Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Lịch Sử >> Nữ tướng thời Trưng Vương

  Cùng một tác giả
Không có truyện nào


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 12092 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Nữ tướng thời Trưng Vương
Nguyễn Khắc Xương

HỒ ĐỀ

   Hồ Công An ở trang Đông Cao là dòng lạc hầu, Tô Định gọi ra cho làm một chức quan ở quận, ông từ chối không nhận. Hồ Công An làm bạn với Bạch Thị Phương, con quan lạc tướng Bạch Thái Hoa.

Hai vợ chồng Hồ tướng công sinh được một gái một trai. Nàng Hồ Đề là con gái đầu lòng, vóc người cao lớn, có sức khỏe hơn người, mặt tròn như vành trăng rằm, mắt sắc, lông mày đen nhánh. Em trai Hồ Đề là Hồ Hác có tài bơi lội như cá, có thể quẫy mình dưới nước hàng buổi không mệt. Bạch Thị Phương là con nhà tướng, võ nghệ tinh thông ; bà chú ý dạy các con mọi đường cung kiếm, lại đón thầy về dạy con các môn đao kích. Bà vẫn thường răn bảo các con : " Tô Định giết quan huyện lệnh Chu Diên Đặng Thi Sách là người trung nghĩa, sát hại nhiều con em dòng lạc hầu, lạc tướng. Dân ta bị giặc róc xương hút tuỷ, oán giận đầy lòng. Ngày bại vong của chúng chẳng chóng thì chầy rồi cũng tới nơi. Lúc này chính là lúc các con cần đến võ lược. Việc học tập, các con phải chuyên cần, không được trễ nải ". Hai chị em đều ghi nhớ lời mẹ dạy, sớm hôm luyện tập, mong có dịp báo đền nợ nước.

Một hôm có đoàn buôn ngựa đi qua trang, một con ngựa đen cao lớn đuôi quét đất, bờm dày như đám mây đen, chợt lồng lên, không ai bắt nổi. Con ngựa chạy tới cổng trang trại họ Hồ, tung vó đá hất, gia nhân nhà Hồ công bắt giữ hộ những người lái ngựa mà bắt không được. Nàng Hồ Đề thấy tiếng huyên náo, chạy ra. Con ngựa đen đang chồm lên, quần nát cả vuờn hoa gần cổng trang. Một người gia nhân bị con ngựa đá hậu nằm lăn trên mặt đất, nhưng con ngựa quần dữ quá, không ai vào cứu được người gia nhân ấy đưa ra.

Nàng Hồ Đề bèn xắn cao tay áo rảo bước đến bên con ngựa, vươn tay ấn đầu ngựa xuống. Con ngựa lồng lộn lắc đầu, bờm bay cuồn cuộn, hất tung vó sau vẫn không thoát nổi bàn tay của Hồ Đề. Hồ Đềà nhẹ nhàng nhảy lên mình ngựa, giật nhẹ giây cương. Ngựa tung vó trước, chợt ngẩng cao đầu hí một tiếng dài, vụt lao đi như bay. Một lúc sau Hồ Đề dong ngựa quay lại, nét mặt vẫn tươi tỉnh như thường. Mọi người vui mừng reo vang. Người trùm phường buôn ngựa nhìn ngắm Hồ Đề thấy tướng mạo khác thường, hỏi biết Hồ Đề là con nhà tướng, liền kính trọng dâng con ngựa đen ấy cho Hồ Đề. Hồ Đề không nhận. Người đó nói : " Nữ anh hùng phải được con chiến mã hay mới có thể vùng vẫy được trong thiên hạ. Để con ngựa này về tay quân đô hộ ngoại tộc kia chẳng hoá lại làm lợi cho chúng hay sao ? ". Hồ Đề nghe hợp ý, vui vẻ nhận ngựa, đem ba mươi tấm lụa trao lại cho người lái buôn. Người lái buôn ngựa không nhận, nói rằng : " Sau này nàng gặp dịp đắc ý chớ quên ta ".

