôi muốn về. Tôi đang đau lắm, tôi mệt lắm rồi".
Ông ta quay người đi tiếp. Tôi tập tễnh bước theo.
Rồi ông ta dừng lai nói "Bà muốn về nhà ư? Còn những người ở đây thì sao? Họ muốn về nhà tức là về đây thôi. Bà nghĩ sao?"
Chúng tôi đứng giữa đường, dưới cơn mưa nhìn nhau. Những người đi qua cũng dừng lại, họ tò mò nhìn tôi. Việc của tôi cũng là việc của họ, việc của tất cả.
Tôi nói "Tôi chẳng biết nói thế nào. Kinh khủng quá".
Ông ta nói "Không chỉ kinh khủng thôi đâu. Đó là tội ác. Khi bà thấy tận mắt một tội ác, thì sẽ nói gì nào? Bà có thể nói "tôi thấy đủ rồi, tôi không đến để xem, tôi muốn về nhà" được không?"
Tôi lắc đầu thất vọng.
Ông ta nói "Không, bà không nói thế đâu, đúng không? Vậy bà nói thế nào? Bà đã thấy tội ác gì? Tên tội ác đó là gì?"
Ông ta là một nhà giáo, tôi nghĩ thế. Cho nên ông ta nói khá giỏi. Những gì ông ta vừa làm đều đã thực hành ở trường. Một cái mẹo thường dùng để người ta tưởng như trẻ con cũng trả lời được. Cách nói từ trong bụng ấy là di sản của Socrates, được áp đặt ở Châu Phi cũng như ở Athens.
Tôi nói "Ông Thabane, có rất nhiều điều tôi có thể nói được. Nhưng phải đúng là những lời từ tôi mà ra. Ông nên biết, khi người ta bị buộc phải nói thì ít khi nói ra sự thật".
Ông ta định trả lời nhưng tôi ngăn lại.
- Khoan đã, ông hãy chờ đấy. Tôi không né tránh câu hỏi của ông đâu. Ở đây đang diễn ra những chuyện khủng khiếp. Nhưng tôi nghĩ gì về những chuyện dó thì tôi phải nói theo cách của tôi.
- Vậy xin bà cho nghe bà định nói thế nào! Chúng tôi nghe đây! Chúng tôi đang chờ đây!
Ông ta giơ tay cho mọi người im lặng. Đám đông lẩm bẩm tán thành.
Tôi thủng thẳng nhắc lại "Đây là những cảnh khủng khiếp. Phải lên án những cảnh đó. Nhưng tôi không thể lên án bằng những lời của người khác được. Tôi phải có những lời lẽ của riêng tôi. Nếu đó không phải là sự thật. Bây giờ tôi chỉ nói thế thôi".
Một người trong đám đông lên tiếng "Bà này nói bậy" Anh ta nhìn quanh rồi nhắc lại "Nói bậy". Không ai phản đối anh ta. Vài người bỏ đi.
Tôi nói "Phải, anh có lý. Điều anh vừa nói là đúng đấy".
Anh ta nhìn tôi như nhìn một người điên.
Tôi nói tiếp "Nhưng anh tưởng thế nào? Nếu nói về những cái này" – tôi chỉ tay vào bụi cây, vào đám khói, vào đống rác rưởi vứt bên đường – "Anh phải cần đến ngôn ngữ của thánh nhân".
Anh ta lại lớn tiếng thách thức "Bậy!"
Ông Thanbane quay lưng bỏ đi. Tôi lết theo sau. Đám đông cũng bỏ đi. Lát sau chú bé cũng chạy vội bên tôi. Tôi trông thấy chiếc xe.
Ông Thabane nói "Xe của bà là chiếc Hillman phải không? Trên đường chẳng còn mấy chiếc xe này nữa đâu".
Tôi ngạc nhiên. Sau bao nhiêu chuyện vừa rồi, tôi tưởng như đã có sự ngăn cách giữa ông ta và tôi. Nhưng hình như ông ta không giận.
Tôi đáp "Từ hồi những chiếc xe của Anh được coi là tốt nhất đấy. Tôi xin lỗi vì đã làm ông phật ý".
Ông ta không để tâm, hỏi lại "Đồ của Anh vẫn là tốt nhất sao?"
- Không, tất nhiên không. Đó chỉ là khẩu hiệu của thời gian sau chiến tranh mà thôi. Ông chẳng nhớ được gì đâu vì hồi đó ông còn trẻ.
Ông ta nói "Tôi sinh năm 1043. Nay đã bốn mươi ba tuổi. Bà không tin à?" Ông ta quay lại cho tôi nhìn kỹ. Cũng tầm thường thôi, tầm thường nhưng có chỗ hấp dẫn.
Tôi khởi động xe. Ắc quy không chạy. Ông Thabane và chú bé đứng ra đẩy, chân cắm chặt xuống cát. Cuối cùng máy nổ. Chú bé nói "Đi luôn đi!" Tôi nghe theo.
Tôi hỏi ông Thabane "Ông là nhà giáo phải không?"
- Trước kia là nhà giáo. Nhưng tôi tạm bỏ nghề, cho đến khi nào thuận tiện. Hiện nay tôi bán giày.
Tôi quay sang hỏi chú bé "Còn chú?"
Nó lẩm bẩm câu gì tôi không nghe rõ.
Ông Thabane quay hỏi nó "Chú cũng là thiếu niên thất nghiệp, phải thế không?"
Nó mỉm cười rồi bảo "Rẽ đây, ngay sau cửa hàng kia".
Ba cửa hàng nằm chơ vơ giữa khoảng đất hoang cháy xém, một hàng có biển đề HÃNG BHAWOODEN, tôi còn đọc được.
Ông Thabane nói "Lâu rồi, từ năm ngóai cơ".
Chúng tôi ra đường đất rộng hơn. Phía trái có một căn nhà sạch sẽ hơn, tường gạch, mái xi măng đúc, có cả lò sưởi. Xa đó một chút quanh đó là những ngôi nhà lụp xụp.
Chú bé chỉ tay "Nhà kia kìa".
Nhà này dài và thấp, có lẽ là phòng họp hay trường học gì đó, chung quanh có hàng rào lưới. Nhiều chỗ đã bị dẫm bẹp, chỉ còn vài bức tường khói đen. Một đám đông đã đứng trước nhà. Một số quay ra nhìn chiếc xe Hillman của tôi đang đến.
Tôi hỏi "Có nên tắt máy không?"
Ông Thabane nói "Bà cứ tắt máy đi, không có gì phải sợ".
Tôi bảo "Tôi không sợ". Thật không? Kể ra sau vụ vừa rồi cũng sợ chứ, nhưng tôi không quan tâm mấy nữa.
Ông ta bảo "Dù sao cũng chẳng đáng sợ". Rồi chỉ tay nói "Đám trẻ ở đây sẽ bảo vệ cho bà".
Tôi trông thấy ba đứa mặc quần áo kaki lính, đội mũ sắt, đứng sau đám cây ở cuối đường, hình chúng hiện rõ trên nền trời.
Ông ta lại nói "Nếu bà tưởng đây là xung đột giữa đám da đen với nhau thì không phải đâu. Kìa, nhìn cô em tôi kìa".
Ông ta gọi là cô em tôi, chứ không gọi là Florence. Có lẽ trên đời này chỉ mình tôi gọi cô ta là Florence. Gọi cô ta bằng bí danh. Bây giờ tôi sẽ có thể biết được sự thật của họ.
Cô ta đứng tựa lưng vào tường tránh mưa, trông giống một phụ nữ đáng kính khoác áo màu nho chín, được viền trắng. Chúng tôi đi về phía đó. Cô ta không có biểu hiện gì nhưng tôi chắc cô ta đã thấy tôi. Tôi gọi "Florene!" Cô ta nhìn lên, vẻ buồn bã. "Cô tìm thấy nó chưa?"
Cô ta gật, hất đầu vào phía trong rồi quay đi, không trả lời tôi. Ông Thabane len qua đám người vào bên trong. Tôi lúng túng ngồi chờ. Mọi người đi qua đây đều đến gần nhìn tôi như có vẻ không bằng lòng.
Một cô bé mặc váy học sinh màu táo xanh tiến về chỗ tôi giơ tay lên như muốn tát vào mặt. Tôi rụt người lại nhưng cô bé chỉ đùa. Chưa biết chừng cô ta định làm như thế thật.
Ông Thabane chạy ra, thở hồng hộc "Có lẽ bà nên vào xem". Ông ta đến chỗ Florence, ôm cô ta vào lòng. Cô ta bỏ kính, gục đầu vào vai ông ta khóc.
Trong nhà chất đầy gạch đá gậy gộc. Cuối phòng chỗ tránh mưa tốt nhất có năm xác người được xếp nằm gọn ghẽ. Cái xác nằm giữa chính là Bheki, con của Florence. Nó vẫn còn mặc quần nỉ màu xám, sơ mi trắng, áo lên cộc tay màu nâu đậm của trường học, nhưng chân không đi giày. Mắt nó mở trừng trừng và miệng há to. Nó và các bạn đều đã phải dưới mưa hàng giờ, không chỉ ở đây mà nhiều chỗ khác trước khi chết. Quần áo, tóc tai cả bọn đều xơ xác. Đuôi mắt và miệng của Bheki còn có cả những hạt cát. Một người nắm lấy cánh tay tôi. Tôi ngỡ ngàng, nhìn mặt một cô bé gái, nghiêm nghị mở to mắt. Cô bé gọi "Bà ơi.." rồi không nói gì nữa.
Một bà đứng gần đó mỉm cười giải thích "Nó muốn hỏi bà có phải là một trong số nữ tu không đấy".
Lúc này tôi không muốn ai đưa tôi đi đâu. Tôi lắc đầu.
Bà kia nói "Nó muốn hỏi bà có phải là một trong số nữ tu của Giáo hội Cơ đốc không". Bà ta lại quay sang tôi rồi nói tiếng Anh với nó "Không, bà ấy không phải là nữ tu đâu". Rồi nhấc tay nó ra khỏi tay áo tôi.
Một đám người quây chung quanh Florence.
Tôi hỏi ông Thabane "Để chúng nằm dưới mưa như thế này sao?"
- Chúng phải nằm đó để cho mọi người được thấy.
- Nhưng ai gây ra chuyện này?
Khắp người tôi run rẩy, cả tay nữa. Tôi nghĩ đến đôi mắt thằng bé mở trừng trừng. Không biết lần cuối cùng nó thấy gì trên đời này? Đây là điều tệ hại nhất tôi được chứng kiến. Rồi tôi nghĩ bụng: bây giờ mình đã mở mắt rồi, sẽ không bao giờ có thể nhắm mắt được nữa.
Ông Thabane nói "Ai gây ra ư? Nếu bà lấy được những viên đạn trong người chúng thi tôi hoan nghênh. Nhưng tôi nói trước để bà biết. "Chế tạo tại Nam Phi đã được SABS duyệt". Đó là những gì bà sẽ thấy".
Tôi nói "Xin ông hãy nghe đây. Tôi không liên quan với…cuộc chiến tranh này đâu. Sao tôi có thể bàng quan được? Chẳng gì chúng tôi ngăn được điều này". Tôi cảm thấy muốn khóc nhưng ở đây, bên cạnh Florence, tôi không có quyền khóc. Tôi nói khẽ "Điều đó sống trong tôi, và tôi cũng sống trong lòng nó".
Ông Thabane nhún vai. Trông ông ta càng xấu xí. Chắc chắn bây giờ tôi cũng xấu hơn. Sự biến dạng làm cho lời nói của ta nặng nề, cảm nghĩ của ta tê dại, biến ta thành thú vật. Liệu trên đất này cây cỏ có thể mọc ở đâu để giúp cho ta thoát khỏi tình trạng ấy?
Mẹ kể lại cho con câu chuyện sáng nay, bụng vẫn nhớ rằng người kể chuyện có cái quyền chính đáng của mình. Phải qua con mắt của mẹ con mới thấy được chuyện đó. Tiếng nói trong đầu óc con là tiếng nói của mẹ. Chỉ có qua mẹ con mới đến được đây để nhìn những căn nhà hoang vắng, ngửi thấy khói, nhìn thấy xác chết, nghe thấy tiếng khóc, thấy người ta phơi mình dưới mưa. Điều con nghĩ là ý nghĩ của mẹ, điều con cảm thấy là nỗi thất vọng của mẹ, cũng như mong chờ bất cứ điều gì có thể chấm dứt ý nghĩ muốn ngủ đi, chờ chết. Tình cảm của con tràn trong lòng mẹ, trái tim cùng nhịp đập với trái tim mẹ.
Này con, da thịt của da thịt mẹ, cái tốt đẹp nhất của mẹ, mẹ yêu cầu con hãy trở lại đi. Mẹ kể chuyện này chẳng phải để con thông cảm với mẹ, mà để con biết câu chuyện là thế nào. Mẹ biết sẽ dễ cho con hơn nếu như câu chuyện do người khác kể lại, tiếng con nghe được là tiếng của người xa lạ. Nhưng sự thật là không có ai khác, duy nhất chỉ có mẹ. Mẹ là người viết ra những điều này. Mẹ yêu cầu con hãy nghĩ đến những gì viết ra, đừng nghĩ đến mẹ. Nếu những lời ấy là nói dối, kêu ca một cách vô cớ, con cũng cứ nghe. Đừng bỏ qua, đừng dễ dàng tha thứ. Con hãy đọc hết, dù mẹ khẩn thiết yêu cầu bằng con mắt lạnh lùng.
Có ai đó ném đá vào kính chắn gió. Cục đá to bằng đầuđứa trẻ nằm lặng im trên ghế xe giữa những mảnh kính vỡ, y như nó là chủ chiếc xe vậy. Tôi nghĩ không biết tìm đâu được tấm kính chắn gió cho xe Hillman bây giờ đây? Rồi nghĩ cũng may mà mọi thứ cùng chấm dứt một lúc!
Tôi cầm cục đá trên ghế vứt ra ngoài, nhặt những mảnh vỡ. Bây giờ có việc làm nên tôi bình tĩnh hơn, càng bình tĩnh hơn nữa vì tôi không còn quan tâm đến chuyện mình còn sống hay không. Cái gì có thể xảy đến với tôi không còn quan trọng nữa. Tôi nghĩ đời mình cũng là bỏ đi rồi. Ta bắn giết những người đó vì họ là đồ bỏ đi, nhưng cuối cùng thì chính cuộc sống và bản thân ta cũng không đáng sống.
Tôi nghĩ đến năm cái xác to lớn nằm lồ lộ trước ngôi nhà bị cháy rụi. Tôi nghĩ hồn ma của họ chưa bay đi và sẽ không bỏ đi. Hồn ma của họ còn ngồi vững vàng ở đó, còn chiếm lĩnh họ.
Nếu ai đào cho tôi nấm mồ ở đây, đào trong cát và chỉ chỗ tôi, tôi sẽ lặng lẽ chui vào đó nằm, khoanh tay trên ngực, không nói một lời nào. Rồi khi cát phủ vào miệng, vào mắt, tôi sẽ không hề nhấc một ngón tay mà phủi đi.
Con đừng vì cảm tình mà đọc những dòng này. Trái tim con cùng đập với trái tim mẹ.
Tôi giơ một đồng tiền ra ngoài cửa xe. Người lớn tranh nhau chạy đến. Trẻ con xô đẩy nhau. Máy xe nổ. Tôi dốc cả túi tiền vào những bàn tay chìa tới.
Qua quãng đường cây cối rậm rạp đến một chỗ có nhiều xe quân sự. Tôi đếm, không chỉ có ba mà những năm xe. Bằng con mắt trẻ thơ, đội mũ che mưa, tôi bước ra khỏi xe, quần áo ướt thấm lạnh khiến tôi tưởng như mình đang trần trụi.
Tôi đã hy vọng những gì cần nói sẽ bật ra, nhưng chẳng nói được gì. Tôi chìa tay, lật ngửa bàn tay, bàn tay bảo tôi không nói được.
"Wag in die motor, ek sal die polisie skakel", chú bé kêu lên. Cậu ta có má lúm đồng tiền, làm ra vẻ quan trọng, muốn chơi trò chết người. "Bà cứ ngồi chờ trong xe đi, để tôi gọi cảnh sát cho". Tôi lắc đầu, lắc đầu mãi. Cậu ta như đang nói với ai đó ngồi bên mà tôi không trông thấy. Cậu ta cười. Chắc họ đã quan sát tôi từ trước và có nhận xét gì về tôi rồi. Họ cho tôi là một bà già điên khùng có thiện chí đang bị kẹt trong mưa, một con gà mái ủ rũ. Họ nói đúng chăng? Tôi là người có thiện chí ư? Không đâu, tôi chưa thấy mình làm gì tốt cả. Hay tôi điên khùng thật? Đúng đấy, tôi điên khùng. Nhưng họ cũng điên khùng. Tất cả chúng ta đều điên khùng, bị ma ám. Khi sự điên khùng đã lên ngôi, thử hỏi còn ai trên đất nước này không bị nhiễm?
Tôi bảo "Đừng gọi cảnh sát, tôi tự lo được". Nhưng chung quanh vẫn có tiếng rầm rì, có những con mắt liếc nhìn. Có lẽ họ đã nghe đài.
Tôi gọi chú bé hỏi "Cậu định làm gì thế?" Cậu ta mỉm cười. "Cậu định làm gì thế?" Tôi lại quát lên, giọng the thé. Cậu ta chưng hửng nhìn xuống. Chưng hửng vì bị một bà người da trắng quát tháo, một người có cái tuổi có thể là bà ngoại cậu ta được.
Một người mặc đồ dã chiến từ chiếc xe đỗ phía sau đi tới. Anh ta nhìn tôi. "Wat is die moekikheid?" Anh ta hỏi chú bé ngồi trong xe quân sự. "Nee, niks moeilikheid nie". Không có vấn đề. "Net hierdie dame wat wil weet wat aangaan".
Anh ta quay sang tôi nói "Chỗ này nguy hiểm lắm, thưa bà". Rõ ràng anh ta là một sĩ quan. "Ở đây có thể xảy ra nhiều chuyện. Để tôi cho người hộ tống, đưa bà trở lại đường cũ".
Tôi lắc đầu. Tôi đã tự làm chủ được mình. Tôi không chảy nước mắt nữa, tuy biết không để chuyện gì làm mình sụp đổ vào bất cứ lúc nào.
Tôi muốn gì chứ? Bà già này muốn gì? Điều tôi muốn là nói ra hết với họ, nói bất cứ gì có thể nói được vào lúc này, ở chỗ này. Điều tôi muốn, trước khi bị họ tống khứ, là phô bày vết sẹo, vết thương, bắt họ phải tận mắt nhìn thấy. Vết sẹo nào cũng được, vết sẹo của tất cả sự đau khổ, vì đó là vết sẹo của chính tôi, vết sẹo duy nhất tôi có thể mang theo. Tôi đã đưa tay lên định cởi khuy áo nhưng ngón tay tôi bỗng tê dại hẳn đi.
Tôi hỏi bằng một giọng khàn khàn "Các anh đã nhìn thấy gì trong ngôi nhà kia chưa?" Nước mắt tôi bắt đầu ứa ra.
Viên sĩ quan vứt điếu thuốc lá xuống đất, chân dí vào mặt cát ướt.
Anh ta nhẹ nhàng nói "Trong hai mươi bốn giờ qua đơn vị này chưa bắn một viên đạn nào. Tôi đề nghị với bà thế này: bà đừng thất vọng trước khi bà biết rõ mình nói gì. Những người trong đó không phải là những người duy nhất bị chết đâu. Những cuộc bắn giết lúc nào cũng có. Họ chỉ là những xác nhặt về từ chiều hôm qua. Hiện nay chuyện đánh nhau đã giảm bớt, nhưng tạnh mưa sẽ lại bùng lên ngay. Tôi không hiểu bà làm sao đến đây được – lẽ ra họ đã chắn đường – nhưng chỗ này không tiện đâu, bà không nên ở đây. Chúng tôi sẽ điện báo cho cảnh sát, họ có thể hộ tống bà ra khỏi chỗ này".
Chú bé trong xe quân sự nói "Ek het reeds geskakel!"
Tôi bảo "Tại sao các anh không bỏ súng xuống mà về nhà đi, về tất cả đi. Vì chắc chắn là không có gì tệ hơn những việc các anh làm ở đây. Ý tôi muốn nói là tệ hại cho tâm hồn của các anh".
Anh ta đáp "Không". Tôi đã tưởng anh ta không hiểu, nhưng không, anh ta rất hiểu tôi nói gì. "Bây giờ chúng ta sẽ rõ hết".
Khắp người tôi ớn lạnh. Ngón tay tôi cụp vào, không duỗi ra được nữa. Gió thổi quần áo dính vào da thịt tôi.
Tôi nói "TG biết một trong những đứa trẻ đã chết ấy. Tôi biết nó từ khi nó lên năm tuổi. Mẹ nó giúp việc cho tôi. Tất cả các anh đều quá trẻ để làm những việc này. Tôi ghê tởm, chỉ có vậy thôi".
Tôi lùi xe vào trong nhà, ngồi trên xe đợi. Họ đã mang mấy cái xác ra ngoài. Tôi cảm thấy đám đông nhìn tôi như bực bội, căm ghét, thậm chí thù hận. Nếu như tôi không nói gì với đám lính kia sẽ khác chăng? Không.
Ông Thabane bước đến xem tôi cần gì. Tôi nói "Tôi xin lỗi, nhưng tôi không chắc có biết đường về không".
Ông ta đáp gọn "Bà ra đường nhựa, rẽ phải, theo bảng chỉ đường".
