Trên núi Thiên Thai có một ngôi chùa nhỏ. Dân trang Đông Cứu dành cho nhà chùa ba sào ruộng và vài thước vườn để nhà chùa nhang đăng cúng Phật, cầu Phật phù hộ cho dân làng dân khang vật thịnh, thóc lúa dồi dào. Các sư nữ cùng với các vãi hái dâu cấy gặt, còn việc cày bừa nặng nhọc đã có làng lo liệu.
Tuy là chùa nhỏ nhưng Thiên Thai tự lại nổi tiếng trong châu quận. Hàng năm, cứ vào ngày rằm tháng Giêng và ngày mồng tám tháng Tư, các vãi và các cô gái ở các làng trong huyện Gia Bình lại nô nức đến chùa vãn cảnh và lễ Phật, thành ra chùa không mở hội mà hoá ra có hội. Con trai làng tuy không lễ Phật nhưng cũng rủ nhau quần áo mới đi chơi xuân, hát ví với các cô gái từ các làng xa đến.
Chùa Thiên Thai, nổi tiếng không phải vì có một kiến trúc lớn lao tuyệt mỹ mà vì từ xưa tới nay ở đó chỉ toàn sư nữ trụ trì, nhiều ni cô trẻ tuổi xinh đẹp mà chùa vẫn không có điều tiếng gì. Khi các ngài tịch đều được hỏa thiêu và xá lỵ được đựng vào bình đồng, đặt vào bảo tháp.
Ngôi chùa nhỏ nổi tiếng vì Thiên Thai là núi hoa đào. Những cây bích đào mỗi mùa xuân nở rộ, tòa núi nhìn xa như đảo đào rực thắm lộng lẫy nắng xuân. Hội chùa dưới bóng hoa đào, già trẻ chen vai, tiếng hát tình tứ xen lẫn tiếng nam mô, ba trăm bực đá, từ chân núi lên tới cổng tam quan rắc kín hoa đào.
Chùa Thiên Thai có sư nữ họ Đào. Sư nữ họ Đào được sư thầy đặt tên cho là Tuyết Tĩnh. Ni cô Tuyết Tĩnh mặt như hoa bầu, cổ như cuống huệ, khoan thai, yểu điệu, đôi mày vòng cung xanh như sắc núi xuân.
Một buổi sớm xuân, trên núi Thiên Thai mơn mởn hoa đào thơm mát, hai sư nữ mở tam quan để quét hoa đại rơi trắng sân chùa. Bỗng nghe tiếng trẻ khóc oa oa. Các sư nữ vội quay vào thưa với sư thầy. Sư thầy khoan thai cùng các sư nữ bước ra ngoài tam quan. Trước mắt nhà chùa, một em bé sơ sinh cuộn trong bọc vải nằm dưới gốc đào và một cành đào còn nụ đặt ngang mình em bé.
Sư thầy niệm Phật rồi bảo các sư nữ bồng hài nhi vào chùa, lúc đó mọi người mới biết hài nhi là một em bé gái. Em bé gái được nhà chùa giao cho một bà vãi đem về gia đình nuôi. Tới năm em bé lên năm, nhà chùa lại đón về để em nương nhờ bóng Phật. Em gái nhỏ đó ngày nay chính là sư nữ họ Đào.
Sư nữ họ Đào nổi tiếng vì sắc đẹp, điều đó lại làm cho sư thầy không vui lòng. Nhưng ai cũng phải mến sư nữ họ Đào vì tính tình Đào thuỳ mị, kính trọng sư nữ vì tư thế đoan trang. Miệng nàng tươi như hoa mà lại ít cười, mắt trong như nước giếng mà lúc nào cũng nhìn thẳng. Chỉ có một lần sư nữ họ Đào bị sư thầy quở vì ngắt một cành hoa đào đang mãn khai phô hết sắc đẹp, đem về buồng riêng mà cắm chơi. Sư thầy than rằng : " Duyên nợ phù sinh chưa dứt chăng ? Sắc sắc không không, sao con không biết điều đó. Lòng con ham vẻ đẹp lộng lẫy của vật sắp tàn, ta lo cho con khó thoát được trần ai tục luỵ. Ta đặt tên cho con là Tuyết Tĩnh, con không hiểu ý ta sao ? ". Từ đó ni cô Tuyết Tĩnh càng nghiêm trang, chỉ quanh quẩn bên sư thầy, câu kinh tiếng kệ, không mấy khi bước khỏi ba trăm bậc đá núi Thiên Thai.