Được vài hôm sau, có công sai của Tô Định đến triệu Hồ Công An về quận sở, nói là để bàn việc. Hồ Công An nghi ngại, ngờ rằng câu chuyện con gái trị ngựa bất kham đến tai Tô Định nên Tô Định e sợ mà muốn tìm cách triệt ta chăng ? Hồ tướng công mới từ tạ với sứ là đang yếu mệt không đi được. Tên sai sứ hống hách đập bàn xô ghế dọa nạt, lại đòi ăn lễ. Vừa lúc đó Hồ Đề nương đi tập ngựa về. Đứng ở cửa nghe một lúc, mặt giận đỏ bừng, lông mày dựng ngược, đôi mắt lóng lánh, nàng xô cửa bước vào, túm ngay lấy ngực tên quan của Phủ thái thú, nàng chỉ mới tát cho nó hai chiếc, tên giặc kia đã hộc máu nằm dẫy trên mặt đất. Bọn lính đi theo cũng bị Hồ Hác mới mười lăm tuổi đánh cho chạy tán loạn. Ông bà Hồ Công An vội mắng hai con, xin lỗi bọn quan quân Tô Định, dọn cơm rượu cho chúng và đưa đồ lễ về cho Tô Định.

Sau khi tên sứ của Tô Định hậm hực ra về, ông bà Hồ Công An nghiêm khắc răn mắng hai con. Ông lo nghĩ về việc Tô Định đang để ý hại mình lại nhớ mối thù Thi Sách và các chiến hữu của mình bị giết, uất ức thành bệnh nặng, vài tháng sau ông mất. Làm tang cho chồng xong, Bạch Thị Phương biết Tô Định không thể nào để mẹ con mình sống yên ổn mới gửi lại trang trại, cùng hai con và một số gia nhân thân tín tìm chốn ẩn náu.

                             * * *
Động Lão Mai nằm giữa một thung lũng lớn mùa xuân trắng hoa mai, mùa hè vàng quả chín. Những quả mai vàng thơm mát rụng đầy đất đầy khe chẳng ai buồn nhặt. Hơn ba chục nóc nhà sàn rải rác dọc một con suối lớn, suốt ngày đón gió vì thung này nằm dọc hướng Đông Nam. Động Lão Mai là một động lớn trong số 72 động của núi rừng Thiên Sớ, ở đây nhà nào cũng có trâu đàn, nghé bầy, có gà đầy sân, lợn dăm bảy con thả rông quanh nhà. Dân phát nương tra ngô và lúa. Vùng này có nhiều thú rừng nên trâu không được thả xa, cho đeo mõ và thả gần động. Nhà nào cũng có nỏ và giáo, mùa đông lấy da thú làm chiếu nằm. Dân động thật thà, hiếu khách nhưng tính tình hung tợn, ưa sự đánh nhau với các động khác, thường chỉ vì một con thú săn mà đến đổ máu. Con gái cũng phóng lao bắn nỏ như trai.
Chúa động Lão Mai là một nữ tù trưởng họ Hoàng, tuổi đã ngoài 60, người ốm yếu, theo tục lệ chồng mất được cầm quyền thay chồng vì không có con. Nữ chúa động tin cậy thương yêu ba mẹ con Bạch Thị Phương. Bà nhận Hồ Đề và Hồ Hác làm con nuôi, giúp cho ba mẹ con và các gia nhân một chiếc nhà sàn năm gian, lại cấp cho trâu, lợn làm vốn liếng.