- Phải, nhưng bảng nào?
- Bảng đến chỗ văn minh – nói rồi ông ta quay gót.
Tôi cho xe đi chậm, phần vì gió táp vào mặt, phần vì thể xác và linh hồn tôi tê dại. Tôi lạc vào một vùng ngoại ô chưa nghe nói đến bao giờ, phải mất hai mươi phút đi quanh các phố lạ mới tìm được đường ra. Cuối cùng tôi đến đường Voortrekker. Đến đây, mọi người thấy lạ, chăm chú nhìn xe tôi có tấm kính chắn gió bị vỡ toang. Họ còn nhìn theo tôi đến tận nhà.
Ngôi nhà vừa lạnh vừa xa lạ. Tôi tự nhủ: hãy tắm nước nóng cái đã, rồi nghỉ. Nhưng người tôi bỗng mệt rũ ra, lạnh cứng. Tôi phải cố lê lên gác, cởi hết quần áo ướt, khoác chiếc áo ngủ rồi lên giường. Cát sỏi ở ngoài Mũi Xóm chui vào kẽ chân. Tôi nghĩ bụng mình sẽ chẳng bao giờ còn ấm lên được. Vercueil có con chó để nằm với nó. Vercueil biết sống như thế nào với hoàn cảnh này. Còn tôi, với thằng bé lạnh lẽo sắp đem vùi trong lòng đất ấy, chẳng có con chó nào giúp. Cát đã chui vào miệng nó, đòi mạng nó.
Đã mười sáu năm kể từ khi mẹ không chung giường với một người đàn ông hoặc với một đứa trẻ. Mười sáu năm cô đơn. Con có lấy thế làm lạ không?
Mẹ đã viết, đang viết. Mẹ đi theo cây bút, nó đi đến đâu mẹ đến đấy. Bây giờ mẹ còn gì nữa đâu?
Thức dậy người tôi mỏi nhừ. Vẫn đang đêm. Không thấy ngày đâu.
Trong buồng vệ sinh có đèn sáng. Vercueil ngủ ngồi trên hố xí, quần kéo xuống ngang đầu gối, đầu đội mũ. Tôi nhìn mà ngạc nhiên hết sức.
Anh ta không tỉnh, trái lại, mặc dù đầu lắc lư, miệng há hốc, anh ta vẫn ngủ như đứa trẻ. Đùi anh ta dài ngoẳng, hầu như không có lông chân.
Cửa bếp mở toang, thùng rác đổ kềnh, rác tung toé ở sân. Con chó đùa với mảnh giấy gói đồ cũ. Trông thấy tôi, nó vểnh tai, vẫy đuôi. Tôi lẩm bẩm "Thật quá đáng! Thật quá đáng!" con chó lẻn ra ngoài.
Tôi ngồi vào bàn bật khóc. Không phải vì đầu óc hoang mang, cũng không phải vì cảnh bề bộn trong nhà, mà vì thằng Bheki. Tôi quay nhìn hướng nào cũng nó trước mặt, mắt nó mở to như đứa trẻ ngơ ngác về cái chết. Tôi gục đầu nức nở, thương tiếc nó, thương tiếc những gì đã lấy đi của nó, lấy đi của tôi. Sống thì tốt đẹp biết chừng nào! Sống là ý tưởng tuyệt vời của Chúa! Chưa bao giờ có ý tưởng nào hay hơn thế. Không quà tặng nào hào phóng hơn thế, tự nó lại đổi mới qua các thế hệ. Vậy mà bây giờ Bheki đã bị tước mất, không còn nữa!
Tôi muốn về nhà! – tôi xấu hổ vì đã nói thế với ông Thabane, người bán giày. Câu nói trẻ con của một người già. Về nhà để được an toàn, để ngủ trên chiếc giường của thời niên thiếu. Tôi có bao giờ tỉnh táo đâu? Tôi nên tự hỏi: người chết có biết là mình chết không. Không. Người chết không được biết gì hết. Nhưng trong giấc ngủ như chết, ít nhất ta cũng được báo trước. Tôi được báo trước nhiều hơn mọi ký ức được biết đã có một thời tôi sống, chắc chắn là như vậy. Sống, rồi sau đó cái sống bị đánh cắp. Việc đánh cắp diễn ra từ trong nôi. Đứa trẻ bị lấy đi, thay vào là con búp bê được bú mớm, nuôi nấng, và tôi phải gọi búp bê ấy chính là tôi.
Búp bê? Cuộc sống của búp bê? Phải chăng tôi đã sống như thế? Phải chăng búp bê được ban cho quan niệm như thế? Hay ý nghĩ ấy chỉ đến và đi như báo trước, chớp nhoáng, như mũi tên trí tuệ của thiên thần chọc thủng đám sương mù? Búp bê có thể nhận thức mình là búp bê không? Búp bê có biết chết là gì không? Không, búp bê lớn lên được, biết nói năng đi đứng, biết lang thang trên đường đời. Nó già đi, héo hắt và tàn lụi. Nó bị vứt vào lửa hoặc chôn xuống đất, nhưng nó không chết. Nó mãi mãi tồn tại đúng vào lúc nó bị bất ngờ, sững sờ trước khi nó nhớ ra rằng cái sống đã bị lấy đi, cái sống không phải của nó mà ở chỗ người ta để nó lại như một vật thay thế. Hiểu biết của nó là hiểu biết không có chất, không có sức nặng trần tục, chỉ là một cái đầu búp bê rỗng tuếch, nhẹ tênh. Bản thân nó không phải là đứa trẻ mà chỉ có ý nghĩ của đứa trẻ, tròn hơn, đỏ hơn, mắt xanh hơn chính mắt đứa trẻ, không biết là sống mà chỉ là ý tưởng về cái sống, không đạo lý, không chết, như mọi ý tưởng khác vậy.
Âm phủ, Địa ngục, là lĩnh vực của ý tưởng. Tại sao cần phải lấy địa ngục làm chỗ cho nó trong băng lạnh ở Nam cực hay ở miệng núi lửa? Tại sao địa ngục lại không phải ở dưới chân châu Phi, và tại sao các sinh vật của địa ngục lại không thể đi giữa cái sống?
Đứa trẻ đứng bên giường cha nài hỏi "Cha không thấy con đang bị đốt cháy hay sao?" Nhưng cha nó vẫn ngủ, vẫn mơ, không thấy gì hết.
Đó là cái lý tôi nêu ra để thấy tại sao tôi phải bám chặt vào ký ức về mẹ tôi. Vì nếu không phải bà cho tôi sự sống thì chẳng ai khác cho được. Tôi không chỉ bám vào ký ức về bà mà bám vào người bà, bám vào thân thể bà, bám vào cái đã sinh ra tôi trên đời này. Nhờ có bà và sữa của thân thể bà mà tôi ra đời. Rồi bị đánh cắp và mất đi từ đó đến nay.
Có một tấm ảnh về mẹ, con đã xem rồi và có lẽ không nhớ. Ảnh chụp năm 1918, hồi đó mẹ chưa đầy hai tuổi. Ảnh chụp mẹ đứng với tay đến máy ảnh, bà ngoại quỳ phía sau, tay nắm chiếc đai buộc vào vai mẹ. Đứng bên cạnh là Paul, ông anh mẹ, đầu đội mũ chéo, chẳng nhìn đến mẹ.
Mẹ nheo mắt nhìn vào máy ảnh. Không hiểu lúc đó mẹ liếc nhin vào ánh nắng, hay như dân man rợ Borneo, mẹ có cảm giác máy ảnh cướp mất tâm hồn mình? Hơn nữa, bà ngoại giữ mẹ lại, không cho đụng vào máy ảnh sợ rơi xuống đất, sợ rằng mẹ cũng như búp bê, không nhìn thấy mình trong máy ảnh. Không biết bà ngoại có hiểu rằng chính bà cũng không có?
Paul chết rồi, vì thế mẹ viết những dòng này. Lúc bác ấy ra đi, mẹ nắm chặt tay, thì thầm bên tai "Anh sẽ được thấy mẹ, cả mẹ và anh sẽ được sung sướng". Bác thật nhợt nhạt, mắt trắng dã có màu xanh của khoảng trời xa. Mắt không hồn, bác ấy nhìn mẹ như muốn nói nhưng chẳng hiểu gì hết! Không biết Paul đã sống thật sự bao giờ chưa? Có lần bác ấy viết thư cho mẹ nói "đời chỉ là vay mượn". Cuối cùng chẳng biết bác ấy có biết là mình sai lầm không? Chẳng hiểu đôi mắt đục mờ ấy có thể nhìn thấu mẹ không?
Hôm đó chụp ảnh trong vườn. Sau lưng bồn hoa giống như hoa thục quỳ, phía trái có luống dưa, mẹ nhận ra chỗ này. Đó là Uniondale, ngôi nhà trên phố Nhà Thờ do ông ngoại mua khi đà điều bắt đầu mọc lông. Mỗi năm trong vườn đều có hoa quả, rau cỏ, mọc mầm rồi chết, rồi lại mọc, um tùm như ban lộc cho mọi người. Nhưng có ai chăm sóc đâu? Ai ngắt hoa thục quỳ? Ai gieo hạt giống dưa vào luống đất ẩm ướt? Có phải ông ngoại dậy từ bốn giờ sáng lạnh buốt để mở cống dẫn nước vào vườn? Nếu không phải là ông ngoại thì vườn đo thuộc quyền ai? Ngoài tấm ảnh ra, còn ai là người đào xới chăm bón?
Dies irae, dies illa, khi người vắng phải có mặt nhưng hiện tại vắng mặt. Tấm ảnh không còn thấy ai ở trong vườn hôm đó mà lại không có đó. Những năm qua đi khắp nơi trên đất nước tìm chỗ che giấu, trong các tập ảnh, trong ngăn kéo bàn, tấm ảnh này cũng như hàng ngàn tấm khác đều đã trưởng thành, biến dạng. Ảnh không giữ được như cũ, hoặc đã khác đi – ai mà biết đã xảy ra chuyện gì – nhưng chúng đã trở Thành âm bản, một loại âm bản mới trong đó ta bắt đầu thấy những gì còn lại bên ngoài nó, bí mật.
Có lẽ vì thế mà lông mày tôi trụi đi, vì thế mà tôi cố vươn tay đến máy ảnh. Phải chăng tôi thầm nghĩ máy ảnh là kẻ thù? Nó không dối trá ma bộc lộ cái thật trong ta: đó là con người búp bê? Phải chăng lúc ấy tôi cố giằng ra khỏi chiếc đai để đập chiếc máy ảnh trong tay ai đó, sợ để chậm sẽ quá muộn? Ai là người cầm máy ảnh? Ai không hình dáng mà lại cố ngả người vào mẹ tôi và hai đứa nhỏ đứng bên kia giường?
Nỗi đau buồn qua đi, chỉ còn biết khóc. Người tôi trống rỗng. Tôi chỉ là cái vỏ. Số phận dành đúng bệnh cho từng người. Bệnh của tôi là thứ bệnh ăn từ trong ăn ra. Nếu mở tung, họ sẽ thấy tôi rỗng ruột như búp bê, búp bê có con cua nằm bên trong, thè lưỡi liếm, ánh sáng làm chói mắt.
Bây giờ nó gặm nhấm xương tuỷ tôi đến nỗi không còn lại chút thịt nào. Nó gặm nhấm xương hông của tôi, gặm nhấm cột sống của tôi, bắt đầu gặm đến đầu gối. Nói thật ra, đám mèo chưa bao giờ thật sự yêu quý tôi. Chỉ có giống này trung thành với tôi đến cùng. Cơn đau đớn là vật cưng của tôi.
Tôi lên gác mở cửa phòng vệ sinh. Vercueil vẫn ngồi đó, ngủ gục. Tôi lay anh ta "Ông Vercueil!" Anh ta mở một mắt. "Lại đây mà nằm".
Nhưng anh ta không chịu. Tôi nghe anh ta đi từng bậc thang xuống nhà như ông cụ. Rồi nghe cửa sau đóng.
Một ngày đẹp trong số những ngày đông yên ắng và mọi chỗ trên bầu trời đều sáng sủa. Vercueil lái xe đưa tôi xuống phố Breda, vào phố Cam. Qua đại lộ Chính Phủ, tôi bảo anh ta đỗ xe.
Tôi nói "Tôi định cho xe đi suốt đại lộ. Qua khỏi chỗ chắn dây xích, sẽ không còn ai chặn xe nữa. Anh nhắm có thể qua được không?"
(Chắc con nhớ. ở đầu đại lộ chắn dây xích, hai bên có hai cọc sắt to).
Anh ta nói "Được chứ, có thể lách đi được".
- Sau đó ta có thể đi thẳng tuốt.
Cặp mắt ti hí nhìn tôi hỏi "Bà định làm thế thật ư?"
- Nếu tôi có đủ can đảm.
- Nhưng tại sao? Để làm gì chứ?
Với cái nhìn ấy, tôi khó mà trả lời rõ ràng. Tôi nhắm mắt, hình dung chiếc xe của tôi phóng nhanh, nhả khói ở phía sau, chạy dọc con đường qua đám du khách, người đi bộ, những cặp tình nhân, qua bảo tàng, phòng triển lãm tranh, qua vườn bách thảo, rồi đi chậm lại và đỗ hẳn trước ngôi nhà nhục nhã đang cháy rụi.
Tôi nói "Bây giờ ta có thể quay về. Tôi chỉ muốn xem có thể làm như thế được không thôi".
Anh ta vào nhà. Tôi mời anh ta uống trà. Con chó nằm dưới chân, vểnh tai nghe chúng tôi nói chuyện. Con chó thật ngoan. Nó có mặt lúc này như một ngôi sao vậy.
Tôi nói "Vừa rồi anh hỏi "để làm gì", tôi xin trả lời, điều ấy liên quan đến cái sống của tôi. Làm gì với cái sống đó là chuyện không đáng kể nữa. Tôi chỉ định thử xem làm như thế thì được gì".
Anh ta vuốt ve con chó. Nó nhắm mắt nằm yên. Tôi nghĩ bụng đó là tình yêu, dù không hẳn thế thì điều tôi chứng kiến đó cũng là tình yêu.
Tôi nói tiếp "Có một cuốn tiểu thuyết nổi tiếng nói về một người đàn bà bị buộc tội ngoại tình – xưa kia ngoại tình bị coi là tội ác – họ đem bêu chị ta trước công chúng với chữ A (Adultery – ngoại tình) khâu trên áo. Chị ta mặc áo có chữ A mà không ai hiểu chữ ấy là thế nào. Rồi người ta quên đi, chẳng ai hỏi nữa. Đó chỉ là thứ đeo vào người như chiếc nhẫn hay ghim hoa cài trên áo thôi. Rồi nó trở thành thứ mốt thời trang, viết chữ lên áo. Trong tiểu thuyết không nói thế".
"Ai mà biết được người ta muốn nói lên cái gì trong những cuộc trình diễn trước công chúng, những cuộc biểu thị như vậy? – đây mới là mấu chốt của câu chuyện. Chẳng hạn một bà già tự thiêu. Tại sao thế? Bà ta bị điên ư? Bà ta thất vọng ư? Bà ta bị ung thư chăng? Tôi đã nghĩ đến việc viết chữ gì đó lên xe để giải thích. Nhưng viết chữ gì? A hay B hay C? Trường hợp của tôi thì viết chữ gì? Mà việc gì phải giải thích chứ? Chuyện riêng của tôi thì có dính gì đến ai đâu?"
Đáng lẽ tôi còn nói nữa nhưng lúc đó có tiếng cạch ngoài cổng và con chó đã gầm gừ. hai những đàn bà, một người tôi nhận ra là chị của Florence, tay xách vali bước vào.
Cô chị Florence lên tiếng chào. Tay chị ta cầm chìa khoá "Chúng tôi đến lấy đồ đạc của Florence".
Tôi đáp "Vâng, được".
Họ vào phòng Florence. Lát sau tôi theo vào hỏi "Florence vẫn mạnh khoẻ chứ?"
Cô chị đang mở ngăn kéo đứng dậy thở dài. Rõ ràng câu hỏi ngớ ngẩn của tôi làm chị ta nhẹ người.
Chị ta nói "Không ạ, không thể nói là cô ấy mạnh khoẻ được. Không mạnh khoẻ. Làm sao cô ấy có thể mạnh khoẻ được?"
Người đàn bà kia làm như không nghe thấy gì, tiếp tục gói ghém quần áo của bọn trẻ. Trong phòng còn nhiều thứ khác không thể bỏ hết vào hai chiếc vali được.
Tôi nói "Ý tôi không phải thế, nhưng thôi, không sao, tôi có thể nhờ cô đem một thứ cho Florence được không?"
- Được, nếu không cồng kềnh lắm.
Tôi viết một tấm séc.
- Cô nói giùm với Florence là tôi rất tiếc. Nói là tôi rất tiếc, không thể nói gì hơn. Lúc nào tôi cũng nghĩ đến Bheki.
- Bà rất tiếc.
- Vâng.
Lại một ngày đẹp trời nữa. Vercueil có vẻ kích thích lạ thường. Anh ta hỏi "Hôm nay là ngày đó ư?" Tôi nói "Phải". Thấy anh ta có ý sốt sắng với vẻ không lành mạnh, tôi định nói thêm "Nhưng việc gì đến anh?".
Đúng, tôi đã nói hôm nay là ngày đó. Nhưng "cái hôm nay" ấy đã qua rồi, và tôi không làm được như đã hứa. Vì chừng nào còn tiếp tục nói những lời lê thê, chắc chắn tôi chưa thực hiện được điều tôi đã quy định. Thực ra cái chết là kẻ thù lớn cuối cùng của việc viết lách, nhưng viết lách lại cũng là kẻ thù của cái chết. Do đó, viết lách, nắm cái chết trong tay, phải nói là tôi muốn viết cho xong hẳn, muốn nói được nhiều điều. Tôi muốn tắm rửa, mặc quần áo, chuẩn bị cho mình chút tự hào để trở lại cái ngày đó. Nằm ở giưỡng chờ đợi tắt thở hay đi ra ngoài để chấm dứt đời mình, thì có khác gì nhau?
Có thật là tôi muốn làm cho xong việc đó không? Có. Không. Có- Không. Có từ này nhưng chưa bao giờ được đưa vào tự điển. Có-Không: Mỗi người đàn bà đều biết nó có nghĩa như thế nào vì mọi đàn ông đều chịu thua cái từ đó. Vercueil hỏi "Bà có định làm thế không?" Mắt anh ta sáng lên. Lẽ ra tôi đã trả lời "Có-Không".
Tôi mặc đồ trắng lẫn xanh, bộ đồ xanh trắng, chiếc áo trắng hở cổ. Tôi cẩn thận sửa soạn mặt mũi một lần nữa. Tôi ngồi lì trước gương, người khẽ run rẩy. Tôi không thấy đau chút nào. Con cua trong mình đã thôi gặm nhấm.
Vercueil tò mò theo tôi vào bếp. Anh ta lảng vảng khi tôi đang ăn sáng. Cuối cùng, tôi khó chịu bảo "Xin anh để tôi yên!" Anh ta quay đi, vẻ giận dữ rất trẻ con. Tôi nắm tay áo anh ta kéo lại nói "Tôi không có ý thế đâu. Nhưng anh ngồi xuống đây đã. Tôi chỉ muốn yên nhưng anh làm tôi bực mình. Tôi phải quay ra quay vào mãi. Đến một lúc tôi nghĩ: hãy để tôi kết thúc cho nhanh cuộc sống vô vị này đi. Rồi tôi lại nghĩ: nhưng tội gì tôi chịu khổ như vậy? Tại sao tôi cứ muốn vươn mình lên trên thời buổi của tôi? Phải chăng những gì tôi làm là đáng xấu hổ? Tại sao cái già yếu, cái đau đớn lại cứ rơi vào tôi, khiến tôi phải tự mình cố ngoi lên khỏi cái hố nhục nhã mà không có ai giúp đỡ?
Tôi muốn nổi điên với những ai đã tạo ra thời buổi này. Tôi muốn tố cáo họ đã làm hỏng đời tôi, y như một con gián bò vào làm hỏng thức ăn mà chúng không ăn, chỉ bò vào ngửi và bôi bẩn thôi. Tôi nghĩ bụng: chỉ tay đổ tội cho người khác là trẻ con. Nhưng tại sao tôi lại nhận để cuộc sống của tôi thành vô vị dù cho ai có quyền ở đất nước này cũng thế? Dù sao quyền lực vẫn là quyền lực. Nó xâm chiếm cuộc sống. Tự nhiên phải thế.
Anh muốn biết tôi hiện đang thế nào ư, rồi tôi sẽ nói. Tôi muốn đem bán bản thân tôi, muốn chuộc lại bản thân tôi, nhưng tôi hoàn toàn hoang mang chẳng biết làm thế nào. Có thể nói sự điên rồ đã thấm vào người tôi. Anh chẳng cần ngạc nhiên. Anh đã biết đất nước này thế nào rồi. Không khí ở đây là điên rồ".
Nghe tôi nói, Vercueil vẫn nheo mắt nhìn với vẻ khó chịu. Bỗng anh ta nói một câu rất lạ "Bà muốn ra xe đi một lúc không?"
- Ông Vercueil, chúng ta không đi được. Có hàng ngàn lý do tại sao không đi được.
- Chúng ta sẽ đi ngắm cảnh, mười hai giờ quay lại đây.
- Chúng ta không thể đi ngắm cảnh bằng cái lỗ hổng ở kính chắn gió. Như vậy kỳ cục lắm.