Sư nữ sinh ra không có bố có mẹ, không có họ có tên, từ thuở lọt lòng, nằm dưới gốc đào, hoa đào phủ bọc cho nên sư thầy đặt họ cho là Đào. Tính sư thầy nghiêm khắc và thường nói ngay. Còn sư nữ họ Đào nét mặt lúc nào cũng phảng phất buồn và ít cười ít nói.
Có một ngày nọ, sư thầy truyền bảo Tuyết Tĩnh và Diệu Hương đem bản kinh Pháp Hoa đến nhà một tín chủ ở làng bên nhờ tìm hộ thợ khắc mộc bản. Cả hai vâng lời ra đi. Trời hôm ấy oi bức, Tuyết Tĩnh bảo Diệu Hương nghỉ ở bên sông cùng tắm nơi mỏm đá, chìa ra như con rùa ngoi khỏi mặt nước. Diệu Hương không tắm. Tuyết Tĩnh khỏa chân vẫy tay như một cành hoa nhài nổi ở nước. Chợt mây đen sập đến, mưa trút ào ào, một tiếng sét nổ như xé toang trời đất. Sóng sông vỗ mạnh. Diệu Hương ngất đi. Tuyết Tĩnh cũng bàng hoàng cả người bập bềnh đờ đẫn, mơ màng cảm động, nửa tỉnh nửa mê...
Tạm mưa, Tuyết Tĩnh và Diệu Hương rảo bước về chùa, không ai nói với ai một lời. Tối hôm đó, Diệu Hương bạch với sư thầy mọi việc đã xảy ra đến với hai người ở bên sông.
Chùa núi Thiên Thai từ ấy vắng bóng sư nữ họ Đào. Sau hai tháng kể từ buổi chiều dông tố bên sông, Tuyết Tĩnh xin thầy cho được hoàn tục. Nàng tự thấy không còn có thể nương mình cửa Phật vì những nổi lo của một người sắp làm mẹ đã đến với nàng.
Cất mình ra khỏi tam quan, Tuyết Tĩnh lưu luyến và hổ thẹn. Nàng thấy lạ lùng vì cảnh ngộ của mình. Sự bất ngờ tai ác đã làm đảo lộn cả cuộc đời nàng. Nàng tự thấy như có tội với Phật tổ, với nhà chùa. Nàng khóc ướt đẫm mảnh áo nâu sòng và thiết tha xin Phật tổ tha tội cho nàng.
Cô gái xinh đẹp bấy giờ đi lang thang trên đường, bụng mang dạ chửa vì nàng không có gia đình. Cô gái họ Đào vai mang một bọc nhỏ gói mấy chiếc áo đổi thay, đi làng này làng khác. Để tóc rối bù và bôi lấm mặt đi vì nàng sợ mọi người nhận ra mình, và nhất là sợ sắc đẹp của mình lại làm cho mình khổ.
...Mùa xuân đến. Núi Thiên Thai đỏ thắm sắc hoa đào. Những cánh đào mịn màng rơi rắc ba trăm bậc đá lên chùa. Hội chùa năm ấy không còn ai được gặp sư nữ họ Đào.
Cũng vào đúng ngày hội chùa Thiên Thai, tại trang Hạ Tốn có một bà cụ già từ sớm tinh mơ đã lần bước tới chùa làng hốt hoảng quay về gọi làng xóm láng giềng. Lát sau dân làng đã đến vây quanh cây đào vạn thọ trước mái tam quan : Hoa đào rơi thắm trên thân thể một người mẹ trẻ xinh đẹp nằm thiêm thiếp bên một trẻ sơ sinh.
* * *
Mười tám năm qua nhanh chóng, đứa trẻ sinh ra bên gốc đào làng Hạ Tốn nay đã là một cô gái xinh tươi. Cô gái ấy khoan thai yểu điệu, đôi mày vòng cung xanh như sắc núi xuân.