Một hôm, bà Bạch Thị Phương đem việc lớn bàn với các con : " Chúng ta ở đây là nơi hẻo lánh, giặc Hán không với tới, lại được dân tin yêu, đó cũng là điều đáng mừng. Nhưng chúng ta đâu phải tìm chốn yên thân, mà phải tính đến mưu đồ đại sự. Vậy các con có kế sách gì hay nói cho mẹ nghe ". Hồ Hác hăng hái thưa : " Dân động đều thạo tên nỏ lại ưa sự đánh nhau. Ta cứ kể rõ đại nghĩa cho họ rồi kéo quân lên đánh phá châu lỵ, kế bắt trói ngay thằng châu úy lại, thế là các động đều quy phục theo ta. Việc lớn gì chẳng thành ? ". Bà Bạch và Hồ Đề cười. Hồ Đề suy nghĩ một lúc rồi thưa mẹ : " Em con nói cũng có phần đúng. Thế nào mà chả có lúc trói châu úy, phá châu lỵ. Nhưng đó là việc về sau. Con nghĩ lúc này phải kết giao hào kiệt, xây dựng nghĩa quân, không biết ý mẹ thế nào ? ". Bà mẹ nói : " YÙ con rất hay. Vùng Thiên Sớ này đất rộng và hiểm, dân thuần hậu chất phác, phóng khoáng không chịu mọi sự ràng buộc cho nên giặc Hán cũng không gò thắt được. Đó là những điều thuận lợi cho ta. Mẹ thấy dân các động đều thiếu muối ăn, phải đốt nứa mà ăn tro để lấy chất mặn, lại thiếu cả chỉ thêu và dao, cuốc. Vậy chúng ta phải mở con đường vượt qua Tam Đảo trở về bên quê đem những thức đó về bên này rồi dựa vào đó mà đi lại các động, con nghĩ thế nào ? ". Các con đều vui mừng, khen mẹ tài giỏi mưu trí. Ba mẹ con cùng cười. Bấy giờ Hồ Hác nhận cùng gia nhân trở về bên quê đem hàng sang Thiên Sớ. Còn Hồ Đề cùng hai gia nhân gái sẽ đem hàng đi đến các động đổi gạo, lấy gà để thăm dò tình hình và kết giao với các chúa động.

Hồ Đề dong con ngựa ô thồ muối và các thứ hàng đi đến các động, vừa đổi vừa biếu, thăm hỏi tình hình các động. Nàng được biết trong số 72 động chúa, quá nửa là có điều bất bình với giặc Hán. Chỉ có một số nhỏ làm tay chân cho giặc, còn lại một số thì giặc bảo sao làm vậy, cốt được việc cho yên thân. Hồ Đề có một vẻ đẹp đoan trang, nàng lại tôn trọng phong tục các động, lại biết dân các động vốn ưa người vũ dũng nên cũng không dấu tài nghệ của mình, có khi nàng theo họ săn hổ rượt nai, có khi cùng họ ném lao bắn nỏ. Dần dần nàng được các chúa động mến phục và dân các động tin yêu. Từ đó, nàng chọn người để kết giao, bàn việc lập căn cứ và không tuân theo những lệnh bắt phu nộp cống của giặc Hán.

Cũng nhờ đi lại quen biết các chúa động, Hồ Đề đã ngăn được nhiều cuộc xung đột đẫm máu vẫn thường xảy ra giữa dân các động thuộc các tộc khác nhau. Hồ Đề lại tổ chức ở Lão Mai một đội nam binh và một đội nữ binh, dạy dân cày vỡ các tràn ruộng độc để lấy thêm lương thực. Trước kia, dân các động phải đi hàng ngày trời về châu lỵ mua dao cuốc. Những dụng cụ bằng sắt mà hư hỏng là đều vứt bỏ không dùng nữa. Nay, Hồ Đề lập một tổ lò rèn ở Lão Mai với hai bễ rèn. Các động xung quanh đến Lão Mai rèn dao cuốc, sửa chữa các dụng cụ hư hỏng, rồi lại rèn mũi mác, đầu lao. Trước kia, lò rèn chỉ có ba gian bên suối, sau lại nối thêm hai gian nữa, thêm một bễ rèn giao cho một người cháu của bà chúa động. Người này cũng tinh khôn và chịu khó, được Hồ Đề và Hồ Hác hướng dẫn tận tình. Hồ Đề, Hồ Hác ân cần tiếp đón mọi người, lấy năm gian lò rèn bên suối Mai làm nơi gặp mặt với những người có chí khí, cùng mưu những việc khuấy nước chọc trời.
 
Công việc đang thuận chiều như ngọn lửa mới nhen được gió thì bà Bạch Thị Phượng bị bệnh mất. Hai chị em Hồ Đề vật vã khóc lóc. Dân động Lão Mai ai cũng thương tiếc bà mẹ hiền từ. Nhiều chúa động và những người quen biết xa gần đến viếng tang. Năm ấy Hồ Đề vừa tròn hai mươi tuổi.