- Tôi sẽ bỏ kính chắn gió đi. Nó chỉ là mảnh kính. Cần gì đến nó.
Tại sao tôi nghe theo? Có lẽ cuối cùng anh ta đã để ý đến tôi chăng? Anh ta như đứa trẻ trong tuổi đầy phấn khích, phấn khích tình dục, mà tôi lại là đối tượng. Tôi thấy thú vị, dù thế nào cũng thấy khoái. Trong thâm tâm có thể tôi cảm thấy không thích, chẳng qua như con chó đào miếng thịt thối bị chôn sâu mà thôi. Nhưng tôi không thể phân biệt rõ ràng. Tg muốn lắm chứ? Tôi muốn được treo người lên. Treo lên mà không cần nghĩ ngợi, không đau, không nghi ngờ, không mặc cảm, treo lên cho đến trưa. Cho đến khi súng nổ trên đồi Tín Hiệu với chai xăng để trên ghế cạnh tôi. Hoặc tôi lái, hoặc tôi không lái qua qua chỗ có dây xích trên Đại lộ. Cho đến lúc đó, tôi sẽ chẳng nghĩ ngợi gì, chỉ nghe chim hót, cảm thấy có gió thôi vào người, được nhìn bầu trời. Và được sống.
Thế là tôi nghe theo. Vercueil quấn chiếc khăn quanh tay, đấm mạnh vào mảnh kính, mở một lỗ to đủ cho đứa trẻ chui vào được. Tôi đưa chìa khoá xe. Một nhát đẩy và chúng tôi lên đường.
Như cặp tình nhân đi thăm lại cảnh vật lúc mới tỏ tình lần đầu, chúng tôi leo lên đường ven núi lên Muizenberg. (Tình nhân! Không biết tôi đã nói gì với Vercueil? Bảo anh ta đừng uống rượu. Anh ta nói gì với tôi? Không nói gì hết, có lẽ cả tên thật cũng không nói). Chúng tôi đỗ xe chỗ cũ. Tôi tự nhủ: nào, bây giờ hãy ngắm cảnh một lần cuối đi, móng tay quặp vào lòng bàn tay, tôi nhìn ra vịnh Giả Tạo, vịnh của những hy vọng giả tạo, nhìn về phía nam đang gợn gió mùa đông, nơi bị bỏ quên hơn cả trong các đại dương.
Tôi khẽ nói "Nếu có thuyền, anh có thể đưa tôi ra biển".
Đi về phía nam. Chỉ có Vercueil và tôi. Chúng tôi đi đến tận những vùng nào có hải âu bay. Đến một nơi anh ta có thể buộc tôi vào tấm ván hay chiếc thùng, cái gì cũng được, để một mình tôi vẫy vùng trên sóng, dưới những cánh chim trắng thật to.
Vercueil quay xe lại. Tôi đoán nhầm, hay là anh ta điều khiển xe nhẹ nhàng hơn tôi?
Tôi nói "Tôi xin lỗi nếu nói không phải. Tôi cố tình mất hướng. Tôi cố tỏ ra khẩn trương, một ý nghĩ khẩn trương vẫn trốn khỏi tôi. Ngồi đây, giữa cảnh đẹp này, hoặc ngồi nhà giữa đồ đạc quen thuộc, hình như tôi thấy khó tin là chung quanh tôi có một vùng giết chóc và làm mất danh dự. Nó như một giấc mơ tồi tệ. Trong tôi như có gì thúc bách, giục giã. Tôi cố không nghĩ, nhưng nó khăng khăng đến. Tôi càng lui, nó càng thúc tới. Tôi đành để mặc, thế là cuộc sống lại bình thường Tôi yên tâm trở lại bình thường. Tôi lăn lộn trong đó. Tôi mất ý nghĩ xấu hổ, trở thành đứa không biết xấu hổ là gì. Xấu hổ hay không xấu hổ đó là điều tôi không thể quên, điều sau này có thể chịu đựng được. Vì thế tôi phải giữ mình để đi tiếp nếu không tôi sẽ lạc. Anh hiểu không?"
Vercueil gò mình trên tay lái, như người mắt kém. Con mắt diều hâu mà thế. Nhưng anh ta hiểu hay không có quan trọng gì đâu?
Tôi vẫn nói "Y như người ta cố bỏ rượu vậy. Cố mãi, từ đầu đã biết thế nào rồi cũng quay lại. Có chút xấu hổ trong tâm tư riêng ấy, xấu hổ mà nồng ấm, thân mật, dễ chịu, để cảm thấy xấu hổ hơn. Hình như một người cảm thấy xấu hổ không có bờ bến nào hết.
"Nhưng tự giết mình thì khó lắm! người ta bám lấy cuộc sống! Tôi thấy hình như đến lúc cuối cùng có cái gì đó ngoài ý chí, một cái gì xa lạ, không tư duy, quét mình ra khỏi miệng vực thẳm. Anh phải trở thành một người nào đó khác với mình. Nhưng cái gì chờ tôi bước vào chỗ đó? Tôi tìm người đó ở đâu được?"
Đồng hồ tôi chỉ 10 giờ 20. Tôi nói " Ta phải quay về thôi".
Verceuil cho xe chậm lại. Anh ta nói "Nếu bà muốn thế, tôi sẽ đưa bà về. Hoặc nếu bà muốn, ta tiếp tục đi. Chúng ta có thể đi quanh bán đảo. Hôm nay đẹp trời mà".
Đáng lẽ tôi đáp: Không, đưa tôi về ngay. Nhưng tôi ngập ngừng, lúc đó không nói được.
Tôi bảo "Dừng lại đây".
Verceuil lái xe cạnh đường đỗ lại.
Tôi nói "Tôi muốn nhờ anh một việc. Nhưng anh đừng cười tôi".
"Tại sao lại cười?"
Phải, bây giờ hoặc sau này.
Anh ta nhún vai.
Bên kia đường có người mặc quần áo rách ngồi cạnh đống củi, chờ bán. Anh ta nhìn chúng tôi rồi quay đi.
Thời gian trôi.
Cuối cùng tôi nói, giọng nhỏ nhẹ "Đã có lần tôi kể cho anh nghe chuyện về mẹ tôi. Chuyện hồi bà còn nhỏ ngủ trong bóng tối, không biết cái gì đang lăn trên người mình, là bánh xe hay là các ngôi sao.
Và đời tôi chỉ nghĩ đến chuyện ấy. Nếu mỗi chúng ta có câu chuyện để nói về mình, hỏi mình là ai và đã ở đâu ra, thì đó chính là câu chuyện của tôi. Đó là câu chuyện tôi đã chọn, hay câu chuyện đó chọn tôi. Tôi là từ đấy mà ra, từ đấy mà bắt đầu.
- Anh hỏi tôi muốn tiếp tục đi hay không. Nếu thực tế có thể, tôi đề nghị chúng ta đi đến tận Mũi Đông, gần dãy núi Outeniqua, đến chỗ đỗ xe ở đỉnh đèo Hoàng tử Alfred. Thậm chí tôi muốn đề nghị ta hãy để bản đồ lại sau, đánh xe đi về phía bắc, phía đông, theo mặt trời, đến nơi đỗ xe tôi sẽ nhận ra, chỗ bắt đầu, chỗ có cái rốn, chỗ tôi ra đời ấy. Anh bỏ tôi xuống bên đèo, rồi anh cứ tiếp tục đi, để tôi ở lại chờ đến đêm, chờ các ngôi sao và bánh xe lăn trên người tôi.
"Nhưng sự thật là có hay không có bản đồ thì tôi cũng không tìm ra chỗ ấy. Tại sao? Vì tôi chợt không muốn nữa. Trước đây một năm hay một tháng thì khác. Ý nghĩ mong muốn, có lẽ là mong muốn sâu sắc nhất đã tràn khỏi người tôi, dẫn tôi đến một nơi trên trái đất. Có lẽ tôi sẽ quỳ xuống đó nói: Đây là mẹ tôi, đây là nơi đã cho tôi cuộc sống. Đó là đất thiêng, không phải nấm mồ, mà là nơi phục sinh thiêng liêng, phục sinh vĩnh viễn từ trái đất.
"Bây giờ mong muốn ấy, điều mà tôi gọi nó là tình yêu, đã đi khỏi tôi rồi. Tôi không còn yêu đất nước này nữa. Đơn giản thế thôi. Tôi như một người bị thiến, bị thiến trong khi đang trưởng thành. Tôi cố hình dung ra một người bị thiến thì sống như thế nào. Tôi tưởng tượng anh ta nhìn những gì trước kia đã yêu, trong ký ức biết rằng còn phải yêu nữa, nhưng không thể gọi tình yêu tự đến. Tình yêu: đó là cái gì thế? Anh ta tự nhủ, lục tìm cảm giác cũ trong ký ức. Nhưng mọi thứ bây giờ bằng phẳng, bất động, yên tĩnh. Anh ta sẽ nghĩ: điều ta từng có đã phản bội ta. Anh ta tập trung, cố nghĩ xem phản bội thì nhức nhối như thế nào. Nhưng sẽ không nhức nhối. Nhức nhối sẽ ra đi, từ bỏ hết. Ngược lại anh ta sẽ thấy mình bị lôi kéo, nhẹ thôi nhưng liên tục, bị đẩy đến chỗ kinh hoàng,tách khỏi mọi thứ. Anh ta tự nhủ, tách ra rồi, và giơ tay sờ thử xem nó sắc đến đâu, nhưng lại thấy nó cùn và mòn. Anh ta nghĩ mọi thứ đều co lại, một tuần nữa, một tháng nữa và anh ta sẽ quên hết> Như người ta ăn từng hạt sen vậy. Vì cuối cùng ta sẽ cảm thấy nỗi đau của sự xa cách, mọi thứ đến với ta chỉ như nỗi buồn thoáng qua.
Ong Vercueil, không biết tôi nói như thế đã rõ chưa. Tôi đang nói đến quyết tâm, cố nắm lấy quyết tâm mà không được. Thú thật là tôi đang chết đuối. Tôi ngồi đây bên cạnh anh mà đang chết đuối".
Vercueil ngả lưng dựa vào xe. Con chó khẽ kêu ư ử, chồm chân lên ghế, chúi đầu về phía trước như đòi đi nữa. Một phút trôi qua.
Anh ta lấy bao diêm trong túi đưa cho tôi nói "Bây giờ bà làm đi".
- Làm cái gì?
- Cái đó.
- Anh muốn thế sao?
- Bà làm ngay đi. Tôi ra ngoài xe. Bà làm ngay ở đây đi.
Nước dãi phập phồng ở mép anh ta, tôi nghĩ chắc anh ta điên. Có thể nói anh ta ác độc, điên rồ, như con chó điên.
Anh ta lắc bao diêm trước mặt tôi, chỉ tay vào người đang ngồi bên đống củi "Bà lo cho hắn ư? Hắn sẽ không can thiệp đâu".
Tôi nói "Ở đây không được".
- Chúng ta có thể lên ngọn Chapman. Nếu muốn, tôi có thể lái xe đến bờ vực.
Tôi như đang bị kẹt trong xe với một người đàn ông định quyến rũ, rồi nổi giận vì không chịu nghe. Như bị ai đem về những ngày bi đát của thời son trẻ.
Tôi nói "Ta về nhà được không?"
- Tôi tưởng bà muốn làm việc ấy kia mà?
- Anh không hiểu.
- Tôi tưởng bà muốn phóng xe xuống dốc. Để tôi đẩy cho.
Đến bên ngoài khách sạn ở vịnh Hout, anh ta đỗ lại nói "Bà có tiền đấy không?"
Tôi đưa cho anh ta tờ bạc mười rand.
Anh ta vào cửa hàng tự do rồi quay ra với một chai rượu bọc trong túi giấy nâu. Anh ta vặn nút rồi đưa cho tôi "Bà hãy uống một chút".
- Không, cám ơn. Tôi không thích brandy.
- Không phải brandy, đây là thuốc.
Tôi nhấp một ngụm, định nuốt nhưng sặc, rồi ho, răng muốn rơi ra.
Anh ta nói "Bà cứ ngậm trong miệng thôi".
Tôi làm ngụm nữa, ngậm trong miệng. Vòm miệng tôi nóng cháy rồi tê đi. Tôi nhắm mắt nuốt. Trong người tôi như có cái gì nhấc bổng tôi lên. Như tấm màn, như đám mây vậy. Tôi tự hỏi, hoá ra là thế? Chỉ có thế thôi ư? Vercueil chỉ đường cho tôi thế sao?
Anh ta quay xe, lái ngược lên đồi, đỗ lại chỗ người ta thường đi chơi dã ngoại nhìn xuống vịnh. Anh ta uống rồi đưa chai cho tôi. Tôi thận trọng uống từng tí một. Tấm màn xám vẫn che đậy các thư bây giờ sáng lên dần. Tôi nghi hoặc, thấy lạ, rồi tự hỏi: đơn giản thế thật sao, chẳng phải chuyện sống chết một tí nào ư?
Tôi bảo "Thôi được rồi, để tôi nói. Điều làm cho tôi muốn nổ tung không phải tình trạng của tôi, bệnh của tôi mà là một cái gì rất khác".
Con chó lại kêu ư ử. Vercueil đưa tay ra. Nó liếm bàn tay anh ta.
- Thằng con của Florence bị bắn hôm thứ Ba.
Anh ta gật.
- Tôi trông thấy xác nó.
Tôi nói tiếp rồi nhấp một ngụm rượu nữa, nghĩ bụng sao mình nói lắm thế. Chúa tha tội cho tôi! Tôi nói lắm thì Vercueil cũng sẽ bắt chước tôi? Chẳng lẽ anh ta nói với tôi, hai người cùng ngồi trên xe lại thi nhau nói lắm hay sao?
Tôi nói "Tôi thương cảm. Tôi không dám nói là đau đớn vì không có quyền nói như vậy, điều đó để cho người thân của nó nói. Nhưng đến giờ tôi vẫn còn – nói như thế nào nhỉ - còn thấy rối ruột. Có cái gì đó rất nặng nề trong cái chết của nó, trong người nó. Hình như trong khi chết nó trở thành nặng như chì, hoặc như đống bùn dưới đáy đập nước. Như trong khi che6 t nó thở dài một lần cuối và sự nhẹ nhõm trong nó đã bay đi hết. Bây giờ nó nằm đè trên người tôi với tất cả sức nặng của nó. Không ép xuống, chỉ nằm thế thôi.
"Cũng giống thằng bạn nó nằm chảy máu hôm ở hè đường. Cũng nặng như thế. Máu cũng đọng như thế. Tôi đã cố gắng ngăn cho máu khỏi chảy xuống đường. Rất nhiều máu. Nếu để chảy ra đầy chậu, chắc tôi không nhấc nổi cái chậu, vì chẳng khác nào bê một chậu đựng đầy chì.
"Ông Vercueil ạ, trước đây tôi chưa từng thấy người da đen khi họ chết. Tôi biết họ chết nhiều lắm, nhưng xảy ra ở đâu ấy. Những người tôi thấy chết đều là người da trắng, họ chết trên giường, chết khô, thanh thoát và nhẹ như tờ giấy. Tôi chắc họ được thiêu, để lại ít tro, rồi gió cũng quét đi. Anh muốn biết tại sao tôi có ý định tự thiêu không? Vì tôi nghĩ tôi sẽ được thiêu tử tế.
"Thế mà Bheki và những người chết kia không được thiêu. Nếu có sẽ chỉ như thiêu những hình hài bằng gang thép hay bằng chì mà thôi. Có thể họ sẽ mất đi hình dáng sắc sảo, nhưng khi tắt lửa rồi họ vẫn còn đó, vẫn nặng như bao giờ. Cứ để đó lâu, họ sẽ có thể chìm đi từng ly một, cho đến khi đất khép kín trên mình họ, và họ sẽ không chìm sâu hơn nữa. Họ vẫn còn ở đó, bên dưới mặt đất. Nếu anh húc mũi giày vào đó sẽ phát hiện ra họ, mặt mũi tai mắt họ đều mở và chứa đầy cát".
Vecueil đưa chai rượu và nói "Bà uống đi". Nét mặt của anh ta đổi khác, môi trề ra, mắt ướt, lơ đãng. Như mặt người đàn bà anh ta đưa về hôm trước. Tôi cầm chai rượu, lấy tay áo lau.
Tôi nói tiếp "Anh nên hiểu chuyện rối ruột tôi nói vừa rồi đó là chuyện riêng thôi. Thực ra đó không phải là chuyện riêng. Tôi rất quý thằng Bheki khi nó còn nhỏ, nhưng tôi không bằng lòng với việc nó biến thành ra thế. Nó và các bạn nó bảo đã bỏ lại sau lưng tuổi niên thiếu. Tất nhiên chúng vẫn còn là trẻ con, nhưng đã trở thành cái gì khác? Những đứa trẻ nghiêm nghị, khắt khe, không biết cười, không biết chơi đùa. Vậy việc gì tôi phải đau đớn thay cho nó? Chẳng qua tôi đã nhìn mặt nó thôi. Khi chết nó trở lại là đứa trẻ. Có lẽ chiếc mặt nạ đã rơi xuống trong sự ngạc nhiên của đứa trẻ khi nó thấy việc ném đá bắn giết kia không phải là trò chơi, và cái tên hộ pháp chạy đến đổ đất cát vào miệng nó ấy, không thể đuổi hắn đi bằng lời hát hay khẩu hiệu được, rồi cuối cùng nó bị bắt, bị bịt miệng không thể thở được và không còn thấy ánh sáng nữa.
Bây giờ thì thằng bé bị chôn vùi, còn ta thì giẫm lên người nó. Nói để anh biết, đi trên đất nước này, đất Nam Phi này, tôi cảm thấy như mình giẫm lên xác những người da đen vậy. Họ chết nhưng tinh thần không rời khỏi họ. Họ nằm đó, nặng nề, rất cứng cỏi, chờ tôi qua đi, chờ vùng dậy. Hàng triệu khuôn mặt gang thép đang trôi nổi dưới bọ bọc trái đất. Tuổi sắt đá đang chờ ngày trở lại.
"Anh nghĩ là tôi thất vọng nhưng rồi sẽ vượt qua được. Anh nghĩ đó là nước mắt rẻ tiền, nước mắt vô cảm, nay đến mai đi. Đúng đấy, trước đây tôi thất vọng, tôi tưởng không thể nào tồi tệ hơn thế, nhưng rồi cái tồi tệ nó đến, tôi đã phải cố hoặc làm như cố để vợt qua nó. Nhưng chính thế mới khốn khổ. Để khỏi bị tê liệt trong nhục nhã, tôi đã phải sống cuộc sống vượt qua cái tồi tệ. Tôi không thể nào vượt qua nó được nữa. Nếu lần này tôi không vượt qua được, sẽ chẳng bao giờ còn có cơ hội nào để không vượt qua nó nữa".
vercueil lại đưa chai rượu ra. Đã cạn đi một nửa. Tôi gạt tay anh ta và nói "Tôi không muốn uống nữa".
Anh ta nói "Cứ uống đi. Phải say cho khác đi chứ".
Tôi dứt khóat "Không!" Trong người tôi bùng lên nỗi giận dữ chếnh choáng trước sự thô bạo và bàng quan của anh ta. Tôi đang làm gì thế? Trong chiếc xe cũ đã cạn dầu, hai chúng tôi chẳng khác gì những người tị nạn vùng đồng bằng thời kỳ Đại Suy Thoái. Chỉ còn thiếu chiếc đệm rơm và con gà nhốt trong lồng tre nữa thôi. Tôi giằng lấy chai rượu, định thò đầu ra cửa vứt đi nhưng anh ta giật lại được.
Tôi gắt "Cút ra khỏi xe tôi!"
Anh ta cầm chìa khoá xe bước ra ngoài. Con chó nhảy ra chạy theo. Trước mắt tôi anh ta ném chìa khoá vào bụi cây rồi quay lại, tay cầm chai rượu đi xuống đồi, ra vịnh Hout.
Tôi giận điên người, ngồi chờ, nhưng không thấy anh ta trở về.
Mấy phút trôi qua, một chiếc xe chạy lên ngang xe tôi, mở nhạc oang oang, trong xe có một cặp ngồi nhìn ra biển. Nam Phi đang ở thời buổi ăn chơi. Tôi bước ra khỏi xe. Người đàn ông quay sang nhìn tôi, miệng nhai kẹo cao su. Tôi nói "Cho tiếng nhạc nhỏ đi được không?" Anh ta làm như ngó nguáy vào cái gì đó, nhưng tiếng nhạc vẫn to như cũ. Tôi lại gõ nữa. Qua cửa kính, anh ta nói gì không rõ, rồi vụt quay xe đỗ sang phía bên kia đường.
Tôi chui vào bụi cây sục tìm chìa khoá xe Vercueil vứt vào đó nhưng không thấy.
Cuối cùng xe kia phóng đi. Người đàn bà trong xe quay nhìn tôi. Mặt chị ta không phải không hấp dẫn nhưng tôi thấy nó xâu xấu thế nào, nó quắt lại như sợ hãi, có vẻ như chị ta bị cuộc sống giày vò. Không phải khuôn mặt mà chỉ như một biểu tượng đã mòn mỏi. Màng mỏng giữa thế giới bên ngoài với nội tạng cô ta dầy lên. Tiến hoá, nhưng tiến hoá giật lùi. Như con cá thời tiền sử nằm dưới đáy sâu (chắc con biết điều này) mọc những làn da nhạy cảm với ánh sáng, lâu dần biến thành mắt. Tôi thấy hiện nay Nam Phi có những cặp mắt mờ đi, kéo màng mỗi lúc mỗi dầy, trong khi bọn khám phá đất đai, bọn thực dân chuẩn bị trở lại những đáy sâu ấy.