Tên cô là Quốc. Thực ra thì tên cúng cơm của cô là Nước. Mẹ cô và bà con dân làng vẫn gọi cô từ tấm bé là cái Nước. Mẹ cô ngâm mình dưới nước mà được cô nên đặt tên con như thế. Mẹ buồn không mấy khi cười. Nghĩ đến cảnh ngộ éo le của mình, đêm đêm mẹ thường trào nước mắt nhưng lòng mẹ cũng vui mừng vì thấy con mỗi ngày một lớn khôn. Bấy giờ, hai mẹ con ở với bà cụ đã gặp mẹ con nằm dưới gốc đào từ buổi đầu tiên ấy. Có nơi nương tựa, mẹ làm lụng nuôi con, trút hết thương yêu và đặt cả hạnh phúc cuộc đời vào đứa con độc nhất của mình.
Người làng thường khuyên mẹ lấy chồng. Bà cụ cũng dỗ mẹ lấy chồng. Người đẹp như ngó sen nhưng mẹ cứ ở vậy nuôi con, nuôi cho con bây đã lớn đã khôn biết suy nghĩ về tình nhà, vận nước.
Khi con lên năm tuổi, mẹ dắt tới chùa làng, xin sư thầy cho được đặt một bát hương ở chùa, gửi con cho Phật, để Phật phù hộ cho con mẹ. Sư thầy khen ngợi bé Nước và đặt tên cho nó là Quốc. Từ đó mọi người đều gọi bé Nước là Quốc.
Quốc mười tám tuổi không khác gì mẹ khi xưa. Tính tình hiền hậu, khoan thai nghiêm chỉnh, môi thắm như son mà ít cười, mắt trong như nước mà chỉ nhìn thẳng. Nhưng Quốc cũng có nhiều nét về tính tình không giống mẹ.
Mẹ xưa chỉ yên thân nương bóng Phật, không tò mò không suy nghĩ về cuộc đời trần tục xung quanh, coi việc để ý tới cõi đời là một tội lỗi. Còn Quốc thấy cái gì cũng muốn biết, cũng hỏi mẹ. Quốc thân mật với mọi người, tuy ít nói nhưng cất lời lên ai cũng vui lòng nghe theo. Tuổi Quốc trẻ mà các bạn đều kính nể. Quốc ưa bơi lội, lặn nước như thuồng luồng, một mái chèo với một chiếc lưới, rỗi việc đồng ruộng lại làm bạn với sông nước, đó là thú vui của Quốc.
Năm mười hai tuổi, có lần đang cọ thuyền ở bên sông, chợt Quốc thấy một đoàn người kéo một chiếc thuyền lớn ngược dòng. Trên thuyền có cờ, có tàn, có gươm, có giáo, có nhiều người mặc những bộ quần áo lạ mắt. Quốc đếm cờ trên thuyền lớn, và khi những người kéo thuyền đi ngang qua mặt Quốc, Quốc cũng đếm xem bao nhiêu người. Mười hai người tất cả, trong đó có một người đàn bà và một cô gái chỉ khoảng mười ba tuổi. Quốc tò mò yên lặng nhìn ngắm những người kéo thuyền. Tất cả đều gầy gò và gương mặt họ, dáng điệu họ có một cái gì nặng nề u uất làm cho Quốc phát sợ. Họ còng lưng xuống, đầu đưa về phía trước, vai lệch đi, mình nghiêng một bên kéo một sợi dây chão ròng từ mũi thuyền lớn. Chiếc dây như buộc họ vào chiếc thuyền. Quần áo rách rưới, người nhớp nhúa bẫn thỉu, bàn chân dẫm lên đất rệ sông. Họ cứ thế đi men bờ sông, qua bãi cát, nhảy qua các cửa ngòi, xéo lên cỏ sắc và né các bụi cây dại. Họ đi men sông, lưng còng xuống, đầu cúi xuống, mắt cắm xuống, chỉ cần có một chỗ đặt chân.
Gió bấc hun hút thổi như dao cứa.