Một đêm, bà chúa động Lão Mai cho vời Hồ Đề đến mà nói : " Nhân dân ta đồn rằng ai bắt được con voi trắng chéo ngà của núi rừng Thiên Sớ thì sẽ được làm vua Thiên Sớ, con có nghe chuyện ấy không ? ". Hồ Đề gật đầu thưa : " Đó là lời ngoa truyền mà thôi, người ta còn nói đó là " voi thần " nữa kia. Nhưng đã ba năm nay con ở đất này đi đã nhiều động, chưa thấy chúa động nào nói đã từng được nhìn thấy voi trắng chéo ngà bao giờ ". Bà chúa động hạ thấp giọng : " Có, chính chồng ta được nhìn thấy nó rồi. Và những người theo chồng ta được nhìn voi trắng hãy còn. Con voi đó không có đàn, không rõ nó ẩn náu ở đâu. Thỉnh thoảng cũng có người gặp nó nhưng chưa ai săn được. Vả lại dân Thiên Sớ vẫn tin rằng đó là bộ hạ của thần núi, cũng không ai dám động đến nó ! ". Hồ Đề lại hỏi : " Đã tin là voi của Sơn thần sao còn nói bắt được nó sẽ làm vua Thiên Sớ ? ". Bà chúa động mỉm cười : " Phải, không ai dám săn nó, nhưng nếu nó theo ai thì sao ? Nếu như Sơn thần cho nó theo một chúa động nào, chúa động đó sẽ được cả Thiên Sớ thần phục, tôn làm đại vương ". Bà im lặng một lúc, nhìn sâu vào mắt Hồ Đề : " Ta già rồi, cả động này không có ai sánh với con được. Dân các động cần có một người cầm đầu của mình chứ không phải là tên châu úy người Hán tộc hung ác và tham bạo. Họ Dương chồng ta vốn không biết luồn cúi, vẫn bị bọn chúng hiếp đáp. Chồng ta chết, chỉ tiếc không có con trai để rửa nhục cho dòng họ. Con ạ, dân các động phải có một người làm chủ. Còn con voi trắng chéo ngà... ", bà nghé mặt sát vào mặt Hồ Đề : " Voi trắng chéo ngà đã về trên đất đai của động ta rồi ! ".

                          * * *
Ngược con suối Mai chảy dọc theo thung lũng, đi lên khoảng chừng sáu dặm có một thác nước từ đỉnh một ngọn núi cao có tên là núi Sọ đổ ra, ngày đêm tiếng nước reo vang như trống trận, dân gọi là thác Bạc. Từ bờ khe lên tới thác phải mất một buổi leo một dốc đá gần dựng đứng, người leo dốc luôn phải ngửa mặt lên, vì thế có tên là dốc Cài Hàm. Mé trên thác Bạc có một hang lớn nhưng ở dưới nhìn lên không sao thấy được. Nước nguồn từ hang này đổ ra tuôn thành dòng thác. Hang không có tên. Xung quanh hang là rừng già xanh ngắt bốn mùa mây phủ, không từng có dấu chân người. Con voi trắng khổng lồ có đôi ngà bắt chéo vẫn tìm đến hang đầu nguồn này để tránh cái oi bức của mùa hè.
Các chúa động tin rằng người nào thu phục được con voi trắng chéo ngà là người ấy được Sơn thần chọn làm chúa các động và vì thế một người nào bắt được con voi ấy sẽ được các động một lòng tôn xưng làm Thiên Sớ đại vương và dốc lòng thần phục.

Hồ Đề cùng một số những trai tráng và nữ binh gan dạ khỏe mạnh nhất trong động đi xem xét dấu của " voi thần " và tìm hiểu giờ giấc nghỉ ngơi của nó, những đường nó hay đi lại, những chốn nó thường đến tìm ăn...Sau bốn ngày dò xét, Hồ Đề quyết định mở cuộc vây bắt " voi thần ". Nắm chắc phần thắng lợi và có dụng ý sâu xa, nàng thưa với bà chúa động cho người đi mời các chúa động xa gần đến dự hội đón " voi thần ". Tin ấy đưa đi các chúa động đều giật mình kinh ngạc và sắm sửa vội vàng đến động Lão Mai.