Mẹ có nên đến chỗ con khi con mời không? Những lúc mềm yếu mẹ thường mong muốn được con an ủi. Cũng may mà mẹ không đi, vì quyền lợi của hai mẹ con đó thôi. Con chả cần đến chim báo bão của thế giới cũ này làm gì, còn mẹ dù có chạy đến chỗ con thì liệu có thoát khỏi cái đất Nam Phi này được không? Làm sao mẹ biết được là mắt mẹ đã kéo màng dầy? Có lẽ người đàn bà ngồi trong xe kia đã nói với bạn "Bà già ấy thật khốn khổ. Tại sao khuôn mặt bà ta quắt lại thế?"
Với lại, vinh dự gì mà chuồn khỏi cái thời buổi này khi con tàu chứa đám sâu bọ đang chìm với bọn chơi quần vợt, bọn buôn lậu, và bọn tướng tá nhét túi đầy kim cương bỏ đi tìm nơi ẩn náu để yên thân ở những nơi khác trên thế giới? Tướng G., bộ trưởng M. có tài sản ở Paraguay. Họ dùng lửa than nướng bít tết và nhậu nhẹt với nhau ở những xứ sở phía Nam, uống bia với bồ bịch, hát những bài xưa cũ, rồi chờ qua đời với giấc ngủ của tuổi già, con cháu, thợ thuyền cầm mũ đứng phục ở chân giường. Bọn người gốc Nam Phi ở Paraguay bắt tay với bọn người gốc Nam Phi ở Patagonia sống lưu vong, bọn bụng phệ, vợ béo tròn, phòng khách treo các loại súng trên tường, có két sắt chứa tiền gửi ở Rosario, chiều Chủ Nhật đi thăm con học ở Barbie, Eichman. Tất cả bọn chúng đều là những tên áp bức, ác ôn, tra tấn, giết người.
Tóm lại, mẹ cũng mệt lắm rồi! Mệt mà không biết nguyên nhân, mệt như chiếc áo giáp đã quá thời. Mẹ muốn nhắm mắt để ngủ đi. Với lại, cái chết là gì nếu không phải là thăng lên những nấc cuối cùng của mệt mỏi?
Mẹ nhớ lần cuối cùng con gọi điện. Con hỏi "Mẹ thấy thế nào?" Mẹ đáp "Mẹ thấy mệt nhưng không sao. Mẹ từ từ giải quyết mọi việc. Florence giúp mẹ rất tôi. Ngoài ra còn có thêm người làm vườn nữa". Con nói với giọng rất Mỹ "Thế thì con mừng lắm. Mẹ phải cố ăn thật nhiều để lấy lại sức nhé?"
Mẹ con nói chuyện điện thoại. Bên đó là trưa, ở đây là đêm. Bên đó là mùa hè, ở đây là mùa đông. Vậy mà đây đó vạch rõ như con ở nhà bên cạnh. Lời mẹ con bay vút lên trời cao, chập làm một, không chút gợn. Không còn sợi dây cáp dưới đáy biển nối mẹ với con nữa, mà đây là sự kết nối hiệu quả, trừu tượng, là trời sinh, ý con gắn với ý mẹ, không cần lời, không phải là hơi thở truyền sang nhau mà là ý của lời, ý của hơi đã được mã hoá, truyền đạt và giải mã. Cuối cùng con nói "Chúc mẹ ngủ ngon". Và mẹ nói "Tạm biệt con yêu qúy, cám ơn con đã gọi điện cho mẹ". Chữ yêu quý giúp cho tiếng nói của mẹ được ở lại với tất cả sức nặng của tình yêu (mẹ phóng túng thế đấy!) và mẹ cầu cho hình bóng tình yêu ấy còn mãi trên con đường mòn lạnh lùng của không gian đến tận nơi con ở.
Trên điện thoại có tình yêu nhưng không có sự thật. Trong thư này (thư dài) gửi từ một nơi khác, sự thật của tình yêu cuối cùng lại về với nhau. Ở mỗi chữ "con", ngòi bút của mẹ lại nhấp nháy rung động như ngọn lửa tháng Elmo. Con đến với mẹ không như con đang hiện ở Mỹ, không phải như lúc con ra đi, con ở một dạng sâu sắc hơn, không thay đổi vì người thân của mẹ không thể chết được. Đây là mẹ nói chuyện với linh hồn con, như linh hồn mẹ sẽ ở lại với con khi viết bức thư này. Như con mối trong tổ bò ra vẫy cánh bay đi nghĩa là khi con đọc mẹ hy vọng con sẽ thấy linh hồn mẹ sắp bay lên nữa. Con mối trắng ấy là hình bóng xuất hiện từ miệng một hình hài nằm trên giường chết. Vật lộn với bệnh tật, với bóng tối và tự nguyệny nhốt mình trong những ngày này, mẹ chao đảo, lang thang nữa (nói thêm về chuyến ra vịnh Hout – Vercueil say rượu quay lại, cáu gắt, anh ta tìm thấy chiếc chìa khoá xe, chở mẹ về, có lẽ phải nói thật là con chó đã đưa anh ta trở về). Mọi biến dạng đều có nghĩa là mẹ đang run rẩy, muốn thoát khỏi cái vỏ bọc đang chết dần.
Rồi sau đó, sau cái chết, thì sao? Con đừng sợ, mẹ không ám ảnh con đâu. Không cần phải đóng cửa sổ, bịt ống khói lò sưởi để ban đêm mối khỏi bay vào nhà, bay vào mí mắt con hay đứa trẻ nào. Con mối sẽ chỉ đậu nhẹ trên má khi con đọc trang cuối bức thư này, rồi nó sẽ vỗ cánh bay đi nơi khác. Không phải linh hồn mẹ đang đến với con, mà chỉ là tinh thần của linh hồn mẹ, là hơi thở, là không khí lay động với những chữ này, một chút xao động trong không gian khi hình bóng của ngòi bút mẹ bay qua mặt trang giấy con cầm trong tay mà thôi.
Rời mẹ ra, rời con ra, rời cả ngôi nhà còn sống với những ký ức, đó là việc khó khăn nhưng mẹ cố tập. Cả âm nhạc nữa. Nhưng âm nhạc mẹ đem theo ít ra cũng sẽ là vết thương trong linh hồn. Những khúc ca của Matthew. Đam mê đã thành vết và thắt lại ngàn lần mà không ai và không có gì có thể tháo ra được.
Nếu Vercueil không đem gởi những gì mẹ viết, con sẽ chẳng bao giờ được đọc. con sẽ chẳng bao giờ biết là đã có những bức thư ấy.
Sự thật về mẹ sẽ chẳng bao giờ được hiện diện, và con sẽ chẳng bao giờ biết được ở đây mẹ đã sống như thế nào trong những ngày này.
Vậy con đoán xem mẹ làm gì với Vercueil, về Vercueil?
Chỉ đoán là có tin được không thôi. Chẳng cần phải yêu cầu nhiều, chỉ yêu cầu anh ta cầm gói thư ra đưa cho bưu điện. Chuyện nhỏ đến mức hầu như không có gì. Cầm đi hay không cầm đi có khác nhau gì lắm. Nếu còn chút tin cậy, còn chút nghĩa vụ, còn chút tình thương sau khi mẹ chết đi, chắc chắn anh ta sẽ cầm.
Nếu không thì sao?
Nếu không thì còn gì lòng tin cậy nữa, chúng ta, tất cả chúng ta, chỉ đáng nhảy xuống hố và hoàn toàn biến mất.
Vì mẹ không thể tin Vercueil mà phải tin anh ta.
Mẹ cô giữ cho linh hồn được sống trong thế giới không ai đón nhận linh hồn nữa.
Rất dễ bố thí cho trẻ mồ côi, những kẻ thiếu ăn, đói kém. Rất khó bố thí cho những người đau lòng (mẹ đang nghĩ đến Florence). Nhưng của bố thí cho Vercueil là khó hơn cả. Những gì mẹ cho, anh ta không tha thứ việc mẹ đã cho. Trong anh ta không có từ thiện, không có tha thứ. (Vercueil nói: từ thiện là cái gì? Tha thứ là cái gì?) Nếu anh ta không tha thứ thì mẹ có cho cũng không phải vì từ thiện, phục vụ không phải vì tình yêu. Chỉ như mưa không thấm đất thôi.
Hồi còn trẻ, mẹ đã có thể hiến thân cho anh ta được. Đó là điều người ta đang làm, đã làm, dù cho có lầm lẫn. Bây giờ mẹ phó mặc đời mình trong tay anh ta dù đó là cuộc sống của mẹ, những lời của mẹ, những vết động thái của ngón tay mẹ quều quào trên trang giấy.
Nếu con có đọc, những lời này sẽ đi vào con, làm con phải nín thở. Có thể nói cách sống của mẹ là thế. Xưa kia con sống trong lòng mẹ như mẹ đã sống trong lòng bà. Dường như bà vẫn sống trong lòng mẹ cũng như mẹ lớn lên trong lòng bà và trong lòng con.
Mẹ trao cuộc sống của mẹ cho Vercueil mang đi. Mẹ tin cậy Vercueil vì mẹ không tin ở Vercueil. Mẹ yêu anh ta vì mẹ không yêu anh ta. Vì mẹ dựa vào anh ta là cây sậy yếu ớt.
Hình như mẹ hiểu được điều mẹ nọi nhưng nói thật là mẹ không hiểu. Ngay từ đầu, khi mẹ thấy anh ta nằm bẹp trong túp nhà bằng hộp giấy sau nhà để xe, mẹ không hiểu gì hết. Mẹ cứ luôn luôn tìm đường trong bóng tối. Mẹ tìm đường đến chỗ con, mỗi lời nói ra là từng bước tìm đường.
Tôi bị cảm lạnh đã mấy ngày. Bây giờ nó vẫn nằm trong ngực biến thành ho khan, ho mấy phút liền, khiến tôi không thở được, người mệt rã rời.
Chừng nào cái đau chỉ là đau thôi, tôi có thể chịu đựng và tránh xa nó. Tôi tự nhủ đây không phải mình mà là người khác đau, một người nào đó cùng nằm trên giường với tôi. Vì thế tôi tìm cách vứt nó ra chỗ khác. Nếu vứt không được, cái đau vẫn bám lấy tôi, tôi đành chịu vậy .
Khi những cơn đau nổi lên, tôi tin rằng mình có thể xua chúng đi như xua những con dê ở vùng đất tận cùng.
Nhưng bây giờ khi những cơn ho đến co giật, tôi không thể tránh được nữa. Chẳng có đầu óc nào hay cơ thể nào khác, chỉ có tôi là một sinh vật cố chống chọi, cố hít lấy chút không khí để khỏi chết ngạt. Khủng khiếp, khủng khiếp đến ô nhục. Trên đường đến cái chết còn phải qua một thung lũng nữa. Sao điều này lại có thể đến với tôi được chư ? Lúc ho rũ rượi, tôi nghĩ: vậy có công bằng không? Ngây thơ đến ô nhục. Ngay một con chó bị đánh gẫy lưng và thở hơi cuối cùng nó cũng không nghĩ như thế có công bằng không.
Marcus Aurelius nói cái sống đòi hỏi phải có nghệ thuật ở tay đô vật, chứ không phải ở vũ nữ. tất cả phải cần đứng được trên đôi chân, không cần có những bước đi đẹp.
Hôm qua đã hết thức ăn trong chạn, tôi phải đi ra cửa hàng. Xách túi đi lững thững, tôi bỗng thấy trong người rất đau. Ba cậu học sinh đi qua đó đứng nhìn một bà già đang dựa vào cột đèn, chung quanh chân thực phẩm rơi vãi tứ tung. Mỗi lần ngừng ho, tôi vẫn cố bảo chúng ra chỗ khác. Tôi không thể tưởng tượng được lúc đó mình ra như thế nào. Một chiếc xe ngừng lại, người đàn bà trong xe lên tiếng hỏi "Bà có sao không?" Tôi hổn hển đáp "Tôi đi mua hàng về". Bà ta nghe không rõ, nhăn mặt hỏi lại "Gì cơ?" Tôi lại thở và đáp "Không có gì". Bà ta lại phóng xe đi.
Chúng ta ngày càng trở nên xấu xa, không thể nghĩ tốt về bản thân mình. Ngay cả việc nhìn hoa hậu cũng thấy khó chịu. Xấu xa là thế nào nếu không phải đó là linh hồn biểu lộ qua xác thịt?
Thế rồi đêm qua chuyện tồi tệ đã xảy ra. Trong khi thuốc ngủ sắp làm tôi mê đi, bỗng có tiếng chó sủa chen vào làm tôi rất khó chịu. Con chó sủa liên hồi. Tại sao Vercueil không ngăn nó lại?
Tôi xuống cầu thang mà bước không vững. Khoác áo, đi dép, tôi bước ra ngoài hiên. Trời lạnh. Đang mưa nhỏ. Tôi gọi gắt "Ông Vercueil đâu? Chó sủa gì thế, ông Vercueil?"
Tiếng sủa dừng lại, rồi tiếp tục. Không thấy Vercueil đâu.
Tôi quay về giường nằm, không sao ngủ được. Tiếng sủa như những nhát búa gõ vào tai.
Tôi tự cảnh báo những bà già ngã gẫy xương hông là thế này đây. Họ bị bẫy mà không biết.
Tôi nắm cả hai tay vào lan can bò xuống.
Có người trong bếp, nhưng đó không phải là Vercueil. Dù là ai tôi cũng không trốn tránh. Trời ơi! Tôi tưởng là Bheki! Tôi rùng mình sợ hãi.
Trong ánh sáng lờ mờ từ tủ lạnh hắt ra, cậu ta đến trước mặt tôi, vết thương trên trán còn quấn băng trắng.
Tôi khẽ hỏi "Anh muốn gì? Tìm thức ăn hả?"
Cậu ta hỏi "Bheki đâu?"
Giọng cậu nhỏ và trầm hơn Bheki. Ai thế nhỉ? Tôi hoang mang, cố nghĩ xem tên anh ta là gì.
Anh ta đóng cửa tủ lạnh. Chung quanh tối đen. Tôi chợt quát gọi "Ông Vercueil!" Con chó lại sủa. Tôi khẽ nói "Hàng xóm đến đấy!"
Anh ta lướt qua chỗ tôi đứng, vai chạm vào người tôi. Tôi lùi lại, ngửi mùi, tôi biết anh ta là ai.
Anh ta chạy ra cửa. Con chó lại sủa như điên.
Tôi bật đèn nói "Florence không còn ở đây nữa".
Anh ta không mặc quần áo của mình. Hoặc giả đây là kiểu mới chăng? Áo khoác ngoài như của người lớn, quần quá dài. Một bên tay áo không có cánh tay.
Tôi hỏi "Tay cậu làm sao thế?"
Cậu ta đáp "Tôi không cử động được".
Tôi bảo "Cậu đứng xa cửa đi".
Tôi hé mở cửa. Con chó nhảy lên thích thú. Tôi đập vào mũi nó và bảo "Im đi!" Nó rên ư ử. "Chủ mày đâu?" Nó vểnh tai. Tôi đóng cửa lại.
Tôi hỏi cậu ta "Cậu muốn gì ở đây?"
- Bheki đâu?
- Bheki chết rồi. Nó bị giết tuần trước, lúc cậu còn nằm bệnh viện. Người ta bắn. Nó chết tại chỗ. Ngay sau hôm xảy ra vụ chiếc xe đạp ấy.
Cậu ta liếm môi, vẻ sợ sệt, không biết làm gì.
- Cậu muốn ăn gì không?
Cậu ta lắc đầu nói "Tiền. Tôi không có tiền để đi xe buýt".
- Tôi sẽ cho cậu tiền. Nhưng cậu định đi đâu?
- Tôi phải về nhà.
- Đừng làm thế, tôi bảo thật đấy. Tôi biết tôi đang nói gì. Tôi đã thấy những gì xảy ra ở khu đó. Trốn đi và chờ đến khi nào mọi chuyện trở lại bình thường hãy về.
- Sẽ không bao giờ bình thường đâu.
- Xin cậu nghe tôi. Tôi biết cậu sẽ nói thế. Tôi không có thì giờ, cũng không quan tâm đến chuyện đó đâu. Cậu cứ ở đây đến lúc yên ắng đã. Ở đây đến lúc khoẻ hẳn đã. Tại sao cậu lại ra viện? Bị đuổi à?
- Vâng, tôi bị đuổi.
- Cậu mặc quần áo của ai thế?
- Của tôi đấy.
- Không phải của cậu. Cậu lấy ở đâu ra?
- Của tôi thật mà. Một anh bạn đem đến cho.
Cậu ta nói dối. Không dối giỏi hơn những đứa trẻ mười hai tuổi khác.
- Ngồi xuống đó đã. Tôi đi kiếm cái gì cho cậu ăn, rồi ngủ đi một lúc. Có định làm gì thì sáng mai hãy tính.
Tôi pha trà. Cậu ta ngồi xuống không để ý đến tôi. Còn tôi không tin những gì cậu ta nói, nhưng cậu ta không lúng túng. Tôi tin hay không tin chẳng có gì quan trọng. Nhưng cậu ta nghĩ gì về tôi? Có nghĩ không? Cậu ta có phải là người biết nghĩ không? Không, so với Bheki thì cậu ta không biết nghĩ, nói năng không rõ ràng, đầu óc không biết tưởng tượng. Nhưng cậu ta còn sống, còn Bheki thì chết. Kẻ năng động mất đi, kẻ ngớ ngẩn sống sót. Số phận Bheki quá thiệt thòi. Tôi chưa bao giờ ngại Bheki, nhưng với cậu bé này thì tôi không chắc.
Tôi để bánh kẹp và tách nước trước mặt cậu ta và bảo "Ăn uống đi". Cậu ta không động đậy, díp mắt, gục đầu vào tay ngủ. Tôi vỗ vào má cậu ta gọi "Dậy đi". Cậu ta giật mình, ngồi thẳng dậy, cắn miếng bánh nhai vội. Rồi không thấy nhai nữa. Miệng còn đầy bánh, cậu ta có vẻ hoảng hốt, rã rượi. Tôi cầm miếng bánh ở tay cậu ta nghĩ bụng, khi bọn nó gặp rắc rối là tìm đến đàn bà. Cậu ta tìm Florence nhưng cô ta lại không có ở đây. Chẳng lẽ cậu ta không có mẹ hay sao?
Vào phòng Florence cậu ta tỉnh ra ngay, miệng lẩm bẩm "Xe đạp".
- Xe không sao. Tôi đã giữ lại rồi. Phải sửa một chút thôi. Để tôi bảo ông Vercueil làm cho.
Thế là ngôi nhà đã từng là của mẹ và của con bây giờ biến thành ngôi nhà tị nạn, ngôi nhà cho người ta quá cảnh.
Con yêu quý nhất của mẹ, mẹ đang ở trong đám sương mù lầm lỗi. Đã quá muộn, mẹ không biết tự cứu mình như thế nào. Nếu có thể xưng tội, mẹ chỉ xưng tội với con thôi. Con hỏi mẹ lầm lỗi thế nào ư? Nếu có thể bỏ nó vào chai như bắt con nhện bỏ vào đó và giữ nó cho con xem, mẹ sẽ làm ngay. Nhưng nó như sương mù, chỗ nào cũng có mà không có ở đâu hết. Mẹ không thể sờ nó, bắt nó, đặt tên cho nó được. Tuy vậy, dù miễn cưỡng, cũng để cho mẹ từ từ nói ra. Mẹ chẳng yêu qúy gì thằng bé đang ngủ trên giường của Florence kia. Mẹ yêu con nhưng không yêu nó. Trong lòng mẹ chẳng có chút tình cảm nào cho nó hết.
Con bảo là nó không đáng yêu chứ gì. Nhưng chẳng phải trong mình con đã không có chút gì làm cho con đáng yêu ư?
Mẹ không phủ nhận, nhưng mẹ cũng không tin điều đó. Trái tim mẹ không chấp nhận nó là của mẹ, đơn giản thế thôi. Trong lòng mẹ chỉ muốn nó đi đi, để mẹ được yên.
Đó là lời đầu tiên mẹ xưng tội. Mẹ không muốn chết trong tình trạng hiện nay, một tình trạng xấu xa. Mẹ muốn được cứu rỗi. Cứu như thế nào? Bằng cách làm những việc mà mẹ không muốn làm ư? Mẹ biết đó là bước thứ nhất. Trước hết mẹ phải yêu cái không đáng yêu, mẹ phải yêu cái thằng bé này. Không phải thằng nhỏ mặt mũi sáng sủa, mà là thằng bé này cơ. Nó đến đây là có lý do. Nó là một phần của việc cứu rỗi cho mẹ. Mẹ phải yêu nó. Nhưng mẹ không yêu nó. Cũng không muốn yêu ra yêu, vô luận mẹ là người như thế nào.
Chính vì không muốn có một trái tim để làm khác đi nên mẹ mới lang thang trong đám sương mù.
Mẹ không thể tìm thấy nó trong tim để mà yêu. Mẹ muốn yêu và được yêu.
Mẹ đang chết dần trong tim nên không muốn sống. Mẹ đang chết dần vì mẹ muốn chết.