Người đàn bà mặc phong phanh một chiếc áo mỏng, da tái xanh, vú teo tóp, mắt và mũi đỏ lên có lẽ vì rét quá. Cô con gái đi gần mé cuối dây. Người tím ngắt nhưng chân tóc và quanh vành môi se lại lấm tấm mồ hôi. Tất cả mười hai người đi giữa ban ngày mà như những bóng ma hiện hình. Họ nặng nhọc kéo chiếc thuyền lớn như kéo một cái nợ truyền kiếp, kéo dài số phận nặng nề đè trĩu vai họ.
Quốc không nói được một lời nào tuy cô rất muốn hỏi họ từ đâu đến và chiếc thuyền họ kéo dây là thuyền gì. Sự kinh ngạc và sợ hãi làm cô gái nhỏ nghẹn lời. Và khi người đàn bà kéo thuyền đưa mắt nhìn cô, một cái nhìn buốt lạnh như kim châm, thì cô bỗng thấy xúc động và nước mắt trào ra, cô khóc tức tưởi và chạy về nhà hỏi mẹ.
Mẹ cho cô biết đó là thuyền quan châu úy đi tuần. Quan châu úy là người Hán tộc. Mẹ nói trên thuyền ấy hẳn có biết bao của cải vét được khi qua các địa phương. Trên thuyền ấy, mẹ biết còn có những người con gái xinh đẹp bị chúng bắt giữ làm nô tì phải làm cơm nước hầu hạ chúng, những tên giặc Hán. Có thể còn có một vài người khẳng khái nào đã chống lại chúng và bị chúng bắt giữ trên thuyền. Khi về châu, chúng sẽ đem ra trị tội với những hình phạt nặng nề thảm khốc.
Cô gái mười hai tuổi nghe những chuyện ấy thì giận sôi lên và chỗ đó là điều khác nhau về tính tình giữa mẹ cô và cô.
Hình ảnh những con người khốn khổ còng lưng kéo chiếc thuyền lớn cứ ám ảnh mãi nàng Quốc.
Từ nhỏ tới năm mười tám tuổi, nàng Quốc đã làm cho bà mẹ đáng thương phải suy nghĩ rất nhiều trước những câu hỏi của con. Điều gì con cũng muốn hỏi. Những lời giảng giải đã làm cho con gái hiểu được mọi nỗi khổ cực mà dân chúng khắp nơi phải chịu, mọi nỗi khổ cực đè nặng lên lưng mọi người và lên cả mẹ con nàng.
Có lần nàng Quốc hỏi mẹ cả về tên mình. Tại sao mẹ lại đặt tên nàng là Nước, tại sao sư thầy lại đặt cho nàng tên là Quốc mà không là Thuỷ ? Người mẹ lúng túng và đành nhờ sư thầy giảng hộ, còn cái tên nôm na là Nước mà mẹ đặt thì mẹ đành giấu kín cái tâm sự nặng nề ấy.
- Bố con bé vì đói đã nhảy xuống nước mà chết cho thoát nợ đời. Đó, mọi người dân làng Hạ Tốn đã hiểu về cuộc đời của ni cô Tuyết Tĩnh là như thế. Và mẹ cũng nói như thế với con : đặt tên cho con là Nước để nhớ tới người đã sinh ra con phải chìm mình ở dưới nước.
Vì đói quá ! Tại sao bố nàng đói đến nỗi phải tự tử ? Phải bỏ mẹ con nàng ? Nàng Quốc tự hỏi.
Nhờ sư thầy, nàng Quốc hiểu rõ thêm sâu sắc điều đã làm nàng suy nghĩ bao nhiêu lần. Đúng, " nước ", chữ là " thuỷ ". Nhưng còn có một nước khác nữa, nước đó là của tổ tiên xưa để lại, của các Vua Hùng để lại, nước này là xương máu bao đời cha ông khó nhọc xây dựng nên. Nước này đã mất rồi, hay là còn đây mà cũng hoá như mất.
Khói hương mơ hồ tỏa bay. Với cánh hoa đại nhẹ rơi trên thềm chùa. Sư thầy ngồi im lặng, nếp áp nâu buông thẳng xuống, bất động, cùng với dáng ngồi nhập định không khác một pho tượng tạc bằng đá, mắt nhắm lại như thả hồn yên tĩnh về cõi Nát Bàn. Nàng Quốc quỳ xuống, kính cẩn nâng tà áo nhà chùa lên chùi nước mắt tràn trên má và lặng lẽ lui về.