Động Lão Mai suốt ngày đông khách. Khách đến, mang theo nhiều thức quý để mừng chủ nhân : vòng đeo tay bằng bạc trắng ngần, hạt đeo cổ bằng ngọc trong suốt, sừng tê lóng lánh, ngà voi trắng phau, hổ phách vàng trong như giọt mật ong. Mùa này, ở Lão Mai quả mai nở vàng rừng, rừng mai dâng quả mời khách. Tiếng kèn tiếng trống vang rộn từ sáng sớm tới gần nửa đêm. Mọi người đều chờ đợi một điều kỳ diệu : ngắm " voi thần " và người thu phục được con voi khổng lồ đó.

Suốt ngày hôm ấy, Hồ Đề, Hồ Hác cùng những người theo săn vẫn bám sát voi. Tới nửa đêm, đoàn người thắt vòng vây quanh hang Thác Bạc...

Khi mặt trời đỏ rực vừa hiện lên ở đằng Đông trên những dải mây màu da cam và màu vàng lửa, một hồi trống đồng vọng đến rồi có tiếng tù và rúc lên như xoáy vào lòng người. Mọi người ùa ra đứng ở hai bên khe, trên con đường chạy dọc bản, trên các sân sàn, hồi hộp nhìn về phía thượng nguồn. Từ phía đó, một đoàn người đang đi đến...Các dũng sĩ nam và nữ cầm giáo dài mang nỏ lớn vây quanh một con voi trắng khổng lồ trông đồ sộ như một quả núi đang di chuyển và họ vừa đi vừa múa giáo theo nhịp trống đồng. Hồ Đề ngồi trên lưng voi, tươi cười hớn hở, tay cầm lao dài tay cầm búa bạc, áo xanh yếm đỏ, rực rỡ như mặt trời. Mọi người hò reo mừng rỡ, chúc tụng Hồ Đề, đều tôn xưng Hồ Đề là thần nữ. Từ ngày đó, uy danh Hồ Đề lừng lẫy khắp các động.

Mùa đông năm ấy, nữ chúa động Lão Mai mất, dân động cùng một lòng tôn Hồ Đề làm chúa. Mùa xuân năm sau, các chúa động họp nhau ở Lã Mai, cùng tôn xưng Hồ Đề là Thiên Sớ đại vương.

Thiên Sớ đại vương mới 21 tuổi đã phải lo lắng mọi công việc của 72 động, lo đối phó với giặc Hán, lo lương thực và khí giới, nhất là đại vương lo hòa hợp các động cùng nhau một dạ một lòng.

Tới mùa xuân năm sau, châu úy đem quân " tiễu phạt " động Lão Mai. Hồ Đề phục quân 3 động đón địch ở đường hẻm Trâu Luồn, đánh cho địch một trận thất điên bát đảo. Châu úy đem tàn quân chạy về châu lỵ, cấp báo về Phủ thái thú. Phủ thái thú điều quân đến Lão Mai cũng bị Hồ Đề đánh cho đại bại. Viên châu úy bị bắn từ trên ngựa ngã nhào xuống đất. Quân ta ùa ra bắt lấy, chặt đầu làm lễ tế cờ. Từ đó 72 động đều theo về với Đại vương. Phủ thái thú cử châu úy khác về thay trị nhậm đất Thiên Sớ, và giục giã phải cử binh dẹp cho bằng được " Giặc Lão Mai ". Nhưng rừng núi mênh mông, giặc tới đâu nghĩa quân đều biết, giặc có bao nhiêu quân số nghĩa quân đều hay, nghĩa quân đón dọc đường, núp trong rừng mà bắn ra rồi múa đao áp sát đánh giáp lá cà, không trận nào không thắng.
 
Danh tiếng Hồ Đề là " vua Thiên Sớ " bay khắp các châu quận, ngày càng có nhiều hào kiệt các châu tìm đến xin theo Hồ Đề.