Vậy con hãy nghe mẹ thốt ra lời thứ hai đây. lời của hoài nghi. Không muốn yêu nó, và điều mẹ nói là yêu con có thật không? Vì tình yêu không phải là chuyện đói khát. Tình yêu không bao giờ có thể thoả mãn, không bao giờ tĩnh lặng. Khi người ta đã yêu lại càng yêu hơn. Yêu con bao nhiêu mẹ lại càng phải yêu nó bấy nhiêu. Có lẽ mẹ không yêu nó thì cũng không yêu con.
Một thứ lô gíc mang hình thập giá, nó đưa mẹ đến chỗ mẹ không muốn đi! Nhưng mẹ có đề nghị người ta đóng đinh mẹ lên đó nếu mẹ thật sự không muốn!
Khi mẹ bắt đầu viết lá thư dài này mẹ nghĩ nó sẽ giống như triều dâng, những con sóng dưới đó chen chúc trồi lên mặt nước, có sức kéo liên tục như mặt trăng kéo mẹ đến chỗ con và kéo con đến chỗ mẹ, như giọt mật kéo con gái đến với mẹ, kéo người đàn bà đến với người đàn bà. Nhưng mỗi ngày mẹ viết thêm vào thư này hình như lại thấy nó thêm trừu tượng, thành một bức thư viết gởi các vì sao ở khoảng không gian trống rỗng, không cơ thể, trong như pha lê, không có máu. Số phận tình yêu của mẹ là như thế chăng?
Mẹ nhớ khi bị thương, máu của cậu ta chảy vô số không biết bao nhiêu mà kể, chảy rất dữ. So sánh thì máu mẹ trên mặt giấy này mỏng vô cùng, vì nó là của trái tim đã khô héo.
Mẹ biết trước đây đã viết về máu, viết về mọi thứ, viết cho đến cạn máu mà vẫn viết. Bức thư đã trở thành mê cung và mẹ là con chó trong mê cung, chạy lên chạy xuống giữa những cành cây và đường hầm, vẫn mệt mỏi cào cấu và kêu rên ở những chỗ cũ. Tại sao mẹ không kêu cứu, kêu gọi Chúa? Vì Chúa không thể giúp mẹ. Chúa tìm mẹ nhưng không thể với tới mẹ. Chúa là một con chó khác trong mê cung, mẹ ngửi Chúa và Chúa ngửi mẹ. Mẹ là một con chó cái đang gặp thời. Chúa là con chó đực. Chúa ngửi mẹ, không nghĩ gì ngoài việc tìm thấy mẹ và lấy mẹ. Chúa nhảy lên nhảy xuống trên cành, cào tay vào mắt lưới. Nhưng Chúa lạc đường và mẹ cũng lạc nốt.
Mẹ mơ, nhưng mẹ không tin là mẹ mơ thấy Chúa. Khi mẹ thiếp đi, dưới mi mắt bắt đầu hiện lên động tác của một hình bóng không hình hoặc thân thể, ngoài phủ sương mù xám xịt, nâu, hoặc vàng như lưu huỳnh. Trong giấc ngủ, mẹ nhìn thấy chữ Borodino, thấy một chiều hè nóng bỏng trên cánh đồng Nga, mọi nơi đều có khói, cỏ cháy khô, thấy hai đám người mất hết ý chí, đi lại đó đây, sống trong nỗi khủng khiếp của lửa cháy. Hàng vạn con người không mặt, không tiếng nói, khô cứng như xương, bị kẹt trong trường giết chóc, đêm đêm hành quân qua cánh đồng cỏ cháy, giữa mùi diêm sinh và máu, một địa ngục cho mẹ nhắm mắt nhảy vào đó.
Mẹ càng tin chắc rằng những viên thuốc ngủ Diconal, đã triệu tập những đội quân ấy trong giấc ngủ của mẹ. Nhưng không có viên thuốc đó, mẹ cũng không ngủ được.
Borodino, Diconal, mẹ tưởng đó là những chữ cái đảo ngược, vì nó rất là giống những chữ cái đảo ngược. Nhưng để làm gì kia chư? Và ở ngôn ngữ nào?
Tỉnh khỏi giấc ngủ Borodino, mẹ gọi, hoặc khóc, hoặc ho bằng những tiếng sâu thẳm trong lồng ngực. Rồi mẹ bình tĩnh lại, nằm nhìn chung quanh. Phòng mẹ, nhà mẹ, đời mẹ, tất cả đều như bắt chước. Thật ra mẹ như thấy mình được trở lại lần nữa, trở lại từ trong bụng cá voi bị phanh ngực. Mỗi lần là một phép lạ nhưng không được công nhận, chào đón hoặc hoan nghênh. Mỗi sáng mẹ được nhả ra, vứt lên bờ biển, được cho một cơ hội khác. Rồi mẹ biết làm gì nữa? Nằm bất động trên cát chờ nước triều ban đe6m quay lại quấn lấy mẹ và mang mẹ về trong lòng đêm tối. Không được sinh ra tử tế, mẹ chỉ là một sinh vật hữu hạn, không biết thở trong nước, thiếu can đảm để rời xa biển để trở thành người sống trên đất liền.
Ở sân bay, ngày con ra đi, con ôm chặt người mẹ và nhìn vào mắt mẹ nói "Mẹ đừng gọi con về nhé, con sẽ không về đâu". Rồi con vung chân đá văng hết cát bụi của đất nước này. Con làm thế là đúng, nhưng trong người mẹ vẫn còn chút gì luôn luôn cảnh báo, mẹ đã quay mặt về hướng tây bắc, thèm khát được đón con, ôm con, nếu như con nhất định về thăm mẹ bằng bất cứ cách nào. Trong ý chí của con có cái gì đó vừa ghê gớm vừa rất đáng khâm phục, những thư con viết – mẹ nói thật nhé – không có tình ye6u, hoặc ít nhất là không đủ để có thể biến tình yêu thành cuộc sống. Rất thân mật, tốt bụng, thậm chí tâm sự nữa, đầy những lo âu về mẹ tuy nhiên những thư đó vẫn như của một người nào xa lạ, không quen biết.
Mẹ buộc tội con ư? Không, nhưng đó là lời trách cứ từ trong tim mẹ. Bức thư dài này – bây giờ mẹ xin nói – là tiếng gọi vẳng vào đêm tối, gọi vào miền tây bắc để con trở về với mẹ. Con hãy về rúc đầu vào lòng mẹ như đứa trẻ, như con thường làm, mũi con chui vào chỗ tối mà từ đó con đã chui ra. Thư này nói: nào con, con đừng tách khỏi mẹ. Đó là lời thứ ba.
Nếu con nói rằng con từ mẹ mà ra, mẹ sẽ không nói rằng mẹ từ bụng cái voi mà ra nữa.
Mẹ không thể sống mà không có con, cũng không thể chết mà không có con.
Vắng con, mẹ chỉ biết chịu đựng nỗi đau. Mẹ làm ra nỗi đau. Con là nỗi đau của mẹ.
Đó là buộc tội con ư? Đúng, mẹ đang buộc tội. Mẹ tố cáo con đã bỏ rơi mẹ. Mẹ vứt lời buộc tội này sang chỗ con, vứt hết về phía tây bắc, vứt vào hàm răng của gió. Mẹ vứt nỗi đau vào chỗ con.
Borodino là cách đáo chữ thay cho Trở về đi bằng thứ ngôn ngữ nào đó. Còn Diconal là Mẹ gọi.
Lời nói nôn ra từ bụng cá voi, méo mó, bí ẩn, con gái ơi.
Giữa đêm, tôi gọi điện cho Đường Sống. Người đàn bà ở đó hỏi "Trao hàng tận nhà ư? Không còn ai làm việc ấy đâu, trừ hãng Stuttafords. Bà thử hỏii hãng Xe Thực phẩm xem".
Tôi nói "Không phải chuyện nấu nướng. Tôi tự nấu nướng được. Tôi chỉ yêu cầu chở thực phẩm đến nhà. Tôi bị đau không xách được".
Chị ta nói "Bà cho số điện thoại. Sáng mai tôi sẽ bảo một nhân viên gọi lại cho bà biết".
Tôi bỏ máy.
Kết thúc đến nhanh như ngựa phi nước đại. Tôi không dè khi xuống dốc người ta càng đi nhanh. Tôi tưởng có thể từ từ đi hết con đường. Nhầm, hoàn toàn nhầm.
Trong kết thúc có cái gì đó làm mất danh dự, mà ý tưởng của ta, của nhân loại, cũng mất danh dự. Người ta vào trong những phòng ngủ tối tăm, lộn xộn, bất lực. Người ta nằm dưới mưa ngoài hàng rào. Con chưa hiểu điều này đâu. Vercueil hiểu được.
Vercueil lại đi đâu mất, bỏ con chó lại sau. Tội nghiệp cho Vercueil. Không có Odysseus, không có Hermes, có lẽ cũng không có cả người đưa tin. Anh ta chỉ chạy quanh, lo sợ, mặc dù đã trải qua nắng gió.
Còn tôi? Nếu Vercueil không thử được, tôi thế nào? Phải chăng cách thử của tôi là tự thiêu trước Ngôi Nhà Dối Trá? Tôi đã trải qua hàng ngàn lần giây phút ấy. Giây phút đánh cây diêm khi tôi đã bịt tai, ngạc nhiên, thậm chí thích thú ngồi giữa đống lửa, không ai đụng vào mình, quần áo cháy từ từ, ngọn lửa có màu xanh bình thản. Đem ý nghĩa đến cho cuộc sống của mình thì dễ biết bao, tôi suy nghĩ và ngạc nhiên, nghĩ rất nhanh vào lúc cuối cùng khi mi mắt, lông mày bắt lửa, không còn nhìn thấy gì nữa. Rồi sau đó cũng không nghĩ gì nữa, chỉ còn lại nỗi đau (vì không có gì đến mà không có cái giá của nó).
Liệu nỗi đau ấy có tệ hơn đau răng không? Tệ hơn sinh đẻ con không? Tệ hơn cái đau ở hông này không? Tệ hơn phải đẻ một lúc hai đứa không? Phải mất bao nhiêu viên Diconal thì nỗi đau mới tê dại đi được? Hay là phải giả bộ nuốt hết Diconal rồi quay xe chạy dọc đại lộ Chính Phủ và lách qua sợi dây xích kia? Người chết rồi mà vẫn hiểu biết đầy đủ về mình được không? Sinh ra cái chết mà không cần gây mê được không?
Sự thật là mỗi lúc hưng phấn bao giờ cũng có cái gì đó không thật, rất không thật, dù cho kết quả là điên rồ hay thất vọng. Nằm chết từ từ trên giường qua hàng tuần, hàng tháng, lấy cái đau và buồn tủi để chuộc tội như vậy cũng chẳng cứu rỗi được linh hồn, vậy tại sao tôi không tự cứu bằng cách chết trong hai phút giữa đống lửa? Liệu một bà già tự giết mình có chấm dứt được những điều dối trá hay không? Có thay đổi được cuộc sống của ai không và thay đổi như thế nào? Thỉnh thoảng tôi nghĩ đến Florence. Nếu Florence qua đây, dắt Hope và cõng Beauty trên lưng, liệu cô ta có xúc động trước cảnh này không? Cô ta có thèm nghĩ đến tôi không? Sẽ chỉ như người tung hứng ở rạp xiếc, như tay hề, như người mua vui. Florence sẽ nghĩ tôi không phải là người đứng đắn. Rồi cô ta bỏ đi.
Nhìn mắt Florence ai mà tin được cái chết ấy có thật? Cái gì được cô ta chấp nhận? Trả lời: cái chết suy tôn cuộc sống của một người lao động đáng kính, hoặc cứ lẳng lặng mà chết, không cưỡng lại được, cũng không công bố, sẽ chỉ như một tiếng sấm hay viên đạn bắn vào giữa trán.
Florence là người phán xét. Đàng sau đôi mắt kính, cô ta bình tĩnh xét đoán được tất cả. Cái bình tĩnh này cũng đã truyền sang các con gái. Florence là toà án. Tôi là người bị đưa ra xử. Nếu cuộc sống của tôi là cuộc sống phải đưa ra xét xử, đó là vì suốt mười năm tôi đã bị xét xử ở toà án Florence.
- Bà có Dettol không?
Tôi đang ngồi viết trong bếp. Cậu ta lên tiếng làm tôi giật mình.
- Lên gác, trong phòng tắm, cửa bên phải. Tìm ở tủ thuốc dưới bồn ấy.
Cậu ta lục lọi một lúc rồi xuống nhà. Băng quấn trên đầu đã tháo hết. Tôi ngạc nhiên thấy vết khâu vẫn còn.
- Họ không tháo chỉ à?
Cậu ta lắc đầu.
- Nhưng cậu rời bệnh viện từ bao giờ?
- Hôm qua. Hôm kia.
Tại sao phải nói dối thế?
- Sao cậu không nằm lại cho họ chăm sóc?
Không trả lời.
- Cậu phải che vết thương ấy đi, nếu không sẽ nhiễm trùng rồi thành sẹo đấy.
Chỗ đó sẽ thành vết suốt đời, như bị ai quất vào trán vậy. Để làm kỷ niệm chăng?
Cậu ta là gì với tôi để tôi phải mắng mỏ chứ? Vậy mà tôi là người đã bịt vết thương cầm máu cho cậu ta đấy. Sự thôi thúc của người mẹ thật là kiên trì. Như gà mẹ mất con phải nhận vịt con về, không biết vịt con lông vàng, mỏ dẹt, rồi dạy nó tắm cạn và bắt sâu bọ.
Tôi rút khăn bàn màu đỏ, cắt ra một mảnh rồi nói "Nhà không còn băng, nhưng mảnh khăn này sạch, màu đỏ cũng không sao". Tôi quấn hai vòng lên đầu cậu ta rồi thắt nút sau gáy. "Cậu phải đến ngay bác sĩ hay bệnh viện nào đó, để họ cắt chỉ cho. Không thể để như vậy được".
Cổ cậu ta cứng như gỗ. Người cậu ta xông lên một thứ mùi đến chó cũng phải bỏ chạy, một thứ mùi gay gắt, đáng sợ.
Cậu ta hắng giọng, vai cựa quậy "Đầu tôi không đau, nhưng cánh tay không cử động được".
- Cậu nói thật đi, cậu đang chạy trốn phải không?
Cậu ta im lặng.
Tôi nói "Tôi nói nghiêm túc nhé, cậu còn quá trẻ đối với việc này. Tôi đã bảo Bheki thế rồi, bây giờ tôi nói lại với cậu. Cậu phải nghe tôi. Tôi đã già và biết mình đang nói gì. Các cậu vẫn còn là trẻ con. Các cậu vứt bỏ đời mình mà chưa biết đời là như thế nào. Các cậu chỉ mới mười lăm tuổi chứ mấy. Mười lăm tuổi mà chết thì quá trẻ. Mười tám cũng còn quá trẻ. Hai mươi mốt cũng còn trẻ".
Cậu ta đứng dậy, sờ nhẹ vào chiếc băng đỏ trên đầu như muốn cám ơn. Ở thời các hiệp sĩ, đàn ông đánh nhau đến chết vì đàn bà ra ơn khẽ đập tay vào mũ sắt họ đội trên đầu. Tôi chả phí hơi mà dạy khôn cậu ta. Trong người cậu ta, bản năng chiến đấu còn thở rất mạnh. Chiến đấu là cách tự nhiên để thanh toán kẻ yếu và kiếm bạn cho kẻ mạnh. Trở về trong vinh quang, họ muốn gì được nấy. Máu và vinh quang. Cái chết và tình yêu. Một bà già như tôi, đã tàn tạ, sắp chết, quấn băng lên đầu cậu ta cũng là cách ra ơn như thế chăng.
Cậu ta hỏi "Bheki đâu?"
Tôi nhìn cậu ta không hiểu. Cậu ta chưa nghe tôi nói gì sao? Hay cậu ta quên? Tôi bảo "Ngồi xuống đã". Cậu ta ngồi xuống.
Tôi dướn người lên bàn nói "Bheki đã nằm dưới đất. Người ta bỏ nó vào hòm, chôn xuống hố, đổ đất lên người nó rồi. Nó không bao giờ rời khỏi cái hố ấy đâu. Không bao giờ. Không bao giờ. Cậu nên hiểu, đó không phải là trò chơi đá bóng, ngã rồi còn đứng dậy tiếp tục chơi được. Đám người mà các cậu đấu với họ ấy, chúng không hề bảo nhau "thằng bé này là trẻ con, hãy dùng đạn giả bắn nó như bắn chơi thôi". Chúng không cho các cậu là trẻ con đâu. Chúng nghĩ các cậu là kẻ thù, các cậu căm ghét chúng thế nào thì chúng căm ghét các cậu như thế. Chúng không ngần ngại gì mà không bắn các cậu. Trái lại, thấy các cậu ngã xuống chúng càng vui thích và ghi thêm một vạch thành tích vào khẩu súng nữa".
Cậu ta nhìn như bị tôi đánh vào mặt, đánh liên tiếp. Nhưng cậu ta mím môi, cắn răng, không tỏ ra sợ hãi. Mắt cậu ta long lanh.
Tôi lại nói "Cậu tưởng chúng không có kỷ luật ư? Cậu nhầm đấy. Chúng rất kỷ luật. Nếu như chúng có kiềm chế, không tiêu diệt hết bọn con trai các cậu, đó không phải vì chúng thương tình hay nghĩ đến đồng loại gì đâu. Đó chỉ là kỷ luật thôi, không có gì khác. Lệnh trên đó thôi, mà lệnh có thể thay đổi bất cứ lúc nào. Tình thương bị vứt hết rồi. Đây là chiến tranh. Cậu hãy nghe tôi nói. Tôi biết mình nói gì. Cậu nghĩ tôi định xúi cậu đừng đấu tranh nữa chứ gì. Đúng đấy. Chính tôi đang làm thế đấy. Tôi chỉ bảo là các cậu hãy khoan đã, vì các cậu còn quá trẻ".
Cậu ta như ngồi không yên. Chỉ nói suông! Từ đời ông bà cha mẹ cậu ta đã nghe nói suông rồi! Toàn những lời dối trá, hứa hẹn, lừa phỉnh, đe doạ. Họ đã từng trải qua và cúi đầu trước sức nặng của người lời nói suông ấy. Nhưng cậu ta thì chưa. Cậu ta không thèm nghe những lời nói suông nữa. Cứ nói suông thì chiết đi cho rảnh!
Tôi nói "Các cậu bảo đã đến lúc phải chiến đấu, đã đến lúc một mất một còn. Tôi nói để cậu biết thế nào là mất hoặc còn nhé. Hãy nghe tôi, tôi sẽ nói về chữ hoặc ấy.
"Cậu biết là tôi bị bệnh. Cậu biết là tôi bị bệnh gì không? Tôi bị ung thư. Tôi bị ung thư vì tích luỹ những ô nhục phải chịu đựng trong cuộc sống. Ung thư tự nguyền rủa thân mình đã biến thành ác tính và bắt đầu mục rữa.
"Tội gì mà phải huỷ hoại thân mình bằng ô nhục. Tự nguyền rủa, cậu muốn nói như thế chứ gì? Tôi không cần biết cậu nghĩ thế nào, đó là chuyện khác, nhưng tôi muốn hỏi tại sao cậu không làm một cái gì đi? Cậu nói ra tôi sẽ "đồng ý" ngay.
"Nếu cậu nêu câu hỏi, tôi chỉ có thể "đồng ý" chứ không thể làm gì khác. Nhưng tôi phải nói "Đồng ý" là thế nào. Đem cuộc đời ra xét xử thì người ta chỉ được quyền nói Có hay Không thôi. Khi cậu nín hơi để nói ra điều gì, cậu sẽ bị toà án cảnh báo "Có hay Không" mà không được nói gì hơn. Cậu sẽ nói "Có" chứ gì. Nhưng cậu vẫn cảm thấy có gì đó cựa quậy trong người như sự sống cựa quậy trong dạ con vậy. Chưa phải đứa trẻ đó đạp đâu, nó chỉ như lúc đầu khi người đàn bà biết rằng mình có mang thôi.
chúng tôi không chỉ có cái chết. Còn có cả sự sống nữa. Nhưng chết thì mạnh, còn sự sống thì yếu. Nhiệm vụ của tôi là giữ lấy sự sống, phải giữ cho nó sống. Nhất định phải thế.
Cậu không tin vào lời nói. Cậu chỉ nghĩ đánh mới là thật, đánh và súng đạn. Nhưng cậu nghe đây, cậu có tin những lời tôi nói là thật không? Nghe đi! Có thể đó chỉ là không khí thôi, nhưng đó đến từ trái tim tôi, ruột gan tôi. Nó không phải là Có, cũng không phải là Không. Tôi chiến đấu cho nó theo cách của tôi, chiến đấu để nó không bị bóp nghẹt. Tôi giống như một trong những bà mẹ Trung Hoa biết rằng con mình sẽ bị người ta bắt đi, nếu là con gái thì diệt ngay. Vì gia đình, làng xóm, chỉ cần có những con trai khoẻ mạnh mà thôi. Họ biết rằng sau khi mình đẻ sẽ có người đến nhà, che mặt, giật đứa bé trong tay bà đỡ, nếu đứa bé không phải là con trai, người đó sẽ quay đi, ra vẻ tế nhị, đưa tay bóp mũi bịt miệng cho đứa bé chết ngạt, rồi một phút sau là mọi chuyện đã xong.
"Người mẹ đau buồn, nhưng sau đó người ta bảo đau buồn là chuyện tất nhiên. Chớ có hỏi: sao lại gọi đứa bé là con trai, tại sao đứa bé là con gái thì phải chết?