* * *
Giặc Hán ngày càng ngang ngược. Viên quan Hán thả quân cướp bóc các làng. Bọn chúng thấy con gái đẹp là mắt diều mắt quạ. Có lần giặc về trang Hạ Tốn nhũng nhiễu. Chúng bắt gặp nàng Quốc bèn hò nhau vây bắt, Quốc chạy vượt lên. Giặc đuổi. Quốc nhảy tùm xuống sông lặn một hơi rồi lại tìm lên bờ, cách làng một quãng khá xa, ngồi nấp một chỗ kín. Khi Quốc trở về làng thấy con gái làng có người bị chúng làm nhục đã đâm đầu xuống giếng mà chết. Máu Quốc lại sôi lên. Trong khi làm tang lễ cho người con gái xấu số, người làng từ già chí trẻ ai cũng bầm gan tím ruột. Quốc đứng trước huyệt, kể tội giặc Hán. Người già nghe ai cũng khóc, còn bọn trẻ thì mím môi nghiến răng. Lúc ấy, chợt mẹ nàng Quốc nói : " Bây giờ mẹ xin theo con, con bảo làm gì mẹ cũng làm để rửa nhục cho người con gái này ! ". Câu nói đơn giản như lửa châm vào giàn củi khô. Người già người trẻ, con gái con trai đều hăng hái nói : " Chúng tôi xin theo nàng để rửa nhục ! ".
* * *
Mẹ cùng con gái đi tìm người giỏi vật, giỏi múa đao, đánh gậy về dạy con trai con gái ở làng. Các làng trong vùng dần về theo nàng Quốc. Đang lúc tình hình như lửa bắt đầu bốc thì mẹ nàng Quốc ốm nặng. Người mẹ đáng thương lúc hấp hối rất tỉnh. Bà xin sư thầy cho mình được mặc y phục nhà chùa, xin sư thầy làm lễ cầu cho mình được siêu sinh tịnh độ lên cõi Nát Bàn. Mọi người đến thăm bà mẹ không ai không ứa nước mắt. Chợt bà mẹ gắng gượng nói, tiếng nói nhỏ nhưng nghe rất rõ ràng : " Này các người, các người hãy vững lòng theo con tôi ! Nàng Quốc chính là con của Giao Long giang thần đấy ! ".
Bà mẹ nói xong thì tắt thở.
Có lẽ bà mẹ nói mê sảng hoặc cũng có thể bà mẹ đã được Giao Long giang thần ứng mộng ? Nhưng dù thế nào thì mọi người cũng lại càng tin cậy nàng Quốc. Cũng từ đó, khắp vùng đều truyền đi câu chuyện về " Giao Long nữ " ra đời để cứu dân khỏi ách áp bức bóc lột của bọn quan lại Hán tộc. Người theo về với " Giao Long nữ " ngày càng đông. " Giao Long nữ " chọn hai trăm tráng sĩ lập một đội thuỷ binh dùng bơi thuyền như bay trên mặt nước. Các tráng sĩ đều xâm mình Giao Long ở ngực để tỏ lòng tôn phục " Giao Long nữ ". Đội thuỷ binh tập bơi lặn, tập thuỷ trận, tập đánh bằng lao bằnh lưới. Phép lấy " lưới làm binh khí " mà đánh địch ở thuỷ trận cũng là do " Giao Long nữ " nghĩ ra.
" Giao Long nữ " nghiêm trang mà dịu dàng, ai có công thì khen ngợi, ai có lỗi chỉ bảo ngay. Vì nàng ít nói cho nên nói câu nào cũng được mọi người lắng nghe.
Mùa đông, Giặc Hán đến chinh phạt nghĩa quân của " Giao Long nữ ", bị nghĩa quân đánh một trận thuỷ chiến, giặc thua to. Từ đó, danh tiếng " Giao Long nữ " lại càng nổi.