Khi được tin Hai Bà Trưng tụ nghĩa ở Mê Linh, Hồ Đề họp các chúa động, nói : " Ta ở một vùng rừng núi này chỉ có giữ mà không có đánh, lập giang san riêng ra khỏi vòng ràng buộc của giặc nhưng không quét được giặc, như vậy vẫn là không thoát khỏi lưới giặc. Nay có Trung nữ chủ khởi nghĩa ở Mê Linh, anh hùng bốn phương đều hướng về nữ chủ. Nữ chủ là cháu ngoại các Vua Hùng, là vợ góa của Đặng công Thi Sách, quan huyện lệnh Chu Diên. Nay Trưng nữ chủ đã truyền hịch cứu nước đi khắp các nơi, ta phải theo về với nữ chủ mới thu phục được giang sơn, cất được ách áp bức của giặc Hán ". Mọi người đều cho là phải, chọn ngày tốt làm lễ tế cờ ra quân. Các động đều hăng hái theo Hồ Đề, đeo nỏ cắp giáo đợi giết giặc. Hồ Đề cầm cờ xanh cưỡi voi trắng cùng hai nghìn nghĩa binh các tộc miền núi về Mê Linh hội quân với Trưng nữ chủ.

Trưng nữ chủ gặp Hồ Đề, thấy Hồ Đề khí phách anh hùng, tuổi còn trẻ mà thu phục được các động miền núi rừng Thiên Sớ, giang sơn một cõi, nữ chủ hết lời khen ngợi, đem việc lớn bàn với Hồ Đề đều được vừa ý. Nữ chủ thương Hồ Đề là con của lạc hầu Hồ tướng công, người đã dự mưu cùng chồng mình chống Tô Định nên coi Hồ Đề như ruột thịt. Hồ Đề kính phục dâng voi trắng lên nữ chủ. Nàng đem quân miền núi theo Hai Bà về Hát Môn tế cờ.

Hồ Đề được Trưng nữ chủ phong chức Phó nguyên soái đứng đầu hàng nữ tướng, ngang chức với Bà Trưng em. Hồ Đề ba lần từ chức không dám nhận, Trưng nữ chủ nhất quyết giao ấn, Hồ Đề phải vâng lời.

Trưng nũ chủ tự lĩnh Đại nguyên soái, thân chỉ huy các đạo quân tiến đánh Tô Định rất gấp. Hồ Đề hạ lệnh cho quân lấy gạo nếp giã bánh dầy làm lương khô.

Quân các bản các động theo Phó nguyên soái Hồ Đề tới gần một vạn người.

Hồ Đác là em Hồ Đề được giao chức Điều vát tướng quân chuyển vận binh lương ở miền bể. Người tráng sĩ đã tặng Hồ Đề con ngựa đen tìm đến theo Hồ Đề được phong phó tướng dưới quyền của Hồ Hác.

Khi nước đã yên, Bà Trưng lên ngôi vua, Hồ Đề được phong công chúa, trước gọi là Đề nương công chúa sau cải là Đào nương công chúa.

Mã Viện vâng lệnh Hán đình cầm quân xâm phạm nước Nam. Vua Trưng hạ lệnh các đồn ải phải nghiêm phòng cẩn mật, lại lệnh cho chặn đánh giặc ở các ngả. Phó nguyên soái Hồ Đề ra quân, đánh trận nào, giặc thua trận ấy, có lần đại chiến với Mã Viện đuổi Mã Viện chạy dài ở Cao Bằng. Mã Viện còn đang cơn hốt hoảng, Hồ Đề gấp tiến quân không cho giặc nghỉ, bao vây Mã Viện.

...Sau khi Trưng Vương đã tử tiết, Hồ Đề vẫn còn cầm quân chống giặc. Có lần tìm về nơi Trưng vương mất để viếng mộ phần, Hồ Đề không phòng bị gặp Mã Viện đánh bất ngờ. Hồ Đề không chống cự lại được với quân Mã Viện lớp lớp vây kín, mới cố đánh mở đường chạy tới bờ sông Nguyệt Đức bến Tân Thứ. Trước mặt sóng nước mênh mông, sau lưng giặc đuổi sắp tới, Hồ Đề hét to một tiếng, nước rẽ ra đón cả người lẫn ngựa.

Hồ Hác binh đơn thế yếu, nghe tin chị đã tử tiết cũng tử tiết theo, lấy nước làm nơi gửi thân.

Chú thích:
1. " Thiên Sở " nói trong truyện trên ngày nay là tỉnh Thái Nguyên. Hồ Đề và Hồ Hác đều được thờ ở đền Nhà bà và đình thôn Đông Cao, xã Tráng Việt, huyện Yên Lãng, tỉnh Vĩnh Phú.

<< LÊ THỊ HOA | XUÂN NƯƠNG >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 802

Return to top