"Cậu đừng hiểu lầm tôi, cậu là con trai, con trai của ai đó. Tôi không phản đối con trai, Nhưng đã bao giờ cậu trông thấy đứa bé mới đẻ chưa? Nói để cậu nghe cậu sẽ khó mà phân biệt được đó là con trai hay con gái. Bất cứ đứa bé nào mới đẻ cũng có mẩu nhỏ phồng lên giữa hai chân. Mẩu nhỏ chìa ra để biết đó thật sự là con trai cũng chẳng có gì quan trọng, rất ít để phân biệt giữa sự sống và cái chết. Vậy mà mọi thứ khác, mọi thứ không được xác định, mọi thứ nếu ta đòi thì cho, lại bị kết án là chưa bao giờ nghe nói đến. Tôi đang lý sự về cái chưa bao giờ nghe nói đến ấy.
"Tôi có thể thấy cậu chán không muốn nghe một bà già nói. Cậu đang nóng lòng muốn trở thành người lớn và làm những việc người lớn. Cậu cũng chán không sẵn sàng với cuộc sống. Cậu nghĩ đã đến lúc phải để cuộc sống tự nó sống. Như thế là cậu nhầm đấy! Cuộc sống không đi theo một cây gậy, một ngọn cờ, một tiếng súng, để đi đến chỗ nào nó đem cậu đi. Cuộc sống không ở ngay góc đường. Chính cậu đang ở trong lòng cuộc sống".
Chuông điện thoại reo.
Tôi bảo "Cứ để đó, tôi sẽ không trả lời đâu".
Chúng tôi ngồi yên chờ chuông ngừng lại.
Tôi nói "Tôi không biết tên cậu là gì".
- John.
John, tôi chưa từng nghe cái tên này. Y như tên lính vậy.
- Cậu định như thế nào?
Cậu ta không hiểu tôi định nói gì.
- Cậu định làm gì? Cậu có muốn ở đây không?
- Tôi phải về nhà.
- Nhà ở đâu?
Cậu ta ngơ ngác nhìn tôi. Cậu ta đã quá mệt, không còng nghĩ ra được điều gì để nói dối nữa. Tôi lẩm bẩm "Cậu bé tội nghiệp".
Tôi không có ý do thám. Nhưng tôi đi dép nhẹ, cửa phòng Florence mở, cậu tay quay lưng về phía tôi. Cậu ngồi trên giường, đang cầm một vật gì trong tay. Trông thấy tôi, cậu giật mình nhét vật đó dưới tấm trải giường.
Tôi hỏi "Cậu có cái gì đấy?"
Cậu ta ngửng nhìn tôi đáp "Không có gì".
Tôi đã không ép cậu ta nhiều nếu như không nhìn thấy một mảnh ván ốp rơi ra khỏi tường để trơ gạch lót bên trong.
Tôi nói "Cậu định làm gì thế? Sao cậu lại phá nhà tôi thế?"
Cậu ta im lặng.
Tôi nhòm vào tường. Hàng gạch có một lỗ hổng để quạt gió. Qua lỗ hổng có thể thò tay xuống dưới ván sàn.
- Cậu để cái gì dưới mặt sàn thế?
- Tôi có làm gì đâu.
Tôi gọi số điện Florence để lại. một đứa trẻ nhấc máy. Tôi bảo "Cho tôi nói chuyện với bà Mkubukeli". Im lặng. "Bà Mkubukeli. Florence ấy mà".
Có tiếng thì thầm rồi một giọng đàn bà đáp "Bà muốn nói chuyện với ai?"
- Với bà Mkubukeli. Florence.
- Cô ấy không có đây.
Tôi nói "Tôi là bà Curren. Bà Mkubukeli giúp việc cho tôi. Tôi gọi về việc có thằng bạn con trai bà ấy tới xưng tên là John. Tôi không biết tên thật của nó là gì. Việc này quan trọng. Nếu Florence không có đấy thì cho tôi nói chuyện với ông Thabane được không?"
Lại một lúc im lăng. Rồi giọng đàn ông "Vâng, tôi là Thabane đây".
- Tôi là bà Curren. Chắc ông nhớ, chúng ta đã gặp nhau rồi. Tôi gọi về việc thằng bạn của Bheki ở trường. Có lẽ ông không biết, nó đã nằm viện".
- Tôi biết.
- Bây giờ nó đã ra viện, hoặc trốn khỏi bệnh viện và đến đây. Tôi tin rằng nó có vũ khí hay một thứ gì đó không rõ lắm, mà nó và Bheki giấu ở phòng Florence. Có lẽ vì thế nó quay về đây.
Ông ta đáp gọn "Phải".
- Ông Thabane, tôi không yêu cầu ông ra oai với thằng bé, nhưng nó không được khoẻ. Nó bị thương rất nặng. Tôi nghĩ tâm trạng nó đang rối bời. Tôi không có cách nào liên lạc với gia đình nó, cũng không biết nó có gia đình ở Cape Town hay không. Nó không chịu cho tôi biết. Tôi chỉ yêu cầu có người đến đây nói chuyện với nó, người nào mà nó tin cậy được, rồi đưa nó đi trước khi nó gặp chuyện gì không hay chăng.
- Bà bảo tâm trạng nó rối bời nghĩa là thế nào?
- Ý tôi nói là nó cần được giúp đỡ. Có thể nó không chịu trách nhiệm về những gì nó làm. Nó bị đánh vào đầu. Tôi không sức đâu mà chăm sóc nó được. phải có người đến đây cơ.
- Để tôi xem đã.
- Không, như thế không được. Tôi muốn ông phải hứa cơ.
- Tôi sẽ đề nghị cho người đến đón nó, nhưng không thể nói khi nào.
- Hôm nay được không?
- Không thể nói được. Có lẽ hôm nay, có lẽ ngày mai. Để tôi xem.
- Ong Thabane, tôi phải nói rõ để ông biết, tôi không định bảo thằng bé này hay bất cứ ai phải làm như thế nào. Nó đủ lớn và đủ ý chí để làm những gì nó muốn. Nhưng việc giết chóc và đổ máu nhân danh những đồng chí này thì tôi rất ghét, ghét bằng cả trái tim và tâm hồn tôi. Tôi nghĩ đó là dã man. Tôi chỉ muốn nói thế thôi.
- Bà Curren, như vậy không hay đâu. Nghe tiếng bà nhỏ và xa lắm. Bà nghe tôi có rõ không?
- Tôi nghe được.
- Tốt. Vậy bà Curren, bà nghe tôi nói nhé. Tôi nghĩ bà không hiểu lắm về tình đồng chí.
- Tôi hiểu quá đi chứ. Cảm ơn ông.
Ông ta nói chắc nịch "Không, bà không hiểu. Khi nào cả thể xác và tâm hồn bà cũng đấu tranh như bọn trẻ, khi nào bà sẵn sàng hy sinh mạng sống cho nhau mà không đòi hỏi điều gì, khi đó sẽ nảy ra mối quan hệ mạnh hơn bất cứ quan hệ nào bà sẽ thấy được. Đó là tình đồng chí. Chính mắt tôi trông thấy hàng ngày. Thế hệ tôi chẳng có gì để so sánh, vì thế chúng tôi phải lùi nhường bước cho bọn trẻ. Chúng tôi lùi lại nhưng vẫn đứng sau lưng chúng. Đó là điều bà không hiểu được vì bà xa quá".
Tôi nói "Đúng là tôi quá xa, quá xa và quá nhỏ. Tuy nhie6n tôi e rằng tôi cũng biết khá rõ về tình đồng chí. Người Đức có tình đồng chí, người Nhật cũng có tình đồng chí. Dân Spartan xưa kia cũng có. Tôi chắc đế quốc Shaka cũng có. Tình đồng chí chẳng là cái gì hết, chỉ là không khí thần bí của cái chết, của giết chóc và cái chết, được hóa trang bằng một cái mà các ông gọi là mối quan hệ (quan hệ gì nhỉ? Tình yêu ư? Tôi ngờ lắm). Tôi không có cảm tình với tình đồng chí ấy. Ông nhầm đấy, ông và Florence và mọi người khác, bị lừa dối, tệ hơn nữa, còn đem nó khuyến khích bọn trẻ. Chẳng qua đó chỉ là những cấu trúc của nam giới, lạnh lùng, độc quyền, dẫn đến cái chết mà thôi. Ý tôi là thế đấy".
Giữa tôi và ông ta còn nói nhiều, nhưng tôi không muốn nhắc lại. Chúng tôi trao đổi ý kiến. Chúng tôi đồng ý để khác nhau.
Buổi chiều qua đi. Không thấy ai đến tìm thằng bé. Nằm trên giường, lờ đờ vì thuốc, dựa lưng vào nệm, cố điều chỉnh cơ thể cho đỡ đau, rất muốn ngủ nhưng lại sợ giấc mơ về Borodino.
Không khí nặng dần. Trời bắt đầu đổ mưa. Nước chảy thành vòi trên ống máng bị tắc. Chiếc thảm ở đầu cầu thang bốc lên mùi nước đái mèo. Tôi nghĩ đến một nấm mồ. Một nấm mồ tư sản muộn. Đầu tôi lật đi lật lại. Tóc bạc rụng ra gối, chiếc gối mỏng manh chưa được giặt. Ở phòng Florence, trong bóng tối dần, thằng bé nằm với quả bom hay cái gì đó trong tay, mắt nó mở to, bây giờ không còn mờ nữa. Nó đang nghĩ ngợi, hơn nữa nó đang mơ tưởng. Mơ tưởng đến một lúc vinh quang nó sẽ được vươn lên, được trở lại hoàn toàn là nó, đứng thẳng người, mạnh mẽ, biến dạng. Khi bông hoa rực lửa nở tung, ngọn khói cũng dâng lên. Nó ôm quả bom trên ngực làm như đó là tấm bùa hộ mệnh, chẳng khác gì Christopher Columbus nằm trong bóng tối, ôm la bàn trên ngực, thứ công cụ thần bí sẽ dẫn ông ta đến đảo Ấn, vùng đảo được thánh nhân phù hộ. Những tốp gái đồng trinh, ngực để trần, sẽ hát cho ông ta nghe, giang tay đón ông ta lội qua những chỗ cạn, tay giơ kim la bàn không lay động mà chỉ hướng về một phía tương lai.
Tội nghiệp thằng bé! Tôi bỗng tuôn nước mắt đến nỗi mờ đi không thấy gì nữa. Tội nghiệp thằng bé, nếu là ngày xưa nó đã được ngồi chơi trong vườn, ăn bánh với mứt, uống nước đóng hộp, bây giờ thì nó chiến đấu cho những người bị lăng nhục, bị thương tật, bị dẫm đạp, bị chê là lố bịch, phải chiến đấu cho tất cả bọn trẻ Nam Phi!
Sáng sớm, lúc trời còn đang lạnh, tôi nghe như có ai đang mở cổng. Tôi nghĩ bụng có lẽ Vercueil đã về. Rồi tiếng chuông cửa réo lên, một lần, hai lần, réo lâu, có lẽ như nóng ruột, hách dịch nữa, tôi biết ngay đó không phải là Vercueil.
Những ngày này tôi phải mất mấy phút mới xuống nhà được, nhất là d dang bị thuốc làm cho đầu óc mê muội. Đang lần mò ở chỗ nửa tối nửa sáng, tôi vẫn còn thấy họ bấm chuông và gõ cửa liên tục. Tôi cố lên giọng thật to "Tôi đến đây!" Nhưng vẫn đi rất chậm. Tôi nghe cổng bật mở. Rồi tiếng đập cửa bếp, giọng Nam Phi lai Hà Lan. Rồi tiếng sú[ng lẹt đẹt, nghe như cầm hai hòn đá đập vào nhau.
Im lặng một lát, rồi tôi lại nghe tiếng kính vỡ. Tôi hét lên "Chờ đã!" rồi cố chạy đến cửa bếp, không ngờ tôi hãy còn sức chạy được. Tôi lại kêu "Chờ đã!" rồi tháo dây xích cài cửa. "Đừng có làm thế!"
Một người mặc áo choàng xanh đứng ngoài hiên đưa lưng về phía tôi. Tuy đã nghe tiếng tôi nói, anh ta không quay lại.
Tôi kéo chốt cuối cùng, mở tung cửa, bước ra ngoài. Tôi quên không khoác áo ngoài, chân đi đất, mặc áo ngủ trắng, như thân hình người chết dựng dậy. Tôi nói "Khoan đã, các ông chớ làm gì vội, nó chỉ là đứa trẻ thôi".
Họ có ba người. Hai mặc đồng phục. Người thứ ba mặc áo len cộc tay, ngực áo thêu con nai tuyết, tay cầm súng, nòng chĩa xuống đất. Tôi bước qua mấy vũng nước đọng lại trong đêm, bảo họ "Các ông để tôi nói chuyện với nó đã". Họ ngạc nhiên nhìn tôi nhưng không ngăn lại.
Cửa sổ phòng Florence bị đập vỡ. Trong phòng rất tối nhưng nhìn qua lỗ khoá tôi có thể thấy nó ngồi trong góc phòng, bên cạnh giường.
Tôi bảo "Cậu mở cửa ra. Tôi hứa sẽ không để họ đánh cậu đâu".
Tôi biết thế là nói dối. Cậu ta chẳng làm gì được, còn tôi cũng chẳng có quyền gì để cứu cậu ta. Tuy thế một cái gì đó vẫn toát ra từ người tôi. Tôi muốn ôm lấy cậu ta, che chở cho cậu ta.
Một viên cảnh sát đến cạnh tôi, ấn tôi vào tường. Anh ta nói "Bảo nó ra đi". Tôi quay lại hét tướng "Anh cút đi!" rồi ho rũ rượi.
Mặt trời bắt đầu lên, nắng hồng, bầu trời kéo đầy mây.
Tôi vừa ho vừa gọi "John! Ra đi! Tôi không để họ làm gì cậu đâu!"
Người mặc áo len cộc tay bước tới nói nhỏ: "Bảo nó đưa vũ khí ra".
- Vũ khí nào?
- Nó có khẩu súng lục, không biết còn gì khác. Bảo nó đưa ra hết.
- Nhưng trước hết các ông phải hứa không được làm gì nó.
Anh ta nắm lấy cánh tay tôi. Tôi giằng ra, nhưng anh ta quá khoẻ. Anh ta nói "Bà đứng đây sẽ bị viêm phổi đấy". Một cái gì sau lưng khoác lên người tôi. Đó là chiếc áo choàng của cảnh sát. Anh ta khẽ nói "Neen haar beene" rồi đưa tôi vào bếp đóng cửa lại.
Tôi đứng lên ngồi xuống mãi. Chiếc áo choàng sặc mùi thuốc lá. Tôi quẳng nó xuống sàn nhà, ra mở cửa. Người tôi lạnh cóng. Tôi gọi "John!" Ba người đó đang chúi đầu nghe đài. Một người đã đưa áo choàng cho tôi quay lại, vẻ khó chịu "Này bà kia, ở ngoài này nguy hiểm đấy". Anh ta đẩy tôi vào trong nhà nhưng không thấy chìa để khoá cửa.
Tôi nói "Nó chỉ là đứa trẻ thôi".
Anh ta đáp "Xin bà để cho chúng tôi làm việc".
Tôi nói "Để tôi xem các ông làm những gì. Tôi đã nói, nó chỉ là một đứa trẻ mà thôi".
Anh ta định nói gì nhưng lại thôi, thở dài một cái để tôi nói tiếp. Anh ta còn trẻ, khoẻ mạnh, cứng cáp. Con của ai đó, họ hàng với ai đó. Rất nhiều anh em, họ hàng cô cậu, chú bác, ông bà, đứng sau và đứng trên cao như một dàn đồng ca, chỉ huy dạy bảo anh ta.
Tôi biết nói thế nào nhỉ? Giữa chúng tôi có gì là chung để có thể quan hệ với nhau, trừ việc anh ta đến đây để bảo vệ tôi, bảo vệ quyền lợi của tôi, nói theo nghĩa rộng?
Tôi nói "Ek staan nie aan jou kant nie. Ek staan aan die teenkant". Tôi đứng về phía khác, mà còn đứng ở bên kia bờ sông nữa cơ. Đứng ở bờ xa mà nhìn lại.
Anh ta quay vào khám xét mọi thứ, lò bếp, các tủ chạn bát đĩa, chẳng thiếu thứ gì, còn các bạn anh ta sẽ làm công việc của họ bên ngoài.
Tôi nói "Tất cả chỉ có thế. Tôi chẳng còn gì hết. Tại sao tôi cũng không nói với anh".
Vậy thì nói với ai? Vẫn là nói với con thôi. Nói để con biết mẹ đã và đang sống như thế nào.
Chuông cửa lại reo. Thêm mấy người nữa, chân đi ủng, đầu đội mũ, mặc quần áo rằn ri, ầm ầm bước vào trong nhà. Họ xúm lại trước cửa sổ. Một viên cảnh sát chỉ tay vào cửa phòng Florence nói "Hy sit daar in die buitkamer. Daar net die een deur en die een venster".
Một người vừa vào nói "Nee, dan het ons hom".
Tôi nói "Báo trước cho các ông biết, tôi đang theo dõi mọi hành động của các ông đấy".
Anh ta quay sang tôi nói "Bà biết thằng bé này chứ?"
- Có, tôi biết nó.
- Bà biết nó có vũ khí chứ?
Tôi nhún vai "Những ngày này Chúa phù hộ cho những ai không vũ khí".
Lại một người khác bước vào. Một phụ nữ mặc quân phục, gọn gàng, sạch sẽ. Chị ta nói "Is dit die dame díe?" rồi quay sang tôi "Chúng tôi khám xét nhà một lúc, bao giờ xong thì thôi. Bà có muốn đi chỗ nào khác không? Đến chỗ bạn bè hay bà con gì đó?"
- Tôi không đi đâu hết, đây là nhà tôi.
Chị ta vẫn thân mật, có vẻ lo lắng nói "Tôi biết, nhưng bà ở lại đây nguy hiểm lắm. Chúng tôi phải để cho bà đi ra khỏi nhà một lúc".
Những người đứng bên cửa sổ thôi nói chuyện. Họ sốt ruột muốn tôi phải đi ngay. Một người nói "Bel die ambulans". Người đàn bà đáp "Ag, sy kan sommer by die stasie wag", rồi quay sang phía tôi "Nào thôi, bà…" và chờ tôi xưng tên, nhưng tôi không nói. Chị ta lại nói "Mời bà uống chén trà nóng vậy nhé".
- Tôi không đi đâu hết.
Họ không thèm để ý tôi nói gì, coi tôi như đứa trẻ. Một người nói "Sýs amper blou van die koue".
Người đàn bà lên gác đem xuống tấm khăn trải giường. Chị ta quấn khăn vào người tôi, ôm lấy tôi, rồi giúp tôi xỏ chân vào dép. Chân cẳng tôi không có dấu vết gì bẩn. Chị ta ngoan ngoãn, chắc đã được dạy dỗ để lấy chồng.
Chị ta hỏi "Bà muốn mang theo thuốc men hay thứ gì khác không?"
Tôi nhắc lại, ôm chặt tay vào ghế "Tôi không đi".
Chị ta cùng đám đàn ông nói gì đó với nhau. Họ không báo trước, bế tôi lên. Người đàn bà giữ chân tôi. Họ khênh tôi ra cửa như khênh chiếc thảm. Lưng tôi đau nhừ. Tôi kêu lên "Bỏ tôi xuống!"
Người đàn bà đấu dịu "Một phút nữa thôi"
Tôi hét to "Tôi bị ung thư! Bỏ tôi xuống!"
Ung thư! Bật ra tiếng đó với họ, tôi cảm thấy rất hài lòng! Tiếng đó như nhát dao buộc họ phải dừng lại. Một người đang giữ tôi nói "sit haar neer, dalk kom haar iests or. Ek het mos gesê jy moet die ambulans bel". Họ đành bỏ tôi nằm xuống ghế dài.
Người đàn bà nhăn mặt hỏi "Đau ở đâu?"
- Tôi đau ở tim!
Chị ta không hiểu. "Tôi bị ung thư ở tim". Chị ta hiểu ra, lắc đầu như đuổi ruồi. "Khênh bà đi có mệt không?"
Tôi nói "Lúc nào cũng đau".
Chị ta nhìn người đứng sau lưng. Họ trao đổi với nhau cái gì đó có vẻ thích thú nên chị ta mỉm cười.
Tôi nói luôn "Tôi uống phải nước đắng nên bị bệnh". Nếu họ nghĩ là tôi điên dại thì có sao đâu? "Một ngày kia các người cũng sẽ mắc bệnh này. Không tránh được."
Có tiếng đập vỡ kính. Cả hai người chạy vào phòng. Tôi nhổm dậy tập tễnh bước theo.
Không có chuyện gì, chỉ có một tấm cửa nữa văng đi. Ngoài sân không còn ai. Đám cảnh sát6, lúc đó có đến nửa tá, cúi lom khom trên hiên, tay súng sẵn sàng.
Một người quát "Weg! Kry haar weg!"
Người đàn bà đẩy tôi vào sau cửa. Chị ta vừa đóng lại thì có một tiếng nổ dòn, rồi một loạt tiếng súng, rồi im lặng, rồi có tiếng người nói nhỏ ở đâu đó, rồi tiếng con chó của Vercueil sủa.
Tôi cố mở cửa, nhưng người đàn bà giữ chặt tôi.
Tôi nói "Nếu các người đánh nó, tôi sẽ không bao giờ tha thứ cho các người đâu".