Năm sau, có tin Lê Chân nổi lên ở vùng biển, Bát Nạn tụ nghĩa ở đồng bằng, Nàng Nội ở Bạch Hạc chém rụng đầu tướng quân của Tô Định. Nàng Quốc cho người đi các nơi để thăm dò tin tức, lại có tin bà Trưng Trắc đã truyền hịch khởi nghĩa nàng Quốc vui mừng bèn cùng nghĩa quân thuỷ bộ vẫy gươm chỉ giáo quét các đồn trại quân Hán dọc sông Hồng rồi tiến về Mê Linh yết kiến Hai Bà Trưng.
Quét sạch giặc Hán ra khỏi bờ cõi, thu phục lại nước Nam, Trưng Vương lên ngôi báu phong thưởng chức tước cho các tướng sĩ.
Bấy giờ Nàng Quốc tâu rằng : " Thần là một người con gái quê mùa, sinh ra không được biết mặt bố, nhờ mẹ của thần dạy dỗ mới nên người, thần đem chút tài hèn mà ứng nghĩa, may được bệ hạ thương mà cho theo, lập được chút công nhỏ. Thần không dám nhận phong chức tước, chỉ xin bệ hạ cho thần được trở về quê quán làm ăn, lập một ngôi đền nhỏ mà thờ mẹ, thế là thỏa cái chí của thần ". Trưng Vương khen ngợi rồi phong cho nàng Quốc làm Trung Dũng đại tướng quân, ban cho vàng lụa, lại ban phong cho mẹ nàng là Hoa nương phu nhân, truyền chỉ đưa về trang Hạ Tốn cho nhân dân lập đền thờ tự.
Mã Viện đem quân chiếm lại nước Nam. Nàng Quốc lại cầm quân theo Trưng Vương đánh giặc. Trận đánh ở Lãng Bạc, quân Nam không cự nỗi Mã Viện. Nàng Quốc phò giá Vua Trưng xông xáo trong trận mở đường máu đưa Vua Trưng về Cấm Khê.
Giặc đuổi tới Cấm Khê. Trong trận Cấm Khê quyết liệt và tuyệt vọng, Quốc một tay cầm mộc, một tay cầm đao, nhảy từ thuyền lên bờ tìm đón Trưng Vương rút theo đường thuỷ. Ba lần vào trận, ba lần nàng phải lui ra. Các dũng sĩ theo nàng chỉ còn hơn chục người đều liều chết mà đánh. Nàng Quốc ngã lăn xuống đất vì mệt. Các dũng sĩ của nàng vừa đánh vừa dìu nàng xuống thuyền. Lúc ấy nàng Quốc lại thấy hiện ra trước mắt con thuyền lớn với cờ xí và gươm giáo, với những bộ quần áo lạ mắt, và đoàn người khốn khổ còng lưng kéo con thuyền tàn bạo, con thuyền ngạo nghễ đè trên dòng sông quê hương mà lướt tới.
Máu lại sôi lên, nàng Quốc vùng đứng dậy, xông vào trận đánh. Lúc này giặc đã ập đến chặn kín cả mặt sông.
Quốc ngửa mặt lên trời. Trời cao thăm thẳm. Quốc nhìn ra sông. Một chiếc thuyền lớn đầy cờ xí và gươm giáo lừng lững đè trên sóng : thuỷ quân của tướng Hán Lưu Long đang quét mặt sông rồi !
Một mình Quốc tả xung hữu đột. Nàng bước tới đâu giặc rạt tới đó. Quân Nam tan rồi nhưng Quốc không chịu nhục. Và Quốc đã chết cái chết của một anh hùng(1).
Chú thích:1. Theo thần tích nàng Quốc ở đình Hoàng Xá, xã Kiêu Kỵ, huyện Gia Lâm (ngoại thành Hà Nội) thì mẹ nàng Quốc họ Đào quê ở Kiệt Đặc, Chí Linh, Hải Hưng, tu ở núi Thiên Thai, trang Đông Cửu, huyện Gia Bình nay là huyện Gia Hưng, Hà Bắc. Cũng thần tích này nói nàng Quốc sinh ra dưới một gốc đào khu Hoàng Xá, trang Hạ Tốn (nay thuộc xã Kiêu Kỵ)