Chị ta xoa dịu "Thôi được, chúng tôi sẽ gọi xe cứu thương cho bà"
Nhưng xe cứu thương đã đến đó từ nãy rồi, đang đỗ bên đường. Mấy chục người từ các nơi túm tụm đến, hàng xóm, người qua đường, trẻ già có, da đen da trắng có. Những người từ lan can các nhà bên cạnh nhìn sang. Khi người nữ cảnh sát và tôi xuất hiện ở cửa nhà, họ đã chở một xác người bọc kín chăn ra đường và đưa lên xe.
Rồi họ bắt tôi trèo lên xe cứu thương. Một người đưa cánh tay đỡ tôi lên, nhưng một viên cảnh sát nói "Khoan đã, để gọi xe cứu thương khác".
Tôi nói "Tôi không cần xe cứu thương khác". Anh ta nhìn tôi, vẻ hiền lành, băn khoăn. Tôi nói "Tôi muốn đi với nó" rồi định trèo lên xe. Tấm khăn trải giường rơi xuống chân.
Anh ta lắc đầu nói "Không". Rồi ra hiệu cho xe đóng cửa.
Tôi lẩm bẩm "Xin Chúa tha tội cho chúng con". Tôi lại quấn khăn trải giường lên người, đi bộ xuống phố Schooner, tránh xa đám đông. Tôi sắp đến đầu đường bỗng thấy chị nữ cảnh sát chạy theo nói như ra lệnh "Bây giờ bà phải về nhà đi!" Tôi giận dữ đáp "Không còn là nhà tôi nữa!" rồi đi tiếp. Chị ta níu lấy cánh tay tôi. Tôi giằng ra. Chị ta nói bâng quơ "Sy s van kaar kop af", rồi bỏ đi.
Xuống đến phố Buitenkant, tôi ngồi nghỉ dưới chân cầu vượt. Một đoàn xe chạy qua vào thành phố. Không ai thèm nhìn tôi. Đầu tóc rối bù, lại quấn khăn trải giường màu hồng quanh người, tôi có thể là một màn trình diễn trên phố Schoonder, nhưng ở đây, giữa đống rác bẩn thỉu, tôi chỉ là một phần trong những chỗ tối tăm của đô thị.
Bên kia đường, một đôi nam nữ đang đi bộ, không biết tôi có nhận ra người đàn bà đó không? Chị ta có phải là người mà Vercueil đã dẫn về nhà không? Hay tất cả phụ nữ lang thang gần Khách sạn Avalon và Cửa hàng rượu Solly Kramer đều có chân cẳng lều ngều như vậy? Người đàn ông đeo chiếc túi thắt trên vai không phải là Vercueil.
Tôi quấn chặt chiếc khăn trải giường và nằm xuống. Tôi có thể cảm thấy xe đi lại rầm rập trên cầu làm rung đến tận xương. Thuốc đang còn ở nhà, còn nhà lại ở trong tay người khác. Không có thuốc, liệu tôi còn sống nữa không? Không. Nhưng tôi có muốn sống không? Tôi bắt đầu cảm thấy sự yên tâm bàng quan của một sinh vật già nua, con vật cảm thấy đã gần chết nên lạnh lùng và từ từ bò vào cái hố dưới đất mà ở đó mọi thứ sẽ chung đụng với nhịp đập của trái tim. Đằng sau cột xi măng, ở một chỗ mà ba chục năm nay mặt trời chưa rọi đến, tôi nằm còng queo, nằm nghiêng bên không đau, nghe cái đau có thể là tiếng đập của mạch máu.
Có lẽ tôi đã ngủ quên. Thời gian đã trôi đi. Tôi mở mắt và thấy một đứa bé đang quỳ cạnh tôi, tay mò vào dưới tấm khăn trải giường. Tay nó lần trên người tôi. "Không có gì cho cậu đâu", tôi định nói nhưng không mở miệng được. Nó chỉ khoảng mười tuổi, đầu trọc, đi chân đất, vẻ mặt khắc khổ. Sau lưng nó còn hai đứa nhỏ tuổi hơn. Tôi hé răng nói "Để tôi yên. Tôi đang bị bệnh, sẽ lây sang các cậu đấy".
Chúng từ từ lui ra như những con quạ, đứng đó chờ. Tôi cần đi tiểu. Tôi đành đái ngay tại chỗ nằm. Lạy Chúa, lạy Chúa, cũng may mà tôi cứ nằm ì ra đó để cho mọi việc tự nó giải quyết.
Bọn trẻ lại đến gần. Tôi cứ chờ, mặc kệ cho chúng bâu vào. Tiếng xe cộ ngoài đường kêu ro ro như một đàn ong ở tổ làm người tôi lâng lâng. Không gian đầy tiếng ù ù. Hàng ngàn đôi cánh bay qua bay lại nhưng không đụng vào chỗ nào. Làm sao có đủ không gian của chúng nhỉ? Không gian trên bầu trời dành cho linh hồn và những kẻ ra đi chăng? Marcus Aurelius từng nói là những linh hồn ấy nhập vào nhau, cháy lên và lại nhập vào nhau để trở về chu kỳ vĩ đại.
Chết rồi lại chết. Tro tàn của đàn ong.
Một góc khăn trải giường lật lên. Tôi chợt thấy ánh sáng, hai bên má bỗng thấy lạnh vì nước mắt với trào ra. Ai nhét cái gì đó vào miệng tôi. Tôi ngậm chặt rẫy ra. Cả ba đứa trẻ xúm đến đè lên người tôi. có lẽ sau lưng chúng còn một bọn nữa. Chúng định làm gì? Tôi càng dãy dụa chúng càng đè nặng hơn. Cổ họng tôi phát ra tiếng òng ọc khô khan như tiếng xẻ gỗ. Bàn tay kia rụt lại. Tôi nói "Đừng…" nhưng miệng đau không nói thành lời.
Tôi định nói gì nhỉ? Đừng làm thế! Các cậu không thấy là tôi không có gì ư? Các cậu không biết thương người ư? Thật vô nghĩa. Tại sao trên đời này phải có chuyện thương người? Tôi nghĩ đến những con bọ hung, những con đen to có bướu trên lưng đang yếu ớt dãy chết, đàn kiến kéo đến bò lên mình chúng, cắn vào những chỗ mềm, khớp chân và mắt, xâu xé thịt con bọ.
Chúng nhét vào miệng tôi cái que ngắn chừng một tấc, không phải cái gì khác. Que rút ra rồi, miệng tôi còn dính đất.
Thằng bé lại lấy đầu que cậy môi tôi. Tôi rụt lại và nhổ toẹt. Nó lẳng lặng đứng dậy, co chân đá một cái, cát bụi tung bắn vào mặt tôi.
Một chiếc xe đi qua, đèn chiếu vào mặt bọn trẻ. Chúng bỏ chạy về phố Buitenkant. Chung quanh lại tối đen.
Những chuyện đó xẩy ra thật không? Có đấy. Chả còn gì để nói nữa. những chuyện đó xẩy ra ở phố Breda, phố Schoonder, phố Vrede, cách đây một quãng. Trước đây một thế kỷ bọn quý tộc ở Cape Town ra lệnh cho xây những ngôi nhà thật cao, thật to, để chúng và con cháu ở đó mãi mãi, không tính trước cái ngày đám gà con núp bóng chúng sẽ quay lại thống trị.
Đầu óc tôi mung lung, hoang mang. Tôi rùng mình, ho liên hồi. Tôi không còn biết mình đang ở đâu.
Rồi có một vật gì ngửi mặt tôi. Nó là một con chó. Tôi né tránh nhưng nó lại liếm vào ngón tay. Tôi đành mặc, nghĩ bụng còn có những thứ tệ hơn cái mõm và hơi thở của con chó. Tôi để nó liếm mặt, liếm má, liếm những giọt nước mắt mằn mặn. Có thể cho đó là những nụ hôn cũng được.
Hình như có người cùng đi với con chó. Tôi nhận ra họ chăng? Đó là Vercueil chăng, hay tất cả những kẻ lang thang ngoài phố đều có mùi mốc, mùi quần áo lót thối vứt trong đống tro? Tôi rú lên "Ông Vercueil phải không?" con chó thích quá cũng kêu ư ử và dí mũi vào mặt tôi.
Một que diêm bật lên. Đúng là Vercueil, đội mũ hẳn hoi. Anh ta hỏi "Ai để bà ở đây thế?" Vòm miệng không còn vướng như lúc nãy, tôi đáp "Tự tôi đấy". Cây diêm tắt. Tôi lại ứa nước mắt. Con chó liếm hết ngay.
Tôi không ngờ Vercueil lưng còng và ngực lép kẹp như chim mòng biển lại có thể khoẻ thế. Anh ta nhấc tôi lên cùng với chiếc khăn ướt và bế đi. Tôi nghĩ bụng đã bốn chục năm kể từ ngày tôi được người đàn ông bế đi như thế này. Cái bất hạnh của người đàn bà to lớn. Câu chuyện sẽ kết thúc như thế này chăng: được đôi tay khoẻ mạnh bế đi qua bãi cát, qua những chồ nông, qua những ngọn sóng lớn rồi đi vào những khoảng tối đen sâu thẳm?
Chúng tôi đi khỏi cầu vượt trong im lặng lạ kỳ. Có thể chịu đựng mọi sự bất ngờ như vậy được bao lâu nữa? Cái đau biến đi đâu rồi? Có phải cái đau đã khiến tôi vui hơn không? Tôi bảo anh ta "Đừng quay lại phố Schoonder nữa".
Chúng tôi đi dưới ánh đèn đường. Tôi thấy mạch máu trên cổ anh ta căng lên, nghe anh ta thở dốc. Tôi nói "Bỏ tôi xuống đây một lúc". Anh ta bỏ tôi xuống rồi đứng nghỉ. Bao giờ thì anh ta cởi áo và khoe đôi vai to rộng?
Anh ta bế tôi lên phố Buitenkant, qua phố Vrede, phố hoà bình, bước đi chậm hơn, đi dò từng bước vào khoảng rừng tối. Qua các cành cây, tôi ngước mắt nhìn các vì sao trên trời.
Anh ta đặt tôi xuống.
Tôi nói rất thật tình "Tôi rất mừng lại thấy anh". Rồi tôi nói tiếp "Trước lúc anh đến, tôi bị bọn trẻ tấn công. Tấn công, hay ăn hiếp, hay thăm dò, cũng chả biết nữa. Vì thế tôi thấy quái lạ. Cũng chẳng hiểu sao chúng lại thọc que vào miệng tôi. Chúng làm thế thì thích thú gì cơ chứ?"
Anh ta nói "Chúng muốn cậy răng vàng của bà đấy. Chúng đem đến nhà cầm đồ bán lấy tiền".
"Răng vàng ư? Quái nhỉ. Tôi làm gì có răng vàng. Tôi lấy răng ra cho anh xem đây này".
Anh ta mò tìm trong bóng tối chiếc hộp giấy đã gập mỏng, trải ra đất và giúp tôi nằm xuống. Rồi anh ta không ngần ngại, từ từ nằm quay lưng vào tôi. Con chó chen vào giữa chân hai người.
Tôi hỏi "Anh có cần đắp thêm mảnh khăn này không?"
- Tôi không sao.
Thời gian trôi.
Tôi khẽ nói "Xin lỗi, tôi khát lắm. Ở đây có nước không nhỉ?"
Anh ta đứng dậy, lát sau cầm về một chai nước. Tôi uống thử, đó là vang ngọt, trong chai còn một nửa. Anh ta nói "Tôi chỉ có thế". Tôi uống vào, không thấy đỡ khát, nhưng các vì sao trên trời bắt đầu quay lông bông. Mọi thứ như xa dần, mùi đất ẩm lạnh, người đàn ông bên cạnh tôi, và thân xác tôi. Như con cua đã lâu ngày, mệt mỏi, gấp càng lại, cả cái đau trong người tôi cũng ngủ nốt. Tôi lại chìm vào bóng tối.
Tôi tỉnh dậy đã thấy anh ta quay người quàng tay lên cổ tôi. Tôi có thể gỡ ra nhưng không muốn làm cho anh ta khó chịu. Ngày sáng dần ra, tôi vẫn nằm không cựa quậy, mặt kề mặt anh ta. Anh ta giật mình, mở choàng mắt. Tôi khẽ nói "Tôi vẫn nằm đây". Anh ta lại nhắm mắt.
Tôi chợt nghĩ: giờ này đây, ai là người tôi biết rõ hơn hết trong tất cả các sinh vật trên trái đất? Anh ta chứ ai. Tôi biết từng sợi râu anh ta, từng vết nhăn trên trán anh ta. Anh ta chứ không phải con đâu. Vì lúc này anh ta đang ở đây, bên cạnh mẹ.
Tha lỗi cho mẹ. Thời gian rất ngắn ngủi, mẹ phải tin ở trái tim mẹ và nói ra sự thật. Mẹ chẳng nhìn thấy gì, chẳng biết gì, sự thật đem mẹ đi đâu mẹ sẽ đi đó.
Tôi khẽ hỏi "Anh có thức không đấy?"
- Có.
Tôi nói "Bây giờ hai thằng bé ấy đã chết rồi. Chúng giết cả hai đứa. Anh có biết chuyện ấy không?"
- Tôi biết.
- Anh biết ở nhà đã xảy ra chuyện gì không?
- Có.
- Tôi nói lại anh có nghe không?
- Nói đi.
- Thế này nhé. Hôm thằng Bheki chết, tôi gặp người anh của Florence, anh ruột hay anh họ gì chẳng biết. Ông ta là người có học. Tôi bảo ông ta rằng tôi mong chúng đừng có dính vào – gọi là gì nhỉ? – vào đấu tranh. Tôi bảo "Nó chỉ là đứa trẻ, chưa sẵn sàng được. Nó không bao giờ nên vì thằng bạn mà dính vào chuyện ấy.
"Sau đó tôi lại nói chuyện với ông ta trên điện thoại. Tôi thành thật nói với ông ta điều tôi suy nghĩ về tình đồng chí mà bây giờ hai đứa đã phải chết. Tôi gọi đó là không khí thần bí của cái chết. Tôi trách những người thân Florence và ông ta đã chẳng làm gì để khuyên chúng nên thôi đi.
"Ông ta lịch sự lắng nghe tôi nói, bảo là tôi có quyền góp ý kiến. Nhưng tôi chẳng làm thế nào để ông ta nghĩ lại được.
"Nhưng bây giờ tôi tự hỏi tôi có quyền gì mà có ý kiến về tình đồng chí hay bất cứ cái gì khác chứ? Tôi có quyền gì mà mong rằng Bheki và bạn nó tránh xa những chuyện rắc rối? Hình như đó chỉ là ý kiến rơi vào khoảng không, ý kiến chẳng làm ai xúc động, chẳng có nghĩa gì. Đã là ý kiến thì phải có người khác nghe, cân nhắc, không phải vì lễ độ mà nghe đâu. Mà muốn cho người ta cân nhắc thì ý kiến phải có sức nặng. Ông Thabane không cân nhắc điều tôi nói. Nó không có sức nặng gì với ông ta. Ngay cả Florence cũng không nghe tôi. Với Florence thì những gì tôi nghĩ trong đầu hoàn toàn chỉ là sự bàng quan mà thôi, tôi biết thế lắm".
vercueil đứng dậy, ra sau cây đứng đái. Rồi tôi ngạc nhiên thấy anh ta quay về và lại nằm xuống. Con chó chúi mũi vào giữa hai chân anh ta. Tôi thè lưỡi liếm chỗ đau chảy máu trên miệng.
Tôi nói "Tôi vẫn không thay đổi ý kiến. Tôi rất ghét những lời kêu gọi hy sinh để kết thúc bằng một loạt những đổ máu và chết trong đống bùn. Chiến tranh không bao giờ đúng như nó vẫn giả bộ làm ra thế. Cạo sạch cái bề mặt đi, anh sẽ thấy rõ ràng những người gài tống bọn trẻ vào chỗ chết nhân danh một thứ trừu tượng nào đó. Dù cho ông Thabane nói gì (tôi không trách ông ta, tương lai đến bằng cách trá hình, nếu nó trần trụi khi đến thì ta sẽ phải kinh hoàng với những gì thấy được) thì đó vẫn là chiến tranh của người già chống người trẻ. Tự do hay là chết! Bheki và các bạn nó hét lên như vậy. Những lời của ai thế? Không phải của chúng nghĩ ra đâu. Tự do hay là chết! Tôi tin rằng hai đứa con gái nhỏ kia cũng nhắc lại câu đó trong giấc ngủ. Không! Tôi muốn nói: hãy tự cứu lấy mình đi!
"Ông Vercueil, tiếng nói thật sự khôn ngoan là của ai? Tôi chắc là của tôi. Nhưng tôi là ai? Tôi là ai mà có tiếng nói được chứ? Làm sao tôi có thể vinh dự mà bảo chúng quay lưng lại với lời kêu gọi ấy được? Tôi có quyền gì ngoài việc ngồi vào một góc và ngậm miệng lại. Tôi không có tiếng nói. Tôi đã mất nó từ lâu rồi. Có lẽ tôi chưa bao giờ có tiếng nói. Đúng thế đấy. Còn lại là phải im lặng. Nhưng với tình hình này – dù là thế nào – tôi vẫn phải tiếp tục với tiếng nói không phải tiếng nói. Cứ phải thế thôi.
Vercueil mỉm cười chăng? Anh ta giấu mặt. Tôi vẫn nói tiếp, nói rin rít bằng cái miệng không răng của tôi.
"Trước đây đã lâu có một tội ác. Bao giờ tôi cũng không biết, nhưng chắc chắn là trước năm 1916. Lâu nhưng tôi sinh ra vào cái thời đó. Nó là một phần di sản, một phần của tôi, và tôi là một phần của nó.
"Như mọi tội ác khác, nó có cái giá của nó. Tôi không nghĩ cái gía đó phải trả bằng ô nhục, bằng cuộc sống ô nhục trong cái chết ô nhục, cái chết trong một góc tối tăm, không ai thương xót. Tôi chấp nhận cái đó. Tôi không định tách riêng mình ra. Tuy không phải tôi ác tôi yêu cầu người ta phạm, nhưng người ta nhân danh tôi mà phạm tội ác đó. Thỉnh thoảng tôi phát điên khi những người làm cái việc bẩn thỉu – anh đã thấy đó, một thứ điên ngu ngốc đáng hổ thẹn – nhưng rồi tôi lại chấp nhận cho nó sống trong tôi. Khi điên lên tôi muốn chúng chết đi, muốn cả tôi chết đi nữa. Nhân danh vinh dự. Một khái niệm vinh dự về vinh dự. Honesta mors.
"Ông Vercueil, tôi chẳng biết gì về tự do hết. Tôi và Bheki và bạn nó cũng chẳng biết gì. Có lẽ tự do luôn luôn chỉ là cái người ta không tưởng tượng được. Tuy nhiên hễ thấy không tự do là ta biết ngay, phải thế không? Bheki không tự do, và nó cũng biết thế. Anh không tự do. Ít nhất là không tự do trên trái đất này, tôi cũng vậy. Tôi sinh ra là nô lệ và chắc chắn sẽ chết như một tên nô lệ. Một cuộc sống trong xiềng xích, một cái chết trong xiềng xích, đó là một phần của cái giá phải trả, không được phàn nàn, thắc mắc.
"Cái gì tôi không biết, cái gì tôi không biết – anh đã nghe thấy nhé – cai giá phải trả còn cao hơn nữa. Tôi đã tính nhầm. sai lầm từ đâu mà đến? Nó chẳng liên quan gì đến vinh dự, đến cái khái niệm mà tôi đã phải vất vả bám vào nó, bằng giáo dục, bằng đọc sách, tất cả những cái mà người có vinh dự chẳng thấy đau đớn trong tâm hồn. Tôi đã luôn luôn phấn đấu cho vinh dự, cho vinh dự của riêng mình, dùng ô nhục làm kẻ hướng dẫn. Chừng nào còn thấy hổ thẹn thì tốt biết là mình đã không rơi vào nhục nhã. Hổ thẹn có tác dụng như hòn đá thử vàng, nó luôn luôn có mặt, là một thứ để anh có thể trở lại yêu quý một người mù, để biết mi1nh đang ở đâu. Còn lại thì tôi tránh xa hổ thẹn, không sa vào nó nữa. Hổ thẹn không bao giờ có thể trở thành cái thú hổ thẹn được. Nó luôn luôn cắn rứt tôi. Tôi không tự hào về nó, mà xấu hổ vì nó. Chỉ là sự hổ thẹn của riêng tôi thôi. Nó là tro bụi trong miệng tôi hết ngày này sang ngày khác, không bao giờ hết mùi vị của tro bụi được."
Tôi nói "Ông Vercueil, điều tôi nói sáng nay là sự thú tội, tôi biết phải thú tội như thế nào, không giữ lại điều gì bí mật. Tôi vốn là người tốt, tôi tự do thú tội. Bây giờ tôi vẫn là người tốt. Đây là thời buổi gì mà làm người tốt vẫn chưa đủ?
"Điều tôi chưa tính toán được có lẽ phải đòi hỏi nhiều hơn nữa mới là tốt. Vì đất nước này có rất nhiều người tốt. Chúng ta chỉ thuộc loại hai xu, gần như tốt mà thôi. Điều mà thời đại đòi hỏi rất khác với cái tốt thường tình. Thời đại đòi hỏi chủ nghĩa anh hùng cơ. Đó là những chữ mà nói ra tôi thấy lạ miệng thế nào ấy. Tôi ngờ rằng trước đây tôi đã dùng những chữ đó, thậm chí còn giảng chúng nữa. Tại sao không chứ? Có lẽ vì tôn trọng. Có lẽ vì hổ thẹn. Như ngắm nhìn người đang cởi truồng vậy. Lẽ ra trong bài giảng tôi đã phải dùng những chữ như cương vị anh hùng. Người anh hu1ng với cương vị anh hùng. Người anh hùng là hình dáng trần truồng ở thời cổ đấy".
Chợt nghe Vercueil ọ ẹ trong cổ. Tôi nhổm lên nhìn và thấy má anh ta sần sùi và có lông ở lỗ tai. Tôi khẽ gọi "Ông Vercueil". Anh ta không động đậy. Ngủ ư? Giả bộ ngủ ư? Anh ta nghe tôi nói được những gì? Đã nghe tôi nóii về chuyện tốt bụng và chủ nghĩa anh hùng chưa? Về danh dự và hổ thẹn chưa? Nếu không nghe thì những điều tôi thú nhận có còn là sự thật không? Anh nghe tôi nói không, hay tôi đã làm anh ngủ rồi?
Tôi đi ra sau bụi cây. Chung quanh chim hót vang. Có ai mà nghĩ rằng chim chóc còn sống được ở ngoại ô như thế? Y như Arcady vậy. Chả trách Vercueil và các bạn của anh ta thích sống ngoài trời. Có một mái nhà tốt làm gì nếu không phải chỉ để Vercueil và các đồng chí của anh ta vào tránh mưa.
Tôi lại nằm xuống cạnh anh ta, chân tôi lạnh và dính bùn. Lúc này trời đã sáng hẳn. Chúng tôi nằm trên chiếc hộp giấy trải rộng ở chỗ không người, cha ai đi qua cũng trông thấy. Chúng tôi là thế trong con mắt các thiên thần, những người sống trong ngôi nhà kính, mọi hành động đều trần trụi. Trái tim chúng tôi cũng trần trụi, đập trong những bộ ngực bằng kính. Tiếng chim hót dội xuống như mưa.
Tôi nói "Sáng nay tôi thấy dễ chịu hơn. Nhưng có lẽ lúc này nên về nhà thôi. Dễ chịu thường báo hiệu rằng tôi sẽ đau nặng hơn".
Vercueil ngồi dậy, cầm mũ, đưa ngón tay dài cáu bẩn lên gãi đầu. Con chó ở đâu nhảy đến chạy theo. Vercueil gấp miếng bìa cứng lại, đem giấu vào bụi cây.
Tôi nói bâng quơ "Anh có biết rằng tôi bị cắt một bên vú không?"
Anh ta sững người, tỏ vẻ khó chịu.
- Tất nhiên bây giờ tôi lấy làm tiếc. Tiếc là đã có vết. Y như định bán một thứ bàn ghế trong nhà nhưng đã có vết hoặc cháy. Anh có thể bảo chiếc ghế đó còn rất tốt, nhưng người ta không thích. Không ai thích đồ đạc đã có vết. Đây là tôi nói đến cuộc sống của tôi. Có thể nó không tốt lắm nhưng nó vẫn là cuộc sống, không phải là cuộc sống nửa vời. Tôi nghĩ là sẽ bán nó đi hoặc tiêu nó đi để cứu vãn danh dự. Nhưng trong tình trạng như hiện nay thì ai mà chấp nhận được? Y như đem bán tiền cổ Hy lạp vậy. Tiền xu có thể là rất tốt ở nơi khác, còn ở đây thì không. Vết của nó khíến người ta ngờ vực.
- Nhưng tôi chưa hoàn toàn bỏ cuộc đâu. Tôi sẽ còn đi đây đi đó tìm cách làm một chuyện gì khác. Anh có ý kiến gì không?
Vecueil đội mũ, kéo vành cẩn thận.
Tôi nói "Tôi rất muốn mua cho anh chiếc mũ mới".
Anh ta mỉm cười. Tôi khoác tay anh ta, từ từ đi dọc phố Vrede.
Tôi nói "Để tôi kể lại giấc mơ cho anh nghe. Người trong mơ của tôi không đội mũ, nhưng tôi nghĩ người đó là anh. Tóc anh ta dài và bóng, chải lật ra đàng sau" Tôi không nhắc đến chỗ tóc dài bóng nhưng bẩn, vắt ra sau lưng như đuôi chuột.
"Chúng tôi ra biển. Anh ta dạy tôi bơi. Anh ta giữ cho tôi nằm ngang trên mặt nước và đạp chân. Tôi mặc áo tắm dệt kim, loại áo ngày xưa, màu xanh nước biển. Lúc ấy tôi chỉ là đứa trẻ, vả lại trong giấc mơ thì mọi người chúng ta đều là trẻ con hết.
"Anh ta kéo tôi ra xa, chăm chăm nhìn tôi. Mắt anh ta cũng giống mắt anh. Biển không có sóng, chỉ có những đợt lăn tăn cuộn vào, sáng lấp lánh. Thực ra nước biển cũng trơn như dầu. Người anh ta nổi trên mặt nước như có dầu bám chung quanh. Tôi nghĩ bụng đó là dầu cá sardines. Tôi là con cá sardine, anh ta đem tôi ngâm vào dầu cá. Tôi muốn bảo Quay về đi, nhưng không dám mở miệng, sợ dầu tràn vào phổi, tôi không có can đảm chết đuối trong dầu".
Tôi ngừng lại xem anh ta có nói gì không, nhưng anh ta vẫn im lặng. Chúng tôi rẽ vào phố Schoonder.
Tôi nói "Cố nhiên tôi chỉ ngẫu nhiên kể thế thôi. Nhắc lại giấc mơ bao giờ cũng có nghìa là muốn thực hiện điều gì. Nhưng vấn đề là điều gì".
"Ngày đầu khi thấy anh sau nhà xe cũng là ngày tôi được tin không hay về trường hợp của tôi. Tin rất không hợp. Tôi tự hỏi không biết anh có phải là – xin lỗi phải dùng từ này – có phải là thiên thần đến chỉ đường cho tôi không. Tất nhiên lúc đó anh không phải thế, tôi biết chứ. Nhưng đó chỉ mới là một nửa câu chuyện thôi, phải thế không? Chúng ta ai cũng chỉ nhận thức được một nửa và sáng tạo cũng chỉ được một nửa.
"Rồi tôi tiếp tục kể lại câu chuyện anh chỉ đường cho tôi theo. Tôi tự nhủ nếu anh không nói lời nào có nghĩa là thiên thần không có gì để nói. Thiên thần đi trước, người đàn bà theo sau. Mắt thiên thần mở, mắt người đàn bà nhắm, vì chị ta còn chìm đắm trong giấc ngủ trần tục. Vì thế tôi vẫn quay về theo anh, nhờ anh chỉ dẫn, giúp đỡ".
Cửa trước khoá, nhưng cổng vào sân mở toang. Những mảnh kính vỡ chưa quét sạch, cửa vào phòng Florence còn hé một cánh. Tôi cẩn thận bước chậm, chưa dám nhìn vào trong phòng.
Cửa bếp không khóa. Họ không tìm thấy chìa.
Tôi bảo Vercueil "Vào đây đã".
Ngôi nhà vẫn như cũ mà không còn như cũ. Đồ đạc trong bếp bị xê dịch. Chiếc ô của tôi treo ở chỗ tôi chưa treo bao giờ. Ghế dài bị chuyển đi, để lại một vệt trên thảm. Nhất là có mùi gì rất gắt tôi không thể xác định được. Họ để lại dấu vết ở mọi chỗ, không chừa thứ gì. Tôi chợt nhớ đến hồ sơ trên bàn, các trang giấy đã viết. Có lẽ họ cũng đã xem thư, ngón tay vấy máu của họ đã lật các trang thư, những con mắt vô tình lướt qua những lời thô kệch ấy. Tôi bảo Vercueil "Anh đưa tôi lên gác đi".
Hồ sơ cuối cùng tôi viết đã đóng lại, nay bị mở. Ổ khoá ở ngăn tài liệu bị đập vỡ. Nhiều chỗ trên kệ sách trống hoác.
Khoá ở hia phòng không dùng đến cũng bị phá.
Họ đã lục sóat tủ và các ngăn kéo.
Không còn thứ gì họ không đụng đến. Y như vụ họ đến thăm nhà lần trước. Lục lọi chỉ là cái cớ. Mục đích của họ là sờ vào mọi chỗ, đụng đến mọi chỗ, bằng một tinh thần hiểm ác. Chẳng khác gì một cuộc hăm doạ, một cách bôi bẩn người đàn bà.
Tôi quay sang Vercueil không biết nói gì, ruột gan rối bời.
Anh ta nói "Có ai ở dưới nhà".
Ra đầu cầu thang, chúng tôi nghe có người đang nói chuyện điện thoại.
Bỗng không thấy nói nữa. Một người trẻ tuổi mặc đồng phục xuất hiện ở hành lang gật đầu chào chúng tôi.
Tôi nói xuống "Anh làm gì ở nhà chúng tôi thế?"
Anh ta vui vẻ đáp "Kiểm tra thôi. Chúng tôi không muốn người lạ vào đây." Anh ta nhặt mũ áo và khẩu súng. Hay là vừa rồi tôi ngửi thấy mùi súng? Anh ta nói "Tám giờ, các thám tử sẽ đến đây. Tôi ra ngoài chờ". Rồi anh ta mỉm cười, làm như vừa giúp đỡ tôi một việc, chờ tôi cám ơn.
Tôi bảo Vercueil "Tôi phải đi tắm cái đã".
Nhưng tôi không tắm. Tôi đóng cửa phòng ngủ, uống hai viên thuốc đỏ, rồi nằm xuống, run khắp người, run như chiếc lá trong cơn giông. Người tôi lạnh toát nhưng không phải run vì lạnh.
Một phút sau tôi tự nhủ: lúc này chớ có tan ra từng mảnh, chỉ nên nghĩ đến phút sau thôi.
Dần dần tôi hết run.
Tôi nghĩ bụng: con người là sinh vật duy nhất có một phần của đời mình không thể biết tương lai ra sao vì nó chỉ như cái bóng lớn lởn vởn trước mặt. Luôn luôn đuổi bắt lấy cái bóng ấy, sống trong hình ảnh của hy vọng. Nhưng tôi không thể có quyền gì để được làm con người. Tôi phải là cái gì bé nhỏ hơn, mù quáng hơn, sát mặt đất hơn.
Có tiếng gõ cửa. Vercueil bước vào, theo sau là viên cảnh sát hôm qua khoác áo lông hươu nhưng bây giờ đã mặc áo đeo ca vát. Người tôi lại run lên. Anh ta ra hiệu cho Vercueil đi ra ngoài. Tôi ngồi dậy bảo "Ông Vercueil, ông đừng đi", rồi quay sang nói với viên cảnh sát "Ông có quyền gì vào nhà tôi?"
Anh ta không tỏ vẻ gì khác lạ "Chúng tôi lo cho bà. Hôm qua bà đi đâu?" Tôi không trả lời. "Bà Curren, thật bà không sao chứ?"
Tuy tôi đã nắm chặt tay nhưng người vẫn run như muốn co quắp. Tôi hét lên "Tôi không sao. Chỉ có anh là sao thôi."
Anh ta không chột dạ, trái lại anh ta như khuyến khích tôi nói nữa.
Tôi nghĩ bụng anh liệu đấy! Họ sẽ buộc tội anh, sẽ bảo anh là điên và bắt anh đi!
Tôi bình tĩnh hỏi lại "Anh muốn gì ở đây?"
- Tôi chỉ muốn hỏi vài câu. Bà làm thế nào mà gặp thằng Johannes ấy được?
Johannes. Đó là tên thật của nó ư? Chắc chắn là không.
- Nó là bạn của thằng con người giúp việc cho tôi. Bạn thôi.
Anh ta rút túi lấy chiếc máy ghi âm nhỏ để lên giường cạnh tôi.
- Thế con trai người giúp việc cho bà đâu rồi?
- Nó chết và chôn rồi. Anh biết điều đó quá đi chứ.
- Sao nó chết?
- Nó bị bắn ở khu nhà lụp xụp.
- Bà còn biết đứa nào khác nữa không?
- Đứa nào khác nữa?
- Các bạn nó.
- Hàng nghìn, hàng triệu. Anh không thể đếm hết được.
- Ý tôi nói là những đứa khác trong chi bộ ấy. Còn có đứa nào khác đến ở nhờ nhà bà không?
- Không.
- Bà có biết chúng làm thế nào mà có vũ khí không?
- Vũ khí nào?
- Súng lục ấy. Ba ngòi nổ ấy.
- Tôi chẳng biết gì về ngòi nổ hết, cũng không biết ngòi nổ là thế nào. Còn súng lục là của tôi.
- Chúng nó lấy của bà ư?
- Tôi cho chúng mượn. không phải tất cả bọn chúng. Chỉ cho thằng John mượn thôi.
- Bà cho nó mượn súng? Khẩu súng là của bà ư?
- Phải.
- Tại sao bà lại cho nó mượn súng?
- Để nó tự vệ chứ sao.
- Bà Curren, để nó tự vệ chống lại ai?
- Để nó tự vệ khi bị tấn công.
- Bà Curren, đó là loại súng gì? Bà có thể cho xem giấy phép được không?
- Tôi chẳng biết loại súng gì. Tôi có nó từ lâu rồi, trước khi người ta làm ầm ĩ về chuyện giấy phép nữa kia.
- Bà có chắc là đã đưa cho nó không? Bà biết đây là chúng ta đang nói về chuyện có thể phạm tội đấy nhé.
Viên thuốc bắt đầu tác động. Lưng tôi đã bớt đau, bàn tay đã thoải mái hơn, chân trời bắt đầu mở rộng.
Tôi nói "Anh thật sự muốn tiếp tục với câu chuyện vô nghĩa này phải không?" Rồi tôi ngả lưng vào gối, nhắm mắt lại. Đầu óc tôi quay cuồng "Chúng ta đang nói chuyện về những người đã chết. Các anh chẳng thể làm gì được với họ nữa. Họ đã an toàn rồi. Các anh dã giải quyết rồi. Việc gì còn phải lo xét xử nữa? Sao không khép vụ án lại đi?"
Anh ta cầm máy ghi âm loay hoay một chút, rồi để xuống gối nói "Tôi chỉ kiểm tra lại thôi".
Tôi giơ tay gạt phăng cái máy ghi âm. Anh ta kịp chụp lại trước khi nó rơi xuống sàn.
Tôi nói "Các anh đã soát giấy tờ riêng của tôi rồi. Đã lấy đi những cuốn sách của tôi nữa. Phải trả lại cho tôi. Trả hết mọi thứ. Những thứ đó không liên quan gì đến các anh hết".
- Bà Curren, chúng tôi không nuốt sách của bà đâu. Cuối cùng bà sẽ được lấy lai tất cả.
- Tôi không muốn để đến cuối cùng. Tôi muốn ngay bây giờ. Những thứ đó là của tôi, là của riêng tôi.
Anh ta lắc đầu. "Bà Curren, đó không phải là vật riêng. Bà cũng biết thế. Chẳng còn gì là của riêng hết".
Tôi bắt đầu mệt, không muốn nói gì nữa. Tôi gắt "Mặc tôi".
- Xin cho hỏi thêm vài câu. Đêm qua bà ở đâu?
- Đi với ông Vercueil
- Đây là ông Vercueil chứ?
Tôi cố mở mắt, lẩm bẩm "Phải".
- Ông Vercueil là ai thế? – rồi một giọng khác hẳn. "Wie is jy?"
- Ong Vercueil săn sóc tôi. Ông Vercueil là cánh tay phải của tôi. Ông Vercueil, ông lại đây.
Tôi giơ tay ra chạm vào ống quần anh ta, rồi chạm vào tay, bàn tay có những ngón khoằm. Tay tôi tê dại nhưng cố nắm chặt lấy.
- "In Godsnaam", một thám tử đứng ở đâu đó lên tiếng. Nhân danh Chúa! Anh ta nói thế là sao nhỉ? Không tán thành hay chửi hai người chúng tôi? Tôi rời tay, lui ra xa.
Tôi chợt nghĩ đến một từ: Thabanchu, hay Thaba Nchu. Tôi cố tập trung. Chín chữ đó dảo lại có nghĩa gì nhỉ? Tôi thử đặt chữ b lên đầu xem sao, nhưng rồi tôi ngủ thiếp đi.
Tôi tỉnh lại, vừa khát nước, vừa mệt, người đau như dần. Mặt đồng hồ nhìn tôi nhưng tôi không có ý niệm vẽ kim ngắn kim dài. Căn nhà im lặng như nhà hoang.
Thabanchu: banch là cái gì? Hay bath? Tôi kéo tấm khăn bọc quanh người. Tôi có nên đi tắm không đây?
Nhưng đôi chân không đưa tôi vào phòng tắm. Tôi vịn tay vào thành lan can, cúi xuống lẩm bẩm. Tôi xuống nhà gọi số điện ở Guguletu. Chuông reo mãi, cuối cùng có một bé gái nghe điện. Tôi hỏi "Ông Thabane có đấy không?" "Không". Vậy cho tôi nói chuyện với bà Mkubuleki, à không phải bà Mkubuleki, Mkubukeli cơ. "Vâng". "Cháu là ai thế?" "Cháu là Lily". Lee-lee. "Nhà có mình cháu thôi sao?" "Còn em cháu nữa". "Em cháu mấy tuổi?" "Em cháu lên sáu". "Còn cháu mấy tuổi?" "Cháu mười tuổi". "Lily, cháu có thể nhắn lại cho bà Mkubukeli được không?" "Được". "Đây là bác nói về ông anh bà ấy, ông Thabane. Bảo bà ấy dặn ông Thabane nên cẩn thận. Tên tôi là Curren. Cháu ghi lại đi. Số điện của tôi đây". Tôi đọc số, đánh vần tên. Bà Curren. Mấy chữ đó đảo lại để chỉ cái gì?
Vercueil gõ cửa bước vào nói "Bà muốn ăn gì không?"
- Tôi không đói. Còn anh tìm được cái gì ăn thì tùy anh.
Tôi muốn ngồi một mình. Nhưng anh ta chằm chằm tò mò nhìn tôi. Tôi ngồi trên giường, tay đeo găng, bút giấy để trên đùi. Suốt nửa giờ, tôi ngồi nhìn mặt giấy không viết được chữ nào.
Tôi nói "Tôi chờ cho tay ấm lên đã".
Nhưng không phải vì tay cóng mà không viết được. Chính là vì mấy viên thuốc tôi đã uống quá liều. Chúng như những đám khói trong người tôi. Tôi nuốt vào, chúng tuôn ra một đám sương mù trong bụng, sương mù của diệt vong. Tôi không thể vừa uống thuốc vừa tiếp tục viết được. Thế là không đau thì không viết được, một thứ luật lệ đáng sợ. Ngoài ra, sau khi tôi uống thuốc, chẳng còn gì đáng sợ nữa, mọi thứ đều không đáng quan tâm, đều như nhau hết.
Dù sao mẹ vẫn viết. Trong đêm yên lặng như chết, Vercueil ngủ dưới nhà, mẹ viết thư này để con biết thêm về thằng "John", thằng bé bất hạnh mà mẹ đã quen nó từ bao giờ. Mẹ muốn nói để con biết, dù mẹ chẳng ưa gì nó, nhưng nó vẫn hiện rõ trước mặt mẹ, hiện lên sắc nét hơn cả Bheki nữa kia. Nó theo mẹ hoặc mẹ theo nó, hoặc theo dấu vết của nó. Lúc đó là nửa đêm nhưng cũng là bình minh cuối cùng của nó. Mẹ ngồi trên giường nhưng mẹ cũng ngồi ở trong phòng Florence, phòng chỉ có một cửa sổ và một cửa ra vào, không có đường thoát nào khác. Ngoài kia họ đang chờ, cúi lom khom như đám thợ săn, chờ tặng cái chết cho thằng bé. Nó giữ trong mình khẩu súng lục, chuẩn bị chiến đấu với bọn thợ săn. Đó là bí quyết lớn nhất của nó và của Bheki, bí quyết sẽ làm chúng trở thành người lớn, còn mẹ đứng bên hoặc lảng vảng đâu đó. Nó kẹp ổ quay khẩu súng lục giữa hai đầu gối, vẩy lên vẩy xuống. Nó nghe tiếng thì thầm bên ngoài, mẹ cũng nghe với nó. Nó sẵn sàng với làn khói làm nó tắc thở, với cú đá đạp tung cửa, với thác lửa sẽ cuốn nó đi. Lúc đó nó đã sẵn sàng giơ súng bắn một phát vào giữa trái tim của ánh sáng.
Mắt nó không chớp, chăm chăm nhìn ra cánh cửa nó sắp từ bỏ cuộc đời này. Miệng nó khô, nhưng nó không sợ. Tim nó đập đều đều như nắm đấm trong ngực khép vào lại mở ra.
Mắt nó mở, mắt mẹ dù đang viết cũng nhắm lại. Mẹ nhắm mắt để được nhìn cho kỹ.
Giữa khoảng thời gian này không có thời gian, mặc dù tim nó đập với thời gian. Mẹ ngồi giữa đêm trong phòng, nhưng mẹ cũng ngồi với nó mọi lúc, như mẹ vẫn lảng vảng bên con ở bên kia biển rộng.
Thời gian lảng vảng nhưng không phải là vô tận. Thời gian hiện tại chỉ là tạm đình trước khi thời gian trở lại với cánh cửa bật mở và ở đây, trước hết là nó, rồi đến mẹ, sẽ đối mặt với ánh sáng trắng chói loà.